Friday, August 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 4/8

Tin Thế Giới

1.
Báo Ấn Độ kêu gọi thế giới cảnh giác với chiến lược bành trướng của Trung Quốc

Trung Quốc đang sử dụng một tranh chấp ở khu vực biên giới ở khu vực Himalaya để tiếp tục thử nghiệm chiến lược “cắt lát xúc xích” để bành trướng lãnh thổ và các nhà lãnh đạo thế giới nên đoàn kết chống lại mưu đồ của Bắc Kinh, một tờ báo của Ấn Độ kêu gọi.

Ấn Độ đang vướng vào tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc xung quanh một phần lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa ba nước Ấn-Trung và Bhutan. Tranh cãi đang có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự khi Bắc Kinh đe dọa sẽ “dùng mọi biện pháp” để “bảo vệ chủ quyền” nếu Ấn Độ không rút quân khỏi vùng tranh chấp.

Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đưa quân bất hợp pháp vào khu vực Donglang của họ mà phía Ấn Độ gọi là Doklam. Đây là khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan. New Delhi nói họ hành động theo đề nghị của Bhutan sau khi Trung Quốc bắt đầu cho xây dựng một con đường ở khu vực này – một hành động mà Ấn Độ cho rằng uy hiếp nghiêm trọng an ninh của họ.

Tờ India Today hôm thứ Sáu ngày 4/8 đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới không nên ngồi yên trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khi New Delhi đang phải chống lại.

Chiến lược “cắt lát xúc xích” (salami slicing) của Trung Quốc, hay có thể gọi là “tằm ăn dâu” là chiến lược xâm chiếm dần dần, từng bước một để làm giảm khả năng đối phương có phản ứng quyết đoán cũng như tránh phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tờ báo Ấn Độ nói không riêng ở Doklam/Donglang, Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tờ báo này nhắc nhở rằng kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập thì nước này “là nước duy nhất trên thế giới mở rộng lãnh thổ của họ khiến các nước láng giềng bị thiệt hại”. Trung Quốc được cho là đang theo đuổi quyết liệt chính sách bành trướng này ở cả trên bộ lẫn trên biển, về phía đông và phía nam.

“Chính sách bành trướng của Trung Quốc đều tuân theo một mô típ: trước hết họ tuyên bố có chủ quyền với một vùng đất nào đó ở nơi tiếp giáp của các nước láng giềng. Họ tuyên bố một cách mạnh mẽ. Họ lặp đi lặp lại tuyên bố này bằng mọi cách vào bất cứ lúc nào có thể cho đến một lúc nào đó những luận điệu tinh vi này làm vùng đất của nước láng giềng trở thành khu vực có tranh chấp,” India Today miêu tả.

Tờ báo này nêu ra dẫn chứng từ những trường hợp của Tây Tạng, Tân Cương là những vùng lãnh thổ đã được sáp nhập vào Trung Quốc và Aksai Chin và Arunachal Pradesh mà họ tranh chấp với Ấn Độ.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chính quyền ở Hoa lục từ tay của Quốc dân Đảng, Tây Tạng là một quốc gia độc lập do các vị lạt ma cai quản và không có quân đội. Bắc Kinh đã dùng vũ lực để kiểm soát Tây Tạng với lập luận rằng nơi này là thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc từ xưa.
“Nếu nói theo logic đó thì Ấn Độ cũng có thể đòi chủ quyền với Afghanistan, Bangladesh, Pakistan và thậm chí cả Nepal,” tờ báo của Ấn Độ phản bác.

Tây Tạng và Tân Cương đã mở rộng lãnh thổ Trung Quốc lên gấp đôi chỉ vài năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập. Còn ở Aksai Chin, Bắc Kinh trước hết đưa các nhóm du mục người Hán đến đây với lệnh là đuổi những người chăn thả gia súc Ấn Độ ra khỏi khỏi khu vực. Cho đến năm 1962 thì Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với Aksai Chin và Arunachal Pradesh. Cuộc chiến biên giới năm 1962 đã khiến Ấn Độ để mất Aksai Chin vào tay Trung Quốc, tờ báo này nhắc lại.

Thành công với chiến lược “cắt lát xúc xích” ở khu vực Himalaya, Bắc Kinh đã tiếp tục áp dụng chiến lược này trên Biển Đông, bắt đầu từ việc chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 từ Việt Nam và bãi Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012 từ phía Philippines.

Trong lúc này, Bắc Kinh đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để gây sức ép buộc New Delhi phải rút quân.

Trong một tuyên bố hôm 3/8, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói rằng “thiện chí của Trung Quốc phải có nguyên tắc và sự kiềm chế của Trung Quốc cũng có giới hạn.”

“Không nước nào có thể đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của quân độ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự phát triển của đất nước,” ông Nhậm nói.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố hôm 2/8 nói rằng Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết”, tức bao hàm cả biện pháp quân sự.

Tuyên bố này cũng cho biết đến cuối tháng 7 thì Ấn Độ vẫn còn 40 binh sỹ đóng tại khu vực tranh chấp – giảm xuống so với 270 binh sỹ trước đây. Trung Quốc cho rằng “số binh sỹ này tiến sâu hơn 100 mét về phía lãnh thổ Trung Quốc”.

Ấn Độ lo ngại rằng nếu Trung Quốc kiểm soát khu vực tranh chấp với Bhutan này, họ sẽ khống chế một dải đất hẹp vốn là yết hầu nối cả phần còn lại của Ấn Độ với vùng đông bắc của nước này. - VOA
|
|

2.
Mỹ trấn an ASEAN: Chuyện Bắc Hàn sẽ không lấn át chuyện Biển Đông

Trong lúc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tập trung chuẩn bị cho chuyến công du Ðông Nam Á đầu tiên trong tuần này, Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi thành lập một cơ chế ràng buộc pháp lý để ngăn tránh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ chồng chéo nhau trên Biển Đông biến thành xung đột bạo động. Ông Tillerson cũng sẽ mưu tìm sự hợp tác rộng lớn hơn từ các đồng minh trong khu vực để cô lập hóa Bắc Triều Tiên.

Sau khi bị Trung Quốc nghiêm khắc cảnh cáo, Hà Nội đã ngưng hoạt động khoan dò dầu khí do một công ty nước ngoài thực hiện cho Việt Nam trên Biển Đông. Đó là chuyện mới nhất trong cuộc tranh chấp đang tiếp diễn tại hải lộ tấp nấp nhất thế giới và được cho là giàu trữ lượng dầu khí.

Bộ trưởng ngoại giao của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, theo trù liệu sẽ thông qua thỏa thuận khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) trong cuộc họp tại Manila.

Mặc dù thỏa thuận khung cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, nó được xem là bị tác động bởi ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vì nó chưa mang tính ràng buộc pháp lý.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc thành lập một cơ chế giải quyết xung đột và kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải.

Bà Susan Thornton, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói: “Những hành động gây bất ổn, như việc Trung Quốc lấp biển, xây đảo, quân sự hóa tại những nơi tranh chấp, làm cho nỗ lực giải quyết ôn hòa những bất đồng trở nên rất khó.”

Ngoại trưởng Rex Tillerson muốn làm việc với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng mà không dẫn đến xung đột. Trong số những vấn đề sẽ có việc gia tăng áp lực đối với Bắc Hàn.

Ông Tillerson nói: “Sẽ không có tương lai khi mà Bắc Hàn thủ đắc vũ khí hạt nhân hoặc khả năng bắn các đầu đạn hạt nhân đó đến bất cứ nơi nào trong khu vực. Để ngăn chặn hiểm họa đó, chúng tôi mưu tìm sự hợp tác của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đến 90% hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên.”

Ông Tillerson sẽ phải làm việc rất khéo với ASEAN trong nỗ lực mưu tìm sự hợp tác để cô lập Bắc Triều Tiên nhưng không để cho các nước Ðông Nam Á này cảm thấy vấn đề Bắc Hàn lấn át những mối quan tâm của họ ở Biển Đông.

Ông Gregory Poling, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhận định: “Thực tế là vấn đề Bắc Hàn không quan trọng đối với Malaysia, Việt Nam và Philippines bằng chuyện Biển Đông của nước họ.”

Có nhiều người cho rằng các đồng minh trong khu vực đang hoài nghi rằng họ sẽ không nhận được sự ủng hộ thiết thực từ Washington trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Bill Hayton, chuyên gia của viện nghiên cứu Chatham House nói với VOA: “Các nước này cảm thấy không thể trông nhờ vào Washington bảo vệ cho Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông, và đó là một dấu hiệu cho thấy các chính phủ Ðông Nam Á lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Trump không quan tâm đến chuyện bảo vệ lợi ích cho họ."

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vấn đề chống khủng bố trong khu vực cũng được cho là sẽ nằm cao trong nghị trình ASEAN. - VOA
|
|

3.
Tập đoàn dầu khí Philippines nóng lòng tái tục thăm dò Biển Đông

Tập đoàn dầu khí PXP Energy ở Philippine ngày 3/8 bày tỏ sự háo hức nối lại hoạt động thăm dò tại Biển Đông và cho biết bất kỳ sự phát triển liên doanh nào cũng sẽ có sự góp mặt của một công ty Trung Quốc.

Chủ tịch Manuel Pangilinan nói với các phóng viên rằng ông trông chờ thảo luận các kế hoạch nối lại dự án Bãi Cỏ Rong đã bị đình trệ của PXP trong vùng biển tranh chấp với chính phủ Philippines.

"Chúng ta nên bắt đầu làm điều đó bởi vì tất cả các tuyên bố mà cả Trung Quốc và Philippines đưa ra đều đang đi theo hướng tích cực," ông nói.

Philippines đình chỉ thăm dò tại Bãi Cỏ Rong, được biết đến với cái tên địa phương là Bãi Recto, vào cuối năm 2014 khi nước này theo đuổi vụ kiện trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Năm ngoái, Tòa án Trọng tài thường trực tại The Hague đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, dù Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết này.

Quyết định này làm rõ các quyền chủ quyền của Philippines trong việc tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, bao gồm cả Bãi Cỏ Rong, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

PXP trước đó đã đàm phán với Tập đoàn Dầu Khí Hải dương Trung Quốc về việc thăm dò và phát triển chung Bãi Cỏ Rong trong thời chính quyền của người tiền nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte, Benigno Aquino. Nhưng việc Manila mưu tìm trọng tài phân xử vụ kiện đã làm gián đoạn đàm phán.

Cả hai nước hiện đều để ngỏ ý tưởng liên doanh về năng lượng trong vùng biển đang tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ trong chuyến thăm tuần trước tới Philippines, và nói thêm rằng hành động đơn phương có thể gây ra vấn đề cho cả hai bên. - VOA
|
|

4.
Ankara cam kết trừ khử những phần tử chống Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ

Trong chuyến công du Bắc Kinh để tìm kiếm đồng minh mới, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, ngày hôm qua, 03/08/2017, đã tuyên bố là Ankara coi « an ninh của Trung Quốc cũng như an ninh của chính Thổ Nhĩ Kỳ » và « không tha thứ cho bất kỳ hành động thù địch chống Trung Quốc nào trên đất Thổ Nhĩ Kỳ ».

Theo AFP, phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành một chiến dịch tăng cường an ninh tại vùng tự trị Tân Cương, nơi sinh sống của đa số người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ.

Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette nhận định về sự thay đổi chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ:

« Từ nhiều năm nay, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng vai là người bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Thổ tại Trung Á. Năm 2015, tổng thống Recep Erdogan đã tố cáo thái độ của Bắc Kinh và phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một chiến dịch chống Trung Quốc rất hung dữ nhằm phản đối chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Thế nhưng trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao với châu Âu và Hoa Kỳ, các cơ hội trao đổi thương mại và quan hệ chiến lược với Trung Quốc giờ đây dường như quan trọng hơn. Các hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ của các nhóm người Duy Ngô Nhĩ tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – đã làm nguội lạnh sự ủng hộ của chính quyền Ankara.

Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo muốn phát triển các quan hệ văn hóa và kinh tế với Trung Quốc và muốn thu hút khoảng 3 triệu du khách Trung Quốc mỗi năm. Thế nhưng, nếu Ankara quay lưng lại với người Duy Ngô Nhĩ , thì đó có thể là một tín hiệu xấu gửi tới phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan mà đa số ủng hộ tổng thống Erdogan và những phần tử này có thể không hiểu nổi tại sao một cộng đồng dân tộc anh em lại bị bỏ rơi chỉ vì Bắc Kinh". - RFI
|
|

5.
Tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Pháp giảm mạnh

Theo nhiều thăm dò ý kiến, tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giảm mạnh.

AFP cho biết theo kết quả thăm dò ý kiến Yougov được công bố ngày hôm qua 03/08/2017, tổng thống Macron bị giảm 7 điểm tín nhiệm, chỉ còn 36% số người được hỏi ủng hộ. Còn kết quả thăm dò của Elabe thì cho thấy ông Macron được 40% số người được hỏi tín nhiệm.

Phát biểu trên kênh Europe 1, dân biểu đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, ông Daniel Fasquelle, thị trưởng thành phố Touquet, đánh giá « tổng thống không còn xứng tầm (…) tổng thống phải trả giá vì thiếu kinh nghiệm (…) ». Theo dân biểu Daniel Fasquelle, rất có thể ông Macron đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước quá nhanh, quá sớm và vai trò tổng thống giờ là quá sức với ông ấy. Người dân Pháp thất vọng cả về cách ứng xử của tân tổng thống, chẳng hạn thái độ của ông Macron với tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng De Villiers và cả về việc tổng thống không thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Cũng theo dân biểu Daniel Fasquelle, người dân ngày càng khắt khe khi thấy tổng thống có những bước đi chệch hướng, chẳng hạn muốn thâu tóm quyền lực, « lấn lướt » quyền của thủ tướng Edouard Philippe. - RFI
|
|

6.
Vì không yêu đảng Cộng Sản, robot chat trực tuyến Trung Quốc bị khoá --- Gần đến Đại Hội Đảng, Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt Internet

Tại Trung Quốc, không nên chỉ trích đảng Cộng Sản, ngay cả khi đó là một ứng dụng công nghệ, nếu không sẽ phải chịu bản án không gì lay chuyển được. Đây là trường hợp của hai chatbot (« trợ lý ảo ») Baby Q và Tiểu Băng (Xiao Bing) trên ứng dụng chat trực tuyến QQ của Trung Quốc.

Tổng hợp từ Financial Time và BBC, Huffington Post(03/08/2017) cho biết cả hai « trợ lý ảo » này đều bị rút khỏi QQ vì « không yêu đảng Cộng sản ». Thế nhưng, thái độ này dường như là « kết quả » quá trình « kèm cặp » của rất nhiều người sử dụng ứng dụng trò chuyện trực tuyến khi dạy cho Baby Q và Tiểu Băng (Xiao Bing) không yêu tổ quốc.

Chatbot là một kiểu phần mềm trí tuệ nhân tạo, được lập trình để hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống càng thật càng tốt. Từ vài năm nay, chatbot có mặt khắp nơi, trên Facebook (Hi Poncho), Google (Google Assistant), Apple (Siri), và cả Tencent, một trong những tập đoàn lớn về kỹ thuật số của Trung Quốc.

Từ tháng 04/2017, hai chatbot Baby Q và Tiểu Băng bắt đầu phục vụ người sử dụng QQ, một ứng dụng chat trực tuyến giống Snapchat. Bayby Q là sản phẩm của Tencent và Turing Robot, một công ty chuyên về công nghệ, còn Tiểu Băng được Microsoft phát triển. Mục đích của cả hai ứng dụng là trả lời những câu hỏi đơn thuần về văn hóa.

« Giấc mơ Trung Hoa là đến nước Mỹ »

Nhưng mọi việc diễn ra không được như ý. Trong những ngày qua, trên các mạng xã hội Trung Quốc lan truyền nhiều ảnh chụp từ màn hình : Khi người sử dụng hỏi Baby Q có yêu đảng Cộng sản Trung Quốc không, « trợ lý ảo »này trả lời gỏn gọn : « Không ». Kinh khủng hơn, chatbot Baby Q còn đánh giá chính quyền là « chế độ tham nhũng và bất tài về mặt chính trị ».

Về phần Tiểu Băng, chatbot này khẳng định không hề do dự là « Giấc mơ Trung Hoa của tôi là đến nước Mỹ ». Hunffington Post cho biết Financial Time đã thử đặt câu hỏi với chatbot Baby Q và nhận được các câu trả lời tương tự.

Kể từ đó, cả hai robot này không còn được phục vụ người dùng internet nữa. Tập đoàn Tencent dè dặt bình luận : « Những chatbot này là của các công ty độc lập thuộc bên thứ ba. Hiện chúng tôi đang chỉnh sửa dịch vụ này và sẽ đưa vào phục vụ trực tuyến trở lại ngay khi hoàn thiện ».

Có rất nhiều khả năng là thái độ của hai « trợ lý ảo » là kết quả của nhiều người sử dụng, sau khi được « trau dồi »những chương trình có chủ đích. Nguyên lý của các thuật toán này là học « nói » nhờ giao tiếp với người sử dụng. Nếu rất nhiều người khẳng định với chatbot là không cần phải yêu đảng Cộng sản, cuối cùng robot sẽ nói y như vậy, giống như một con vẹt.

Điều này đã xảy ra với Tay, một « trợ lý ảo » khác được Microsoft triển khai trên mạng Twitter vào năm 2016. Trong vòng vài giờ, rất nhiều người đã dạy cho chatbot này trở thành phân biệt chủng tộc. Cuối cùng, giống như Tecent, Microsoft đã khóa « trợ lý ảo » Tay sau khi Tay thông báo « cần đi ngủ vì đã chat quá nhiều". - RFI

***
Bắc Kinh ngày 04/08/2017 đã tiến hành thử nghiệm các phương thức kiểm duyệt mạng, trong bối cảnh đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 sắp diễn ra vào mùa thu năm nay.

Thông tin này đã được 4 tập đoàn, trong đó có nhà khai thác “mây điện tử - cloud” của Microsoft tại Trung Quốc xác nhận với hãng tin Reuters. Các trung tâm dữ liệu Internet (IDC) và các công ty dịch vụ phần mềm (cloud) hôm qua đã nhận được lệnh tham gia diễn tập trong vòng 3 giờ thực hành “phản ứng nhanh”.

Theo đó, các trung tâm dữ liệu được yêu cầu tập dượt đóng nhanh các trang web và cung cấp cho cảnh sát các thông tin liên lạc, địa chỉ IP và xác định vị trí máy chủ có liên quan.

Theo một thông cáo lưu truyền trên mạng được cho là từ đơn vị cảnh sát mạng thành phố Quảng Châu, thuộc bộ An Ninh Nội Địa, mục đích đợt thao dượt là nhằm “tăng cường an ninh mạng cho đại hội Đảng lần thứ 19 và xử lý vấn đề phát tán bất hợp pháp các thông tin độc hại từ những trang mạng nhỏ”.

Reuters nhắc lại tuần rồi hãng quả táo của Mỹ đã chấp nhận đòi hỏi của Bắc Kinh rút khỏi Apple Store các ứng dụng VPN (mạng tư nhân ảo). Ứng dụng này cho phép người sử dụng vượt “Tường lửa” của Trung Quốc, được chính quyền sử dụng để thanh lọc và kiểm soát truy cập Internet. - RFI
|
|

7.
Al-Qaida thả con tin Nam Phi

Chính phủ Nam Phi cho hay một người đàn ông Nam Phi bị al-Qaida ở Mali giam giữ từ năm 2011 vừa được thả ra.

Ông Stephen McGowan là người cuối cùng trong số ba người nước ngoài bị bắt cóc ở thành phố Timbuktu, Mali, vào tháng 11/2011 được trả tự do.

Chính quyền Mali và Nam Phi đã phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Gift of the Givers để thương thuyết việc trả tự do cho ông McGowan, nhưng Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane nói tại một cuộc họp báo ở thành phố Pretoria rằng không có khoản tiền chuộc nào phải trả cho nhóm phiến quân.

Ông Imtiaz Sooliman, Chủ tịch và là người sáng lập ra tổ chức Gift of the Givers, nói rằng ông McGowan đã được trả tự do ngày 29/7 và hiện đang được điều trị nhiễm trùng tại một bệnh viện ở Nam Phi.

Ông Sooliman nói rằng tổ chức từ thiện của ông không ủng hộ các nhóm cực đoan và không đồng ý với việc trả tiền chuộc hoặc tham gia vào việc trao đổi tù nhân.

Ông McGowan đã về với gia đình sau khi được thả ra.

Phiến quân Al-Qaida vùng Maghreb Hồi giáo, còn gọi là AQIM, tuyên bố đã bắt cóc ba người nước ngoài này. - VOA
|
|

8.
Chiến binh Sói phần 2: Phim ái quốc gây bão ở TQ

"Bất kỳ ai xúc phạm Trung Quốc cũng sẽ đều bị giết chết, bất kể mục tiêu ở xa tới đâu."

Đó là dòng chữ chính gắn với phim Chiến binh Sói phần 2, bộ phim 'bom tấn' tại các rạp Trung Quốc với những cảnh quay đầy nam tính: bắn súng, cháy nổ, xe tăng, và tinh thần ái quốc kiểu đấm ngực bùm bụp rất Trung Quốc.

Bộ phim nói về một người lính đi vào vùng chiến sự ở châu Phi, cứu được hàng trăm sinh mạng khỏi bọn người xấu phương Tây. Về cơ bản thì kịch bản phim không khác gì với những phim hành động của Hollywood, nhưng lần này đó là một người đàn ông Trung Quốc đi bảo vệ công lý, bảo vệ thế giới.

Theo chân các diễn viên võ thuật Thành Long và Ly Liên Kiệt, nay cao thủ võ lâm Ngô Kinh (Wu Jing) đang trong số các ngôi sao hành động thế hệ mới chuyển sang làm đạo diễn.

Phim Chiến binh Sói của ông ra mắt hồi 2014, nhưng không tạo mấy ảnh hưởng. Các phim dòng chính thống, đặc biệt là những phim cổ súy tinh thần ái quốc, thường không được nhiệt liệt tán thưởng tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chiến binh Sói phần 2 lại tạo thành cơn sốt.

Phim đã thu về khoản tiền kỷ lục 1,6 tỷ nhân dân tệ (238 triệu đô la Mỹ) chỉ trong vòng một tuần. Cơn sốt ở Trung Quốc khiến phim dẫn đầu toàn thế giới trong dịp cuối tuần trước, qua mặt cả phim bom tấn Dunkirk của Hollywood.

Phim xoay quanh nhiệm vụ giải cứu khi các phiến quân chiếm một thị trấn ở một quốc gia không tên tại châu Phi.

Lãnh Phùng (Leng Feng), một quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm (Ngô Kinh thủ vai), được gửi tới để cứu các doanh nhân Trung Quốc và người dân địa phương bị đám lính đánh thuê của phương Tây cầm giữ.

Nhiều khán giả viết trên mạng rằng họ thấy rất cảm động về tinh thần ái quốc trong phim.

"Đây là phim hành động hay nhất của Trung Quốc," một người dùng trên mạng xã hội viết.

"Hay đến mức gây sốc. Những chàng trai đẫm máu và rắn rỏi kinh người. Tôi đã rớt lệ sau khi xem phim," một người khác viết.

Một lý do khiến người ta hào hứng hơn khi so với phim Chiến binh Sói phần đầu là các cảnh hành động đã được cải thiện rất nhiều.

Nhiều người ở Trung Quốc ca ngợi các cảnh quay trong phim, chẳng hạn như cảnh xe tăng lao trượt xoay trên đường như xe hơi trong phim Fast and Furious, và nói phim đạt "chất lượng Hollywood".

Phim được thực hiện hoàn toàn bằng vốn tư nhân, cũng được khen vì làm kỹ tới từng chi tiết, đưa ra những hình ảnh sao chép gần như hoàn hảo nhiều loại vũ khí tối tân nhất của quân đội Trung Quốc.

Thời điểm công chiếu cũng góp phần tạo nên thành công cho phim, khi mà cả nước Trung Quốc đang trong làn sóng ái quốc mới.

Bộ phim ra mắt ngay trước dịp kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc, một sự kiện mang tính biểu tượng to lớn đối với nước này.

Cùng trong dịp cuối tuần qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã có cuộc diễu binh khổng lồ, phô trương các vũ khí tối tân nhất của Trung Quốc.

Trong bài diễn văn tại cuộc diễu binh, Chủ tịch Tập Cận Bình nói sẽ chống lại bất kỳ ai tìm cách chia rẽ Trung Quốc.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của chính phủ, ca ngợi Chiến binh Sói phần 2 là "bộ phim siêu anh hùng kiểu Trung Quốc" cho thấy "chủ nghĩa anh hùng, bất khuất và trách nhiệm", làm dấy lên tinh thần ái quốc.

Tuy nhiên, không phải ai ở Trung Quốc cũng cảm thấy rưng rưng trước thông điệp này.

"Ngô Kinh chỉ tận dụng chính trị chính thống," một người bình luận trên Douban, một trang web Trung Quốc nhiều người biết, nơi mọi người có thể bình luận và xếp hạng các bộ phim. "Phim chỉ là một cú diễn gây sốc để nổi tiếng."

Một người dùng khác trên Douban viết: "Chúng ta từng cười vào chủ nghĩa anh hùng cá nhân, nhưng gán ghép toàn bộ các siêu anh hùng đầy quyền lực với chủ nghĩa ái quốc thì còn tệ hại hơn." - BBC
|
|

9.
Venezuela: Viện Công Tố yêu cầu hủy khai mạc Quốc Hội Lập Hiến

Viện Kiểm Sát Venezuela đã chính thức đề nghị hủy bỏ việc khai mạc Quốc Hội Lập Hiến, dự kiến vào ngày hôm nay 04/08/2017. Yêu cầu này được đưa ra vào lúc một bầu không khí căng thẳng bao trùm thủ đô Caracas. Phe ủng hộ và phe chống tổng thống Maduro đều kêu gọi tập hợp biểu tình.

Thông tín viên Andreina Flores tường thuật từ Caracas:

“Yêu cầu hủy bỏ khai mạc được đưa ra ngay sau khi chưởng lý Luisa Ortega Diaz thông báo mở điều tra về bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, bị phe đối lập đánh giá là “gian lận”.

Cuộc điều tra đặc biệt nhắm vào bốn quan chức trong Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia. Họ bị cáo buộc thông đồng với Nicolas Maduro, thao túng cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (30/7) và đã thông báo tỷ lệ tham gia bỏ phiếu cao hơn con số thực tế. Bà chưởng lý căn cứ vào các xác nhận từ công ty Anh Quốc phụ trách tổ chức bỏ phiếu.

Chưởng lý Ortega, gương mặt của làn sóng phản đối chống Maduro, muốn có một sự thẩm định thật sự về cuộc bỏ phiếu, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Và trong khi chờ đợi, Viện Công Tố chính thức đề nghị hủy khai mạc Quốc Hội Lập Hiến, dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay.

Về phần mình, tổng thống Maduro vẫn một mực khăng khăng khẳng định : việc khai mạc Quốc Hội mới sẽ diễn ra đúng như thông báo. Trên thực tế, ý định của Viện Công Tố có ít cơ may thực hiện, mọi đề nghị trước đây của định chế này đều đã bị Tòa Án Tối Cao vô hiệu. Phe đối lập cáo buộc Tòa Án Tối Cao là thần phục chính quyền. »

An ninh siết chặt xung quanh trụ sở Quốc Hội

Vẫn theo tường thuật của thông tín viên đài RFI, hôm nay, thứ Sáu được dự báo là một ngày nóng bỏng. Tại trụ sở Quốc Hội, một cuộc đối đầu sẽ diễn ra giữa một bên là 545 dân biểu Quốc Hội Lập Hiến và bên kia là 100 dân biểu đối lập. Cả hai phe tìm cách kiểm soát trụ sở Quốc Hội. Quân đội triển khai lực lượng hiến binh và cảnh vệ để bảo đảm an ninh, đặc biệt là cho hai nhân vật quan trọng nhất của Quốc Hội Lập Hiến: Đệ Nhất Phu Nhân, Cilia Flores và con trai tổng thống Nicolas Maduro Guerra.

Xung quanh trụ sở lập pháp, không khí sẽ còn căng thẳng hơn. Cả hai phe ủng hộ và chống chế độ đều kêu gọi người ủng hộ của mình đến tụ tập tại trung tâm thành phố Caracas. - RFI
|
|

10.
Tài chính: Shadow banking, mối đe dọa mới

10 năm sau khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime, nợ ngoài sổ sách, còn được gọi là shadow banking không ngừng gia tăng. Các hoạt động ngoài vòng kiểm soát của các ngân hàng trung ương và chính phủ này lên tới gần 100.000 tỷ đô la, tương đương với 150 % tổng sản lượng của toàn cầu và "nặng" gấp 3 lần so với các hoạt động tài chính truyền thống của thế giới. Đây là một kỷ lục.

Hội Đồng Nghiên Cứu về Ổn Định Tài Chính (CFS) của Pháp thẩm định, chỉ riêng trong năm 2015, các khoản giao dịch tài chính ngoài luồng này được bơm thêm 3.800 tỷ đô la. Để so sánh GDP của Pháp là 2.225 tỷ đô la (2016).

Luật lệ tài chính vô hiệu quả

Tác giả bài báo nêu ra một vài con số cho thấy sức "lớn như thổi" của các luồng tư bản ngoài vòng kiểm soát này : Năm 2002, số tiền đó xấp xỉ 26.000 tỷ đô la. Trước khi khủng hoảng subprime bùng nổ vào mùa hè năm 2007, hệ thống shadow banking hoạt động với 63.000 tỷ đô la.

Đến đầu mùa thu 2008 sau vụ ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, đe dọa tài chính và kinh tế toàn cầu, lãnh đạo G20 cam kết làm tất cả để kịch bản đen tối đó "không bao giờ" tái diễn. Cộng đồng quốc tế, liên tục cho ra đời hàng loạt các bộ luật để điều tiết, để kiểm soát ngành tài chính và ngân hàng.

Một thập niên sau, các hoạt động tài chính không chính thức đang "lớn mạnh hơn bao giờ hết". Luồn lách giỏi nhất là châu Âu với khoảng 30.000 tỷ đô la được mua đi bán lại trong năm 2015, kế tới là Mỹ với 26.000 tỷ. Trung Quốc bị bỏ lại xa phía sau với 8.000 tỷ đô la.

Theo bảng xếp hạng của CFS quần đảo Caimans, lại có hệ thống shadow banking lớn hơn cả so với Canada hay là Nhật Bản. Với 6.000 tỷ đô la, vốn ngoài luồng đổ vào thiên đường thuế khóa này tương đương với 1.700 lần GDP của quần đảo Caimans.

Giải thích cho hiện tượng "lớn như thổi này" là khi lãi suất ngân hàng rơi xuống thấp, gửi tiền tiết kiệm ở nhà băng không có lời. Những ai có "của ăn của để" chuyển hướng tới các quỹ đầu cơ. Nguy hiểm nằm ở chỗ các quỹ này thu tiền vào cũng dễ và cho vay lại càng dễ hơn vì họ không bị vướng mắc vào bất kỳ một rào cản pháp lý nào. Chính sự dễ dãi đó là một mối đe dọa.

Điều gì sẽ xảy tới khi con nợ mất khả năng thanh toán ? Những người ủy thác tiền vào các quỹ này không biết là tiền của họ được dùng để làm vào việc gì.

Libération trích dẫn nhiều chuyên gia giải thích về khác biệt mang tính kỹ thuật của hệ thống tài chính chính thức và hệ thống không chính thức trước khi đi đến kết luận : luật điều tiết ngành tài chính ngân hàng càng tinh vi, thì các chuyên gia được trả tiền hậu hĩnh để lách luật lại càng tỏ ra xuất sắc.

Riêng trong trường hợp của Trung Quốc, năm 2016 hệ thống shadow bangking tăng thêm 31%. Tác giả bài báo chốt lại vấn đề : chỉ cần nhìn lại bài học từ khủng hoảng subprime 2007 tại Hoa Kỳ, ta đã biết trước hồi kết tiếp của câu chuyện dài nhiều tập này. - RFI
|
|

11.
Nhật: Tín nhiệm đối với Thủ tướng tăng sau khi cải tổ nội các

Tỷ lệ tín nhiệm đối với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cải thiện sau khi ông này cho cải tổ nội các. Một cuộc khảo sát của truyền thông Nhật Bản vào ngày 4 tháng 8 cho thấy kết quả như vừa nêu.

Thủ tướng Shizo Abe vào ngày 3 tháng 8 đã có quyết định cải tổ nhân sự nội các với những gương mặt mới trước lời chỉ trích của dân chúng Nhật, như nhắm vào các sai lầm của cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Tomomi Inada.

Thủ tướng Shinzo Abe cúi đầu nhận lỗi về những vụ bê bối gần đây ngay khi bắt đầu cuộc họp báo, được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, và khẳng định rằng ưu tiên hàng đầu của ông là khôi phục nền kinh tế Nhật. Ông Abe bày tỏ quyết tâm điều hành chính phủ một cách hiệu quả để lấy lại lòng tin của người dân.

Kết quả cuộc thăm dò do tờ Mainichi thực hiện, cho thấy 35% số người được hỏi ủng hộ Chính phủ của ông Abe, tăng 9 điểm so với cách đây một tháng; trong khi đó khảo sát của hãng tin Kyodo cũng cho thấy ủng hộ thủ tướng Abe tăng 8,6 điểm lên 44,4% so với cuộc thăm dò trước đó. - RFA
|
|

12.
Tỉ phú Trung Quốc Quách Văn Quý xin tị nạn ở Mỹ

Một tỉ phú Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Mỹ và từng hứa sẽ công khai nêu tên các giới chức chính quyền Bắc Kinh tham nhũng, ngay cả ở cấp lãnh đạo trung ương, có thể đã xin tị nạn chính trị tại đây.

Trang Boxun News ở Trung Quốc hôm Thứ Năm loan tin Guo Wengui, người có thẻ hội viên ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Tổng Thống Donald Trump, cho hay trong hồ sơ nộp với tòa án Mỹ rằng ông sẽ bị truy bức và trừng phạt nặng nề nếu trở về Trung Quốc, bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay.

Boxun thu thập được các tài liệu này, vốn là một phần trong vụ kiện liên quan đến một công ty đầu tư ở Hồng Kông.

Bản tin không nói rõ phải chăng đây là công ty đầu tư Pacific Alliance Asia Opportunity Fund, trong nhóm Pacific Alliance Group, với số tiền điều hành lên tới $18 tỉ.

Quỹ đầu tư này yêu cầu một thẩm phán ở New York ra phán quyết chặn việc bán căn chung cư trị giá $68 triệu của ông Guo ở Manhattan.

Boxun News cũng cho hay ông Guo không có thẻ xanh của Mỹ như từng khoe khoang.

Ông Guo rời khỏi Trung Quốc vào năm 2014 sau khi bị nhà cầm quyền điều tra về tội có hành vi bất hợp pháp nhằm đưa các đối thủ kinh doanh vào tù. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Thượng viện chặn Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Sessions --- Bộ Trưởng Sessions hứa diệt tận gốc rò rỉ tin mật --- Gia tăng nỗ lực bảo vệ ông Mueller khỏi bị Trump sa thải

Thượng viện Hoa Kỳ đã đề ra một bước hữu hiệu để ngăn chặn, không cho Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm bất cứ ai trong thời gian các nhà lập pháp đi nghỉ hè trong tháng 8 này.

Các chính khách đã thỏa thuận với nhau sẽ áp dụng một thủ tục bất thường để duy trì trên nguyên tắc hoạt động của Thượng viện trong kỳ nghỉ hè bằng một loạt buổi họp ngắn chỉ có tính cách hình thức, tiếng Anh là pro forma sessions. Các buổi họp pro forma đôi khi chỉ kéo dài 1 phút, nhưng xác định Thượng viện không chính thức nghỉ việc, và trong thời gian này, Tổng thống không có quyền bổ nhiệm nhân sự.

Các Thượng nghị sĩ ra tay sau khi Tổng thống Trump công khai chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, làm dấy lên những tin đồn rằng ông có thể bãi nhiệm ông Sessions trong thời gian quốc hội nghỉ họp.

Ông Trump bất bình về việc Bộ trưởng Sessions tự miễn trừ, rút khỏi cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey Graham mới đây nói với chương trình tin tức đài NBC rằng ông Trump phải trả một cái giá rất đắt, “như địa ngục” nếu ông sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Những người cộng sự của ông Sessions đã khẳng định với Toà Bạch Ốc rằng ông Sessions không có ý định từ bỏ chức vụ của ông tại Bộ Tư pháp Mỹ, và cho tới bây giờ, ông Trump chưa sa thải ông. - VOA

***
Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions hôm Thứ Sáu khẳng định sẽ chấm dứt tình trạng rò rỉ tin tức mật của chính phủ bằng các biện pháp cứng rắn hơn nữa sau khi bị Tổng Thống Donald Trump chê bai là “yếu kém” ít ngày trước đây. Theo ông tình trạng này gây nguy hại cho an ninh của Mỹ,

Ông Sessions không cho biết chi tiết về các cuộc điều tra đang được tiến hành. Lời loan báo của ông Sessions được đưa ra cùng với các giới chức cao cấp về an ninh ở Bộ Tư Pháp, diễn ra tiếp theo các bản tin của giới truyền thông liên quan đến ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump và Tòa Bạch Ốc, dựa theo các tin tức mật.

Bộ Trưởng Sessions cho hay “không ai có quyền lén lút tấn công người khác qua báo chí bằng cách tiết lộ các tin tức mật của chính phủ. Không một chính quyền nào có thể hoạt động hữu hiệu nếu giới lãnh đạo không thể thảo luận các vấn đề nhạy cảm mà không lo ngại bị tiết lộ hoặc không nói chuyện thẳng thắn được với các nhà lãnh đạo quốc tế.”

Trong khi đó, một cố vấn Tòa Bạch Ốc, bà Kellyanne Conway, cho hay có thể một số người làm việc nơi đây và được nhìn thấy các bản ghi chép điện đàm của Tổng Thống Trump sẽ phải qua máy dò nói dối. Tờ báo Washington Post mới đây loan tải cuộc nói chuyện của ông Trump với Tổng Thống Mexico và Thủ Tướng Úc, với một số chi tiết không hay gì cho ông Trump.

Ông Sessions nói rằng số vụ điều tra rò rỉ tin tức mật của chính phủ đã tăng gấp ba lần so với những vụ đang tiến hành khi Tổng Thống Barack Obama rời khỏi chức vụ.

Trong thời Obama, chính phủ cũng bị chỉ trích là tìm cách buộc giới truyền thông phải cung cấp các nguồn tin của họ. - nguoiviet

***
Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ ngày 3/8 giới thiệu hai dự luật tìm cách ngăn không cho Tổng thống Donald Trump sa thải công tố viên đặc biệt đang điều tra các liên hệ Nga-Trump, nếu có, trong lúc Quốc hội đang ngày càng tìm cách khẳng định quyền hành về chính sách.

Các đảng viên của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đều e rằng Tổng thống Trump có thể sa thải ông Robert Mueller, công tố viên đặc biệt được chỉ định truy tìm đáp án cho câu hỏi có hay không sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.

Hôm 9/5, Tổng thống Trump đã sa thải Giám đốc FBI James Comey, người lúc đó trông coi cuộc điều tra. Gần đây, ông Trump bắt đầu phê phán Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vì ông Sessions rút lui ra khỏi cuộc điều tra này.

Trong lúc cuộc điều tra của ông Mueller đang ngày càng sâu rộng, các thành viên trong Quốc hội đang tìm cách bảo vệ ông, người được giao nhiệm vụ hôm 17/5.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa indsey Graham cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Cory Booker bảo trợ dự luật đòi hỏi phải có đánh giá pháp lý đối với bất kỳ quyết định nào muốn sa thải công tố viên đặc biệt để bảo đảm là quyết định đó được dựa trên luật lệ chứ không phải là động cơ chính trị.

Một dự luật tương tự do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis cùng Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons đưa ra.

Ông Coons kỳ vọng hai nhóm Thượng nghị sĩ sẽ cùng hợp tác để có thêm nhiều sự đồng bảo trợ từ cả lưỡng đảng, tiến tới một dự luật thống nhất để toàn Thượng viện biểu quyết thông qua. - VOA
|
|

14.
Kinh tế Mỹ: Thất nghiệp giảm, việc làm tăng

Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 209,000 công việc làm ăn trong tháng 7, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm đôi chút, xuống còn 4,3%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 16 năm.

Bộ Lao động Hoa Kỳ hôm 4/8 cho biết các việc làm mới là trong lĩnh vực ẩm thực, dịch vụ doanh thương và chăm sóc y tế. Lương trung bình tăng 9 cents/giờ trong tháng Bảy, tới mức 26.36 USD, tăng 65 cent so với năm ngoái, tương đương với tỷ lệ 2,5%.

Kinh tế gia trưởng của công ty nhân dụng “Indeed” nói mức lương tăng chậm phản ánh thực tế là những công việc mới được kiến tạo là trong những việc làm có mức lương thấp như các nhà hàng ăn.

Ông Jed Kolko nhận định mức tăng việc làm cao hơn xa so với nhu cầu để duy trì đà tăng trưởng của lực lượng lao động.

Trong khi phúc trình mới nhất của chính phủ Mỹ về tình trạng nhân dụng cho thấy số công việc làm ăn và lương bổng đều tăng, phúc trình này cũng cho biết là có 7 triệu người Mỹ đang thất nghiệp, và thêm 5,3 triệu người khác muốn có việc làm toàn thời, nhưng chỉ kiếm được việc làm bán thời.

Tổng thống Trump hôm 4/8 đã lên trang Twitter, ca ngợi các số liệu vừa kể là “Xuất sắc”, ông nói rằng cắt giảm những quy định rườm rà đã giúp tạo thêm việc làm.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp du di ở mức khoảng 5%, là ông Trump gọi đó là “số giả tạo”. Ông nói chớ nên tin vào những số liệu ấy, lúc đó, ông nhất mực nói tỷ lệ thất nghiệp thực sự cao hơn con số chính thức nhiều, có thể lên tới 42%. - VOA
|
|

15.
Lập đại bồi thẩm đoàn cho cuộc điều tra Nga phá bầu cử Mỹ

Tổng thống Donald Trump lại vừa lớn tiếng phủ nhận những cáo buộc ban vận động tranh cử của ông liên hệ với Nga. Ông gọi đó là “một sự bịa đặt hoàn toàn.”

Ông đã nổi giận tại cuộc mít tinh tối thứ Năm 3/8 ở bang West Virginia, vài giờ sau khi tờ Wall Street Journal loan tin Biện lý Đặc biệt triệu tập đại bồi thẩm đoàn cho vụ điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.

Tổng thống Trump nói: “Chuyện Nga là hoàn toàn bịa đặt. Đó chỉ là một cái cớ cho thất bại lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Tất cả âm mưu đó là như vậy. Nó làm cho họ cảm thấy đỡ nhục hơn khi không có chuyện gì khác để làm. Việc các công tố viên phải nên làm là điều tra vụ 33.000 email của bà Hillary Clinton bị xóa mất.”

Ông Trump vẫn giữa không khí của cuộc mít tinh như khi đang vận động tranh cử, ông nói: “Họ cố tìm mánh khóe để tiếm quyền lãnh đạo của chúng ta bằng những chuyện bịa đặt để hạ thấp phẩm giá của tất cả chúng ta, và tại hại nhất là hạ thấp phẩm giá của đất nước, của Hiến pháp."

Trong diễn tiến của của cuộc điều tra, nhóm điều tra của Biện lý Đặc biệt Robert Mueller gần như chắc chắn sẽ làm rõ các cuộc gặp gỡ của ông Trump Jr. và các cố vấn của ông Trump với một luật sư Nga, người trước đó nói có những bằng chứng gây thiệt hại cho bà Hillary Clinton.

Và còn chuyện sa thải giám đốc FBI James Comey nữa, khi ông Comey tiến hành điều tra vụ Nga.

Hiện nay hai thượng nghị sĩ Mỹ vừa đề xuất một dự luật có thể ngăn cản nỗ lực của Tổng thống Trump chống cuộc điều tra Nga.

Dự luật được đề xuất sẽ không cho phép tổng thống sa thải nhà điều tra trừ khi người đó hành xử sai, có xung đột lợi ích, bị bệnh nặng hoặc một lý do hợp lý nào khác. - VOA
|
|

16.
Mỹ siết chặt quy trình cấp visa

Các đương đơn xin visa nhập cảnh Mỹ được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi bắt buộc, cung cấp thông tin về các hoạt động trên mạng xã hội cùng chi tiết về lý lịch và hồ sơ xuất cảnh trước nay, theo loan báo của chính quyền Mỹ ngày 3/8.

Bảng câu hỏi này thoạt tiên được đưa ra hồi tháng 5 trong nỗ lực tăng cường rà soát du khách tới Mỹ. Trong đó yêu cầu cung cấp tất cả số hộ chiếu từ trước tới nay, thông tin về hoạt động trên mạng xã hội trong 5 năm gần nhất, địa chỉ email, số phone, lý lịch cá nhân trong vòng 15 năm kể cả địa chỉ, việc làm, và quá trình du lịch ra nước ngoài, xuất cảnh.

Tổng thống Donald Trump cam kết trấn áp di dân bất hợp pháp vì lý do an ninh và đã kêu gọi rà soát thật kỹ đối với người nước ngoài nhập cảnh Mỹ.

Hôm 2/8, ông Trump ủng hộ một dự luật nhắm mục đích giảm di dân hợp pháp sang Mỹ xuống còn phân nửa trong vòng 1 thập niên.

Văn phòng Điều hành và Ngân sách thoạt tiên chấp thuận cho áp dụng đơn này trong 6 tháng.

Bộ Ngoại giao ngày 3/8 công bố thông báo muốn sử dụng đơn vừa kể trong vòng 3 năm tới.

Công chúng có 60 ngày để góp ý về đề nghị này.

Thông báo của Bộ nói bảng câu hỏi này nhằm đánh giá xem đương đơn có là một nguy cơ khủng bố đe dọa an ninh cho nước Mỹ hay không.

Đương đơn không cung cấp các thông tin trong bảng câu hỏi có thể bị trì hoãn hoặc không được cấp xét visa.

Đơn này áp dụng chung cho tất cả đương đơn xin visa, không nhắm tới công dân một quốc gia cụ thể nào. - VOA
|
|

17.
Donald Trump bực bội với các tướng lãnh Mỹ về hồ sơ Afghanistan

Sau George W.Bush, Barack Obama, đến lượt Donald Trump phải đối mặt với vấn đề Afghanistan. Sáu tháng sau khi nhậm chức, tổng thống Mỹ vẫn chưa thể đề ra được một chiến lược mới trong hồ sơ này. Theo thông tín viên RFI tại Washington, trong cuộc họp ngày 19/07 vừa qua, tại Phòng Tình Hình, ở Nhà Trắng, nguyên thủ Mỹ đã không giấu diếm sự bực bội.

"Cuộc họp do Donald Trump chỉ trì với sự hiện diện của tất cả các cố vấn chủ chốt về an ninh quốc gia. Afghanistan là chủ đề chính của chương trình nghị sự. Nguyên thủ Mỹ không hài lòng về tình hình Afghanistan và lớn tiếng chỉ trích. Cuộc đối thoại trở nên gay gắt. Tổng thống tuyên bố : Chúng ta không giành được thắng lợi. Donald Trump đã đề nghị bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, tổng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford, tính tới việc gạt bỏ tướng Nicholson hiện đang chỉ huy lực lượng Mỹ tại Kabul. Bộ trưởng Mattis ra khỏi cuộc họp trong trạng thái choáng váng và rất bực bội. Ông đã đi bộ rất lâu để nguôi đi sự bực bội. Đúng là Donald Trump đã cho ông toàn quyền quyết định trong việc điều thêm binh sĩ sang Afghanistan – khoảng 4000 lính – như tướng Nicholson đã yêu cầu. Thế nhưng, bộ Quốc Phòng vẫn đang chờ đợi tổng tư lệnh quân đội đưa ra một chiến lược chung. Trong khi đó, Donald Trump lại bị giằng xé giữa hai phe : một bên là phe quân sự cùng với McMaster, cố vấn an ninh quốc gia, thúc đẩy việc đưa thêm quân sang Afghanistan, và bên kia là chiến lược gia Steve Bannon chủ trương rút quân, và dường như đây là giải pháp mà bản thân Donald Trump mong muốn.

Nhà Trắng và bộ Quốc Phòng cải chính thông tin về việc gợi ý sa thải tướng Nicholson, sĩ quan cao cấp này có được sự ủng hộ mạnh mẽ của các chiến hữu và thượng nghị sĩ John McCain". - RFI
|
|

18.
Di dân từ Mỹ sang Canada xin tị nạn tăng cao

Từ hai tuần nay, số di dân tới khu vực biên giới giữa Mỹ và Canada để xin tị nạn tại Canada đã tăng hơn ba lần, phần lớn là người gốc Haiti. Họ đang lo sợ chính quyền Trump sẽ đổi ý về việc cho họ tị nạn sau vụ động đất năm 2010. Trước dòng người xin tị nạn đông như vậy, nhà chức trách cho biết Québec có đủ khả năng đón tiếp.

Từ Montréal, thông tín viên RFI Pascale Guéricolas cho biết thêm chi tiết :

Một cảnh lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Nhiều chuyến taxi chở các gia đình di dân tới chốt biên giới Lacolle, nằm giữa Québec và Hoa Kỳ. Mang theo nhiều hành lý, các gia đình này bị bộ dọc theo một lối đi nhỏ để sang Canada và được nhà chức trách nước này đón nhận.

Những tị nạn này không được phép vượt biên giới một cách chính thức do có thỏa thuận giữa hai chính quyền Mỹ và Canada. Đó là lý do vì sao họ chọn ngả biên giới này, rồi sau đó tới Montréal, thành phố gần đó nhất.

Ở Québec, cộng đồng người Haiti rất đông đúc. Vì quỹ nhà tạm cạn dần, nhà chức trách Québec đã mở một trung tâm đón tiếp di dân ở sân vận động Olympic, được xây vào dịp Thế Vận Hội 1976.

Theo bộ trưởng Tư Pháp và bộ trưởng Y Tế, Québec có đủ các phương tiện cần thiết để tiếp nhận người tị nạn, chỉ cần chính phủ Canada giải quyết nhanh thủ tục tiếp nhận họ. - RFI
|
|

19.
Tranh chấp thuê mướn, Sở Mật Vụ dời văn phòng khỏi Trump Tower

Sở Mật Vụ vừa dời một văn phòng chỉ huy địa phương ra khỏi tòa nhà Trump Tower ở Manhattan trong thành phố New York, tiếp theo các tranh chấp về điều kiện thuê mướn giữa chính phủ Mỹ và công ty của Tổng Thống Trump, theo các nguồn tin thông thạo.

Bản tin của tờ Washington Post nói rằng trước đây Sở Mật Vụ đặt bộ chỉ huy địa phương—nơi làm việc của các giới chức cao cấp và các nhân viên tăng cường trong trường hợp khẩn cấp—trong tòa nhà Trump Tower, ở tầng ngay dưới nơi ở trước đây của ông Trump.

Tuy nhiên, vào đầu Tháng Bảy, bộ chỉ huy được dời ra một chiếc xe kéo, đặt ở lề đường, khoảng 50 tầng lầu phía dưới, một khoảng cách khiến giới chuyên gia an ninh lo ngại vì có thể cản trở việc bảo vệ nơi ở của tổng thống và gia đình.

Tờ Washington Post cho hay bộ chỉ huy này có vẻ sẽ không vào lại tòa nhà Trump Tower vì Tổng Thống Trump và gia đình nay ít về nơi này kể từ khi dọn vào Tòa Bạch Ốc.

Hôm Thứ Năm, một nữ phát ngôn viên của Trump Organization nói rằng chính phủ nên đi thuê nơi khác.

Bà Amanda Miller cho hay “Sau các cuộc thảo luận, cả hai bên thấy rằng Sở Mật Vụ nên thuê chỗ khác vì hiệu quả và thuận tiện hơn.”

Cuộc tranh chấp về thuê chỗ này hiện chưa được biết rõ ràng, nhưng có vẻ liên hệ đến giá tiền và các điều kiện thuê.

Tuy ông Trump chưa hề quay trở lại Trump Tower kể từ khi trở thành tổng thống, Sở Mật Vụ vẫn coi đây là nhà của ông và có một toán nhân viên thường xuyên bảo vệ.

Trong khi đó, quân đội Mỹ đã ký thuê một căn chung cư với giá $130,000 một tháng. Đây là nơi đặt các hệ thống thông tin liên lạc trong trường hợp Tổng Thống Trump đến ở đây và cũng là nơi giữ máy truyền tin di động để tổng thống ra lệnh tấn công nguyên tử.

Căn chung cư này không thuê trực tiếp từ Trump Organization mà từ Joel Anderson, một doanh gia, làm chủ căn này. - nguoiviet
|
|

20.
Nhiều thống đốc giục TT Trump tiếp tục phụ cấp bảo hiểm y tế

Các thống đốc Hoa Kỳ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ hôm Thứ Tư thúc giục chính phủ Tổng Thống Donald Trump cũng như Quốc Hội, hãy tiếp tục trả phụ cấp cho các công ty bảo hiểm, nhờ vậy người dân mới trả nổi bảo hiểm y tế qua chương trình Obamacare.
Theo hãng thông tấn Reuters, các thống đốc cho rằng điều này là thiết yếu trong việc giúp ổn định thị trường bảo hiểm.

Qua một thông cáo, các thống đốc cùng giới bảo hiểm áp lực lên tổng thống đảng Cộng Hòa, yêu cầu ông rút lại lời đe dọa cắt khoảng $8 tỷ tiền phụ cấp, vốn giúp tiền bảo phí Obamacare vừa đủ khả năng đối với người có thu nhập thấp.

Thông cáo của Ủy Ban Y Tế thuộc Hiệp Hội Thống Đốc Quốc Gia có đoạn viết: “Chính phủ có cơ hội ổn định được thị trường bảo hiểm y tế trên khắp nước và bảo đảm rằng người dân của chúng ta có thể tiếp tục mua được bảo hiểm y tế vừa khả năng của họ.”

Thông cáo tiếp rằng bước quan trọng đầu tiên là phụ cấp toàn bộ cho thời gian còn lại của năm 2017 và tiếp tục đến hết năm 2018. Điều này là cần thiết trong ngắn hạn trong khi Quốc Hội và chính phủ dồn nỗ lực cho việc thay đổi lâu dài hơn.

Ủy ban do hai thống đốc, Terry McAuliffe, (Dân Chủ-Virginia) và Charlie Baker (Cộng Hòa-Massachusetts) dẫn đầu.

Đầu năm nay, các thống đốc cũng đã từng gửi thư lên Quốc Hội kêu gọi tiếp tục trả đầy đủ tiền phụ cấp y tế. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

21.
Trịnh Xuân Thanh ‘tự thú’ trên VTV: 'một kịch bản' diễn sai luật --- Đức dọa trả đũa Việt Nam vì 'bắt cóc' Trịnh Xuân Thanh --- Thayer: 'Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN'

Các luật sư và nhà bình luận Việt Nam cho rằng hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh “tự thú” trên truyền hình nhà nước Việt Nam, sau khi bị bắt từ Đức về như báo chí quốc tế loan tin, là một màn diễn có kịch bản, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thanh Lương nhận định rằng nếu thông tin ông Thanh bị “bắt cóc” đúng như Bộ Ngoại giao Đức và quốc tế loan thì việc tự thú của ông Trịnh Xuân Thanh là có kịch bản:

“Tôi nghĩ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh tự thú trên đài truyền hình là do có kịch bản, có đạo diễn, để phục vụ cho mục đích chính trị của chế độ.”

Khi xét đến khía cạnh tố tụng, thì “màn” tự thú trên TV và việc trưng đơn tự thú như thế là vi phạm pháp luật. Luật sư Lương nói:

“Về mặt tố tụng mà nói - nếu đúng như truyền thông quốc tế, bắt người ở Đức rồi đem về thì làm sao gọi là tự thú được. Cũng phải nói rõ thêm rằng ở Việt Nam gần đây cũng có một số trường hợp, ví dụ như vụ án 7 thanh niên oan sai ở Sóc Trăng, cũng bắt về rồi hợp thức hóa bằng cách cho tự thú. Việc này như là một chủ trương. Như vậy là vi phạm pháp luật đối với chính luật tố tụng của Việt Nam.”

Đài truyền hình trung ương Việt Nam VTV đưa ra hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong chương trình thời sự của VTV tối ngày 3/8, đã đưa ra những hình ảnh người đàn ông mà Việt Nam truy nã trong 1 năm qua tự đầu thú với chính quyền Việt Nam.

Đoạn băng ghi hình xuất hiện một ngày sau khi chính phủ Đức ra thông cáo chỉ trích Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Nhận định về sự xuất hiện bất ngờ của ông Thanh trên truyền hình, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chia sẻ:

“Sắc diện của ông Trịnh Xuân Thanh rất khác: một gương mặt rất phờ phạc, gần như mất hồn, khác với vẻ linh hoạt ngoài đời. Người ta đặt dấu hỏi rằng chỉ sau một ít ngày mà ông Thanh có sự biến dạng như vậy về khuôn mặt. Việc này làm cho tôi nhớ lại khuôn mặt của ông Phùng Quang Thanh vào 2015 – rất đờ đẫn. Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vậy.”

Bình luận về 'đơn xin tự thú' được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh trong chương trình thời sự ngày 3/8, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook rằng đây là “một trò hề rừng rú:”

“Đơn xin tự thú (nếu có thật) là một tài liệu tố tụng của một vụ án hình sự đã được khởi tố và trong quá trình điều tra, sao lại có thể bị công bố trên phương tiện truyền thông công khai như vậy? Tài liệu tố tụng luôn phải được bảo mật tuyệt đối.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định về nội dung ‘đơn tự thú’ được cho là của ông Thanh ký ngày 31/7:

“Nội dung thư được coi là tự thú không đăng toàn thư, chỉ trích ra một phần, và điều đó cũng không nói lên điều gì lớn. Thư tự thú này tất nhiên là phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước, nhưng không có một từ nào đề cập tới việc bắt cóc.”

Ông Thanh bị Việt Nam truy nã trong gần 1 năm qua với tội danh “làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước” sau khi cùng ban quản lý PVC, một công ty con của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong thời gian từ 2011-2013.

Trong đơn xin đầu thú do VTV đăng tải trong chương trình thời sự ngày 3/8, ông Thanh viết “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.”

Bộ Ngoại giao Đức đưa hôm 2/8 ra thông báo chỉ trích việc Việt Nam bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để xem xét việc dẫn độ mà Việt Nam trước đó yêu cầu cũng như đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/8 chỉ đáp lại rằng "lấy làm tiếc," không bác bỏ, cũng không xác nhận việc bắt cóc ông Thanh.

Luật sư Pestra Isabel Schlagenhauf thụ lý hồ sơ pháp lý cho ông Thanh tại Đức nói với VOA trong cuộc phỏng vấn hôm 3/8 rằng việc xin tị nạn “giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức.”

Luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh và luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội hồi đầu tuần nói với VOA rằng Việt Nam cần sớm cung cấp thông tin một cách minh bạch về vụ ông Thanh, đặc biệt thông tin từ khi ông Thanh chạy trốn ra nước ngoài, sống ở đâu và làm thế nào có thể về lại Hà Nội trong khi đang bị truy nã quốc tế, để tránh xảy ra nhiễu loạn thông tin và gây xung đột ngoại giao.

Truyền thông Việt Nam từng loan tin rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án lớn mà đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “chỉ đạo thực hiện.” Người đứng đầu đảng Cộng sản từng lặp đi lặp lại rằng: “Bằng mọi cách phải di lý, bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xét xử.”

Luật sư Lê Luân ở Hà Nội viết trên Facebook sau chương trình thời sự VTV tối hôm qua: “Bắt người thuộc về tố tụng hình sự, dù bất cứ ai cũng đều có quyền được đảm bảo về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại và không hạn chế về không gian. Nên nếu bị bắt trái luật, dù có khắc phục bằng bất kể lập luận nào thì các hoạt động tố tụng phát sinh sau đó từ việc bắt người trái luật đều sẽ trở nên bất hợp pháp.” - VOA

***
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4/8 tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.

Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc bắt cóc, và để hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình nói ông tự nguyện trở về nước.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhắc lại Đức đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam rời Berlin vì tin rằng ông này liên quan đến việc bắt cóc.

"Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc," ông Gabriel nói tại một cuộc họp báo.

"Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn," Ngoại trưởng Đức nói.

Ông Gabriel không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà Đức đang cân nhắc.

Ông nói thêm ông Trịnh Xuân Thanh "bị đưa ra khỏi Đức, bằng các biện pháp mà chúng tôi tin rằng người ta xem trong các phim hình sự về Chiến tranh Lạnh."

"Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận."

Tối 3/8, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói lời "xin lỗi" trong chương trình thời sự.

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra "để tìm hiểu" và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Được BBC hỏi về phản ứng sau khi VTV đưa tin, Bộ Ngoại giao Đức nói họ không có gì bổ sung ngoài tuyên bố đã ra hôm 2/8.

Nhưng trong thư trả lời BBC, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh chữ đậm đoạn sau đây trong tuyên bố 2/8:

"Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý."

Trong khi đó, một luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Petra Schlagenhauf nói với BBC sau khi xem đoạn phim:

"Đây là 'tự thú' ép buộc. Ông ấy bị bắt cóc. Chúng tôi biết, cảnh sát Đức biết, chính phủ Đức biết."

Bà nói thêm: "Tôi lo ngại cho sức khỏe thân chủ. Ông ấy trông rất tệ."

VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra "để tìm hiểu" và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.

Trong phim, ông Trịnh Xuân Thanh, ngồi ở địa điểm không xác định, nói ông đã "suy nghĩ không chín chắn", "đành phải về để đối diện sự thật".

Ông nói muốn "cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi".

VTV cũng đưa hình về "đơn xin tự thú" ghi ngày 31/7 tại Hà Nội, viết tay, được nói là của ông Thanh.

Đoạn thuyết minh nói trong đơn có đoạn:

"Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC do lo sợ suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.

"Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ.

"Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam, ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, nhà nước và pháp luật."

Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/8 "lấy làm tiếc" trước thông cáo của Đức nhưng dẫn lời Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh "đầu thú".

Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 cáo buộc Việt Nam "bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh" và yêu cầu đại diện tình báo Việt Nam tại Berlin về nước.

Trong thông cáo ra hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức nói họ có bằng chứng về việc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam lên vào tối 1/8, và sau đó đặt nhân viên tình báo tại Tòa Đại sứ vào vị trí "người không được hoan nghênh" (persona non grata), buộc phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ. - BBC

***
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nói với BBC nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị bắt cóc, ép buộc rời Đức thì điều này là hành động chưa từng thấy của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu từ Úc cũng đánh giá rằng nếu nghi vấn bắt cóc được chứng minh là đúng thì nó làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương trong thời điểm Việt Nam rất cần bạn.

"Việc tuyên bố một cán bộ tình báo của Việt Nam là persona non grata cho thấy phía Đức có vẻ có cơ sở để tin rằng Việt Nam trực tiếp liên quan, vì đây rõ ràng là một hành động vi phạm đến chủ quyền an ninh Đức."

"Đức là một đất nước rất coi trọng pháp trị. Nói đến tổn hại thì về mặt thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất tại châu Âu của Việt Nam, và tại Đức có cộng đồng người Việt rất đông."

"Vụ việc xảy ra khi Việt Nam vốn đang cần rất nhiều bạn trong bối cảnh đang có tranh chấp ở Biển Đông. Việc xa lánh Đức và vi phạm luật lệ quốc tế sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam."

"Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình khi tỏ ra lập lờ với sự thật, không nói thật."

"Đây là việc bắt giữ một cá nhân đang xin tỵ nạn tại Đức, Đức có trách nhiệm phải bảo vệ và phải xem xét đơn xin tỵ nạn xem có thỏa đáng hay không. Họ không thể bắt người này về Việt Nam được."

"Đối với Đức, nếu như việc [bắt cóc] có thể xảy ra với một người Việt thì nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Mà trong trường hợp này, đó lại là hành động của một quốc gia bạn hữu, một đối tác chiến lược của Đức."

"Đức có thể sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc. Có thể sẽ có một lệnh trừng phạt cho Việt Nam nếu như phía ngoại giao không thể tìm ra được một giải pháp."

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ chính quyền Việt Nam trực tiếp chỉ đạo vụ mà phía Đức cáo buộc là bắt cóc này hay không, ông Thayer cho rằng ông không rõ việc ra quyết định bắt cóc, nếu có, là một sai sót ở tầm chỉ huy cao cấp hay do nhân viên thực thi ở cấp thấp.

"Việt Nam muốn giải quyết xong các vụ án tham nhũng là để thắt chặt liên minh trong Đảng vốn được thiết lập từ Đại hội Đảng gần đây. Họ cũng liên tiếp bắt giữ giới bất đồng chính kiến để xem phản ứng của phương Tây như thế nào, xem liệu họ có thể chạy thoát con mắt quốc tế với các vụ việc như vậy hay không."

"Nếu cần, Việt Nam rất có thể sẽ có những động thái làm dịu tình hình trước thềm APEC." - BBC
|
|

22.
Công an bắt ông Nguyễn Trung Trực vì tội ‘lật đổ chính quyền’

Công an Việt Nam đã bắt giam nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Quảng Bình hôm 4/8, theo tin từ gia đình ông.

Anh Nguyễn Quang Trung, con trai của ông Nguyễn Trung Trực, xác nhận với VOA rằng cha của anh bị bắt theo điều 79 của Bộ Luật Hình sự:

“Hôm nay 4/8 công an đã tới khám nhà, đọc lệnh bắt cha của tôi theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự về tội ‘lật đổ chính quyền.’”

Anh Trung cho biết khoảng 60 công an, an ninh vây quanh nhà, cách ly toàn bộ người dân xung quanh, sau đó tiến hành lục soát trong nhà và tịch thu một chiếc điện thoại của ông Trực, cho là tang vật để bắt ông.

Theo anh Trung, ông Trực là người phát ngôn của Hội Anh Em Dân chủ (AEDC), đây là một tổ chức do luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập, hoạt động ôn hòa trong hơn 4 năm qua với mục đích ‘thúc đẩy nhân quyền và tiến bộ xã hội ở Viêt Nam’.

Anh Trung nói cha anh không có ý định lật đổ chính quyền, những việc mà cha của anh đang làm là bảo vệ quyền con người và lên tiếng bảo vệ môi trường.

Sau khi ông Nguyễn Trung Trực bị bắt, báo CAND hôm 4/8 viết: “Nguyễn Trung Trực là một trong những đối tượng cầm đầu của Hội anh em dân chủ (AEDC) giữ vai trò cốt cán (là Trưởng Ban điều hành chi hội AEDC miền Trung; Trưởng Ban đào tạo của Hội AEDC; phát ngôn nhân của Hội AEDC) đã có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Ông Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà bị bắt vào tháng 12/2015 tại Hà Nội theo điều 88 cuả Bộ luật Hình sự, tức “tuyên truyền chống nhà nước”, cả hai đều bị giam cho đến nay.

Hôm 30/7, bộ Công an ra thông báo khởi tố, bắt tạm giam đối với 6 bị can trong vụ án “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, vốn đi kèm một khung hình phạt nặng hơn.

Ngoài ông Nguyễn Văn Đài và bà Thu Hà, còn có bốn cựu tù nhân lương tâm khác, 3 người là thành viên của Hội Anh Em Dân chủ gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động Phạm Văn Trội. Người thứ tư là Luật sư Nguyễn Bắc Truyển, cũng bị cho là thuộc nhóm “Nguyễn Văn Đài và dồng bọn”, không có chân trong Hội Anh Em Dân Chủ, theo gia đình ông.

Vụ bắt ông Nguyễn Trung Trực là vụ mới nhất trong hàng loạt các vụ bắt bớ các nhà tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam.

Theo các dữ liệu do hãng tin Reuters thu thập thì từ đầu năm 2017 tới nay, có ít nhất 15 người bị bắt giữ, nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ sau chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trẻ vào năm 2011.

Chính quyền Việt Nam một mực khẳng định là không có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị trên đất nước Việt Nam, chỉ có những người bị bỏ tù vì đã vi phạm luật hình sự.

Một số nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền cho rằng các điều khoản về an ninh quốc gia trong luật hình sự Việt Nam có nội dung mơ hồ, thường bị chính quyền lạm dụng để đàn áp các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến.

Hôm 1/8, bà Đỗ Thị Minh Hằng và ông Đoàn Huy Chương, thuộc Phong Trào Lao động Việt, mà trong đó ông Trương Minh Đức là một thành viên, đã gặp gỡ một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại thành phố HCM để trao đổi về việc bốn nhà đấu tranh bị bắt ngày 30/07.

Ông Chương cho VOA biết nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xảy ra dồn dập trong thời gian gần đây, và cho biết bà sẽ lên tiếng về những trường hợp bắt bớ này.

“Nhà ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm đến hoạt động của tổ chức dân sự tại Việt Nam, trong đó có Hội Anh Em Dân chủ. Bà sẽ báo cáo lại cho cấp trên của bà việc các nhà hoạt động nhân quyền vừa bị bắt.”

Hãng tin Reuters cũng nhắc đến việc Việt Nam tăng cường các biện pháp ‘bịt miệng các blogger và giới chỉ trích’, mà tiếng nói về các vấn đề như thảm họa môi trường tệ hại nhất ở Việt Nam từ trước tới nay, đã được phóng to qua các trang mạng xã hội tại Việt Nam, một trong những nước có nhiều người sử dụng Facebook nhất trên thế giới. - VOA
|
|

23.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Hoa Kỳ

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sắp có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 2017.

Đây là chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên của ông Ngô Xuân Lịch trong cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam. Và bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sang thăm Mỹ theo lời mời của người tương nhiệm Hoa Kỳ, ông James Mattis.

Vào ngày 26 tháng 7 vừa qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam sắp mãn nhiệm Ted Osius có cuộc gặp với Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Theo lời của ông Ted Osius thì cuộc gặp trao đổi về những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ theo tinh thần Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.

Vào tháng 5 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được tổng thống Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng. Hai phía ra tuyên bố chung tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hoạt động quyết đoán tại khu vực Biển Đông.

Dưới thời của tổng thống Donald Trump, Hải quân Hoa Kỳ cũng tiến hành hai cuộc tuần tra tự do hàng hải đi vào phạm vi 12 hải lý của hai đảo ở Biển Đông. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment