Tuesday, June 23, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 23/6

Tin Thế Giới

1.
Mỹ hy vọng mở rộng hợp tác, giải quyết bất đồng với Trung Quốc --- Mỹ không để TQ qua mặt về không quân

Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đang có mặt tại Washington để tham dự cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 7 để bàn về những vấn đề như an ninh mạng và những mối căng thẳng trên biển. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, một học giả Trung Quốc mô tả mối quan hệ Washington-Bắc Kinh là một mối quan hệ phức tạp nhưng cũng là một mối quan hệ mà những sự bất đồng có thể được xử lý thông qua những cuộc tiếp xúc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby hôm thứ hai mô tả đây là tuần lễ quan trọng cho các mối quan hệ Mỹ-Trung. Ngoại trưởng John Kerry cùng với Bộ trưởng Tài chánh Jack Lew đang hướng dẫn phái đoàn Mỹ tại cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 7, trong lúc ông Kerry chủ trì Hội nghị Hiệp thương lần thứ 6 về Giao lưu giữa Nhân dân với Nhân dân. Ông Kirby cho biết như sau về các cuộc thảo luận này.

"Chúng tôi đang mong nới rộng sự hợp tác song phương về nhiều thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, phát triển, trợ giúp nhân đạo, ứng phó với dịch bệnh và bảo tồn đại dương. Chúng tôi cũng sẽ có cơ hội để phối hợp các chính sách của Hoa Kỳ và Trung Quốc về những vấn đề khu vực như Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên và Afghanistan. Chúng tôi cũng sẽ bàn tới những lãnh vực mà chúng tôi đang có những sự bất đồng, chẳng hạn như tranh chấp trên biển, an ninh mạng và nhân quyền. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, Hoa Kỳ có quyết tâm vững mạnh để cải thiện quan hệ với Trung Quốc."

Ông Kirby cho biết, mặc dù không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, hai nước hiểu rằng có nhiều lãnh vực để hợp tác cho lợi ích của cả đôi bên. Ông mô tả cuộc đối thoại này là một trong những cơ chế quan trọng nhất để tìm cách giải quyết những mối bất đồng và thăng tiến các quyền lợi hỗ tương.

Hôm qua, các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tiến hành điều mà bà Bonnie Glaser, một học giả về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, gọi là một cuộc đối thoại an ninh chiến lược bao trùm những vấn đề gai góc như căng thẳng trên biển, an ninh mạng, quan hệ giữa quân đội với quân đội, phòng thủ phi đạn, hạt nhân và không gian. Bà nghĩ rằng cuộc đối thoại sẽ không mang lại nhiều kết quả. Bà nói thêm như sau.

"Tuy nhiên, đây là một tiến trình để tìm cách giải quyết các vấn đề, để xác định những vấn đề nào có những sự bất đồng và làm thế nào để xử lý những mối bất đồng."

Ngày họp thứ nhì trong ngày hôm nay sẽ tập trung phần lớn vào các vấn đề kinh tế, như Hiệp định Đầu tư Song phương (BTI) mà hai nước đang thương thuyết với nhau. Bà Glaser cho biết vẫn còn nhiều trở ngại và hiện chưa rõ hiệp định này có đúc kết hay không trước khi Tổng thống Obama rời khỏi chức vụ vào đầu năm 2017.

Ngày mai, đôi bên sẽ thảo luận về những vấn đề chiến lược như Bắc Triều Tiên, Iran và Afghanistan. Đây là những vấn đề mà bà Glaser cho là có một sự đồng thuận một cách tổng quát. Nhưng bà nói rằng cuộc thảo luận này sẽ bị lu mờ vì vấn đề an ninh mạng.

Hồi đầu tháng này, các giới chức của Văn phòng Quản lý Nhân viên (OPM) cho biết một vụ đánh cắp thông tin cá nhân qui mô lớn trong vòng 4 tháng đã được phát giác hồi tháng tư, và hồ sơ của khoảng 4 triệu nhân viên tại chức và nhân viên về hưu của chính phủ liên bang có thể đã bị đánh cắp. Các nhà điều tra nói rằng vụ tin tặc này rõ ràng là phát xuất từ Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng chưa có tố cáo nào được đưa ra để chống lại bất kỳ tác nhân nào, cho dù là nhà nước hay phi nhà nước, và vụ này còn đang trong vòng điều tra.

"Đây là một lãnh vực mới và năng động. Đây là một lãnh vực mà các qui phạm quốc tế và những bộ tiêu chuẩn chưa được xác lập một cách vững chắc. Tôi xin nhắc lại là chúng tôi đã trình bày rõ ràng những mối quan tâm của mình chẳng những cho Trung Quốc mà còn cho những tác nhân khác, những thực thể nhà nước và phi nhà nước. Và tôi nghĩ rằng đây là một lãnh vực, mà mặc dù chúng tôi không luôn luôn đồng ý với nhau về cách tiếp cận an ninh mạng và phòng thủ mạng, nhưng đây chắc chắn là một trong những lãnh vực mà chúng tôi còn có chỗ để tăng cường hợp tác, tăng cường đối thoại và gia tăng tính chất minh bạch."

Bà Glaser trích lời Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russell nói rằng an ninh mạng là một mối quan tâm lớn và vấn đề này sẽ được bàn thảo trong cả ba ngày. Trung Quốc đã chấm dứt các cuộc thảo luận về an ninh mạng hồi tháng 5 năm 2014 sau khi Hoa Kỳ khởi tố 5 sĩ quan của quân đội Trung Quốc về tội gián điệp kinh tế và những tội danh khác vì đã xâm nhập các hệ thống máy tính của các công ty hạt nhân, luyện kim và năng lượng mặt trời của Mỹ. Bà Glaser cho biết vụ tin tặc nhắm vào OPM đang được thảo luận.

"Tôi tin là Trung Quốc đang muốn xem bằng chứng cho thấy vụ đó phát xuất từ Trung Quốc. Tôi không biết phải chăng phía Mỹ muốn chia sẻ các nguồn và các phương pháp điều tra về vấn đề đó, nhưng tôi nghĩ rằng phía Mỹ sẽ tìm cách làm cho Trung Quốc hiểu rằng nếu Trung Quốc đã làm điều này thì đó là một hành động vượt khỏi ranh giới của những việc có thể chấp nhận."

Theo bà Glaser, cuộc họp này là quan trọng vì nó góp phần chuẩn bị cho chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9. Và bà nói rằng dường như Trung Quốc đang đánh đi tín hiệu là họ muốn giảm thiểu căng thẳng.

Bà Glaser nêu ra sự kiện là Trung Quốc mới đây loan báo họ sắp hoàn tất hoạt động xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.

"Nhưng Mỹ không tiếp nhận thông điệp đó một cách nồng nhiệt bởi vì Hoa Kỳ đang lo ngại về việc quân sự hoá các hòn đảo đó."

Bà Glaser nói rằng Trung Quốc chưa nói rõ ý đồ xây đảo nhân tạo là gì, nhưng cuộc thảo luận về vấn đề này đang tiếp diễn.

Bà Glaser bác bỏ quan điểm cho rằng quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực. Bà nói rằng cả hai nước đều có những nhà lãnh đạo sáng suốt, những hoạt động giao lưu qui mô lớn giữa dân chúng hai nước và sự tương thuộc về kinh tế. Bà nói rằng chính sách chủ động giao tiếp mà 8 vị tổng thống Mỹ đã theo đuổi tiếp tục là chính sách đúng đắn cho Hoa Kỳ và Trung Quốc. - VOA

*****
Trung Quốc đang thách thức ưu thế quân sự của Mỹ trong hai lãnh vực không quân không gian. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work nhận xét như trên và xác định Lầu Năm Góc đang tìm cách phát triển các loại công nghệ học và hệ thống mới để luôn luôn đi trước đối thủ.

Phát biểu với giới chuyên gia hàng không vũ trụ quân sự và dân sự ngày 22/06/2015, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ công nhận trong thời gian qua, Trung Quốc đã "nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách về công nghệ" với Hoa Kỳ, và đã phát triển các loại phi cơ tàng hình, máy bay trinh sát tiên tiến, tên lửa tinh vi và thiết bị chiến tranh điện tử hiện đại.

Cho dù vẫn hy vọng thiết lập được với Trung Quốc một quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng Lầu Năm Góc "không thể lơ là khía cạnh cạnh tranh…, đặc biệt trong lĩnh vực năng lực quân sự, mà Trung Quốc tiếp tục cải thiện với tốc độ rất ấn tượng".

Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 22/06/2015 đã trích dẫn ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), một phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đầy thế lực tại Trung Quốc, theo đó Trung Quốc phải tăng cường năng lực quân sự hơn nữa trong bối cảnh ngành chế tạo thiết bị quân sự đang chuyển "từ nghiên cứu để đuổi kịp qua tự thân sáng tạo".

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong vòng 25 năm qua, Hoa Kỳ đã dựa vào công nghệ vượt bậc của mình, thế nhưng hiện nay, chênh lệch về đẳng cấp mà Mỹ thừa hưởng đang dần dần bị xói mòn.

Để đối phó, Lầu Năm Góc đang cố gắng phát triển các công nghệ mới để duy trì lợi thế của mình và giảm thiểu chi phí phải trả trong việc ứng phó với các cuộc tấn công.

Ông Work đã nêu lên một ví dụ: Các loại vũ khí năng lượng định hướng có thể bắn hạ tên lửa trị giá gấp trăm lần một cú bắn năng lượng. - RFI
|
|

2.
Máy bay Nhật Bản lượn trên bãi Cỏ Rong tranh chấp với Trung Quốc

Trong khuôn khổ cuộc tập trận chung với quân đội Philippines đang diễn ra trên Biển Đông, hãng tin Reuters ngày 23/06/2015 cho hay một máy bay tuần tra của Nhật Bản đã bay lượng trên vùng đảo có tranh chấp với Trung Quốc là Bãi Cỏ Rong.

Theo các quan chức Nhật Bản và Philippines, chiếc máy bay trinh sát loại P3-C Orion cùng ba thành viên phi hành đoàn của quân đội Philippines đã bay lượn trên đảo Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở độ cao 1524 mét. Bay sau máy bay của Nhật là một chiếc phi cơ tuần tra loại nhỏ của Philippines.

Bãi Cỏ Rong là địa điểm được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.

Từ sở chỉ huy cuộc tập trận chung Phi-Nhật tại đảo Palawan, đại tá Hải quân Philippines Jonas Lumawag cho Reuters biết quân đội hai nước tiến hành các bài tập thực hành tìm kiếm cứu hộ trên biển trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Chỉ huy lực lượng Hải quân Nhật tham gia tập trận Hiromi Hamao cho biết thêm: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành những hoạt động như vậy với quân đội Philippines".

Mặc dù sự hiện diện của quân đội Nhật ở trong vùng biển quốc tế nhưng Bắc Kinh vẫn nhìn nhận đó là sự hậu thuẫn của Tokyo cho các đòi hỏi chủ quyền của Manila ở Biển Đông.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) trong một cuộc họp báo hôm nay cho biết Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan không gây thêm căng thẳng để có thể cùng đóng góp vào hòa bình ổn định trong vùng. Trong khi đó Tân Hoa Xã lên tiếng tố cáo cuộc tập trận lần này là sự "can thiệp" của Nhật vào Biển Đông. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Số nhà bán trên thị trường Hoa Kỳ tăng

Số nhà bán ở Mỹ, trong tháng 5, tăng lên mức cao nhất trong 5 năm rưỡi qua, trong bối cảnh thị trường việc làm cải thiện và tâm lý lo ngại lãi suất tăng đã đẩy số bán nhà lên trên 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Địa ốc Quốc gia, tổ chức các nhà mua bán bất động sản, nói nếu số nhà bán tiếp tục với mức trong tháng 5 trong suốt năm thì sẽ có gần 5,4 triệu căn nhà và chung cư sang tay. 

Theo các nhà phân tích thì con số thất nghiệp giảm và số tuyển dụng người tăng làm cho người mua cảm thấy tự tin hơn là họ có thể lo liệu tiền nợ nhà đang nâng số nhà bán lên, nhất là với những người mua nhà lần đầu, rất hiếm từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Lãi suất thế chấp nhà, yếu tố chính tác động số tiền thanh toán hàng tháng và chi phí toàn bộ của một căn nhà, tương đối thấp so với mức từ trước đến này, tuy nhiên lãi suất này đang tăng và các kinh tế gia nói rằng nó sẽ tiếp tục tăng ít lâu nữa. Điều đó khiến người mua quyết định nhanh với hy vọng tránh được chi phí cao hơn, do lãi suất cao hơn. - VOA
|
|

4.
Thống đốc South Carolina kêu gọi tháo bỏ lá cờ gây chia rẽ sau vụ nổ súng

Thống đốc bang South Carolina đang kêu gọi tháo cờ của Liên minh miền Nam (Confederacy) đưa khỏi khuôn viên tòa nhà lập pháp của bang, giữa lúc ngày càng nhiều nghị sĩ trong nghị viện của bang kêu gọi việc này.

Bà Nikki Haley hôm thứ Hai thay đổi lập trường của mình về biểu tượng gây chia rẽ, nói rằng dù lá cờ là một phần không thể thiếu trong quá khứ của bang, song nó không còn đại diện cho tương lai.

Lá cờ là biểu tượng của miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ trong cuộc Nội chiến Mỹ vào những năm 1860. Bang South Carolina là bang đầu tiên ly khai trong cuộc xung đột.

Thống đốc Haley cho biết bà hy vọng hành động tháo lá cờ khỏi khuôn viên tòa nhà lập pháp ở thủ phủ Columbia sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với chín giáo dân người da đen thiệt mạng ở Charleston hồi tuần trước. Nghi can trong vụ giết người là một người đàn ông trẻ tuổi, người bị cáo buộc suy tôn lá cờ này là biểu tượng cho tư tưởng da trắng thượng đẳng.

Bà Haley, một người theo Đảng Cộng hòa, nói rằng đối với nhiều người lá cờ tượng trưng cho những truyền thống cao quý và là một cách để tôn vinh tổ tiên. Tuy nhiên bà nói với những người khác, lá cờ là biểu tượng mang tính xúc phạm. Bà nói những sự kiện hồi tuần trước "kêu gọi chúng ta để nhìn vào điều này theo cách khác." Bà nói tòa nhà nghị viện bang thuộc về tất cả người dân South Carolina.

Bà Thống đốc nhận được tràng vỗ tay và tiếng reo hò khi đưa ra thông báo này.

Bà nói nếu các nhà lập pháp của bang không cứu xét vấn đề lá cờ thì bà sẽ triệu tập họ tham dự một phiên họp lập pháp đặc biệt.

Cũng trong ngày thứ hai, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden sẽ đến Charleston vào ngày thứ Sáu để dự tang lễ của Mục sư Clementa Pinckney, người thiệt mạng trong vụ nổ súng ở nhà thờ. Ông Obama dự kiến sẽ đọc bài điếu văn của mình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc dùng tiền để khống chế Việt Nam?

Dư luận trong nước những ngày qua dậy sóng sau khi một quan chức chính phủ tuyên bố Việt Nam buộc phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc vì “điều kiện ràng buộc” về vay vốn giữa chính quyền hai nước.

Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng mới được báo chí trong nước trích lời cho biết rằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội phải sử dụng tàu điện mua của nước láng giềng phương bắc theo một hiệp định vay tín dụng ký giữa chính phủ hai nước từ năm 2008.

Ông Thăng cho biết thêm rằng chính vì việc mua tàu này, mà ông đã bị nhắn tin đe dọa và thậm chí có người còn đặt dấu hỏi về quan hệ của ông với Trung Quốc.

Về phản ứng mạnh mẽ của dư luận trước sự kiện này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, nói với VOA Việt Ngữ:

“Người dân Việt Nam có tâm lý kỵ Trung Quốc, không thích hàng Tàu. Đã đủ thứ quần áo, thức ăn rồi đồ chơi chất lượng rất kém tràn lan ở thị trường Việt Nam rồi nên người ta cũng thấy tàu đường sắt trên cao của Trung Quốc thì người ta ngại thế thôi.”

13 tàu điện của Trung Quốc mà Việt Nam tính mua của một công ty ở Bắc Kinh trị giá hơn 60 triệu đôla. Tàu mô hình sẽ được giới thiệu với người dân vào cuối năm 2015, và tàu sẽ được đưa về Việt Nam năm 2016.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD.

Dự án này đã gặp phải một số sự cố nghiêm trọng, và đỉnh điểm là cuối năm ngoái, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao này chấn chỉnh nhà thầu thực hiện một dự án này.

Kiến nghị được đưa ra sau hai sự cố xảy ra, làm một người chết và ba người bị thương, trong chưa đầy hai tháng tại dự án Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông với các tư vấn giám sát và tổng thầu Trung Quốc.

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết rằng ông “nhiều lần muốn thay thế nhà thầu Trung Quốc vì yếu kém, nhưng không thể vì ràng buộc các điều kiện về hiệp định vay vốn”.

Tuyên bố nói trên của ông Đinh La Thăng được đưa ra ít lâu sau khi ông nói rằng "không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc.

Việc ông Thăng chỉ trích nhà thầu Trung Quốc sau các sự cố gây chết người đã bị một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc cáo buộc là “tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng hai nước “cần phải thúc đẩy hợp tác trên biển, trên bộ và trong lĩnh vực tài chính”.

Chưa rõ là việc hợp tác tài chính này cụ thể là gì, nhưng việc ông Lý kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi là liệu phải chăng Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng lên Việt Nam thông qua các khoản vay.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi chắc chắn là để ảnh hưởng tới Việt Nam, mọi mặt của nước Việt Nam. Tôi chắc chắn là có, bởi vì chuyện như thế từng xảy ra. Trong quan hệ tài chính, vay mượn kiểu như thế luôn luôn kèm theo những điều kiện, và nếu mà không minh bạch cho dân chúng biết, cứ mập mờ như thế này thì tôi nghĩ rằng tính chính đáng của chế độ này sẽ bị hủy hoại một cách rất là nghiêm trọng.”

Bình luận trên Facebook, luật sư Lê Công Định viết: “Lời giải thích của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh–Hà Đông có những vấn đề sau: hoặc (1) ông che giấu bản chất và áp lực phía sau việc vay vốn ODA của Trung Quốc, hoặc (2) ông lừa dối dân chúng và xem tất cả đều ngu dốt, hoặc (3) ông (và những người giống ông) ngu dốt.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với Bộ trưởng Đinh La Thăng để phỏng vấn.

Việt Nam thời gian qua cũng đã nhanh chóng lên tiếng hậu thuẫn ngân hàng phát triển hạ tầng Châu Á, AIIB, do Trung Quốc khởi xướng, dù một số nước trong đó có Mỹ và Nhật Bản, khước từ việc gia nhập định chế tài chính mới nổi này. - VOA
|
|

6.
Việt Nam tịch thu sách của 'Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ'

Chính quyền thành phố Cần Thơ mới tịch thu 5 đầu sách bị đình chỉ phát hành “do xuất bản không đúng bản thảo được duyệt và quảng cáo sai quy định”.

Bìa của những quyển sách này đều in logo, slogan của tập đoàn cà phê Trung Nguyên với dòng chữ “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”.

5 đầu sách bị tịch thu do tập đoàn cà phê Trung Nguyên tài trợ nên đã in hình quảng cáo trên sách.

Tuy nhiên, theo quan chức trong nước, “thông tin quảng cáo sai sự thật và gây hiểu nhầm”.

Trước đó, chính quyền tỉnh Đắc Lắc cũng đã thu hồi một số bảng hiệu quảng cáo cà phê có in chữ “chủ tịch Vũ”.

Tập đoàn cà phê Trung Nguyên chưa lên tiếng bình luận về những phát biểu cũng như hành động của chính quyền. Một tờ báo ở trong nước nói rằng ông Vũ đã “dính sao quả tạ”.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên. - VOA

No comments:

Post a Comment