Tin Thế Giới
1.
TT Obama: Khối G7 đối mặt với các thách thức khó khăn --- Chưa có chiến lược toàn diện chống IS ở Iraq
Tổng thống Barack Obama nói các nhà lãnh đạo khối G7 hiện đối mặt với nhiều thách thức khó khăn về các vấn đề như Nga xâm chiếm Ukraine, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tình trạng biến đổi khí hậu. Thông tín viên đưa tin về Tòa Bạch Ốc của VOA Luis Ramirez, hiện tháp tùng đưa tin về chuyến đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 của Tổng thống Obama, gửi về bài tường thuật từ địa điểm diễn ra hội nghị nằm ở vùng Bavaria của Đức.
Tổng thống Obama đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel nồng nhiệt chào đón. Hai nhà lãnh đạo sau đó đi thăm Krun, một ngôi làng nằm dưới rặng núi Alps, gần khu nghỉ dưỡng sang trọng Schloss Elmaum, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, trước khi tiến hành hội đàm.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về tương lai chung, về một nền kinh tế toàn cầu tạo ra công ăn việc làm và cơ hội, cũng như việc duy trì một Liên hiệp châu Âu vững mạnh, thịnh vượng, việc củng cố hiệp định đối tác thương mại mới xuyên Đại Tây Dương, việc chống lại sự xâm lăng của Nga ở Ukraine, và việc ngăn chặn các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực và của nạn biến đổi khí hậu”.
Năm nay đánh dấu 25 năm ngày nước Đức thống nhất sau nhiều thập kỷ bị chia rẽ sau Thế Chiến II. Trong bối cảnh xảy ra các cuộc xung đột liên quan tới Nga ở Ukraine cũng như các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, Tổng thống Obama cho rằng nước Đức là một ví dụ về một tương lai hòa bình và thịnh vượng.
“Đó là những thách thức đầy khó khăn. Nhưng trong tình thế đó, điều mang lại cho tôi hy vọng chính là ví dụ về nước Đức. Năm nay đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến II cũng như đánh đấu nhiều thập kỷ thiết lập một liên minh vững mạnh là NATO. Năm nay cũng đánh đấu 25 năm ngày thống nhất nước Đức, một sự kiện đã tạo cảm hứng cho toàn thế giới. Việc chúng ta ngồi lại đây hôm nay là bằng chứng cho thấy các cuộc xung đột có thể chấm dứt và có thể đạt được tiến bộ lớn.”
Trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo, các cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào giải pháp trong tương lai, một năm sau khi các biện pháp trừng phạt không thể ngăn chặn việc Nga tiếp tục đưa vũ khí và lực lượng tới hỗ trợ các phiến quân đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Trong khi các biện pháp trừng phạt sẽ hết hiệu lực trong vòng hai tháng tới, và trong khi bạo lực lại tiếp tục bùng lên ở Ukraine, Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu gia hạn các biện pháp trừng phạt này.
Các quan chức Mỹ nói rằng ông Obama và bà Merkel đồng ý với nhau là việc gia hạn các biện pháp trừng phạt sẽ gắn với chuyện Nga tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận rút quân khỏi Ukraine và tôn trọng chủ quyền của nước này.
Đối với Tổng thống Obama, một trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh lần này là thúc đẩy các nỗ lực thương thảo thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, viết tắt là TPP, bao gồm sự tham gia của hơn một chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, một nước thuộc G7. Ngoài ra, còn có thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương, viết tắt là TTIP.
Ông Claude Barfield, một nhà phân tích vấn đề thương mại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói rằng các nước châu Âu đang chú tâm theo dõi các thỏa thuận thương mại này.
“Tổng thống Obama sẽ cập nhật thông tin cho các nhà lãnh đạo châu Âu về TPP. Ông sẽ dành thêm thời gian về vấn đề đó cũng như bảo đảm với họ rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết thúc đẩy TTIP, hiệp định thương mại giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu.
Nằm trong chương trình nghị sự hôm nay là vấn đề khủng bố cũng như cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. - VOA
***
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay tuyên bố cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo chưa có chiến lược toàn diện, chỉ ra điều mà ông gọi là thiếu lực lượng an ninh được tuyển mộ ở Iraq là trở ngại chính.
Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Đức, nhà lãnh đạo Mỹ nói ‘Chúng ta chưa có một chiến lược đầy đủ vì điều đó còn đòi hỏi cam kết từ phía những người Iraq nữa.’
Tại thượng đỉnh này, Tổng thống Obama cũng đã có các cuộc thảo luận với Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi.
Ông Obama nhấn mạnh ‘Tất cả các nước trong liên minh quốc tế sẵn sàng nỗ lực thêm để huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq nếu họ cảm thấy công tác phụ trội này được tận dụng. Những gì đang thấy diễn ra là có những nơi có khả năng huấn luyện đang tuyển mộ.’
Các cuộc họp bên lề thượng đỉnh G7 ở Đức diễn ra chưa tới 1 tuần sau khi ông Abadi kêu gọi hỗ trợ thêm nữa từ các nước thành viên trong liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu hiện đã tiến hành gần 1 năm không kích hậu thuẫn quân đội Iraq.
Các giới chức Mỹ và Pháp đã bỏ phiếu tín nhiệm Iraq sau cuộc họp G7, nói rằng đã đạt được một số thành tựu thật sự nhưng nhấn mạnh rằng cần có thêm trang thiết bị và huấn luyện để tăng cường cho một cuộc hành quân của Iraq nhằm tái chiếm lại các phần đất đã rơi vào tay phe chủ chiến.
Hôm qua, các lực lượng Iraq tiến quân vào Baiji. Đây là lần thứ nhì trong vòng 1 năm lực lượng Iraq tìm cách lấy lại thị trấn lọc dầu từ tay Nhà nước Hồi giáo.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhắm mục tiêu vào các địa điểm sản xuất dầu ở Iraq và Syria, dùng lợi tức thu được từ dầu tài trợ cho các hoạt động của nhóm ở cả Iraq và Syria trong lúc các phần tử chủ chiến đang đối mặt trước sự kháng cự từ lực lượng chính phủ, phe dân quân người Kurd, phe nổi dậy Syria, và các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu.
Trong ngày đầu của thượng đỉnh G7 hôm qua, Thủ tướng Anh, David Cameron, loan báo Anh sẽ gửi thêm 125 binh sĩ sang Iraq để huấn luyện lực lượng địa phương chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, nâng tổng số quân nhân Anh tại Iraq lên thành 275. Các máy bay chiến đấu của Anh nằm trong số các đối tác liên minh tham gia chiến dịch không kích đang diễn ra chống lại các phần tử chủ chiến. - VOA
|
|
2.
Đảng đương quyền Thổ Nhĩ Kỳ mất thế đa số tuyệt đối ở quốc hội
Đảng AK đương quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã mất thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội hôm chủ nhật. Theo tường thuật của thông tín viên Dorian Jones của đài VOA ở Istanbul, đây là một thất bại lớn cho kế hoạch của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhằm sửa đổi hiến pháp và thành lập một nền dân chủ theo tổng thống chế.
Thế đa số tuyệt đối mà đảng AK nắm giữ trong 13 năm qua đã kết thúc. Tuy vẫn tiếp tục là đảng lớn nhất tại quốc hội, đảng AK đã bị đại bại trong cuộc bầu cử hôm qua.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, được cho là yếu tố chính của sự thất bại đó sau một thập niên tăng trưởng vượt bực. Nhưng sự thành công của đảng HDP thân người Kurd, với số phiếu chiếm được vượt ngưỡng 10%, là điều gây ra nhiều thiệt hại nhất cho đảng AK. Khoảng 70 ghế đại biểu mà HDP giành được hầu hết là những ghế từng nằm trong tay đảng AK, đối thủ chính của họ tại những khu vực của người Kurd.
Đảng HDP được nhiều người cho là đã tiến hành một cuộc vận động rất khéo léo, với việc vượt khỏi cơ sở người Kurd của họ để vươn tới các cử tri người Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên một cương lĩnh dân chủ, đa nguyên, bao gồm nhiều thành phần và chú trọng tới việc tranh đấu cho quyền lợi của công nhân, phụ nữ và người đồng tính.
