Saturday, June 6, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 6/6

Tin Thế Giới

1.
Nhóm G7 sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông --- TT Obama tranh thủ hậu thuẫn cho Ukraine tại Thượng đỉnh G7

Theo báo chí Nhật, các lãnh đạo nhóm G7 sẽ bày tỏ mối quan ngại của họ về mọi hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng châu Á.

Nhật báo Yomiuri số ra ngày hôm nay 06/06/2015, cho biết là vào cuối cuộc họp thượng đỉnh, sẽ diễn ra trong hai ngày 07 và 08/06/2015 tại Đức, các nhà lãnh đạo nhóm G7, tức là nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu, sẽ ra một bản tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự quốc tế ở các vùng biển, dựa trên pháp luật quốc tế. Nhưng bản tuyên bố của G7 sẽ không nêu tên quốc gia nào.

Trung Quốc hiện đang bị quốc tế chỉ trích về các công trình xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam cũng đang nổi lên do việc chính quyền thành phố Sài Gòn cho phép mở tuyến du lịch đến quần đảo Trường Sa kể từ ngày 22/06/2015. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động này của phía Việt Nam "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc" ở vùng Biển Đông.

Cách đây một năm, các lãnh đạo nhóm G7 cũng đã từng bày tỏ mối quan ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên vấn đề khai thác tài nguyên trên vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, yêu cầu các bên không được dùng vũ lực. - RFI

***
Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ khai mạc ở Đức vào ngày mai Chủ nhật 7/6 và quy tụ lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada.

Vào cuối hội nghị, các nước G7 dự kiến sẽ ra tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự quốc tế trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, tờ báo này cho biết nhưng không dẫn nguồn.

Sẽ ra tuyên bố về Biển Đông?

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay sẽ diễn ra tại Schloss Elmau ở vùng Bavarian Alps.

Bà Angela Merkel, Thủ tướng nước chủ nhà, đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững lên ưu tiên nghị sự hàng đầu tại hội nghị G7 lần này.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tập trung vào các vấn đề tăng trưởng, an ninh, đe dọa khủng bố và dịch bệnh.

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng vấn đề tham nhũng có sự liên hệ với tất cả những chủ đề trên và cần được thảo luận cởi mở.

Ông dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết tham nhũng làm đội chi phí kinh doanh trên toàn cầu lên 10% với khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ tiền lót tay mỗi năm.

Hôm 15/4, Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, làm gia tăng bầu không khí căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tuyên bố có đoạn:

“Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.”

Đáp lại, ngày 17/4, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc trước sau như một chủ trương tranh chấp liên quan cần phải do nước đương sự trực tiếp giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương.

“Mong các nước liên quan tôn trọng đầy đủ những nỗ lực giữ gìn hoà bình và ổn định khu vực của các nước trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho hoà bình và ổn định của khu vực,” ông Hồng Lỗi tuyên bố. - BBC

***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay 6/6 đến Đức để dự cuộc họp hai ngày của khối G7, qui tụ 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới.

Theo dự liệu, vụ khủng hoảng Ukraine, kể cả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, sẽ nằm cao trong nghị trình, tuy thương mại là nghị trình chính thức của hội nghị.

Nga nằm trong khối G8 từ năm 1998, nhưng đã bị loại ra hồi năm ngoái vì những hành động ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói rằng bất kể Tổng thống Vladimir Putin làm gì để đưa Nga lùi về quá khứ, “phần còn lại của thế giới và phần còn lại của Âu châu vẫn tiếp tục tiến về phía trước.” Ông Carter nói thêm rằng ông Putin sẽ bị “bỏ lại đàng sau mỗi lúc một xa.”

Liên Hiệp Quốc đang thúc giục tất cả mọi bên trong cuộc xung đột Ukraine tuân hành đầy đủ hiệp định ngưng bắn đạt được hồi đầu năm nay.

Lời kêu gọi được đưa ra hôm thứ sáu trong lúc các giới chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ họp tại Bộ Tư lệnh Âu châu của quân đội Mỹ tại Stuggard, Đức, để duyệt xét sự hữu hiệu của các biện pháp chế tài của Mỹ và Âu châu đối với Nga, cũng như chiến lược của NATO nhằm ngăn không cho Nga thực hiện thêm các hoạt động ở Ukraine.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ năm cho biết vì bạo động leo thang ở Ukraine, Tổng thống Obama sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu tại thượng đỉnh G7 duy trì các biện pháp chế tài Moscow vì “sự xâm lấn của họ ở miền đông Ukraine.”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ năm thừa nhận áp lực kinh tế chưa làm cho Tổng thống Putin thay đổi “tính toán chiến lược ở Ukraine.”

Điện Kremlin nhất mực nói rằng họ không có vai trò trực tiếp trong cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine và phủ nhận tố giác cho rằng họ cung cấp vũ khí và chiến binh cho phiến quân đòi ly khai ở Ukraine. - VOA
|
|

2.
Số tử vong trong vụ tàu chìm ở Trung Quốc tăng tới gần 400

Số tử vong trong vụ chiếc tàu du lịch bị lật trên sông Dương Tử ở Trung Quốc hôm nay tăng tới gần 400 người, trong lúc các toán nhân viên tìm kiếm thi hài trên chiếc tàu được trục vớt hôm thứ sáu.

Chỉ có 14 người được cứu kể từ khi chiếc Ngôi Sao Phương Đông bị lật trong thời tiết xấu tối thứ hai. Giới hữu trách cho biết không có hy vọng có người sống sót trong số 456 người còn lại.

Công tác cứu hộ gặp trở ngại vì mưa to gió lớn và nước chảy siết. Chiếc tàu bị trôi tới một nơi cách xa nơi xảy ra tai nạn gần 3 kilomét.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tới hiện trường để chỉ huy công tác cứu hộ và phục hồi.

Chiếc tàu dài 77 mét bị lật tối thứ hai chỉ trong vòng vài phút sau khi xảy ra điều mà truyền thông Trung Quốc mô tả là một cơn lốc xoáy. Viên thuyền trưởng cùng với kỹ sư trưởng của chiếc tàu thoát hiểm và đang được cảnh sát thẩm vấn.

Thân nhân của hành khách nêu nghi vấn tại sao chiếc tàu tiếp tục cuộc du hành sau khi được cảnh báo về thời tiết xấu. - VOA

***
Theo bản tổng kết mới nhất của Tân Hoa Xã, tổng số người chết lên tới 396 người, chỉ 14 hành khách sống sót.

Tuy nhiên, số lượng người chết sẽ còn tăng lên vì vẫn chưa tìm thấy 46 người mất tích trên tổng số 456 hành khách. Đây là tai nạn đường thủy tồi tệ nhất của Trung Quốc từ gần 70 năm nay, sau tai nạn chìm tàu phà SS Giang Á (Kiangya) gần Thượng Hải khiến hơn 4.000 người thiệt mạng vào năm 1948.

Hơn 3.400 quân nhân, 1.700 cảnh sát và 149 con tàu đã được huy động để cứu hộ trong tuần vừa qua. Hôm nay, nhiều hình ảnh lan tải trên internet cho thấy nhân viên cứu hộ sử dụng các túi chứa thi thể nạn nhân ở bên trong con tàu nơi có nhiều hành khách ngủ khi "Ngôi sao phương Đông" gặp nạn. Còn một số nhân viên cứu hộ khác có vẻ kiệt sức, tranh thủ ngủ trên một cầu tàu nổi ngay bên cạnh xác con tàu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc họp bất thường của Ban thường vụ Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Qua buổi họp này, người đứng đầu nhà nước hứa sẽ "loại bỏ mọi nghi ngờ" liên quan tới thảm họa.

Gần 1.200 người nhà của các nạn nhân, phẫn nộ vì thiếu thông tin, đã tập trung tại nơi xảy ra tại nạn thứ Sáu vừa qua. Một người đàn ông lớn tuổi, len được vào một cuộc họp báo trước khi bị cảnh sát áp giải ra ngoài, đã tranh thủ nói trước báo chí: "Những gì mà họ cung cấp cho chúng tôi, chỉ là những lời nói đã được cân nhắc kỹ lưỡng, và đầy mâu thuẫn với sự thật".

Trên ứng dụng chat WeChat, một bản kiến nghị lan truyền giữa các gia đình nạn nhân, yêu cầu "những lời xin lỗi chính thức" từ những nhà lãnh đạo đất nước và "tử hình" thuyền trưởng con tàu du lịch "Ngôi sao phương Đông", một trong số những người may mắn sống sót.

Được coi là một "nhân viên mẫu mực", thuyền trưởng Zhang Shunwen, vẫn bị cảnh sát tạm giữ để phục vụ điều tra. Ông được một nhóm cứu hộ tìm thấy sau hai giờ xảy ra tai nạn. Ngoài thuyền trưởng, thợ máy trưởng của con tàu cũng sống sót. Cả hai khẳng định con tàu bị chìm chỉ hai phút sau khi gặp vòi rồng.

Một người thân của nạn nhân phát biểu với AFP rằng tại sao nhiều tàu khác không ra khơi (vì điều kiện thời tiết xấu), trong khi đó "Ngôi sao phương Đông" vẫn tiếp tục hành trình. Về phần mình, phó chủ tịch doanh nghiệp khai thác con tàu này cho biết thủy thủ đoàn đã cố quay trở lại nhưng thao tác này quá khó trong khoảng thời gian ngắn như vậy. - RFI
|
|

3.
Bà Suu Kyi sắp thăm Trung Quốc tuần tới

Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Miến Điện, sẽ đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tuần tới tại một thời điểm căng thẳng giữa hai nước.

Bà Suu Kyi sẽ bắt đầu chuyến thăm bốn ngày vào thứ Tư tới, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà (NLD) của bà cho biết.

Một phát ngôn viên của NLD nói bà sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.

Quan hệ giữa hai nước có phần lạnh nhạt trong những năm gần đây, một phần là do các diễn biến bạo lực gần biên giới chung.

Quân đội chính quyền Miến Điện giao tranh với phiến quân ở vùng Kokang thuộc miền đông, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Ít nhất năm người ở Vân Nam đã chết hồi tháng Ba khi một khi một phi cơ từ Miến Điện thả một trái bom trên một ruộng mía.

Trung Quốc ngay sau đó đã phái các lực lượng tuần tra biên giới trong một phản ứng.

Trong thời gian chính quyền quân sự Miến Điện chịu lệnh trừng phạt của phương Tây và bà Suu Kyi còn bị quản thúc tại gia, Trung Quốc là một đồng minh trung thành.

Nhưng kể từ khi có các cải cách mở ra vào năm 2011, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã trở thành đồng minh gần gũi, chặt chẽ với Hoa Kỳ, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục giúp đỡ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Miến Điện.

Tình thế khó xử

Là lãnh đạo của đảng NLD, bà Suu Kyi được dự kiến đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Miến Điện vào tháng Mười Một này, mặc dù chưa chắc là bà sẽ có thể đứng ra tranh ghế tổng thống.

Bà đang tranh đấu để hủy bỏ một điều khoản trong hiến pháp hiện đang ngăn cản bà đứng ra tranh cử như một ứng viên.

Việc mời bà Suu Kyi tới thăm là một sự thừa nhận của Trung Quốc rằng, sau cuộc tổng tuyển cử Miến Điện vào cuối năm nay, bà có thể sẽ là một lực lượng chính trị mà họ (Trung Quốc) không còn có thể bỏ qua, theo phân tích của phóng viên chúng tôi, Jonah Fisher, từ Yangon.

Chuyến đi cũng sẽ đặt ra một tình thế khó xử cho lãnh đạo đối lập Miến Điện.

Cũng giống như bà Suu Kyi hai thập niên trước đây, nhà văn Trung Quốc Lưu Hiểu Ba cũng đã bị giam giữ vì các hoạt động ủng hộ dân chủ - và sau đó, giống như bà Suu Kyi, ông đã được trao giải Nobel Hòa bình.

Bà Suu Kyi sẽ nói gì khi ở Trung Quốc về người cũng đoạt giải Nobel ấy như bà?

Hay là bà sẽ lựa chọn cách thức giữ im lặng để tránh làm cho chủ nhà đón tiếp khỏi bị lúng túng, khó xử? - BBC
|
|

Tin Việt Nam

4.
Môi trường kinh doanh ở VN 'trượt điểm'

Niềm tin vào môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có phần suy giảm trong quý hai, theo một kết quả khảo sát.

Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) lần thứ 18, do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho thấy BCI giảm từ 78 điểm trong cuối năm 2014 xuống còn 75 điểm vào đầu năm 2015.

Eurocham cho biết điểm số BCI, dù có giảm nhẹ, vẫn phản ánh "tâm lý khá lạc quan về môi trường kinh doanh hiện nay và trong tương lai của thị trường".

Số doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh vẫn "tốt" đã giảm từ 52% trong quý cuối năm 2014 xuống còn 45% trong quý một năm 2015, theo kết quả khảo sát.

Trong khi đó, 2% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng môi trường kinh doanh đang trở nên "rất tồi tệ", năm trước, chỉ số này không bao hàm trong khảo sát.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh "rất tốt" cũng đã tăng lên 11% trong quý đầu năm 2015.

Khảo sát cho thấy phần lớn các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam "lạc quan" về tình hình kinh doanh trong tương lai. Tuy nhiên con số này cũng đã giảm từ 62% trong quý cuối năm 2014 xuống còn 57% trong quý đầu năm 2015.

Về doanh thu, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng doanh thu sẽ 'tăng nhẹ', cao hơn so với mức 56% cuối năm ngoái.

14% doanh nghiệp dự đoán doanh thu sẽ "tăng mạnh" hoặc không thay đổi.

Lạc quan vĩ mô

Phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát đều "tỏ ra lạc quan" về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay và trong thời gian tới.

Cụ thể, 63% doanh nghiệp cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang "ổn định và cải thiện", tăng so với mức 59% của quý trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi “không thay đổi” tăng từ 20% cuối năm 2014 lên 25% trong quý một năm nay.

Trong khi đó, số doanh nghiệp phản hồi “tiếp tục suy thoái” đã giảm từ 21% xuống còn 12%.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng trong 6 tháng tới, lạm phát "sẽ giảm nhẹ" từ 5,78% xuống còn 5,26%.

65% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng lạm phát "sẽ tác động" tới tình hình kinh doanh, trong đó 17% lo ngại rằng lạm phát sẽ tác động 'đáng kể' và 1% cho rằng lạm phát sẽ 'đe dọa' hoạt động kinh doanh của họ.

Chỉ 7% cho rằng lạm phát "sẽ không có bất cứ tác động nào".

Khó khăn gặp phải

Hôm 05/6, tờ báo mạng Tài chính điện tử (E-finance) của Việt Nam cũng dẫn một số đánh giá từ báo cáo khảo sát của Phòng thương mại Âu châu tại Việt Nam cho biết thêm về tình hình 'gặp khó khăn' mà các doanh nghiệp gặp phải.

Tờ báo cho hay khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong việc áp dung Luật Xuất Nhập cảnh mới, 49% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ "không hoặc chưa gặp khó khăn gì" cho đến nay, 39% báo cáo rằng họ gặp khó khăn và 12% cho rằng luật này "không áp dụng cho doanh nghiệp" của họ.

Khi được hỏi “Thủ tục cấp hoặc gia hạn thị thực phù hợp, thẻ tạm trú có đủ rõ ràng cho doanh nghiệp và bộ phận nhân sự ”, 56% doanh nghiệp phản hồi rằng họ luôn cần hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan chức năng và công ty dịch vụ trong quy trình thủ tục, 44% chia sẻ rằng quy trình thủ tục mới này rõ ràng và họ có thể áp dụng.

Khi khảo sát yêu doanh nghiệp mô tả về việc áp dụng Luật Xuất Nhập cảnh mới, 73% doanh nghiệp mô tả "khó khăn” và hy vọng sẽ có thủ tục và tiêu chí rõ ràng hơn, 24% doanh nghiệp phản hồi rằng quy trình thủ tục "không rõ ràng và khác nhau" ở các tỉnh, 20% nhận định "rất khó" để áp dụng vì luật mới này "không tương thích" với luật Lao động và các Thông tư, Nghị định liên quan.

Còn 9% cho biết thời gian xử lý từ bước nộp hồ sơ không có vấn đề là "hợp lý" và coi đây là "điều đáng khích lệ"; trong khi 4% nhận thấy "quá trình rõ ràng và dễ thực hiện hơn" so với luật Xuất Nhập cảnh ở các nước khác, tờ Tài chính điện tử dẫn báo cáo của Phòng thương mại Châu Âu cho hay. - BBC
|
|

5.
Đài Loan chuẩn bị đưa tàu hải cảnh 3.000 tấn tới Trường Sa --- Philippines 'quan ngại' về tin tàu chiến TQ bắn cảnh cáo thuyền của ngư dân

Hôm 5/6, theo Reuters, lực lượng tuần duyên Đài Loan đã đưa vào sử dụng hai tàu hải cảnh lớn nhất, trọng tải 3.000 tấn. Một trong hai chiếc tàu sẽ được điều đến đảo Ba Bình, ở Trường Sa, khu vực căng thẳng đang dâng cao, đặc biệt sau việc Trung Quốc tăng tốc mở rộng nhiều đảo tranh chấp và đưa vũ khí hạng nặng tới khu vực này, theo cáo buộc của Hoa Kỳ.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) có mặt trên một trong hai chiếc tàu, tham gia hoạt động diễn tập cứu nạn tại khu vực ngoài khơi cảng Kaoshiung (Cao Hùng), phía nam đảo quốc. Hiện tại, Đài Loan đang gấp rút hoàn thành cảng mới tại đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba, Đài Loan gọi là đảo Thái Bình). Hai tàu hải cảnh nói trên đều có thể vào được cảng mới, dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối năm nay. Ba Bình, rộng 46 ha, là đảo tự nhiên lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Kể từ năm 2000, lực lượng tuần duyên Đài Loan trực tiếp làm nhiệm vụ tại đảo nói trên.

Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Vương Sùng Nghi (Wang Chung-yi), người đứng đầu lực lượng tuần duyên Đài Loan cho hay: "Khả năng phòng ngự của đảo Thái Bình sẽ được cải thiện", sau khi cảng mới nói trên và đường băng cho máy bay hạ cánh dài 1.200 được mét hoàn tất.

Ngược với các nước như Philippines và Việt Nam, Đài Loan gần như hoàn toàn tránh đối đầu với Trung Quốc trong các tranh chấp tại Biển Đông, mà yêu sách đường chữ U chiếm gần trọn diện tích vùng biển này của Bắc Kinh khiến các láng giềng bất bình và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Chính quyền Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh phản loạn, và đe dọa sẽ dùng vũ lực lấy lại đảo này, nếu Đài Bắc tuyên bố độc lập. Trên thực tế, bất chấp các mâu thuẫn giữa hai bờ eo biển Đài Loan, Bắc Kinh và Đài Bắc có cùng chung quan điểm đòi hỏi chủ quyền đường chữ U (cũng còn gọi là "đường lưỡi bò").

Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông gia tăng, ngày 26/05, Tổng thống Đài Loan đưa ra đề nghị yêu cầu tất cả các bên tranh chấp tạm ngưng đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, để đàm phán. Đầu tháng này, lãnh đạo đảng đối lập Dân Tiến của Đài Loan – đảng có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới tại đảo quốc – có chuyến công du Hoa Kỳ, để tranh thủ sự ủng hộ của chính giới Mỹ. Theo Want China Times, một báo Đài Loan được đánh giá là thân Bắc Kinh, nhận định: vấn đề Biển Đông là chủ đề quan trọng nhất trong cuộc thảo luận giữa bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), Phó chủ tịch đảng Dân Tiến, với các nghị sĩ Hoa Kỳ hôm thứ Ba tuần này. - RFI

***
Philippines hôm thứ Sáu 5/6 đã bày tỏ lo ngại về việc tàu chiến Trung Quốc đã bắn súng cảnh cáo một chiếc thuyền đánh cá của Philippines ở khu vực gần một bãi đá cải tạo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng của Manila bày tỏ.

Trung Quốc gần đây đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động mở mang các bãi đá chiếm được trong quần đảo Trường Sa, gây báo động về các yêu sách khác, khiến cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines nói: "Nếu thực sự điều này xảy ra, nó là một nguyên nhân gây ra lo ngại nghiêm trọng."

Trong khi đó tại Tokyo, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết nước ông đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc đàm phán với Nhật Bản về việc cho phép máy bay quân sự và tàu hải quân Nhật Bản sử dụng các căn cứ của Philippine, báo hiệu sự hiện diện quân sự và mở rộng phạm vi hoạt động của Tokyo ở Biển Đông.

Aquino cho biết Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) sẽ dọn đường cho quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ của Philippines trên cơ sở luân phiên, để tiếp nhiên liệu và các nhu cầu khác cho quân đội Nhật Bản trong khi ở Philippines. Manila có thỏa thuận tương tự với Mỹ và Australia.

Hôm thứ Năm, Nhật Bản và Philippines đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán bán thiết bị quân sự của Nhật Bản cho Philippines, thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự và các hoạt động giữa các lực lượng quân đội, nhằm ứng phó lại với các hoạt động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc như xây dựng đường băng và các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Trước đó vào hôm thứ Tư, ông Aquino đã gây phẫn nộ tại Bắc Kinh khi ông so sánh các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông với chủ nghĩa bành trướng của phát xít Đức trong thời gian diễn ra Đệ Nhị Thế Chiến.

Tokyo lo ngại dự án cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực ước tính có lưu lượng thương mại đường biển khoảng 5 nghìn tỷ đôla qua đây mỗi năm, phần lớn đến và đi từ Nhật Bản.

Trong một diễn tiến khác hôm thứ Sáu, lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận ở Bắc Kinh mà Bộ trưởng quốc phòng nước này nói là “huấn luyện bay hằng năm”, một động thái bất thường ở một thành phố thắt chặt an ninh và gần như là khu vực cấm bay vĩnh viễn.

Theo thông báo trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các bài tập kéo dài một ngày này là một phần của việc huấn luyện bay cho các đơn vị không quân thứ 5.

Tuy nhiên, Bộ này không cho biết các chi tiết khác về việc có bao nhiêu máy bay hay những loại máy bay đã tham gia cuộc tập trận này. - VOA
|
|

6.
Du lịch Trường Sa: Sách lược "phi đối xứng" chống Trung Quốc

Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức chuyến du lịch Trường Sa đầu tiên vào ngày 22/06/2015. Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, biện pháp này nằm trong số các sách lược "phi đối xứng" mà Việt Nam sử dụng để thách thức yêu sách "chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn nhanh qua thư điện tử của Ban Tiếng Việt RFI, Giáo sư Thayer đã xem sáng kiến du lịch Trường Sa của Việt Nam là một cách khác nhằm khẳng định chủ quyền trong khu vực.

Thayer: Tour du lịch đến quần đảo Trường Sa là một hành động kín đáo khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Các chuyến du lịch này cũng nhằm trắc nghiệm phản ứng của Trung Quốc sau khi quan hệ bình thường Việt-Trung vừa được tái khởi động.

Nếu tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc can thiệp hoặc sách nhiễu tàu du lịch Việt Nam, thế giới sẽ coi đấy là một mưu toan cản trở thương mại hợp pháp. Nếu Trung Quốc không phản ứng, Việt Nam sẽ cảm thấy yên tâm phần nào.

Trong trường hợp Trung Quốc phản ứng bằng cách sách nhiễu tàu du lịch Việt Nam, Việt Nam chờ đợi là nước ngoài sẽ can thiệp về mặt chính trị nhân danh Việt Nam.

RFI: Tại sao Việt Nam lại tổ chức du lịch Trường Sa vào lúc này?

Thayer: Trung Quốc đang bị nêu bật vì các hành động nạo vét đáy biển và rạn san hô để tạo ra các hòn đảo nhân tạo. Trung Quốc đã phản công bằng cách biện minh rằng họ chỉ hành động trong vùng thuộc chủ quyền của mình.

Đây là cơ hội giúp Việt Nam trắc nghiệm phản ứng của Trung Quốc – Liệu Trung Quốc có muốn bị thêm quảng cáo bất lợi hay là họ kiềm chế các hành động khiêu khích để trấn an Việt Nam?

Các hoạt động du lịch không tác hại cho uy tín của chính quyền trung ương tại Hà Nội, vì về hình thức đó là sáng kiến ​​của chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

RFI: Du lịch Trường Sa là một sáng kiến khôn ngoan?

Thayer: Việt Nam luôn luôn phải sử dụng chiến thuật thông minh trong việc đấu tranh chống lại Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Sáng kiến này là một "thách thức phi đối xứng", nhắm vào tuyên bố của Trung Quốc về "chủ quyền không thể tranh cãi" của họ trên Biển Đông.

Sáng kiến ​​du lịch này không phô trương, và uy tín của chính phủ Việt Nam sẽ chỉ được nâng cao dưới mắt người dân trong nước. Tuy nhiên cũng có rủi ro. Nếu Trung Quốc sử dụng các chiến thuật thô bạo, và buộc Việt Nam lùi bước, điều đó có thể gây phản ứng ngược trong dư luận trong nước.

Đưa lên bàn cân thì đây có vẻ là một sáng kiến thận trọng và không mang tính khiêu khích. - RFI


No comments:

Post a Comment