Wednesday, June 3, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 3/6

Tin Thế Giới

1.
TT Obama: Israel mất tín nhiệm trong cam kết hòa bình Trung Ðông

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Israel đang đánh mất sự tín nhiệm của quốc tế về việc liệu nước này có thực tâm trong nỗ lực mang lại hòa bình bao gồm một nhà nước Palestine hay không.

Tổng thống Obama phát biểu như vậy trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Channel 2 của Israel, được phát sóng hôm thứ Ba.

Tổng thống Obama cũng được hỏi về tuyên bố trước bầu cử của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hồi đầu năm nay rằng sẽ không bao giời có một nhà nước Palestine trong thời gian ông cầm quyền.

"Cộng đồng quốc tế đã không tin tưởng rằng Israel thực tâm trong giải pháp hai nhà nước. Tuyên bố của thủ tướng làm rõ thêm quan điểm đó rằng không có một cam kết ở đây."

Ông Netanyahu kể từ đó đã né trách tuyên bố đó và nay nói rằng ông cam kết với giải pháp hai nhà nước.  Ông kêu gọi người Palestine trở lại với tiến trình đàm phán mà đặt điều kiện.

Nhưng Tổng thống Obama nói trong cuộc phỏng vấn rằng chính trị của Israel "bị thúc đẩy bằng sự sợ hãi."

"Tôi nghĩ Thủ tướng Netanyahu là một người có định kiến phải nghĩ về an ninh trước, luôn cho rằng hòa bình là một ý tưởng ngây thơ, luôn nhìn ra khả năng tồi tệ nhất để đặt ngược lại với khả năng tốt đẹp nhất trong các đối tác Ả Rập hoặc đối tác Palestine."

Phát biểu của ông Netanyahu về người Palestine và nỗ lực không ngừng của ông nhằm bác bỏ tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran – nhất là khi ông phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ hồi tháng 3 đã khiến cho chính quyền của Tổng thống Obama phẫn nộ.

Nhưng Tổng thống Obama nói giải pháp ngoại giao, chứ không phải là hành động quân sự, mới là cách duy nhất để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Netanyahu nhiều lần lập lại cảnh báo rằng bất cứ một thỏa thuận hạt nhân nào với Iran cũng là một thỏa thuận tồi, và chỉ mở ra cho Iran khả năng để chế tạo bom hạt nhân, và đẩy Israel vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng hơn.

Tổng thống Obama nói ông thấu hiểu những "quan tâm" và "lo ngại" của Israel về một nước Iran có vũ khí hạt nhân, nhưng ông đã nói nhiều lần rằng an ninh của Israel là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. - VOA
|
|

2.
Lãnh đạo cao cấp đảng cộng sản Philippines vừa bị bắt --- TT Phi so sánh TQ với Đức quốc xã

Một nhà lãnh đạo cao cấp của quân phiến loạn cộng sản Philippines vừa bị bắt.

Ông Adelberto Silva được xem là người đứng đầu cánh quân sự của đảng cộng sản Phi mệnh danh là đội quân Tân Nhân dân bị bắt cùng một người đàn ông và một người đàn bà tại một vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Manila vào chiều tối thứ hai vừa qua.

Cảnh sát nói là họ thu được các thiết bị điện tử và lựu đạn tại nơi trú ẩn của những người này.

Hồi năm ngoái Chủ tịch đảng cộng sản Phi và bà vợ của ông này đồng thời là bí thư đảng cũng đã bị bắt.

Người phát ngôn của quân đội Phi nói là việc bắt giữ ông Silva sẽ gây tổn thất lớn cho phong trào cộng sản ở nước này vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ qua và được cho là đã gây nên cái chết của khoảng 30 ngàn nhân mạng. - RFA

***
Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay 03/06/2015 tại Tokyo lại so sánh Trung Quốc với Đức quốc xã, khi tố cáo tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực. Lập tức chính quyền Trung Quốc nổi trận lôi đình, gọi ông Aquino là "chính khách nghiệp dư, không biết gì về lịch sử và thực tế".

"Nếu có một khoảng trống, nếu siêu cường Hoa Kỳ không quan tâm đến tình hình châu Á, thì có lẽ không còn lực cản nào cho tham vọng của các nước khác". Ông Aquino cảnh báo như trên, ám chỉ Trung Quốc, trong một diễn đàn doanh nhân Nhật Bản.

Tự giới thiệu như "một sinh viên nghiệp dư về lịch sử", ông Aquino nói tiếp: "Nhưng nếu có ai đó bảo Hitler hoặc nước Đức nên ngưng lại, thì nhân loại đã tránh được Đệ nhị Thế chiến".

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Philippines so sánh Trung Quốc với Đức quốc xã của Hitler. Trong bài trả lời phỏng vấn New York Times tháng 2/2014, ông đã so sánh chính sách nhân nhượng với Hitler của châu Âu trước năm 1939 và sự bất lực của cộng đồng quốc tế, theo ông, trong việc kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Lập tức chính quyền Trung Quốc nổi trận lôi đình, gọi ông Aquino là "chính khách nghiệp dư, không biết gì về lịch sử và thực tế".

Tổng thống Aquino đến Tokyo từ hôm qua trong chuyến công du bốn ngày nhằm tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Nhật Bản trước yêu sách trên biển của Trung Quốc, và thu hút đầu tư Nhật vào Philippines. Ngày mai Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ hội đàm với ông.

Hôm nay ông Benigno Aquino được Hoàng đế Akihito tiếp kiến, và sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội Nhật Bản. Nhân dịp này Tổng thống Philippines sẽ bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, cải tạo các rạn san hô thành hải cảng và nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau, thậm chí còn đưa pháo đến một trong các đảo – theo phát hiện của Mỹ. Lầu Năm Góc ước tính việc bồi đắp này đã đưa diện tích chiếm đóng lên gấp 400 lần, và 3/4 trong số 800 hecta Bắc Kinh lấn ra được là từ tháng 1/2015. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng người Mỹ đã "bóp méo sự kiện".

Nhật Bản và Philippines gần đây đã tập trận chung tại Biển Đông. Cuộc tập trận hải quân lịch sử giữa hai quốc gia thù địch trong trận chiến Thái Bình Dương, diễn ra ở cách một đảo nhỏ - do Trung Quốc kiểm soát nhưng Philippines đòi chủ quyền - không đầy 300 km. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
FIFA: Blatter trong tầm ngắm của FBI --- Thị trưởng Luân Đôn đòi xét lại việc tổ chức Cúp Bóng đá thế giới 2018

Theo báo chí Mỹ, Ông Joseph Blatter, người vừa tuyên bố từ chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA hôm qua, 02/06/2015, hiện đang bị ngành tư pháp Hoa Kỳ điều tra trực tiếp trong khuôn khổ vụ tai tiếng tham nhũng đã làm rung chuyển tổ chức này trong mấy ngày qua.

Theo tờ New York Times, nhà chức trách Mỹ hy vọng sẽ có được sự hợp tác của một số lãnh đạo FIFA đã bị truy tố vì tội tham nhũng, để siết chặt gọng kềm chung quanh ông Blatter, 79 tuổi, làm chủ tịch FIFA từ năm 1998.

Còn theo kênh truyền hình ABC News, ông Blatter hiện đang trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI và các công tố viên Hoa Kỳ về các vụ tham nhũng và hối lộ, vốn đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều quan chức cao cấp của FIFA vào thứ tư tuần trước.

Trong khi đó, Cảnh sát Quốc tế Interpol vừa thông báo là, theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ, tổ chức này hôm nay đã đặt hai cựu quan chức của FIFA vào danh sách những nhân vật bị truy nã gắt gao nhất. Hai cựu lãnh đạo này là Jack Warner, cựu phó chủ tịch FIFA và Nicolas Leoz, cựu ủy viên Ban Chấp hành FIFA. Trong danh sách nói trên của Interpol, còn có 4 lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị thể thao.

Vừa mới tái đắc cử chủ tịch FIFA vào thứ sáu trong tuần trước, ông Joseph Blatter đã gây bất ngờ cho mọi người hôm qua, khi tuyên bố từ chức, vì cho rằng ông không được sự ủng hộ của toàn bộ giới bóng đá quốc tế. Một Đại hội bất thường theo dự kiến sẽ được triệu tập trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 đến 03/2016 để bầu lại tân lãnh đạo FIFA.

Giới bóng đá quốc tế đã hoan nghênh quyết định từ chức của ông Blatter, với phản ứng đầu tiên của ông Michel Platini, đương kim chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA, nhân vật được cho là có thể ra ứng cử chủ tịch FIFA.

Về các nhân vật đang ngấp nghé chiếc ghế chủ tịch FIFA, ngoài Platini, hiện đã có hai nhân vật khác tỏ ý định ra ứng cử thay thế ông Blatter, đó là cựu danh thủ Brazil Zico và ông Chung Mong-Joon, người Hàn Quốc, một cựu phó chủ tịch FIFA.

Ban tổ chức Giải Vô địch Thế giới dưới 20 tuổi, diễn tại New Zealand cho đến ngày 20/06, hôm nay vừa tuyên bố ông Blatter sẽ “không được hoan nghênh" tại giải này, nói theo ngôn ngữ ngoại giao quốc tế, chủ tịch từ nhiệm của FIFA là persona non grata. - RFI

***
Hôm qua, 02/06/2015, Thị trưởng Luân Đôn đòi xét lại việc trao cho Nga và Qatar tổ chức Cúp Bóng đá thế giới 2018 và 2022, nếu việc ông Sepp Blatter từ chức có liên quan đến tham nhũng.

Việc ông Sepp Blatter từ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới - FIFA đã tạo ra hy vọng cho nước Anh.

Theo website ITV, Thị trưởng Luân Đôn, Boris Johnson cho rằng, cần phải xét lại việc nước Anh xin đăng cai Cúp Bóng đá thế giới 2018. Trong cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi và nghi ngờ, năm 2010, tại Zurich, Thụy Sĩ, Liên đoàn Bóng đá thế giới – FIFA đã loại nước Anh và chọn Nga và Qatar đứng ra tổ chức Cúp Bóng đá thế giới 2018 và 2022.

Ông Johnson tuyên bố Luân Đôn sẵn sàng tổ chức Cúp Bóng đá thế giới 2018, nếu FIFA rút quyền tổ chức của Nga.

Chính quyền Moscow đã có phản ứng sau khi ông Blatter từ chức.

Từ Moscow, thông tín viên Murielle Pomponne tường trình:

"Phát ngôn viên điện Kremlin, hôm nay tuyên bố, Nga vẫn tiếp tục chuẩn bị cho Cúp Bóng đá thế giới 2018. Tất cả các dự án đang được thực hiện. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Nga không biết lý do của việc từ chức, nhưng ông Blatter vẫn giữ chức Chủ tịch và lãnh đạo FIFA cho đến khi có đại hội mới. Do vậy, theo Moscow, các hoạt động chuẩn bị cũng như sự hợp tác giữa Nga và FIFA vẫn tiếp tục.

Bộ trưởng Thể thao Nga, đồng thời là ủy viên Ban Chấp hành FIFA tuyên bố ngạc nhiên về sự từ chức của ông Blatter và cho rằng hành động này thể hiện quyết tâm của ông Blatter cứu vớt FIFA. Nhật báo RBK chạy tựa: Sự ra đi của một người bảo lãnh, và nhấn mạnh, việc ông Blatter từ chức làm tăng nguy cơ Nga mất quyền tổ chức Cúp Bóng đá thế giới 2018. Báo Kommersant nhận định, đó là một tin xấu đối với nước Nga. Ông Joseph Blatter là một người bạn của nước Nga và ông đã bảo vệ Nga trước những chỉ trích của phương Tây. Báo chí Nga đều cho rằng, mọi việc phụ thuộc vào người lên thay ông Blatter và ủng hộ việc Michel Platini trở thành Chủ tịch FIFA". - RFI
|
|

4.
Chiến lược ngoại giao "roi nhỏ" của Mỹ ở Biển Đông

Trong hai tuần lễ vừa qua hồ sơ Biển Đông càng lúc càng nóng lên trên diễn đàn quốc tế, khởi đầu từ phát biểu của Ngoại trưởng, tiếp theo là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, và mới hôm qua là Tổng thống Barack Obama, với lời lẽ được cho là cứng rắn nhất kể từ trước tới nay về tranh chấp biển đảo trong khu vực. 

Một trong số những chiến lược gia hàng đầu ở Học viện Hải quân Mỹ tại Newport là giáo sư James Holmes từng hé lộ trên tờ báo mạng chuyên đề Real Clear Defense, chính sách của Mỹ được ví như là phương pháp ngoại giao sử dụng roi nhỏ để cản phá Trung Quốc. Chính sách này có năm điểm cụ thể, mà nhiều điều có vẻ như là đã được áp dụng thử nghiệm trong những ngày qua.

Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn đã theo dõi hồ sơ này và cho biết thêm chi tiết về quan điểm của Giáo sư Holmes và các tài liệu có liên quan đến chính sách của Mỹ.

Lê Hải: Chiến lược của Giáo sư James Holmes là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu về chiến lược của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông cũng là đồng tác giả của hai quyền sách và hàng chục bài viết đang là tài liệu học tập cho Hải quân Hoa Kỳ cũng như các nhà hoạch định chính sách và ngoại giao của Mỹ.

Năm điểm cụ thể mà ông nêu ra là các biện pháp tình thế cho chính sách ngoại giao mà ông gọi là gậy nhỏ, hay roi nhỏ, có tác dụng chọc phá, hay kiềm tỏa và cản đường Trung Quốc trên con đường trở thành thế lực lấn át sức mạnh của Hoa Kỳ và các nước ở khu vực Biển Đông.

Biện pháp đầu tiên là sử dụng tàu chiến không quá mạnh để khỏi bị coi là khiêu khích nhưng là loại tàu hiện đại và cơ động nhất để Trung Quốc không có cách nào lấn át được. Tiếp theo là sử dụng lực lượng mà ở Hoa Kỳ là Phòng vệ quốc gia, giống như cơ chế của Cảnh sát biển ở Việt Nam. Biện pháp thứ ba là triệt để sử dụng video và mạng lưới báo chí để đưa câu chuyện ra cho dư luận quốc tế nhìn rõ bộ mặt thật của Trung Quốc. Thứ tư là phải đối phó nhanh với kiểu tuyên truyền của bộ ngoại giao Trung Quốc, luôn nhanh chóng tìm lập luận để chứng tỏ rằng Trung Quốc luôn đúng và các nước khác luôn sai về chủ quyền biển đảo.

Điều số năm là phô diễn chiếc roi to ở đằng sau để đối phương phải dè chừng khi bị phạt bằng roi nhỏ. Xét ra thì Việt Nam cũng có thể áp dụng giải pháp đó một cách linh động tùy theo điều kiện kinh tế quốc phòng và vị trí địa lý chính trị của mình. Nếu ý của các chuyên gia Mỹ muốn nói đến lực lượng tàu chiến và vũ khí hùng hậu, thì ở vào vị trí của Việt Nam chiếc gậy to có thể là sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhắm vào Trung Quốc.

RFI: Cho đến thời điểm này đã có khá nhiều chuyên gia lên tiếng đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để tư vấn cho chính phủ Mỹ hay Việt Nam về vấn đề Trung Quốc, vậy thì tiếng nói của ông Holmes có gì khác ?

Lê Hải: Chính phủ Mỹ thường không ngả hoàn toàn theo một nhóm chuyên gia nào, mà ra quyết định tùy thuộc vào cơ cấu chính trị của mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, những luận điểm mà Giáo sư James Holmes cùng với đồng sự là Giáo sư Toshi Yoshihama đưa ra hầu hết đã được hải quân Mỹ áp dụng, ít nhất là để thử nghiệm trong thời gian vừa qua.

Hai ông vừa là giảng viên trong Học viện Hải quân Mỹ, cũng vừa là thành viên của nhóm nghiên cứu về Hải quân Trung Quốc. Trước đó họ từng làm luận văn tiến sĩ trong ngành luật quốc tế và ngoại giao, và giải pháp này kết hợp rất chặt giữa ngoại giao và quốc phòng. Đây cũng không phải là giải pháp tình thế, mà là hệ quả có được sau khi xác định bản chất của Trung Quốc trong quan điểm về sức mạnh của Hải quân.

Điểm mấu chốt là giới chính trị và học giả Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình bất ngờ tôn sùng quan điểm về hàng hải mà Đô đốc người Mỹ là Alfred Thayer Mahan từng xây dựng cách đây 100 năm : ý thức hệ về « sức mạnh trên biển » – sea power.

Quyển sách của Mahan được Nhật Bản dịch và dùng làm sách giáo khoa cho Hải quân, phần nào đem lại chiến thắng cho nước Nhật trong cuộc chiến với Nga năm 1905. Đây cũng là chiến lược cổ điển của Hải quân Anh và Đức, và nay là Trung Quốc, thường xuyên được các học giả Trung Quốc nhắc đến khi trình bày về sức mạnh của Trung Quốc ở các hội thảo quốc tế.

Chiến lược này chú trọng việc kiểm soát vùng biển và kiểm soát các tuyến đường biển, không chỉ là những gì Trung Quốc thường xuyên nói, mà còn đang thực hiện tại Biển Đông.

Trong quyển sách xuất bản từ 5 năm trước, Giáo sư Holmes và Giáo sư Yoshihama đã đoán rằng Trung Quốc sẽ không dùng vũ khí hay tên lửa để chiếm biển, mà lấn dần bằng sức mạnh của khối lượng sắt thép khổng lồ, và trong khu vực không có nước nào đủ tiềm lực kinh tế để chạy đua theo kịp.

Từ khi đó, hai ông đã khuyên nước nào ở thế đối đầu không nên dùng vũ khí, vì sẽ bị biến ngược thành kẻ khiêu khích và bị Trung Quốc dùng vũ khí đang chờ sẵn để tiêu diệt.

RFI: Trong vòng một tháng trở lại đây Hoa Kỳ bất ngờ quan tâm đặc biệt đến Biển Đông và tình hình trong khu vực cũng thay đổi rất nhiều. Đó là do việc Trung Quốc mở rộng đảo hay là sự xoay chiều về chính trị ở Mỹ ?

Lê Hải: Cách đây 15 năm Giáo sư Samuel Huntington, lúc đó là một trong số các cố vấn quan trọng trong chính phủ Mỹ, từng đưa ra một kịch bản tương tự về xung đột ở Biển Đông, thế nhưng các lý giải về văn hóa và dầu khí không thực sự tạo ra được ảnh hưởng. Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama cũng tập trung vào các vấn đề nội bộ của Mỹ nhiều hơn.

Việc Trung Quốc mở rộng các cứ điểm chiếm được ở Trường Sa thực sự vẫn chỉ là vấn đề của các nước trong khu vực, vì chiến lược của Hải quân Hoa Kỳ, như hai tác giả James Holmes và Toshi Yoshihama trình bày, vẫn coi trọng việc giao thông trên biển hơn.

Kể cả khi Trung Quốc có nhiều đảo và nhiều tàu nhưng vẫn chấp nhận quyền kiểm soát trên biển của Hải quân Hoa Kỳ thì sẽ không tạo ra điều gì nguy hiểm, như nhận định của một trong số các học giả người Anh có nhiều ảnh hưởng đến nghiên cứu này, là Giáo sư Geoffrey Till.

Vào thời điểm 10 năm trước người ta vẫn ví Trung Quốc như con voi trên bờ và Hoa Kỳ là cá voi dưới biển và mặc dù gườm nhau nhưng cả hai vẫn có lãnh địa riêng và không có lý do gì để tranh chấp. Bây giờ, theo Giáo sư Till là lúc mà chiến lược Hải quân của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân sức mạnh và sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là một trong số những điểm chính của thế kỷ 21.

Ngoài chuyện xây dựng hệ thống quốc phòng và đèn biển trên các đảo tôn tạo chiếm được ở Trường Sa, Trung Quốc còn có kế hoạch làm kênh đào ở rẻo đất ở miền Nam Thái Lan gần Malaysia, khiến người ta ngay lập tức nhớ đến sức mạnh của đế quốc Pháp và sau này là các cuộc chiến của Anh và Israel ở Kênh đào Suez, hay sức mạnh của Hoa Kỳ liên quan đến Kênh đào Panama.

Theo tư duy nổi tiếng của đô đốc Mahan thì sức mạnh trên biển quyết định sự sống còn của một quốc gia trên trường quốc tế, đặc biệt là vị trí cường quốc của Hoa Kỳ. Do đó, không có gì khó hiểu tại sao chính phủ Obama vào cuối nhiệm kỳ sẵn sàng nghe theo lời đề nghị của các chuyên gia Hải quân.

Nhưng sẽ khó đoán là các bản kế hoạch chiến lược tuyệt mật mà họ đã chuẩn bị đề nghị các bước tiếp theo như thế nào. Tuy nhiên, có thể đoán trước là mọi chuyện trên biển sẽ phải ngã ngũ trong vòng ba tháng tới đây, trước mùa mưa bão khiến mọi hoạt động của con người trên biển phải nhường chỗ cho sức mạnh của thiên nhiên. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
TQ tức giận vì Nga bán tàu ngầm trang bị tên lửa Klub cho VN --- Tầu ngầm tấn công, hiểm họa chính cho tầu sân bay TQ Liêu Ninh

Một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài viết hôm 31 tháng 5, nói rằng Trung Quốc đã chính thức khiếu nại với Nga, Việt Nam và Hoa Kỳ, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tàu ngầm có trang bị tên lửa Klub cho Hà Nội, theo tường thuật của tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc.

Phúc trình về chiến lược nói rằng mặc dù Nga và Việt Nam đã cố tình làm giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề, nhưng tới nay 29 tên lửa Klub đã được giao cho Việt Nam.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm bởi vì tên lửa Klub có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên bộ.

Bài viết nói rằng các tàu ngầm Ấn Độ, Algeria và Việt Nam hiện đã sử dụng các tên lửa rất hiệu quả này, bất chấp một số vấn đề đã vấp phải trong các cuộc phóng thử nghiệm tên lửa do Ấn Độ thực hiện hồi năm 2007.

Tên lửa Klub nặng 2 tấn, mang theo đầu đạn nặng 200kg, có thể được phóng từ các tàu ngầm. Tên lửa tăng tốc trong 15 phút cuối trước khi tới mục tiêu trong chỉ có 20 giây, ở độ cao 30 mét, khiến rất khó có thể phát hiện và phản công.

Hôm nay, Việt Nam tiếp nhận thêm hai tàu tên lửa mới được chế tạo theo mô hình của tàu Nga, trong khuôn khổ các hành động mới nhất của quân đội Việt Nam để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển, giữa lúc căng thẳng lên cao trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Tàu hoả tiễn mới thuộc loại Molniya, được trang bị 16 tên lửa, có tầm bắn 130 km và trang bị nhiều khẩu pháo tự động.

Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam đang tăng cường khả năng phòng thủ và thắt chặt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ, trong những dấu hiệu mới về quyết tâm của Hà Nội chống những hành động gây hấn của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters trích lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Viêt Nam, Thượng tướng Trương Quang Khánh, cho rằng việc đóng, thử nghiệm và bàn giao các tàu Molniya cho thấy Việt Nam "đã làm chủ được công nghệ và kỹ thuật đóng tàu quân sự hiện đại".

Reuters tường thuật rằng công nghệ vũ khí của Nga đã giúp nâng cao khả năng phòng thủ trên biển của Việt Nam. - VOA

***
Nếu để cho hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ tấn công và quân đội Trung Quốc không có khả năng ngăn chặn, thì Bắc Kinh sẽ mất tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Trên đây là nhận định của website Sina Military Network, đặt tại Trung Quốc và chuyên đưa tin về quân sự.

Hải quân Trung Quốc đã mất nhiều năm để phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D để tấn công các hàng không mẫu hạm của Mỹ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại có "sát thủ" hàng không mẫu hạm. Hải quân Mỹ hiện có ba loại tàu ngầm tấn công được thiết kế để bắn chìm các tàu chiến. Như vậy, các tàu ngầm của Mỹ có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc, được đưa vào hoạt động từ năm 2012.

Ba loại tàu ngầm tấn công của Mỹ tiến hành tuần tra các vùng biển trên thế giới là tàu lớp Los Angeles, lớp Seawolf và lớp Virginia.

Với tốc độ tối đa là 33 hải lý/giờ dưới đáy biển, tàu ngầm lớp Los Angeles có thể dễ dàng vượt qua tàu hộ tống Trung Quốc loại 056 được thiết kế để chống tàu ngầm và có tốc độ tối đa chỉ là 25 hải lý/giờ. Website Sina Military Network cho biết, Hải quân Mỹ có tổng cộng 40 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles.

Ban đầu, Hoa Kỳ quyết định chế tạo 29 tàu ngầm lớp Seawolf để thay thế cho tầu ngầm lớp Los Angeles. Thế nhưng, do Liên Xô bất ngờ sụp đổ, năm 1991, số tàu lớp Seawolf giảm xuống chỉ còn 3. Loại tàu này vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác của Trung Quốc, bởi vì tàu được trang bị tên lửa chống hạm AGM-84. Tàu Seawolf còn có thêm một khoang cho phép chuyên chở lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ (Navy SEAL) để tấn công tàu chiến Trung Quốc.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ có 11 tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Tương tự tàu lớp Seawolf, tàu lớp Virginia được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon. Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục chế tạo tàu ngầm lớp Virginia. Một khi cả ba loại tàu ngầm này được triển khai để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông hoặc Ấn Độ Dương, các đường tiếp tế của Hải quân Trung Quốc sẽ bị đe dọa. - RFI
|
|

6.
Tù nhân lương tâm bị sách nhiễu

Trong bối cảnh thời gian vừa qua các phái đoàn Hoa Kỳ đến VN liên tiếp nêu vấn đề Hà Nội cần cải thiện tình hình dân chủ nhân quyền, đặc biệt đối với các tù nhân lương tâm nhưng chính phủ VN khẳng định tôn trọng tự do và quyền con người. Hòa Ái gửi đến thông tin cập nhật các trường hợp tù nhân lương tâm dù được trở lại xã hội nhưng vẫn bị sách nhiễu một cách nghiêm trọng ở VN hiện nay.

Án tù trong trại và án tù trong nhà

Hầu hết những tù nhân lương tâm sau khi mãn án tù giam được trở lại với gia đình và xã hội đều phải chịu thêm án lệnh quản chế. Theo luật quản chế, tù nhân lương tâm không được đi khỏi địa phương nơi cứ trú. Nhu cầu đi lại trong cuộc sống thường nhật ngoài phạm vi khu vực cấp phường, những tù nhân lương tâm chịu lệnh quản chế cần xin phép và phải có được sự đồng ý của chính quyền.

Trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng với bản án bốn năm tù giam, ba năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, gặp rất nhiều trở ngại kể từ khi được về nhà hồi tháng 12 năm 2012.  Cô Thanh Nghiên chia sẻ với đài ACTD:

“Bởi vì tôi không thấy mình làm gì sai và bản án dành cho tôi rất bất công cho nên tôi không tuân thủ án quản chế. Chính vì thế mà tôi đã bị trên dưới 30 lần triệu tập, 2 lần bị bắt cóc giữa đường và bị phạt tiền vì họ cho rằng vì tôi đã đi khỏi địa phương mà không xin phép. Ngay cả khi tôi làm đơn theo yêu cầu của họ để được đi khám chữa bệnh thì họ thì cũng không đồng ý cả 2 lần. Lần thứ nhất, họ nói rằng tôi không viết ‘Cộng hòa-Xã hội-Chủ nghĩa Việt Nam’ nên không cho đi. Lần thứ hai, họ hoạnh họe câu chữ phải là ‘Đơn xin đi khám bệnh’ chứ không thể nào là “Đơn yêu cầu đi khám bệnh’”.

Vì sức khỏe yếu kém do những năm tháng tù đày nhưng cô Thanh Nghiên vẫn không được chính quyền Thành phố Hải Phòng cho đi khám chữa bệnh ở phạm vi ngoài địa phương. Nữ tù nhân lương tâm này chỉ được đi khi có sự đồng ý của Giám đốc Công an Thành phố.  Kể cả những người quen biết đến thăm cũng bị chính quyền cản trở. Mới đây nhất, hôm mùng 2/6, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, đến gặp bị an ninh ngăn chận ngay trước ngõ nhà cô Thanh Nghiên. Blogger Mẹ Nấm kể lại vụ việc xảy ra:

“Bắt đầu ngay cái ngõ ngay khu nhà thì có rất đông an ninh thường phục đã chờ sẵn. Họ dừng xe không cho taxi cua vào đường đó và họ bảo chúng tôi phải đi khỏi khu vực này hoặc về phường làm việc. Tôi phản đối. Chị Phạm Thanh Nghiên ở trong nhà nghe được và đi ra khỏi nhà. Chị Nghiên nhận ra đó là những anh ninh đã bắt giữ, đã thường xuyên canh chừng nhà chị và chị phản ứng. Khi đó họ tách chúng tôi đứng yên ra 1 góc và đẩy chị Thanh Nghiên ra để đánh. Họ đánh đập chị Nghiên rất dã man. Có tới hơn 30 thanh niên đánh 3,4 chị em gái”.

Án lệnh quản chế

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù xin phép đúng theo thủ tục quy định của luật pháp VN nhưng tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định cho biết quyết định lý do hợp lý của chính quyền địa phương thật sự tùy tiện và theo cảm tính. Luật sư Lê Công Định nêu lên một tình huống ông xin đi ra khỏi địa phương để dự đám hỏi người cháu mà ông đại diện gia đình làm chủ hôn thì không được chuẩn thuận với lý do là “không hợp lý” trong khi trước đó ông xin đi đám cưới của 1 người bạn thì lại được đồng ý. Sau đó, Luật sư Lê Công Định mới tìm hiểu được lý do “không hợp lý” là vì ngày ông xin đi đám hỏi trùng hợp với ngày Blogger Nguyễn Ngọc Già bị bắt. Luật sư Lê Công Định cũng cho biết bản thân ông bị phạt vi phạm lệnh quản chế đã 3 lần với mức phạt cũng hết sức tùy tiện, không theo bất cứ quy định rõ ràng nào. Luật sư Lê Công Định nói:

“Lúc họ thích thì cho, lúc không thích thì họ không cho mà họ thích hay không thích thì tùy thuộc vào tháng đó tôi có viết bài gì, có trả lời phỏng vấn đài nước ngoài hay không, có làm họ mất lòng hay không. Hôm nào họ đã mất lòng thì lý do mình xin là hợp lý thì cũng trở thành vô lý. Ở đây không có luật lệ gì hết. Có một luật chung tổng quát là sự lượng định cái gọi là hợp lý hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết định của những người có chức quyền và cụ thể là an ninh chứ chẳng phải chính quyền địa phương nào hết”.

Tù nhân lương tâm Lê Công Định còn phải chịu hình thức kiểm tra việc thực thi lệnh quản chế bằng cách nhân viên đại diện chính quyền xông vô nhà vào lúc nửa đêm để kiểm tra.

Tù nhân lương tâm Trần Anh Kim ở Thái Bình vừa mãn hạn tù hơn 4 tháng qua không những gặp phải những hạn chế trong lệnh quản chế đi lại ở địa phương, bước chân ra đường là có người xuất hiện quanh quẩn bám theo canh chừng mà cuộc sống kinh tế của ông bị rơi vào khủng hoảng. Ông Trần Anh Kim trình bày hoàn cảnh của mình:

“Hơn 4 tháng ra rồi, tất cả tiền lương kể cả tiền xương máu của tôi đã bị nhà cầm quyền VN cắt không còn một xu. Thế nên cuộc sống của tôi bây giờ rất khó khăn, chủ yếu sống nhờ vợ, một tháng có 3 triệu ít ỏi cho vợ chồng sống thế thôi. Có 1 vấn đề là nhà tôi ngay ngã ba đường, khi tôi xây cái tường bao thì người ta gây khó khăn cho tôi suốt hàng tháng nay, không cho xây, cứ bắt đầu xây là ra phá. Cấp tỉnh thì họ rất quan tâm nhưng cấp phường, cấp thành phố lại gây rất nhiều khó khăn. Đã khó khăn thì lại chồng chất khó khăn. Đất của tôi là đất sinh lời, nếu họ cho tôi làm thì mỗi tháng tôi thu khoảng 7-8 triệu, có thể đủ sống nhưng họ không cho làm. Đây có thể coi như là hành vi tìm mọi cách triệt tiêu sự sống của tôi”.

Đài RFA liên lạc với người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu và được cho biết sau vụ việc ông từ chối số tiền chiêu dụ 25 ngàn đô la của một nhóm người tự xưng danh “Lực lượng hòa hợp hòa giải” để đánh đổi một tấm hình có chữ viết “hối hận đã sáng tác bài ‘Kinh giàn khoan’” được cộng đồng mạng chia sẻ hồi tháng 11 năm 2014 thì ông thường xuyên nhận các tin nhắn hăm dọa đánh, giết qua điện thoại. Cuộc trao đổi giữa cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu với Hòa Ái chưa kịp bắt đầu thì phải vội vàng tạm ngưng vì:

“Bây giờ tôi tạm dừng vì công an khu vực xuất hiện đứng cười cười. Ông Thiếu tá công an khu vực đang đứng mời tôi ra uống cà phê. Đây nè, ông đang đứng trước mặt nè”.

Án lệnh quản chế nhà cầm quyền VN áp dụng đối với tù nhân lương tâm cũng như những biện pháp sách nhiễu trên đời sống của họ như các trường hợp vừa nêu bị dư luận quốc tế và Hòa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền.

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm mùng 1 tháng 6 về chuyến viếng thăm và làm việc của Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ash Carter nhấn mạnh đến quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận về quyền chính trị và quyền làm người với giới chức lãnh đạo VN, cho rằng co thể ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương Việt-Mỹ. - RFA


No comments:

Post a Comment