Saturday, June 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 4/6

Tin Thế Giới

1.
Bộ trưởng Carter: Trung Quốc có thể dựng lên Trường thành của tự cô lập

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói Trung Quốc “rốt cuộc có thể dựng lên Vạn lý Trường thành của tự cô lập” nếu họ tiếp tục những hoạt động quân sự hoá có tính chất gây hấn tại những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông.

Phát biểu ngày hôm nay trước các vị bộ trưởng quốc phòng, các nhà phân tích an ninh và các học giả tham dự cuộc Đối thoại Shangri-la ở sing, ông Carter nói có “mối lo ngại mỗi ngày một tăng” về những hành động của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược này và các nơi khác.

Mối quan tâm đặc biệt vào lúc này là Trung Quốc có tiến hành hay không kế hoạch lấp biển lấy đất tại bãi cạn Scarborough, nơi mà Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền và cách Vịnh Subic 200 kilo mét về hướng tây.

Ông Carter nói rằng một hành động như vậy sẽ “có tính chất khiêu khích và gây bất ổn.”

Tại cuộc họp báo sau đó trong ngày hôm nay, ông Carter nói hành động như vậy của Trung Quốc sẽ gây ra những phản ứng từ Hoa Kỳ và các nước khác.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói một phản ứng có thể có của Washington là công khai tuyên bố hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi không có giới hạn địa lý cho nên “nếu các lực lượng hoặc tài sản của  Philippines bị tấn công ở bất cứ nơi nào, Hoa Kỳ đều có bổn phận giúp đỡ.”

Ông Giả Khánh Quốc, một học giả Trung Quốc, khi phát biểu tại hội nghị này sáng ngày hôm nay, cho rằng chính nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã làm cho căng thẳng leo thang qua việc đưa máy bay quân sự và chiến hạm tiến vào khu vực gần lãnh thổ của các nước khác dưới danh nghĩa “tự do hàng hải.”

Ông Giả cũng nói rằng vụ tranh chấp Biển Đông đã bị thổi phồng quá độ và nêu câu hỏi với ông Carter là “Tại sao lại tập trung chú ý vào Trung Quốc” trong lúc các nước khác cũng có những hoạt động lấp biển lấy đất tại những hòn đảo có tranh chấp?

Bộ trưởng Carter trả lời rằng Trung Quốc thực hiện những hành động khiêu khích này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác cho nên Trung Quốc đã trở thành trọng tâm chú ý.

Nữ thiếu tướng Diêu Vân Trúc của quân đội Trung Quốc hôm nay cũng lên tiếng chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Quân sự của Quân đội Trung Quốc nói rằng những hành động đó của Mỹ có thể được diễn giải là “chuẩn bị chiến trường.”

Cuộc hội thảo an ninh ở Singapore diễn ra trong lúc Toà án Trọng tài Quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết về cụ kiện của Philippines chống lại những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Bắc Kinh tuyên bố không bị ràng buộc bởi phán quyết của toà án ở La Haye và xem tiến trình này là bất hợp pháp.

Bộ trưởng Carter nói rằng lập trường của Trung Quốc là sai lầm và phán quyết đó chính là một cơ hội để Trung Quốc và các nước khác trong khu vực theo đuổi một tương lai có nguyên tắc, thực hiện lại hoạt động ngoại giao để làm giảm căng thẳng.

Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ chủ trương của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Gen Nakatani hôm nay nói tại hội nghị rằng “Tất cả phán quyết hoặc quyết định của các toà án liên hệ phải được tuân hành đầy đủ bởi tất các các nước có yêu sách chủ quyền, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Đối thoại Shangrila và Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Á châu hàng năm có sự tham dự của các đại diện của hơn 50 quốc gia.

Ngoài vấn đề Biển Đông, hội nghị Shangri-la cũng bàn về vấn đề Bắc Triều Tiên và chống khủng bố. - VOA
|
|

2.
Các cường quốc thế giới tìm cách hồi sinh hoà đàm Trung Đông

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói cần có những ý tưởng “xây dựng” để tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Ông Kerry tuyên bố như vậy sáng nay sau cuộc họp tại Paris với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, trước khi lên đường đi Mông Cổ.

Ông Kerry đã họp tại thủ đô nước Pháp với các vị bộ trưởng của hơn 20 quốc gia đã chấp nhận đề nghị của Pháp để phối hợp và làm việc nhằm triệu tập một hội nghị quốc tế vào cuối năm nay để đưa ra một giải pháp cho cuộc xung đột. Cả Israel lẫn Palestine đều không dự hội nghị ở Paris.

Hôm qua, Ngoại trưởng Kerry nói Israel và Palestine phải thực hiện ngay những biện pháp để chứng tỏ ý muốn có được một nền hoà bình lâu dài.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Israel và Palestine “thực hiện lựa chọn can đảm cho hoà bình.” Ông nói thêm rằng các cường quốc thế giới nên nắm giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hoà bình, nhưng cuối cùng thì Israel và Palestine phải tự mình giải quyết những mối bất đồng.

Tuy có sự leo thang bạo động hồi gần đây giữa Israel và Palestine và đôi bên không có mặt tại hội nghị Paris, nhưng có một tia hy vọng qua việc ông Avigdor Lieberman tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng quốc phòng Israel hôm thứ hai. Nhân vật có lập trường dân tộc cực đoan này tuyên bố ủng hộ cho giải pháp hai quốc gia Israel và Palestine sống chung hoà bình. - VOA
|
|

3.
Tưởng niệm Thiên An Môn: Trung Quốc bắt nhiều nhà hoạt động

Theo một tổ chức phi chính phủ Trung Quốc, hai ngày trước lễ kỷ niệm 27 năm vụ thảm sát ở Thiên An Môn, 04/06/1989, Bắc Kinh bắt giữ 6 nhà hoạt động nhân quyền. Một số khác đã bị "mất tích" trong những ngày gần đây. Đối với chính quyền Trung Quốc, cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ ngay quảng trường Thiên An Môn vẫn là điều cấm kỵ.

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn nguồn tin từ tổ chức phi chính phủ Trung Quốc, Weiquanwang, cho biết từ thứ Năm 02/06/2016, sáu nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có nhà thơ Liên Thái Bình (Liang Taiping ), đã bị bắt giữ sau khi tổ chức một buổi tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn ở nhà riêng. Những người này đã bị bắt vì lý do « gây cãi vã và rối loạn"".

Về phía hiệp hội Các Bà Mẹ Nạn Nhân Thiên An Môn, một người cho biết, bà cùng nhiều bà mẹ khác đã ra nghĩa trang viếng con vào hôm nay và họ đã bị công an theo dõi chặt chẽ. Họ đã bị theo dõi từ tuần trước và khi đến nghĩa trang thì đã có khoảng 30 công an ăn mặc thường phục đứng canh chừng.

Thảm sát Thiên An Môn 1989 : Nhìn từ Việt Nam

Cách nay 27 năm, ngày 04/06/1989, chính quyền Bắc Kinh đã huy động xe tăng đến quảng trường Thiên An Môn dập tắt phong trào đòi dân chủ trong biển máu. Theo thẩm định của tổ chức Ân Xá Quốc tế, đã có khoảng 1.000 người thiệt mạng tại quảng trường này. Con số nói trên từng được giải Nobel Hòa Bình 2010 Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba, một nhân chứng tại chỗ, xác nhận.

Đối với chính quyền kỷ niệm Thiên An Môn vẫn là điều cấm kỵ. Thông tín viên đài RFI, Angélique Forget từ Thượng Hải cho biết:

"Như mọi năm, ngày mồng 4 tháng 6, không có gì xảy ra trên quảng trưởng Thiên An Môn. Cũng như thường lệ, công an Trung Quốc canh chừng rất kỹ để không một ai đến gần được quảng trưởng này và làm lễ tưởng niệm các nạn nhân. Tất cả đều êm ắng chung quanh khu vực này. 

Trên các mạng xã hội cũng vậy, không một ai đả động đến ngày 04/06/1989. Trên mạng Baidu, tương đương với Google của Trung Quốc, không ai tìm thấy một thông tin gì liên quan đến sự kiện này. Các từ khóa như "thảm kịch Thiên An Môn", hay vụ "thảm sát sinh viên năm 1989" đều bị kiểm duyệt.

Thậm chí ngay cả gia đình các nạn nhân Thiên An Môn cũng phải im lặng. Trong tuần, hiệp hội Các Bà Mẹ Nạn Nhân Thiên An Môn công bố một bức thư ngỏ tố cáo họ bị sách nhiễu, theo dõi và đe dọa. Một số người còn bị bắt giữ, câu lưu. Ngày 31/05/2016 có ít nhất ba nhà đấu tranh nhân quyền Trung Quốc bị bắt giữ trong lúc họ tổ chức lễ tưởng niệm biến cố đau thương này. 

Một lần nữa, chính quyền Trung Quốc muốn quên đi trang sử đó. Bắc Kinh tin chắc rằng, nhắc tới sự kiện ngày 04/06/1989 sẽ đe dọa trực tiếp đến tính chính đáng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Đài Loan kêu gọi Trung Quốc xoa dịu vết thương quá khứ

Một ngày sau khi Quốc Hội Đài Loan lần đầu tiên tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) trên trang mạng cá nhân Facebook cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh cần "xoa dịu vết thương quá khứ". Theo tân tổng thống Đài Loan, cải thiện những quyền cơ bản của con người sẽ giúp Trung Quốc được quốc tế trọng nể hơn.

Lần đầu tiên Quốc Hội Đài Loan kỷ niệm Thiên An Môn

Lãnh đạo đảng Dân Tiến hy vọng là "một ngày nào đó Đài Loan và Trung Quốc sẽ có cùng một quan điểm về dân chủ và nhân quyền". Quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đã "đóng băng" từ tháng Giêng 2016 sau thắng lợi vẻ vang của đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử tổng thống. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Võ sĩ Muhammad Ali qua đời

Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali đã qua đời, thọ 74 tuổi, sau khi chống chọi với bệnh Parkinson trong 32 năm.

Cựu vô địch quyền anh hạng nặng thế giới từ trần hôm nay, hai ngày sau khi nhập viện vì vấn đề hô hấp. Ông được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson vào đầu thập niên 1980.

Muhammad Ali, người vừa được yêu quý vừa gây tranh cãi, đã thống lĩnh môn quyền anh chuyên nghiệp nhiều đến độ tạp chí Sports Illustrated gọi ông là “Nhà thể thao của Thế kỷ 20.”

Là một người nổi tiếng với lòng đam mê và tài ăn nói, Ali có lần tự mô tả là một người có thể “bay lượn như một con bướm, nhưng có thể chích như một con ong.”

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tiểu bang Kentucky, Ali bắt đầu tập quyền anh khi lên 12 tuổi, sau khi một tay du côn trong xóm cướp xe đạp của anh, khi đó có tên là Cassius Clay.

10 năm sau, Ali đoạt giải vô địch lần đầu vào năm 1964 sau khi đánh bại Sonny Liston. Sau trận đấu đó, Cassius theo đạo Hồi và đổi tên thành Muhammad Ali, nổi tiếng khắp thế giới.

3 năm sau đó, Ali bị nhiều người chỉ trích vì không chịu đi lính, lấy lý do niềm tin tôn giáo và sự chống đối đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Ali bị kết tội trốn quân dịch và bị tước danh hiệu, khiến ông không thể thi đấu trong 3 năm cho tới khi bản án của ông được Tối cao Pháp viện đảo ngược vào năm 1967.

Huyền thoại quyền anh này nghỉ hưu năm 1981, sau khi đánh tổng cộng 61 trận nhà nghề với kết quả 56 thắng 5 thua.

Ngoài sự nghiệp thể thao, Ali còn là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Năm 2005, ông được trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, vinh dự cao quý nhất của Mỹ dành cho những người không ở trong quân đội. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Kêu gọi xuống đường vì môi trường và quyền được biết

Đã 2 tháng nay, những bà mẹ không dám cho con mình ăn cá biển.

Đã 2 tháng nay, ngư dân miền Trung ngắc ngoải vì không thể bán hải sản.

Đã 2 tháng nay, trẻ em không dám chơi đùa trên những bãi biển trong xanh.

Và đã 2 tháng nay, chính quyền không có câu trả lời minh bạch cho câu hỏi: Vì sao cá chết? 

Vì lẽ đó, chúng tôi kêu gọi một cuộc tuần hành rộng khắp cả nước nhân ngày Quốc tế Môi trường – ngày 5/6/2016.

Thời gian: 9 giờ sáng đến 10 giờ 30 phút trưa cùng ngày

HÀ NỘI: 
A) Đài phun nước Bờ Hồ;
B) Nhà Hát Lớn (dự phòng nếu điểm A ko tập kết đc)

SÀI GÒN: Công viên 30/4

ĐÀ NẴNG: Công viên 29-3

HẢI PHÒNG: Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng

Tại các tỉnh, thành khác: Ở bất cứ đâu với bất cứ ai có thể xuống đường với trang phục hay biểu ngữ về môi trường!

Lưu ý: Có thể tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ bất ngờ ở bất cứ địa điểm và thời gian nào có thể. - FB Nguyễn Hoàng Vi
|
|

6.
Ông Đinh La Thăng: 'Nỗ lực của ông Bob Kerry là chân thành'

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, lịch sử thì không thể thay đổi, nhưng tương lai lại tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa

Trước nhiều ý kiến cho rằng cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey sắp tới không nên ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác đại học Fulbright vì những sai lầm phạm phải trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho biết, trước hết, TP HCM đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ dự án Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

"Chúng tôi đã cùng với phía Mỹ làm mọi cách để dự án này thành hiện thực, như mọi người đang thấy. Tôi cho rằng FUV sẽ đóng góp hữu ích cho Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ riêng cho TP HCM, là dự án hướng tới tương lai của Việt Nam", ông Thăng nói và cho rằng điều này mang một ý nghĩa rất quan trọng về mặt phát triển cũng như tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước, góp phần củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

"FUV cũng là một bằng chứng cụ thể và có tính biểu tượng cao cho thấy Việt Nam và Mỹ đang quyết tâm gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai một cách thiết thực và hiệu quả", ông Thăng nói.

Về dư luận liên quan tới quá khứ của ông Bob Kerrey, ông Thăng cho rằng đó là một phản ứng có thể hiểu được nếu chỉ xét ở khía cạnh cảm xúc. Nhưng khi nhìn lại bất cứ sự kiện lịch sử nào, cần phải đặt trong mối tương quan với hiện tại, vì thế nếu chỉ cảm xúc thôi là chưa đủ.

"Chúng ta cần thêm cả một lý trí tỉnh táo và sáng suốt. Chúng ta hãy cùng đọc những lời tâm sự đau đớn của ông Bob Kerrey được báo Quân đội Nhân dân ghi lại từ năm 2001, ngay sau khi sự kiện Thạnh Phong được công bố: "Nếu tôi mất cả hai tay, hai chân, cả thị lực, thính lực của mình, thì cũng không nhiều bằng những gì tôi đã mất đêm hôm đó… Tôi xin nhân dân Việt Nam tha thứ cho tôi'".

Cũng theo ông Thăng, ngày 29/5 vừa qua, khi truyền thông Việt Nam nêu lại vấn đề này, ông Bob Kerrey tiếp tục thể hiện sự hối lỗi sâu sắc: "Tôi đã xin lỗi nhân dân Việt Nam về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách thành tâm và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới".

"Tôi nghĩ đó là những lời thốt ra từ gan ruột một con người hoàn toàn bất lực với việc sửa chữa lỗi lầm của mình", Bí thư thành ủy nói.

Theo người đứng đầu Thành ủy TP HCM, ông Bob Kerrey đã tìm mọi cách khác để chuộc lỗi với nhân dân Việt Nam, trong đó có việc nỗ lực sử dụng vai trò Thượng nghị sĩ, cùng với Thượng nghị sĩ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry, kêu gọi và gây sức ép lên Chính phủ Mỹ, yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Ông là người ủng hộ mạnh mẽ đàm phán các hiệp định thương mại giữa hai nước, cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright. Tổng thống Barack Obama, trong phát biểu trước thanh niên tại TP HCM ngày 25/5 vừa qua, đã cảm ơn và ghi nhận đích danh ông Bob Kerrey vì đã đi đầu trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

"Tôi hiểu ông phải rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay, dù hiểu rõ hậu quả của nó, cũng vì để có cơ hội tốt nhất giúp cho dự án FUV thành công, hiến tặng nhân dân Việt Nam những kinh nghiệm quý báu mà ông tích cóp trong nhiều năm qua. Những nỗ lực của ông Bob Kerrey là hoàn toàn chân thành và cần được ghi nhận", ông Thăng nói.

Theo ông Đinh La Thăng, trong vấn đề liên quan đến ông Bob Kerrey, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý và truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của ông cha ta trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc. Nếu chúng ta không giàu lòng tha thứ, thì dân tộc này đã không thể mạnh mẽ và đáng được kính trọng như ngày hôm nay.

Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama và việc ra đời của Đại học Fulbright Việt Nam là một cơ hội lịch sử để chúng ta chấp nhận sự hòa giải và nên là dịp để cả hai nước khép hẳn lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, vì con cháu chúng ta và vì lợi ích lâu dài của dân tộc.

"Hãy để cho ông Bob Kerrey được thêm một lần nữa cảm nhận sự vĩ đại của đất nước mà ông đã gây đau thương chỉ vì thiếu hiểu biết. Lịch sử thì không thể thay đổi, nhưng tương lai lại tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa", Bí thư thành ủy khẳng định.

Ông Bob Kerrey, 73 tuổi, từng làm thống đốc bang Nebraska (Mỹ) và là ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992. Trước khi theo đuổi con đường chính trị, ông là chỉ huy của đơn vị thủy bộ không phối hợp (SEAL) tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Kerrey đã nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) khiến 20 người thiệt mạng, năm 1969. - vnexpress (bị gỡ) và FB Đinh La Thăng

No comments:

Post a Comment