Sunday, June 19, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 19/6

Tin Thế Giới

1.
Hàng vạn người biểu tình phản đối căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa

Hàng vạn người Nhật trên đảo Okinawa đã xuống đường biểu tình đòi quân đội Mỹ đóng cửa các căn cứ quân sự tiếp theo nhiều vụ thu hút sự chú ý xảy ra gây chấn động dư luận liên quan đến các nhân viên tại các căn cứ ở đây.

Những người phản đối trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật muốn kế hoạch di chuyển một căn cứ quân sự của Mỹ từ một chỗ trên đảo Okinawa sang một chỗ khác bãi bỏ hoàn toàn.

Việc không chấp thuận các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo này đã hun đúc nhiều năm qua.

Hải quân Mỹ hồi đầu tháng này cho hay họ cấm nhân viên của họ ở Nhật dùng chất cồn, và hạn chế các hoạt động bên ngoài căn cứ quân sự sau vụ một thủy thủ ở Okinawa bị bắt vì bị nghi lái xe khi say rượu.  

Trung sĩ Aimee Mejia bị bắt khi lái xe sai tuyến trên một xa lộ và tung vào hai chiếc xe khác, làm hai người bị thương nhẹ.

Sau vụ lái xe khi say rượu, quân nhân Hải quân Mỹ trên cả nước Nhật bị cấm uống chất cồn hoàn toàn.

Hải quân Mỹ trước đó đã ra lệnh giới nghiêm lúc nửa đêm và cấm dùng chất cồn bên ngoài căn cứ sau vụ một cựu binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ làm việc cho một căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản bị bắt hồi tháng trước liên quan đến vụ một phụ nữ Nhật mất tích mà cảnh sát tin là đã bị hãm hiết và sát hại.

Kế hoạch ban đầu dời căn cứ quân sự của Mỹ có từ năm 1996 khi hai nước đồng ý đóng cửa căn cứ không quân Futenma ở một khu vực thành thị sau vụ một bé gái 12 tuổi người Nhật bị 3 quân nhân Mỹ hãm hiếp.  

Vụ đó đã dẫn tới những cuộc biểu tình lớn, và kế hoạch di chuyển căn cứ bị đình lại vì cư dân ở nơi có ít người ở hơn được dự trù là địa điểm dời căn cứ đến đã biểu tình phản đối tiếng ồn, ô nhiễm và tội phạm.

Tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong khu vực đã giảm sút một phần là do ông ủng hộ kế hoạch di chuyển địa điểm cho căn cứ quân sự của Mỹ, thay vì triệt thoái toàn bộ quân nhân Mỹ trên đảo như kêu gọi của thống đốc đảo này.

Okinawa là nơi diễn ra những cuộc chiến đẫm máu nhất giữa Mỹ và Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và sau đó Mỹ đã chiếm đóng nơi đây 27 năm. - VOA
|
|

2.
Hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận tại Biển Đông

Hai hàng không mẫu hạm Mỹ cùng với 140 máy bay và 12.000 thủy quân bắt đầu cuộc tập trận tấn công ở ngoài khơi Philippines, trong một hành động được xem là để bảo vệ đồng minh trước sức mạnh đe dọa của Trung Quốc tại biển Đông.

Theo tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình dương và chính phủ Manila, cuộc tập trận khai diễn vào hôm nay 19/06/2016 ngoài khơi Philippines với mục đích "bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, trên vùng biển và bầu trời khu vực".

Hai hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan tiến hành thao dợt theo dõi và tấn công vào mục tiêu từ xa, phối hợp với hoạt động của 12.000 thủy quân, 140 máy bay và nhiều chiến hạm khác. Một tướng Mỹ là Phó đề đốc Marcus Hitchcock, chỉ huy trưởng không đoàn chiến đấu cơ khẳng định là không một hải quân nước nào có thể tập trung sức mạnh hùng hậu như thế. Phó đề đốc John Alexender cho biết đây là cơ hội "để các đơn vị tác chiến phối hợp hành quân trong một vùng biển có tranh chấp".

Trong khuôn khổ chương trình cải tiến và tăng cường quân lực bảo vệ biển đảo của Philippines, phát ngôn viên bộ quốc phòng Philippines Peter Galvez tuyên bố các cuộc tập trận hỗn hợp do Mỹ thực hiện chứng tỏ "quyết tâm" của Hoa Kỳ thực hiện lời hứa bảo vệ đồng minh Philipines mà chủ quyền quốc gia đang bị hăm dọa. 

Philipines đang chờ phán quyết của Toà Trọng Tài Quốc Tế trong vụ kiện Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. - RFI
|
|

3.
Mỹ đòi Nga giải thích sau vụ F-18 và Sukhoi-34 chạm trán nhau ở Syria

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18/06/2016 vừa qua cho biết đã yêu cầu Nga giải thích vì sao tiếp tục oanh kích các đơn vị nổi dậy ở Syria do Hoa Kỳ ủng hộ thay vì tấn công phe thánh chiến Daech như đã thỏa thuận hồi tháng hai. Trong cuộc trao đổi qua hệ thống video, các viên chức của Lầu Năm Góc đã chất vấn các đồng sự Nga sau vụ ném bom vào một đơn vị chống Daech gần biên giới Irak trong hai ngày thứ Năm 16/6 và thứ Sáu 17/6 cho dù chiến đấu cơ Mỹ xuất hiện và cảnh báo.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường thuật :

"Trong bản thông cáo, Lầu Năm Góc cho biết Hoa Kỳ rất lấy làm lo lắng sau vụ oanh tạc cơ SU-34 của Nga đã ném bom vào vị trí lực lượng chống Daech ở miền nam Syria và do liên quân quốc tế yểm trợ. Các cuộc oanh tạc này vẫn tiếp diễn sau khi Hoa Kỳ thông báo với phi công Nga là họ đang tấn công vào các chiến binh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Phía Mỹ đã sử dụng kênh liên lạc đặc biệt được lập ra để tránh cho máy bay hai bên đụng độ nhau trên không phận Syria. Thế mà, ngày thứ sáu 17/06, SU-34 và F-18 gần như chạm mũi nhau, thiếu chút nữa là xảy ra không chiến. Đối với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, phi công Nga không có phản ứng chuyên nghiệp.

Lầu Năm Góc muốn rằng phía Nga sẽ đáp ứng mối quan tâm của Mỹ qua các cuộc thảo luận ngoại giao đang tiến hành để chấm dứt cuộc chiến Syria.

Từ khi Matxcơva can thiệp quân sự vào Syria, Washington nhiều lần than phiền không quân Nga tập trung tấn công lực lượng nổi dậy chống chính quyền Damas hơn là dội bom thánh chiến cực đoan Daech." 

Theo tin của Reuters từ thủ đô nước Nga, sau cuộc thảo luận qua hệ thống video, Nga đã chấp thuận "cải tiến hợp tác" với Mỹ trong các cuộc hành quân để tránh va chạm tại Syria. - RFI
|
|

4.
Trung Quốc bắt trưởng thôn Ô Khảm do dân bầu

Trưởng thôn Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc do dân bầu cách đây năm năm đã bị bắt giữ. Thôn Ô Khảm là địa phương đầu tiên trong cả nước được phép tự bầu chọn lãnh đạo một cách dân chủ sau đợt biểu tình rầm rộ chống lại việc trưng thu đất đai. Chính quyền Bắc Kinh cảnh cáo trừng trị thẳng tay bất kỳ hành động phản đối nào về vụ bắt giữ này.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết:

“Người dân thôn Ô Khảm hay tin này vào ngày hôm qua thứ Bảy 18/06/2016 vào lúc sáng sớm: chủ tịch làng của họ ông Lâm Tổ Loan (Lin Zuluan) vừa bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Người dân cũng nhận được lệnh cấm biểu tình chống lại vụ bắt giữ này: “Mọi sự phản đối sẽ bị đàn áp thẳng tay”, công an Trung Quốc khẳng định. 

Đối với người dân ở đây, đây quả là một đòn nặng. Vào năm 2011, họ đã được chính phủ Bắc Kinh cho phép tự bầu người đại diện của thôn với phổ thông đầu phiếu. Một sự kiện lớn đầu tiên tại Trung Quốc, trở thành hiện thực sau một cuộc nổi dậy của người dân chống lại việc lạm dụng trưng thu đất đai, một hiện tượng khá phổ biến ở Trung Quốc.

Sau đó, việc một người biểu tình qua đời trong khi bị giam giữ tại đồn công an đã từng khiến cho cả làng nổi dậy. Để trấn an người dân, chính phủ đã cho phép thôn Ô Khảm thử nghiệm một nền dân chủ tại địa phương. Nhưng cách đây vài hôm, Lâm Tổ Loan đã thông báo rằng năm năm qua chẳng có gì thực sự thay đổi tại Ô Khảm.

Ông đã khẳng định là sẵn sàng xuống đường biểu tình lần nữa, và sẽ còn mạnh hơn là đợt biểu tình năm 2011. Một thông báo đương nhiên chẳng làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh chút nào. Trong thôn, hàng trăm công an đã được triển khai và rất nhiều người dân dường như đã bị bắt.” - RFI
|
|

5.
Đảng đương quyền ở Malaysia giành chiến thắng áp đảo

Đảng Barisan Nasional, hay BN, đương quyền ở Malaysia giành chiến thắng ở hai cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ.

Các chiến thắng này củng cố quyền lực của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, bất chấp những cáo buộc tham nhũng đang diễn ra.

Ủy ban Bầu cử nói rằng đảng BN đã giành được các ghế quốc hội với tỉ lệ phiếu bầu đa số lớn hơn trong cuộc bầu cử liên bang hồi năm 2013.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng ông Najib dường như có thể sẽ yêu cầu tổ chức bầu cử sớm sau các chiến thắng áp đảo này.

Ông Najib nói trong một thông báo rằng cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad trước đó đã “biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý về lãnh đạo” của ông.

Đảng BN giành được các ghế đại diện của các cộng đồng Sungai Besar và Kuala Kangsar ở duyên hải miền tây của Malaysia.

Cuộc bầu cử này để điền khuyết ghế của các đại biểu bị thiệt mạng trong tai nạn máy bay trực thăng hồi tháng trước.

Ông Najib đang bị chất vấn về nguồn gốc của khoản tiền 700 triệu đôla cuối cùng đã nằm trong tài khoản ngân hàng cá nhân của ông do các công ty có liên hệ với quỹ 1MDB do ông Najib thành lập trước đó 6 năm chuyển vào.

Ông Najib liên tục khẳng định không làm gì sai trái và tổng chưởng lý Malaysia nói rằng số tiền đó là những khoản tặng cá nhân của hoàng gia Ả Rập Xê-út.

Nhưng vụ ồn ào này đã dẫn đến các cuộc điều tra tại 10 nước, trong đó có Malaysia, Anh, Mỹ và Thụy Sĩ – liên quan đến các cáo buộc về những khoản quyên tặng chính trị, các công bố không chính xác, và có thể là các hoạt động biển thủ và rửa tiền. - VOA
|
|

6.
Rome có thể có nữ thị trưởng đầu tiên

Rome có lẽ đã bầu chọn nữ thị trưởng đầu tiên trong cuộc bầu cử chung quyết hôm Chủ nhật ở Italia.

Luật sư Virginia Raggi, 37 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng một cách đây 2 tuần, giành được 35% phiếu bầu so với đối thủ của bà là ông Roberto Giachetti được 24% phiếu bầu.

Ông Giachetti thuộc đảng lãnh đạo liên minh cầm quyền Italia.

Bà Raggi đại diện cho Phong trào Năm Sao (gọi tắt là M5S, được công chúng ủng hộ, được nghệ sĩ hài Beppe Grillo thành lập cách đây 7 năm.

Bà Raggi vận động bầu cử với chủ đề chấm dứt tham nhũng tại thủ đô Italia và thay đổi các dịch vụ công cộng tồi tệ trên khắp Rome.

Đảng M5S đã trở thành đảng đối lập hàng đầu chống liên minh đương quyền của Thủ tướng Matteo Renzi và Ðảng Dân chủ trung tả của ông.

Rome là một trong hơn 100 thành phố và thị trấn trên khắp Italia tổ chức bầu cử chung quyết hôm nay, đại diện cho khoảng hơn một phần tư dân số cả nước. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Boeing sẽ bán 100 chiếc máy bay cho Iran

Giới hữu trách hàng không Iran hôm nay cho hay hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ vừa ký một thỏa thuận bán cho Iran 100 chiếc máy bay chở khách. 

Đây là một trong 3 thỏa thuận riêng biệt mà Iran ký với các nhà sản xuất máy bay Tây phương để mua tổng cộng khoảng 200 chiếc máy bay kể từ khi Washington bỏ lệnh chế tài kinh tế đối với Tehran hồi tháng Giêng năm nay.

Ông Ali Abedzadeh, lãnh đạo cơ quan hàng không Iran, nói: “Nước chúng tôi có 250 máy bay. 230 chiếc cần phải thay thế.” Tuy nhiên ông nói thêm rằng không có thời gian cụ thể cho việc giao các máy bay mới đặt này.

Ông Abedzadeh cho biết hầu hết máy bay của Iran ở trong tình trạng không được bảo dưỡng đúng yêu cầu và đang rất cần phải thay mới, nhưng hãng Boeing vẫn chờ sự cho phép sau cùng của Bộ Tài chánh.

Hợp đồng mua máy bay ký với hãng Boeing này trị giá khoảng 17 tỉ đôla, và nếu được thực hiện sẽ là lần đầu tiên Iran mua máy bay của Boeing kể từ Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Hồi tháng Giêng, Iran ký một thỏa thuận sơ khởi mua 118 máy bay của hãng Airbus của châu Âu, tuy nhiên hợp đồng đó cũng phải chờ sự cho phép của Bộ Tài chánh Mỹ.

Airbus cũng cần được phía chính phủ Mỹ cho phép là vì hơn 10% chất liệu, phụ tùng để chế tạo máy bay Airbus có xuất xứ từ Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
TQ đưa tám tàu tìm máy bay Việt Nam

Trung Quốc đưa tám tàu và hai trực thăng tìm kiếm máy bay CASA của Việt Nam mất tích, truyền thông tại Việt Nam đưa tin.

Các tàu Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam gồm hai tàu tìm kiếm cứu nạn, hai tàu cảnh sát biển và bốn tàu hải quân, trang tin VTC cho biết.

Các tàu và máy bay bay tìm kiếm trong khu vực lãnh thổ Trung Quốc, ở phía đông nam đảo Bạch Long Vỹ của Việt Nam và phía đông khu vực đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ giữa Việt nam và Trung Quốc.

Ngày 18/6/2016, "Tàu của Lữ đoàn 273 đã vớt được một chiếc thảm cao su có diện tích khoảng 2m vuông màu đen, dày một centimét", Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết.

Trả lời BBC Tiếng Việt sáng 19/6, một quan chức đại diện từ văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nói:

"Hôm nay chúng tôi có phát hiện một số vệt dầu loang gần vị trí báo máy bay mất tích ban đầu.

"Nhưng ngoài tấm thảm cao su, chúng tôi chưa tìm thấy thêm gì mới, và vẫn tiếp tục tìm kiếm."

Trung Quốc điều tàu

Hôm thứ Sáu 17/6, hãng tin Reuters đưa tin Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói Trung Quốc đã đưa tàu theo yêu cầu của Việt Nam giúp tìm chiếc máy bay CASA 212 số hiệu 8983 mất tích với chín người trên phi cơ gồm sáu sĩ quan, ba quân nhân.

Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam hôm 17/6 cho biết Tàu NANHAIJIU 101 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đã đến hiện trường để tìm kiếm máy bay mất tích.

Máy bay CASA 212 được điều đi tìm kiếm Thượng tá phi công Trần Quang Khải hôm 16/6 thì mất tích gần đảo Bạch Long Vĩ.

Đến ngày 17/6, truyền thông Việt Nam cho biết, lực lượng cứu hộ đã vớt được một số mảnh vỡ của phi cơ này.

CASA 212 là loại máy bay nhỏ, có khả năng hoạt động từ các sân bay dã chiến.

Loại này chuyên dùng để theo dõi, truy tìm mục tiêu trong các vụ chống đánh bắt trộm cá và hải sản, chống buôn bán ma túy và buôn lậu trên biển.

CASA 212 được trang bị động cơ turbine cánh quạt cho phép máy bay hoạt động với tốc độ bay thấp và thời gian dài ở trên biển.

Tốc độ bay hành trình cao nhất 360km/giờ và tầm bay cao nhất đạt 1.800km, theo truyền thông Việt Nam. - BBC
|
|

9.
Nhìn lại việc hiện đại hóa không quân Việt Nam sau tai nạn SU-30

Vụ tai nạn rơi máy bay chiến đấu SU 30 của không quân Việt Nam gần đây khiến dư luận tại Việt Nam đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công nghệ máy bay Việt Nam đang có, nói rộng ra là chương trình hiện đại hóa không quân của Việt Nam trước tình hình Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực biển Đông đang tranh chấp với các nước, trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer thuộc học viện quốc phòng Úc, người đã có nhiều nghiên cứu và bài viết về quốc phòng Việt Nam.

Trung Quốc không thể làm máy bay rơi?

Việt Hà: Thưa ông, vụ máy bay chiến đấu SU 30 rơi mới đây ở Việt Nam đã khiến dư luận Việt Nam đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về nguyên nhân máy bay rơi vì cho đến lúc này Việt Nam vẫn chưa xác định được nguyên nhân máy bay rơi. Có ý kiến nghi ngờ công nghệ của máy bay, nhưng cũng có ý kiến cho rằng có yếu tố Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về những ý kiến này?

GS Carl Thayer: Tôi sẽ rất chần chừ đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào ở giai đoạn sớm này. Nó có thể là vấn đề liên quan đến bào trì máy bay, có thể là một vấn đề của bộ phận nào đó. Tôi không nghĩ là Trung Quốc có khả năng làm máy bay rơi. Họ có thể can thiệp điện tử nhưng không thể làm máy bay rơi. Cho nên có thể có vấn đề về cơ khí, hay vấn đề của bộ phận máy bay do Nga cung cấp hoặc việc bảo trì máy bay, hoặc cũng có thể vấn đề sai sót kỹ thuật liên quan đến phi công. Đây không phải là lần đầu tiên tai nạn này xảy ra và theo tôi vì vậy họ nên xem xét lại quá trình bảo trì máy bay.

Việt Hà: Sau tai nạn máy bay thì có những ý kiến tỏ ra nghi ngờ về công nghệ máy bay Nga mà Việt Nam mua và nói là có lẽ Việt Nam nên xem xét mua máy bay F 16 của Mỹ. Hai loại máy bay này có tương tự như nhau không thưa ông?

GS Carl Thayer: Các máy bay này là tương tự nhau. Đây là tranh luận xem là máy bay nào tốt hơn máy bay nào về mặt kỹ thuật nhưng bên cạnh đó còn là kinh nghiệm và khả năng của phi công. Trong các tình huống giả định, cả hai loại máy bay đều hoạt động tốt nhưng vấn đề quan trọng chính là sự huấn luyện và kinh nghiệm của các phi công. Malaysia và Indonesia cũng có SU 30 và họ không có các tai nạn này. Nhìn chung thì công nghệ máy bay của Nga được cho là tốt cũng tương tự như là máy bay F16 của Mỹ. Nếu Việt Nam muốn chuyển sang máy bay Mỹ thì vấn đề là toàn bộ huấn luyện về kỹ thuật và hậu cần cho phi công sẽ phải được chuyển toàn bộ sang công nghệ của Mỹ vốn hoàn toàn khác. Ngay như Malaysia cũng có khó khăn khi họ phải bảo trì cùng lúc các máy bay của Nga bên cạnh những máy bay của phương Tây.

Khi chuyển như vậy, bạn sẽ có hồ sơ hướng dẫn bằng tiếng Anh, kỹ thuật viên phải biết tiếng Anh, phi công phải được đào tạo ở Mỹ. Cho nên quyết định chuyển sang F16 đối với Việt Nam là không dễ dàng. Indonesia là một ví dụ đã từng bị cấm vận vũ khí sau vấn đề tại Đông Timor. Họ cũng phải mất đến 5 năm sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ để bày tỏ mong muốn mua F16. Khoảng thời gian này còn có thể dài hơn đối với Việt Nam vì những cơ sở hỗ trợ trên mặt đất hiện tại là cho công nghệ của Nga và Ấn Độ. Nếu như những thông tin trên báo chí truyền thông về việc Việt Nam đang tìm mua F16 là đúng thì theo tôi cũng sẽ mất một thời gian dài. Đúng là họ đang xem xét vì họ đã đổi toàn bộ các máy bay Mig 21 vào năm ngoái, theo thông tin mà tôi biết được, nên họ cần máy bay tấn công mặt đất. Nhưng Việt Nam không xâm lược Campuchia nữa, hay dùng máy bay để đánh nhau mặt đất với Trung Quốc. Họ cần máy bay ở vùng biển và SU 30 mà họ có, được chế tạo cho mục đích đó và F16 cũng phải vậy. Cho nên đây là một bước đổi về kỹ thuật lớn cho Việt Nam. Đấy là tôi chưa nói đến chi phí, không chỉ là mua máy bay mà chi phí bảo trì, và các bộ phận thay thế. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào những hạn chế từ phía Mỹ liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Cần kinh nghiệm và kết nối các hệ thống

Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về chương trình hiện đại hóa không quân Việt Nam hiện tại?

GS Carl Thayer: Việt Nam bây giờ đang tiếp nhận những máy bay đời thứ 4 và SU 30 là một trong những máy bay chiến đấu hàng đầu, là loại dùng cho bảo vệ trên không và tuần tra vùng biển hiện đại nhất dùng cho khu vực biển Đông. Không quân và hải quân Việt Nam đã được ưu tiên trong ngân sách quốc phòng trong khoảng 5 đến 8 năm qua. Việt Nam có những kỹ thuật viên có khả năng xử lý các vấn đề với các công nghệ máy bay của Nga và của Xô Viết trước kia. Cho nên đây không phải là lĩnh vực mới với họ. Cho đến giờ họ cũng đã thực hiện các cuộc tuần tra ở biển Đông khá thường xuyên. Tuy nhiên tai nạn xảy ra ngay cả với  lực lượng tinh nhuệ nhất. Trong trường hợp này thì họ cần một cuộc điều tra chu đáo để tìm ra nguyên nhân máy bay rơi. Quyết định ngưng bay các máy bay SU 30 là cẩn thận và điều này cũng xảy ra với các lực lượng không quân hiện đại khác.

Việt Hà: Theo ông thì Việt Nam có gặp vấn đề gì trong chương trình hiện đại hóa không quân của mình?

GS Carl Thayer: Mua máy bay và có phi công được đào tạo không thôi là chưa đủ, họ còn cần sự kết nối, cải thiện hệ thống vệ tinh, cảnh báo sớm cho máy bay, cần các thiết bị đặc biệt trên mặt đất để nối kết các hệ thống với nhau. Dường như đây là một kẽ hở lớn của Việt Nam. Họ không thể chỉ đơn thuần là đưa máy bay lên trời mà còn cần phải biết môi trường mà máy bay hoạt động, chúng cần được kết nói với nhau. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam đã học được các bài học từ những trận chiến trên không với việc sử dụng các máy bay của mình. Việt Nam đã tự đưa ra giới hạn đối với các hoạt động tập trận của mình với các nước ngoài. Làm như vậy là họ tự làm mất đi kinh nghiệm mà đáng ra họ đã học được. Cũng giống như trong thể thao, nếu họ chỉ chơi bóng đá ở Việt Nam thôi thì họ sẽ không bao giờ vào được giải vô địch thế giới. Họ còn cần phải tham gia vào giải vô địch châu Á. Cho đến giờ quân đội Việt Nam chỉ tập trận trong Việt Nam. Họ vẫn chưa tập trận với các nước láng giềng để học thêm kinh nghiệm, xem là các nước hiện đại khác hoạt động như thế nào để họ có thể tự điều chỉnh. Cho nên điều Việt Nam cần kinh nghiệm và kết nối các hệ thống.

Việt Hà: Có những đồn đoán gần đây về việc Trung Quốc đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không AIDZ trên biển Đông. Nếu điều này xảy ra, theo ông việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến máy bay Việt Nam bay qua vùng này?

GS Carl Thayer: Mục đích của vùng nhận dạng phòng không AIDZ để các máy bay báo cáo với người điều khiển không lưu về chuyến bay của họ. Đó là tất cả yêu cầu ở biển Hoa Đông. ở biển Hoa Đông, về phía bắc, Trung Quốc có máy bay quân sự cất cánh từ đất liền và tên lửa từ đất liền. Họ ở thế mà nếu họ muốn họ có thể ép bất cứ máy bay nào phải hạ cánh nếu không xin phép. Họ đã không làm vậy với máy B 52 của Mỹ và vào lúc này thì Trung Quốc nói là không có mối đe dọa nào nên họ không làm vậy. Nhưng nếu họ tuyên bố vùng ADIZ ở biển Đông thì vào lúc này họ chưa có thể thực hiện được yêu cầu này… Nếu máy bay bay vào vùng nhận dạng phòng không mà không khai báo thì hoặc là họ phải bay lên để yêu cầu máy bay đó khai báo hoặc đưa máy bay hạ cánh xuống mặt đất. Vào lúc này Trung Quốc vẫn chưa có máy bay, hệ thống bảo trì và cơ sở tiếp liệu ở Trường Sa để làm những việc này. Đã có nhiều đồn đoán là Trung Quốc sẽ tuyên bố AIDZ trên biển Đông. Tôi không nói là họ sẽ không làm nhưng nếu họ làm bây giờ thì đó chỉ là hành động vô nghĩa vì họ không thể thực hiện lệnh của mình. Nó chỉ là màn trình diễn cho thấy là họ có quyền về pháp lý để làm vậy mà thôi nhưng nó sẽ không giống như ở biển Hoa Đông.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA

No comments:

Post a Comment