Tin Thế Giới
1.
Ấn Độ cải chính thông tin về việc bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam
Sau một số thông tin báo chí tiết lộ sự kiện New Delhi đã chuyển giao tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, ngày 18/08/2017, Ấn Độ đã chính thức lên tiếng cải chính. Theo hãng tin Ấn Độ PTI, bộ Ngoại Giao Ấn đã xác định rằng những thông tin về thương vụ đó « không chính xác ».
Trả lời câu hỏi trên vấn đề này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định rằng thông tin đó « không chính xác », và phía bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng « đã bác bỏ » thông tin kể trên.
Tuy nhiên, theo hãng tin Ấn Độ, về mặt chính thức, bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề phủ nhận thông tin về thương vụ BrahMos một cách rõ ràng.
Khi được hỏi về thông tin theo đó Việt Nam vừa nhận lô tên lửa BrahMos của Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 17/08 chỉ nói rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ được phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh và quốc phòng…
Về việc mua vũ khí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam nói thêm là « việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng » đều « phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước ».
Thông tin về việc Ấn Độ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam đã được tờ báo Mỹ World Tribune tung ra ngày 14/08, với lời giải thích theo đó Nga, quốc gia đồng sản xuất BrahMos với Ấn Độ, đã tán thành hợp đồng bán loại vũ khí này cho Việt Nam.
Theo hãng PTI, trong lúc bộ Ngoại Giao Ấn Độ cải chính, thì bộ Quốc Phòng Ấn Độ chưa thấy lên tiếng.
Hãng tin Ấn nhắc lại rằng trong thời gian qua, quả thực là Ấn Độ đã có những cuộc đàm phán với Việt Nam về việc cung cấp tên lửa BrahMos. Tháng hai vừa qua chẳng hạn, khi trả lời câu hỏi tại Lok Sabha về việc chính phủ Ấn có dự định bán tên lửa Akash và BrahMos cho Việt Nam hay không, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Subhash Bhamre đã xác nhận rằng New Delhi đã có đàm phán với Hà Nội về vấn đề này, và « hợp tác quốc phòng, bao gồm cả việc cung cấp thiết bị quốc phòng, là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam ».
Theo nhân định của PTI, Việt Nam, rất quan tâm đến việc có được loại tên lửa siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga đồng chế tạo, có thể sử dụng trên bộ, trên biển hoặc phóng đi từ tầu ngầm. Loại vũ khí này cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
Thực hư của việc Ấn Độ đồng ý bán BrahMos cho Việt Nam chưa rõ, nhưng nếu được xác nhận thì điều đó chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ, nhất là vào lúc quan hệ New Delhi-Bắc Kinh đang bị khuấy động do tranh chấp ở vùng ba biên giới Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan. - RFI
|
|
2.
Tây Ban Nha phát hiện ổ thánh chiến chuẩn bị khủng bố trên quy mô lớn
Sau hai vụ tấn công khủng bố tại Barcelona và Cambrils ngày 17/08/2017 làm 14 người chết và hơn 100 người bị thương, an ninh Tây Ban Nha mở rộng điều tra đã phát hiện ra hơn một chục kẻ thánh chiến người Maroc, tuổi từ 17 đến 30. Nhóm thánh chiến này đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên quy mô lớn hơn. Thông tin trên đã được cảnh sát trưởng vùng Cataluna xác nhận với báo chí hôm 18/08.
Thông tín viên RFI tại Madrid, François Musseau tường trình :
Người ta bắt đầu thấy sáng tỏ thêm từ vụ khủng bố tại Barcelona. Theo các nhà điều tra vùng Cataluna, những kẻ tấn công thuộc một ổ thánh chiến gồm 12 đối tượng, nằm tại thị trấn Ripoll cách Barcelona khoảng 100 km về phía bắc.
Điều bất ngờ là những nghi can khủng bố còn rất trẻ và tất cả đều là người Maroc. Các nghi can này đều không có thu nhập, không có kinh nghiệm và chưa hề tham gia thanh chiến tại Syria hay Irak. Ngoại trừ một người, còn lại tất cả đều không có tiền sự gì. Cảnh sát cho rằng những đối tượng trên đã bị cực đoan hóa qua mạng xã hội.
Một chi tiết khác gần như chắc chắn là những kẻ khủng bố trẻ đó đang có ý định dùng các bình gaz đặt trong xe tải nhỏ để làm một vụ thảm sát lớn hơn hai vụ vừa rồi. Ý đồ này không thể thực hiện được vì thao tác sai gây nổ khiến 1 người chết và 7 người bị thương. Khoảng ba chục bình ga được tìm thấy tại hiện trường vụ nổ trong thị trấn Alcanar, cách Barcelona 200 km về hướng tây nam.
Còn một vài khoảng tối mà các nhà điều tra cần phải làm sáng tỏ. Trong đó đặc biệt là danh tính của kẻ lái chiếc xe tải nhỏ đâm vào đám đông làm 14 người chết tại Barcelona. Liệu có phải hung thủ vẫn trốn thoát hay đó chính là Moussa Ulkabir, 17 tuổi, đã bị cảnh sát Cataluna bắn chết vài giờ sau trong vụ tấn công cạnh bãi biển Cambrils.
Bắt giữ 4 nghi can, bắn hạ 5
Theo các chi tiết điều tra, trong số 12 nghi phạm của ổ thánh chiến khủng bố, 5 kẻ đã bị cảnh sát bắn hạ trong vụ tấn công tại Cambril đêm 17 rạng sáng 18/8, bốn nghi phạm bị bắt giữ gồm 3 người Maroc, một người gốc Melilla, vùng đất nhỏ của Tây Ban Nha nằm ở cực bắc châu Phi.
Trong số những kẻ tấn công bị bắn chết, các nhà điều tra đã xác định được danh tính 3 kẻ. Cảnh sát Tây Ban Nha đã cho phát trên truyền thông hình truy nã một thanh niên Maroc 22 tuổi.
Vẫn liên quan đến tấn công khủng bố, nhưng tại Phần Lan. Hôm nay cảnh sát nước này thông báo mở điều tra liên quan đến khủng bố vụ một người đàn ông dùng dao đâm chết 2 người và làm nhiều người khác bị thương tại thành phố Turku, ở phía tây nam Phần Lan. Hung thủ vụ này là một người Maroc, 18 tuổi đã bị bắt giữ sau khi bị bị cảnh sát bắn bị thương. - RFI
|
|
3.
Tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ: Quân đội đòi Manila phản ứng
Trước thái độ có vẻ dửng dưng của chính quyền Duterte trước lời báo động theo đó Trung Quốc đã cho cả một đội tàu áp sát khu vực đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát tại vùng quần đảo Trường Sa, quân đội Philippines ngày 19/08/2017 đã nhập cuộc. Theo phát ngôn viên Quân Đội Philippines, chính phủ Manila cần nêu vấn đề này ra trước Cơ Chế Tham Vấn Song Phương Trung Quốc-Philippines đã được hai nước thành lập
Theo nhật báo The Philippine Star, phát ngôn viên lực lượng võ trang Philippines, tướng Restituto Padilla đã có yêu cầu như trên sau khi Quân Đội Philippines đã chứng thực được sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Pag-asa, tên Manila dùng để gọi đảo Thị Tứ tại vùng Trường Sa (Biển Đông).
Cơ Chế Tham Vấn Song Phương Trung Quốc-Philippines đã được hai nước thành lập nhằm mục tiêu giải tỏa các mối quan ngại liên quan đến các vùng biển đang tranh chấp giữa hai nước, và đã họp phiên đầu tiên vào tháng 5 vừa qua tại Quý Dương (Trung Quốc).
Đối với tướng Padilla, để tránh xẩy ra va chạm giữa hai bên, bộ Ngoại Giao Philippines phải nêu vụ Thị Tứ ra trước cơ chế nói trên, vì đó là "diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề".
Về phần mình, theo tướng Padilla, Quân Đội Philippines đang bổ sung thông tin về sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, vốn đã được dân biểu đối lập Gary Alejano báo động.
Theo ông Alejano, có đến 5 tàu Trung Quốc trong khu vực từ ngày 12/08 đến nay, bao gồm 2 tàu hải quân, 2 tàu đánh cá và một tàu hati cảnh. Đối với ông Alejano, Trung Quốc đang có âm mưu thâm hiểm nhằm chiếm các cồn cát sát đảo Thị Tứ.
Tướng Padilla tuy nhiên chưa xác nhận số lượng tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực. - RFI
|
|
4.
Mexico muốn kéo Cuba rời xa Venezuela
Ngoại trưởng Mexico đang có mặt ở Havana hy vọng thuyết phục Cuba, một trong những đồng minh hàng đầu của Venezuela, hỗ trợ giải tỏa căng thẳng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ từng nổi tiếng qua các cuộc thi hoa hậu quốc tế.
Reuters dẫn lời một giới chức cao cấp của Mexico cho biết Ngoại trưởng Luis Videgaray sẽ tìm hiểu quan điểm của Cuba về khủng hoảng Venezuela và cách xoa dịu hoặc kiểm soát cuộc chuyển tiếp ở Venezuela cũng như tác động của việc này.
Mexico có thể sẽ phải vất vả trong mục tiêu thuyết phục Cuba tham gia nỗ lực này. Venezuela, đồng minh chiến lược và ý thức hệ gần gũi nhất với Cuba, đã đổ vào Cuba hàng tỷ đô la dầu và viện trợ kể từ đầu thế kỷ này.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mexico cũng nhằm trấn an Cuba rằng Mexico sẽ nhảy vào hỗ trợ Cuba nếu Venezuela sụp đổ.
Mexico quyết định dẫn đầu các nỗ lực trong khu vực chống lại Venezuela, một phần nhằm đảm bảo những lợi thế khi tái thương thuyết Hiệp định Tự do Thương mại với Mỹ, theo các giới chức Mexico và Hoa Kỳ. - VOA
|
|
5.
Quốc Hội Lập Hiến Venezuela giành quyền hạn của Quốc Hội đương nhiệm
Từ khi được bầu lên vào cuối tháng Bảy, Quốc Hội Lập Hiến Venezuela vào ngày hôm qua, 18/08/2017, đã tuyên bố tiếp nhận mọi quyền hạn của Quốc Hội đương nhiệm hiện do đối lập kiểm soát. Như vậy, thành trì cuối cùng của phe đối lập Venezuela đã sụp đổ, khiến họ chỉ còn cách đấu tranh trên đường phố.
Thông tín viên RFI, tại Caracas, Andreina Flores tường thuật :
Các lãnh đạo của Quốc Hội Venezuela vào hôm qua đã được mời đến dự phiên họp của Quốc Hội Lập Hiến mới để chứng tỏ thái độ phục tùng Quốc Hội mới, tương tự như lãnh đạo các cơ quan chính quyền đã từng làm, kể cả tổng thống Nicolas Maduro.
Tuy nhiên các dân biểu trong Quốc Hội đương nhiệm, nơi mà phe đối lập chiếm đa số, vốn không công nhận tính chính đáng của Quốc Hội Lập Hiến mới, đã không đến dự phiên họp để bày tỏ thái độ phản đối. Đáp trả hành động này, Quốc Hội Lập Hiến đã ra một sắc lệnh theo đó họ tuyên bố đảm trách mọi quyền hạn của Quốc Hội đương nhiệm.
Phó chủ tịch Quốc Hội Lâp Hiến Elvis Amoroso xác định : « Quốc Hội Lập Hiến tuyên bố đảm trách các chức năng lập pháp trong những lãnh vực liên quan đến việc đảm bảo hòa bình, an ninh, chủ quyền và các hệ thống kinh tế xã hội và tài chính, cũng như các công việc của Nhà Nước và các quyền tối thượng của tất cả người dân Venezuela. »
Theo chủ tịch Quốc Hội mới, bà Deley Rodriguez, sắc lệnh trên đây không nhằm giải tán Quốc Hội đương nhiệm, mà chỉ nhằm gởi một thông điệp đến các dân biểu đối lập, « để họ trở lại làm việc trong sự tôn trọng Hiến Pháp ».
Đối với phe đối lập, tuyên bố trên là một quyết định chính thức xóa bỏ Quốc Hội đương nhiệm và đó là một cuộc đảo chính. Đối với ông Dennis Fernandez, phó chủ tịch Quốc Hội đương nhiệm, sắc lệnh của Quốc Hội Lập Hiến không có tính hợp pháp.
Chủ tịch Quốc Hội đương nhiệm Julio Borges, đã triệu tập một phiên họp đặc biệt vào hôm nay để tố cáo vụ « đảo chính », và đảm bảo rằng Quốc Hội đương nhiệm vẫn tiếp tục hoạt động. Những phái bộ ngoại giao ở Venezuela sẽ tham dự buổi tuyên bố này.
Hoa Kỳ đã lập tức lên án quyết định của Quốc Hội Lập Hiến Venezuela, gọi đấy là một hành vi « tiếm quyền »
Cựu chưởng lý Venezuela bỏ trốn sang Colombia
Trong bối cảnh đó, nguyên chưởng lý Venezuela bà Luisa Ortega, người đã bị tước quyền vào đầu tháng 8, đã bỏ xứ qua lánh nạn ở nước Colombia.
Thông cáo của sở di trú Colombia được AFP dẫn lại nói rõ : Sau khi qua đảo Aruba ở Caribe, bà Ortega cùng chồng là dân biểu German Ferrer đã tới thủ đô Bogota trên một máy bay riêng và đã hoàn tất các thủ tục nhập cư với chính quyền Colombia.
Từng là người trung thành với lý tưởng của Chavez, bà Ortega đã bị Quốc Hội Lập Hiến mới được bầu lên phế truất khỏi chức chưởng lý theo đề nghị của tổng thống Nicolas Maduro. Bà cũng bị cấm rời khỏi Venezuela, đồng thời các tài khoản ngân hàng của bà cũng bị phong tỏa.
Trong một băng ghi âm phát ngày hôm qua (18/08) tại một hội các chưởng lý khu vực tại Puabla (Mêhicô), bà Luisa Ortega đã tố cáo tổng thống Maduro dính líu vào một bê bối bối tham nhũng liên quan đến tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht. Bà khẳng định đang giữ những bằng chứng của vụ này.
Ngoài ra bà Ortega còn cho biết, hôm thứ Tư vừa qua, nhân viên tình báo đã lục soát nhà riêng của bà, sau khi có yêu cầu bắt chồng bà ông German Ferrer, hiện bị cáo buộc tham nhũng. - RFI
|
|
6.
Bất chấp đối diện tù đày, nhà tranh đấu Joshua Wong vẫn nói “Hồng Kông đang bị đe dọa”
Khi quý vị đọc bài phỏng vấn dưới đây, cũng là lúc nhà tranh đấu trẻ Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) đã bị chính quyền tay sai của Trung Quốc ở Hồng Kông kết án tù anh và các đồng sự.
Tin cho hay, Joshua Wong, Nathan Law (La Quán Thông) và Alex Chow (Châu Vĩnh Khang) lần lượt bị tuyên 6 tháng, 8 tháng và 7 tháng tù giam trong phiên tòa diễn ra tại Hong Kong ngày 17/8/2017. Tội danh của những thanh niên này cũng giống như “lợi dụng quyền tự do dân chủ” nhằm khép một mức án, cản bước họ không thể hoạt động chính trị chính thức, vận động cho tự do và dân chủ tại Hồng Kông.
Đây là những thủ lĩnh và là biểu tượng hy vọng của người dân Hồng Kông, qua phong trào Cách mạng Dù Vàng vào năm 2014.
Bài phỏng vấn của Time chỉ 24 giờ trước khi bản án bỏ túi được đưa ra. Nhưng nói lên rất nhiều điều, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Tôi gửi bản dịch này ở đây, dành tặng cho tất cả những bạn đã nhắn tin, gửi thư và chia sẻ những suy nghĩ về đất nước lâu nay. Xin được nhắc lại câu nói cuối của Joshua Wong, để chúng ta giữ gìn cùng nhau “Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu”. (Tác giả: Feliz Solomon và Aria Chen / Hong Kong / Tuấn Khanh chuyển ngữ)
Joshua Wong, một người tự do
Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) là một người tự do, trẻ tuổi. Chiều thứ Tư vừa rồi, khi anh đến trước một quảng trường ở Hồng Kông, mà anh hay gọi Quảng trường Công Dân, đó là lúc anh có thể không còn là một người tự do nữa.
Vào thứ Năm, người thanh niên 20 tuổi này đang đối mặt với án tù vì đã khởi động những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở đây ba năm trước. ‘Tôi chưa thực sự chuẩn bị đủ cho nó’, anh nói với báo TIME trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. Vào ngày 26 tháng 9 năm 2014, Wong và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động sinh viên khác đã tạo nên một trận cuồng phong ở tiền đường trụ sở chính phủ Hồng Kông nhằm phản đối những gì mà họ coi là sự xâm lăng chính trị và xã hội từ đại lục. Lúc đầu chỉ là ở không gian quảng trường, sau đó đến khu hội chợ cũng bị rào chắn vào năm 2014 để ngăn chặn những người biểu tình, từ các nhà hoạt động dân chủ tới các nhà vận động nhân quyền, cùng phối hợp ở đó.
Đêm đó, Wong và những người khác bị xịt hơi cay giữa những cuộc đụng độ với cảnh sát. Có ít nhất một chục học sinh đã bị bắt. Hai ngày sau, một phần để phản ứng các vụ cảnh sát tấn công sinh viên ở tiền đường – nơi mà những người biểu tình bắt đầu gọi đó là ‘Quảng trường Dân sự’ hay ‘Quảng trường Công dân’ – hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã tràn ngập các khu phố trung tâm và khu kế cận Admiralty, nơi của giới quyền lực tại Hồng Kông. Ở đó, họ đẩy mạnh các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch nhằm chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Hồng Kông, và cắm trại, biểu thị ôn hòa trên đường phố trong suốt 79 ngày. Vai trò xuất sắc của Wong trong các cuộc phản kháng này trở thành chủ đề của bản phim tài liệu có trên Netflix “Joshua: Teenager vs. Superpower (tạm dịch: Joshua- cậu thiếu niên chống lại với siêu quyền lực).
Trong tất cả các sự kiện của phong trào, sau này được gọi tên là cuộc Cách mạng Dù, đó có thể chỉ mới là hành động đầu tiên Wong trong chuỗi suy nghĩ của anh. Vào ngày 19 tháng 8 năm 2015, anh và hai người bạn cùng trang lức của mình đứng ra thành lập đảng chính trị Demosisto, mà sau đó bị buộc tội tập hợp bất hợp pháp và kích động tình trạng bất ổn vì vai trò của họ trong việc dấy động tiền đường tòa nhà chính phủ. Ngày 20 tháng 7 năm 2016, họ bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng.
Joshua Wong, khi 17 tuổi đã là nhà lãnh đạo của nhóm hoạt động dân chủ Scholarism, ngồi bên cạnh những thanh rào chắn dựng trước tòa nhà chính phủ trung ương tại quận Admiralty, Hồng Kông, Trung Quốc, vào thứ Tư 10-12-2014. Ảnh: Lam Yik Fei / nguồn Getty Images đăng trên Bloomberg.
Hôm thứ Năm, Wong, cùng với Nathan Law (La Quán Thông), 23 tuổi, và Alex Chow (Chu Vĩnh Khang), 26 tuổi, phải đối mặt với một ủy ban tư pháp mà các công tố viên đã yêu cầu một án tù cho những người này, vì chính quyền cho rằng bản án phạt như vậy là quá nhẹ nên đã gửi thông điệp không đủ mạnh đến các nhà hoạt động khác.
Tháng 9 năm ngoái, Law 23 tuổi, trở thành luật sư trẻ nhất từng được bầu vào cơ quan lập pháp Hồng Kông, nhưng anh đã bị các đồng nghiệp thân Bắc Kinh lật đổ vì tuyên bố anh không tôn trọng chính quyền trung ương Trung Quốc trong buổi lễ tuyên thệ. Nếu Law bị án tù hơn ba tháng, anh sẽ bị truất quyền hành pháp vì không thể vận động cho sự nghiệp chính trị của mình suốt trong 5 năm như Wong và Chow. Tòa án thậm chí đã đồng ý đánh giá lại mức án của ba thanh niên. Thái độ này của Hồng Kông là tiếng chuông cảnh báo rằng, Trung Quốc có đủ quyền áp đặt lên Hồng Kông, vốn được coi là vùng bán tự trị, với một nền tư pháp độc lập.
Hôm thứ Tư, dù trong tâm trạng lo lắng nhưng Wong đã kiên quyết đã gặp báo TIME bên ngoài quảng trường, ở chính nơi mà anh đã khởi động phong trào vào ba năm trước. Chỉ không đầy 24 giờ trước khi có quyết định tái thẩm, anh nói thẳng thắn về niềm tin của mình rằng anh đã trở thành mục tiêu của việc truy tố chính trị. Anh nói mục tiêu của anh là hướng về một chế độ dân chủ và tự trị Hồng Kông, và hy vọng rằng quê hương anh sẽ đứng vững trong phần – mà anh gọi là – vùng lãnh thổ tự do nhất của Trung Quốc.
Cuộc phỏng vấn của TIME với Wong sau đây, đã được tạp chí này chỉnh sửa về độ dài và làm rõ nghĩa:
Tòa án đang xét lại mức trừng phạt đối với vai trò của anh trong sự kiện 26/9/2014 khi anh cùng các bạn khởi phát phong trào trước tòa nhà chính quyền. Anh có thể điểm lại vài điều từ sự kiện này?
Ba năm trước, chúng tôi đã tổ chức một hoạt động giành lấy Quảng trường của Công dân và yêu cầu bầu cử tự do và dân chủ ở Hồng Kông. Chúng tôi đã chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và rồi hôm nay chúng tôi đang phải đối mặt với một bản án từ chính phủ Trung Quốc. Có thể họ sẽ gửi tôi đến nhà tù hơn nửa năm. Những gì tôi muốn cộng đồng quốc tế nhận ra là Hồng Kông đã thuộc về chế độ độc tài. Đây là một trận chiến lâu dài, và chúng tôi cũng kêu gọi sự yểm trợ dài hạn. Hồng Kông giờ đây đang bị đe dọa.
Giờ đây nhìn lại hoạt động đó, anh có nghĩ rằng mình sẽ chọn một phương thức tranh đấu khác, nếu có cơ hội làm lại?
Tôi không hề hối tiếc gì. Chúng tôi đã chống lại việc giáo dục yêu nước (một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm áp đặt việc thần phục Bắc Kinh trong các chương trình tại trường học ở địa phương), đó là lý do tại sao chúng tôi tiến đến quảng trường. Ba năm trước, chính phủ đã thiết lập một rào cản để ngăn chặn quyền tự do hội họp của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tổ chức một hành động để lấy lại quảng trường, nhắc nhở mọi người rằng, đã đến lúc lấy lại quyền của mình. Đây là nơi đầu tiên tôi bị bắt, và đó là lý do tôi sẽ bị đưa đến nhà tù, nhưng tôi không hối tiếc về điều đó và tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ.
Với tình trạng anh đã nhận một mức án đối với tội danh này, và rồi lại bị sửa đổi lại bản án với mục đích nhằm ngăn chận một cách hợp pháp con đường hoạt động chính trị của anh, anh có xem việc kháng cáo mức án cũng là một hành động chính trị?
Mùa hè năm ngoái tôi đã bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng. Ngày mai (thứ Năm) tôi sẽ phải đối mặt với án tù gần một năm với hình phạt tù ngay lập tức. Điều này chứng minh rằng các tòa án Hồng Kông chỉ tuân lệnh Trung Quốc. Đây cũng là một mối đe dọa.
Nếu bị bỏ tù, nhiều người sẽ xem anh và những người cùng chí hướng của anh là những tù nhân chính trị đầu tiên của Hồng Kông. Điều này thể hiện gì về sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông mà anh vẫn gọi là một trong những ‘giá trị cốt lõi’ của hòn đảo này?
Nền tư pháp độc lập đang bị đe dọa vì sự trung thành của Bộ Tư pháp đối với Trung Quốc. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra điều đó. Một thập kỷ trước, người ta mô tả Hồng Kông là một nơi không còn chế độ dân chủ nhưng vẫn có luật pháp. Và bây giờ thì Hồng Kông đã chuyển hóa thành chế độ độc tài.
Chúng tôi sẽ không phải là những tù nhân chính trị đầu tiên ở Hồng Kông (hôm thứ Ba vừa rồi, tòa án cũng đã kết án 13 nhà hoạt động từ 8 đến 13 tháng, tội danh phá hoại các hoạt động lập pháp khi tổ chức phản đối các dự án phát triển nông thôn). Chúng tôi chỉ là người đầu tiên trong Phong trào Dù Vàng. Chính phủ đã xem xét trường hợp này chống lại chúng tôi vì họ hy vọng đưa chúng tôi đến nhà tù và ngăn chặn cơ may của chúng tôi trong cuộc bầu cử. Tôi tin rằng Bộ Tư pháp đang tái thẩm án của tôi vì họ nghĩ rằng làm vậy, tôi sẽ không thể đến với một cuộc bầu cử.
Anh có xem Hồng Kông là một phong vũ biểu của tự do ở ở Châu Á, và cách anh đang bị đối xử có là một dấu hiệu bất ổn cho các quy tắc dân chủ và pháp quyền trong khu vực rộng lớn hơn?
Hồng Kông là thành phố có mức độ tự do cao nhất trong tất cả các lãnh thổ Trung Quốc. Ở châu Á Thái Bình Dương, tôi nghĩ Hồng Kông nên trở thành điểm nhấn để mọi người nhận ra rằng [Trung Quốc] vẫn vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng kinh nghiệm của Hồng Kông sẽ thúc giục sự đoàn kết toàn cầu và làm cho mọi người quan tâm hơn đến Hồng Kông. Đây là nơi mà những người trẻ tuổi – như cô ấy hay tôi (Wong chỉ vào một người qua đường) – bị đưa đến nhà tù.
Về chuyện giữa anh và tòa án Hồng Kông, anh có nghĩ rằng đã có những tác động đối với nhiều bạn trẻ ở Hồng Kông, hay nơi nào khác, tích cực hơn về mặt chính trị trong những năm gần đây?
Trong vài năm qua đã có một cuộc nổi dậy, đã có một nhận thức chính trị mới trong thế hệ tôi. Tuy nhiên, các vụ truy tố và tuyên án chính trị đang gia tăng. Chúng tôi đang ở trong thời kỳ đen tối của quê hương mình. Nhưng với một kỷ nguyên đen tối như thế này, với sự đàn áp chế độ Bắc Kinh, những người trẻ tuổi phải đứng ở tuyến đầu để đòi dân chủ. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu Nathan, Alex và tôi phải chịu án tù, vì tất cả chúng tôi không chọn đứng ngoài cuộc, thì không có lý do gì để mọi người lùi lại.
Hầu hết các nhà quan sát đều có chung dự đoán rằng anh sẽ phải vào tù. Anh mới 20 tuổi. Anh có sợ không?
Tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Và sau khi tôi bị đưa đến nhà tù, tôi chỉ có thể gặp bố mẹ tôi hai lần mỗi tháng trong nửa giờ. Tôi sẽ nhớ họ, và tôi sẽ nhớ ngôi nhà của tôi. Không ai muốn bị đưa đến nhà tù, kể cả tôi. Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu. - RFA
|
|
7.
Cuộc truy bắt tội phạm sử dụng thiết bị bay
Sau khi sơn một thiết bị bay tự động thành màu đen và dán kín che đi các đèn, một người ở miền nam London tên Daniel Kelly tưởng rằng có thể qua mặt giới chức để đưa thiết bị bay lén lút vào sân nhà tù.
Thế là vào sáng sớm ngày 25/4 năm ngoái, ông ta thả thiết bị bay bốn động cơ rẻ tiền sản xuất từ Trung Quốc, cùng với thứ mà cảnh sát tin là một gói hàng lậu - gồm có thuốc lá và có lẽ thêm vài chất kích thích hợp pháp khác - treo ở cái móc dưới thiết bị bay, thả qua tường nhà tù Swaleside ở Đảo Sheppy thuộc tỉnh Kent.
Thật không may, ông ta đánh giá quá cao cơ hội của mình, cuối cùng phải lãnh án 14 tháng tù, và trở thành người đầu tiên ở Anh Quốc bị tù theo điều luật trừng phạt hành vi đó.
Nhưng Kelly không phải người duy nhất. Ông chỉ là một người trong số rất nhiều người khắp thế giới đã khám phá ra tiềm năng của thiết bị không người lái dân sự giá rẻ dùng cho những hoạt động phạm pháp.
Và giờ đây, các nhà điều tra đang tung ra các lực lượng tình báo giám định với thám tử để theo đuổi những tội phạm liên quan đến thiết bị bay.
Dù thiết bị bay chở theo hàng phạm pháp vào khu vực cấm, theo dõi con người, làm gián đoạn hoạt động của các dịch vụ khẩn cấp, làm thú rừng hoảng sợ hay gây lo ngại cho máy bay, thì nguy cơ của thiết bị bay giờ đây ngày càng hiện hữu.
Chẳng hạn, chỉ vài tuần trước, một thiết bị bay đã buộc năm chuyến bay tại Phi trường Gatwick của London phải chuyển hướng.
Làm sao xác định ai là tội phạm khi trên hiện trường chỉ có mỗi thiết bị bay?
Xác định người điều khiển từ xa thiết bị bay không người lái không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thiết bị bay thường có giá rẻ, dễ điều khiển, và sẵn có với người tiêu dùng ở khắp nơi. Hơn nữa, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để thiết lập đủ nhanh các luật lệ để theo kịp khả năng phạm tội đang nảy mầm.
Đó là lý do ngày càng nhiều lực lượng cảnh sát đang hướng về đội giám định thiết bị bay: nghe có vẻ như chương trình truyền hình CSI, nhưng giờ đây ngày càng nhiều thám tử có nhiệm vụ phải theo dấu và tìm ra người điều khiển những thiết bị bay nguy hiểm.
Thám tử công nghệ nhập cuộc
Chỉ vài tháng trước, có tin công bố Cơ quan Quản lý Nhà tù Anh Quốc và cảnh sát đang đổ nhiều nguồn lực vào việc ngăn chặn các tay điều khiển thiết bị bay thả ma túy và đủ loại hàng lậu khác vào các nhà tù ở Anh , với nhiều báo cáo cho biết họ đã chi 3 triệu bảng Anh cho lực lượng mới này.
Có một lý do khiến hoạt động của các thiết bị bay khiến các lực lượng hành pháp chú ý đến vậy. Thiết bị bay đã chuyển nhiều thứ khác nhau chứ không chỉ ma túy cho các tù nhân: chúng được điều khiển để chuyển lậu điện thoại di động, lưỡi cưa, dao, thẻ sim điện thoại, thiết bị lưu trữ USB và đầu máy xem đĩa DVD. Đó là chưa kể chúng có thể bay qua tường và các hàng rào, khiến cho hoạt động của các cơ quan từ tòa nhà chính phủ đến sân bay đều gặp rắc rối.
Điều này khiến việc tìm ra người điều khiển thiết bị bay cực kỳ quan trọng với các cơ quan hành pháp.
Vụ án Kelly là khá hiếm xảy ra, bởi trong vụ này cả người điều khiển, thiết bị và thiết bị điều khiển/điện thoại di động dùng điều khiển thiết bị bay đều bị bắt tại chỗ. Và thiết bị bay còn chứa dữ liệu bay chưa bị xóa bỏ hoặc bị chỉnh sửa lại.
Nhưng làm sao có thể xác định được một người điều khiển thiết bị bay phạm tội khi mà chỉ có thiết bị bay bị tóm tại hiện trường? Hoặc khi chỉ có vài mảnh của thiết bị bay còn sót lai được tìm thấy? Hay khi ta chỉ bắt được người điều khiển hoặc tìm ra chiếc điện thoại, hoặc khi nào cảnh sát có vẻ như tìm được người tình nghi mà không có thiết bị bay nào?
Đó là khi thám tử chuyên điều ra thiết bị bay nhập cuộc.
Kết hợp các yếu tố kỹ thuật số và vật lý từ một cuộc bay của thiết bị bay với người điều khiển không dễ chút này. Điều này dẫn đến một suy nghĩ là với thiết bị bay điều khiển không dây từ một khoảng cách thường không nhìn thấy được, tội phạm sẽ dễ dàng trốn thoát. Và cuối cùng, thiết bị bay thường giá rẻ và có thể vứt bỏ ngay nếu người điều khiển sợ bị bắt.
Nhưng ngay khi các nhà điều tra bắt đầu hiểu về nguồn tài nguyên giám định khổng lồ mà điện thoại di động có thể cung cấp khi chuyển giao thế kỷ, thì thách thức khó khăn hơn với việc giám định thiết bị cũng dần hiện ra.
Tất cả những vấn đề đó chất chồng khiến cần phải có thêm nhiều công cụ điều tra, James Mackler, luật sư chuyên về các vụ kiện tụng liên quan đến thiết bị bay của Hãng luật Mackler ở Nashville, Tennessee nhận định.
"Giám định thiết bị bay đang ngày càng trở nên quan trọng vì ngày càng có nhiều thiết bị bay cất cánh. Thiết bị bay dân dụng giờ đây đang được các tổ chức khủng bố sử dụng, việc chúng đang được vũ trang hóa khiến khả năng giám định ngày càng quan trọng hơn." Ông biết nguy cơ nhiều hơn hẳn đa số mọi người: ông là cựu phi công lái trực thăng của Quân lực Hoa Kỳ đã điều khiển nhiều thiết bị bay không người lái ở Iraq.
Nhu cầu phải có luật dành cho thiết bị bay đã mở rộng đến sự an toàn của người dân. Những đám đông ở các trận bóng đá, buổi hòa nhạc, các cuộc tuần hành biểu tình thường lộn xộn và cũng trở nên nguy hiểm. Tại cuộc diễn hành Pride 2016 tại Seattle, môt phụ nữ bị chấn động khi thiết bị bay va vào tòa nhà rơi xuống người bà.
Và dĩ nhiên, nguy cơ tiềm ẩn của thiết bị bay với vấn đề xâm phạm sự riêng tư quá rõ ràng, dẫn đến việc một số người bắn hạ chúng với đủ nguy cơ nổ súng ở chỗ đông người kéo theo đó.
Thật vậy, điều này đã khiến Mackler nỗ lực làm rõ điều luật về không phận dành cho thiết bị bay sau khi một khách hàng của ông bị hàng xóm bắn rơi mất thiết bị bay - và tòa án liên bang xử trắng án cho người bắn. Mackler nói luật của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng ranh giới giữa không phận trong khu vực nhà riêng và không phận bay dân sự mà Cục Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) phụ trách.
Bẻ khóa hệ thống
Vậy làm cách nào nhà chức trách bắt được tội phạm dùng thiết bị bay
Bí mật không nằm trong thiết bị cồng kềnh đó, David Kovar, một nhà điều tra kỹ thuât số và nhà tư vấn an ninh mạng có trụ sở gần Boston, bang Massachusetts nói. Thực tế là nó là một phần của hệ sinh thái kỹ thuật số phức tạp.
"Hệ sinh thái" này bao gồm các thiết bị ngoại vi như điện thoại thông minh, thiết bị điều khiển, và các cảm biến thu thập dữ liệu như vị trí GPS và dữ liệu phân tích thiết bị rơi từ các máy đo gia tốc, la bàn định vị, và hình ảnh video. Siêu dữ liệu trong video sẽ tiết lộ bức ảnh chụp từ đâu, bao gồm cả độ cao mà nó đã bay.
Vì thế nhà điều tra có rất nhiều thứ phải giám định, Kovar nói, thậm chí nếu họ không có tất cả các thành phần vật lý.
Cuối cùng, một thiết bị bay có thể rơi và vỡ thành nhiều mảnh, hoặc chỉ thu được bộ phận điều khiển từ xa (remote control) ở hiện trường.
"Nhưng trong rất nhiều trong số đó, thì nguồn thông tin lớn nhất nằm trên thiết bị di động, trên điện thoại hoặc máy tính bảng," Kovar nói. Và các nhà điều tra rất có kinh nghiệm trong việc tìm ra những phần này.
Nhưng thách thức thực sự là sự đa dạng của thị trường. Mỗi thiết bị bay lại có những điểm quái chiêu riêng về kỹ thuật.
Mỗi thiết bị bay sử dụng một hệ điều hành khác nhau, vì thế người giám định cần phải rất có kinh nghiệm trong từng loại.
Vậy những thiết bị bay lưu trữ dữ liệu bay thế nào? Nó sẽ lưu trữ kinh độ và vĩ độ liên kết với địa điểm cất cánh trong bao lâu? Dữ liệu nào từ điện thoại của người điều khiển cũng được lưu trong thiết bị bay? Thêm vào đó, mỗi loại thiết bị sử dụng một hệ điều hành khác nhau, vì thế các nhà phân tích cần phải rất có kinh nghiệm với từng loại.
Đôi khi nhà sản xuất vô tình đã hợp tác với đội giám định: một mẫu thiết bị bay nạp vào thiết bị điều khiển bay thông tin đăng nhập và mật khẩu của người dùng ngay trên thiết bị - không mã hóa hay còn gọi là "rành rành" ra đó theo thuật ngữ công nghệ. Điều này nghĩa là các sĩ quan chỉ đơn giản là đăng nhập vào một bản sao của ứng dụng và xem lại video của người dùng và dữ liệu trong trường hợp thiết bị bay bị vứt lại hoặc bị rơi tại hiện trường phạm tội và không có dấu vết nào của người điều khiển.
Nhưng đôi khi cũng có trường hợp cả thiết bị bay được tìm thấy nguyên vẹn.
"Chúng tôi dã từng giám định phân tích những thiết bị bay được phục chế trong tù, hoặc cảnh sát và Bộ Quốc phòng tìm thấy chúng bị rơi," Michael May, giám đốc quản lý của Công ty FlyThru Limited of Huddersfield, một công ty vận hành thiết bị bay thương mại tại Anh Quốc cho biết. "Họ cần phải tìm ra tại sao chúng lại ở đó và chúng tôi có thể bình luận về mặt giám định hoặc bất cứ gì chúng tôi tìm thấy trên thiết bị, là dữ liệu bay trên thiết bị hay DNA và dấu vân tay trên đó."
Cánh quạt trên thiết bị bay thường khá sắc và lưu giữ lại dấu vết của tế bào da, ông nói, vì thế đôi khi họ có thể thu được mẫu DNA. Và còn nhiều phần khác như thẻ nhớ SD - để lưu trữ video - và pin, là các vị trí người dùng có thể để lại dấu vân tay khi bỏ pin vào máy.
Nghe có vẻ thật đầy đủ, nhưng một số người sử dụng thiết bị bay chuyên nghiệp thường khá rành cách che giấu dữ liệu.
Vì thế Graeme Horsman, một nhà khoa học máy tính và nhà điều tra kỹ thuật số từ Đại học Sunderland, đã tháo rời một thiết bị bay rẻ tiền và nhận thấy có một số mẹo mà người dùng có xài đến để che giấu địa điểm thiết bị được thả bay. Ông nhận thấy có thể làm giả hành trình của thiết bị bay bằng cách tắt một số hiệu chỉnh trên điện thoại. Ông cũng có thể cài đặt khiến thiết bị bay lưu trữ địa điểm giả so với vị trí cất cánh thật của người điều khiển.
Nói cách khác, rất dễ để một người dùng có ý đồ xấu có thể che giấu vị trí của mình.
Thậm chí chỉ dùng lớp giấy nhôm thực phẩm bọc quanh ăng-ten GPS, Horsman đã tạo ra một cái lồng Faraday - hay còn gọi là thiết bị chặn sóng radio - ngăn cản không cho thiết bị bay lưu trữ hành trình.
Nhưng tất cả các dữ liệu kỹ thuật số được bảo vệ ngặt nghèo đó rất dễ dàng biến mất trong không khí, thậm chí nếu thiết bị bay rơi vào tay nhà chức trách.
Tắt thiết bị bay đi, hoặc đơn giản là cắm nó vào một sợi cáp USB, có thể khiến dữ liệu bị ghi đè lên mất - và tương tự như vậy, di chuyển nó đi có thể làm dữ liệu GPS bị ghi đè lên. Tất cả điều này có nghĩa việc hiểu từng loại thiết bị bay phổ thông là cực kỳ quan trọng trước khi làm nó sai lệch đi hoặc nỗ lực giám định nó, Horseman cho biết. "Có rất nhiều loại đa dạng, vì thế mỗi cuộc điều tra thiết bị bay sẽ khác nhau."
Kovar nói về các thiết bị bay từng bị tịch thu để phân tích: "Cơ quan hành pháp tịch thu thiết bị bay của một người biểu tình tại các cuộc biểu tình về đường ống dẫn dầu ở North Dakota. Tôi không biết ai đang làm phân tích thiết bị bay đó. Thiết bị bay đã đáp trên bãi cỏ Nhà Trắng dĩ nhiên cũng phải được giám định. Và tôi biết là mọi người trong lĩnh vực tình báo đang phân tích các thiết bị bay thu được từ phía Isis [Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo] trên chiến trường."
Tuy nhiên, đâu là điểm trớ trêu nhất? Các chuyên gia đều đồng ý rằng chúng ta chưa từng chứng kiến những tội ác tồi tệ nhất mà khủng bố có thể thực hiện với thiết bị bay không người lái. Đó là lý do vì sao việc phải phát hiện ra người điều khiển đang ngày càng trở nên cấp bách.
"Điều đáng lo ngại là một số loại thiết bị bay của chúng ta có thể mang tới 15kg hàng. Đó là rất nhiều. Khủng bố có thể đổi từ việc sử dụng xe tải đánh bom thành vật thể kích hoạt từ trên cao," May cho biết. Ông cảnh báo con người thậm chí có thể thực hiện những điệp vụ quốc tế vì số lượng loại thiết bị bay đang gia tăng. Thậm chí có thể một loại vũ khí sinh học như vi khuẩn bệnh than - có thể phát tán bằng thiết bị bay.
"Đây là công nghệ mới nổi và chúng ta không thể đoán được bao nhiêu cách oái oăm có thể dùng với thiết bị bay trong tương lai," Horsman nhận định. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ không ngừng kinh ngạc với những gì con người có thể làm với chúng - đây là chỉ giới hạn tưởng tượng trong giới tội phạm thôi."
Thiết bị bay xịt sơn, dán che kín đèn có vẻ như chỉ là phần rất nhỏ của vấn đề. - BBC
|
|
8.
Vợ góa ông Lưu Hiểu Ba xuất hiện trên video lần đầu tiên kể từ tang lễ chồng bà
Bà Lưu Hà, vợ góa của ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động Trung Quốc và người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình, vừa xuất hiện trong một video được đưa lên mạng - đây là lần đầu tiên bà xuất hiện kể từ sau cái chết của chồng bà.
Kể từ hôm tang lễ, người ta không nhìn thấy bà Lưu Hà, người đã bị quản thúc tại gia từ vài năm nay.
Trong video ngắn này, bà nói bà cần thêm thời gian để thương nhớ ông. Bạn bè nói họ đã không liên lạc được với bà.
Bà ở trong tình trạng bị canh gác từ năm 2010, nhưng chưa bao giờ bị buộc một tội gì.
Trong đoạn video này, người ta thấy bà Lưu Hà tay cầm một điếu thuốc và ngồi trong một phòng kiểu như phòng khách và nói vào máy quay rằng bà đang bình phục trở lại sau cái chết của chồng. Bà nói qua thời gian bà sẽ "thích nghi lại" được.
Không rõ ai đã thực hiện quay video này, hay nơi được quay là ở đâu, và điều đó khiến dẫn tới những suy đoán video có thể đã được thực hiện do bị cưỡng ép.
"Chắc chắn bà đã bị nhà chức trách buộc phải thực hiện video này", một người bạn của bà nói với hãng tin AFP.
Giới chức Trung Quốc nói bà Lưu Hà là một công dân Trung Quốc tự do và chỉ đơn giản là đang đau buồn trong chỗ riêng tư.
'Cần được giải thoát'
Nhưng sau đám tang, một luật sư từng làm việc cho ông Lưu nói bà Lưu Hà đã bị giam giữ, bị 'cấm liên lạc', và cần được giải thoát.
Một tuần trước khi video này được đưa ra, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhắc lại kêu gọi đòi tự do cho bà. Người ta cho là bà Lưu Hà đang bị trầm cảm sau nhiều năm bị theo dõi giám sát nặng nề.
Người chồng quá cố của bà, ông Lưu Hiểu Ba, là một trong những nhà vận động dân chủ hàng đầu của Trung Quốc và là một người đã mạnh mẽ phê phán nhà nước Trung Quốc. Ông bị giới chức trách Trung Quốc xem là một nhà bất đồng chính kiến.
Ông được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010 trong khi đang bị cầm tù, và Ủy ban Nobel tuyên bố ông là "biểu tượng quan trọng nhất của cuộc đấu tranh rộng lớn về quyền con người ở Trung Quốc".
Năm 1996, ông kết hôn với bà Lưu Hà, một nhà thơ xuất thân từ một gia đình có đặc quyền, nhưng cuộc hôn nhân của họ thường xuyên bị gián đoạn vì ông bị giam giữ nhiều lần. - BBC
|
|
9.
Hệ thống thông tin tấn công hỏa tiễn ở Nhật không hoạt động
Hệ thống thông tin nhằm cảnh báo dân chúng Nhật trên toàn quốc về các cuộc tấn công hỏa tiễn có thể xảy ra từ Bắc Hàn, hiện không hoạt động hoàn chỉnh, theo bản tin của hãng thông tấn Kyodo ở Nhật.
Một cuộc thực tập diễn ra hôm Thứ Sáu trên khắp nước Nhật cho thấy có nhiều trở ngại trong hệ thống báo động mang tên J-Alert, vốn gồm các loa phóng thanh để loan đi các thông báo truyền từ Tokyo.
Bản tin của hãng thông tấn UPI nói rằng J-Alert gồm có cả vệ tinh truyền thông và cung cấp các cảnh báo sớm cho hơn 200 cộng đồng cư dân trong vùng Chugoku và Shikoku.
Theo Kyodo, bất cứ hỏa tiễn nào chế độ Bình Nhưỡng phóng đi về hướng đảo Guam sẽ bay ngang qua Shimane, Hiroshima, Ehime và Kochi, những nơi có cuộc thực tập hôm Thứ Sáu.
J-Alert cũng gửi các tin tức này tới các điện thoại di động, các máy truyền hình để kêu gọi mọi người tìm nơi trú ẩn.
Hồi Tháng Ba, Nhật lần đầu tiên tổ chức cuộc thực tập di tản dân chúng ở Oga City, thuộc tỉnh Akita, sau khi Bắc Hàn bắn hỏa tiễn vào vùng biển quốc gia này.
Quân đội Nhật đang nhanh chóng bố trí các hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn loại PAC-3 bên cạnh hệ thống sử dụng hỏa tiễn SM-3. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
TT Trump: Đã có quyết định về cuộc chiến Afghanistan
Tổng Thống Donald Trump trong bản tweet gửi ra sáng sớm Thứ Bảy nói rằng “đạt được nhiều quyết định” trong cuộc họp với các cố vấn quân sự cao cấp của ông, kể cả về cuộc chiến kéo dài từ 16 năm nay tại Afghanistan.
Chính phủ Trump, vốn không muốn có quá nhiều can dự quốc tế, nhưng cùng lúc cũng muốn có tiến triển trong cuộc chiến ở Afghanistan, trong thời gian qua đã xét đến nhiều giải pháp khác nhau.
Trước đây, Tòa Bạch Ốc cũng hứa hẹn sẽ có một kế hoạch mới vào giữa Tháng Bảy.
Hôm Thứ Bảy, ông Trump gửi tweet về cuộc họp một ngày trước đó tại nơi nghỉ mát của tổng thống ở Maryland, nói rằng: “Một ngày quan trọng ở Trại David với các tướng lãnh tài giỏi và các nhà lãnh đạo quân sự. Đạt được nhiều quyết định, kể cả về Afghanistan.”
Hiện chưa rõ là các quyết định đó như thế nào hay khi nào sẽ được loan báo.
Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với Tổng Thống Trump cho hay ông không hài lòng với các đề nghị đưa ra trước đây là gửi thêm mấy ngàn quân tới Afghanistan và các cố vấn của ông nghiên cứu một chiến lược rộng lớn hơn cho toàn khu vực Nam Á, gồm cả Pakistan.
Hiện có khoảng 8,400 lính Mỹ và 5,000 lính NATO hỗ trợ quân đội chính phủ Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban và các thành phần phiến quân khác.
Tuy nhiên tình hình nơi đây vẫn tiếp tục trầm trọng với hơn 2,500 cảnh sát viên và binh sĩ chính phủ thiệt mạng trong thời gian từ ngày 1 Tháng Giêng cho tới ngày 8 Tháng Năm năm nay. - nguoiviet
|
|
11.
Hoa Kỳ kỷ luật sỹ quan cao cấp khu trục hạm USS Fitzgerald
Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố khoảng 10 thủy thủ sẽ bị kỷ luật sau vụ bảy thành viên thủy thủ đoàn USS Fitzgerald thiệt mạng trong một vụ đâm va.
Chiếc khu trục hạm của Mỹ đã va chạm với một tàu chở hàng của Philippines ở vùng biển Nhật Bản hồi tháng Sáu.
Phó chỉ huy các hoạt động hải quân, Đô đốc Bill Moran, nói rằng viên sỹ quan chỉ huy và hai quân nhân cao cấp khác đã không còn làm việc trên tàu.
Ông nói Hải quân Mỹ đã mất niềm tin và không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của những người này nữa.
Tàu hàng mang cờ Philippines ACX Crystal va chạm với khu trục hạm USS Fitzgerald vào đầu ngày 17/6 tại Vịnh Tokyo, gây vết rách dài ở phần thân chìm dưới nước của tàu Mỹ và làm ngập nước trong các khoang bên dưới.
Các thủy thủ thiệt mạng, từ 19 đến 37 tuổi, trong đó có một người gốc Việt, sau đó được tìm thấy trong các buồng riêng của họ khi các thợ lặn vào được khu vực tàu bị hư hại.
Ngoc "Tan" Truong Huynh, vừa tròn 25 tuổi khi xảy ra vụ tai nạn, là chuyên viên định vị thủy âm, từng sống tại Oakville, Watertown, bang Connecticut.
Viên sỹ quan chỉ huy bị kẹt trong cabin do tác động của lực va chạm. Năm thủy thủ phải dùng búa tạ phá cửa đưa ông ra.
"Ngay cả khi cửa đã mở, vẫn có một đống đổ nát và đồ đạc chặn lại khiến mọi người không thể ra vào dễ dàng được," bản phúc trình về vụ việc nói.
Tàu ACX Crystal bị hư hại nhẹ hơn, ở phần mạn trái mũi tàu.
Không ai trong số 20 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu hàng của Philippines bị thương.
Việc điều tra về nguyên nhân dẫn tới vụ đâm va vẫn đang được tiến hành.
Theo quy định hàng hải, tàu bè phải nhường đường cho các tàu đi bên phải mình, và đó chính là bên mà tàu khu trục bị hư hại. Điều này làm dấy lên câu hỏi là liệu có phải tai nạn xảy ra do lỗi của tàu Mỹ hay không. - BBC
|
|
12.
Hơn 500 cảnh sát viên Boston bảo vệ cuộc tuần hành ‘tự do phát biểu’
Hơn 500 cảnh sát viên, gồm cả cảnh sát chìm, sẽ được bố trí để bảo vệ an ninh cho cuộc tuần hành mệnh danh là “Tự Do Phát Biểu Boston” (Free Speech Boston) và sẽ hủy bỏ nếu có bạo động, theo giới hữu trách thành phố Boston trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu.
“Tòa án nói rất rõ ràng là họ có quyền tụ tập, bất kể là quan điểm của họ có bị coi là tồi tệ tới đâu,” theo lời Thị Trưởng Martin J. Walsh. “Họ không có quyền tạo ra tình trạng bất an toàn… Họ phải tôn trọng thành phố của chúng ta,” bản tin của tờ Boston Globe cho hay.
Hàng ngàn người biểu tình và phản biểu tình dự trù sẽ kéo về Boston và giới hữu trách lo ngại rằng thành phần da trắng thượng đẳng sẽ có mặt trong số này.
Ban tổ chức cuộc tuần hành nói rằng tất cả mọi người đều có quyền tham dự dù có quan điểm chính trị nào, và đây không phải là diễn đàn cho các nhóm kỳ thị, dù rằng hai nhân vật phát biểu chính có mối quan hệ chặt chẽ với thành phần quá khích, theo tờ Boston Globe.
Ông Walsh hôm Thứ Sáu bác bỏ nguồn tin nói rằng nhóm kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan (KKK) cũng sẽ tham dự biểu tình.
“Không ai nói gì về thành phần KKK cả,” ông Walsh cho hay.
Ông kêu gọi công chúng chớ trực diện đối đầu với bất cứ thành phần kỳ thị nào xuất hiện tại Boston vào ngày Thứ Bảy, và đề nghị cư dân cũng như du khách tránh nơi có tập trung biểu tình là khu công viên Common ở trung tâm thành phố.
Ông nhắc rằng nhiều tổ chức, nhiều nhóm tranh đấu, từ bao thập niên vẫn dùng khu Boston Common để đưa lên tiếng nói của mình, cho hay: “Chúng ta không dùng thù hằn để đáp lại thù hằn, chúng ta đáp lại thù hằn bằng tinh thần hòa bình.” - nguoiviet
|
|
13.
TT Trump ngưng thành lập Hội Đồng Cố Vấn Xây Dựng Hạ Tầng
Tổng Thống Donald Trump vừa ngưng kế hoạch thành lập Hội Đồng Cố Vấn Xây Dựng Hạ Tầng mà ông từng quyết định qua sắc lệnh ký hồi Tháng Bảy.
Theo đài truyền hình CNN, quyết định của tổng thống được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông cho giải tán hai hội đồng khác, Hội Đồng Sản Xuất và Diễn Đàn Sách Lược và Chiến Lược, sau khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tổng giám đốc và lãnh đạo nghiệp đoàn rút chân ra khỏi hội đồng, phản ứng trước việc ông Trump đổ lỗi “cả hai phía” trong vụ bạo động ở Charlottesville, Virginia.
Theo lời một giới chức Tòa Bạch Ốc, trong khi hội đồng xây dựng hạ tầng đang được thành hình thì Tổng Thống Trump quyết định ngưng ngang mà không đưa ra lý do.
Ông Trump lúc đầu tỏ ra thách thức sau khi một vài lãnh đạo doanh nghiệp rút chân khỏi Hội Đồng Sản Xuất. Ông gửi ra một tweet, nội dung nói: “Đối với mỗi tổng giám đốc rút lui khỏi Hội Đồng Sản Xuất, tôi có nhiều người khác điền vào chỗ của họ.”
Nhưng đến khi có thêm những nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng theo chân thì ông Trump viết một tweet khác nói rằng “thay vì gây áp lực lên những vị làm kinh doanh của hai hội đồng, Manufacturing Council và Strategy & Policy Forum, tôi quyết định dẹp hết cả hai. Cám ơn tất cả quí vị!”
Hội Đồng Cố Vấn Xây Dựng Hạ Tầng được ông Trump thiết lập qua một sắc luật được ông ký hôm 19 Tháng Bảy.
Hội đồng này sẽ “nghiên cứu tầm hoạt động và hiệu năng và đưa đề nghị lên tổng thống, dựa theo sự nâng đỡ, trợ cấp của liên bang, và cung cấp các dự án hạ tầng đến nhiều lãnh vực, gồm đường xá giao thông, hàng không, bến cảng, thủy lộ, nguồn nước uống, phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống dẫn điện, đường truyền Internet, hệ thống ống dẫn nhiên liệu, cùng các lãnh vực tương tự tùy theo quyết định của Hội Đồng.” - nguoiviet
|
|
14.
Ngoại Trưởng Tillerson: Kỳ thị chủng tộc là ‘ma quỷ’
Ngoại Trưởng Rex Tillerson hôm Thứ Sáu lên án các phát biểu có tính cách kỳ thị, nói rằng đây là điều đi ngược với truyền thống Mỹ và phản lại các giá trị mà nước Mỹ dùng làm nền tảng và cũng khuyến khích ở các quốc gia khác.
Trong những lời phát biểu rõ ràng nhất về chủng tộc và đa dạng ở Mỹ kể từ khi có cuộc bạo động cuối tuần qua ở Charlottesville, tiểu bang Virginia, ông Tillerson hôm Thứ Sáu gọi kỳ thị chủng tộc là “ma quỷ”.
Ông cũng nói rằng tự do ngôn luận là điều thiêng liêng nhưng những kẻ khuyến khích sự thù hằn đang làm nhiễm độc cuộc tranh luận trong công chúng và làm hủy hoại quốc gia mà chính những kẻ đó cũng tự cho là yêu thương.
Khi nói chuyện với giới nhân viên tập sự và các nhân viên trẻ thuộc thành phần thiểu số ở Bộ Ngoại Giao, ông Tillerson hứa sẽ đa dạng hóa thành phần giới chức ngoại giao cao cấp, hiện gồm đại đa số là người da trắng.
Ông cũng tìm cách trấn an các lo ngại rằng ông sẽ hủy bỏ chương trình tuyển mộ nhân viên thuộc thành phần thiểu số. Ông Tillerson cho hay việc ngưng chương trình này trước đó chỉ có tính cách tạm thời. - nguoiviet
|
|
15.
Đại diện Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra Trung Quốc
Hoa Kỳ ngày 18/8 chính thức mở cuộc điều tra về cáo giác Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, một hành động được nhiều người dự đoán sau khi Tổng thống Donald Trump trong tuần kêu gọi nên quyết định chuyện này.
Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nói sau khi tham khảo với các bên liên quan và các cơ quan chính phủ, ông quyết định rằng vấn đề này đáng mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng.
Tổng thống Trump và các thành viên nhóm cố vấn kinh tế của ông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại gây phương hại đến các doanh nghiệp Mỹ, từ việc nhập khẩu thép quá mức đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/8 vừa ký văn kiện cho phép điều tra nạn Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và tuyên bố rằng đây là ‘một bước lớn.’
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh điều tra cách làm ăn ‘không công bằng’ của Trung Quốc, có thể dầu độc các quan hệ song phương.
Ông Robert Lighthizer là tiếng nói chỉ trích lâu nay rằng Hoa Kỳ thiệt thòi quá nhiều trước những chính sách thương mại lạm dụng của Trung Quốc, để thâm thủng mậu dịch và khiến cho các công xưởng Mỹ phải đóng cửa. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
16.
Dịch sốt xuất huyết có mức cảnh báo 'báo động đỏ' tại một số khu vực ở Hà Nội
Dịch sốt xuất huyết có mức 'báo động đỏ' tại một số khu vực ở Hà Nội, theo Bộ Y tế Việt Nam
Báo chí trong nước trích thuật ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tại cuộc họp khẩn chống dịch sốt xuất huyết do Bộ Y tế chủ trì, cho biết 12 quận tại Hà Nội đang ở trong mức báo động đỏ. Đó là các quận: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm.
Trước đó, chiều 17/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố đã có 17.027 ca mắc sốt xuất huyết.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Xanh Pôn cho hay để giảm tải bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu điều trị sốt xuất huyết, các bệnh viên này đã thành lập khu điều trị dã chiến chuyên tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tin trong nước cho hay Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội sáng 18/8 đã họp giao ban với các quận huyện, sở ngành liên quan và Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành phố cho phép phun thuốc muỗi bằng máy phun cỡ lớn trên ô tô vào cả ban ngày để đối phó với tình trạng bệnh dịch lan truyền hiện nay.
Tăng 42% so với năm ngoái
Hãng AP trích dẫn nguồn Bộ Y tế Việt Nam, tình trạng dịch sốt xuất huyết lan tràn gây khó khăn cho hệ thống y tế của nước này.
Con số bệnh nhân nhập viện tăng 42% và số người chết vì dịch bệnh cao hơn 7 người so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Y tế cho biết hôm thứ Sáu.
Tổng cộng 90.626 người đã bị nhiễm bệnh trong đó 76.848 trường hợp phải nhập viện và con số tử vong cho tới nay là 24 người.
Tại các thành phố lớn khác như TP.HCM, Đà Nẵng, số ca mắc cũng tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Y tế Việt Nam cho rằng dịch sốt xuất huyết bùng phát do thời tiết nóng, mưa nhiều hơn và việc đô thị hoá nhanh chóng khiến muỗi gây bệnh sinh sôi.
Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dengue gây nên, và lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes, thường gọi là muỗi vằn.
Bệnh nhân dễ bị tử vong nhất thường là người già, trẻ em hoặc những người có các hiện trạng y tế phức tạp khác. - BBC
|
|
17.
Phải làm gì để trở thành lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam?
Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam được cho là lần đầu tiên đưa ra những quy định tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Vì sao ban hành?
Truyền thông trong nước và các hãng thông tấn nước ngoài hồi trung tuần tháng 8 đồng lọat đăng tải thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo qui định thì họ phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng và quyết liệt chống tệ nạn quan liêu, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm cũng như không để người thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm trục lợi.
Bên cạnh những quy định mới như vừa nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ký ban hành quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên tinh thần cán bộ lãnh đạo phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng và của quốc gia, dân tộc, kiên định với chủ nghia Karl Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chính Minh cùng mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Reuters vào ngày 15 tháng 8 dẫn lời của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng quyết định của Bộ Chính trị là một sự cố gắng chống tham nhũng trong một chế độ chỉ có một đảng lãnh đạo và điều này được thực hiện từ khi nhóm bảo thủ trong đảng, vốn xem trọng vấn đề an ninh, chiếm được thế thượng phong từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt lưu tâm với thắc mắc vì sao người đứng đầu Đảng Cộng Sản lãnh đạo lại ký ban hành khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ vào thời điểm này. Đài RFA nêu vấn đề với Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng Đại diện Báo Quân đội Nhân dân, tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và được ông cho biết:
“Theo tôi rất bình thường. Bởi vì khi nảy sinh những vấn đề thực tế lãnh đạo của xã hội thì buộc lòng nhà lãnh đạo phải đưa ra các quyết sách hoặc thậm chí đưa ra các quy định mới cho phù hợp. Trong bối cảnh này thì càng phải thận trọng, chọn lọc hay tìm ra những người có thể tin cậy để lãnh đạo thì đây là sự cần thiết, nhất là không để cho những người cơ hội hoặc bè phái đứng trong hàng ngũ lãnh đạo mà không có lợi đối với công tác phòng chống tham nhũng và phải thanh lọc làm sao cho trong sạch nội bộ thì phải chọn đúng người thôi. Ông Trọng trong cương vị Tổng Bí thư thì ông phải làm như thế vì nếu không thì ban lãnh đạo sẽ rối.”
Mặc dù Đại tá Bùi Văn Bồng khẳng định công tác tổ chức và công tác cán bộ phải song song với nhau và gắn liền với việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng trong tình thế thực tiễn, nhưng Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít các chuyên gia chính trị đưa ra lập luận việc ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm mục tiêu giải quyết triệt để cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng Sản mà họ cho rằng đang đến hồi gay cấn. Từ Paris, Pháp quốc, cựu Đại tá Bùi Tín nói với RFA quan điểm của ông:
“Tôi nghĩ rằng thì đây có thể là một thủ thuật chính trị, một mưu đồ của ông Trọng để đi tới việc vận dụng những tiêu chuẩn đó nhằm loại bỏ nhóm này hay nhóm khác đang dự định tranh giành cái ghế tổng bí thư mà ông Trọng chỉ muốn duy trì vị trí Tổng Bí thư không những cho đến hết nhiệm kỳ này mà còn sang nhiệm kỳ sau nữa.”
Tác động thế nào?
Trong khi đó, chúng tôi cũng tiếp xúc với người dân khắp các tỉnh, thành Việt Nam để tìm hiểu xem họ đón nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng như phổ biến tin tức liên quan rộng rãi đến công chúng như thế nào và được cho biết họ không lấy làm lạc quan vì trong số khoảng 3 triệu đảng viên, thực chất mấy ai đạt đủ tiêu chuẩn đạo đức căn bản “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; trái lại họ càng thất vọng do không có niềm tin rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đủ bản lĩnh và tài đức để làm trong sạch nội bộ Đảng cũng như dẫn dắt quốc gia trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa mà chính ông từng tuyên bố “đến hết thể kỷ này không biết Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Những người dân mà Đài RFA tiếp xúc còn than phiền rằng dân chúng tại Việt Nam trong những năm vừa qua ngày càng bi quan hơn về viễn ảnh tương lai của đất nước khi bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng Sản cồng kềnh và quan liêu ngày càng lún sâu không những trong tham nhũng tiền bạc, vật chất mà còn tham nhũng quyền lực.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo điện tử VTC News, đăng tải vào ngày 15 tháng 8, xoay quanh chủ đề công tác phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đi vào giai đoạn khẩn trương và gấp rút nhất, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản nhắc lại trong giai đoạn cách nay 10 thế kỷ vào thời kỳ Đại Cồ Việt, chỉ có 12 sứ quân đã làm loạn lạc và tan hoang đất nước và nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh ông không thể hình dung ra được đất nước sẽ ra sao trong bối cảnh Đảng Cộng Sản lãnh đạo xuất hiện tới cả hàng chục, thậm chí trăm “sứ quân” là các nhóm lợi ích. - RFA
|
|
18.
Cưỡng đoạt tài sản ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Nam có thể phải bồi thường $1.25 tỷ
Trọng Tài Quốc Tế tại Paris, Pháp, sẽ phân xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam đòi bồi thường tối thiểu $1.25 tỷ vào ngày 21 Tháng Tám. Việt Nam chắc chắn sẽ thua, chỉ chưa biết mức bồi thường ra sao.
Ông Trịnh Vĩnh Bình, 70 tuổi, cư ngụ tại Sài Gòn, vượt biên năm 1976, đến Hòa Lan định cư trong cùng năm rồi trở thành triệu phú nhờ cung cấp chả giò cho thị trường Hòa Lan, Bỉ, Anh.
Theo Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), năm 1990, ông Bình được các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Châu Âu mời gọi về Việt Nam đầu tư. Ông Bình bán toàn bộ cơ sở thương mại, mang về Việt Nam $2.3 triệu và 96 kg vàng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nuôi, chế biến, xuất cảng hải sản, trồng rừng lấy gỗ, du lịch… Trong sáu năm, tài sản của ông Bình tại Việt Nam tăng lên khoảng tám lần.
Năm 1996, ông Bình đột nhiên bị bắt với hai cáo buộc “trốn thuế” và “đưa hối lộ.” Hai năm sau, tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ông Bình ra xử sơ thẩm, phạt ông Bình 13 năm tù. Ông Bình kháng cáo, Tòa Án Tối Cao đưa vụ án ra xử phúc thẩm, giảm hình phạt xuống còn 11 năm tù. Nhờ sự can thiệp của chính phủ Hòa Lan, ông Bình được tại ngoại và trước khi bị bắt để “thi hành án,” ông Bình vượt biên lần thứ hai.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, vụ tống giam-kết tội ông Bình là sử dụng cường quyền để cưỡng đoạt tài sản cá nhân một cách trái phép, vi phạm nghiêm trọng cả luật pháp Việt Nam lẫn các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và giới đầu tư.
Năm 2003, ông Bình nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế, đòi bồi thường $100 triệu.
Năm 2006, chính phủ Việt Nam chủ động thương lượng với ông Bình bên ngoài phạm vi Tòa Trọng Tài Quốc Tế, cam kết bồi thường cho ông Bình $15 triệu và trả lại toàn bộ tài sản mà ông Bình đã thủ đắc hợp pháp tại Việt Nam. Truy cứu trách nhiệm hình sự một số cá nhân lạm quyền, đẩy ông Bình vào vòng lao lý và đi đến chỗ trắng tay. Theo thỏa thuận này, ông Bình rút lại đơn kiện và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.
Tuy ông Bình đã thực hiện đúng các thỏa thuận trong phạm vi trách nhiệm của ông nhưng chính phủ Việt Nam lại bội tín thêm một lần nữa (lần đầu là bội tín vì không thực hiện đúng các cam kết khi mời gọi đầu tư).
Tháng Giêng, 2015, ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế lần thứ hai.
Nhân sự kiện Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại Paris sẽ đưa vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam, tuần vừa qua, VOA đã thực hiện một loạt bài, phục dựng toàn bộ bối cảnh dẫn tới vụ kiện. Trong loạt bài vừa kể, có một điểm đáng chú ý là VOA đã tiếp cận và thuyết phục được ông Nguyễn Mạnh Cầm, cựu phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, và ông Ðinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, lên tiếng.
Cả ông Cầm lẫn ông Thắng cùng tiết lộ rằng, họ và nhiều viên chức cao cấp khác của hệ thống công quyền Việt Nam đã nỗ lực hết mức để giải quyết hậu quả của việc hệ thống tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) tống giam-kết tội ông Bình nhưng không thành công vì nội bộ có quá nhiều phe phái mâu thuẫn với nhau về lợi ích và sự chi phối của lực lượng an ninh.
Cũng theo lời ông Cầm, sở dĩ chính phủ Việt Nam bội tín lần thứ hai là vì tài sản của ông Bình đã bị thất thoát, đổi chủ. Theo ông Cầm, bất luận phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng Tài như thế nào thì vụ kiện vẫn có nhiều bài phải học. Việt Nam đang trên đường hội nhập vào mọi mặt của sinh hoạt quốc tế nên phải tuân thủ những cam kết quốc tế. Phải như thế mới bảo vệ được hình ảnh Việt Nam, không chỉ vì lợi ích của Việt Nam, mà còn vì lợi ích của các đối tác quốc tế khác, bất luận đó là cá nhân hay quốc gia.
Khoan nói tới chi phí bồi thường, chắc chắn là không nhỏ, chi phí mà chính phủ Việt Nam phải trả cho các hãng luật quốc tế đứng ra bảo vệ mình lần trước (từ 2003 đến 2006) và lần này chắc chắn đã rất lớn, 100 triệu công dân Việt Nam, bất kể giới tính, tuổi tác, gia cảnh sẽ chia nhau chịu toàn bộ những chi phí ấy. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment