Thursday, April 28, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 28/4

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc tức giận vì bị ASEAN lên án dùng thủ đoạn chia để trị

Phải chăng đòn phép của Bắc Kinh mua chuộc thành viên ASEAN đã hết hiệu nghiệm? Hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore ngày 27 và 28/04/2016 diễn ra trong căng thẳng. Trưởng đoàn Trung Quốc tuyên bố "bị sốc" sau khi nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN lên án Bắc Kinh gây chia rẽ nội bộ các quốc gia Đông Nam Á.

Báo mạng Straites Times ngày 28/05/2016 cho biết, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố bị « choáng váng » và yêu cầu Singapore giải thích về tuyên bố của cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Kong (Vương Cảnh Vinh) tại Jakarta hôm đầu tuần.

Trong một cuộc họp tại thủ đô Indonesia, từ tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đến các nhà ngoại giao khác của ASAEN đều tỏ ý lo ngại Trung Quốc gây mất tình đoàn kết trong nội bộ hiệp hội để thủ lợi trên hồ sơ Biển Đông.

Trong số các nhân vật này có nhà ngoại giao Singapore Ong Keng Kong đặt thẳng vấn đề : Phải chăng Trung Quốc can thiệp vào nội bộ ASEAN, qua chuyến công du của ngoại trưởng Vương Nghị tại ba nước Lào, Cam Bốt và Brunei hồi tuần qua?

Quan hệ Bắc Kinh và ASEAN căng thẳng lên vì ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố ba nước thành viên ASEAN nói trên đã ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp biển Đông.

Thế nhưng ngay sau đó, phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh, Phay Siphan, cải chính tin này và cho là Cam Bốt "không thảo luận, không thỏa thuận" với Vương Nghị.

Chuyên gia Singapore, Bilahari Kausikan, cố vấn của bộ ngoại giao Singapore, cũng lên án điều mà Bắc Kinh gọi là« đồng thuận » với ba thành viên ASEAN, thực chất là "chiến thuật chia rẽ ASEAN" trước khi Toà Án Quốc Tế La Haye ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc lấn chiếm chủ quyền tại biển Đông do Philippines đứng đơn.

Trước những lời đã kích, ngày 27/04, tại Singapore, thứ trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân biện minh là Trung Quốc "không bao giờ có ý định chia rẽ ÁEAN" và luôn "ủng hộ ASEAN phát triển". - RFI
|
|

2.
TQ thông qua luật kiểm soát NGO

Trung Quốc vừa thông qua luật mới về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO), truyền thông nhà nước cho biết trong khi đang có những chỉ trích.

Văn bản đầy đủ hiện chưa có được nhưng những văn bản dự thảo trước đó viết rằng các NGO sẽ phải chịu sự giám sát của cảnh sát và phải công bố các nguồn kinh phí.

Các nhà chỉ trích nói những điều luật này gần như là một sự đàn áp, nhưng Trung Quốc lập luận rằng những quy định như vậy đáng lẽ phải có từ lâu rồi.

Hiện có hơn 7.000 tổ chức NGO hoạt động tại Trung Quốc.

Luật này đã qua vài lần dự thảo sau khi có các chỉ trích quốc tế rằng nó quá nặng. Tòa Bạch Ốc thì nói rằng luật này sẽ “càng thu hẹp chỗ cho một xã hội dân sự” và hạn chế những trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đưa tin là luật này được thông qua hôm thứ Năm 28/4, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về bất cứ sửa đổi nào.

Hãng tin nhà nước cũng đưa tin hồi tuần này rằng một số giới hạn sẽ được nới lỏng, như cho phép không phải chỉ một văn phòng tại đại lục, và bỏ đi đề xuất giới hạn hoạt động chỉ cho năm năm.

Tuy nhiên nhiều điểm chủ chốt khác có lẽ vẫn như cũ, tờ The Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) đưa tin, như việc giám sát chặt chẽ của cảnh sát mà theo đó các tổ chức NGO nước ngoài phải đăng ký với các ban ngành của Bộ Công An và phải chịu sự quản lý của họ.

Những dự thảo trước nêu rằng cảnh sát phải có quyền kiểm tra văn phòng của các tổ chức NGO, niêm phong văn phòng của họ, thẩm vấn nhân viên và hủy các hoạt động bị coi là đe dọa tới an ninh quốc gia.

Các tổ chức NGO nước ngoài cũng sẽ bị cấm không được tuyển thành viên từ Trung Quốc lục địa, theo các bản dự thảo trước đó.

Quyết định này được đưa ra sau vụ bắt giữ ông Peter Dahlin mà nhiều người biết tới. Ông là một nhân viên người Thụy Điển làm việc cho một tổ chức NGO và đã bị cáo buộc làm nguy hại tới an ninh quốc gia.

Ông đã lên truyền hình thú nhận điều đó – một việc hiếm xảy ra với người nước ngoài bị giam giữ - trước khi ông bị trục xuất. Ông và tổ chức của ông bị cáo giác đã vi phạm luật bằng việc ủng hộ những nỗ lực của các luật sư nhân quyền Trung Quốc.

Các tổ chức NGO và các nhà hoạt động địa phương bị cảnh sát theo dõi chặt chẽ và từng là đối tượng bị đàn áp ngày càng gia tăng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Hồi năm ngoái người ta chứng kiến một loạt các vụ bắt bớ tới gần 300 luật sư và các nhà hoạt động. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TNS Mỹ kêu gọi tuần tra hàng hải thường xuyên ở Biển Đông --- Các TNS Mỹ kêu gọi hành động cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông

Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện những hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn trong vùng biển gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông đang có tranh chấp. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA tường thuật.

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Bob Corker, hôm thứ tư đã lên tiếng yêu cầu chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện những hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn ở Biển Đông trong lúc Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken ra điều trần trước quốc hội. Thượng nghị sĩ Corker phát biểu như sau.

"Cả những tuyên bố lẫn những hoạt động tự do hàng hải đều không răn đe được hoặc làm chậm lại những hoạt động bồi đắp, cải tạo đất của Trung Quốc, kể cả việc bố trí những khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo. Hơn thế nữa, các chuyên gia quân sự nói rằng ngày càng có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và Trung Quốc có thể sẽ thực hiện thêm những hành động gây bất ổn nếu phán quyết của toà án quốc tế đi ngược với quyền lợi của Trung Quốc như dự kiến."

Nhà lập pháp cấp cao này của đảng Cộng hoà đã cùng với các bạn đồng viện đưa ra một dự luật đòi cơ quan hành pháp báo cáo với quốc hội về các kế hoạch hành quân tự do hàng hải và những hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.

Tại cuộc điều trần hôm thứ tư, Thứ trưởng Ngoại giao  Blinken cho biết con số những hoạt động tự do hàng hải mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành ở Biển Đông đã gia tăng trong những năm gần đây và những hoạt động này sẽ tiếp diễn.

Những bài tường thuật của báo chí hồi gần đây, đáng lưu ý là của tờ Washington Post và tờ Wall Street Journal, cho biết Trung Quốc có lẽ đang xem xét tới việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác nữa ở bãi cạn Scarborough mà Philippines cũng tuyên bố có chủ quyền.

Tin tức cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã phái chiến đấu cơ tới gần bãi cạn Scarbourough ở mạn tây Philippines, nơi mà người ta tin là Trung Quốc đang tiến hành các cuộc khảo sát để chuẩn bị xây đảo.

Những phi vụ đó đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc.

Ông Ankit Panda, phó biên tập của tạp chí The Diplomat, nhận định  như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.

"Bãi cạn Scarborough mãi cho tới hồi gần đây vẫn còn do Philippines kiểm soát, cho nên bất kỳ hoạt động bồi đắp nào của Trung Quốc ở đó cũng sẽ mang tính chất khiêu khích rất cao. Ngoài ra vụ án tại Toà Trọng tài ở La Haye dự kiến sẽ có phán quyết vào đầu tháng 6 và khi phán quyết được đưa ra, hầu hết các nhà phân tích, kể cả tôi, đều cho rằng nó sẽ bất lợi cho Trung Quốc và có lợi cho Philippines. Và trên cơ bản thì Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất uy tín. Những hành động của họ sẽ bị xem là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó có phần chắc họ sẽ không tiến hành những hoạt động cải tạo, bồi đắp ở Scarborough."

Theo tường thuật của tờ Wall Street Journal, ông Chu Phong, một nhà phân tích an ninh của Đại học Nam Kinh, cũng cho biết ông không loại bỏ khả năng là Trung Quốc sẽ xây một ngọn hải đăng hoặc một trạm quan sát ở bãi cạn Scarborough, nhưng có phần chắc sẽ không tiến hành những hoạt động bồi đắp, cải tạo qui mô lớn. - VOA

***
Tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 27/4, các thượng nghị sỹ Mỹ thuộc cả hai đảng lớn đã thúc giục chính phủ của ông Obama ra lệnh cho hải quân thực hiện thêm các cuộc hành quân sát với các đảo có tranh chấp ở Biển Đông.

Vào lúc Tổng thống Obama tháng sau sẽ thăm Việt Nam, nước có nhiều tranh chấp nhất với Trung Quốc ở Biển Đông, 4 thượng nghị sỹ đã đưa ra dự luật kêu gọi tăng cường trợ giúp an ninh cho các đồng minh ở Đông Nam Á và mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ nhằm duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Thượng nghị sỹ Robert Menendez (Đảng Dân chủ-bang New Jersey) phát biểu khi công bố dự luật: “Lâu nay, Trung Quốc tiếp tục các chính sách bành trướng và hung hăng, Mỹ đã đóng vai trò quan sát viên, hay có lẽ là người phản đối, chứ chưa phải là người trong cuộc”.

Dự luật có tên “Đạo luật Sáng kiến An ninh Hàng hải Châu Á-Thái Bình Dương” sẽ yêu cầu chính quyền báo cáo với Quốc hội về các kế hoạch hành quân tự do hàng hải cũng như các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Dự luật cũng sẽ nâng cấp vị thế của Philippines theo các luật về trợ giúp an ninh của Mỹ, cho phép nước này được nhận các thiết bị quân sự tinh xảo hơn.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Ben Cardin nói dự luật là câu trả lời cho những hành động liên tục thách thức nền pháp trị và quân sự hóa Biển Đông.

Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã hành động mạnh tay để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, kể cả cưỡng ép các nước như Việt Nam và Philippines. Chính quyền của Tổng thống Obama đã liên tục kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế và không cưỡng ép, những không có kết quả.

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 27/4, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cho biết kể từ mùa thu năm ngoái, hải quân Mỹ đã điều tàu đi gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp lên, và các hoạt động như vậy sẽ diễn ra đều đặn hơn.

Một số nhà lập pháp đã chỉ trích các chính sách của chính quyền về Biển Đông là yếu ớt và mờ nhạt.

Các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa nói các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo - mà Trung Quốc có thể coi là vùng lãnh hải của họ - cần phải diễn ra thường xuyên. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa của bang Tennessee Bob Corker nói: “Tôi không thấy có lý do gì chúng ta không thực hiện hàng tuần hay hàng tháng”.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa của bang Colorado Cory Gardner nói 3 tháng 1 lần mới đưa tàu Mỹ vào khu vực là “không đủ để gửi thông điệp mạnh đến Trung Quốc”.

Vào lúc Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết lịch sử về vụ khiếu nại của Philipines đối với tính pháp lý về các vùng mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Thượng nghị sỹ Cardin tuyên bố: “Bây giờ là lúc Mỹ và các đối tác trong khu vực và toàn cầu có những biện pháp rõ ràng, cụ thể để ủng hộ một trật tự có nền tảng là các luật lệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. - VOA
|
|

4.
Tranh luận về chiến tranh Việt Nam tiếp diễn sau hơn 50 năm --- Ngoại trưởng Kerry tiết lộ chuyện xuống dưới lăng ông Hồ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ tư đã đọc bài diễn văn đầy cảm xúc tại Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson trong khuôn viên Đại học Texas ở Austin. Theo tường thuật của thông tín viên Greg Flakus của đài VOA, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã nghẹn ngào, suýt khóc, khi ông nói tới cái giá kinh khiếp mà những người tham gia cuộc chiến đã phải trả, cũng như sự chuyển đổi của mối quan hệ Việt-Mỹ thông qua những liên hệ về thương mại và sự hợp tác trong các lãnh vực khác mà ông nói là đã làm cho hai nước cựu thù trở thành đối tác của nhau.

Trong lúc vụ tranh luận về cuộc chiến tranh Việt Nam tiếp diễn, sự có mặt của ông Kerry tại cuộc hội thảo này đã gây ra những sự tranh cãi. Một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam không tán thành vai trò của ông tại sự kiện này. Họ chỉ trích ông Kerry là người đã phản bội lý tưởng mà họ từng theo đuổi khi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam là bảo vệ cho miền Nam Việt Nam trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản miền Bắc.

Một số những người chỉ trích ông Kerry đã tham dự một buổi lễ tại khoảng sân trống bên ngoài thư viện Tổng thống Johnson để vinh danh những người tham chiến ở Việt Nam. Ông Edward Zielinski, người từng lái máy bay trực thăng ở Việt Nam vào năm 1969 và 1970, cảm thấy tức giận vì sự có mặt của ông Kerry. Ông Zielinski nói “Tôi nghĩ rằng đây là một việc đáng xấu hổ. Bởi vì tôi nghĩ rằng ông ấy là một kẻ phản bội, nhất là đối với các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.”

Ông Zielinski nằm trong số những cựu chiến binh cảm thấy bị phản bội vì những hoạt động phản chiến của ông Kerry sau khi ông về nước từ chiến trường Việt Nam. Nhiều người trong số họ cũng tin rằng ông Kerry đã lợi dụng sự phục vụ của mình trong quân ngũ cũng như những hoạt động phản chiến để theo đuổi những tham vọng chính trị của mình.

Tuy nhiên, những cựu chiến binh khác không tán thành ý kiến đó. Ông Thomas Goff, cựu trung tá lục quân từng chiến đấu ở Việt Nam, nói rằng ông rất kính nể ông Kerry.

Ông nói “Tôi cũng đã trở thành một người phản chiến. Cuộc chiến đó là một thảm hoạ cho quân đội Mỹ, một thảm hoạ kinh khiếp. Phải mất nhiều năm chúng ta mới vượt qua được.”

Trong số những người bênh vực cho ông Kerry có cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, là người đã phục vụ dưới thời Tổng thống Richard Nixon và thực hiện những cuộc thương thuyết hoà bình với Bắc Việt dẫn tới hoà ước Paris. Ông Kissinger nói rằng ông nhớ tới thời gian khi ông ngồi trong Tòa Bạch Ốc và ông Kerry dẫn đầu những cuộc biểu tình phản chiến ở bên ngoài. Nhưng ông nói rằng ông và ông Kerry đã trở thành bạn thân và kính trọng lẫn nhau.

Hôm thứ ba, cả ông Kissinger lẫn ông Kerry đều là mục tiêu đả kích của hơn 30 người biểu tình bên ngoài Thư viện Tổng thống Johnson. Họ tố cáo ông Kissinger tiếp tay thực hiện cuộc chiến tranh bất hợp pháp ở Việt Nam và lên án ông Kerry vì vai trò của ông trong các chính sách can thiệp của Mỹ ở Trung Đông và những nơi khác.

Trong một cuộc nói chuyện trên sân khấu với nhà làm phim tài liệu Ken Burns, ông Kerry đã nói tới sự phẫn nộ còn tồn đọng của nhiều người chưa thoát ra được sự ám ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam

Ông nói “Một số người bị đóng băng tại chỗ và họ không thể thay đổi và đó là một điều đáng buồn.”

Ông Kerry tỏ ý hoan nghênh sự kính trọng mà đại đa số dân chúng Mỹ ngày nay dành cho những người phục vụ trong quân đội – một việc mà ông nói là đã không có trong những năm tháng có nhiều chia rẽ vì cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng ông nói rằng có một vấn đề mà ông gọi là “một sự tách biệt nguy hiểm” giữa những người Mỹ chiến đấu cho tổ quốc với đa số những người không có liên hệ với quân đội. Ông cho rằng mọi công dân Mỹ nên phục vụ cho đất nước dưới một hình thức nào đó, cho dù không ở trong quân đội.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng bài học quan trọng nhất của chiến tranh Việt Nam là nước Mỹ cần phải nhìn thế giới từ những góc độ của người dân ở những nước khác.

Ông nói “Chúng ta nên đặt mình vào vị thế của người khác và nhìn nước họ như họ nhìn nó.” Ông nói thêm rằng nếu được như vậy thì “chúng ta sẽ có được nhiều thành quả hơn.”

Cuộc hội thảo Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp diễn trong ngày hôm nay, thứ 5, với những ý kiến của các ca sĩ, nhạc sĩ phản chiến, một cuộc thảo luận của các cựu chiến binh về cái nhìn của những người ở tiền tuyến đối với cuộc chiến và một bài diễn văn của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh. - VOA

***
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu tiên kể chuyện đi xuống bên dưới lăng ông Hồ Chí Minh để tìm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích, trong khi hai bên đang tìm cách bình thường hóa quan hệ nhiều năm trước.

Trong cuộc trao đổi với một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Mỹ, nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam ở Texas, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói rằng đáng lẽ ông để dành thông tin đó cho cuốn tự truyện của mình trong tương lai, nhưng ông kể ra để cho thấy hai nước đã vượt qua nhiều trở ngại để có được ngày hôm nay. 

Ông cho biết thêm: “Tôi đã phải vào văn phòng của tổng bí thư Đảng Cộng sản và chủ tịch nước để thuyết phục họ cho tôi và một vị thượng nghị sĩ khác đi xuống phía dưới lăng ông Hồ Chí Minh vì có thông tin tình báo nói rằng dưới đó có hầm ngầm để xem có quân nhân Mỹ mất tích nào bị giữ ở dưới đó không”.

Ông cho biết rằng thật tuyệt vời là ông đã được phép xuống nhưng không tìm thấy ai cả.

Đương kim Ngoại trưởng Mỹ có nhiều gắn bó với Việt Nam, từng chiến đấu rồi sau đó phản đối Chiến tranh Việt Nam.

Sau đó, trên cương vị Thượng nghị sĩ Mỹ, ông cũng tham gia tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam những năm 90.

Trong khoảng một tiếng đồng hồ hôm 27/4, nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ còn nói rằng hai nước đã tiến một bước dài về nhiều mặt, và có những bước tiến khó có thể hình dung được hàng chục năm trước.

Ông nói thêm: “Tôi chắc là năm 1968 có lẽ không ai có thể tưởng tượng được rằng tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại tới Washington vào năm ngoái, và Tổng thống Obama dự định sẽ tới Việt Nam tháng tới. Tôi nóng lòng cùng tham gia chuyến công du này cùng Tổng thống".

Ông nói tiếp: "Không ai có thể tưởng tượng được các lĩnh vực hợp tác song phương trên nhiều mặt từ giáo dục cho tới quân sự. Hai thập kỷ trước, khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, ta có thể đoán trước được rằng hai nước rồi sẽ hợp tác về kinh tế, nhưng có một thứ khó đoán định hơn rất nhiều, và nay đã trở thành bình thường, đó là việc hai nước hợp tác về an ninh, trong đó có biển Đông cùng nhiều vấn đề khác”.

"Cần Mỹ"

Ông Kerry nói thêm rằng Washington và Hà Nội sẽ “tiếp tục có những khác biệt về quan điểm, nhưng tin tốt lành là đôi bên trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và hiệu quả về những điều đó”.

Cuối năm 2013, ông John Kerry lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ với mục đích thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tháng tới, ông sẽ tháp tùng Tổng thống Obama tới Hà Nội, và tin cho hay quan chức hai nước vẫn đang thương thảo về chuyến công du này.

Dẫn các nguồn tin của cả Hoa Kỳ và Việt Nam, tạp chí The Diplomat đưa tin rằng Washington có thể cân nhắc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhân chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng. Năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này.

Cựu phóng viên ảnh chiến trường Nick Út, một diễn giả trong chương trình thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã gần gũi hơn trước rất nhiều.

Ông Út cho rằng chính Bắc Kinh đã đẩy Hà Nội lại gần với Hoa Kỳ. Ông nói thêm: “Bây giờ chính phủ Việt Nam cần nhiều chính phủ Mỹ hơn vì Trung Quốc càng ngày càng lấn vào Việt Nam. Vừa rồi tôi có về Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, tôi thấy quân đội Việt Nam vẫn dùng vũ khí cũ của Mỹ. Trong vấn đề bang giao gần gũi, Mỹ cũng muốn giải quyết cho Việt Nam các vũ khí mới của Mỹ bây giờ để chống lại Trung Quốc”.

Trong lần xuất hiện tại Austin, Texas, ông Kerry không đề cập tới tin mà The Diplomat nêu ra. Lâu nay, quan chức Việt Nam đã thúc giục Mỹ về vấn đề này.

Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua gì nếu phía Mỹ đi tới quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.

Nhưng trong khi vấn đề biển Đông đang dậy sóng, theo các nhà quan sát, Hà Nội có lẽ muốn tăng cường hải quân để bảo vệ lãnh hải trước sự lấn lướt của Trung Quốc. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bác bỏ nguyên nhân thủy triều đỏ --- Vụ cá chết miền Trung: Chính quyền Việt Nam né tránh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc họp Chính phủ ngày 28/4 về kết quả xét nghiệm mẫu, theo đó "bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ".

Tuy nhiên bài nói về báo cáo này trên một số báo như Sài Gòn Giải Phóng hay Dân Trí đã bị gỡ bỏ vài tiếng đồng hồ sau khi đăng.

Kết luận này có nghĩa nguyên nhân thủy triều đỏ gây ra cá chết bất thường hàng loạt mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra hôm 27/4 là không chuẩn xác.

Cuộc họp về vấn đề cá chết có tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Khoa học - Công nghệ, Công an, Thông tin-Truyền thông và Y tế.

Bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng bản cached cho hay "các nhà khoa học hiện nay đang hướng nghiên cứu vào nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là tác động của độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nói đã giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ "chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để xét nghiệm, nghiên cứu làm rõ về tác động của độc tố hóa học trên cơ sở các kết luận khoa học, sớm công bố kết quả cho nhân dân".

Ông Phúc cũng nói nếu sau khi có kết luận của giới khoa học mà các cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân liên quan đến độc tố hoá học thải ra làm chết cá hàng loạt thì "phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật".

Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn được giao nhiệm vụ sớm đưa ra khuyến cáo về hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản hỗ trợ các địa phương.

Trước đó, một số nhà khoa học đã bày tỏ hoài nghi về lý do 'thủy triều đỏ' mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra.

'Hiện tượng cá chết vẫn phức tạp'

Ngư dân thấy 'thất vọng' trước nguyên nhân làm cá chết mà Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam công bố, một nhà hoạt động nói với BBC.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội hiện có mặt tại Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Tối qua tôi ra âu thuyền Kỳ Phương, dân ở đây đổ đậu ghe tàu thì rất nhiều ghe thuyền đã được kéo lên trên cồn. Người ta bỏ biển rất nhiều ngày."

"Những ngư dân sau khi nhiều ngày đánh bắt cá không được thu mua, thì bị ép giá, mua với giá rất thấp" - ông cho biết.

Ông Tuấn cũng nói sau khi theo dõi kết quả công bố nguyên nhân gây chết cá hàng loạt, nhiều ngư dân tỏ ra "thất vọng".

"Người ta nói không phải họ không đánh được con cá con tôm, mà là đánh lên không ai tiêu thụ, không ai mua."

"Họ lo ngại thương hiệu cá mực Vũng Áng và cả Hà Tĩnh sẽ bị mất đi. Họ sợ người dân cả nước một thời gian dài nữa sẽ không mua cá mực ở đây. Rồi sau này cá mực họ xuất khẩu như qua Trung Quốc cũng sẽ không bán được."

Ông Tuấn cũng cho biết: "Chiều qua khi tôi ra cảng, thấy giá cá xuống rất thấp. Các loại cá thông thường giá 20.000đ/kg, giờ chỉ còn 3.000 - 4.000đ/kg. Có những người sáng không bán được, chiều có thương lái đi gom, nhưng giá thì chưa biết phải đợi báo sau."

Ông Tuấn đã gặp gỡ nhiều ngư dân tại khu vực này trong những ngày vừa qua, khi sự kiện cá chết hàng loạt xảy ra từ khu vực Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị cho là lan xuống các tỉnh lân cận.

'Không có cơ sở khoa học'

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Tác – Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, nói “phải xem lại” nguyên nhân thủy triều đỏ.

Ông Tác giải thích: “Về nguyên tắc thủy triều đỏ có thể gây chết sinh vật biển. Thủy triều đỏ là hậu quả của sự ô nhiễm dinh dưỡng. Và khi xuất hiện thủy triều đỏ, màu nước biển thay đổi và tạo ra mùi khó chịu, và dân biết trước được.”

“Đàng này tôi không nghe ngư dân hay báo chí nói có hiện tượng mùi khó chịu hay màu nước thay đổi. Nếu như cá tôm chết, thì thủy triều đỏ phải xuất hiện trước đó khoảng 10 ngày và khi xuất hiện thủy triều đỏ, mặt biển sẽ xuất hiện màu hồng, màu vàng hoặc màu xanh, và sẽ tạo ra mùi tanh, hôi rất đặc trưng. ”

“Thứ hai, cá vừa rồi chết phần nhiều là cá đáy (sống dưới đáy biển). Thủy triều đỏ chỉ tác động mạnh đến các loài cá sống nổi thôi.” – ông Tác cho biết.

“Thủy triều đỏ là sự phát triển nở hoa của các loại thực vật đơn bào sống trôi nổi thì đầu tiên nó phải tác động đến những sinh vật nổi trên nước. Còn vừa rồi, phần nhiều cá chết là sinh vật đáy.”

Tiến sỹ Tác cũng nói lý do thủy triều đỏ là “chưa có cơ sở khoa học".

Khi được hỏi những hóa chất nào có thể làm chết cá ở tầng đáy, ông Nguyễn Văn Tác cho biết:

“Thứ nhất, cá tầng đáy chết, nghĩa là có thể các loại hóa chất đấy có hàm lượng hữu cơ rất lớn, làm oxy cạn kiệt và làm cho môi trường thiếu oxy.”

“Cái thứ hai là có độc tính rất lớn làm cá không chịu được và chết."

“Ngoài ra, có khả năng do các công trình ngầm thải ra những chất có tác động cực mạnh với các sinh vật sống ở đấy. Dù nguyên nhân nào cũng phải tập trung vào xem nguồn gốc thải ở đâu ra.” - ông Tác nói với BBC Tiếng Việt.

Ông Tác nhấn mạnh: "Nếu nói về nguyên nhân thủy triều đỏ phải tìm cho được nguyên nhân nào gây thủy triều đỏ, thủy triều đỏ ở đây là loài tảo gì, nó hình thành như thế nào, ở thời điểm nào. Các cơ quan chức năng phải làm rõ điều này."

Vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của người dân tại Việt Nam.

Tối 27/4, Bộ Tài nguyên-Môi Trường Việt Nam họp báo và nêu nguyên nhân cá chết: Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển và hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.

Cuộc họp báo diễn ra trong 10 phút và không phóng viên nào được đặt câu hỏi. - BBC

***
Gần một tháng sau khi thông tin về cá chết hàng loạt tại nhiều địa điểm gần khu chế xuất Vũng Áng của tập đoàn Đài Loan Formosa tại Hà Tĩnh, chính quyền Việt Nam tổ chức cuộc họp báo đầu tiên vào tối ngày 27/04/2016. Cuộc họp báo chỉ hơn 5 phút đã gây thất vọng cho giới truyền thông và dư luận trong nước, trong bối cảnh hiện tượng cá chết lan ra ba tỉnh miền Trung khác, gây lo ngại về một thảm họa sinh thái không lường.

Báo chí trong nước đồng loạt bày tỏ nỗi thất vọng, và thậm chí phẫn nộ, trước việc thứ trưởng bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam, được giao nhiệm vụ tiếp xúc với báo giới, đã hoàn toàn không dành thời gian cho việc trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ông Võ Tuấn Nhân chỉ nêu ra hai giả thuyết chung chung về nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt: độc tố hóa học do hoạt động con người thải ra và hiện tượng "thủy triều đỏ". Đại diện của chính quyền Việt Nam khẳng định: "chưa thấy liên hệ nào (giữa việc cá chết hàng loạt) với hoạt động của (công ty) Formosa".

Cuộc "họp báo" có đầu mà không có cuối nói trên gây nghi ngờ rất lớn trong công luận, về tính chất không minh bạch trong cách xử lý vấn đề của chính quyền. Cuộc họp báo được dự kiến vào đầu buổi chiều, đã đột ngột tuyên bố bị hủy bỏ, đến cuối giờ chiều lại có quyết định sẽ tiến hành, để rồi diễn ra hết sức chóng vánh.

Dư luận trong nước đặt câu hỏi về việc : Phải chăng chính quyền đã bao che cơ sở luyện thép của tập đoàn Đài Loan Formosa. Trong phát biểu trước báo giới nói trên, đại diện chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh, nơi trực tiếp giám sát hoạt động của Formosa trong lĩnh vực này.

Phản ứng của chính quyền cho đến nay không những bị chỉ trích là không minh bạch, mà còn bị đánh giá là quá chậm trễ. Tác hại của nguy cơ độc chất đối với sức khỏe và sinh mạng của cư dân địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế hiện đang là một dấu hỏi. Nguy cơ cá chết vì độc chất được tuồn ra thị trường cũng gây lo sợ, đặc biệt đối với nhiều tỉnh miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh.

Một bài viết, được đăng tải trên trang Tin Nhanh, của báo mạng Đại Đoàn Kết, khuyến cáo chính quyền: "Có thể coi sự việc nghiêm trọng này là một thảm họa quốc gia (…). Với sự nguy hiểm của chất độc, chúng tôi cho rằng cần có một nghiên cứu toàn diện với sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học quốc tế như World Health Organization (WHO) và nên khẩn cấp trong thời gian này", để có các biện pháp kịp thời, nếu cần, nhằm bảo vệ người dân địa phương.

Bài viết cũng nhấn mạnh đến việc cần làm sáng tỏ việc sử dụng 300 tấn hóa chất mà Formosa đã tuyên bố nhập về Vũng Ánh, để tẩy rửa một số đường ống. Nhà hóa học gốc Việt nổi tiếng Trương Nguyện Thành, đại học Utah Hoa Kỳ, là một trong các tác giả bài viết.

Ngày 27/04, một nhóm các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam đã đưa lên mạng bản "Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung", sau một ngày nhận được hơn 500 chữ ký. Trước đó, trên mạng lan truyền "Lời kêu gọi xuống đường vì môi trường" tại Hà Nội, Sài Gòn… vào ngày Chủ nhật 01/05. - RFI
|
|

6.
Tổng thống Mỹ sẽ nói về lợi ích của TPP khi đến Việt Nam

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc hôm 27/4 cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập tới những mối rủi ro của việc không thực thi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông thăm Việt Nam vào tháng sau.

Phát ngôn viên Josh Earnest nói với các phóng viên ông Obama sẽ nêu lên vấn đề trong cuộc hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam, với bối cảnh là nếu có khả năng xảy ra việc không thực thi TPP, Mỹ có thể gặp bất lợi trong cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Earnest cũng lưu ý hiệp định TPP có thể mang lại những cơ hội kinh doanh cho Việt Nam, nước có tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông lên, và có lợi cho cả Hà Nội lẫn Washington. Ông nói: “Tổng thống chắc chắn sẽ nêu bật việc hai bên cùng thắng khi ông đi đến Việt Nam”.

Theo lời của phát ngôn viên, ông Obama cũng sẽ “minh họa về rủi ro xảy ra khi bác bỏ hiệp định này”.

Mỹ và Việt Nam là hai trong số 12 nước ký kết TPP hồi tháng 2. Các nước này chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Ông Obama và các lãnh đạo khác của Mỹ đã tuyên bố mục đích của TPP là không chỉ dỡ bỏ hoặc giảm thuế quan mà còn cải thiện các điều kiện lao động cũng nhưng các tiêu chuẩn bảo tồn môi trường.

Theo phát ngôn viên Earnest, Trung Quốc – nước không tham gia TPP – “đang tìm cách tăng cường và làm sâu sắc quan hệ kinh tế với Việt Nam”.

Lưu ý rằng các doanh nghiệp Trung Quốc thường bất chấp các tiêu chuẩn lao động, môi trường và nhân quyền, ông Earnest nói nếu Trung Quốc có thể thiết lập được bàn đạp ở Việt Nam, “đó sẽ là cuộc đua xuống đáy”. Ông cũng nói thêm: “Và điều đó sẽ chỉ làm cho các doanh nghiệp Mỹ gặp bất lợi lớn hơn trong việc có gắng mở rộng các cơ hội ở một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới”.

Tuy nhiên, chính phủ của ông Obama khó đi đến việc phê chuẩn hiệp định một cách dễ dàng vì các nhà lập pháp Mỹ không hào hứng với việc thông qua hiệp định, chủ yếu vì những lo ngại rằng nó sẽ gây tác hại đến việc làm trong nước. - VOA

No comments:

Post a Comment