Wednesday, April 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 6/4

Tin Thế Giới

1.
Thủ Tướng Iceland khẳng định không từ nhiệm như tin đã loan --- Hồ sơ Panama 'là do tin tặc'

Thủ Tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson nói ông không từ nhiệm như tin đã loan trước đây, mà chỉ 'đề nghị' phó chủ tịch của đảng ông đảm nhiệm chức vụ này “trong một thời gian không biết trước là bao lâu.”

Văn phòng thủ tướng đã ra một thông cáo báo chí chiều tối hôm qua, thứ Ba 5/4, nói rằng Thủ Tướng Sigmundur David Gunnlaugsson “sẽ tiếp tục phục vụ trong cương vị Chủ tịch của Đảng Cấp Tiến.”

Ông Gunnlaugsson là nạn nhân đầu tiên của các tài liệu gọi là “Hồ sơ Panama” đã phơi bày những khoản đầu tư bí mật ở nước ngoài của những người giàu có, có quyền thế và nổi danh trên khắp thế giới.

Các cuộc biểu tình đông đảo đã bùng phát sau khi các tài liệu cho thấy ông và vợ ông đã thành lập một công ty với sự giúp đỡ của một công ty luật Panama đang là tâm điểm của một vụ rò rỉ dữ kiện thuế quy mô lớn.

Ông Gunnlaugsson bác bỏ những cáo buộc và nói rằng ông không làm điều gì bất hợp pháp và ông đã trả thuế đầy đủ.

Các tài liệu xuất phát từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama, được công bố bởi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) với sự hợp tác của nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung và 100 tổ chức truyền thông khác.

Ông Gunnlaugsson nằm trong số 140 chính khách và quan chức trên khắp thế giới được nêu danh trong Hồ sơ Panama, đặt ra những nghi vấn về những hành vi sai trái về tài chính.

Các tài liệu này phơi bày những giao dịch liên quan tới những người hoặc công ty có liên hệ với Tổng Thống Nga Vladimir Putin từ năm 1977 tới năm 2015.

Các nhân vật được nhiều người biết tiếng khác gồm có nhiều vị thủ tướng của Pakistan, các tổng thống Ukraine và Argentina, và quốc vương Ả Rập Xê-út.

Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế, gọi tắt là ICIJ, còn nói rằng các tài liệu tiết lộ rằng ít nhất 33 người và công ty bị ghi  trong hồ sơ đen của chính phủ Mỹ về những chứng cớ cho thấy họ có can dự trong các hành động sai trái, chẳng hạn như làm ăn với các trùm ma tuý Mexico, các tổ chức khủng bố như Hezbollah hoặc các nước bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran, tất cả đều có những liên hệ với công ty luật Mossack Fonseca.

ICIJ còn cáo buộc rằng các tài liệu cho thấy nhiều ngân hàng lớn đã đứng sau việc thành lập các công ty khó có thể truy tận gốc tại những ‘thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.’

Hơn 500 ngân hàng và các chi nhánh của các ngân hàng này, đã thành lập hơn 15.000 công ty ở nước ngoài cho các thân chủ của họ thông qua công ty luật Mossack Fonseca. - VOA

***
Một luật sư thành viên của Mossack Fonseca, hãng luật Panama đang nằm giữa tâm điểm của cuộc tiết lộ thông tin tài chính mật khổng lồ, nói rằng công ty ông là nạn nhân của một vụ tin tặc.

Ramon Fonseca nói rằng việc để rò rỉ thông tin không phải là một "công việc nội bộ" - công ty đã bị hack ở các máy chủ đặt tại nước ngoài.

Hãng đã đệ đơn khiếu nại lên văn phòng tổng chưởng lý Panama.

Một số quốc gia đang điều tra về khả năng có những hoạt động tài chính sai trái của những đối tượng giàu có và quyền lực sau vụ hơn 11 triệu tài liệu bị tiết lộ.

"Chúng tôi ngạc nhiên vì chưa ai nói rằng: 'Này, một hành vi phạm tội đã được thực hiện tại đây'," ông Fonseca, một trong các thành viên sáng lập của hãng luật, nói với hãng tin Reuters.

"Thế giới này đã đang chấp nhận rằng quyền riêng tư không phải là nhân quyền nữa rồi," ông nói riêng rẽ với hãng tin AFP.

Hồi tuần trước, tin tức nói hãng luật này đã gửi đi một thư điện tử cho khách hàng, nói rằng hãng bị "vi phạm bất hợp pháp vào máy chủ quản trị email của chúng tôi".

Hãng cáo buộc các tổ chức truyền thông là đưa tin về vụ rò rỉ thông tin khi "không được phép tiếp cận các tài liệu và thông tin thuộc sở hữu của công ty chúng tôi và đã bị lấy đi từ công ty chúng tôi", và là đã đưa thông tin ra khỏi bối cảnh thực sự.

Trong một lá thư gửi báo Guardian của Anh hôm Chủ Nhật, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của hãng đe dọa có thể sẽ tiến hành hành động pháp lý đối với việc sử dụng các thông tin "đã có được một cách bất hợp pháp".

Vụ tiết lộ chấn động đã làm dấy lên phản ứng chính trị ở một số quốc gia, nơi các nhân vật nổi danh bị vướng tên vào.

Hôm thứ Ba, Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đã từ chức sau khi các tài liệu cho thấy ông sở hữu một công ty hải ngoại cùng với vợ, nhưng lại không khai báo khi ông vào Quốc hội.

Ông bị cáo buộc đã che giấu các tài sản gia đình trị giá hàng triệu đô la.

Ông Gunnlaugsson nói ông đã bán cổ phần của mình cho vợ, và nói mình không làm gì sai. - BBC
|
|

2.
Nhật Bản sẽ tham gia tuần tra 'tự do hàng hải' ở Biển Đông --- Trung Quốc vận hành hải đăng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông --- Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc?

Hôm 5/4, Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản (MSDF) thông báo sẽ cử tàu khu trục Ise đi vào Biển Đông và đi ngang qua các đảo hoặc lãnh thổ có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

Các quan chức của MSDF cho hay hoạt động của tàu Ise không liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ đã tiến hành gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp lên ở Biển Đông. Nhưng động thái này có thể được xem là một nỗ lực chung của Nhật Bản và Mỹ để chống lại việc Trung Quốc mạnh mẽ đòi chủ quyền ở vùng biển.

Hiện Việt Nam chưa đưa ra bình luận chính thức về động thái của Nhật. Trước đó, hồi cuối tháng 1/2016, khi tàu hải quân Mỹ thực hiện FONOP ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế” và “Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế".

Tham mưu trưởng của MSDF, Đô đốc Tomohisa Takei, nói tại một cuộc họp báo rằng tàu Ise sau khi đi qua Biển Đông sẽ tham gia cuộc thao dượt hàng hải đa quốc gia do hải quân Indonesia đăng cai, diễn ra từ 12-16/4.

Cuộc thao dượt mang tên Komodo dự kiến sẽ diễn ra ở các khu vực gần thành phố Padan, tây Indonesia. Tham gia cuộc thao dượt là một số nước thành viên ASEAN và một số nước khác. Trong khuôn khổ hoạt động này, sẽ có lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế và hội thảo chuyên đề về hải quân vùng tây Thái Bình Dương.

Tàu Ise dự kiến cũng sẽ ghé thăm cảng Subic của Philippines. Trước đó, hôm Chủ Nhật, tàu ngầm Oyashio của MSDF thăm cảng này. Nhật cũng cử 2 tàu tuần dương đến thăm Việt Nam trong ít ngày tới. - VOA

***
Trung Quốc bắt đầu vận hành một ngọn hải đăng trên Đá Subi đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với bãi đá này nhưng Trung Quốc hiện đang kiểm soát trên thực tế.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin hôm 5/4 rằng ngọn hải đăng cao 55 met có công nghệ theo dõi các tàu bè đi ngang qua. Ngoài ra, trên Đá Subi còn có trạm nhận biết tàu thuyền tự động và trạm radar cao tần mà Bắc Kinh nói là để "phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị" cho tàu thuyền qua lại.

Tân Hoa xã cũng cho biết ánh sáng của ngọn hải đăng vào ban đêm sẽ giúp điều hướng và định vị, dẫn đường cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực, điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp khẩn cấp khi biển động hoặc có bão.

Ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói ngọn hải đăng có mục đích phục vụ công ích ở Biển Đông, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, có ích cho các bên hoạt động thương mại ở vùng biển.

Không có tin tức về phản ứng chính thức của Việt Nam về sự kiện này trong lúc báo chí Việt Nam đã đưa tin rộng rãi và gọi hải đăng của Trung Quốc là “xây dựng trái phép” hoặc “phi pháp”.

Trung Quốc còn có hai hải đăng khác trong vùng, một trên Đá Châu Viên và một trên Đá Gạc Ma mà Trung Quốc giành từ Việt Nam trong một cuộc đụng độ đẫm máu năm 1988.

Đá Subi là một bãi nửa chìm nửa nổi, hoàn toàn ngập dưới nước khi thủy triều lên. Trong khoảng 1 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo. Theo Công ước Quốc tế về Luật biển, Subi không có hải phận 12 hải lý xung quanh, kể cả sau khi được xây thành đảo nhân tạo.

Hồi tháng 10/2015, Mỹ đã đưa tàu khu trục USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh Subi để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, dẫn tới phản ứng gay gắt của Bắc Kinh. Trung Quốc nói hành động đó của Mỹ là “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi lượng thương mại bằng đường biển trị giá lên đến 5 nghìn tỷ đôla qua lại hàng năm. Biển Đông cũng được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần Biển Đông. - VOA

***
Chính quyền Jakarta vào hôm qua, 05/04/2016, đã lại cho phá hủy bằng thuốc nổ 23 tàu cá nước ngoài bị chận bắt trong lúc đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Trong số tàu bị phá hủy có 13 chiếc của Việt Nam, số còn lại là tàu cá Malaysia. Một số quan sát viên xem đấy là một hành động nhằm gởi tín hiệu đến Trung Quốc.

Chiến dịch phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia diễn ra cùng một lúc ở bảy cảng khác nhau, từ Karakan ở phía bắc Kalimantan, cho đến thành phố Ranai ở Natuna (cực nam của Biển Đông). Đích thân bộ trưởng Ngư Nghiệp và Hàng Hải Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, đã "thị sát" qua video trực tuyến các vụ phá hủy do Hải Quân, Tuần Duyên và Cảnh Sát Indonesia phối hợp thực hiện.

Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, bà bộ trưởng Indonesia tuyên bố sẽ áp dụng hình phạt tương tự với bất kỳ tàu cá nào bị bắt giữ khi đến đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia, bất kể đó là tàu của nước nào.

Để nhấn mạnh quyết tâm của Jakarta, bà Pudjiastuti đã lấy Mỹ ra làm ví dụ: "Nếu có một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp đến từ Mỹ, chúng tôi cũng sẽ đánh chìm nó như thường".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại gắn liền tuyên bố nói trên cùng với hành động phá tàu được quảng bá rầm rộ với sự kiện mới đây, Jakarta đã tố cáo Bắc Kinh đánh tháo cho một tàu cá Trung Quốc bị tuần duyên Indonesia chận bắt về tội đánh cá lậu trong vùng biển Natuna.

Richard Javad Heydarian, một chuyên gia an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila nhận xét với tờ báo Mỹ như sau: "Ngày càng thấy rõ là các vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển của các láng giềng, công khai là để khai thác hải sản, đã trở thành điều bình thường mới… Và rõ ràng là Malaysia, Indonesia và một số nước trước đây vốn có một thái độ bàng quan, đã phải chia sẻ những nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc của các nước mạnh miệng hơn như Philippines và Việt Nam."

Thông điệp cũng được đưa ra vào lúc Indonesia hiện có trong tay 10 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ về tội đánh bắt trộm. Chủ nhân các chiếc tàu này đang xin Jakarta khoan hồng.

Indonesia tăng cường đấu tranh chống đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này kể từ khi ông Joko Widodo nhậm chức Tổng thống Indonesia vào năm 2014, và đương kim bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia là một người rất cứng rắn trong chủ trương phá nổ tàu cá phạm luật để răn đe.

Từ năm 2014 đến nay, Jakarta đã chặn bắt được khoảng 200 tàu cá ngoại quốc đánh bắt trái phép, đã cho phá nổ tổng cộng 174 chiếc. Tuy nhiên trong số này, chỉ có một chiếc tàu Trung Quốc mà thôi, và vụ phá nổ được tiến hành một cách kín đáo, trái với động thái phô trương khi tàu bị phá mang quốc tịch các nước khác. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Cruz, Sanders giành chiến thắng ở bang Wisconsin

Ứng cử viên Ted Cruz của Ðảng Cộng hòa và Bernie Sanders của Ðảng Dân chủ đang về nhì trong các cuộc đua giành quyền đề cử của đảng để ra tranh chức tổng thống, nhưng cả hai đã giành được chiến thắng quan trọng tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Wisconsin hôm thứ Ba. Thông tín viên Chris Hannas của đài VOA tường trình.

Ông Cruz thắng ông Trump với tỉ lệ 48% trên 35 %, và tuyên bố thắng lợi này là "điểm xoay chuyển tình thế" và là "tiếng hô tập họp" của nước Mỹ. Vị thượng nghị sĩ của bang Texas này cũng chuyển hướng chú ý vào cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng cử viên dẫn đầu bên Ðảng Dân chủ. Ông tuyên bố rằng chẳng những ông sẽ giành được quyền đề cử của Ðảng Cộng hòa, mà sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

"Tôi chỉ muốn nói thế này. Bà Hillary, hãy chuẩn bị cho kỹ. Chúng tôi tới rồi."

Ông Trump không đưa ra bình luận nào tối thứ Ba, nhưng ban vận động của ông Trump đưa ra một thông cáo với những lời lẽ cứng rắn để công kích ông Cruz là người bị giật dây bởi những kẻ chỉ muốn không để cho Trump được đề cử tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hoà tại Cleveland vào tháng 7.

Thông báo nói: "Ted Cruz còn tệ hơn một con rối. Ông ấy là một con ngựa thành Troy được mấy ông chủ trong đảng lợi dụng để tìm cách đánh cắp sự đề cử của ông Trump."

Trước cuộc bầu cử ở bang Wisconsin, ông Trump có 737 phiếu đại biểu, ông Cruz có 475 phiếu, và Thống đốc bang Ohio, ông John Kasich có 143 phiếu.   Ông Cruz giành được gần như toàn bộ 42 phiếu đại biểu của bang Wisconsin – tăng thêm cơ hội chặn khả năng của ông Trump giành được 1.237 phiếu đại biểu cần thiết để giành quyền đại diện cho đảng trước đại hội toàn quốc.

Ông Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont, giành được 56% phiếu bầu của bang Wisconsin, thắng bà Clinton. Trong các cuộc bầu cử tại 7 tiểu bang mới đây nhất, ông Sanders thắng 6 tiểu bang.  Ông nói với cử tri Wyoming, bang sẽ tổ chức các cuộc họp bầu vào thứ Bảy, rằng cuộc vận động tranh cử của ông đã giành được đà tiến.

"Với sự góp sức của các bạn vào thứ Bảy này, chúng tôi sẽ thắng ở bang Wyoming. Và chúng tôi sẽ hướng đến New York. Các bạn hãy giữ kín điều này. Đừng nói cho Ngoại trưởng Clinton biết, bà ấy đang hồi hộp và tôi không muốn bà ấy hồi hộp hơn nữa.  Nhưng tôi biết chắc rằng chúng tôi có một cơ hội tuyệt vời để thắng tại tiểu bang New York và giành được rất nhiều phiếu đại biểu."

Bà Clinton không phát biểu sau cuộc bầu cử ở bang Wisconsin.  Bà chỉ gởi lời chúc mừng thắng lợi tới ông  Sanders trên Twitter và nói với những người ủng hộ bà "hãy tiến tới."

Bà Clinton đang giữ một khoảng cách biệt lớn về số phiếu đại biểu, nhất là khi cộng vào cả số phiếu gọi là "siêu đại biểu" đã hứa sẽ ủng hộ bà, tuy nhiên các đại biểu đó có quyền thay đổi ý định của họ sau đó.

Phiếu đại biểu của Ðảng Dân chủ giành được theo tỉ lệ phiếu bầu, do đó ông Sanders không những cần phải thắng bà Clinton tại các bang sắp tới,  mà còn phải thắng với tỉ lệ cao để thu hẹp khoảng cách biệt. Ông Sanders kiên quyết tiếp tục cuộc đua cho đến khi đại hội toàn quốc của Ðảng Dân chủ diễn ra tại thành phố Philadelphia vào tháng 7. - VOA
|
|

4.
Ngoại trưởng Mỹ sắp đi thăm Nhật Bản, Bahrain --- Ngoại trưởng Mỹ sẽ phát biểu tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam

Các vấn đề an ninh dự kiến sẽ năm cao trong nghị trình thảo luận của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khi ông đến thăm Bahrain và Nhật Bản tuần này. Từ trụ sở Bộ ngoại giao ở Washington, thông tín viên Pam Dockins của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Mặc dù các lực lượng đa quốc ở Syria và Iraq hồi gần đây đã đạt được nhiều thành quả trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng một loạt những vụ nổ bom tự sát tại Iraq hôm qua nhắc nhở cho mọi người về khả năng phá hoại của nhóm khủng bố này.

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz hôm thứ hai, ông Kerry thừa nhận có nhiều thách thức trước mắt.

"Vẫn còn có nhiều chướng ngại hết sức to lớn trước mặt chúng ta và cuộc chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Như chúng ta đã chứng kiến ở Brussels, Paris, Ankara và những nơi khác, nhóm này tiếp tục là một mối đe dọa."

Các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực để đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq có thể bị phương hại bởi những khó khăn chính trị của nước này.

Bà Jessica Ashooh, một chuyên gia về Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho biết như sau.

"Một việc rất quan trọng mà chúng ta nên nhớ về cuộc chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq là khía cạnh quân sự của cuộc chiến chỉ là một phần của vấn đề. Đương nhiên, vấn đề dài hạn cần phải được giải quyết là những thách thức chính trị mà Iraq vẫn phải đối mặt."

Tình hình của cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo dự kiến sẽ là trọng tâm của cuộc họp giữa Ngoại trưởng Kerry với các giới chức của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh trong vài ngày tới.

An ninh khu vực cũng là trọng tâm của cuộc thảo luận giữa nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại cuộc họp cấp bộ trưởng của khối G 7 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Ông Richard Bush, một chuyên gia Á châu của Viện Brookings, cho biết cuộc họp tại Nhật chắc chắn sẽ bàn tới những hành vi gây hấn hồi gần đây của Bắc Triều Tiên.

"Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên thật sự muốn cải thiện những khả năng nguy hiểm nhất của họ, và chúng ta phải ứng phó với vấn đề đó."

Bên lề hội nghị này, ông Kerry sẽ cùng với các vị ngoại trưởng khác trong khối G 7 đến thăm Công viên Hoà bình, nơi tưởng niệm các nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945.

Ông Kerry sẽ là bộ trưởng ngoại giao tại chức đầu tiên của Mỹ đến thăm địa điểm này. - VOA

***
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ diễn thuyết tại hội thảo quan trọng về Chiến tranh Việt Nam diễn ra ngày 27/4 tại Thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng sẽ tham dự sự kiện này. Ngoài ra, còn có hai nhân vật đáng chú ý khác là ông Henry Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ thời kỳ 1973-1977, và nhà làm phim Ken Burns, người sẽ cho ra mắt bộ phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam dài 10 phần vào năm 2017.

Cuộc hội thảo dài 3 ngày sẽ tập trung bàn về thời điểm khó khăn và có tính quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Lyndon B. Johnson.

Ngoại trưởng Kerry, người đã từng phục vụ trong hải quân Mỹ, dự kiến sẽ phát biểu về những thay đổi ở Việt Nam và quan hệ giữa hai nước. Sau sự kiện này, ông Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào tháng 5.

Hội thảo này do trường Đại học Texas tại Austin và Thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson phối hợp tổ chức. Các viên chức cao cấp của cả hai tổ chức này đều hứa sẽ nhìn lại cuộc chiến một cách không e dè.

Chiến tranh Việt Nam bắt đầu từ lâu trước khi ông Lyndon Johnson lên làm tổng thống và kết thúc năm 1975, nhiều năm sau khi ông rời chức vụ.

Cuộc chiến đã kết thúc với sự kiện 30 tháng 4, 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Tuy không có con số chính thức, người ta cho rằng cuộc chiến đã làm thiệt mạng từ 2 đến 5 triệu người Việt.

Trong số các nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa, Mỹ có số thương vong cao nhất với hơn 58.000 quân nhân thiệt mạng và hơn 305.000 người bị thương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đại sứ David Saperstein nói về chuyến thăm Việt Nam

Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, ông David Saperstein vừa kết thúc chuyến thăm Thái Lan và Việt Nam từ ngày 24 đến 31 tháng 3. Trong chuyến đi này ông đã gặp và nói chuyện với những người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan, các lãnh đạo tôn giáo trong nước và quan chức chính phủ Việt Nam. Việt Hà hỏi chuyện ông sau chuyến đi này.

Việt Hà: Thưa ông được biết là trong chuyến thăm đến Thái Lan ông đã gặp gỡ những người tị nạn tại đây. Xin ông cho biết tình hình của họ và những mong ước của họ là gì?

ĐS. David Saperstein: Chúng tôi đã gặp những người tị nạn từ những nước khác nhau, họ là người theo thiên chúa giáo, đạo hồi trong đó có những người tị nạn từ cộng đồng thiểu số ở Việt Nam. Phần lớn trong số họ đã đăng ký với UNHCR và đang trong quá trình xem xét. Họ sống trong điều kiện an toàn. tất cả những người tìm kiếm quy chế tị nạn đến Thái Lan bao gồm cả những người Việt Nam sống trong điều kiện không rõ ràng và ổn định cho đến khi họ có được phỏng vấn chính thức với UNHCR. Trước đó, nếu họ bị giới chức chú ý tới thì họ có thể bị tạm giữ trong các trại tạm giam.

Đây là một loạt những thách thức mà những người tìm kiếm quy chế tị nạn gặp phải. Họ khá là an toàn ở đó và UNHCR đang cố gắng thu hẹp thời gian chờ đợi được phỏng vấn cho họ. Những người đã nằm trong danh sách của UNHCR thì họ được bảo vệ hoàn toàn như những người tị nạn khác trên khắp thế giới. Chúng tôi đã nghe những câu chuyện của những người bị sách nhiễu vì thực hành tôn giáo của họ trong những nhóm không được đăng ký. Họ bị giới chức chính quyền sách nhiễu.

Cho nên có những người bị truy tố vì tôn giáo nhưng cũng có những người không phải vì lý do tôn giáo mà vì lý do chính trị hay tham gia các phản đối. Nhưng đã có người nói cho chúng tôi những câu chuyện đáng lo ngại về những ngược đãi tôn giáo.

Việt Hà: Ở Việt Nam ông cũng đã gặp các đại diện lãnh đạo tôn giáo trong nước. Họ đã nói gì với ông?

ĐS. David Saperstein: Chúng tôi đã gặp những đại diện lãnh đạo tôn giáo ở Hà Nội và Tây nguyên. Chúng tôi gặp những lãnh đạo tôn giáo và những người thực hành tín ngưỡng tôn giáo thuộc các nhóm đạo được đăng ký và chưa được đăng ký. Ở những thành phố lớn và nhiều nơi khác ở Việt Nam, có một sự đồng ý khá phổ biến là đã có những cải thiện liên tục ví dụ như có thêm các nhóm đạo và thờ phượng tại nhà được đăng ký, có thêm các nhóm tôn giáo chưa được đăng ký nhưng vẫn hoạt động mà vẫn được an toàn hơn trước. Lần đầu tiên những người thực hành tín ngưỡng tôn giáo tại nhà được thực hiện các dịch vụ xã hội.

Chúng tôi thấy có những chương trình cai nghiện cho người nghiện được điều hành bởi các nhóm đạo chưa đăng ký. Có một cảm giác là tình hình đang dịch chuyển theo đúng hướng. Mặc dù vậy, mọi người đều nói rằng việc đăng ký hoạt động là một gánh nặng. Những người đứng đầu các cơ sở phải thông báo cho giới chức chính quyền mọi hoạt động mà họ muốn làm, bao gồm cả việc họ đi nhà thờ, việc họ định gửi người vào học trường đạo hay được phong chức … tất cả đều phải được sự cho phép của chính quyền.

Điều này ảnh hưởng đến sự tự chủ và khả năng được sống cuộc sống đạo mà họ muốn. Có những chuyện rất phổ biến ở các cộng đồng thiểu số về những đe dọa sách nhiễu, can thiệp của giới chức đặc biệt đối với các nhóm tôn giáo chưa được đăng ký. Mặc dù chúng tôi có nghe được nhiều hơn từ những người thiểu số nói rằng họ đã có thể đăng ký hoạt động cho những nhóm đạo mà đây là một điểm đáng khích lệ, nhưng có một tỷ lệ đông hơn những người thiểu số nói rằng họ không được đăng ký và phải đối mặt với những sách nhiễu và can thiệp từ giới chức địa phương. Đây là một bức tranh hỗn hợp nhưng tôi hy vọng là những gì đang diễn ra đúng hướng sẽ cũng xảy ra đối với cộng đồng thiểu số.

Gặp được những người cần gặp

Việt Hà: Ông có gặp khó khăn gì khi tiếp cận với những đại diện tôn giáo tại Việt Nam?

ĐS. David Saperstein: Họ cho chúng tôi gặp hầu như mọi người mà chúng tôi đề nghị được gặp, cho nên đó là một điểm đáng khích lệ. Họ để chúng tôi đến một vài nơi ở Tây nguyên, gặp với nhiều đại diện của các cộng đồng tôn giáo từ các cộng đồng thiểu số. Chúng tôi cảm thấy khích lệ về điều này.

Việt Hà: Theo tin mà đài ACTD có được thì có một trường hợp ở Tây nguyên, vợ của một mục sư đang bị cầm tù đã bị công an ngăn cản không cho gặp ông và phái đoàn phía Hoa Kỳ. Việc gặp gỡ sau đó diễn ra tại nhà bà ấy cũng bị giám sát bởi công an. Ông có biết thông tin này hay không?

ĐS. David Saperstein: Tất nhiên chúng tôi biết điều gì xảy ra. Bà ấy đã gọi điện cho chúng tôi và báo cho chúng tôi biết là công an đã ngăn cản bà ấy đến gặp chúng tôi ở khách sạn. Bà ấy cũng báo cho chúng tôi biết là họ đã áp tải bà về nhà. Ngay khi được báo chúng tôi đã kiểm tra thông tin và đảm bảo là chúng tôi sẽ không bị ngăn cản khi gặp bà ấy. Khi chúng tôi đến tận nhà bà ấy thì đúng là có những người mà bà ấy nói là công an ở quanh đó, nhưng nhân viên của chúng tôi đã yêu cầu họ đi chỗ khác, khỏi nơi mà chúng tôi gặp bà ấy.

Việt Hà: Ông cũng đã gặp với các quan chức Việt Nam, trong đó có thứ trưởng Bộ công an, tướng Tô Lâm. Ông có nêu ra cho họ những quan ngại mà ông có không và họ nói gì?

ĐS. David Saperstein: Với thứ trưởng Tô Lâm, chúng tôi chủ yếu nói về vấn đề tù nhân lương tâm và những sách nhiễu bao gồm cả sách nhiễu với vợ ông mục sư Chính. Chúng tôi đã nói trực tiếp với ông ấy về vấn đề này. Đối với tất cả các quan chức Việt Nam, chúng tôi nói đến những cải thiện mà họ đã có được như tôi nói lúc đầu và khuyến khích họ trong các hoạt động đăng ký thêm các nhóm tôn giáo, cho phép các nhóm tôn giáo được tham giam vào các hoạt động xã hội.

Chúng tôi nói về những sách nhiễu mà chúng tôi đã ghi nhận và quan ngại. Chúng tôi tập trung vào luật mới (luật về tôn giáo tín ngưỡng) sẽ có ảnh hưởng đến hầu hết mọi người dân Việt Nam. Thay vì chỉ tập trung vào một vài cá nhân, việc tập trung vào luật mới cho phép chúng tôi đề cập đến vấn đề cơ cấu của tự do tôn giáo. Như tôi đã nói là có những dấu hiệu đáng khích lệ trong cách mà dự thảo của luật mới đã mở rộng hơn về tự do và chúng tôi khuyến khích họ làm thêm hơn nữa theo hướng đó.

Chúng tôi đã nói đến tất cả mọi vấn đề liên quan. Đây là một phần trong mối quan hệ song phương đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Từng bước một chúng tôi đang đi theo hướng tốt hơn. Sắp tới sẽ có những cuộc gặp cấp cao quan trọng và Tổng thống Mỹ sẽ sang thăm và chúng tôi đang cố gắng để thiết lập một nền tảng cho chuyến thăm vì đây là những vấn đề quan trọng đối với tổng thống.  Chúng tôi muốn truyền đạt điều này tới những quan chức Việt Nam mà chúng tôi gặp.

Việt Hà: Giới chức Việt Nam có đưa ra lời hứa nào trong các cuộc gặp với ông không?

ĐS. David Saperstein: Khi nói về luật mới, họ thừa nhận là luật đã xác định là như vậy và rằng luật có những giới hạn lên người dân nhưng họ lập luận rằng nó cần thiết vì lý do an ninh và trật tự xã hội. Đối với những trường hợp bị sách nhiễu mà chúng tôi đề cập đến thì họ hoặc là giải thích theo hướng là vì lý do an ninh quốc gia hoặc không có trả lời là liệu họ sẽ xác minh những báo cáo mà chúng tôi có. Nhưng chúng tôi đã nói rõ là chúng tôi cần được xác minh các thông tin mà chúng tôi cung cấp cho họ.

Mục tiêu của chúng tôi là có đối thoại mang tính xây dựng với họ, và ở mức đó theo tôi đúng là có những khích lệ. Họ nói chuyện chân thành về luật mới, về những tiến triển của luật, họ chấp nhận những đề nghị của chúng tôi một cách cởi mở và cho phép chúng tôi đến gặp những người cần gặp ở các nhóm tôn giáo được đăng ký và không đăng ký. Theo tôi đây là một chuyến đi rất có tính xây dựng.

Việt Hà: Ông có nhận được thông tin mới đây cho biết một mục sư ở Tây Nguyên đã bị công an triệu tập để thẩm vấn sau cuộc gặp với ông?

ĐS. David Saperstein: Chúng tôi vừa nghe được tin này và đại sứ quán của chúng tôi đang kiểm tra thông tin. Chúng tôi luôn bày tỏ quan ngại bất cứ khi nào họ sách nhiễu và can thiệp đối với bất cứ ai và cộng đồng tôn giáo. Vào lúc này chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về chuyện này

Việt Hà: Sau chuyến đi này, ông sẽ có khuyến nghị gì với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam?

Đs. David Saperstein: Theo tôi điều quan trọng là hai bên vẫn phải cam kết sâu. Chúng tôi rất ấn tượng với  sự cởi mở của họ trong đối thoại nhân quyền hai nước vào năm ngoái liên quan đên việc lắng nghe về những quan ngại của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam, họ cũng rất cam kết với chúng tôi và với với các chuyên gia luật pháp độc lập từ cộng đồng quốc tế. Họ rất cởi mở và đó là điều khích lệ. Các bạn có thể thấy những tiến bộ trong luật mới qua các bản thảo của luật.

Từng bước một luật mới được làm theo cách mà cộng đồng tôn giáo đề nghị và đây là dấu hiệu khích lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia đối thoại với Việt Nam. Hai bên sắp có đối thoại nhân quyền trong vài tuần tới và chúng tôi sẽ nêu các vấn đề này ra với các lãnh đạo Việt Nam và Bộ Ngoại giao. Các vấn đề này hiện nằm trong chương trình của chúng tôi trong những tháng tới cho tới khi luật được thông qua và nằm trong đối thoại nhân quyền trong các năm tới.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA
|
|

6.
Thủ tướng Dũng chuyển giao quyền lực

Ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức rời chức vụ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau khi Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 06/4/2016 bỏ phiếu miễn nhiệm với kết quả 418 phiếu tán thành, chiếm 84% tổng số đại biểu và 68 ý kiến không đồng ý để ông thôi chức.

Ngay sau khi ông Dũng thôi chức vụ, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thủ tục giới thiệu ứng cử viên Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, để được bầu vào chức vụ tân Thủ tướng.

Dự kiến, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành việc bầu Thủ tướng mới vào sáng ngày 07/4.

Bình luận về sự kiện Thủ tướng Dũng rời chức vụ, hôm thứ Tư, từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC:

"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như vậy đã kết thúc một thời gian hoạt động chính trị rất dài ở Việt Nam, ông đã có mười năm làm Thủ tướng và ông cũng đã có đến một thời gian cũng tương đương, hơn chín năm làm Phó Thủ tướng.

"Và vì vậy cho nên ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nhìn lại một khoảng thời gian là rất dài của quá trình hoạt động chính trị và trên những vị trí rất quan trọng của đất nước, ông cũng đã là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ rất sớm, khi ông từ miền Nam ra và tham gia vào đội ngũ lãnh đạo ở Hà Nội..."

'Luôn hoàn thành nhiệm vụ'

Phát biểu tại Quốc hội khóa 13, trong tờ trình đề nghị miễn nhiệm Thủ tướng, đánh giá thành tích của ông Nguyễn Tấn Dũng qua hai nhiệm kỳ lãnh đạo nội các, tân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, nói: "Thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao."

Khi được hỏi, vì sao được đánh giá như vậy mà ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn ra đi, TS Lê Đăng Doanh nói:

"Ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi là bởi vì trong Đảng đã có sự bầu và lựa chọn giữa những người có thể là những người lãnh đạo đã quá tuổi quy định và có thể tiếp tục hoạt động sau Đại hội 12.

"Có hai ứng cử viên được Đại hội Đảng chấp nhận ngoại lệ là vượt tuổi đó, thì ông Nguyễn Tấn Dũng đã ít phiếu hơn là ông Nguyễn Phú Trọng, như là thông tin có được, thì ông Nguyễn Tấn Dũng đã hội được 41% phiếu và ông Nguyễn Phú Trọng 59% phiếu.

"Vì vậy ông Nguyễn Tấn Dũng đã không còn được lựa chọn để tiếp tục tham gia vào lực lượng lãnh đạo trẻ hơn và có nhiều đổi mới sau Đại hội 12 như chúng ta đã biết thì 9 Ủy viên Bộ Chính trị của Đại hội 11 đã nghỉ..."

Khi được đề nghị nhận xét về dấu ấn, di sản, ưu khuyết của ông Dũng, TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm:

"Rõ ràng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã để lại những dấu ấn rất đậm nét về một thời kỳ hội nhập ngày càng sâu sắc, về một thời kỳ Việt Nam đã phát triển từ một nước thuộc nhóm có thu nhập thấp, đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp theo sự định lượng của Ngân hàng Thế giới.

"Và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng để lại một dấu ấn rất mạnh mẽ trong những phát biểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đấy là những dấu ấn hiện nay người dân Việt Nam đang ghi nhận."

Nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải cũng nói với BBC về những gì ông cho là 'di sản nặng nề' mà cựu Thủ tướng Dũng để lại cho người kế nhiệm, ông nói:

"Ông Nguyễn Tấn Dũng đang để lại cho nền kinh tế Việt Nam một di sản rất nặng nề, trước hết là tình hình cân đối ngân sách của Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn,

"Bội chi ngân sách rất cao, chi thường xuyên rất cao, và nguồn thu không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, và Việt Nam hiện nay đang vay nợ mới để trả lãi, tức là lợi tức và một phần vốn của nợ cũ và tổng số nợ mới của Chính phủ ngày càng tăng lên.

"Hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay cũng đang đề ra rất nhiều dấu hỏi và rủi ro, mặc dầu ngân hàng nhà nước Việt Nam đã công bố là nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm xuống 3%, nhưng sự đánh giá của các tổ chức quốc tế như là Fitch, như Standard Poor's, như là Moody, thì vẫn đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là vào khoảng 15%..."

Người xứ Quảng 'vui đã'

Bình luận về Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người được Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giới thiệu tại Quốc hội 13 để bầu vào vị trí tân Thủ tướng hôm 07/4, từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bình luận về dư luận ở nơi mà ông Phúc có nhiều năm công tác với các cương vị lãnh đạo khác nhau ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ông Nhất nói:

"Người dân thì nói chung ở đâu nó cũng có hai luồng ý kiến hết. Ở trong này, đa phần người Việt bây giờ có cái dở là tư tưởng địa phương nó vẫn còn nặng nề lắm. Cho nên cứ người ở đâu lên thì trước hết người ta vui cái đã."

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, một nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, người tự ứng cử Quốc hội Việt Nam khóa 14, bình luận về điều mà ông cho là thách thức với người có thể sẽ kế nhiệm chiếc ghế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa để lại.

Ông Quang A nói: "Hai việc mà tôi nghĩ là đáng nói nhất là các tập đoàn kinh tế và các hệ thống ngân hàng. Và có lẽ điểm nổi cộm nhất có lẽ là vấn đề ngân sách như ông Vũ Thành Tự Anh (chuyên gia kinh tế) đã nhắc là không còn có dư địa nào nữa.

"Đấy là một vấn đề khó khăn trước mắt của ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng mà cái nền tảng của nó là ở chỗ ông Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải ở chỗ ông Nguyễn Xuân Phúc, hay là ông Nguyễn Tấn Dũng.

"Đó là vấn đề đường lối kinh tế sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam lấy khu vực kinh tế quốc doanh làm chủ đạo và chủ yếu nằm ở hai lĩnh vực chính mà tôi cho rằng đó là các doanh nghiệp nhà nước và vấn đề rối rắm của hệ thống ngân hàng." - BBC
|
|

7.
Báo chí VN 'không còn là báo chí Cách mạng' [nhân việc Quốc Hội CSVN thông qua Luật báo chí sửa đổi hay còn gọi là Luật Tiếp cận Thông tin hôm 5/4]

Một người làm truyền thông lâu năm tại Việt Nam nhận xét cách gọi báo chí Việt Nam là 'báo chí Cách mạng' không còn phù hợp với nền báo chí ngày nay.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt nhân Luật báo chí sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 05/04, với một số điểm mới, và đặc biệt là bỏ chương V quy định sự quản lý của nhà nước trong bộ luật cũ.

Ông Vinh cho rằng, việc bỏ chương V không phải là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi, do "bản chất của hệ thống Việt Nam vẫn nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước, của bộ máy chính trị với báo chí".

"Việc bỏ điều khoản về quản lý của nhà nước cũng chỉ là một cách nhìn để chúng ta thấy rằng có sự cởi mở hơn nhằm phù hợp với các điều khoản khác liên quan đến vai trò của công dân, việc nới lỏng đối với các cơ quan được quyền ra báo chí v.v. chứ trong hệ thống vẫn có rất nhiều cơ quan quản lý báo chí, cho nên bằng cách này hay cách khác, ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan tham gia quản lý báo chí.

"Việc bỏ điều khoản đó cũng chưa nói lên được việc thay đổi cơ chế quản lý báo chí trong tương lai," vị chủ tịch của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Việt Nam nhận xét.

BBC cũng thực hiện phỏng vấn về Luật Tiếp cận Thông tin được Quốc hội thông qua hôm 06/04 với ông Phan Mai Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Thông tin Truyền thông Giáo dục Cộng Đồng, và nhà báo tự do, blogger Đoan Trang, đón đọc trên bbcvietnamese. com vào ngày 07/04.

Trả lời câu hỏi về việc vậy liệu bộ luật sửa đổi này vẫn chỉ mang lại sự tự do trong khuôn khổ cho báo chí Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh trả lời: "Tất nhiên là như vậy vì có rất nhiều điều kiện trên thực tế mà việc thực thi điều luật như thế này vẫn có ràng buộc nhất định."

Ông lấy ví dụ qua việc Việt Nam vẫn không cho phép tư nhân ra báo, và tư nhân phải hợp tác với các cơ quan của nhà nước hay các cơ quan đã được nêu rõ trong luật nếu muốn sản xuất sản phẩm báo chí.

" Như vậy mặc dù có mở cửa cho sự hợp tác đó, nhưng vai trò chủ đạo vẫn là của các cơ quan nhà nước.

"Có lẽ nếu chúng ta chờ đợi sự thay đổi đột phá thì chưa phải, nó chưa hình thành điều kiện đó trong luật sửa đổi lần này.

"Về cơ bản những gì chúng ta thấy đã xảy ra nhiều năm nay rồi nên ở đây chỉ là chính thức hóa, thừa nhận sự hiện hữu trong thời gian khá dài vừa qua."

'Thay đổi tích cực'

Tuy nhiên nhà báo Lê Quốc Vinh cũng chỉ ra một số điểm thay đổi tích cực của bộ luật sửa đổi, như quy định về việc công dân liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in.

Người sáng lập tạp chí Đẹp cho đây là điểm rất quan trọng do chính thức hóa "vai trò hợp tác về mặt báo chí khối tư nhân trong một số loại hình báo chí và lĩnh vực nhất định".

Ông cho biết, những lĩnh vực mở ra cho sự hợp tác này khá rộng, ngoại trừ vấn đề chính trị, còn các lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế, kinh doanh, khoa học... đề đã được mở cửa.

"Và lần đầu tiên cơ quan làm luật đã nhận thức vai trò của khối tư nhân trong việc hợp tác xuất bản các sản phẩm báo chí."

Một điểm mới trong bộ luật sửa đổi cần chú ý, theo ông Vinh, là có những điều khoản đã thừa nhận hoạt động kinh doanh của các cơ quan báo chí.

"Tuy nhiên tôi vẫn thấy rằng lẽ ra dự luật này còn có thể có những bước cải cách lớn hơn rất nhiều.

"Trong đó có vấn đề mà bản thân tôi đã tư vấn rất nhiều lần cho các cơ quan làm luật và cơ quan thẩm định luật là luật này vẫn chưa bám sát xu thế phát triển truyền thông, đặc biệt là những vấn đề về công nghệ truyền thông nên vẫn có những rào cản bất hợp lý mà sẽ trở thành những vấn đề rất đau đầu khi dự luật được thông qua."

Những vấn đề này theo ông Vinh lấy ví dụ, là việc nếu các cơ quan báo chí tuân thủ luật nghiêm cẩn thì sẽ phải trải qua nhiều thủ tục cấp phép phức tạp, hạn chế sự phát triển báo chí trên 'nền tảng truyền thông mới'.

Bình luận trước câu hỏi của BBC về cách Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son gọi nền báo chí Việt Nam là báo chí Cách mạng, chủ tịch Le Group giải thích, đây là cách gọi theo thói quen mà có lẽ không còn phù hợp nữa "vì giờ nó [báo chí] không còn làm cách mạng.

"Báo chí đang ổn định phát triển trong một xã hội ổn định thì nó không còn làm vai trò cách mạng của nó nữa, thuật ngữ này chỉ mang tính thói quen, chứ quả thực trong thời điểm này mà vẫn gọi là báo chí cách mạng thì phạm vi khái niệm đi hơi xa so với hoạt động của báo chí hiện nay." - BBC

No comments:

Post a Comment