Wednesday, August 30, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 29/8

Tin Thế Giới

1.
TT Trump: Mọi phương án đều chờ sẵn sau vụ Bắc Hàn phóng tên lửa --- “Liên hiệp quốc phải hành động quyết liệt chống Bắc Triều Tiên”

Tổng thống Donald Trump nói rằng “mọi phương án đều mở ngỏ” tiếp theo sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Hàn hôm thứ Ba 29/8.

Trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói: “Bắc Triều Tiên tỏ ý coi thường các nước láng giềng, coi thường mọi thành viên Liên hiệp quốc. Những hành động đe dọa và gây bất ổn chỉ khiến cho chế độ Bắc Hàn càng trở nên cô lập hơn nữa trong khu vực và trên thế giới. Mọi phương án đều sẵn sàng.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên đài VOA sáng thứ Ba về việc tổng thống cụ thể sẽ làm gì để đáp lại những hành động của Bắc Triều Tiên, ông Trump nói “Rồi chúng ta sẽ thấy, rồi chúng ta sẽ thấy,” nhưng ông không cho biết chi tiết cụ thể trước khi ông bước lên máy bay trực thăng Marine One ở sân cỏ phía nam Tòa Bạch Ốc.

Tên lửa Bắc Hàn bắn sáng sớm thứ Ba 28/8 đã bay ngang qua vùng trời của Nhật Bản.

Tổng thống Trump đã điện đàm với Thủ tướng Shinzo Abe sau vụ phóng tên lửa, và hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng Bắc Triều Tiên đề ra “một mối đe dọa trực tiếp và hết sức nghiêm trọng” cho cả hai nước.

Một thông báo của Tòa Bạch Ốc nói: “Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cam kết tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên, và sẽ nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng làm theo như vậy.”

Chính phủ Nhật Bản cho hay tên lửa sau khi phóng đã bay ngang qua không phận của Nhật trong 10 phút, tách tra thành ba phần, rơi xuống Thái Bình Dương tại khu vực phía đông của đảo chính Hokhaido ở miền bắc nước Nhật. - VOA

***
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, ngày 29/8 nói việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn bay ngang qua Nhật Bản “tuyệt đối không chấp nhận được và là hành động vô trách nhiệm” , đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cần có hành động quyết liệt.

“Không nước nào phải chịu để phi đạn bay ngang qua như 130 triệu dân Nhật Bản đã bị như thế. Điều này không chấp nhận được,” bà Haley nói với các phóng viên.

Bắc Triều Tiên “đã vi phạm tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mà chúng ta có và do đó tôi nghĩ phải có hành động nghiêm khắc,” bà Haley nhấn mạnh.

Đại sứ Mỹ nói “Đã quả đủ” và bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục làm việc với các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an khi Hội đồng họp vào chiều ngày 29/8 để thảo luận có thể làm gì thêm nữa đối với chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên. - VOANDO
|
|

2.
Trung Quốc thăm dò ‘băng cháy’ tại Biển Đông

Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, tập đoàn dầu khí CNPC cùng tỉnh Quảng Đông của nước này đã đồng ý cùng nhau triển khai một dự án thử nghiệm về “băng cháy” ở Biển Đông.

Reuters dẫn lại CNPC nói trên website của hãng này hôm 29/8 rằng việc thăm dò nguồn khí ở sâu dưới biển, còn gọi là “băng cháy”, sẽ được tiến hành ở vùng gọi là Thâm Hỗ trên Biển Đông, sau các cuộc thử nghiệm ban đầu hồi tháng Năm.

Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ về thời điểm cũng như khoản đầu tư tài chính để phát triển dự án này.

“Băng cháy” là một loại khí mê tan bị hãm trong một cấu trúc tinh thể nước, tạo thành một chất rắn tựa như băng đá, nằm sâu dưới đấy biển.

Nhật cũng đang tìm cách phát triển nguồn năng lượng tiềm năng này trong vùng biển của mình.

Các chuyên gia nhận định rằng việc phát triển “băng cháy” cho mục đích thương mại có thể được tiến hành sau năm 2030.

Theo Bộ trên, một giàn khoan ở ngoài khơi vùng duyên hải phía đông nam của Trung Quốc trong suốt 60 ngày hồi đầu năm nay đã sản xuất tổng cộng 309 nghìn mét khối khí tự nhiên.

Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ “tích cực phát triển” “băng cháy” trong gian đoạn 2016 và 2020, dù các chuyên gia trong ngành nói rằng hiện chưa có công nghệ để thực sự khai thác nguồn năng lượng tiềm tàng này. - VOA
|
|

3.
Iran bác yêu cầu của Hoa Kỳ về căn cứ quân sự

Iran đã bác bỏ một đề nghị của Mỹ, yêu cầu cho các thanh sát viên hạt nhân Liên Hiệp Quốc tới thăm các căn cứ quân sự của nước này.

Reuters hôm 29/8 dẫn lời chính quyền Tehran gọi yêu cầu trên là một sự “mơ mộng”, trong khi Hoa Kỳ xem xét một thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc, trong đó có Mỹ.

Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân đạt được ký dưới thời kỳ nắm quyền của người tiền nhiệm Barack Obama là “tồi tệ nhất từ trước tới nay”.

Hồi tháng Tư, ông Trump đã lệnh đánh giá lại xem việc ngưng các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran có thuộc quyền lợi của Mỹ hay không.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, tuần trước thúc ép Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) tìm cách tiếp cận các căn cứ quân sự của Iran nhằm chắc chắn rằng Tehran không che giấu các hoạt động bị cấm theo thỏa thuận trên.

Phát ngôn viên của chính phủ Iran được Reuters trích lời nói rằng “các căn cứ quân sự của Iran là nơi bất khả xâm phạm” và “mọi thông tin về các địa điểm này là điều bí mật”.

“Iran sẽ không bao giờ cho phép tiến hành các chuyến thăm như vậy. Đừng quan tâm tới các phát biểu mơ mộng”, ông Mohammad Baqer Nobakht nói.

Theo luật Mỹ, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho quốc hội nước này về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân 90 ngày một lần. - VOA
|
|

4.
Tướng Thái Lan: Yingluck Shinawatra lừa được giám sát để bỏ trốn

Bị chỉ trích là đã để cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ trốn, hôm nay 29/08/2017, quân đội Thái Lan giải thích rằng bà Yingluck đã thay điện thoại và xe hơi vài ngày trước khi bỏ trốn để thoát khỏi sự giám sát của an ninh.

Tướng Chalermchai Sitthisad nói với báo chí rằng : « Chúng tôi được biết bà ta đã bỏ tất cả các điện thoại và đổi xe, vì thế rất khó để lần được dấu vết của bà ta bằng các phương tiện hiện có ».

Quan chức quân đội cũng cho biết thêm là tư dinh của bà cựu thủ tướng cũng không còn được giám sát trong thời gian qua. Ông giải thích : « dư luận cho rằng việc giám sát nhà riêng là vi phạm quyền tự do cá nhân và hăm dọa bà ta vì thế chúng tôi đã cho rút việc canh gác ».

Khi cựu thủ tướng Thái bỏ trốn trước khi tòa tuyên án, những ngày qua, truyền thông Thái Lan nhắc nhiều đến giả thuyết là đã có thỏa thuận ngầm với giới quân sự.

Một quan chức cao cấp của chính quyền quân sự cũng đã tiết lộ với AFP rằng bà Yingluck đã trốn sang Dubai, nơi anh trai bà, ông Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong. Ông Thaksin cũng là cựu thủ tướng Thái bị đảo chính lật đổ năm 2006.

Tướng Sitthisad cho rằng ít có khả năng bà Yingluck trốn thoát khỏi Thái Lan bằng đường hàng không mà nhiều khả năng bà đã dùng đường bộ và đường biển.

Đảng Puea Thái của cựu thủ tướng Yingluck, hôm nay đã ra thông cáo khẳng định « tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân chủ » và cho biết chắc chắn cựu thủ tướng sẽ giải thích với dân chúng việc bà bỏ trốn khỏi đất nước. - RFI
|
|

5.
Miến Điện: Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi không cứu được người Rohingya

Xung đột giữa quân đội Miến Điện và sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi Giáo gia tăng cường độ trong những ngày qua tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện. 104 người bị thiệt mạng và hơn 3 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn. Đề tài này được nhiều báo Pháp (29/08/2017) đề cập đến. Hầu hết các báo nhận định cuộc khủng hoảng sắc tộc này ngày càng làm lu mờ hình ảnh giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi.

« Cuộc tấn công du kích của người Rohingya tại Miến Điện », « Người Rohingya ồ ạt chạy trốn chiến sự » hay như « Người Rohingya bị giam hãm giữa Bangladesh và Miến Điện » là tựa đề các bài viết trên Le Monde, Le Figaro và La Croix.

Trong bối cảnh đó, người trên thực tế đứng đầu bộ máy hành pháp tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, vẫn tiếp tục có lập trường không rõ ràng. Trong bài nhận định có tựa đề « Tại Miến Điện, Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi trong tình thế bó buộc », Libération lấy làm khó hiểu về những tuyên bố mà bà liên tiếp đưa ra trong hai ngày Chủ Nhật (27/08) và thứ Hai (28/08), từ cáo buộc các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế đã giúp đỡ những « kẻ khủng bố cực đoan » vây hãm một ngôi làng ở bang Rakhine cho đến việc tố cáo những kẻ khủng bố đã sử dụng trẻ em làm chiến binh, chống lại lực lượng an ninh và những kẻ khủng bố đốt phá làng mạc của các sắc dân thiểu số.

Trước những cáo buộc không có bằng chứng, Libération cho rằng bà Aung San Suu Kyi đã không thận trọng và đang nhắc lại lập luận tuyên truyền của quân đội Miến Điện. Trong khi đó, chính quân đội nước này bị tố cáo là có những vụ sách nhiễu, tiến hành các « chiến dịch thanh lọc sắc tộc » tại thành phố Buthidaung và Maungdaw ở bang Rakhine.

Tờ báo nhắc lại trước đó bà Aung San Suu Kyi từng có thái độ khó hiểu này. Khi Liên Hiệp Quốc vào tháng 2/2017 cáo buộc quân đội Miến Điện rất có thể đã phạm các tội ác chống nhân loại, như hãm hiếp, hành quyết không qua xét xử, đốt phá làng mạc…, bà Aung San Suu Kyi trong tháng 4/2017 lại khẳng định không hề có chuyện « thanh lọc sắc tộc » tại bang Rakhine.

Thái độ lập lờ đó không khỏi khiến người ta nghĩ rằng giải Nobel Hòa Bình dường như không quan tâm đến số phận các thường dân thường xuyên phải hứng chịu các đợt nã pháo dồn dập của quân đội Miến Điện và sống trong những điều kiện như địa ngục, không được hưởng những quyền cơ bản của con người.

Làm sao có thể giải thích nổi thái độ « thiếu dũng cảm, thiếu nhân bản và không có lòng trắc ẩn » của bà Aung San Suu Kyi, như các giải Nobel Hòa Bình đã nêu ra trong một bức thư công bố hồi tháng 12 năm ngoái ? Họ lấy làm tiếc là bà Aung San Suu Kyi đã « không hề đưa ra sáng kiến nào để bảo đảm các quyền đầy đủ cho người Rohingya ».

Theo giải thích của nhật báo, dù rằng bà Aung San Suu Kyi đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015, nhưng bà lại ở trong tình thế tế nhị trong quan hệ với bên quân đội vì phe này mặc nhiên kiểm soát 25% số ghế tại Quốc Hội và nắm giữ ba bộ chủ chốt. Chính quân đội đã lôi kéo bà vào trong tiến trình chuyển tiếp, qua đó, buộc bà phải chia sẻ trách nhiệm, đồng thời có thể gây áp lực và kiểm soát giải Nobel Hòa Bình.

Mặt khác, vẫn theo Libération, bà Aung San Suu Kyi không hề là một người chống quân đội, mà luôn tỏ ra khâm phục quân đội được coi là định chế duy nhất bảo đảm sự thống nhất đất nước.

Aung San Suu Kyi thuộc sắc tộc Bamar – thường gọi là Miến – chiếm đa số tại Miến Điện, theo đạo Phật. Sắc tộc này thường xuyên cảm thấy bị đe dọa trước các lực lượng nổi dậy thuộc các sắc dân thiểu số. Do vậy, bà Aung San Suu Kyi phải sống thỏa hiệp với một xã hội luôn được thôi thúc bởi lòng tự hào dân tộc và tinh thần này có thể dẫn đến thái độ bài Hồi Giáo, chống sắc tộc Rohingya. - RFI
|
|

6.
Trung Quốc tuần tra biên giới sau đợt đối đầu với Ấn Độ

Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra khu vực biên giới với Ấn Độ, ở cao nguyên Doklam, một ngày sau khi lên tiếng hài lòng về việc Ấn Độ đồng ý rút quân khỏi vùng tranh chấp vào hôm 28 tháng 8.

Hãng thông tấn AFP loan tin vào ngày 29 tháng 8, dẫn lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Óanh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng quân và kiểm soát vùng lãnh thổ của Hoa Lục tại Doklam. Tuy nhiên bà Hoa Xuân Ánh không nói đến kế hoạch xây dựng con đường trên cao nguyên Doklam.

Tình trạng đối đầu mới nhất giữa quân đội hai phía Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu từ giữa tháng sáu năm nay, sau khi binh sĩ Trung Quốc tiến hành xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam mà Bhutan cho là xâm phạm lãnh thổ của họ. Và Ấn Độ can thiệp với vai trò đồng minh của Bhutan.

Vào hôm 28 tháng 8, Ấn Độ tuyên bố rằng Bắc Kinh và New Delhi đã đồng ý thỏa thuận rút quân tại khu vực biên giới và thỏa thuận này được đưa ra chỉ ít ngày trước khi thủ tướng Narendra Modi dự kiến sẽ sang Trung Quốc dự thượng đỉnh nhóm các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. - RFA
|
|

7.
Trung Quốc chỉ biết lợi ích riêng trên Biển Ðông

Trong khi lòng tin lẫn nhau giữa các nước khu vực ASEAN được cải thiện, đặc biệt đối phó với hải tặc, khủng bố, Trung Quốc lại bảo vệ lợi ích riêng của mình gây thiệt hại nước khác.

Phó Ðề Ðốc Hải Quân Mỹ Don Gabrielson, chỉ huy trưởng tiếp vận Tây Thái Bình Dương của Hải Quân Hoa Kỳ phát biểu như trên tại Singapore hôm Thứ Hai.

Theo tường thuật của báo tài chính Bloomberg, ông cho rằng các nước không nên làm suy yếu “hệ thống hiện tại” từ các hành động đơn phương và ông không nêu đích danh nước nào.

Sau đó, ông nói rằng Trung Quốc đang biến những đảo nhân tạo do họ bồi đắp trên Biển Ðông thành những căn cứ tiền đồn quân sự, hiện đang tiến hành với một kế hoạch trường kỳ tại khu vực.

“Thật là quan trọng cho mọi nước có lợi ích ở khu vực để tự hiểu rằng nếu thế giới không đoàn kết lại với nhau để bảo vệ lợi ích chung thì Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ mà họ coi như các lợi ích của họ gây thiệt hại cho mọi nước khác,” ông Gabrielson nói.

“Trung Quốc không đếm xỉa gì tới giá trị của các nước khác. Họ chỉ quan tâm cho giá trị của họ, mà trong cách nhìn của Hoa Kỳ thì nó là vấn đề. Ðó là nơi sự tôn trọng lẫn nhau bị đổ sụp nên chúng tôi rất quan ngại,” ông nói thêm.

Ông Don Gabrielson phát biểu nhân dịp đến tham dự cuộc thao dượt của hải quân và cảnh sát biển của Hoa Kỳ với 11 nước gồm cả Myanmar, Sinpapore, Sri Lanka, Philippines, chú trọng về chia sẻ thông tin, chống hải tặc và an ninh hàng hải.

Cuộc tập luyện diễn ra trong bối cảnh chiếc khu trục hạm trang bị hỏa tiễn dẫn đường USS John McCain của Hoa Kỳ đã đụng một tàu chở hàng gần Singapore làm thiệt mạng 10 thủy thủ.

Ðây là tai nạn nghiêm trọng thứ tư của Hải Quân Hoa Kỳ trong năm nay ở phía Tây Thái Bình Dương dấy lên nhiều câu hỏi từ huấn luyện đến điều động hoạt động trên một vùng biển quá rộng lớn với lực lượng không đủ. - nguoiviet
|
|

8.
Tổng thống Macron: Chống khủng bố Hồi Giáo là "ưu tiên hàng đầu" của ngoại giao Pháp

Chống khủng bố Hồi Giáo là ưu tiên hàng đầu trong các ưu tiên của ngành ngoại giao Pháp. Đó là tuyên bố của tổng thống Emanuel Macron hôm nay, 29/08/2017, trong bài diễn văn đầu tiên của ông về chính sách ngoại giao, tại Hội nghị các đại sứ Pháp tại Paris.

Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng để diệt trừ khủng bố cũng cần phải làm cạn kiệt nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố. Ông loan báo sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế chống nguồn tài chính cho khủng bố vào đầu năm tới tại Paris. Nhưng tổng thống cho rằng cũng phải nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực phát triển, đặc biệt là tại vùng Sahel, châu Phi, vì theo ông đây là điều cần thiết để tái lập ổn định khu vực.

Tổng thống Pháp nhân dịp này thông báo là sắp tới ông sẽ đến Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, trong khuôn khổ các nỗ lực lập một trục giữa châu Phi, vùng Địa Trung Hải và châu Âu, chủ yếu nhằm đối phó khủng hoảng di dân.

Trong bài phát biểu trước các đại sứ Pháp, tổng thống Macron còn tuyên bố là đối với nước Pháp, không có giải pháp nào khác có thể thay thế thỏa thuận về hạt nhân Iran năm 2015. Thỏa thuận này có thể sẽ gặp trắc trở do quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran đang xấu đi.

Về tình hình tại những khu vực khác, tổng thống Macron xem chế độ của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là một chế độ « độc tài ».

Trong lĩnh vực khí hậu, ông Macron loan báo là Pháp chủ trì một cuộc hội nghị thượng đỉnh thế giới vào ngày 12/12 tới để xem xét những tiến bộ đạt được về hiệp định khí hậu Paris, ký hồi tháng 12/2015, tức là cách đây đúng 2 năm. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Con trai ông Trump sắp ra điều trần

Con trai trưởng của Tổng thống Donald Trump, Donald Trump Jr., đã đồng ý điều trần kín trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện giữa lúc ủy ban đang điều tra về những cáo buộc là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 của Mỹ, đài CNN loan tin ngày 29/8.

Phát ngôn viên của các nhà lãnh đạo trong ủy ban không trả lời yêu cầu bình luận về tin này.

CNN cũng loan tin là Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã gởi trát ra hầu tòa cho bà Melissa Laurenza, luật sư làm việc cho công ty luật Akin Gump, trước đây đại diện cho ông Paul Manafort cựu quản lý chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và cũng gởi trát mời ông Jason Maloni, phát ngôn viên của ông Manafort.

CNN nói ông Maloni và một phát ngôn viên của ông Mueller từ chối bình luận và những câu hỏi liên hệ đến bà Laurenza gởi đến một phát ngôn viên cũng không được trả lời.

Vấn đề Nga nổi bật trong 6 tháng đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận là Nga làm việc để hướng cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái có lợi cho ông Trump.

Ông Mueller được bổ nhiệm làm Công tố viên Đặc biệt vào tháng 5 năm nay. Hiện ông đang lãnh đạo cuộc điều tra. Ông cũng xem xét việc có thể có sự thông đồng của chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Một vài ủy ban khác của Quốc hội cũng đang cứu xét vấn đề này.

Moscow phủ nhận can thiệp bầu cử Mỹ.

Ông Trump khẳng định không có sự cấu kết nào từ chiến dịch tranh cử của ông với Nga và thường xuyên lên án những cuộc điều tra là khủng bố chính trị. - VOA
|
|

10.
Mỹ tinh giảm đặc sứ để tiết kiệm ngân sách

Hầu hết các vị trí đặc sứ Mỹ sẽ bị bãi bỏ và trách nhiệm của họ sẽ được giao cho Bộ Ngoại giao, kể cả đặc sứ về biến đổi khí hậu và đặc sứ về thỏa thuận với Iran, Ngoại trưởng Rex Tillerson thông báo với Quốc hội ngày 28/8.

Đặc sứ về Afghanistan-Pakistan, đặc sứ về quyền của người khuyết tật và đặc sứ phụ trách đóng cửa trung tâm giam giữ Vịnh Guantanamo sẽ bị bãi bỏ theo kế hoạch này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự trù giữ lại đặc sứ về tự do tôn giáo, đặc sứ chống chủ nghĩa bài Do Thái và đặc sứ về quyền của những người đồng tính luyến ái, chuyển đổi giới tính, dù có lời đồn đoán của những người chỉ trích là chính quyền sẽ tìm cách hạ giảm những ưu tiên này.

Các nhà lập pháp của cả hai đảng, các cơ quan nghiên cứu và ngay cả hội các nhà ngoại giao từ lâu đã kêu gọi đưa các đặc sứ và đại diện đặc biệt vào các văn phòng liên hệ để giúp giảm bớt sự trùng lặp tại Bộ Ngoại giao nổi tiếng là quan liêu. Tuy nhiên, ý kiến này thu hút thêm chỉ trích giữa lúc chính quyền ông Trump có kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ ngân sách Bộ Ngoại giao và những quan ngại là ông Trump giảm bớt việc cổ súy những giá trị của nước Mỹ tại nước ngoài.

Trong khi các giới chức Bộ Ngoại giao nhấn mạnh là những thay đổi trong sơ đồ tổ chức không nhất thiết là chỉ dấu cho thấy một sự thay đổi về ưu tiên, nhưng trong một số trường hợp, ảnh hưởng đối với chính sách là rõ rệt. Tổng thống đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và cũng đe dọa tương tự đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong số 66 đặc sứ hay đại diện, 30 người được giữ lại, tỉ lệ cắt giảm là 55%. Chín chức vụ sẽ được bãi bỏ ngay lập tức. Hai mươi chức vụ sẽ được hội nhập vào những văn phòng khác, một sẽ được chuyển sang Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

Trong mỗi trường hợp, nhân viên và ngân sách của các đặc sứ sẽ chuyển giao cho các văn phòng nhận lãnh trách nhiệm. Việc thay đổi này sẽ giúp ông Tillerson có được một khoản tiền đáng kể khi ông tái cấu trúc những phần khác của Bộ Ngoại giao.

Trong thư gởi Quốc hội, ông Tillerson nói ông tin là Bộ Ngoại giao có thể “thi hành nhiệm vụ tốt hơn” bằng cách sáp nhập một số chức vụ, và ông đưa ra những quan ngại là hệ thống hiện hành làm giảm hiệu năng của chính phủ bằng cách thành lập nhiều trung tâm quyền lực đối phó với cùng một vấn đề. Con số các đặc sứ đã gia tăng trong những năm qua. - VOA
|
|

11.
Tổng thống Trump thanh sát lũ lụt ở Texas

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump ngày 29/8 đến Texas để mục kích sở thị bão lụt trong lúc bão Harvey tiếp tục gây mưa lớn trong vùng.

Ông Trump nói với các nhân viên cứu hộ tại Corpus Christi rằng ông “rất, rất hãnh diện” về những nỗ lực cứu hộ và giúp dân thoát lụt.

Lãnh đạo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang FEMA, Brock Long, cảnh báo còn nhiều khó khăn trước mắt, ngay cả khi bão đi qua.

“Việc phục hồi sẽ rất khó khăn,” ông Long nói, trong khi đảm bảo với cư dân trong tiểu bang là “Chúng tôi sẽ có mặt tại đây với quí vị.”

Rời Corpus Christi, ông Trump, đội mũ bóng chày có dòng chữ “USA” và một áo khoác ngoài chống gió của Tổng thống, cùng đệ nhất phu nhân tới thủ phủ Austin để nghe các cấp lãnh đạo tiểu bang và địa phương thuyết trình và đi thăm một trung tâm hoạt động khẩn cấp.

Ông Trump không có kế hoạch đi thăm Houston, nơi nước lụt dâng cao đã khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa, để tránh cản trở những nỗ lực cứu hộ tại thành phố lớn thứ tư của nước Mỹ. Tuy nhiên Tòa Bạch Ốc nói ông Trump có kế hoạch trở lại Texas ngày 2/9 để thanh sát tình hình thiệt hại.

Hơn 3.500 người được giải cứu tại Houston vì nước dâng cao nhấn chìm nhà cửa. Các nhân viên cứu hộ của chính phủ và những người tình nguyện với thuyền, bè cao su đi từ nhà này sang nhà khác để tìm người muốn sơ tán. Nhân viên cứu hộ trên các máy bay trực thăng cứu người bị kẹt trên mái nhà và cũng cứu được 300 chó mèo gặp nguy hiểm vì nước lụt.

“Đây là một trận bão có tầm vóc lịch sử,” thị trưởng Houston, Sylvester Turner, nói.

Những thiệt hại do bão gây ra gia tăng vào ngày 29/8 khi các giới chức tại hạt Brazoria, phía nam Houston, cho biết nước lụt đã phá vỡ một con đê tại Hồ Columbia.

Trước chuyến viếng thăm Texas, ngày 28/8 ông Trump hứa chính phủ liên bang sẽ trợ giúp và cung cấp tài chánh cần thiết để giúp Texas và tiểu bang láng giềng Louisana phục hồi hàng chục tỉ đô la thiệt hại.

“Chúng ta là một gia đình Mỹ,” ông Trump nói. “Quý vị sẽ có những gì quý vị cần và việc này sẽ rất nhanh chóng.”

Ông Trump hứa là chính phủ liên bang sẽ có mặt tại chỗ để giúp trên “con đường phục hồi dài lâu và khó khăn.”

Hội Chữ thập Đỏ nói hơn 17.000 người cư ngụ tại các trại tạm trú vào tối ngày 28/8, và các giới chức cho hay 30.000 người có thể được chuyển đến các tòa nhà chính phủ, nhà thờ và những cơ sở khác để được an toàn. - VOAj
|
|

12.
Amazon mua Whole Foods: Chợ Mỹ lo âu, chợ Việt không nao núng

Trưa thứ Hai 28 tháng Tám, chợ Whole Foods Market ở khu shopping Bella Terra, Huntington Beach, rất gần Little Saigon, đông người ra vào mua sắm hơn thường lệ.

Ngay gần cửa ra vào, bà Sanchez, một khách hàng người Latino chăm chú chọn những trái bơ tròn trịa, xanh bóng, hứa hẹn sẽ biến thành món advocado dip thơm ngon bùi béo. Được hỏi có hay đi chợ Whole Foods không, bà lắc đầu, nói bằng thứ tiếng Anh không rành lắm, “no, ah no…”

Trả lời câu hỏi tiếp là tại sao hôm nay đi mua sắm ở đây, bà đưa mắt nhìn sang người con gái đứng gần đó, rồi ngập ngừng: “sales…” và chỉ vào cái bảng bán hạ giá.

À bảng giá đây rồi. Haas Avocado, giá thường $1.99/ea, hôm nay còn $1.49/ea, giảm giá 25%.

Nho xanh dòn ngọt, giá thường $3.99/lb, hôm nay còn $2.39/lb, giảm giá 38%.

Đi sâu thêm vào trong tiệm, ở hàng nước, bình 1 gallon nước trước kia giá $1.39, hôm nay còn $.89, giảm 36%.

Cô con gái bà Sanchez, vừa bận rộn ngắm nghía những món mình đang mua, vừa cho biết là cô đọc báo thấy tuần này Whole Foods giảm giá nhiều nên “rủ mẹ đi xem thử, thường thì chúng tôi không đi chợ này vì giá cao quá.”

Dưới những tấm posters mầu sắc rực rỡ được treo cao lên trần, nhiều khách hàng tất bật qua lại hay đứng nhìn kỹ từng kệ xem món hàng nào đang được hạ giá. Mọi poster, dù có mang hình ảnh gì, cũng đều ghi rõ hai hàng chữ: “We’re growing something good, this is just the beginning…,” dưới nữa là tên hai công ty Whole Foods market + Amazon, vừa được chính thức sát nhập.

Tin công ty bán lẻ online khổng lồ Amazon muốn mua hệ thống chợ cao cấp Whole Foods, với 431 tiệm trên toàn quốc làm xôn xao dư luận từ mấy tháng qua. Cuối cùng thì chiều thứ Tư tuần trước, hai công ty đã bắt tay nhận nhau làm “người nhà” trong một thỏa thuận trị giá $13.7 tỷ.

Hôm thứ Năm, sau khi Amazon công bố Whole Foods Market sẽ giảm giá nhiều món hàng, cổ phiếu của các công ty cạnh tranh với Whole Foods đồng loạt sụp đổ, làm thị trường trứng khoán giảm giá mất gần $12 tỷ. Cổ phiếu của Kroger (chủ nhân của hai hệ thống Ralphs và Food 4 Less) giảm nặng nhất (8.1%), Supervalu và Sprouts Farmers Markets, cùng giảm 6.5%, Costco giảm 5%, Target 4% và Wal-Mart 2%.

Không giảm giá sao được! Trong thông cáo báo chí gửi đi hôm thứ Năm, Tổng Giám Đốc của Amazon, ông Jeff Wilke viết:

“Kể từ thứ Hai tuần sau, chúng tôi sẽ giảm giá một số mặt hàng thực phẩm bán chạy nhất, bao gồm chuối hữu cơ (organic) hiệu Whole Trade, cá hồi nuôi ở nông trại, trứng gà nâu hữu cơ, thịt bò có tỷ lệ nạc 85% , và nhiều món khác nữa…” Jeff Wilke, Giám đốc điều hành của Amazon Worldwide Consumer, viết.

“Và đây mới chỉ là sự khởi đầu – tại Whole Foods Market, chúng tôi sẽ có chương trình đãi ngộ khách hàng hiện đang là thành viên của Amazon Prime, và liên tục giảm giá khi chúng ta cùng nhau sáng tạo…” Ông Wilke khẳng định.

Chợ Việt không nao núng
Tin Amazon mua hệ thống Whole Foods Market không làm cho các chủ chợ người Việt nao núng.

Ông Quới Phạm, giám đốc điều hành của chợ Saigon City Market Place ở Westminster cho nhật báo Người Việt biết việc Amazon mua Whole Foods “không gây ảnh hưởng gì cả.”

Chỉ các hệ thống chợ của Mỹ như là Trader Joe’s, Ralph’s, Albertsons, mới bị ảnh hưởng. Hàng của Whole Foods Market 80% là thực phẩm hữu cơ (organic foods) và họ không bán những món ăn của người Á Châu. Người Á Châu không đi chợ Whole Foods nhiều.” Ông Quới khẳng định.

Nếu tin Whole Foods Market giảm giá nhiều mặt hàng làm cho các công ty cạnh tranh lo lắng, thì lại khiến khách hàng quen hay tương lai của Whole Foods Marketm trong đó, có một vài người Việt Nam, hứng khởi.

Bà Bạch-Huệ Trần, nhà ở Westminster, đẩy xe đi cạnh chồng, tâm sự.

“Tôi thích thức ăn của Whole Foods, trái cây tươi, nhiều hàng organic, ăn chắc lành hơn, nhưng giá đắt quá, lương hưu làm sao mua nổi, lâu lâu mới vào mua những thứ chợ Việt Nam không có. Hy vọng Amazon giảm giá nhiều, tôi sẽ đi thường xuyên hơn.”

Tiếp tục giảm giá?
Không chỉ khách hàng, nhân viên của Whole Foods Market cũng có vẻ hứng khởi, dù còn tỏ vẻ dè dặt.

Được hỏi hôm nay là ngày đầu tiên là nhân viên của Amazon, làm việc có vui không. Cô cashier đeo bảng tên Janine cười, thân thiện: “Khách vào liên tục từ sáng đến giờ. Tụi tôi phải làm khuya tối Chủ Nhật để kịp chuẩn bị cho giảm giá, treo posters, v.v… Vui nhưng mệt quá!”

Trả lời câu hỏi có được lên lương không, cô Janine cười tươi hơn, nhưng lắc đầu: “Được trả lương giờ phụ trội thôi. Còn lên lương thì chưa thấy gì.”

Eva, người cashier đồng nghiệp đứng ở quầy bên cạnh Janine, cao hứng chen vào:

“Không dám tăng lương đâu! Chưa bị laid-off là may rồi.”

Eva hé lộ nỗi lo lắng: “Whole Foods nói sẽ không sa thải nhân viên sau khi về với Amazon. Nhưng ai biết đâu!”

Tâm trạng của Eva có lẽ là tâm trạng tiêu biểu của gần 90,000 nhân viên của Whole Foods Market. Khác với những hệ thống chợ khác, nhân viên của Whole Foods không có nghiệp đoàn. Trong khi đó thì Amazon là một công ty nổi tiếng giỏi về tự động hóa.

Theo tờ Washington Post, năm ngoái Amazon đã mở một chợ mẫu ở Seattle, Washington. Chờ này có đặc điểm là được trang bị với một hệ thống tự động, cho phép khách hàng mua thức ăn mà không cần phải tiếp xúc với ai. Bộ cảm biến của ngôi chợ có thể giám sát khách hàng rời tiệm với một bình sữa chẳng hạn, và tính tiền vào tài khoản Amazon của khách hàng đó.

Không ai rõ trong tương lai Amazon có ý định nhân rộng mô hình chợ mẫu ở Seattle tại Whole Foods hay không. Ông Jeffrey P. Bezos, sáng lập viên và chủ của Amazon, cũng là chủ nhân của tờ Washington Post cho biết không có kế hoạch tự động hóa Whole Foods. Nhưng ngay cả khi nếu công ty giảm bớt nhân viên đứng tính tiền, thì việc tái cấu trúc có nghĩa là họ sẽ được điều phối đi làm những công việc khác.

Trên các trang báo online, nhiều khách hàng của Whole Foods Market bày tỏ ý kiến của mình trước tin Amazon mua hệ thống chợ mình yêu thích nhất.

Độc giả ký tên MRC Moon Child của tờ Washington Post viết: “Tôi yêu Whole Foods Market. Tôi đã là khách hàng của Whole Foods từ trước khi nhiều ngôi chợ khác cạnh tranh với Whole Foods từ 20 năm qua. Tôi không thích mua sắm online. Tôi thích lái xe đến chợ, nói chuyện với người đi chợ khác, các cô tính tiền. Tôi nghĩ việc Amazon mua Whole Foods là điều tốt. Chỉ có túi tiền và hệ thống của Amazon mới có thể cứu được Whole Foods, mấy năm qua làm ăn không khá vì cạnh tranh dữ quá. Chỉ mong Jeff Bezos làm sao thu hút thêm khách hàng mà vẫn giữ được tính chất của Whole Foods Market.”

Làm sao để thu hút khách được hàng?

Dĩ nhiên với những khách hàng mới như hai mẹ con bà Sanchez hay vợ chồng bà Bạch Huệ, cách thu hút hữu hiệu nhất là giảm giá. - nguoiviet
|
|

13.
Nhà trên thị trường vừa khan hiếm vừa đắt

Những vụ mua bán nhà mới xây và nhà có sẵn bất ngờ sụt giảm trong Tháng Bảy, và trong khi đó chỉ là các dữ kiện thống kê trong một tháng, nó có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường nhà đất đã gặp phải một rào cản không thể vượt qua được. Lý do giản dị là nhà quá đắt khiến nhiều người không đủ sức để mua. Giá nhà hiện giờ cao hơn hầu như ở mọi mức giá, nhưng tăng nhiều nhất ở mức giá thấp, nơi có nhu cầu cao nhất.

Theo Hiệp Hội Ðịa Ốc Toàn Quốc (NAR), giá ở giữa (median price) của một căn nhà được bán ra trong Tháng Bảy lên tới $258,300, là giá cao nhất trong Tháng Bảy được ghi nhận từ trước tới nay. Trong báo cáo hàng tháng của họ, các nhà địa ốc chia những vụ mua bán thành sáu nhóm giá khác nhau. Những vụ mua bán ở thang giá từ $100,000 trở xuống sụt giảm 14% so với một năm trước, trong khi những vụ mua bán loại nhà có giá từ một triệu đô la trở lên tăng vọt gần 20%.

Ðáng nói hơn nữa là vào đầu năm 2013, khi giá nhà chỉ mới khởi sự hồi phục sau vụ sụp đổ của thị trường nhà đất, số nhà bán ra ở trên mức giá $500,000 chỉ lên tới 9% mọi vụ mua bán. Ngày nay, thành phần đó lên tới hơn 14%. Ngoài ra, con số những vụ mua bán nhà có giá thấp nhất hiện giờ chưa bằng một nửa con số vào thời gian đó.

Ở mức giá hạ, hiện nay hầu như không có bất động sản nào ở một mức giá rất thấp nữa, theo ông Lawrence Yun, kinh tế gia trưởng tại NAR. Cũng những bất động sản đó đã di chuyển lên một nhóm giá khác, chỉ vì giá cả đã gia tăng mạnh, trên 40% giá thẩm định trong năm năm qua. Chúng ta không có những vụ chuyển nhượng bất động sản ở mức giá thấp bởi vì hầu như không có nhà ở mức giá thấp trên thị trường.

Sau cuộc khủng hoảng của thị trường nhà đất, các nhà đầu tư đã mua hàng ngàn những căn nhà có giá hạ, bị túng quẫn. Vào lúc đó, người ta hy vọng rằng nếu giá cả tăng lên, các nhà đầu tư sẽ bán. Nhưng phần lớn, họ không bán. Thực vậy, các nhà đầu tư tiếp tục mua bất động sản, ngay cả ở mức giá cao nhất như hiện nay, bởi vì cả thị trường nhà cho thuê lẫn thị trường dành cho những người mua nhà để bán lại đều béo bở.

Mỗi khi có những căn nhà hợp với túi tiền đi vào thị trường – hoặc từ những người xây dựng nhà hoặc từ những nhà đầu tư bán bất động sản cho thuê của họ – những người mua có thể sẽ mua. Thách đố lớn nhất vẫn nằm ở loại nhà có giá hợp với túi tiền, nơi những vụ mua bán đang sụt giảm; trong khi đó, chúng ta chứng kiến những gia tăng trong những vụ mua bán loại nhà có mức giá cao hơn, nơi số nhà bán dồi dào hơn.

Giới xây dựng đang tiếp tục gia tăng sản xuất và đang bán ngay cả những căn nhà mà họ chưa khởi công xây dựng, với một nhịp độ nhanh kỷ lục. Tuy nhiên, họ không xây dựng loại nhà giá thấp, mặc dù nhu cầu về loại nhà này cao. Họ viện lẽ rằng họ không thể giảm giá vì phí tổn cao liên quan đến đất đai, nhân công, vật liệu và luật lệ. Giá ở giữa của một căn nhà mới xây mới đây đã đạt tới một mức cao kỷ lục.

Những vụ tăng giá nhà hiện giờ lại đang gia tốc, và đang nóng bỏng tại vài thị trường lớn, nơi số cung ở mức thấp nhất. Số nhà được quảng cáo bán trên toàn quốc đã sụt giảm gần như trong ba năm liên tiếp và giảm 9% trong Tháng Bảy so với một năm trước.

Những lý do căn bản đưa tới nhu cầu nhà ở vẫn tiếp tục mạnh, nhờ việc làm gia tăng vững chăc, những vụ thành lập gia đình nhanh hơn, và lãi xuất thế chấp thấp. Những lý do này đưa tới dự đoán rằng những vụ mua bán nhà hiện hữu sẽ gia tăng, mặc dù những vụ mua bán thực sự có thể sẽ bị kềm hãm bởi sự thiếu hụt nhà bán. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Báo Trung Quốc cảnh báo Việt Nam về phương Tây

Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc kêu gọi Việt Nam “không nên để cho phương Tây tác động tới quan hệ với Trung Quốc”.

Ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn ví dụ là sự “can thiệp” của Bắc Kinh, buộc Việt Nam phải ngưng một dự án thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol ở Biển Đông tháng trước.

Global Times nói rằng một số người phương Tây bày tỏ sự thất vọng đối với giải pháp hòa bình về vấn đề này.

Hồi đầu tháng này, theo Reuters, tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha khẳng định họ đã tạm ngừng khoan dầu ở một lô ngoài khơi vùng biển tranh chấp sau khi Hà Nội bị Bắc Kinh gây sức ép.

Tờ báo còn cho rằng tờ Washington Post của Mỹ đã “chế nhạo” Hà Nội đã “đặt quan hệ hợp tác kinh tế hoặc sự đoàn kết cộng sản lên trên vấn đề tự hào dân tộc”.

Hoàn cầu Thời báo viết rằng “Washington Post trước đây từng hy vọng chứng kiến Việt Nam chống lại Trung Quốc, và nhiều người phương Tây nóng lòng muốn thấy Việt Nam đóng vai trò đầu đàn trong việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông”.

Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước khác ngoài Trung Quốc còn khen Hà Nội xử lý “thông minh” vụ việc liên quan tới Repsol, và cho rằng việc giải quyết hòa bình như vậy phản ánh “sự chín chắn của mối quan hệ Việt – Trung”.

Tuy nhiên, báo này viết rằng “sự hỗ trợ của phương Tây đối với Việt Nam để có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề lãnh hải cũng là điều hấp dẫn đối với Việt Nam”.

Hoàn cầu Thời báo còn nhắc tới chuyện Tổng thống Philippines “quyết tâm chấm dứt vai trò mà Mỹ và Nhật dựng lên cho mình” để tiến tới “hợp tác toàn diện” với Bắc Kinh.

Ấn phẩm thường có quan điểm dân tộc chủ nghĩa của nhà nước Trung Quốc cho rằng Hà Nội và Bắc Kinh là “láng giềng hữu nghị”, “có nhiều điểm chung” nên Việt Nam “không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, làm tốt thí cho Mỹ nhằm khống chế Trung Quốc ở Biển Đông”.

“Hợp tác toàn diện có thể mang lại nhiều lợi ích hơn tranh chấp lãnh hải đối với Việt Nam và Trung Quốc, và hai nước nên ngăn chặn mối quan hệ hữu nghị bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài”, Hoàn cầu Thời báo viết.

Năm ngoái, tờ báo này tuyên bố rằng chỉ khi nào bùng ra cuộc đụng độ lớn giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì Việt Nam mới buộc phải mưu tìm mối quan hệ quân sự gần gũi hơn nữa với Hoa Kỳ.

Hoàn cầu Thời báo sau đó đi tới kết luận rằng “vì thế, mối quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào diễn biến ở biển Đông”. - VOA
|
|

15.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam

Trưa ngày 29/8, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Việt Nam, đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng và đến nghĩ dưỡng tại một resort ở thành phố biển miền trung này.

Báo VNExpress cho biết Thiền sư Thích Nhất Hạnh, 91 tuổi, ngồi trên xe lăn, được Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón tiếp, sau khi ông đáp máy bay từ Thái Lan về Việt Nam.

Thượng tọa Thích Thanh Phong nói với báo VnExpress rằng “Khi xuống sân bay, Thiền sư trông rất rạng rỡ, tươi tắn. Sức khỏe và tinh thần của thầy rất ổn.”

“Tất cả đều được Bộ Ngoại giao, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, cấp visa rất nhanh gọn; hải quan đón tiếp trọng thị,” Thượng tọa Thích Thanh Phong nói thêm.

Truyền thông Việt Nam nói tại Đà Nẵng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ tịnh dưỡng tại Mangala Resort trong 2 ngày. Mọi kế hoạch sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của Thiền sư, chủ yếu là tịnh dưỡng.

Theo dự định ban đầu, Thiền sư sẽ ở Việt Nam trong 3 tháng, sẽ thăm Tổ đình Từ Hiếu ở tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tổ đình khác.

Được biết trước đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bày tỏ tâm nguyện về thăm Việt Nam.

Báo Giác Ngộ cho biết vào tháng 12 năm ngoái, Thiền sư từ Pháp đến Thái Lan thăm trung tâm tu học Làng Mai ở tỉnh Nakorn Ratchasima và lưu trú tại đó cho đến nay.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị một vấn đề về sức khỏe hồi tháng 11-2014, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não.

Sau đó Thiền sư đã được đưa sang Hoa Kỳ điều trị sau đột quỵ tại trung tâm y tế UCSF (UCSF Medical Center). Sự phục hồi của Thiền sư được cho là “kỳ diệu” ngoài các dự đoán thông thường so với những người cũng bị chứng tương tự như vậy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất thân tu học tại Huế. Thiền sư đã thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học khác tại Mỹ, Đức, Hồng Kông.

Vài năm trước, Thiền sư đã lập Trung tâm tu học Làng Mai tại Thái Lan hiện có khoảng 200 vị xuất gia.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được quốc tế biết đến trong tư cách là một người vận động cho hòa bình trong phong trào phản chiến thời Chiến Tranh Việt Nam. Ông sinh năm 1926 ở Thừa Thiên-Huế, với tên húy là Nguyễn Xuân Bảo, và đã xuất gia từ năm 16 tuổi.

Thiền sư Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, được nhiều người trên thế giới biết đến. Thiền sư Nhất Hạnh được coi là nhà tu Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. - VOA
|
|

16.
Mỹ, Úc hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Việt Nam

Mỹ hỗ trợ hơn 10 triệu đôla cho Việt Nam tham gia Gìn giữ Hòa bình Liên hiệp quốc, còn Australia sẽ dùng Không quân Hoàng gia giúp đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam sang triển khai tại Nam Sudan.

Chính phủ Hoa Kỳ vừa trao tặng cho Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam một giảng đường và trang thiết bị phục vụ cho kế hoạch của Việt Nam tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế của LHQ.

Sáng ngày 28/8, tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng dự lễ bàn giao và khánh thành tòa nhà giảng đường S5 và trang thiết bị do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.

Truyền thông Việt Nam đưa tin Tòa giảng đường S5 với 15 phòng học có sức chứa khoảng 600 học viên, được trang bị hiện đại phục vụ cho công tác huấn luyện - đào tạo lực lượng quân y và công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.

Tòa nhà được xây dựng từ năm 2016 với chi phí và thiết bị kỹ thuật trị giá 7,43 triệu đôla do Chương trình Sáng kiến Hòa bình Toàn cầu (GPOI) của Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ và do Cơ quan Công trình Cơ sở Hải quân Hoa Kỳ quản lý.

Theo tin của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu tại lễ bàn giao rằng dự án này do Bộ Tư lệnh Công binh Hải quân Hoa Kỳ triển khai, đồng thời “khẳng định Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế luôn hết lòng ủng hộ Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực gìn giữ hòa bình.”

Đại sứ Oisus nêu rõ: “Tòa nhà này không chỉ là biểu tượng về sức mạnh của mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ Việt Nam mà còn là biểu tượng của những đóng góp của Việt Nam cho hòa bình và ổn định quốc tế.”

Cũng theo tin của Tòa Đại sứ Mỹ, Hoa Kỳ còn viện trợ bộ trang thiết bị phục vụ triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho Việt Nam trị giá 2,47 triệu đôla, đưa tổng mức hỗ trợ cho Việt Nam tham gia Gìn giữ Hòa bình LHQ lên hơn 10 triệu đôla.

Theo báo The Australian, nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 24-8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã đồng ý điều động Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) giúp triển khai một nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam đến Nam Sudan và cung cấp thêm một số quân bị cho họ.

Tờ báo của Australia còn cho biết các chuyên gia huấn luyện của Australia tại Việt Nam đang giúp đỡ trong công tác chuẩn bị, trong đó bao gồm việc dạy tiếng Anh cho các quân nhân sắp lên đường làm nhiệm vụ, đảm bảo ngoại ngữ của họ đạt chuẩn theo yêu cầu của LHQ đối với các chiến dịch lớn.

Cũng theo tờ báo này, RAAF có thể dùng máy bay vận tải C-17 để chở các binh sĩ Việt Nam đến châu Phi. Hoạt động này sẽ diễn ra ngay sau khi các thành viên Việt Nam hoàn thành khóa học tiếng Anh.

Theo VOV, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam và Bệnh viện Quân 175 ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai đợt huấn luyện thực hành tổng thể trên các thiết bị được viện trợ này trong tháng 9 năm nay. Đây cũng là bộ trang bị được bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam đưa sang Bentiu, Nam Sudan để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, dự kiến vào quý II/2018.

Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào đầu tháng này cùng với Bộ Quốc phòng Việt Nam và các chuyên gia Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tổ chức thành công hoạt động Trao đổi chuyên môn lập kế hoạch lần cuối cho huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện Dã chiến cấp 2.1 tại Hà Nội.

Dự kiến vào tháng 9, Trung tâm sẽ cũng sẽ tiến hành khóa huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện Dã chiến 2.1 tại Bệnh viện Quân 175 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá tổng thể khả năng xử lý các tình huống y tế và sử dụng các trang bị của Bệnh viện, phục vụ đánh giá tiền triển khai của LHQ và sẵn sàng triển khai đến Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ tại Nam Sudan.

Năm 2015, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Biên bản Ghi nhớ Gìn giữ Hòa bình, tăng cường hợp tác đào tạo, trợ giúp kỹ thuật, trang thiết bị và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nỗ lực gìn giữ Hòa bình của LHQ. - VOA
|
|

17.
Về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện VN hơn 1 tỷ USD

Phiên xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris đã bắt đầu từ hôm 21/8/2017 và được dự trù sẽ kéo dài tới ngày 31/8 nhưng dường như đã kết thúc sớm hơn vào hôm Chủ nhật ngày 27/8.

Video được đăng tải trên YouTube cho thấy ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Kiều mang quốc tịch Hà Lan, bước ra khỏi Tòa Trọng tài tại Pháp, với vẻ mặt tươi cười và hai tay giơ cao, nhưng ông từ chối không trả lời báo chí.

Số tiền mà một số nguồn tin cho hay ông Bình đang đòi chính phủ Việt Nam phải bồi thường lên tới 1,25 tỷ đô la.

Đây là lần thứ nhì ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế, khởi đầu từ tháng 1/2015 với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2005 trong vụ kiện lần đầu.

Khởi nguồn vụ kiện

Vụ việc có nguồn gốc từ những năm 1990-1996 khi ông Bình mang số tiền được cho là ba triệu đô la về đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai của Việt Nam.

Nhưng sau đó ông đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù vì vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai, đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.

Ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn kiện phía Việt Nam ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển) mà theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt năm 2005, ông Trịnh Vĩnh Bình nói ông đã bị bỏ tù oan và tài sản của ông mang về đầu tư ở Việt Nam đã bị tịch thu trái phép trong những năm 90 vì những hành động mà ông nói là sai trái ở tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, cáo buộc doanh nghiệp của ông trốn thuế và đầu tư bất động sản trái phép.

Vụ kiện lần đầu này dự kiến sẽ được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Stockholm xét xử vào tháng 12 năm 2006 nhưng phía nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình ngoài tòa để ký một thỏa thuận tại Singapore năm 2006.

Theo một số tin tức cho hay thì nhà nước Việt Nam đã chấp thuận bồi thường các chi phí phát sinh việc theo đuổi phiên tòa, miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình, hứa trả lại toàn bộ tài sản của ông và tạo điều kiện cho ông trở lại Việt Nam đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời truyền thông, vì phía Việt Nam đã không thực hiện cam kết trả lại tài sản cho ông, đã buộc ông phải khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai này.

Không ràng buộc nên không thực thi?

Vì Thỏa thuận giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và Việt Nam được dàn xếp tại Singpapore là không ràng buộc nên có lẽ vì thế phía Việt Nam đã không thực thi các cam kết này kể từ năm 2006 dẫn tới việc ông Bình phải đưa Việt Nam ra Tòa trọng tài quốc tế lần hai này.

Lần này, vụ việc thu hút một số sự chú ý của các nhà báo tại Việt Nam, những người còn nhớ về vụ việc xảy ra đã khá lâu này.

Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế có viết trên Facebook cá nhân:

"Vụ này nhiều người thấy trước, đã cảnh báo, nhưng không ăn thua. Bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh, Chủ Tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng bị "vạ lây" vì đã viết một tâm thư gởi Bộ Chính Trị nói về vụ này."

Ông Nguyễn Công Khế đăng lại một bài của nhà báo Hoàng Hải Vân 'Nhớ lại vụ Trịnh Vĩnh Bình', trong đó có nội dung rằng:

"Hồi diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, các báo khác tôi không theo dõi kỹ nên không dám bình luận, nhưng riêng Thanh Niên là tờ báo trước sau không đồng tình với bản án."

Còn blogger Phạm Lê Vương Các viết trên trang Facebook của ông:

"Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản "hợp lý" cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài.

"Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn "tiền tố tụng" - tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, hai bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử.

"Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba.

"Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ "lơ là" không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành Thỏa thuận đã ký ở Singapore.

"Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tài nhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba."

Blogger Phạm Lê Vương Các cũng trích dẫn Điều 6, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, đã nêu rõ: "Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia" và cho rằng đây là cơ sở để cho rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có nhiều khả năng sẽ thắng trong vụ kiện này.

Và một khi Tòa Trọng tài ở Paris đã ra phán quyết, chứ không phải dàn xếp ngoài tòa như thỏa thuận tại Singapore, thể theo đúng các thủ tục tố tụng, "nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài".

Trong trường hợp nếu thua kiện, và bên thua không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của bên thắng kiện sẽ có quyền yêu cầu Tòa án ở các quốc gia tham gia Công ước phong tỏa tài sản của bên thua kiện trên lãnh thổ nước họ và thi hành bản án của Tòa trọng tài.

Khác biệt giữa Tòa án và Tòa Trọng tài

Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài cũng có những đặc thù khác với Tòa án truyền thống và luôn đảm bảo yếu tố bí mật của vụ việc vì thế thường xử trong phòng kín, những người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự và đặc biệt trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí.

Ông Nguyễn Đình Cống, một người từng là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế của Việt Nam, trên trang Facebook của mình đã chỉ ra một số điểm giống và khác nhau giữa xử tại Tòa án và tại Tòa Trọng tài Quốc tế.

Theo ông Cống, tuy cũng được gọi là vụ kiện, có nguyên đơn và bị đơn, và mỗi bên đều có thể tự bảo vệ hoặc thuê luật sư nhưng có khác biệt như với Tòa án, thì các bên không được chọn chánh án và thẩm phản và luật do Tòa chọn, trong khi ở Tòa Trọng tài thì các bên có quyền chọn Trọng tài viên và chọn luật của các quốc gia.

"Nhưng khác biệt quan trọng nhất có lẽ là không giống tòa truyền thống, bản án thường được công bố công khai trong khi quyết định của Tòa Trọng Tài không được công bố ngay vào cuối phiên xét xử mà chỉ được công bố cho 2 bên sau một thời gian, được gọi là Phán quyết Trọng tài (không công khai)."

Đồng thời với bản án của Tòa án cấp dưới thì có thể được khiếu nại lên Tòa án cấp trên để được xét xử phúc thẩm trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng, theo ý kiến này.

Việc giữ bí mật này còn được áp dụng cả khi thi hành quyết định của Tòa Trọng tài vì thế khó có thể nói được liệu công chúng cuối cùng có được biết chính xác khi nào có Phán quyết Trọng tài và phán quyết này sẽ là như thế nào trong những ngày tới. - BBC
|
|

18.
'Cá Voi xanh' của Exxon chính thức hoạt động khi khai mạc APEC?

Dự án khí đốt của hãng Exxon Mobil Corp tại mỏ Cá Voi xanh sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 11, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm thứ Ba.

Đây là dự án khai thác khí lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay, và cũng là một trong hai dự án khai thác ngoài khơi của Việt Nam mà Trung Quốc quan ngại.

Mỏ Cá Voi Xanh nằm tại Lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, có trữ lượng ước tính đạt 150 triệu mét khối.

Trung Quốc luôn phản đối hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của các hãng nước ngoài với Việt Nam ở những vùng nằm trong phạm vi "đường 9 đoạn" (đường Lưỡi Bò), tức nơi mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình.

Theo phóng viên BBC Bill Hayton, đường Lưỡi Bò đi vào giữa Lô 118, nơi có mỏ khí Cá Voi Xanh, cách bờ khoảng 88 cây số.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc thì "Exxon tự tin rằng họ có đủ quyền về luật pháp để khai thác dự án Cá voi Xanh," phóng viên Bill Hayton nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng 6.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Ba nói với Exxon Mobil rằng ông hy vọng dự án sẽ chính thức khởi động vào lúc khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC trong tháng 11, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các quan chức Hoa Kỳ được trông đợi là sẽ tham dự, VTV nói.

Jon Gibbs, phó chủ tịch của Exxon Mobil tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, nói rằng hãng dầu khí của Mỹ muốn bắt đầu sản xuất khí đốt cho các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2023, theo VTV.

Đối tác của Exxon Mobil trong dự án là PetroVietnam, nói rằng dự án sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la cho ngân sách nhà nước. - BBC
|
|

19.
Tổng Bí thư kêu gọi đẩy lùi ‘tự diễn biến’

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 29 tháng 8 lên tiếng kêu gọi phải đẩy lùi cái được thủ lĩnh đảng cầm quyền gọi là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.

Kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng được đưa ra tại hội nghị Quân uỷ Trung ương sáng 29 tháng 8, tổ chức tại Trụ sở Bộ Quốc phòng. Hội nghị có sự tham dự của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Vấn đề được đảng cộng sản Việt Nam nói đến lâu nay là ‘tự diễn biến hòa bình’ nhằm nhắc nhở những thành phần trong đảng nhận chân ra những sai trái của đảng cộng sản Việt Nam. Một số người lên tiếng kêu gọi cải tổ những sai lầm của đảng đối với dân tộc, đất nước. Tuy vậy, đảng cộng sản Việt Nam gọi đó là ‘tự diễn biến hòa bình’ và dùng mọi biện pháp để ngăn chặn, vô hiệu hóa những tiếng nói đó. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment