Saturday, April 16, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 16/4

Tin Thế Giới

1.
Hai trận động đất ở Nhật giết chết 37 người; tiếp tục có hậu chấn

Hai trận động đất mạnh trong hai ngày ở Nhật đã giết chết tổng cộng 37 người.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ý lo ngại là mưa to và gió lớn hôm nay có thể gây cản trở cho nỗ lực cứu hộ trên đảo Kyushu, nơi gánh chịu hầu hết hững sự thiệt hại.

Cơ quan Khí tượng Nhật cho biết trận động đất hôm thứ 7 có cường độ 7.0 với một cơn hậu chấn 5.4. Những cơn hậu chấn tiếp tục gây chấn động trong khu vực, với hơn 140 cơn hậu chấn được ghi nhận sau trận động đất hôm thứ Năm.

Một số toà nhà bị sập sau cơn địa chấn ngày hôm nay, kể cả một cư xá đại học trong đó có hai sinh viên bị thiệt mạng. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho đài truyền hình CNN biết rằng ít nhất 23 người bị chôn vùi trong các toà nhà bị sập. Ông nói khoảng 1.500 người bị thương, trong đó có 80 người bị thương nặng.

Những cơn địa chấn cũng gây ra một vụ đất sạt lở trên đảo Kyushu, làm cho nhà cửa bị cuốn trôi và một xa lộ bị cắt đứt. Một chiếc cầu dẫn tới làng Minamiaso bị phá huỷ và việc này có thể gây cản trở cho những nỗ lực nhằm đưa vật phẩm cứu trợ tới một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Đền thờ cổ Aso, được xây cách nay hơn 1.700 năm, bị hư hại nặng. Một số toà nhà và một cổng thành có tên “Cổng Anh Đào” bị sập hoàn toàn.

Một núi lửa hoạt động trong khu vực cũng phun trào lần đầu tiên trong vòng một tháng. Hiện chưa rõ vụ phun trào này có liên hệ với những trận động đất hay không.

Thủ tướng Abe đã định tới thăm khu vực bị tác động nặng nhất sau trận động đất thứ nhất, nhưng ông huỷ bỏ kế hoạch đó sau khi xảy ra vụ động đất thứ nhì.

Ông đã ra lệnh điều động thêm binh sĩ tới khu vực lâm nạn để “tập trung toàn bộ năng lực của chính phủ vào các hoạt động cứu hộ, di tản và cứu sống mạng người.”

Khoảng 1.600 binh sĩ đã được huy động trong khu vực cùng với 2.000 cảnh sát viên và 1.300 nhân viên cứu hoả để giúp khu vực này phục hồi sau động đất.

Hai trận động đất làm sập các toà nhà và gây ra một vụ cháy lớn tại một khu chung cư ở thành phố Yatsushiro. Các giới chức cho biết họ e rằng có nhiều người bị mắc kẹt hoặc bị chôn vùi trong đống đổ nát của các toà nhà.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một em bé được cứu sống từ một căn nhà bị sập.

Một viên chức tỉnh Kumamoto cho biết hơn 44.000 người đến trú ngụ tại các trung tâm tạm cư sau khi bỏ chạy hôm thứ Năm.

Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga nói rằng không có sự bất thường nào được ghi nhận tại các cơ sở hạt nhân ở gần đó. Tâm chấn của trận động đất thứ nhất nằm cách nhà máy điện hạt nhân duy nhất còn hoạt động ở Nhật khoảng 120 kilo mét về hướng đông bắc.

Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân khác của Nhật tiếp tục ngưng hoạt động sau khi trận động đất 9.0 năm 2011 làm bùng ra một trận sóng thần khổng lồ. - VOA
|
|

2.
Tổng thư ký LHQ: Vụ khủng hoảng người tị nạn 'hoàn toàn không thể quản lý'

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho rằng vụ khủng hoảng người tị nạn hiện nay, với hơn 70 triệu người bị thất tán, đã trở nên “hoàn toàn không thể quản lý” và “không thể kiểm soát.”

Phát biểu hôm thứ 6 trong một cuộc hội thảo tại trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới ở Washington về tình hình người tị nạn, ông Ban Ki Moon kêu gọi đoàn kết chính trị để đối phó với điều ông gọi là “vụ khủng hoảng người tị nạn và người bị thất tán lớn nhất của thời đại chúng ta.”

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Kim Yong Kim nói những giải pháp phát triển cho những nước đối mặt với vấn đề người tị nạn phải được thực hiện một cách nhanh chóng như những sự trợ giúp nhân đạo. Ông Kim cho biết Ngân hàng Thế giới đang chuẩn bị thực hiện một kế hoạch để cung cấp những khoản tiền cho vay không tính lãi cho những nhóm tuyển dụng người tị nạn.

Cuộc hội thảo này cũng có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Li Băng và Jordan, hai nước nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc nội chiến Syria. - VOA
|
|

3.
Ai Cập: Biểu tình chống chính phủ tổng thống Al-Sissi

Tại Ai Cập, bất chấp cảnh cáo của chính quyền, hơn 1.000 người đã biểu tình ngày 15/04/2016 ở trung tâm thủ đô Cairo để phản đối chính quyền của tổng thống Abdel Fatah Al-Sissi. Đây là cuộc biểu tình chống chính quyền lớn nhất từ hơn 2 năm qua ở Ai Cập.

Về mặt chính thức, cuộc biểu tình ngày 15/04 là nhằm phản đối việc chính quyền Cairo nhượng hai đảo ở Hồng Hải cho Ả Rập Xê Út, nhưng cuộc xuống đường đã biến thành biểu tình chống chế độ.

Tại Cairo, cuộc biểu tình chính diễn ra theo lời kêu gọi của các nhà hoạt động cánh tả. Cho tới nay, họ vẫn chưa huy động được lực lượng để chống chính quyền của tổng thống Al-Sissi kể từ khi ông được bầu lên vào tháng 06/2014. Theo quan sát của các phóng viên AFP, tối ngày 15/04, cảnh sát Ai Cập đã dùng hơi cay để giải tán đoàn biểu tình, đồng thời đã bắt giữ hơn 10 người.

Vào tuần trước, Ai Cập đã giao trả lại cho Ả Rập Xê Út hai đảo nhỏ không có người ở Tiran và Sanafir ngoài khơi bán đảo Sinai. Thông báo này, được đưa ra nhân chuyến viếng thăm của quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út, đã làm dấy lên một làn sóng phản đối chính quyền. Một số người lên án chính quyền tổng thống Al-Sissi đã « bán » các đảo nói trên để nhận đầu tư của Ả Rập Xê Út. Về phần chính quyền Cairo thì khẳng định hai đảo đó trước đây là thuộc Ả Rập Xê Út, nhưng vào năm 1950 Ryad đã nhờ Ai Cập bảo vệ dùm.

Kể từ khi lên cầm quyền cho đến nay, tổng thống Al-Sissi vẫn được đa số dân Ai Cập ủng hộ, nhưng trong những tháng gần đây ông bị chỉ trích là không có khả năng đối phó khủng hoảng kinh tế cũng như đã để xảy ra nhiều vụ bạo hành của cảnh sát. Ông cũng bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là đã thiết lập một chế độ toàn trị, thẳng tay đàn áp mọi phong trào đối lập. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Trung Đông bàn về cuộc chiến chống IS

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter vừa tới thủ đô Abu Dhabi của Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập để bắt đầu chuyến công du Trung Đông nhằm thảo luận về việc chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Ông Carter đang đi thăm Căn cứ Không quân Al-Dhafra, nơi ông sẽ được nghe thuyết trình của Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập Barbara Leaf, Tuỳ viên quân sự Chuẩn tướng Joe Rank và Phó chỉ huy trưởng Phi đội Đại tá Johnny Barnes.

Liên minh do Mỹ lãnh đạo dùng căn cứ này để thực hiện những vụ không kích chống Nhà nước Hồi giáo và tiến hành những phi vụ trinh sát và thu thập tình báo.

Ông Carter cũng sẽ họp với các nhà lãnh đạo quốc phòng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng sẽ đến Riyadh để cùng với bộ trưởng Carter yêu cầu các nhà lãnh đạo GCC đóng góp tiền bạc để tái thiết những khu vực ở Iraq bị tàn phá trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Hôm qua, ông Carter đã đi thăm một tàu sân bay của Hoa Kỳ ở Biển Đông để nhấn mạnh đến cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của vùng Á châu Thái Bình Dương.

Phát biểu với các phóng viên trên hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis, ông Carter nói Hoa Kỳ “có ý định tiếp tục đóng một vai trò trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực này”. - VOA
|
|

5.
Các ứng viên tổng thống Mỹ ra sức vận động trước cuộc bầu cử quan trọng ở New York --- Ông Bernie Sanders đả kích sự bất bình đẳng toàn cầu tại Vatican

Các ứng viên tổng thống Mỹ đang ra sức vận động trước cuộc bầu cử sơ bộ rất quan trọng ở tiểu bang New York vào thứ Ba tuần sau.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của phe Dân chủ đang thực hiện một chuyến đi mà nhân viên của ông gọi là một chuyến viếng thăm không có tính chất chính trị tới Toà Thánh Vatican, nơi ông tiếp tục đưa ra những thông điệp chống lại sự tham lam tại một cuộc hội thảo về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

Ông Sanders phải thắng ở New York mới có được cơ hội đánh bại đối thủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người đang dẫn đầu khá xa về số phiếu đại biểu.

Bà Clinton hôm qua đi vận động ở New York trong lúc dẫn đầu với tỉ lệ 2 con số trong các cuộc thăm dò ở New York. Tuy nhiên bà cần thắng ở tiểu bang này mới có thể chận đứng đà tiến của ông Sanders, là người đã thắng 7 lần trong 8 cuộc bầu cử sơ bộ gần đây nhất.

Về phía Cộng hoà, các cuộc thăm dò cho thấy ông Donald Trump dẫn đầu khá xa đối thủ là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas và Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio. - VOA

***
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ Bernie Sanders đả kích sự bất bình đẳng toàn cầu là "vô đạo đức" và lên án "sự tham lam của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch" khi ông diễn thuyết tại một hội nghị ở Vatican hôm thứ Sáu.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện bang Vermont dành ra 24 tiếng đồng hồ không đi vận động tranh cử để tham dự hội nghị về những vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

Dù nhân viên của ông Sanders khẳng định chuyến thăm này không có động cơ chính trị, bài diễn văn tại Vatican của ông ta tập trung vào nhiều chủ đề giống như những phát biểu của ông ta trên đường vận động tranh cử.

"Vào một thời điểm mà quá ít người sở hữu quá nhiều, và quá nhiều người sở hữu quá ít, chúng ta phải bác bỏ những nền tảng của nền kinh tế đương đại này là vô đạo đức và không thể duy trì được," ông Sanders nói.

Ông Sanders cũng nói điều cần thiết là đưa những "nguyên tắc đạo đức" vào nền kinh tế toàn cầu. "Và không có lĩnh vực nào mà điều đó rõ ràng hơn là lĩnh vực biến đổi khí hậu. Chính sự tham lam của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang hủy hoại hành tinh của chúng ta," ông nói.

Ông Sanders, tự xưng là người có chủ trương xã hội chủ nghĩa dân chủ, đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã tập trung vào những chủ đề như sự bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu trong thời gian ông giữ ngôi vị này. Tuy nhiên, hai bên không gặp mặt nhau.

Ông Sanders hy vọng chuyến đi này sẽ giúp thu hút những cử tri Công giáo ở bang New York, nơi sẽ tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ vào thứ Ba tuần sau. Ông Sanders phải giành chiến thắng ở bang này để có bất kỳ cơ hội thực thụ nào vượt qua cách biệt dẫn đầu của đối thủ của ông, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Chuyến đi Vatican của ông Sanders diễn ra vài giờ sau khi ông tham gia vào một cuộc tranh luận quyết liệt với bà Clinton ở New York.

Đó là cuộc tranh cãi gay gắt nhất từ trước tới nay giữa bà Clinton và ông Sanders. Hai người công kích lẫn nhau và người này át tiếng người kia khi họ đặt nghi vấn về năng lực suy xét và kinh nghiệm của nhau về nhiều vấn đề, từ kinh tế đến chính sách đối ngoại cho tới biến đổi khí hậu.

Bà Clinton, cựu thượng nghị sĩ New York, đang dẫn trước với cách biệt hai chữ số trong hầu hết những cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử hôm thứ Ba của bang. Nhưng bà ta cần một chiến thắng để chặn đà tiến của ông Sanders, người sinh trưởng ở Quận Brooklyn của thành phố New York và đã thắng bảy trong số tám cuộc đua hồi gần đây. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Minh Béo không nhận tội

Diễn viên hài Minh Béo (tức Hồng Quang Minh) không nhận tội lạm dụng tình dục trẻ em trong phiên luận tội hôm qua.

Xuất hiện tại tòa, Chánh Biện lý Quận Cam Tony Tony Rackauckas tranh luận về mức tiền tại ngoại hầu tra 1 triệu đôla, tức cao gấp 10 lần so với tội danh này.

Sau đó, thẩm phán Craig Robison đồng ý khoản tiền bảo lãnh này, dù luật sư của nam diễn viên hài, ông Đỗ Phủ, phản đối vì cho rằng đó là điều “không công bằng”.

Ông Phủ cho biết rằng thân chủ của mình đồng ý giao nộp hộ chiếu và đeo thiết bị giám sát điện tử ở chân để chứng minh sẽ không bỏ chạy khỏi nước Mỹ.

Luật sư gốc Việt này nói thêm rằng Minh Béo tới Mỹ để công tác, nhưng cũng có một ngôi nhà ở thành phố Garden Grove.

Ông Phủ nói thêm: “Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ bỏ trốn, vì ông ấy mơ được tới Mỹ, và ông ấy không muốn trở lại một quốc gia áp chế như Việt Nam. Ông ấy muốn ở lại Mỹ”.

Luật sư này nói thêm rằng gia đình ông Minh đang tìm cách gom đủ số tiền thế chân tại ngoại hầu tra 1 triệu đôla.

'Nguy cơ đào tẩu'

Vụ việc của diễn viên hài này đã khiến Thượng nghị sĩ gốc Việt của tiểu bang California Janet Nguyễn tuần trước đề xuất một dự luật, theo đó cho phép thẩm phán từ chối bảo lãnh tại ngoại nếu nghi phạm có nguy cơ tẩu thoát.

Theo luật liên bang Mỹ, một nghi phạm có thể bị giam giữ mà không được bảo lãnh tại ngoại hầu tra nếu tòa tin rằng nghi can có nguy cơ bỏ trốn.

Nhưng tại California, tòa án chỉ có thể từ chối bảo lãnh trong các vụ tử hình hoặc trong các trường hợp hiếm hoi mà thẩm phán tin rằng nghi can có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng. Vụ Minh Béo được đưa ra xử ở tòa tiểu bang.

Danh hài Minh Béo bị bắt giữ ở California tháng trước vì bị nghi xâm hại tình dục một bé trai.

Tin cho hay, ông Minh, 39 tuổi, bị truy tố với các tội danh: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô.

Nếu bị kết án với các tội danh trên, danh hài từng nhiều lần lưu diễn ở Mỹ sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm 8 tháng tù giam và tên tuổi sẽ bị lưu lại trong danh sách những người phạm tội tình dục. - VOA
|
|

7.
Việt Nam sẽ mua các chiến đấu cơ Su-35 trị giá 1 tỷ đôla của Nga?

Theo một nguồn tin trong Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga cho nhật báo Kommersant biết rằng không quân Việt Nam muốn mua một đội máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 của nước này.

Nguồn tin này tiết lộ, hợp đồng vũ khí có thể có giữa Nga và Việt Nam ước tính trị giá khoảng 1 tỉ đôla và có thể bao gồm việc chuyển nhượng tới 12 máy bay thế hệ 4++.

Quân đội Việt Nam đang từng bước ngưng sử dụng hơn 100 máy bay chiến đấu MiG-21 cũ kỹ do Nga chế tạo trong những năm tới và bắt tay vào một chương trình thay thế gây nhiều tốn kém.

Theo các phương tiện truyền thông Việt Nam, một số chuyên gia Nga cảnh báo rằng Việt Nam có thể không có đủ tài chính để mua máy bay chiến đấu bổ sung tại thời điểm quốc gia này đưa ra các cam kết cho các dự án khác.

Không quân Việt Nam hiện đang có 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2 đang hoạt động và dự kiến tiếp nhận thêm 4 máy bay chiến đấu vào cuối năm 2016.

Su-30 MK2 là một máy bay chiến đấu hoạt động trong mọi điều kiện  thời tiết, không kích tầm xa kết hợp công nghệ Su-35 và có thể sử dụng như một máy bay chiến đấu trên biển. Su-30MK2 có thể so sánh tương đương với máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Mỹ.

Lần đầu tiên Việt Nam ký hợp đồng mua 4 máy bay chiến đấu Su-30MK2 vào năm 2003. Sau đó là các giao dịch quốc phòng khác vào năm 2009 và 2010 để mua thêm lần lượt 8 và 12 máy bay chiến đấu Sukhoi.

Hợp đồng mới nhất giữa Moscow và Hà Nội được ký kết năm 2013 gồm một nhóm 12 chiếc máy bay chiến đấu ước tính 600 triệu đôla.

Máy bay chiến đấu Nga, đặc biệt là Su-35, vẫn phổ biến ở Châu Á. Tháng 11 năm 2015, Trung Quốc và Nga đã ký một hợp đồng trị giá 2 tỉ đôla để mua 24 máy bay Su-35. Indonesia là một quốc gia châu Á khác có khả năng sẽ có được Su-35. Pakistan cũng bày tỏ quan tâm đến các máy bay chiến đấu do Nga chế tạo.

Nguồn tin được Kommersant phỏng vấn cho biết rằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với máy bay chiến đấu Su-35 xuất phát từ sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria.

Nguồn tin này cho biết: “Ở Syria, chúng tôi đã đạt được hai mục tiêu. Một mặt, chúng tôi đã chứng minh khả năng chiến đấu của công nghệ quân sự của chúng tôi và thu hút sự chú ý của khách hàng. Mặt khác, chúng tôi đã thử nghiệm hơn một nửa phi đội trong các điều kiện chiến đấu”.

Su-35 là một máy bay chiến đấu một chỗ ngồi, động cơ đôi đã được nâng cấp siêu động cơ đa chức năng thế hệ thứ tư, trang bị 2 động cơ phản lực AL-117, và có tính năng công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Theo trang web của công ty Sukhoi, máy bay chiến đấu có thể được trang bị nhiều loại tên lửa dẫn đường không đối không và đất đối không (bao gồm cả tên lửa tầm xa) và tải trọng lên đến 8.000kg.

Điều thú vị là, Không quân Việt Nam được cho là cũng đang xem xét việc mua lại máy bay chiến đấu của phương Tây, trong đó có F-16, Gripen, Rafale và máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon.

Một nhà thầu quốc phòng phương Tây nói trong buổi phỏng vấn với Reuters năm ngoái: “Có dấu hiệu cho thấy họ muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Nga. Quan hệ hữu nghị ngày càng tăng của họ với Hoa Kỳ và châu Âu sẽ giúp họ thực hiện điều đó”. - VOA

No comments:

Post a Comment