Tuesday, April 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 12/4

Tin Thế Giới

1.
Con ông Hồ Diệu Bang dọa kiện vì cáo giác trong Hồ Sơ Panama --- Dân Campuchia kêu gọi điều tra về Hồ Sơ Panama

Con trai của cố Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang phủ nhận những tin tức cho rằng ông đã dùng địa chỉ của cha ông ở Bắc Kinh để đăng ký một công ty vỏ bọc hải ngoại vào năm 2003. Theo tường thuật của thông tín viên Ye Bing của đài VOA tại Bắc Kinh, ông Hồ Đức Hoa còn doạ kiện những cơ quan truyền thông nào tiếp tục tường thuật về những cáo giác được phanh phui trong Hồ Sơ Panama.

Ông Hồ Đức Hoa nói với báo chí ở Hồng Kông rằng ông không có gì để che giấu. Ông cho biết việc đăng ký công ty của ông có tên là Fortalent International Holdings ở Quần đảo Virgin đã được thực hiện “một cách công khai” và ông lập công ty này với tên thật và hộ chiếu của chính ông.

Hôm thứ hai, ông nói với đài VOA rằng “Tôi đã kiểm tra lại giấy tờ đăng ký và tôi có thể bảo đảm với quí vị là địa chỉ đăng ký không phải là ‘tư thất của Tổng bí thư Hồ Diệu Bang’ như họ tường thuật.”

Ông nói thêm rằng để bảo vệ cho thanh danh của gia đình, ông sẽ thông qua hành động pháp lý để chống lại những cáo giác không đúng sự thật của giới truyền thông.

Ông nói “Các cơ quan truyền thông và các hãng thông tấn tạo ra điều dối trá này phải trưng ra bằng chứng. Nếu không, tôi sẽ sử dụng quyền hạn pháp lý của mình. Bởi vì tin tức mà họ loan tải đã bôi nhọ cựu Tổng bí thư của đảng Cộng Sản Trung Quốc và cá nhân tôi. Họ phải chịu trách nhiệm đối với những hậu quả nghiêm trọng mà hành động của họ đã gây ra, và họ phải công khai xin lỗi và bồi thường một cách thoả đáng.”

Ông Hồ Đức Hoa cho biết báo chí Hồng Kông gọi ông là “người Trung Quốc đầu tiên và duy nhất dám lớn tiếng phản đối” những tố cáo về những hoạt động đầu tư có thể là bất hợp pháp ở hải ngoại.

Ông nói “Sự thật là mọi người Trung Quốc bình thường, ngay cả người nước ngoài, ai nấy cũng đều có thể đăng ký một công ty ở Hồng Kông. Tôi tin rằng đó là quyền của họ, trong đó có tôi.”

Ông Hồ Đức Hoa sinh sống ở Hồng Kông ông khi thành lập công ty vỏ bọc được tiết lộ trong Hồ Sơ Panama.

Đề tài cấm kỵ

Từ những người trong gia đình của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông cho tới đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình, những dữ liệu trong Hồ Sơ Panama cho thấy việc bỏ tiền vào các công ty vỏ bọc hải ngoại là một việc phổ biến trong giới quyền thế ở Trung Quốc. Những thông tin bị tiết lộ cho tới giờ này cho thấy có sự dính líu của thân nhân của ít nhất 9 người đang giữ hoặc từng giữ chức Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan có nhiều quyền hành nhất nước.

Tuy việc sở hữu công ty vỏ bọc hải ngoại không phải là bất hợp pháp, nhưng những công ty đó có thể được dùng để rửa tiền hoặc trốn thuế. Những số của cải khổng lồ mà người thân của các đảng viên đảng Cộng Sản đương quyền tích luỹ là một mối quan tâm lớ n ở Trung Quốc nhưng nó cũng là một đề tài nhạy cảm và bị kiểm soát hết sức nghiêm nhặt.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã tăng cường việc kiểm duyệt những tin tức và bình luận trên mạng về Hồ Sơ Panama do Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế tiết lộ. Tổ chức này nói rằng hơn 11 triệu hồ sơ mà họ có được từ một công ty luật ở Panama cho thấy các ngân hàng, các công ty luật và những người hoạt động trong lãnh vực đầu tư hải ngoại thường không tuân thủ những đòi hỏi pháp lý là phải bảo đảm rằng khách hàng của họ không dính líu tới các hoạt động tội phạm, trốn thuế hay tham nhũng.

Nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc đã xoá những đường dẫn trên mạng xã hội về vụ rò rỉ thông tin này và Panama đã trở thành một trong những chữ bị kiểm duyệt nhiều nhất trên internet ở Trung Quốc.

Trấn áp tham nhũng

Vụ Hồ Sơ Panama bùng ra trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng qui mô lớn, trong đó ông đã công khai một số vụ án của những quan chức cấp cao để tìm cách chứng tỏ là Đảng Cộng Sản có thái độ nghiêm túc trong việc bài trừ tham nhũng. Một số người chỉ trích cho rằng cuộc trấn áp của ông Tập Cận Bình chỉ nhắm tới mục tiêu loại trừ đối thủ chính trị.

Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế cho biết cuộc phân tích của họ cho thấy tính tới cuối năm 2015, công ty luật Mossack Fonseca đã thu phí của hơn 16,300 công ty vỏ bọc từ Trung Quốc và Hồng Kông, chiếm khoảng 29% doanh thu toàn cầu của công ty này. Trong số những văn phòng ở khắp thế giới của công ty này, văn phòng ở Hồng Kông là văn phòng bận rộn nhất. - VOA

***
Các tổ chức xã hội dân sự và các chuyên gia chống tham nhũng đã lên tiếng hối thúc chính phủ Campuchia mở cuộc điều tra về vấn đề tại sao Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana có tên trong tài liệu được gọi là Hồ Sơ Panama. Thông tín viên Neou Vannarin của đài VOA tường thuật từ Phnom Penh.

Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana là người Campuchia duy nhất được nêu tên trong hơn 11 triệu tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca.

Các cơ quan truyền thông và Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ tuần trước đã bắt đầu công bố chi tiết về các tài liệu. Vụ tiết lộ này đã đưa ra ánh sáng những tài khoản ở nước ngoài được các người giàu có trên thế giới che dấu để tránh thuế và tránh bị soi mói về những vụ giao dịch tài chánh của họ.

Theo trang mạng của ICJC, ông Ang Vong Vathana, người đứng đầu ngành tư pháp của Campuchia kể từ năm 2004, trong năm 2007 đã mua các cổ phần trị giá 5.000 đô la của công ty có tên là RCD International Limited, có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Công ty này hiện không còn hoạt động nữa.

Bộ Tư pháp Campuchia nhanh chóng phủ nhận tính chính xác của thông tin này, nhưng các nhà quan sát nói cần có một cuộc điều tra toàn diện để làm dịu những nghi ngờ của công chúng.

Ông Preap Kol, giám đốc của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia nói với Đài VOA ban Khmer hôm thứ Sáu tuần trước là mở cuộc điều tra sẽ chứng tỏ “sự trong sạch” của chính phủ.

Ông Kol nói “Tôi nghĩ là nếu có những tin tức như vậy, thì nên có một cuộc điều tra để xóa bỏ những nghi ngờ đối với một viên chức chính phủ. Việc này có thể là mối quan tâm của những định chế có liên quan như Đơn vị Chống Tham nhũng ACU. Đơn vị này cũng như Đơn vị Tình báo Tài chánh có thẩm quyền vì trường hợp này có liên hệ đến tham nhũng. Hiện nay chúng tôi không thể nói nhiều về việc này. Tuy nhiên đây là những tin tức mà công chúng muốn làm rõ.”

Ông San Chey, thuộc Mạng lưới Trách nhiệm Xã hội Đông Á và Thái Bình Dương nói với ban Khmer Đài VOA là một cuộc điều tra sẽ giúp khôi phục lòng tin đối với chính phủ, miễn là ông Ang vong Vathana “trong sạch.”

Ông Chey nói “Điều cần thiết là những cơ quan thi hành luật pháp như Đơn vị Chống Tham nhũng có những biện pháp điều tra. Ngay cả trong trường hợp không ai khiếu nại, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến giá trị và tiếng tăm của Campuchia trên trường quốc tế vì tài liệu nêu tên một giới chức cao cấp Campuchia là bộ trưởng Tư pháp. Đây không phải là bất cứ bộ nào mà là bộ tư pháp - một bộ đi tìm công lý cho mọi người. Tiếc thay bộ này gặp phải tai tiếng như vậy.”

Chủ tịch Đơn vị Chống Tham nhũng ông Om Yentieng nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo đặc biệt vào thứ Năm tuần trước là các nhân viên của ông đang “làm việc” về vấn đề này nhưng không có nghĩa là sẽ chính thức mở cuộc điều tra.

Ông Om Yentieng nói thêm rằng “Từ điều tra có nhiều ý nghĩa. Có một mẫu tin tức và chúng ta phải nghiên cứu về tính đáng tin cậy của tin này. Và chúng tôi sẽ xem cần phải tiếp cận người nào kế tiếp. Đây là một tiến trình từng bước một.”

Ban Khmer Đài VOA không thể tiếp xúc với bộ trưởng Ang Vong Vathana hay các giới chức Bộ tư pháp để yêu cầu bình luận về tin này.

Tuy nhiên vào ngày thứ Hai tuần trước, một ngày sau khi tài liệu của Panama Papers được tiết lộ, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Campuchia Sorn Sophoan cho biết trong một thông cáo báo chí là tin của ICIJ về ông Vong Vathana là “những tin không đúng làm cho công chúng bối rối và ảnh hưởng đến phẩm giá của ông bộ trưởng.”

Ông San Chey nói phản ứng của bộ tư pháp là chậm chạp và không rõ ràng, so với những chính phủ khác. Một số quốc gia đã mở những cuộc điều tra sâu rộng để tìm xem Hồ Sơ Panama có đưa ra những sai trái thuộc thẩm quyền của các nước này hay không.

Ông nói “Về mặt phản ứng chúng ta cần hiểu rằng phản ứng của chính phủ Campuchia là khá trễ. Ngoài ông Ang Vong Vathana và phát ngôn viên của ông, chỉ có một thông cáo báo chí bác bỏ Hồ Sơ Panama. Tuy nhiên tại Thái Lan, chính phủ nước này đã có những biện pháp ngay tức thì. Có cuộc điều tra về vấn đề này vì có liên hệ đến giới chức cao cấp trong nước.” - VOA
|
|

2.
Trung Quốc giận dữ vì phát ngôn nhóm G7

Trung Quốc nói các quốc gia G7 nên "ngưng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm" sau khi các bộ trưởng ngoại giao ra thông cáo về xung đột khu vực trên biển.

Các bộ trưởng nhóm họp ở Nhật, cho biết họ chống lại "bất cứ những đe dọa thị uy hay hành vi kích động từ một phía" gây gia tăng căng thẳng.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông và các khu vực Đông Hải, khiến các quốc gia láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực chồng lấn giận dữ.

Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đảo ở khu vực này.

Các chuyên gia cho biết hình ảnh vệ tinh ở khu vực đang diễn ra hoạt động cải tạo đảo có thể chỉ ra Trung Quốc có lẽ đang tăng cường quân sự hóa trên các đảo mới xây hoặc cơi nới.

Ngoại trưởng các nước trong nhóm G7 từ các quốc gia phát triển - gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản - không nêu thẳng tên Trung Quốc trong thông cáo của họ.

Nhưng họ kêu gọi các quốc gia "ngưng các hoạt động như cải tạo đảo" và xây dựng các tiền đồn "vì mục đích quân sự" có thể mạo hiểm sự ổn định hoặc thay đổi tình trạng khu vực.

Tranh chấp nên được giải quyết "bằng sự tin cậy và theo luật pháp quốc tế" - Nhóm các quốc gia này nói.

Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhắc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này.

Người phát ngôn Trung Quốc cảnh báo các bộ trưởng ngoại giao "ngưng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm và tất cả những hành động vô trách nhiệm, và thực sự đóng vai trò xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực." - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Mỹ ca tụng lợi ích của TPP và T-TIP

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry sẽ cổ vũ cho những lợi ích của hai thoả thuận thương mại mà chính phủ của Tổng thống Obama đã theo đuổi trong một bài diễn văn đọc hôm 12 tháng 4 trước 1 cử toạ gồm các nhà lãnh đạo trong chính phủ, dân sự và các nhà làm chính sách ở Los Angeles.

Bộ Ngoại giao cho hay ông Kerry sẽ đề cập tới những lợi ích đối với nền an ninh quốc gia của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bao gồm 12 nước ven Thái Bình Dương, và Hiệp Định Thương Mại và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương, gọi tắt là T-TIP, một thoả thuận đang được thương thuyết giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu châu.

Hoa Kỳ và 11 nước khác tham gia hiệp định TPP chiếm 40% nền kinh tế thế giới.

Các bộ trưởng của các nước này đã ký thoả thuận vào tháng Hai năm nay, nhưng hiệp định này còn cần được quốc hội chuẩn thuận.

Một số thành viên quốc hội Mỹ đã nêu lên những quan tâm rằng Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ phương hại tới thương mại và đầu tư của Mỹ.

Trong một bức thư gửi cho Tổng thống Obama vào tháng Ba, một nhóm nhà lập pháp ở New York thuộc cả hai đảng nói họ hoài nghi về tính hiệu quả của hiệp định TPP, liệu có hữu hiệu hơn các thoả thuận thương mại trước đây hay không.

Họ đơn cử các điều khoản trong Hiệp định Thương Mại Bắc Mỹ- NAFTA, nói rằng hậu quả của các điều khoản ấy là bang New York đã mất hàng ngàn công việc làm ăn. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Obama nói về 'sai lầm lớn nhất'

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói sai lầm tệ hại nhất trong các nhiệm kỳ Tổng Thống của ông là không chuẩn bị để có thể đối phó với những hệ quả ở Libya sau hành động can thiệp do NATO lãnh đạo để lật đổ lãnh tụ Libya Moammar Gadhafi vào năm 2011, đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn.

Tổng Thống Obama suy gẫm về những thăng trầm của hai nhiệm kỳ của ông tại Tòa Bạch ốc trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tin tức Fox News. Ông nói với phóng viên Chris Wallace rằng can thiệp vào Libya để bảo vệ thường dân chống lại chế độ Gadhafi là “điều đúng đắn phải làm”. Sau khi nhà độc tài Libya bị giết chết, nhiều tháng sau khi Mỹ và các nước Âu Châu phát động các vụ không kích, nước ở Trung Đông này rơi vào tình trạng hỗn loạn vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay.

Các lực lượng dân quân lên nắm quyền với hai quốc hội và hai chính phủ đối nghịch nhau, và Libya đã trở thành điểm khởi hành của các di dân tìm cách chạy sang Âu Châu, dẫn tới cuộc khủng hoảng di dân trên lục địa này.

Một chính phủ đoàn kết được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã tới thủ đô Tripoli, nhưng cả hai quốc hội đối nghịch nhau tại nước này cho tới nay vẫn chưa chính thức ủng hộ thoả thuận do Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian điều giải.

Tổng Thống Obama nói ông coi Libya ngày nay là một ‘mớ bòng bong’, và nói với tạp chí Atlantic trong 1 cuộc phỏng vấn khác rằng Thủ Tướng Anh David Cameron đã bị ‘chia trí về một loạt vấn đề khác’ sau vụ can thiệp vào Libya. Ông Obama cũng chỉ trích Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy vì đã xử lý không đúng cách Libya sau vụ lật đổ Moammar Ghadafi.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng Thống Obama đã tìm cách rút ra bài học ở Libya trong việc cân nhắc vấn đề sử dụng quận đội trong những tình huống khác.

Tổng thống Obama nói thành quả lớn nhất trong thời gian hơn 7 năm làm tổng thống của ông là “vực dậy nền kinh tế khỏi tình trạng suy sụp nghiêm trọng” năm 2008 và 2009, vụ suy thoái kinh tế tệ hại nhất ở Mỹ tính từ những năm 1930.

Tổng Thống Obama sẽ rời nhiệm sở vào tháng Giêng năm tới. Ông nói ngày đẹp nhất trong thời gian làm tổng thống của ông là ngày vào năm 2010 khi quốc hội thông qua các cải cách hệ thống chăm sóc y tế sau này được biết đến là Obamacare.

Ông nói ngày đau buồn nhất trong thời kỳ làm tổng thống của ông là ngày đến thăm thị trấn Newtown của bang Connecticut, 2 ngày sau vụ xả súng bừa bãi tại một trường tiểu học, nơi 1 tay súng giết chết 20 học sinh và 6 nhà giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Biển Đông: Bài toán ‘thử tay nghề’ tân thủ tướng Việt Nam

Sau khi ‘tứ trụ’ an vị, bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam bị đặt trước những thách thức lớn từ kinh tế, xã hội cho đến vấn đề chủ quyền. Giới phân tích quốc tế nói Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề lớn có thể ‘kiểm tra’ khả năng của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và dàn lãnh đạo mới trong mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh giữa tình hình ngày càng căng thẳng trong khu vực.

Ngay hôm tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những trọng tâm ưu tiên của nghị trình làm việc trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông, trong đó có mục tiêu ‘kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia’.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, 61 tuổi, người cuối cùng trong 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, đã chính thức được Quốc hội công nhận chức vụ mới hôm 7/4.

Việc ông Phúc và ban lãnh đạo mới được gấp rút đề cử và nhậm chức sớm hơn thông lệ, chỉ chưa đầy 3 tháng thay vì khoảng 6 tháng kể từ đại hội đảng Cộng sản lần thứ 12 diễn ra vào tháng 1/2016, được cho biết một phần lý do là vì chuyến đi sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang Việt Nam vào tháng 5 tới và những đụng độ với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hồi tuần rồi, Việt Nam lần đầu tiên bắt một tàu chở dầu của Trung Quốc với lý do ‘xâm phạm chủ quyền Việt Nam’ ở Biển Đông, một động thái được cho là cực kỳ hiếm hoi từ phía Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự lấn lướt nhằm khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp.

Mặc dù có sự ủng hộ, nhưng dư luận Việt Nam dường như chưa thỏa mãn với hành động chưa có tiền lệ này. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam cần sớm ra Luật biểu tình để có thể huy động tiếng nói của người dân trong vấn đề Biển Đông, điều mà đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho là ‘công cụ tốt’ có thể giúp nhà nước phát huy những điều phù hợp với lòng dân mà vẫn phù hợp với ý đồ chính trị.

Nhưng dự thảo về Luật biểu tình của Việt Nam đã bị đẩy lùi, trì hoãn trên bàn nghị hội của Việt Nam từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13. Hôm 17/2, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, dự án này lại bị đề nghị đẩy lùi sang kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14, tức vào cuối năm 2016.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lý giải sự trì hoãn này:

“Liên quan đến việc ban hành Luật biểu tình ở Việt Nam, có thể nói rất rõ là dường như có một cái gì đó còn rất là lưỡng lự. Quyền biểu tình là quyền tự nhiên của con người để bày tỏ quan điểm. Nhưng đương nhiên đứng về phía nhà cầm quyền thì bao giờ cũng e ngại rằng nó như một con dao hai lưỡi, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Cho nên không phải chỉ là những vấn đề nguyên tắc để dễ chia sẻ với nhau, dễ nhất trí, nhưng còn về những kỹ thuật cụ thể. Ngay bản thân chúng tôi cũng phải nghĩ tới rằng một luật biểu tình với luật chống biểu tình, cái ranh giới nó rất mỏng manh. Cho nên việc xây dựng một luật như thế rất khó, nhất là ở Việt Nam, khi mà một thời gian rất dài, cho dù Hiến pháp đầu tiên có đề cập tới nhưng hầu như là để sang một bên.”

Ông Dương Trung Quốc cho rằng vấn đề Luật biểu tình là ‘bài toán không đơn giản’ đối với chính quyền Việt Nam nói chung và với các tân lãnh đạo mới nhậm chức nói riêng.

“Chắc chắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống sự can thiệp, chống sự xâm hại đến lợi ích quốc gia thì tôi nghĩ cái này rất dễ tìm sự đồng thuận chung giữa người dân và nhà nước. Nhưng vấn đề còn lại là làm sao thực hiện được cái đó bên cạnh sức ép của Trung Quốc trực tiếp, do mối quan hệ mang tính lịch sử, địa chính trị…, kể cả vấn đề liên quan đến thể chế chính trị nữa. Đây có thể nói là bài toán không đơn giản ở Việt Nam.”

Chính tình trạng lấn cấn, chưa tìm ra giải đáp cho bài toán về Luật biểu tình là một trong những nguyên nhân, theo đại biểu Dương Trung Quốc, khiến cho Việt Nam thường chỉ dừng lại ở những thông điệp ‘mang tính nguyên tắc’ trước những hành động lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

“Chính vì thế trước những biến động của tình hình, phía Việt Nam chỉ đưa ra những thông điệp mang tính nguyên tắc nhiều hơn là làm sao tạo ra một dư luận xã hội mạnh mẽ phản ánh những ý kiến của người dân. Tôi cho đấy là bài toán cần phải giải quyết trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp trước việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hết sức trắng trợn những hành vi xâm phạm chủ quyền.”

Giới phân tích quốc tế cho rằng chính những căng thẳng ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam xa Trung Quốc và gần với Hoa Kỳ hơn. Nhưng trong quan hệ phức tạp giữa 2 đảng Cộng sản láng giềng Việt Nam – Trung Quốc, tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại được kỳ vọng phải đưa chính quyền về lại với nguyên tắc lãnh đạo đồng thuận của đảng Cộng sản, sau một thời gian dài dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có tư tưởng chú trọng cải cách hỗ trợ doanh nghiệp, dẫn đến có những lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc và gây ra những bất đồng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác trong đảng Cộng sản.

Chuyên gia về Biển Đông Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ, được tờ Hoa Nam Buổi Sáng trích lời nói dàn lãnh đạo Việt Nam bây giờ có cơ hội để cho thấy một bộ mặt ‘hợp nhất’ hơn so với 5 năm trước trong những sự kiện khiêu khích từ phía Bắc Kinh.

Việc giải quyết thỏa đáng những căng thẳng ở Biển Đông với đối tác thương mại lớn nhất là Bắc Kinh, cùng với những bài toán về nợ công, tăng trưởng kinh tế, các cam kết của TPP (Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương)… là những thách thức mà các chuyên gia cho là cơ hội để tân thủ tướng Việt Nam và dàn lãnh đạo mới ‘trổ tài’.

Trước khi lên nắm chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương và là Phó thủ tướng trong nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. - VOA
|
|

6.
Hai tàu chiến Nhật cập cảng Cam Ranh

Hai chiến hạm Nhật Bản hôm nay lần đầu tiên ghé thăm cảng chiến lược của Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm kéo dài tới ngày 15/4, trong bối cảnh cả Hà Nội và Tokyo đang đối mặt với các thách thức của Trung Quốc trên biển.

Hai tàu hộ vệ này chở theo thủy thủ đoàn gần 500 người, trong đó có 54 học viên sĩ quan hải quân vừa tốt nghiệp.

Chuyến thăm của tàu chiến Nhật Bản được cho là nhằm mục đích “tăng cường quan hệ giữa hải quân các nước” và “để rèn luyện kiến thức và kỹ năng cần thiết thông qua quá trình đi biển dài ngày cho các học viên sĩ quan của Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản”.

Tham dự lễ đón hai tàu chiến này có ông Fukada Hiroshi, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Tiếp tàu có đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Trước khi tới Việt Nam, các tàu khu trục của Nhật đã tới thăm căn cứ hải quân Subic ở Philippines.

Nói về lý do vì sao đến Cam Ranh, chỉ huy trưởng đội tàu, đại tá Morishita Osamu cho hay vì Cam Ranh “nằm ở vị trí trung tâm của Biển Đông, là cảng biển tự nhiên tốt nhất trong khu vực và nơi đây vừa khánh thành cảng quốc tế”.

Tại buổi lễ đón biên đội tàu hộ vệ của Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi đã đọc thư của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhân sự kiện này.

Bức thư có đoạn viết: “Biển Đông phía trước mặt vịnh Cam Ranh là tuyến đường hàng hải quốc tế, nơi có nhiều tàu bè kể cả dân sự và quân sự qua lại 24/24 giờ trong suốt 365 ngày, là một “vùng biển tự do và rộng mở”, giữ vai trò thiết yếu đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực. Để vùng biển “tự do và rộng mở” của Biển Đông tiếp tục là vùng biển hòa bình và an toàn trên nguyên tắc tự do hàng hải và luật pháp quốc tế là điều hết sức quan trọng đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực và thế giới”. - VOA

No comments:

Post a Comment