Monday, April 25, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 25/4

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ: ‘Thế giới cần một EU vững mạnh, đoàn kết’

Tổng thống Mỹ hôm nay tuyên bố chấp thuận triển khai thêm 250 binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm tới Syria để củng cố những thắng lợi đạt được trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông Barack Obama cũng kêu gọi các đồng minh Châu Âu cùng gánh vác gánh nặng.

Trong bài diễn văn tại Đức, Tổng thốngng Obama cho biết lực lượng Mỹ sẽ không dẫn đầu cuộc chiến trên bộ nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tiến bộ đạt được trong những tháng gần đây chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ không thể một mình chiến thắng trong cuộc chiến này mà phụ thuộc vào một khối EU vững mạnh chia sẻ gánh nặng vì một nền an ninh chung.

Ông Obama nhấn mạnh ‘Sự thống nhất và thịnh vượng của Châu Âu vốn đã hội nhập với Hoa Kỳ, thế giới rất cần một EU vũng mạnh đoàn kết.’

Hôm nay, Tổng thống Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo từ Pháp, Anh, Đức và Italy để thảo luận xem các nước có thể cùng góp phần thế nào vào cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo xét về mặt binh sĩ và hỗ trợ tài chính.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Đây vẫn là một cuộc chiến khó khăn mà không ai trong chúng ta có thể tự thân một mình giải quyết".

Trước đó trong ngày, ông Obama tham quan hội chợ kỹ nghệ công nghiệp lớn nhất thế giới tại Hannover. Ông chào hàng những sáng kiến của Hoa Kỳ và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa.

Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hannover Messe, ông Obama nhắc lại sự ủng hộ đối với thỏa thuận tự do thương mại quan trọng Mỹ- Đức và gọi môi trường cạnh tranh giữa doanh nghiệp đôi bên mà thỏa thuận mang lại là ‘thân thiện’ và ‘lành mạnh’.

Ông nói ‘Chúng ta sẽ thấy có thêm nhiều quan hệ đối tác, thêm thương mại, và thêm công ăn việc làm cho người dân đôi bờ Đại Tây Dương. Cả hai nước đều muốn định hình kiến tạo, muốn được nhìn về phía trước trong thế giới của ngày mai.’

Sau đôi lời phát biểu ngắn, hai nhà lãnh đạo đi tham quan hội chợ, dừng chân tại một số gian hàng của Mỹ và các công ty mới thành lập.

Hoa Kỳ và Đức là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Lãnh đạo hai nước hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ xây dựng sự hỗ trợ cho Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP.)

Chính phủ Đức đang đẩy mạnh thỏa thuận này, nói rằng thỏa thuận sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và mang lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cơ hội tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong khi giảm bớt tính quan liêu.

Những người phản đối chỉ trích điều mà họ gọi là các cuộc đàm phán không rõ ràng được thực hiện tránh sự giám sát của công luận, họ e rằng hiệp ước sẽ trao quá nhiều quyền lực vào tay các công ty đa quốc khổng lồ mà người tiêu dùng và người lao động là những nạn nhân sẽ bị thiệt thòi.

Các quan chức ước tính thỏa thuận này giữa Hoa Kỳ-Châu Âu sẽ tăng thêm 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nền kinh tế ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đàm phán về thỏa thuận này từ năm 2013, những người ủng hộ hy vọng thỏa thuận T-TIP sẽ có thêm xung lực mới khi mà giờ đây Mỹ, Nhật, và các nước khác trong vành đai Thái Bình Dương đã đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận riêng.

Sau lịch trình tại Đức, Tổng thống Mỹ theo kế hoạch sẽ quay về Washington. - VOA
|
|

2.
Bầu cử tổng thống Áo: Đảng cực hữu dẫn đầu vòng một

Địa chấn chính trị đã dtại nước Áo. Ứng cử viên của đảng cực hữu, Norbert Hofe, đã về đầu với số phếu áp đảo ở vòng một của cuộc bầu cử tổng thống Áo, diễn ra ngày 24/04/2016.

Với 36,4% phiếu thu được, ứng viên của đảng cực hữu sẽ đối mặt với ứng cử viên độc lập Alexander van der Bellen, cựu thủ lĩnh đảng Xanh của Áo với 20,4% phiếu bầu tại vòng một.

Ông Norbert Hofer, ứng viên của đảng Tự Do (FPO) đã vận động tranh cử với hai chủ đề chính là chống nhập cư và chống Liên Hiệp Châu Âu.

Điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử tổng thống Áo lần này đó là tỷ lệ tham gia bầu cử tăng vọt : 70% cử tri so với con số gần 50% cách đây 6 năm. Khi đó, tổng thống mãn nhiệm Heinz Fischer đã tái đắc cử. Ở kỳ bầu cử này, ông Fisscher đã 77 tuổi, không được quyền ra ứng cử.

Cho dù kết quả ở vòng hai vào ngày 22/5 tới đây thế nào, thì đây là lần đầu tiên kể từ khi Áo tái bầu cử phổ thông đầu phiếu, một tổng thống sẽ không thuộc phe bảo thủ hay phe xã hội-dân chủ, hai đảng phái chính trị truyền thống chủ yếu ở nước Áo. Kỳ bầu cử lần này, hai phe trên đã thất bại nặng nề, không thuyết phục được quá 15% cử tri Áo.

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Áo ở vòng một ngày 24/04 một lần nữa khẳng định xu thế đang lên của trào lưu dân túy ở nhiều nước tây Âu, trong bối cảnh các nước này đang gặp khủng hoảng kinh tế, nhập cư, cũng như vấn đề an ninh quốc nội đang bị đe dọa. - RFI
|
|

3.
Ấn Độ thu hồi thị thực của nhà lãnh tụ người Uighur

Ấn Độ thu hồi visa du lịch gia hạn cho một lãnh tụ đối lập Trung Quốc sống lưu vong tại Đức, người dự định tới Ấn Độ để tham dự một hội nghị trong tuần này tại trụ sở của chính phủ lưu vong Tây Tạng ở Bắc Ấn.

Các quan chức New Delhi không đưa ra lý do về việc thu hồi thị thực của nhà hoạt động Uighur, Dolkun Isa, nhưng người ta tin rằng đây là do áp lực từ Bắc Kinh.

Nhà hoạt động Isa bị Bắc Kinh dán nhãn khủng bố là Chủ tịch Nghị hội Uighur Thế giới, tổ chức cổ xúy cho dân chủ-nhân quyền. Uighur là cộng đồng sắc tộc thiểu số từ khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc có lịch sử bất hòa lâu dài với Bắc Kinh.

Tuần trước, phản ứng về việc Ấn Độ cấp visa cho ông Isa, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, tuyên bố ‘Dolkun Isa là một tay khủng bố trong danh sách đỏ của Interpol và công an Trung Quốc. Các nước liên quan có nghĩa vụ phải đưa ông ta ra trước ánh sáng công lý.’

Việc Ấn Độ cho phép lãnh đạo Uighur tới Ấn Độ được truyền thông Ấn mô tả là đòn ngoại giao ‘ăn miếng trả miếng’.

Ấn Độ từng khó chịu vì Bắc Kinh ngăn trở nỗ lực của New Delhi tại Liên hiệp quốc muốn liệt kê người đứng đầu nhóm chủ chiến Jaish-e Mohamad có trụ sở tại Pakistan vào danh sách khủng bố và xem đây là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đứng về phe Pakistan.

Thị thực Ấn Độ cấp cho ông Isa cũng được xem là dấu hiệu cho thấy chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sẵn sàng có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Quyết định của Ấn Độ thu hồi thị thực nhập cảnh của ông Isa gặp nhiều chỉ trích. Người phát ngôn Sanjay Jha thuộc Đảng Quốc đại, đảng đối lập chính tại Ấn Độ, gọi là ‘sai lầm của khu vực Himalaya.’ - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ ‘giải mã’ Chiến tranh VN trước chuyến thăm của ông Obama --- Ngoại trưởng Mỹ sẽ dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam

Hàng nghìn người ở Mỹ sẽ tham dự một sự kiện lớn, đánh giá lại cuộc chiến "nồi da xáo thịt" ở Việt Nam hàng chục năm trước, trước thềm chuyến công du sắp tới của Tổng thống Barack Obama.

Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam sẽ diễn ra trong ba ngày tuần này tại Texas trong khuôn viên Thư viện Lyndon Baines Johnson, vị tổng thống thứ 36 của nước Mỹ bị coi là “làm leo thang sự can dự của Hoa Kỳ” vào một trong những cuộc chiến gây tranh cãi nhất nước Mỹ ở cách xa nửa vòng trái đất.

Hội nghị Thượng đỉnh chiến tranh Việt Nam sẽ khai mạc ngày 26/4 và kết thúc ngay trước ngày đánh dấu 41 năm năm Sài Gòn thất thủ.

Bà Amy Barbee, một thành viên ban tổ chức và hiện là Giám đốc Điều hành của Quỹ LBJ, cho VOA Việt Ngữ biết rằng đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo quy mô lớn về chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 5 nghìn người, diễn ra trên đất Mỹ.

Bà cho biết thêm: “Đây là một sự kiện quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày về cuộc chiến Việt Nam nhắm mục đích tìm hiểu về những bài học cũng như di sản của cuộc chiến này, đồng thời tôn vinh các binh sĩ tham chiến ở Việt Nam”.

Tới dự sự kiện này có nhiều quan chức Mỹ, cả cựu lẫn đương thời, từng có mối ràng buộc với cuộc chiến làm hàng triệu người thiệt mạng ở cả hai phía.

Trước khi tháp tùng Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào tháng tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có bài phát biểu mà nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ nhìn lại cuộc chiến khốc liệt cũng như mối quan hệ nảy nở từ thù thành bạn của Hà Nội và Washington.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng sẽ có mặt, và dự kiến sẽ tham gia cuộc thảo luận thẳng thắn với người tham dự về Chiến tranh Việt Nam, sau khi lên tiếng về cuộc chiến từng giúp ông giành giải Nobel Hòa Bình.

"Từ thù thành bạn"

Ngoài ra, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, cũng sẽ phát biểu, nhưng theo đại diện ban tổ chức, ông không trả lời bất kỳ câu hỏi cũng như cuộc phỏng vấn nào.

Bà Amy Barbee nói thêm với VOA Việt Ngữ: “Lý do chúng tôi mời Đại sứ Việt Nam tới dự và phát biểu vì chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam, muốn nghe Ngài Đại sứ nói về mối quan hệ và trao đổi giữa hai nước hiện nay cũng như các cơ hội về kinh tế và thương mại".

Bà nói tiếp: "Chúng tôi cũng có một số cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa tham dự. Nhưng trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh lần này là về những trải nghiệm của phía Mỹ”.

Bà cho biết thêm rằng thời điểm sự kiện diễn ra ngay trước chuyến công du Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Barack Obama hoàn toàn “ngẫu nhiên” và công tác chuẩn bị đã được tiến hành hơn một năm trước.

Trong tháng này, phát biểu tại Đại học Virginia, Đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông cũng cho biết thêm rằng cả Hà Nội và Washington “đang tích cực chuẩn bị” cho chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng vào tháng tới.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở thủ đô Washington còn cho rằng, trong thời gian tới, “hai bên cần tiếp tục tăng cường các lĩnh vực hợp tác được đề ra trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện, trên cơ sở các nguyên tắc quan hệ về bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích và thể chế chính trị của mỗi nước”.

Tin cho hay, tổ chức có tên gọi Cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận dự kiến sẽ thực hiện một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài Thư viện Tổng thống LBJ vì cho rằng những người từng thuộc lực lượng Việt Nam cộng hòa không có cơ hội phát biểu tại sự kiện này.

Một lý do khác dẫn tới cuộc tuần hành là ban tổ chức đã mời Đại sứ Phạm Quang Vinh tới phát biểu. Tổ chức trên cho rằn đây là hành động “không thể chấp nhận được" vì “Việt Nam là nước độc tài, áp chế người dân, khiến hàng triệu người phải bỏ tổ quốc đi tị nạn vào tháng Tư năm 1975”.

Hiện chưa rõ nhà ngoại giao đại diện cho Việt Nam ở Mỹ có đề cập tới vấn đề hòa giải dân tộc trong bài phát biểu của mình hay không. - VOA

***
Ngoại Trưởng Kerry sẽ tháp tùng Tổng Thống Obama trong chuyến đi đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Việt Nam vào tháng Năm tới đây.

Hãng tin AP cho hay trước chuyến đi này, Ngoại Trưởng Kerry sẽ bỏ ra một ngày để nói về những liên hệ lâu năm và đầy phức tạp của ông với Việt Nam, trước hết trong tư cách một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, và sau đó một nhân vật phản chiến và một nhà hoạt động chính trị. Ông sẽ đến dự cuộc hội thảo về Chiến tranh Việt Nam tại thư viện Tổng thống Lyndon Johnson ở tiểu bang Texas vào ngày mai.

Trước chuyến đi thăm Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã vận động các dân biểu đại diên cho họ tại Hạ Viện ký tên trong văn thư gởi Tổng Thống Obama nhằm kêu gọi ông lên tiếng về nhân quyền trong chuyến công du Việt Nam. Trong danh sách những đòi hỏi đó có những điểm sau đây:

-  Trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm.

-  Ngưng các hành động sách nhiễu, bắt bớ và truy tố các nhà hoạt động dân chủ và các blogger.

-  Tôn trọng quyền tự do phát biểu và tiếp cận internet.

-  Cải tổ luật cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.

-  Điều tra những hành vi vi phạm nhân quyền của công dân bởi giới chức thẩm quyền.

-  Tôn trọng quyền thành lập nghiệp đoàn tự do và độc lập của người lao động.

-  Thông qua luật tín ngưỡng và tôn giáo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin.

Phát biểu tại Hà Nội hôm 21/4, Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền con người.

Ông nói hai nước đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong nỗ lực đào sâu và phát triển các quan hệ trong nhiều lĩnh vực mà chỉ cách đây không lâu, hai bên không thể nào tưởng tượng có thể đạt đuọc, nhưng muốn đối phó với những thách thức hiện tại, và đạt được tiềm năng rất lớn của mình, Việt Nam cần có một nền giáo dục đặt trên nền móng của tự do tư tưởng và tự do trao đổi ý kiến, một nền kinh tế dựa trên pháp quyền, và sự tôn trọng các quyền, quyền tự do, và nhân cách của tất cả.

Phó Ngoại Trưởng Blinken nói: “Quyền tự do phát biểu, thờ phượng, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến bất đồng, thách thức, biểu tình, và tham gia các quyết định kinh tế và chính trị có ảnh hưởng cuộc sống của một người, là những yêu tố thiết yếu cho bất cứ nước nào muốn cởi trói tài năng của các công dân của mình.”

Ông Antony Blinken có mặt trong phái đoàn tới Việt Nam để thương lượng những thoả thuận về chính sách giữa 2 quốc gia trước chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ.

Tổng Thống Obama sẽ trở thành vị tổng thống Mỹ thứ 3 tới thăm Việt Nam. - VOA
|
|

5.
Ông Kasich, Cruz liên minh để ngăn chặn tỉ phú Trump

Nỗ lực để ngăn tỉ phú Donald Trump trở thành ứng cử viên tổng thống được đề cử của đảng Cộng hòa bước sang một bước mới vào tối ngày Chủ Nhật khi hai đối thủ chính của ông Trump công khai nêu chi tiết về kế hoạch của họ để hợp lực chống lại ông Trump tại 3 tiểu bang. Thông tín viên Chris Hannas tường thuật.

Kể từ khi thắng cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang New Hampshire ngày 9 tháng 1 năm nay, Ông Trump đã dẫn đầu trong cuộc chạy đua của các ứng cử viên đảng Cộng hòa để chiếm lại Tòa Bạch Ốc khi nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama chấm dứt vào đầu năm tới.

Tuy nhiên chiến dịch của ông Trump, một chiến dịch vào lúc đầu được xem là sẽ nhanh chóng tàn lụi, đã làm nhiều người trong đảng thấy khó chịu vì những lời tuyên bố gây tranh cãi của ông về di trú và chính sách ngoại giao cũng như những nghi vấn về sự gắn bó của ông với đảng và lập trường của đảng.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng trước khi đại hội đảng Cộng hòa diễn ra tại Cleveland. Ông Trump đang trong vị thế được xem là ứng cử viên duy nhất có cơ may đạt được túc số 1.237 đại biểu để được đề cử.

Tuy nhiên, việc này không làm cho Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz và Thống đốc Ohio John Kasich ngưng chiến dịch tranh cử của họ. Hai người này không ngớt tuyên bố ông Trump là mối nguy hiểm cho đảng và cho rằng nếu ông Trump được đề cử thì ứng cử viên của đảng Dân chủ - chắc chắn là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, sẽ dễ dàng thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Ngày hôm qua, hai ông Cruz và Kasich công bố kế hoạch ngăn ông Trump đạt được 1.237 đại biểu.

'Chia để trị'

Trong những những tuyên bố đưa ra cách nhau 15 phút, ban vận động tranh cử của ông Kasich và ông Cruz, nói rằng ông Kasich sẽ đứng ra ngoài và nhường cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3 tháng 5 tại tiểu bang miền trung tây nước Mỹ Indiana cho ông Cruz.

Tiểu bang Indiana ngày càng có vẻ như là tiểu bang trọng yếu để biết được nỗ lực ngăn chặn ông Trump có thành công hay không. Tiểu bang này có 57 đại biểu, người thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ sẽ chiếm được 30 đại biểu, số còn lại sẽ chia cho người thắng tại mỗi đơn vị bầu cử.

Tổng hợp các cuộc thăm dò trong tuần qua cho thấy ông Trump dẫn đầu tại Indiana với khoảng 39% số phiếu bầu so với 33% cử tri ủng hộ ông Cruz và 19% ủng hộ ông Kasich. Nếu kế hoạch Cruz-Kasich được tiến hành như dự trù, ông Cruz có thể chiến thắng tại Indiana và ông Trump sẽ mất một số đại biểu quan trọng.

Ban vận động tranh cử của ông Cruz cho biết thỏa thuận với ông Kasich là nhằm đảm bảo là ứng cử viên được đề cử của đảng Cộng hòa là người có thể tạo sự đoàn kết trong đảng. Họ nói:

“Có ông Donald Trump đứng đầu liên danh trong cuộc bầu cử vào tháng 11 chắc chắn là một tai họa cho đảng Cộng hòa. Không phải chỉ là ông Trump sẽ bị bà Clinton hay ông Sanders đánh bại, mà việc ông Trump được đảng đề cử sẽ làm cho đảng thụt lùi cả thế hệ.”

Ông Trump đã chỉ trích ông Cruz lẫn ông Kasich. Ông nói rằng hai người ngày vẫn còn tham gia cuộc chạy đua nhưng “không có con đường nào để chiến thắng cả.” Ông nói trong tuần qua là hai người này nên bỏ cuộc để giúp đảng Cộng hòa đoàn kết.

Để đổi lấy việc không vận động tranh cử mạnh mẽ tại Indiana, ông Kasich được ông Cruz hứa là sẽ đứng ngoài và không vận động tại hai tiểu bang Oregon và New Mexico ở miền tây. Oregon có 28 đại biểu trong cuộc bầu cử ngày 17 tháng 5, trong khi New Mexico có 24 đại biểu trong cuộc bầu cử ngày 7 tháng 6.

Mưu đồ

Ban vận động tranh cử của ông Kasich cho biết “Mục tiêu của chúng tôi là có được một đại hội mở rộng tại Cleveland, nơi chúng tôi tin tưởng là sẽ xuất hiện một ứng cử viên có khả năng đoàn kết đảng và thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Chúng tôi tin đó là ông John Kasich, ứng cử viên duy nhất có thể đánh bại Ngoại trưởng Hillary Clinton và giúp cho đảng Cộng hòa của chúng ta duy trì thế đa số tại quốc hội.”

Cả hai ban vận động tranh cử của ông Cruz và ông Kasich đều nói họ sẽ tranh đua với nhau một cách kịch liệt tại những tiểu bang còn lại.

Nếu ông Trump không đạt được đa số trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại đại hội đảng Cộng hòa, thì các đại biểu được tự do bỏ phiếu khác với những kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ. Điều đó có nghĩa là ông Kasich, dù đứng xa ở đằng sau về con số các đại biểu, cũng có cơ may được đề cử.

Các cuộc thăm dò cho thấy nếu cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 được tổ chức ngay bây giờ, đảng Cộng hòa có nhiều cơ hội thắng thế hơn với ông Cruz hay ông Kasich. Các cuộc thăm dò chính cho thấy bà Clinton hơn ông Trump 10 điểm, hơn ông Cruz khoảng 2 điểm, nhưng thua ông Kasich 8 điểm.

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders, là người hiện đang ra sức vận động để xóa bỏ sự cách biệt khá xa với bà Clinton về số đại biểu, sẽ đánh bại cả 3 ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nhưng chỉ thắng ông Kasich với mức chênh lệch khá thấp. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam: Ván cờ ngoại giao ở Vịnh Cam Ranh --- Trung Quốc sắp xây chốt tại đảo tranh chấp với Philippines

Tờ Nikkei Asian Review ngày 25/04/2016 có bài viết nhân sự kiện hai khu trục hạm của Nhật Bản viếng thăm Vịnh Cam Ranh ngày 12/04 vừa qua. Đây là lần đầu tiên các chiến hạm của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản ghé thăm cảng này, chỉ nằm cách hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khoảng 550 km.

Nikkei Asian Review nhận định, đối với Việt Nam, chuyến viếng thăm của chiến hạm Nhật đặt họ vào thế khó xử. Một mặt, chuyến đi này là lời cảnh báo gởi đến Trung Quốc, hiện đang xây dựng một căn cứ quân sự ở vùng biển tranh chấp. Mặt khác, việc này có thể gây bất bình cho láng giềng khổng lồ, vốn có quan hệ chính trị và kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam.

Chính vì vậy mà Hà Nội đã chọn giải pháp trung dung. Họ đã yêu cầu là khi hai khu trục hạm Ariake và Setogiri đi vào Vịnh Cam Ranh, sẽ không có tàu ngầm huấn luyện Oyashio đi theo. Cả ba chiếc tàu này trước đó đã ghé thăm Vịnh Subic của Philippines ngày 03/04.

Việt Nam chắc là đã rất muốn được tận mắt nhìn ngắm công nghệ tiên tế của tàu ngầm Nhật Bản, nhưng cuối cùng đã quyết định không để Oyashio đi vào cảng Cam Ranh, vì theo lời một quan chức Nhật Bản được Nikkei Asian Review trích dẫn, "tàu ngầm là vấn đề "nhạy cảm" nhất đối với Trung Quốc và Việt Nam đã không muốn làm Bắc Kinh giận dữ",

Để đối đấu với Trung Quốc, năm 2015, Việt Nam đã tăng cường lực lượng tàu ngầm, triển khai 6 tàu ngầm hạng Kilo của Nga tại căn cứ ở Vịnh Cam Ranh. Về phần Trung Quốc thì đang có trong tay hơn 70 tàu ngầm.

Theo dự kiến ban đầu, một chỉ huy của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản sẽ mở một cuộc họp báo trên đất liền sau khi tàu cập bến cảng Cam Ranh. Nhưng vào giờ chót, Việt Nam đã thay đổi chương trình, để cho viên chỉ huy này phát biểu với báo chí trên một chiến hạm Nhật, dường như là để cho cuộc họp báo không diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng tuyên bố là Vịnh Cam Ranh sẽ không bao giờ được sử dụng cho hợp tác quân sự với bất cứ quốc gia nào và cho tới nay vẫn giữ như vậy. Nhưng trước việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, đặc biệt là xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa và triển khai tên lửa ở Hoàng Sa, Việt Nam đang buộc phải xét lại chính sách này.

Cảng Cam Ranh nay được cả hai khu vực dân sự và quân sự sử dụng và được mở cửa đón tiếp chiến hạm của mọi quốc gia. Vào cuối tháng 03/2016, khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thăm Việt Nam, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố là Hà Nội sẵn sàng tiếp đón các chiến hạm Trung Quốc đến thăm Vịnh Cam Ranh.

Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được mở cửa một phần vào ngày 08/03/2016, mở đường cho chuyến viếng thăm của chiến hạm Nhật. Theo lẽ các chiến hạm của hải quân Nhật là những chiếc đầu tiên ghé cảng mới, nhưng vào giữa tháng 3, một chiến hạm của hải quân Singapore đã bất ngờ ghé thăm cảng này, thay vì ghé cảng Đà Nẵng như kế hoạch ban đầu. - RFI

***
Nhật báo Hồng Kông South China Moning Post ngày 25/04/2016 dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết trong năm 2016, Bắc Kinh sẽ xây dựng tại bãi cạn Scarborough một chốt tiền tiêu mới. Động thái này nhằm xác quyết chủ quyền của Bắc Kinh trong các khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông.

Nhật báo Hồng Kong dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ dựng một chốt gác và có thể xây một đường băng trên bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km về phía tây.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines đang căng thẳng. Trong một hoặc hai tháng tới đây, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra quyết định liên quan đến các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Manila tại Biển Đông. Cách đây ít ngày, quân đội Mỹ và Philippines chính thức thông báo sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung tại Biển Đông.

Nguồn tin trên cũng nhận định thêm là phán quyết tới đây của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế sẽ càng làm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo Scarborough và "Trung Quốc có quyền đưa ra các biện pháp trước việc Washington có ý đồ kềm chế Bắc Kinh qua việc lập căn cứ quân sự trong vùng".

Philippines khẳng định Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế cách bờ 200 dặm, vì vậy bãi cạn này thuộc chủ quyền của Manila là điều không thể tranh cãi. Tuy nhiên, từ năm 2012, Trung Quốc đã chiếm Scarborough và đặt tên là đảo Hoàng Nham (Huangyan). Các tàu tuần tra Trung Quốc từ đó đuổi các ngư dân Philippines hoạt động gần khu vực bãi đã ngầm này.

Nguồn tin được South China Moning Post trích dẫn còn nhận định rằng chốt tiền tiêu tại Scarborough sẽ giúp Bắc Kinh hoàn thiện hơn việc kiểm soát không lưu trên toàn bộ vùng Biển Đông.

Chuyên gia quân sự tại Macao nhận xét : « Nếu Trung Quốc cải tạo xong Scarborough, họ có thể cho lắp đặt tại đó hệ thống radar và các thiết bị theo dõi 24/24 giờ căn cứ không quân của Mỹ Basa Pampanga trên đất Philippines »nằm cách đó khoảng 330 km.

Trung Quốc vẫn luôn sử dụng yêu sách đường 9 đoạn, hay còn gọi là "đường lưỡi bò", để đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Thực tế vài năm qua, Bắc Kinh đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo nhằm làm cơ sở cho các đòi hỏi lãnh thổ của họ ở những nơi có tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh như Philippines hay Việt Nam. Trung Quốc đã xây dựng tại các nơi họ chiếm giữ một đường băng trên đảo Phú Lâm và hai đường băng ở các đảo Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập trong khu vực quần đảo Trường Sa. - RFI
|
|

7.
Giám đốc đối ngoại Formosa: Không thể được cả 2, phải chọn hoặc nhà máy, hoặc cá tôm --- Formosa: 'Nước thải đúng chuẩn' Việt Nam

Giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh cho rằng vì không phải được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm.

Sáng nay (25/4), nhóm phóng viên VTC 14 đã tìm gặp và phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Với vẻ rất thật lòng (?), ông Chu nói rằng phải chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm.

"Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại," ông Chu nói trước máy ghi hình.

Giám đốc đối ngoại của Formosa cũng nói rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá. - vtc

***
Phó Tổng giám đốc điều hành Formosa, Hà Tĩnh, nói với BBC họ đầu tư hơn 45 triệu đôla vào hệ thống xử lý nước thải và đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Ông Chang Fu-ning vào ngày 25/4 đã nói với phóng viên BBC ở Đài Loan Cindy Sui qua điện thoại:

"Chúng tôi đầu tư 45 triệu đôla xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tất cả thiết bị đo đều đạt tiêu chuẩn Đài Loan.

"Theo tất cả các thử nghiệm của chúng tôi, kết quả cho thấy nước thải đủ tiêu chuẩn do chính phủ đưa ra.

"Nhà máy xử lý nước thải có công suất 45.000 tấn mỗi ngày nhưng hiện nhà máy chỉ thải ra 10.000 tới 12.000 tấn mỗi ngày nên nhà máy chắc chắn có thể xử lý được tất cả nước thải ra. Chúng tôi chưa vượt quá công suất xử lý.

"Đây là hệ thống đánh giá chất lượng nước 24 giờ và chúng tôi cũng có công nhân thường xuyên lấy mẫu nữa."

Ông Chang cũng nói không thể có chuyện đường ống có vấn đề hay bị rò rỉ vì mới chỉ được đưa vào sử dụng hồi tháng Chín năm ngoái.

Theo ông Chang, các quan chức môi trường Việt Nam đã cử đoàn 20 người tới làm việc với nhà máy trong các ngày thứ Năm, thứ Sáu và Chủ Nhật.

"Họ kiểm tra việc xử lý nước thải và hệ thống xả thải và hệ thống kiểm tra chất lượng nước của chúng tôi.

"Chúng tôi kiểm tra chất lượng nước bằng các máy tính trong hệ thống tự động cũng như qua kiểm tra chất lượng nước của công nhân.

"Chính quyền cũng chỉ định công ty tới kiểm tra nước của chúng tôi."

Trong lúc đó cùng ngày 25/4, báo Người lao động dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành liên quan "khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm."

Ông Phúc cũng đề nghị chính quyền địa phương "giúp người dân sớm ổn định cuộc sống" và "không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản."

'Không thể họp báo'

Nói về vấn đề cá chết trên biển mà ông cho rằng bắt đầu từ hôm 7/4, ông Chang bình luận: 

"Có hai nhà máy điện ở đây. Chính quyền không chỉ kiểm tra chúng tôi mà cả hai công ty này nữa. Chúng tôi không phải là nhà máy duy nhất ở đây.

"Các công ty nhỏ không bị kiểm tra. Những công ty lớn như chúng tôi có hệ thống kiểm soát nội bộ.

"Hiện chưa có kết quả kiểm tra của chính quyền nhưng các báo dẫn lời người dân địa phương nói có lẽ [thủ phạm] là chúng tôi vì chúng tôi là nhà máy lớn nhất ở đây.

"Trước khi có kết quả chúng tôi không thể có họp báo được."

"Trước khi chính phủ xác định nguyên nhân gây ra vấn đề, tôi không thể nói đó không phải do chúng tôi.

"Nhưng nếu người ta muốn tới thanh tra hay lấy mẫu thì chúng tôi sẵn sàng."

Chọn cá tôm hay thép?

Trong khi đó ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc Đối ngoại của Formosa được kênh truyền hình VTC 14 dẫn lời nói:

"Nhiều khi được cái nọ thì phải mất cái kia...

"Đương nhiên mình cố gắng trên mọi phương pháp làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của nhà nước...

"Nhiều khi mình không được cả hai, mình phải lựa chọn.

"Tôi muốn bắt cá bắt tôm hay tôi muốn xây ngành thép hiện đại." - BBC

No comments:

Post a Comment