Saturday, April 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 9/4

Tin Thế Giới

1.
Hồ sơ Panama: Bố ráp Mossack Fonseca tại El Salvador --- Nơi tránh thuế là gì?

Giới chức El Salvador đã bố ráp các văn phòng của hãng luật Panama, Mossack Fonseca, văn phòng tổng chưởng lý nước này nói.

Mossack Fonseca đang là tâm điểm của cuộc tiết lộ thông tin khổng lồ làm chấn động thế giới.

Các tài liệu và thiết bị máy tính của văn phòng hãng đã bị tịch thu, giới chức El Salvador nói trên Twitter.

Văn phòng tổng chưởng lý nói rằng biển hiệu của Mossack Fonseca đã bị gỡ bỏ từ một ngày trước, và dẫn lời một nhân viên nói hãng đã chuyển đi.

Vụ rò rỉ thông tin cho thấy cách thức một số người quyền thế đã sử dụng các công ty hải ngoại để trốn thuế ra sao.

Vụ bố ráp được Tổng chưởng lý El Salvador, Douglas Melendez, giám sát.

Chi nhánh tại El Salvador của Mossack Fonseca đã đóng vai trò là "văn phòng hỗ trợ" cho các khách hàng của hãng trên toàn cầu, theo một tài liệu được văn phòng chưởng lý đăng tải trên Twitter.

Trang tin địa phương El Faro tường thuật rằng người Salvador đã dùng Mossack Fonseca để mua bất động sản mà không khai báo gì về việc mua bán cho giới chức Salvador.

Hãng bác bỏ việc có hoạt động sai trái, và nói các thông tin đưa ra không đúng bối cảnh câu chuyện.

Tại các nơi khác trên thế giới:

Một cuộc điều tra đã bắt đầu được tiến hành tại Argentina sau khi có tin nói Tổng thống Mauricio Macri bị nhắc tới trong Hồ sơ Panama

Thủ tướng Anh David Cameron bị phe Lao động đối lập cáo buộc sau khi ông nói ông từng sở hữu cổ phần trong một quỹ đầu tư hải ngoại do cha ông đã quá cố thành lập

Văn phòng Chống Rửa tiền của Thái Lan nói họ đang điều tra 16 người, trong đó gồm các chính trị gia đương nhiệm và đã nghỉ cùng các doanh nhân có tiếng, những người bị nhắc tới trong các tài liệu bị rò rỉ

Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ việc có bất kỳ mối liên hệ nào với các tài khoản ở nước ngoài, tuy ông không bị trực tiếp nêu danh trong Hồ sơ Panama, và nói vụ rò rỉ thông tin chính là một phần trong âm mưu do Mỹ dẫn đầu nhằm làm suy yếu nước Nga

Một số quan chức thuộc Congo-Brazzaville thân cận với tổng thống nước này, ông Denis Sassou Nguesso, có liên hệ tới các công ty hải ngoại hoạt động trong lĩnh vực dầu khí của Congo, báo Le Monde của Pháp tường thuật. - BBC

***
Nhóm nhà báo của Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), làm việc với hơn 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ một công ty luật ở Panama, công bố một số phát hiện của mình vào đầu tuần này về những giao dịch tài chính ở nước ngoài của những người giàu có và nổi tiếng.

ICIJ phân tích những tài liệu này, được gọi là Tài liệu Panama, và nhận thấy công ty Mossack Fonseca đã giúp hàng ngàn cá nhân và công ty từ khắp nơi trên thế giới thành lập những công ty vỏ bọc và tài khoản nước ngoài tại những nơi thuế thấp. Những tài khoản này là một công cụ được ưa chuộng để trốn thuế, rửa tiền hoặc trả tiền hối lộ, mặc dù chúng cũng có thể được sử dụng hợp pháp.

Nơi tránh thuế (tax havens): Một nước hoặc một khu vực thẩm quyền tài phán cho những cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài có rất ít hoặc không có trách nhiệm pháp lý về thuế. Còn được gọi là khu vực thẩm quyền tài phán bí mật hoặc nơi ẩn náu hải ngoại.

Những đặc điểm khác của nơi tránh thuế:

* Các luật lệ khuyến khích sự bí mật về tài chính và cản trở việc tự do trao đổi thông tin với giới chức thuế nước ngoài.

* Không có sự minh bạch trong những giao dịch pháp lý và hành chính.

* Không có quy định bắt buộc một người phải sống trong hoặc một doanh nghiệp phải hoạt động ngoài một quốc gia để được hưởng lợi từ những chính sách thuế.

Tại sao người ta dùng những nơi tránh thuế: Những cá nhân, doanh nghiệp có thể lợi dụng những chính sách thuế nước ngoài để tránh phải trả thuế ở nước họ.

‘Offshore’ nghĩa là gì: Là đăng ký hoặc hoạt động ngoài biên giới quốc gia của một người hoặc doanh nghiệp. Sự sắp xếp này thường được thực hiện vì mục đích lợi ích tài chính, pháp lý và thuế.

Công ty ‘offshore’ là gì: Một công ty được thành lập cho mục đích hoạt động ở ngoài nước đăng ký của mình. Còn được gọi là công ty vỏ bọc.

Hợp pháp và bất hợp pháp: Khái niệm một nơi tránh thuế - một quốc gia có mức thuế thấp và mức riêng tư cao - không phải là bất hợp pháp. Một công ty có thể di dời hợp pháp ra nước ngoài vì lý do đánh thuế thấp hơn.

Một nơi tránh thuế trở thành bất hợp pháp khi một người hoặc doanh nghiệp không báo cáo thu nhập từ những tài khoản ở nước ngoài nếu cơ quan thuế quốc gia của người đóng thuế buộc họ phải làm như vậy, hoặc một tổ chức tài chính nước ngoài được sử dụng cho những mục đích bất hợp pháp, chẳng hạn như rửa tiền và trốn thuế.

Tránh thuế và trốn thuế: Tránh thuế cho phép một cá nhân hay doanh nghiệp hạ thấp mức thuế thu nhập còn nợ bằng việc xin những khoản khấu trừ và khoản tín dụng được cho phép. Trốn thuế là bất hợp pháp bởi vì nó cho phép một cá nhân hay doanh nghiệp tránh đóng thuế.

Những nơi tránh thuế nổi tiếng: Quần đảo Bahamas, Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, Đảo Man, Luxembourg, Mauritius, Panama, Thụy Sĩ, cũng như hai bang Delaware và Nevada của Mỹ. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Đài Loan đi thăm đảo để khẳng định chủ quyền

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hôm nay đi thăm một hòn đảo nhỏ ở biền Hoa Đông để khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với đảo này và vai trò của Đài Bắc trong khu vực có những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Ông Mã đến thăm đảo Bành Giai, một hòn đảo nhỏ có rất ít dân cư ở phía bắc Đài Loan.

Tuy chủ quyền đảo Bành Giai không có tranh chấp, nhưng đảo này nằm gần nhất với quần đảo đang có tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Theo dự liệu, ông Mã sẽ thăm một đài khí tượng và khánh thánh một tượng đài đánh dấu thoả thuận mà Đài Loan đạt dược với Nhật Bản vào năm 2013 về quyền đánh cá trong vùng biển xung quanh.

Hạ tuần tháng giêng năm nay, ông Mã Anh Cửu cũng đã đi thăm đảo Ba Bình (Trung Quốc và Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) ở quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. - VOA
|
|

3.
Myanmar thả hơn 100 tù chính trị

Myanmar hôm thứ 6 thả hơn 100 tù nhân chính trị trong cuộc đặc xá là hành động chính thức đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo từng bị giam cầm vì những hoạt động tranh đấu cho dân chủ.

Tờ Ánh sáng Mới của Myanmar hôm nay trích dẫn các nguồn tin cảnh sát cho biết 113 tù nhân được thả.

Trong lúc nhiều người ăn mừng vụ thả tù chính trị, một toà án ở thành phố Mandalay ở miền trung kết án hai nhân vật hoạt động cho hoà bình có liên hệ với Quân đội Độc lập Kachin, một nhóm du kích quân ở miền cực bắc Myanmar.

Hai bị cáo theo đạo Phật – ông Zaw Zau, 28 tuổi và ông Pyint Phuy Latt, 34 tuổi, là thành viên của một tổ chức liên tôn và họ nói rằng đến thành phố Laiza để làm việc từ thiện.

Hai người này đã thọ án tù về tội vi phạm luật di trú vì vượt qua biên giới Miến Điện với Ấn Độ năm 2013 để tới Laiza, nơi nằm dưới sự kiểm soát của du kích quân Kachin. Họ bị bắt sau khi đăn lên mạng xã hội những tấm hình của chuyến đi Laiza và bị toà kết án hồi tháng hai vừa qua.

Theo tổ chức bất vụ lợi có tên Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị Miến Điện, nước này có khoảng 500 tù nhân chính trị. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi thăm Ấn Độ và Philippines --- Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ công du châu Á, nhưng hủy chuyến thăm Bắc Kinh

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm nay lên đường đi thăm Ấn Độ và Philippines để thảo luận về vấn đề an ninh ở Á châu.

Ông Ashton Carter hôm qua đọc bài diễn văn về an ninh Á châu tại New York.

Ông cho biết nhiều nước mong muốn có được sự hỗ trợ của Mỹ vì những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Ông Carter nói thêm rằng mặc dù Hoa Kỳ có những ý kiến bất đồng với Trung Quốc, Washington có quyết tâm giải quyết những vấn đề này bằng những cách thức không làm cho khu vực bị bất ổn.

Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông không đe dọa tới các nước láng giềng. - VOA

***
Lầu Năm Góc hôm qua, 08/04/2016, thông báo : Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter sẽ lên đường hôm nay, bắt đầu một vòng công du châu Á và Trung Đông. Trong số các nước châu Á được ông Ashton Carter ghé thăm lần này không có Trung Quốc, cho dù ông được cho là đã dự trù đến Bắc Kinh trong chuyến thăm châu Á tháng này. Theo giới quan sát, việc Trung Quốc liên tục gây căng thẳng tại Biển Đông là lý do khiến ông Carter dời chuyến công du Bắc Kinh.

Theo chương trình vòng công du được bộ Quốc Phòng Mỹ loan báo, tại Châu Á, ông Carter sẽ ghé thăm hai nước Ấn Độ và Philippines. Phát biểu vào hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ xác nhận rằng tại New Delhi, hai bên Mỹ- Ấn sẽ bàn về khả năng hợp tác trong lãnh vực tàu sân bay, chiến đấu cơ và động cơ máy bay.

Riêng tại Philippines, đỉnh cao chuyến thăm sẽ là phát biểu của ông Carter ngay trên hiện trường, nơi đang diễn ra cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines Balikatan 2016, huy động đến 7.000 lính của cả hai nước, cùng với một số đơn vị Úc.

Không thấy Trung Quốc trong chương trình chuyến thăm mặc dù tháng 11 vừa qua ông Carter đã chính thức nhận lời mời của đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook, chuyến thăm chỉ bị dời lại mà thôi vì lý do « lịch trình làm việc phức tạp », và ông Carter sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay.

Theo giới phân tích được nhật báo Mỹ The Wall Street Journal hôm qua trích dẫn, rất có thể là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hủy chuyến công du Trung Quốc để bày tỏ thái độ bất đồng tình đối với một loạt hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông trong những tháng gần đây.

Phân tích trên như được chính ông Carter gián tiếp xác nhân khi vào hôm qua, ông đã một lần nữa lên tiếng tố cáo Trung Quốc thổi bùng căng thẳng tại Biển Đông.

Trong tham luận tại trung tâm tham vấn Council on Foreign Relations (Hội Đồng Đối Ngoại) ở New York, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tố cáo đích danh Trung Quốc: "Gần đây không phải tất cả những tin tức đến từ châu Á-Thái Bình Dương đều tích cực: Thật vậy, tại vùng Biển Đông, đặc biệt là các hành động của Trung Quốc đã làm căng thẳng leo thang".

Theo ông Carter, các hoạt động quân sự hóa khu vực, và các hành động quá mức - đặc biệt là trong năm ngoái – của Trung Quốc đã buộc các nước trong vùng phải lên tiếng quan ngại, cả trong các diễn đàn công khai lẫn trong những cuộc tiếp xúc riêng, và ở cấp cao nhất, trong các hội nghị khu vực và diễn đàn quốc tế. - RFI
|
|

5.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị truy tố về tội xâm hại tính dục

Các công tố viên Mỹ cho biết cựu Chủ tịch Hạ viện Dennis Haster đã xâm hại tính dục ít nhất 5 thiếu niên khi ông làm huấn luyện viên đô vật tại một trường trung học và đã trả 3 triệu rưỡi đô la cho một trong các nạn nhân để tìm cách giấu nhẹm vụ việc.

Những tố cáo này xuất hiện tối thứ 6 trong một hồ sơ nộp cho toà án, trong đó ghi rõ chi tiết về vụ xâm hại tính dục đối với 5 cựu học sinh của ông Haster.

Hồ sơ này đề nghị toà án tuyên án 6 tháng tù cho ông Haster, năm nay 74 tuổi, về tội vi phạm các luật lệ ngân hàng trong lúc trả tiền cho nạn nhân của ông.

Thời hạn luật định để truy tố những cáo giác xâm hại tính dục đã hết từ nhiều năm trước. Ông Haster dạy học và làm huấn luyện viên đô vật tại một trường trung học ở tiểu bang Illinois từ năm 1965 đến năm 1981.

Theo hiến pháp Mỹ, chủ tịch hạ viện là người thứ nhì, sau phó tổng thống, lên làm tổng thống trong trường hợp tổng thống đương nhiệm qua đời hoặc bị mất năng lực. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
VN hoàn tất dàn lãnh đạo mới trước khi đón Obama

Quốc hội Việt Nam hôm thứ Bảy 9/4 chính thức chuẩn thuận 21 vị trí mới trong chính phủ, hoàn tất việc tái cơ cấu dàn lãnh đạo trong Đảng, trước khi có chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam vào tháng tới.

Có ba tân thủ tướng và 18 thành viên nội các được thông qua, kết thúc quá trình thay đổi chính phủ diễn ra năm năm một lần.

Trong số năm gương mặt cũ tiếp tục ở lại có các Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, người đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao, và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Y tế và là phụ nữ duy nhất tham gia chính phủ mới. Thành viên cũ cuối cùng của chính phủ ông Dũng có mặt là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.

Trước đây, Quốc hội thường mất đến sáu tháng để phê chuẩn các vị trí do Đại hội Đảng đề cử, nhưng giới phân tích nói tiến trình đã được đẩy nhanh trong năm nay một phần là do chuyến thăm sắp tới của ông Obama và do tình hình bất hòa với Trung Quốc quanh các tranh cãi ở biển Đông, hãng tin AFP nhận định.

Bộ máy mới của Việt Nam sẽ do đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt, bên cạnh tân chủ tịch nước và tân thủ tướng, một bộ ba được giới phân tích cho là chiến thắng của phe bảo thủ trong Đảng.

Tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trông đợi là sẽ tiếp quản di sản từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được coi là nhà cải cách ủng hộ việc phát triển kinh tế.

Trong lúc đó, giới phân tích nói rằng tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang là vị tướng công an đầu tiên được đưa vào vị trí này, vốn chỉ mang tính hình thức chứ không có thực quyền.

Trong số các gương mặt nội các mới được chuẩn thuận hôm thứ Bảy có tướng quân đội Ngô Xuân Lịch, 61 tuổi, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, và ông Tô Lâm, 58 tuổi, nay đứng đầu ngành công an.

Danh sách tân chính phủ

Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc

Năm phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh (kiêm Ngoại trưởng)

Các bộ trưởng:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Cao Đức Phát

2. Bộ Xây dựng: Phạm Hồng Hà

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nguyễn Ngọc Thiện

4. Bộ Quốc phòng: Ngô Xuân Lịch

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phùng Xuân Nhạ

6. Bộ Tài chính: Đinh Tiến Dũng

7. Bộ Ngoại giao: Phạm Bình Minh (kiêm Phó thủ tướng)

8. Bộ Y tế: Nguyễn Thị Kim Tiến

9. Bộ Nội vụ: Lê Vĩnh Tân

10. Bộ Công Thương: Trần Tuấn Anh

11. Bộ Văn hóa Thông tin: Trương Minh Tuấn

12. Bộ Tư pháp: Lê Thành Long

13. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Đào Ngọc Dung

14. Bộ Tài nguyên Môi trường: Trần Hồng Hà

15. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguyễn Chí Dũng

16. Bộ Công an: Tô Lâm

17. Bộ Khoa học và Công nghệ: Chu Ngọc Anh

18. Bộ Giao thông: Trương Quang Nghĩa

19. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Mai Tiến Dũng

20. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Đỗ Văn Chiến

21. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Lê Minh Hưng

22. Tổng thanh tra Chính phủ: Phan Văn Sáu - BBC

No comments:

Post a Comment