Monday, August 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 7/8

Tin Thế Giới

1.
TQ ủng hộ Mỹ trừng phạt Bắc Triều Tiên --- Vương Nghị giục Bắc Hàn tuân thủ nghị quyết LHQ --- Mỹ, Hàn tăng áp lực tối đa lên Bắc Triều Tiên --- Ngoại trưởng hai miền Triều Tiên gặp nhau tại diễn đàn ASEAN

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đang công du Philippines, Thái Lan và Malaysia để thảo luận về hợp tác kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ. Chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một trong những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông. Hôm Chủ nhật 6/8, ông Tillerson và người đồng nhiệm Bắc Triều Tiên đã tham dự cuộc họp cấp bộ của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila. Cuộc họp ở Manila diễn ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất đối với Bắc Triều Tiên vì nước này liên tục thử tên lửa. Phóng viên VOA Zlatica Hoke có thêm chi tiết sau đây:

Hoa Kỳ hoan nghênh sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt mới cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, chì và hải sản. Cho đến nay, Trung Quốc đã miễn cưỡng trừng phạt nước láng giềng cộng sản này, nhưng tại Manila vào Chủ nhật, Ngoại trưởng Trung Quốc đã báo hiệu một sự thay đổi thái độ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói:

"Sáng nay chúng tôi đã thảo luận về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết khác chống lại Bắc Triều Tiên. Hai bên cùng tái khẳng định rằng chúng tôi phải thực hiện đầy đủ và toàn diện nghị quyết mới này của Hội đồng Bảo an.”

Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán để mưu tìm hòa bình bảo đảm hòa lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không mang lại kết quả nào và Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tháng trước, Bình Nhưỡng thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và tuyên bố rằng một trong hai tên lửa này có thể bắn tới Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu sự trợ giúp của Trung Quốc để kìm chế Bình Nhưỡng, nhưng đồng thời báo hiệu rằng có khả năng sử dụng biện pháp quân sự. Ông Bruce Bennett, một nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc tập đoàn Rand, nói rằng Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Bruce Bennett nói:

"Bất kỳ cuộc xung đột lớn nào nổ ra cũng có thể cho thấy sự can thiệp của Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên. Chúng ta phải cẩn thận để không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lớn với Trung Quốc."

Trao đổi với VOA qua Skype, ông Bennett nói rằng một chiến lược tốt hơn cho Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu quyền lực của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, bằng cách chỉ ra những điểm yếu của ông ấy.

Ông Bennett nói:

"Đơn cử việc ông Tập Cận Bình, lãnh đạo của Trung Quốc, đã có tám cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc, nhưng chưa có cuộc nào với ông Kim Jong Un, rõ ràng điều này cho thấy ông Tập nghĩ rằng ông Kim Jong Un là một nhân vật kém ảnh hưởng và thực sự không quan trọng."

Các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến Bắc Triều Tiên mất đi 1/3 tổng thu nhập xuất khẩu - ước tính khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm. Nếu được thực hiện đầy đủ, lệnh trừng phạt có thể hạn chế tham vọng hạt nhân của lãnh tụ Kim Jong Un. - VOA

***
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã họp song phương với người đồng nhiệm Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho hôm 6/8, bên lề các cuộc họp cấp bộ trưởng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila.

Hoa Kỳ thận trọng hoan nghênh sự ủng hộ mới của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt dành cho Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ cũng nói sẽ giám sát chặt chẽ việc Trung Quốc tuân thủ các biện pháp trừng phạt nhằm làm Bắc Triều Tiên mất đi 1 tỷ đôla mỗi năm, không thể đổ vào chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của họ.

Susan Thornton, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên trách châu Á, nói với các phóng viên rằng trong thời gian qua Trung Quốc, nguồn sống kinh tế của Bắc Triều Tiên, đã hỗ trợ các nỗ lực hạn chế việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí, nhưng rồi đã lơi lỏng.

Bà Thornton nói: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện đầy đủ cơ chế trừng phạt, chứ không phải là kiểu làm việc lúc có lúc không mà chúng tôi đã thấy".

Trong một lời bình trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh Trung Quốc và Nga đã tham gia cùng Mỹ trong cuộc bỏ phiếu đồng lòng nhất trí của LHQ về các biện pháp trừng phạt nhằm vào việc Bắc Triều Tiên bán than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì, và hải sản.

Ông Trump viết: "Tác động tài chính rất lớn!"

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói về cuộc bỏ phiếu của LHQ: "Đó là một kết quả tốt."

Ông Vương nói ông đã khuyên Bắc Triều Tiên áp dụng cách tiếp cận "đình chỉ kép" để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Đây là cách tiếp cận kêu gọi đình chỉ các cuộc thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cũng đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bà Thornton nói rằng Mỹ sẽ không xem xét việc kết thúc các cuộc tập trận định kỳ với Seoul. Bà nói rằng Washington bác bỏ bất kỳ sự quy đồng về đạo đức nào với hàm ý coi các cuộc tập trận có liên quan đến các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Các chuyên gia vũ trang nói rằng vụ thử tên lửa liên lục địa mới nhất của Bắc Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng có thể tấn công phần lớn Hoa Kỳ đại lục. - VOA

***
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mạnh mẽ ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ tăng áp lực tối đa lên Bắc Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng từ chối những nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc, nói rằng nỗ lực đó "không chân thành."

Hôm thứ Hai 7/8, Tổng thống Moon điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên từ khi Bắc Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ hai cách đây một tuần.

Cả Washington và Seoul đều nhắc lại sự ủng hỗ lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Bắc Triều Tiên. Lệnh trừng phạt mới này đã được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga nhất trí thông qua vào ngày thứ Bảy 5/8.

Các biện pháp trừng phạt mới có thể khiến Bắc Triều Tiên thất thu 1 tỷ đôla mỗi năm, vốn rất cần thiết để thực hiện chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Lệnh chế tài mới cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Bắc Hàn như than, sắt, chì và hải sản và hạn chế số lao động nước này được phép làm việc ở nước ngoài.

Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nhật Bản hôm Chủ nhật cũng hoan nghênh các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn của LHQ đối với Bắc Triều Tiên và nói rằng đã đến lúc phải áp dụng "áp lực hiệu quả" hơn đối với Bình Nhưỡng thay vì theo đuổi đối thoại.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai đã ra thông báo về cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với ông Moon, nói rằng: "Hai nhà lãnh đạo cam kết thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan và thúc giục cộng đồng quốc tế làm theo."

Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, cũng nhấn mạnh ủng hộ diễn tập quân sự chung với Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Park Soo-hyun của Tổng thống Hàn Quốc phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng: “Hai tổng thống đã quyết định tiếp tục hợp tác để ngăn chặn và đối phó với sự khiêu khích ngày càng gia tăng của Bắc Triều Tiên, dựa trên cơ sở hợp tác quốc phòng vững chắc.”

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về yêu cầu của Seoul đề nghị Mỹ chấp thuận tăng gấp đôi sức công phá của tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc từ 500 kg thuốc nổ lên một tấn và tăng tầm xa lên tối đa là 800 km.

Sau khi Bắc Triều Tiên cho thử tên lửa tầm xa liên lục đia (ICBM) lần thứ hai, Hàn Quốc cũng đồng ý đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, đảo ngược quyết định trước đó cho rằng phải hoãn vì chờ tiến hành nghiên cứu môi trường mở rộng.

Bắc Kinh phản đối việc Mỹ sử dụng hệ thống phòng thủ tiên tiến trong khu vực vì cho rằng Mỹ có thể sử dụng radar có độ phân giải cao của THAAD để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc. THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung ở trên cao, nhưng THAAD không phải là ICBM.

Hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặt nghi vấn tại sao Hàn Quốc cần THAAD sau khi ông gặp Ngoại trưởng Kang Kyung-wha của Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực ở Manila do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức.

Ông Vương Nghị hỏi: "Liệu THAAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa? Tôi nghĩ rằng mọi người đều hiểu là THAAD không có khả năng đó.”

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN hôm Thứ Hai 7/8, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho nói với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha rằng các đề xuất của Seoul nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên là "thiếu sự chân thành."

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Trump, ông Moon nói cần phải cho Bắc Hàn biết là cánh cửa đối thoại vẫn mở, nhưng chỉ mở sau khi Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tại hội nghị ASEAN ở Manila, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khuyến khích chính quyền ông Moon tiếp tục các nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều và giảm nguy cơ xung đột.

Ông nói: "Cảm giác của tôi là Bắc Triều Tiên không hoàn toàn từ chối những đề nghị tích cực của miền Nam.”

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói rằng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ nghiêm túc xem xét đề nghị của Bắc Kinh cho hai bên, đó là phía Mỹ ngưng tập trận ở Hàn Quốc, còn phía Bắc Hàn dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson phát biểu tại Diễn đàn ASEAN rằng việc Trung Quốc và Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nhất đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Triều Tiên, nhưng nói rằng "khi điều kiện thuận lợi, chúng ta có thể ngồi bàn bạc và có một cuộc đối thoại về tương lai của Bắc Hàn, làm như vậy họ cảm thấy an toàn và thịnh vượng về mặt kinh tế."

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích an ninh khu vực vẫn hoài nghi rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ khó thành công trong việc gây áp lực đòi chính phủ Kim Jong Un đồng ý đàm phán về các điều kiện của Washington, và có những lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt một cách có chọn lọc, như họ đã thực hiện trước đây, vì lo ngại gây ra bất ổn trong khu vực. - VOA

***
Nam Hàn xác nhận với BBC rằng ngoại trưởng nước này đã nói chuyện với người tương nhiệm của Bắc Hàn hôm Chủ Nhật trong một cuộc gặp mặt trực tiếp hiếm hoi.

Cuộc gặp giữa bà Kang Kyung-wha của Nam Hàn và ông Ri Yong Ho của Bắc Hàn diễn ra bên lề diễn đàn an ninh khu vực ở Manila.

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong những tháng gần đây, giữa lúc Bắc Hàn liên tục tiến hành thử tên lửa.

Hội đồng Bảo an LHQ hôm thứ Bảy đã biểu quyết thông qua việc áp các lệnh trừng phạt mới lên Bắc Hàn.

Truyền thông Nam Hàn tường thuật rằng bà Kang và ông Ri đã bắt tay nhau trong cuộc gặp ngắn không hẹn trước, tại một buổi ăn tối chính thức.

Một viên chức Bộ Ngoại giao Nam Hàn xác nhận với BBC về cuộc họp, và về các tường thuật theo đó nói ông Ri nói yêu cầu của Nam Hàn về việc có các cuộc đàm phán mới là "không thành thật".

Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng, đã phản bác.

Ngoại trưởng Vương Nghị hôm thứ Hai nói với các phóng viên: "Cảm giác của tôi là Bắc Hàn không hoàn toàn bác bỏ các đề xuất tích cực mà miền Nam đưa ra."

Ông nói thêm rằng Trung Quốc cũng ủng hộ các sáng kiến của miền Nam.

Ba vị ngoại trưởng đều đang tham dự diễn đàn Asean, tổ chức tại Manila, Philippines. - BBC
|
|

2.
Trung Quốc 'bực bội vì hành động của Việt Nam ở Asean' --- Mỹ, Nhật, Úc kêu gọi COC có tính ràng buộc pháp lý

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cuối ngày thứ Hai 7/8 tại kỳ họp Bộ trưởng Ngoại giao Asean ở Manila.

Cả Bloomberg và báo South China Morning Post đưa tin này.

Ông Vương Nghị lẽ ra sẽ gặp ông Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp ngoại trưởng Asean, nhưng một nhà ngoại giao Trung Quốc nói cuộc gặp không diễn ra, theo báo South China Morning Post.

Trung Quốc được cho là phật lòng vì từ ngữ trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Thông cáo này bày tỏ quan ngại về bồi đắp lấn biển trên những hòn đảo có tranh chấp về chủ quyền, Bloomberg trích lời một số nguồn.

Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước đã vận động đưa từ ngữ này vào bản thông cáo.

Bản thông cáo nói một số ngoại trưởng trong nhóm ASEAN bày tỏ quan ngại về "bồi đắp lấn biển" và "các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực."

Theo Bloomberg, một người phát ngôn trong phái đoàn Trung Quốc nói cuộc họp riêng giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc không phải là cơ hội duy nhất cho hai bên thảo luận.

Cả hai ngoại trưởng đều tham gia vào các cuộc gặp đa phương khác tại Manila, trong đó có cuộc họp giữa Trung Quốc và 10 ngoại trưởng ASEAN, vẫn theo Bloomberg.

Xu Liping, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói Bắc Kinh phật lòng vì thái độ của Việt Nam.

"Việc hủy gặp có thể xem là cảnh báo cho Việt Nam," người này nói.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng bài nói nỗ lực của Việt Nam để có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn của Asean là "đầu độc" tình hình trên Biển Đông. - BBC

***
Mỹ, Nhật và Úc hôm 7/8 thúc giục các nước Đông Nam Á và Trung Quốc bảo đảm rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà họ cam kết soạn ra sẽ có tính ràng buộc pháp lý, theo tin của Reuters phát đi từ Manila.

Tin cho hay ba cường quốc cũng nói họ mạnh mẽ phản đối những hành động cưỡng ép đơn phương.

Mỹ, Nhật và Úc không phải là những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa 5 bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và Úc lâu nay vẫn có nhiều tuyên bố về vùng biển với lập luận rằng họ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở đó.

Ngoại trưởng 3 nước kể trên đã ra tuyên bố sau một cuộc họp ở Manila nói rằng khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cần thiết lập một bộ quy định “có tính ràng buộc pháp lý, có ý nghĩa, có hiệu lực, và nhất quán với luật quốc tế”.

Hôm 6/8, các ngoại trưởng của ASEAN và Trung Quốc đã thông qua văn kiện khung liên quan đến việc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC).

Văn kiện khung này nêu khái quát về cách thức Trung Quốc và ASEAN đàm phán về một thỏa thuận chính thức. Việc đàm phán có thể bắt đầu trong phần còn lại của năm nay.

Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh về ý nghĩa của việc 3 cường quốc đề nghị COC phải có tính pháp lý:

“Ba quốc gia mà họ lên tiếng thể hiện cái điều là muốn hay không muốn các cường quốc vẫn phải quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Việc phát biểu đó cho thấy, một là Hoa Kỳ cũng phải quan tâm bởi vì nó gắn liền lợi ích Hoa Kỳ ở đó. Thứ hai là kể cả Australia, mặc dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng Australia cũng là một quốc gia quan tâm vì nó cũng ảnh hưởng rất nhiều lợi ích của Australia trong đó. Đối với Nhật Bản thì đương nhiên. Nhật Bản có những lo lắng đặc biệt, bởi vì căng thẳng trên Biển Đông sẽ tác động rất nhiều đến Biển Hoa Đông cũng như mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc”.

Thạc sỹ Hoàng Việt nhận định khi các cường quốc lên tiếng và nếu đi kèm theo đó là những hành động gây sức ép, điều đó sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán COC nhanh hơn.

Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump đang có những xáo trộn nội bộ, và việc chính quyền Mỹ chưa đưa ra chính sách đối ngoại rõ ràng làm cho khó dự báo về tiến trình đàm phán COC.

Trong khối ASEAN, một số nước trong đó có Việt Nam cũng muốn COC có tính ràng buộc pháp lý, khả dĩ thực thi và có một cơ chế giải quyết tranh chấp.

Một số chuyên gia nước ngoài nói Trung Quốc có thể không chấp nhận điều đó. Họ cũng nhận xét rằng việc Trung Quốc đồng ý đàm phán về COC có thể là một chiến thuật câu giờ để họ tiếp tục xây đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.

Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Việt đưa ra ý kiến ngược lại:

“Tôi nghĩ Trung Quốc không câu giờ. Bởi vì Trung Quốc trước đây ở thế yếu, nhưng bây giờ Trung Quốc đã chuyển sang thế mạnh. Nghiên cứu về hành vi của Trung Quốc cho chúng ta thấy là sau khi Trung Quốc có một thế tương đối vững thì Trung Quốc sẽ xuống nước để Trung Quốc sẽ ký kết. Để làm gì? Một mặt, Trung Quốc tỏ ra rằng Trung Quốc luôn luôn có thiện chí. Thứ hai, Trung Quốc muốn dựa vào đấy để ngăn cản các quốc gia khác bồi lấp, xây đảo nhân tạo như của mình”.

Bản tin Reuters ngày 7/8 tường thuật rằng Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Tổng hợp Philippines, nói với kênh tin ANC rằng việc các bên thông qua văn kiện khung đã trao cho Trung Quốc lợi thế chiến lược vô cùng to lớn, đó là họ sẽ có thể quyết định khi nào tiến trình đàm phán có thể bắt đầu.

Lúc này, cùng với lời kêu gọi COC phải có tính ràng buộc pháp lý, ba nước Mỹ, Nhật và Úc cũng thúc giục các bên kiềm chế, không bồi lấp, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa các thực thế có tranh chấp, ý nói đến việc Trung Quốc đã mở rộng khả năng phòng thủ ở Đá Vành Khăn, Chữ Thập và Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/8 nói điều đó phụ thuộc vào tình hình có ổn định hay không, và có sự can thiệp lớn từ bên ngoài vào hay không. - VOA
|
|

3.
Mỹ nói Nga can thiệp bầu cử Mỹ gây ‘ngờ vực nghiêm trọng’

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Hai 7/8 nói rằng sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái đã gây ra "sự mất tin tưởng nghiêm trọng" và rằng ông và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận "rất nhiều việc" cần phải làm về mối quan hệ Mỹ-Nga.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu đã gặp nhau bên lề một diễn đàn khu vực ở Philippines. Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông đã nói với Ngoại trưởng Lavrov rằng Mỹ sẽ trả lời cho Nga trước ngày 1/9 về việc Nga yêu cầu Mỹ cắt giảm hàng trăm nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga.

Ông Tillerson nói: "Tôi đã nói với Ngoại trưởng Nga rằng chúng tôi chưa quyết định sẽ đáp ứng yêu cầu của Nga như thế nào về việc giảm số nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga."

Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước ký một cách miễn cưỡng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ mà ông Trump đã giành chiến thắng.

Mặc dù bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhất, ông Lavrov nói rằng: "chúng tôi cảm thấy rằng các đối tác Mỹ cần phải tiếp tục đối thoại. Không có giải pháp thay thế nào khác.”

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới, Moscow đã ra lệnh buộc Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao và các nhân viên khác, nhiều người trong số đó là người Nga, từ đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ tại Nga. Ông Lavrov cho biết ông đã giải thích với ông Tillerson về việc Moscow sẽ giảm mạnh số nhân viên làm việc cho phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng không tiết lộ công khai bất kỳ chi tiết nào.

Ông Lavrov cũng cho biết hôm Chủ Nhật 6/8 rằng Mỹ sẽ sớm gửi phái đoàn đàm phán về tình trạng bất ổn ở phía đông Ukraina tới Moscow để thảo luận về việc bạo lực đang diễn ra.

Ông Lavrov nói rằng nhà ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Volker sẽ gặp phái viên của Nga, ông Vladislav Surko, để bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Tháng trước, ông Volker đã đến thăm đông Ukraina, nơi những người ly khai ủng hộ Nga đã chiến đấu với lực lượng của Kyiv trong hơn ba năm. Khi xảy ra cuộc xung đột này, Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina và có hơn 10.000 người đã thiệt mạng.

Ông Tillerson với các phóng viên nói rằng Nga đang cho thấy vài dấu hiệu “sẵn sàng” bắt đầu thảo luận một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông nói rằng Mỹ và Nga có những khác biệt rất lớn, nhưng việc " cắt đứt tất cả mọi thứ vì một vấn đề duy nhất" không phải là một ý tưởng hay. - VOA
|
|

4.
Giới ngoại giao Mỹ, Nga sẽ bàn về bạo lực ở Ukraine

Nga cho biết hôm 6/8 rằng Mỹ sẽ sớm đưa đặc sứ chuyên đàm phán về bất ổn ở đông Ukraine tới Moscow để thảo luận về tình hình bạo lực hiện nay.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov thông báo như vậy sau cuộc họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ ở Manila với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước miễn cưỡng ký ban hành luật về các biện pháp trừng phạt mới dành cho việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, góp phần giúp ông giành chiến thắng.

Ông Lavrov cho biết nhà ngoại giao Mỹ Kurt Volker sẽ gặp đặc sứ của Nga chuyên trách cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Vladislav Surkov. Tháng trước, ông Volker đã đến thăm đông Ukraine, ở đó, những người ly khai được Nga hậu thuẫn đã chiến đấu chống lực lượng của Kyiv trong hơn ba năm.

Đây là cuộc xung đột mà trong lúc nó diễn ra, Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga. Cũng trong cuộc chiến này, 10.000 người đã thiệt mạng.

Chưa có phản ứng ngay của Hoa Kỳ về cuộc họp đã diễn ra bên lề các cuộc đàm phán ngoại giao cấp khu vực. Ông Tillerson đã lờ đi những câu hỏi của các phóng viên khi ông đi ngang qua họ.

Ông Lavrov nói rằng bất chấp các biện pháp trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ, "chúng tôi cảm thấy rằng các đối tác Mỹ của chúng tôi cần phải tiếp tục mở cửa cho cuộc đối thoại. Không có gì thay thế cho điều đó”. - VOA
|
|

5.
Australia tìm thấy máy bay quân sự Mỹ mất tích

Hải quân Australia cho biết đã tìm thấy chiếc máy bay Mỹ bị mất tích khi rơi xuống biển vào thứ Bảy 5/8 ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nói trong một tuyên bố rằng chiếc máy bay đã được định vị "ngay sau khi" tàu thăm dò của Hải quân Hoàng gia Australia HMAS Melville đến Vịnh Shoalwater.

Báo Sydney Morning Herald loan tin rằng các thợ lặn hải quân đang làm việc với thủy thủ đoàn của tàu Melville tại khu vực xảy ra sự cố và đang sử dụng các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa.

Chiếc máy bay bị nạn trước đó cất cánh từ tàu chiến của Mỹ USS Bonhomme Richard và tham gia vào các hoạt động thường xuyên khi bị rơi.

23 binh sĩ trên máy bay MV-22 Osprey đã được cứu sống, nhưng 3 lính thủy quân lục chiến vẫn còn mất tích.

Quân đội Hoa Kỳ đã phát động nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các binh sĩ thủy quân lục chiến bị mất tích, nhưng cuối cùng đã thay đổi hoạt động đó thành nỗ lực phục hồi cùng với các lực lượng phòng vệ của Australia. Các gia đình của binh sĩ thủy quân lục chiến bị mất tích đã được thông báo.

Chiếc máy bay này đã có mặt ở Australia sau khi hoàn thành một cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ-Úc ít nhất hai tuần trước đây ở Vịnh Shoalwater. Cuộc tập trận hai năm diễn ra một lần có đến khoảng 30.000 quân và 200 máy bay tham gia. Các binh lính Australia nằm trong số các lực lượng liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo chiến đấu ở Afghanistan và Iraq.

Thủy quân lục chiến Mỹ không cho biết nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, nhưng nói rằng vụ việc đang được điều tra. - VOA
|
|

6.
Quân đội Venezuela chặn cuộc tấn công của phe đối lập

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm Chủ nhật 6/8 nói rằng các lực lượng vũ trang của ông đã phá vỡ một cuộc tấn công nhỏ do một cựu quân nhân nổi dậy chỉ huy nhắm vào một căn cứ quân sự.

Ông Maduro gọi cuộc tấn công này là một hành động khủng bố do Hoa Kỳ và Colombia tài trợ, nhưng ông không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố này khi ông phát biểu trên một chương trình truyền hình vào tối Chủ nhật 6/8.

Ít nhất hai người của nhóm tấn công đã thiệt mạng trong cuộc chạm súng vào sáng Chủ Nhật, khi ấy các đơn vị quân đội đã khống chế được nhóm tấn công tại một căn cứ gần thành phố Valencia, miền trung Venezuela.

Các nguồn tin từ ông Maduro và các viên chức Venezuela khác cho biết có khoảng 20 người tham gia cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự Paramacay.

10 người trong số này chạy trốn trước khi các đơn vị quân đội của Venezuela ập đến, một số có mang vũ khí, trong khi những người còn lại đã đọ súng với quân đội cho đến lúc khoảng 8 giờ sáng. Tất cả những người này đã bị giết hoặc bị bắt.

Ông Maduro cho biết giới hữu trách "đang ráo riết truy lùng" những người trốn thoát.

Tổng thống Maduro nói trên truyền hình: "Tôi không thể nói theo cách khác. Đó là một cuộc tấn công chống lại lực lượng vũ trang." Ông chúc mừng các đơn vị quân đội đã "phản ứng một cách thống nhất, với quyết tâm cao."

Một sĩ quan quân đội tự xưng là đại tá Juan Caguaripano đăng tải một video trên mạng xã hội, trong đó ông cùng với hơn một chục nhân viên mặc quân phục đứng quanh, dường như họ là thành viên của lực lượng nổi dậy. Ông tự tuyên bố tham gia vào "cuộc nổi dậy hợp pháp" chống lại cái mà ông gọi là "bạo chúa giết người" Maduro.

Ông Caguaripano tuyên bố: "Chúng tôi nói rõ rằng đây không phải là một cuộc đảo chính. Đây là hành động dân sự và quân sự để khôi phục lại trật tự hiến pháp, và hơn thế nữa, để cứu đất nước khỏi bị hủy diệt hoàn toàn. Ông được cho là một người đào ngũ và ủng hộ "những kẻ cực đoan cánh hữu."

Một số cư dân thành phố Valencia ủng hộ những kẻ tấn công, nhưng đã bị cảnh sát giải tán.

Bốn tháng chống lại các cuộc biểu tình chống chính phủ đã giết chết hơn 120 người Venezuela. Hỗn loạn xã hội và chính trị đã trở nên trầm trọng hơn vào tuần trước khi ông Maduro lập quốc hội mới để viết lại hiến pháp. Quốc hội đã thực hiện bước đi đầu tiên quan trọng là bãi chức bà Luisza Ortega, một cựu bộ trưởng của chính quyền Maduro, nhưng vì đã chuyển sang phe đối lập. - VOA
|
|

7.
Giám đốc tập đoàn Samsung có thể bị 12 năm tù

Các công tố viên Hàn Quốc sẽ đề nghị khung hình phạt 12 năm tù cho giám đốc tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ bê bối chính trị dẫn đến việc cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội và phế truất.

Trong các luận cứ hôm thứ Hai 7/8, các công tố viên cho biết ông Lee đã hối lộ hàng triệu đôla cho hai quỹ phi lợi nhuận mờ ám của bà Choi Soon-sil, một người bạn thân của Tổng thống Park, để đổi lại một quyết định ưu ái của Cơ quan hưu bỗng quốc gia về việc sáp nhập hai công ty con của tập đoàn Samsung, mặc dù có khả năng thau lỗ hơn 100 triệu đôla.

Việc sáp nhập nếu thành công sẽ dọn đường cho ông Lee kiểm soát toàn bộ tập đoàn Samsung từ cha ông, người đang bệnh nặng. Ông Lee phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.

Dự kiến bản án sẽ được tuyên vào cuối tháng này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
TT Trump công kích TNS Blumenthal là ‘cựu chiến binh VN dỏm’

Tổng thống Trump hôm thứ Hai 7/8 lại tấn công Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, gọi nghị sĩ Dân chủ này trên Twitter là “kẻ đạo cựu chiến binh Việt Nam,” sau khi thượng nghị sĩ bang Connecticut xuất hiện trên truyền hình.

Các dòng bình luận như trên của ông Trump xuất hiện sau khi ông Blumenthal lên tiếng trên CNN ủng hộ việc tiếp tục cuộc điều tra về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, bày tỏ quan ngại việc Bộ Tư pháp tăng cường loại bỏ các viên chức chính quyền làm rò rỉ thông tin gây thiệt hại cho ông Trump, theo Washington Post.

Ông Blumenthal nói: "Chính trị hóa Bộ Tư pháp vì các mục đích cá nhân, theo tôi nghĩ, là một hành động phá hoại luật pháp, và có khả năng vi phạm tinh thần của Tu chính án Thứ nhất." Ông cho rằng bộ này đã "vũ trang hóa" luật chống lại các thông tin nhạy cảm.

Việc công kích ông Blumenthal liên quan đến cuộc chiến Việt Nam không phải là điều mới mẻ đối với ông Trump –ông Trump đã hai lần nói như thế. Trong khi đó, ông Trump cũng đã nhiều lần trì hoãn quân dịch trong Chiến tranh Việt Nam, và ông chưa bao giờ phục vụ trong quân đội, theo trang USA Today.

Trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện, ông Blumenthal đã bị chỉ trích gay gắt vì đã nhiều lần tuyên bố ông ta “đã phục vụ” ở Việt Nam, mặc dù ông thực sự là quân nhân hiện dịch của Thủy quân Lục chiến tại Hoa Kỳ.

Ông Blumenthal đáp lại ông Trump trên Twitter vào sáng Thứ Hai như sau: "Thưa Tổng thống: Lối bắt nạt của ông trước đây không có tác dụng gì và hôm nay cũng vậy. Không có ai được phép ở trên luật pháp cả." - VOA
|
|

9.
Phó TT Pence bác tin nói ông sẽ tranh cử tổng thống năm 2020

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence bác bỏ các nguồn tin nói rằng ông đang lên kế hoạch tranh chức tổng thống vào năm 2020 nếu Tổng thống Donald Trump không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào Tòa Bạch Ốc.

Trong tuyên bố hôm Chủ Nhật 6/8, ông Pence nói ông cảm thấy bản tin của tờ New York Times nói rằng ông đang "lén mở chiến dịch" và các cố vấn đã "gợi ý" với các nhà tài trợ Cộng hòa rằng ông có thể ra ứng cứ nếu ông Trump không tranh nhiệm kỳ hai là “lố bịch và xúc phạm", trong khi Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ tái tranh cử.

Phó tổng thống Pence trước đây là thống đốc bang Indiana, nói ông tập trung mọi nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự của Tổng thống Trump và kỳ vọng rằng ông Trump sẽ tái đắc cử vào năm 2020.

Ông Pence và ông Trump mới nhậm chức được sáu tháng rưỡi, nhưng khoảng thời gian này đã cho thấy một sự hỗn loạn.

Ông Trump đã sa thải nhiều trợ lý chủ chốt, bao gồm cả chánh văn phòng trước đây, cố vấn an ninh quốc gia, và cho đến nay ông Trump vẫn chưa được quốc hội thông qua bất kỳ dự luật quan trọng nào.

Nổi bật trong số những nỗ lực không thành công là việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare của cựu tổng thống Barack Obama.

Nhiều cuộc điều tra của Quốc hội và một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ giúp ông Trump thắng cử, nhưng ông Trump bác bỏ cáo buộc đó, và gọi đó là "khủng bố chính trị " và xem đó là một âm mưu của đảng Dân chủ biện minh cho thất bại của bà Hillary Clinton. - VOA
|
|

10.
Conway: Trump 'không bàn việc sa thải Bob Mueller'

Vài ngày sau khi có tin Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller lựa chọn thành viên cho một bồi thẩm đoàn liên quan đến cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, Tòa Bạch Ốc hôm 6/8 đã bác bỏ các câu hỏi về việc Tổng thống Donald Trump có ý định sa thải Mueller hay không.

Cố vấn của tổng thống, bà Kellyanne Conway, nói trong chương trình This Week của ABC: “Tổng thống thậm chí còn chưa bàn về vấn đề này. Tổng thống hiện không bàn về việc sa thải Bob Mueller".

Trước khi bắt đầu kỳ nghỉ gần một tháng, Thượng viện đã chứng kiến một luật được lưỡng đảng ủng hộ và đưa ra theo đó sẽ làm cho việc sa thải ông Mueller hoặc bất kỳ nhà điều tra độc lập nào trở nên khó khăn hơn trong tương lai, bằng yêu cầu rằng phải có một thẩm phán tái xét việc sa thải.

Cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vẫn là một hành động gây khó chịu cho chính quyền ông Trump.

Bà Conway lập luận rằng hàng tháng điều tra đã gần như không mang kết quả gì.

Bà nói: "Chúng ta đã được hứa hẹn sẽ thấy những bằng chứng trực tiếp về việc can thiệp và thay đổi kết quả bầu cử. Không có kết quả gì về những điều đó cả".

Bồi thẩm đoàn sẽ xem xét bằng chứng và lời khai được thu thập trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, một nỗ lực có thể hoặc không dẫn đến việc đưa ra các tội danh. - VOA
|
|

11.
Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ không truy bức truyền thông khi loan tin mật

Một giới chức cao cấp Bộ Tư Pháp Mỹ cho hay các công tố viên liên bang sẽ không có hành động truy bức giới truyền thông, vốn làm nhiệm vụ của họ khi loan tải các tin tức mật, nhưng có thể sẽ cứng rắn hơn khi đòi phải cho biết nguồn cung cấp tin của họ là ai.

Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp, ông Rod Rosenstein, cho hay như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình truyền hình “Fox News Sunday”, sau khi giới chức cao cấp tư pháp và tình báo cảnh cáo sẽ diệt tận gốc việc rò rỉ tin tức mật của chính phủ vì ảnh hưởng tới an ninh nước Mỹ.

Ông Rosenstein nói rằng: “Chúng tôi nhắm vào những kẻ tiết lộ tin tức, chứ không nhắm vào nhà báo. Chúng tôi chỉ truy lùng những kẻ phạm pháp.”

Tuy nhiên, ông Rosenstein cũng nói rằng các ký giả có thể bị điều tra vì vi phạm những luật khác.

Chỉ mới hôm Thứ Sáu, ông Rosenstein từ chối không bình luận gì khi được hỏi là các công tố viên chính phủ liên bang có định tống giam giới nhà báo hay không.

Hôm Chủ Nhật ông Rosenstein nói giới hữu trách đanng duyệt xét lại các hướng dẫn căn bản, hiện tạo khó khăn cho các công tố viên khi muốn gửi giấy đòi giới ký giả phải cho biết về nguồn cung cấp tin tức của họ. Ông cho rằng hiện có một số quy định gây cản trở và làm trì trệ các cuộc điều tra. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

12.
Vương Nghị hủy cuộc gặp đã lên lịch với Phạm Bình Minh

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hoãn vào phút chót một cuộc gặp đã được lên lịch trước với người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh hôm thứ Hai ngày 7/8 do tranh cãi về Biển Đông, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết.

Thông tin này cũng được tờ South China Morning Post xác nhận. Tuy nhiên tờ báo này cho biết hiện chưa rõ cuộc gặp bị hủy vì lý do gì nhưng nhấn mạnh là nó diễn ra sau khi Asean ra thông cáo chung.

Theo Bloomberg, Trung Quốc được cho là bất bình với ngôn từ trong thông cáo chung của ngoại trưởng các nước Asean được đưa ra hôm tối Chủ nhật ngày 6/8 mà trong đó bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp các đảo tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc đã đổ lỗi cho phía Việt Nam đã vận động để thông cáo chung của Asean đề cập đến việc này.

Thông cáo nói rằng “một số ngoại trưởng của 10 nước Asean đã bày tỏ quan ngại “về việc bồi đắp đảo và các hoạt động trong khu vực vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm tổn hại hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.”

Tuy nhiên Hà Nội đã gặp khó khăn khi vận động các quốc gia Asean khác đồng ý với nội dung này trong thông cáo chung do các nước này có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Vương được South China Morning Post dẫn lời nói rằng “chỉ có một hay hai ngoại trưởng trong khối Asean bày tỏ quan ngại về việc bồi đắp đảo”.

“Tôi muốn nói rằng Trung Quốc đã dừng hoặc đã hoàn tất việc bồi đắp hai năm trước. Nếu có ai đó còn nói về bồi đắp đảo thì đó không phải là Trung Quốc. Có lẽ nước nào đưa ra vấn đề này mới là nước đang bồi đắp đảo,” ông Vương nói.

Người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc được Bloomberg dẫn lời nói rằng việc gặp nhau giữa ngoại trưởng hai nước không phải là cơ hội duy nhất để cho các bộ trưởng thảo luận. Trước đó, quan chức hai nước đã tham gia vào các cuộc gặp đa phương khác ở Manila, trong số đó có cuộc gặp giữa Trung Quốc và 10 nước Asean.

“Hai bên đã gặp nhau rồi,” người phát ngôn này nói nhưng không cho biết gì thêm. Hội nghị ngoại trưởng Asean thường niên và các hội nghị liên quan khác hiện đang diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines nhân kỷ niệm 60 năm ngày khối này ra đời.

Bản cuối cùng của thông cáo chung được lựa chọn từ ngữ cẩn thận để không làm mất lòng Trung Quốc. Thông cáo kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông và tái cam kết sự sẵn sàng của Asean để bắt đầu các cuộc đàm phán thực chất về bộ quy tắc ứng xử với Bắc Kinh. Tuy nhiên văn bản này không đề cập rằng bộ quy tắc ứng xử phải có tính ràng buộc về pháp lý.

Ông Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với South China Morning Post rằng Bắc Kinh “bất bình với lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề trên biển” và rằng việc hủy gặp này có thể được xem như là “lời cảnh báo đối với Việt Nam”.

Trong một bài xã luận, hãng tin Tân Hoa Xã cho rằng nỗ lực của Việt Nam muốn có ngôn từ mạnh mẽ trong thông cáo chung đã “đầu độc” tình hình trên Biển Đông và “gieo rắc bất đồng giữa Trung Quốc và Asean”.

Theo bản tin được đưa ra vào khoảng nửa đêm ngày 7/8 giờ Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ thì ông Phạm Bình Minh cuối cùng cũng có cuộc gặp với ông Nghị theo hình thức 'pull aside', tức là hai vị bộ trưởng kéo nhau ra một bên bên lề một phiên họp và 'trao đổi nội dung', tờ báo này dẫn nguồn tin riêng của họ từ Bộ Ngoại giao cho biết. Tuy nhiên tờ báo này không cho biết hai vị ngoại trưởng gặp nhau trong thời gian bao lâu và thảo luận những nội dung gì.

Hồi tháng Sáu năm 2017 đã có tin Việt Nam đã dừng khoan tìm khí đốt ở bãi Vanguard mà Việt Nam gọi là bãi Tư Chính do có lời đe dọa dùng sức mạnh quân sự từ Trung Quốc. - VOA
|
|

13.
Quân đội Nhân dân đòi ‘nghiêm trị’Anh em Dân chủ

Trang web báo Quân đội Nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 7/8 đăng bài viết dưới hàng tít “Nghiêm trị những kẻ đội lốt ‘dân chủ’, ‘nhân quyền’ phá hoại đất nước”.

Bài báo nói nhà chức trách Việt Nam đã làm “hoàn toàn đúng luật” khị họ bắt và khởi tố ông Nguyễn Văn Đài và 5 thành viên khác thuộc hội Anh em Dân chủ.

Như tin VOA đã đưa, cách đây hơn 1 tuần, chính quyền Việt Nam đã bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, và Nguyễn Bắc Truyển trong một thời gian ngắn.

Bộ Công an nói hôm 30/7 rằng 4 ông bị khởi tố vì có vai trò trong vụ án mà bộ gọi là “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo Bộ Công an, có tổng cộng 6 bị can trong vụ án. Ngoài 4 người mới bị bắt, nhà chức trách Việt Nam đã bắt hai nhà hoạt động khác hồi cuối năm 2015, là ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà.

Bài báo của Quân đội Nhân dân hôm 7/8 cáo buộc ông Đài sử dụng internet để “xuyên tạc chính sách của nhà nước, tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”.

Hơn nữa, theo bài báo, ông Đài đã lập ra hội Anh em Dân chủ, bị xem là “nơi tụ tập của những kẻ có tư tưởng, quan điểm sai trái, chuyên xuyên tạc, bịa đặt, kích động, cổ xúy cho những phần tử chống phá đảng, nhà nước”.

Từ những điều kể trên, bài báo cho rằng ông Đài và các nhà hoạt động khác đã “cố tình vi phạm” Điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam xác định “quyền lãnh đạo duy nhất” của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Điều 79 của Bộ luật Hình sự quy định về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Kết thúc bài báo, tác giả ký tên Kim Ngọc viết rằng các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật sẽ “bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, nhưng nhấn mạnh rằng “phải xử lý nghiêm khắc hơn” đối với ông Nguyễn Văn Đài. Lý do mà tác giả đưa ra là ông Đài đã từng chịu án tù và quản chế sau những hoạt động bị xem là chống chính quyền trong quá khứ “nhưng vẫn chứng nào tật ấy”.

Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã tuyên hai bản án nặng lên đến 9 và 10 năm tù cho các nhà hoạt động Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là Mẹ Nấm.

Điều này dẫn đến lo ngại trong giới quan sát rằng bài báo của Quân đội Nhân dân có thể là bước dọn đường cho những bản án nặng sắp tới dành cho ông Nguyễn Văn Đài và những người cùng chí hướng.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức ở Việt Nam nhưng không được Hà Nội công nhận, giải thích với VOA về việc chính quyền gia tăng trấn áp giới hoạt động:

“Đất nước đang nhiều khó khăn, họ sợ là sẽ có một làn sóng chỉ trích sau đó là tiến tới thành lập các đảng đối lập, do đó họ đàn áp. Họ thực hiện chủ trương đàn áp, không cho tiếng nói đối lập xuất hiện. Họ đàn áp để ngăn ngừa sự thành lập khối đối lập. Cho nên họ tìm cách trấn áp những người bất đồng chính kiến để ngăn ngừa điều này xảy ra”.

Về việc chính quyền sử dụng Điều 4 của Hiến pháp kết hợp với Điều 79 Bộ luật Hình sự để trấn áp những nỗ lực thúc đẩy đa nguyên, đa đảng, ông Ngữ cho rằng đây là một “lý luận cùn” và những điều luật đó không khác gì “việc xác lập một chế độ phong kiến”.

Tin tức về các vụ chính quyền Việt Nam bắt giam và kết án một loạt các nhà hoạt động đã gây rúng động, nhưng giới hoạt động bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ không sợ hãi. - VOA
|
|

14.
Mục Sư Nguyễn Công Chính họp báo tại Little Saigon

Chiều Chủ Nhật, 6 Tháng Tám, 2017, tại phòng họp Westminster Civic Center, đồng hương Little Saigon cùng nhiều tổ chức chính trị, hội đoàn và báo giới đã có mặt tham dự buổi gặp gỡ với Mục Sư Nguyễn Công Chính vừa đến Mỹ sau gần 6 năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.

Thị Trưởng Trí Tạ thay mặt hội đồng thành phố Westminster đã nói lời chào mừng đầu tiên đến với Mục Sư Nguyễn Công Chính và gia đình ông.

“Chào mừng Mục Sư Nguyễn Công chính đến với bến bờ tự do và đến với thành phố. Cám ơn dân biểu Alan Lowenthal đã có nhiều nỗ lực để đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam, ông cũng là người bỏ nhiều thời gian, cùng một số dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng trong trường hợp của mục sư nguyễn công chính và một số tù nhân lương tâm đang bị tù đày tại Việt Nam. Chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ mục sư Nguyễn Công Chính vì ai cũng biết người từ Việt Nam mới sang thì gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi xin kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người.”

Mục sư Nguyễn Công Chính tên thật là Nguyễn Thành Long, sinh năm 1969 tại Quảng Nam, là trưởng Giáo hội Lutheran, một giáo hội theo Tin lành, ở Việt Nam. Trước đó, ông cũng làm trưởng ban truyền giáo của một hội thánh Tin lành Mennonite không được chính quyền cho phép hoạt động.

Năm 2009 ông được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhân quyền.

Tháng Ba năm 2012, Mục Sư Chính bị kết án 11 năm tù về tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 Bộ Luật Hình Sự.

Năm 2014, Dân Biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal đã chính thức nhận đỡ đầu cho tù nhân lương tâm này qua chương trình “Defending Freedoms Project” của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và từ đó, ông Lowenthal không ngừng tranh đấu cho việc trả tự do cho Mục Sư Chính và đã nhiều lần lên tiếng với chính quyền CSVN cũng như Hoa Kỳ.

Với sự giúp đỡ này cũng như của nhiều dân biểu, tổ chức hội đoàn khác, Mục Sư Nguyễn Công Chính cùng vợ và 5 người con đã đến Mỹ vào tối ngày 28 Tháng Bảy để tị nạn, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Trong buổi này, Dân Biểu Lowenthal cám ơn những người đã cùng ông đấu tranh cho Mục Sư Chính và hy vọng mọi người cùng ông ủng hộ và giúp đỡ Mục Sư Chính trong ngày tháng tới. Ông bày tỏ sự vui mừng khi Mục Sư Chính và gia đình đã được tự do, đồng thời ông cũng lấy làm buồn khi một người đấu tranh ôn hòa cho tự do dân chủ lại bị buộc phải rời khỏi quê hương đất nước mình.

Giám mục Trần Thanh Vân, đại diện cho Giáo Hội Lutheran tại Hoa Kỳ, đã kể lại toàn bộ quá trình đấu tranh để tìm sự giúp đỡ Mục Sư Chính từ ngày ông bị cầm tù cho đến ngày hôm nay.

Trong sự xúc động của mình, Mục Sư Nguyễn Công Chính cám ơn những cá nhân, hội đoàn, tổ chức đã giúp ông đến được bến bờ tự do.

“Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi không ngờ tôi đang đứng trên đất Mỹ vì tôi đang ở trong tù, bản án còn 5 năm mà tôi cũng bị bệnh, trước mắt tôi đã nhìn thấy những người bạn tù ngã xuống,” ông nói.

Cũng trong buổi này, ông kể lại diễn tiến của quá trình ông bị trục xuất khỏi Việt Nam:

“Tôi hoàn toàn không biết gì. Tôi được một nhân viên của tổng cục an ninh vào gặp tôi bất ngờ, tôi nghĩ chắc có phái đoàn nào vào thăm, tại vì buổi sáng thì ông phó tổng cục trưởng vào gặp tôi, hỏi tôi trong này như thế nào, có gì muốn yêu cầu không?

Thế nên nói về tin Bộ Ngoại Giao vào phỏng vấn tôi không biết gì. Nhân viên đó tên Nguyên. Khi anh ta đến lần thứ 2 thì nhiều anh em tù nhân nói rằng ông mục sư sẽ được thả. Tôi nói không dễ đâu. Nhưng ngay trong buổi chiều đó thì họ kêu tôi ra gặp nhân viên bên bộ ngoại giao để phỏng vấn.

Sau khi Bộ Ngoại Giao phỏng vấn xong thì họ mang tôi nhốt riêng, cách ly trong một cái hầm chứ không phải trong một cái buồng. Cái hầm thì chỉ có cái nắp và cái nắp giở ra để đưa cơm vô là đóng lại thôi. Khi đó tôi có muốn nói cũng không nói được gì đóng nắp lại rồi, nói thì tự mình nghe, không ai nghe cả. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trong 2 tháng như vậy. Đúng 2 tháng thì họ vô đưa tôi thẳng ra máy bay Tân Sơn Nhất, gặp vợ tôi ở cục A92, rồi xong có ông trưởng bộ phận chuyên trách về vấn đề chính trị của Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, là người trực tiếp đưa cả gia đình tôi đến sân bay Los Angeles, sau khi đến đó làm các thủ tục xong thì ông quay trở về Việt Nam.

Tôi rất hãnh diện vì được đến nước Mỹ, được tự do.”

Bà Trần Thị Hồng, phu nhân Mục Sư Nguyễn Công Chính, thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, cho biết thêm:

“Trong Tháng Sáu, bên phía Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ có liên lạc với gia đình, họ bảo chương trình của gia đình chị sẽ được đến Hoa Kỳ, khi nghe tin như vậy thì tôi thật sự bất ngờ. Vừa vui vừa buồn. Buồn vì phải xa anh em, xa các chiến sĩ trong nước. Vui vì Mục Sư Chính sẽ được tự do. Khi làm việc với bên phía Tổng Lãnh Sự về vấn đề thủ tục giấy tờ thì bên phía chính phủ việt Nam cũng gây khó khăn rất nhiều.

Một ngày trước khi sang Hoa Kỳ thì gia đình tôi đã di chuyển vào Sài Gòn. 12 giờ thì 6 mẹ con tôi đã đến sân bay, an ninh Việt Nam đưa 6 mẹ con tôi vào một phòng nhỏ. Sau đó đến khoảng 3 giờ thì họ đưa tôi đến gặp Mục Sư Chính và có một người đại diện cho cơ quan Tổng Lãnh Sự. Sau khi gặp thì báo đài trong nước có chụp hình và quay phim rồi họ đưa thẳng gia đình tôi ra đến sân bay và lên máy bay.”

Hơn một lần, Mục Sư Nguyễn Công Chính cho rằng việc ông cùng gia đình đang hiện diện tại Hoa Kỳ là “một phép lạ,” bên cạnh sự giúp đỡ tận tình của Dân Biểu Alan Lowenthal, Dân Biểu Ed Royce và nhiều cá nhân, tổ chức hội đoàn tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. - RFA
|
|

15.
Hà Nội ‘chống tham nhũng’: Cựu Thống đốc Ngân hàng là mục tiêu mới

Dường như đèn xanh đã sáng và cuộc tấn công đã bắt đầu nhắm vào ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng (2011 – 2016), giờ là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng CSVN.

Trong hai ngày 7 và 8, tờ Tuổi Trẻ liên tục giới thiệu ý kiến của hàng loạt cá nhân, đại diện cho nhiều giới, kể cả công an, phân tích và đề nghị phải truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã gây ra hàng loạt vụ đổ vỡ trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng.

Việc tập hợp, giới thiệu ý kiến đó diễn ra sau khi ông Trầm Bê bị bắt.

Trầm Bê? Có nhiều “Trầm Bê”!

Trầm Bê, 58 tuổi, một doanh nhân người Việt gốc Hoa, vẫn được xem như ông trùm trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Ông ta là một trong ba người sáng lập bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hồi đầu thập niên 2000. Là chủ công ty độc quyền cung cấp dịch vụ chiếu xạ cho nông sản xuất cảng ở Việt Nam từ 2002 đến 2009. Tuy nhiên điểm nổi bật, khiến ông Bê trở thành một nhân vật đặc biệt là khả năng lũng đoạn hệ thống ngân hàng.

Năm 2004, ông Trầm Bê đột nhiên trở thành người kiểm soát Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vì nắm trong tay một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này. Vào thời điểm đó, Southern Bank là một ngân hàng thương mại nhỏ nhưng triển vọng phát triển rất lớn, lợi nhuận hàng năm hàng trăm tỉ.

Năm 2012, song song với thông tin từ Kiểm toán Nhà nước loan báo là Southern Bank lâm nguy vì tỉ lệ nợ xấu (nợ khó thu hồi cả vốn lẫn lãi) lên tới 45,6% là sự kiện ông Trầm Bê và ba thành viên khác của Southern Bank trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Ngoài việc nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của Sacombank, lý do ông Bê và ba thành viên của Southern Bank có thể bước vào Sacombank là vì sự ủng hộ của một số cổ đông lớn. Đến nay, nhân dạng, danh tính của những cổ đông này vẫn chỉ là phỏng đoán.

Bởi Southern Bank nằm trong nhóm ngân hàng yếu kém phải “tái cơ cấu”, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức cho phép Southern Bank “sáp nhập” với Sacombank. Lúc đó, Southern Bank đang ôm khối nợ xấu gần 24.000 tỉ. Sacombank thì là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất và hiệu quả hoạt động thuộc loại tốt nhất Việt Nam nhưng lại bị Southern Bank nuốt gọn vì ông Trầm Bê và nhóm ủng hộ ông nắm lượng cổ phần đủ khả năng chi phối Sacombank.

Quyết định cho phép sáp nhập khiến Sacombank phải ôm toàn bộ nợ xấu của Southern Bank. Nuốt xong Sacombank, Southern Bank tự xóa tên. Sacombank “mới” bắt đầu tuột dốc…

Ông Trầm Bê không phải là hiện tượng cá biệt. Đầu thập niên 2010, trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng ở Việt Nam đột nhiên xuất hiện một số “đại gia” – những cá nhân đột nhiên có trong tay hàng ngàn tỉ đồng, vừa khuynh loát lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, vừa chi phối lĩnh vực bất động sản. Vài năm sau, các “đại án ngân hàng” rộ lên giống như thập niên 1990 nhưng qui mô của thiệt hại kinh khủng hơn. Nếu năm 2012, hệ thống tư pháp Việt Nam xác định thiệt hại do ông Nguyễn Đức Kiên (một trong những người sáng lập Ngân hàng Á châu – ACB) gây ra khoảng 950 tỉ thì đến 2016, hệ thống này loan báo thiệt hại do ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại Dương – Ocean Bank) gây ra là 2.000 tỉ đồng, thiệt hại do ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) gây ra là 9.500 tỉ đồng. Khi bắt ông Trầm Bê, công an Việt Nam giải thích là vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định, còn Sacombank cho biết, ông này đang nợ Sacombank 43.000 tỉ kèm lời trấn an là trong ba năm sẽ thu hồi hết số nợ ấy…

Một điểm đáng chú ý khác là trong các “đại án” liên quan tới lĩnh vực tín dụng – ngân hàng, rất nhiều người, kể cả báo giới tỏ ra không “tâm phục, khẩu phục”. Chuyện bất phục không phải do các “đại gia” vô tội mà vì các tình tiết cho thấy, họ trở thành “đại gia” vì có thể vận dụng rất nhuần nhuyễn các qui định hết sức khó hiểu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi điều hành thị trường vàng, thị trường tín dụng.

Những qui định đó khiến năm 2012, tạp chí Global Finance đưa ông Bình vào danh sách những thống đốc ngân hàng quốc gia kém nhất thế giới. Nó cũng là cơ sở để trườc Tòa, ông Kiên, ông Thắm, ông Danh,… và nhiều viên chức, nhân viên ngân hàng khác cũng như các luật sư của họ khăng khăng khẳng định tất cả bị oan!

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.

Đến tháng 6 vừa qua, một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và 90% là tiền của dân! Đó cũng là lý do chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).

Chưa hài tên nhưng bắt đầu chỉ mặt

Nhiều tờ báo đã bắt đầu cuộc tấn công vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua hàng loạt các thắc mắc về trách nhiệm trong việc ban hành những qui định mà về bản chất là hỗ trợ một số cá nhân lũng đoạn thị trường vàng, thị trường tín dụng và làm thị trường bất động sản đóng băng, khiến kinh tế Việt Nam suy thoái chưa có điểm dừng.

Trong cuộc tấn công vừa kể, tờ Tuổi Trẻ tỏ ra rõ ràng và kiên trì nhất. Tờ báo này đã thu thập, giới thiệu ý kiến của nhiều người nhằm lý giải tại sao “đại gia” và “lao lý” lại song hành với nhau. Chẳng hạn một thượng tá tên là Vũ Như Hà, Trưởng phòng Điều tra tội phạm tham nhũng và kinh tế của công an Sài Gòn khẳng định: Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc phát sinh tội phạm ngân hàng chính là chính sách chế độ quản lý hoạt động ngân hàng còn thiếu, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu chặt chẽ tạo ra kẽ hở cho hoạt động tội phạm. Theo viên thượng tá này, đó là lý do, nếu muốn, một số cổ đông, nhóm cổ đông có cổ phần trong nhiều ngân hàng dễ dàng thao túng thị trường tài chính và thao túng ngân hàng.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam thì nhận định, không thể đổ hết lỗi cho doanh nhân mà phải xem lại hệ thống hiện nay. Theo ông Dũng, hệ thống pháp luật, thể chế bất cập sẽ đẻ ra tình trạng “hợp lý nhưng không hợp pháp” và ngược lại. Ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nêu ra một ý khác, hàng loạt những sự kiện gần đây cho thấy “tinh thần quyết liệt” từ lãnh đạo cao nhất của Đảng, chính phủ, vì thế “cần tiếp tục quyết liệt, truy tận gốc các vụ án, chống thân hữu”. Tuổi Trẻ còn dẫn ý kiến một doanh nhân yêu cầu ẩn danh, bảo rằng, “nếu không truy đến cùng, sự méo mó và vòng lao lý có thể đến với nhiều doanh nhân khác”.

Có lẽ cần nhắc lại rằng, Ngân hàng Nhà nước từng là một trong những lĩnh vực bất khả xâm phạm.

Tháng 4 năm 2013, tờ Thanh Niên công bố bài điều tra, tố cáo, cách thức điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng đã giúp một số cá nhân “rửa” vàng có nguồn gốc bất minh, lũng đoạn thị trường vàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng. Dẫu “Rửa vàng bằng cơ chế” (thu thập số liệu những thương vụ mua bán vàng của Việt Nam trong các tài liệu của ngoại quốc, đối chiếu với chính sách quản lý thị trường vàng, nêu thắc mắc, có phải Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách để hợp thức hóa vàng buôn lậu, hỗ trợ độc quyền kinh doanh vàng hay không) đăng tải ngày 24 tháng 4 năm 2013 được công chúng tán thưởng và đề nghị điều tra thêm. Ngay trong ngày hôm đó, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản cho Bộ Công an Việt Nam, yêu cầu khởi tố tác giả, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin – Truyền thông, “xử lý nghiêm khắc Ban Biên tập tờ Thanh Niên. Ngày hôm sau, Ban Biên tập tờ Thanh Niên đục bỏ “Rửa vàng bằng cơ chế”, xin lỗi Ngân hàng Nhà nước, thề sẽ kỷ luật tác giả do “dịch và hiểu chưa đúng về các thuật ngữ” thành ra “nhầm lẫn, sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước”!

Gió dường như đã đổi chiều. Khi truyền thông chính thống có xu hướng đó, khó có thể loại trừ tình huống, vào một ngày xấu trời nào đó, công an Việt Nam chính thức xác nhận, nội dung những thư tố cáo ông Bình là… “có cơ sở”. Ông Bình – nhân vật mà theo tin đồn đã được ông Nguyễn Tấn Dũng gửi vào Bộ Chính trị Đảng CSVN sẽ sớm bước ra khỏi đó giống như ông Đinh La Thăng. - nguoiviet
|
|

16.
Đại Nhạc Hội ‘Cám Ơn Anh’ kỳ 11 quyên góp được $1 triệu 50 ngàn

Tính đến 6 giờ chiều Chủ Nhật, 6 Tháng Tám 2017, Đại Nhạc Hội ‘Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH’ lần thứ 11 tổ chức ở San Jose đã quyên góp được hơn 1 triệu 50 ngàn đô la, theo Ban Tổ Chức cho báo Người Việt biết.

Đại nhạc hội khai mạc lúc 12 giờ trưa và kéo dài đến 8 giờ tối cùng ngày, tại sân vận động trường trung học Yerba Buena, San Jose, thu hút từ 8 đến 10 ngàn người tham dự, theo lời ông Nam Lộc, một thành viên của Ban Tổ chức, cho hay.

Toàn bộ chương trình được đài truyền hình SBTN phát trực tiếp cho khán giả ở khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ, Canada, Úc châu và trên mạng xã hội facebook, youtube cho khán giả toàn cầu.

Trong lễ khai mạc, tiết mục cảm động khiến nhiều người rơi lệ là lễ tưởng niệm cố nữ Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH, hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH và là người từng đứng đầu các đại nhạc hội Cám Ơn Anh.

Góp mặt trong chương trình văn nghệ trong suốt 8 tiếng đồng hồ có 40 ca sĩ đến từ Nam và Bắc California, trong đó các ca sĩ quen thuộc như Thanh Thúy, Thế Sơn, Công Thành và Lynn, Hoàng Anh Thư, Lâm Nhật Tiến…

Chương trình cũng có thành phần MC rất hùng hậu bao gồm: Nam Lộc, Trúc Hồ, Minh Phượng, Ngọc Đan Thanh, Thùy Dương, Đỗ Tân Khoa, Kim Nhung, Hoàng Tuấn, Leyna Nguyễn, Diệu Quyên, Thy Vân và cả nhà báo Nguyễn Văn Khanh.

Trong chương trình có rất nhiều ca sĩ mang thùng quyên góp xuống tận nơi để đồng hương bỏ tiền vào.

Một trong số đó là nữ ca sĩ Thanh Thúy. Nữ ca sĩ tâm sự rằng ‘rất cảm động và vui khi được mang thùng quyên góp để đón nhận các nghĩa cử cao đẹp của đồng hương, ngoài việc đóng góp tiếng hát của mình cho chương trình.’

Một khán giả, bà Lê Thị Thắm, cư dân San Jose, bày tỏ cảm xúc: ‘Tôi đã tham dự đại nhạc hội Cám Ơn Anh hai lần, một lần ở Nam Cali và lần này ở Bắc Cali. Còn nhớ lần trước gặp bà Hội trưởng Hạnh Nhơn nhưng lần này rất buồn vì bà đã mất.’

Một khán giả khác là ông Tony Hạnh đến từ Oakland kể với báo Người Việt rằng ‘đã 6 lần tham dự đại nhạc hội Cám Ơn Anh.’

‘Thật ra tôi cũng là một Thương Phế Binh của sư đoàn 22 Bộ Binh, Quân lực VNCH nhưng đã may mắn sang Mỹ được 22 năm. Chúng tôi nghĩ, đóng góp cho chương trình là nghĩa vụ của các anh em cựu quân nhân Quân lực VNCH.’

* Mong muốn gặt hái nhiều thành quả

Trước đó, nói với Nhật báo Người Việt trong giờ khai mạc, Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng giám đốc Đài truyền hình SBTN cho hay, tất cả các bộ phận như kỹ thuật, nghệ sĩ cũng đã sẵn sàng vì việc chuẩn bị từ khá lâu rồi.

Chương trình năm nay do Hội Tương Trợ Thương Phế Binh VNCH Bắc California, đài truyền hình SBTN, trung tâm Asia, và Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH tổ chức, với sự hỗ trợ của các hội đoàn Bắc California, ca nhạc sĩ hải ngoại, và một số cơ quan truyền thông Việt ngữ.

Tân Hội Trưởng Hội Cứu Trợ TPBVNCH, ông Nguyễn Văn Ức, nói với báo Người Việt rằng, ông và Ban Tổ Chức mong muốn Đại nhạc hội lần này đạt được nhiều thành quả hơn các Đại nhạc hội khác để đạt được ước vọng của bà cố Hội trưởng Hạnh Nhơn.

‘Chúng tôi cũng kêu gọi quý ân nhân và quý đồng hương hãy vì Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ VNCH hãy mở rộng vòng tay giúp cho chúng tôi có đủ phương tiện để giúp đỡ các anh em còn khó khăn ở quê nhà. Và điều thứ hai, cũng là dịp quý vị bày tỏ niềm thương mến với bà cố Hội Trưởng Hạnh Nhơn, vốn khi còn sinh tiền lúc nào cũng hy sinh tất cả thời giờ quý giá trong tuổi về chiều giúp đỡ anh em Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ VNCH.’

Trưởng Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 11, cựu Đại tá Không Quân VNCH Nguyễn Hồng Tuyền, tâm sự: ‘Khi chị Hạnh Nhơn mất đi là chúng tôi mất đi một người chị cả mà có thể nói rằng đã 21 năm chị làm việc giúp Thương Phế Binh VNCH. Chúng tôi hợp lại và cố quyết tâm gắng sức để làm sao cho Đại Nhạc Hội lần này được thành công mỹ mãn.’

Nguyễn Hồng Tuyền nói thêm: ‘Chúng tôi cũng gởi lời cám ơn tất cả đồng hương trong nước Mỹ, Canada, Úc, và khắp nơi trên thế giới đã có tấm lòng hảo tâm quyên góp gởi về giúp đỡ anh em Thương Phế Binh. Với danh nghĩa là trưởng ban tổ chức đại nhạc hội lần này, chúng tôi rất vui vì đã nhìn thấy người Việt chúng ta ở Florida, ở Houston, ở Arizona, … những người trẻ đã bắt đầu dấn thân và tiếp tục con đường và công việc mà chúng tôi đang làm.’ - nguoiviet
|
|

17.
Nhà thờ 130 tuổi ở Nam Định cháy rừng rực trong đêm

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào khuya 5 Tháng Tám đã thiêu rụi nhà thờ Trung Lao của giáo xứ Trung Lao, Giáo Phận Bùi Chu, tọa lạc tại xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Đây là một trong những thánh đường lâu đời nhất ở Việt Nam. Theo Wikipedia, các vị thừa sai ngoại quốc và giáo dân Việt Nam ở Trực Ninh đã hợp sức dựng lên nhà thờ Trung Lao suốt 10 năm, từ 1888 đến 1898.

Ngoài việc là một thánh đường lâu đời của Công Giáo Việt Nam, nhà thờ Trung Lao còn được xem là công trình độc đáo về kiến trúc ở Việt Nam, khi kết hợp rất hài hòa giữa phong cách Gothic – Tây Ban Nha và Việt Nam.

Nhà thờ Trung Lao rộng 16 mét, dài 50 mét, có 11 gian, mái lợp ngói dạng vảy rồng, tường gạch, toàn bộ cột, kèo bên trong nhà thờ được làm từ lõi gỗ lim, đường kính các cột từ 70 cm đến 80 cm. Nhiều chi tiết bằng gỗ như kèo, xà, điện thờ trong nhà thờ được xem là bằng chứng về tài hoa của người Việt trong chạm khắc gỗ, các họa tiết trên gỗ được trau chuốt một cách hết sức tỉ mỉ, tinh xảo.

Sau cả thế kỷ, nhà thờ vẫn không cần trùng tu vì không suy suyển theo thời gian. Năm 1986, hai bức tường ở cửa hành lang bị đổ vì bão lớn phải xây lại. Năm 1996, linh mục trông coi giáo xứ Trung Lao cho sửa lại hai bức tường này vì có điều kiện làm lại đúng với nguyên bản…

Theo tờ Thanh Niên, khoảng hơn 11 giờ khuya ngày 5 Tháng Tám, chuông nhà thờ ngân dài. Giáo dân đổ đến thì gian đầu và là gian chính của nhà thờ đang cháy. Họ vừa hợp sức chữa cháy, vừa báo với cứu hỏa của công an tỉnh Nam Định.

Nửa tiếng sau, năm xe và 100 lính cứu hỏa đổ đến cùng dập lửa với giáo dân. Do gió lớn, bên trong thánh đường lại toàn là gỗ nên không thể cản được lửa nuốt trọn nhà thờ. Hơn hai tiếng sau, nhà thờ Trung Lao chỉ còn các bức tường và 40 cột bằng gỗ lim. Tất cả những thứ khác bằng gỗ bên trong nhà thờ đều biến thành than.

Trong khi một số giáo dân Giáo Xứ Trung Lao phỏng đoán, nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn có thể do chập điện ở phòng có nhiều quần áo và sách vở thì chính quyền huyện Trực Ninh đề nghị chờ công an điều tra và công bố kết luận chính thức.

Báo điện tử VietNamNet cho biết, nhiều giáo dân Giáo Xứ Trung Lao ứa nước mắt khi không thể cứu được ngôi nhà thờ của họ và đến giờ vẫn còn thảng thốt trước sự kiện này.

Bà Trần Thị Quý, sống gần nhà thờ, cho biết bà đang ngủ thì nghe thấy tiếng chuông nhà thờ kêu vang liên hồi báo hiệu. Mọi người tỉnh dậy và chạy ra xem thì thấy gian đầu của nhà thờ đã bốc cháy nghi ngút. Hô hoán nhau để dập lửa nhưng không thể tiếp cận được đành bất lực đứng nhìn. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment