Sunday, April 10, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 10/4

Tin Thế Giới

1.
Cháy đền thờ ở Ấn Ðộ, 100 người thiệt mạng

Khoảng 100 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong một vụ cháy lớn tại một đền thờ ở bang Kerala thuộc miền nam Ấn Ðộ sớm Chủ nhật, nơi hàng ngàn người tập trung để xem bắn pháo hoa vào một dịp lễ hội tôn giáo hàng năm.

Thảm kịch xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng, vài giờ sau màn bắn pháo hoa gần đền thờ Puttingal Devi ở thị trấn duyên hải Parvur ở quận Kollam, cách thủ phủ Thiruvananthapuram khoảng 70 kilômét.

Các giới chức cho hay tia lửa pháo trúng vào một  nhà kho chứa một lượng lớn pháo, châm ngòi cho hàng loạt vụ nổ lớn và lửa nhanh chóng lan rộng.  

Văn phòng quản lý của đền thờ thiệt hại nặng và một phần mái của ngôi đền bị biến dạng. Những đám khói lớn bốc lên bầu trời trong đêm tối.

Ông Oommen Chandy, thủ hiến bang Kerala, nói rằng màn bắn pháo hoa không được cho phép và ban quản lý đền thờ đã bất chấp quy định, cứ thực hiện vụ bắn pháo hoa.

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đến hiện trường cùng với một toán bác sĩ. Ông viết trên Twitter rằng vụ hỏa hoạn ở đền thờ thật là “đau lòng và bàng hoàng không lời nào tả xiết.” Ông ngỏ lời chia buồn với gia đình các nạn nhân và cầu nguyện cho những người bị thương.

Bang Kerala có nhiều đền thờ Ấn giáo.  

Đền thờ Puttingal Devi được lập nên tại địa điểm mà người địa phương tin là một nữ thần đã hiện ra cách đây nhiều thế kỷ. - VOA
|
|

2.
Cử tri Peru đi bầu tổng thống

Cử tri Peru hôm nay đi bỏ phiếu bầu tổng thống trong cuộc bầu cử mà theo trông đợi sẽ có vòng chung quyết.

Các nhà phân tích nói rằng con gái của cựu tổng thống đang bị giam tù Alberto Fujimori có thể đạt được kết quả cao trong vòng bầu cử thứ nhất.

Các cuộc thăm dò cho thấy chính trị gia trung hữu Keiko Fujimori đang dẫn đầu, cách đối thủ thứ nhì của bà hơn mười phần trăm, nhưng có thể không đạt được đa số quá bán để giành chiến thắng dứt khoát.

Một cuộc thăm dò dự đoán bà Fujimori sẽ giành được 35% số phiếu trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, còn doanh nhân ngân hàng Pedro Pablo Kuczynski sẽ giành được 21% phiếu bầu.  

Theo sát đó là ứng cử viên theo chủ trương dân tộc Veronika Mendoza, sẽ giành được khoảng 20% số phiếu.

Bà Fujimori tìm cách tránh những liên hệ với cha của bà, nhà độc tài cai trị Peru từ năm 1990 đến năm 2000.  

Cựu tổng thống Fujimori đang thụ án 25 năm tù vì vi phạm nhân quyền và tham nhũng khi cầm quyền. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Ðộ --- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm căn cứ gần Trường Sa

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter vừa đến Ấn Ðộ, bắt đầu chuyến thăm vào lúc có hàng loạt hoạt động tăng cường hợp tác với quân đội Ấn Ðộ.

Một giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Chúng tôi đang làm những việc với Ấn Ðộ mà cách cách đây khoảng 10 năm là chuyện không tưởng có thể xảy ra.”

Bộ trưởng Carter sẽ tìm cách tăng cường quan hệ trao đổi và công nghệ quốc phòng, đồng thời tăng cường hợp tác quân đội thông qua các hoạt động hợp tác giữa hai bên.

Ông Carter phát biểu tại cuội họp của Hội đồng Đối ngoại hôm thứ Sáu, trước khi lên đường, rằng: “Mặc dù đàm phán có thể khó và cạnh tranh toàn cầu cao, tôi tin rằng trong những năm tới, Hoa Kỳ và Ấn Ðộ sẽ đạt được thỏa thuận hợp tác chế tạo mang tính dấu mốc sẽ đưa hai nước đến gần với nhau hơn và làm cho quân đội của hai nước mạnh hơn.”

Theo một giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, hợp tác công nghệ giữa hai nước chú trọng vào thiết kế tàu sân bay và cùng chế tạo chiến đấu cơ phản lực.

Phó Bộ trưởng Quốc phòng Frank Kendall đi thăm New Delhi trước chuyến thăm của Bộ trưởng Carter để bàn về các dự án đó.

Xoay trục sang Châu Á

Chuyến thăm của ông Carter nhằm thể hiện ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ đặt trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Carter ca ngợi quan hệ Mỹ-Ấn là “hợp tác chiến lược” được đặt ra trong số những mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của thế kỷ 21.

Bộ trưởng Carter nói: “Trong lúc Hoa Kỳ hướng về phía tây trong chiến lược tái cần bằng, thì Ấn Ðộ vươn sang hướng đông trong Chính sách hành động về hướng đông của Thủ tướng Narendra Modi để đưa Ấn Ðộ tiến xa hơn về Ấn Ðộ dương và Thái Bình Dương.” - VOA

***
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ tới thăm các địa điểm ở Philippines, nơi Mỹ dự tính đồn trú binh sĩ, trong đó có một căn cứ gần biển Đông.

Kênh CNN hôm nay đưa tin rằng ông Carter sẽ tới thăm một căn cứ cách Trường Sa khoảng 160 km.

Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, cùng tuyên bố chủ quyền.

Nhưng trong chuyến thăm châu Á lần này, ông Carter không tới thăm Trung Quốc.

Ông đã nhận lời mời tới thăm Bắc Kinh khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc năm ngoái.

Nhưng thông tin về chuyến công du châu Á của ông Carter công bố hôm qua không có tên Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói rằng “lịch trình phức tạp khiến không có chặng dừng chân ở Trung Quốc”.

Ông Carter cũng sẽ tới Ấn Độ vào tuần tới, sau đó là các chặng dừng chân ở các quốc gia Trung Đông gồm Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Ảrập Xêút.

Ông Carter hôm qua đọc bài diễn văn về an ninh Á châu tại New York. Quan chức này nói rằng nhiều quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự của Trung Quốc mà ông nói rằng “nổi bật về quy mô”.

Ông nói thêm rằng các nước đó bày tỏ quan ngại công khai lẫn riêng tư ở cấp cao nhất.

Ông Carter nói thêm rằng mặc dù Hoa Kỳ có những ý kiến bất đồng với Trung Quốc, Washington quyết tâm giải quyết những vấn đề này bằng những cách thức không làm cho khu vực bị bất ổn. - VOA
|
|

4.
Ông Sanders thắng Wyoming, nhưng phải chia phiếu đại biểu với bà Clinton

Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders thắng trong các cuộc họp bầu hôm thứ Bảy ở tiểu bang Wyoming, thuộc miền tây của Mỹ, nhưng vẫn chưa thu ngắn được khoảng cách biệt với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc đua tranh chức tổng thống.

Ông Sanders giành được 56% số phiếu. Ðảng Dân chủ quyết định mỗi ứng cử viên nhận được 7 phiếu đại biểu của tổng số 14 phiếu đại biểu của bang Wyoming.

Đây là chiến thắng thứ tám mà ông Sanders giành được trong 9 tiểu bang bầu cử mới đây nhất. Ông Sanders nói loạt chiến thắng này là một dấu hiệu của đà tiến tới trong cuộc vận động tranh cử của ông. Nhưng ông cần phải có những chiến thắng lớn hơn để giành được tỉ lệ phiếu đại biểu lớn hơn thì mới có thể bắt kịp bà Clinton và giành được quyền đề cử của Ðảng Dân chủ.

Kết thúc ngày thứ Bảy, bà Clinton dẫn đầu với 1.287 phiếu đại biểu do các bang bầu cho, so với ông Sanders được 1.037 phiếu đại biểu. Bà Clinton còn có khoảng 500 phiếu được gọi là siêu đại biểu đã hứa sẽ bầu cho bà.

Ông Sanders sẽ nỗ lực tiếp với mạch chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 19 tháng 4 tới tại bang New York có nhiều phiếu đại biểu.

Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Sanders hơn 10% tại bang này. Bà Clinton đang hướng tới chiến thắng ở bang New York sẽ đưa bà tiến gần hơn đến việc giành được đề cử của đảng.

Ðảng Cộng hòa cũng sẽ bầu cử tại bang New York, bang nhà của ông Donald Trump, người đang dẫn đầu cuộc đua bên đảng này. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Trump dẫn trước tại bang này với tỉ lệ cao.  Có cuộc thăm dò cho thấy ông dẫn đến 30 điểm trước ông John Kasich, Thống đốc bang Ohio và ông Ted Cruz, Thượng nghị sĩ bang Texas.

Tuần trước ông Cruz giành được một chiến thắng quan trọng tại bang Wisconsin, và hôm thứ Bảy ông giành chiến thắng tại bang Colorado.  

Ông Cruz phải thắng hơn 90% các bang còn lại thì mới hòng đạt được tỉ lệ đa số cần thiết để giành quyền đề cử của đảng trước đại hội toàn quốc vào tháng 7. Nhưng những chiến thắng mới đây của ông Cruz cũng làm cho ông Trump khó đạt đến mức phiếu đại biểu cần thiết để giành đề cử của đảng.

Ông Cruz và ông Kasich hy vọng ở đại hội toàn quốc, họ có thể thuyết phục các đại biểu nhất trí chọn họ làm đại diện cho đảng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam: "Hội nghị cử tri", rào cản đối với ứng cử viên độc lập

Việt Nam đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 5/2015. Lần này có sự tham gia của hơn một trăm ứng cử viên độc lập, thường được gọi là những người « tự ứng cử ». Kể từ khi khởi động chương trình ứng cử Quốc hội đến nay, trong công luận, có nhiều tiếng nói chỉ trích chính quyền địa phương các cấp tìm mọi cách ngăn cản các ứng cử độc lập, đặc biệt là những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền.

Trả lời RFI, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội, một trong những người đầu tiên đăng ký ứng cử vào Quốc hội, vừa trải qua thủ tục "lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu" Quốc Hội (và Hội Đồng Nhân Dân) trong hội nghị cử tri của tổ dân phố, nơi ông cư trú, ngày 09/04/2016, nhận xét về vấn đề này.

"Thực sự tôi chỉ có thể nói về một số anh em tự ứng cử, là những nhà hoạt động nhân quyền, những nhà hoạt động dân chủ mà thôi. Bởi vì đó là một phần trong số những người ‘‘tự ứng cử’’. Còn những người tự ứng cử ngầm được chính quyền đồng ý và một số người ứng cử độc lập thực, nhưng không phải các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, thì tôi không biết tình hình của họ. 

Đối với các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, quyết tâm của chính quyền là loại bỏ họ bằng mọi cách. Điều này đã được tiến hành bằng rất nhiều cách, nhưng chủ yếu bằng cách để chọn những người dưới các hội nghị (cử tri), phát biểu những điều bất lợi, thậm chí có những trường hợp ‘‘đấu tố’’. 
 
Đối với trường hợp của tôi, tại cuộc hội nghị cử tri, không diễn ra những phát biểu có tính chất đấu tố như vậy, nhưng riêng với tôi, đấu tố đã xảy ra khoảng một tháng rưỡi, hai tháng trước rồi. Bởi vì cơ sở đảng ở đây đã quán triệt đến từng đảng viên. Họ nói rằng tôi làm ‘‘chuyện này, chuyện nọ’’. Các ‘‘dư luận viên’’ có ba clip video nói xấu tôi, trong đó có clip phỏng vấn ông tổ trưởng tổ dân phố, ông trưởng ban công tác mặt trận của tổ dân phố, và bà chi hội trưởng hội người cao tuổi của tổ dân phố. Trong phỏng vấn đó, họ bôi nhọ đủ mọi thứ. Các clip đó được phát tán rộng rãi trên youtube. 
 
Lãnh đạo ''tổ dân phố'' tự do tuyên truyền chống ứng cử viên độc lập
 
Sau đó, tôi có nói chuyện với ba người lãnh đạo của tổ dân phố, họ đều nói họ không biết thông tin gì cả (…). Tuy nhiên, bất chấp việc tôi đã cung cấp thông tin cho họ, ông tổ trưởng dân phố, vào ngày 19/03, đã lấy một bài 6 trang giấy của chính trang của các ‘‘dư luận viên’’, những người chuyên môn phá rối các cuộc tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, và ở biên giới phía Bắc. Ông ấy phô tô 6 trang đó gửi cho tất cả các gia đình ở tổ dân phố. Thậm chí, còn phân phát ngoài chợ, như truyền đơn. Sau đó ông trưởng ban công tác mặt trận lại tiếp tục trả lời phỏng vấn của hội dư luận viên đó, bảo vệ ông tổ trưởng dân phố. 
 
Việc tổ trưởng dân phố, với tư cách chính quyền, làm việc phi pháp như vậy ngược lại luật bầu cử, tôi đã có phản đối, tố cáo, gửi cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền, từ Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia, đến Ủy Ban Bầu Cử Hà Nội, đến công an, nhiều nơi khác, nhưng cho đến nay, tôi chưa nhận được hồi âm nào. 
 
Cuộc đấu tố trong trường hợp của tôi diễn ra ngoài hội nghị cử tri, diễn ra khá ráo riết và trước đó khá lâu, còn một số trường hợp khác, người ta cũng tiến hành hết sức phi pháp. Như với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người ta nêu hai đơn tố cáo của những người ở đâu đâu, trong khi việc giải quyết đơn tố cáo là việc của Ủy Ban Bầu Cử Hà Nội, chứ không phải việc của hội nghị cử tri. Nhưng việc đưa ra  như vậy, người ta làm ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Không những thế việc kiểm 58 phiếu, chỉ có hai khả năng, đồng ý hoặc không, mà các đại trí thức của Viện Hán Nôm cần đến nửa giờ để đếm (…). Điều này cũng gây ra nghi ngờ là việc kiểm phiếu cũng không được minh bạch cho lắm. 
 
Những hành động ngăn cản đối với anh Hoàng Dũng ở Sài Gòn, đối với ca sĩ Mai Khôi, việc đấu tố đối với luật sư Lê Luân... Tất cả đều theo một bài đã được thiết kế sẵn, và bài đó cũng không lạ gì so với hai, ba cuộc bầu cử trước ».

"Hội nghị cử tri" và "hiệp thương" : biện pháp hợp thức hóa các hành động "vi hiến"

Trả lời câu hỏi, phải chăng trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền các cấp phụ trách trực tiếp việc bầu cử đã hoàn toàn im lặng trước phản ứng của nhiều ứng cử viên độc lập về các đối xử bất công nói trên, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết :
 
« Tất cả các kiến nghị và đơn tố cáo của tôi và một số người khác, thì các cơ quan có thẩm quyền trả lời – từ cấp cao nhất – đã không có một ý kiến gì cả. Và những hành động của các cấp chính quyền địa phương nhìn bề ngoài có thể nghĩ như thế, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu không có lệnh của cấp trên, thì họ cũng không dám làm như vậy, 
 
Bản thân luật bầu cử đã hợp thức hóa, thể chế hóa hay hợp pháp hóa những biện pháp vi hiến, phi dân chủ, tước quyền quyết định bằng lá phiếu. Đó là quy định về hội nghị cử tri. Thí dụ 69 người không đồng ý việc tôi ra ứng cử (trong hội nghị cử tri) là có thể đủ để đánh bại hơn 5.000 chữ ký ủng hộ của nhân dân khắp nơi. Và cái gọi là ‘‘hiệp thương’’, nhưng những người liên quan lại không được tham gia, tức là ‘‘hiệp thương’’ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, để họ tự quyết định. Tức cái gọi là ‘‘hiệp thương’’ và ‘‘hội nghị cử tri’’ đều là các biện pháp hợp thức hóa cho việc làm vi hiến, tước quyền ứng cử, tước quyền lựa chọn (bằng lá phiếu) của tuyệt đại đa số cử tri. Tôi nghĩ đây là vấn đề cốt lõi. 
 
Chúng tôi đấu tranh là để thay đổi những quy định như vậy, những luật như vậy. Còn những luật đã quy định như thế, đã thiết kế cho việc như thế, thì chuyện chính quyền cấp dưới mà họ làm, theo định hướng của trên cấp chóp bu, thì tôi nghĩ là điều dễ hiểu. Tất cả các anh em, hoạt động nhân quyền, dân chủ, khi ra tự ứng cử cũng biết ngay điều đó từ ban đầu rồi". - RFI
|
|

6.
Tập trung ủng hộ LS Nguyễn Văn Đài, nhiều người bị bắt giữ

Một số nhà hoạt động cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam hôm nay bị cơ quan chức năng bắt giữ khi tập trung trước Đại sứ quán Hoa Kỳ để Bày tỏ ủng hộ cho một nhà hoạt động khác là cựu tù nhân lương tâm luật sư Nguyễn Văn Đài, người hiện đang bị giam giữ từ ngày 16 tháng 12 năm ngoái.

Anh Trịnh Bá Phương, con trai Bà Cấn Thị Thêu, một cựu tù nhân và hiện giúp những người bị mất đất như Bà tiếp tục đòi Công lý, vào lúc 6:30 chiều cho biết đang cùng nhiều người có mặt trước Đồn Công an Hà Nội đòi thả những người bị bắt hôm nay:

“Tôi nhớ là ở đồn Công an thành phố Hà nội tại địa chỉ số 6 Quang Trung, Hà Đông. Hiện tại những người bị bắt có anh Trương Anh Dũng  bị đánh rất là đau và đến giờ họ cũng chưa chịu thả người. Có một chiếc xe đen đi vào trong và rồi đi ra với lực lượng rất là đông nên Bà con đã nằm xuống trước cổng đồn Công an để ngăn chặn họ đi ra. Nhiều người nghi ngờ là trong chiếc xe đó có ba người, đó là mẹ cháu, chú Trương Dũng và chú Trung Nghĩa; Có thể họ sẽ chở đi. Đó chỉ là nghi ngờ chứ hiện tại chưa thể xác định được.”

Một nhà hoạt động khác, Cô Thảo Tesera, cũng cho biết sự việc mà Cô chứng kiến trong ngày hôm nay:

“Bà con vẫn đi khiếu kiện vấn đề đất đai nhà cầm quyền cưỡng chiếm. Bà con tiến vào bộ Tài nguyên và môi trường thì  Công an cho an ninh Côn đồ ra đánh đập và bắt đi 7 người trong số bà con. Gia đình và bà con chỉ đi đến Công an chỉ để yêu cầu thả người thôi; Bắt giữ trái phép, đánh đập sây sát cả người. Họ đến đây để đòi thân nhân thôi chứ không có gì cả nhưng vấn đề bây giờ là họ đang điều cái xe 7 chỗ để di chuyển mọi người đi đâu không biết. Hôm nay là tập trung ở sứ quán Mỹ về vấn đề tự do cho anh luật sư Nguyễn Văn Đài. Theo chương trình thì bà con sẽ tập trung ở đại sứ quán nhưng họ bị “cắt” từ đường Nguyễn Chí Thanh. Đây cũng  là nơi bà con đang khiếu kiện với bộ Tài nguyên và môi trường (TN & MT). Bà con chưa kịp ra đại sứ quán Mỹ thì họ chặn lại và bắt đi. Một số anh em khác bị bắt tại đại sứ quán Mỹ thì đã bị đánh rồi. Khi các anh em đó đến hỗ trợ bà con tại bộ TN & MT thì lại bị bắt. Tất cả là 7 người gồm 4 dân oan và 3 người đấu tranh dân chủ là Trương Dũng, Trung Nghĩa với lại  một người nữa thì em chưa rõ tên.”

Tin cho biết số cả trăm nhà hoạt động tập trung trước Đại sứ Quán Hoa Kỳ hôm nay để biểu tỏ ủng hộ đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài gồm những người ở Hà Nội và một số nơi khác đến như Nghệ An…

Xin được nhắc thêm hôm nay cũng là ngày ra tuyên ngôn của Khối 8406, một nhóm hoạt động đòi hỏi quyền tự do dân chủ, quyền con người và tự do tôn giáo cho người dân tại Việt Nam. Đến hôm nay Khối 8406 tròn 10 năm hoạt động. - RFA

No comments:

Post a Comment