Thursday, April 21, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 21/4

Tin Thế Giới

1.
Cao ủy tị nạn: 400 di dân đã chết đuối trong tuần qua

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết, tin tức từ những người sống sót trong một vụ đắm tàu ngoài khơi bờ biển Libya cho thấy có khoảng 400 di dân có thể đã chết đuối. Họ nói thêm là 41 người sống sót trong thảm họa này được cứu và được đưa đến đảo Crete của Hy Lạp. Thông tín viên Edward Yeranian của Đài VOA tường thuật từ Cairo.

Giới hữu trách Hy Lạp đang chuẩn bị đưa mấy chục người sống sót trong vụ đắm tàu ngày 8 tháng 4 từ một sân vận động trên đảo Crete đến một nơi tạm trú trên đất liền Hy Lạp.

Những người sống sót nói với cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc là có khoảng 400 di dân chết đuối khi tàu của họ chìm trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Libya. Những người mục kích nói chuyện với ban Somalia và ban Sừng Châu Phi của Đài VOA trong tuần này cũng đã cho biết như vậy.

Những người sống sót nói các di dân được đưa từ một thuyền nhỏ đến một tàu lớn hơn thì tàu này bị lật. Chỉ có một ít người bơi được trở lại chiếc thuyền nhỏ.

Một thương thuyền rốt cuộc đã cứu được 41 người và cho họ xuống gần cảng Kalamata trên đảo Crete.

Bà Ariadni Spanaki, phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc trên đảo Crete, nói với các nhà báo là nhiều người sống sót “bị sốc” và “một số người khác kêu khóc.”

Chính phủ Somalia hôm thứ Hai nói có 200 công dân nước này chết đuối trong vụ tàu chìm. Chiếc tàu này cũng chở các di dân từ Ethiopie, Sudan, Syria và Ai Cập. Những người sống sót nói chiếc thuyền nhỏ, không bị chìm, đã bắt đầu chuyến hải hành từ thị trấn Tobruk của Libya, gần biên giới Ai Cập.

Một thanh niên Ethiopie sống sót trong vụ này nói với các nhà báo là có rất ít người đi trên chiếc tàu lớn sống sót.

Ông Said Sadek, một nhà chính trị xã hội học nổi tiếng của Ai Cập nói với Đài VOA là nhiều di dân châu Phi và những người tị nạn bị các tay chuyển lậu người dụ trả tiền để thực hiện các chuyến hành trình nguy hiểm đến châu Âu:

“Những tay mafia châu Âu và châu Phi cấu kết với nhau để lấy tiền những người tị nạn và đưa họ vào những cuộc hành trình nguy hiểm như thế. Bọn chúng không màng gì đến mạng sống của những người này.”

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết có gần 1.000 người chết đuối khi những con tàu chở người tị nạn bị chìm ngoài khơi bờ biển Bắc Phi trong năm nay. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Nga-Ấn Độ-Trung Quốc kêu gọi đàm phán song phương --- Biển Đông: Trung Quốc giận giữ về bình luận của Anh

New Delhi bất ngờ ủng hộ Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông. Ấn Độ, Nga và Trung Quốc chủ trương “không nên quốc tế hóa tranh chấp về Biển Đông”. Đây là lần đầu tiên, cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa ba nước công bố thông cáo chung. Các bên trực tiếp đề cập đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, một hồ sơ không trực tiếp liên quan đến Ấn Độ và Nga.

Hai ngày sau khi cuộc họp kết thúc tại Matxcơva, tờ The Diplomat của Nhật Bản số ra ngày 21/04/2016 tiết lộ, trong bản thông cáo chung cuộc họp hôm 19/04/2016, ở điều khoản 21, ngoại trưởng Ấn Độ, Nga và Trung Quốc lưu ý : “Tất cả những tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường đối thoại giữa các bên liên quan. Thể theo tinh thần này, bộ trưởng ba nước kêu gọi tôn trọng đầy đủ các điều khỏan của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển - UNCLOS, cũng như Tuyên Bố Chung về Cách Ứng Xử - DOC liên quan đến khu vực Biển Đông, và nguyên tắc thực thi DOC”.

Từ năm 2002, ngoại trưởng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tổ chức một cuộc họp thường niên. Được tổ chức tại Matxcơva, trong hai ngày 18 và 19/04/2016, đây là lần đầu tiên ngoại trưởng ba nước công bố bản tuyên bố chung kết thúc cuộc họp. Trong khi đó, như ghi nhận của báo The Diplomat, tại cuộc họp hồi năm 2015, New Delhi, Bắc Kinh và Matxcơva đã hoàn toàn im lặng về các tranh chấp chủ quyền, cho dù Trung Quốc tới tấp xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền.

Vẫn theo tờ báo này, trong khóa họp lần thứ 14 giữa ngoại trưởng ba nước, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, các bên lên tiếng về Biển Đông vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vì bản đồ đường lưỡi bò ở Biển Đông.

Giới quan sát không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh đã thuyết phục được Matxcơva đứng về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông nhưng thái độ của New Delhi đang gây nhiều nghi vấn. Cho tới nay, Ấn Độ vẫn nghiêng về phía lập trường các đối tác như Mỹ, Việt Nam, Philippines, Úc và Nhật Bản, các nước này vốn ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải. Thậm chí, tuần trước, trong tuyên bố chung giữa bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ, New Delhi đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề “an ninh và quyền tự do lưu thông hàng hải, trong đó có Biển Đông”.

Câu hỏi đặt ra đối với giới phân tích : Liệu quan điểm Mỹ-Ấn và lập trường của New Delhi trong bản tuyên bố chung với Nga và Trung Quốc về Biển Đông có mâu thuẫn hay đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một vấn đề? - RFI

***
Theo hãng tin Reuteurs ngày 20/04/2016, Trung Quốc rất giận dữ về bình luận của một quan chức cao cấp Anh cho rằng Bắc Kinh phải tuân theo phán quyết của trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines-Trung Quốc về Biển Đông.

Quốc Vụ Khanh phụ trách Đông Á của Anh, Hugo Swire, cũng cho rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, được đưa ra vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu 2016, là một cơ hội để Trung Quốc và Philippines thiết lập lại đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ.

Theo phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh : « Bình luận của ông Swire thiếu căn cứ, một chiều, thiên vị và đi ngược lại một cách nghiêm trọng với cam kết không can thiệp của Anh. Chúng tôi rất thất vọng ».

Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Anh, đã cảnh báo Bắc Kinh hồi tháng Hai rằng Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của Tòa Án Thường Trực. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế với Trung Quốc là ưu tiên của Anh, được thể hiện rõ nét qua việc Luân Đôn đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 10/2015.

Ngoài ra, Anh là nước đầu tiên của khối G7 tham gia vào Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (AIIB) được Trung Quốc khởi xướng và hậu thuẫn. - RFI
|
|

3.
Biểu tình rầm rộ tại Mỹ phản đối con trai ông Hun Sen

Trung tướng Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, tuần này kết thúc chuyến công du 10 ngày tới Mỹ giữa các cuộc biểu tình của người Mỹ gốc Campuchia, khiến cộng đồng Khmer tại Mỹ chia rẽ. 

Ngày đầu tiên của chuyến đi, ông Manet buộc phải rút khỏi cuộc diễu hành năm mới tại Long Beach trước các cuộc biểu tình dữ dội.

Người biểu tình phản đối Thủ tướng Hun Sen và con trai của ông là Hun Manet đã vi phạm nhân quyền, giết chóc nhân dân Campuchia, và bán đất cho Việt Nam. Họ mang theo các logo bài Hun Sen, chống tham nhũng, cướp đất và nạn phá rừng.

Trả lời Ban Khmer đài VOA, ông Manet nói biểu tình là quyền của mọi người "trong khuôn khổ pháp lý" miễn là "không gây bạo lực với bất kỳ thành viên nào trong phái đoàn hay bất kỳ người nào tham gia lễ chào đón năm mới của người Khmer". 

Hơn 200 người đã xuống đường biểu tình tại nhà hàng La Lune ở Long Beach trong lúc một buổi tiếp tân riêng tư được tổ chức để chào đón ông Manet hôm 9/4. 

Người biểu tình cũng yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Hun Sen phóng thích các nhà hoạt động chính trị bị giam cầm.

Chặng dừng chân cuối cùng của ông tại Lowell cũng gặp phải biểu tình trước khi ông lên đường sang Canada.

Một trong những người tổ chức biểu tình nói thông điệp của các cuộc xuống đường này nhằm chứng tỏ cho ông Manet thấy rằng đàn áp người dân trong nước thì khi ra nước ngoài sẽ phải đau đầu tới mức nào. - VOA
|
|

4.
Đuốc Olympic khởi sự hành trình

Đuốc Olympic khởi sự cuộc hành trình tiến tới Rio de Janeiro cho Thế vận hội mùa hè vào tháng 8 tới đây.

Ngọn đuốc được thắp sáng trong một buổi lễ trang trọng hôm 21 tháng 4 tại Olympia, Hy Lạp, cái nôi của Thế vận hội Olympic.

Khoảng 450 người sẽ rước đuốc trong cuộc chạy tiếp sức 6 ngày xuyên suốt Hy Lạp, trong đó có một người tị nạn Syria đã xin tị nạn tại nước này.

Sau đó, đuốc sẽ được đưa tới nước chủ nhà Brazil để bắt đầu cuộc rước đuốc tiếp sức tại đây vào ngày 3/5.

Ngọn lửa sẽ đi qua 83 thành phố và 500 thị trấn của Brazil với 12.000 người rước đuốc.

Người cuối cùng sẽ mang ngọn đuốc tới bệ đuốc bên trong sân vận động Maracana trong lễ khai mạc vào ngày 5/8. Thế vận hội năm nay là lần đầu tiên Olympic được tổ chức ở Nam Mỹ.

Người hâm mộ có thể theo chân cuộc hành trình của ngọn đuốc bằng một tài khoản Twitter. - VOA
|
|

5.
Ả Rập Xê Út lạnh lùng đón tiếp tổng thống Mỹ Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du Ả Rập Xê Út từ ngày 20/04/2016. Chuyến thăm vương quốc Ả Rập lần cuối cùng của ông Obama trong tư cách tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh bang giao song phương bị nguội lạnh vì Ả Rập Xê Út không chấp nhận việc Hoa Kỳ cải thiện quan hệ với Iran.

Ngày 21/04, tổng thống Mỹ tham dự thượng đỉnh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh. Cách nay một năm, vua Ả Rập Xê Út đã tẩy chay hội nghị thượng đỉnh Vùng Vịnh được tổ chức tại Camps David, Hoa Kỳ.

Từ Riyad, thông tín viên Clarence Rodriguez tường trình:

"Bầu không khí khắc hẳn so với ba chuyến thăm Riyad trước đây. Vào lúc đó, tổng thống Barack Obama được mong đợi và được đón tiếp nồng nhiệt. Dấu hiệu của bầu không khí căng thẳng thực sự, tuy không nói ra, nhưng ai cũng thấy, đó là việc vua Salmane không ra đường băng để đón chào ông Obama. Sự kiện này cũng không được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia, vốn như thông lệ khi đón tiếp một nguyên thủ nước ngoài.

Cuộc gặp giữa vua Salmane và tổng thống Obama kéo dài trong hai giờ và hai bên đề cập đến các cuộc xung đột khu vực, cuộc đấu tranh chống lực lượng thánh chiến tại Syria và Irak. Hai bên cũng không quên nói tới Iran và chắc chắn đây là chủ đề ưu tiên, nóng bỏng, thậm chí đối với Ả Rập Xê Út thì vấn đề Iran còn đáng ưu tiên hơn cả cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Tiếp tục chuyến viếng thăm, hôm nay, tổng thống Mỹ tham dự thượng đỉnh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh. Đây là lần đầu tiên, ông Obama dự thượng đỉnh với sự hiện diện đầy đủ của cả sáu nước thành viên vùng Vịnh.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đã ngước nhìn trông ngóng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ để biết được tên của người kế nhiệm ông Obama". - RFI
|
|

6.
Xung đột sắc tộc tái bùng phát, tân chính phủ Miến Điện im lặng

Tại Miến Điện, tân chính phủ đã đi vào hoạt động, nhưng các cuộc xung đột sắc tộc lại bùng phát ở nhiều nơi, đặc biệt là tại bang Arakan, ở phía tây, gần khu vực biên giới chung với Bangladesh. Ở đây, một nhóm nổi dậy vũ trang, có tên gọi là Quân đội Arakan, đã đối đầu với quân đội của chính phủ. Thế nhưng, cho đến lúc này, tân chính phủ Miến Điện và kể cả bà Aung San Suu Kyi đều không lên tiếng.

Từ Rangoon, thông tín viên Remy Favre gửi về bài tường trình:

"Trong bốn ngày qua, 21 quân nhân đã thiệt mạng trong đó có một sĩ quan. Nhóm nổi dậy vũ trang Arakan đã loan tin như vậy. Quân đội Miến Điện phần nào khẳng định thông tin nói trên, nhưng đồng thời cho biết là đã chiếm được một vị trí nằm sâu trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.

Khác với các vùng vốn hứng chịu xung đột sắc tộc tại Miến Điện, tiến trình tái lập hòa bình tại bang Arakan bị bế tắc. Lý do là Quân đội Arakan bị loại ra khỏi tiến trình đàm phán hòa bình trong những năm gần đây. Do vậy, lực lượng này không tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng Mười năm 2015. Thậm chí, đầu năm nay, quân đội Miến Điện còn tuyên bố sẽ triệt hạ tổ chức nổi dậy này.

Kể từ khi tân chính phủ ủng hộ dân chủ bước vào hoạt động tại Miến Điện, lần đầu tiên một cuộc xung đột sắc tộc đã tái bùng phát mạnh mẽ. Hôm thứ Hai, 18/04, cố vấn Nhà nước, bà Aung San Suu Kyi, đã phát biểu trên truyền hình và khẳng định rằng hòa bình là một trong những ưu tiên của bà. Thế nhưng, bà giữ thái độ thận trọng trong hồ sơ gai góc này. Bằng chứng là giải Nobel Hòa Bình không hề đề cập một cách cụ thể đến cuộc xung đột ở bang Arakan. Bà cũng không cho biết là có muốn mời Quân đội Arakan tham gia vào các vòng đàm phán hòa bình sắp tới hay không" - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
130 nhà lãnh đạo chuẩn bị ký kết hiệp ước biến đổi khí hậu --- Lãnh đạo Mỹ, Châu Âu sắp họp tại Đức

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có hành động lịch sử tại Liên Hiệp Quốc vào ngày mai để tìm cách làm chậm lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sửa chữa một số thiệt hại khi họ ký thoả thuận toàn cầu về vấn đề khí hậu đạt được tại Paris hồi tháng 12 năm ngoái. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật từ New York.

Siêu bão Winston đã ập vào đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương hồi tháng hai vừa qua, giết chết 44 người và gây ra những thiệt hại vật chất lên tới 1 tỉ đô la.

Thủ tướng Fifi, ông Josaia Bainimarama, cho rằng những sự kiện thời tiết cực độ xảy ra mỗi lúc một nhiều là hậu quả của biến đổi khí hậu.

"Tần suất và cường độ của những sự kiện thời tiết cực độ như bão Winston đang trên đà gia tăng. Và tất cả chúng ta ai nấy đều phải lo lắng về ảnh hưởng của nó, không chỉ riêng cho chúng ta, mà còn cho những thế hệ mai sau."

Nhà lãnh đạo Fiji cho biết như thế trong lúc hơn 60 vị tổng thống và thủ tướng cùng với mấy mươi giới chức cấp cao của hơn 130 quốc gia tụ họp ở New York để ký kết thoả thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tán dương hiệp ước Paris là một “bước ngoặt” trong sự ứng phó của thế giới đối với nạn biến đổi khí hậu.

"Đó là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái đất, hành tinh có một không hai này."

Ngoài việc đồng ý ra sức giới hạn sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C, hiệp ước Paris cũng đề ra một lộ đồ cho việc giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và những biện pháp nhằm giảm bớt tác động của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu, trong đó có việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Ông Selwin Hart, viên chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết như sau về Hiệp ước Paris mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ ký kết vào ngày mai tại New York.

"Để Hiệp ước Paris có hiệu lực nó phải vượt qua hai ngưỡng cửa rất quan trọng. Thứ nhất là ít nhất 55 nước ký kết Công ước Khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu phải phê chuẩn hiệp ước, và thứ nhì là 55 nước đó phải là những nước chiếm 55% tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới."

Hiệp ước sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi có được sự phê chuẩn của 55 nước như vậy. Chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được phê chuẩn một cách nhanh chóng, hiệp ước này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nước chiếm khoảng 40% tổng số lượng khí thải toàn cầu, đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để vận động cho hiệp ước sớm được thực thi.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore sẽ đến dự lễ ký kết hiệp ước vào ngày mai và sẽ diễn thuyết tại một bữa ăn trưa do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande khoản đãi. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo Pháp, Anh, Ý và Đức vào tuần sau tại một cuộc họp không chính thức ở Đức để bàn về các vấn đề Syria, Libya và di dân.

Ông Obama sẽ dự cuộc họp vào ngày thứ hai tại thành phố Hanover với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Ý Matteo Renzi.

Các giới chức Anh và Pháp cho biết không có nghị trình được ấn định, nhưng cuộc thảo luận có thể bao gồm vụ khủng hoảng di dân, tình trạng bất ổn ở Bắc Phi và tình hình Syria và Ukraine.

Cuộc họp sẽ diễn ra sau khi ông Obama và bà Merkel đến dự hội chợ kỹ thuật công nghiệp ở Hanover.

Tổng thống Obama đến Đức trong chặng cuối của chuyến công du 3 nước còn đưa ông tới Ả rập Xê út và Anh. - VOA
|
|

8.
Đảng viên Cộng hòa, Dân chủ Mỹ xung khắc vì biển Đông

Chính sách về biển Đông của Tổng thống Obama đã bị chính một đảng viên Dân chủ chỉ trích hôm 19/4, và điều bất ngờ, là một người thuộc đảng Cộng hòa lại đứng lên bênh vực chính quyền hiện thời.

Sự việc xảy ra khi các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ điều trần trước tiểu ban đối ngoại Hạ viện và đề nghị tăng ngân sách cho khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, nơi hiện được coi là một ưu tiên chiến lược của chính phủ của ông Obama.

Dân biểu Brad Sherman từ California, một đảng viên Dân chủ có vị trí cao trong ủy ban, cáo buộc chính quyền của Tổng thống Obama nói quá tầm quan trọng của các hòn đảo không người ở tại vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Quan chức này cũng cho rằng Lầu Năm Góc cũng làm rùm beng mối đe dọa của Trung Quốc ở biển Đông. Dân biểu Sherman cho rằng nước Mỹ đã trở thành “kẻ hiếu chiến về những hòn đảo không có người ở, và ‘vô dụng’”.

Đáp lại, ông Daniel Russel, quan chức ngoại giao hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á, nói rằng Hoa Kỳ đứng lên để buộc các bên phải tuân thủ luật lệ quốc tế ở nơi mà Mỹ có các quyền lợi kinh tế và an ninh “sống còn”.

Ông nói thêm rằng chuyện không phải là về “những bãi đá” mà về “các luật lệ” mà Mỹ sẽ hưởng lợi.

Dân biểu Cộng hòa Matt Salmon từ tiểu bang Arizona trong ban chủ tọa cuộc điều trần đồng tình với ông Russel, đồng thời nói thêm rằng nếu các đảo đó vô giá trị thì “tại sao Trung Quốc lại xây đảo trên đó”. Ông Salmon cũng nói thêm rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực “đang hết sức quan ngại”.

Dù ông Salmon là người chỉ trích kịch liệt việc gia tăng chi tiêu đối với hầu hết các chương trình của chính phủ Mỹ, ông lại hết lòng ủng hộ đề nghị khoản ngân sách 1,5 tỷ đôla dành cho khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho năm tài khóa mới.

Hoa Kỳ nhiều lần nhấn mạnh không đứng về phía nào trong tranh chấp biển Đông, nhưng tuyên bố có quyền lợi quốc gia ở vùng biển này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

9.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc khi đến thăm Hà Nội

Trong thời gian thăm Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama vào tháng 5 tới, hôm 21/4, Thứ trưởng Ngoại giao Thường trực Mỹ Antony Blinken đã phát biểu trước hàng trăm sinh viên tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về vấn đề Biển Đông có tranh chấp, đang là tâm điểm chú ý không chỉ của người dân Việt Nam mà còn nhiều nước khác, Thứ trưởng Blinken nêu nghi vấn về các ý đồ của Trung Quốc khi họ thực hiện công trình bồi đắp quy mô lớn ở vùng biển.

Bài phát biểu của ông Blinken có đoạn: “Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Quốc cũng vậy. Nhưng công trình bồi đắp bồi đắp của họ ở Biển Đông và việc quân sự hóa ngày càng tăng các tiền đồn đã đổ thêm dầu vào căng thẳng ở khu vực và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về ý đồ của Trung Quốc”.

Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về phần lớn Biển Đông và có tranh chấp gay gắt với nhau, cho dù về mặt ngoại giao Việt Nam đã luôn thể hiện sự mềm mỏng đối với Trung Quốc trong phần lớn thời gian.

Đề cập đến tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển trong bài phát biểu, ông Blinken nói: “Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi và trợ giúp các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực. Chúng tôi không tìm kiếm các căn cứ, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đi biển, bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Ông Blinken nói Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và ông hy vọng Trung Quốc sẽ “hành xử phù hợp với các chuẩn mực, quy định và luật lệ quốc tế” vì điều đó không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà cả các nước khác nữa.

Ông nói tảng lờ đi những quy định và luật lệ đó sẽ đẩy Trung Quốc ra xa nhiều nước và qua thời gian sẽ làm suy giảm thay vì nới rộng thế lực của Trung Quốc.

Về quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ, Thứ trưởng Blinken không ngại đề cập đến các vấn đề chính trị trong quan hệ giữa hai nước. Ông nhìn nhận có những khó khăn trong quá khứ và những khác biệt về thể chế chính trị giữa hai nước. Nhưng ông khẳng định cả hai nước đều đang mong muốn tăng cường các mối quan hệ, trong đó có những lĩnh vực hợp tác mà trước đây cả hai quốc gia đều khó có thể tưởng tượng được như quân sự hay nhân quyền.

Ông Blinken nói chính phủ Việt Nam cần phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và ngưng bắt bớ những người “thực hiện các quyền được quốc tế công nhận”.

Hướng về tương lai, vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ phát biểu: “Chúng ta không quên lịch sử nhưng không để quá khứ chi phối tương lai. Chúng ta dựa vào ngoại giao để mở một chương mới”.

Tiên liệu về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama, ông Blinken nói: "Vào tháng 5, khi chuyên cơ Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, ông ấy một lần nữa sẽ chứng minh rằng những cựu thù có thể trở thành những đối tác".

Dự kiến Tổng thống Obama sẽ đi cùng một phái đoàn đông đảo tới Việt Nam. Ông Blinken cho hay, với các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, Mỹ hy vọng trong 20 năm tới, hai nước sẽ có quan hệ đối tác chặt chẽ, chia sẻ nhiều giá trị và nguyên tắc. - VOA
|
|

10.
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt lo ngại bản dịch 'The Sympathizer' bị kiểm duyệt

Mặc dù rất bận rộn với chuyến đi quảng bá sách tại Cambridge, bang Massachusetts, cũng như vẫn chưa hết sửng sốt về việc được trao giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” của mình, song Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt cũng đã cố gắng dành thời gian trả lời phỏng vấn của Đài VOA về vinh dự của ông khi nhận giải thưởng danh giá này. Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn do An Tôn thực hiện.

VOA: Xin chào giáo sư và chúc mừng ông về giải Pulitzer. Triết lý của cuốn tiểu thuyết là gì, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Triết lý của cuốn tiểu thuyết là trạng thái ở giữa các bên nghĩa là thế nào. Tôi lớn lên với tư cách là một người tị nạn do Chiến tranh Việt Nam, và tôi nhận thức rõ về thực tế là những người Mỹ mà tôi sống cùng nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng, còn những người tị nạn Nam Việt Nam mà tôi sống cùng lại nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng khác.

Khi tôi nhiều tuổi hơn và đọc thêm về cuộc chiến từ góc nhìn của những người Việt Nam đã chiến thắng, tôi thấy họ cũng nhìn cuộc chiến theo một cách riêng. Và những cách nhìn này đều hoàn toàn khác nhau, và mọi người đều gắn chặt với thế giới quan riêng và những nỗi đau của họ.

Tôi cho rằng điều đó là một vấn đề rắc rối, vì đó là cách người ta nghĩ về chiến tranh, nhớ về chiến tranh, và đó chính là cách chúng ta cài đặt bản thân mình cho những cuộc chiến trong tương lai bằng việc chỉ nhớ về những nỗi đau, những vấn đề của riêng chúng ta.

Vì vậy, tôi đã muốn sáng tác ra một cuốn tiểu thuyết về một người đàn ông mà mặc dù ông ta mạnh mẽ tin tưởng vào một điều song cũng bị giằng xé, bị mắc kẹt giữa các bên vì ông có thể thông cảm với những người có các quan điểm khác nhau. Đó là đức tính nhưng cũng là bi kịch của ông, vì ông có đức tính đó trong một thế giới mà mọi người vẫn muốn nhìn mọi sự việc chỉ theo một cách thôi. Do đó, người ta có thể làm những điều kinh khủng, và đó chính là điều xảy ra với ông.

Nhưng tôi hy vọng cuốn tiểu thuyết sẽ kích thích người ta phải nghĩ vì sao lại chỉ nhìn thế giới theo một cách, và liệu có thể nhìn thế giới theo nhiều cách thì sao.

VOA: Ông đã lấy cảm hứng từ ai để viết cuốn tiểu thuyết, nếu như có một nhân vật như vậy?

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Chắc chắn tôi biết có một gián điệp ở Nam Việt Nam đã rất thành công và leo lên vị trí rất cao trong bộ máy Nam Việt Nam. Nhưng khi viết tiểu thuyết, tôi muốn viết về một tay gián điệp hư cấu gây lôi cuốn mọi người, một phần vì chuyện lịch sử, một phần vì tôi muốn cuốn tiểu thuyết có tính giải trí, giống như các tiểu thuyết bán chạy.

Và tôi muốn gặp các độc giả ở giữa chừng với việc kể câu chuyện có cốt truyện thuyết phục song cũng đòi hỏi độc giả phải gặp tôi ở giữa chừng trong việc đối đầu với những vấn đề rất khó khăn mà cuộc đời của một tay gián điệp là biểu tượng cho những điều tôi cho là gắn trực tiếp với thảm kịch của cuộc chiến này đối với mọi người.

VOA: Ông đã thu thập các thông tin, chất liệu như thế nào để viết?

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Khi tôi lớn lên, tôi đọc rất nhiều sách về lịch sử của cuộc chiến. Tôi đọc nhiều tiểu thuyết về cuộc chiến, xem nhiều phim Mỹ về cuộc chiến, và nghiên cứu về nó. Rồi khi tôi trở thành một giáo sư, tôi có cách nhìn học thuật về điều này, và tôi đã đi tới Việt Nam, Campuchia và Lào, dành một năm ở 3 nước.

Từ chuyến thăm đó, và những tiếp xúc với những người tị nạn Nam Việt Nam, và với những người ở Việt Nam đã mang lại cho tôi đủ cảm nhận về lịch sử, về đất nước, về cảm xúc của con người để tôi có thể viết cuốn tiểu thuyết.

Có hai sự kiện tôi nhấn mạnh trong tiểu thuyết là lúc Sài Gòn thất thủ, hay giải phóng Sài Gòn theo cách gọi của bên kia, và việc làm bộ phim Apocalypse Now. Có hai trường đoạn về cái kết của cuộc chiến và về việc sản xuất một bộ phim có vẻ giống Apocalypse Now.

Tôi đã đọc tất cả những gì có thể đọc về Apocalypse Now cũng như về ngày Sài Gòn thất thủ. Đó là những trang đầu của tiểu thuyết. Tôi rất chú tâm bảo đảm viết đúng về lịch sử, về những gì diễn ra hàng tuần, hàng ngày, và ở những trang cuối là hàng phút, đối với thành phố vào cuối tháng 4 năm 1975.

VOA: Ông từng nói ông viết cuốn tiểu thuyết chỉ dành cho bản thân. Nhưng giờ đây nó trở nên rất nổi tiếng, ông có muốn in nó ở Việt Nam không?

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi đã có hợp đồng với một nhà xuất bản ở Việt Nam và họ đang trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết, và tôi cho là việc giành giải Pulitzer sẽ tăng tính cấp bách cho công việc dịch [cười]. Người ta hứa với tôi là bản dịch sẽ tốt. Nhà xuất bản cũng có danh tiếng.

Nhưng lo ngại lớn của tôi là việc kiểm duyệt. Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người – người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng.

Vì vậy, có điều khoản trong hợp đồng nói rằng nếu bản dịch bị kiểm duyệt, tôi sẽ nhận lại bản dịch. Nếu quả thực xảy ra việc kiểm duyệt, tôi sẽ làm hết sức mình để công bố bản dịch chính xác và cung cấp cho mọi người Việt Nam hoàn toàn miễn phí.

VOA: Trên Facebook, trên mạng xã hội, người ta nói là báo chí ở Việt Nam được đề nghị không đề cập đến ông khi đưa tin về giải Pulitzer. Ông nghĩ gì về điều này?

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Quả thực tôi không nghĩ gì về chuyện đó. Giờ đây, khi nghe về điều đó, trong mấy ngày qua, là tên tôi không được nêu ra trong các tin [ở Việt Nam] về giải Pulitzer, tôi không thấy ngạc nhiên, tôi hơi thất vọng, và cũng rất buồn cười, bởi vì đó chính là kiểu tình huống mà tôi đã đưa vào cuốn tiểu thuyết.

VOA: Nếu chính quyền ngăn cản việc xuất bản cuốn tiểu thuyết, ông sẽ cảm thấy thế nào, ông có thể bình luận gì?

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi sẽ không ngạc nhiên. Thực ra tôi ngạc nhiên khi có nhà xuất bản muốn in cuốn tiểu thuyết. Không phải vì chuyện tại sao họ muốn in. Tất nhiên có nhiều người ở Việt Nam rất muốn đọc. Mà tôi ngạc nhiên là có nhà xuất bản lại nghĩ họ có thể đưa ra thị trường cuốn tiểu thuyết không bị kiểm duyệt. Tôi không rõ tình hình hiện như thế nào, đằng sau hậu trường, ở Việt Nam.

Tôi dự liệu rằng bản dịch sẽ bị kiểm duyệt, và tôi sẽ phải tự mình xuất bản nó, nhưng tôi sẵn sàng làm như vậy.

VOA: Xin cảm ơn ông và chúc ông có thành công to lớn hơn! - VOA
|
|

11.
Ông Nguyễn Đan Quế được giải nhân quyền

Một giải thưởng nhân quyền của Hàn Quốc đã trao giải cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Giải thưởng cũng cùng trao cho Liên minh vì bầu cử trong sạch và công bằng (Bersih) ở Malaysia.

Giải nhân quyền Gwangju, ra đời năm 2000, đánh dấu cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại thành phố Gwangju năm 1980.

Mặc dù bị đàn áp đẫm máu, sự kiện này được gọi là cột mốc trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ tại Hàn Quốc.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sinh năm 1942 ở Hà Nội rồi di cư vào Nam năm 1954.

Ông tốt nghiệp bác sĩ năm 1966, làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy và dạy ở Đại học y khoa Sài Gòn.

Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam và bị bắt năm 1978, bị giam 10 năm vì hoạt động “lật đổ”.

Năm 1990, ông thành lập tổ chức Cao trào nhân bản, yêu cầu đa nguyên, đa đảng.

Tháng Sáu năm đó ông bị bắt và kết án 20 năm tù trước khi được ân xá năm 1998.

Năm 2004, ông lại bị xử 30 tháng tù giam, nhưng được đặc xá sau sáu tháng thụ án.

Thông cáo giải thưởng Gwangju nói “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc của bác sĩ Quế và sự trừng phạt mà ông gánh chịu đã tạo cảm hứng cho con người toàn thế giới lên tiếng thay mặt ông”.

Ban tổ chức nói người được giải sẽ nhận tiền thưởng 50.000 đôla và được trao tại buổi lễ ngày 18/5 ở Hàn Quốc.

Lãnh đạo dân chủ Myanmar, Aung San Suu Kyi, từng được trao giải này năm 2004.

Nhưng năm 2013, bà mới có thể đến thành phố Gwangju để nhận giải. - BBC

No comments:

Post a Comment