Wednesday, August 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 2/8

Tin Thế Giới

1.
Mỹ nói 'không là kẻ thù của Bắc Hàn'

Chính phủ Hoa Kỳ không có ý định thay đổi chế độ Bắc Hàn, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

"Chúng tôi không phải là kẻ thù của quý vị," ông Tillerson nói thêm rằng Hoa Kỳ muốn có một cuộc đối thoại với Bắc Hàn vào một thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc phương án chiến tranh với Bắc Hàn.

Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử tên lửa gần đây nhất có thể tấn công Bờ Tây Hoa Kỳ và xa hơn nữa.

"Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, chúng tôi không hối thúc bán đảo thống nhất, chúng tôi không tìm cớ để đưa quân đội Mỹ đến phía bắc vĩ tuyến 38," ông Tillerson nói, đề cập đến biên giới giữa hai miền.

"Chúng tôi không phải là mối đe dọa, nhưng quý vị lại đang thể hiện một mối đe dọa không thể chấp nhận khiến chúng tôi phải phản ứng."

Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 28/7 thách thức lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng ông Trump nói với ông có thể có một cuộc chiến tranh giữa hai nước nếu Bình Nhưỡng tiếp tục mục tiêu phát triển một chương trình hạt nhân đặt Mỹ trong tầm ngắm.

"Ông ấy nói với tôi về điều đó và tôi tin ông ấy", ông Graham nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today của NBC.

Không có lựa chọn tốt và quá ít thời gian

Phóng viên BBC Barbara Plett Usher, cho hay: "Vụ thử tên lửa tầm xa gần đây của Bắc Hàn làm gia tăng quan ngại về mối đe dọa mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Hoa Kỳ và khiến Washington cương quyết ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào. Đó là những gì mà tổng thống Trump nói với Thượng nghị sĩ Lindsey Graham.

Theo ông Tillerson, chiến lược hiện tại là duy trì hòa bình nhưng tăng áp lực kinh tế khiến Bắc Hàn thay đổi ý định.

Nhưng với những tiến bộ công nghệ đạn đạo thể hiện trong các vụ thử ICBM gần đây, ngày càng có nhiều nghi ngờ liệu việc phi hạt nhân hóa có thực sự khả thi.

Như mọi khi, không có lựa chọn tốt khi nói đến Bắc Hàn, nhưng lại còn ít thời gian hơn để thuyết phục họ. - BBC
|
|

2.
Mỹ định trả đũa thương mại Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc liệu có nên bắt đầu các biện pháp có thể thể dẫn đến việc áp thuế và đặt ra các hạn ngạch thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.

Các hãng tin của Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ đạo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer bắt đầu điều tra các cách giao dịch thương mại của Trung Quốc theo một điều khoản của Đạo luật Thương mại năm 1974. Điều khoản này nhằm mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ tránh bị cạnh tranh không công bằng khi giao thương với nước ngoài.

Các viên chức chính quyền nói một thông báo chính thức có thể được đưa ra trong vài ngày tới.

Tổng thống Trump và các thành viên nhóm cố vấn kinh tế của ông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại gây phương hại đến các doanh nghiệp Mỹ, từ việc nhập khẩu thép quá mức đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Trong một bài báo được tờ Wall Street Journal đưa ra, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross cáo buộc Trung Quốc, cũng như châu Âu, đã trợ cấp xuất khẩu thông qua các hình thức như "cấp tiền, cho vay với lãi suất thấp, trợ cấp năng lượng, hoàn thuế giá trị gia tăng đặc biệt" và các hình thức khác.

Mặc dù có nhiều lời phàn nàn, chính quyền Trump vẫn nhấn mạnh sự hợp tác với Bắc Kinh trong suốt 6 tháng đầu nhiệm kỳ. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại song phương vào tháng trước đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào. Chính quyền Trump đã trở nên ngày càng thất vọng với sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên để khống chế các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. - VOA
|
|

3.
Trump: Maduro chịu trách nhiệm về an toàn của thủ lĩnh đối lập Venezuela

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông quy cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải "đích thân chịu trách nhiệm" về sức khoẻ và sự an toàn của hai lãnh đạo đối lập bị cảnh sát bắt giữ giữa đêm khuya.

Ông Trump nói trong một tuyên bố vào tối 1/8:

"Hoa Kỳ lên án các hành động của chế độ độc tài Maduro. Ông Lopez và ông Ledezma là những tù nhân chính trị bị chính quyền cầm giữ bất hợp pháp ... chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi là phải thả tất cả các tù nhân chính trị ngay lập tức và vô điều kiện".

Video trên Twitter cho thấy các nhân viên tình báo kéo các ông Leopoldo Lopez và Antonio Ledezma ra khỏi nhà họ và đẩy vào xe ô tô.

Hai người đã bị quản thúc tại gia vì các hoạt động đối lập trước đây. Toà án tối cao Venezuela nói "các nguồn tin tình báo chính thức" cảnh báo rằng các ông Lopez và Ledezma đã lên kế hoạch chạy trốn.

Luật sư của ông Lopez, Juan Carlos Gutierrez, đã bác bỏ việc thân chủ của mình vi phạm các quy định quản thúc.

Vụ bắt giữ diễn ra hai ngày sau một sự kiện mà Tòa Bạch Ốc gọi là “sự thâu tóm quyền lực trắng trợn của ông Maduro thông qua một cuộc bầu cử giả mạo”, ý nói đến cuộc bỏ phiếu hôm 30/8 về một hội đồng soạn lại hiến pháp, 70% người Venezuela đã nói họ phản đối.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson gọi vụ bắt các nhà lãnh đạo đối lập là "rất đáng báo động" và nói tình hình nhân đạo ở Venezuela "đang trở nên nghiêm trọng".

"Chúng tôi đang đánh giá tất cả các lựa chọn chính sách của chúng tôi về những gì chúng tôi có thể làm để tạo ra sự thay đổi về các điều kiện, khi đó, ông Maduro hoặc là quyết định rằng ông không có tương lai và tự muốn ra đi hoặc là chúng tôi có thể đưa các quy trình của chính phủ trở về với hiến pháp của họ", ông Tillerson phát biểu. - VOA
|
|

4.
Biển Đông: Khung COC sẽ không nhắc đến phán quyết quốc tế La Haye --- Mỹ tìm kiếm thủy thủ mất tích trên Biển Đông

Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 đã mở ra từ hôm nay 02/08/2017 tại Manila, thủ đô Philippines, với cuộc họp của các quan chức để chuẩn bị cho loạt hội nghị cấp ngoại trưởng sắp tới, trong nội bộ ASEAN, cũng như với các đối tác. Đáng chú ý là Hội Nghị Ngoại Trưởng của Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF, và của khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS, tập hợp các nước ASEAN và các đối tác, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Mỹ, Nga, Ấn Độ… Theo nước chủ nhà, có ngoại trưởng của 27 quốc gia tham gia các hội nghị tại Manila.

Nổi bật nhân hội nghị ngoại trưởng thường niên của khối Đông Nam Á lần này vẫn là hồ sơ Biển Đông, với việc thông qua dự thảo khung của Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (tên tắt tiếng Anh là COC), mà Khối Đông Nam Á sẽ ký với Trung Quốc.

Bản dự thảo về thỏa hiệp khung COC đã được Trung Quốc và ASEAN đúc kết hồi tháng 5 vừa qua tại Quý Châu (Gui Zhou). Theo thủ tục, dự thảo này sẽ được chính thức thông qua tại Hội Nghị Ngoại Trưởng của toàn khối ASEAN ngày 05/08, rồi tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc sau đó một hôm.

Cho đến nay, nội dung dự thảo khung COC hoàn toàn được giữ kín, tuy nhiên vào hôm qua, phát ngôn viên Robespierre Bolivar bộ Ngoại Giao Philipines tiết lộ rằng phán quyết vào năm ngoái 2016 của Tòa Trọng Tài La Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông có thể sẽ không được nhắc đến trong thỏa thuận khung về Bộ Quy Tắc Ứng Xử.

Theo ông, thỏa thuận này chỉ mang nội dung « khái quát », nhắc đến những « cơ sở nền tảng của luật pháp » và « phác họa » các nguyên tắc hành xử của các bên tại Biển Đông mà thôi, do đó rất có thể là sẽ không đề cập đến một điều cụ thể như là phán quyết về Biển Đông của quốc tế.

Khi bị báo giới chất vấn là cơ sở nền tảng của luật pháp trong thỏa thuận khung về COC đó có bao hàm phán quyết La Haye hay không, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines cho biết : « Điều đó còn tùy. Đây là một tiến trình thương thảo. Nhưng như đã nói, phán quyết đó đã được gộp vào trong án lệ quốc tế rồi ».

Theo hãng tin Mỹ AP, một số người đã chỉ trích một thỏa thuận khung về COC mà chỉ là một bản phác thảo ngắn gọn về các nguyên tắc đã được thông qua trước đây, và không đề cập đến các quan ngại nẩy sinh do việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, cũng như không nói gì về phán quyết quốc tế đã phủ nhận cơ sở pháp lý trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ công du Đông Nam Á

Bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua đã xác nhận là ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ đến Manila tham gia các hội nghi của khối Đông Nam Á ASEAN và sẽ thảo luận với các đồng nhiệm về ba hồ sơ chính : Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, an ninh trên biển và chống khủng bố.

Nhân dịp này, ông Tillerson cũng sẽ ghé thăm hai nước Đông Nam Á khác là Thái Lan và Malaysia. Đối với bộ Ngoại Giao Mỹ, chuyến công du Đông Nam Á của ngoại trưởng Tillerson là dấu hiệu tái khẳng định quyết tâm « mở rộng và tăng cường » lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. - RFI

***
Các tàu của Hải quân Mỹ và Nhật thực hiện tìm kiếm một thủy thủ mất tích thuộc tàu khu trục mang tên lửa điều hướng USS Stethem khi tàu hoạt động ở Biển Đông hôm 1/8.

Đã có trình báo về việc thủy thủ bị mất tích lúc 9h sáng, giờ địa phương, hôm 1/8.

Sáng 2/8, giờ địa phương, hai tàu thuộc Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật là tàu chở trực thăng Izumo và tàu khu trục Sazanami đã tham gia cuộc tìm kiếm cùng tàu Stethem, theo lời các quan chức. Máy bay trực thăng của tàu Izumo đã được triển khai.

Trung tâm Tìm kiếm Quân nhân Hỗn hợp ở Hawaii cũng cung cấp sự trợ giúp.

Các quan chức Hải quân Mỹ chưa công bố danh tính của người thủy thủ vì cuộc tìm kiếm đang diễn ra.

Đây là lần thứ hai có một cuộc tìm kiếm-cứu nạn lớn ở vùng châu Á-Thái Bình Dương trong mùa hè này. Cuộc thứ nhất diễn ra hồi tháng 6 và kết thúc sau 50 giờ tìm kiếm ngoài khơi Okinawa. Vài ngày sau, người ta phát hiện rằng người thủy thủ mất tích đã trốn trong buồng máy.

Trước đó cũng trong tháng 6, Hải quân Mỹ bị mất một thủy thủ của tàu tuần dương Normandy ở ngoài khơi North Carolina. - VOA
|
|

5.
Mỹ và Iran tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran đã bỏ qua các “hoạt động của Iran gây bất ổn trong khu vực,” như chương trình tên lửa đạn đạo, hỗ trợ khủng bố và vai trò của Tehran trong các cuộc xung đột ở Iran, Syria và Yemen.

Ngoại trưởng Tillerson phát biểu như trên trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba 1/8 khi các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ và Iran cáo buộc nhau việc vi phạm thỏa thuận hạt nhân, chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA), theo đó hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đảm bảo rằng nước này không thể sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời đưa ra biện pháp giảm nhẹ lệnh trừng phạt Iran.

Ông Tillerson nói: "Đây là một thỏa thuận trước hết nên phục vụ lợi ích của người Mỹ, và nếu thỏa thuận này không phục vụ lợi ích đó thì tại sao chúng ta lại duy trì?"

Ông Tillerson cho biết hôm thứ Ba 1/8 rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các bên khác, bao gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức để thực hiện đầy đủ các điều khoản và buộc Iran phải "giữ đúng cam kết và tinh thần của thỏa thuận."

Ông Tillerson cũng nói rằng hoạt động tên lửa đạn đạo của Iran vẫn tiếp diễn, và như vậy là vi phạm tinh thần của thỏa thuận. Điều này cũng có nêu trong JCPOA, theo đó Iran đã đồng ý "trở thành một quốc gia láng giềng tốt."

Không có điều khoản cụ thể nào trong thỏa thuận JCPOA ra lệnh cho Iran phải cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, nhưng một phần của lời nói đầu của thỏa thuận nói rằng tất cả các bên ký kết "dự đoán rằng việc thực hiện JCPOA này sẽ góp phần tích cực vào hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế."

Ông Trump nói với Tạp chí Wall Street vào tuần trước rằng nếu ông có toàn quyền quyết định, ông có thể đã ra tuyên bố cách đây 6 tháng rằng Iran không tuân thủ thỏa thuận và ông mong muốn thực hiện điều đó vào cơ hội tiếp theo.

Iran đã đưa ra những cáo buộc, trong đó có tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif hôm thứ Ba 1/8 và của hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran.

Ông Larijani cho biết nhóm phụ trách thỏa thuận JCPOA của Iran đã kết luận rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân và chính phủ Iran nên đưa ra cáo buộc này với Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận, một ủy ban được thiết lập để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào những người có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và Đội bảo vệ Cách mạng của nước này.

Ngoại trưởng Liên minh châu Âu Federica Mogherini, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng thỏa thuận JCPOA, dự kiến sẽ tới Iran vào thứ Bảy 5/8 để xem xét việc thực hiện thỏa thuận với các quan chức Iran.

Tháng trước, khi đánh dấu lễ kỉ niệm hai năm ngày ký thỏa thuận, bà Mogherini đã ca ngợi rằng thỏa thuận đã thành công và nêu ghi nhận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy Iran đang tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Báo cáo mới nhất của IAEA hồi tháng Sáu ghi nhận rằng Iran đã cho phép các cơ quan giám sát và theo dõi quá trình tuân thủ thỏa thuận của Iran và nói rằng Iran đáp ứng các yêu cầu giới hạn về máy ly tâm, làm giàu chất liệu hạt nhân và giới hạn lượng chất liệu hạt nhân dự trữ. - VOA
|
|

6.
Làn sóng đào tị Bắc Triều Tiên vào Thái Lan ngày càng đông

Số người tị nạn Bắc Triều Tiên tràn vào Thái Lan bất hợp pháp mấy tháng qua gia tăng giữa lúc căng thẳng dâng cao tại bán đảo Triều Tiên vì những chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, giới chức Sở di trú Thái loan báo.

Thái Lan thường được chọn làm con đường quá cảnh của những người Bắc Triều Tiên chạy trốn quốc gia cộng sản nghèo khó này. Hàng trăm người Triều Tiên trốn sang Trung Quốc mỗi năm và từ đó sang Thái Lan bằng đường bộ. Những người này thường được chuyển tới Hàn Quốc.

Năm ngoái có 535 người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan. Trong nửa đầu năm nay, đã có 386 người đào tị sang Thái, theo dữ liệu của Sở Di trú Thái Lan được Reuters trích dẫn. Số này đang gia tăng đều đặn mỗi tuần.

“Trung bình mỗi ngày có từ 20 đến 30 người Bắc Triều Tiên đến miền bắc Thái Lan,” một giới chức Thái Lan nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Số người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan ngày càng tăng dù Bình Nhưỡng kiểm soát nghiêm biên giới với Trung Quốc. Làn sóng đào tị tăng cùng lúc với căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng gia tốc các cuộc thử nghiệm hạt nhân-phi đạn kéo theo những lời cảnh cáo của Washington rằng Mỹ đã mất kiên nhẫn với quốc gia cô lập này.

Tuy nhiên, Liên minh Công dân vì Nhân quyền Bắc Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Seoul, nói số người đào tị Bắc Triều Tiên đến Thái Lan không tăng trong năm.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết 593 người đào tị Bắc Triều Tiên tìm cách đào thoát tới Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm nay so với 1.418 người năm ngoái và 1.275 người trong năm 2015.

Giới chức di trú Thái Lan cho biết đa số những người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan tại vùng cực bắc gần Tam giác Vàng từ nước Lào láng giềng, nhưng một con đường mới đã xuất hiện xa hơn về phía nam.

“Chúng tôi thấy nhiều người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan tại vài tỉnh vùng đông bắc, dọc theo Sông Mekong trong vài năm qua,” Đại tá Hải quân Chonlathai Rattanaruang, một cấp chỉ huy của lực lượng tuần tra của Hải quân trên Sông Mekong, cho biết.

Một sĩ quan khác xác nhận khuynh hướng này. Ông nói với Reuters là nhiều nhóm người Bắc Triều Tiên đã vào Thái Lan qua các tỉnh vùng đông bắc giáp ranh Lào, trong đó có Nong Khai và Nakhon Phanom, nơi Sông Mekong trở thành biên giới quốc tế.

Thái Lan xem người Bắc Triều Tiên đào tị là những di dân bất hợp pháp hơn là những người tị nạn.

Thái Lan không ký vào Công ước Geneva về Người tị nạn năm 1951 và không có luật lệ rõ rệt về người tị nạn.

Thường nhà cầm quyền Thái, chính phủ Hàn Quốc và người đào tị thường dàn xếp với nhau một cách không chính thức.

“Những người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan để bị bắt nhằm có thể được tị nạn tại Hàn Quốc,” ông Roongroj Tannawut, một giới chức quận Chiang Khong gần Tam giác Vàng nói.

Người đào tị Bắc Triều Tiên vào Thái Lan bị bắt và bị xử về tội xâm nhập bất hợp pháp. Sau đó, họ được chuyển đến một trung tâm giam giữ tại Bangkok trước khi bị trục xuất, thường là sang Hàn Quốc.

“Vì Hiến pháp Hàn quốc công nhận tất cả người Triều Tiên là công dân của họ nên Thái Lan có thể xem Hàn Quốc là đích đến hợp pháp của những người Bắc Triều Tiên bị trục xuất,” ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong tổ chức Human Rights Watch, nói với Reuters.

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ít khi thanh lọc những người đào tị Bắc Triều Tiên tại Thái Lan vì có sự dàn xếp giữa Thái Lan và Hàn Quốc.

“Nhiều người Bắc Triều Tiên không đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc vì họ có những con đường khác an toàn hơn,” bà Vivian Tan, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại châu Á cho Reuters biết. - VOA
|
|

7.
Cảnh sát Đức thử máy nhận diện gương mặt

Cảnh sát Đức ngày 1/8 lần đầu tiên đặt máy nhận diện khuôn mặt tại một nhà ga chính ở Berlin, nhằm thử nghiệm công nghệ mới có thể giúp lần tìm dấu vết và bắt giữ những nghi can hình sự và khủng bố.

“Chúng tôi muốn thử nghiệm xem công nghệ này thực sự tốt như thế nào,” phát ngôn viên cảnh sát Jens Schobranski nói. Dự án thử nghiệm 6 tháng này nằm trong khuôn khổ lời hứa của phe bảo thủ bên Thủ tướng Angela Merkel nhằm gây quỹ cho cảnh sát và an ninh.

Các cuộc thăm dò dư luận về cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới cho thấy nhiều cử tri lo ngại về an ninh, một phần là sau những cuộc tấn công của những người xin tị nạn. Thực tế này gây nên những chỉ trích đối với quyết định của Thủ tướng Angela Merkel cho phép vào Đức hơn một triệu di dân.

Hình ảnh của hơn một chục người Đức tình nguyện được đưa vào hệ thống theo dõi để xem phần mềm mới có nhận diện được tốt hay không trong số các hành khách đi qua nhà ga Südkreuz, một trung tâm giao thông chính tại thủ đô Đức.

Quyền riêng tư là một đề tài nhạy cảm đối với nhiều người Đức vẫn còn lo sợ về các chính sách theo dõi dưới chế độ Đức Quốc Xã và mật vụ Stasi dưới thời Cộng sản Đông Đức.

Ông Ulrich Schellenberg, Chủ tịch Luật sư đoàn của Đức, nghi ngờ về sự hữu ích của công nghệ mới đối với cảnh sát. Cuộc tấn công tại Đức gây nhiều thương vong nhất hồi năm ngoái được thực hiện bởi một di dân vốn đã bị an ninh theo dõi, ông nói.

“Cải thiện an ninh không phải là khám phá cái gì mới mẻ mà là theo dõi chặt chẽ hơn những thông tin đã nắm được,” ông Schellenberg nói.

Anh Anis Amir, một người xin tị nạn bất thành hồi năm ngoái đã lái một xe tải càn vào ngôi chợ Giáng Sinh. Các nhân viên an ninh từng nghi anh này có kế hoạch tấn công nhưng thôi theo dõi sau khi kết luận nghi can không phải là một mối đe dọa. - VOA
|
|

8.
Bắc Kinh bành trướng xuống ASEAN với Con Đường Tơ Lụa qua Lào

Năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra dự án về con đường tơ lụa mới, mà gần đây được đặt tên là dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » (Belt and Road Initiative). Trong loạt bài viết « Mùa hè Figaro », đặc phái viên Sébastien Falletti của nhật báo thiên hữu giúp người đọc tìm hiểu năm chặng chính của dự án này, trong đó chặng thứ hai nói về « Hành lang kinh tế từ Côn Minh đến Singapore » với mục tiêu hoàn thiện vào khoảng năm 2025.

Có mặt tại Boten (Lào), đặc phái viên của Le Figaro miêu tả công trường hoạt động « 24/24 giờ », đang khoan đoạn đường hầm dài 9 km và sâu 40 mét trong lòng « Núi Hữu Nghị ».

Boten là thị trấn vùng biên, nằm giữa Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane (Lào), và trở thành « vùng đặc quyền kinh tế » được Lào cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm. Ở đây, 90% dân cư là người Hoa, ngôn ngữ chính là tiếng Hoa, luật lệ và giờ giấc được áp dụng theo Bắc Kinh, điện thoại di động bắt sóng của China Unicom và giao dịch có thanh toán được bằng Alipay, hệ thống trả tiền thông qua điện thoại di động của Alibaba.

Bà Đoạn Ôn Bình (Duan Wenping), giám đốc marketing của tập đoàn xây dựng Trung Quốc Haifeng Group thực hiện đoạn đường hầm, cho biết « người Lào được đưa hết ra khỏi khu vực. Họ quá chậm và không có tay nghề. Từ nay đến ba năm nữa sẽ có khoảng 30.000 người Hoa sinh sống tại đây và trong tương lai là 100.000 người ».

Thị trấn Boten sắp sửa « đổi đời » vì Bắc Kinh đang có ý định biến thành một thành phố rộng 34 km2 và là trạm tiền tiêu mới cho « nền văn minh Trung Hoa ». Theo bà Đoạn Ôn Bình, « nhờ những tuyến đường tơ lụa mới, Boten sẽ trở thành một trọng điểm giao thông, là nơi trung chuyển của các tuyến đường sắt và của một tuyến đường cao tốc nối liền với Bangkok ».

Để thực hiện dự án, 7 quả đồi sẽ bị san ủi để mở rộng diện tích thêm 10.000 ha. Khu đô thị mới sẽ có một trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng miễn thuế, một trường dạy tiếng Hoa, khoảng 10.000 phòng khách sạn để thu hút du khách Trung Quốc muốn tìm không khí trong lành, ba ngôi đền theo phong cách Lào sẽ được xây dựng để thêm phần dân dã và một trường đua ngựa 500 ha, được cho là « lớn nhất châu Á ».

Dự án được Nhà nước Trung Quốc ủng hộ, cho phép mượn được những khoản vay khổng lồ của Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc (China Construction Bank). Bà Đoạn Ôn Bình cho biết « Việc thương lượng với chính phủ Lào rất dễ dàng. Chỉ cần rót ít tiền lót tay là được ».

Các nước láng giềng tăng cường đề phòng Trung Quốc

Với đoạn đường hầm chiến lược xuyên « Núi Hữu Nghị », song song với trục đường cao tốc, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giữa Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào, xuống còn 10 giờ. Sau đó, tuyến đường sắt được nối tiếp bằng trục Vientiane-Bangkok vừa được Bắc Kinh ký nhiều thỏa thuận trị giá 5,2 tỉ đô la với chính quyền quân sự Thái Lan (song song với một dự án đường bộ từ bắc Thái Lan đến Bangkok). Mạng lưới này sẽ được nối vào tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore mà Malaysia vừa khởi công xây dựng.

ASEAN là khu vực quan trọng về kinh tế, cũng như về địa chiến lược. Bà Đoạn Ôn Bình giải thích : « Đường cao tốc tới Bankok sẽ nối với cảng Moulmein ở Miến Điện, một quốc gia quan trọng với Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh, nguồn tiếp tế đến từ châu Âu hay Trung Đông sẽ không còn bị phụ thuộc vào mỗi eo biển Malacca, do Singapore kiểm soát ».

Với điều kiện Miến Điện tham gia cuộc chơi, Trung Quốc mới chấm dứt được « thế nước đôi của Malacca » mà cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nhắc đến, nhằm ám chỉ đến việc 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông phải đi qua khu vực này, trong khi Singapore là một đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc đang tràn xuống Đông Nam Á, nhưng vấp phải sự lo ngại ngày càng lớn của các nước trong vùng trước một « cuộc xâm lược » mới. Chỉ có Lào là mắt xích yếu trong vùng, giữa một bên là Việt Nam chống Trung Quốc và bên kia là Miến Điện ngày càng hoài nghi. Lào trở thành trung gian giúp Bắc Kinh vươn xuống miền nam. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan thuộc đại học Baptiste Hồng Kông đánh giá « đảng Pathet Lào là một băng đảng mafia và Lào đã thành một vệ tinh của Trung Quốc ».

Trung Quốc là nước có lợi nhất trong dự án Con Đường Tơ Lụa Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ hưởng 70% lợi nhuận từ tuyến đường sắt và có thể xây dựng những dự án bất động sản sinh lời dọc bên đường. Các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sử dụng lao động người Hoa. Còn người Lào sẽ chỉ hưởng « đầu thừa đuôi thẹo », như làm dọn phòng trong khách sạn.

Thế nhưng, sự phát triển quy mô lớn này lại che giấu những điểm yếu khổng lồ bên trong. Theo bà Đoàn, « dự án một con đường, một vành đai là điều không thể tránh được, vì nếu không, tình trạng sản xuất dư thừa của ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ bùng nổ ». Bắc Kinh xuất khẩu mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng và nguồn tín dụng dễ dãi với nguy cơ hình thành những thành phố ma mới và khối nợ cao như núi bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. - RFI
|
|

9.
Quốc Hội Brazil bỏ phiếu quyết định số phận tổng thống Temer

Hôm nay 02/08/2017 là ngày Quốc Hội Brazil bỏ phiếu quyết định số phận của tổng thống đương nhiệm Michel Temer. Ông Michel Temer là tổng thống Brazil đầu tiên bị cáo buộc tham nhũng khi còn đương nhiệm.

Theo Reuters, chưởng lý Rodrigo Janot nghi ngờ tổng thống Temer nhận 140.000 euro tiền hối lộ của doanh nghiệp chế biến thịt lớn nhất thế giới JBS. Đây được coi là một nghi án tham nhũng lớn ở Brazil. Chưởng lý Rodrigo Janot cho biết còn có thêm ít nhất 2 cáo buộc khác chống tổng thống.

Tổng thống Temer đang làm mọi việc để tránh không bị Hạ Viện quyết định đưa ông ra xét xử ở Tòa Án Tối Cao. Để được thông qua, Hạ Viện phải có ít nhất 342 phiếu thuận trên tổng số 513 dân biểu. Nếu bị đưa ra Tòa Tối Cao, tổng thống Temer rất có thể sẽ bị buộc tội và bị truất phế.

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến vào tuần trước, tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Temer đã giảm xuống còn 5%, tỉ lệ thấp kỷ lục kể từ cuối thời kỳ độc tài quân sự năm 1985.

Theo thăm dò này, 81% dân chúng Brazil mong muốn Hạ Viện thông qua việc đưa tổng thống Temer ra xét xử ở Tòa Án Tối Cao. Tuy nhiên AFP trích một nguồn tin thân cận của tổng thống Temer cho biết khả năng này rất khó xảy ra, vì 200 dân biểu của 5 đảng lớn ở Brazil đã quyết định ủng hộ tổng thống. - RFI
|
|

10.
Venezuela: Chính trường rối ren sau kết quả bầu cử Quốc Hội Lập Hiến

Ba ngày sau bầu cử Quốc Hội Lập Hiến Venezuela, tình hình tại chỗ rối ren hơn bao giờ hết. Phe đối lập đang đi tìm một hướng đi mới : cuộc biểu tình được dự trù hôm nay 02/08/2017 bị dời lại một ngày, đúng vào lúc 545 thành viên Quốc Hội mới bắt tay vào việc soạn thảo Hiến Pháp mới. Tương lai Quốc Hội hiện tại trong tay phe đối lập chưa biết đi về đâu.

Theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI từ thủ đô Caracas, Julien Gonzalez, Venezuela vẫn trong tình trạng bấp bênh, cả về phía đối lập lẫn chính quyền :

"Tương tự như hình ảnh lãnh đạo đối lập Leopoldo Lopez, đã bị bắt trở lại, Venezuela đang thực sự trong một tình trạng bấp bênh. Một tháng trước, nhân vật này được ra tù và bị quản thúc tại gia, nhiều người đã xem đây là một cử chỉ hòa hoãn của chính quyền, cho đến khi ông này bị bắt trở lại.

Một dấu hiệu khác : đó là sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 30/07/2017, phải đợi đến chiều tối ngày hôm qua chủ tịch Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia mới công bố danh tính các ứng viên đắc cử, sắp xếp theo nghề nghiệp trong xã hội. Thế nhưng hội đồng này lại không thể khẳng định là những người đắc cử liệu có thuộc 545 đại biểu trong Quốc Hội Lập Hiến sắp tới hay không. Trong khi đó, phiên họp đầu tiên của Quốc Hội mới sẽ mở ra vào ngày mai 03/08/2017. Trước đó, mọi người đã tưởng là phiên họp đầu tiên này phải diễn ra hôm nay.

Trong bối cảnh đó, phe đối lập Venezuela cũng hoang mang không kém. Tối thứ Hai, trong một cuộc tập họp ở phía đông Caracas, phe này kêu gọi xuống đường vào hôm nay và chiếm đóng trung tâm thủ đô. Nhưng đến 10 giờ đêm hôm qua, thì lại đổi kế hoạch. Trên mạng xã hội Twitter, phó chủ tịch Quốc Hội hiện tại, kêu gọi biểu tình vào Thứ Năm.


Nói tóm lại, tình hình liên tục thay đổi nhanh chóng trong những giờ qua. Có một điều chắc chắn, đó là nội trong ngày hôm nay, Quốc Hội trong tay phe đối lập sẽ họp lại với khẩu hiệu "Vì một chính quyền dân chủ cho Venezuela". - RFI
|
|

11.
Khí CO2 tăng, chất đạm trong gạo giảm

Khí thải CO2 tăng cao trong khí quyển, khiến Trái đất bị hâm nóng, cũng đồng thời là nguyên nhân làm sụt giảm chất lượng dinh dưỡng của nhiều cây lương thực chính như gạo và lúa mì, trước hết là đạm và sắt. Sức khỏe của hàng trăm triệu cư dân nhiều nước đang phát triển bị đe dọa.

AFP hôm 02/07/2017, giới thiệu nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ngành y, đại học Harvard, Hoa Kỳ, được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives. Theo đó, chỉ riêng tại 18 nước được nghiên cứu, khoảng 5% lượng đạm trong lúa mì, gạo và một số cây lương thực cơ bản khác, có nguy cơ bị hao hụt (từ đây đến 2050), do lượng CO2 tăng cao, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây trồng.

Hiện tại có đến 76% dân cư toàn cầu dựa chủ yếu vào nguồn đạm thực vật của các cây lương thực. Dự kiến ít nhất trong thời gian tới, sẽ có thêm 150 triệu người bị thiếu chất đạm. Riêng tại Ấn Độ, sẽ có thêm khoảng 53 triệu nạn nhân. Các hệ quả nói trên của việc CO2 tăng cao trong bầu khí quyển có thể khiến tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng miền nam sa mạc Sahara (châu Phi), vốn đã nghiêm trọng, càng thêm tồi tệ.

Nghiên cứu nói trên do giáo sư Samuel Myers - bộ môn sức khỏe môi trường, khoa y tế công đại học Havard - chủ trì, được quỹ của vợ chồng tỉ phú Bill Gates tài trợ một phần.

Đồng thời với nghiên cứu nói trên, một điều tra khác cũng với giáo sư Myers là đồng tác giả, được công bố trên tạp chí GeoHealth, hôm qua 01/08, cho thấy CO2 tập trung cao làm giảm lượng sắt trong các lương thực căn bản. Trong những thập niên tới, cư dân của nhiều nước Nam Á và Bắc Phi có thể sẽ bị thiếu hụt khoảng 4% lượng sắt trong khẩu phần hàng ngày. Nạn nhân hàng đầu là khoảng 354 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và hơn một tỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Sắt đóng nhiều vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, trước hết là việc tạo nên hồng cầu trong máu. Thiếu sắt khiến lượng oxy được vận chuyển đến các tế bào bị giảm. Người thiếu sắt thường gặp một số triệu chứng ban đầu như choáng váng, chóng mặt.
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Tillerson, Trump ‘không vui’ về các lệnh trừng phạt Nga

Sau 6 tháng nắm chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson lần đầu tham gia cuộc họp báo hàng ngày tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/8.

Ông Tillerson nói ông đã nhiều lần cảnh báo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia hiện đang xấu nhưng thậm chí có thể còn xấu hơn nữa, và thực tế vừa diễn ra như vậy. Theo quan điểm của ông Tillerson, các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga mà Quốc hội Hoa Kỳ ban hành hồi tuần trước không "giúp ích gì".

Ông phát biểu:

"Về hành động của Quốc hội áp dụng các biện pháp trừng phạt này và cách họ làm, cả tổng thống lẫn tôi đều không vui về điều đó. Chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ giúp ích cho nỗ lực của chúng tôi, nhưng đó là quyết định mà họ đã đưa ra. Họ làm điều đó theo một cách rất áp đảo".

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại khác, như Đại sứ John Herbst thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, khi nói chuyện với VOA thông qua Skype, đã hoan nghênh các biện pháp trừng phạt Nga được Quốc hội Mỹ thông qua và nó cũng sẽ có lợi cho Ukraine, Gruzia và các nước khác cảm thấy bị Nga đe dọa.

Ông Herbst nói:

"Tôi tin rằng các bước mà Quốc hội vừa mới thực hiện rất tích cực đối với chính sách của chúng ta đối với Ukraine. Bởi vì rõ ràng là cái giá Kremlin phải trả đang tăng lên. Và nếu cái giá quá cao, Moscow sẽ phải xoay chiều chính sách của họ ở Donbass. Và nếu họ xoay chiều chính sách đối với Donbass, có thể sẽ có tác động tích cực trong trung hạn và dài hạn đối với chính sách của họ ở Gruzia". - VOA
|
|

13.
Hoa Kỳ cấm du hành đến Bắc Hàn từ đầu tháng 9

Hoa Kỳ sẽ chính thức bắt đầu cấm công dân của mình đi đến Bắc Hàn từ ngày 1/9.

Lệnh cấm được công bố hôm 2/8 trên Công báo Liên bang, theo đó cấm người Mỹ du hành đến Bắc Triều Tiên vì có nguy cơ nghiêm trọng là họ có thể bị "bắt giữ và giam giữ lâu dài".

Lệnh cấm có đoạn "Tất cả các hộ chiếu Hoa Kỳ bị tuyên là vô giá trị cho việc du hành đến, ở trong, hoặc đi qua CHDCND Triều Tiên trừ khi được dành cho biệt lệ về việc du hành như vậy".

Việc đi lại vì mục đích nhân đạo, và trong một số trường hợp là đi lại vì mục đích báo chí, sẽ được miễn trừ. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong một năm trừ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bãi bỏ sớm hơn.

Quyết định cấm du hành được đưa ra sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người đã qua đời sau khi rơi vào tình trạng hôn mê trong nhà tù Bắc Triều Tiên.

Warmbier bị kết án lao động khổ sai ở Bắc Triều Tiên sau khi bị buộc tội cố trộm một tấm áp phích tuyên truyền từ một khách sạn ở Bình Nhưỡng.

Người đàn ông 22 tuổi này đã được đưa khẩn cấp vì lý do y tế về Hoa Kỳ hồi tháng trước trong tình trạng tổn thương não nặng.

Sau cái chết của ông Warmbier, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông đã hết kiên nhẫn với chế độ Bắc Triều Tiên. Ông gọi sự đối xử với Warmbier là "một sự ô nhục hoàn toàn" và mô tả chính phủ Bắc Triều Tiên là một chế độ tàn bạo không "tôn trọng pháp quyền hoặc nhân phẩm cơ bản". - VOA
|
|

14.
Máy bay bán "ế" cho Nga, dành cho tổng thống Mỹ

AFP ngày 01/08/2017 trích dẫn một nguồn tin thông thạo tiết lộ, không giao hàng được cho Nga, Boeing tìm cách "bán lại" hai chiếc 747-8 cho Nhà Trắng. Hai chiếc máy bay đó sẽ trở thành những chiếc chuyên cơ của tổng thống Mỹ trong tương lai.

Boeing chế tạo hai chiếc máy bay đặc biệt 747-8 cho tập đoàn hàng không Nga Transaero, thể theo một hợp đồng được ký kết năm 2013. Thế nhưng hai năm sau đó, Transaero tuyên bố phá sản và thế là Boeing phải đi tìm một nguồn tiêu thụ mới cho hai chiếc máy bay "tồn kho" được bảo quản tại phi trường Mojave Desert-California.

Vẫn theo nguồn tin trên, tập đoàn Boeing nảy ra sáng kiến, thiết kế lại hai sản phẩm không bán được cho khách hàng Nga đó thành những chiếc Air Force One, loại máy bay hạng sang, trang bị thêm nhiều phương tiện bảo vệ an ninh để phục vụ nguyên thủ Hoa Kỳ.

Khi mới lên cầm quyền tổng thống Trump đã chỉ trích Boeing bán máy bay quá đắt cho chính phủ. Do vậy, lần này nhà sản xuất có cơ sở tại Seattle quyết định cung cấp cho Nhà Trắng với giá phải chăng là 390 triệu đô la. Nhưng bên cạnh đó phải tính thêm một loạt các khoản phụ trội khi các hệ thống điện tử cần được tăng cường an ninh, xứng tầm là một phương tiện chuyên chở tổng thống Mỹ. Theo các nguồn tin thông thạo thì hóa đơn sẽ tăng lên rất nhanh với một số các "trang thiết bị đặc biệt".

Bộ Quốc Phòng Mỹ dự trù ngân sách 3 tỷ đô la để tậu hai chuyên cơ mới cho tổng thống Hoa Kỳ. Tuy vậy ít khi nào Lầu Năm Góc sử dụng hết ngân sách đó để mua máy bay mới, dù là để mua Air Force One phục vụ lãnh đạo số 1 tại siêu cường số 1 toàn cầu. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

15.
Đức trục xuất đại sứ và đại diện tình báo Việt Nam --- Đức đòi Hà Nội 'trả' Trịnh Xuân Thanh --- Việt Nam rơi vào ‘thế kẹt’ với Đức

Tờ Financial Times vào ngày 2 tháng 8 loan tin Đức đưa ra thời hạn 48 tiếng buộc đại sứ Hà Nội và viên chức trưởng cơ quan tình báo Việt Nam tại Berlin phải rời khỏi Đức, sau khi xảy ra vụ việc một cựu quan chức dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh, được nói bị mật vụ Việt Nam sang tận Đức bắt cóc rồi đưa lậu ra khỏi nước này.

Tờ Financial Times dẫn lại nguồn của Bộ Công an Việt Nam nói là ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú với cơ quan công an tại thủ đô Hà Nội hôm thứ hai ngày 31 tháng 7 vừa qua. Trước đó khi còn ở Đức, ông Trịnh Xuân Thanh vừa lo chống bị trục xuất vừa tìm quy chế tỵ nạn.

Bộ Ngoại giao Đức vào ngày 2 tháng 8 ra thông cáo cho biết sau khi có bằng chứng rõ rệt hơn và đủ căn cứ không còn nghi ngờ gì về việc các cơ quan và đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có dính líu đến vụ bắt cóc công dân Việt Nam ngay tại thủ đô nước Đức, phía ngoại giao nước sở tại triệu đại sứ Việt Nam đến vào ngày 1 tháng 8.

Ngoài thời hạn rời nước Đức đưa ra đối với các quan chức Việt Nam có liên quan trong vụ việc; phía Bộ Ngoại giao Đức cũng ra thời hạn 48 tiếng đồng hồ, Việt Nam phải chấp thuận yêu cầu đưa ông Trịnh Xuân Thanh trả về lại Đức. Thời hạn chót cho yêu cầu này là vào trưa ngày 2 tháng 8.

Yêu cầu Hà Nội trả ông Trịnh Xuân Thanh lại về Đức là nhằm mục đích để biện pháp trục xuất cũng như việc xin quy chế tỵ nạn của ông Trịnh Xuân Thanh được xử lý theo đúng luật của Đức và luật pháp quốc tế.

Tờ Financial Times còn nói rõ giới chức Đức rất giận dữ vì vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh cách đây chưa đầy 1 tháng từng được thảo luận với phía Việt Nam ở một cấp cao nhân kỳ thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hamburg. Dịp đó thủ tướng Việt Nam được mời như một khách tham dự.

Financial Times nhắc lại Việt Nam là một đối tác kinh tế khiêm tốn của Đức. Kim ngạch mậu dịch song phương tổng cộng 9 tỷ đô la Mỹ. Cả hai phía cam kết nâng kim ngạch mậu dịch song phương lên 20 tỷ đô la Mỹ.

Tại Đức, có một cộng đồng người Việt bắt đầu kể từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh; lúc đó Hà Nội gửi sinh viên sang Đức để được đào tạo, rồi một số ở lại Đức. - RFA

***
Chính phủ Đức hôm 2/8 ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”

Thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”

Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa sau khi bộ Ngoại giao nước này cho rằng họ tiến hành vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.

Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”

Theo thông cáo này, đại sứ Việt Nam ở Đức đã bị triệu tập hôm thứ ba (1/8).

Chính phủ Việt Nam thông báo hôm 31/7 rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau hơn 1 năm chạy trốn vì bị buộc tội tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Bắt cóc giữa trung tâm Berlin

Trước khi thông cáo của Bộ ngoại giao Đức được đưa ra, một công tố viên ở Berlin hôm 2/8 cho VOA biết rằng cảnh sát Đức đang điều tra một vụ bắt cóc gần đây và khẳng định người bị bắt cóc là công dân Việt Nam.


Trước đó trong cùng ngày, nhật báo Taz của Đức có đăng bài viết về thông cáo của cảnh sát Berlin rằng họ đang điều tra một vụ bắt cóc một cựu quan chức chính phủ Việt Nam có tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra ngày 23/7 tại một công viên ở trung tâm của thủ đô nước Đức.

Khi được VOA hỏi phản ứng của Việt Nam về việc cảnh sát và báo chí Đức đưa tin vụ bắt cóc này, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói ông đang bận họp và “chưa thể trả lời.”

Theo tờ báo Taz, có tên đầy đủ là Die Tageszeitung, một nhân chứng người Đức đã chứng kiến vụ bắt cóc ngay tại trung tâm Berlin và xác nhận với cảnh sát. Theo lời tường thuật của nhân chứng được tờ báo này trích đăng bằng tiếng Đức, nạn nhân 51 tuổi đã bị một nhóm người có vũ trang lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.

Tờ báo này khẳng định những người đàn ông có vũ khí “thuộc mật vụ Việt Nam” và đăng kèm tấm ảnh của ông Trịnh Xuân Thanh với dòng chú thích bằng tiếng Đức cho rằng nạn nhân bị truy nã và đã bị mật vụ tóm.

Trưởng phát ngôn viên sở cảnh sát Berlin, Winfrid Wenzel, cho nhật báo Taz biết họ đang tiến hành điều tra “vì tình nghi về vụ việc bắt cóc và cưỡng ép bắt người.”

Công tố viên cao cấp Martin Steltner của Văn phòng Công tố Berlin nói với VOA rằng do “tính chất nhạy cảm” của vụ việc nên họ không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì tại thời điểm hiện tại.

Ông Steltner nói: “Tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ chi tiết gì về nghề nghiệp của người này hay chức danh của anh ta ở Việt Nam. Vâng, đó là một người đàn ông Việt Nam nhưng tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì nữa.”

VOA cũng đã liên lạc với sứ quán Việt Nam tại Đức xin bình luận về vụ việc này nhưng cho đến hết ngày 2/8 không nhận được trả lời.

"Không đủ cẩn thận"

Nhật báo Taz nói ông Trịnh Xuân Thanh đã từng xin tị nạn ở Đức vào những năm 1990, “giữa thời gian lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, nhưng lại tự nguyện hồi hương.”

Bài báo của Taz nhắc tới việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội,” mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

Việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội” được nhắc đến trong bài báo của Taz. Ông Thanh mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

Theo truyền thông trong nước, Chính phủ Việt Nam đưa ra lệnh truy nã đỏ đối với ông Thanh sau khi Bộ Công an khởi tố ông và ban tổng giám đốc của Tổng công ty PVC do “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý” để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh điều tra doanh nghiệp dầu khí này.

Một nguyên nhân khác, theo nhật báo của Đức, lý giải vì sao Việt Nam luôn thúc giục việc khẩn trương đưa ông Thanh về nước vì “trong nội bộ đảng Cộng sản ông là người phát ngôn cho một phe nhóm đang trở nên nguy hiểm cho người đứng đầu đảng.” Bài viết trên trang web của Taz trích lời một blogger người Việt ở Berlin nói như vậy.

Cũng theo tờ báo này, ông Thanh từng viết trên Blog rằng “ở nước ngoài ông ta muốn khai toạc và phanh phui những cơ cấu quyền lực ở những giới tối cao trong đảng và chính phủ.”

Nhưng ông Thanh đã không đủ cẩn thận, theo Taz nhận định. Từ một bức ảnh ông Thanh chụp tại một công viên vào mùa thu năm 2016, dấu vết của ông đã bị lần ra và “mật vụ chỉ cần truy tìm ở Berlin để bắt ông Thanh.” - VOA

***
Chính quyền Hà Nội đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, sau khi Berlin cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh trên đất của mình, và đòi đưa ông trở lại Đức, theo giới quan sát.

Trong thông cáo gửi cho VOA Việt Ngữ, Bộ ngoại giao Đức nói rằng vụ bắt này “chưa từng có tiền lệ và vi phạm trắng trợn luật pháp của Đức cũng như quốc tế”.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một người nghiên cứu về Việt Nam lâu năm ở Mỹ, nhận xét rằng Hà Nội đang ở trong “thế kẹt”.

Ông nói thêm: “Nếu đúng, nó tạo ra thế khó xử cho Việt Nam. Tạo thêm rắc rối. Đây là vấn đề ngoại giao khó xử. Nó tạo ra một tình huống tương đối là xấu”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh rằng “không còn nghi ngờ” về chuyện “các cơ quan của Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin có liên quan” tới vụ này.

Tới tối ngày 2/8 (giờ Việt Nam), cơ quan đại diện ngoại giao của Hà Nội ở thủ đô Đức chưa trả lời yêu cầu bình luận từ VOA tiếng Việt. Bộ Công an Việt Nam trước đó ra thông cáo nói rằng ông Thanh đã "ra đầu thú", nhưng không nói rõ chi tiết về việc này.

Về những diễn biến sắp tới, giáo sư Hùng nói rằng Việt Nam cần phải hồi đáp trước yêu cầu của chính quyền Berlin.
Ông nói tiếp: “Đòi hỏi của ngoại giao Đức thì phải giải quyết. Tùy việc giải quyết nó ra sao. Và khi giải quyết thì Việt Nam có priority (ưu tiên) gì? Trong nội bộ có mâu thuẫn gì không? Người nào sẽ chịu trách nhiệm? Người ta nói rằng làm cái gì phải biết cái giá mà ta phải trả”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nói rằng “sự việc kiểu này có nguy cơ gây tổn hại tới quan hệ giữa Đức và Việt Nam một cách hết sức bất lợi”.

Chính quyền Berlin cũng nói rằng Việt Nam đã “bội tín” sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị G20 ở Đức hồi đầu tháng trước.

Bình luận trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Lò Đức thiêu củi nào?”. Người từng tham dự nhiều cuộc gặp với các nhà ngoại giao phương Tây ở Hà Nội nhận xét rằng "chuyện tự nguyện về "đầu thú" là hoang đường" và rằng "hệ lụy ngoại giao không thể lường được".

Hôm 31/7, phát biểu tại một phiên họp về chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chuyện "lò" và "củi" trong việc chống vấn nạn này.

VietNamNet trích lời ông Trọng nói: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Ông Thanh bỏ trốn năm ngoái trong bối cảnh Tổng bí thư Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhất là vụ xe sang trị giá nhiều tỷ đồng.

Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng những sự kiện gần đây, trong đó có vụ ông Trịnh Xuân Thanh, “cho chúng ta thấy rõ hơn ý định của ông Nguyễn Phú Trọng”, và rằng lãnh tụ đảng cũng như đồng minh của mình có thể mở “cuộc oanh kích chống tham nhũng trên quy mô lớn đối với những gì không thể phớt lờ”.

Còn giáo sư Carl Thayer nói với VOA tiếng Việt rằng tham nhũng "giống như bị rỉ sét đang ăn mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam”, và đây là điều đã được các quan chức cấp cao của đảng “công khai thừa nhận trong hơn một thập kỷ qua”.

Nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam nói thêm: “Một trong những quyết định của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhận nhiệm sở lần đầu tiên đó là thành lập một đơn vị chống tham nhũng dưới sự giám sát của ông ấy. Thế mà các vụ tham nhũng lớn vẫn xuất hiện như vụ Vinashin và Vinalines. Ngoài ra, còn có tình trạng tham nhũng trong ngành ngân hàng. Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay đang đánh vào sự trì trệ dưới thời ông Dũng”.

“Đối với các quan chức hàng đầu của đảng, chiến dịch chống tham nhũng là điều cần thiết vì tham nhũng không chỉ gây tổn hại tới sự nắm quyền của đảng mà còn làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ở Việt Nam, các vụ chống tham nhũng không được tiến hành trong khuôn khổ của “pháp quyền” mà bằng “pháp trị””, giáo sư Thayer nhận định tiếp. - VOA
|
|

16.
Kinh tế Việt Nam phục hồi sau cú choáng TPP

Việt Nam, quốc gia phụ thuộc vào sản xuất hàng xuất khẩu, từng kỳ vọng Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một đột phá kinh tế. Nhưng khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam phải tìm phương cách khác để thu hút đầu nước ngoài.

Các chuyên gia phân tích rằng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước Châu Âu và các nước châu Á khác giúp nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam hồi phục sau việc hiệp định TPP bị dừng lại hồi đầu năm này.

Việt Nam, một trong 12 nước tham gia hiệp định TPP, chỉ choáng khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TTP vào tháng Giêng vì cho rằng hiệp ước thương mại này không tốt cho công nhân Mỹ.

TPP dự trù sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, Nhật Bản và các thị trường phát triển khác. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu Việt Nam chiếm trên 90% tổng giá trị kinh tế 202 tỷ đôla của nước này.

Ông Oscar Mussons, cố vấn cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Vào thời điểm Mỹ rút khỏi TPP, chúng tôi không thực sự không biết chắc mọi thứ sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam. Ông nói hồi tháng 1 ông nghĩ rằng các công ty Mỹ ít nhất sẽ quyết định không đầu tư nhà máy ở Việt Nam. Nhưng thành thực mà nói tâm lý không chắc chắn đó thực sự chỉ kéo dài một vài tuần.”

Các nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu dự trù một TPP khập khiễng sau khi ông Trump đắc cử vào tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, họ đã thúc đẩy các nước Châu Âu phê chuẩn một hiệp ước thương mại tự do với Liên minh châu Âu được ký vào năm 2015. Họ cũng đang xúc đẩy hiệp định thương mại với Ấn Độ, Trung Quốc và các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Việt Nam đã mở cửa đón du khách từ đối tác thương mại chính là Trung Quốc từ năm ngoái, và đã đón 2.2 triệu lượt khách trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Bảy.

Bản thân hiệp định TPP cũng có thể hồi sinh. Nhật Bản lên tiếng tại một cuộc họp ở Hà Nội vào tháng 5 rằng Nhật sẽ cố gắng hồi sinh TPP mà không có Hoa Kỳ.

Tự do hóa kinh tế ở trong nước đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mới thậm chí không có hiệp ước thương mại. Đầu tư trực tiếp tăng 9% trong năm ngoái, đạt 15,8 tỷ USD, và truyền thông Việt Nam dự báo con số này còn tăng trong năm nay. Các công ty nước ngoài, bao gồm cả Intel và Samsung Electronics, đã xem Việt Nam là nước có giá lao động và thuê đất rẻ.

Ông Mussons nói: "Việt Nam đã lèo lái khá tốt. Việt Nam có thể củng cố các hiệp định thương mại với các nước khác, đồng thời cố gắng quan hệ gần hơn với nước láng giềng."

Fiachra MacCana, trưởng bộ phận nghiên cứu của một công ty chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xuất khẩu đang gia tăng cùng với tiêu dùng trong nước, trong khi lạm phát không phải là một vấn đề. Ông hy vọng mức tăng trưởng kinh tế sẽ duy trì ở khoảng 6 đến 6.5% trong vòng 5 năm đến 10 năm tới. Mức tăng trưởng này sẽ vượt xa Châu Á.

Nền kinh tế tăng trưởng 6.21% vào năm 2016 và Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo sẽ đạt 6.3% trong năm nay.

Việt Nam giữ chân các nhà đầu tư bằng cách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như duy trì mức lương tối thiểu đủ để giữ sức hấp dẫn và miễn thuế cho các công ty làm việc trong các khu chế xuất. - VOA
|
|

17.
Hà nội tăng đàn áp bất đồng vì Tổng thống Mỹ ít quan tâm?

Việt Nam đã tăng cường đàn áp giới bất đồng trong một chiến dịch trấn áp lớn nhất tính từ nhiều năm nay, mà giới hoạt động nói là do thái độ thiếu quan tâm về vấn đề nhân quyền của chính quyền Tổng thống Trump, theo hãng tin Reuters hôm 2/8. Chiến dịch đàn áp leo thang trong thời gian dẫn tới hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay, có sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Một nhà quan sát tình hình Việt Nam khuyến cáo Hà nội chớ nên phớt lờ vấn đề nhân quyền và dân quyền, vì bất cứ nước nào muốn phát triển lâu dài đều phải chú trọng tới các quyền này.

Gần đây một số nhà hoạt động tại Việt Nam được thế giới biết tiếng đã bị tuyên những bản án tù lâu năm, như blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động môi trường Trần thị Nga. Gần đây hơn, 4 nhà hoạt động gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, nhà hoạt động Phạm Văn Trội và luật sư Nguyễn Bắc Truyển, bị bắt giữ.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố vẫn tiếp tục nhấn mạnh với Hà nội rằng các mối quan hệ song phương sẽ tùy thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền, nhưng theo Reuters, thái độ lơ là và quyết định của Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, đã triệt tiêu động lực để nhà nước cộng sản Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền ở trong nước.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc đại học Maine, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, nói một nước muốn phát triển, phải chú trọng tới nhân quyền và dân quyền, dù là có sức ép từ bên ngoài hay không.

“Nhân quyền và Dân quyền đi đôi với nhau nhưng cũng khác nhau. Bất cứ một nước nào muốn phát triển đều phải chú trọng tới hai vấn đề này. Dù Mỹ có thúc đẩy hay không, điều đó không quan trọng.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thừa nhận rằng cá nhân Tổng thống Trump không mấy quan tâm tới vấn đề nhân quyền:

“Hiện nay ông Trump bất cần vấn đề nhân quyền và cũng không cần dân quyền, ngay chính trong nước Mỹ, ông cũng đã phá truyền thống rất lâu dài của Mỹ về vấn đề nhân quyền và dân quyền. Ông thích những nước độc tài, thành ra lúc này không phải là lúc để nói chuyện về dân quyền.”

Tuy nhiên sức ép, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sẽ đến từ các dân biểu và nghị sĩ Mỹ vì các tổ chức xã hội dân sự, nhiều cử tri Mỹ và các đại biểu của họ trong quốc hội quan tâm tới vấn đề này.

“Nếu các dân biểu quốc hội hay nghị sĩ Mỹ đặt vấn đề thì Việt Nam phải nói rằng đây là một vấn đề mà chúng tôi cũng mong muốn, còn những chuyện đã vi phạm nhân quyền và dân quyền thì Việt Nam phải thẳng thắn nói là có chuyện đó, và chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để cải thiện, thì như thế về lâu về dài mới có người họ ủng hộ và bảo vệ Việt Nam.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam nên có một tầm nhìn xa hơn nếu muốn được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực mậu dịch, mà nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, an ninh vv…kể cả cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :

“Tôi nghĩ nên cho người ta biết là mặc dù trong thời gian ngắn hạn dưới thời ông Trump có thể là có những bước lùi nhưng về sau về dài thì Việt Nam nên hướng đến tương lai tốt hơn cho cả hai nước.”

Chính quyền Việt Nam một mực khẳng dịnh không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm ở Việt Nam, mà chỉ có những người phạm luật bị trừng phạt.

Trả lời chỉ trích về vụ xét xử blogger Mẹ Nấm, người mới được phu nhân Tổng thống, Melania Trump trao Giải Phụ nữ Dũng cảm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng nói:

“Phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.”

Mẹ của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Tuyết Lan, không được vào phòng xử trong phiên tòa ‘công khai’ đó.

Theo các dữ liệu do hãng tin Reuters thu thập thì từ đầu năm 2017 tới nay, có ít nhất 15 người bị bắt giữ, nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ sau chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trẻ vào năm 2011.

Reuters nói Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ‘bịt miệng các blogger và giới chỉ trích’, mà tiếng nói về các vấn đề, chẳng hạn như thảm họa môi trường tệ hại nhất ở Việt Nam từ trước tới nay, đã được phóng to qua các trang mạng xã hội tại một trong những nước có nhiều người sử dụng Facebook nhất. Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước hàng đầu thế giới về số người sử dụng facebook. - VOA
|
|

18.
Vụ bắt Trầm Bê 'thể hiện quyết tâm Tổng Bí thư'

Một chuyên gia về luật kinh tế bình luận với BBC rằng vụ bắt ông Trầm Bê "thể hiện quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" và "khả năng một vài ủy viên bộ chính trị bị khởi tố và điều tra chưa bao giờ gần đến thế."

Sau nhiều tháng có tin đồn về việc vướng vòng lao lý, ông Trầm Bê, cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng hôm 1/8.

Người cùng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng cùng thời điểm với ông Trầm Bê là ông Phan Huy Khang, cựu thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank.

Trước đó, hồi tháng 7/2017, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank "sai phạm nghiêm trọng".

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước thời điểm ấy, hành vi này "không gây thiệt hại cho Sacombank" nên đề nghị không xử lý ông Bê và các cá nhân về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

'Tín hiệu tốt'

Hôm 2/8, Chuyên gia luật kinh tế Nguyễn Việt Khoa nói với BBC từ TP. Hồ Chí Minh: "Tôi cho rằng việc bắt Trầm Bê là động thái thể hiện quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc làm trong sạch hệ thống thống ngân hàng Việt Nam, và trừng trị lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng vốn đã tồn tại trong thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước."

"Tôi dự liệu vụ án liên quan sai phạm của các lãnh đạo ngân hàng không chỉ dừng ở Trầm Bê và Hà Văn Thắm mà sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, vì Trầm Bê và các đồng sự của mình không thể thực hiện trót lọt [các phi vụ của họ] nếu không có sự đồng ý từ lãnh đạo ngân hàng nhà nước và chi nhánh ngân hàng nhà nước tại TP Hồ Chí Minh mà đứng đầu là cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhiệm kỳ trước."

"Dư luận đang trông chờ chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, người vừa được giao phụ trách thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh trong thời gian chữa bệnh, tiến hành trong thời gian tới."

"Theo tôi quan sát thì khả năng một vài một vài ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố và điều tra chưa bao giờ gần đến thế."

Ông Việt Khoa nói thêm: "Trước mắt, vụ này sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, nhưng về lâu dài, chiến dịch làm sạch hệ thống ngân hàng đặc biệt là xóa bỏ sở hữu chéo."

"Động thái mạnh mẽ này sẽ cảnh tỉnh một số ông chủ ngân hàng trong việc sử dụng ngân hàng thương mại để phục vụ đế chế kinh doanh riêng và về lâu dài là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nói chung, hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng."

"Điều quan trọng là chiến dịch này tạo được sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp, và nói thẳng ra, dù có đồng tình hay không thì cũng không ai dám đi ngược xu hướng chung mà ông Trọng đã tuyên bố trong cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng."

Cũng liên quan đến vụ việc, Luật sư Phạm Hoài Nam, công ty Luật Bến Nghé, bình luận trên mạng xã hội: "Làm sếp quản lý ngân hàng cần phải có trình độ ít nhất là cử nhân kinh tế và luật, không có hai lá bài hộ mệnh đó thì đừng có dại gì mà nhảy vào bởi rủi ro trong lĩnh vực này rất cao!" - BBC
|
|

19.
Việt Nam ra lệnh bắt 16 lãnh đạo ngân hàng

Hai cựu lãnh đạo của một ngân hàng tư nhân hàng đầu của Việt Nam đã bị chính quyền bắt giữ hôm qua, 01/08/2017, với cáo buộc tham ô khoản tiền tương đương hàng trăm triệu euro. Đó là ông Phan Huy Khang, nguyên tổng giám đốc Sacombank và ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank.

Theo thông báo của cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, được đăng tải trên website bộ Công An, hai lãnh đạo trên bị tạm giam với cáo buộc « cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ».Ngoài ra, bộ Công An cũng ra lệnh bắt 14 lãnh đạo khác của nhiều ngân hàng tư nhân và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

Theo hãng tin Pháp AFP, các nhân vật trên được cho là thông đồng với Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam, bí mật rút khối lượng tiền lớn khỏi tài khoản của khách hàng để cho các doanh nghiệp vay hoặc tự ý sử dụng, gây thiệt hại tới 660 triệu USD. Tháng 09/2016, 36 cựu nhân viên của Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam đã bị tuyên án tù giam, thậm chí có bị can bị kết án tới 30 năm tù.

Từ năm 2011, chính phủ Việt Nam bắt đầu chiến dịch cải cách sâu rộng hệ thống ngân hàng để lành mạnh hóa lĩnh vực này. Nhiều doanh nhân giàu có và nhiều quan chức đã bị bắt.

Năm 2015, Việt Nam là một trong những nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng quản lý ngân hàng vẫn còn nhiều yếu kém. Hiện ngành ngân hàng Việt Nam đang phải xử lý nhiều nợ xấu. - RFI
|
|

20.
Tù nhân lương tâm được trả tự do sớm 8 tháng

Tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Cường vào ngày 1 tháng 8 được trả tự do sớm hơn 8 tháng so với bản án 7 năm tù mà ông này bị tuyên với cáo buộc theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cựu tù nhân Nguyễn Ngọc Cường, 60 tuổi, vào chiều ngày 2 tháng 8 từ tư gia ở Gò Vấp, Sài Gòn cho Đài Á Châu Tự Do biết dù ra khỏi tù nhưng bản thân ông thấy bản án đối với ông là bất công và ông sẽ làm đơn để minh oan:

“Những trại giam như Xuân Lộc, Xuyên Mộc là trại hỗ trợ thi hành án, tức nơi phải thực thi pháp luật, nhưng họ không thực thi đúng pháp luật. Cho nên mặc dù bản thân tôi đã thi hành hết án 7 năm, nay về nhà bức xúc của tôi vẫn còn. Nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ làm đơn gửi đến Nhà nước để minh oan vì hiện tại tôi vẫn còn bức xúc lắm.”

Ông Nguyễn Ngọc Cường đưa ra lập luận về việc oan trái đối với bản thân:

“Tôi sẽ làm đơn gửi đến thủ tướng để hỏi họ làm như thế đối với tôi có chính đáng không. Vì đối trong mắt chính quyền cộng sản, họ cho tôi chống đối, trong thực tế tôi không nghĩ như thế; mặc dù họ đã giam tôi. Tôi là con người Việt Nam, yêu Việt Nam, yêu tự do, yêu chuộng nhân quyền, đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền; đó là quyền của tôi. Luật pháp Việt Nam qui định tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, và tôi không theo các ông (nhà nước hiện nay) không có nghĩa là tôi có tội. Sao lại bắt tôi?”

Ông Nguyễn Ngọc Cường cùng con trai là Nguyễn Ngọc Trường Thi và con dâu Phạm thị Bích Chi bị bắt vào đầu tháng tư năm 2010.

Ông Nguyễn Ngọc Cường và người con dâu làm ra hơn 3 ngàn tờ truyền đơn mà bị cáo trạng cho là ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Sau đó ông Nguyễn Ngọc Cường được con trai chở đi rải những truyền đơn đó dọc Quốc lộ 1A từ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ đến phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tòa hai cấp sơ và phúc thẩm kết án ông Nguyễn Ngọc Cường 7 năm tù giam. Còn con trai ông là Nguyễn Ngọc Trường Thi bị tòa sơ thẩm tuyên 2 năm tù nhưng toàn phúc thẩm giảm 6 tháng; riêng cô con dâu do vào thời điểm bị bắt đang có thai nên chỉ bị án treo.

Ông Nguyễn Ngọc Cường là một trong những tù nhân từng nổi dậy phản đối trại giam Xuân Lộc vào ngày 30 tháng 6 năm 2013. Sau đó ông bị chuyển đến trại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ông này từng ở tù chung với một số nhân vật đấu tranh khác như tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… - RFA
|
|

21.
Hãng Repsol lên tiếng về việc ngưng khoan thăm dò tại lô của Việt Nam

Hãng Repsol của Tây Ban Nha chính thức xác nhận việc ngưng khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters loan tin vừa nêu vào ngày 2 tháng 8 dẫn lời viên chức phụ trách tài chính của Repsol, ông Miguel Martinez, xác nhận Repsol đang làm việc với PetroVietnam và cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội và bình luận duy nhất mà ông này có thể đưa ra lúc này là hoạt động khoan thăm dò đã ngưng.

Ông Miguel Martinez còn nhắc đến khoản kinh phí chi ra cho giếng khoan thăm dò tại lô 136/3 cho đến nay là 27 triệu đô la Mỹ.

Hoạt động khoan thăm dò tại lô này được cho biết bắt đầu vào giữa tháng sáu theo giấy phép cấp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Repsol của Tây Ban Nha và Công ty Phát triển Mubadala của Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Lô 136/3 nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền.

Reuters dẫn nguồn tin thông thạo trong lĩnh vực dầu khí cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội cho ngưng hoạt động khoan thăm dò và quyết định được Hà Nội đưa ra sau chuyến thăm của một phái đoàn Việt Nam sang Trung Quốc về. Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc chỉ vì chuyện khoan thăm dò như thế.

Trong tuần này, Tạp chí Foreign Policy cho biết Trung Quốc đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu như không cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/3. Theo Tạp chí này thì quyết định cho ngưng được đưa ra sau những cuộc họp căng thẳng của Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam.

Phía chính quyền Việt Nam chưa xác nhận tin cho ngưng khoan thăm dò dầu khí tại lô 136/03; nhưng trong tuần người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời báo giới lên tiếng bảo vệ các hoạt động liên quan dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo qui định của luật pháp quốc tế.

Dữ liệu của Reuters cho thấy tàu khoan Deepsea Metro I vào ngày chủ nhật 30 tháng 7 vẫn còn ở vị trí kể từ khi bắt đầu hoạt động vào giữa tháng sáu.

Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ độ Washington DC , Hoa Kỳ, ông Greg Poling, cho rằng việc ngưng khoan thăm dò không có nghĩa là hợp đồng bị hủy. Theo ông Greg Poling thì Hà Nội có thể bật đèn xanh cho Repsol khoan một giếng gần đó; tuy vậy việc hoãn lại hẳn nhiên gây tốn kém.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, David Shear, cho rằng ông tin vì tranh chấp với Trung Quốc mà Việt Nam mất hai khu khoan thăm dò dầu khí. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment