Friday, June 5, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 5/6

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ hạ nhiệt ở Biển Đông --- TQ nhắc Ấn Độ đừng khai thác dầu ở nơi tranh chấp tại Biển Đông

Trung Quốc yêu cầu Mỹ có hành động thực tế hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã ngày 5/6 dẫn phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải, trong cuộc phỏng vấn với đài CNN một ngày trước đó nói rằng Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ thôi có lời nói và hành động ép buộc chống lại Trung Quốc trong vấn đề này.

Đại sứ Trung Quốc đề cập tới những lời kêu gọi của Mỹ đề nghị Bắc Kinh ngưng các hoạt động lấp biển lấy đất trong khu vực cùng những lời tuyên bố của Washington rằng sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay quân sự Mỹ di chuyển ngang qua các đảo và các bãi đá nơi mà Trung Quốc đang cho xây dựng các cơ sở chủ yếu là dân sự.

Bất chấp căng thẳng gia tăng giữa hai nước Mỹ-Trung xuất phát từ vấn đề Biển Đông, đại sứ Trung Quốc nói ông tin là đôi bên sẽ không đi tới đối đầu trong vấn đề này:

“Tôi nghĩ hai nước không nên để vấn đề đơn lẻ này chiếm ưu thế nghị trình làm việc song phương. Cho nên, tôi không tin là hai bên sẽ đi tới đối đầu và xung đột chỉ vì vấn đề này.”

Ông Thôi Thiên Khải cũng bác tố cáo của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đang thay đổi nguyên trạng Biển Đông, viện dẫn các hành động xây dựng tương tự mà các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực đã tiến hành trước đó.

Đại sứ Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ nguyên trạng Biển Đông đã bị thay đổi bởi các nước khác từ lâu, lâu lắm rồi. Những gì chúng tôi đang làm là khôi phục lại nguyên trạng vốn dĩ của nó. Cho nên không có lý do gì để các nước đưa ra các tố cáo như thế đối với Trung Quốc.”

Đại diện của Bắc Kinh tại Hoa Kỳ nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng các hoạt động của họ ở Biển Đông hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự. Ông Thôi nói thêm rằng các cơ sở Trung Quốc đang xây ‘chủ yếu sẽ hỗ trợ tàu bè của Trung Quốc và của các nước khác.’

Tuy nhiên, giới chức ngoại giao này cũng thừa nhận là Trung Quốc có một số cơ sở quốc phòng tại đây.

Ông Thôi Thiên Khải nói: “Dĩ nhiên chúng tôi có một số cơ sở quốc phòng ngoài đó, nhưng chỉ để tự vệ.”

Ngược lại, đại sứ Trung Quốc chỉ trích việc Washington tiếp tục phái máy bay do thám quân sự ra khu vực để thăm dò các hoạt động của Bắc Kinh là ‘đi ngược lại với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.’

Đáp câu hỏi liệu Trung Quốc có ý định lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông hay không, ông Thôi nhấn mạnh Bắc Kinh có quyền làm như vậy, nhưng sẽ làm điều này dựa trên ‘đánh giá tình hình’ và ‘sẽ làm một cách cẩn trọng.’

Đại sứ Thôi cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ là nước đầu tiên lập vùng ADIZ và hiện có trên 20 nước đã làm như vậy.

Đại sứ Trung Quốc bày tỏ kỳ vọng lợi ích chung giữa hai nước Mỹ-Trung sẽ vượt xa những bất đồng và đôi bên có thể hợp tác trong nhiều vấn đề.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương hôm 22/5 cảnh cáo Trung Quốc chớ thách thức hải quân Mỹ ở Biển Đông sau tin cho hay máy bay săn ngầm hiện đại P-8A Poseidon của hải quân Mỹ bị hải quân Trung Quốc xua đuổi khi bay tuần tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang có hoạt động xây dựng.

Ông Daniel Russel khẳng định các chuyến bay tuần của Mỹ ở Biển Đông là hợp pháp vì trong không phận quốc tế.

Ngũ Giác Đài đã loan báo đang tính tới việc gửi tàu chiến và máy bay do thám vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông. - VOA

***
Theo báo chí Ấn Độ, hôm qua, 04/06/2015, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng New Delhi không thể tiến hành thăm dò dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, quan chức này lại điềm nhiên khẳng định, dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan chạy qua vùng có tranh chấp lãnh thổ giữa Pakistan và Ấn Độ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của New Delhi.

Nói chuyện với một nhóm nhà báo và giới nghiên cứu Ấn Độ, tại Bắc Kinh, ông Hoàng Lệ Nhàn (Huang Xilian), Tổng Vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập đến dự án "Hành lang kinh tế" bao gồm một mạng lưới đường bộ, đường sắt, ống dẫn dầu, dài khoảng 3000 km nối liên tỉnh Tân Cương chạy qua vùng với cảng Gwadar, ở phía đông nam Pakistan.

Ấn Độ đã phản đối vì dự án này chạy qua vùng lãnh thổ Kashimir do Pakistan quản lý, nhưng Ấn Độ đòi hỏi chủ quyền, tức là vùng có tranh chấp.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích là Bắc Kinh hiểu được lo ngại của New Dehli, nhưng dự án này, không có mục đích chính trị, chỉ nhằm mục tiêu kinh tế và phục vụ cho đời sống của người dân.

Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với New Delhi, khi vị quan chức ngoại giao Trung Quốc nói về các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông.

Ông Hoàng Lệ Nhàn nói rằng ông không biết chính xác Ấn Độ có kế hoạch thăm dò dầu khí trong khu vực nào ở Biển Đông, nhưng nếu nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền thì không được. Quan chức này biện hộ: "Ấn Độ sẽ có phản ứng nếu như một công ty Trung Quốc hoạt động trong vùng có tranh chấp với các nước láng giềng Nam Á".

Trong quá khứ, Trung Quốc đã có phản ứng rất mạnh trước việc tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC ký các hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam. Phía Ấn Độ đã đáp lại là những dự án này có mục đích thuần túy thương mại và không nên chính trị hóa vấn đề. - RFI
|
|

2.
Philippines để ngỏ cửa căn cứ quân sự cho Nhật

Ngay trong chuyến công du Nhật, hôm nay 05/06/2105, theo Reuters, Tổng thống Philippines Benigno Aquino chính thức tuyên bố mở ra đàm phán với Tokyo để chuẩn bị cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự Philippines với mục đích hậu cần.

Thỏa thuận nói trên đã được Tổng thống Philippines nhắc đến trong một cuộc họp báo tại Nhật trong chuyến công du nói trên. Thỏa thuận nếu đạt được sẽ cho phép phi cơ và tàu chiến của Nhật mở rộng phạm vi hoạt động tại Biển Đông, khu vực mà hiện nay căng thẳng đang dâng cao sau khi Trung Quốc liên tục mở rộng diện tích nhiều đảo tranh chấp tại Trường Sa.

Thỏa thuận quân sự này không được đưa vào tuyên bố chung Nhật Bản-Philippines, được công bố sau cuộc hội kiến giữa Tổng thống Aquino và Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Reuters gần gũi với hồ sơ này, cả hai lãnh đạo đã nhất trí mở đàm phán về một Hiệp định thăm viếng quân sự VFA (Visiting Forces Agreement). Hiện tại Philippines mới chỉ ký VFA với Hoa Kỳ và Úc.

Vào tháng 4/2015, Reuters nhận được thông tin, theo đó Tokyo dự kiến sẽ tham gia các cuộc tuần tra không quân cùng với Hoa Kỳ tại Biển Đông, để đáp trả các động thái mới đây của Trung Quốc. Đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam cũng là một chiến lược của Nhật Bản gần đây nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực Biển Đông, sau gần 70 năm vắng bóng, để đối trọng lại tham vọng của Bắc Kinh.

Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc, còn gọi là đường "Lưỡi bò", chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông bị các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam lên án. Tháng 7/2015, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sẽ tổ chức phiên điều trần, liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, và văn kiện thể hiện lập trường của Bắc Kinh hồi cuối năm 2014.

Cũng trong chuyến công du Nhật Bản, theo AFP, Tổng thống Aquino đã tuyên bố ủng hộ các đề nghị sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của nước Nhật, cho phép Nhật Bản có thể đóng vai trò "tích cực hơn vì hòa bình và an ninh trong khu vực".

Ông Aquino kết thúc chuyến công du Nhật Bản bốn ngày vào hôm nay, sau khi ký một hợp đồng trị giá 12,79 tỷ yen (tương đương 90 triệu euro), với một xưởng đóng tàu Nhật Bản, để đặt hàng một đội tàu tuần tra, mà chi phí được Nhật Bản cho vay với lãi suất thấp.

Tàu chiến Trung Quốc bắn cảnh cáo tàu cá Philippines 

Tàu chiến Trung Quốc có thể bắn cảnh cáo một tàu đánh cá Philippines tại một vùng tranh chấp tại Biển Đông. "Nếu đúng là có một chuyện như vậy xảy ra, thì đây sẽ là một tin nghiêm trọng". Trên đây là nội dung thông điệp ngắn mà Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin gửi đến báo giới, bên lề chuyến công du của Tổng thống Philippines Aquino đang diễn ra tại Nhật Bản.

Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines được đưa ra ngay sau khi nguyên thủ Philippines tuyên bố Manila sẽ đàm phán với Tokyo về một thỏa thuận cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của nước này. - RFI
|
|

3.
Lo ngại không kiềm chế được dịch MERS ở Nam Triều Tiên

Tại Nam Triều Tiên, 4 cái chết liên quan đến MERS, tức Hội chứng Hô hấp Trung Đông, đã được báo cáo và hôm nay con số bị lây nhiễm lên tới 41 người. 2 trong số các ca mới nhất đang gây lo ngại rằng virut nguy hiểm này có thể đã lây lan ra ngoài con số hơn 1 ngàn 600 người đã bị cách ly kiểm dịch.

Bệnh nhân MERS số 35 là một bác sĩ mà tin ghi là đã dự một hội nghị về gia cư và một cuộc hội thảo y tế ở Seoul trong khi ông đang ở giai đoạn gây lây nhiễm, có thể làm phơi nhiễm 1 ngàn người khác cũng dự hội nghị.

Ông Moon Hyung-pyo, Bộ trưởng Y tế và An sinh Nam Triều Tiên, nói hôm nay họ vừa nhận được một danh sách những người tham dự hội nghị và sẽ mở cuộc điều tra.

Ông nói họ đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp thích đáng như cách ly sau khi hoàn tất cuộc điều tra.

Bệnh nhân số 37 là một trung sĩ Không lực Nam Triều Tiên đã có thử nghiệm dương tính bệnh MERS tại căn cứ quân sự Osan nằm cách Seoul 50 kilomet về phía nam. Khoảng 100 người trong khu vực đó cũng được yêu cầu ở trong nhà. Không lực Hoa Kỳ cũng có một đơn vị lớn nhân viên quân đội trú đóng tại căn cứ Osan nhưng cho đến nay chưa có nhân viên Mỹ nào ở đó bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, 2 trường hợp vừa nêu cho thấy virut nguy hiểm MERS có thể đã lây lan trong khối dân lớn hơn so với 1 ngàn 600 người đã được xác định và cách ly.

MERS được phát hiện lần đầu ở Ả Rập Saudi vào năm 2012. Đó là một chứng bệnh đường hô hấp với triệu chứng ban đầu giống như bệnh cúm nhưng có thể leo thang thành sưng phổi và suy thận. Hiện chưa có thuốc điều trị hoặc thuốc chủng ngừa bệnh MERS. Nhưng virut thường không hay lây nhiễm mấy.

'Che giấu thông tin'

Giới hữu trách Nam Triều Tiên đã bị chỉ trích là phản ứng chậm, vì đã không tiến hành việc kiểm dịch đủ nhanh, và che giấu thông tin.

Bệnh nhân Hàn quốc đầu tiên được chẩn đoán nhiễm bệnh MERS là một người đàn ông 68 tuổi, trở về Seoul sau một chuyến đi Trung Đông hồi tháng 5. Sau khi bị đau ông đã đến 4 bệnh viện trước khi được chẩn đoán đúng bệnh.

Các giới chức y tế nói bệnh nhân số 1 là một “tác nhân siêu gieo bệnh” đã gây lây nhiễm cho 28 ca bệnh MERS được kiểm chứng.

Giáo sư David Hui, Giám đốc Trung Tâm Stanley Ho về các bệnh lây nhiễm vừa xuất hiện ở Hong Kong nói một “tác nhân siêu gieo bệnh” là người có các điều kiện đúng, hay trong trường hợp này là một sự phối hợp không đúng các điều kiện sẵn có để mang bệnh.

Ông nói: “Nói chung nếu người này cao tuổi ở trong tình trạng sẵn có bệnh và gây khó khăn cho tình trạng miễn nhiễm, thì khối virut trong người bệnh có thể rất cao và người này có thể gây lây nhiễm sang nhiều người khác.”

Đa số các ca bệnh MERS đều được truy nguyên trở lại bệnh viện thứ nhì mà bệnh nhân số 1 đã đến để khám bệnh.

Giáo sư Choi Bo-yul, thuộc phân khoa y của trường đại học Hanyang, là một thành viên tront toán đặc nhiệm quốc gia Nam Triều Tiên về bệnh MERS. Ông nói 25 ca bệnh MERS có thể được truy nguyên đến bệnh viện đó và một toán điều tra vừa tìm thấy virut trong phòng của bệnh nhân số 1 và ngay cả trong những tấm lọc của máy điều hòa không khí.

Giáo sư Choi nói họ đã gỡ 5 tấm lọc trong phòng và gửi đến Viện Y tế Quốc gia Triều Tiên để xét nghiệm. Trong số 4 tấm lọc này, ông nói đã tìm thấy virut trong 3 tấm.

Bộ Y tế công bố tên của bệnh viện thứ nhì nơi tìm thấy bệnh MERS, đó là bệnh viện Pyongtaek nằm cách Seoul 80 kilomet. Nhưng cho đến nay, giới hữu trách đã từ chối không tiết lộ tên của 5 bệnh viện khác đã nhận điều trị các bệnh nhân MERS.

Giáo sư Hui của Hong Kong không đồng ý với quyết định của Seoul không tiết lộ thông tin này cho công chúng. Ông nói theo kinh nghiệm của Hong Kong về vụ bộc phát bệnh SARS năm 2002, họ đã nhận ra rằng chia sẻ càng nhiều thông tin càng tốt là cách hay nhất để trấn an công chúng.

Ông nói: “Nếu họ công bố danh sách các bệnh viện đã đối phó với bệnh MERS thì ít nhất công chúng cũng có thể tránh được sự phơi nhiễm không cần thiết với các cơ sở y tế ấy.”

Virus nguy hiểm

MERS thuộc một dòng virut nguy hiểm và có liên hệ với SARS, tức Hội chứng Hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Trong vụ bộc phát SARS cách đây hơn 1 thập niên tập trung quanh Trung Quốc và Hong Kong, trên 8 ngàn người đã bị lây nhiễm và gần 800 người tử vong.

Tại Nam Triều Tiên, hơn 1 ngàn 600 người đã bị cách ly kiểm dịch hoặc được yêu cầu ở trong nhà. Hơn 1 ngàn trường học đã đóng cửa và ngay cả 17 con lạc đà, có thể mang virut, cũng đã bị cách ly ở nhiều vườn thú.

Một số chuyên gia nói các chỉ thị cách ly tập thể là không cần thiết. Nhưng dựa vào kinh nghiệm riêng với bệnh SARS, bác sĩ Leo Poon, một chuyên gia về virut học tại trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong không đồng ý. Ông nói cần phải có các biện pháp mạnh và Nam Triều Tiên không thể chỉ dựa vào sự tuân thủ tự nguyện không thôi.

Ông nói: “Ai đó phải thực thi quy định này hay thậm chí tăng cường thành một lệnh cưỡng bách để ta có thể giảm thiểu hay giải quyết việc lây truyền virut trong cộng đồng.”

Bác sĩ Poon nói khó mà nói được liệu các báo cáo mới về việc phơi nhiễm với virut sẽ đưa đến con số người bệnh cao hơn đáng kể hay không.

Trừ phi virut biến thể, và cho đến nay không có bằng chứng về việc này, việc lây truyền bệnh MERS từ người sang người không có tính liên tục, có nghĩa là trong khi lây truyền từ người này sang người khác, thì virut chủ yếu sẽ bớt tính lây nhiễm.

Cho đến nay số người chết liên quan đến MERS tương đối ít ở Triều Tiên, chỉ vào khoảng 4 trong số khoảng 40 ca bệnh. Trung bình 1 trong 4 người bị nhiễm bệnh MERS bị tử vong, mặc dầu đa số những chết đã chết còn có những vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tin tặc TQ đánh cắp dữ liệu về hàng triệu công chức Mỹ

Các giới chức Mỹ nói các tin tặc tại Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công mạng quy mô vào cơ quan chính phủ liên bang có trách nhiệm thu thập thông tin về lý lịch của hàng triệu công chức liên bang, và cũng là cơ quan cấp giấy phép an ninh cho nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ.

Văn Phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ, gọi tắt là OPM, hôm qua nói rằng có tới 4 triệu công chức và cựu công chức liên bang có thể bị ảnh hưởng trong cuộc tấn công quy mô nhất để đánh cắp dữ liệu của các nhân viên chính phủ kể từ nhiều năm qua.

Các giới chức thi hành công vụ nói họ tin rằng các hacker được Trung Quốc hậu thuẫn, có thể có liên hệ với chính quyền Trung Quốc, đứng sau cuộc tấn công, mặc dầu họ không cung cấp các chi tiết về làm thế nào họ đi đến kết luận này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay đả kích những lời cáo buộc đó là “vô trách nhiệm”. Ông này nói rằng những cuộc tấn công như thế “thường là vô danh, và được thực hiện xuyên qua biên giới, rất khó có thể truy nguyên”.

Một người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, trước đó nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã đặt ra ngoài vòng pháp luật các hoạt động tin tặc.

Ông này nói thêm rằng “đi đến kết luận một cách vội vã và đưa ra những lời tố cáo dựa trên những giả thuyết là vô trách nhiệm và phản tác dụng.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
TQ phản đối VN đưa du khách ra Trường Sa --- VN muốn có thêm vũ khí để tự vệ trước TQ

Trung Quốc nói Việt Nam “xâm phạm chủ quyền” khi dự định tổ chức tuyến du lịch ra quần đảo Trường Sa.

Hôm 4/6, một quan chức ở Sở Du lịch TP. HCM nói với BBC đang có ý tưởng sẽ tổ chức tour cho du khách ra thăm Trường Sa.

Tuy nhiên, ý tưởng này cần được sự chấp thuận của Thành ủy và Bộ Quốc phòng trước khi trở thành hiện thực.

Tại Bắc Kinh ngày 5/6, người phát ngôn ngoại giao Hồng Lỗi bày tỏ giận dữ.

“Hành động của Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.”

“Chúng tôi yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, không có hành động làm phức tạp tình hình.”

Thông tin về du lịch ra Trường Sa được báo chí trong nước đăng tải rộng rãi.

Trên Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Hùng, giám đốc Công ty du lịch Viking, hồ hởi: “Tuyến du lịch này sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận rất riêng, thời tiết trên biển cũng giúp khách phục hồi sức khỏe.”

Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nơi Việt Nam hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

Trang web của UBND TP. HCM mô tả chuyến du lịch dự kiến khởi hành ngày 22/6, trong 6 ngày 5 đêm

“Du khách sẽ khám phá 2 đảo nổi, 2 đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phí Nam Tổ quốc.”

“Du khách sẽ trải nghiệm câu cá đêm ở Trường Sa Đông và đảo Đá Tây, xem 300 loài san hô tạo lập nên rạn san hô kỳ thú,” theo trang web này.

Thông tin từ UBND TP. HCM nói "giá trọn gói ưu đãi đặc biệt dự kiến 17,5 triệu đồng/khách". - BBC

***
Reuters đã tìm hiểu thêm và cho biết là với giá khuyến mãi 800 đô la, một đoàn gồm 180 du khách sẽ tham gia chuyến du lịch Trường Sa kéo dài 6 ngày, khỏi hành ngày 22/06. Trong chương trình, sẽ có chuyến thăm hai bãi đá ngầm và hai hòn đảo nổi dưới quyền kiểm soát của Việt Nam, tham quan một ngọn hải đăng và tham gia một sinh hoạt câu cá ban đêm. Chuyến du lịch Trường Sa do phía Việt Nam tổ chức đã mô phỏng hình thức du lịch Hoàng Sa mà Trung Quốc đã áp dụng nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Với Reuters, mục tiêu chính trị của Việt Nam trong việc tổ chức du lịch Trường Sa rất rõ rệt, nằm trong một loạt những động thái được cho là "bạo dạn hơn" của Hà Nội nhằm đáp trả các hành vi càng lúc càng quyết đoán của Bắc Kinh trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Điều khiến Reuters quan ngại là sáng kiến du lịch Trường Sa của Việt Nam có khả năng gây thêm căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Hãng tin Mỹ Bloomberg cũng cùng một quan điểm. Hãng này trích dẫn chuyên gia Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney nhận định: "Việc sử dụng du lịch để củng cố tính hợp pháp của đòi hỏi chủ quyền không phải là mới… Nhưng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc về quần đảo Trường Sa, làm dấy lên khả năng trả đũa (từ phía Bắc Kinh) không phải điều hữu ích".

Chuyên gia này cũng cho rằng rất có thể là Mỹ sẽ không tán đồng hành động của Việt Nam vì lẽ Washington đang kêu gọi mọi bên tranh chấp tránh các hành động tôn tạo đảo đá và các hành động khác khiến cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

Riêng Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc thì lồng quyết định tổ chức du lịch Trường Sa vào trong chiến lược "thách thức không đối xứng" mà Việt Nam đang áp dụng để đối phó với việc Trung Quốc đòi hỏi "chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Thayer cho rằng sáng kiến của Việt Nam nhằm hai mục tiêu: Khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và trắc nghiệm phản ứng của Trung Quốc sau khi hai bên vừa quyết định tái khởi động lại quan hệ bình thường. - RFI

***
Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quân sự Mỹ và Châu Âu để mua về máy bay phản lực chiến đấu, máy bay tuần tra biển, và máy bay không người lái hầu tăng cường khả năng phòng không trước thế lấn lướt ngày càng hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Reuters ngày 5/6 dẫn các nguồn tin biết rõ về các cuộc đàm phán này cho hay các cuộc thương lượng trước đây chưa từng được tiết lộ có liên quan đến nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển, hãng Eurofighter của Châu Âu, chi nhánh quốc phòng của Tập đoàn Airbus, Tập đoàn Lockheed Martin và công ty Boeing của Mỹ.

Các nguồn tin vừa kể nói rằng các nhà thầu quốc phòng này trong những tháng gần đây đã thực hiện nhiều chuyến đi Việt Nam để thảo luận nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào sắp tới. Các nguồn tin này đều không muốn nêu danh vì tính nhạy cảm của vấn đề, và một số trong đó cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Một nhà thầu quốc phòng Tây phương nói với Reuters rằng Hà Nội muốn hiện đại hóa không lực qua việc thay thế hơn 100 máy bay chiến đấu của Nga MiG-21 đã cũ kỹ trong khi muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Moscow về vũ khí.

Nguồn tin này được Reuters dẫn lời nói rằng ‘Việt Nam tỏ ý muốn giảm lệ thuộc vào Nga. Quan hệ tăng tiến với Mỹ và Châu Âu sẽ giúp họ thực hiện việc đó.’

Việt Nam đã đặt mua thêm khoảng một chục chiếc Sukhoi Su-30 của Nga để tăng cường cho hạm đội Sukhoi Su-27, Su-30 cũ hơn.

Sau khi đã tiếp nhận 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, Hà Nội đang chờ nhận thêm 3 chiếc nữa trong hợp đồng trị giá 2,6 tỷ đô la thỏa thuận hồi năm 2009.

Ngoài ra, Việt Nam cũng muốn mua các máy bay do thám không người lái của các nhà thầu quân sự Châu Á và Tây phương.

Nâng cấp không lực sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong nỗ lực củng cố quốc phòng bảo vệ chủ quyền hải phận, không phận, và lãnh thổ trước sức bành trướng không khoan nhượng từ Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Việt Nam hôm chủ nhật vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cam kết ngân khoản 18 triệu đô la giúp Hà Nội mua các tàu tuần duyên của Hoa Kỳ.

Nếu Việt Nam tậu được các sản phẩm quốc phòng từ hãng Lockheed Martin hay Boeing thì đó sẽ là các thỏa thuận đáng kể nhất liên quan tới các công ty Mỹ kể từ tháng 10 tới nay khi Washington bắt đầu nới lỏng một phần lệnh cấm vận võ khí sát thương lâu nay đối với Hà Nội.

Giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng và các chính sách chủ quyền gây hấn của Bắc Kinh, Việt Nam muốn được Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội, điều mà Washington luôn đặt trọng tâm hàng đầu trong mối bang giao Việt-Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với VOA Việt ngữ, quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ về nhân quyền nhấn mạnh Mỹ chỉ mới dỡ bỏ một phần rất nhỏ trong lệnh cấm vận này và khả năng Hoa Kỳ có thể cung cấp thêm vũ khí cho Việt Nam thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào tiến bộ nhân quyền từ Hà Nội.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền-dân chủ-lao động, ông Tom Malinowski:

“Chúng tôi đã nới lỏng một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ, cung cấp cho Việt Nam các món hàng nhỏ có liên hệ tới an ninh hàng hải, dĩ nhiên chưa phải là một thỏa thuận toàn diện. Như chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, việc bán võ khí cho Việt Nam có liên hệ tới nhân quyền của Hà Nội. Nhân quyền là cầu nối đưa tới mối quan hệ mà Hoa Kỳ đang có với Việt Nam, mối quan hệ mà đôi bên có thể có và mong muốn có được. Còn lại là các công tác khó khăn tìm cách từng bước tiến tới đích đến đó.”

Các công ty Lockheed Martin, Saab, Eurofighter, và Airbus đều từ chối bình luận về thông tin liên quan đến các cuộc thương lượng mua bán với Việt Nam.

Trong một email gửi Reuters, công ty Boeing không bình luận chi tiết cụ thể, chỉ nói rằng họ tin là khả năng sản xuất các quân cụ tình báo, do thám, giám sát của họ có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân sự của Việt Nam.

Ngân sách quân sự của Việt Nam là bí mật quốc gia, nhưng thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết trong năm 2013, Việt Nam đã chi 3,4 tỷ đô la cho quốc phòng, cao hơn gấp đôi so với 10 năm trước.

Dựa vào số thiết bị quân sự Việt Nam đã tậu về trong những năm gần đây, giới phân tích tin rằng chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.

Bộ Quốc phòng Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuteurs liên quan đến thông tin mới được tiết lộ hôm nay.

Trong số các máy bay Việt Nam đang thương lượng để mua về có phản lực cơ chiến đấu Gripen E thế hệ thứ tư và máy bay 2 động cơ tua bin cánh quạt 340 hay 2000 thích hợp cho công tác tuần tra biển của công ty Saab, Thụy Điển, cùng các hệ thống cảnh báo sớm.

Reuters dẫn các nguồn tin khác nhau cho hay Việt Nam đã mở các cuộc thương lượng về các máy bay chiến đấu Typhoon do nhà thầu Eurofighter sản xuất và về các máy bay F/A-50 do công ty Lockheed cùng phát triển với hãng Korea Aerospace Industries của Hàn Quốc.

Một nguồn tin khác nói rằng hãng Boeing muốn bán cho Việt Nam các máy bay hải giám với công nghệ máy bay giám sát P-8 Poseidon không có khả năng chống tàu ngầm.

Hãng sản xuất quốc phòng Airbus Defence đã trao đổi với Việt Nam về việc cung cấp các hệ thống tuần tra biển và cảnh báo sớm trên chiếc C-295 trong khi công ty Airbus Helicopters cũng đã có các cuộc đàm phán sơ khởi với quân đội Việt Nam.

Dù trông đợi một mối quan hệ gần gũi hơn với quốc gia cựu thù Hoa Kỳ, Việt Nam không muốn làm phật lòng nước láng giềng xâm lăng phương Bắc là Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Hà Nội đang tìm kiếm ‘một phương thức cân bằng, dần dần, từng bước.’

Trung Quốc chưa bình luận về các diễn tiến này, nhưng sau khi Hà Nội loan báo sắp mở tour du lịch ra Trường Sa trong tháng này, Bắc Kinh hôm nay lên tiếng tố cáo đây là hành động ‘xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.’

Từ cuối năm 2012, các công ty du lịch Trung Quốc đã tổ chức các tour ra đảo Phú Lâm khi Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa quản lý hành chính các đảo có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. - VOA
|
|

6.
Báo Việt Nam 'phá rào' đưa tin vụ Thiên An Môn

Một tờ báo địa phương ở trong nước đã cho đăng bài viết có tựa đề “26 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn: Những hồi ức bị cấm đoán”, trong khi hàng trăm tờ báo khác đồng loạt im tiếng.

Bài trên trang web của báo Nghệ An viết rằng “ngày 4/6/2015 đánh dấu 26 năm kể từ vụ trấn áp tàn bạo của Trung Quốc tại Thiên An Môn nhưng các du khách tới thăm quảng trường này sẽ khó có thể tìm thấy các biển chỉ dẫn hay đài tưởng niệm ghi dấu một cuộc nổi loạn với đông đảo sự tham gia của dân chúng từng diễn ra tại nơi đây".

"Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực trong suốt hơn ¼ thế kỷ qua nhằm cấm đoán các hoạt động tưởng niệm và tuần hành của dân chúng để tưởng nhớ hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong sự kiện lịch sử này”, tờ báo viết tiếp.

 “Các cuộc tuần hành đông đảo đòi cải cách dân chủ đã được sinh viên Trung Quốc khởi xướng tại quảng trường này từ tháng 4/1989, sau cái chết của một thành viên theo chủ nghĩa tự do trong Đảng Cộng sản, ông Hồ Diệu Bang, vốn ủng hộ mạnh mẽ các cải cách”.

“Các sinh viên này đã tụ tập tại quảng trường và ở đó trong 3 ngày sau khi Hồ Diệu Bang qua đời. Đám đông lớn dần và lên đến 100.000 người tham gia đám tang cấp nhà nước của nhà lãnh đạo này,” báo Nghệ An viết.

Tờ báo còn cho đăng bức ảnh một người biểu tình đứng chặn đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc, vốn đã trở thành biểu tượng của cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Theo các nhà báo ở trong nước, truyền thông Việt Nam bấy lâu nay vẫn coi vụ Thiên An Môn là một đề tài nhạy cảm, và thường phải tự kiểm duyệt về đề tài này.

Năm ngoái, một số tờ báo Việt Nam đã cho đăng các bài về vụ Thiên An Môn mà các tờ này nói là “vụ thảm sát” và “bi kịch đẫm máu”, nhưng sau đó đã phải rút xuống mà không cho biết lý do.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cấm thảo luận và đề cập tới cuộc đàn áp Thiên An Môn, và các vấn đề này thường bị kiểm duyệt trên mạng của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Các nhà quan sát nhận định rằng trong hai năm trở lại đây, báo chí Việt Nam dường như đã được bật đèn xanh để chỉ trích Trung Quốc vì những hành động lấn lướt trên biển Đông của nước láng giềng này.

Năm ngoái, trong chuyến thăm Việt Nam, một nhân vật cấp cao của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh muốn “thúc đẩy mối quan hệ Việt - Trung đi đúng hướng”. - VOA


No comments:

Post a Comment