Thursday, August 10, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 10/8

Tin Thế Giới

1.
Khẩu chiến Mỹ-Triều: Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh --- Bắc Triều Tiên công bố kế hoạch tấn công tên lửa vào Guam Hoa Kỳ --- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh cáo Bắc Triều Tiên --- Tổng thống Nam Hàn không phản ứng ồn ào về đe dọa của Bắc Hàn

Trung Quốc ngày 9/8 kêu gọi Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên bình tĩnh.

Lời kêu gọi của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đang cân nhắc kế hoạch tấn công phi đạn lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo Bình Nhưỡng rằng đe dọa Mỹ sẽ lãnh hậu quả mà ông gọi là ‘hỏa thịnh nộ.’

Trung Quốc thúc giục các bên tránh lời lẽ hay hành động có thể làm tình hình thêm căng thẳng và gây khó khăn hơn cho các nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong tuyên bố gửi tới hãng tin Reuters.

Căng thẳng Mỹ-Triều dâng cao sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử bom hạt nhân và hai vụ phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.

Tổng thống Mỹ thề quyết sẽ không cho phép Bắc Triều Tiên phát triển khả năng võ khí hạt nhân có thể đánh trúng Hoa Kỳ.

Sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ ‘dạy cho Mỹ một bài học nghiêm khắc’, ông Trump hôm 8/8 cảnh cáo sẽ đáp trả bằng ‘hỏa thịnh nộ.’ - VOA

***
Khẩu chiến hay chiến tranh cân não giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ tiếp tục. Ngày 10/08/2017, Bình Nhưỡng công bố dự án chi tiết tấn công một loạt bốn quả tên lửa vào Guam, ở Thái Bình Dương. Đồng thời, Bắc Triều Tiên mỉa mai Donald Trump là một « kẻ mất lý trí ».

Theo AFP, Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng kế hoạch này nhắm vào một tiền đồn chiến lược của Hoa Kỳ trên tuyến đường thông thương sang châu Á và theo Bình Nhưỡng, đây là « một lời cảnh cáo nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ ».

Bắc Triều Tiên đã có phản ứng mạnh mẽ sau khi Donald Trump, trên mạng xã hội Twitter, đã có những lời lẽ đe dọa Bình Nhưỡng và khẳng định Hoa Kỳ có hệ thống vũ khí nguyên tử hùng mạnh nhất thế giới.

Từ Seoul, thông tín viên Louis Palligiano cho biết thêm thông tin :

« Donald Trump ngày càng tỏ thái độ hung hăng đối với Bình Nhưỡng. Sau khi đe dọa là sẽ dội khói lửa và giận dữ xuống đầu Bắc Triều Tiên, tổng thống Hoa Kỳ lại khoe khoang hệ thống vũ khí nguyên tử của Mỹ, cho rằng hơn bao giờ hết, đó là hệ thống vũ khí lớn và mạnh nhất thế giới.

Theo hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA, chỉ vài giờ sau đó, tướng Kim Rak Gyom dường như đã đáp trả rằng chủ nhân Nhà Trắng là kẻ mất lý trí và chỉ có sức mạnh mới thuyết phục được nguyên thủ Hoa Kỳ.

Chỉ huy lực lượng chiến lược quân đội Bắc Triều Tiên cũng tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đang xem xét một cách tỉ mỉ khả năng bắn đồng loạt bốn tên lửa đan đạo tầm trung tới gần đảo Guam của Mỹ, ở Thái Bình Dương và rằng kế hoạch tấn công này sẽ được hoàn tất vào giữa tháng Tám.

Sáng nay (10/08), các chỉ huy thuộc bộ tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc đã cảnh cáo chế độ Kim Jung Un rằng Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Hàn Quốc hoặc đồng minh Hoa Kỳ. Đây là một lời cảnh cáo không bình thường của quân đội Hàn Quốc, sau những lời tuyên bố đe dọa của Bình Nhưỡng. Căng thẳng dường như lại gia tăng trên bán đảo Triều Tiên". - RFI

***
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 9/8 cảnh cáo nghiêm khắc Bắc Triều Tiên rằng nên chấm dứt mọi hành động đưa tới ‘sự kết liễu chế độ và hủy diệt dân tộc.’

Đây là một trong số những phát biểu mạnh mẽ nhất của Bộ trưởng Mattis đối với Bình Nhưỡng. Tuyên bố được đưa ra sau cảnh cáo hôm 8/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng những lời lẽ đe dọa của Bình Nhưỡng đối với Washington sẽ bị đáp trả bằng hỏa thịnh nộ.

Đáp khuyến cáo của ông, Bắc Triều Tiên loan báo đang xem xét kế hoạch tấn công phi đạn vào lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quả quyết Hoa Kỳ và đồng minh sẽ thắng trong bất kỳ cuộc xung đột hay chạy đua võ trang nào với Bắc Triều Tiên.

“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải lựa chọn ngưng tự cô lập mình và thôi theo đuổi võ khí hạt nhân,” ông Mattis nói.

“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nên ngưng tính tới bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới kết liễu chế độ và hủy diệt nhân dân,” lãnh đạo quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Bắc Triều Tiên sau khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận hưu chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Căng thẳng Mỹ-Triều dâng cao sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử bom hạt nhân và hai vụ phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.

Tổng thống Mỹ thề quyết sẽ không cho phép Bắc Triều Tiên phát triển khả năng võ khí hạt nhân có thể đánh trúng Hoa Kỳ.

Sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ ‘dạy cho Mỹ một bài học nghiêm khắc’, ông Trump hôm 8/8 cảnh cáo sẽ đáp trả bằng ‘hỏa thịnh nộ.’

Loan báo trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ nói “Mệnh lệnh đầu tiên của tôi trong cương vị Tổng thống là cải tiến và hiện đại hóa kho võ khí hạt nhân của chúng ta và giờ đây kho võ khí của chúng ta đã hùng hậu hơn bao giờ hết.”

“Hy vọng chúng ta không phải dùng tới sức mạnh này, nhưng sẽ chẳng bao giờ nước Mỹ không là cường quốc hùng mạnh nhất trên thế giới.”

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói ông không tin có mối nguy sắp xảy tới từ Bắc Triều Tiên và rằng ‘Dân Mỹ nên yên tâm.’

Bằng lời cảnh cáo ‘hỏa thịnh nộ’, Tổng thống Trump gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Triều Tiên rằng lãnh tụ Kim Jong Un nên hiểu vấn đề vì ông ta dường như không hiểu ngôn ngữ ngoại giao, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố. - VOA

***
Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên hôm 9/8 công bố thêm chi tiết về kế hoạch bắn tên lửa gần Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo hãng tin nhà nước KCNA, Bắc Triều Tiên đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa tầm trung bay qua Nhật Bản và rơi xuống cách Guam khoảng 30-40 km. Đảo này ở Thái Bình Dương và cách bán đảo Triều Tiên 3.000 kilomet về hướng đông nam.

Các nhà lãnh đạo quân sự tại Seoul hôm 9/8 lên án những lời đe dọa gần đây của Bắc Triều Tiên là "những ngôn từ không có suy nghĩ" và nhấn mạnh Hàn Quốc sẵn sàng hành động để đáp trả một cuộc tấn công vào đồng minh Mỹ.

Ông Roh Jae-chun, phát ngôn viên của Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, nói: "Chúng tôi hoàn toàn trong tư thế sẵn sàng, ngay lập tức và chắc chắn có thể trừng phạt bất cứ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên".

Tuy nhiên, Tổng thống Moon không đưa ra bất cứ ý kiến công khai nào về vấn đề này và cũng không tham dự phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hôm 9/8. Một phát ngôn viên của tổng thống giải thích đó không phải là một phiên họp khẩn cấp, mà là một "cuộc họp thường kỳ hàng tuần" do Giám đốc NSC Chung Eui Yong chủ tọa.

Ông Moon cũng chờ tới 10 ngày mới nói chuyện với Tổng thống Trump sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ hai hôm 29/7, vì ông đang đi nghỉ hè trong thời gian đó.

Báo Korea Joongang Daily ở Seoul đăng một bài xã luận hôm 9/8, chỉ trích ông Moon về "thái độ xem nhẹ của ông đối với một trường hợp rõ ràng là khẩn cấp".

Nhà phân tích an ninh Shin In-kyun thuộc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc nói mối đe doa gia tăng do Bắc Triều Tiên tăng cường quân sự đã làm cho ông Moon phải phụ thuộc nhiều hơn vào Hoa Kỳ để có an ninh, và như vậy giảm khả năng của ông trong việc mưu tìm một hướng đi độc lập. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Chiến hạm Mỹ lại tuần tra vùng 12 dặm quanh Đá Vành Khăn

Trong một động thái thách thức Trung Quốc, Hải Quân Mỹ ngày 10/08/2017 lại cho một tàu chiến tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa.

Theo tiết lộ của một số quan chức Mỹ xin giấu tên với hãng tin Anh Reuters, khu trục hạm Mỹ USS John S. McCain đã đi vào tuần tra gần Đá Vành Khăn (Mischief Reef), một trong bảy rạn san hô ở Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng và đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo, trong khuôn khổ một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, gọi theo tiếng Anh là FONOP.

Đây là chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải thứ ba được Mỹ tiến hành trên Biển Đông từ ngày ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Mỹ đến nay, lần đầu tiên cũng quanh Đá Vành Khăn ở Trường Sa, và lần thứ hai gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.

Chính quyền Trump từng cam kết là sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn tại Biển Đông trong bối cảnh chính quyền Obama tiền nhiệm bị chỉ trích là chỉ cho tiến hành những chuyến tuần tra hình thức, dựa theo thủ tục đi qua vô hại (innocent passage), sử dụng khi một chiến hạm nước này đi qua lãnh hải của nước khác. Cách làm đó bị cho là mặc nhiên công nhận quyền của Trung Quốc trên vùng biển có liên quan.

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, một vùng biển chiến lược, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh đã cho bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm đóng ở vùng Trường Sa, biến các nơi này thành tiền đồn trên biển, điều đã bị Washington và nhiều nước khác quan ngại về nguy cơ quyền tự do hàng hải bị hạn chế.

Hoạt động cho chiến hạm tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ngày 10/08/2017 là động thái mới nhất chống lại điều mà Mỹ cho là Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. - RFI
|
|

3.
Trung Quốc rao bán pháo phản lực cho Malaysia

Trung Quốc đề nghị bán chịu cho Malaysia một số giàn phóng pháo phản lực tiên tiến và một hệ thống radar để triển khai ở khu vực miền nam Malaysia. Hãng tin Anh Reuters, ngày 10/08/2017, trích dẫn báo chí khu vực cho biết như trên, đồng thời cho rằng sự kiện này có thể khiến láng giềng của Malaysia là Singapore lo ngại.

Theo cổng thông tin The Malaysian Insight, đề nghị bán vũ khí được cho là do một phái đoàn Trung Quốc công du Malaysia đưa ra hôm 09/08. Phái đoàn này đến Kuala Lumpur để khởi động một dự án đường sắt tại Malaysia trị giá 13 tỷ đô la do Trung Quốc xây dựng.

Một nguồn thạo tin đã cho The Malaysian Insight biết là có đến 12 hệ thống pháo phản lực AR3 được rao bán, với một chương trình cho vay rất dài hạn, trả trong vòng 50 năm. Giá bán cũng như trị giá khoản cho vay không được tiết lộ.

Pháo phản lực AR3 do Trung Quốc sản xuất chuyên để xuất khẩu. Loại pháo này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2011, và được xem là một trong những hệ thống pháo phản lực hạng nặng (MLRS) mạnh nhất hiện nay.

Theo hãng Reuters, nhật báo The Straits Times của Singapore cũng đưa tin về đề nghị chào hàng của Trung Quốc, với một nguồn tin cao cấp trong chính quyền Malaysia tiết lộ rằng vụ mua bán đã được đề cập « sơ qua » trong cuộc nói chuyện giữa thủ tướng Malaysia Najib Razak với Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Vương Dũng (Wang Yong) nhân lễ động thổ dự án đường sắt.

Theo tờ báo Singapore, phía Malaysia sẽ đưa ra quyết định tối hậu về đề nghị bán vũ khí trong chuyến công du được dự trù của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Malaysia vào cuối năm 2017.

Cả hai chính quyền Bắc Kinh và Kuala Lumpur đều im lặng hoặc phủ nhận thông tin trên. Trả lời câu hỏi của Reuters, bộ trưởng Tài Chính Malaysia tỏ vẻ ngạc nhiên : « Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện này ». Phía Quân Đội Malaysia cũng phủ nhận hoàn toàn vụ việc.

Về phần Trung Quốc, bộ Ngoại Giao chuyển đề nghị bình luận qua bộ Quốc Phòng, và bộ này cho biết là về nguyên tắc không đề cập đến vấn đề mua bán vũ khí.

Bắc Kinh đang ngày càng khuyến khích các nước trong vùng Đông Nam Á mua vũ khí của Trung Quốc. Malaysia đã ký thỏa thuận mua bốn tàu tuần tra duyên hải của Trung Quốc vào năm ngoái.

Ngoài Malaysia, Trung Quốc cũng đã cung cấp vũ khí cho Philippines, bán xe tăng, và có thể là cả tàu ngầm, cho Thái Lan. Indonesia cũng là một thị trường của vũ khí Trung Quốc. - RFI
|
|

4.
Mỹ tăng cường chế tài Venezuela

Chính quyền Mỹ ngày 9/8 áp đặt chế tài thêm 8 giới chức Venezuela, kể cả người anh em của lãnh tụ quá cố theo chủ nghĩa xã hội Hugo Chavez, để trừng phạt họ vì đã giúp Tổng thống Nicolas Maduro tạo ra cơ quan lập pháp mới, theo nguồn tin từ các giới chức Mỹ.

Mỹ nhắm trừng phạt một số chính trị gia và các nhân vật an ninh nhưng chưa đặt chế tài tài chính rộng hơn hoặc trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela dù các biện pháp này đang được cân nhắc, các giới chức cho Reuters biết.

Chế tài mới do Bộ Tài chính loan báo sẽ đóng băng tài sản của 8 giới chức này tại Mỹ, cấm họ nhập cảnh Hoa Kỳ và không cho dân Mỹ giao dịch thương mại với họ.

Tuần trước, Washington ban hành chế tài chính Tổng thống Maduro sau khi trừng phạt 13 nhân vật cao cấp khác hôm 26/7.

Đây là những biện pháp đáp ứng của Mỹ trước chiến dịch trấn áp của ông Maduro đối với những người bất đồng chính kiến và việc nhà lãnh đạo này thành lập Quốc hội lập hiến, cơ quan toàn quyền do những người trung thành với Đảng Xã hội của ông kiểm soát khiến quốc tế lên án.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, nói ông Maduro lập Quốc hội lập hiến để củng cố quyền cai trị độc tài và rằng “việc chế độ này coi thường ý chí của người dân Venezuela là không thể chấp nhận, Mỹ sẽ đứng về phía người dân Venezuela chống lại độc tài.”

Trong số 8 người bị chế tài hôm nay có nhà vật lý Adan Chavez, 64 tuổi, và anh của cố Tổng thống Hugo Chavez.

Tất cả 8 người này đều bị tố cáo là gây phương hại các định chế dân chủ.

Hơn 125 người thiệt mạng kể từ khi bùng nổ bất ổn từ các làn sóng biểu tình chống chính phủ do ông Maduro lãnh đạo từ tháng tư tới nay. - VOA
|
|

5.
Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 10/08/2017, do một số nhân viên đại sứ quán Mỹ tại La Habana đã phải về nước vì lâm bệnh, hai nhà ngoại giao Cuba đã bị Washington trục xuất.

AFP trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Heather Nauert, cho biết : "Một số nhân viên Mỹ làm việc tại sứ quán Hoa Kỳ đã lâm bệnh. Chúng tôi không có câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này".

Bà không tiết lộ thông tin chi tiết về căn bệnh hay số người bị bệnh. Bà nói thêm : "Chúng tôi đã đưa những người này về Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi đã phải đề nghị hai nhân viên Cuba tại Mỹ về nước, và họ đã về" từ hồi tháng Năm.

Vào chiều 09/08, chính phủ Cuba xác nhận thông tin trên. La Habana cho biết đã phản đối quyết định trục xuất của Hoa Kỳ, và thúc giục Washington hợp tác, làm rõ vấn đề. - RFI
|
|

6.
Làn sóng tị nạn ồ ạt, Canada dựng trại tạm trú ở biên giới

Canada điều động binh sĩ tới dựng lều trại gần biên giới Mỹ để tạm thời làm nơi cư trú cho hàng trăm người tị nạn tới đây qua ngả tiểu bang New York (Mỹ).

Các giới chức Canada ngày 9/8 cho biết làn sóng người tị nạn này đa phần là người Haiti lo sợ bị chính quyền Trump trục xuất.

Mỗi ngày, có khoảng 250 người tìm đường tị nạn tới Montreal, thành phố lớn nhất của tỉnh Quebec, Canada.

Trong số các địa điểm được Quebec mở cửa làm nơi tạm trú cho những người này có Sân vận động Olympic, một bệnh viện cũ và một trường học.

Những lều trại có máy sưởi này có thể chứa tới 500 người trong khi giới chức cửa khẩu Canada tiến hành duyệt xét những người tị nạn chủ yếu là dân Haiti từ Mỹ băng sang Canada.

Gần 100 binh sĩ sẽ tới khu vực Saint-Bernard-de-Lacolle để dựng lều trại bổ sung với những cơ sở hiện có tại đây.

Hàng trăm người Haiti đã vượt biên giới vào Quebec trong những tuần qua, một phần vì tin đồn rằng người tị nạn sẽ được cấp quy chế thường trú nhân ngay sau khi vào lãnh thổ Canada.

Bộ Di trú Canada khuyến cáo mọi người chớ vào Canada bất hợp pháp và lưu ý rằng những thông tin nói Canada mời gọi xin quy chế tị nạn tại Canada là sai sự thật. - VOA
|
|

7.
Sóng thần cao 100 mét ở Greenland không do động đất gây ra

Hãng tin Global News của Canada cho biết hơn hai tuần trước, một cơn sóng thần cao tới 100 mét đánh vào ngôi làng đánh cá hẻo lánh Nuugaatsiaq chỉ có 84 cư dân ở Greenland làm bốn người mất tích và hàng chục người khác bị thương.

Điểm đặc biệt là thiên tai này không hề được các cơ quan thời tiết trên thế giới ghi nhận vì không thấy có trận động đất nào ở vùng Greenland vào khoảng thời gian ấy.

Qua tìm hiểu và nghiên cứu người ta mới biết rằng nguyên nhân tạo nên sóng thần là do một mảng lớn sườn núi bị lở và rớt từ trên cao 1,000 mét xuống biển.

Ngôi làng Nuugaatsiaq nằm cách xa nơi đó khoảng 20 km, tuy nhiên sóng thần có thể truyền đi nhanh tới 500 dặm/giờ.

Lúc đầu các địa chấn kế cho biết có động đất 4.0 độ Richter xảy ra, nhưng sau đó các khoa học gia kết luận là không có trận động đất nào hết, và chấn động là vì đất đá từ sườn núi rớt xuống biển đủ mạnh để địa chấn kế ghi lại.

Vào mùa Hè những lớp băng giá vạn niên bao phủ Greenland chảy ra làm cho sườn núi kém ổn định có thể xảy ra đất chuồi.

Tuy nhiên, những trường hợp nguyên một mảng núi lớn bị lở và rớt xuống biển tạo nên sóng thần kinh hoàng như vây là rất hiếm thấy.

Mảng núi bị lở bên cạnh vịnh hẹp nước sâu Karrat Fjord được ước lượng có chiều dài 3,000 foot chiều rộng 900 foot.

Các chuyên gia địa chất dùng trực thăng và tàu quan sát những sườn núi kế cận lo ngại có thể có một vụ lở thứ nhì nhưng chưa thể xác định được.

Greenland là hải đảo ở Bắc Băng Dương, lớn nhất thế giới, có diện tích 2.1 triệu km2 với 85% có băng giá bao phủ vĩnh cửu, dân số gần 60,000, và một lãnh thổ tự trị thuộc vương quốc Đan Mạch. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Nhiệt độ cao kỷ lục ở Bắc Nevada

Đầu Tháng Tám năm nay, làn không khí nóng vẫn còn tiếp tục đem đến nhiệt độ cao ở nhiều vùng miền Tây Hoa Kỳ, đặc bệt là Bắc Nevada, dù đã qua thời gian cao điểm của mùa Hè.

Hôm Thứ Tư, nhiệt độ tại phi cảng quốc tế Reno-Tahoe lên tới 104 độ F (40 độ C).

Đây là lần thứ 11 trong mùa Hè năm nay nơi đây có nhiệt độ trên 100 độ F, chỉ kém năm 1972, có 13 lần.

Theo dự báo thời tiết ngày Thứ Năm và Thứ Sáu nhiệt độ tiếp tục trên 100 độ F.

Trung bình, vào Tháng Tám hàng năm, Reno chỉ nóng tới 80 độ F (32 độ C).

Nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại phi cảng Reno-Tahoe là ngày 5 Tháng Bảy, 2007 và nhiều ngày vào Tháng Bảy, 2002.

Reno, ở phía Đông-Bắc Lake Tahoe, thuộc vùng sa mạc tiểu bang Nevada, là nơi rất nóng vì nằm về phía Đông rặng núi Sierra Nevada ngăn cách gió từ biển Thái Bình Dương.

Vùng Vịnh Bắc California, qua Tháng Tám đã giảm nóng. Tại San Jose tuần này và tuần sau chỉ có nhiệt độ trên dưới 80 độ F. - nguoiviet
|
|

9.
Chính phủ Trump cho thấy sẵn sàng thảo luận ‘sửa’ Obamacare

Chính phủ Tổng Thống Donald Trump, sau các thất bại trong nỗ lực hủy bỏ và thay thế Obamacare, hôm Thứ Tư lần đầu đưa ra chỉ dấu có thể chấp nhận một kế hoạch của liên đảng nhằm “sửa” luật này.

Bản tin của Tribune News cho hay sự thay đổi này được đưa ra giữa khi tranh chấp giữa Tổng Thống Donald Trump và lãnh tụ khối đa số Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), đang gia tăng. Trong hai ngày liền, ông Trump đổ lỗi cho ông McConnell là người có trách nhiệm trong việc đảng Cộng Hòa không bỏ được Obamacare.

“Mọi người ở cả Hạ và Thượng Viện, và có thể nói là ở cả hai đảng, đều nói rằng Obamacare không thể tiếp tục vận hành như hiện nay và phải hủy bỏ hoặc sửa chữa,” theo lời Bộ Trưởng Y Tế Tom Price cho hay trong chương trình “Fox & Friends” của hệ thống Fox News. Ông Price nói rằng đây là nhiệm vụ của quốc hội.

Sửa chữa Obamacare là điều mới đối với phần lớn giới Cộng Hòa. Cả ông Price và Tổng Thống Trump trong thời gian qua đều chỉ chú trọng vào việc hủy bỏ và thay thế, bản tin Tribune News cho hay.

Cả hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ đều đồng ý rằng phải có thay đổi để ổn định thị trường bảo hiểm sức khỏe. Các công ty bảo hiểm lớn đã rút khỏi một số nơi, khiến người tiêu thụ chỉ có rất ít hoặc không có sự chọn lựa cho việc bảo hiểm sức khỏe.

Theo Tribune News, bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, không bác bỏ phát biểu của ông Price khi được hỏi là phải chăng chính phủ Trump đang muốn sửa chữa luật Obamacare thay vì hủy bỏ.

“Chúng tôi luôn tìm kiếm phương cách tốt nhất để cải thiện và sửa chữa hệ thống Obamacare,” bà cho hay trong email gửi cho Tribune News.

Trong khi đó, mối bất hòa giữa Tổng Thống Donald Trump và Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell ngày càng dữ dội và công khai.

Ông McConnell nói trong một cuộc họp ở tiểu bang nhà hôm Thứ Hai rằng Tổng Thống Trump có sự trông đợi không thực tế về việc thông qua các dự luật do không có kinh nghiệm trong nghị trường.

“Vị tân tổng thống của chúng ta, dĩ nhiên là chưa hề ở trong lãnh vực này trước đó, có sự trông đợi quá nhiều về việc nhanh chóng thông qua dự luật trong một tiến trình dân chủ,” ông McConnell nói trước cử tọa ở Rotary Club tại thành phố Florence, tiểu bang Kentucky.

Phát biểu này khiến Tổng Thống Trump nhanh chóng đáp trả qua Twitter rằng ông không nghĩ là ông có sự trông đợi quá nhiều và đây là điều đã nói tới từ bảy năm nay. Sang đến ngày Thứ Năm, Tổng Thống Trump lại tiếp tục gửi Twitter chỉ trích ông McConnell về việc này. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

10.
Việt Nam 'buộc lòng phải dùng đòn bẩy' trước TQ

Việt Nam đã buộc phải dùng đến một số 'đòn bẩy' để đối phó với các thách thức về an ninh và chủ quyền quốc gia, nhất là dưới các áp lực 'ngày càng gia tăng' trên Biển Đông của Trung Quốc, theo ý kiến của một nhà nghiên cứu chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore).

Trong khi đó, có thể coi Hội nghị các Bộ trưởng Asean lần thứ 50 và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) là một 'thắng lợi' về ngoại giao của Việt Nam, trong bối cảnh nước chủ nhà Philippines đang cải thiện quan hệ với Trung Quốc và muốn 'giảm nhẹ' hồ sơ Biển Đông, vẫn ý kiến này nói với BBC hôm 10/8/2017.

Trước hết, bình luận về chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 07-10/8/2917 của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, theo lời mời của người đồng nhiệm phía Mỹ, Đại tướng, Bộ trưởng James Mattis, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nêu quan điểm:

"Tôi nghĩ chuyến thăm của ông Lịch đã được lên chương trình từ trước và nó không có liên quan trực tiếp tới sự cố vừa rồi ở Lô 136/3, tuy nhiên nó cũng phản ánh xu hướng chung trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng như là Hoa Kỳ.

"Và trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam càng ngày càng chịu nhiều áp lực trước các lất lướt của Trung Quốc ở trên Biển Đông."

"Để ứng phó lại với tình trạng ấy, Việt Nam bắt buộc phải dùng các đòn bẩy về ngoại giao, về quân sự để tăng cường quan hệ với các đối tác, các cường quốc ở bên ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ để mà chống lại sức ép đó."

"Vì vậy tôi cho rằng cho dù có sự cố diễn ra ở Lô 136/3 hay không, thì chuyến thăm vẫn cứ diễn ra, vì áp lực của Trung Quốc lên Việt Nam đã càng ngày càng gia tăng trong một thời gian dài vừa qua."

'Thành công ngoại giao'

Đánh giá với BBC về các động thái của Việt Nam tại diễn đàn Asean trong dịp diễn ra Hội nghị các Bộ trưởng khối này lần thứ 50 và các cuộc họp khác có liên quan trong dịp này ở Manila, Philippines, Tiến sỹ Hiệp nói:

"Hội nghị Bộ trưởng Asean lần thứ 50 vừa rồi và các cuộc họp liên quan Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) đã có thể coi là một thành công của ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh nước chủ nhà Philippines đang cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và có xu hướng muốn giảm nhẹ các vấn đề về Biển Đông trong các cuộc họp này để có thể làm vừa lòng Trung Quốc."

Hôm 10/8, về chuyến thăm Mỹ của Tướng Ngô Xuân Lịch, tờ báo Quân đôi Nhân dân của Việt Nam coi đây là chuyến thăm 'góp phần tăng cường quan hệ' Việt - Mỹ, tờ báo cho biết thêm:

"Ngày 10-8, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã rời Hoa Kỳ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 7 đến 10-8...

"Trong thời gian thăm chính thức Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Ma-tít, gặp Cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Hải Quân; thăm Bộ Tư lệnh lực lượng phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.

"Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước; tích cực chủ động triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất, nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ," báo Quân đội Nhân dân cho hay. - BBC
|
|

11.
Việt Nam ‘mua’ ảnh hưởng ở thủ đô Mỹ?

Hà Nội bị cáo buộc chi tiền lái dư luận Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông và nhân quyền, cũng như trả triệu đôla vận động các chính sách có lợi cho mình.

Một bài phân tích dài của nhà báo điều traGreg Rushford, các tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ và ý kiến của chuyên gia dường như cho thấy điều này.

Từ tài trợ hội thảo biển Đông…

Trong bài viết đăng tải trên trang web cá nhân hôm 11/7, có tựa đề “Bàn tay giấu kín của Hà Nội giúp hình thành chương trình nghị sự của một viện nghiên cứu ở Washington như thế nào”, ông Rushford viết rằng “kể từ năm 2012, chính phủ Việt Nam đã chi cho CSIS [Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế] hơn 450 nghìn đôla để tổ chức các hội thảo thường niên về Biển Đông”. Nhà báo này dẫn các tài liệu có được để đưa ra con số trên.

Tuy nhiên, trong danh sách các chính phủ tài trợ, đăng công khai trên trang web của cơ quan nghiên cứu này, VOA Việt Ngữ không thấy tên của Việt Nam. Còn ở trong phần các tổ chức tài trợ từ 5 nghìn tới gần 200 nghìn đôla, có tên Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), “lò” đào tạo các cán bộ đối ngoại, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong danh sách này, cũng có thể thấy một số cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc.

Ký giả điều tra từng làm việc tại Quốc hội Mỹ cho rằng “các mối liên hệ giữa chính phủ Việt Nam và CSIS bắt đầu từ ngày 25/4/2012”, khi đôi bên ký biên bản ghi nhớ, và người Việt ký vào thỏa thuận, theo nhà báo Rushford, là “ông Nguyễn Vũ Tùng, Phó đại sứ Việt Nam ở Washington”, người sau này trở thành giám đốc DAV.

VOA nhiều lần liên lạc với ông Tùng qua email và điện thoại để xin bình luận về vấn đề này nhưng không thể gặp được vị giám đốc của DAV cũng như trả lời từ ông.

Dẫn các tài liệu “mật” của tổ chức nghiên cứu quốc tế có tiếng ở thủ đô Hoa Kỳ, ký giả tự nhận “có mối quan tâm đặc biệt với châu Á” này còn đề cập tới sự “giằng co” giữa phía Việt Nam, mà “đại diện hiện nay”, theo ông Rushford, là tiến sĩ Trần Trường Thủy, nhân viên của DAV đồng thời là Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, với CSIS về chuyện mời đại sứ Trung Quốc lên tiếng tại hội thảo vào tháng Bảy năm ngoái mà “không tham vấn” với phía Hà Nội. Khi đó, vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước đang nóng, sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.

Trả lời VOA tiếng Việt, giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc khẳng định rằng ông đã thấy những trao đổi về sự phản đối của phía Việt Nam. Ông nói thêm: “DAV tài trợ cho hội nghị Biển Đông để đưa quan điểm của họ ra công chúng nhằm cạnh tranh với sự tuyên truyền và các nỗ lực thông tin của Trung Quốc”.

Mặc dù giáo sư Thayer nói ông không được biết chính xác nguyên nhân phản đối của DVA nhưng nhà báo Rushford cho VOA biết “những người cấp trên của ông Thủy ở Hà Nội phản đối việc trả tiền để ‘tuyên truyền’ cho Trung Quốc.”

Chuyên gia quốc phòng hàng đầu của khu vực châu Á -Thái Bình Dương đánh giá tiếp: “Việt Nam muốn các học giả quốc tế 'dạy' cho các học giả Trung Quốc tại hội thảo - đó là cách gây ảnh hưởng một cách khéo léo và gián tiếp”.

DAV, theo giáo sư Thayer, “muốn thu hút những học giả chỉ trích Trung Quốc về hành vi của nước này ở biển Đông khi không công nhận luật lệ quốc tế”.

VOA Việt Ngữ cũng liên hệ với CSIS để hỏi về “khoản tiền lớn trên cũng như sự can thiệp của Việt Nam vào việc tổ chức hội thảo Biển Đông” cũng như việc lựa chọn diễn giả nhưng không nhận được trả lời.

Còn trong bài viết của mình, ông Rushford cho biết đã đề nghị ông John Hamre, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc Điều hành của trung tâm nghiên cứu này, bình luận nhưng không nhận được trả lời.

Một bài viết của tờ New York Times (NYT) đăng ngày 6/9/2014 cho rằng các tổ chức nghiên cứu của Mỹ ở Washington DC như CSIS ban đầu được thành lập từ những nguồn tiền của các nhà hảo tâm để đảm bảo tính độc lập cho các nghiên cứu, nhưng hiện nay họ đang nhận tài trợ từ các chính phủ nước ngoài và ít nhiều bị chi phối bởi người bảo trợ mà “trong nhiều trường hợp muốn gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Trả lời VOA Việt Ngữ, nhà nghiên cứu cao cấp của CSIS, ông Murray Hiebert, phủ nhận bất kỳ sự ảnh hưởng của nguồn tài trợ nước ngoài đối với tổ chức của ông. Ông nói rằng trung tâm của ông nhận sự đóng góp tài chính từ nhiều nguồn và chỉ nhận tiền từ các chính phủ qua các hợp đồng chính thức. Chuyên gia về Đông Nam Á này nói: “Chúng tôi độc lập và có quyết định riêng của mình trong các vấn đề chính sách”.

… tới chi tiền vận động hành lang

Không chỉ có CSIS, nhà báo Rushford nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Việt Nam còn chi tiền cho Podesta Group, một trong những công ty vận động hành lang hàng đầu ở Washington DC. Đây được cho là nhóm vận động chính sách cho chính phủ Việt Nam liên quan tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, giúp Hà Nội tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các chuyến thăm của nguyên thủ hai nước.

Theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, chính quyền Hà Nội đã trả cho Podesta hơn một triệu đôla trong vòng 5 năm qua để vận động giới lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ. Đó là khoảng thời gian nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã tới thăm Nhà Trắng, trong đó có chuyến đi được coi là lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 cũng như chuyến công du Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đáng chú ý là ông Nguyễn Vũ Tùng, nhà ngoại giao mà ông Rushford cho là từng ký tài trợ cho CSIS, cũng xuất hiện trên văn bản hợp tác với Podesta Group vào cuối năm 2013.

Theo tài liệu mà VOA tiếng Việt có trong tay, gần nhất, trong thỏa thuận giữa hai phía từ ngày 1/4 tới 30/6 năm nay, Việt Nam chuyển cho Podesta tổng cộng 90 nghìn đôla, tức 30 nghìn đôla mỗi tháng, để công ty vận động hành lang này “nghiên cứu và đánh giá các vấn đề quan tâm [đối với Hà Nội]; tư vấn các chính sách của Mỹ [mà Việt Nam] quan tâm, các hoạt động tại Quốc hội và nhánh hành pháp cũng như các diễn biến trên chính trường Mỹ nói chung”.

Trong tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, Podesta cũng tư vấn cho Việt Nam về việc “củng cố quan hệ với chính phủ Mỹ” và “hỗ trợ truyền tải các vấn đề ưu tiên trong quan hệ song phương Việt – Mỹ tới các đối tượng phù hợp ở Hoa Kỳ, trong đó có quốc hội, nhánh hành pháp, truyền thông và cộng đồng [nghiên cứu và lập] chính sách”.

Theo nội dung các thỏa thuận mà VOA tiếng Việt có được, khi được phía Hà Nội yêu cầu, “các cuộc gặp với thành viên quốc hội [Mỹ], các nhân viên của họ cũng như các quan chức nhánh hành pháp cũng có thể được sắp xếp”.

Hợp đồng này được ký hôm 5/4, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị chuyến thăm tới Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào cuối tháng Năm.


Trước đó, đầu năm 2017, lúc ông Trump mới nhậm chức, Hà Nội cũng ký một thỏa thuận kéo dài ba tháng tới cuối tháng Ba với Podesta, trả cho công ty này 90 nghìn đôla, theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ.

Ông Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Trump kể từ khi tỷ phú bất động sản này lên lãnh đạo Hoa Kỳ. Trước đó, ông cũng nằm trong số ít các quan chức cấp cao của các nước đầu tiên điện đàm với ông Trump sau khi ông Trump đắc cử.

Phân tích các tài liệu đăng ký với Bộ Tư Pháp Mỹ, VOA tiếng Việt thấy rằng trước Podesta, Việt Nam đã ký hợp đồng tư vấn với công ty khác như Parven Pomper Schuyler hay Hill and Knowlton, nhằm củng cố quan hệ Việt – Mỹ.

… rồi “diệt” vấn đề nhân quyền?

Nhân quyền lâu nay vẫn là chủ đề mà Việt Nam và Mỹ còn khác biệt, và quan chức Hoa Kỳ từng nhiều lần nói với VOA Việt Ngữ rằng cải thiện vấn đề này là điều sống còn để làm sâu đậm mối bang giao song phương.

Các công ty vận động hành lang cũng đang được Việt Nam trả tiền để gây ảnh hưởng trong vấn đề này, theo nhà báo Rushford. Trong khi đó, dân biểu Chris Smith nói rằng Podesta nhận tiền của chính phủ Việt Nam và tìm cách “tiêu diệt” các dự luật nhân quyền liên quan tới quốc gia Đông Nam Á này.

Thành viên quốc hội đảng Cộng hoà và là người bảo trợ cho Đạo luật Nhân Quyền Việt Nam cho VOA tiếng Việt biết rằng “những công ty này thường xuyên tìm cách tiêu diệt những đạo luật tốt mà khách hàng của họ cho là có vấn đề - và sau đó tiền họ bỏ túi còn các chính phủ như Việt Nam, Trung Quốc và một số các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới thì lại giam giữ những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.”

Podesta không trả lời câu hỏi của VOA, đề nghị bình luận về tuyên bố này của dân biểu Smith cũng như việc công ty này tìm cách vận động các chính sách có lợi cho Việt Nam.

Theo nhận định của Betsy Woodruff cho trang tin Daily Beast, sự vận động hành lang này có hiệu quả đến mức, ngay cả khi Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 5/2016, dù các nhà tranh đấu dân chủ bị chính quyền Hà Nội ngăn cản tới gặp ông, vẫn khen ngợi tiến bộ mà Việt Nam đạt được về vấn đề nhân quyền.

Chính phủ Việt Nam trả tiền để có được sự ủng hộ cho nghị trình của họ ở Washington, theo nhà báo Rushford, thì không có gì sai trái, nhưng ông cho rằng đồng tiền mà họ tung ra làm cho các cơ quan nghiên cứu như CSIS “từ chối nói về nhân quyền”, một vấn đề quan trọng trong nền dân chủ Mỹ.

VOA nhiều lần gửi câu hỏi tới phụ trách truyền thông của CSIS, Andrew Schwartz, xin bình luận về nhận xét của nhà báo Rushford nhưng không nhận được trả lời.

VOA Việt Ngữ đã tìm hiểu trên trang web của trung tâm này và thấy rằng nhân quyền Việt Nam, một trong vấn đề mà các nhà phân tích CSIS cho là “gai góc nhất trong quan hệ Việt – Mỹ”, ít khi được đề cập trong các bài phân tích của viện này.

Các tổ chức quốc tế thúc đẩy quyền tự do biểu đạt lâu nay vẫn cáo buộc Việt Nam “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng, nhưng Hà Nội từng nhiều lần tuyên bố chỉ bắt giữ những ai vi phạm pháp luật. - VOA
|
|

12.
Chứng khoán phái sinh (derivatives) lên thị trường tài chính Việt Nam

Việt Nam mở thị trường chứng khoán phái sinh với “hợp đồng tương lai chỉ số VN30” là sản phẩm phái sinh (thuật ngữ tiếng Anh là derivatives) đầu tiên giao dịch trong phiên khai mạc ngày 10 tháng 8, 2017. Chứng khoán phái sinh được Việt Nam chuẩn bị trong mấy năm qua nhắm mục tiêu huy động vốn cho thị trường tài chính và phát triển ngành tài chính của nước này. Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định rằng đây là thời điểm tốt để Việt Nam khởi động thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng nó mang tính định tính hơn là định lượng.

VOA: Tại sao bây giờ Việt Nam cần phải có thị trường chứng khoán phái sinh?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Như chúng ta đều biết, thị trường chứng khoán của Việt Nam có một quá trình hoạt động trong nhiều năm, có một sự phát triển tốt. Tuy nhiên về mặt sản phẩm phái sinh thì còn rất hạn chế. Trong những sản phẩm phái sính tài chính, chẳng hạn như về ngoại tệ trong thời gian vừa qua đã có những phẩm phái sinh như forwards (hợp đồng kỳ hạn), optionss (hợp đồng quyền chọn). Còn trước đó chỉ có spot, có nghĩa là mua ngay. Mua kỳ hạn và mua tương lai chỉ được thực hiện trong vòng vài năm trở lại đây mà thôi. Còn chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, những sản phẩm tài chính căn bản còn rất hạn chế. Một phần, thứ nhất là thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất non trẻ, thứ hai các sản phẩm căn bản là những cái đáp ứng được ngay nhu cầu của người mua, người bán và những thành phần tham dự trên thị trường chứng khoán. Còn những sản phẩm phái sinh mang tính cách phức tạp hơn, phát triển nhiều hơn thì cho đến bây giờ các thành viên trong thị trường chứng khoán cũng đã dần làm quen, nhưng trong thời gian qua thì nhiều sản phẩm vẫn còn mới mẻ với Việt Nam. Chính vì thế bây giờ là lúc thị trường chứng khoán thêm vào những sản phẩm phái sinh.

VOA: Trong ngày khai trương (10/8) chứng khoán phái sinh chỉ có một sản phẩm đó là ‘hợp đồng tương lai chỉ số VN30’, xin Tiến sĩ giải thích về hợp đồng tươn lai này.

TS Hiếu: Về hợp đồng tương lai, như chúng ta biết rằng nó là một cái hợp đồng ký kết bây giờ, nhưng việc giao dịch sẽ được thực hiện trong tương với một cái giá đã được ấn định trước. Đây là một hợp đồng mang tính rủi ro cao cho người mua lẫn người bán. Nhưng trong tất cả các thị trường tài chính, người ta kinh doanh trên cái rủi ro, và cái rủi ro đó một cái giá cho người mua và một cái giá cho người bán. Thị trường chứng khoán phái sinh với những sản phẩm forwards (hợp đồng kỳ hạn) và futures (hợp tương lai) mang tính rủi ro cao, chính vì thế nó có một cái giá đặc biệt. Từ trước tới nay các thành viên trên thị trường chứng khoán đều biết, nhưng phần đồng vẫn còn ngần ngại sử dụng các sản phẩm có tính rủi ro cao như vậy.

VOA: Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì, giá trị thực là gì?

TS Hiếu: Dĩ nhiên cái VN30 đó tập trung vào chứng khoán của những công ty lớn hàng đầu. Với một bước khởi đầu bằng chứng khoán của những công ty lớn, có báo cáo tài chính minh bạch và có thực lực tài chính tốt, thì tôi nghĩ việc bắt đầu bằng VN30 như thế này là một bước đầu thích hợp.

VOA: Tiếp theo sau hợp đồng tương lại chỉ số VN30, thị trường phái sinh của Việt Nam sẽ có tiếp những sản phẩm nào?

TS Hiếu: Chắc chắn đây là một thí điểm đầu, có lẽ Việt Nam muốn cho (nói theo ngôn từ bình dân) là “chắc ăn,” muốn trắc nghiệm bằng một vài sản phẩm mang tính cách biểu tượng và bền vững, rồi sau cái VN30, tôi chắc chắc sẽ có những sản phẩm phái sinh mở rộng hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ Việt Nam rất thận trọng trong vấn đề sử dụng những sản phẩm phái sinh. Như chúng ta biết thị trường vốn của Việt Nam hiện tại còn rất giới hạn. Trên thị trường tài chính có hai thị trường, đó là money market là thị trường tiền tệ và capital market là thị trường vốn. Thị trường tiền tệ phát triển bao nhiêu năm chủ yếu giữa các thành viên liên ngân hàng. Trái phiếu ngắn hạn của tư nhân và chính phủ và lượng tiền gởi ngân hàng nằm trong hệ thống tiền tệ. Hệ thống tiền tệ này được điều hành một cách khá trơn tru, và đặc biệt là trong thời gian 10 năm gần đây thị trường tiền tệ được nền kinh tế và ngân hàng trung ương xử lý mạnh mẽ. Dĩ nhiên thị trường vốn thì còn rất giới hạn, chính vì thế những sản phẩm truyền thống thì dễ hiểu, dễ sử dụng, dễ kiểm soát hơn. Bây giờ tiến tới một giai đoạn phát triển mới là sử dụng sản phẩm phái sinh. Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng cần phải đi từng bước một. Chính vì thế VN30 là một khởi điểm tốt, một thí điểm tốt. Tôi nghĩ cần một thời gian, ít nhất là một năm nữa chúng ta mới có thể những sản phẩm phái sinh tinh vi phức tạp hơn và mang tính rủi ro cao hơn.

VOA: Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ nhắm vào đối tượng, nhà đầu tư nào – trong nước, công ty, hay nước ngoài?

TS Hiếu: Khởi đầu có lẽ nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay hơn các nhà đầu tư trong nước là vì những sản phẩm phái sinh đối với các nhà đầu tư nước ngoài là những công cụ tài chính quen thuộc rồi, còn các nhà đầu tư trong nước, theo tôi, đang trong tiến tình bắt đầu cuộc học hỏi, cho nên tôi nghĩ bước đầu các nhà đầu tư trong nước tham gia một cách khiêm tốn hơn.

VOA: Độ rủi ro và sự an toàn của chứng khoán phái sinh trong bối cảnh của thị trường Việt Nam?

TS Hiếu: Đây là một câu hỏi rất lý thú. Chúng ta biết rằng sản phẩm phái sinh là một sản phẩm dựa trên sản phẩm cơ bản. Bản thân sản phẩm phái sinh, tiếng Anh là derivatives, là một sản phẩm xuất từ sản phẩm cơ bản, thành ra độ rủi ro của nó cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh của môi trường tài chính Việt Nam, với những chỉ số từ lạm phát cho đến tăng trưởng, nhưng chỉ số về tiền tệ … tương đối biến động nhanh, mạnh hơn ở các nền kinh tế phát triển. Trong cái môi trường tài chính như thế, tôi nghĩ độ rủi ro của sản phẩm tái sinh rất cao, chính vì thế có lẽ thị trường Việt Nam nên phát triển một cách từ tốn, từng bước một. Tuy nhiên có một điều rất lý thú là VN Index trong thời gian hai năm vừa qua tăng trưởng rất tốt – năm 2016, VN Index tăng 30%, và qua 2017 VN Index đang tiến đến 800 điểm, và từ hồi đầu năm đến giờ đã tăng hơn 15%. Tăng trưởng mạnh như thế là một dấu hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng mạnh như thế nó có tính rủi ro cao. Do đó tôi nghĩ sản phẩm phái sinh ra lò ngày 0/8 là một điều tích cực, nhưng tôi chắc rằng các thành phần tham dự thị trường chứng khoán phải cẩn trọng, và trong bối cảnh đó tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng sản phẩm phái sinh của Việt Nam.

VOA: Phản ứng của thị trường về sự ra đời của chứng khoán phái sinh?

TS Hiếu: Có lẽ những người tham gia thị trường một cách tích cực thì họ phấn khởi vì nó có nhiều sản phẩm, như chúng ta biết là với thị trường có nhiều sản phẩm thì chúng ta càng có nhiều lựa chọn. Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ cảm thấy vui, phấn khởi nhìn thấy thị trường đang mở rộng, có những sản phẩm để họ sử dụng. Và khi họ sử dụng nhiều sản phẩm khác nhau thì họ thu vào những cái rủi ro của nhiều kỳ hạn khác nhau, của nhiều sản phẩm khác nhau để nó trung hòa các rủi ro. Còn với những nhà đầu tư bán chuyên nghiệp, có lẽ sản phẩm phái sinh hiện tại chưa phải là cái mà họ sẽ tham gia mạnh mẽ vào lúc này.

VOA: Các nhà quản lý, các nhà lập kế hoạch đặt mục tiêu sẽ huy động thêm được bao nhiêu vốn nữa từ thị trường này?

TS Hiếu: Tôi không được biết các nhà quản lý, các nhà làm chính sách và kế hoạch khi xây dựng một thị trường phái sinh thì mục tiêu của họ đặt ra như thế nào. Nhưng theo tôi thì có lẽ chưa nên có một mục tiêu là qua cái sản phẩm phái sinh như thế này thì chúng ta sẽ đạt được một chỉ số chứng khoán hóa trên thị trường là bao nhiêu. Hiện tại vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chiếm hơn 50% GDP. Tôi không nghĩ chúng ta nên đặt ra chỉ tiêu chỉ số chứng khoán hóa sẽ tăng 10% hoặc 20%, mà có lẽ đây là một việc mở rộng thị trường mang tính cách định tính hơn là định lượng. Tôi không biết các nhà làm chính sách có một mục tiêu về định lượng hay không để mà tăng tưởng bao nhiều tỉ đôla hoặc bao nhiêu phần trăm. Tôi nghĩ rằng việc đưa ra những sản phẩm như thế này nó mở rộng thị trường, có thể nói là nó nâng cao chất lượng của thị trường, và nó nâng thị trường chứng khoán (Việt Nam) lên thêm một bậc nữa trong việc phát triển thị trường chứng khoán, và nó mang tính cách định tính nhiều hơn là định lượng.

VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ. - VOA
|
|

13.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lưu lại hết nhiệm kỳ?

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng phục vụ hết 5 năm nhiệm kỳ của cho đến năm 2021 trong bối cảnh không có ứng cử viên nào sáng giá thay thế vào thời điểm giữa nhiệm kỳ sắp tới, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với VOA.

Ông Trọng được bầu vào nhiệm kỳ thứ nhì tại Đại hội Đảng lần thứ 12 hồi đầu năm 2011 mặc dù ông đã quá tuổi quy định. Ông được xem là giải pháp tình thế cho vị trí Tổng bí thư khi trong Đảng chưa có ai đủ uy tín. Ông được dự kiến sẽ rút lui vào giữa nhiệm kỳ (cuối 2017 nửa đầu 2018) để nhường cho người khác lên thay.

Tuy nhiên, người nhiều khả năng lên thay thế ông Trọng là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban bí thư, lại vắng bóng từ Hội nghị Trung ương 6 hồi tháng Năm năm 2017 và được cho là đang ở Nhật chữa bệnh, theo truyền thông trong nước. Người lên thay ông Huynh là ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.

Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng vấn đề sức khỏe đã loại trừ ông Huynh ra khỏi cuộc đua.

“Nếu (như trước khi ông Huynh đổ bệnh) ông Nguyễn Phú Trọng không làm hết nhiệm kỳ và về nghỉ giữa nhiệm kỳ, ông Đinh Thế Huynh là người nhiều khả năng nhất sẽ lên làm Tổng bí thư,” ông Thayer nói.

Tuy nhiên, không còn người ‘kế vị’ ông Trọng “không tạo ra khủng hoảng gì bên trong Đảng”, ông Thayer nói thêm. “Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí. Ông lại không có người kế vị chính thức. Giờ đây, ông ấy có toàn quyền quyết định liệu ông có về nghỉ và khi nào thì nghỉ. Vị thế của ông ấy đang rất mạnh.”

Giáo sư Thayer cũng nhắc lại một tiền lệ là Tổng bí thư Đỗ Mười trước đây cũng tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ tại Đại hội 8 hồi năm 1996 mặc dù khi đó ông Mười đã hơn 70 tuổi. Tuy nhiên, đến cuối năm 1997, ông Đỗ Mười đã phải nhường chức cho ông Lê Khả Phiêu sau khi Đảng chọn được người kế nhiệm.

“Tôi dám cá dựa trên những gì mà tôi biết là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ và khi đó ông sẽ có được sự đồng thuận để ủng hộ bất cứ ai ông chọn lên thay thế.”

Trong vấn đề lựa chọn Tổng bí thư kế tiếp, Giáo sư Thayer cho rằng trong cơ chế lãnh đạo tập thể ở Việt Nam thì ông Trọng không có quyền lực giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Ông Trọng không thể tự một mình quyết định mà phải tham vấn các thành viên chủ chốt khác trong Bộ Chính trị.

Ông Thayer nói “không có tranh giành quyền lực” trong cuộc chạy đua cho chức vụ cao nhất ở Việt Nam vì đó là cách nền chính trị Việt Nam vận hành.

“Nếu anh có tham vọng và anh nhìn thấy những cơ hội và mọi người đều biết ông Trọng sẽ về hưu thì chẳng có gì sai khi anh cạnh tranh cho vị trí tối cao và xem có bao nhiêu người ủng hộ mình.”

Trường hợp ông Trần Quý Vượng, người lên tạm quyền thay cho ông Đinh Thế Huynh và được cho là cánh tay mặt của ông Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, Giáo sư Thayer cho rằng ít có khả năng ông Vượng là ứng viên cho chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.

“Ông Vượng là người mới trong Bộ Chính trị nên không thể đi lên quá nhanh được. Anh phải đi qua quy trình hai giai đoạn: phải ở trong Bộ Chính trị ít nhất hết một nhiệm kỳ 5 năm thì mới được đề bạt vào những vị trí chủ chốt. Ông Vượng phải phục vụ hết thời gian còn lại trong Bộ Chính trị, khi đó ông sẽ có vị trí mạnh hơn ở kỳ Đại hội lần tới,” GS Thayer nói.

“Ông Trần Đại Quang (Chủ tịch nước) được cho là có tham vọng nhưng ông ấy cần xem mình có được bao nhiêu sự ủng hộ.”

“Hiện còn quá sớm để phỏng đoán ai là ứng viên sáng giá. Chúng ta cần xem xét các ứng viên tiềm năng trên cơ sở họ đã ở trong Bộ Chính trị được bao lâu, độ tuổi và nên nhớ là luôn có ngoại lệ (về độ tuổi) cho vị trí Tổng bí thư.”

Khi được hỏi liệu Đảng có bế tắc không khi số người hội đủ điều kiện để thay thế ông Trọng chỉ có một vài người, ông Thayer nói rằng đó sẽ là một điều khó khăn đối với Đảng khi ông Trọng về nghỉ.

Giáo sư Thayer ví von cuộc chạy đua vào các vị trí chủ chốt trong nền chính trị Việt Nam như trò chơi ‘ghế nhạc’ vì có ít người hội đủ điều kiện. Người ta để số ghế ít hơn số người có mặt với mục đích khi nhạc tắt thì hầu hết mọi người đều tìm được một cái ghế cho mình.

Khi được hỏi về cuộc chiến chống tham nhũng đang được tiến hành liệu có tác động như thế nào đến công tác nhân sự trong Đảng, Giáo sư Thayer nói những người bên phía “pháp luật và trật tự” như Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang (cựu Bộ trưởng Công an) sẽ “được lợi”.

Do hầu hết những vụ trọng án tham nhũng như các án ngân hàng, Vinashin, Vinalines đều diễn ra dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, ông Thayer cho rằng đối tượng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng là những quan chức trong mạng lưới trước đây của ông Dũng.

“Ông Dũng và gia đình ông ta sẽ tương đối an toàn (không bị truy tố) nhưng những người thân tín của ông ta sẽ trở thành nạn nhân,” ông nói.

“Tôi không tin rằng điều này có nghĩa là họ sẽ nhổ tận gốc những ai thuộc phe phái ông Dũng mà đây là cuộc tấn công vào những vụ án tham nhũng. Trong Bộ Chính trị vẫn giữ lại những người đã đi lên dưới sự bảo trợ của ông Dũng,” ông nói thêm.

“Chúng ta phải đợi xem cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi theo hướng nào trong tương lai. Họ cần có quyết định chính trị rằng ai sẽ là đối tượng (để điều tra và truy tố) và ai không nên nhắm vào.” - VOA
|
|

14.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức tiếp tục gây sức ép với Việt Nam

Chính quyền Đức, ngày 09/08/2017, cho biết đang xem xét các hành động tiếp theo, sau khi Việt Nam đã không đáp ứng đòi hỏi để cho ông Trịnh Xuân Thanh quay lại Đức.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức, ngày 09/08, cho biết lấy làm tiếc là đề nghị của Berlin cho ông Thanh quay lại Đức đã không được chính quyền Hà Nội đáp ứng.

Đại diện bộ Ngoại Giao Đức, được Reuters trích dẫn, tuyên bố : « Chúng tôi đã hy vọng đó là cơ hội sửa chữa mọi việc sau khi xẩy ra hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức và quốc tế », « thật đáng tiếc, điều này không xẩy ra, do vậy, chúng tôi đang xem xét có thể làm gì để cho các đối tác Việt Nam hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận việc này ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức không cho biết các hành động tiếp theo là gì, mà chỉ nói là đang xem xét mọi khả năng và nhấn mạnh rằng Việt Nam đã nhận được một khối lượng viện trợ cho phát triển rất lớn từ Đức. Năm 2015, Đức cam kết tài trợ hơn 257 triệu đô la cho Việt Nam trong vòng hai năm.

Theo một phát ngôn viên khác của bộ Ngoại Giao Đức, thì đại diện chính phủ hai nước đã có các cuộc thảo luận về hồ sơ này.

Tuần trước, bộ Ngoại Giao Đức đã tố cáo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đang xin quy chế tị nạn tại nước này. Trong khi đó, ông Thanh, nguyên là một trong những lãnh đạo của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, bị Việt Nam truy nã với tội danh quản lý kém, làm thất thoát 150 triệu đô la.

Berlin đã có phản ứng mạnh về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức, sau khi chính quyền Hà Nội loan tin người này ra đầu thú tại Việt Nam.

Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu cho ông Thanh quay lại nước này và tuyên bố trục xuất một điệp viên Việt Nam làm việc trong sứ quán Việt Nam tại Berlin vì có dính líu tới vụ bắt cóc. - RFI
|
|

15.
Cảnh sát EU thu giữ xe hơi chợ Sapa, Czech để 'điều tra' --- Trịnh Xuân Thanh bị đưa tới sứ quán Việt Nam ở Berlin trước khi về nước

Trong vụ mà Đức nói là ông Trịnh Thanh Xuân 'bị bắt cóc' ở Berlin, giới chức nghi rằng chiếc xe dùng để bắt ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7/2017 tại Berlin và có thể được dùng để chở ông ra khỏi Đức sang một nước châu Âu khác là xe thuê.

BBC Tiếng Việt hỏi chuyện ông Bùi Quang Hiếu, chủ doanh nghiệp Hieu Bui Travel chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe tại Prague, về việc công ty ông hiện có một xe hơi bị giới chức giữ và điều tra.

Công ty Hieu Bui Travel có trụ sở tại Trung tâm thương mại Sapa, là khu chợ nổi tiếng của cộng đồng người Việt ở ngoại ô Prague, thủ đô Czech.

Ông Hiếu hôm 10/8 nói với BBC rằng chiếc xe của công ty ông đã được cho mượn đúng vào thời điểm được cho là đã xảy ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, và "Cảnh sát hình sự đã làm việc với tôi từ ngày 28/7, cho đến hôm nay vẫn tiếp tục."

"Họ đến văn phòng lần đầu tiên vào lúc 11 giờ ngày 28/7, chìa thẻ cảnh sát Liên minh châu Âu, có hai người đeo súng đến, tìm tôi tại văn phòng."

'Người thuê là người ở Praha, người sử dụng là từ VN sang'

"Người mượn xe cũng làm ăn trong chợ trung tâm thương mại Sapa này, và họ mượn hộ cho ai đó. Văn phòng chúng tôi chỉ biết người đầu tiên mượn xe, còn cảnh sát họ làm việc tiếp với người đó," ông Hiếu nói với BBC.

"Chúng tôi không biết người sử dụng xe là ai, dùng xe với mục đích gì. Nhưng câu hỏi đầu tiên mà các văn phòng cho thuê xe bao giờ cũng phải hỏi khi cho thuê, là "anh thuê xe với mục đích gì", và người ta nói với tôi là để đi du lịch, cho một tốp khách từ Việt Nam sang," ông Hiếu giải thích thêm.

"Tôi khẳng định là họ mượn cho người khác chứ không lái. Bởi vì trong những ngày đó họ vẫn ngồi làm việc tại Trung tâm Thương mại Sapa chứ không vắng mặt. Tôi vẫn gặp người trực tiếp mượn xe."

Tạm thu xe hai tháng

Ông Bùi Quang Hiếu nói công ty ông có tổng số bảy chiếc xe cho thuê, tất cả đều kết nối dịch vụ vệ tinh.

Trong số này, chiếc mà ông cho thuê trong thời gian 20-24/7 hiện đang bị giới chức thu giữ.

"Cảnh sát không cho chúng tôi biết lí do vì sao họ hỏi về chiếc xe này, chỉ nói là chiếc xe đã vi phạm pháp luật. Mà việc vi phạm pháp luật, theo tôi thì có thể là do dùng để chở thuốc phiện, hoặc chở người không có giấy tờ, hoặc việc gì đó khác."

"Cảnh sát sẽ làm việc với hãng cung cấp dịch vụ vệ tinh để lấy thông tin về hành trình của tất cả bảy xe trong tháng Bảy và tháng Tám để kiểm tra," ông nói.

"Trong số đội xe của tôi, có một chiếc bị họ ngắt dịch vụ định vị vệ tinh. Tôi có khiếu nại thì họ nói đó là để phục vụ cho công tác điều tra nên họ tạm ngắt. Sáu chiếc còn lại tôi vẫn nhìn thấy [vị trí qua định vị vệ tinh], vẫn hoạt động bình thường."

Ông cho biết chiếc xe bị tạm thu giữ "là chiếc Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ ngồi, màu ánh bạc, biển số 2AB-3140, được cho mượn vào ngày 20/7, họ đem trả vào ngày 24/7, trùng vào thời điểm xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cho nên giới chức đặt nghi vấn."

"Cảnh sát lấy xe vào lúc 17 giờ 41 phút ngày 28/7/2017, tại một bãi gửi xe có người trông giữ 24/24. Khi thu xe, họ gọi tôi tới kí biên bản thu xe. Trong biên bản ghi rõ 'tạm thu hai tháng để phục vụ điều tra công việc'."

"Họ hỏi rất kỹ tuy vẫn chỉ trong phạm vi một số câu hỏi: hỏi ngày giờ cho thuê xe, người thuê là ai, có biết ai là người lái xe không, có biết họ dùng xe đó để làm gì không."

Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Tư 9/8 tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh 'đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc' hồi cuối tháng Bảy.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức "chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh" và đó là hành vi mà Đức thấy là "không thể chấp nhận". - BBC

***
Các công tố viên liên bang Đức cho biết đã nhận trách nhiệm kiểm soát cuộc điều tra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và người đi cùng ông ta bởi bằng chứng mới cho thấy hai người này có nhiều phần chắc đã bị đưa đến đại sứ quán Việt Nam ở Berlin trước khi bị đưa về Việt Nam.

Hãng tin Reuters cho biết văn phòng trưởng công tố viên liên bang hôm 10/8 cho biết cuộc điều tra tập trung vào nghi vấn về hoạt động tình báo nước ngoài và tước đoạt quyền tự do bất hợp pháp. Cuộc điều tra này trước đây nằm dưới quyền kiểm soát của các công tố viên vùng thủ đô Berlin.

Văn phòng trưởng công tố viên liên bang Đức nói Việt Nam đã rút lại yêu cầu dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh, người khi đó đang xin bảo hộ tị nạn ở Đức nhưng bị truy nã ở Việt Nam vì tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đức ngày 10/8 loan báo đang cân nhắc thực hiện những bước nào tiếp theo sau khi Việt Nam không đáp ứng yêu cầu giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức. - VOA
|
|

16.
Bắc Kạn: Tượng đài 'đổ sập'

Một kiến trúc sư ở Hà Nội nói với BBC rằng vụ đổ sập tượng đài ở Bắc Kạn "đánh động các công trình tượng đài đang xây dựng".

Cụm tượng đài Chiến Thắng tại thành phố Bắc Kạn bị đổ sập một phần, khiến một em bé đang chơi dưới tượng bị thương, theo báo Thanh Niên hôm 10/8.

Theo báo Thanh Niên, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn khẳng định nói tượng đài bất ngờ đổ sập là "không chính xác, đây chỉ là một bức tượng nhỏ nằm trong cụm tượng và nằm trong dự án tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn".

Ông nói dự án này do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 14 tỉ đồng nhưng cụm tượng có kinh phí dự toán được phê duyệt là 4 tỉ 536 triệu đồng.

'Khiếm khuyết'

Hôm 10/8, trả lời BBC, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, cựu Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nói: "Tượng đài mới xây mà đã đổ sập thì thật đáng tiếc, nhưng vụ này cũng hy hữu, tôi chưa thấy bao giờ."

"Nguyên nhân vụ đổ sập tượng đài ở Bắc Kạn thế nào thì còn phải đợi người ta điều tra."

"Đó có thể là do khiếm khuyết của người thiết kế hoặc bên thi công."

"Vụ này cũng đánh động các công trình tượng đài đang xây dựng phải cẩn trọng hơn."

Đề cập về việc dư luận đặt vấn đề về chất lượng của các công trình tượng đài tiền tỷ có khả năng bị "rút ruột", kiến trúc sư Luyện nói: "Trong xây dựng ở Việt Nam thì công trình bị rút ruột chỗ nào cũng có."

"Vấn đề là tùy mức độ nào thôi."

Ông cũng nói thêm: "Với các công trình tượng đài Hồ Chí Minh, người ta rất coi trọng, giám sát chặt chẽ nên không có nguy cơ bị đổ."

Hồi tháng 5/2017, báo Công An Nhân Dân cho hay, công trình tượng đài 'NTrang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936' của tỉnh Đắk Nông "đang xây dựng nhưng phát sinh nhiều sự cố kỹ thuật, không đảm bảo đúng chất lượng, thiết kế."

"Tổng kinh phí tượng đài này lên đến 146 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, nhưng 9/10 vị trí không đạt chất lượng bê tông, mẫu để tiếp tục thi công, 1/3 sàn móng không đạt yêu cầu, sai với thiết kế gây thiệt hại hàng tỷ đồng," báo này viết.

Tháng 6/2017, báo Zing tường thuật, do thiếu kinh phí xây dựng, ngoài việc xã hội hóa, tỉnh Đắk Nông còn "chủ trương huy động đóng góp tiền lương của cán bộ công nhân viên để xây dựng tượng đài N'Trang Lơng."

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: "Hiện đang có xu hướng xã hội hóa trong xây dựng tượng đài. Song, dù tiền nhà nước hay tiền có được từ việc xã hội hóa thì cũng là tiền của dân."

"Việc xây tượng đài tràn lan không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo thêm văn hóa." - BBC
|
|

17.
Philippines bắt 10 ngư dân Việt Nam săn cá mập lậu ở Palawan

Hải quân Philippines bắt giữ một tàu đánh cá với 10 thuyền viên của Việt Nam cùng với khoảng 70 con cá mập chưa xác định chủng loại bị săn bắt và chứa trên tàu trong vùng biển phía bắc tỉnh Palawan hôm thứ Ba (8/8).

Thông tấn xã Philippines trích thông cáo của giám đốc khu vực Elizet Salilig của Bộ ngư nghiệp và thủy sản chiều tối thứ Tư 9/8 nói rằng tàu khu trục BRP Gregorio del Pilar (FF-15) bắt giữ tàu Hoa Huong của Việt Nam ngoài khơi cách Malampaya 20 hải lý và cách đảo Tapiutan 32 hải lý trong vịnh Bacuit thuộc El Nido. Hải quân Philippines đang tạm giữ các ngư dân Việt Nam.

Ông Salilig cho biết những con cá mập bị săn trên tàu cá này đang được lưu giữa để điều tra.

Các giới chức Philippines chiều 10/8 nói rằng các ngư dân Việt Nam này có thể sẽ bị truy tố tội người nước ngoài săn bắt cá lậu trong vùng biển của Philippines.

Một người phát ngôn của Hội đồng Phát triển Bền vững Palawan nói rằng nếu những con cá mập bị săn được xác định thuộc loại hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, thì các ngư dân Việt Nam này bị truy tố thêm về các vi phạm quy định bảo vệ động vật có tên trên sách đỏ.

Thông tấn xã Philippines nói theo báo cáo của hải quân, khi tàu khu trục của họ phát hiện và đuổi theo tàu cá Việt Nam, tàu săn cá mập lậu này tìm cách tháo chạy khỏi vùng biển Philippines, nhưng thuyền trưởng xác định tàu cá đó ở trong vùng biển của Philippines.

Báo cáo của hải quân Philippines nói những người Việt Nam săn các lậu này đã ở trong vùng biển nơi họ bị bắt từ hôm 1 tháng 8. - VOA
|
||

18.
Nguyễn Văn Oai bị truy tố về tội ‘không chấp hành án’

Gia đình của ông Nguyễn Văn Oai cho VOA biết ông sẽ bị xét xử vào ngày 21/8 theo hai tội danh “chống người thi hành công vụ” và “không chấp hành án.”

Bà Nguyễn Thị Tri, chị của ông Oai, cho biết Tòa án Nhân dân Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, vừa ra quyết định xét xử nhà tranh đấu 36 tuổi này.

Bà Tri nói việc gán cho em bà tội “chống người thi hành công vụ” là không đúng vì những người gọi là công an không mặc sắc phục khi thi hành công vụ:

“Gán tội như vậy là không đúng vì lúc đó có người vào nhà nhưng không mặc đồng phục của công an, tưởng là côn đồ thôi. Họ buộc tội như vậy là không đúng.”

Bà Tri cho biết từ lúc ông Oai bị bắt từ tháng 1, 2017 cho đến nay, gia đình đã vào thăm được hai lần và sức khỏe của ông Oai khá tốt.

Ông Nguyễn Văn Oai là một cựu tù nhân lương tâm trong vụ án “14 Thanh niên Công giáo và Tin lành” bị chính quyền Việt Nam bắt giữ năm 2011 và bị kết tội năm 2013 theo điều 79 tức là “lật đổ chính quyền nhân dân.”

Năm 2015 sau khi mãn án 4 năm tù, ông Oai tuyên bố không nhận mình có tội. Khi ra khỏi tù, ông Oai hoạt động trong lĩnh vực dân quyền, như lên tiếng và hướng dẫn giáo dân đấu tranh chống lại các khoản thuế khóa, lạm thu về giáo dục.

“Sau khi ra tù đợt trước về, Oai không tham gia gì nhiều, chỉ cùng giáo dân lên tiếng phản đối về các khoản thuế của nhà nước và thu cao tiền học phí của học sinh.”

Sau khi mãn án 4 năm tù, ông Oai vẫn còn chịu thêm 4 năm quản chế.

Một quyết định của Tòa án Thị xã Hoàng Mai đưa ra hôm 7/8 nói ông Oai đã “xé giấy thông báo yêu cầu chấp hành các quy định về quản chế.”

Ngày 19/01/2017, khi ông Oai đang đi trên đường 36 thuộc Xã Quỳnh Vinh, Thị xã Hoàng Mai, thì bị một nhóm người mặc thường phục bắt giữ.

Ngày hôm sau 20/01/2017, ông Nguyễn Văn Doãn, Trưởng công an xã Quỳnh Vinh ra thông báo cho gia đình biết về việc bắt giữ ông Oai.

Dân biểu Úc Chris Hayes từng phản đối chính quyền Việt Nam bắt ông Oai, nói cũng như các nhà hoạt động nhân quyền khác, nhà hoạt động này chỉ lên tiếng một cách ôn hòa về thảm họa môi trường Formosa tại Việt Nam.

Lên tiếng sau khi ông Oai bị bắt, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, đại sứ Bruno Angelet cảnh báo rằng Việt Nam cần tôn trọng các quy định quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment