Tuesday, June 14, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 14/6

Tin Thế Giới

1.
LHQ: Giá trị nhân quyền, quyền tự do bị tấn công khắp toàn cầu

Những giá trị nhân quyền và những quyền tự do đang bị tấn công trên toàn thế giới, theo lời Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein. Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp thứ 32 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 13/6, ông nêu ra một số quan tâm cấp bách về nhân quyền mà ông nói lẽ ra có thể đã ngăn ngừa được. Thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gửi về bài tường thuật từ Geneva.

Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra'ad al-Hussein, cảnh báo rằng "sự xâm hại bẩn thỉu của những chính trị gia" đối với những người dễ bị tổn hại làm gia tăng những vụ vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Ông Zeid nói rằng những luật lệ, những thể chế và những giá trị ràng buộc mọi người với nhau đang có nguy cơ bị tan vỡ. Ông cảnh báo rằng sự thù hằn đang trở thành tư tưởng chủ đạo, những bức tường đang được dựng lên và những rào cản của sự ngờ vực đang trỗi dậy trong khi những vụ đàn áp những quyền tự do của công chúng lại gia tăng. Ông nói rằng thế giới hàng ngày đang chứng kiến mọi hình thức của sự kinh hoàng. 

Ông Zeid cho biết: "Tôi cũng lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất những vụ tấn công gây chấn động của những kẻ cực đoan bạo lực nhắm vào những người vô tội, những người bị lựa chọn một cách ngẫu nhiên, hoặc vì niềm tin, hoặc vì ý kiến, hoặc như chúng ta đã thấy vào ngày 11 tháng 6, vì khuynh hướng tính dục của họ."

Một tay súng đã sát hại 49 người và làm bị thương 53 người khác hôm 11/6 tại một hộp đêm mà những người đồng tính luyến ái hay lui tới tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida.

Ông Zeid nói ông lo lắng về nạn bạo lực do súng ống gây ra: "Châu Mỹ tính đến nay có tỉ lệ sát nhân có chủ ý cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong số những tội ác này, có nhiều tội ác có thể có liên hệ với những băng nhóm tội phạm có tổ chức. Những băng nhóm này còn thúc đẩy tình trạng tham nhũng của ngành tư pháp và của những định chế khác."

Người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền cũng đề cập đến những khu vực khác trên thế giới mà quyền con người không được tôn trọng.

Ông Zeid than phiền về thảm họa đang tiếp diễn và đang trầm trọng hơn ở Syria, cùng với Iraq và Yemen, và lưu ý rằng nhiều nơi ở Trung Đông và Bắc Phi đang bị vùi dập vì sự đàn áp, xung đột, và tình trạng vô chính phủ đầy bạo động. Ông phê phán Liên minh châu Âu về sự bất lực của họ trong việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và di dân.

Ông lên án những làn sóng tấn công mới của những nhóm cực đoan bạo lực ở Mali và bày tỏ lo ngại về những vụ giết người dựa trên sắc tộc ở Burundi. Ông nêu đích danh những khu vực lâu nay vẫn bị chìm ngập trong bất ổn và xung đột ở những nước châu Phi như Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. 

Tuy nhiên, ông Zeid nói những tình trạng kinh khủng có thể đảo ngược được. Ông lưu ý rằng việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc ở Nam Sudan và sự chuyển giao quyền lực ôn hòa tại Cộng hòa Trung Phi mang lại hy vọng cho người dân ở những nước gặp nhiều khốn khó này.

Ông Zeid nói rằng sự chà đạp nhân quyền có thể dẫn tới chiến tranh; trong khi sự tôn trọng nhân quyền sẽ duy trì hòa bình. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Quốc hội Mỹ chấp thuận tăng ngân sách cho TSA

Quốc hội thông qua đề nghị cấp ngân sách 28 triệu đôla để thay đổi chương trình cho Cơ quan Quản lý An ninh Vận chuyển, gọi tắt là TSA, hôm 13/6, cho phép mở thêm số cổng kiểm soát, giúp rút ngắn thời gian xếp hàng chờ cho hành khách ở phi trường.

Trong thông báo hôm 11/6, Bộ trưởng Bộ Nội an Mỹ, ông Jeh Johnson nói rằng: “Hôm nay tôi cám ơn Quốc hội đã chuẩn chi đề nghị ngân sách 28 triệu đôla để sửa đổi chương trình cho TSA, sẽ cho phép chúng tôi kiểm tra nhanh chóng và hiệu quả hơn khi số hành khách gia tăng tại các phi trường của Mỹ.”

Ngân sách này được dùng để tuyển dụng 2.784 nhân viên bán thời gian của TSA làm nhân viên chính thức, và để mở thêm 53 cổng kiểm soát an ninh tại các phi trường của Mỹ. Ngân sách này cũng sẽ cho phép TSA tuyển dụng thêm 600 nhân viên nữa trước cuối năm tài khóa này.

Quyết định này được đưa ra ngay tiếp theo sau một chấp thuận cấp ngân sáu 34 triệu đôla trước đó cho TSA hồi tháng 5. Ngân sách đó cho phép TSA mở thêm 160 cổng kiểm soát an ninh mới trong những tuần vừa qua. Báo cáo của TSA cho hay trung bình khoảng 99% hành khách nay phải chờ đợi để qua cổng kiểm ta an ninh mất dưới 30 phút.

Ngày càng có nhiều phàn nàn về thời gian chờ ở phi trường của Mỹ tăng, nhất là sau vụ nhiều ngàn hành khách ở Chicago lỡ chuyến bay do phải xếp hàng chờ quá lâu hồi tháng trước. Sự tiện lợi cho hành khách chưa phải là mối quan tâm duy nhất của TSA.

Bộ trưởng Johnson phát biểu: “Như tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi sẽ nỗ lực để cho hành khách lưu chuyển thông suốt trong mùa hè này, nhưng chúng tôi cũng sẽ giữ an ninh cho hành khách. Chúng tôi sẽ không ‘đi tắt’ công việc bảo đảm an ninh hàng không.”

Các nhà lập pháp Mỹ mới đây đã đẩy mạnh việc thắt chặt an ninh tại các phi trường, nhất là tiếp theo sau vụ máy bay của hãng EgyptAir bị rơi hồi tháng trước, mà đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân. - VOA
|
|

3.
'Không có bằng chứng vụ xả súng Orlando được điều khiển từ nước ngoài' --- Vụ xả súng Orlando: Trọng tâm chiến dịch tranh cử tổng thống

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói “không có bằng chứng rõ rệt nào” để chứng tỏ là hung thủ của vụ xả súng giết chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ đã được điều khiển bởi một tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Thông tín viên Ken Bredemaier của đài VOA tường thuật.

Tại cuộc họp báo hôm thứ hai ở Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói “Dường như kẻ nổ súng đã tiếp nhận những thông tin cực đoan được phổ biến trên internet.”

Ông cho rằng Omar Saddiqui Mateen, một người Mỹ theo đạo Hồi có cha mẹ là người Afghanistan, là người tiêu biểu của “chủ nghĩa cực đoan quốc nội mà chúng tôi đã quan tâm trong một thời gian khá lâu.”

Nhưng ông nói thêm rằng “rõ ràng là vào phút chót”, hung thủ này đã tuyên bố trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo trong những cú điện thoại gọi cho đường dây khẩn cấp 911 của thành phố Orlando.

Tổng thống Obama cho biết nhân viên công lực “vẫn còn ở trong giai đoạn đầu” của cuộc điều tra và vẫn còn “rất nhiều điều chúng ta phải tìm hiểu.”

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama sẽ đến Orlando vào thứ 5 tuần này để đích thân chia buồn với gia đình của các nạn nhân và bày tỏ sự liên đới với dân chúng ở Orlando trong lúc họ bắt đầu quá trình hồi phục.

Ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), nói “Chúng tôi đang tìm hiểu cuộc đời của kẻ sát nhân’” kể cả những hoạt động của y trên internet.

Những người khách của hộp đêm Pulse, nơi xảy ra vụ xả súng, cho biết họ trông thấy Mateen đến uống rượu ở đây nhiều lần. Những người mục kích cũng cho biết họ thấy hung thủ tham gia những cuộc trò chuyện trên mạng và trên ứng dụng tìm bạn “Jack’d” của người đồng tính luyến ái.

Súng ống của hung thủ được mua một cách hợp pháp

Tổng thống Barack Obama cho biết kẻ nổ súng đã mua một cách hợp pháp những loại súng ống mà y dùng trong vụ tấn công ở Orlando. Ông nói trong những vũ khí đó có “một khẩu súng ngắn với rất nhiều băng đạn.”

Giới hữu trách cho biết hung thủ Mateen đã dùng một khẩu súng bán tự động để bắn hết loạt đạn này tới loạt đạn khác vào những người khách tại hộp đêm.

Tổng thống Obama đã thất bại trong việc tranh đấu cho những luật lệ nghiêm khắc hơn về súng ống. Ông nói “Hung thủ đã không gặp khó khăn khi mua những loại vũ khí này. Đây là một vấn đề chúng ta phải giải quyết.” Ông cho rằng nước Mỹ “quá lỏng lẻo” vì đã để cho những người muốn gây ra những vụ bạo động súng ống có thể dễ dàng mua được vũ khí.

Giới hữu trách ở Orlando cho biết họ đang điều tra hàng trăm manh mối để tìm cách xác định vấn đề là hung thủ có nhận được sự trợ giúp nào trong vụ giết người này hay không.

Ông Paul Wysopal, một viên chức FBI, nói với báo chí “Có thể có những vụ truy tố trong thời gian tới đây.”

Giới hữu trách cho biết trong lúc thực hiện vụ tấn công, Mateen đã gọi cho đường dây điện thoại khẩn cấp ở Orlando để tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo Hồi giáo và thủ lãnh của nhóm này là Abu Bakar al-Baghdadi và đề cập tới vụ đánh bom cuộc đua marathon ở Boston năm 2013 giết chết 3 người.

Tuy nhiên, cha của hung thủ, ông Seddique Mateen, nói rằng hành động của con ông không liên hệ gì tới đạo Hồi.

Hôm qua, ông nói với báo chí “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra và tôi không biết nó có sự căm thù. Nó đã tới một hộp đêm của người đồng tính luyến ái và dùng súng bắn chết 50 người.” Ông mô tả con ông là “một người con ngoan và là một người có học.” Nhưng ông nói thêm rằng “Thượng đế sẽ trừng trị những người đồng tính luyến ái,” và vấn đề đồng tính luyến ái “không phải là một vấn đề mà con người nên xử trí.”

Công tố viên liên bang Lee Bentley cho biết những người khác có thể có liên hệ với Mateen đang bị điều tra, nhưng “không có lý do để tin” là công chúng còn gặp rủi ro. FBI trong những năm gần đây đã hai lần thẩm vấn Mateen về những mối liên hệ có thể có với các nhóm khủng bố, nhưng họ không tìm thấy điều gì để truy tố y.

Trong khi đó, các công viên giải trí ở vùng Orlando đã tăng cường các biện pháp an ninh sau vụ xả súng. Đại uý Angelo Nieves của văn phòng cảnh sát Quận Orange cho tờ Orlando Sentinel biết rằng nhân viên công lực tại Disney World đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao.

Giám đốc FBI Comey cho biết cơ quan này đang tìm cách xác định xem Mateen trong thời gian vừa qua có đến Disney World và những địa điểm khác để thăm dò dường đi nước bước để chuẩn bị tấn công hay không.

Tạp chí People trích lời một người không nêu tên trong chính phủ liên bang nói rằng Mateen mới đây đã tới Disney World để thăm dò.

Những buổi lễ truy điệu và những cuộc tuần hành đã được tổ chức tại nhiều nơi ở nước Mỹ trong ngày hôm qua và nhiều buỗi lễ sẽ được tổ chức trong tuần này. Tổng thống Obama đã ra lệnh treo cờ rũ để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát. - VOA

***
Vụ nổ súng tại Orlando, Florida, giết chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ đã trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Cả hai người được xem như ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà ngày hôm qua đã lên tiếng về thảm kịch này.  

Vụ xả súng kinh hoàng ở Orlando đã trở thành một đề tài chính trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

Ông Donald Trump, người được xem là ứng viên của đảng Cộng hòa đã phát biểu tại New Hampshire. Ông đưa ra một kế hoạch mới để tạm thời cấm những người Hồi Giáo không phải là công dân Mỹ vào Hoa Kỳ.

“Khi tôi đắc cử, tôi sẽ ngưng chương trình di dân từ những vùng của thế giới từng có những hoạt động khủng bố chống lại nước Mỹ, châu Âu hay các đồng minh của chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục cho phép hàng ngàn, hàng ngàn người đổ vào đất nước chúng ta, nhiều người trong số này có cùng những ý nghĩ như tay giết người dã man này.”

Ông Trump cũng nhanh chóng chỉ trích cả Tổng thống Barack Obama lẫn bà Hillary Clinton về những chính sách mà ông cho là khiến cho nước Mỹ dễ bị tấn công.

“Bà Clinton muốn cho phép những phần tử khủng bố Hồi Giáo cực đoan đổ vào nước Mỹ. Họ bắt phụ nữ làm nô lệ và giết những người đồng tính luyến ái. Tôi không muốn những kẻ này vào nước Mỹ.”

Về phần mình, bà Clinton đã diễn thuyết tại Cleveland và kêu gọi đoàn kết quốc gia sau vụ nổ súng tại Orlando.

“Đây là thời điểm tất cả người Mỹ cần đứng chung với nhau. Bất kể bao nhiêu lần chúng ta phải chịu đựng những cuộc tấn công như thế này, nỗi kinh hoàng không bao giờ tan biến.”

Bà Clinton cũng lên tiếng ủng hộ cho việc áp dụng thêm những biện pháp kiểm soát súng ông. Bà nói bà sẽ xem việc đối phó với những tay khủng bố hoạt động như những con sói đơn độc là vấn đề ưu tiên. Bà cũng gián tiếp đả kích chủ trương cấm người Hồi giáo nhập cảnh mà ông Trump đưa ra.

“Chúng ta nên tăng cường các mối quan hệ với những cộng đồng này, thay vì mang họ ra làm dê tế thần hay cô lập họ.”

Nhà phân tích John Fortier của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng nói đề nghị cấm người Hồi Giáo nhập cảnh mà ông Trump đưa ra trước đây cũng được chú ý trở lại. Ông cho rằng diễn tiến này làm gia tăng những mối lo ngại của một số người thuộc phe Cộng hòa là ông Trump sẽ là một ứng cử viên gây nhiều chia rẽ trong cuộc tổng tuyển cử.

“Ông ấy là một ứng cử viên có nhiều dao động, và theo tôi, đôi lúc ông ấy dường như được thuần hóa và trở thành một phần của đảng và làm hòa với những nhân vật có quyền thế của đảng Cộng hòa. Nhưng lại có những lúc mà những nhận xét của ông ấy làm cho những vấn đề đó sôi động trở lại. Do đó tôi nghĩ chúng ta sẽ không thấy ông Donald Trump thay đổi. Ông Trump vẫn là ông Trump.”

Những cuộc thăm dò mới đây cho thấy bà Clinton chiếm thế thượng phong trong việc xử lý những vấn đề về chính sách ngoại giao. Tuy nhiên,  một số cuộc thăm dò cho thấy ông Trump thắng bà Clinton chút đỉnh khi những người được thăm dò ý kiến trả lời câu hỏi là ứng cử viên nào sẽ cứng rắn hơn khi đối phó với những mối đe dọa của Nhà nước Hồi Giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Biển Đông: Trung Quốc đưa "sát thủ diệt ngầm" đến trấn Hoàng Sa --- Asean 'quan ngại về diễn biến' Biển Đông

Theo tiết lộ trên báo Nhật Bản The Diplomat, Hải Quân Trung Quốc hôm 08/06/2016, đã chính thức đưa một tàu hộ tống thế hệ mới loại 056A – thuộc lớp Giang Đảo (Jiangdao) - đến căn cứ Ngọc Lâm ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Theo nhiều nguồn tin quân sự Trung Quốc, chiếc tàu này sẽ chủ yếu hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa. Điều đáng nói là hộ tống hạm mới được trang bị hệ thống chống tàu ngầm.

Trích trang mạng quân sự Trung Quốc China Military Online, báo The Diplomat cho biết là loại chiến hạm mới này mang tên Khúc Tĩnh (Qujing), số hiệu 508, thuộc biên chế của Hạm Đội Nam Hải, và hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo, có năng lực « tàng hình » tốt và có thể tấn công mọi phương tiện trên không, trên biển, và dưới mặt nước.

Chuyên san quốc phòng Anh Jane’s Defense Weekly còn cho biết thêm là có khả năng chiến hạm mới này sẽ thuộc quyền điều động của hải đội khinh hạm số 26, mà địa bàn hoạt động nằm ở ngoài khơi căn cứ Hoàng Phố (Yangpu) gần Vịnh Bắc Bộ. Hải đội này đã có hai tàu hộ tống loại 056, cũng thuộc lớp Giang Đảo, nhưng kiểu 056A tối tân hơn vì có thêm khả năng chống tàu ngầm. Báo chí Trung Quốc đã mệnh danh loại tàu này là "sát thủ chống ngầm".

Việc tăng cường chiến hạm chống tàu ngầm đến vùng biển Hoàng Sa được quyết định ít lâu sau khi Trung Quốc bị bất ngờ trước việc Hải Quân Mỹ cho khu trục hạm tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sự hiện diện của loại tàu chống ngầm Trung Quốc ở trong khu vực được cho là sẽ có một sức răn đe nhất định.

Cũng theo Jane’s Defense Weekly, chiếc Khúc Tĩnh là tàu hộ tống chống ngầm thứ 26 của Trung Quốc hiện đang hoạt động, trong đó có 10 chiếc thuộc biên chế của Hạm Đội Nam Hải, chịu trách nhiệm khu vực Biển Đông. Trong năm nay, Hải Quân Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung thêm cho Hạm Đội Nam Hải của họ năm hộ tống hạm trang bị tên lửa, chủ yếu là loại 056. - RFI

***
Các nước Asean vừa ra thông cáo lời lẽ mạnh mẽ bất ngờ bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về các diễn biến gần đây ở Biển Đông.

Ngoại trưởng các quốc gia khối Asean đã có cuộc gặp với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc tại Vân Nam, và việc thông cáo được đưa ra ngay ở đây được hãng tin AFP nhìn nhận như một "cái tát ngoại giao vào mặt" Trung Quốc.

Thông cáo của khối Asean viết: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các diễn biến gần đây cũng như đang xảy ra, vốn gây xói mòn lòng tin, tăng căng thẳng và có nguy cơ gây cản trở cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

Văn bản này không nhắc tên Trung Quốc nhưng người đọc có thể ngầm hiểu vì đây là quốc gia đang có nhiều hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Thông cáo của Asean nói các ngoại trưởng đã có "trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị". Thông cáo khá trực diện khi nói về sự nguy hiểm của chương trình cải tạo đảo của Trung Quốc.

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, kể cả hoạt động xây đảo, vốn có thể tăng căng thẳng ở Biển Đông."

"Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do đi lại trên biển cũng như trên không ở Biển Đông, theo các nguyên tắc luật pháp đã được quốc tế thừa nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982."

Philippines, cũng là thành viên Asean, đã kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế và Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố không chấp nhận vụ kiện này.

Thông cáo của Asean khẳng định cam kết của khối trong việc tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.

Điều đó bao gồm "tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp luật và ngoại giao, không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực, phù hợp các nguyên tắc luật pháp được quốc tế thừa nhận, kể cả UNCLOS và hiến chương LHQ".

Cho tới nay Asean bị cho là quá mềm mỏng trong đối xử với Trung Quốc nên một thông cáo lời lẽ cứng rắn hơn là điều gây chú ý.

Phán quyết về vụ kiện Trung Quốc được trông đợi sẽ đưa ra trong tháng này. - BBC
|
|

5.
Máy bay chiến đấu Việt Nam gặp nạn trên biển --- Phát hiện vị trí Su-30 MK2 'mất tích'

Việt Nam đã điều nhiều máy bay và hàng chục tàu thuyền tới vùng biển tỉnh Nghệ An, gấp rút tìm kiếm hai phi công trên chiếc chiến đấu cơ gặp nạn trước đó.

Máy bay chiến đấu Su-30 MK2 của không quân Việt Nam mất liên lạc sáng 14/6 khi đang tham gia bay huấn luyện.

Tin cho hay, máy bay trên biến mất khỏi màn hình radar trên vùng biển Diễn Châu, Nghệ An, cách đất liền khoảng hơn 26 hải lý, sau khi xuất phát từ sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Hiện chưa rõ số phận của hai phi công trên khoang. Báo chí Việt Nam hôm nay cho biết một phi công đã nhảy dù, rơi xuống biển và bơi vào bờ. Tuy nhiên, tin này sau đó đã bị gỡ và quan chức trong nước cũng chưa xác nhận.

Chiều tối ngày 14/6, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số vẫn tiếp diễn.

“Đang tìm, đang triển khai. Chưa có thông tin gì mới thêm. Bọn tôi đang tìm rồi. Chưa có thông tin gì hết. Sẽ có thông tin trên VTV [kênh truyền hình quốc gia]”.

Theo báo chí trong nước, các thiết bị đặc biệt cũng đã được sử dụng để tìm kiếm hộp đen của máy bay, nhằm xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng thứ tư liên quan tới loại máy bay do Nga sản xuất trong vòng vài năm qua.

Máy bay Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua  32 máy bay chiến đấu đa năng này.

Su-30 MK2, được trang bị tên lửa điều khiển, bom điều chỉnh trên không, có thể bắn hạ mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển.

Giữa năm ngoái, hai chiến đấu cơ Su-22 của Không quân Việt Nam đã va chạm và rớt ở vùng biển Bình Thuận, khiến hai phi công tử nạn.

Trước đó, vào năm 2006 và 2009 cũng xảy ra tai nạn liên quan tới Su-22, khiến hai phi công thiệt mạng. - VOA

***
Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ra vị trí máy bay tiêm kích Su-30 MK2, gặp nạn khi đang bay huấn luyện trên vùng biển Nghệ An.

Truyền thông trong nước dẫn lời Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, cho hay một số tàu và máy bay đã được điều tới nơi để cứu hộ.

Tuy nhiên ông nói "chưa có dấu hiệu của hai phi công".

Đội hình máy bay tiêm kích Su-30 MK2 của Trung đoàn không quân 923 xuất phát sáng thứ Ba 14/6 từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân - Thanh Hóa) để thực tập huấn luyện. Sau đó một chiếc mất liên lạc khi cách đất liền ở Diễn Châu (Nghệ An) khoảng 25km.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết vị trí cuối cùng mà chiếc máy bay Su-30MK2 mất liên lạc ở phía Đông, cách đảo Hòn Mắt khoảng 6-7km, cách đất liền khoảng hơn 26 hải lý.

"Ngư dân Lê Văn Cương đang đánh bắt cá trên biển cho biết, lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày, ngư dân phát hiện 1 máy bay rơi tại vùng biển khoảng 18-19 độ vĩ bắc, 106,4 độ kinh đông, cách đảo Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) về phía đông khoảng 4-6 hải lý," báo Thanh Niên trích dẫn lời một nhân chứng.

Được biết, hai phi công trên chuyến bay thượng tá Trần Quang Khải, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Phi đội trưởng.

Hiện đã có ba tàu của Hải đội 2, và 10 tàu cá của ngư dân tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Trung đoàn 923 nói đa điều bốn máy bay cứu hộ cùng hàng chục tàu tham gia tìm kiếm, theo báo Tuổi Trẻ.

Chiến đấu cơ hiện đại

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã thành lập Sở chỉ huy nhẹ trên Đảo Mắt để tìm kiếm máy bay Su-30MK2 mất tích, trang Dân Việt cập nhật.

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn nói với BBC "vẫn đang theo dõi sự việc và chờ chỉ đạo, Bộ Quốc Phòng nắm vụ việc này."

Su-30MK2 là loại máy bay do Nga sản xuất, là chiến đấu cơ đa năng được thiết kế để hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày đêm.

Loại tiêm kích này có khả năng sử dụng các tổ hợp bom và pháo phản lực không điều khiển để công kích mục tiêu cố định trên mặt đất, ngăn chặn tiếp viện.

Truyền thông Việt Nam cho biết tính tới giữa năm 2016, Việt Nam sẽ nhận bàn giao đủ 36 máy bay Su-30MK2 từ Nga.

"Sau khi nhận đủ 36 chiếc Su-30MK2, đã đến lúc Việt Nam tạm biệt dòng máy bay này để tìm đến những lựa chọn mới mẻ và hiện đại hơn."

Su-30MK2 được cho là đã hiện đại hơn rất nhiều so với các loại chiến đấu cơ cũng của Nga sản xuất mà không quân Việt Nam còn sử dụng như Su-22 hay Mig-21.

Hai chiến đấu cơ Su-22 bị rơi trên vùng biển gần đảo Phú Quý, Bình Thuận trong lúc tập luyện vào giữa tháng Tư năm 2015.

Vụ tai nạn khi đó là vụ tai nạn thứ 3 tại Việt Nam liên quan đến phi cơ chiến đấu Su-22. Hai vụ tai nạn vào năm 2006 và năm 2009 cũng đã khiến hai phi công tử nạn. - BBC
|
|

6.
Tranh cổ động Trung Quốc xuất hiện trên truyền hình Việt Nam

Kênh truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) lại vấp phải chỉ trích của dư luận sau khi bị phát hiện sử dụng hình ảnh minh họa kêu gọi “học tập tư tưởng của Mao Trạch Đông”.

Bức tranh cổ động có tên "Học tập, ứng dụng tư tưởng triết học Mao Trạch Đông" đã được dùng làm hình nền minh hoạ cho chương trình truyền hình trực tiếp trao giải cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

Ông Phan Tất Thành, một cựu du học sinh tại Trung Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết hiện có nhiều luồng dư luận về vụ việc này.

“Trong nước dư luận đang xôn xao, bức xúc về chuyện này. Dư luận có nhiều chiều. Có một chiều nói rằng là đồng hóa nhanh quá. Có một chiều nói rằng nhầm lẫn rồi ‘lỗi thằng đánh máy’. Nó bộc lộ một sự ngu dốt của các cơ quan truyền thông Việt Nam, khi mà phải ăn cắp những cái ảnh này”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam để hỏi ý kiến về những chỉ trích họ trên mạng.

Tuy nhiên, khi trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, cho biết đây là chương trình của báo Quân đội nhân dân tổ chức, VTV chỉ truyền hình trực tiếp chương trình.

Trước câu hỏi về trách nhiệm, ông Tiến được trích lời nói rằng “khi truyền hình trực tiếp thì VTV không thể xử lý hết được những cái mà ban tổ chức (báo Quân đội nhân dân) đã chuẩn bị trước đó”.

Bài báo trích lời lãnh đạo của VTV sau đó đã bị rút khỏi trang báo mà không rõ lý do. Nhận định về việc những gì liên quan tới Trung Quốc hiện đều gây ra các phản ứng ở Việt Nam, ông Thành nói thêm:

“Cái tư tưởng bá quyền, tư tưởng lăm le xâm chiếm nước Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc rất là rõ. Việc làm này thể hiện một sự đồng nhất về văn hóa của Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam. Phẫn nộ là vì nhân dân cho rằng đường lối, sách lược thông tin truyền thông đã bị Trung Quốc khống chế. Mà cái này lại là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên VTV”.

Cơ quan quản lý truyền thông của Việt Nam chưa lên tiếng trước lời nhận xét của ông Thành.

Cựu du học sinh ở Trung Quốc cho biết thêm rằng bức tranh cổ động trên từng được một họa sĩ ở Việt Nam sao chép và sửa chữa thành tranh cổ động về an toàn lao động.

Năm ngoái, VTV cũng vấp phải sự cố khi phát đoạn nhạc trong bài “Ca ngợi tổ quốc”, “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc.

Trong khi đó, VTV hiện vẫn là tâm điểm của dư luận sau khi phát chương trình “60 phút mở”, bị coi là “đấu tố” một MC nổi tiếng về “động cơ” chia sẻ clip vụ cá chết, cũng như chất vấn việc “làm từ thiện vì ai”. - VOA

No comments:

Post a Comment