Sunday, August 20, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 20/8

Tin Thế Giới

1.
Anh Quốc khẳng định sẽ tăng cường hiện diện tại Biển Đông

Ngay trước cuộc tập trận đa quốc gia tại Hàn Quốc diễn ra vào ngày mai 21/08/2017, nhằm đối phó với tấn công hạt nhân giả định từ Bắc Triều Tiên, có sự tham gia của quân đội Anh, báo chí Anh Quốc hôm qua, 19/08, dẫn lời chuyên gia một viện tư vấn về quốc phòng và an ninh hàng đầu, theo đó, Luân Đôn sẵn sàng cử quân đội cùng Hoa Kỳ tham gia các hoạt động bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông và nhiều điểm nóng khác trên thế giới.

Theo báo mạng Anh Daily Express, chuyên gia quốc phòng Anh Trevor Taylor, thuộc Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute), khẳng định trong thời gian tới Vương Quốc Anh sẽ tham gia nhiều hoạt động quân sự trên thế giới, nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia ngoài Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh Brexit.

Biển Đông - nơi Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền tại phần lớn vùng biển, bất chấp sự phản đối của nhiều nước láng giềng và định chế pháp lý quốc tế - là khu vực được chuyên gia Anh nêu tên trước nhất.

Theo chuyên gia Anh, việc Luân Đôn can dự tại Biển Đông, một mặt là để bảo vệ tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, tăng cường đóng góp cho an ninh toàn cầu, khẳng định « vai trò quốc tế » của Anh dù sẽ không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, mặt khác, siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác, như Nhật Bản và Úc.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong chuyến công du Úc, ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng cho biết sẽ gửi một chiến hạm – mà Anh mới chế tạo - tới Biển Đông để tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với Hoa Kỳ.

Thẩm phán Philippines kêu gọi dựa vào Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ

Cũng về Biển Đông, lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cát Sandy Cay, trong khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa), thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines kêu gọi Manila đưa quân ngăn chặn, và sẵn sàng viện đến Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.

Báo Philippines Star dẫn lời thẩm phán Antonio Carpio, phát biểu hôm qua, 19/08/2017, khẳng định là ông tin rằng Bắc Kinh đã « nuốt lời hứa không chiếm thêm » bất cứ địa điểm nào tại Trường Sa, nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã « gần như chiếm lĩnh bãi cát Sandy », cách đảo Thị Tứ khoảng 2,5 hải lý.

Thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines hối thúc tổng thống Duterte bảo vệ lãnh thổ, theo cam kết « không nhường một tấc đất nào của Philippines cho Trung Quốc », với biện pháp cụ thể là « đưa tàu chiến » đến bãi Sandy, và nếu Hải Quân Trung Quốc tấn công tàu Philippines, Manila có cớ để viện ra Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.

Philippines tiếp nhận một khinh khí cầu radar kiểm soát biên giới biển của Mỹ

Vẫn về quan hệ Philippines – Hoa Kỳ, theo báo Rappler hôm nay, 20/08, người phát ngôn Hải Quân Philippines cho biết ngày thứ Ba 22/08 sẽ diễn ra nghi lễ chính thức tiếp nhận một hệ thống radar theo dõi biên giới biển, do Hoa Kỳ trao tặng. Hệ thống radar khinh khí cầu Tars thường được Hoa Kỳ sử dụng để kiểm soát các vùng biên giới, đặc biệt là để ngăn ngừa nạn buôn lậu.

Theo người phát ngôn Hải Quân Philippines, ông Lincuna, phương tiện này sẽ giúp cho Philippines tăng cường khả năng theo dõi « các hoạt động trên biển và trên không tại các vùng duyên hải ».

Cuối tháng trước, Manila vừa nhận từ Hoa Kỳ hai máy bay trinh sát biển Cessna 208B Caravan. - RFI
|
|

2.
Iraq tấn công thành trì Tal Afar của IS

Lực lượng bộ binh Iraq mở chiến dịch giành lại Tal Afar, thành phố cuối cùng do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nắm giữ.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Haider al-Abadi cho biết những chiến binh thánh chiến phải lựa chọn "đầu hàng hoặc là chết".

Quân đội Iraq nhắm mục tiêu Tal Afar sau khi giành được Mosul, thành trì của IS nằm cách 55km về phía đông, hồi tháng Bảy.

Tal Afar, nơi đa số dân là người Hồi giáo Shia, rơi vào tay IS năm 2014.

Thành phố nằm trên tuyến đường nối Mosul và biên giới với Syria và từng là tuyến đường tiếp tế chính cho nhóm chiến binh thánh chiến.

Các máy bay chiến đấu Iraq đã đánh bom các vị trí của IS trong thành phố trong nhiều ngày để dọn đường cho chiến dịch của bộ binh.

Thiếu tướng Najm al-Jabouri nói với Reuters rằng những chiến binh thánh chiến đã "kiệt sức và mất tinh thần" và rằng ông không mong đợi một cuộc chiến khốc liệt diễn ra tại Tal Afar giống như cuộc chiến tại Mosul kéo dài gần chín tháng và gây tổn hại nặng nề cho quân đội Iraq.

Chỉ còn một ít thường dân được cho là ở tại Tal Afar, trong lúc 49.000 người đã trốn khỏi nơi này từ tháng Tư. - BBC
|
|

3.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thóa mạ ngoại trưởng Đức

Căng thẳng giữa Đức – Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm một nấc. Hôm thứ Sáu, 18/08/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trực tiếp kêu gọi các cử tri Đức gốc Thổ không bầu cho các đảng cầm quyền trong cuộc bầu Quốc Hội sắp tới. Bị ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và nhiều chính trị gia phản đối mạnh là « can thiệp vào công việc nội bộ », hôm qua 19/08, trong một phát biểu trên truyền hình, ông Erdogan dành một loạt những lời lẽ thô bạo hiếm thấy để đáp trả lãnh đạo ngoại giao Đức.

Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul:

Ông là ai mà dám ăn nói với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như vậy ? Đây là câu hỏi thiếu lịch sự mà tổng thống Recep Erdogan gửi đến ngoại trưởng Đức.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẵn sàng khiêu khích Berlin tới cả cuộc bầu cử Quốc Hội Đức. Kể từ hai ngày nay, Recep Erdogan kêu gọi cử tri Đức gốc Thổ không bầu cho các đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), đảng Xã Hội (SPD) hay đảng Xanh, mà ông gọi là các đảng ‘‘chống Thổ Nhĩ Kỳ’’.

Hôm thứ Tư vừa qua, chính quyền Thổ đã yêu cầu Berlin dẫn độ một nghi phạm của vụ đảo chính hụt ngày 15/07 năm ngoái. Từ nhiều tháng nay, Ankara cáo buộc Đức là thánh địa đối với các lãnh đạo và các thành viên của đảng Kurdistan PKK.

Tóm lại, ông Erdogan rõ ràng muốn gây áp lực mạnh lên các cử tri Đức gốc Thổ, ước tính khoảng một triệu người, tuy không đưa ra hướng dẫn cụ thể là nên bầu cho ai. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố tìm cách phá đám, cho dù trên thực tế không có khả năng gây tổn hại thực sự cho các lãnh đạo Đức.

Một nhà văn Đức gốc Thổ bị chính quyền Erdogan truy bắt

Cũng về quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua một nhà văn Đức gốc Thổ, ông Dogan Khanli, người nổi tiếng về các chỉ trích nhắm vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị câu lưu tại Tây Ban Nha, theo lệnh bắt của Interpol, mà Ankara yêu cầu. Luật sư của ông Dogan Khanli cho biết ông bị bắt trong chiến dịch truy bắt những người chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, cư trú tại châu Âu.

Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu chính quyền Tây Ban Nha không dẫn độ nhà văn nói trên sang Thổ Nhĩ Kỳ, và đòi hỏi quyền tham gia của Đức trong mọi thủ tục liên quan đến vấn đề dẫn độ.

Theo tin mới nhất, nhà văn Đức gốc Thổ đã được trả tự do có điều kiện, cụ thể là ông không được phép rời khỏi Madrid. Nhà văn Dogan Khanli, vốn là một nhà đối lập, từng lãnh đạo một tờ báo cánh tả, ông bị cầm tù trong những năm 1980. Năm 1991, ông trốn sang châu Âu. Kể từ năm 1995, ông sống và làm việc tại Đức. - RFI
|
|

4.
Anh: Brexit 'cứng' tăng thu 'cả trăm tỷ USD'

Loại bỏ tất cả các thuế quan và hàng rào mậu dịch sẽ giúp tạo ra một mức tăng thu hàng năm là 173 tỷ đô la (hay 135 tỷ bảng) cho nền kinh tế nước Anh, theo một nhóm kinh tế gia ủng hộ việc nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu.

Brexit 'cứng' về mặt kinh tế 'tốt hơn nhiều' so với 'mềm', Giáo sư Patrick Minford, tác giả chủ trì một báo cáo của nhóm các nhà kinh tế ủng hộ Tự do Thương mại, nêu quan điểm.

Ông nói rằng việc loại bỏ thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do hoặc đơn phương, sẽ mang lại những lợi ích to lớn.

Trong khi đó, các nhà vận động chống lại Brexit 'cứng' nói kế hoạch này sẽ dẫn tới sự 'tự sát về kinh tế'.

Báo cáo của Giáo sư Minford, "From Project Fear to Project Prosperity" với hàm ý từ nỗi sợ hãi Brexit chuyển sang sự thịnh vượng nhờ vào đó, sẽ được công bố vào mùa thu 2017.

Ông lập luận rằng nước Anh có thể đơn phương - trước khi một thỏa thuận đối ứng được thiết lập - loại bỏ các rào cản thương mại với Liên minh châu Âu (EU) lẫn phần còn lại của thế giới và gặt hái các lợi nhuận thương mại trị giá 102 tỷ đô la (hay 80 tỷ bảng Anh) mỗi năm.

Báo cáo còn dự kiến các mức thu lợi nhuận thêm nữa, trong đó có 51 tỷ đô la (hay 40 tỷ bảng Anh) mỗi năm từ việc bãi bỏ các quy định về kinh tế cũng như các lợi ích khác từ các chính sách liên quan Brexit.

Giáo sư Minford nói về mặt thương mại, các "giải pháp lý tưởng" vẫn sẽ là các thỏa thuận thương mại tự do với các khối kinh tế lớn bao gồm EU.

'Tự sát về kinh tế'?

Nhưng cũng có một mối đe dọa nếu nước Anh đơn phương xóa bỏ tất cả các hàng rào mậu dịch…, khi đó EU sẽ chịu sức ép đưa ra cho nước Anh một thỏa thuận thương mại tự do, nếu không thì các nhà sản xuất của nó sẽ phải cạnh tranh trên một thị trường của Anh "tràn ngập các hàng hóa ít đắt đỏ hơn từ các nơi khác", phần giới thiệu của báo cáo do Minford chủ trì nói.

Ông lập luận rằng Anh quốc là nước duy nhất trên thế giới sẽ được thụ hưởng lợi nhuận từ các hàng hóa nhập khẩu có giá thấp hơn và các hiệu quả từ cạnh tranh gia tăng, điều sẽ làm cho các hãng phải gia tăng năng suất.

Tuy nhiên, Open Britain, một nhóm vận động cho nước Anh ở lại trong thị trường thống nhất và liên minh thuế quan nói rằng chiến lược được đề xuất sẽ hủy hoại nền kinh tế nước này.

"Đơn phương bãi bỏ các thứ thuế mà không có được sự giảm thuế suất của các nước khác sẽ chứng kiến một nước Anh tràn ngập hàng nhập khẩu, làm cho các nhà sản xuất và nông dân của chúng ta không thể cạnh tranh", dân biểu thuộc đảng Lao động Alison McGovern, một người ủng hộ nhóm Open Britain liên đảng phái. mà đang vận động chống lại Brexit 'cứng', nói.

"Các mức độ phá sản và thất nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp và nông nghiệp, sẽ tăng vọt như tên lửa.

"Đây là một dự án tự sát kinh tế, chứ không phải sự thịnh vượng."

Các nhà kinh tế học ủng hộ Tự do Thương mại là một nhóm gồm 16 kinh tế gia, bao gồm các cựu cố vấn của chính phủ và các học giả hàn lâm. - BBC
|
|

5.
Barcelona: Nhóm khủng bố có 120 bình ga

Nhóm khủng bố gồm 12 thành viên vừa tiến hành hai cuộc tấn công tại Tây Ban Nha trong tuần này đã chuẩn bị 120 bình ga và lên kế hoạch để sử dụng trong các cuộc tấn công bằng xe, theo cảnh sát Tây Ban Nha.

Nhiều thùng chứa đã được tìm thấy tại một ngôi nhà được cho là từng được nhóm khủng bố sử dụng mà đã phát nổ ở thị trấn Alcanar vào tối thứ Tư, 16/8/2017.

Cảnh sát vẫn đang săn tìm người lái xe chiếc xe đã đâm vào hàng chục người trên đại lộ Las Ramblas của Barcelona, giết chết 13 người.

Hôm Chủ Nhật, một thánh lễ cầu nguyện đã được tổ chức tại Barcelona để tưởng niệm các nạn nhân.

Ngoài 13 người bị thiệt mạng vào chiều hôm thứ Năm, 17/8, trên đường phố Las Ramblas, một phụ nữ đã chết trong một cuộc tấn công bằng xe hơi thứ hai vào đầu ngày thứ Sáu ở thành phố Cambrils.

Năm nghi phạm là các chiến binh thánh chiến đã bị cảnh sát bắn chết trong cuộc tấn công thứ hai.

Nhà chức trách Catalan cũng xác nhận một em bé người Úc gốc Anh lên bảy tuổi, Julian Cadman, nằm trong số những người bị thiệt mạng ở Barcelona.

Em bé này đã bị mất tích kể từ khi bị tách ra khỏi người mẹ bị thương trong cuộc tấn công.

Cảnh sát trưởng Catalan, Josep Lluís Trapero, đã cập nhật thông tin về cuộc điều tra.

Ông nói rằng nhóm khủng bố được tin là gồm 12 người đàn ông và nhóm này đã lập kế hoạch tấn công trong suốt hơn sáu tháng.

Một thành viên của nhóm vẫn còn chưa bị bắt, bốn người khác đã bị bắt giữ và có hai bộ hài cốt cần được xác định, ông cho hay.

Thành viên chưa bị bắt là là người điều khiển của chiếc xe, ông Trapero nói, và thêm rằng cảnh sát đã biết danh tính của người này nhưng không tiết lộ.

Nhưng cảnh sát đã xác nhận họ đang săn tìm một người sinh ra ở Moroco, Younes Abouyaaqoub, 22 tuổi, người mà truyền thông Tây Ban Nha nói là nghi phạm lái chiếc xe.

Hai hài cốt cần được xác định danh tính có thể là các nạn nhân trong vụ nổ tại ngôi nhà ở Alcanar.

Truyền thông Tây Ban Nha suy đoán cả hai có thể là Youssef Aallaa, anh trai của một trong những nghi phạm chiến binh thánh chiến bị giết tại Cambrils, và Abdelbaki Es Satty, một tu sỹ đạo Islam từ thành phố Ripoll, mạn bắc của Barcelona, là căn cứ xuất phát của các nghi phạm.

Nghi phạm là tu sỹ dường như đã rời khỏi nhà thờ Hồi giáo đột ngột vào tháng Sáu và đã không được nhìn thấy kể từ đó.

Người quản lý nhà thờ Hồi giáo nói rằng nghi phạm này đã nói với ông rằng ông ta 'muốn quay lại' Morocco. - BBC
|
|

6.
Người Hong Kong phản đối tống giam thủ lĩnh trẻ

Hàng nghìn người dân hôm 20/8 đã đổ ra đường phố Hong Kong để biểu tình phản đối vụ cầm tù ba thủ lĩnh trẻ tuổi từng đi đầu các cuộc biểu tình.

Ba ngày trước đó, Joshua Wong, 20 tuổi, Nathan Law, 24 tuổi và Alex Chow, 27 tuổi, đã bị kết án tù 6 tới 8 tháng tù giam vì tội “hội họp trái phép”.

Hãng tin Reuters nhận định rằng đây là một đòn giáng đối với phong trào do các nhà hoạt động trẻ khởi xướng, đòi quyền bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu.

Bất chấp thời tiết nóng nực trên 30 độ C, hàng nghìn người đã tuần hành tới Tòa Phúc thẩm, mang theo các biểu ngữ lên án vụ kết án tù các nhà hoạt động.

Cựu thủ lĩnh sinh viên Lester Shum, người tổ chức cuộc xuống đường hôm 20/8, nói rằng con số người biểu tình trên là cao nhất kể từ khi bùng ra các cuộc tuần hành đòi dân chủ làm tê liệt nhiều nơi ở Hong Kong suốt 79 ngày năm 2014.

“Cuộc biểu tình cho thấy âm mưu của chính phủ Hong Kong, chính quyền cộng sản Trung Quốc và của Bộ Tư pháp nhằm ngăn chặn người dân Hong Kong tiếp tục tham gia vào chính trị và biểu tình bằng cách sử dụng các luật lệ và sự trừng phạt hà khắc đã hoàn toàn thất bại”, Shum nói.

Những người biều tình cầm biểu ngữ với nội dung như: “Không phải là tội phạm khi chống lại chế độ độc tài toàn trị”. Họ còn hô vang: “Hãy thả tất cả các tù nhân chính trị. Bất tuân dân sự. Chúng tôi không sợ. Chúng tôi không hối tiếc”.

Reuters dẫn lời Ray Wong, 24 tuổi, thủ lĩnh một nhóm ủng hộ độc lập cho Hong Kong, nói rằng vụ việc đã đoàn kết các phe nhóm chống chính phủ. - VOA
|
|

7.
Tìm thấy xác chiến hạm của Mỹ sau 72 năm

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện xác tàu chiến USS Indianapolis của Mỹ, từng bị ngư lôi của Nhật đâm chìm vào những ngày cuối của Thế Chiến II, ở độ sâu 5,5 km dưới Thái Bình Dương, theo hải quân Hoa Kỳ.

Chiến hạm xấu số của Mỹ đang trên đường trở về sau nhiệm vụ chuyển các bộ phận của quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima thì bị tàu ngầm Nhật nhắm bắn ở Bắc Thái Bình Dương hôm 30/7/1945.

Theo Reuters, tàu chiến này chìm trong vòng 12 phút. Không có tín hiệu cấp cứu nào được phát đi.

Khoảng 800 trong số 1.196 thủy thủ trên khoang đã thoát khỏi chiếc tàu chìm, nhưng chỉ có 316 người sống sót sau 5 ngày lênh trên trên biển và số còn lại thiệt mạng vì nắng nóng, mất nước, chết chìm hoặc vì cá mập.

Sau khi một nhà nghiên cứu lịch sử hải quân năm 2016 đã phát hiện thông tin mới về những giờ phút cuối cùng của con tàu, dẫn tới một nơi tìm kiếm mới, một nhóm các nhà nghiên cứu dân sự do ông Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft, đứng đầu, đã dành nhiều tháng tìm kiếm trong phạm vi 1500 km vuông ở Thái Bình Dương.

Với con tàu được trang bị thiết bị có thể xuống dưới độ sâu nhất của đáy biển, thành viên trong nhóm của ông Allen đã phát hiện xác con tàu đâu đó ở vùng Biển Philippines hôm 18/8.

Trong thông cáo đăng trên website của mình, ông Allen nói rằng Hải quân Mỹ đã yêu cầu giữ kín địa điểm chính xác nơi tìm thấy xác của tàu chiến. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Hàng ngàn người xuống đường ở Boston phản đối phát ngôn thù hằn

Hàng ngàn người ở thành phố Boston hôm thứ Bảy xuống đường để biểu tình phản đối một cuộc tập hợp mang tên "Free Speech" (Tự do Ngôn luận) có sự tham dự của những diễn giả cánh hữu, trong khi hàng trăm cảnh sát được huy động để ngăn chặn tình trạng bạo lực tái diễn vốn đã làm cho một người phụ nữ thiệt mạng tại một cuộc biểu tình của những người chủ trương thượng đẳng da trắng ở bang Virginia hồi tuần trước.

Chỉ riêng trong công viên Boston Common lịch sử, hàng trăm người biểu tình, cho rằng sự kiện này có thể trở thành nền tảng cho những tuyên truyền mang tính kì thị chủng tộc, áp đảo vài chục người tham dự cuộc tập hợp này.

Số lượng người biểu tình có phần chắc sẽ tăng vọt khi một cuộc tuần hành với hàng ngàn người nữa tiến về phía công viên.

Tin tức mới nhất cho hay những người tham dự cuộc tập hợp đã rời đi không lâu ngay sau khi nó đang bắt đầu. Hãng tin AP dẫn lời một diễn giả theo lịch trình sẽ phát biểu nói rằng sự kiện này “đã đổ vỡ.”

Những người tổ chức cuộc tập hợp trước đó đã công khai lên án và tách mình khỏi những người có chủ trương tân Quốc xã và thượng đẳng da trắng gây nên bạo lực ở Charlottesville vào ngày 12 tháng 8.

Khoảng 500 cảnh sát viên đã đặt rào chắn để ngăn xe chạy vào công viên, là công viên xưa nhất của quốc gia. Họ cũng rào địa điểm tập hợp lại để tách hai nhóm người.

Những vụ đụng độ cuối tuần trước ở Charlottesville, Virginia, nơi một người phụ nữ bị xe tông chết sau những vụ hỗn chiến đẫm máu trên đường phố, càng gia tăng căng thẳng chủng tộc vốn đã bùng lên vì những kẻ thượng đẳng da trắng tuần hành công khai hơn trong các cuộc tụ tập trên khắp nước Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng trước đó tề tựu trong khuôn viên một trường đại học ở thành phố này để bảo vệ bức tượng Robert E. Lee, vị tướng lãnh đạo quân đội Liên bang Miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ trong cuộc Nội chiến Mỹ, kết thúc vào năm 1865.

Bạo động vào cuối tuần trước khơi ra cuộc khủng hoảng lớn nhất ở trong nước đối với Tổng thống Donald Trump, người đã làm dấy lên sự công phẫn từ những người thuộc mọi quan điểm chính trị. Họ đả kích ông không chịu lên án ngay lập tức những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng mà còn nói rằng có những người "rất tốt" ở cả hai phía ẩu đả. - VOA
|
|

9.
Bannon về lại Breitbart, sẵn sàng ‘nghiền nát phe đối lập’ vì Trump --- Steven Bannon xác nhận: Tòa Bạch Ốc vô cùng chia rẽ

Sau khi có tin chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon sẽ rời khỏi chính quyền Trump vào chiều thứ Sáu thì ngay tối hôm đó, ông này đã quay trở lại công việc cũ của mình trước đây.

Ông Bannon rời Nhà Trắng và đi thẳng qua Breitbart News, trang tin tức trực tuyến có quan điểm cực bảo thủ mà ông đã lãnh đạo trước khi tham gia chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Donald Trump cách đây hơn một năm.

Website này loan báo ông Bannon "đã trở lại làm Chủ tịch Điều hành của Breitbart News vào chiều thứ Sáu và chủ trì cuộc họp của ban biên tập công ty vào buổi tối."

Ông nắm quyền lãnh đạo Breitbart sau khi người sáng lập công ty, Andrew Breitbart, qua đời vào năm 2012. Dưới sự dẫn dắt của ông Bannon, Breitbart News có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa hơn, lôi cuốn phong trào cực đoan cánh hữu.

Ông Bannon có công giúp ông Trump giành chiến thắng vào Nhà Trắng bằng việc thúc đẩy một thông điệp dân túy, dân tộc chủ nghĩa sau khi tham gia chiến dịch tranh cử. Nhưng sau cuộc bầu cử, ông Bannon đã đụng độ với các nhân vật đầy quyền thế khác trong Cánh Tây Nhà Trắng, trong đó có con rể của ông Trump là Jared Kushner.

Trong các cuộc phỏng vấn sau khi rời đi, ông Bannon, sử dụng ngôn ngữ hằn học hệt như giọng điệu của Breitbart News dưới thời ông cai quản, nói rằng ông trông đợi sẽ kình chống những người mà ông cảm thấy đang ngáng đường ông Trump.

"Nếu có bất kỳ sự khó hiểu nào thì hãy để tôi nó cho rõ: Tôi rời khỏi Nhà Trắng và sẽ lâm chiến vì ông Trump chống lại những đối thủ của ông ấy trong Quốc hội, trong giới truyền thông và trong giới tập đoàn kếch sù ở Mỹ," ông Bannon nói với Bloomberg News.

"Tôi đang rất sung sức," ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Weekly Standard. "Giờ tôi đã được tự do, tôi đã cầm lại vũ khí trong tay. Có ai đó gọi tôi là 'Bannon Kẻ Dã man.' Tôi sẽ nghiền nát phe đối lập cho mà xem." - VOA

***
Cựu cố vấn chiến lược Tòa Bạch Ốc, ông Steve Bannon, trong cuộc phỏng vấn mới nhất, xác nhận điều mọi người bên ngoài từng nghi ngờ rằng Tòa Bạch Ốc vô cùng chia rẽ.

Ông Bannon, 63 tuổi, cho tờ Washington Post hay hôm Thứ Bảy rằng “chưa từng có chính phủ nào trong lịch sử Mỹ mà có sự chia rẽ về đường hướng chính sách như chính phủ này.”

Ông Bannon nói thêm rằng thành phần ủng hộ cốt lõi của Tổng Thống Donald Trump đang bực bội vì Tòa Bạch Ốc có một chương trình nghị sự giống như của thành phần “Cộng Hòa truyền thống” thay vì những ý tưởng mới mà ông Trump nêu lên trong thời gian tranh cử.

Bản tin của ABC News nói rằng ông Bannon khuyến cáo cả hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ phải chú ý tới những vấn đề liên hệ tới thành phần lao động Mỹ.

Cụ thể, ông Bannon nói thành phần lãnh đạo đảng Cộng Hòa phải thúc đẩy kế hoạch thay đổi thuế, mậu dịch và xây bức tường dọc theo biên giới với Mexico—nếu không muốn bị thành phần ủng hộ Tổng Thống Trump ruồng bỏ, theo ABC News.

“Nếu thành phần Cộng Hòa ở Quốc Hội hỗ trợ các chương trình của tổng thống, chứ không phải của họ, thì tất cả mọi sự đều êm đẹp, chúng ta sẽ là một gia đình hòa thuận,” ông Bannon cho hay.

Nhưng ông Bannon cũng công nhận rằng sự “hòa thuận” đó sẽ không sớm xảy ra, theo ABC News.

Ông Bannon nói với tờ Washington Post rằng sự bất đồng tại Tòa Bạch Ốc và trong thành phần lãnh đạo Đảng Cộng Hòa không hoàn toàn giống như tình trạng bất đồng trong nước hiện nay.

“Sự căng thẳng ở Tòa Bạch Ốc hơi khác với sự căng thẳng trong nước. Chúng ta vẫn là một quốc gia chia rẽ,” ông Bannon nói. “Có 50% người dân không ủng hộ Tổng Thống Trump. Phần lớn những người đó không ủng hộ chính sách của ông, dù là gì chăng nữa.” - nguoiviet
|
|

10.
Thêm một cố vấn của Tổng thống Trump từ chức

Nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn ngày 18/8 chấm dứt vai trò làm cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Donald Trump vì dị nghị rằng những khuyến nghị của ông Icahn đưa ra cho Tổng thống có thể giúp ích cho việc đầu tư làm ăn của chính ông.

Một số nhà lập pháp Dân chủ và các nhà vận động trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học nói rằng các khuyến nghị chính sách của ông Icahn đối với chính quyền Cộng hòa do Tổng thống Trump lãnh đạo tạo ra xung khắc quyền lợi với công việc kinh doanh của tỷ phú này, trong đó có công ty lọc dầu CVR Energy.

Dù phủ nhận mọi cáo buộc về mâu thuẫn lợi ích, nhưng ông Icahn cuối cùng phải chọn phương án ra đi.

Ông Icahn nói ông quyết định thôi làm cố vấn đặc biệt cho Tổng thống vì không muốn những đàm tiếu đảng phái về vai trò của ông làm ảnh hưởng tới chính quyền Trump.

Sự ra đi của ông Icahn diễn ra trong bối cảnh Tòa Bạch Ốc có nhiều thay đổi.

Chỉ vài giờ trước, Tổng thống Trump sa thải thêm một phụ tá thân cận của mình, chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc, ông Stephen Bannon.

Hai ngày trước, Tổng thống giải tán 2 Hội đồng Cố vấn Thương mại cao cấp sau khi 7 CEO tự rút lui, phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Trump về vụ bạo động sắc tộc ở Charlottesville, bang Virginia, cuối tuần trước. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Chủ tịch Quang kêu gọi ngăn thông tin ‘độc hại' [thấy ông kêu gọi nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện từ 25/7 đến nay]

Báo chí trong nước hôm 20/8 đăng tải một bài được cho là do Chủ tịch Trần Đại Quang viết về tình hình an ninh mạng ở Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông.

Báo điện tử VietNamNet dẫn bài viết có tựa đề: “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới".

Bài viết nhân một dịp kỷ niệm của ngành công an có đoạn nói rằng “các thế lực thù địch và tội phạm mạng đã sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia”.

“Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước...”, bài báo viết tiếp.

Chủ tịch Việt Nam nhiều ngày qua đã trở thành tâm điểm của các tin đồn trên mạng xã hội về chuyện sức khỏe sau khi ông vắng bóng trước công chúng từ cuối tháng Bảy, nhưng cho tới ngày 20/8, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận các đồn đoán này.

Những ngày gần đây, ông Quang cũng được báo chí cho biết rằng đã gửi điện chúc mừng tới nhiều nước khác nhau nhân dịp quốc khánh của các quốc gia này.

Bài viết hiện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội được cho là của ông Quang kêu gọi “tập trung quản lý các loại hình thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog” và “có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các trang thông tin điện tử, blog có nội dung xấu, độc hại, tin nhắn rác” cũng như “phải có chế tài đối với những người vi phạm, đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội”.

Đây không phải là lần đầu tiên quan chức trong nước nhấn mạnh tới thông tin “xấu, độc” trên mạng xã hội. Việt Nam từng yêu cầu Google hay Facebook xóa bỏ các bài viết hay video có nội dung mà Hà Nội coi là “độc hại”.

Theo Reuters, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có nhiều người sử dụng Facebook trên thế giới, trong khi YouTube của công ty Google là một trong những mạng chia sẻ video được ưa thích ở Việt Nam. - VOA
|
|

12.
Luật sư Võ An Đôn bị ‘xem xét kỷ luật’ vì chia sẻ trên Facebook

Luật sư Võ An Đôn, một luật sư nổi tiếng với những vụ bào chữa miễn phí giúp phơi bày tình trạng công an đánh chết dân, có thể bị Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên kỷ luật vì những phát biểu chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên gửi ngày 17 tháng 8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh “có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư” cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với “các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam.”

Những phát biểu này “có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp luật sư,” thông báo này nói tiếp.

Viết trong một thông điệp đăng trên Facebook với hình ảnh thông báo này đính kèm, luật sư Đôn khẳng định quyền tự do ngôn luận của mình và tố cáo Đoàn Luật sư chịu “sự chỉ đạo từ phía cơ quan nội chính và an ninh” để tìm cách làm anh im tiếng, “không cho nói sự thật.”

“Luật sư có cái miệng để nói, nhưng không cho tôi nói sự thật về bản chất nghề nghiệp của mình để mọi người trong xã hội biết, thì làm sao nghề luật sư ở Việt Nam phát triển được?” luật sư Đôn bức xúc.

Thông báo không nói rõ sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nào đối với ông.

Trong một bài viết đăng ngày 6 tháng 7 trên Facebook, luật sư Đôn chỉ trích một quy định vừa ban hành của Liên đoàn luật sư Việt Nam cấm luật sư nói bậy trên mạng xã hội, điều mà anh nói là nhằm bịt miệng những cá nhân luật sư ít ỏi trong giới luật sư ở Việt Nam “dám lên mạng xã hội viết bài, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm.”

“Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước,” luật sư Đôn bình luận.

Trước đây, luật sư Đôn từng bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ án “Năm công an đánh chết dân” mà anh phơi bày và dấn thân theo đuổi công lý từ năm 2014.

Luật sư Đôn được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 vì các hoạt động bảo vệ cho quyền con người, bất chấp rủi ro và đe dọa. - VOA
|
|

13.
Xung quanh vụ 'đe dọa' ông Huỳnh Đức Thơ

Truyền thông Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ rằng "công an sẽ vào cuộc điều tra" người nhắn tin đe dọa ông và "mọi việc sẽ được làm sáng tỏ".

Ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, xác nhận tin người anh của ông, ông Đào Tấn Cường bị bắt vì đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ, theo báo Trí Thức Trẻ.

Báo này dẫn lời ông Bằng: "Đó là anh ruột tôi. Anh ấy cũng đã lớn rồi. Đây là sự việc cá nhân của anh ấy thì anh ấy chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ biết sao bây giờ."

Ông Cường, phó giám đốc công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng, bị bắt khẩn cấp "để điều tra về hành vi đe dọa giết người," báo Việt Nam cho hay.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Cường "nhắn tin gửi đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ, với lời lẽ ám chỉ sẽ gây ra việc nguy hiểm đến cá nhân ông Thơ và người thân trong gia đình ông," Tuổi Trẻ tường thuật.

Ông Thơ được báo Dân Trí hôm 20/8 dẫn lời: "Việc đó công an sẽ điều tra và mọi việc sẽ được làm sáng tỏ."

'Có vấn đề'

Hôm 20/8, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC: "Vụ dọa giết quan chức ở Đà Nẵng cho thấy sự bế tắc và là dấu hiệu không lành mạnh, không bình thường."

"Đáng nói là lời đe dọa này xuất phát từ một người từng là cán bộ nhà nước."

"Không biết rằng người này có làm đơn tố cáo, khiếu nại theo pháp luật không mà lại chọn cách đe dọa kiểu xã hội đen."

"Qua vụ này, người ta thấy, trật tự kỷ cương, hiệu lực của bộ máy nhà nước có vấn đề đáng suy nghĩ khi có bức xúc thì họ lại chọn cách tự xử ngoài pháp luật như vậy."

"Đó là một sự bế tắc."

"Người ta thấy diễn biến mới nhất ở Đà Nẵng là tiếp theo sau những vụ ồn ào ở thành phố này từ nhiều tháng qua như quy hoạch khu du lịch Sơn Trà, đất đai, điều tiếng qua lại giữa các quan chức… Những vụ việc ở Đà Nẵng không được thanh tra, kiểm tra chưa được làm rõ nên bây giờ người ta thấy Đảng và Nhà nước không xử được thì quan chức tự xử thôi."

"Tình trạng này là không chỉ ở Đà Nẵng mà có thể là còn tại những tỉnh thành khác."

"Và nếu hiệu lực của bộ máy nhà nước không được tăng cường thì sẽ dẫn đến rối loạn xã hội." - BBC
|
|

14.
CSVN viết lại lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa không còn là ‘ngụy quyền’

Bộ sách lịch sử Việt Nam (15 cuốn) vừa được tái bản lần thứ nhất. Bộ sách này đã được “chỉnh sửa, bổ sung” và khác hẳn ấn bản đầu tiên. Lịch sử Việt Nam đã được viết lại.

Trò chuyện với báo giới nhân dịp tái bản bộ sách lịch sử Việt Nam, ông Trần Đức Cường, chủ biên bộ sách này bảo rằng, công việc “chỉnh sửa, bổ sung” kéo dài chín năm với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia sử học. So với ấn bản đầu tiên, bộ sách lịch sử Việt Nam vừa được tái bản lần thứ nhất có nhiều điểm mới, chẳng hạn xác định vương triều nhà Mạc, vương triều nhà Nguyễn đã có nhiều đóng góp đáng kể cho quốc gia, dân tộc chứ không “phiến diện như trước…”

Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ về cuộc trò chuyện vừa kể thì trong lần tái bản đầu tiên, hai điểm mới, đáng chú ý nhất của bộ lịch sử Việt Nam là quan điểm của các sử gia CSVN về Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc.

Ông Cường giải thích, các sử gia CSVN vứt bỏ không sử dụng “ngụy quyền” khi đề cập đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa và “ngụy quân” khi đề cập đến quân lực Việt Nam Cộng hòa, bởi Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Trong bộ Lịch sử Việt Nam, tái bản lần thứ nhất, chỉ có chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.

Cũng theo lời ông Cường thì lần đầu tiên, trong một bộ thông sử Việt Nam, các sử gia CSVN ghi nhận sự kiện Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam năm 1979. Ông Cường nhấn mạnh, đó là “xâm lược” và người Việt đã đổ rất nhiều xương máu để kháng cự cho đến năm 1988.

Người Việt chưa được đọc bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất, tuy nhiên qua truyền thống Việt Nam, dẫu bộ sách vừa kể có nhiều điểm mới song dường như chưa đầy đủ.

Sau sự kiện ra mắt bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất, qua tờ Tuổi Trẻ, một số sử gia CSVN đã nêu thêm ý kiến về bộ sách này, với mong muốn “nội dung của nó sẽ toàn diện hơn.”

Ông Nguyễn Mạnh Hà, cựu viện trưởng Viện Lịch Sử đảng CSVN, thừa nhận, trước đây, các sử gia CSVN “viết sử theo định hướng, không phản ánh hết sự thật lịch sử nên lịch sử còn rất nhiều khoảng trống.” Theo ông Hà, từ lâu ông đã ủng hộ quan điểm bỏ lối gọi “ngụy quân, ngụy quyền.” Việt Nam Cộng hòa là một thành viên Liên Hiệp Quốc, tham gia các cuộc đàm phán Paris, phải thừa nhận có một thực thể như vậy. Việt Nam Cộng Hòa cũng tỏ ra rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phải thừa nhận chứ không thể né tránh.

Ông Hà nói thêm rằng, thông sử Việt Nam phải đề cập cả tới những sai lầm của chính quyền CSVN như: Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng… Nếu cứ tránh những vấn đề thường được gọi là “nhạy cảm,” sai lầm thì lịch sử sẽ không hoàn chỉnh. Ông Hà đòi phải tôn vinh những người lính đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung Quốc. Phải như thế thì mới công bằng.

Nhận định của ông Vũ Dương Ninh, giảng viên Đại Học Quốc Gia Hà Nội, có rất nhiều điểm tương đồng với ông Hà. Ông Ninh đòi lấp những “khoảng trống trong lịch sử” về Việt Nam Cộng hòa, về các sai lầm của chính quyền CSVN (Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng…) bằng cách thu thập sử liệu khách quan, tôn trọng tính khách quan của lịch sử và phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị, để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì sử không còn là sử nữa. Theo ông Ninh, phải rạch ròi giữa nói xấu lịch sử và nói ra cái xấu trong lịch sử. Ông Ninh nhắc thêm, sau việc tái bản bộ lịch sử Việt Nam, phải tính tới sách giáo khoa môn Sử.

Hồi Tháng Hai vừa qua, Ban Tuyên Giáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN từng tổ chức một cuộc thảo luận về sử học. Lúc đó, nhiều sử gia CSVN từng công khai than phiền, dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, việc trình bày lịch sử Việt Nam tạo ra nhiều khoảng trống vì có quá nhiều “vùng cấm” như: Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng, Việt Nam Cộng Hòa, thuyền nhân Việt Nam, cuộc chiến chống Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc… Do đó phải xác lập một quan điểm mới trong việc trình bày lịch sử. Không nhìn rõ những sai lầm trong quá khứ thì khó tránh cho xe đổ ở tương lai. Không nghiên cứu toàn diện về chính quyền Việt Nam Cộng hòa khó rút ra được bài học nào cho sự nghiệp xây dựng đất nước, cũng như thúc đẩy hòa hợp, hòa giải dân tộc. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment