Sunday, August 13, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 13/8

Tin Thế Giới

1.
Tướng Mỹ thăm châu Á để bàn về Bắc Hàn --- CIA: Không ngạc nhiên nếu Bắc Hàn lại phóng tên lửa --- TT Pháp kêu gọi phối hợp hành động trên hồ sơ Bắc Triều Tiên

Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã đến Hàn Quốc giữa lúc xảy ra căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Vị tướng hàng đầu của quân đội Mỹ cũng sẽ thăm Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông nói chuyến đi đến châu Á tuần này nhằm trấn an đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tạo dựng quan hệ đối thoại với Trung Quốc.

"Chúng tôi đang tìm cách thoát ra khỏi tình hình hiện nay mà không xảy ra chiến tranh."

Vị tướng Mỹ nhắc lại rằng "không thể chấp nhận" Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực.

Ông Dunford hạ cánh xuống Hàn Quốc tối Chủ nhật và sẽ gặp Tổng thống Moon Jae-In hôm thứ Hai trước khi bay đi Trung Quốc và Nhật Bản.

Một tuyên bố của Nhà Trắng nói Mỹ và Trung Quốc nhất trí rằng Bắc Hàn phải chấm dứt "hành vi khiêu khích và leo thang".

Những căng thẳng từ lâu về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn trở nên tồi tệ hơn khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hai hỏa tiễn liên lục địa trong tháng Bảy.

Chính quyền Bắc Hàn đã rất tức giận về quyết định của Liên Hợp Quốc vào tuần trước gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống nước này.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Donald Trump và Bắc Hàn tránh những "lời nói và hành động" làm trầm trọng thêm các căng thẳng, theo truyền thông nhà nước.

Ông Trump và Bắc Hàn đã trao đổi các lời lẽ thù địch, với tổng thống Mỹ đe dọa trút "lửa và cuồng nộ" lên Bắc Hàn.

Nhưng Trung Quốc, đồng minh chính yếu duy nhất của Bắc Hàn, đang kêu gọi kiềm chế.

Tổng thống Trump trước đó đó trách cứ Trung Quốc vì đã không kiềm chế Bắc Hàn, nói rằng Bắc Kinh lẽ ra đã có thể làm được hơn "rất nhiều".

Hôm thứ Sáu 11/8/2017, ông Trump đã đưa ra một mối đe dọa mới đối với Bắc Hàn, nói rằng nước này sẽ gặp "rắc rối lớn, rất lớn" nếu có bất cứ điều gì xảy ra với lãnh thổ Mỹ ở Guam.

Nhưng Trump nói thêm: "Hy vọng rằng mọi việc sẽ được giải quyết.

"Không ai yêu một giải pháp hòa bình hơn là Tổng thống Trump, đó là điều tôi có thể nói với các bạn."

Cũng hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói nước này vẫn hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Hàn bằng ngoại giao.

Ông nói chiến tranh sẽ là "thảm họa" và ngoại giao đang đạt được những kết quả.

Bắc Hàn đã và đang công bố các kế hoạch phóng hỏa tiễn gần lãnh thổ Guam, nhưng không có chỉ dấu cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Về phần mình, Bình Nhưỡng cáo buộc ông Trump đã "lái" bán đảo Triều Tiên đến "bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân."

Moscow nói việc trao đổi những đe dọa giữa Washington và Bình Nhưỡng gây "lo lắng rất nhiều", trong lúc Đức bày tỏ 'báo động'. - BBC

***
Một quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ hôm 13/8 nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu Bắc Hàn lại thực hiện một vụ thử tên lửa khác.

Reuters dẫn lời Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (CIA) Mike Pompeo nói trên chương trình “Fox News Sunday” rằng “tôi tin chắc rằng (lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un) sẽ tiếp tục tìm cách phát triển chương trình tên lửa của ông ta nên nó sẽ không làm tôi ngạc nhiên nếu có một vụ thử tên lửa khác”.

Bình Nhưỡng tuần trước nói rằng các kế hoạch của nước này sẽ hoàn tất vào giữa tháng Tám, và khi ấy có thể bắn bốn quả tên lửa tầm trung có khả năng rơi gần lãnh thổ của Mỹ là Guam ở Thái Bình Dương, cách Bắc Hàn 3.500 km.

Guam, vốn nằm cách lục địa Hoa Kỳ khoảng 7 nghìn km, trở thành mục tiêu vì đây là nơi đặt căn cứ không quân và hải quân của Mỹ, theo Reuters.

Đó cũng là nơi hai chiếc máy bay ném bom siêu thanh B-1B cất cánh và bay gần bán đảo Triều Tiên tuần trước.

Sau tuyên bố trên của Bắc Hàn, Tổng thống Donald Trump đã lên Twitter nói rằng "các giải pháp quân sự đã sẵn sàng" nếu "Bắc Hàn hành động thiếu khôn ngoan".

"Hy vọng ông Kim Jong Un sẽ tìm một con đường khác!" ông Trump viết. - VOA

***
Hôm qua, 12/08/2017, sau cuộc trao đổi qua điện thoại với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ý quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động.

Theo thông tin từ điện Elysée, tổng thống Macron đã đàm thoại với đồng nhiệm Mỹ để tìm phương án « thuyết phục Bắc Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế », và hai tổng thống Pháp - Mỹ đã đồng ý « giữ liên lạc trong những ngày sắp tới ».

Còn theo thông cáo từ Nhà Trắng, hai vị nguyên thủ đã bàn bạc về vấn đề căng thẳng leo thang tại Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Washington sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp đối ngoại, kinh tế, và quân sự để ngăn chặn mối đe dọa.

Trong một bản thông cáo, tổng thống Pháp bày tỏ thái độ quan ngại trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, và cho rằng các lãnh đạo thế giới cần phải hợp tác với nhau để thúc giục Bình Nhưỡng « quay trở lại con đường đàm phán vô điều kiện ».

Cuộc nói chuyện Pháp-Mỹ diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó lãnh đạo Bắc Kinh kêu gọi ông Trump có lời lẽ kiềm chế, tránh làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. - RFI
|
|

2.
Máy bay Trung Quốc vần vũ gần không phận Đài Loan

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết rằng các máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến hành hai đợt bay diễn tập quanh hòn đảo tự trị này.

Theo Reuters, hai máy bay vận tải của Trung Quốc hôm 13/8 đã bay qua Eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines trước khi bay gần hòn đảo Miyako của Nhật nằm ở phía bắc Đài Loan, và tại đó, xuất hiện hai chiến đấu cơ của Trung Quốc rồi tất cả bay về nước.

Một ngày trước đó, các máy bay ném bom và máy bay vận tải của Trung Quốc cũng bay hành trình tương tự, trong khi các máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm trên không lại chỉ bay qua Eo biển Bashi.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các lực lượng của hòn đảo này đã theo dõi đợt bay diễn tập này và phản ứng một cách phù hợp.

Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì, nhưng không quân nước này từng tiến hành một số đợt bay huấn luyện tầm xa quanh Đài Loan và ở phía nam các đảo của Nhật trong những tháng gần đây.

Bắc Kinh chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình, và từng cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào đòi độc lập sẽ dẫn tới phản ứng vũ trang. - VOA
|
|

3.
Iran tăng cường đáng kể chương trình tên lửa đạn đạo

Ngày 13/08/2017, Nghị viện Iran đã thông qua khoản ngân sách tăng đáng kể cho chương trình tên lửa đạn đạo và lực lượng quân sự phụ trách các chiến dịch bên ngoài. Quyết định này là nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mới hồi tháng 07/2017 của Mỹ, trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng hơn từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, được AFP trích dẫn, Nghị Viện Iran đã thông qua, với 240/244 phiếu thuận, khoản ngân sách 260 triệu đô la để « phát triển chương trình tên lửa » và một khoản tương đương cho lực lượng quân sự ở nước ngoài của Lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa.

Theo thứ trưởng Ngoại Giao Iran, « dự thảo luật này được chính phủ ủng hộ », còn chủ tịch Nghị Viện Iran cảnh báo : « Người Mỹ phải hiểu rằng đây mới chỉ là hành động đầu tiên của chúng tôi ». Ngay khi kết quả được thông báo, các nghị sĩ Iran đã hô vang : « Đả đảo Hoa Kỳ ! ». Dự thảo luật còn phải chờ Hội Đồng Bảo Vệ Cách Mạng phê chuẩn.

Iran cũng đang tiến hành đàm phán với Airbus để mua 48 máy bay trực thăng phục vụ mục đích dân sự. Theo Reuters, bộ Y Tế Iran dự tính đặt 45 chiếc trực thăng cấp cứu. Cơ quan Quản lý Cảng biển và Lưu thông hàng hải dự định mua ba trực thăng phục vụ công việc tìm kiếm cứu nạn. - RFI
|
|

4.
Hai lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq

Hai binh sĩ Mỹ thiệt mạng và năm người khác bị thương trong một chiến dịch ở miền bắc Iraq hôm 13/8.

Reuters dẫn lời một thông cáo của quân đội nói rằng vụ việc đang được điều tra, nhưng nói thêm rằng các báo cáo ban đầu cho thấy rằng thương vong không liên quan tới việc đối đầu với kẻ thù.

Các binh sĩ trên thộc lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.

“Toàn bộ liên quân chống Nhà nước Hồi giáo gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, bạn bè và đồng đội của các anh hùng này”, Thiếu tướng Stephen Townsend, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp nói.

“Tôi hy vọng rằng chúng ta an ủi phần nào khi biết rằng sự ra đi của họ có ý nghĩa đối với đất nước chúng ta và tất cả các quốc gia trong liên quân, vì những binh sĩ ngã xuống đã chiến đấu để đánh bại một kẻ thù thực sự xấu xa và bảo vệ các tổ quốc của chúng ta”. - VOA
|
|

5.
Philippines triệt hạ chỉ huy nhóm giết con tin Việt

Các binh sĩ Philippines hôm 12/8 đã “hạ” một kẻ tình nghi là chỉ huy nhóm chiến binh Abu Sayyaf, bị truy nã vì bắt cóc và tấn công tàu hàng nước ngoài, trong đó có của người Việt.

DPA dẫn lời chính quyền địa phương nói rằng các binh sĩ đi tuần ở ngoài khơi đảo Jolo, cách Manila 1000 km về hướng nam, thì đụng độ với một chiếc thuyền gỗ chở các chiến binh Abu Sayyaf.

Tin cho hay rằng các phần tử này được dẫn dắt bởi Badong Muktadil, một kẻ chỉ huy bị truy nã vì tấn công tàu, bắt cóc và giết hại các thuyền viên nước ngoài ở vùng biên giới biển với Malaysia.

Quân đội Philippines nói rằng việc giết chết Badong giáng thêm một đòn nữa vào Abu Sayyaf, nhất là liên quan tới các hoạt động khủng bố và bắt cóc của nhóm này, theo Al Jazeera.

Trong số các vụ tấn công gần đây do nhóm của Badong thực hiện là vụ bắt giữ 6 thuyền viên của một tàu hàng Việt Nam hồi tháng Hai, rồi sau đó là giết hại một trong các thuyền viên.

Một trong các thuyền viên khác của tàu treo quốc kỳ Việt Nam cũng bị giết trong vụ đụng độ giữa những kẻ bắt cóc và các binh sĩ ở Jolo hồi tháng Bảy. Chưa rõ là nạn nhân thiệt mạng vì đạn lạc hay bị các chiến binh Abu Sayyaf bắn.

Tin cho hay, những kẻ khủng bố hiện vẫn giữ khoảng 20 con tin, trong đó có 14 người nước ngoài, trên đảo Jolo và tỉnh Basilan kế cận. Abu Sayyaf được cho là liên minh với nhóm Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

6.
Bắc Hàn phóng thích mục sư Canada

Một mục sư Canada bị cầm tù ở Bắc Hàn hơn hai năm qua đã được trả tự do và về đoàn tụ với gia đình ở Canada hôm 12/8.

Reuters dẫn lời một người phát ngôn của gia đình nói rằng ông Hyeon Soo Lim, từng là mục sư cấp cao tại một trong những giáo hội lớn nhất Canada, đã mất tích trong một chuyến đi tới Bắc Hàn đầu năm 2015.

Ông sau đó bị kết án tù chung thân kèm lao động khổ sai vào cuối năm 2015 vì tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng".

Hãng tin KCNA của Bắc Hàn trong tuần này nói rằng ông Lim, 62 tuổi, đã được thả vì lý do nhân đạo do sức khỏe yếu. Gia đình của ông sau đó cho biết ông không trong tình trạng nguy kịch.

Mục sư này được thả trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng, và Reuters dẫn lời chính quyền cho biết rằng không có mối liên hệ nào giữa việc thả ông Lim và nỗ lực tháo ngòi căng thẳng vì chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Chính phủ Canada hôm 12/8 ra thông cáo cho biết cùng với gia đình ông Lim và giáo hội chào đón ông trở về nhà.

“Canada đã tích cực xử lý vụ việc liên quan tới ông Lim ở mọi cấp độ, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ông và gia đình sau khi ông trở về”, thông cáo của Canada có đoạn. - VOA
|
|

7.
Các nước Mỹ Latin tính lên án Tổng thống Trump

Các quốc gia vùng Mỹ Latin, với sự dẫn dắt của Peru, hôm 12/8 tìm cách thương thảo một tuyên bố lên án Tổng thống Donald Trump sau khi ông này nói rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc “một giải pháp quân sự” đối với Venezuela.

Theo Reuters, ông Trump hôm 11/8 đe dọa can thiệp quân sự tại Venezuela, trong một động thái bất ngờ được cho là gia tăng phản ứng của Washington đối với cuộc khủng hoảng ở quốc gia Mỹ Latin này.

Chính quyền Caracas coi lời đe dọa này là “điên rồ”, và ngoại trưởng nước này chuẩn bị ra tuyên bố chính thức.

Peru là nước đầu tiên lên án việc đe dọa sử dụng vũ lực của ông Trump và đang thương thảo một tuyên bố chung với các nước khác trong khu vực, theo Reuters.

Thông cáo gửi riêng cho hãng tin Anh này hôm 12/8, một ngày sau khi Peru trục xuất đại sứ Venezuela ở Lima, có đoạn: “Tất cả mọi đe dọa, cả nội địa lẫn từ nước ngoài, về việc sử dụng vũ lực gây tổn hại tới mục tiêu tái thiết lập chính quyền dân chủ ở Venezuela, cũng như các nguyên tắc trong hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Dưới chính quyền của Tổng thống Pablo Kuczynski, Peru đã có quan điểm cứng rắn đối với chính phủ theo đường lối xã hội chủ nghĩa ở Venezuela. - VOA
|
|

8.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hoãn công du vì ‘kiệt sức’

Lãnh tụ tinh thần lưu vong Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã phải hủy một chuyến thăm đã định tới Botswana, nơi Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn, vì kiệt sức.

Reuters dẫn lời văn phòng của ông cho biết như vậy hôm 12/8, trong một động thái mà hãng này đánh giá rằng sẽ được Trung Quốc hoan nghênh.

Theo dự kiến, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vốn hiện lưu vong ở Ấn Độ, sẽ phát biểu tại một cuộc hội thảo về nhân quyền ở thủ đô Gaborone từ ngày 17 tới 19/8, và gặp tổng thống Botswana nhân dịp này.

Các chuyến công du nước ngoài của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng này luôn làm Trung Quốc tức giận, và Bắc Kinh tháng trước đã lên tiếng cảnh báo Botswana về chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Quốc gia châu Phi này sau đó phản ứng rằng họ có quyền cho phép bất kỳ ai tới thăm vì Botswana là quốc gia có chủ quyền.

Trung Quốc coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đòi ly khai cho Tây Tạng, trong khi lãnh tụ tinh thần này tuyên bố ông chỉ tìm cách đòi cho các quyền tự do lớn hơn cho người dân.

Reuters trích thông cáo từ văn phòng của ông nói rằng các bác sĩ đã khuyên ông nên tránh các chuyến đi xa trong vòng vài tuần tới.

Tuyên bố nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cảm thấy “mệt một cách bất thường trong vài tuần qua”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Cố vấn ANQG: Vụ tấn công chết người ở Charlottesville là khủng bố --- Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vụ bạo lực gây chết người ở Charlottesville --- Charlottesville: 1 chết trong bạo động; 2 cảnh sát thiệt mạng trong tai nạn trực thăng --- Bạo động chết người ở Virginia, phản ứng của TT Mỹ gây tranh cãi


Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng bạo lực gây chết người nổ ra tại cuộc biểu tình của những người chủ trương thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia "phù hợp với định nghĩa khủng bố."

Ông H.R. McMaster, trong một cuộc phỏng vấn trên đài ABC News, mô tả vụ xe hơi tông vào đám đông người phản biểu tình hôm thứ Bảy làm thiệt mạng một người phụ nữ 32 tuổi là "một hành động phạm tội có thể đã bị thúc đẩy bởi sự thù hằn và sự cực đoan."

19 người khác bị thương và hai viên cảnh sát của bang Virginia theo dõi tình trạng bất ổn từ trên không thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng.

Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra dân quyền liên quan tới vụ bạo lực tại cuộc tập hợp "Unite the Right" nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhiều người trong số này ủng hộ Tổng thống Donald Trump, đã đụng độ với những người phản biểu tình trên đường phố của thành phố nằm cách thủ đô Washington 160 kilômét về hướng tây nam.

Những người chủ trương thượng đẳng da trắng mang những biểu ngữ và khẩu hiệu chống những nhóm chủng tộc thiểu số và người Do Thái. Họ đánh nhau với những người phản biểu tình bằng gậy gộc, nắm đấm cũng như ném đá và xịt hơi cay.

Hôm thứ Bảy, ông Trump lên án vụ bạo lực, nhưng không nêu đích danh bất kỳ nhóm chủ nghĩa dân tộc da trắng nào đứng ra tổ chức cuộc tập hợp này, và điều này đã khiến ông bị những người thuộc mọi quan điểm chính trị ở Mỹ chỉ trích vì phản ứng hời hợt.

Hôm Chủ nhật, Nhà Trắng cho biết tổng thống lên án mọi hình thức "bạo lực, cực đoan và thù hận," bao gồm những người chủ trương thượng đẳng da trắng, tổ chức kì thị chủng tộc Ku Klux Klan, những kẻ tân phát xít và "tất cả các nhóm cực đoan."

Con gái lớn của ông Trump, Ivanka Trump, một cố vấn Nhà Trắng, nói trong một bình luận trên Twitter, "Sự kì thị chủng tộc, tư tưởng thượng đẳng da trắng và tân phát xít không có chỗ trong xã hội của chúng ta. Chúng ta phải đến với nhau như là người Mỹ và là một đất nước HỢP NHẤT. #Charlottesville." - VOA

***
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra dân quyền liên quan đến vụ tông xe làm chết một người trong một cuộc biểu tình chống lại một cuộc biểu tình của những người có chủ trương thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, quan chức chấp pháp cao nhất của Mỹ, nói, "Bạo lực và những người thiệt mạng ở Charlottesville đánh vào chính diện của luật pháp và công lý Mỹ," ông Sessions nói, "Khi những hành động như vậy phát sinh từ sự cực đoan và thù hằn chủng tộc, chúng phản bội những giá trị cốt lõi của chúng ta và không thể nào được dung thứ."

Thống đốc Virginia Terry McAuliffe tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi những vụ ẩu đả nổ ra giữa những người biểu tình chủ trương thượng đẳng da trắng mặc áo giáp, cầm khiên tụ tập để phản đối việc dỡ bỏ một bức tượng và những người phản biểu tình ăn mặc tương tự ở Charlottesville.

"Tôi có một thông điệp cho tất cả những kẻ chủ trương thượng đẳng da trắng và dân tộc chủ nghĩa đến Charlottesville ngày hôm nay. Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: Hãy về nhà," ông McAuliffe nói tại một cuộc họp báo. "Các người không được chào đón ở khối thịnh vượng chung Virginia. Đáng hổ thẹn thay cho các người."

Tổng thống Donald Trump, phát biểu hôm thứ Bảy ở bang New Jersey, lên án "biểu hiện hết sức xấu xa của sự thù hận, cực đoan và bạo lực từ mọi phía" ở Charlottesville.

Ông kêu gọi "nhanh chóng vãn hồi luật pháp và trật tự" trong thành phố, nói thêm rằng "không một công dân nào phải lo sợ về sự an toàn và an ninh của họ."

Ngay sau khi các cuộc biểu tình đã bị hủy bỏ hôm thứ Bảy ở Charlottesville, một chiếc xe đã tông vào người đi trên đường trong khi họ đang rời khỏi một cuộc phản biểu tình. Video cho thấy một số người bị hất tung lên không trung.

​Một người phụ nữ 32 tuổi thiệt mạng và khoảng hai chục người khác bị thương.

Cảnh sát cho biết họ đang câu lưu người lái xe là một người đàn ông da trắng, được xác định danh tính là James Alex Fields Jr., 20 tuổi, cư ngụ ở bang Ohio.

Vài giờ sau đó, cảnh sát bang Virginia cho hay một máy bay trực thăng của họ bị rơi trong một khu rừng bên ngoài thành phố, làm thiệt mạng hai viên cảnh sát. Máy bay trực thăng được sử dụng để giúp cơ quan chấp pháp theo dõi cuộc tụ tập.

Trước đó hàng trăm người từ cả hai phe biểu tình và phản biểu tình đã tham gia vào bạo lực, đấm nhau túi bụi cũng như ném những chai nước và các thứ khác. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán những người tham gia.

​Phản ứng về vụ việc diễn ra hôm thứ Bảy, những người thuộc cả hai đảng chính trị đều hướng sự chỉ trích và ông Trump vì ông không nêu đích danh những người chủ trương thượng đẳng da trắng trong phát biểu của ông về tình trạng bạo lực ở Charlottesville.

"Chúng ta nên gọi cái ác bằng cái tên của nó. Anh trai tôi không hy sinh tính mạng của mình chống Hitler cho những tư tưởng phát xít không bị thách thức tại đây ngay ở nhà. -OGH,'' Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, một thành viên kỳ cựu của Đảng Cộng hòa đại diện bang Utah, nói trên Twitter.

"Tổng thống Mỹ cần lên tiếng chống lại sự tái trỗi dậy độc hại của tư tưởng thượng đẳng da trắng. Không có 'nhiều phía' ở đây. Chỉ có đúng và sai," Dân biểu Adam Schiff thuộc Đảng Dân chủ từ California nói trên Twitter. - VOA

***
Một người chết hôm thứ Bảy và 19 người khác bị thương khi một người tông xe vào một đám đông người biểu tình tại một cuộc tập hợp của những người chủ trương thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.

Trưởng phụ trách An toàn Công cộng bang Virginia Brian Moran cho biết người lái xe, một người đàn ông, đang bị cảnh sát câu lưu. Chưa rõ người này tên gì.

Thị trưởng Charlottesville Mike Singer nói trên Twitter rằng ông "đau buồn" về cái chết này và kêu gọi tất cả những người còn ở lại địa điểm biểu tình về nhà.

Trong khi đó, 2 cảnh sát tiểu bang thiệt mạng trong tai nạn trực thăng khi "đang hỗ trợ lực lượng an ninh công cộng vãn hồi trật tự tại Charlottesville." Thông cáo báo chí của cảnh sát. Hai người thiệt mạng là phi công, H. Jay Cullen, 48 tuổi, và cảnh sát viên Berke M.M. Bates, sẽ bước sang tuổi 41 vào ngày mai, Chủ Nhật, 13 tháng Tám.

Tổng thống Donald Trump, phát biểu vào giữa chiều từ bang New Jersey nơi ông đang nghỉ hè, lên án "biểu hiện hết sức xấu xa của sự thù hận, cực đoan và bạo lực từ mọi phía," ở Charlottesville.

Ông Trump, khi đó đang chuẩn bị ký một dự luật để mở rộng chương trình chăm sóc y tế cựu chiến binh, kêu gọi "nhanh chóng vẫn hồi luật pháp và trật tự" trong thành phố, nói thêm rằng "không một công dân nào phải lo sợ về sự an toàn và an ninh của họ."

Vụ tông xe xảy ra khi người tụ tập rời khỏi khu vực sau khi cảnh sát tuyên bố cuộc tụ tập là bất hợp pháp khi nhiều vụ bạo lực bùng phát tại cuộc tập hợp giữa những người biểu tình và phản biểu tình.

Video về những vụ việc cho thấy người biểu tình mặc áo giáp, cầm khiên đấm đá những người phản biểu tình ăn mặc tương tự trong lúc họ tuần hành ở thành phố Charlottesville.

Một số vụ đụng độ lớn nổ ra trước khi cảnh sát cuối cùng tuyên bố cuộc tập hợp là một cuộc tụ tập bất hợp pháp và bắt đầu đẩy lùi người biểu tình ra khỏi khu vực.

Thống đốc Virginia Terry McAuliffe nói trên Twitter ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp "để hỗ trợ bang ứng phó với tình trạng bạo lực tại cuộc tập hợp của phe cựu hữu ở Charlottesville."

"Những hành động và lời lẽ ở Charlottesville hơn 24 giờ qua là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt. Quyền tự do ngôn luận không phải là quyền gây bạo lực," ông viết trong một dòng thông điệp đăng trên Twitter.

Cuộc tụ tập tại Đại học Virginia, được gọi là cuộc tập hợp "Unite the Right" (Đoàn kết phe hữu khuynh), trước đó đã khiến thống đốc của bang này lên tiếng cảnh báo mọi người tránh xa khuôn viên trường đại học.

Một nhóm nhỏ những người biểu tình cũng tụ tập đêm thứ Sáu, cầm đuốc tuần hành qua khuôn viên trường và hô lớn những khẩu hiệu như "sinh mạng người trắng là quan trọng," để chuẩn bị cho sự kiện lớn hơn vào ngày thứ Bảy.

Khi họ tuần hành hôm thứ Sáu nhóm người da trắng này giáp mặt một nhóm người phản biểu tình và một vụ ẩu đả nhỏ xảy ra sau đó. Một chất hóa học gây khó chịu được xịt vào đám đông và cảnh sát có thể giải tán các cuộc đụng độ. Ít nhất một người bị bắt và một vài người được chữa trị thương tích nhẹ.

Cuộc tập hợp lớn hơn vào ngày thứ Bảy dự kiến thu hút đám đông từ 2.000 đến 6.000 người bất bình về việc kế hoạch dỡ bỏ bức tượng Tướng Robert E. Lee của Liên bang miền Nam thời Nội chiến Mỹ. - VOA

***
Nước Mỹ vào sáng nay, 13/08/2017 chưa hết bàng hoàng sau những vụ bạo động chết người nổ ra hôm qua tại thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia. Xô xát đã xảy ra bên lề những cuộc biểu tình của một bên là phe cực hữu, và bên kia là những người chống kỳ thị chủng tộc. Kết quả là đã có ba người thiệt mạng, và rất nhiều người bị thương. Tuy nhiên, điểm gây tranh cãi lại là phản ứng nửa vời của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump tố cáo bạo động nhưng không lên án một cách thẳng thắn các thành phần cực hữu bị cho là thủ phạm gây rối.

Mọi sự đã bùng lên khi nhiều nhóm cực hữu Mỹ rầm rộ tập hợp về thành phố Charlottesville để chống lại quyết định của thành phố muốn bỏ tượng của tướng Robert E. Lee, người lãnh đạo Nam Quân bị thua trong cuộc nội chiến Mỹ giai đoạn 1861-1865. Trong số các nhóm cực hữu này, có nhóm tân quốc xã All-Right, thành viên phong trào kỳ thị người da đen Ku Klux Klan.

Những người chống kỳ thị chủng tộc cũng biểu tình để phản đối phe cực hữu, và xô xát đã nổ ra. Thảm kịch đã xẩy ra khi một thanh niên cực hữu lái một chiếc xe đâm thẳng vào đám đông người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, làm một phụ nữ thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương, trong đó có 5 người trong tình trạng nguy kịch. Hung thủ đã bị bắt giữ ngay tại chỗ. Hãng tin Anh Reuters ước tính có đến 30 người bị thương.

Ngay trước đó, có hai người khác bị thiệt mạng khi trực thăng của cảnh sát rơi xuống gần nơi diễn ra các cuộc biểu tình. Sau khi bạo lực nổ ra, thống đốc Virginia Terry McAuliffe đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi người biểu tình giải tán. Cục Điều Tra Liên Bang FBI đã cho mở điều tra về vụ đâm xe vào đám đông. Về phần mình, tổng thống Donald Trump cho biết đang theo dõi sát vụ việc, ông lên án các hành vi cực đoan, mà theo ông là của cả hai bên, cực hữu và chống kỳ thị. Tuyên bố này đã lập tức gây tranh cãi.

Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ Grégoire Pourtier nhận định :

"Donald Trump đã phản ứng để tố cáo « những biểu hiện của hận thù, bè phái hẹp hòi và các hành vi bạo động đến từ nhiều bên khác nhau ». Chính những từ cuối cùng này đã làm dấy lên tranh cãi, nhất là khi được tổng thống Mỹ nhắc đi nhắc lại. Tổng thống Mỹ thường có những quan điểm dứt khoát, nhưng lần này thì ông lại đánh đồng mọi phía.

Quả thực là không ai biết bên nào đã bắt đầu gây bạo động trước, hay có những hành động khiêu khích đầu tiên, nhưng chắc chắn là có rất nhiều cử tri của ông Trump trong số những kẻ cực hữu hơn là những người chống kỳ thị, mà những người này lại là nạn nhân chính trong những vụ bạo động hôm qua.

Tổng thống Mỹ bị lâm vào tình thế tế nhị vì các thành phần cực hữu là giới đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử. Người lãnh đạo kỳ thị nổi tiếng David Duke đã gởi tin nhắn Twitter, nhắc nhở tổng thống là chính những người da trắng đã bầu cho ông chứ không phải cánh tả cấp tiến.

Nhưng một phần lớn cánh hữu truyền thống thì lại tránh xa những phong trào cực hữu. Chẳng hạn như ông Marco Rubio, đối thủ của Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ năm ngoái. Ông Rubio đã yêu cầu tổng thống Trump là nên xếp loại vụ lái xe đâm vào đám đông hôm qua đúng với thực chất của nó. Đó là « một cuộc tấn công khủng bố do những người theo khuynh hướng da trắng ưu việt tiến hành". - RFI
|
|

10.
NYT: Biện lý Mueller muốn phỏng vấn các quan chức Nhà Trắng cao cấp

Biện lí đặc biệt điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga muốn nói chuyện với các quan chức cao cấp hiện nhiệm và tiền nhiệm của Nhà Trắng, báo The New York Times đưa tin hôm thứ Bảy.

Robert Mueller, công tố viên đặc biệt đang dẫn đầu cuộc điều tra này, đang thương thuyết với Nhà Trắng về những cuộc phỏng vấn tiềm năng, bao gồm cả với cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, tờ báo cho biết, dẫn ba nguồn tin giấu tên được thông báo về các cuộc thảo luận.

Người phát ngôn cho ông Mueller và Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận ngay tức thì.

"Ông Mueller đã hỏi Nhà Trắng về những cuộc gặp gỡ cụ thể, có ai tham dự và liệu có bất kỳ ghi chú, bản nghi cuộc nói chuyện hoặc tài liệu nào về những cuộc gặp gỡ này hay không," tờ báo dẫn lời hai người cho biết.

Ông Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang, muốn tìm hiểu thêm tại sao ông Trump quyết định sa thải ông James Comey, giám đốc FBI bị bãi chức vào tháng 5, theo tờ báo.

Chưa có cuộc phỏng vấn nào được ấn định, tờ báo cho biết.

Ông Trump gọi cuộc điều tra của ông Mueller là "săn phù thủy" (ý nói đến sự bức hại chính trị). Những cáo buộc thông đồng giữa các cộng sự của ông Trump và Moscow đã đeo bám vị tổng thống Đảng Cộng hòa kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1, khiến ông mất tập trung vào chủ trương chính sách của ông.

Nga đã nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ, và ông Trump đã nói không có sự thông đồng nào.

Tháng trước, FBI đã đột kích nhà của Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, và thu thập chứng cứ, báo The Washington Post loan tin trước đó trong tuần. - VOA
|
|

11.
Donald Trump gia tăng sức ép trên Trung Quốc về sở hữu trí tuệ

Theo một số quan chức chính phủ Mỹ ẩn danh, được AFP trích dẫn, tổng thống Donald Trump ngày 14/08/2017 sẽ yêu cầu Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer mở điều tra về các vụ chuyển giao sở hữu trí tuệ mà chính quyền Trung Quốc áp đặt đối với các doanh nghiệp Mỹ. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã khiến quan hệ Trung-Mỹ thêm căng thẳng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết phản ứng của Trung Quốc :

« Hai chiếc găng đấu quyền Anh bằng da mầu đỏ, với hình cờ Trung Quốc bên tay trái và cờ Mỹ bên tay phải. Với hình ảnh cắt ghép này, tờ Nhân Dân Nhật Báo phản ứng về lời đe dọa của Mỹ cùng thông điệp : Trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẵn sàng so găng.

Bộ Thương Mại Trung Quốc bắn tiếng rằng tốt hơn hết Hoa Kỳ nên tuân theo thủ tục của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Thực vậy, khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc đã giành được quyền hạn chế các công ty nước ngoài thâm nhập vào các lĩnh vực trọng điểm như sản xuất ô tô hoặc viễn thông. Cách duy nhất để hoạt động tại Trung Quốc là thành lập các công ty liên doanh với các doanh nghiệp Nhà nước. Dĩ nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc có thể tận dụng được kiến thức, kĩ năng của phương Tây.

Trên trang China Daily, một chuyên gia khác cho rằng : « Từ 20 năm nay, Hoa Kỳ điều tra về các công ty của chúng ta nhưng điều này không ngăn cản được nền kinh tế Trung Quốc phát triển ».

Thông báo của Mỹ không khiến Bắc Kinh ngạc nhiên nhưng lại được đưa ra vào thời điểm rất nhạy cảm do cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Donald Trump tìm mọi cách buộc Bắc Kinh « làm hơn nữa » để thuyết phục Bình Nhưỡng." - RFI
|
|

12.
Phó tổng thống Mỹ bắt đầu công du châu Mỹ Latinh

Theo hãng tin Mỹ AP, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã lên đường công du châu Mỹ Latinh và lần lượt tới thăm các nước Colombia, Achentina, Chi Lê và Panama. Tại Colombia, hôm nay 13/08/2017, ông Pence sẽ hội đàm với tổng thống Columbia Joan Manuel Santos về vấn đề khủng hoảng tại Venezuela.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh hôm thứ Sáu 11/08, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa can thiệp quân sư vào Venezuela. Ngay lập tức, có không ít tiếng nói chỉ trích tuyên bố “điên rồ” của ông Donald Trump. Bộ Ngoại Giao Colombia lên án việc “sử dụng vũ lực” và cho rằng cần dùng biện pháp dân chủ để đối phó với tình trạng khủng hoảng, và phải tôn trọng chủ quyền của Venezuela.

Ngoài cuộc khủng hoảng tại Venezuela, phó tổng thống Mike Pence sẽ đề cập đến thương mại và một số vấn đề chung giữa hai nước, đặc biệt về nạn trồng cây coca đang tăng vọt tại Colombia. Trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 07/2017, việc trồng và sản xuất coca tại Colombia đạt mức cao nhất trong vài thập kỷ gần đây. Điều này gây khó khăn cho chiến dịch phòng chống ma túy và giữ gìn an ninh nội địa của tổng thống Juan Manuel Santos. Chính quyền Donald Trump đã không ít lần thúc giục Colombia tiêu diệt các đường dây buôn lậu ma túy sang Mỹ. - RFI
|
|

13.
Các trường Ivy League giới hạn nhận sinh viên Mỹ gốc Á Châu

Nếu dựa trên các tiêu chuẩn bình thường thì anh Austin Jia là người rất có nhiều triển vọng được các trường trong nhóm “danh giá” Ivy League nhận vào. Nhưng tất cả các trường này đều bác đơn khi anh xin vào khóa mùa Thu 2015, theo The New York Times.

Trước khi gửi đơn vào các trường Ivy League, anh Jia tin rằng anh có nhiều cơ hội được nhận vào những trường như Harvard, Princeton hay Columbia, bởi vì anh có điểm GPA cao, điểm SAT hầu như hoàn hảo, cùng các hoạt động khác trong trường như ở trong đội hùng biện, trưởng đội quần vợt và ở trong giàn nhạc giao hưởng của tiểu bang.

Jia nói rằng, điều làm anh giận nhất là có các bạn học cùng lớp khác với điểm số thấp hơn, nhưng không phải là người Mỹ gốc Á Châu như anh, lại được nhận vào các trường này.

“Tôi nghĩ rằng mình đã quá ngây thơ về phương cách tuyển chọn sinh viên,” theo lời anh Jia, năm nay 19 tuổi.

Các sinh viên như anh Jia nay là một phần của đơn kiện cáo buộc Harvard là kỳ thị người Mỹ gốc Á Châu, qua việc “phạt” họ vì thành quả học tập quá cao và dành ưu tiên cho các giới thiểu số khác.

Vụ kiện này, nhiều phần sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện, đưa giới sinh viên người Mỹ gốc Á Châu thành tâm điểm mới nhất của cuộc tranh luận về thế nào là giúp đỡ những người bị kỳ thị. Vấn đề là phải chăng người Mỹ gốc Á Châu bị kỳ thị vì có nhiều trường muốn có được thành phần sinh viên đa dạng.

Bộ Tư Pháp Mỹ mới đây cũng cho thấy sẽ điều tra việc “cố ý kỳ thị dựa trên chủng tộc trong việc thu nhận sinh viên vào đại học” và có thể nhắm vào Harvard.

Trường hợp Harvard cho thấy tiến trình thu nhận sinh viên của một đại học có thể bị coi là bất hợp pháp vì dựa trên hạn ngạch (quota), trong đó cùng số người Mỹ da đen, người Hispanics, người Mỹ gốc Á Châu và người da trắng được nhận vào trường, năm này qua năm khác, dù có những giao động về số người nộp đơn và khả năng của ứng viên.

Ông Edward Blum, chủ tịch tổ chức “Students for Fair Admissions,” tổ chức đi kiện Harvard, nói rằng điều này vi phạm những quyền dân sự căn bản nhất của nước Mỹ, theo đó chủng tộc và màu da không thể là điều giúp hay hại một ai trong đời sống.

Tổ chức này trước đó cũng kiện đại học University of North Carolina ở Chapel Hill và University of Texas ở Austin, nói rằng sinh viên gốc da trắng bị giới hạn thu nhận vào những trường này vì chính sách hạn ngạch.

Bà Melodie Jackson, phát ngôn viên của Harvard, nói rằng chính sách thu nhận của trường là công bằng và họ nhìn mỗi ứng viên “trên khía cạnh toàn diện của một con người,” theo như tiêu chuẩn do Tối Cao Pháp Viện Mỹ đưa ra trước đây. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Nhiều người nghèo miền Tây bị lừa ‘đi Mỹ lao động’

Hàng chục người dân nghèo ở Sóc Trăng, Bạc Liêu đã gửi đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương vì bị lừa chiếm đoạt tiền đi “xuất khẩu lao động ở Mỹ.”

Theo báo Thanh Niên, qua xác minh của Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Sóc Trăng cho thấy, nhóm lừa đảo nhắm đến người nghèo Khmer, không hiểu rõ các quy định của nhà nước rồi vẽ ra viễn cảnh “đi lao động ở Mỹ có thu nhập cao, thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng.”

Nói với báo Thanh Niên, ông Sơn Sô Đa (39 tuổi) và vợ là bà Triệu Thị Thông (38 tuổi, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) cho biết gia đình chỉ có một công đất ruộng, cuộc sống khó khăn, hai con đang ăn học nên mong muốn có việc làm ổn định để trang trải cuộc sống.

Cuối năm 2016, một người tên Lâm Lên (33 tuổi, ở cùng xã) tìm đến nhà ông Đa, nói có quen với một người đang làm việc tại Mỹ. Người này muốn giúp người dân địa phương tìm việc làm ở Mỹ với thu nhập khoảng $1,000/tháng, được chủ bao ăn ở.

Tin lời, vợ chồng ông Đa cầm cố đất ruộng được một lượng vàng và vay thêm ngân hàng 5 triệu đồng, rồi đem mua được $3,000 đưa hết cho ông Lên để “lo giấy tờ” đi lao động kiếm tiền trả nợ, nuôi con. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, ông Lên chiếm đoạt rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Lúc này, vợ chồng ông Đa mới biết mình bị lừa.

“Lúc đầu, Lên bảo vợ chồng tôi đưa $1,000 để lo thủ tục cho hai người, nửa tháng sau, Lên nói đưa thêm $2,000 để hoàn tất giấy tờ. Gia đình đi vay mượn tiền đưa cho Lên, nhưng đến khi hỏi thăm tình hình thì Lên đã trốn khỏi địa phương. Hiện gia đình phải ôm nợ ngân hàng, chỉ có một công đất đã đem cầm cố rồi, nay phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày,” bà Thông nói.

Ông Thái Văn Bằng, trưởng công an xã Đại Ân 2, cho biết ngoài vợ chồng ông Đa, còn có 15 người khác ở địa phương đã gửi đơn đến công an xã tố cáo việc lừa đảo của ông Lên.

Theo ông Bằng, qua xác minh cho thấy, cuối năm 2016, một số người gồm ông Sơn Minh Hòa, bà Trần Thị Ngọc, bà Triệu Vên (đều ở xã Đại Ân 2) hiện đang sống và làm việc ở Mỹ, đã vận động, lôi kéo người dân địa phương làm hồ sơ sang Mỹ lao động.

Nếu đồng ý xuất cảnh thì họ giới thiệu gặp ông Lên để người này hướng dẫn làm hồ sơ. Quá trình làm hồ sơ, ông Lên yêu cầu mỗi người phải nộp từ $1,500 đến $5,000 và hứa sẽ nhờ vợ chồng bà Trần Thị Ngọc bảo lãnh sang Mỹ lao động với mức lương cao.

Với thủ đoạn trên, từ Tháng Mười, 2016, đến nay, nhóm người trên “làm hồ sơ” cho 106 trường hợp ở các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, và một số nơi ở tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, có 30 trường hợp đã đưa tiền cho Lên tổng cộng $57,000. Tuy nhiên, đến nay không có người nào được xuất cảnh, còn ông Lên thì bỏ trốn biệt tăm.

Ngoài ra, qua xác minh ở một số địa phương ven biển của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, tổng số người bị ông Lên lừa đảo lên đến hàng chục trường hợp.

Ngày 8 Tháng Tám, ông Nguyễn Minh Ngọc, phó giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Qua xác minh ban đầu, công an xác định đối tượng chủ mưu, xúi giục, lừa đảo người dân đi lao động ở Mỹ hưởng lương cao là Trần Thị Ngọc, quê xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, hiện sống và làm việc tại Mỹ.” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment