Friday, April 1, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 1/4

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ tránh xa Trường Sa --- Biển Đông: Indonesia triển khai chiến đấu cơ F-16 để ngăn Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc cảnh cáo Mỹ chớ xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Bắc Kinh tại Trường Sa dưới danh nghĩa thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình tại cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington hôm 31/3 rằng Trung Quốc không dung chấp các hành động đó và rằng Bắc Kinh ủng hộ hòa bình-an ninh Biển Đông, mọi tranh chấp nên được giải quyết thông qua thương lượng ôn hòa.

Ông Tập nói ‘Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng không-hàng hải của tất cả các nước dựa trên luật quốc tế. Cùng lúc, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận hành động nào làm tổn hại chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc dưới danh nghĩa của quyền tự do hàng hải’.

Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông và đóng vai trò xây dựng giúp đảm bảo ổn định khu vực.

Kể từ tháng 10 năm ngoái tới nay, Mỹ đã thực hiện 2 cuộc tuần tra vì tự do hàng hải áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Washington cũng tăng cường giám sát trên không, đẩy mạnh các cuộc tập trận với các đồng minh ở Châu Á và siết chặt hợp tác quân sự với các nước phản đối kế hoạch quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm Việt Nam.

Trung Quốc trong năm nay đã cho triển khai phi đạn đất đối không và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa trong lúc ráo riết xúc tiến các công trình thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. - VOA

***
Sau vụ tàu tuần duyên Trung Quốc va chạm với tàu Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này tại Biển Đông, Jakarta quyết định đưa năm chiến đấu cơ F-16 ra quần đảo Natuna cùng với nhiều phương tiện khác để sẵn sàng đối phó. Trên đây là thông báo của bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Trả lời hãng tin Bloomberg hôm qua 31/03/2016, Bộ trưởng Quốc Phòng Ryamizard Ryacudu cho biết, bên cạnh 5 máy bay chiến đấu F-16 do Hoa Kỳ sản xuất, Indonesia sẽ triển khai thêm một số đơn vị thủy quân lục chiến, đơn vị đặc nhiệm không quân, một tiểu đoàn bộ binh, ba chiến hạm, một hệ thống ra-đa mới và nhiều máy bay do thám không người lái. Một đường băng quân sự và một bến cảng mới cũng dự kiến được xây dựng.

Việc triển khai F-16 và nhiều phương tiện quân sự tại quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông cho thấy mức độ lo ngại gia tăng của quốc gia vốn vẫn tự coi là đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia nhấn mạnh: "Quần đảo Natuna là một cánh cửa, nếu cửa không an toàn, kẻ cướp có thể lọt vào nhà". Theo ông, sở dĩ có sự rắc rối tại khu vực Natuna cho đến nay, là vì khu vực này « không được bảo vệ".

Việc Trung Quốc đòi hỏi hơn 80% chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc gây rất nhiều lo ngại cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Yêu sách đường chín đoạn (còn được gọi là "đường lưỡi bò") của Trung Quốc lấn sâu vào khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia, trong đó có quần đảo Natuna của nước này.

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Indonesia cho biết Jakarta đang xúc tiến hoàn tất một hợp đồng mua từ 8 đến 10 máy bay chiến đấu Sukhoi-35 của Nga, đồng thời chuẩn bị sắm thêm một số chiến đấu cơ F-16V của Mỹ, Typhoon của tập đoàn châu Âu BAE và JAS 39 Gripen của Thụy Điển. - RFI
|
|

2.
Bắc Triều Tiên gây nhiễu tín hiệu GPS ở miền Nam --- Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ đã phóng thêm phi đạn

Có tin cho biết Bắc Triều Tiên đang gây nhiễu tín hiệu GPS ở Nam Triều Tiên, làm ảnh hưởng đến một số hoạt động thông tin liên lạc và hệ thống định vị, nhưng đến nay chưa gây ra sự gián đoạn đáng kể nào.

Đây là những hành động khiêu khích mới nhất trong một loạt các động thái đe dọa mà dường như Bình Nhưỡng đã tiến hành để phản đối cuộc tập trận chung của Nam Triều Tiên và Mỹ đang diễn và để trả đũa các lệnh trừng phạt mới, cứng rắn của Liên Hiệp Quốc đối với việc Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên đưa ra cảnh báo hôm thứ Năm là họ đã phát hiện các sóng vô tuyến gây nhiễu được phát đi từ thành phố cảng Haeju ở tây nam Bắc Triều Tiên và từ núi Kumgang trên bờ biển phía đông.

Bộ Khoa học của Nam Triều Tiên hôm thứ Sáu nói rằng việc gây nhiễu này, được cho là đã diễn ra trong suốt tháng trước, đã ảnh hưởng tới 58 máy bay và 70 tàu bè ở Nam Triều Tiên. Một số tàu bị buộc phải trở về cảng vì bị nhiễu sóng, nhưng chưa có tin tức về bất kỳ sự gián đoạn giao thông hàng không nào.

Phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Jeong Joon-hee nói hôm thứ Sáu "Việc gây nhiễu GPS là một sự khiêu khích. Chúng tôi thúc giục Bắc Triều Tiên dừng ngay hành động khiêu khích này và hãy có hành động có ích để cải thiện quan hệ liên Triều cũng như cho chính Bắc Triều Tiên”.

Seoul tố cáo Bình Nhưỡng sử dụng các thiết bị gây nhiễu của Nga để làm gián đoạn các tín hiệu kể từ năm 2012 trong thời kỳ căng thẳng tăng cao. Bình Nhưỡng đã bác bỏ những cáo buộc này, gọi đó là "sự bịa đặt hoàn toàn". - VOA

***
Truyền thông Nam Triều Tiên nói Bắc Triều Tiên đã bắn một vật thể bị nghi là phi đạn đạn đạo ngoài khơi bờ biển phía đông nước này. Đây là vụ mới nhất trong số mấy vụ thử trong năm nay, đánh dấu sự gia tăng căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với Seoul và các đồng minh phương Tây của Nam Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap của Nam Triều Tiên cho hay phi đạn địa đối không được phóng vào Biển Nhật Bản vào giữa trưa thứ Sáu.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên xác nhận tin này với hãng thông tấn Pháp, nhưng cũng nói rằng không thể xác nhận được tầm bay và đường đi chính xác của phi đạn. Bộ cho biết vụ phóng xuất phát từ thành phố Sondok ở miền đông.

Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt những vụ thử nghiệm vũ khí kể từ tháng 1. Mỹ và Nam Triều Tiên đang tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bình Nhưỡng nói họ coi các cuộc tập trận như vậy là việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

Trong khi đó tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chủ trì một hội nghị thượng đỉnh hạt nhân quốc tế, trong đó Mỹ, Nam Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản đã đưa các hoạt động của Bắc Triều Tiên thành một trọng tâm của cuộc thảo luận. - VOA
|
|

3.
Brazil: Hơn 700.000 người biểu tình ủng hộ tổng thống Rousseff

Khủng hoảng chính trị ở Brazil ngày càng nghiêm trong thêm : Hơn 700.000 người đã xuống đường tối qua, 31/03/2016, tại nhiều thành phố, ủng hộ tổng thống Dilma Rousseff đang bị một thủ tục truất phế đe dọa. Người biểu tình đáp ứng lời kêu gọi của cựu tổng thống Lula da Silva, đã tố cáo một « cuộc đảo chính » của phe đối lập.
Thông tín viên RFI tại Rio de Janeiro, François Cardona tường cuộc biểu tình tại đây :

"Sẽ không có đảo chính!" Đây là khẩu hiệu mà người biểu tình lập đi lập lại suốt cả buổi tối thứ Năm 31/03. Ở Rio de Janeiro cũng như tại các thành phố lớn khác, những người ủng hộ nữ tổng thống đã tuần hành tố cáo điều mà họ gọi là "một cuộc đảo chính thể chế" mà bà Rousseff là nạn nhân.

Đối với những người biểu tình, phe đối lập cánh hữu đã lợi dung tình hình khủng hoảng chính trị hiện nay để đẩy đương kim tổng thống ra khỏi chiếc ghế của bà.

Bị đe dọa truất phế vì bị tố cáo gian lận sổ sách, bà Rousseff luôn khẳng định bà vô tội và nhắc lại là đối lập không có bằng chứng.

Tổng thống Brazil cũng đã được một hậu thuẫn nặng ký : Đó là thẩm phán Tòa Án Tối Cao, Marco Aurelio Mello, người đã cho rằng: "Tổng thống có lý. Nếu không có bằng chứng pháp lý nào để tiến hành thủ tục truất phế, thì tiến trình này không hợp pháp và trở thành tương tự như một cuộc đảo chính".

Tòa Án Tối Cao đang bị chia rẽ trước thủ tục truất phế tổng thống Dilma Rousseff. Nghị Viện cũng vậy. Người Brazil thì chán ngán trước khủng hoảng chính trị ngày càng nghiêm trọng. Theo kết quả thăm dò gần đây, 68% người được hỏi muốn nữ tổng thống Rousseff ra đi." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân chú trọng đến đe dọa của Bình Nhưỡng

Ngày hôm nay (1/4), Tổng thống Barack Obama sẽ đọc diễn văn vào lúc kết thúc ngày thứ nhì và là ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington có nhiều nhà lãnh đạo thế giới tham dự. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA có bài tường thuật.

Tối hôm qua, Tổng thống Obama đã tổ chức một dạ tiệc để khoản đãi 50 nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị thượng đỉnh đặt trọng tâm vào mối đe dọa đang âm ỉ của việc Bắc Triều Tiên phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng xảy ra vào ngày hôm nay khi truyền thông Nam Triều Tiên nói Bắc Triều Tiên phóng một phi đạn đạn đạo vào Biển Nhật Bản, làng tăng thêm căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với Seoul và những đồng minh phương Tây của Nam Triều Tiên.

Trước vụ phóng phi đạn này, Tổng thống Obama ngày hôm qua đã gặp các nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên và Nhật Bản thảo luận về một nỗ lực chung để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Obama nói:

“Chúng tôi chỉ thị cho các toán nhân viên của chúng tôi làm việc không ngừng trong những tuần lễ và những tháng sắp tới để triển khai thêm những bước khác nữa mà chúng tôi có thể cùng nhau thực hiện để đảm bảo là chúng tôi có được một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và chúng tôi có thể phục hồi sự ổn định và hòa bình trong vùng”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu:

“Điều cần thiết là tăng cường hơn nữa sự hợp tác Mỹ-Nhật trong lãnh vực an ninh. Một mối quan tâm đặc biệt là sự tiến bộ trong khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đây là một mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng, không những chỉ đối với ba quốc gia chúng ta, nhưng còn đối với toàn thể cộng đồng thế giới nữa”.

Hoa Kỳ và các cường quốc thế giới cũng cảm thấy tính chất cấp bách của việc đảm bảo an toàn cho các chất liệu hạt nhân và những địa điểm tồn trữ để những chất liệu này không lọt vào tay các phần tử khủng bố, tiếp sau những cuộc tấn công ngày 22 tháng 3 vừa qua tại Brussels.

Một số nhà lãnh đạo thế giới tham dự dạ tiệc tại Tòa Bạch Ốc ngày hôm qua đến từ các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cuộc tấn công khủng bố. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam, Campuchia cố đi dây giữa Trung Quốc, Mỹ

Mới đây, Đại tướng Dennis Via, đứng đầu Bộ Tư lệnh Quân bị Lục quân Mỹ, nói với các nhà báo tại một hội nghị chuyên đề ở Alabama là Lục quân Mỹ có kế hoạch cất trữ thiết bị cứu trợ thiên tai ở Việt Nam và Campuchia. Ông nói việc cất trữ như vậy ở 2 nước là một phần trong chiến lược lớn hơn về bố trí trước tiếp phẩm trên khắp thế giới để triển khai nhanh chóng.

Không giống như việc bố trí trước ở châu Âu, gồm có cả xe tăng, những thiết bị được cất trữ ở Đông Nam Á nói chung sẽ là các thiết bị “nhẹ” nhằm phục vụ trợ giúp nhân đạo, Đại tướng Via cho hay.

Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam và Campuchia đang tăng cường can dự với Mỹ song cũng thận trọng để không làm Trung Quốc lo lắng. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến khu vực thông qua du lịch, viện trợ, đầu tư và cả những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ về Biển Đông.

Việt Nam ngày càng can dự nhiều với Mỹ có phần vì những bước lấn tới của Trung Quốc vào nhưng nơi Việt Nam coi là chủ quyền của mình. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bà Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đặt ở Mỹ, nói: “Việt Nam ở vào vị trí khó khăn. Ngày càng nhiều lãnh đạo nước này nhận thấy tầm quan trọng của việc can dự đầy đủ hơn với Mỹ, nhưng vấn đề là thực hiện điều này theo những cách thức thế nào để mức độ đánh động hay gây khó chịu là ít nhất đối với Trung Quốc, là láng giềng sát vách và cũng là nguồn đe dọa an ninh chính quanh Việt Nam”.

Hai nước cộng sản thường xuyên có lời qua tiếng lại nhưng cũng cố làm cho quan hệ êm đẹp, kể cả qua các chuyến thăm của các phái viên đại diện cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và người đồng cấp Tập Cận Bình của phía Trung Quốc.

Thế nhưng quan hệ Mỹ-Việt đang phát triển đều đặn. Năm ngoái Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận đối với việc bán thiết bị sát thương hàng hải cho Việt Nam, ngoài ra còn cam kết cấp 20,5 triệu đôla để giúp phát triển năng lực hàng hải của Việt Nam.

Tháng 8 năm ngoái, một tàu bệnh viện đã đến Đà Nẵng cho một sứ mệnh chuẩn bị đối phó với thiên tai. Tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam.

Có một số hạn chế trong việc can dự an ninh song phương. Hiện nay các tàu hải quân Mỹ bị giới hạn chỉ tối đa 3 tàu thăm một cảng trong một năm.

Nhưng theo bà Phương Nguyễn, có thể sẽ có ngoại lệ cho các sứ mệnh nhân đạo. Bà cho biết chính phủ hai nước đã thảo luận khả năng biến Đà Nẵng thành trung tâm cấp khu vực để điều phối và cất trữ tiếp phẩm cho hoạt động trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Bức tranh khá là khác biệt ở Campuchia, theo các nhà phân tích. Nước này không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông và nhận nhiều đầu tư, viện trợ phát triển và viện trợ quân sự của Trung Quốc.

Chuyên gia người Campuchia Sophal Ear, phó giáo sư ngoại giao và quan hệ quốc tế tại trường Occidental College ở California, cho rằng với việc cho Mỹ cất trữ đồ cứu trợ, “Campuchia muốn có thêm cửa đặt cược, tuy hẹn hò với Trung Quốc nhưng không phải chỉ với Trung Quốc mà thôi”.

Nhưng ông cho rằng Campuchia và Mỹ có phần chắc sẽ không có sự nồng ấm trở lại về quan hệ quân sự giống như những gì Mỹ và Việt Nam đã có thời gian gần đây. - VOA
|
|

6.
'Người tự ứng cử như cá nằm trên thớt'

Một số người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam phê phán giai đoạn lấy ý kiến của cử tri về người ứng cử tại nơi sinh sống, làm việc.

Luật sư Võ An Đôn viết trên Facebook của ông, gọi những gì ông trải qua trong buổi lấy ý kiến hôm 01/04 ở nơi ông cư trú là buổi 'đấu tố'.

"Tham dự hội nghị có hơn 100 người, phần lớn là công an, người nhà công an, cán bộ các đoàn thể chính quyền địa phương, người lạ mặt ở địa phương khác, dân chúng trong thôn chỉ vài người được mời đến dự."

"...Họ đem chuyện gia đình, chuyện tôi không tham dự các cuộc họp của thôn, chuyện tôi viết bài trên Facebook ra mạc xác tôi; họ cho rằng tôi không đủ điều kiện làm đại biểu quốc hội, vì tôi có tư tưởng phản động; họ khuyên mọi người không bầu tôi.

"Điều đáng buồn là chính lãnh đạo Đoàn luật sư được mời đến dự lại đấu tố tôi, cho rằng tôi vừa bị Sở tư pháp phạt tiền vì không lập sổ tài chính nhưng không khai báo và tôi có tư tưởng không đảm bảo để bầu vào quốc hội," ông Võ An Đôn viết.

Luật sư Đôn chỉ nhận được 29 phiếu ủng hộ trên tổng số 86 phiếu trong buổi tiếp xúc cử tri. Đến ngày 02/4 ông Đôn còn có buổi lấy phiếu tại Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.

'Cá nằm trên thớt'

Ca sỹ Mai Khôi trả lời BBC Tiếng Việt hôm 01/04 sau buổi lấy ý kiến cử tri ở tổ dân phố tại thành phố Cam Ranh rằng, những người tự ứng cử "hoàn toàn như cá nằm trên thớt, và họ muốn mình vào được vòng nào là có sự sắp xếp của họ và mình cứ thế theo thôi."

Mai Khôi kể lại về buổi hội nghị cử tri hôm 31/03: "Gọi là lấy ý kiến cử tri nhưng không được vận động trước, thứ hai là không được trình bày chương trình hành động của mình, không được phát biểu ý kiến gì ngoài việc phát biểu cảm ơn mọi người trong tổ dân phố của mình.

"Khôi thấy buổi lấy ý kiến đó như là hình thức, thiếu nội dung vì người ta không biết mình là ai, đang làm gì thì làm sao người ta cho ý kiến chính xác được. Ở đây chỉ là sự cảm tính."

Trước buổi hội nghị với cử tri, Mai Khôi cho biết 'một lãnh đạo' đã tới tận nhà dặn dò cô một số điều không nên nói, mà cô kể lại rằng người này nói rất khéo léo, trong lời dặn dò có nhiều 'ẩn ý'.

Khi được hỏi liệu cô có cho rằng mình sẽ qua được vòng hiệp thương để tiếp xúc cử tri, Mai Khôi nói xác suất có lẽ rất thấp.

"Đến nước này thì mình thấy rõ là họ đã có con đường, có sắp xếp của họ rồi, mình thấy rõ là chắc không có cơ hội đi tiếp."

'Không ghi âm, ghi hình'

Ca sỹ Lâm Ngân Mai ở thành phố Hồ Chí Minh cũng tường thuật chi tiết về buổi lấy ý kiến cử tri về cô tại tổ dân phố Gò Vấp hôm 31/03 trên Facebook cá nhân.

Cô kể lại bị yêu cầu bỏ lại túi xách bên ngoài, và khi vào bên trong hội trường thì không được ghi âm, ghi hình cuộc họp do đã có "ban tổ chức làm việc đó".

Cũng tương tự như ca sỹ Mai Khôi, Lâm Ngân Mai được yêu cầu không trình bày chương trình hành động của mình.

Lâm Ngân Mai viết, có sáu người lên phát biểu ý kiến về cô, trong đó nhắc trình độ lớp 9/12 của cô là "mơ mộng không đủ tiêu chuẩn làm Đại biểu Quốc hội, vì ngay cả ông [tổ trưởng dân phố] tự nhận mình lớp 10 đi xin việc làm còn khó, tổ trưởng nói thế".

Ca sỹ này cũng nêu một người "không tên" đã liệt kê lại hàng loạt phát biểu của cô trên mạng xã hội như Facebook và YouTube, và kết luận, "nếu bầu Mai thì chắc Mai sẽ xây Vạn lý Trường Thành bằng thuế dân".

Tường thuật trên Facebook của cô có đoạn tả lại việc nhiều người cho rằng cô đã ngụy tạo chữ ký của những người ủng hộ.

Ca sỹ Lâm Ngân Mai đăng tải đoạn video thu âm buổi tiếp xúc cử tri lên kênh YouTube của cô. Trên kênh này cũng có video cô tự giới thiệu chỉ học tới lớp 9 do gia đình hoàn cảnh khó khăn. - BBC

No comments:

Post a Comment