Tin Thế Giới
1.
Có nên cứu xét đề nghị hòa bình của Bắc Triều Tiên?
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhanh chóng bác bỏ một đề nghị của Bắc Triều Tiên đình chỉ việc tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân là điều hơi lạ đối với một số các nhà hoạt động tin rằng chế tài quốc tế không thôi sẽ không thuyết phục được chính quyền Kim Jong Un đơn phương giải giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Associated Press hôm thứ bảy, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Su Yong nói nước ông sẵn sàng đình chỉ các vụ thử hạt nhân nếu Hoa Kỳ ngưng các cuộc thao diễn quân sự thường niên với Nam Triều Tiên.
Phản ứng của Tổng thống Obama hôm chủ nhật nói rằng Bình Nhưỡng “phải làm khá hơn thế,” theo giới phê bình, dường như là một cơ hội bị bỏ lỡ nhằm quân bình các chiến thuật làm áp lực bằng đối thoại và ngoại giao.
Chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên John Delury của trường Đại học Yonsei ở Seoul nói:
“Đề nghị này là một nước cờ mở đường từ phía Bắc Triều Tiên và lẽ ra chúng ta phải tận dụng thay vì gạt bỏ.”
Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên cũng nói trong một thông cáo hôm chủ nhật rằng đề nghị của miền Bắc “không đáng để cứu xét.”
Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài mới gay gắt hồi tháng 3 nhắm vào Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân lần cuối hồi tháng giêng tiếp theo là một vụ phóng hỏa tiễn tầm xa.
Bắc Triều Tiên đã tăng tốc chương trình phát triển hạt nhân để thách thức các hạn chế của Liên Hiệp Quốc. Bình Nhưỡng mới đây lại tiến hành các vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo phóng đi từ tàu ngậm và có tin là miền Bắc đang chuẩn bị thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm vào bất cứ lúc nào.
Lý do để đàm phán
Những người ủng hộ đối thoại thêm lập luận rằng thỏa hiệp và thương thuyết cuối cùng vẫn là những phương sách duy nhất để giải quyết vụ giằng co hạt nhân này.
Ông Delury nói: “Chúng ta phải tìm ra một cách để trở lại con đường ngoại giao với phía Bắc Triều Tiên và điều đó sẽ là từ bỏ những thứ nhỏ nhặt ở đây mà chúng ta không muốn, để có thể lấy được những thứ quan trọng từ phía họ.”
Giới đồng quan điểm với ông Delury nêu ra rằng bày tỏ sự quan tâm đến việc thảo luận về đề nghị của Bắc Triều Tiên sẽ đặt áp lực tức khắc khiến Bắc Triều Tiên phải trì hoãn cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, mà dường như họ đang tính tiến hành trước đại hội đảng cầm quyền vào đầu tháng 5. Các đồng minh của Mỹ như thế sẽ có thời giờ để đo lường sự tuân thủ của Bình Nhưỡng trước khi thực hiện bất cứ nhượng bộ quan trọng nào bởi vì các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên năm nay phần lớn đã chấm dứt.
Trong một bài xã luận hôm thứ hai, nhật báo Korea Times của Nam Triều Tiên kêu gọi Washington và Seoul hãy đưa ra một đề nghị phản hồi mà không tự cam kết với đề nghị của miền Bắc.
Bài xã luận của báo Korea Times nói: “Đường lối này có thể phục vụ hai mục đích, thăm dò miền Bắc về tình hình hiện tại của họ, và tiến tới việc khởi sự cuộc đối thoại đã thiếu vắng lâu nay, mặc dầu mức trông đợi thực tế là rất thấp.”
Những khuyết điểm trong đề nghị
Tuần trước, Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tony Blinken đã hối thúc Bắc Triều Tiên chọn con đường thương thuyết hòa bình thay vì đối đầu.
Ông Blinken nói: “Nếu một nước, ngay cả một nước mà chúng ta đã có những bất đồng sâu xa nhất, sẵn sàng giao tiếp một cách nghiêm túc và khả tính trong việc đáp lại những yêu cầu của cộng đồng quốc tế, thì chúng ta cũng sẵn sàng giao tiếp.”
Tuy nhiên, những người ủng hộ chính sách cứng rắn do Hoa Kỳ đứng đầu chống lại Bắc Triều Tiên nói rằng đề nghị này chủ yếu là tống tiền ở điểm Bắc Triều Tiên tìm cách đề ra những điều kiện theo đó họ sẽ tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm chỉ chương trình hạt nhân của họ.
Giới ủng hộ chính sách cứng rằn cũng lập luận rằng đề nghị đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên quá mơ hồ và không bao gồm một cách rõ ràng những vụ phóng phi đạn tầm xa, các hoạt động khai triển hạt nhân và không mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán quốc tế để hủy bỏ vũ khí hạt nhân của miền Bắc đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.
Đề nghị được nhiều người coi là một mưu toan rõ ràng nhằm làm suy yếu sự ủng hộ cho các biện pháp chế tài ngay vao lúc tác động kinh tế bắt đầu được cảm nhân.
Lo ngại về chế tài
Những người ủng hộ đối thoại lập luận rằng duy trì một đường lối chỉ trừng phạt nghiêm khắc thôi đối với Bắc Triều Tiên không mang tính bền vững.
Trong khi Trung Quốc, với tư cách là đối tác kinh tế quan trọng nhất của miền Bắc, ủng hộ chế tài, việc thực thi ở biên giới cho đến giờ nay rất lơi là. Các giới chức ở Bắc Kinh cho biết họ muốn làm áp lực Bình Nhưỡng phải trở lại các cuộc đàm phán quốc tế nhưng không muốn châm ngòi cho sự bất ổn khu vực có thề làm gia tăng luồng người tỵ nạn ở biên giới hay dẫn đến sự sụp đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng.
Và cuộc bầu cử mới đây ở Nam Triều Tiên có thể làm suy yếu liên minh chặt chẽ giữa Washington và Seoul hỗ trợ cho các biện pháp chế tài. Đảng Seanuri bảo thủ của Tổng thống Park Geun-hye đã mất thế đa số lập pháp tại Quốc hội.
Cuộc bầu cử có liên quan đến công ăn việc làm và chính sách kinh tế nhiều hơn so với quan hệ liên Triều, nhưng phe đa số mới của đảng đối lập Minjoo cũng ủng hộ việc mở ra các kênh thông tin mới với miền Bắc và nối lại hoạt động của khu Công nghiệp Kaesong mà bà Park đã đóng cửa để trả đũa cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng. - VOA
|
|
2.
Biển Đông: Cam Bốt phủ nhận đã thỏa thuận riêng với Trung Quốc
Hôm chủ nhật 24/04/2016, ngoại trưởng Trung Quốc ca ngợi đạt đồng thuận riêng rẽ về Biển Đông với ba thành viên ASEAN, trong đó có Cam Bốt, về việc các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông không phải là mâu thuẫn giữa ASEAN và Trung Quốc, mà là việc riêng của một số nước với Bắc Kinh. Một ngày sau chính quyền Phnom Penh lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Báo Cam Bốt Phnompenh Post hôm qua, 25/04/2016, cho hay : Người phát ngôn của chính phủ, ông Phay Siphan, đã nhấn mạnh không có bất cứ một thỏa thuận nào được thông qua trong chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc, “không có thỏa thuận, không có thảo luận, chỉ có chuyến công du của một ngoại trưởng Trung Quốc”. Theo The Phnom Penh Post, chính quyền Cam Bốt “đã tìm cách giảm thiểu rạn nứt hiện có trong nội bộ khối ASEAN về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông”.
Báo Cam Bốt cũng dẫn lời tổng thư ký ASEAN, nhà ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh. Trả lời báo Channel New Asia, trụ sở tại Singapour, ngày 25/04, tổng thư ký ASEAN bày tỏ lo ngại trước các động thái mới khiến các thành viên ASEAN xa rời với thỏa thuận 2012, theo đó các nước Đông Nam Á cần đàm phán với tư cách một khối thống nhất.
Trung Quốc bị lên án can thiệp vào nội bộ ASEAN.
Theo nhật báo Singapour The Straits Times, trong một hội nghị tại Jakarta cũng ngày hôm qua, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN phê phán các hoạt động của Trung Quốc nhằm gây chia rẽ nội bộ ASEAN. Cựu tổng thư ký ASEAN, nhà ngoại giao Singapour Ong Keng Kong (Vương Cảnh Vinh) thẳng thừng đặt câu hỏi về khả năng Bắc Kinh “can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN” nhân chuyến công du Lào, Cam Bốt và Brunei cuối tuần trước. - RFI
|
|
3.
Pháp giành được hợp đồng khổng lồ đóng tàu ngầm cho Úc
Ba mươi bốn tỉ euro để đóng 12 chiếc tàu ngầm, đó là hợp đồng thế kỷ của quân đội Úc và tập đoàn DCNS của Pháp vừa mới giành được, hiện đã chuyển sang giai đoạn thương lượng độc quyền với Canberra. Sáng nay 26/04/2016 thủ tướng Úc Malcolm Turbull đã chính thức loan báo quyết định trên.
Từ Melbourne, thông tín viên RFI Caroline Lafargue tường trình:
"Tàu ngầm có thể sử dụng cả hai loại năng lượng diesel và điện, dài 97 mét, đó là loại tàu ngầm được DCNS đóng riêng cho Úc và đặt tên là Barracouda vây ngắn. Theo chính phủ Úc, đây là việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ. DNCS thiết kế, nhưng 12 chiềc tàu ngầm Barracuda sẽ được lắp ráp tại Adélaide ở miền nam nước Úc, tạo ra 2.800 việc làm. Và những chiếc tàu ngầm này sẽ được đóng bằng thép của Úc.
Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố : ‘‘Đây là một ngày trọng đại cho Hải quân Úc, đồng thời cho nền kinh tế Úc trong thế kỷ 21’’.
Để có đội tàu ngầm mới, nước Úc phải chi ra 34 tỉ euro. Đây là một số tiền khổng lồ, nhưng cần thiết, vì mang tính chiến lược. Canberra sẽ khẳng định sức mạnh của mình ở Thái Bình Dương, và sát cánh với Hoa Kỳ vào lúc căng thẳng đang dâng cao tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc nói : « Tàu ngầm là công nghệ mang tính chiến lược đối với Úc, mang lại những lợi thế quan trọng, trong bối cảnh phức tạp trên biển của khu vực. Từ nay cho đến năm 2035, khoảng phân nửa các đội tàu ngầm trên thế giới sẽ gặp gỡ nhau ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Úc sẽ trang bị hệ thống chiến đấu của Mỹ cho các tàu ngầm mới do Pháp đóng ».
Về phía Pháp, hợp đồng khổng lồ này sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm. Với chiến thắng trước tập đoàn Đức ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) và một liên minh do Mitsubishi Heavy Industries dẫn đầu có sự hỗ trợ của chính phủ Nhật, DCNS có được một hợp đồng dài hạn, mà theo bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian thì « Pháp sẽ sánh đôi với Úc trong suốt 50 năm tới ». Cũng theo ông Le Drian, đây là phần thưởng cho sự hợp tác chiến lược với Úc trong thời gian qua, với các hoạt động tuần tra chung thường xuyên. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Bầu cử sơ bộ tại 5 tiểu bang vùng đông bắc: Cruz, Kasich hợp lực chống Trump
Cử tri tại năm tiểu bang của Hoa Kỳ - Connecticut, Delaware, Maryland, Pennsylvania và Rhode Island –đi bỏ phiếu trong các bầu cử sơ bộ hôm nay. Các cuộc bầu sơ bộ không nhất thiết mang tính then chốt nhưng có thể sẽ giúp các ứng cử viên đang dẫn trước củng cố vị trí, hoặc có thể báo hiệu một sự chuyển đổi thứ hạng trong cuộc đua. Ứng cử viên Donald Trump của Ðảng Cộng hòa cần giành chiến thắng vững chắc để tiến gần hơn đến con số 1.237 phiếu đại biểu cần thiết để được đảng đề cử. Hai đối thủ của ông là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas và Thống đốc John Kasich của bang Ohio hợp sức với nhau ngăn chặn khả năng đó. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật từ Washington.
Hai ông Cruz và Kasich hôm thứ Hai loan báo một thỏa thuận rằng ông Kasich sẽ không đi vận động tại bang Indiana cho cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3 tháng 5, còn ông Cruz sẽ không đi vận động cho các cuộc bầu sơ bộ tiếp theo sau đó ở hai bang Oregon và New Mexico. Loan báo này khiến ông Trump giận dữ. Ông Trump cần phải thắng hơn phân nửa của tất cả số phiếu đại biểu còn lại trước khi các cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc vào tháng 6
"Cái trò đó cho thấy họ đáng khinh đến mức nào."
Ông Trump cũng nói rằng kiểu thông đồng như vậy là bất hợp pháp trong thế giới kinh doanh. Ông Kasich đã phát biểu chống lại trong cuộc vận động tại một tiệm ăn ở thành phố Philadelphia.
"Loan báo nhỏ này đã làm cho mọi người phấn chấn. Thật là vui. Sẽ không bao giờ biết được chúng tôi sẽ thực hiện điều gì sắp tới."
Ông Cruz bênh vực cho sự hợp sức trong cuộc vận động của ông ở bang Indiana.
"Tôi nghĩ đây là một quyết định – một cách phân bổ nguồn lực rất ư là hợp lý và tập trung tất cả cho mục tiêu chính là đánh thắng bà Clinton bên Ðảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 và đổi hướng đi cho đất nước."
Ông Trump nhấn mạnh rằng ông sẽ thắng người dẫn đầu bên Ðảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống.
"Tôi sẽ thắng bà Hillary Clinton, sẽ thắng đậm bà ấy. Tôi sẽ đánh bại bà ấy một cách thảm hại. Tên nói dối Ted Cruz không thể thắng được bà ấy."
Bà Clinton không dùng những từ nói mé để đáp lại những phát biểu của ông Trump. Bà nói với những người ủng hộ ở bang Delaware rằng người muốn làm tổng thống Hoa Kỳ phải hiểu được tất cả người dẫn Mỹ từ mọi gốc gác.
"Quý vị không thể đi chiếc phản lực to đùng, đáp xuống, phát biểu om sòm, sỉ nhục mọi người mình có thể nghĩ đến, rồi quay về, lại lên chiếc phản lục to đó, bay về biệt thự ở Florida, hay nhà trên lầu thượng của cao ốc ở New York."
Hiện bà Clinton đang dẫn trước khá xa so với đối thủ Bernie Sanders trong cuộc đua giành phiếu đại biểu bên Ðảng Dân chủ. Nhưng vị thượng nghị sĩ của bang Vermont đang vận động tranh cử rất thành công với thông điệp về sự bất bình đẳng.
"Chúng ta là những người Mỹ làm việc nhiều giờ nhất mỗi năm, nhiều hơn người dân của bất cứ nước công nghiệp nào khác, nhưng rốt cuộc kết quả của công sức động cật lực đó là 58% của cải làm ra đi về túi của nhóm người giàu chiếm 1% trong khối dân."
Toàn cảnh cuộc đua sẽ rõ nét hơn nhiều sau ngày 7 tháng 6, khi các cuộc bầu cử sơ bộ sau cùng diễn ra tại sáu tiểu bang, trong đó có bang đông người nhất là California. - VOA
|
|
5.
Mỹ áp lực với Việt Nam về nhân quyền trước chuyến thăm của TT Obama --- Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ thăm Việt Nam, thúc đẩy hiệp định TPP
Hãng tin AP hôm nay 26/04/2016 cho biết, trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt-Mỹ diễn ra tại Washington, Hoa Kỳ hôm qua, 25/04/2016 đã gây áp lực lên Việt Nam về một loạt các vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến, đồng thời thúc đẩy những tiến triển khác về nhân quyền, trước khi tổng thống Barack Obama đến thăm Việt Nam vào tháng tới.
Ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, nhận xét, năm ngoái các vụ bắt bớ và sách nhiễu các nhà ly khai ôn hòa tại Việt Nam đã giảm hẳn. Nhưng nay ông nói với AP chính quyền Hà Nội đã gia tăng bắt giữ các nhà hoạt động và blogger trong năm nay, và vấn đề này đã được nêu ra trong cuộc đối thoại « cởi mở và thẳng thắn » hôm thứ Hai.
Các viên chức cao cấp Việt-Mỹ hàng năm vẫn tiến hành đối thoại về nhân quyền – hiện vẫn là một vướng mắc trong việc cải thiện quan hệ hai nước. Phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, vụ trưởng vụ Tổ chức Quốc tế, bộ Ngoại Giao dẫn đầu.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng Năm. Ông sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba đến Việt Nam, bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.
Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm gần đây đã siết chặt thêm quan hệ. Washington tìm cách mở rộng vòng thân hữu tại Đông Nam Á, đã tìm được điểm chung với Hà Nội – hiện phải đối đầu với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự. Việt Nam còn là thành viên Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ xướng, được ký kết hồi tháng Hai.
Gần đây Việt Nam đã thông qua một số đạo luật để cải thiện việc bảo vệ pháp lý cho công dân, và chấp thuận cho thành lập công đoàn độc lập – mà lâu nay vẫn bị cấm đoán – thông qua một điều khoản sẽ có hiệu lực một khi TPP được cả hai nước phê chuẩn.
Tuy nhiên đảng Cộng sản cầm quyền vẫn không nới tay đối với những người bất đồng chính kiến. Theo báo cáo mới đây của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đến cuối 2015 vẫn còn 95 tù nhân chính trị tại Việt Nam. Human Rights Watch cho biết trong tuần lễ cuối tháng Ba Việt Nam đã kết án tù bảy blogger và nhà hoạt động nhân quyền.
Theo AP, trong số các trường hợp bị giam giữ được phía Mỹ nêu ra hôm thứ Hai 25/4, có luật sư Nguyễn Văn Đài, bị bắt tháng 12/2015 với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước. Hồi năm 2007, ông Đài đã bị án tù bốn năm vì tội danh tương tự.
Ông Malinowski nói rằng Hoa Kỳ cũng quan sát chặt chẽ các tiến triển về cải cách luật pháp của Việt Nam. Theo ông, các đạo luật biểu tình, luật về các tổ chức phi chính phủ và về tín ngưỡng mà Quốc Hội Việt Nam sẽ xem xét trong năm nay có thể có tác động quan trọng đến việc tôn trọng nhân quyền. - RFI
***
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã thăm Việt Nam hôm 25/4 để gặp các quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, và một số tổ chức khác. Ông Vilsack và phía Việt Nam đã bàn thảo các chi tiết của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Những người ủng hộ nói hiệp định này sẽ cải thiện xuất khẩu của Mỹ.
Theo văn phòng của ông Vilsack, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất đối với các sản phẩm thực phẩm và nông nghiệp Mỹ, với tổng lượng xuất khẩu của Mỹ đạt 2,3 tỷ đôla trong năm 2015, tăng 375% từ năm 2007.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông phẩm lớn thứ 11 của Mỹ. Năm 2015, Mỹ đã xuất lượng thịt bò và sản phẩm từ thịt bò trị giá 32,3 triệu đôla sang Việt Nam, ngoài ra là các sản phẩm sữa trị giá 168 triệu đôla, gia cầm và trứng 100 triệu đôla, thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn 3,8 triệu đôla.
Việt Nam đã đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước cạnh tranh với Mỹ như Australia, Chile, Nam Triều Tiên và New Zealand. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu, Hong Kong và Israel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay trong các cuộc đàm phán này, Việt Nam đã đồng ý giảm thuế đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, điều này tiềm tàng đặt các nhà xuất khẩu Mỹ vào thế bất lợi.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mức thuế trung bình của Việt Nam đối với nông phẩm là 16%, trong khi thuế trung bình của Mỹ là 5%.
Theo TPP, Việt Nam sẽ giảm và cuối cùng xóa bỏ thuế đối với rất nhiều thực phẩm và nông phẩm, giúp hàng xuất khẩu Mỹ có được sân chơi công bằng và đem lại lợi thế cho Mỹ so với các nước cạnh trạnh không phải là thành viên TPP. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga: Việt Nam là đồng minh chiến lược
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 25/4 nói Nga xem Việt Nam là một đồng minh chiến lược và đối tác chủ chốt về củng cố an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Shoigu đã phát biểu như vậy khi đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch mới được bổ nhiệm của Việt Nam.
Bộ trưởng Shoigu nói: “Chúng tôi coi đất nước các bạn là một đồng minh chiến lược, một người bạn lâu dài và đáng tin cậy. Việt Nam là đối tác chủ chốt của chúng tôi trong việc bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Lịch và phái đoàn quân đội cao cấp của Việt Nam đang thăm chính thức Nga, ông Shoigu nhấn mạnh rằng duy trì quan hệ mật thiết với Việt Nam là một trong những ưu tiên của chính sách đối ngoại Nga.
Các bản tin trên báo chí Việt Nam về chuyến thăm cho hay Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định Nga là đối tác quan trọng, bạn bè thân thiết lâu năm của Việt Nam.
Về an ninh khu vực và vấn đề Biển Đông, ông Lịch nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông phải bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phát biểu vừa kể của bộ trưởng quốc phòng Nga là một tín hiệu rất khác so với một số phát ngôn hồi giữa tháng này của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích các nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông, dẫn đến một số cơ quan truyền thông nhất là của Trung Quốc suy luận rằng dường như Nga đứng về phía Trung Quốc. - VOA
|
|
7.
Họp báo của Formosa: Lãnh đạo công ty từ chối nhiều câu hỏi
Lãnh đạo công ty Formosa cúi đầu xin lỗi Việt Nam vì những phát ngôn không đúng mực trong ngày 25-4. Phó Phòng đối ngoại Chu Xuân Phàm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Chiều nay 26-4, Công ty Formosa Hà Tĩnh họp báo tại trụ sở hành chính trong Dự án Formosa (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) liên quan đến những thông tin về việc xả thải ra biển.
15 giờ 00
Buổi họp báo chính thức bắt đầu. Hiện diện tại buổi họp có ông Trương Phục Ninh - Phó Tổng Giám đốc điều hành Giám đốc Công ty Formosa, ông Thái Chi Pháp - Giám đốc Công ty Formosa, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc Công ty Formosa Hà Tĩnh, ông Hoàng Duật Thuyên - Giám đốc Công ty Formosa, Trần Vĩnh Long _ Giám đốc Công ty Formosa, Dư Khánh Hưng - Phó Giám đốc Công ty Formosa, ông Chu Xuân Phàm - Phó Phòng đối ngoại Công ty Formosa , anh Nguyễn Bá Đồng - phiên dịch viên Giám đốc Công ty Formosa.
Mở đầu buổi họp báo, lãnh đạo công ty Formosa cúi đầu xin lỗi Việt Nam vì những phát ngôn không đúng mực trong ngày hôm qua (25-4). Phó Phòng đối ngoại Chu Xuân Phàm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Ông Phàm không có chức trách phát ngôn nhưng đã có những lời lẽ gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc. Thay mặt công ty, Phó giám đốc điều hành Trương Phục Ninh xin lỗi và hứa làm đúng cam kết với phía Việt Nam.
16 giờ 00
Phó Tổng Giám đốc điều hành Trương Phục Ninh phát biểu, trước đó hệ thống nước thải tại công ty được kiểm tra, thứ trưởng Bộ TN&MT kết luận kiểm tra đạt quy định. Về việc súc rửa đường ống Formosa cho rằng không cần báo cáo, xin phép dù trong hóa chất súc rửa có a-xít.
Ông Ninh khẳng định công ty đã nhập các máy móc, thiết bị hiện đại từ châu Âu. Ngay cả hệ thống xử lý nước thải, Formosa cũng đầu tư đến 45 triệu USD. Tất cả đều là máy móc hàng đầu, do đó, vấn đề cá chết hàng loạt thực chất có liên quan đến nước thải của công ty hay không còn phải đợi kết luận từ cơ quan hữu quan của Việt Nam.
Phó Phòng đối ngoại Chu Xuân Phàm đã đứng lên, cúi đầu xin lỗi vì những phát ngôn "phản cảm" của mình. "Tôi đã có những phát ngôn không đúng, gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Formosa và chính quyền. Tôi xin nhận sai sót của mình", ông Phàm nói.
Ông Ninh từ chối rất nhiều câu hỏi trực tiếp từ phía báo chí đưa ra với lý do ông và lãnh đạo công ty bận làm việc với lãnh đạo tỉnh HàTinh.
Buổi họp báo nhanh chóng kết thúc. Lãnh đạo Formosa đề nghị báo chí gửi câu hỏi và cho biết sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Trước khi họp báo (lúc 14 giờ 40), lực lượng bảo vệ bước vào phòng họp báo đi đến từng phóng viên để kiểm tra thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.
Để vào họp báo, các phóng viên phải trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu từ ngoài cổng chính dẫn vào trụ sở hành chính Dự án Formosa. Khi vào đến tòa nhà, các nhà báo tiếp tục gặp một số người đứng canh ở cổng nhà kiểm tra giấy tờ, thẻ nhà báo.
Đến 14 giờ 50 có hơn 30 phóng viên, nhà báo đã đến tham dự buổi họp báo. Tuy nhiên, chưa thấy sự hiện diện của cơ quan chính quyền địa phương.
Theo phía Formosa thông báo, dự kiến đến 15 giờ, buổi họp báo bắt đầu tại tầng 2, trụ sở hành chính Dự án Formosa, tuy nhiên để xin phép cơ quan chức năng (Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh) nên dự kiến đến 15 giờ 30 buổi họp báo mới bắt đầu. - baomoi
No comments:
Post a Comment