Wednesday, August 9, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 9/8

Tin Thế Giới

1.
‘Đối đầu Mỹ-Bắc Hàn có nguy cơ dẫn tới thảm họa khó lường’ --- Đức hối thúc TQ, Nga kiềm chế Bắc Hàn, TQ kêu gọi bình tĩnh --- Chính quyền Guam trấn an cư dân về mối đe dọa từ Bắc Hàn

Trong kịch bản tốt nhất, một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ vào địa điểm phóng tên lửa hoặc cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ không làm suy giảm nghiêm trọng khả năng của Bình Nhưỡng, nhưng có thể thuyết phục lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, chấp nhận đối thoại thay vì đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mà ông ta biết rõ là không thể thắng, theo các nhà phân tích.

Ông Shin In-Kyun, một nhà phân tích về an ninh khu vực thuộc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nói: "Nếu ông Kim kiên nhẫn và tìm một lối thoát thông qua đàm phán với Mỹ, với sự giúp đỡ Trung Quốc và Nga, thì ông ts sẽ sống sót."

Tuy nhiên, chính lập luận biện hộ cho hành động quân sự để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên là, không thể nào tin tưởng giới lãnh đạo Bình Nhưỡng sẽ tự chế.

Ông Bruce Klingner, nhà phân tích các vấn đề Đông-Bắc-Á thuộc Tổ chức Heritage ở thủ đô Washington, từng phân tích tình báo cho CIA, nói: "Hinh như có một sự tách biệt giữa việc nói Kim Jong Un là một kẻ điên rồ, có thể khởi động một cuộc tấn công, nhưng ông ta có đủ lý trí để không đáp trả, nếu bị Mỹ tấn công.”

Nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tiếp tục tăng sau khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm thứ Tư tuyên bố họ đang "xem xét cẩn thận" kế hoạch tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, nơi Mỹ có một căn cứ quân sự, gồm phi đội tàu ngầm, căn cứ không quân và một đội tuần duyên.

Nói với các phóng viên tại câu lạc bộ golf ở bang New Jersey trước đó vài giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói những đe dọa của Bắc Triều Tiên sẽ "đối mặt với lửa đạn và sự giận dữ như thế giới chưa bao giờ chứng kiến."

Thượng nghị sĩ John McCain khuyến cáo Tổng thống chớ nên tham gia và lời qua tiếng lại với những lời dọa dẫm phóng đại "bởi vì chúng ta phải chắc chắn là có thể làm được những gì mà chúng ta nói sẽ làm.”

Bắc Triều Tiên gần đây cảnh cáo rằng họ sẽ dạy cho Hoa Kỳ một "bài học đích đáng" bằng cách dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả bất kỳ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên các nhà chiến lược quân sự nói một cuộc tấn công giới hạn có nguy cơ kích động Bắc Triều Tiên tiến hành một trận pháo kích chết người, và có thể dùng vũ khí hóa học tấn công Hàn Quốc, và như vậy tình hình có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn dọc theo biên giới liên Triều, và lôi vào cuộc chiến hơn 28.000 binh sĩ Mỹ có mặt tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, cũng có khả năng lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ra lệnh cho quân đội nước ông sát cánh chiến đấu với đồng minh ở Bình Nhưỡng, để ngăn cản Hoa Kỳ kiểm soát Bắc Triều Tiên.

Thái độ chống đối và bất mãn tại Hàn Quốc chống lại Mỹ có thể tăng nếu Washington khởi động cuộc xung đột quân sự, gây nguy hiểm cho mạng sống của hàng triệu người ở gần vùng biên giới. - VOA

***
Hôm thứ Tư, Đức kêu gọi Trung Quốc và Nga hãy thuyết phục Bình Nhưỡng ngưng theo đuổi các chính sách dẫn tới leo thang quân sự trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng nói họ đang xem xét khả năng dùng tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ.

Hãng tin Reuters dẫn lời nữ phát ngôn viên của chính phủ Đức Ulrike Demmer nói:

“Mục đích của chính phủ Đức là tránh leo thang quân sự hơn nữa và giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp tại khu vực Bắc Thái Bình Dương.”

Bà Demmer nói thêm rằng Trung Quốc và Nga có trách nhiệm đặc biệt phải làm tất cả những gì có thể làm để thuyết phục Bắc Triều Tiên hãy ngưng theo đuổi việc leo thang quân sự.

Vẫn theo tin của Reuters, Trung Quốc trong cùng ngày kêu gọi tất cả các bên hãy tình tĩnh sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ dùng sức mạnh quân sự để đáp trả bằng “lửa đạn và thịnh nộ” tiếp theo sau tuyên bố của Bắc Triều Tiên là họ đang xem xét kế hoạch tấn công đảo Guam bằng tên lửa.

Trong một thông cáo gửi cho Reuters, chính quyền Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên hãy tránh đưa ra những phát biểu hay hành động có thể làm cho tình hình leo thang, và hãy cố gắng hơn nữa để giải quyết tranh chấp qua đàm phán. - VOA

***
Các giới chức dân cử trên đảo Guam trấn an cư dân rằng vùng lãnh thổ này của Mỹ vẫn an toàn, sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đang xem xét kế hoạch tấn công hòn đảo Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược này của Mỹ, và sẽ bao vây hòn đảo này ‘trong biển lửa’.

Trong tuyên bố đưa ra sớm hơn trong ngày thứ Tư 9/8, cơ quan thông tấn Trung ương của Bắc Triều Tiên nói các lực lượng vũ trang của họ đang "xem xét kỹ lưỡng" một kế hoạch tấn công tên lửa nhắm vào đảo Guam.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới Bắc Triều Tiên một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo Bắc Hàn hãy ngưng những lời đe dọa đối với Hoa Kỳ, bằng không sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Tổng thống Donald Trump nói:

"Họ sẽ phải đương đầu với lửa và sự giận dữ ờ mức thế giới chưa từng chứng kiến ... họ sẽ đối mặt với lửa, sự giận dữ và thành thực mà nói, với sức mạnh mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến."

Một số nhà phân tích tự hỏi với lời lẽ đó, liệu ông Trump có vẽ ra một "giới hạn đỏ" trong cuộc đối đầu với Bình Nhưỡng?

Ông Scott Snyder thuộc Hội đồng các Chính sách Đối ngoại nói:

"Rõ ràng ông Trump không quen với lối tuyên truyền đến từ Bắc Triều Tiên, và điều này đặt ra một thách thức bởi vì bất cứ khi nào có hành động chống Bắc Triều Tiên làm họ cảm thấy bị xúc phạm, thì họ lại phản ứng với những ngôn ngữ có tính khoa trương. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ thực hiện bất cứ lời đe doạ nào. Khi chúng ta mắc mưu họ và nhảy vào lời qua tiếng lại với họ, thì bầu không khí căng thẳng sẽ leo thang, tạo ra những rủi ro cao hơn về nguy cơ tính toán sai,và tăng sự hiểu lầm ở cả hai bên”.

Ông Snyder nói ông Trump có thể rơi vào cái bẫy của các vị tổng thống trước đây, đưa ra những lời đe dọa mà họ có thể hoặc không thể theo đuổi đến cùng.

Trong khi đó, các cơ quan truyền thông Mỹ tường thuật rằng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã kết luận rằng Bắc Triều Tiên gần đây đã thành công trong việc chế tạo một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm mới đây.

Trong quá khứ Bình nhưỡng đã đe doạ sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân với Hoa Kỳ để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc về các cuộc thử nghiệm hạt nhân của họ. - VOA
|
|

2.
Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam bảo vệ Biển Đông --- Trung Quốc dựa vào Singapore để giữ ASEAN đồng thuận về biển Đông

Ngày 08/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc, Virginia. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép tại Biển Đông, Hoa Kỳ cam kết củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam và sẽ gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm vào năm tới.

Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ tại bộ Quốc Phòng Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch đồng ý là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc lấn áp, quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh có dấu hiệu xấu đi.

Tại Biển Đông, ngư dân Việt Nam liên tục bị tấn công và gần đây nhất, hồi tháng 7, Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án thăm do dầu hỏa do áp lực của Bắc Kinh.

Tại hội nghị ASEAN, cuối tuần qua ở Manila, Philippines, Việt Nam đòi phải đưa lời lẽ cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh «quân sự hóa Biển Đông» vào bản thông cáo chung. Trung Quốc biểu lộ giận dữ hủy bỏ cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước.

Trong bối cảnh này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố với đồng nhiệm Việt Nam là «mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đặt trên nền tảng (bảo vệ) quyền lợi chung kể của quyền tự do lưu thông tại Biển Đông ».

Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh vai trò «lãnh đạo đang lên » của Việt Nam trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một trong những cử chỉ tiêu biểu cho xu hướng quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Việt Nam là chủ nhân Lầu Năm Góc thông báo một hàng không mẫu hạm sẽ đến Việt Nam vào năm 2018.

Dự án này đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận với tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam. - RFI

***
Trung Quốc lo ngại sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới về những hành động của nước này trên biển Đông khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.

Reuters dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề này nói Trung Quốc đang gây áp lực với Singapore để đảm bảo điều này sẽ không xảy ra.

Nguồn tin của Reuters cho biết trong những tháng gần đây, các đại diện của Trung Quốc nói với những người đồng cấp phía Singapore trong các cuộc họp kín rằng họ không muốn có rắc rối cho Bắc Kinh khi Singapore nắm ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2018.

Các nhà ngoại giao nói họ tin rằng Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia nắm chức chủ tịch ASEAN trong quá khứ để xoa dịu lập trường của khối 10 nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, một trong những vụ tranh chấp gây bất ổn nhất ở châu Á.

Chủ tịch hiện tại của ASEAN là Philippines, nơi cuộc họp quy tụ các nhà ngoại giao của nhóm được tổ chức cuối tuần qua. ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung vào ngày 5/8 vì các nhà ngoại giao không thể đồng thuận về liệu có nên nhắc tới việc Trung Quốc nhanh chóng nâng cao khả năng quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ xây trên vùng biển có tranh chấp hay không. Tuyên bố này cuối cùng được đưa ra hôm 6/8.

Một nhà ngoại giao châu Á ở Bắc Kinh cho Reuters biết có những lo ngại rằng Singapore có thể sử dụng chức chủ tịch luân phiên ASEAN để tìm cách “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, trong khi Trung Quốc chỉ muốn giới hạn nó giữa các nước có liên quan trực tiếp.

“Trung Quốc nghĩ rằng Singapore, một quốc gia có phần đông người gốc Hoa, sẽ lắng nghe Bắc Kinh nhiều hơn,” một nguồn tin không cho biết danh tính nói với Reuters.

“Bắc Kinh đã nói rõ với Singapore về những gì họ mong muốn trong vấn đề biển Đông,” một nhà ngoại giao châu Á khác ở Hong Kong cho biết.

Bộ Ngoại giao Singapore từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này ủng hộ Singapore đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN, và “tin rằng Singapore sẽ lèo lái ASEAN cùng làm việc với Trung Quốc để tăng cường và nâng cao sự hợp tác trên thực tế và thậm chí, xây dựng một cộng đồng ASEAN-Trung Quốc gắn bó hơn cho một mục đích chung.”

Singapore không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng có cảng biển lớn nhất ở Đông Nam Á. Singapore nêu rõ rằng nền kinh tế mở của nước này phụ thuộc vào sự lưu thông tự do của hàng hóa trong khu vực.

Nói chuyện với Ngoại Trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong một cuộc gặp tại Manila hôm 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng mối quan hệ 2 nước gần đây đã tốt trở lại.

“Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã có những thăng trầm. Nhưng các cuộc tiếp xúc thân mật giữa lãnh đạo 2 nước gần đây đã nuôi dưỡng được lòng tin chung – là điều cần thiết cho các mối quan hệ song phương lành mạnh”.

Truyền thông Singapore dẫn lời Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết đã có một cuộc gặp tích cực với ngoại trưởng Trung Quốc.

Trung Quốc lo ngại Singapore có một mối quan hệ quốc phòng lâu đời với Mỹ và các đồng minh, mặc dù Singapore cho biết họ cũng có mối quan hệ hữu hảo tương tự với Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Singapore loan báo quan hệ quốc phòng tăng cường vào cuối năm 2015, bao gồm việc triển khai máy bay do thám tầm xa P-8 từ Singapore – loại máy bay thường xuyên theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc.

Singapore cũng có quan hệ với Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai thuộc Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc bùng ra vào tháng 11 năm ngoái khi các giới chức cảng Hong Kong giữ lại 9 quân xa có trang bị vũ khí của Singapore đang được vận chuyển về nước từ khu diễn tập ở Đài Loan.

Hong Kong đã trả lại những quân xa này hồi đầu năm nay giữa lúc các cuộc tranh luận mở hiếm thấy ở cả Singapore và Trung quốc về mối quan hệ đang xấu đi.

Hoàn Cầu Thời Báo của Nhà nước Trung Quốc, nói hồi tháng 6 rằng mối quan hệ từng có thời “đặc biệt” giữa 2 quốc gia đang xấu đi trong bối cảnh hai bên mất tin cậy với nhau về vấn đề biển Đông.

Eugene Tan, một giáo sư luật của Đại học Quản Trị Singapore, nói có thể có những khác biệt quan điểm giữa hai nước khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN, và khi điều đó xảy ra, “Trung Quốc khó có thể ép buộc Singapore làm theo ý mình về quan hệ Trung Quốc-ASEAN,” theo giáo sư Tan, người từng là một nhà ngoại giao Singapore.

“Singapore không ở trong vị thế để nói với các nước khác phải làm gì về chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Singapore sẽ áp dụng một lối tiếp cận mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông bất chấp Trung Quốc gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye, phán rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở.

Trương Bạc Hối, một chuyên gia về an ninh của Hoa Lục ở Hong Kong, nói Trung Quốc nghi ngờ sự thành thực của Singapore khi tuyên bố nước này không muốn phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chuyên gia này nói: “Có quan điểm ở Bắc Kinh cho rằng Singapore là kẻ chủ mưu đằng sau các chính sách nhằm kiềm hãm Trung Quốc, không chỉ trong nội bộ ASEAN, mà còn muốn Trung Quốc bị bao vây bởi một vòng đai gồm các đối tác thân Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và nước Úc”. - VOA
|
|

3.
Đức 'cân nhắc hành động' do VN 'phớt lờ' vụ Trịnh Xuân Thanh

Đức hôm thứ Tư 9/8 tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh 'đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc' hồi cuối tháng Bảy.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức "chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh" và đó là hành vi mà Đức thấy là "không thể chấp nhận".

Luật sư tại Đức của ông Thanh nói ông tin rằng thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Tư nói ông lấy làm tiếc là đòi hỏi của phía Đức trong việc Hà Nội phải để ông Thanh quay trở lại Đức đã không được trả lời.

"Chúng tôi đã hy vọng là sẽ có khả năng nhằm... sửa chữa sau lỗi vi phạm nghiêm trọng luật Đức và luật pháp quốc tế," phát ngôn viên nói với các phóng viên.

"Thật không may là điều đó đã không xảy ra, cho nên chúng tôi đang cân nhắc xem cần làm gì để đối tác Việt Nam của chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó," ông nói.

Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện 'ra đầu thú', và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông "đành phải về để đối diện sự thật".

Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh "đơn xin tự thú" được cho là của ông Thanh viết tay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức từ chối nói rõ về các khả năng cụ thể là gì, nhưng nhấn mạnh rằng Việt Nam nhận viện trợ phát triển từ Đức ở mức đáng kể.

Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.

"Mọi lựa chọn đều đang được đặt trên bàn," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói, và cho biết thêm là đã có các cuộc trao đổi giữa chính phủ hai nước.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam. - BBC
|
|

4.
“Trung Quốc muốn thành siêu cường số một vào năm 2049”

Tạp chí Le Point số cuối tuần qua đề ngày 03/08/2017 đã trích thành tựa nhận định của một chuyên gia phương Tây hàng đầu về Trung Quốc, ông Michael Pillsbury, giám đốc Trung Tâm về Chiến Lược Trung Quốc, Viện Hudson (Hoa Kỳ). Nhà nghiên cứu này đã cho ra mắt quyển « Cuộc chạy marathon 100 năm : Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ ở vị trí siêu cường thế giới ».

Trả lời phỏng vấn của phóng viên le Point, Hélène Visssière, ông Pillsburry trước hết giải thích ý nghĩa của « Cuộc chạy mararathon 100 năm » mà Trung Quốc đang tiến hành.

Michael Pillsbury : Đây là ý lấy từ quyển sách của Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), Giấc mơ Trung Quốc, xuất bản năm 2010. Vị đại tá (hồi hưu) này tiết lộ là vào năm 1955 Mao Trạch Đông đã nói rằng : « Trong vòng 75 năm, Trung Quốc có thể bắt kịp và vượt qua Mỹ ». Nhưng ông Lưu Minh Phúc cho là Mao quá lạc quan. Cuộc chạy marathon sẽ kéo dài 100 năm.

Qua nghiên cứu, tôi được biết là từ thời Mao đến nay, giới diều hâu Trung Quốc là nước họ sẽ thay thế Mỹ ở vị trí lãnh đạo chính trị, kinh tế và quân sự của thế giới vào năm 2049, tức lúc kỷ niệm 100 năm ngày Mao lên nắm quyền.

Kế hoạch này được biết dưới tên « Cuộc chạy marathon 100 năm », nhưng không ai nói đến để không làm cho Mỹ e ngại. Tuy nhiên, bây giờ thì giới diều hầu bắt đầu đề cập đến một cách công khai.

Le Point : Theo ông thì giới quân sự Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ các cuộc chiến thời xa xưa để xây dựng chiến lược hiện tại của họ ?

Michael Pillsbury : Chiến lược của họ hiện nay dựa nhiều trên những bài học thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ V đến 221 trước Công Nguyên). Quả là điều khó tin nhưng có thực ! Các tướng lãnh Trung Quốc thuộc lòng những mưu mô xảo quyệt của 7 vương quốc thời Chiến Quốc Thất Hùng, chiến lược họ dùng để bành trướng và loại bỏ đối thủ, liên minh để ngự trị…

Dựa trên lời chứng của một số người đã chạy khỏi Trung Quốc, tôi đã bắt đầu đọc một số tiểu luận quân sự đã rút tỉa từ thời kỳ đó một loạt chiến thuật : duy trì nơi đối phương cảm giác an toàn và tự mãn, thao túng cố vấn của họ, ăn cắp ý tưởng và công nghệ, biết kiên nhẫn, cảnh giác để tránh không bị bao vây. Đây có lẽ là nỗi lo ngại lớn nhất của Trung Quốc…

Có một quân đội lớn không phải là bảo đảm tuyệt đối cho thắng lợi, điều này có thể giải thích vì sao Trung Quốc không phát triển một lực lượng quân sự đông đảo hơn hiện nay.

Le Point : Phải chăng họ cũng cũng lấy cảm hứng từ lịch sử Mỹ ?

Michael Pillsbury : Người Trung Quốc có vẻ như bị mê hoặc trước sự biến đổi của Mỹ thành một siêu cường. Họ nghiên cứu xem chính sách thương mại và công nghiệp đã giúp Mỹ vượt qua Anh Quốc và Đức như thế nào. Sách giáo khoa ở trường đảng Trung Quốc nêu điển hình của nước Mỹ thế kỷ XIX : Mỹ đã làm thế nào để ru ngủ Anh Quốc, ăn cắp bằng sáng chế của Anh ra sao...

Tôi đã sững sờ khi thấy ở thư quán trường đảng, bên cạnh sách về thời Chiến Quốc, có cả một phần dành cho kỹ thuật quản lý của Mỹ.

Le Point : Ông thường nhắc nhở là Hoa Kỳ đã luôn luôn nhầm lẫn về chính sách của Trung Quốc ?

Michael Pillsbury : Từ những năm 1970, chính sách của Mỹ chủ yếu là do những người tìm kiếm một sự “dấn thân xây dựng” với Trung Quốc. Người ta tin tưởng là Trung Quốc đang đi trên con đường dân chủ hóa, sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, có cùng nguyện vọng với Mỹ. Người ta tưởng là sự trợ giúp của Mỹ cho một Trung Quốc còn yếu kém, với những lãnh đạo suy nghĩ như chúng ta, điều đó sẽ giúp cho Trung Quốc trở nên một cường quốc dân chủ, yêu chuộng hòa bình, không có tham vọng khu vực hay thế giới.

Thế nhưng Bắc Kinh đã phát triển một hệ thống tinh vi để đánh lừa thế giới bên ngoài, đã thuyết phục được phương Tây là sự vươn lên của họ không tác hại đến nước khác, là Trung Quốc là một nước lạc hậu cần được giúp đỡ.

Năm 1996, tôi đã gặp những người quân nhân, trí thức đã mô tả những vấn đề môi trường, thiếu nước, hiểm họa từ các cộng đồng thiểu số, nạn tham nhũng…Tôi rất thán phục sự thật thà của họ.

Le Point : Bắc Kinh ngày nay tỏ vẻ hung hăng hơn...

Michael Pillsbury : Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã tự khẳng định mình, và càng tỏ rõ thái độ từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, tranh thủ thời cơ được cho là Mỹ bị suy yếu sau cuộc khủng hoảng tài chính. Sự hung hăng của Trung Quốc bắt đầu ở Biển Đông.

Người Trung Quốc đã từng nói với tôi là họ sẽ không trở thành một cường quốc bá quyền vì họ không có tàu sân bay, không có căn cứ quân sự hải ngoại. Giờ đây họ đều có cả hai. Việc họ xây dựng căn cứ ở Trường Sa là nhằm tạo vị trí chiến lược nhắm vào các láng giềng để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Trung Quốc.

Tôi đã dự một hội thảo ở Bắc Kinh, người ta đã giải thích là phần kinh tế tăng nhanh nhất là các nguồn tài nguyên từ đại dương, dầu hỏa, khí đốt, cá …

Le Point : Trung Quốc có phải là thành phần nguy hiểm không ?

Michael Pillsbury : Không có đe dọa quân sự trước mắt. Người Trung Quốc không đi chinh phục những nước khác như kiểu Hitler đã làm hay Tojo của Nhật Bản trong thế kỷ qua. Họ thực tiễn hơn. Họ có thể có than, có dầu hỏa họ cần nhờ các tập đoàn nhà nước hoạt động ở nước ngoài… Ông Hồ Cẩm Đào dường như đã từng nói mua Đài Loan dễ hơn và ít tốn kém hơn là đánh chiếm.

Mối đe dọa thật sự có lẽ là sự thiếu vắng cải tổ, và từ đây đến năm 2049, GDP của Trung Quốc tăng gấp đôi GDP của Mỹ. Hãy cứ nghĩ đến nạn ô nhiễm, ăn cắp công nghệ, và sự ưa thích những kẻ độc tài như Assad hay Mugabe… Nhưng đấy chỉ là giả thuyết...

Le Point : Hiện nay thì chiến lược quân sự của Trung Quốc là gì ?

Michael Pillsbury : Họ tập trung phát triển loại vũ khí có thể giúp đánh bại một kẻ thù hùng mạnh hơn bằng cách tấn công vào những điểm yếu của đối phương. Những quyển sách chiến lược mới của Trung Quốc đánh giá rằng Mỹ yếu trên phương diện an ninh mạng và không gian. Quân đội Trung Quốc đã thiết lập 16 đơn vị gián điệp chuyên trách tấn công tin học, và đã phát triển một chương trình vũ khí bí mật để phá hủy các vệ tinh mà Mỹ lệ thuộc vào.

Điều tuyệt vời là rất dễ chối cãi là mình có những vũ khí này. Hơn nữa chưa có nước nào tiến hành một cuộc chiến tranh trên mạng, cho nên một kẻ mới đến trong lãnh vực này, cũng có cơ may tương tự như những người đã có trăm năm kinh nghiệm quân sự.

Le Point : Có nên lo ngại chiến tranh nổ ra hay không ?

Michael Pillsbury : Có đấy, có thể xẩy ra một cuộc chiến tranh ngoài ý muốn. Trung Quốc là nước quen thói tung ra những « cú đánh cảnh cáo ». Họ đã can thiệp bất ngờ vào Triều Tiên năm 1950, rồi vào Ấn Độ năm 1962… Họ cho rằng một cuộc tấn công phủ đầu có thể tạo sự khác biệt (và mang lại chiến thắng).

Le Point : Ông nhìn tương lai như thế nào ?

Michael Pillsbury : Nhận định của tôi khá bi quan. Nếu Mỹ muốn tranh đua, thì họ phải thay đổi hoàn toàn quan điểm và nhìn nhận là Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chứ không phải là một quốc gia cần cứu trợ, phải nhận dạng những lãnh vực mà Mỹ có thể gây sức ép, khuyến khích các nước lân cận thiết lập liên minh để có thể buộc Trung Quốc giảm bớt sự hung hăng…Và phải bảo vệ các nhà ly khai Trung Quốc, hỗ trợ giới cải cách và nghiên cứu thời kỳ Chiến Quốc... !

Mỹ chỉ mới bắt đầu thức tỉnh, hy vọng là không quá trễ. - RFI
|
|

5.
Có nên bán Sàn Giao dịch Chứng khoán Chicago cho Trung Quốc?

Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) dự kiến sẽ ra phán quyết trong ngày thứ Tư 9/8 về liệu có nên cho phép một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mua sàn giao dịch chứng khoán Chicago, trong một hợp đồng gây nhiều tranh cãi trong khi một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại giao dịch này sẽ cho phép một chính phủ nước ngoài giành được một chỗ đứng trong hệ thống tài chính Mỹ.

Theo báo Chicago Tribune ngày 8/8, một nhóm nhà đầu tư có liên hệ với tập đoàn Doanh nghiệp Trùng Khánh Casin đang vận động sự chấp thuận của SEC về thỏa thuận mua bán này. Đề xuất đã có từ cuối năm 2016 và từ đó đến nay, SEC đã nhận được nhiều thư phản đối.

Trong thư phản đối mới nhất vào tháng 7, 11 dân biểu Hạ viện do dân biểu Robert Pittenger, đại diện đảng Cộng hòa ở bang North Carolina dẫn đầu, kêu gọi SEC bác bỏ đề xuất mua lại sàn giao dịch Chicago, gọi đây là "mối đe dọa đối với an ninh tài chính Mỹ và niềm tin của người Mỹ đối với cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính quốc gia."

Theo đề xuất, sàn giao dịch 135 tuổi này sẽ được bán với giá ước lượng 30 triệu đôla cho một nhóm do Tập đoàn Doanh nghiệp Trùng Khánh Casin, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, đứng đầu. Tập đoàn này tham gia nhiều hoạt động kinh doanh, từ xử lý nước thải đến đầu tư vào ngành bất động sản.

Sàn giao dịch hiện nay thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn các nhà đầu tư và các công ty tài chính bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America, E-Trade và Goldman Sachs.

Trong thư gửi cho SEC, dân biểu Pittenger nhấn mạnh đến sự thiếu minh bạch của các thị trường Trung Quốc và nói ông lo ngại SEC sẽ không thể theo dõi quyền sở hữu và mối nguy vì "bị ảnh hưởng của nhà nước" Trung Quốc.

Trong một thư khác vào tháng Bảy, Thượng nghị sĩ Joe Manchin, đảng Dân chủ, đại diện bang West Virginia, cũng nêu lên những lo ngại tương tự về Trung Quốc và nói thêm: "Những nỗ lực kiên định của họ để đánh cắp tài sản trí tuệ và các cuộc tấn công mạng do nhà nước bảo trợ là những mối đe dọa rõ rệt và hiện hữu đối với an ninh quốc gia.”

Chủ tịch điều hành Tập đoàn Casin Holdings Bắc Mỹ, ông Yong Xiao, nói với SEC rằng đề xuất này sẽ "giúp thiết lập mối liên kết giữa các thị trường vốn của Trung Quốc và Mỹ."

John Kerin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Sàn Giao dịch Chứng khoán Chicago lưu ý trong một bức thư gửi SEC hồi tháng 3 năm nay rằng Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ đã xem xét đề xuất giao dịch và "không tìm thấy bất cứ quan quan về an ninh quốc gia nào mà chưa được giải quyết."

Ông nói SEC sẽ duy trì quyền giám sát sàn giao dịch “một cách hợp lý”. - VOA
|
|

6.
Indonesia và Nga hợp tác chống khủng bố

Indonesia và Nga sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để chống khủng bố, cũng như kiểm soát bọn tin tặc trên mạng.

Tuyên bố được đưa ra sau buổi làm việc, tại thủ đô Jakarta của Indonesia giữa Ngoại trưởng nước chủ nhà Retno Marsudi, và người đồng nhiệm phía Nga là ông Sergei Lavrov.

Ông Lavrov đang có chuyến thăm 2 ngày đến quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này. Ông nói rằng các đe dọa khủng bố của nhà nước Hồi giáo ISIS chưa chấm dứt và liên quan nhiều đến Nga và Indonesia.

Hiện nay đang có nhiều lo ngại rằng nhóm tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ISIS đang phát triển ảnh hưởng của chúng ở khu vực Đông Nam Á, sau khi yếu dần tại Trung Đông.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông nhất thế giới và trong những năm vừa qua giới quan sát cho rằng có đến hàng trăm người Indonesia cực đoan tham gia lực lượng ISIS.

Ngay sát Indonesia, cuộc chiến giữa quân đội Philippines chống lại quân khủng bố ISIS tại thành phố Marawi miền Nam nước này vẫn chưa kết thúc, và các giới chức Indonesia cho biết là có đến vài chục chiến binh ISIS người Indonesia đang chiến đấu tại Marawi. - RFA
|
|

7.
Thái tuyên 20 năm tù cho người bị buộc tội chống hoàng gia

Hai mươi năm tù do phỉ báng hoàng gia Thái Lan là bản án dành cho người đàn ông được nêu tên là Tara mà tòa án Bangkok tuyên phạt hôm 9 tháng 8.

AFP loan tin nói bị cáo đã đưa lên podcast những file âm thanh xúc phạm hoàng gia Thái Lan, vi phạm Luật Lese Majeste cấm phỉ báng vua và hoàng gia Thái. Luật sư Yaowalak Anuphan, người bào chữa cho ông Tara, thông tin thân chủ bị bắt từ tháng Giêng năm 2015.

Một viên chức tòa án quân sự Thái Lan xác nhận tin do AFP loan đi.

Luật Lese Majeste hay còn gọi là Luật Khi Quân bị các tổ chức nhân quyền ở Thái cũng như trên thế giới chỉ trích là vi phạm quyền con người của công dân Thái. Ngay cả truyền thông Xứ Chùa Vàng cũng bị buộc phải tự kiểm duyệt để không vi phạm luật này.

Vẫn liên quan Thái Lan, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi chính quyền quân sự Thái Lan hủy bỏ những cáo buộc đối với những người dùng mạng xã hội facebook để đưa ra quan điểm.

Chính quyền Thái Lan vừa buộc tội xúi giục nổi loạn và tội phạm máy tính đối với một nhà báo và hai nhà phê bình chính trị nổi tiếng ở xứ này vì những bình luận của họ về chính quyền trên Facebook.

Ba người vừa bị Chính quyền quân sự Thái cáo buộc tội gồm nhà báo kỳ cựu Pravit Rojanaphruk của Báo mạng tiếng Anh Khaosod, cựu bộ trưởng Năng Lượng, ông Pichai Naripthaphan và cựu Bộ trưởng Bộ An Ninh Con Người & Phát Triển Xã Hội, ông Watana Muangsook.

Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch, ông Brad Adams nói rằng Chính quyền Thái Lan cần phải từ bỏ ngay lập tức những cáo buộc mơ hồ đối với những bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. - RFA
|
|

8.
Động đất Tứ Xuyên, 19 chết, gần 300 bị thương

Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên hôm thứ Ba 8/8 xác nhận 19 người dã thiệt mạng trong một trận động đất mạnh xảy ra tại một vùng núi non hẻo lánh.

Chính quyền địa phương cho biết 247 người khác bị thương trong trận động đất, tâm chấn là quận Ngawa, quê hương của những người du mục Tây Tạng và Cửu Trại Câu, một công viên quốc gia nổi tiếng với phong cảnh ngoạn mục, thu hút hàng ngàn du khách Trung Quốc và nước ngoài.

Nhà chức trách cho biết có ít nhất 5 du khách thiệt mạng. Tân Hoa Xã tường thuật rằng trong số những người bị thương có một phụ nữ Canada và một thanh niên Pháp. Ngoài ra, Tân Hoa Xã cho biết hơn 30.000 du khách đã được di tản ra khỏi công viên Cửu Trại Câu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một nỗ lực "toàn diện" để giải cứu và giúp đỡ những người bị thương.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trận động đất đo được 6,5 độ richter trong khi Trung tâm động đất ở Trung Quốc nói cơn động đất đo được 7,0 độ richter. Hơn 100.000 căn nhà bị hư hại, toàn khu vực bị mất điện.

Trận động đất hôm thứ Ba xảy ra gần khu vực nơi tùng diễn ra trận động đất 8.0 độ richter năm 2008. Trận động đất này đã tàn phá khu vực, làm 87.000 người chết hoặc mất tích.

Trong khi đó, nhà chức trách đang đối phó với một trận động đất mạnh khác mà theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đo được 6,3 độ richter, xảy ra ở khu vực tây bắc Tân Cương.

Tân Hoa Xã nói có ít nhất ba dân làng bị thương khi nhà của họ bị sập. - VOA
|
|

9.
Cảnh sát Pháp bắt nghi phạm tấn công binh sĩ

Cảnh sát Pháp đã bắn và bắt giữ một người đàn ông tình nghi lái xe lao vào một toán binh sĩ Pháp hôm thứ Tư 9/8 ở một vùng ngoại ô thủ đô Paris, làm 6 người bị thương.

Nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết nghi can bị bắt ở phía bắc Paris trong chiếc xe đã được sử dụng trong cuộc tấn công có chủ ý.

Một nguồn tin ẩn danh từ tòa án nói người đàn ông bị bắt giữ "bị nghi là thủ phạm" trong cuộc tấn công.

Nguồn tin cho biết, "Nghi can lái chiếc xe mà chúng tôi đang tìm kiếm và y đã cố chạy trốn", buộc cảnh sát phải nổ súng.

Vụ việc xảy ra khi các binh sĩ rời doanh trại ở xã Levallois-Perret để đi tuần tra.

Thị trưởng Patrick Balkany nói "không còn nghi ngờ gì " vụ tấn công này là cố ý. "Chiếc xe của hắn không dừng lại mà lao vào họ ... rồi tăng tốc bỏ chạy."

Nhà chức trách truy lùng người lái xe, trong khi văn phòng công tố Paris cho biết đã mở cuộc điều tra khủng bố.

Cuộc tấn công xảy ra tiếp theo sau một loạt cuộc tấn công do những cảm tình viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện, nhắm vào binh sĩ và cảnh sát Pháp. Pháp đã điều động một lực lượng nhân viên công vụ hùng hậu để đối phó sau khi IS kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công tại Pháp và các nước từng tham gia chiến dịch không kích nhắm vào các vị trí IS ở Iraq và Syria. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
WaPo: FBI từng đột kích tư gia giám đốc chiến dịch tranh cử TT Trump

Các đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đột kích nhà của cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump vào tháng trước, sử dụng một lệnh khám xét để thu giữ giấy tờ và các tài liệu khác, báo The Washington Post loan tin, dẫn lời những người nắm rõ thông tin về cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt liên quan tới sự can thiệp vào Nga vào cuộc bầu cử năm 2016.

Đặc vụ liên bang xuất hiện tại nhà riêng của ông Paul Manafort mà không báo trước vào lúc tảng sáng ngày 26 tháng 7, một ngày sau khi ông tình nguyện gặp gỡ đội ngũ nhân viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, tờ Post cho biết.

Nhật báo này nói thêm rằng lệnh khám xét có phạm vi rộng lớn và các đặc vụ FBI làm việc với công tố viên đặc biệt Robert Mueller rời khỏi nhà ông Manafort với nhiều hồ sơ giấy tờ. Jason Maloni, người phát ngôn của ông Manafort, xác nhận với tờ Post rằng các đặc vụ thực thi lệnh khám xét tại một trong những ngôi nhà của ông và ông đã hợp tác với cuộc khám xét.

Cuộc đột kích diễn ra trong khi ông Manafort vẫn đang tự nguyện giao nộp tài liệu cho các ủy ban quốc hội điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Lệnh khám xét cho thấy các nhà điều tra có thể đã lập luận với thẩm phán liên bang họ có lý do để tin rằng họ không thể tin tưởng ông Manafort giao nộp tất cả hồ sơ để đáp lại trát của đại bồi thẩm đoàn buộc ông ra khai chứng, tờ Post nói.

Tờ báo này cũng nói thêm rằng chưa rõ những giấy tờ bị thu giữ tại căn hộ của ông Manafort quan trọng tới mức nào.

Ông Manafort đã cung cấp tài liệu cho cả Ủy ban Tư pháp Thượng viện lẫn Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện. Các tài liệu này bao gồm những ghi chú mà ông đã ghi lại trong khi tham dự cuộc gặp gỡ với con trai của Tổng thống Donald Trump là ông Trump Jr. và một luật sư người Nga tại tòa nhà Trump Tower vào tháng 6 năm 2016.

Email cho thấy Trump Jr. nhận lời dự cuộc gặp gỡ và mời Manafort tham gia sau khi Ông Trump Jr. được luật sư người Nga hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin gây tổn hại về bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, trong một nỗ lực của chính phủ Nga nhằm hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. - VOA
|
|

11.
Cổ phiếu Mỹ mất điểm do lo ngại Bắc Hàn

Cổ phiếu Phố Wall mất giá vào chiều thứ Ba sau khi ông Donald Trump cảnh báo sẽ đáp trả bằng vũ lực qui mô nếu Bắc Hàn đe dọa Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump bình luận sau khi Washington Post nói Bắc Hàn đã chế được một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vừa tên lửa của họ.

Chỉ số Dow Jones giảm 0,15%, xuống còn 22,085.34 điểm và chỉ số S&P 500 giảm 0,24% xuống còn 2,474.94 điểm.

Chỉ số Nasdaq giảm 0,21% xuống còn 6,370.46 điểm.

"Phản ứng của ông Trump là hiếu chiến và đó là lý do tại sao thị trường mất điểm," Ken Polcari, từ O'Neil Securities, nói. - BBC
|
|

12.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ kết thúc chuyến đi Đông Nam Á

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson, vào chiều tối ngày 9 tháng 8 kết thúc chuyến thăm Malaysia, chặng dừng cuối trong lần công du Đông Nam Á kỳ này với mục tiêu đưa ra tín hiệu cam kết của tổng thống Donald Trump đối với khu vực.

Trong thông cáo do phó thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi đưa ra thì trong ngày ông có cuộc hội đàm với ngoại trưởng Rex Tillerson tập trung vào các vấn đề an ninh gồm chống khủng bố và nạn buôn người, cũng như các vấn đề song phương Malaysia - Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế khác.

Sau khi đến Malaysia, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng có cuộc hội kiến với thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak.

Thủ tướng Najib Razk lên nắm quyền vào năm 2009; lúc đó quan hệ giữa Malaysia và Hoa Kỳ nồng ấm; thế nhưng sau đó ông này càng có xu hướng thiên về Trung Quốc, quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.

Cách đây hai năm xảy ra vụ tai tiếng Quỹ Đầu tư Quốc gia 1MDB do chính thủ tướng Najib Razak thành lập và bản thân ông bị cáo buộc dính líu đến chuyện nhũng lạm, biển thủ nguồn quỹ này dẫn đến điều tra được tiến hành tại một số nước.

Vào năm ngoái, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho giữ khoản tài sản trị giá 1 tỷ đô la được nói do thân nhân và cộng sự của thủ tướng Najib Razak dùng nguồn tiền nhũng lạm từ Quỹ Đầu tư Quốc gia 1MDB để mua.

Bản thân thủ tướng Najib Razak bác bỏ mọi cáo buộc đối với bản thân ông. - RFA
|
|

13.
Tù nhân Arkansas lại bắt giám thị, chiếm giữ một khu nhà tù

Sáu tù nhân bất ngờ tấn công ba giám thị tại một nhà tù dành cho phạm nhân nguy hiểm ở Arkansas hôm Thứ Hai và giữ họ trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Đây là biến động quan trọng thứ nhì trong nhà giam này chỉ chưa đầy một tháng.

Bộ Cải Huấn Arkansas cho hay tù nhân bất ngờ tấn công và áp chế giám thị, lấy chìa khóa của họ, vào lúc đưa tù nhân ra sân chơi ở nhà tù Tucker, nằm cách Little Rock chừng 30 dặm (khoảng 48 km) về phía Đông Nam.

Ba giám thị sau đó được thả ra với các vết xây xát, bầm tím cùng với các thương tích nhẹ khác, trong khi có một tù nhân không liên hệ đến cuộc tấn công được đưa đến bệnh viện.

Sau khi giám thị sau cùng được thả ra, các tù nhân này đầu hàng và nhà tù trở lại sinh hoạt bình thường, theo phát ngôn viên Solomon Graves.

Ông Graves cho hay tù nhân bị thương hiện trong tình trạng ổn định sau khi bị các vết thương không thể điều trị tại bệnh xá nhà tù. Ông cũng nói rằng các tù nhân tấn công giám thị bị chuyển đi nơi khác.

Giới chức nhà tù không cho biết là làm thế nào tù nhân lấy được chìa khóa và có võ khí gì hay không.

Vụ này xảy ra một tuần sau khi giới chức nơi này cho biết một giám thị nơi đây phải bắn ba phát súng chỉ thiên hôm 22 Tháng Bảy khi hai giám thị và một tù nhân bị tấn công.

Bộ Cải Huấn Arkansas nói họ không hề hay biết về vụ nổ súng cho tới khi tờ báo địa phương Arkansas Times loan tải tin này. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Trung Quốc xác nhận đã hủy cuộc gặp với Việt Nam

Các giới chức đại sứ quán Trung Quốc cho Reuters biết cuộc gặp đã được ấn định giữa 2 bộ trưởng ngoại giao Trung-Việt bị hủy bỏ bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN. giữa lúc căng thẳng đang tăng cao về vấn đề biển Đông.

Trước đó, hãng tin Bloomberg và tờ Bưu Điện Nam Hoa Buổi sáng trích nguồn tin thân cận nói rằng quyết định này là do tranh cãi về biển Đông nhưng báo Tuổi Trẻ của Việt Nam hôm 7/8 dẫn nguồn tin riêng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ông Phạm Bình Minh đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dưới hình thức “pull aside,” tức là gặp nhanh bên lề một phiên họp và ‘trao đổi nội dung’ về vấn đề gì đó.

Việt Nam đã trở thành tiếng nói lớn nhất chống đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá 3 ngàn tỉ một năm.

Các giới chức sứ quán Trung Quốc không cho biết lý do hủy bỏ cuộc gặp giữa ngoại trưởng Vương Nghị và Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đã được lên lịch cho ngày 7/8.

Một giới chức Ngoại giao Trung Quốc nói hai ông “đã gặp nhau rồi” và Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Reuters bình luận về việc này.

Truyền thông Việt Nam đăng ảnh 2 bộ trưởng bắt tay trong cuộc gặp “chớp nhoáng” ở Manila.

Bắc Kinh tỏ ra rất nhạy cảm với những ngôn từ của ASEAN dù chỉ đề cập gián tiếp tới việc Trung Quốc bồi đắp đất trên 7 bãi cạn mà họ chiếm đóng và xây các căn cứ quân sự trên biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng biển này, bất chấp lập luận có tính thuyết phục của 5 quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền tại đây.

Mặc dù ngôn từ trong thông cáo chung ASEAN phản ánh điều đó trong những năm trước, một số nước có quan hệ làm ăn chặt chẽ với Bắc Kinh, như Campuchia và Philippines, thúc giục nên loại bỏ những ngôn từ đó.

Căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tăng cao từ tháng 6 khi Việt Nam khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi trong vùng biển đang tranh chấp với Bắc Kinh, làm Trung Quốc tức giận. Hoạt động thăm dò này đã bị ngừng lại vì phản đối ở cấp ngoại giao của Trung Quốc.

Sau hội nghị ASEAN ở Manila, ngoại trưởng Trung Quốc nhắc đến “một số quốc gia” từng lên tiếng lo ngại về việc lấn chiếm xây đảo.

Ông Vương khẳng định Trung Quốc không tiến hành dự án lắp đất xây đảo trong 2 năm qua. “Tại thời điểm này, nếu anh hỏi ai đang tiến hành cải tạo đất, thì chắc chắn không phải là Trung Quốc – mà có lẽ là chính quốc gia đang đưa vấn đề này ra.”

Ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tiến hành công việc cải tạo trên 2 khu vực trong vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.

Tờ China Daily dẫn các nguồn tin dấu tên tố cáo Việt Nam tìm cách thổi phồng vấn đề lắp đất xây đảo trong thông cáo chung, và lưu ý rằng chính Việt Nam đã tăng tốc các dự án lắp đất xây đảo trên biển Đông.

Tờ báo này trích lời nguồn tin ản danh nói: “Không nghi ngờ gì, điều mà Việt Nam đã làm là “vừa ăn cắp lại vừa la làng.” - VOA
|
|

15.
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm VN là 'thay đổi tư duy' của Hà Nội

Lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm tới, theo thông báo của Ngũ Giác Đài hôm 8/8. Đây là tín hiệu mới nhất về mối quan hệ gia tăng giữa hai cựu thù từng có chiến tranh với nhau từ 1965 đến 1973.

Thông báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiếp người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch cùng ngày 8/8.

Ngũ Giác Đài nói hai ông đồng ý mở rộng hợp tác hải quân và chia sẻ thông tin. Trên bình diện rộng hơn, hai bộ trưởng thảo luận các bước đi xa hơn trong quan hệ quốc phòng và các thách thức an ninh khu vực.

Thỏa thuận giữa lãnh đạo bộ quốc phòng hai nước về tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam là sự cụ thể hóa thảo luận giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 5 về khả năng thực hiện chuyến thăm như vậy.

Thông báo của Ngũ Giác Đài không nói rõ tàu sân bay mang tên gì sẽ thực hiện chuyến thăm.

Trong các năm từ 2009 đến 2012, các tàu sân bay USS George Washington và USS John C. Stennis từng đón các đoàn quan chức Việt Nam lên thăm khi các tàu này hoạt động ở Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam.

Một nguồn tin từng làm việc lâu năm trong phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam cho VOA biết phía Mỹ thường mời các quan chức cao cấp thuộc quốc hội, chính phủ, bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Việt Nam thăm các tàu đó.

Nhưng theo nguồn tin, trên thực tế Việt Nam thường cử các đoàn “liên ngành” cấp địa phương đi thăm, dường như e ngại phát đi tín hiệu rằng Việt Nam “thắt chặt quan hệ hải quân với Mỹ” trong bối cảnh có những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Giờ đây, các cuộc thăm tàu sân bay không chỉ ở ngoài khơi mà sẽ diễn ra ngay tại cảng của Việt Nam. Điều này thể hiện “một sự phát triển mới và đáng khích lệ” trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, theo một nhà nghiên cứu ở Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nói với VOA:

“Đấy là phải có sự thay đổi tư duy. Và sự hợp tác này cho thấy là quan hệ an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã trưởng thành lên một bước có ý nghĩa. Việt Nam và Mỹ có những quan điểm gặp nhau trong vấn đề Biển Đông. Khác với các lần trước, lần này là [tàu sân bay] đến cập cảng, và điều này là một thông điệp nói lên sự cam kết của Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở đây phải có quan điểm phù hợp nhau [giữa Mỹ và Việt Nam]”.

Trong cuộc gặp ở Washington hôm 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nói với ông Lịch, người đồng nhiệm phía Việt Nam, rằng một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh có nền móng là những lợi ích chung, trong đó bao gồm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Vùng biển này chứng kiến những tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Trung Quốc đòi chủ quyền về gần như toàn bộ vùng biển dù vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và một số nước khác. Với nguồn lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa một số đảo nhân tạo, cũng như đòi có thẩm quyền tài phán từ việc nắm giữ các đảo đó.

Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền song luôn khẳng định có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Washington đã thách thức các tuyên bố quá đáng của Bắc Kinh bằng cách điều các tàu hải quân đi vào vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo hay bãi cạn do Trung Quốc kiểm soát.

Dù bối cảnh là như vậy, tiến sĩ Trường khẳng định việc Việt Nam đồng ý đón tàu sân Mỹ thăm cảng là “không phải là hành động khiêu khích ai cả”. Ông nói:

“Vấn đề này phải đặt trong trạng thái bình thường của quan hệ hai nước thôi, của quan hệ quân sự giữa Mỹ với các nước trong khu vực thôi. Nó cũng không có gì nhiều. Mỹ cũng thường cử tàu sân bay vào các nước ở khu vực Đông Á này. Lần này vào thăm Việt Nam ta cũng phải thấy cái này là bình thường hóa đi”.

Còn theo nhà phân tích chính trị Hà Hoàng Hợp, được Reuters trích lời trong một bản tin, thỏa thuận này nhất quán với chiến lược ngoại giao của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước. Ông Hợp cũng nói với Reuters rằng Việt Nam sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền và có những sự chuẩn bị của riêng mình. - VOA
|
|

16.
Việt Nam có thể ngả về Mỹ chống TQ ở Biển Đông?

Việt Nam nổi lên như một nước tuyên bố chủ quyền lớn tiếng nhất cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông và có thể ngả về phía Mỹ trong khi Philippines đang xích lại gần Trung Quốc, theo lời các nhà phân tích Trung Quốc được báo South China Morning Post dẫn lời.

Căng thẳng giữa Hà Nội với Bắc Kinh hiện rõ tại Manila hôm thứ Hai khi một cuộc họp trực tiếp đã được lên lịch giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước bị hủy bỏ tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN.

Việt Nam thúc đẩy khối này nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc liên quan tới vùng biển tranh chấp phải có tính ràng buộc pháp lý, điều mà Bắc Kinh phản đối. Trung Quốc cũng bực bội vì Việt Nam thúc đẩy các nước bày tỏ lo ngại về "hoạt động xây cất mở rộng" trong khu vực.

Các nhà quan sát nói sẽ có nhiều mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam vì Hà Nội đã tìm cách lôi kéo các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản và Mỹ để đối trọng với việc Manila xích lại gần Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Đới Phàm, một chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Tế Nam, nói rằng Biển Đông quan trọng với Việt Nam hơn là với Philippines.

"Là quốc gia chiếm một dải đất hẹp, Việt Nam thiếu chiều sâu chiến lược và do đó dễ bị tấn công hơn. Đó là lý do tại sao Việt Nam cần bảo vệ quyền hàng hải của mình nhiều hơn," ông Đới nói với South China Morning Post.

Tiết Lực, chuyên gia về chính sách hàng hải của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Hà Nội sẽ tiếp tục sử dụng vũ đài quốc tế để thể hiện lập trường mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.

"Việc một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam tìm cách cân bằng [lực lượng] là chuyện bình thường, nhưng họ sẽ không đẩy vấn đề đi quá xa," ông Tiết nói.

Ông nói phương cách tiếp cận của Việt Nam có giới hạn vì sự bất định trong chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Trump và sự thiếu quan tâm của họ trong việc thách thức Trung Quốc trên mặt trận hàng hải, theo South China Morning Post.

"Việt Nam có phần chắc sẽ không đóng một vai trò tích cực như ông Aquino," ông Tiết nói, nhắc tới cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người đã đưa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế.

"Quan tâm của ông Trump ở Biển Đông sẽ không lớn bằng ông Obama. Cũng có sự ngờ vực về cơ bản giữa Việt Nam và Mỹ vì những khác biệt về ý thức hệ." - VOA
|
|

17.
'Không thể dựa vào liên kết quyền lực mà vi phạm pháp luật'

Một chuyên gia về quản lý kinh tế bình luận với BBC sớm hay muộn, câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những sai phạm trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ được đặt ra.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng những lãnh đạo ngân hàng hiện nay đã rút ra được bài học rằng không thể chỉ dựa vào liên kết với cán bộ cao cấp trong bộ máy quyền lực mà vi phạm pháp luật.

Gần đây, nhiều vị cựu lãnh đạo các ngân hàng bị bắt giữ hay đưa ra xét xử, như các vụ ông Phạm Công Danh, cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng, ông Trầm Bê cựu lãnh đạo Sacombank, Hà Văn Thắm và đồng phạm của Oceanbank...

Liên kết trong bộ máy quyền lực

Bình luận về thực trạng của một số vụ án trong ngành ngân hàng, TS Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội:

"Hệ thống ngân hàng Việt Nam là một hệ thống phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua. Để có thể hoạt động tốt, một số lãnh đạo ngân hàng đã liên kết với các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy quyền lực.

"Họ nghĩ là với những liên kết như vậy, họ có thể bước lên trên các quy định pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm.

"Điều đó có thể thực hiện được khi nhân vật đó còn nắm quyền lực trong tay. Nhưng khi người đó không còn ở vị trí quyền lực nữa thì những sếp ngân hàng đấy, dù còn làm việc hay nghỉ hưu, có thể phải đối mặt với những cáo trạng về pháp luật.

"Đó là thực trạng của một số vụ án chúng ta thấy như hiện nay, ví dụ như vụ ông Trầm Bê. Đã có tin đồn từ 4, 5 năm nay là ông Trầm Bê bị bắt, nhưng mãi đến gần đây, do tiến triển của điều tra và quyết tâm của lãnh đạo thì ông Bê mới bị bắt. "

Sau khi xuất hiện một số tin đồn 'bất lợi' về ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đông Quản trị Ngân hàng BIDV, giá cổ phiếu ngân hàng BIDV sụt giảm rất mạnh trong phiên giao dịch ngày 9/8 mặc dù Tổng cục Cảnh sát đã bãi bỏ tin ông Hà bị bắt, truyền thông trong nước đưa tin.

Bình luận về hiện tượng này, TS Lê Đăng Doanh nói với BBC tin đồn đó dẫn đến việc một số nhà đầu tư lo ngại.

"Họ [nhà đầu tư] bán cổ phiếu ra gây giảm giá cổ phiếu nặng nề. Những biến động như vậy cũng thường xảy ra ở những nền kinh tế khác. Đó là giá phải trả cho những biến động và thiếu an toàn trong hệ thống ngân hàng hiện nay."

Bài học cho lãnh đạo ngân hàng hiện nay

Theo TS Lê Đăng Doanh, những sai phạm của hệ thống ngân hàng gần đây được đưa ra khá rầm rộ.

"Có tới hơn 100 vụ được khởi tố với hàng trăm nhân vật trong hệ thống ngân hàng đã và sẽ bị điều tra hay bị bắt.

"Đến một lúc nào đấy, người ta sẽ đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là như thế nào. Trách nhiệm đó gồm trách nhiệm tinh thần, hành chính, tài chính và hình sự. Trong thời gian sắp tới đây, sớm hay muộn, vấn đề [quy trách nhiệm] này sẽ được quyết định.

Trả lời câu hỏi của BBC về bài học mà các lãnh đạo ngân hàng hiện nay có thể rút ra sau những sai phạm trong ngành ngân hàng, TS Doanh nói:

"Những người lãnh đạo ngân hàng hiện nay đã học được những bài học kinh nghiệm là không thể chỉ dựa vào mối quan hệ quen biết với một số người có quyền lực mà có thể hành động vi phạm pháp luật. Vì việc đó có thể sẽ bị trả giá rất là đắt.

Ông cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự điều chỉnh. "Chẳng hạn ngân hàng nhà nước trước đây đã mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng, hay nỗ lực sáp nhập ngân hàng, hay kiểm tra và đặt một số ngân hàng dưới sự giám sát đặc biệt.

"Ông thống đốc ngân hàng nhà nước mới được bổ nhiệm đã có những chính sách rất thận trọng trong việc xử lý tỷ giá, lãi suất, tín dụng."

"Tôi hy vọng tình hình ngân hàng trong thời gian sắp tới sẽ được ổn định hơn," TS Lê Đăng Doanh nói. - BBC
|
|

18.
Không dìm bùn cát thải xuống biển Bình Thuận

Sẽ không dìm một triệu mét khối bùn cát nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận nữa.

Đó là quyết định được đưa ra trong văn bản thỏa thuận giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Theo thỏa thuận thì số bùn nạo vét luồng lạch ở cảng Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong sẽ được đổ vào một khu vực trong cảng Vĩnh Tân, dùng làm nơi neo đậu cho tàu thuyền.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng kiến nghị với Chính phủ là những vật chất có từ việc nạo vét luồng lạch sẽ được dùng để san lấp, chống xói mòn bờ biển ở tỉnh Bình Thuận.

Trên trang web của chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng đưa tin này và kết luận rằng quan tâm lớn nhất của tỉnh Bình Thuận là đảm bảo an toàn môi trường và cuộc sống của người dân.

Vào cuối tháng Sáu năm nay, 2017, sau khi có tin Bộ Tài Nguyên & Môi Trường cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được đổ bùn nạo vét cảng xuống biển Bình Thuận, gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, công luận đã lên tiếng phản đối hết sức mạnh mẽ việc đổ bùn này, cho rằng việc này sẽ làm tổn hại rất nhiều đến vùng biển giàu có của tỉnh Bình Thuận, cũng như sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân và doanh nghiệp tại đây. - RFA
|
|

19.
Australia cần áp lực VN về nhân quyền

Australia nên áp lực Việt Nam cải thiện quyền con người một cách tích cực. Đó là kêu gọi của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra ngày 9 tháng 8, một ngày trước khi Australia và Việt Nam gặp nhau tại vòng đối thoại nhân quyền sẽ diễn ra tại Canberra.

Trong nội dung kêu gọi, Human Rights Watch đề nghị một loạt những điều mà Australia nên yêu cầu Việt Nam thay đổi gồm vấn đề tù nhân lương tâm, việc bắt giữ và giam cầm những nhà hoạt động chính trị, chấm dứt sách nhiễu và bạo lực đối với các bloggers và người bất đồng chính kiến, tôn trọng quyền tự do phát biểu và tự do tôn giáo.

Vẫn theo Human Rights Watch thì Australia cũng như các nước khác cần có một yêu sách chung trong việc tiếp cận cũng như tạo sức ép để buộc Việt Nam ngưng ngay những hành động đàn áp đe dọa những tiếng nói đối lập và các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng phê bình chính phủ một cách ôn hòa.

Vòng đối thoại nhân quyền Việt Nam - Australia vào ngày 10 tháng 8 diễn ra trong bối cảnh Hà Nội tăng gia đàn áp những người biểu tình đồng thời bắt giữ một loạt những nhà goạt động dân chủ trong thời gian gần đây. - RFA
|
|

20.
Biểu tình chống ô nhiễm

Người dân thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục biểu tình chống nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm tại địa phương.

Một người chứng kiến vụ việc cho biết:

“Sự việc này diễn ra ở xã Ninh Ích từ năm ngoái đến năm nay rồi mà chưa dứt điểm được, cũng như là nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, người dân đã biểu tình chống đối từ năm ngoái, năm nay lại tiếp tục, có nghĩa là họ (chính quyền) chưa xử lý rốt ráo, vẫn còn mùi hôi thối xung quanh, dân cư sống ở đó rất đông. Ngày hôm qua họ đã xuống đường, nhưng không giải quyết, tối qua chị nghe một số dân họ bảo Công An 113 có mang súng đến nhà dọa nạt người dân nên họ bức xúc, chịu không nổi nên sáng nay họ biểu tình tiếp tục. Về phía chính quyền không biết họ hứa hẹn thế nào. Có 4 người bị thương phải đi cấp cứu trong đó có 2 người lớn và 2 con nít.”

Tình trạng người dân phản đối nhà máy hay các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đến mức không chịu nổi từng xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước lâu nay. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment