Monday, June 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 29/6

Tin Thế Giới

1.
Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng, máy rút tiền vì vụ khủng hoảng tài chính

Đất nước Hy Lạp thức dậy sáng nay với các ngân hàng bị đóng cửa và các máy rút tiền tự động trống rỗng.

Tuy nhiên, các khoản chi trả hưu bổng dự kiến sẽ nằm ngoài chính sách kiểm soát tiền bạc này. Từ sáng sớm, những người về hưu đã xếp hàng trước các chi nhánh ngân hàng với hy vọng lấy được tiền trong quỹ hưu bổng cá nhân thông qua các hệ thống rút tiền mặt, nhưng hy vọng bất thành. Bộ Tài chính loan báo hôm nay sẽ giải thích rõ ràng cách thức thanh toán lương hưu. 

Quốc gia đang kẹt tiền mặt bị cắt các nguồn bơm tiền mặt thêm từ những nguồn quỹ Châu Âu đã ra lệnh cho hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán đóng cửa 6 ngày kể từ hôm nay giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia đang ngày càng trầm trọng và thời hạn chót để xoa dịu tình trạng này đang cận kề vào ngày mai.

Thủ tướng Alexis Tsipras hôm qua lên truyền hình quốc gia loan báo chỉ thị này chỉ vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuyên bố ngưng chương trình cho vay khẩn cấp vốn đã giúp các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục mở cửa trong những tuần qua.

Loan báo của Thủ tướng được đưa ra sau các cuộc họp cuối tuần giữa các nhà thương thuyết của quốc gia với các nhà cấp tín dụng Châu Âu mà không đạt được một thỏa thuận về các điều kiện cho khoản cứu nguy tài chính đang tiếp diễn đòi hỏi Hy Lạp phải thực hiện những cải cách để được cấp tiền mặt.

Theo giới phân tích, không đạt được thỏa thuận, Athens có phần chắc sẽ vỡ nợ vào ngày mai đối với khoản chi trả 1,8 tỷ đô la cho Qũy Tiền tệ Quốc tế.

Thủ tướng Hy Lạp quy trách các nhà cấp tín dụng Châu Âu về cuộc khủng hoảng đe dọa tới tư cách thành viên của Hy Lạp trong khối 19 nước sử dụng đồng Euro.

Theo thời biểu hiện tại, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới khi cử tri Hy Lạp quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây về việc họ có chấp nhận các biện pháp kiệm ước do các chủ nợ yêu cầu hay không.

Tin tức từ Châu Âu cho hay trong thời gian ngân hàng đóng cửa, khách hàng sẽ được phép rút tiền tối đa là 60 Euro mỗi ngày và không được chuyển tiền mặt ra nước ngoài trừ phi được chấp thuận trước. - VOA
|
|

2.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á khai trương tại Bắc Kinh

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được Trung Quốc hỗ trợ khai trương hôm nay tại Bắc Kinh, với việc các thành viên sáng lập ký một thỏa thuận cho thấy những dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến giờ này về cách thức vận hành của ngân hàng. Trong số các dấu hiệu này có việc xác nhận là Trung Quốc sẽ chiếm khối có quyền biểu quyết lớn nhất là 26%.

Các thành viên của BRICS – là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – cũng sẽ nắm một khối cổ phần đáng kể với quyền biểu quyết gần 50%. Sự kiện này đã làm tăng thêm các mối lo ngại cho rằng AIIB không những có thể thách thức các cơ sở đã có từ lâu như Ngân hàng Thế giới, mà còn cả Ngân hàng BRICS vừa thành lập.

AIIB đã cam kết rằng công việc của ngân hàng sẽ là bổ sung, chứ không phải cạnh tranh với các cơ chế đa phương hiện hữu khác. Đây có thể là một trách vụ nặng nề, không những vì họ sẽ hoạt động trong cùng một thị trường, mà còn bởi lẽ các nhà lãnh đạo của những thị trường đang trỗi dậy đã nhiều lần bày tỏ sự bất mãn đối với các cơ chế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo ông Raymond Yueng, một kinh tế gia kỳ cựu của ANZ ở Hồng Kông: “Ở một mức độ nào đó, sự kiện này phản ánh những gì mà các nền kinh tế đang trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, họ đang phục hồi những gì mà lẽ ra họ phải có trong các tổ chức quốc tế”.

Cùng lúc đó, ông Yeung nói các Điều khoản Đồng thuận của ngân hàng nêu bật nỗ lực của Trung Quốc nhằm giữ cho ngân hàng mang tính cách không phải là chỉ dành riêng cho một số nào và không biến ngân hàng thành một câu lạc bộ đồng minh chặt chẽ. Ông nêu ra rằng các điều khoản thu nhận không hạn chế sự tham gia vào các dự án hay vào việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Ông Yeung nói: “Do đó không phải chỉ là 57 thành viên này. Tôi không cho rằng họ sẽ thành lập một nền kinh tế khép kín về việc chi tiêu cho hạ tầng cơ sở và các dự án hạ tầng cơ sở. Họ cũng sẽ mở cửa cho các nước khác không phải là thành viên sáng lập.”

Trong số các nước này có Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản, mà cho đến giờ này vẫn chưa được gia nhập ngân hàng. Vốn cho phép của ngân hàng là 100 tỷ đôla, trong đó gần 98 tỷ đã được chia trong các thành viên sáng lập mà ngân hàng gọi là “khu vực” và “không thuộc khu vực.”

Quyền phủ quyết

Một vấn đề gây nhiều tranh luận khác về các thỏa thuận của ngân hàng rọi một tia sáng vào việc liệu Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết hay không trong những quyết định của AIIB.

Thỏa thuận công bố hôm nay không dùng từ “phủ quyết” nhưng nói rằng đối với phần lớn các quyết định quan trọng, ngân hàng sẽ coi một “siêu đa số” là cấp thiết. Với 26% cổ phần, Trung Quốc sẽ có tiếng nói quyết định trong mọi quyết định. Trung Quốc từng cho biết họ không mưu tìm quyền phủ quyết tại ngân hàng. Các nhà phân tích lập luận rằng điều tự nhiên đối với các nhà đầu tư hàng đầu là có nhiều tiếng nói hơn những người khác.

Ông N.R. Bhanumurthy, một giáo sư kinh tế học tại Viện Quốc gia về Chính sách Tài chính Công cộng ở New Delhi nói: “Tôi sẽ không lấy làm lạ nếu Trung Quốc có quyền phủ quyết gián tiếp. Chúng ta biết rằng các nước phát triển thường áp dụng một quyền phủ quyết gián tiếp tại Ngân hàng Thế giới và IMF”.

Một trong các trắc nghiệm đầu tiên của quyền đó sẽ là khi nhà băng chọn chủ tịch đầu tiên trong những tháng sắp tới. Theo thỏa thuận ký hôm nay, chủ tịch phải là một người thuộc một nước sáng lập “trong khu vực”.

Ngân hàng dự trù sẽ chính thức hoạt động trước cuối năm nay.

Phá vỡ BRICS

AIIB không phải là ngân hàng nhiều tỷ đôla duy nhất mà Trung Quốc đóng một vai trò trong việc thành lập mới đây. Trung Quốc còn có ngân hàng BRICS với trụ sở ở Thượng Hải và nay do Ấn Độ đứng đầu. Nhưng một số người tự hỏi liệu hai ngân hàng có thể trở thành đối thủ hay không.

Ông Bhanumurthy nói: "Có những hy vọng cao từ phía AIIB. Nhưng có nguy cơ cạnh tranh giữa AIIB và Ngân hàng Phát triển mới của các quốc gia BRICS".

Ông nói thêm rằng điều mà thế giới đang phát triển không muốn có là hai cơ chế cạnh tranh nhau.

Ông Bhanumurthy nói: “Họ phải đảm bảo rằng không có sự chồng chéo trong hoạt động. Tân Ngân hàng Phát triển có thể tập trung vào các vấn đề phát triển xã hội và dành các khu vực cơ sở hạ tầng cho AIIB”.

Trung Quốc nói ngân hàng sẽ không những cổ súy cho sự phát triển trong khu vực, mà còn góp phần vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tất cả đều tham gia

Lễ ký kết hôm nay được tổ chức tại Nhân dân Đại sảnh. Gần như toàn bộ 57 thành viên sáng lập đã ký vào thỏa thuận. 7 nước còn lại đang chờ sự chấp thuận trong nước.

Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc vận động để tranh thủ hậu thuẫn cho AIIB sau khi đưa ra đề nghị đầu tiên cách đây 2 năm. Một số nhà phân tích coi khả năng của Trung Quốc thu hút hơn 50 quốc gia, bất chấp sự miễn cưỡng của Washington trong việc gia nhập, là một thành quả về chính sách đối ngoại. Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Australia, Anh, Đức, Israel và Nam Triều Tiên đã gia nhập.

Gần một nửa các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương là các thành viên sáng lập của ngân hàng.

Một trong những lý do chính khiến Hoa Kỳ và các nước khác ngần ngại là bởi vì có những thắc mắc về khả năng của ngân hàng tôn trọng các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm và quản trị. Đây là bởi vì một số nhà phân tích nói rằng nhiều dự án quan trọng được các ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài tài trợ được cho là có động cơ chính trị nhiều hơn là vì tiêu chuẩn đầu tư có lời. Nhưng một số chuyên gia ở các nước đang phát triển có quan điểm khác.

Ông Bhanumurthy nói: “Không có lý do nào để nghĩ rằng AIIB sẽ không được quản lý một cách chuyên nghiệp hay không thể tuân hành các tiêu chuẩn quốc tế. Một số các thị trường tài chính như Singapore, Hồng Kông và London cũng can dự vào việc hình thành ngân hàng”. - VOA
|
|

3.
TQ giận dữ vì phim tài liệu của Philippines về Biển Đông

Trung Quốc cáo buộc Philippines là phát tán thông tin không trung thực và “tạo ra ảo tưởng mình là nạn nhân” trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, sau khi Manila trình chiếu một bộ phim tài liệu 3 tập để bảo vệ lập trường của mình về cuộc tranh chấp này.

Bản tin hôm nay của Reuters cho biết tập đầu tiên của bộ phim tài liệu của Philippines có tựa đề là “Quyền Hàng Hải”, ra mắt vào ngày Lễ Độc Lập của Philippines hôm 12 tháng 6.

Lên tiếng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tố cáo Philippines tìm cách khích động nhân dân của cả hai nước. Bà nói: “Philippines âm mưu đánh lạc hướng và lừa gạt nhằm chiếm cảm tình của người khác, bằng cách tạo ra cái cảm tưởng rằng họ là một nạn nhân”.

Bắc Kinh và Manila đã leo thang những lời qua tiếng lại trong những tháng gần đây. Tuần trước, sau khi Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập với Philippines, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Philippines là tìm cách lôi kéo các nước khác vào cuộc tranh chấp để khuấy động căng thẳng trong khu vực.

Philippines nói bộ phim tài liệu mới ra mắt nhằm mục đích thông tin cho dân chúng trong nước, và huy động sự hậu thuẫn của công chúng đối với các chính sách và hành động của chính phủ.

Lên tiếng tại cuộc họp báo thường ngày, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cũng bày tỏ giận dữ về những phát biểu của Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, sau khi ông mô tả những dự án cải tạo đất xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là “một mối đe doạ cho hoà bình.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hiệp định hạt nhân Iran dự kiến không đạt được trước hạn chót

Cả hai bên trong cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân Iran đều dự kiến cuộc thương thuyết sẽ kéo dài quá thời hạn chót 30 tháng 6 để đạt được một thoả thuận toàn diện. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tại Vienna, các giới chức Mỹ và Iran hôm chủ nhật cho biết các phái đoàn sẽ lưu lại Vienna sau ngày thứ ba để tìm cách giải quyết những điểm bất đồng then chốt.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm chủ nhật đã lên đường về nước để tham khảo ý kiến và theo dự liệu sẽ quay lại Vienna vào ngày thứ 3. Một giới chức cấp cao của Mỹ nói rằng chuyến đi của ông Zarif không phải là một vấn đề đáng lo ngại vì các đại biểu của các nước tham dự hội nghị vẫn thường rời Vienna trong thời gian diễn ra cuộc thương thuyết.

Cũng trong ngày chủ nhật, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết một số điều kiện cần được thỏa mãn để có một thoả thuận mà ông gọi là “một hiệp định mạnh mẽ”, trong đó có việc kiểm tra các địa điểm hạt nhân bị nghi ngờ.

Ngoại trưởng Anh, ông Philip Hammond, nói rằng chẳng thà không có thoả thuận chứ không nên có một thoả thuận xấu.

"Có những lằn ranh đỏ mà chúng tôi không thể vượt qua và có những quyết định rất khó khăn, những sự lựa chọn khó khăn, mà tất cả các bên phải thực hiện để có thể đạt được một thoả thuận trong vòng vài ngày sắp tới."

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố một thoả thuận tốt phải bao gồm việc dỡ bỏ ngay các biện pháp chế tài.

"Tất cả các biện pháp chế tài -- chế tài kinh tế và chế tài tài chánh, cần phải được loại bỏ ngay tức khắc. Và những biện pháp chế tài của hội đồng bảo an cũng cần phải được chấm dứt."

Tuy nhiên, các cường quốc thế giới muốn các biện pháp chế tài được dỡ bỏ theo giai đoạn để đổi lấy một hiệp định hạn chế khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran.

Theo bà Marie Harf, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về thông tin chiến lược, hiệp định toàn diện có phần chắc sẽ không đạt được vào ngày 30 tháng 6.

"Như chúng tôi đã nói, có lẽ chúng tôi sẽ cần có thêm vài ngày sau ngày 30 tháng 6, như chúng tôi đã làm tại Lausanne khi chúng tôi đúc kết thoả thuận khung hồi tháng tư, để có được một hiệp định mạnh mẽ nhất có thể có."

Một số giới chức cho biết thời hạn chót có tính chất quan trọng hơn ở Vienna thật ra là ngày 9 tháng 7. Đó là lúc mà thời gian của một cuộc duyệt xét bắt buộc của quốc hội sẽ được triển hạn từ 30 ngày thành 60 ngày.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Emanuele Ottolenghi của Quỹ Bảo vệ Dân chủ, việc kéo dài cuộc đàm phán qua tới tháng 7 có thể tạo ra nhiều vấn đề.

"Vấn đề ở đây là những kinh nghiệm trong thời gian qua cho chúng tôi thấy rằng mỗi lần triển hạn là mỗi lần có thêm những sự nhượng bộ có lợi cho phía Iran."

Trong khi đó, theo Đại tướng James Cartwright, chuyên gia về chính sách hạt nhân của Mỹ, vấn đề ở đây là thế nào để đạt được một sự cân bằng.

"Chúng ta muốn dành cho Iran khả năng để bảo vệ chủ quyền của họ, nhưng chúng ta cũng muốn có một số luật lệ nào đó để chúng ta có thể tới Iran để kiểm tra nếu có một sự nghi ngờ hợp lý là một hoạt động lén lút đang diễn ra ở đó."

Ông Cartwright cho rằng trong trường hợp các nhà thương thuyết có thể có được một thoả thuận bao gồm một sự giám sát đầy đủ đối với mức độ tinh luyện uranium và khoảng thời gian mà Iran cần có để chế tạo bom hạt nhân thì đó sẽ là một thoả thuận tốt đẹp, mang lại một sự cải thiện đáng kể cho tình hình an ninh của vùng Trung Đông. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Vì sao Trung Quốc lưỡng lự đưa hồ sơ Biển Đông ra Tòa án Công lý Quốc tế?

Cựu Bộ trưởng Malaysia, Hiệu phó danh dự trường Đại học Mở Wawasan Malaysia, tiến sĩ Koh Tsu Koon, đặt câu hỏi: Vì sao Trung Quốc lại không muốn đưa hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh thực sự có bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình.

Hôm qua, 28/06/2015, trường Đại học Mở Wawasan Malaysia đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề "Xung đột ở Biển Đông và Hợp tác An ninh". Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Koh Tsu Koon, hiệu phó danh dự, được hãng thông tấn Bernama trích dẫn, nhấn mạnh: "Về triển vọng của ASEAN, với tư cách là các nước nhỏ, chúng ta lo ngại về các cuộc xung đột ở Biển Đông và các yếu tố địa chính trị trong vùng, cũng như các vấn đề này sẽ tác động đến chúng ta ra sao".

Theo quan chức này, nếu các cuộc xung đột không thể giải quyết được qua đàm phán thì cần đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế. Ông Koh đặt câu hỏi: "Nếu Trung Quốc rất tin tưởng vào những cơ sở lịch sử và pháp lý về những đòi hỏi của mình tại các vùng biển có tranh chấp, tại sao họ lại lưỡng lự đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế như vậy?"

Ngày 27/06, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc là một quốc gia hàng hải từ một nghìn năm nay, do vậy, chắc chắn là Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai thác sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa, với tên gọi là Nam Sa.

Theo tiến sĩ Koh, tất cả các nước ASEAN đều chấp nhận Tòa án Công lý Quốc tế như là một định chế chung để giải quyết các vấn đề.

Ông Barry Desker, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho biết, mặc dù Singapore, Indonesia và Cam Bốt không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng các nước này cũng có cùng quan điểm như vậy.

Theo chuyên gia này, cho đến nay, Tòa án Công lý Quốc tế đã giải quyết các vấn đề về chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge liên quan đến tranh chấp giữa Malaysia và Singapore cũng như các tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zonge) nói rằng các nước ASEAN đã thúc giục Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Bộ Luật ứng xử ở Biển Đông - COC. Thế nhưng, Philippines lại đưa hồ sơ tranh chấp với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc trong lúc các cuộc đàm phán về COC đang được tiến hành.

Về điểm này, theo tiến sĩ Koh, cho dù ASEAN là một hiệp hội nhưng khối 10 này không có lập trường mạnh mẽ ủng hộ Philipines. Mặt khác, đa số các đại diện những nước ASEAN tham dự hội thảo đều cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông có thể gây ra xung đột trong khu vực.

ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC- năm 2002, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán về COC, mang tính ràng buộc pháp lý. - RFI
|
|

6.
Xô xát tại biên giới Việt Nam-Campuchia

Xô xát diễn ra khi một nhóm khoảng 200 người Campuchia gồm Dân biểu, tu sĩ, thanh niên đến kiểm tra khu vực biên giới giữa tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An vào ngày hôm qua 28 tháng 6 năm 2015.

Một nhà sư Khmer Krom cùng tham gia đoàn kiểm tra biên giới cho biết một nhóm bộ đội và một nhóm người Việt mặc thường phục dùng vũ lực ngăn cản không cho họ đến kiểm tra đường biên giới. Sư chia sẽ:

“Bộ đội biên phòng khoảng hai chục người, và mấy người mặc đồ thường khoảng từ năm chục đến sáu chục người. Mấy người mặc đồ dân thường thì có cầm cây gậy có đóng đinh trên đó, còn bộ đội trong tay có cầm súng. Ban đầu Dân biểu đi trước rồi bộ đội biên phòng qua nói đây là đất của Việt Nam. Ban đầu là xô đẩy nhau, bên Việt Nam, mấy người mặc đồ thường, thấy đa số là người ở đó say sỉn không. Mình đi vào xô đẩy nhau rồi bên kia cầm gậy đánh đập lại mình, nhưng mà bên mình không có gì trong tay hết. Bên dân Việt Nam đánh trúng dân biểu bên Campuchia, và mấy sư và mấy thanh niên bị thương cũng nhiều lắm”.

Hoạt động được nhà sư Khmer Krom mô tả như vừa rồi là một trong các chiến dịch kiểm tra biên giới của dân biểu, tri thức và người dân Campuchia tại các địa điểm mà những người này nghi ngờ có việc Việt Nam lấn chiếm bắt đầu diễn ra từ tháng 5 năm 2015.

Cột mốc số 203 

Cũng có mặt trong đoàn kiểm tra biên giới, ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Kampuchea Krom, cho biết phía Việt Nam ngang nhiên đi vào sâu trong lãnh thổ của Campuchia ngăn cản không cho họ đi đến khu vực biên giới. Ông Thach Setha: “Bên biên phòng của Campuchia nói đây là đất của Campuchia, cho tụi tui đi chỗ đó. Công an Việt Nam, có nhân dân Việt Nam cầm dao, có súng nhiều không cho vô, không cho đi coi chỗ biên giới đó. Thấy như vậy là xâm phạm lãnh thổ bên nước Campuchia rồi bởi có súng, có nhân dân nhiều ở đó cấm không cho nhân dân Campuchia đi trong đất nước Campuchia”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quan, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã xác nhận rằng trong quá trình giải quyết các vấn đề về biên giới, lực lượng chức năng và người dân Việt Nam có xảy ra mâu thuẩn với nhóm người Campuchia, tuy nhiên sự kiện này diễn ra trên lãnh thổ của Việt Nam.

Ông Quan phát biểu: “Cột mốc mà các anh muốn đi khảo sát còn đang đi sâu vào đất Việt Nam đang quản lý do đó chúng tôi xác định vị trí này là ở đất Việt Nam quản lý. Và nếu tương lai, hiện nay đã phân định, nếu mà phân định ra thì cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam quản lý. Cái này xác định lãnh thổ là lãnh thổ Việt Nam rồi, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa”.

Tuy vậy, trong thông cáo báo chí của Tòa Thị chính Svay Rieng, chính quyền địa phương này khẳng định sự kiện diễn ra tại cột mốc số 203 nằm trên địa bàn ấp Thlok Thmey, xã Thnaot, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng của Campuchia.

Đảng Cứu Quốc Kampuchia lên tiếng

Sáng ngày 29 tháng 06 năm 2015, ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Quốc đã lên tiếng phản đối hành vi bị ông này lên án là ‘bạo lực’ của Việt Nam.

Sự kiện này cũng gây bức xúc đối với nhiều người dân Campuchia. Tiến sĩ khoa học chính trị Sok Touch cho rằng là hai nước láng giềng, cách hành xử này của Việt Nam là kém văn minh và không phù hợp với xu hướng cộng đồng chung ASEAN sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.

“Thứ nhất, hành vi của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, thứ hai là Việt Nam đi ngược lại Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, khi chúng ta xây dựng cộng đồng chung, chúng ta sẽ phải mở cữa biên giới thôi, thứ ba là các tính chất lịch sử, Việt Nam không phải làm như vậy, Việt Nam đã lấy đất Khmer nhiều lắm rồi, giờ chúng tôi chỉ đi kiểm tra biên giới, trong khi người Việt không chỉ đến biên giới mà còn đến sống đầy trên đất Campuchia. Tôi thấy rằng Việt Nam vẫn còn kém văn minh, sử dụng luật rừng và thiếu nhân đạo. Tôi yêu cầu Việt Nam giáo dục quân đội và nhân dân của mình về luật láng giềng cũng như các điều khoản của cộng đồng chung ASEAN. Làm sao mà có cộng đồng chung được khi mà các anh thượng cẳng tay, hạ cẳng chân như vậy”.

Tiến sĩ Sok Touch còn cho rằng việc quân đội và người dân Việt Nam mang vũ khí tiến vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một việc làm không thể chấp nhận được. Ông gợi ý chính quyền Phnom Penh phải ra thông cáo báo chí ngoại giao đính kèm những hình ảnh về hành vi bạo lực của người Việt Nam để người dân trên thế giới biết được vấn đề.

Tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia trở thành đề tài nóng trong quan hệ giữa hai nước. Hồi ngày 12 và ngày 14 tháng 6 vừa qua, Campuchia đã ra hai công hàm phản đối Việt Nam tự ý đào ao mương thủy lợi trên lãnh thổ Campuchia nhưng phía Việt Nam vẫn chưa có phản ứng về vấn đề này.

Đến ngày 27 tháng 6, đảng Cứu Quốc đã cho công bố 26 tấm bản đồ tỷ lệ 1/100000 được Chính quyền Pháp vẽ trong khoản năm 1933 đến năm 1953 liên quan đến biên giới Việt Nam và Campuchia. Hiến pháp Campuchia thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia được căn cứ theo bản đồ tỷ lệ 1/100000 này, theo đó đường biên giới hiện tại giữa Việt Nam và Campuchia có khả năng bị thay đổi nếu phía Campuchia thấy rằng biên giới thực tế không đúng với bản đồ. - RFA

No comments:

Post a Comment