Tuesday, August 29, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 28/8

Tin Thế Giới

1.
TQ tuyên bố thắng Ấn Độ trong tranh chấp biên giới

Trung Quốc nói Ấn Độ đã rút quân khỏi vùng biên giới Himalaya có tranh chấm, chấm dứt căng thẳng kéo dài trong những tuần vừa qua.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh hài lòng với việc "những người Ấn xâm nhập vào đây đều đã rút về bên kia biên giới".

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng xác nhận đã rút quân quân khỏi Doklam sau khi hai nước đạt được thỏa thuận.

Căng thẳng xảy ra từ giữa tháng Sáu khi Ấn Độ lên tiếng phản đối dự định của Trung Quốc trong việc mở rộng đường vành đai biên giới ở khu vực tranh chấp.

Đây là khu vực mà phía Ấn Độ gọi là Doklam, còn Trung Quốc gọi là Động Lãng.

Thông tin này được đưa ra một tuần trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Nằm tại ngã ba giáp ranh giữa Trung Quốc, bang Sikkim ở Đông Bắc Ấn Độ và Vương quốc Bhutan, đây là khu vực đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan. Ấn Độ ủng hộ quyền chủ quyền của Bhutan tại đây.

Hồi đầu giờ sáng hôm thứ Hai, Trung Quốc tuyên bố dứt khoát rằng họ sẽ "tiếp tục giữ chủ quyền" tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói quân đội nước này xác nhận trên thực địa rằng lực lượng Ấn Độ đã rút quân vào buổi sáng.

Trong những tuần nổ ra tranh cãi hồi tháng 6, cả hai nước đã tăng cường binh lính tại đây và thậm chí đã có những cuộc đụng độ nhỏ.

Cả hai bên đều kêu gọi bên kia rút lui, đặc biệt Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng".

Atul Bhardwaj, nghiên cứu sinh tại Viện Trung Quốc học tại Delhi, cho biết thỏa thuận được đưa ra là "lựa chọn duy nhất" do căng thẳng giữa hai ông lớn của châu Á "không thể tiếp diễn".

Ông nói thêm rằng giải pháp này chứng tỏ "Ấn Độ ban đầu đã đặt mối quan hệ và cam kết đối với Bhutan lên làm ưu tiên" nhưng giới chức có vẻ như đã thay đổi suy nghĩ.

Ấn Độ và Trung Quốc từng có chiến tranh về biên giới chung kéo dài 3.500km vào năm 1962, và tranh chấp vẫn chưa được giải quyết tai một số khu vực, khiến tình trạng căng thẳng lại có lúc nổi lên. - BBC
|
|

2.
Bắc Hàn bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản

Bắc Hàn đã bắn một tên lửa bay qua miền bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống ngoài khơi Hokkaido phía bắc nước này.

Phía Nhật Bản không tìm cách bắn hạ tên lửa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tên lửa này là một mối đe dọa "chưa từng có".

Bắc Hàn đã bắn thử hàng loạt tên lửa trong thời gian gần đây nhưng hiếm khi phóng tên lửa bay qua Nhật Bản.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp để có phản ứng.

Vào hôm 25- 26/8, Bắc Hàn đã bắn ba tên lửa tầm ngắn xuống bờ biển phía đông của nước này.

Khi tên lửa gần đây nhất bay tới Nhật Bản, tín hiệu cảnh báo được phát đi khắp miền bắc nước Nhật, nhưng đài NHK cho biết không có dấu hiệu thiệt hại nào.

Ông Abe nói vụ phóng tên lửa này là "một hành động thái quá" và "là mối đe doạ nghiêm trọng chưa từng có làm tổn hại đến hòa bình và an ninh khu vực".

Ông nói chính phủ của ông đang làm hết sức để bảo vệ tính mạng của người dân.

Đường bay của tên lửa cho thấy sự leo thang của căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Quân đội Nam Hàn nói rằng tên lửa bay qua bầu trời qua Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương, bay xa hơn 2,700km ở độ cao tối đa khoảng 550km.

Theo truyền thông địa phương, tên lửa đã bay qua hòn đảo Hokkaido phía bắc trước khi vỡ thành ba mảnh và rơi xuống biển. - BBC
|
|

3.
Tương lai chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?

Trong một diễn biến bất ngờ vào thứ Sáu tuần trước, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bí mật rời khỏi đất nước vào lúc bà đáng lẽ phải ra tòa về các cáo buộc hình sự. Phán quyết đã được hoãn lại cho đến ngày 27/09.

Jonathan Head, phóng viên BBC tại Bangkok, trả lời một số câu hỏi chính về những gì đang diễn ra ở đất nước này.

Tại sao bà Yingluck phải ra tòa?

Cựu Thủ tướng bị buộc tội sao nhãng bổn phận dẫn đến thâm hụt ngân sách và tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo khi bà là người điều hành chính phủ.

Nếu bị tòa tuyên có tội, bà sẽ phải chịu án 10 năm tù.

Chính phủ của bà Yingluck bị quân đội lật đổ vào năm 2014, và sau một năm bà đã bị luận tội về vai trò của của mình trong chương trình trợ giá gạo.

Bà Yingluck khẳng định vụ xét xử có động cơ chính trị.

Bà Yingluck được bầu làm thủ tướng vào năm 2011 và là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng đã bị quân đội lật đổ bằng đảo chính vào năm 2006.


Giống như anh trai mình, người vẫn duy trì ảnh hưởng lớn với Đảng Pheu Thai, bà Yingluck đã triển khai chính sách giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc Thái Lan. Một trong những chính sách đó là đưa ra kế hoạch mua lúa gạo của nông dân với mức giá cao. Chính phủ quân đội nói rằng chính sách này làm thâm hụt ngân sách nhà nước 8 tỷ đô la và có dấu hiệu tham nhũng.

Phóng viên của BBC nói rằng không thể phủ nhận vụ xét xử có hơi hướng chính trị: "Quân đội đã lật đổ chính phủ của bà trong cuộc đảo chính và vì chính quyền hiện tại khó có thể được cho là bất thiên vị và luôn có nghi vấn rằng nhánh tư pháp có thể bị chi phối.

"Không có gì ngạc nhiên khi bà Yingluck và những người ủng hộ bà nói rằng toàn bộ quá trình đưa bà ra xét xử có động cơ chính trị."

Việc bà lẩn trốn ra nước ngoài có được chính phủ giúp hay không?

Bà Yingluck dự kiến ra hầu tòa vào thứ Sáu 25/08 và việc bà biến mất đột ngột đã gây sững sờ cho những người ủng hộ và ngay cả một số thành viên trong gia đình. Trong nhiều tháng, bà đã kiên định, không chịu rời khỏi đất nước, cho dù người ta tin rằng bà đã được âm thầm khuyến khích là nên ra đi.

Nhưng phóng viên Jonathan Head cho rằng việc bà ra đi "sẽ được hoan nghênh nhiều trong hàng ngũ chóp bu, bất kể có sự thông đồng thực sự hay không".

"Nhìn vào cách bà Yingluck ra khỏi đất nước một cách nhanh lẹ và vào phút chót, để chạy trốn đến Dubai, thì hiển nhiên là phải có sự hậu thuẫn từ cấp cao".

Chính phủ Thái Lan phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào nhưng nhiều người ở tất cả các phe phái chính trị ở Thái Lan nói rằng thật khó tưởng tượng rằng bà ấy có thể ra đi mà không ai biết.

Tại sao chính phủ lại cho phép bà rời Thái Lan?

Trước phiên tòa, chính phủ quân đội đã phải đối mặt với tình thế khó xử: Bất kể phán quyết là thế nào, nó có thể đã gây ra một phản ứng tức giận từ cả hai phía. Nếu bà được tha bổng, những người phản đối bà, với lập trường cứng rắn, sẽ rất phẫn nộ. Nếu bà bị kết án tù, những người ủng hộ bà sẽ tức giận tương tự như thế.

Do đó, nhiều người nghĩ việc bà trốn chạy là lựa chọn tốt nhất cho chính phủ và giảm khả năng có phản ứng giận dữ.

Jonathan Head nói: "Tất cả sự việc này xảy ra ở một thời điểm rất nhạy cảm đối với đất nước.

"Việc hỏa táng Vua Bhumibol Adulyadej được dự kiến diễn ra vào tháng Mười, và chính phủ muốn ổn định, đây là một khoảnh khắc có tính biểu tượng rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với chế độ quân chủ. Nhà chức trách không muốn có rắc rối."

Phản ứng của những người ủng hộ bà là gì?

