Thursday, June 25, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 25/6

Tin Thế Giới

1.
Giấc mơ tổng thống của bà Aung San Suu Kyi tan vỡ

Quốc hội Myanmar hôm nay đã bác bỏ một dự luật nhằm chấm dứt quyền phủ quyết trên thực tế của quân đội đối với việc sửa đổi hiến pháp, giáng một đòn nặng nề vào cơ hội trở thành tổng thống của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Lãnh đạo dân chủ kỳ cựu và đồng thời cũng là người từng đoạt giải Nobel Hòa bình cho biết bà “không ngạc nhiên” về kết quả của cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm nay, sau ba ngày tranh luận đầy cảm xúc của các nhà lập pháp thuộc đảng của bà.

Quân đội hiện chiếm thế đa số trong quốc hội Myanmar, nhờ hiến pháp năm 2008, theo đó quân đội được dành riêng 25% ghế. Dự luật bị bác bỏ, nếu được thông qua, có lẽ đã giảm ngưỡng tiêu chuẩn từ 75% xuống 70% và về cơ bản, tước đoạt quyền phủ quyết của quân đội trong quốc hội.

Hiến pháp hiện thời cũng cấm những người có con với người ngoại quốc không được ra tranh cử tổng thống. Điều đó có nghĩa là bà Suu Kyi không hội đủ điều kiện vì con bà có quốc tịch Anh, dù bà được nhiều người yêu mến ở Myanmar.

Đảng đối lập Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi dự kiến sẽ giành số ghế đáng kể trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào cuối năm nay.

Bất chấp quyết định trên, bà cho biết đảng của bà sẽ không ngừng thúc đẩy cải cách dân chủ. - VOA
|
|

2.
Obama kêu gọi Trung Quốc làm giảm căng thẳng Biển Đông --- TQ gia tăng việc dùng tàu dân sự cho mục đích quân sự

Tiếp phái đoàn Trung Quốc dự "đối thoại chiến lược và kinh tế" Mỹ-Trung lần thứ 7 tại Washington, Tổng thống Mỹ kêu gọi Bắc Kinh có những "hành động cụ thể" để giảm bớt căng thẳng trên hai hồ sơ: Tranh chấp chủ quyền trên biển và tin tặc.
 
Kết thúc ba ngày làm việc tại Washington, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Uông Dương và Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì dẫn đầu đã được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng vào hôm qua 24/06/2015.

Thông cáo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã trực tiếp đề cập đến "mối quan ngại của Hoa Kỳ trước thái độ của Trung Quốc trên hồ sơ biển đảo và tin học".

Tham vọng của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông và tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với nhiều nước Đông Nam Á được Mỹ ủng hộ là nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ song phương.

Hãng thông tấn Reuters nhận định trên cả hai hồ sơ vừa nêu, Mỹ-Trung đã không thu hẹp các bất đồng. Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhắc lại "vì những lợi ích quốc gia" Hoa Kỳ muốn duy trì quyền tự do giao thông trên biển và trên không ở vùng Biển Đông. Ông Kerry hàm ý Bắc Kinh có kế hoạch thành lập một vùng cấm chung quanh các đảo nhân tạo đang được Trung Quốc xây dựng ở trong vùng biển này.

Lập tức Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, người điều hành chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, ông Dương Khiết Trì, đáp lại là Trung Quốc "cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia". Đồng thời ông này kêu gọi Hoa Kỳ nên có thái độ "công bằng và khách quan" về hồ sơ này.

Vấn đề tin tặc là cái gai thứ nhì trong quan hệ Mỹ-Trung. Báo chí Hoa Kỳ đích danh lên án Trung Quốc giật dây các vụ tấn công trên mạng nhắm vào hàng triệu công nhân viên chức và các doanh nghiệp Mỹ.

Không trực tiếp lên án Bắc Kinh, nhưng Ngoại trưởng Kerry nói tới những "thiệt hại nghiêm trọng" đối với kinh tế Mỹ do các vụ xâm nhập bất hợp pháp vào máy tính cá nhân hay đánh cắp thông tin gây nên.

Về phần mình Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew hôm 23/06/2015 không vòng vo khi cho rằng Bắc Kinh đã đứng đằng sau các vụ "đánh cắp thông tin từ lĩnh vực kinh tế đến tin học và cả các dữ liệu mật" của các tập đoàn Hoa Kỳ. Cũng ông Dương Khiết Trì nhắc nhở phía đối tác Hoa Kỳ nên "căn cứ vào những sự việc cụ thể".

Vào tháng 9/2015 Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức công du Hoa Kỳ. Tại đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 ở Washington, phái đoàn hai nước nhấn mạnh đến những hồ sơ lớn mà đôi bên cùng quan tâm. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu, hạt nhân Iran, hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên hay tình hình Trung Đông. - RFI

***
Trung Quốc mới đây đã ra lệnh để bắt buộc những chiếc tàu dân sự mới phải được đóng dựa theo các chi tiết kỹ thuật của tàu quân sự. Các nhà phân tích cho rằng hành động này có thể giúp tăng cường những nỗ lực của Bắc Kinh để khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và bổ sung cho những nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm nới rộng tầm hoạt động của hải quân.

Một bản phúc trình về tình báo hải quân của Mỹ công bố hồi đầu năm nay cho biết Bắc Kinh đã nới rộng đội tàu tuần duyên dân sự của họ thành đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, và dùng những chiếc tàu dân sự đó để củng cố cho những yêu sách chủ quyền tại những vùng biển có tranh chấp. Điều này khiến cho các nhà phân tích gọi đội tàu đó là “lực lượng hải quân thứ nhì của Trung Quốc.”

Tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết chính phủ đã chấp thuận những qui định hướng dẫn mới để đòi hỏi các hãng đóng tàu tư nhân phải dành thêm chỗ trên những chiếc tàu mới để phục vụ cho hải quân trong thời chiến.

Quốc hội Trung Quốc cũng đang soạn thảo một dự luật Giao thông Quốc phòng nhằm giúp cho các công ty đóng tàu đài thọ những phí tổn để làm cho tàu bè có thể dùng vào mục đích quân sự và thực hiện những chương trình bảo hiểm để bồi thường cho tàu dân sự bị thiệt hại trong những chiến dịch quân sự.

Tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc trích lời các chuyên gia nói rằng những đòi hỏi này “làm cho Trung Quốc có thể chuyển đổi đoàn tàu dân dụng khá lớn của mình thành sức mạnh quân sự.” Bài báo cũng cho biết tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 172.000 tàu dân dụng.

Tăng cường sức mạnh

Ông James Nolt, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Thế giới ở Washington, nói rằng kế hoạch mới về tàu dân dụng có thể là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm mỗi ngày một lớn của Trung Quốc ở Á Châu.

"Nó có thể nhắm tới việc cảnh báo các nước khác trong khu vực là Trung Quốc có thái độ rất nghiêm túc đối với những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và sẵn sàng hậu thuẫn cho những yêu sách đó bằng sức mạnh quân sự trong tương lai. Nó có thể được xem là một lời cảnh báo."

Ông Nolt cho biết việc xây dựng những chiếc tàu dân sự để bổ túc cho hải quân là một việc mà nhiều nước trên thế giới đã làm và đang làm vì đó là một việc có ích về phương diện kinh tế.

Hoa Kỳ đã làm như vậy sau Thế chiến Thứ nhất. Nước Anh cũng làm như vậy trong cuộc chiến đảo Falklands năm 1982. Và giờ đây Trung Quốc đang nối gót.

Các nhà phân tích cho biết dựa trên những bài tường thuật của Trung Quốc về kế hoạch này thì rõ ràng là Trung Quốc đang lấy cảm hứng từ các luật lệ của Mỹ để trợ cấp và bảo hiểm cho các chiếc tàu dân dụng có thể được dùng vào mục đích quân sự.

Ông Nolt của Viện Chính sách Thế giới cho rằng điều quan trọng hơn nữa là kế hoạch này có thể hỗ trợ cho tham vọng của Trung Quốc để xây dựng một đội tàu viễn dương và nới rộng hoạt động tới những nơi cách xa vùng duyên hải của họ.

"Kế hoạch này có thể nói là một sự tiến hoá của Trung Quốc, bởi vì từ trước tới nay, Trung Quốc chưa tìm cách thực hiện nhiều hoạt động xa bờ như họ đang tìm cách thực hiện vào lúc này. Và họ hoạt động xa bờ nhiều chừng nào thì họ càng cần tới những sự phụ trợ của các tàu dân sự nhiều chừng đó."

Mục tiêu 'kép'

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, có 5 loại tàu dân sự sẽ phải tuân theo những qui định mới. Đó là tàu container, tàu há mồm, tàu đa dụng, tàu chở nông khoáng sản và tàu chở hàng rời. Ông Nolt cho biết trong các loại tàu đó, tàu há mồm rất có ích cho việc chở quân xa và khí tài quân sự từ các cảng địa phương tới những hòn đảo giữa đường.

Ông Lâm Trung Bân, một nhà phân tích chiến lược từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng Đài Loan, nói rằng hãy còn quá sớm để biết được kế hoạch này sẽ tăng cường khả năng hải quân của Trung Quốc tới mức nào. Nhưng ông nói rằng qua kế hoạch này Bắc Kinh muốn bày tỏ một lập trường cứng rắn đối với các nước láng giềng ở Á Châu và điều đó làm tăng uy tín của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với dân chúng của họ.

"Cả Trung Quốc lẫn các nước láng giềng của họ đang tỏ vẻ cứng rắn. Tuy nhiên, họ biết rằng họ không thể để cho tình hình căng thẳng hiện nay leo thang thành những vụ xung đột quân sự. Điều đó sẽ gây thương tổn cho kinh tế của họ. Do đó, tôi xem việc này là một việc mà tôi gọi là 'làm hung ở nước ngoài để tăng uy tín trong nước'".

Ông Lâm Trung Bân cho rằng “sự làm hung” này đặc biệt quan trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì ông Tập đang thúc đẩy cho một kế hoạch cải cách qui mô lớn ở trong nước và không thể để cho dân chúng nghĩ rằng ông ấy có thái độ nhu nhược trên trường quốc tế. Ông Lâm Trung Bân cũng cho rằng “sự làm hung” của Trung Quốc cũng phục vụ cho một mục đích ngoại giao trong lúc ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị để hội đàm với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

Ông Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên tới Washington và sẽ hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 9 tới đây. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
8.7 triệu người Mỹ vẫn có bảo hiểm nhờ Toà Án Tối Cao

Tòa án Tối cao Mỹ hôm nay trao cho Tổng thống Barack Obama một thắng lợi lớn trước các đối thủ chính trị của ông liên quan tới chương trình chăm sóc y tế gây tranh cãi mà nhiều người cho rằng mang tính xã hội chủ nghĩa.

Với phán quyết có tỷ lệ 6-3, Tòa án Tối cao bác bỏ sự thách thức về pháp lý đối với chương trình chăm sóc y tế thường được gọi là ‘Obamacare’, và ủng hộ quyết định của chính phủ của Tổng thống Obama, theo đó chính quyền liên bang trợ cấp cho các tiểu bang nhằm giúp người dân mua bảo hiểm y tế.

Dự luật chăm sóc y tế với giá phải chăng được coi là một trọng tâm của mục tiêu chính trị ở trong nước của ông Obama.

Người dân đứng bên ngoài Tòa án Tối cao đã vui mừng hò hét khi nghe thấy quyết định của tòa.

Chánh án John Roberts đã tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ đạo luật cùng với các đồng nghiệp có tư tưởng tự do. Ông Robert cũng đưa ra lá phiếu ủng hộ quan trọng đối với luật này năm 2012. - VOA
|
|

4.
Tổng Thống Obama khiến người phá bĩnh phải câm lặng

Tổng thống Mỹ Barack Obama thường phớt lờ những người cố tình làm gián đoạn các cuộc xuất hiện trước công chúng của ông, nhưng trong buổi tiếp tân ở Nhà Trắng hôm qua, ông đã “bật lại”.

Tổng thống Obama đã mắng một người phụ nữ muốn cản trở bài phát biểu của ông là khiếm nhã “ngay trong nhà của tôi”, và sau đó yêu cầu lực lượng an ninh đưa bà này ra ngoài.

Trong khi ông Obama phát biểu về sự thay đổi trong thái độ của công chúng đối với quyền của người đồng tính luyến ái và người chuyển đổi giới tính, thường gọi chung là người LGBT, người phụ nữ đã phá bĩnh bằng cách hô vang: “Đừng trục xuất người nữa!”

Bà này nói rằng Hoa Kỳ thường bắt giữ và trục xuất những người LGTB sinh ra ở nước ngoài vì họ thiếu giấy tờ nhập cảnh.

Các nhóm hoạt động nói rằng người lên tiếng phản đối trên là một người chuyển đổi giới tính thành nữ giới gốc Mexico tên là Jennicet Gutierrez.

Người ta có thể nghe thấy bà này hét lên cả bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha trong buổi tiếp tân tại Nhà Trắng với sự tham gia của khoảng 200 người.

Thoạt đầu, Tổng thống Obama nói “bình tĩnh nào”, nhưng khi người phụ nữ cứ tiếp tục, Tổng thống chỉ tay nói: “Này, bà đang ở trong nhà của tôi đấy!”.

Khi tiếng cười từ đám đông bớt đi, Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng hành động của người phụ nữ là “khiếm nhã” rồi yêu cầu an ninh đưa bà ra khỏi phòng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Công an yêu cầu TS Phạm Chí Dũng chấm dứt hoạt động Hội Nhà báo Độc lập

Sáng nay, 25/06/2015 vào khoảng 8 giờ Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị khoảng 20 nhân viên công an cưỡng bức đưa lên xe đến cơ quan an ninh điều tra để "hỏi về các vấn đề liên quan đến vụ án ông Nguyễn Quang Lập". Nhưng công an cũng đã yêu cầu ông Phạm Chí Dũng chấm dứt hoạt động trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập. Sau khoảng 8 giờ bị câu lưu và thẩm vấn, nhà báo Phạm Chí Dũng đã được trả tự do vào cuối giờ chiều hôm nay.

Trả lời RFI Việt ngữ ngay sau khi được thả, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:

"Sáng nay tôi đưa bé đi học ở trường Tuổi Thơ 7, quận 3 Saigon. Khi vào trường tôi chợt thấy có mấy người vào theo, và sau khi gởi bé rồi, tôi quay ra thì có khoảng hai chục người và một chiếc xe hơi đậu ngay trước cổng trường. Họ đưa tôi giấy triệu tập, yêu cầu đi về cơ quan công an điều tra để làm việc. Tôi từ chối, nói rằng tôi không có lý do nào để làm việc với họ. Sau đó họ đã bẻ quặt hai tay tôi ra sau lưng, và đẩy tôi ra khỏi cổng trường. Lúc đó đông người lắm. 

Họ đưa tôi lên xe hơi, đến cơ quan an ninh điều tra. Tới đó họ nói lý do là vụ ông Nguyễn Quang Lập, vì cho tới nay vụ ông Lập vẫn chưa đình chỉ điều tra, và hoàn toàn còn nằm trong khuôn khổ của một vụ án. Họ hỏi tôi khá nhiều về những vấn đề liên quan tới ông Nguyễn Quang Lập. 

Thật ra thì tôi với ông Lập là bạn văn với nhau, cũng có quen biết ngoài đời một chút, nhưng không phải là quá thân thiết. Thành thử tôi cũng không biết nhiều để nói về ông Nguyễn Quang Lập. 

Nhưng tôi rất nghi ngờ đây là một động thái của một phe nhóm nào đó. Họ muốn gắn tôi với vụ ông Lập để ngăn chặn tôi một điều gì. Và điều đó lại diễn ra ngay trước chuyến đi Mỹ dự kiến từ ngày 7 đến ngày 9/7 của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tôi ngờ rằng những vấn đề vi phạm thô bạo về nhân quyền kéo dài suốt từ tháng Năm năm nay: đánh blogger Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, và gọi hỏi điều tra kể cả đối với những linh mục Công giáo, tu sĩ Cao Đài, áp giải thô bạo đối với tôi…là những động thái có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hiệu quả chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng. Và không có gì chắc chắn là ông Trọng đi Mỹ mà sẽ không bị cộng đồng quốc tế, Quốc hội Mỹ và kể cả Chính phủ Mỹ phản ứng, về chuyện Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những cam kết khi vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Một trong những câu hỏi mà điều tra viên xoáy vào tôi là: "Anh có quốc tịch Mỹ không?" Dường như họ muốn nói kháy người Mỹ. Và khi tôi cho rằng, tất nhiên chúng ta cần phải có một liên minh quân sự với Mỹ hiện nay để đối trọng với dã tâm xâm lăng của Trung Quốc, thì họ gần như tảng lờ không biết. 

Cuối cùng cũng xoay quanh việc Hội Nhà báo Độc lập. Họ yêu cầu thẳng là trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập cần phải chấm dứt. Tôi nói rằng tất cả những vấn đề này tôi phải trao đổi lại với trong Hội, vì tôi không có quyền quyết định. Đó là một.

Vấn đề thứ hai: Bất kỳ những hành động nào của họ muốn ngăn chận tiếng nói tự do, phản biện, chính luận, đều là can thiệp thô bạo vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân đã được Hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992. 

Đến cuối giờ chiều hôm nay, tôi mới được thả ra. Cơ quan an ninh nói rằng kể từ nay trở đi họ có thể áp giải tôi bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu!" - RFI
|
|

6.
Ứng dụng App mới “eyewitness to Atrocity” được tòa quốc tế công nhận

Một ứng dụng app trên điện thoại di động có tên “eyeWitness to Atrocity” (tạm dịch là “Nhân chứng Tội ác”) vừa đưa vào sử dụng thử nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có VN và dữ liệu thu thập được từ ứng dụng app này được toà án quốc tế công nhận.

Dữ kiện và bằng chứng pháp lý

Với tiêu chí kết hợp thông tin và kỹ thuật, tập đoàn LexisNixes chuyên về dữ kiện pháp lý vừa ra mắt “eyeWitness to Atrocity” app-1 ứng dụng app mới trên điện thoại di động dùng hệ điều hành Android, xuất hiện trên Google Play hôm mùng 9 tháng 6 vừa qua. App “eyeWitness to Atrocity” là công cụ phổ biến các bằng chứng hữu hiệu về tính xác thực những sự việc đang diễn ra khắp toàn cầu, đặc biệt xảy ra ở những nơi có tội ác nghiêm trọng như tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tra tấn. App này được đánh giá là một bước tiến về công nghệ kỹ thuật quan trọng giúp ích cho ngành tư pháp trên thế giới. Ông Francois Nguyễn, kỹ sư về IT, ở Texas, Hoa Kỳ, người quan tâm đến app “eyeWitness to Atrocity”, nói về mục đích của ứng dụng mới này:

“eyeWithness Application là một develop (ứng dụng) mới được chế tạo ra để nhằm mục đích phối hợp giữa hình ảnh, âm thanh và chuyển những hồ sơ đó về máy computer chính của công ty chủ. Cái app này được dùng thu lại hình ảnh, âm thanh các sự kiện xảy ra trước mắt và ngay cả dùng hệ thống navigation (định vị tọa độ) của điện thoại di động để xác định ngày giờ và nơi chốn xảy ra sự kiện đó”.

Sau 4 năm nghiên cứu và thành hình, app “eyeWitness to Atrocity” rất dễ dàng và tiện lợi cho người sử dụng. Điểm khác biệt khi sử dụng app này là các dữ liệu thu được gồm hình ảnh, video hoặc âm thanh sẽ không lưu trên thẻ nhớ của điện thoại di động hay của thiết bị điện tử mà được chuyển về và lưu trữ trong các máy chủ của LexisNexis.

Hiệp hội Quốc tế các Chuyên gia Luật-International Bar Association, gọi tắt là IBM, cho biết ‘eyeWitness to Atrocity” app được thiết kế dựa trên các nghiên cứu về quy định chứng cứ bằng chứng trong các tòa án các cấp từ khu vực, quốc gia, quốc tế, cũng như các tòa hòa giải. IBM cho rằng các bằng chứng thu thập được qua “eyeWitness to Atrocity” app cung cấp chứng thực quan trọng đối với các chứng cứ của các nạn nhân và nhân chứng trước tòa có sức thuyết phục và rất hữu hiệu. Với sự hỗ trợ về dữ liệu của LexisNexis, IBM giao nhiệm vụ cụ thể cho một số chuyên gia pháp lý có thẩm quyền để theo đuổi từng vụ có khả năng đem ra tòa. Các chuyên gia pháp lý sau khi phân tích dữ liệu có quyền quyết định gửi đến cho cơ quan tuyền thông cũng như các công tố viên. Nhiều luật gia và các công tố viên của các tòa án trên thế giới, bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế của LHQ-The Hague, khẳng định “eyeWitness to Atrocity” app là một công cụ để ghi lại bằng chứng tội ác đồng thời chuyển giao và lưu giữ các bằng chứng tội ác này một cách an toàn. Các bằng chứng này không chỉ giúp ích cho quá trình tố tụng về sau mà còn đề cao nỗ lực mang ra ánh sáng những tội ác xảy ra khắp nơi nhưng không được nhiều người biết đến.

Câu hỏi đặt ra là đối tượng nào sẽ sử dụng “eyeWitness to Atrocity” app thường xuyên? Giám đốc đề án “eyeWitness to Atrocity” app-Wendy Betts cho biết các nhà báo công dân sẽ là đối tượng chính và LexisNexis có trách nhiệm phải bảo vệ những người sử dụng app này cũng như tôn trọng sự tư ẩn của các nạn nhân và nhân chứng trong các dữ liệu hình ảnh, âm thanh, video thu thập được.

Bà Tuyết Đinh, kỹ sư IT chuyên về phần mềm, ở Kentucky, Hoa Kỳ trình bày về cách sử dụng “eyeWitness to Atrocity” app khi gặp nguy hiểm cho bản thân.

“Cái app này rất đặc biệt khi đưa app về trên điện thoại của mình thì người ta sẽ không thấy app đó hiện ra. Khi muốn sử dụng, mình có thể nhấn vào cái nút chụp hình bình thường của camera thì sẽ có 1,2 bước nhỏ để mình sử dụng. Khi đang gửi hình ảnh đi mà mình cảm thấy sự an toàn toàn của mình đang bị đe dọa hoặc mình đang bị theo dõi thì chỉ cần nhấn cái nút ‘Home’ trên điện thoại và ngay lập tức chương trình đó tạm thời không hoạt động nữa, đồng thời cái camera trên điện thoại trở lại chức năng chính của nó là chức năng chụp hình và những hình ảnh đã chụp được sẽ trở lại về trong máy và hoạt động của app đó hoàn toàn dừng lại. Nếu cảm thấy có đủ thời gian để xóa sạch hết cái app đó kể cả không trong dạng ẩn trên máy (điện thoại) thì việc đầu tiên cần bấm nút ‘Home’ để access vào cái menu. Khi vào menu thì có 1 chức năng là ‘dispose’, có nghĩa là delete, thì nhấn vào chức năng delete đó, bấm ok. Tại vì khi bấm chức năng đó, 1 câu hỏi sẽ hiện lên, có nghĩa đồng ý thì cái app đó sẽ biến mất ra khõi cái máy của mình”. 

Tuy nhiên, kỹ sư IT Francois Nguyễn cho biết thêm dù “eyeWitness to Atrocity” app được chế tạo có công dụng bảo vệ người sử dụng trong những tình huống nguy cấp nhưng không đồng nghĩa sự bảo vệ này mang tính tuyệt đối. Ông Francois Nguyễn chia sẻ:

“Nói như vậy nhưng điều kiện an toàn cũng có sự giới hạn của nó vì bất cứ computer hay điện thoại di động nào khi lọt vào tay 1 người có trình độ kỷ thuật cao về tin học, về software mà VN gọi là phần mềm thì người ta có thể tìm ra được mình đã làm gì trong điện thoại đó, đã thu cái gì hoặc là mình đã mở app nào…chẳn hạn như những cái cookies, những cái link thì người ta có thể đọc được”.

“eyeWitness to Atrocity” app được thiết kế như là 1 công cụ phơi bày những tội ác bị bưng bít. Mặc dù nhiều tội ác diễn ra hằng ngày, hàng giờ trên thế giới không giảm sút kể từ khi ứng dụng app này được đưa vào sử dụng một cách phổ biến nhưng hình ảnh những vi phạm ở các quốc gia như trường hợp cảnh sát đàn áp, đánh đập, bắt bớ dân chúng hay như an ninh giả dạng côn đồ hành hung các nhà hoạt động dân chủ ở VN sẽ trở thành bằng chứng ở tòa án hình sự quốc tế bởi vì một số tổ chức phi chính phủ cam kết hỗ trợ để chứng minh đó là bằng chứng của vi phạm nhân quyền. - RFA

No comments:

Post a Comment