Tuesday, April 5, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 5/4

Tin Thế Giới

1.
Các chính phủ quyết tìm ra những kẻ trốn thuế trong vụ tai tiếng Panama --- Ấn Độ ra lệnh điều tra các cáo buộc trong 'Hồ sơ Panama' --- Hồ sơ Panama: Iceland đề nghị bầu cử sớm --- "Panama papers": Trung Quốc, khách hàng số 1 của tổ hợp luật sư Mossack Fonseca

Mức độ đầy đủ và ảnh hưởng của vụ rò rỉ hồ sơ về những công ty vỏ bọc ở hải ngoại từ một công ty luật ở Panama hiện chưa được rõ, nhưng nhiều chính phủ trên thế giới đã cam kết điều tra những kẻ trốn thuế trong vụ này. Theo tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA, cũng có một số chính phủ lên án những hồ sơ này là những vụ công kích thiếu cơ sở.

Tổng thống Panama Juan Carlos Valera là một trong các nhà lãnh đạo lên tiếng cổ xuý cho sự minh bạch. Ông cho biết chính phủ ông hoan nghênh bất kỳ những cuộc điều tra nào có ích cho việc bảo vệ hệ thống tài chánh của mình không bị lạm dụng.

"Chúng tôi là đồng minh của tất cả các nước trong cuộc chiến đấu cho sự minh bạch trong hệ thống tài chánh quốc gia. Và không phải chỉ ở nước này mà thôi, mà là tất cả các nước trên thế giới. Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ ấn phẩm nào hay bất kỳ cuộc điều tra nào bảo vệ hệ thống tài chánh của Panama và các hệ thống tài chánh toàn cầu ngõ hầu những hệ thống này không bị sử dụng vào bất kỳ lúc nào cho bất kỳ hành vi trái phép nào. Ngược lại, những thách thức loại này làm cho đất nước chúng tôi mạnh thêm vì nó tái khẳng định quyết tâm của chúng tôi, trong tư cách tổng thống, trong tư cách chính phủ, đối với việc tiếp tục chiến đấu cho sự minh bạch trong hệ thống tài chánh của Panama."

Một nguồn tin nặc danh đã cung cấp 11 triệu rưỡi văn kiện của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama cho Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) ở Washington.

Một bản phúc trình của ICIJ hôm thứ hai cho biết các văn kiện của Mossack Fonseca gồm có hơn 500 ngân hàng đăng ký 15.600 công ty vỏ bọc ở hải ngoại.

Ông Ramon Fonseca, một trong những người sáng lập công ty luật này, mạnh mẽ bác bỏ tố cáo cho rằng công ty ông đã vi phạm pháp luật.

"Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho những hoạt động của 240.000 công ty hợp doanh. Chúng tôi thành lập chúng, chúng tôi cơ cấu chúng, và chúng tôi bán chúng, phần lớn là bán cho một tổ chức trung gian, cho một ngân hàng, cho một công ty luật, cho một công ty kiểm toán, cho một quỹ tín thác, rồi những tổ chức đó bán chúng lại cho thân chủ cuối cùng là người sử dụng chúng. Thật là kỳ quái khi buộc chúng tôi chịu trách nhiệm cho một hành vi mà chúng tôi không có quyền kiểm soát. Chúng tôi là một công ty nhỏ, Panama là một nước nhỏ, chúng tôi chỉ thành lập 20.000 công ty mỗi năm. Nước Anh thành lập hơn 250.000 công ty mỗi năm và không ai tới người lập ra công ty để tố cáo họ điều gì nếu công ty gặp rắc rối. Có thể nói đây là một vụ tấn công vào quyền quản hạt của chúng tôi, công kích những gì chúng tôi làm, và nó có những lý do rất rõ ràng, rất cụ thể. Mọi người đều có quyền riêng tư và quyền này đang bị tấn công ở khắp nơi, và đó là điều mà chúng tôi phải chiến đấu để chống lại."

Những hồ sơ này tiết lộ những tài sản ở hải ngoại của 140 chính khách và quan chức trên khắp thế giới, trong đó có Thủ tướng David Gunnlaugsson của Iceland và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Ông Gunnlaugsson đang bị áp lực đòi ông từ chức sau khi hồ sơ cho thấy ông và vợ ông đã mua một công ty vỏ bọc ở Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2007.

Tại Ukraine, các nhà lập pháp yêu cầu quốc hội điều tra cáo giác cho rằng ông Poroshenko đã dời công ty bánh kẹo Roshen của ông sang Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2014 để tránh thuế trong lúc cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ với phiến quân đòi ly khai thân Nga ở miền đông lên tới cao điểm.

Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế cũng cho biết sau khi xem xét các hồ sơ họ đã kết luận là những người thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển 2 tỉ đô la thông qua các tài khoản ngân hàng hải ngoại trong khoảng thời gian gần 40 năm.

Chính phủ Nga lên án những tiết lộ đó là hành vi công kích nhắm vào Tổng thống Putin và cho rằng các cựu viên chức của Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã giúp phân tích các văn kiện bị rò rỉ.

Ông Will Fitzgibbon, một ký giả của ICIJ, cho đài VOA biết rằng có một điều rất đỗi kỳ lạ trong các hồ sơ đó là nó có một số “những yêu cầu cụ thể” mà các công ty và các cá nhân đưa ra để thành lập các công ty vỏ bọc hải ngoại để tránh trả thuế, cũng như những thông tư mà các chính phủ viết cho các công ty đó để đưa ra tố cáo trốn thuế.

Việc bỏ tiền vào những tài khoản hải ngoại không nhất thiết là bất hợp pháp và có thể được dùng để lập ra những nơi giảm bớt gánh nặng thuế khoá một cách hợp pháp hoặc để tạo dễ dàng cho những vụ giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên, phúc trình của ICIJ cho biết những hồ sơ này cho thấy các ngân hàng, các công ty luật và những người hoạt động trong lãnh vực này thường không tuân thủ những luật lệ để bảo đảm là thân chủ của họ không dính líu tới những hoạt động tội phạm, trốn thuế hoặc tham nhũng.

Người đứng đầu Ngân hàng Credit Suisse của Thuỵ Sĩ, ông Tidjane Thiam, hôm nay nói rằng công ty ông chỉ khuyên khách hàng dùng cơ cấu hải ngoại “khi nào có một mục tiêu kinh tế chính đáng.” Tương tự như vậy, đại ngân hàng HSBC của Anh hôm nay cho biết họ không tán thành việc sử dụng công ty vỏ bọc hải ngoại để trốn thuế và những cáo giác dính líu tới khách hàng của họ xảy ra trước những biện pháp cải cách mà ngân hàng này thực hiện hồi gần đây.

Credit Suisse đồng ý nộp phạt 2 tỉ rưỡi đô la cho chính phủ Mỹ năm 2014 vì giúp người Mỹ trốn thuế. Trong khi đó, HSBC năm 2012 đồng ý trả 1,92 tỉ đô la vì vai trò của họ trong hoạt động rửa tiền cho những tay buôn lậu ma tuý ở Mexico. - VOA

***
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra liên cơ quan về những điều được Hồ sơ Panama đưa ra, trong đó có tên của hơn 500 người Ấn Độ -- từ các ngôi sao của Bollywood cho đến những nhà công nghiệp lớn và một ông vua bất động sản. Thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA tường thuật từ New Dehli.

Bộ trưởng Tài chánh Arun Jaitley hôm nay nói rằng những báo cáo như vậy là “một diễn tiến lành mạnh” và ông hứa sẽ hành động một cách nhanh chóng.

“Bất cứ tài khoản nào bị phát giác là bất hợp pháp, hành động nghiêm khắc sẽ được thực hiện theo luật lệ hiện hành để đối phó với những người này.”

Một trong những lời hứa chính của Thủ tướng Modi trong cuộc vận động tranh cử là sẽ truy lùng những người trốn thuế và mang về hàng tỉ đô la tiền bất hợp pháp được gởi tại những nơi an toàn không bị đóng thuế.

Báo Indian Express là một trong những tổ chức truyền thông có dính líu đến một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng căn cứ trên việc tiết lộ hơn 11 triệu tài liệu của tổ hợp luật Mossack Fonseca, Panama.

Những người Ấn Độ giàu có và nổi tiếng có liên hệ đến những tổ hợp tài chánh ở nước ngoài tại Panama gồm có siêu sao Bollywood Amitabh Bachchan, nữ tài tử kiêm người mẫu Aishwarya Rai Bachchan, nhà quảng cáo cho công ty bất động sản lớn nhất Ấn Độ K.P. Singh, và Vinod Adani, anh của nhà công nghiệp Gautam Adani.

Một số người có tên trong danh sách của báo India Express nói các tài khoản ở nước ngoài của họ là hợp pháp.

Nhật báo này cũng tìm thấy dấu vết của việc một công ty Ý trả lại tiền trong những vụ mua bán vật dụng quốc phòng của Ấn Độ qua những công ty ở nước ngoài.

Các chuyên gia tài chánh Ấn Độ gọi việc này là “phần nổi của tảng băng” và cho biết nhiều người tin rằng nạn trốn thuế ở Ấn Độ rất nghiêm trọng và hầu hết những món tiền gọi là “tiền đen” được gởi tại những nơi an toàn ở hải ngoại.

Một phúc trình của cơ quan nghiên cứu Hội nhập Tài chánh Toàn cầu có trụ sở tại Washington ước lượng là Ấn Độ thất thoát 344 tỉ đô la trong các quỹ bất hợp pháp trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2011.

Ông Arun Kumar, cựu giáo sư kinh tế của Đại học Jawaharlal Nehru và là tác giả của cuốn sách “Kinh tế đen tại Ấn Độ”, cho biết tổng số tiền bị thất thoát của Ấn Độ kể từ khi giành được độc lập cho đến nay có thể lớn hơn rất nhiều. Giáo sư Kumar nói:

“Theo ước lượng mới đây của chúng tôi thì Ấn Độ đã thất thoát khoảng 2 ngàn tỉ đô la tiền vốn từ năm 1948 đến năm 2012. Số tiền này gồm có tiền lời của những khoản tiền được đưa ra nước ngoài. Do đó chúng ta nói đến một số tiền khổng lồ bị thất thoát của một quốc gia  rất nghèo và thiếu vốn.”

Nêu ra việc chính phủ có những tiến bộ chậm chạp trong lời hứa truy lùng “tiền đen”, các chuyên gia nói chính phủ cần phải gấp rút tìm ra những người nào đã tạo ra tiền đen tại Ấn Độ, vì rất khó mà khám phá một khi những khoản tiền này được chuyển ra nước ngoài.

Ông Kumar cho biết Ấn Độ có nhiều luật lệ để chống trốn thuế, nhưng việc thi hành rất yếu kém.

“Tại Ấn Độ rất dễ để tạo ra những thu nhập đen, vì hệ thống rất yếu kém, việc quản trị cũng rất yếu, và hầu hết các cấp thẩm quyền với số lượng đông đảo ban hành những qui định tại Ấn Độ, đều tham nhũng và các chính trị gia cũng tham nhũng.”

Tiếp theo lời hứa trong cuộc bầu cử là sẽ trấn áp những kẻ trốn thuế, Thủ tướng Modi đã ban hành luật “tiền đen”, trong đó có qui định những sự trừng phạt nghiêm khắc, kể cả án tù, cho những người trốn thuế không kê khai lợi tức ở nước ngoài.

Năm ngoái Thủ tướng Modi cũng gia nhập một thỏa thuận của các nhà lãnh đạo Khối G20 về việc tự động trao đổi tin tức về thuế trên căn bản hỗ tương vào cuối năm 2018. Chính phủ Ấn Độ đã ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin về thuế với Hoa Kỳ để chống lại nạn trốn thuế qua các công ty vỏ bọc ở nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chánh Jaitley hôm nay tái khẳng định cam kết của chính phủ về việc theo dõi những tài sản không khai báo tại Ấn Độ và tại nước ngoài. Ông nói “Thế giới càng ngày càng minh bạch. Các nước đang hợp tác với nhau.” - VOA

***
Thủ tướng Iceland vừa yêu cầu Tổng thống giải thể Quốc hội sau khi có những cáo giác ông giấu những đầu tư trị giá hàng triệu đô là trong một công ty hải ngoại.

Ông Sigmundur Gunnlaugsson đang bị áp lực ngày càng gia tăng do các tài liệu cho thấy ông và phu nhân mua một công ty ở nước ngoài từ năm 2007.

Ông là trong số hàng chục nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo trên khắp thế giới bị nêu tên trong Hồ sơ Panama bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca.

Đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn tại trước Quốc Hội Iceland hôm thứ Hai.

Ông Gunnlaugsson đã đưa ra đề nghị này với Tổng thống President Olafur Ragnar Grimsson sau khi phe đối lập đòi bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên ông Grimsson được tin nói là đang trì hoãn quyết định này cho tới khi ông nói chuyện với các đảng phái chính trị khác.

'Không vi phạm quy định'

Hồ sơ Panama Papers rò rỉ tài liệu của công ty Mossack Fonseca cho thấy ông Gunnlaugsson và vợ mua Wintris năm 2007.

Ông không tuyên bố lợi ích tại công ty này khi vào Quốc hội năm 2009. Ông bán 50% công ty Wintris cho vợ mình, bà Anna Sigurlaug Palsdottir, với giá một đô la sau tám tháng.

Ông Gunnlaugsson nói ông không vi phạm một quy định nào và vợ ông cũng không được lợi về tài chính.

Công ty ở được sử dụng để đầu tư hàng triệu đô la tiền thừa kế, theo một tài liệu được baf Palsdottir ký năm 2015.

Hồ sơ Panama - Thiên đường thuế của người giàu và giới quyền lực

11 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama được trao cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung. Tờ này sau đó đã chia sẻ tài liệu này cho Nghiệp đoàn nhà báo điều tra quốc tế.

BBC Panorama là một trong 107 tổ chức báo chí, cùng với tờ Guardian của Anh - nằm trong số 76 quốc gia tham gia phân tích tài liệu này.

BBC không biết danh tính nguồn cung cấp tài liệu.

Tài liệu cho thấy công ty này đã giúp khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế.

Mossack Fonseca cho biết họ đã hoạt động 40 năm và chưa bao giờ bị cáo buộc hay truy tố về bất cứ tội gì. - BBC

***
Tổ hợp luật sư Mossack Fonseca ở Panama, trung tâm điểm của cơn bão tai tiếng tẩu tán tài sản và rửa tiền "Panama Papers" có văn phòng đại diện ở nước nào nhiều nhất ? Câu trả lời là Trung Quốc, nơi mà chế độ cộng sản tự cho là cương quyết bài trừ tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn chạy ra nước ngoài.

Theo số liệu của Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc năm 2011, "cán bộ tham ô" chuyển tiền cất giấu ở nước ngoài khoảng 120 tỉ đôla Mỹ. Đến đầu năm 2016, báo cáo chính thức cho biết, chỉ trong vòng 18 tháng, số tiền "doanh nhân" đưa ra ngoại quốc là 1.000 tỉ đôla.

Vụ tai tiếng "Panama Papers" nổ tung đã xác nhận mặt trái của chế độ Bắc Kinh. Theo AFP, việc phân tích hàng triệu tài liệu bị tiết lộ từ tổ hợp luật sư Mossack Fonseca, từ cuộc điều tra rộng lớn của 107 hãng tin và cơ quan truyền thông thế giới, đã cho phép tìm thấy tên tuổi những người trong gia đình giới lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo của Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Bạc Hy Lai, Giả Khánh Lâm cho đến Tập Cận Bình… Tuy nhiên, ngoài gia đình của giới lãnh đạo chính trị chóp bu giàu sụ, đại cường kinh tế thứ nhì thế giới còn là nguồn tài sản khổng lồ, những triệu phú, tỉ phú mới, khách hàng "béo bở" của tổ hợp luật sư Panama.

Mossack Fonseca, với nghề chuyên môn là mở các công ty ở "thiên đường thuế khóa" và dàn dựng các giao dịch chuyển ngân, tài khoản phức tạp, không minh bạch, nhằm che giấu nguồn tiền và tên tuổi của chủ nhân.

Theo website của Mossack Fonseca, tổ hợp luật sư Panama này có văn phòng đại diện tại 8 thành phố lớn ở Trung Quốc : Thượng Hải, Thâm Quyến, Đại Liên, Thanh Đảo, Ninh Bộ, Hàng Châu, Quảng Châu và đương nhiên là có Hồng Kông, trung tâm tài chính tự trị nằm ngay cửa ngõ vào Hoa lục.

Chính tại Hồng Kông mà Mossack Fonseca có lực lượng đối tác hùng hậu nhất từ luật sư cho đến ngân hàng để tìm kiếm và giới thiệu khách hàng. Theo Liên minh phóng viên điều tra quốc tế ICIJ, nhóm nhà báo phối hợp điều tra và công bố tài liệu "Panama Papers" thì ở Hồng Kông, Mossack Fonseca có nhiều khách hàng hơn cả ở Anh Quốc và Thụy Sĩ.

Hơn thế nữa, một cuộc điều tra nội bộ kết luận là trong số khách hàng chủ nhân các công ty bình phong ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, thì tỉ lệ cao nhất vẫn là dân Hoa lục, rồi hạng nhì là Hồng Kông.

Trong một phản ứng đầu tiên, Hoàn Cầu Thời Báo lên án báo chí Tây phương và một "thế lực thù địch rất mạnh" đánh phá uy tín chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga cho dù trong danh sách đầu tiên có đến 140 nhân vật lãnh đạo thế giới.

Từ ba năm nay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành một chiến dịch bài trừ tham nhũng, được mệnh danh là "đả hổ diệt ruồi" trong sạch hóa hàng ngũ cán bộ đảng Cộng Sản song song với biện pháp "hạn chế nghiêm ngặt" số tiền mà "người dân" có quyền đem ra nước ngoài.

Câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào mà văn phòng rửa tiền Mossack Fonseca ăn nên làm ra tại Trung Quốc hơn là ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới? - RFI
|
|

2.
Nhật vẫn muốn đưa hồ sơ Biển Đông vào Tuyên bố chung G7

Bất chấp các cảnh báo từ Bắc Kinh, chính quyền Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường đưa nguy cơ xung đột gia tăng tại Biển Đông vào Tuyên bố chung của thượng đỉnh lần thứ 42 của khối G7, sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/05/2016 tại Nhật Bản. Thông tin trên đây được thời báo Nhật Bản The Japan Times, hôm nay, 05/04/2016, loan tải.

Theo một số nguồn tin thân cận với hồ sơ này, thủ tướng Shinzo Abe, chủ tọa thượng đỉnh G7, được tổ chức tại thành phố Shima, tỉnh Mia, Nhật Bản, khẳng định khối G7 – bao gồm các cường quốc kinh tế thế giới (Anh, Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Canada, Nhật) - đoàn kết trong các vấn đề liên quan đến châu Á. Hiện tại Nhật Bản đang phối hợp với các thành viên khác của nhóm G7 để đưa vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và các hoạt động gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào Thông cáo chung của thượng đỉnh.

Vẫn theo các nguồn tin này, chính phủ Nhật hy vọng Tuyên bố chung của G7 phản ánh được nỗi lo ngại quốc tế về căng thẳng tại Biển Đông, với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại nhiều khu vực có tranh chấp chủ quyền. Tokyo dự kiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh cáo các hành động đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực, như các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn.

Việc Nhật Bản kiên trì khẳng định lập trường nói trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng xây dựng cơ sở quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Biển Đông, nơi một số quốc gia láng giềng khác cũng đòi hỏi chủ quyền, trước hết là hai nước Việt Nam và Philippines. Bắc Kinh cũng liên tục đưa tàu thuyền xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản quản lý.

Trước đó, ngày 29/02, trong một cuộc họp tại Tokyo, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuan You) đã tỏ ra rất bực bội vì Tokyo dự tính công khai lên án chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ông Khổng Huyễn Hựu đe dọa, nếu Nhật Bản đưa hồ sơ này ra thảo luận với nhóm G7, việc cải thiện quan hệ hai bên sẽ bị tác hại.

Trong thượng đỉnh năm 2015, được tổ chức tại Đức, tuyên bố chung của G7 cũng đã « cực lực phản đối » việc đe dọa dùng vũ lực, sử dụng vũ lực, hoặc các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Mặc dù, không bị chỉ tên đích danh, nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đang có các hoạt động bồi đắp trên quy mô lớn nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. - RFI
|
|

3.
Cựu Thủ Tướng New Zealand tranh chức Tổng Thư ký LHQ

Cựu Thủ Tướng New Zealand Helen Clark đang dự cuộc đua để thay thế ông Ban Ki-moon trong chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.

Chính phủ New Zealand đã chính thức đệ tên bà Clark lên LHQ vào ngày hôm qua, thứ Hai.

Trong một cuộc họp báo ở Wellington để loan báo quyết định đề cử bà Clark, đương kim Thủ Tướng John Key ca ngợi người tiền nhiệm của mình là “một nhà lãnh đạo đã vượt qua thử thách” với “những khả năng kết hợp với những kinh nghiệm phù hợp để có thể hoàn thành nhiệm vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc".

Bà Clark đã lãnh đạo Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) từ tháng 4 năm 2009. Bà cam kết sẽ cải cách tổ chức Liên Hiệp Quốc đã 70 năm tuổi, để tổ chức này có thể tập trung nỗ lực vào việc giải quyết các cuộc nội chiến và những thành phần cực đoan bạo động.

Bà Clark nói: “Tình hình đòi hỏi chúng ta phải suy gẫm về những công cụ mà Liên Hiệp Quốc đang có trong tay. Tôi tin rằng cuộc tranh luận đó sẽ tập trung vào cách tốt nhất để giao diện những yếu tố nhân đạo, phát triển, chính trị, xây dựng hoà bình, các cánh nhân quyền của hệ thống, tôi tin rằng chúng ta cần hợp nhất hơn để tìm những giải pháp cho các cuộc khủng hoảng, ngăn tránh chúng xảy ra, và đầu tư lâu dài vào các xã hội hoà bình, bao gồm nhiều thành phần.”

Bà Clark nắm chức Thủ Tướng New Zealand từ năm 1999 tới năm 2008. Bà là ứng viên thứ 8 dự tranh chức Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Có 3 phụ nữ khác cũng dự tranh để giành chức vụ này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Những người chống ông Trump mong có đột phá ở Wisconsin --- Bảng tổng sắp số đại biểu trong cuộc bầu cử sơ bộ Mỹ --- Ông Trump có thể giúp phe bảo thủ Hàn Quốc thắng cử quốc hội

Cuộc bầu cử sơ bộ hôm thứ Ba ở Wisconsin có thể là thời điểm bản lề trong cuộc đua để được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên tổng thống. Những người của đảng Cộng hòa có ý định ngăn chặn doanh nhân kiêm tỷ phú Donald Trump phải đối mặt với cuộc sát hạch quan trọng ở tiểu bang, có lẽ là cơ hội tốt nhất để họ giảm tốc cuộc vận động của ông Trump cũng như hy vọng của ông về nắm chắc 1.237 đại biểu có cam kết trước khi đại hội đảng diễn ra vào tháng 7 ở Cleveland.

Không trao cho ông Trump các đại biểu mà ông cần để giành được sự đề cử trước tháng 7 có thể dẫn đến một đại hội đảng có nhiều cạnh tranh ở Cleveland; một kết quả không chắc chắn là điều mà những ủng hộ viên của ông Trump rất muốn tránh. Các cuộc thăm dò mới nhất tại Wisconsin cho thấy ông Trump và đối thủ Ted Cruz đang dẫn trước, còn Thống đốc Ohio John Kasich tụt lại xa ở phía sau.

Ông Trump đã vận động ở Wisconsin với hy vọng bỏ lại phía sau những vấn đề của tuần trước, trong đó có sơ suất gây chú ý về việc phá thai và việc quyết liệt bênh vực nhà quản lý chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski, là người đang đối mặt với cáo buộc ở Florida về hành vi bóp mạnh cánh tay của một phóng viên hồi tháng trước.

Ông Trump đã cố gắng thu hút cử tri Wisconsin bằng cách nhắc lại với họ về lời quảng bá ban đầu của ông rằng ông là một người bên ngoài về mặt chính trị, sẵn sàng mang đạo đức nghề nghiệp của một doanh nhân tới Tòa Bạch Ốc.

"Tôi thực sự là một nhà kinh doanh tốt. Tôi rất giỏi kinh doanh, các bạn sẽ trở nên giàu có rất nhanh chóng mà ngay chính các bạn cũng không biết. Các bạn không biết các bạn sẽ giàu có đến mức nào đâu", ông Trump nói với những người ủng hộ tại một cuộc vận động ở Wausau, Wisconsin, tại đó ông đã đứng trên sân khấu cũng với bà Sarah Palin, cựu thống đốc Alaska và ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa hồi năm 2008.

Thế nhưng Wisconsin lại đem đến cơ hội tốt nhất cho ông Cruz để tái khẳng định ông thích hợp với cuộc đua. Ngoài việc làm chậm bước tiến của ông Trump đến sự đề cử bằng cách lấy đi các đại biểu, một chiến thắng của ông Cruz ở Wisconsin sẽ tiếp tục củng cố vị thế của ông là đối thủ chính của ông Trump, có thể hình thành thế đối đầu nhiều bên dẫn đến phải bỏ phiếu cho nhiều bên tại đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 7.

Ông Cruz đã chủ ý cố gắng tận dụng các vấn đề gần đây của ông Trump và nhấn mạnh vào lời phàn nàn là ông Trump không phải là một người bảo thủ thật sự và ông ấy nông cạn khi trình bày về các giải pháp chính sách thực sự để giải quyết các vấn đề.

"Vì ông ấy rất giỏi la hét, công kích và xúc phạm, nên ông ấy không có những giải pháp có ý nghĩa cho các vấn đề đang đặt ra với đất nước này", ông Cruz nói với các phóng viên khi đi vận động gần đây ở Wisconsin.

Thống đốc John Kasich kém xa về số lượng đại biểu, nhưng vẫn hy vọng nằm trong số các ứng viên nếu đại hội đảng có nhiều cạnh tranh.

"Chúng tôi đang có thêm đà tiến, cả từ phía chính trị lẫn phía gây quỹ, và chúng tôi mong thấy một đại hội đảng thú vị", ông Kasich nói với các phóng viên ở Philadelphia, nơi ông đã đi vận động trước cuộc bầu cử sơ bộ của Pennsylvania vào ngày 26/ 4.

Vụ ông Trump gần đây nói hớ về việc phá thai, bênh vực cho Lewandowski và sẵn sàng công kích đối thủ đã làm dấy lên mối hồ nghi mới trong số các thành viên quyền thế của đảng Cộng hòa về khả năng ông Trump là một ứng viên tốt của đảng Cộng hòa.

"Quý vị biết đấy, tôi đã thấy những cuộc chạy đua khốc liệt để được đề cử, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một cuộc tranh cử tổng thống nào mà lại trở thành những cuộc lăng mạ tầm thường và chửi rủa cả", nhà sử học về các tổng thống Allan Lichtman tại trường đại học American University nói.

Ông Trump cảnh báo rằng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu ông không được đề cử tại đại hội, và ông đã không loại trừ khả năng sẽ là bên thứ ba chạy đua đến Tòa Bạch Ốc nếu ông không được đề cử ở Cleveland. "Đó là vấn đề về sự đối xử", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn trong chương trình Fox News Sunday. "Tôi muốn tranh cử như người của đảng Cộng hòa ... (nhưng) tôi sẽ phải xem xét về việc tôi đã được đối xử thế nào".

Wisconsin là một cuộc sát hạch về phía đảng Dân chủ, ở đó người đang dẫn đầu là bà Hillary Clinton hiện kém điểm so với đối thủ Bernie Sanders trong các cuộc thăm dò mới nhất ở Wisconsin.

Bà Clinton đã chuyển trọng tâm thông điệp của mình giữa ông Sanders và người đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa là ông Trump trong những ngày gần đây.

"Tôi hơn ông Donald Trump một triệu phiếu và tôi hơn ông Bernie Sanders 2,5 triệu phiếu", bà Clinton nói với những người ủng hộ tại một cuộc vận động mới đây ở Purchase, New York, trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ ở New York vào ngày 19/4.

Ông Sanders vẫn không chịu khuất phục và hy vọng chiến thắng ở Wisconsin sẽ giúp ông thu hẹp khoảng cách với bà Clinton ở New York. Các cuộc thăm dò gần đây cho bà Clinton dẫn trước ở New York, nhưng khoảng cách đã giảm trong những tuần gần đây và ông Sanders sẽ tích cực thúc đẩy để giành phiếu ở tiểu bang nơi ông đã lớn lên.

"Chúng tôi đang chiến đấu tích cực ở Wisconsin. Chúng tôi nghĩ chúng tôi thực sự có cơ hội giành chiến thắng ở đây tại New York và sau đó tiếp tục ở nhiều, nhiều bang khác", ông Sanders nói trên chương trình Good Morning America của đài ABC.

Bà Clinton tiếp tục duy trì khoảng cách dẫn trước với ông Sanders về tổng số đại biểu nói chung và đặc biệt là các siêu đại biểu, nhưng ông Sanders đã thắng được 5 trong 6 cuộc bỏ phiều gần đây nhất bên đang Dân chủ và lúc này đang trên một đà tiến mạnh mẽ tại thời điểm này. - VOA

***
Về kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ Mỹ

Tính cho tới hôm 5 tháng 4, số đại biểu mà mỗi ứng cử viên Tổng thống đạt được là:

Về phía Đảng Cộng Hoà:

Ông Donald Trump: 737
Ông Ted Cruz: 475
Ông John Kasich: 143

Về phía Đảng Dân Chủ:

Bà Hillary Clinton: 1,712
Ông Bernie Sanders: 1,011

Tổng cộng số đại biểu cần thiết để được Đảng Dân Chủ đề cử là 2,383.

Bên Đảng Cộng Hoà con số đại biểu cần thiết là 1,237 người. - VOA

***
Các nhà phân tích chính trị ở Nam Triều Tiên cho biết những lời chỉ trích của ông Donald Trump, người đang dẫn đầu phe Cộng hoà trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn có thể giúp phe bảo thủ giành thêm phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội Nam Triều Tiên vào tuần sau. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.

Trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 13 tháng tư, Đảng Saenuri của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye có phần chắc sẽ được hưởng lợi từ những hành vi gây hấn của Bắc Triều Tiên và từ sự chỉ trích của ông Donald Trump đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn.

Ông Hwang Tae Soon, một nhà phân tích chính trị của tổ chức nghiên cứu Wisdom Center ở Seoul, cho biết như sau.

"Khi những mối căng thẳng tăng cao vì Bắc Triều Tiên, phe bảo thủ thường chiếm được nhiều phiếu hơn."

Phe bảo thủ nắm quyền ở Nam Triều Tiên từ năm 2007 và Tổng thống Park Guen Hye được bầu lên cho một nhiệm kỳ 5 năm vào năm 2013.

Phe đối lập cho rằng cuộc đầu phiếu vào tuần sau có thể được xem là một cuộc trưng cầu dân ý đối với các chính sách của bà Park và kết quả bầu cử sẽ xác định khả năng của bà trong việc theo đuổi các mục tiêu lập pháp trong những năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống.

Tỉ lệ ủng hộ của đảng Saenuri đã tăng cao tiếp theo sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi tháng giêng, vụ phóng hoả tiễn tầm xa hồi gần đây và những lời đe dọa tấn công miền nam bằng vũ khí hạt nhân.

Các cuộc thăm dò cho thấy có sự tăng mạnh của sự ủng hộ của dân chúng đối với lập trường cứng rắn của Tổng thống Park là áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế chống lại Bắc Triều Tiên và đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Những lời chỉ trích của ông Trump, người dẫn đầu phe Cộng hoà trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, cũng có thể giúp cho phe bảo thủ ở Nam Triều Tiên giành thêm phiếu.

Ông Trump cho biết ông sẽ xem xét tới việc triệt thoái hơn 150.000 binh sĩ Mỹ đang trú đóng ở Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Đức và các nước khác, nếu Washington không nhận được sự đền bù thoả đáng về tài chánh.

Mới đây ông tỏ ý cho thấy Mỹ không nên bảo vệ Nhật Bản nếu Bắc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân tấn công Nhật Bản. Ông cũng nói rằng Nam Triều Tiên và Nhật Bản nên phát triển vũ khí hạt nhân để ứng phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.

Tuy ông Trump hiện giờ chỉ là một trong các ứng viên tổng thống của phe Cộng hoà, những phát biểu của ông đã tạo ra những sự ngờ vực ở Nam Triều Tiên về cam kết của Washington đối với mối quan hệ đồng minh với Seoul.

Về việc này, ông Hwang Tae Soon của Wisdom Center nhận định như sau.

"Tình hình này có thể giúp cho phe bảo thủ giành thêm phiếu vì họ có thể nói với dân chúng là Nam Triều Tiên cần có một lập trường mạnh mẽ và cứng rắn hơn để chống lại Bắc Triều Tiên."

Đảng Saenuri đang chiếm 146 ghế tại quốc hội gồm 300 ghế đại biểu. Giới lãnh đạo đảng trước đây tiên đoán sẽ giành được 180 ghế vào tuần sau để chiếm thế đa số 60%.

Tuy nhiên, hiện giờ họ xác định lại mục tiêu là chiếm được đa số quá bán, sau khi một số ứng cử viên của đảng quyết định ra tranh cử như ứng cử viên độc lập vì giới lãnh đạo đảng không ủng hộ họ trong quá trình đề cử. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tác hại của việc lạm dụng thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng hiện được quảng cáo và sự dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những quảng cáo đôi khi quá mức đã khiến người tiêu dùng lạm dụng sản phẩm này và có thể dẫn đến những tác hại cho sức khỏe đó là chưa nói đến vấn đề an toàn của nhiều loại sản phẩm hiện đang được bán trên thị trường. 

An toàn thuốc

Trong những năm trở lại đây, người dân Việt Nam được thấy nhiều những quảng cáo giới thiệu về thực phẩm chức năng trông giống như thuốc nhưng không phải thuốc. Chúng được quảng cáo là để tăng cường sức khỏe. Đôi khi có những quảng cáo quá mức cho rằng thực phẩm chức năng thậm chí còn có thể chữa khỏi bệnh và không có tác dụng phụ vì chúng không làm từ hóa chất như các thuốc chữa bệnh khác.

Bộ Y tế Việt Nam hiện cũng đã có định nghĩa về thực phẩm chức năng cụ thể là ‘thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh’

Nhìn vào định nghĩa này thì rõ ràng không có dòng nào nói rằng thực phẩm chức năng dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam hồi năm 2014 thì có đến 43% người trưởng thành ở thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thực phẩm chức năng. Tại Hà Nội con số này là 63%. Báo VNexpress hồi năm 2014 trích lời của Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Trần Đáng thừa nhận rằng tình trạng quảng cáo tràn lan quá mức của một số sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường đã gây nên nhiều hiểu lầm ở người dùng. Hiện thị trường Việt Nam cũng tràn ngập nhiều loại thực phẩm chức năng từ sản xuất trong nước đến nhập ngoại, trong số đó có các sản phẩm được nhập từ Mỹ.

Tuy nhiên ngay cả ở Mỹ, gần đây có một số các nghiên cứu cho thấy một số thực phẩm chức năng không những không có tác dụng mà thậm chí còn không an toàn và làm nhiều bác sĩ lo ngại về loại sản phẩm này. Bác sĩ Herbert Bonkovsky, chuyên khoa tiêu hóa thuộc trung tâm Y tế Wake Forest Baptist, Hoa Kỳ cho biết:

Nhìn chung mà nói không có bằng chứng nào cho thấy các loại thực phẩm chức năng hiện nay có hiệu quả thực sự… thậm chí có nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chúng thậm chí còn không an toàn chứ chưa nói đến tác dụng. 

Mặc dù bác sĩ Bonkovsky cho rằng việc uống bổ sung vitamin khi thiếu vitamin là có thể chấp nhận được, nhưng ông tỏ ra lo lắng về những loại thực phẩm chức năng được tổng hợp từ cây cỏ và những thành phần được quảng cáo rầm rộ gần đây là có tác dụng chữa bệnh cổ truyền.

Điều mà chúng tôi lo ngại là những loại thực phẩm chức năng, những loại thuốc tổng hợp được nói là từ cây cỏ có chứa nhiều thành phần trong đó. Lo ngại lớn nhất của chúng tôi đối với phần lớn các sản phẩm này ví dụ như thuốc nghệ, thuốc sâm… là các phân tích gần đây cho thấy các thành phần trong thuốc không chứa hoặc chứa ít hơn các thành phần như đã quảng cáo.

Theo bác sĩ Bonkovsky, sở dĩ có tình trạng này là vì việc kiểm tra chất lượng các thực phẩm chức năng ở Hoa Kỳ chưa được chặt chẽ. Trong rất nhiều trường hợp, các bác sĩ tại Mỹ đã phải điều trị ngộ độc cho những người bệnh vì dùng những thực phẩm chức năng. Ông đưa ra dẫn chứng điển hình về thuốc Oxyelite Pro của hãng USPlabs bị thu hồi năm 2013 vì có hơn 50 trường hợp dùng loại thực phẩm này để giảm cân đã bị viêm gan. Không những thế còn có một trường hợp ở Honolulu, Hawaii phải thay gan sau khi uống thuốc này. Nguyên nhân được cho biết là vì thuốc có chứa một hóa chất mà công ty Mỹ nhập về từ Trung Quốc mà công ty Trung Quốc không cho biết hóa chất đó được làm từ nguồn nào.

Một ví dụ về an toàn khác của thực phẩm chức năng được bác sĩ Bonkovsky nói đến là thuốc triết xuất từ trà xanh.

Trà xanh được dùng từ hàng ngàn năm nay ở Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác. Nếu bạn uống 2 hay 3 chén trà một ngày thì bạn không có vấn đề gì. Trà có thành phần polyphenols. Ở trà, thành phần này có xu hướng làm tăng huyết áp, mạnh đập, nó giống như bạn uống amphetamine theo một cách nào đó. Bạn trở nên tỉnh táo hơn, nhiều khi là quá mức. Một số người uống thuốc chiết xuất tức là thành phần trà đậm đặc hơn, tương đương 4 đến 5 cốc một lúc. Những người uống thuốc này thường bị viêm gan.

Ông cho biết ông đã điều trị cho một phụ nữ dùng loại thực phẩm chức năng này để giảm cân nhưng thay vì giảm cân bà bị viêm gan cấp và phải điều trị tại bệnh viện.

Nên dùng hay không? 

Nhìn chung, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mọi người nên cố gắng cân bằng dinh dưỡng qua thức ăn hàng ngày thay vì phải dùng thuốc. Chuyên gia dinh dưỡng Carol Haggans, thuộc viện sức khỏe Hoa Kỳ nói:

Bạn có thể hấp thụ đủ vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Điều này còn tốt hơn vì ngoài ra bạn còn hấp thụ các chất xơ cần thiết từ thực phẩm và không hấp thụ các hóa chất mà bạn có thể sẽ uống vào khi dùng thuốc.

Còn chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Vandana Sheth thì nói việc dùng bổ sung vitamin, khoáng chất trong thực phẩm chức năng không nên coi là phần chính:

Điều quan trọng là hấp thụ được các chất cần thiết từ thực phẩm. Cơ thể hoạt động tốt hơn nếu có đủ chất và cân bằng. Nếu bạn hấp thụ các chất này từ các thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất thì bạn phải nhớ đó là bổ sung cho thực phẩm mà bạn ăn vào mà thôi.

Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, chuyên khoa dinh dưỡng bệnh viện nhân dân Gia Định thì cho rằng với người tiêu dùng Việt Nam khi cân nhắc mua thực phẩm chức năng, điều quan trọng là chất lượng thuốc và giá thuốc.

Có những cái như omega 3 dạng nước được sản xuất ở các nước lớn và đã có các công trình nghiên cứu đàng hoàng, các loại thuốc đó bao gồm omega 3, vitamin đã được nghiên cứu và kết quả đàng hoàng thì chất lượng tốt. Thứ hai là giá cả phải phù hợp. Tuy chúng được gọi là thực phẩm chức năng nhưng nó cũng phải có giá đàng hoàng, nó cũng có liều dùng giống như thuốc. Nhưng những loại thuốc đi theo hàng đa cấp thì phức tạp lắm mà giá thì trên trời. Nếu mình coi công thức thuốc rồi mình so giá với giá tân dược mà giá gấp 10 lần thì đừng dùng. 

Theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, có một số thực phẩm chức năng dù được xếp vào dạng này nhưng có tác dụng chữa bệnh nhất định như omega 3 hay coenzyme 10.

Nó bị đưa vào thực phẩm chức năng thôi nhưng nó cũng có liều lượng đàng hoàng như thuốc và nhiều khi không có tác dụng phụ. Ví dụ như người bệnh bị tăng men gan, tăng mỡ máu thì dùng omega 3 nó không có hại cho men gan bệnh nhân. Có những thuốc được xếp vào thực phẩm chức năng nhưng lại có tác dụng tốt nên có thuốc vẫn được dùng cho điều trị.

Theo bác sĩ Mai, thuốc coenzyme 10 có tác dụng hạ huyết áp.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, các loại thực phẩm chức năng không được quảng cáo là có tác dụng chữa bệnh và các bác sĩ cũng không được quyền kê đơn thuốc này. Bác sĩ Mai cho biết người dùng vì vậy khi muốn mua thực phẩm chức năng cần phải cân nhắc rất kỹ về giá cả và thành phần thuốc.

Bác sĩ Bonkovsky cho biết, loại thuốc Milk Thistle, hay còn gọi là Kế sữa, hiện được dùng khá phổ biến tại Mỹ trên thực tế cũng có tác dụng nhất định đối với gan. Đây cũng là loại hàng xách tay từ Mỹ rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Tuy nhiên bác sĩ Bonkovsky cảnh báo người tiêu dùng khi lựa chọn mua loại thuốc này.

Thuốc Milk Thistle là một loại thảo dược dành cho gan. Đây là loại thuốc mà con người dùng từ hàng ngàn năm nay và nó rất phổ biến trong thuốc ở Trung Quốc và ở một số nước khác thời xưa. Nếu đúng là bạn có triết xuất từ hoa milk thistle hoặc từ cây này và được tổng hợp vào thuốc mà không có nhiễm các tạp chất khác thì nó khá an toàn. Người uống thuốc sẽ không bị ngộ độc. Đã có một số bằng chứng nghiên cứu từ châu Âu cho thấy loại thuốc này có tác dụng nhất định với người bị xơ gan.

Theo bác sĩ Bonkovsky, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng ở Đức chặt chẽ hơn so với ở Mỹ. Ông khuyên người dùng nếu muốn dùng loại thuốc này thì nên tìm các hãng sản xuất lớn có uy tín tại Đức.

Đối với một số loại vitamin và khoáng chất, hiện cũng đã có những nghiên cứu liên quan đến tác dụng của những loại vitamin và khoáng chất phổ biến hay được sử dụng hiện nay như vitamine D và canxi. Đây là những loại thuốc thường được kê cho người lớn tuổi để phòng chống loãng xương. Tuy nhiên hồi đầu năm 2013, một nhóm làm việc đặc biệt vè phòng chống bệnh của Mỹ đã đưa ra khuyến cáo, theo đó những phụ nữ lớn tuổi khỏe mạnh không nên uống bổ sung canxi và vitamin D để chống gẫy xương vì kết quả nghiên cứu cho thấy việc uống các thuốc này liều cao vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau khi khuyến cáo này được đưa ra, đã có một số chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ phản đối và cho rằng vẫn cần phải có thêm các nghiên cứu để chứng minh kết quả rõ ràng.

Ý kiến chung của phần lớn các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cho đến lúc này đối với người tiêu dùng là nên tập trung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày thay vì dựa vào các loại thuốc bổ sung vitamin, các loại thực phẩm chức năng. - RFA
|
|

6.
2 phụ nữ nhiễm virus Zika ở Việt Nam

Bộ Y tế hôm nay xác nhận hai trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika ở Việt Nam với hai bệnh nhân nữ ở Khánh Hòa và TP HCM.

Tin cho hay, bệnh nhân nữ 64 tuổi ở Nha Trang, Khánh Hòa, có triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ hôm 26/3.

Sau hai ngày tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh nhân khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa.

Ngày 31/3 kết quả xét nghiệm của bệnh nhân tại Viện Pasteur Nha Trang khẳng định dương tính với virus Zika. Mẫu bệnh phẩm được chuyển ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm lại, và ngày 4/4 đã có kết quả dương tính.

Ca bệnh thứ hai là một phụ nữ 33 tuổi ở quận 2, TP HCM. Bệnh nhân phát bệnh ngày 29/3 với triệu chứng tương tự gồm sốt phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 ngay trong ngày.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân liên tiếp 2 lần đã dương tính với Zika. Sau đó mẫu bệnh phẩm cũng được chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm lại, khẳng định dương tính hôm 4/4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân nữ ở Khánh Hòa không có tiền sử đi đến vùng có dịch. Bệnh nhân thứ hai ở TP HCM có thai 8 tuần, có chồng đang làm việc tại Maylaysia về Việt Nam trước đó 14 ngày.

Hiện sức khỏe của hai bệnh nhân này đã ổn định, và hiện Bộ Y tế Việt Nam đang “khoanh vùng bệnh và giám sát điều tra những người tiếp xúc, người xung quanh” hai phụ nữ nhiễm Zika.

Virus Zika bị cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ.

Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh. - VOA

No comments:

Post a Comment