Những ủng hộ viên của bà đã có một cú sốc khi phát hiện là bà đã rời khỏi đất nước.

Đảng Pheu Thái Lan của bà dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 2001 nhưng hiện nay đang phải đối mặt với một vấn đề: Không có ai khác trong gia đình Shinawatra có thể gánh vác vai trò lãnh đạo mà bà và trước đó là anh trai bà, ông Thaksin, đã đảm nhận.

Tuy nhiên, với thế mạnh về số đông thì đảng này gần như chắc chắn sẽ vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất tại Thái Lan.

Điều gì sẽ xảy ra với nền dân chủ Thái Lan tới đây?

Không có đảng nào khác có thể thay thế đảng Pheu Thai, phóng viên Jonathan Head nói.

Đảng này đang nắm giữ phần lớn sự ủng hộ tại phía bắc và đông bắc, chiếm khoảng 40% cử tri Thái Lan. Tuy nhiên, những bất lợi đang xảy ra với Pheu Thai có thể làm giảm đáng kể khả năng thành lập chính phủ.

Hiến pháp mới, được ký bởi tân vương Thái Lan vào tháng Tư năm nay làm giảm quyền lực của các đảng được bầu. Với hệ thống bầu cử mới, sẽ rất khó cho đảng Pheu Thai để giành được đa số tuyệt đối như họ đã làm được trong quá khứ.

Vì vậy sự thống trị trước đây của Pheu Thai sẽ được thay thế bằng một bức tranh chính trị đa dạng hơn, với quân đội và giới chóp bu thân hoàng gia bấy lâu nay sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.

Một phán quyết có tội sẽ dẫn tới những bất ổn và biểu tình?

Rất có ít khả năng bà sẽ được tha bổng. Bằng việc bỏ trốn, bà đã tự khiến mình có tội.

Nhưng thực tế việc bà Yingluck trốn khỏi Thái Lan đã tước đi biểu tượng mà những người ủng hộ của bà.

"Thái Lan đã bị chia cắt và phân cực trong 12 năm qua", Jonathan Head nói. "Giới quân đội và phe bảo thủ đã không thể xóa sổ được gia đình Shinawatra và gia đình này đã không thể giành lại vị thế thống trị mà họ từng có.

"Giả định chung là không có một bên nào phải bị triệt tiêu, hoặc phải có một sự mặc cả lớn nào đó. Kịch bản sau dường như không khả thi ở thời điểm này, nhưng đồng thời cũng không rõ nếu tình hình này đánh dấu sự kết thúc sức ảnh hưởng của gia đình Shinawatra." - BBC
|
|

4.
Dự án Tháp Trump tại Nga ra đời trong lúc Trump tranh cử?

Công ty của Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi một thỏa thuận về bất động sản ở Moscow trong khi ông vận động tranh cử Tổng thống vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, Reuters dẫn tin từ Washington Post hôm 27/8.

Tin của báo Washington Post đề cập đến những người thông thạo với đề nghị này và hồ sơ của những luật sư Tổ chức Trump.

Tờ báo nói những nhà đầu tư và công ty ông Trump đã ký một ý định thư xây dựng một Trump Tower tại Moscow nhưng dự án này, thiếu đất và giấy phép, đã bị hủy bỏ vào cuối tháng 1/2016, chỉ trước khi các cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống bắt đầu, theo như một vài người quen thuộc với đề nghị cho biết.

Lúc đầu Tòa Bạch Ốc đưa yêu cầu của Reuters cho cố vấn đặc biệt Tòa Bạch Ốc Ty Cobbs và sau đó là Tổ chức Trump. Cả hai nơi không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Tin của Washington Post được đưa ra giữa lúc có cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt và những ủy ban Quốc hội về việc liệu các phụ tá trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không. Cả ông Trump lẫn chính phủ Nga đều bác bỏ việc thông đồng.

Vào tháng 7 năm 2016, ông Trump phủ nhận có bất cứ giao dịch nào với Nga và viết trên Twitter: “Tôi không có bất cứ đầu tư nào tại Nga.” Ông nói trong một cuộc họp báo ngày kế tiếp: “Tôi không có làm gì với Nga cả.”

Thảo luận về dự án Moscow bắt đầu vào đầu tháng 9, báo Washington Post cho biết, nêu lên nguồn tin của những người được thuyết trình về thỏa thuận này. Một nhà đầu tư vô danh có kế hoạch xây dự án dưới một thỏa thuận được cấp phép, nhưng tên của ông Trump có trong dự án này. Tuy nhiên hiện không rõ ông Trump liên hệ như thế nào và ông Trump có biết việc thương thuyết của công ty ông hay không, báo Washington Post cho biết.

Trước khi dự án được hủy bỏ, một nhà phát triển bất động sản Nga đã thúc đẩy ông Trump đi thăm Moscow để quảng bá đề nghị xây Tháp Trump và nói rằng ông có thể thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tốt cho ông Trump, theo bài báo dẫn nguồn tin từ những người được thuyết trình về vấn đề này.

Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2016, chưa bao giờ đến Moscow, báo Washington Post nói.

Chi tiết về thỏa thuận được đề nghị được lưu trữ trong những email đã được chuyển cho các nhà điều tra quốc hội sau đó, tin cho biết. - VOA
|
|

5.
Đức, Pháp thúc đẩy Nga, Ukraine đẩy mạnh nỗ lực hòa bình

Ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Nga và Ukraine tăng cường những nỗ lực để thực thi thỏa thuận ngưng bắn mong manh tại miền đông Ukraine.

Xung đột giữa các lực lượng Ukraine và những phần tử đòi ly khai được Nga hỗ trợ đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng kể từ khi bùng phát vào năm 2014. Đức và Pháp đã cố gắng thuyết phục hai bên thi hành thỏa thuận hòa bình đạt được tại Minsk vào năm 2015 nhưng cho đến nay không mấy thành công.

Bà Merkel và ông Macron nêu lên quan ngại là tình hình an ninh tại miền đông Ukraine không được cải thiện kể từ khi có cuộc hội thoại 4 bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào ngày 22/8 vừa qua.

“Chúng tôi thúc đẩy Tổng thống Putin và Tổng thống Poroshenko tôn trọng hoàn toàn những cam kết, ủng hộ ngưng bắn một cách công khai và rõ ràng và đảm bảo là những chỉ thị thích ứng được gởi đến quân đội và các lực lượng địa phương,” hai vị lãnh đạo đã nói trong một tuyên bố do văn phòng Thủ tướng Đức tại Berlin công bố.

Hai nhà lãnh đạo cho biết thỏa thuận ngưng bắn vẫn bị vi phạm thường xuyên, trong đó có việc sử dụng vũ khí nặng. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên bảo vệ an toàn cho các quan sát viên từ cơ quan giám sát an ninh OSCE và những quan sát viên này không bị cản trở trong việc tiếp cận những khu vực trong vùng chiến sự.

“Phái bộ quan sát viên OSCE tiếp tục báo cáo những đe dọa đối với nhân viên của OSCE và việc hạn chế tự do di chuyển của họ, đặc biệt trong những khu vực không do chính phủ Ukraine kiểm soát,” bà Merkel và ông Micron nói.

Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đều áp đặt những biện pháp chế tài sâu rộng lên các lãnh vực tài chánh, quốc phòng và năng lượng của Nga để đáp trả việc Moscow sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014 và yểm trợ trực tiếp cho các phần tử đòi ly khai tại miền đông Ukraine.

Moscow phủ nhận có liên hệ trực tiếp trong vụ xung đột dù NATO cho rằng binh sĩ Nga đang yểm trợ cho phiến quân. - VOA
|
|

6.
Mexico hướng sang Trung Quốc, tìm cách thoát Mỹ

Ông Enrique Pena Nieto dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tham dự Hội nghị các quốc gia BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vào ngày 4 và 5 tháng 9, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico.

Chuyến thăm của ông Pena Nieto diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ, Mexico và Canada sẽ họp từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 9 tới đây tại Mexico City để tiếp tục các vòng đàm phán điều chỉnh lại NAFTA vốn đã được hình thành từ 23 năm nay.

Mexico đang cố gắng gia tăng thương mại với các nước Châu Mỹ Latin và Châu Á. Ngày 28/8, Mexico cũng tham gia cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Úc nhằm vực dậy Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương vốn bị đình trệ kể từ khi Hoa kỳ rút lui đầu năm nay.

Hôm qua, Tổng thống Donald Trump nhắc lại đe dọa hủy bỏ NAFTA, Hiệp định ông coi là cướp mất công ăn việc làm của dân Mỹ, làm tăng thâm thủng mậu dịch Hoa Kỳ và ông chỉ trích mạnh mẽ đối tác thương mại Canada và Mexico.

Tổng thống Mexico dự kiến tham dự một cuộc đối thoại về các thị trường mới nổi và một buổi hội thảo thương mại của BRICS, “nơi hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ thảo luận về những cơ hội đầu tư, thương mại, kết nối, hợp tác tài chính, phát triển, kinh doanh bền vững và sử dụng bền vững các nguồn lực hàng hải” Thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico cho biết.

Vào ngày 6/9, Tổng thống Pena Nieto sẽ có cuộc gặp với Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử số 1 của Trung Quốc và cũng là một trong những tập đoàn có giá trị lớn nhất của Châu Á hiện nay.

Chính quyền Mexico đang tìm cách đưa những sản phẩm và dịch vụ Mexico, đặc biệt là của những doanh nghiệp nhỏ và vừa, lên trang thương mại điện tử của Alibaba. - VOA
|
|

7.
Trung Quốc phản đối Mỹ chế tài Venezuela

Trung Quốc, đồng minh thân cận của Venezuela, ngày 28/8 tuyên bố lịch sử cho thấy sự can thiệp của bên ngoài và những chế tài đơn phương chỉ làm cho vấn đề thêm phức tạp và sẽ không giúp giải quyết vấn đề, sau khi Hoa Kỳ áp đặt những chế tài mới đối với Venezuela.

Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh cấm cho vay nợ mới đối với chính phủ Venezuela hay công ty dầu quốc doanh của nước này vào ngày 25/8 trong một nỗ lực nhằm ngưng tài trợ điều mà Tòa Bạch Ốc nói là tiếp sức cho “chế độ độc tài” của Tổng thống Nicolas Maduro.

Ông Maduro thường xuyên đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra “chiến tranh kinh tế” đối với Venezuela. Ông Maduro tố cáo Hoa Kỳ tìm cách buộc Venezuela vỡ nợ, nhưng cho rằng việc này sẽ bất thành.

Được hỏi về biện pháp mới của Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói lập trường không thay đổi của Trung Quốc là tôn trọng chủ quyền và độc lập của các nước khác và không can thiệp vào nội bộ những nước này.

“Vấn đề hiện nay tại Venezuela phải được giải quyết bởi chính phủ và người dân Venezuela,” bà Hoa nói trong một cuộc họp báo thường ngày.

“Kinh nghiệm của lịch sử cho thấy là những can thiệp bên ngoài và những chế tài đơn phương sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp hơn và sẽ không giải quyết được vấn đề hiện hữu,” bà Hoa nói thêm.

Trung Quốc và nước giàu dầu mỏ Venezuela có những quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ, đặc biệt trong lãnh vực năng lượng.

Trung Quốc tháng này bày tỏ tin tưởng rằng cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội Lập hiến của Venezuela được tiến hành êm đẹp, bác cáo buộc của Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước khác cũng như phủ nhận những chứng cứ về các bất hợp lệ trong cuộc bầu cử. - VOA
|
|

8.
Liên hiệp Quốc quan ngại về tình trạng người Rohingya

“Rất nhiều người trong số đang tháo chạy đó là phụ nữ và trẻ em, một số người đã bị thương”, người phát ngôn của Liên hiệp quốc, Stephane Dujarric, nhấn mạnh trong một tuyên bố mới đây.

“Tổng thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi các tổ chức nhân đạo được quyền tiếp cận không cản bị cản trở tới các cộng đồng cần giúp đỡ và bảo vệ. Liên hiệp quốc hiện sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho cả Myanmar và Bangladesh”, bà Dujarric nói.

Sau 3 ngày đụng độ với các phần tử chủ chiến trong cuộc bạo động tồi tệ nhất liên quan đến cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Myanmar trong 5 năm nay, lực lượng an ninh Myanmar ngày 28/8 tăng cường các chiến dịch chống lại các phần tử nổi dậy Rohingya, theo nguồn tin cảnh sát và các nguồn tin khác.

Tại Bangladesh ngày 28/8, lính biên phòng tìm cách đẩy lùi người tị nạn bị kẹt trong khu vực gần làng Gumdhum. Phóng viên Reuters thậm chí đã nghe thấy tiếng súng nổ từ phía Myanmar trong 3 ngày qua. - VOA
|
|

9.
Đàm phán TPP không có Mỹ khai mạc tại Sydney

Đại diện của 11 nước còn lại trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, hôm thứ Hai 28/8 đã khởi sự vòng đàm phán 3 ngày tại Sydney, Australia, nhằm tiến tới thực hiện hiệp ước thương mại tự do khu vực này sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hồi đầu năm nay.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản loan tin rằng các nhà thương thuyết sẽ bàn thảo liệu có chỉnh sửa nội dung nguyên thủy của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại tự do khu vực này khi ông lên nhậm chức hồi tháng 1 năm nay hay không.

Tổng thống Trump nói rằng thỏa thuận đa quốc gia này cướp mất đi nhiều công việc làm ở Hoa Kỳ và ông muốn đàm phán thương mại song phương hơn.

Không có Mỹ tham gia, số phận của TPP trở nên bấp bênh, nhưng các nước Nhật Bản, Australia và New Zealand tìm cách tiếp tục xúc tiến hiệp định thương mại này.

Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto, tháng trước đã họp với đại diện của các nước trong thỏa thuận tại một khu nghỉ mát ở tây nam thủ đô Tokyo và đã đồng ý cùng làm việc với nhau để để xúc tiến TPP theo một khung sườn mới.

Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nói trong một thông báo hôm Chủ nhật 27/8 rằng “nguyện vọng chung” của các đối tác là “đạt được một thỏa thuận tích cực.”

Bộ trưởng Ciobo nói: “Lãnh đạo của các nước TPP sẽ thảo luận về tiến độ thực thiện TPP” tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11sắp tới.

Riêng về Australia, Bộ trưởng Ciobo nói nước ông sẽ có thể lập 10 hiệp ước thương mại tự do với các nước Canada, Mexico và Peru để thăng tiến thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công việc làm.

TPP được ký vào tháng 2 năm 2016 giữa 12 nước ven bờ Thái Bình Dương, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ -- kinh tế của 12 nước TPP nguyên gốc này chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.

Các nước còn lại này vẫn chia rẽ về các vấn đề, chẳng hạn như các điều kiện nguyên thủy của TPP sẽ bị sửa đổi như thế nào. - VOA
|
|

10.
Trung Quốc đang có lợi thế chưa từng thấy trên Biển Đông?

Giữa lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến Biển Đông và khối ASEAN gần như mất tác dụng trước ảnh hưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây “có thể muốn làm gì thì làm trên Biển Đông”, một nhà nghiên cứu về Biển Đông nói với VOA.

Tình hình này đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi, buộc phải nhượng bộ Trung Quốc trong khi Trung Quốc hoàn toàn có thể chi phối quá trình thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông, theo Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.

Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đầu tháng 8 vừa thông qua “Khung sườn về Quy tắc Ứng xử Biển Đông” ở Manila để làm cơ sở hướng dẫn các cuộc đàm phán về COC.

Giáo sư Thayer, người theo dõi hội nghị ở Manila, nhận định với VOA rằng Bắc Kinh đã chi phối quá trình thảo luận COC theo ý họ.

Nhà nghiên cứu này cho biết quá trình đi tới một bộ quy tắc ứng xử bao gồm ba bước và hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc (Asean + 1) vào tháng 11 tới sẽ là bước thứ ba khi các nước thúc đẩy quá trình ‘tham vấn’ về COC.

Giáo sư Thayer nhấn mạnh rằng Bắc Kinh gọi các cuộc thảo luận về COC là ‘tham vấn’ chứ không phải ‘đàm phán’ và rằng Bắc Kinh muốn có một COC không mang tính ràng buộc về pháp lý. Trong khi đó, trong số các nước ASEAN, chỉ có Việt Nam và Singapore muốn có một COC mạnh mẽ còn những nước còn lại không muốn mất lòng Trung Quốc.

“Vương Nghị (Ngoại trưởng Trung Quốc) đã nói ở Manila rằng bước thứ ba (của COC) chỉ có thể diễn ra khi tình hình trên Biển Đông ổn định,” ông Thayer cho biết. “Họ có thể viện đến hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải hay bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ trên Biển Đông để nói rằng tình hình không phù hợp để bàn về COC.”

Vẫn theo Giáo sư Thayer, ý đồ của Trung Quốc là không muốn Mỹ, Nhật hay Ấn Độ dính dáng gì đến quá trình thảo luận COC và rằng Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi từng nước ASEAN phải nêu ra quan điểm về COC mặc dù ASEAN cho rằng không nhất thiết phải có lập trường thống nhất hoàn toàn của cả khối.

“ASEAN thậm chí còn tìm cách để cho các nước có tranh chấp trong khối (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) gặp nhau trước rồi sau đó mới thông báo cho cả khối biết lập trường của họ nhưng nỗ lực này cũng bị làm cho thất bại,” ông Thayer nói.

Ông Thayer dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay Bắc Kinh không muốn phạm vi của COC bao gồm bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa.

“Vào lúc này thì Trung Quốc đang cầm trịch (quá trình thảo luận COC). Trong số các nước có tranh chấp thì Việt Nam trong nhiều năm qua đã kêu gọi vai trò tích cực hơn của ASEAN,” ông nói. “Trong vấn đề Biển Đông thì Việt Nam đang bị cô lập.”

Do đó, Việt Nam “không có được bất cứ sự ủng hộ nào của ASEAN” về vấn đề Biển Đông, theo ông Thayer. Trong khi đó thì Campuchia “sẵn sang làm tay trong cho Trung Quốc trong ASEAN,” ông nói thêm.

Ông Thayer nói tại hội nghị Manila, Campuchia và nước chủ nhà Philippines đã tìm cách đưa ra khỏi thông cáo chung của ASEAN bất cứ ngôn từ nào mang tính chỉ trích Trung Quốc hay bị Trung Quốc phản đối.

“Hoa Kỳ không thể dựa vào Philippines như là một đồng minh dưới thời (Tổng thống) Duterte. Ông ấy đã hoàn toàn phá hỏng vị thế mà chính quyền ông Obama có được dưới thời cựu Tổng thống Aquino,” ông Thayer nói.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang bận tâm với những vấn đề ở Trung Đông, Afghanistan và Bắc Hàn nên không quan tâm đến Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc được rảnh tay theo đuổi mục đích của họ, theo ông Thayer.

“Đâu là lợi ích chính của Mỹ trên Biển Đông? Bà Hillary Clinton từng tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia ở đây. Còn ông Trump đại để không nói gì cả. Ông ấy từng có nói về Biển Đông trong quá trình tranh cử, còn từ đó đến nay ông ấy không nói gì hết,” ông lập luận.

“Chính quyền của ông Trump không có khái niệm gì về những gì đang xảy ra trên Biển Đông,” Giáo sư Thayer nói, đồng thời cho biết rằng Biển Đông chỉ là một phần trong ‘ván cờ lớn’ giữa Mỹ và Trung Quốc và Washington đang cần Bắc Kinh giúp đỡ trong vấn đề Bắc Hàn cũng như nhượng bộ trong các vấn đề kinh tế và sở hữu trí tuệ.

Ông Thayer cũng nhắc tới một diễn biến gần đây khi Trung Quốc điều tàu chiến và tàu tuần duyên đến gần bãi Sandy cách không xa đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines hiện đang kiểm soát thì chính quyền ông Trump “đã không làm gì cả” còn ông Duterte thì cho rằng “tại sao cần phải phòng vệ những bãi cát này trước Trung Quốc”.

Nếu Mỹ, Nhật và Ấn Độ không hỗ trợ cho Việt Nam thì Việt nam phải lùi bước (trước Trung Quốc) nhất là sau khi xảy ra tai nạn (va chạm) của tàu khu trục USS John S. McCain với một tàu chở dầu ngoài khơi Singapore, GS Thayer nhận định.

“Việt Nam còn có thể dựa vào nước nào đây? Malaysia hay Indonesia cũng không thể làm được gì nếu Mỹ không có vai trò mạnh mẽ hơn. Do đó Việt Nam không thể khiêu khích chiến tranh hay đối đầu với Trung Quốc.”

Nhắc lại vụ việc Việt Nam phải rút tàu khoan thăm dò Deepsea Metro ở khu vực gần bãi Tư Chính dưới áp lực của Bắc Kinh, ông Thayer cho rằng Việt Nam “không thể chọc giận Trung Quốc” vì Hà Nội “không thể nào bảo vệ hiệu quả các công trình trên đảo của họ” một khi Trung Quốc tấn công.

“Bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng có thể chiếm bất cứ tiền đồn nào của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Cho nên nếu đối đầu trực diện thì Việt Nam sẽ thất bại,” ông phân tích.

Trong bài báo có tựa đề “Việt Nam lo lắng sự yếu ớt của Trump đang khiến Trung Quốc trở nên mạnh mẽ”, Nhật báo Sydney Morning Herald của Úc hôm 28/8 cũng nhận định rằng giờ đây Hà Nội đang bị cô lập trong việc dùng luật quốc tế để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tờ báo này dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư tại Đại học De La Salle ở Manila, cho biết tại hội nghị Ngoại trưởng Asean ở Manila hồi đầu tháng 8, Việt Nam một lần nữa lên tiếng phản đối Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ chỉ đóng một vai trò mờ nhạt.

Đối với những ai đang chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông thì “Trump không giúp ích được gì”, ông Heydarian nói.

“Chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ lòng tin về sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. (Ngoại trưởng) Tillerson không có vẻ như là ông ấy đang đại diện cho một siêu cường tại hội nghị. Ông ấy trông giống như đại diện của một cường quốc hạng hai hơn và mọi người ở hội nghị đều biết ông ấy đang gặp khó khăn tứ bề ở trong nước,” theo Giáo sư Heydarian.

“Nếu Việt Nam phải lùi bước thì đó là do họ không còn có nhiều lựa chọn kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền,” ông Heydarian nói thêm. “Mỹ thật sự đã bỏ rơi Việt Nam vào phút cuối khi họ hủy Hiệp định TPP. Việt Nam phải làm gì đây?”

Còn Giáo sư Thayer thì nhận định rằng: “Chính quyền Trump không cho thấy sự̀ ủng hộ (các nước nhỏ) trong tranh chấp Biển Đông. Philippines thì đầu hàng trước Trung Quốc. Đó là một cú tát vào pháp trị. Không còn luật pháp quốc tế trên Biển Đông nữa. COC cũng vô dụng mà thôi.” - VOA
|
|

11.
Thấy gì từ vụ thăng chức ‘anh hùng chiến tranh Việt – Trung’?

Các chuyên gia quân sự nhận định việc Tướng Lý Tác Thành được thăng chức tổng tham mưu trưởng cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh cải cách năng lực tác chiến cho quân đội Trung Quốc, theo báo của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận chức vụ mới của Tướng Lý Tác Thành, người từng chiến đấu trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, là Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thay cho ông Phòng Phong Huy.

Ông Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói với tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 28/8 rằng việc thăng chức cho ông Lý cho thấy rằng “Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng và quyết tâm giao trọng trách cho một vị tướng trẻ, giàu kinh nghiệm chiến đấu lãnh đạo quân đội.”

Ông Lý, năm nay 63 tuổi, chỉ huy trưởng một đại đội Trung Quốc trong cuộc chiến Trung – Việt năm 1979. Ông bị thương trong cuộc chiến và sau đó được Quân ủy Trung ương phong “anh hùng.”

VTC News của Việt Nam trích đăng báo chí Trung Quốc nói rằng ông Lý Tác Thành trở thành một “hiện tượng,” và đầu thập niên 1980 ông đi tuyên truyền khắp Trung Quốc để kể lại trận đánh trong cuộc chiến tranh 1979. Năm 1982, ông Lý được bầu vào đoàn chủ tịch của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 12 khi ông 29 tuổi. Và đến năm 2015, ông lên chức thượng tướng và được phong làm Tư lệnh lục quân Trung Quốc.

Chuyên gia Li Jie nhận định tiếp rằng “một số quan chức trong quân đội có những thành tích và kinh nghiệm như ông Lý theo trông đợi sẽ được bổ nhiệm vào những chức vụ trọng yếu.”

“Quân đội đã có những thay đổi lớn về trang thiết bị, vũ khí và huấn luyện trong tiến trình cải cách. Thay đổi nhân sự cùng với việc cải tiến vũ khí và khả năng tác chiến của quân đội sẽ bảo đảm rằng các lực lượng quân sự của chúng ta có đủ khả năng bảo vệ biên cương và tấn công không khoan nhượng một khi xảy ra chiến tranh,” theo nhận xét của Đề đốc hồi hưu Xu Guangyu, hiện là một cố vấn cấp cao của Hiệp hội giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí của Trung Quốc.

Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải tiến chất lượng hơn là số lượng vũ khí. Ông Xu nhận định rằng cũng tương tự như vậy, quân đội cần phải có một lãnh đạo có đủ năng lực.

Ông Xu nhấn mạnh rằng huấn luyện quân đội là việc làm quan trọng và cần thiết để tăng cường khả năng tác chiếc của lục quân. Ông nói: “Quân đội Trung Quốc cần phải thường xuyên thao dượt tác chiến bằng súng đạn thật, và cần phải tích cực tham gia các sứ mạng gìn giữ hòa bình. Zhutihe, căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc đặt trong Khu Tự trị Nội Mông sẽ giữ một vai trò lớn hơn trong công cuộc rèn luyện cho quân đội.”

Chủ tịch Nước Tập Cận Bình, cũng là Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc và là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong cuộc duyệt binh hồi tháng 7 đã ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải nêu cao tính hiệu quả trong tác chiến, hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang. - VOA
|
|

12.
Đức: Một nam y tá giết ít nhất 86 bệnh nhân

Một nam y tá bị kết tội giết chết bệnh nhân ở Đức vì cho uống thuốc trị bệnh tim quá liều. Người ta tin rằng anh ta có thể đã giết chết ít nhất 86 người, nhưng quy mô các vụ sát nhân này có thể còn lớn hơn thế, các nhà điều tra cho biết ngày 28/8.

Nhiều trường hợp tử vong lẽ ra có thể ngăn ngừa được nếu nhà chức trách y tế hành động nhanh chóng hơn, cảnh sát trưởng Johann Kuehmer thuộc thành phố Oldenburg, vùng tây bắc nước Đức nói.

Ông Niels Hoegel, hiện 40 tuổi, bị kết án vào năm 2015 về hai tội giết người và hai tội âm mưu sát nhân tại một bệnh viện thuộc thị trấn Delmenhorst, tây bắc nước Đức. Ông này bị kết án tù chung thân.

Tội phạm này được đưa ra ánh sáng sau khi Hoegel bị kết tội mưu sát trong một vụ án khác. Nhà cầm quyền sau đó đã điều tra về hàng trăm cái chết khác, khai quật tử thi của những người từng là bệnh nhân tại Delmenhorst và Oldenburg gần đó.

Ngày 28/8 cảnh sát trưởng Kuehme cho biết nhà cầm quyền hiện đã đưa ra bằng chứng về 84 trường hợp tử vong thêm vào những vụ Hoegel bị kết án. Con số thực sự những người bị giết chắc chắn cao hơn vì một số nạn nhân có thể đã bị thiêu, không thể thu thập bằng chứng, ông Kuehme nói thêm.

“84 vụ giết hại…làm cho chúng tôi không nói nên lời,” ông Kuehme nói với các phóng viên. “Và nếu tất cả con số này chưa đầy đủ, chúng ta nhận ra rằng phạm vi thực sự của việc Niels H. giết người tệ hại hơn nhiều.”

Ông Kuehme quy trách nhà cầm quyền y tế địa phương không hành động nhanh chóng.

“Nếu những người có trách nhiệm lúc bấy giờ, đặc biệt tại bệnh viện Oldenburg và sau đó tại Delmenhorst không chần chừ trong việc báo động nhà cầm quyền—chẳng hạn cảnh sát, công tố viên--” Hoegel có thể bị ngăn chặn sớm hơn, ông Kuehme nói.

Nhà chức trách cũng đã truy tố hình sự đối với cựu nhân viên tại hai cơ sở này.

Hoegel làm việc tại bệnh viện Oldenburg từ năm 1999 đến 2002 và tại Delmenhorst từ 2003 đến 2005. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Chưa cần xuất dầu khẩn cấp vì bão Harvey

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ngày 28/8 cho biết chưa cần phải xuất kho khẩn cấp để bù đắp cho việc gián đoạn mức sản xuất do bão Harvey gây ra vì thị trường dầu trên toàn thế giới được cung cấp đủ.

Một vài nhà máy lọc dầu tại bang Texas của Mỹ đã ngưng hoạt động vì bão khiến cho việc sản xuất dầu bị ngưng lại và giá dầu tăng cao. Việc ngưng sản xuất này ảnh hưởng đến việc cung cấp xăng dầu quốc tế cũng như nội địa vì Hoa Kỳ xuất khẩu từ vùng này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói đang theo dõi chặt chẽ trận bão và sẵn sàng đáp ứng nếu có những gián đoạn trầm trọng trong việc cung cấp xăng dầu qua hệ thống đáp ứng khẩn cấp của IEA.

Cơ quan liên chính phủ này có trụ sở tại Paris điều phối việc xuất xăng dầu khẩn cấp trong trường hợp thiên tai hay chiến tranh làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. - VOA
|
|

14.
Trump hy vọng chính phủ Mỹ không đóng cửa vì tường biên giới

Tổng thống Donald Trump ngày 28/8 bày tỏ hy vọng rằng không cần thiết phải đóng cửa chính phủ vì yêu cầu của ông muốn Quốc hội thông qua ngân quỹ để xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico.

Tại cuộc họp báo với Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinisto, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Mexico có thể sẽ phải trả lại chi phí cho bức tường này. Mexico lâu nay dứt khoát tuyên bố sẽ không trả bất kỳ khoản tiền nào cho việc xây dựng này.

“Bằng cách này hay cách khác, Mexico sẽ phải trả tiền xây tường biên giới,” Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Tổng thống Trump còn thông báo có thể sẽ phải chấm dứt Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ để tìm lại điều mà ông cho là thương mại công bằng với hai đối tác kinh tế là Canada và Mexico.
“Tôi nghĩ rằng ít nhất sẽ phải khởi động tiến trình chấm dứt [Hiệp định] trước khi có thể đạt được một thỏa thuận công bằng,” Tổng thống Trump nói. - VOA
|
|

15.
Thêm đơn kiện Tổng thống Trump

Binh sĩ, thủy thủ, lính không quân và những quân nhân chuyển đổi giới tính cùng với những người khác muốn nhập ngũ, ngày 28/8 đã đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump, hy vọng Tòa án liên bang sẽ ngăn cản lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội.

Một đơn kiện liên bang được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ ở Maryland (ACLU) đệ trình Tòa án liên bang tại Baltimore nhân danh 6 người chuyển đổi giới tính hiện phục vụ trong Lục quân, Hải quân, Không quân, Vệ binh Quốc gia và Lực lượng Trừ bị Hải quân.

Một đơn kiện khác do Lambda Legal đệ nạp tại Seatle cùng với Human Rights Campaign và Gender Justice League nhân danh một cựu chiến binh có 12 năm trong quân ngũ và hai thanh niên chuyển giới muốn nhập ngũ.

“Hành động của Tổng thống Trump ngay lập tức làm cho các nguyên đơn và những thành viên chuyển giới khác trong quân đội lo ngại về nghề nghiệp của họ, phúc lợi của những thân nhân trong gia đình và những người phụ thuộc, việc chăm sóc sức khỏe, và trong một số trường hợp, về cả sự an toàn của họ,” đơn kiện của ACLU nêu rõ.

Ông Trump ngày 25/8 chỉ thị cho Ngũ Giác Đài thi hành lệnh cấm các cá nhân chuyển đổi giới tính không được nhập ngũ, không được tiếp tục phục vụ trong quân đội.

Lệnh cấm có hiệu lực vào năm tới, cũng ra lệnh cho Bộ Quốc phòng ngưng sử dụng nguồn lực của Bộ để tài trợ cho phẫu thuật chuyển đổi giới tính đối với nhân viên quân sự, trừ phi việc này cần thiết để bảo vệ sức khỏe của các cá nhân đã bắt đầu chuyển đổi giới tính.

“Quân đội của chúng ta phải chú trọng đến chiến thắng quyết định và toàn diện và không thể chịu gánh nặng chi phí lớn lao và gián đoạn do chuyển đổi giới tính trong quân đội gây ra, ông Trump viết trên Twitter .

Các nguyên đơn ACLU cho rằng họ đang đối mặt với những rủi ro tức thì và không thể đảo ngược được. Họ yêu cầu Tòa án tuyên bố lệnh cấm là vô giá trị và vi phạm quyền hiến định được đối xử bình đẳng và theo đúng thủ tục pháp lý.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 28/8 từ chối bình luận về vụ kiện. - VOA
|
|

16.
Vụ tai nạn tàu chiến Mỹ: Tìm thấy thi thể toàn bộ số thủy thủ mất tích

Hải Quân Mỹ ngày 28/08/2017 xác nhận đội người nhái đã tìm thấy thi hài 10 thủy thủ của khu trục hạm USS John S. McCain bị mất tích sau khi bị một tàu dầu đâm vào ngày 21/08.

Trong một bản thông cáo, Hạm Đội 7 Hoa Kỳ cho biết , đội người nhái của Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã tìm thấy thêm 8 thi thể thủy thủ trong các khoang bị ngập nước của chiếc tàu gặp nạn. Tuần trước, đội cứu hộ tìm được 2 xác. Như vậy, thi thể của toàn bộ 10 thủy thủ mất tích đã được tìm thấy.

Khu trục hạm USS John S. McCain đã va chạm với tàu chở dầu Alnic MC mang cờ hiệu Liberia ngoài khơi Singapore, khiến 5 thủy thủ bị thương và 10 người mất tích. Chiếc tàu Mỹ đã bị đâm thủng một lỗ lớn phần đuôi bên trái, khiến nước tràn vào bên trong tàu.

Đây là vụ va chạm thứ hai liên quan đến một chiến hạm Mỹ trong hai tháng và là tai nạn thứ tư ở vùng Thái Bình Dương kể từ đầu năm.

Một hôm sau tai nạn ngoài khơi Singapore, một quan chức quốc phòng Mỹ thông báo rằng tư lệnh Hạm Đội 7 của Mỹ, đơn vị chủ quản các chiếc tàu bị nạn đã bị cách chức. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

17.
Đại án Oceanbank và vấn đề Nợ xấu của Việt Nam

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội chiều ngày 28/8 mở phiên sơ thẩm xét xử những sai phạm liên quan tới hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương- tức Oceanbank.

51 bị cáo sẽ bị mang ra xét xử, hai bị cáo được chú ý nhiều nhất là ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank, và ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, PetroVietnam. Cùng bị xét xử với hai ông có khoảng 50 doanh nhân và cựu nhân viên của PetroVietnam cũng như nhân viện của Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây Dựng Việt Nam và nhân viên ngân hàng Oceanbank.

Vụ án lớn kỷ lục đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với bài tường trình của AP đăng trên nhiều tờ báo lớn kể cả the New York Times, và nhiều tờ báo có uy tín khác như Deutche Welle của Đức.

Báo chí trong nước nói vụ án này nắm kỷ lục về số người tham gia tố tụng, với hơn 700 người 'có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan', trong đó có hơn 50 luật sư.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Thắm bị truy tố về 4 tội danh: "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Thắm cùng các bị cáo khác bị tố cáo là vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông- trong đó có nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ.

Với tài sản ước tính vượt ngưỡng 1 tỉ đôla vào năm 2014, thời còn trên đỉnh cao sự nghiệp, ông Hà Văn Thắm được xếp hạng là người giàu có thứ nhì, chỉ đứng sau Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Trong số những bị can bị truy tố bổ sung trong vụ án lần này, đáng chú ý có ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, người đang thọ án tù 30 năm.

Báo Deutche Welle nói ông Thắm bị cáo buộc đã phê chuẩn khoản tiền cho vay lên tới 23,5 triệu USD cho ông Danh mà không đòi hỏi tài sản thế chấp như quy định.

Vào tháng 5 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp quản Ocean Bank sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 445 triệu USD, với nợ xấu chiếm gần 50% các khoản cho vay chưa thanh toán.

Gần đây, nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực chống tham ô nhũng lạm, với một số vụ án trong đó một số giám đốc điều hành bị tuyên án tử hình.

Những đại án trong ngành tài chính ngân hàng nêu bật một số lỗi hệ thống, từ lâu đã tạo điều kiện cho tham nhũng và cho phép xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã bị buộc phải mua lại một số ngân hàng, trong đó có Oceanbank, Ngân hàng Xây Dựng, và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu do ông Nguyễn Xuân Sơn điều hành. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói những sai phạm trong ngành ngân hàng đã bị 'bưng bít từ lâu', và trách nhiệm có thể quy một phần, cho Thanh tra NHNN đã không phát hiện những dấu hiệu báo trước, như mức nợ xấu trầm trọng, đã nổi lên từ thời ông Nguyễn Văn Bình còn là Thống đốc NHNN, khi diễn ra những vụ sáp nhập ngân hàng vào khoảng năm 2011.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói trong cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn văn Bình, giờ là Ủy viên Bộ Chính trị và Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cũng phải chịu trách nhiệm.

Phân tích về nợ xấu của Việt Nam và trách nhiệm của ngân hàng trung ương, ông Phạm Chí Dũng nói:

“Ba đại án này nó liên quan tới món nợ xấu khổng lồ, mà vào năm 2014, đã gấp đôi vốn điều lệ của các ngân hàng bị mua với giá không đồng. Món nợ xấu đó đã lên tới ít nhất là 20,000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của cả ba ngân hàng chỉ lên tới 10,000 tỉ đồng. Như vậy thì ngân hàng nhà nước phải bỏ ra ít nhất 10,000 tỉ đồng nợ xấu để mua với giá không đồng. Vậy lấy tiền đâu ra? Chắc chắn là phải lấy tiền từ ngân sách, tức là tiền đóng thuế của người dân.”

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ án liên quan tới Oceanbank chỉ là một phần không đáng kể trong tình hình nợ xấu nói chung của Việt Nam.

“Tình hình nợ xấu ở Việt Nam hiện nay là 900,000 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đại án Hà Văn Thắm cũng như ngân hàng xây dựng, ngân hàng dầu khí toàn cầu, nó ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động của khối ngân hàng, và từ đó người ta nhìn thấy một khuôn mặt khác của ngành ngân hàng, nghĩa là thay vì là nơi trú ẩn an toàn cho những đồng tiền tiết kiệm, trong ngân hàng có quá nhiều những tiêu cực, một số ngân hàng lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Nông thôn Agribank vv… có những quan chức tiêu cực tham nhũng, khách hàng gửi tiền vào đó, sau một thời gian thì tiền mình ‘không cánh mà bay’, thì làm sao người dân có thể tin tưởng ngân hàng? Điều đó chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch huy động vàng và đôla trong dân chúng của chính phủ bây giờ.”

Báo Deutche Welle của Đức nói ông Thắm bị cáo buộc đã chấp thuận khoản tiền vay lên tới 23,5 triệu USD cho ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, mà không cần tài sản thế chấp.

Các ngân hàng liên can tới đại án được cho là đã gây thiệt hại tổng cộng 69 triệu USD.

Vào tháng 5 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp quản Ocean Bank sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 445 triệu USD, với nợ xấu chiếm gần 50% các khoản cho vay chưa thanh toán.

Liệu tình hình này có làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư nước ngoài? Tiến sĩ Phạm Chí Dũng:

“Vấn đề đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2017 tới nay thì chủ yếu vẫn là các nước Châu Á như Singapore, Hồng Kông… Các nước Châu Âu và Mỹ ít đầu tư vào Việt Nam, thậm chí có khuynh hướng rút vốn ra, ví dụ từ năm 2017 đến nay đã có 3 ngân hàng Úc thoái vốn khỏi Việt Nam. Đó là một hiện tượng mà tôi cho là đáng lo ngại cho môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng và môi trường kinh tế Việt Nam nói chung.”

Vụ án xét xử lãnh đạo và nhân viên của Oceanbank diễn ra ngay sau khi tòa án quốc tế ở Paris bắt đầu xét xử vụ án một doanh nhân Việt gốc Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện chính phủ Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng nói vụ án ‘xuyên thế kỷ’ đang gây bão mạng này, cũng làm cho giới đầu tư nước ngoài ngần ngại, vì đây có thể là một minh chứng cho thấy môi trường làm ăn ở Việt Nam có rủi ro cao, thậm chí, không an toàn.

“Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình khiến cho báo giới nước ngoài cũng như các nhà đầu tư nước ngoài họ có một cái nhìn khác đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nó sẽ ảnh hưởng tới ý định đầu tư của họ trong tương lai. Thực ra, điều này đã xảy ra trong lĩnh vực đầu tư của người Việt ở hải ngoại rồi.”

Ông Hà Văn Thắm, 45 tuổi, xuất thân từ tỉnh Bắc Giang, tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại, Thạc sĩ trường Đại học Columbia Commonwealth, và có bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Công nghệ Paramount, Hoa Kỳ.

Mới 21 tuổi, ông đã mở công ty và nắm chức vụ Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Năm 2007, ông Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Dương.

Phiên xử ông và các đồng phạm dự kiến sẽ kéo dài 20 ngày. - VOA
|
|

18.
Dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam khiến Mỹ, Anh quan ngại

Các cơ quan phòng bệnh và du lịch của Mỹ và Anh khuyến cáo du khách đến Việt Nam đề phòng sốt xuất huyết trong lúc căn bệnh do muỗi lan truyền này tăng mạnh ở trong nước mùa hè năm nay.

Theo thống kê của Việt Nam, nói tính đến giữa tháng 8/2017, có hơn 90.000 trường hợp lây nhiễm, trong đó có 24 ca tử vong, cao hơn 60% so với năm ngoái.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Sài Gòn, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đà Nẵng và Hà Nội.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, gọi tắt là CDC, của Hoa Kỳ vừa ra thông báo khuyến cáo du khách đến Việt Nam phải chú ý áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt để đề phòng lây nhiễm sốt xuất huyết.

Thông báo của CDC nói rằng sốt xuất huyết có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, muốn ói, ói mửa, ngứa, đau nhức mắt, khớp xương và bắp thịt.

Cơ quan này cho biết rằng hiện không có thuốc ngừa hoặc thuốc điều trị sốt xuất huyết tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, thông báo của chính phủ Anh, công bố ngày 22/8 và tới ngày 28/8 vẫn có hiệu lực, nói rằng số ca lây nhiễm sốt xuất huyết tăng mạnh ở Việt Nam, phần lớn là ở các tỉnh phía nam, nhưng dịch bệnh mới đây cũng tăng mạnh ở miền bắc, nhất là tại Hà Nội.

Du khách nên làm theo chỉ dẫn của cơ quan quốc gia phụ trách về sức khỏe khi đi du lịch của Anh, và phải áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt.

Thông báo này cũng nói rằng các loại virus khác do muỗi lan truyền gây bệnh sốt rét và viêm não Nhật Bản cũng xảy ra ở Việt Nam, nhất là vào mùa mưa.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có từ 50 tới 100 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford và Tổ chức Wellcome Trust nói mỗi năm có đến 390 triệu ca lây nhiễm sốt xuất huyết trên thế giới. - VOA
|
|

19.
Chủ tịch Trần Đại Quang ‘tái xuất’

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 28/8 tái xuất hiện trên truyền thông sau hơn một tháng vắng mặt bất thường.

Báo Tuổi trẻ đưa tin sáng ngày 28/8, ông Quang tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio López Díaz nhân kết thúc nhiệm kỳ tại Hà Nội, kèm theo hình ảnh hai người bắt tay rồi ngồi trò chuyện.

Blogger Đinh Quang Tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh nhận định về sự xuất hiện của ông Quang:

“Việc ông Trần Đại Quang xuất hiện trở lại trên màn hình không còn quan trọng nữa, dù là thật hay giả.”

Tuy nhiên, đối với Truyền thông Việt Nam, ông Quang xuất hiện là tin hàng đầu trong ngày.

Nhiều lời bình luận trên báo Tuổi trẻ viết rằng “mong Chủ tịch nước luôn mạnh khỏe,” dù truyền thông nhà nước không chính thức đề cập tình hình sức khỏe của ông Quang hay giải thích vì sao ông không xuất hiện trước truyền thông hơn một tháng qua.

Trong thời gian qua, trên mạng xã hội tại Việt Nam, xuất hiện tin đồn rằng ông Trần Đại Quang “bị bệnh và phải sang Nhật chữa trị”.

Hôm 25/8, báo Nikkei Asian Review có bài nói rằng việc vắng mặt bất thường của ông Quang làm dấy lên những nghi ngờ trong chính trường Việt Nam.

Bài báo Nhật viết “ông Quang không xuất hiện trước công chúng gần một tháng qua, và nhà cầm quyền chưa hề đưa ra bất cứ lời giải thích nào, tạo ra nhiều đồn đoán có tranh giành quyền lực, cùng với chuyện ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể nghỉ hưu vào năm tới.”

Hôm 28/8, bàn về tin ông Quang xuất hiện, Blogger Trương Huy San viết trên Facebook: “Sau 1 tháng 3 ngày, người Nhật biết nhiều hơn chúng ta.” Trước đó, blogger này đưa tin: “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25/7/2017.”

Đây cũng là ngày khi ông Quang tiếp Thư ký Hội Đồng An ninh của Nga, Nikolai Patrushev, và đây là lần cuối cùng Chủ tịch Việt Nam xuất hiện trên truyền thông nhà nước trước khi vắng mặt.

Nhận xét về sắc diện của người đứng đầu nhà nước trên ống kính truyền thông hôm 28/8, Facebooker Nguyễn Hải bình luận: “hốc hác”, còn Facebooker Triều Nguyễn viết: “trông già và ốm nhiều.”

So sánh với những bức ảnh của ông Quang vào tháng trước, Facebooker Bac Pham viết: “nhìn khác quá.”

Báo chí trong nước hôm 20/8 đăng tải một bài được cho là do Chủ tịch Trần Đại Quang viết về tình hình an ninh mạng ở Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông. Tuy nhiên, các blogger nói rằng bài viết này được soạn lại từ một bài viết đã xuất hiện vào năm 2013.

Vấn đề sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung Ương Ðảng được chính quyền Việt Nam cho là “bí mật.”

Blogger Đinh Quang Tuyến nói rằng ông quan tâm đến vấn đề đặc xá, thường liên quan tới quyết định của chủ tịch nước.

“Tôi không tâm đến việc ông Quang xuất hiện trên truyền thông. Tôi chỉ quan tâm đến việc đặc xá – hằng năm người đứng đầu một quốc gia công bố lệnh ân xá cho các phạm nhân, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo – nhưng lần này không có đặc xá và dịp 2/9. Dù ông có xuất hiện và tiếp ai đi chăng nữa, nhưng việc làm nhân bản này mà không thực hiện thì ông Trần Đại Quang không còn quan trọng nữa.”

Tuần trước Luật sư Đặng Đình Mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA rằng việc không xét đặc xá dịp lễ 2/9 này là “một thiếu sót lớn” và không thể vì chủ tịch nước vắng mặt mà gây cản trở hay đình trệ quốc sự.

Hôm 24/8, truyền thông Việt Nam trích lời trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, nói rằng dịp Quốc khánh năm nay Nhà nước sẽ không tiến hành đặc xá mà chờ “đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện” sẽ được áp dụng vào đầu năm sau.

Giới bình luận cho rằng người đứng đầu nhà nước xuất hiện, trở lại làm việc, nhưng không thực hiện quyền hiến định, thể hiện chính sách nhân bản của chính quyền, là một mất mác lớn cho xã hội. - VOA
|
|

20.
Cơ chế sử dụng nhân tài ở Việt Nam ‘dậm chân tại chỗ’

Thủ tướng Việt Nam một lần nữa nhắc đến việc phải trọng dụng nhân tài, kể cả Việt kiều, trong khi một kinh tế gia Áo gốc Việt nổi tiếng về phản biện xã hội nói rằng cơ chế của nhà nước về sử dụng người tài “dậm chân tại chỗ hoặc tệ đi” trong 5-10 năm qua.

Báo chí trong nước dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hôm 28/8: “Chúng ta cần tạo những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước, kể cả đối với kiều bào nước ngoài”.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào” về phát triển kinh tế xã hội nói chung và về phát triển khoa học, công nghệ nói riêng. Theo ông, việc này “góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Lời phát biểu của ông Phúc được đưa ra tại lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017". Cuốn sách nói về 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu.

Việc trọng dụng nhân tài dường như được thủ tướng đương nhiệm rất coi trọng. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi đầu tháng 4 năm ngoái, ông Phúc cho báo chí biết trong số 6 trọng tâm điều hành chính phủ của ông, trọng dụng nhân tài là một thành phần trong trọng tâm thứ nhì, đứng ngay sau trọng tâm thứ nhất là “ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Trong suốt hơn một năm nắm quyền, vị thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đến thu hút, trọng dụng nhân tài.

Ba tháng sau lễ nhậm chức, trong một phiên họp nội các, ông Phúc phát biểu về công tác nhân sự rằng việc các cơ quan nhà nước tổ chức thi tuyển là “để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà”. Ông nói thêm, “Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.

Khi còn là phó thủ tướng, ông Phúc từng làm xôn xao dư luận khi thẳng thắn chỉ ra rằng “có 30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, với hàm ý số người không có năng lực trong các cơ quan nhà nước chiếm tỉ lệ rất lớn.

Tháng 8/2016, trong một lần gặp gỡ cử tri, Thủ tướng Phúc khẳng định để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên “thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi” và nói thêm rằng “do vậy dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền”.

Đầu tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phúc từng nói đến việc cần phải “tạo những thể chế thông thoáng trong phát huy, sử dụng nhân tài”, mà theo ông là bao gồm cả “người chưa vào đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những diễn biến trái với mong muốn của vị thủ tướng. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, nói với VOA:

“Nhìn chung khu vực nhà nước trong vòng 5, 10 năm qua vẫn còn rất là kém trong chuyện thu hút người tài. Có lẽ người tài hoặc là không muốn làm việc trong khu vực nhà nước hoặc không vào làm việc được nếu như người tài đấy không có quen thân hoặc con ông cháu cha. Qua khảo sát PAPI mà chúng tôi làm, là chỉ số về sự hài lòng của người dân, thì thấy phần lớn người dân phản ảnh là nếu không có quan hệ cá nhân, không có quen thân, không có phong bì thì không thể xin vào khu vực nhà nước được. Rõ ràng với cơ chế như thế, chúng ta sẽ loại người tài ra bên ngoài”.

Vị tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt nói ngoại lệ hiếm hoi là thành phố Đà Nẵng. Địa phương này trả những mức lương rất cao và có chế độ coi trọng người tài rất cụ thể, trong khi hầu hết các tỉnh thành khác không làm tương tự.

Ông Giang, người tham gia một số cuộc nghiên cứu, khảo sát ở Việt Nam, bình luận thêm rằng cá nhân ông thấy trong nhiều năm qua cơ chế sử dụng người tài của nhà nước “vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí còn tệ đi” và đó là “vấn đề rất lớn khi quốc gia muốn phát triển”.

Đối với những người không có mối quan hệ, tình hình là như vậy. Trong khi đó, những năm gần đây, có những người còn rất trẻ được bổ nhiệm thần tốc vào những vị trí rất cao trong các cơ quan hay tập đoàn nhà nước Việt Nam. Công chúng đã kết nối việc bổ nhiệm này với thực tế là những người đó có bố hoặc chú, bác là các quan chức cấp cao.

Nhiều người bình luận trên báo chí và mạng xã hội rằng việc con cháu quan chức thành đạt là điều bình thường ở nhiều nước ngoài vì họ có cơ chế tranh cử hoặc thi tuyển công khai, minh bạch. Còn với thực tế ngược lại ở Việt Nam, đã nổi lên những nghi vấn về sự thăng tiến nhanh chóng của các “con quan”, “cháu quan”.

Tiến sĩ Giang cho rằng bên cạnh việc cần phải cải thiện sự công khai, minh bạch, công cuộc thu hút nhân tài của Thủ tướng Phúc còn phải đối mặt với lực cản lớn từ tính cục bộ của các địa phương và bộ ngành:

“Cái quan trọng nhất là phải bỏ đi, phải diệt trừ chủ nghĩa vị thân, con ông cháu cha, nepotism [gia đình trị], và phải công khai, minh bạch hóa tất cả các quy trình tuyển người, đánh giá, thi cử công chức, tuyển chọn, v.v… Nói như ông thủ tướng thì rất dễ, nhưng từ việc nói đấy đến chỗ thực hiện là một khoảng cách rất là dài. Vì làm sao phải công phá được những lô cốt là các chính quyền địa phương và các bộ ngành. Tôi nghĩ mình ông thủ tướng chắc sẽ không làm được”.

Trong lời phát biểu hôm 28/8, ông Phúc cũng lưu ý đến việc cần “trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào” về phát triển kinh tế xã hội.

Tiến sĩ Giang một lần nữa chỉ ra rằng giữa những hô hào của người đứng đầu chính phủ với các động thái của các bộ ngành, địa phương có một khoảng cách lớn.

Theo lời tiến sĩ, chỉ riêng vài tháng gần đây, nhiều điều thể hiện rằng ý thức lắng nghe từ phía chính quyền “rất là thấp”, thậm chí không đếm xỉa đến các ý kiến của các nhà khoa học hoặc các tổ chức xã hội dân sự.

Ông Giang nêu ra một loạt các ví dụ, từ dự án phát triển du lịch gây hại môi trường, cảnh quan ở Sơn Trà, Đà Nẵng, đổ chất thải ở nam trung bộ, cho tới dự định xây cáp treo vào Hang Én, gần Sơn Đoòng, Quảng Bình.

Vị phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng cảnh báo rằng việc không lắng nghe sẽ dẫn đến những phản ứng xấu:

“Khi mà người ta có cảm giác không được lắng nghe, người ta sẽ bức xúc, sẽ phản ứng tiêu cực, hoặc là sẽ chán nản. Những người giỏi và bình tâm thì chán nản. Những người hay thích sa vào chuyện chửi đổng, chửi bới sẽ còn giận dữ hơn nữa. Tóm lại sẽ thiệt cho đất nước mà thôi”. - VOA
|
|

21.
Dân Đồng Tâm 'giữ đất đến hơi thở cuối cùng'

Trưởng thôn Hoành cho biết khi liên tiếp nhận được giấy mời triệu tập liên quan đến vụ tranh chấp đất đai, người dân Đồng Tâm đã quyết định không nhượng bộ chính quyền.

Ông Lê Đình Công, cho biết BBC rằng từ tháng Bảy tới nay có khoảng 70 người dân Đồng Tâm đã nhận được nhiều giấy mời triệu tập liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai hồi tháng Tư tại xã Đồng Tâm.

Bản thân ông và cũng đã nhận được ba giấy mời triệu tập của Công an TP Hà Nội và Bộ Quốc Phòng, về cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".

Ông Công, con trai cụ Lê Đình Kình, cho BBC biết rằng hôm 27/8 đã có một "cuộc họp toàn thể nhân dân xã đồng tâm, khẳng định đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của nhân dân Đồng Tâm."

"Thứ nhất, nếu chính quyền Hà Nội, công an Hà Nội mà cố tình cướp đi quyền lợi đất đai của người dân thì người dân Đồng Tâm sẽ giữ đến hơi thở cuối cùng."

"Thứ hai nếu chính quyền mà bắt một người Đồng Tâm, thì người dân Đồng Tâm cũng sẽ sẵn sàng đổ máu."

"Họ coi thường kỉ cương phép nước, coi thường pháp luật thì nhân dân đồng Tâm sẽ cho họ thấy thế nào là coi thường kỷ cương phép nước, và coi thường pháp luật.

"Nhân dân Đồng Tâm sẽ xử toàn bộ người làm sai, không kể bất kì một ai từ huyện đến thành phố, người dân sẽ quyết tâm chiến đấu đổ máu."

'Hội nghị công dân'

Video quay trực tiếp qua Facebook cho thấy rất nhiều người dân đã tụ tập tại nhà của cụ Lê Đình Kình hôm 27/8, và lập một "Biên bản hội nghị công dân đồng tâm, chống tham nhũng".

Trong đoạn video, một người dân đã đọc to một phần của biên bản như sau:

"Thực hiện lời nói của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng 'Bọn tham nhũng là giặc ngoại xâm', vậy nhân dân xã Đồng Tâm kiên quyết chiến đấu đến cùng. Dù có phải hi sinh cũng phải giữ bằng được đất nông nghiệp của mình. Không để cho bọn tham nhũng huyện và thành phố Hà Nội cướp."

Ông Công cũng cho biết đã nhờ người gửi đơn gồm gần 1000 chữ ký của người dân Đồng Tâm đến các đại sứ quán các nước để nhờ giúp đỡ người dân Đồng Tâm.

Ông cho biết đã gửi đơn đến đại sứ quán Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Thụy Điển… và sẽ tiếp tục gửi đơn.

Ông Lê Đình Công, cùng cha mình là cụ Lê Đình Kình bị bắt lên xe hôm 15/4, và được thả vài ngày sau trong lúc cuộc đối kháng giữa chính quyền và người dân diễn ra khoảng giữa tháng Tư năm nay.

Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng của Việt Nam mới đây cũng có giấy triệu tập cụ Lê Đình Kình lên làm việc về 'các nội dung, vấn đề liên quan' tới tranh chấp đất đai Đồng Tâm.

Luật sư Trần Vũ Hải, người có nhiều lần làm việc với người dân Đồng Tâm, từ chối đưa ra bình luận khi BBC liên lạc vào hôm 29/08 và chỉ cho biết ông cùng một nhóm luật sư đang cố gắng tư vấn cho người dân Đồng Tâm giải quyết vụ việc theo cách mà ông gọi là "êm ả".

BBC cũng đã liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Hoạt nhưng ông từ chối bình luận. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment