Saturday, April 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 23/4

Tin Thế Giới

1.
Phi cơ quân sự Mỹ bay gần đảo Trung Quốc chiếm giữ

Một đội sáu phi cơ quân sự của Mỹ sau khi tham gia tập trận chung với Philippines đã tiến hành các phi vụ đầu tiên gần một đảo của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ, ở vùng Biển Đông.

Theo tờ The Japan Times, hôm qua, 22/04/2016, bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ra thông cáo cho biết là 4 chiếc A-10C Thunderbolt và 2 chiếc HH-60G Pave Hawk đã cất cánh từ căn cứ không quân trên đảo Luzon hôm thứ ba 19/04, bay ngang qua không phận quốc tế, đến gần bãi cạn Scarborough. Sáu chiếc máy bay Mỹ nói trên đã ở lại Philippines sau khi tham gia tập trận chung giữa hai nước trong tháng này.

Bãi cạn Scarborough nằm sâu trong vùng đặc quyền của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ cách đây hơn 4 năm. Từ đó đến nay Bắc Kinh đã gia tăng sự hiện diện trên bãi cạn này.

Theo The Japan Times, các quan chức tại Manila sợ rằng Trung Quốc có thể đang biến bãi cạn Scarborough thành một đảo nhân tạo khác. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, việc triển khai tên lửa trên bãi cạn này sẽ đe dọa không chỉ quân đội Philippines, mà cả lực lượng Hoa Kỳ đóng tại nước này.

Đáp lại những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, Washington cũng đã gia tăng các chiến dịch gọi là bảo đảm « tự do hàng hải » ở vùng này, với hai chuyến tuần tra vào tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay, đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng. Theo tin báo chí Mỹ, Hoa Kỳ có thể sẽ mở một chiến dịch tương tự trong tháng này.

Chuyến bay của các phi cơ quân sự Mỹ đến gần bãi cạn Scarborough diễn ra vào lúc Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye theo dự kiến vào tháng tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. Một phán quyết có lợi cho Manila sẽ khiến căng thẳng ở vùng biển này gia tăng. - RFI
|
|

2.
Bà Merkel sắp thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức hàng đầu EU sắp đến khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để thúc đẩy thỏa thuận di dân gây tranh cãi.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các nhóm nhân quyền đặt vấn đề về tính hợp pháp của hiệp ước EU-Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó sẽ trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ những di cư không đủ điều kiện xin tỵ nạn ở Hy Lạp.

Các nhóm nhân quyền nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nơi an toàn để gửi trả người.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo thỏa thuận này có thể đổ vỡ nếu yêu cầu miễn thị thực vào EU cho công dân của họ không được đáp ứng.

Bà Merkel dự kiến đến thăm một trại tỵ nạn ở thành phố phía nam Gaziantep, gần biên giới Syria, nơi bà sẽ gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu.

Bà sẽ đi cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans.

Thị sát

Bà Merkel đang bị người Đức phản đối vì chính sách với di dân và việc bà bảo vệ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp phản ứng từ một số đối tác châu Âu.

Chuyến đi của bà diễn ra trong thời điểm có thêm áp lực buộc bà phải chấp thuận truy tố một danh hài Đức bị buộc tội xúc phạm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Những người ủng hộ tự do ngôn luận ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Đức kêu gọi bà Merkel đưa một thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này trong chuyến thăm.

Selin Girit, phóng viên BBC News tại Gaziantep cho hay: “Đã hơn một tháng kể từ khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận di dân, nhưng không ai tin rằng mọi sự đang tiến triển”.

Dù lượng người đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm khoảng 80%, nhiều quốc gia châu Âu trì hoãn việc nhận thêm người di cư.

Bà Merkel cho biết mục đích của chuyến thăm là để thị sát điều kiện sống của người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng lời hứa miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến EU có vẻ là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất”. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TT Obama hối thúc thanh niên Anh bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi và bài ngoại --- Báo Nhật: Tổng thống Obama sẽ đến thăm Hiroshima

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hối thúc giới trẻ ở Anh bác bỏ chủ nghĩa bi quan, hoài nghi và bài ngoại.

Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra lời kêu gọi này ngày hôm nay tại cuộc tiếp xúc với dân chúng Anh ở London, một ngày sau khi ông bị chỉ trích gay gắt vì những phát biểu ủng hộ cho việc nước Anh tiếp tục ở lại trong Liên hiệp Âu châu.

Ông Obama nói rằng mọi người nên xem toàn cầu hoá và hội nhập là cơ hội chứ không phải là đe dọa.

Tại cuộc tiếp xúc hôm nay, ông Obama đã được hỏi về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó việc ông muốn vị tổng thống kế tiếp làm gì và những gì mà ông muốn di sản của ông sẽ phản ánh khi ông rời khỏi chức vụ. Ông Obama nói ông sẽ phải chờ 10 năm nữa trước khi nhìn lại để đánh giá một cách chính xác công trạng của mình, nhưng ông cho biết “ông cảm thấy hãnh diện” về những gì mà ông đã làm.

Ông đề cập tới chương trình cải cách chăm sóc sức khoẻ, sự ứng phó toàn cầu đối với vụ khủng hoảng Ebola và thoả thuận hạt nhân Iran như những thành tựu đáng kể. Ông nói thêm rằng thành tựu lớn nhất của ông là giúp cho nền kinh tế thế giới tránh khỏi một vụ đại suy thoái, khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Những người tham gia cuộc thảo luận, phần lớn là người trẻ, đã nồng nhiệt chào đón nhà lãnh đạo Mỹ -- trái ngược với ngày hôm qua, khi ông Obama gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ vì hô hào cho nước Anh tiếp tục ở lại trong Liên hiệp Âu châu.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron ngày hôm qua, ông Obama nói “Tôi không tin Liên hiệp Âu châu làm giảm đi ảnh hưởng của Anh trên thế giới,” mà nó làm cho ảnh hưởng này lớn hơn rất nhiều.

Phát biểu đó đã bị đả kích một cách gay gắt bởi những người chủ trương nước Anh nên rút khỏi Liên hiệp Âu châu, một vấn đề sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 6 tới đây.

Ông Nigel Farage -- lãnh tụ đảng Độc lập, thuộc cánh hữu, nói rằng ông Obama nên “xéo đi nơi khác.”

Thị trưởng London Boris Johnson mô tả phát biểu của ông Obama là “đạo đức giả” và “quái đản” vì các nhà lãnh đạo của Mỹ không bao giờ muốn nước Mỹ gia nhập một thực thể như Liên hiệp Âu châu.

Ông Johnson cũng làm bùng ra một vụ tranh cãi khi ông cho rằng ông Obama có gốc gác là người Kenya và có sẵn trong máu sự căm ghét đế quốc Anh. - VOA

***
Một nhật báo lớn ở Nhật cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đến thăm Hiroshima khi ông tới Nhật vào tháng 5 để dự hội nghị thượng đỉnh G-7.

Nếu chuyến viếng thăm đó diễn ra, ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên tới thăm thành phố từng bị Mỹ thả bom nguyên tử vào cuối Thế chiến Thứ hai. Vụ thả bom này giết chết khoảng 140.000 người. Ba ngày sau đó, Mỹ thả quả bom thứ nhì xuống thành phố cảng Nagasaki của Nhật, giết chết khoảng 70.000 người.

Tường thuật hôm thứ 6 của tờ Nikkei trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ nói rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đi chung với ông Obama tới Hiroshima.

Nguồn tin này cho biết Washington sẽ chính thức thông báo với Nhật Bản vào đầu tháng 5 về việc ông Obama muốn tới Hiroshima.

Tại một cuộc họp báo ở London hôm thứ 6 với Thủ tướng Anh David Cameron, ông Obama đã được hỏi về việc đi thăm Hiroshima. Ông nói rằng các nhà báo nên đợi cho tới khi ông đi thăm Á châu rồi hãy hỏi ông những câu hỏi về Á châu.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói rằng tin tức về việc ông Obama đi thăm Hiroshima là “không đúng.” Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có một việc rất quan trọng đối với Nhật Bản là các nhà lãnh đạo thế giới nên tới thăm Hiroshima để hiểu rõ hơn nỗi thống khổ do bom nguyên tử gây ra.

Trước đây trong tháng này, ông John Kerry đã trở thành ngoại trưởng tại chức đầu tiên của Mỹ đến thăm Hiroshima. Ông cho biết những gì được trưng bày tại Công viên Hoà bình và Viện bảo tàng Hiroshima làm cho ông cảm thấy hết sức xúc động và mọi người nên tới đây để xem. - VOA
|
|

4.
Bị sinh viên Việt Nam hỏi khó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói gì?

Hôm nay (21/4), nhân chuyến thăm Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã có một bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ tại trường Đại học KHXHNV - Đại học Quốc gia.

Trong phần trả lời câu hỏi sau bài phát biểu, một sinh viên khoa Ngoại ngữ, Đại học KHXHNV đã hỏi ông Blinken rằng: "Theo ông, chính sách của Mỹ tại Biển Đông cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương có phải nhằm 'chế ngự' (contain) Trung Quốc hay không?"

Ông Blinken đáp lại ngắn gọn: "Không".

Dừng lại một hồi, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ giải thích thêm: "Chính sách của Mỹ không phải để chế ngự Trung Quốc, mà là để đón nhận sự trỗi dậy của họ, với tư cách một quyền lực có trách nhiệm, và đó là lý do tại sao chúng tôi đã và đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực."

Ông Blinken lấy ví dụ về chính nước Mỹ. Sau Thế chiến II, Washington trở thành thế lực hàng đầu, trong khi nhiều cường quốc khác phải chịu tổn hại nặng nề từ chiến tranh.

Và thay vì thâu tóm quyền lực, ông cho rằng lãnh đạo Mỹ bấy giờ đã chọn một hướng đi hết sức khôn ngoan, đó là thiết lập những hệ thống luật pháp, quy tắc, cũng như dựng lên những tổ chức quốc tế để đảm bảo các bên, trong đó có cả chính nước Mỹ, phải có trách nhiệm tuân thủ những luật định đó.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, khi một quốc gia mạnh lên, các nước khác sẽ lo lắng và xích lại gần nhau, nhất là khi quốc gia đang trỗi dậy đó lạm dụng sức mạnh cơ bắp, thay vì ý tưởng, để theo đuổi lợi ích của mình.

"Tôi hi vọng Trung Quốc sẽ lấy cảm hứng từ bài học lịch sử để cư xử đúng mực trong sự trỗi dậy của họ, tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp trong hòa bình, để đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, trên không trong khu vực. 

Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ được tất cả đón nhận, bởi những lợi ích từ việc giao thương với Trung Quốc. 

Nhưng nếu Trung Quốc chọn đi theo một con đường khác, phớt lờ luật pháp quốc tế, thì khi đó họ sẽ tự cô lập mình với các nước khác. Và cứ như vậy, thay vì nâng cao tầm ảnh hưởng, quyền lực của Trung Quốc sẽ suy yếu dần" - ông nhận định.

Trong bài phát biểu của mình, ông Blinken nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì lợi ích của chính Washington cũng như các đồng minh, đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Ông Blinken cũng đánh giá cao thế hệ trẻ Việt Nam, tự tin rằng đây là một thế hệ tiềm năng, với nhiều hoài bão cùng những ý tưởng đột phá.
Sáng cùng ngày, ông cũng đã gặp gỡ các nhóm khởi nghiệp trong một buổi tọa đàm do Silicon Valley Việt Nam tổ chức.

"Nếu tôi nhắm mắt lại và chỉ nghe những gì xung quanh, thì những người tôi gặp sáng nay cũng giống như những người Mỹ tại Silicon Valley vậy, họ cũng có những bầu nhiệt huyết, cũng có niềm đam mê và tài năng như vậy" - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phát biểu.

Sau chuyến thăm của ông Blinken, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ có chuyến công du Việt Nam vào cuối tháng 5 tới. - soha
|
|

Tin Việt Nam

5.
Cá chết đồng loạt do 'độc chất mạnh'

Cá biển miền Trung chết bất thường là do "độc chất mạnh song chưa biết nơi nào phát tán", báo Việt Nam tường thuật lời ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản.

“Sở Nông nghiệp Quảng Bình thống nhất ý kiến với cơ quan cùng cấp Hà Tĩnh xác nhận, nguyên nhân gây cá chết là nguồn nước biển ô nhiễm và có yếu tố gây độc từ khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lây lan vào Quảng Bình theo dòng hải lưu Bắc Cực – Xích đạo”, trang Zing News dẫn lời ông Nghĩa trong cuộc họp bốn tỉnh miền Trung hôm 23/04.

Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từ hôm 6/4 và những ngày sau tiếp diễn tại tỉnh Quảng Bình.

Các loài cá chết dạt vào bờ được cơ quan chức năng ghi nhận “đều sống ở tầng đáy và vùng biển gần bờ”.

Trả lời về việc người dân tìm thấy đường ống xả thải của Formosa chạy ngầm dưới biển, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết điều này hoàn toàn hợp pháp.

"Việc báo chí thông tin người dân lặn biển để tìm nguyên nhân khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển. Tôi khẳng định Formosa được phép xả thải", Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói, theo Vietnamnet.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, nói với hãng AFP hôm 21/4: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng cá chết hàng loạt như vậy".

'Thảm họa môi trường'

Hôm 23/4, ông Lê Quang Bình, nhà nghiên cứu xã hội tại Hà Nội viết trên mạng xã hội: "Mọi con mắt đang đổ dồn về Vũng Áng vì Hà Tĩnh là phần đầu của dòng hải lưu, và cá chết từ Hà Tĩnh vào tận Thừa Thiên Huế.

"Cộng vào đó là ngư dân phát hiện ra ống thải khổng lồ ngoài biển của Formosa. Hơn nữa, Formosa là một nhà máy khổng lồ về quy mô cũng như rác thải, và chính nó đã có tiền lệ đổ trộm chất thải ra môi trường gây hại cho người dân".

"Chưa có kết luận là nguồn thải từ Vũng Áng. Nhưng nếu đó là sự thật thì là một sự thật khủng khiếp. Chưa biết Formosa mang lại lợi ích gì cho người dân Hà Tĩnh nói riêng và người Việt nói chung, nhưng hàng triệu ngư dân Việt Nam đã lĩnh đủ, và thảm họa môi trường là khó tránh khỏi.

"Tự hỏi, tại sao lãnh đạo chúng ta có nhiều quyết sách như thế này?".

Cùng ngày, báo Thanh Niên tường thuật “Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - Môi trường đến làm việc với lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (đóng tại Khu kinh tế Vũng Áng). Tuy nhiên, báo chí không được tham dự và các thông tin về buổi làm việc cũng không được tiết lộ”, báo này viết.

Hôm 22/4, nhiều báo Việt Nam đồng loạt đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hà Tĩnh nhưng không liên quan về vụ cá chết hàng loạt mà là để “kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ dự án Formosa”. - BBC
|
|

6.
Brunei ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông?

Sau Nga, Trung Quốc nói rằng đã thuyết phục được Brunei, nước cũng có tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ Bắc Kinh trong vụ phiên tòa Biển Đông sau thời gian dài thuyết phục đất nước nhỏ bé ở Đông Nam Á này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với báo chí rằng chuyến công du “thúc đẩy quan hệ kinh tế” của ông đến Brunei hôm 21.4 đã "gặt hái được thành công" khi có được sự ủng hộ của Brunei trong vụ kiện Biển Đông, South China Morning Post cho hay hôm 22.4.

Ông Vương nói rằng Brunei cũng có quan điểm như Bắc Kinh khi cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng con đường đối thoại trực tiếp giữa các bên có liên quan và không chấp nhận sự can thiệp của bên thứ ba bằng những phán quyết. 

Cả thế giới đang trông chờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc ở The Hague, Hà Lan, đối với vụ tranh chấp ở Biển Đông mà Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.2016.

Trung Quốc tẩy chay phiên tòa cũng như tuyên bố không công nhận phán quyết từ cơ quan pháp lý của Liên Hiệp Quốc này. Trong khi Manila trông chờ phán quyết thì Bắc Kinh thực hiện một cuộc vận động, kêu gọi nhiều nước đứng về phe mình, không công nhận phán quyết của toà The Hague.

Bên cạnh Campuchia, Trung Quốc đã có thêm đồng minh Nga. Hôm 18.4, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã làm nức lòng Bắc Kinh khi tuyên bố Moscow không ủng hộ quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Ngoại trưởng Nga kêu gọi sự tham vấn và đàm phán giữa các bên có liên quan thay vì nhờ tòa án.

Chưa rõ Brunei ủng hộ Trung Quốc thế nào trong vụ kiện Biển Đông. Bandar Seri Begawan chưa chính thức lên tiếng về vụ này.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương Nghi nói rằng Trung Quốc và Brunei đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng một tuyên bố chung được Bắc Kinh gọi là “tham vấn và đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp".

Bên cạnh đó, ông Vương cũng cho biết Trung Quốc ủng hộ đề nghị của Brunei rằng “hòa bình và sự ổn định của khu vực cần được duy trì bởi cả Trung Quốc và các nước ASEAN”.

"Ý tưởng ‘kép’ này là cách thực dụng và khả thi nhất để tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề Biển Đông", ông Vương nói với các nhà báo, theo Tân Hoa xã.

Với dân số khoảng 400.000 người, Brunei là quốc gia nhỏ nhất ở Biển Đông. Bandar Seri Begawan lâu nay ít lên tiếng về vấn đề tranh chấp ở vùng biển này dù Brunei tuyên bố chủ quyền đối với một số hòn đảo. - thanhnien

No comments:

Post a Comment