Đồng Chủ tịch đảng HDP, ông Selahattin Demitras, phát biểu sau khi kết quả bầu cử được loan báo.
"Tôi biết nhiều người đã dành lá phiếu của họ cho chúng tôi. Những gì mà tôi hứa, thông qua những hành động của chúng tôi, là chúng tôi sẽ làm cho những lá phiếu đó là những lá phiếu của chúng tôi."
Sự ủng hộ rộng rãi dành cho đảng HDP trên cả nước được xem là một diễn tiến quan trọng sau nhiều thập niên có căng thẳng sắc tộc.
Thủ tướng Ahmed Davutoglu, lãnh tụ đảng AK, bị chỉ trích về việc tiến hành một cuộc vận động bầu cử thiếu hiệu quả. Mặc dầu vậy, ông vẫn có thái độ rất cứng rắn khi phát biểu trước những người ủng hộ.
"Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường. Không có gì thay đổi cả.
Tuy nhiên, kết quả này là một đòn nặng giáng vào kế hoạch của đảng AK nhằm chuyển đổi nội các chế hiện thời thành tổng thống chế. Họ đã mong đạt được thế đa số 3 phần 5 để xúc tiến kế hoạch cải cách. Tất cả các đảng đối lập đều chống đối kế hoạch đó."
Lãnh tụ đảng HDP, ông Demitras, đã tái khẳng định sự chống đối và loại bỏ khả năng liên minh với đảng AK để lập chính phủ liên hiệp. Các đảng đối lập cũng chống đối chính sách đối ngoại hiện nay là mạnh mẽ ủng hộ các phiến quân Syria chống lại chính phủ Assad.
Theo dự liệu, vì có những sự chống đối như vậy nên việc thành lập một chính phủ liên hiệp dài hạn là một việc khó khăn.
Các nhà phân tích cho rằng liên minh chính trị sắp được thành lập chỉ có tính chất tạm thời, và trong nội bộ đảng AK đã có người đề nghị tiến hành bầu cử trước hạn kỳ trong vài tháng tới với một nhân vật lãnh đạo mới để khôi phục thế đa số của đảng tại quốc hội. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Dân biểu Mỹ: Trung Quốc là thủ phạm vụ tin tặc nhắm vào OPM
Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, Dân biểu Michael McCaul, cho biết những chỉ dấu đe dọa cho thấy Trung Quốc là thủ phạm của vụ tin tặc nhắm vào các máy vi tính của chính phủ Mỹ được tiết lộ hồi tuần trước. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc nói rằng lai lịch và động cơ của thủ phạm vẫn còn đang trong vòng điều tra.
Phát biểu trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS hôm chủ nhật, Dân biểu McCaul nói vụ tin tặc nhắm vào hệ thống máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân viên (OPM) là vụ xâm nhập trái phép các mạng lưới của chính phủ liên bang nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Chúng tôi nhìn vào những chỉ dấu đe dọa. Ai có động cơ và ý đồ để đánh cắp những dữ liệu này? Đây là một dự án khai thác dữ liệu và nó nhắm vào những người được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính phủ liên bang vì lý do chính trị và nhân viên chính phủ liên bang, tổng cộng 4 triệu người. Theo phán đoán của tôi, đây là một vụ tấn công của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ. Đây là một vụ gián điệp".
Dân biểu McCaul nói rằng nguồn của vụ tấn công, được phát giác hồi tháng tư và được tiết lộ hôm thứ 5 tuần trước, chưa được xác nhận, nhưng cách thức vụ này được tiến hành cho ông thấy có sự dính líu của chính phủ Trung Quốc.
"Nó không được thực hiện để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng và những loại trộm cắp như thế. Nó được thực hiện để lấy thông tin về những người được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính phủ liên bang vì lý do chính trị và nhân viên chính phủ liên bang để khai thác, để sau này họ có thể dùng những thông tin đó cho hoạt động gián điệp nhằm tuyển mộ gián điệp hoặc bắt chẹt những cá nhân trong chính phủ liên bang".
Đề cập tới vụ xâm nhập hồi đầu năm nay vào các hồ sơ cá nhân của hàng chục triệu người tại công ty bảo hiểm sức khoẻ Anthem, ông McCaul nói rằng vụ tấn công vào OPM phát xuất từ cùng một nguồn ở Trung Quốc.
Trung Quốc gọi tố cáo đó là vô trách nhiệm và thiếu khoa học. Một bài bình luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, số ra ngày hôm nay, nói rằng vấn đề tin tặc là “một cây gậy chờ sẵn mà Mỹ dùng để đánh Trung Quốc”, nhưng Mỹ “chưa bao giờ có thể cung cấp những bằng chứng cụ thể.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng những vụ tấn công như vậy thường là nặc danh và khó truy nguyên.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm chủ nhật cho biết Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) tiếp tục điều tra vụ này.
"Lai lịch của các cá nhân và động cơ của những người thực hiện vụ xâm nhập này vẫn còn đang trong vòng điều tra. Vì vậy tôi không muốn nói điều gì đi trước cuộc điều tra đó".
Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết ông nghi có sự dính líu của Trung Quốc vì những phát biểu của họ hồi gần đây không bao gồm một sự phủ nhận rõ ràng. Ông mô tả quan hệ Mỹ-Trung là phức tạp và cảnh báo rằng sự nghi kỵ đang trên đà gia tăng.
"Chúng ta có thể tìm cách giải quyết các vấn đề thường nhật -- như mậu dịch, thương mại, một vài loại vấn đề an ninh, thậm chí vấn đề Iran, nhưng đối với các vấn đề nhạy cảm, đôi bên dường như vẫn tiếp tục giữ thế thủ và tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ở Trung Quốc đang trắc nghiệm chính phủ Obama vì trong một năm rưỡi nay họ đã không ngừng tìm cách xông tới để xem họ có thể lấy được những gì mà không gặp phải sự chống cự đáng kể từ phía Hoa Kỳ".
Ông Kennedy cho biết, nếu quả thật vụ tấn công này phát xuất từ Trung Quốc thì tầm mức và sự tinh vi của nó cho thấy đó không phải là hoạt động đơn độc của những tay tin tặc thông thường.
Theo lịch trình đã định, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đối thoại mới nhất về chiến lược và kinh tế từ ngày 22 đến ngày 24 tháng này tại Washington. - VOA
|
|
4.
Ace chủ bài của hải quân Mỹ ở Biển Đông --- Đến lượt Malaysia phản đối TQ xâm phạm lãnh hải --- Manila nộp cho Tòa án LHQ bản đồ Biển Đông cách nay ba thế kỷ
Tính cho đến hôm nay thì Hải quân Hoa Kỳ đã chính thức tung át chủ bài vào khu vực Biển Đông, đó là chiếc tuần duyên hạm USS Fort Worth mà nếu không có gì thay đổi sẽ là chiến hạm hoạt động lâu nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, với hai năm liên tiếp trên biển, cứ bốn tháng lại thay toàn bộ thủy thủ đoàn một lần, gối đầu nhau. Lê Hải đã theo sát lịch trình của con tàu này từ đầu năm đến nay và cung cấp thêm chi tiết tổng hợp từ các tài liệu của quốc hội và giới chuyên gia quân sự Hoa Kỳ.
Lê Hải: Tháng 11 năm ngoái tuần duyên hạm USS Fort Worth chính thức được đưa sang căn cứ quân sự của hải quân Mỹ ở Singapore với 54 thuyền viên và 24 binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến trên không để triển khai trực thăng MH 60R Seahawk và trực thăng không người lái MQ-8B. Đúng như tên gọi, chiến hạm này được thiết kế để hoạt động ở khu vực thềm lục địa, thân nhỏ hẹp dễ dàng chui lọt giữa các luồng lạch nhỏ, tốc độ nhanh, và được thiết kế để nằm ngoài tầm theo dõi của rada.
Đây là một bước tiến rất xa về kỹ thuật hàng hải và quốc phòng, vì với loại tàu có lượng giãn nước cỡ 3000 tấn thì hiện nay Việt Nam chỉ có chủ yếu là tàu vận tải như chiếc HQ 571 của hải quân, và ngay cả tàu CSB 8001 hiện đại nhất của cảnh sát biển thì cũng chỉ có thể làm nhiệm vụ tuần tra là chủ yếu, hơn là khả năng tác chiến với hỏa lực mạnh.
Vài tuần trước USS Fort Worth đã thử chạm mặt với tàu chiến Trung Quốc và kết quả theo như phóng sự của CNN thì chiến hạm Yancheng bị tụt lại đằng sau rất xa. Theo kế hoạch thì bốn chiếc tuần duyên hạm của Mỹ sẽ làm chủ mọi hoạt động trên các tuyến đường biển ở biển đông, thay thế tư duy trước đây thường sử dụng tàu to để án ngữ địa hình nhưng lại xoay chuyển chậm chạp và ca nô nhỏ kèm theo thì không đủ hỏa lực và vũ khí để khống chế đối phương trong trường hợp cần ngăn chặn hay kiểm soát tàu bè.
Đây không chỉ là chuyện thay đổi trang bị hay cách sử dụng một chiếc tàu chiến, mà đây là kết quả của một chương trình đầu tư chiến lược mà hải quân Mỹ đã liên tục đấu tranh với quốc hội để đòi duyệt chi khoản ngân sách không lồ trong suốt nhiều năm qua. Ban đầu chương trình yêu cầu Hoa Kỳ phải có 52 chiếc tuần duyên hạm để hiện đại hóa hải quân cho phù hợp với tình hình như dự án đã trình từ cách đây 15 năm, nhưng nay quốc hội rút xuống chỉ còn đươc 20 chiếc mà thôi, theo như báo cáo mới nhất của Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba vừa qua.
Mỗi chiếc tuần duyên hạm mang số hiệu LCS, tức là viết tắt của chữ tàu chiến gần bờ Littoral Combat Ship, tốn khoảng 479 triệu USD để chế tạo. Con tàu LCS-3, tức là USS Fort Worth sau một năm rưỡi hoạt động trên biển sẽ trở về Mỹ để bảo trì cũng phải tốn đến 10 triệu USD từ ngân sách.
RFI: Dư luận Việt Nam hay bàn đến chuyện mời Hoa Kỳ sử dụng quân cảng Cam Ranh, nếu điều đó xảy ra thì chiếc tàu đặc biệt này của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc sẽ ngại chuyện đưa dàn khoan 571 vào sát khu vực chỉ còn cách bờ biển Việt Nam 40 hải lý như mấy ngày qua, chưa kể đến nguồn thu nhập cho việc sửa chữa hay hậu cần và dịch vụ kèm theo?
Lê Hải: Có lẽ điều đó sẽ khó xảy ra vì ngay cả như căn cứ hải quân ở Phillipines cũng chỉ là điểm dừng chân cho USS Fort Worth mà thôi. Hai cảng chính cho loại tàu này nằm ở Singapore và Nhật Bản, vốn không chỉ là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ mà còn có điều kiện kỹ thuật cao để tiếp nhận.
Cách sắp xếp như vậy cũng thể hiện rõ cách nhìn của Hoa Kỳ về Biển Đông, không phải là họ thực sự muốn bênh vực các nước nhỏ như Việt Nam hay Philiipines, hay muốn có hành động chọc tức Trung Quốc, mà muốn thể hiện khả năng làm chủ tuyến đường hàng hải trong khu vực có tranh chấp, trải dài từ Singapore sang tới Nhật Bản.
Tuần duyên hạm vốn được thiết kế để hoạt động ven bờ, tức là chủ yếu là bảo vệ bờ biển nước Mỹ, nhưng được điều sang nằm ở Singapore, và với tốc độ cao thỉnh thoảng lại chạy qua chạy lại trong khu vực, chỉ mất vài ngày so với trình độ hải quân của tất cả các nước ở Biển Đông phải mất vài tuần cho đến cả tháng mới thực hiện nổi. Khi gặp tàu Trung Quốc, hải quân Mỹ không ngại tiếp cận nhưng không giao chiến mà đưa ra bộ qui tắc về luật lệ quốc tế trên biển để buộc Trung Quốc phải tuân thủ. Và thực sự thì Trung Quốc cũng không có cách nào dùng vũ lực để thực hiện các luật lệ mà tự họ đặt ra.
Một cách dễ hiểu, tuần duyên hạm của Mỹ ở Biển Đông giống như là một đơn vị cảnh sát quốc tế vừa đi lại để nhận diện những ai vi phạm luật lệ do Mỹ và thế giới định ra, nhưng chưa có hành động bắt giữ hay là trấn áp bằng vũ lực, chỉ là nhắc nhở và ghi nhận. Và ngược lại, khả năng quân sự và kỹ thuật của đơn vị này quá mạnh và quá cao đến nỗi kể cả ai đó muốn thử sức cũng không kịp có cơ hội.
Nói một cách ví von, nếu Trung Quốc muốn làm trùm xã hội đen trong xóm thì cũng phải kiêng dè đơn vị cảnh sát này và chỉ dám xuất hiện khi tàu chiến của Hoa Kỳ vắng mặt. Theo cách nhìn đó chuyên gia quốc phòng Mark Thompson trên tờ Time cho rằng sẽ khó xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà Việt Nam và Phillipines mới là các nước dễ thiếu kiềm chế.
RFI: Tuần duyên hạm dù được trang bị hỏa lực nhưng không phải là loại tàu chiến để tấn công và cũng khó tự vệ một mình, như vậy thực sự là Hoa Kỳ sắp tới sẽ đưa quân đội vào khu vực Biển Đông, hay chỉ làm cảnh sát chạy qua lại và nhắc nhở các bên về luật lệ mà thôi?
Lê Hải: Chiếc tuần duyên hạm đầu tiên được xuất xưởng là USS Freedom, chính thức được hải quân Mỹ tiếp nhận vào năm 2008. Còn USS Fort Worth trước khi được đưa sang Singapore đã được gia cố thêm để tăng tốc đô và khả năng hoạt động lâu ngày trên biển. Điều đó thể hiện rõ ý định của Hoa Kỳ hiện tại có lẽ chỉ muốn làm cảnh sát biển quốc tế ở khu vực Biển Đông mà thôi.
Các ý kiến từ giới chuyên gia của hải quân Hoa Kỳ về Trung Quốc cũng đề nghị nên đưa hoạt động của bốn chiếc tuần duyên hạm ở Biển Đông vào cơ cấu giống như là Lực lượng phòng vệ bờ biển của Mỹ, đặt nặng việc thực thi công pháp quốc tế và biện pháp ngoại giao, còn vũ khí hạng nặng của hải quân thì nên được bố trí sẵn sàng để trừng phạt khi cần thiết. Tuy nhiên, từ một góc độ khác, hải quân Mỹ hiện đang bắt đầu dùng chữ frigate (tàu chiến) thay cho chữ ship (tàu) trong các báo cáo về tuần duyên hạm, cho nên có thể thấy rằng hiện nay các chiếc tàu này đang được tăng dần khả năng tấn công.
Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm rằng cùng là tuần duyên hạm, nhưng chỉ có hai chiếc thuộc hạng freedom do Lockheed Martin chế tạo, còn hai chiếc kia thuộc hạng independence do General Dynamics sản xuất, được thiết kế theo kiểu tàu chiến, với chi phí cao hơn, gần gấp rưỡi, chừng 700 triệu USD, như chiếc LCS-2 USS Independence, cũng được hải quân Mỹ tiếp nhận vào năm 2008. Khi phối hợp với nhau các chiếc tàu này sẽ tạo ra một sức mạnh khó lường, đặc biệt là nếu có máy bay từ đằng xa tới hỗ trợ. Hiện nay người ta vẫn còn đang giữ bí mật về chi tiết và trang bị của những chiếc tàu sắp được triển khai, cho nên là sắp tới sẽ còn rất nhiều màn ngoạn mục đang chờ hải quân Hoa Kỳ biểu diễn ở Biển Đông. - RFI
***
Trong một động thái được ghi nhận là bất thường, chính quyền Kuala Lumpur ngày 08/06/2015 tuyên bố là họ sẽ phản đối vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc là đã thâm nhập vào vùng lãnh hải của Malaysia. Vụ việc xẩy ra tại một vùng biển ở phía bắc Borneo.
Trong một bài phỏng vấn, ông Shahidan Kassim, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia, khẳng định là tàu công vụ của Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực không phải là vùng có tranh chấp chủ quyền. Kuala Lumpur đang có "hành động ngoại giao" để phản đối Bắc Kinh, và Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak sẽ trực tiếp nêu vấn đề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lời phản đối Trung Quốc một cách công khai của Malaysia rất đáng chú ý, vì từ trước đến nay, nước này thường rất kín tiếng trong hồ sơ Biển Đông, ít khi chỉ trích Trung Quốc, ngược lại với hai láng giềng Philippines và Việt Nam.
Vào tuần trước, chính Bộ trưởng Kassim đã tiết lộ vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Malaysia khi cho đăng trên trang Facebook cá nhân của mình hình ảnh một con tàu Hải cảnh của Trung Quốc thả neo tại Luconia Shoals.
Đây là một vùng gồm nhiều đảo nhỏ và rạn san hô, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế khoảng 400 km mà Malaysia tuyên bố. Vùng này chỉ cách đảo lớn Borneo của Malaysia khoảng 150 km về phía bắc, trong lúc cách lục địa Trung Quốc khoảng 2.000 km.
Khi được hỏi về tuyên bố của chính quyền Malaysia vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối trả lời, cho rằng ông không có thông tin gì về lời cáo buộc của Malaysia, theo đó tàu Trung Quốc đã thả neo tại Luconia Shoals.
Luconia Shoals nằm gần cực nam của cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc sử dụng để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Khu vực này là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia. - RFI
***
Trong tuần này, chính quyền Manila sẽ nộp cho Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc một tấm bản đồ được in ra cách nay gần 300 năm, trên đó ghi rõ bãi đá ngầm Scarborough là một phần lãnh thổ của Philippines.
Tấm bản đồ này bác bỏ cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng như là bằng chứng để biện minh cho các đòi hỏi lãnh thổ của mình.
Trên bản đồ cổ, khu vực có bãi đá ngầm Scarborough lúc đó mang tên "Panacot" hoặc nguời Philippines gọi là "Panatag", ở ngoài khơi Luzon.
Bãi đá ngầm Scarborough là một trong những tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc.
Linh mục dòng Tên Pedro Murillo Velarde có được tấm bản đồ này, kích cỡ 1120 x 1200 mm, in năm 1734 tại Manila, trên đó ghi rõ tên hai người Philippines phụ trách là Francisco Suarez vẽ và Nicolas de la Cruz Bagay khắc bản in.
Theo nhà sử học Ambeth Ocampo, được báo điện tử Malaya Business Insight trích dẫn, thì bản đồ Murillo Velarde năm 1734 rất hiếm, hiện chỉ còn khoảng 50 bản sao trên thế giới.
Tài liệu này được biết đến vào năm 2012, thuộc quyền sở hữu của một quý tộc Anh. Văn phòng Sothby’s ở Luân Đôn đã bán đấu giá và một doanh nhân người Philippines Mel Velarde đã mua với giá hơn 170,500 Bảng Anh (266,000 đô la).
Nhà sử học Carlos Quirino đánh giá: "Bản đồ Murillo Velarde của Philipines là một tài liệu tham khảo quan trọng miêu tả rõ ràng các đảo và là bản đồ mang tính khoa học đầu tiên của Philippines. Bản đồ có 12 hình ở hai bên lề phải và trái, bao gồm 8 hình vẽ người có y phục bản địa, một hình bản đồ Guam và ba bản đồ nhỏ thành phố hoặc cảng trong đó có Manila". Một thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Philippines nhận định: Đây là bản đồ gốc của tất cả các bản đồ khác của Philippines.
Chính quyền Manila cũng như Viện Bảo tàng quốc gia Philippines rất muốn mua lại bản đồ này, nhưng đã không tham gia đấu giá vì không có tiền. Do vậy, doanh nhân Mel Verlande đã mua để sau này chuyển nhượng cho Viện Bảo tàng quốc gia.
Ông Velarde kể lại, Văn phòng Sothby’s tổ chức hai đợt bán đấu giá, ngày 09/07/2014 và 04/11/2014, đều tại Luân Đôn. Ông biết là tấm bản đồ quý giá này nằm trong lô số 183 và tham gia đấu giá qua điện thoại.
Giá chào bán ban đầu là 30,000 Bảng Anh và nhanh chóng tăng lên đến 80,000. Ở giá này, ông biết là Viện Bảo tàng quốc gia Philipines không có đủ tiền mua. Ông nói, các hình ảnh Trung Quốc chiếm các đảo trong vùng Trường Sa tái hiện trong đầu và ông quyết định tiếp tục trả giá, sẵn sàng trả gấp đôi để có bằng được tấm bản đồ. Cuộc đấu thầu dừng lại ở giá 170,500 Bảng Anh và tài liệu này thuộc về doanh nhân Mel Velarde.
Khi quyết định mua tấm bản đồ cổ quý giá, ông Velarde cũng nghĩ tới vụ Philippines kiện Trung Quốc và tòa sẽ cần có bằng chứng.
Doanh nhân này cho biết ông rất mừng là việc bán đấu giá không diễn ra tại Macao hay Thượng Hải, vì tấm bản đồ chắc chắn sẽ thu hút giới đầu tư Trung Quốc và ông sẽ phải mua với giá rất cao.
Ngày 12/06 tới, nhân kỷ niệm ngày Philippnes độc lập, ông Velarde sẽ đích thân trao cho Tổng thống Benigno Aquino bản sao tấm bản đồ với chứng thực sao y bản chính.
Sau khi ông Velarde mua được bản đồ, Viện Bảo tàng quốc gia Philippnes cho biết là trong năm nay, không có quỹ để mua lại và chưa rõ năm sau ra sao. Do vậy, ông Velarde quyết định tặng Nhà nước Philippines tài liệu quý hiếm này. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Công ty Mỹ sẽ đóng tàu cho lực lượng tuần duyên Việt Nam --- Mỹ tăng cường quan hệ công nghiệp quốc phòng với VN, Ấn Độ --- Tàu dầu TQ xuất hiện ngoài khơi bờ biển Bình Thuận
Công ty Metal Shark ở bang Louisiana, nhà thầu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, sẽ đóng tàu cho lực lượng tuần duyên Việt Nam, theo tin của tờ The Advocate hôm 7 tháng 6.
Bản tin nhắc lại rằng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hồi tháng 5 đã cam kết tài trợ để mua tàu tuần duyên Metal Shark Defiant lớp 75 cho Lực lượng Tuần duyên Việt Nam.
Tuần trước, Phó Chủ tịch công ty Metal Shark Greg Lambrecht cho hay công ty này hy vọng sẽ khởi công đóng tàu vào tháng Bảy năm nay. Ông không cho biết trị giá của hợp đồng đóng tàu cho Việt Nam là bao nhiêu, hay bao nhiêu chiếc tàu với tốc độ 40 hải lý/giờ sẽ được đóng cho Việt Nam.
Bản tin của Reuters cho rằng trị giá của hợp đồng này là 18 triệu đôla. - VOA
***
Hoa Kỳ đã có những bước nhằm tăng cường các quan hệ công nghiệp quốc phòng với Hà Nội và New Dehli, dọn đường cho công nghệ quốc phòng Mỹ tiến vào hai thị trường đang phát triển này, trong khi cùng lúc, củng cố các quan hệ chính trị với hai quốc gia đang ngày càng lo ngại hơn về những hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Bình luận về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter, trang mạng chuyên về tin tức quốc phòng Defense News nói tại cả hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ký thoả thuận khung xác định quan hệ quân sự với Washington trong tương lai.
Nhưng các giới chức Ngũ Giác Đài lưu ý rằng thoả thuận Mỹ đạt được với Ấn Độ đi sâu vào chi tiết hơn so với thỏa thuận với Việt Nam, trang mạng viện dẫn hiệp định quân sự 10 năm với Ấn Độ, bao gồm việc hoàn tất các chi tiết của thoả thuận để cùng sản xuất hai công nghệ mới. Đó là một bộ trang phục chống vũ khí sinh-hóa học dành cho binh sĩ, và một loại máy phát điện dã chiến dùng năng lượng mặt trời. Cả hai dự án nằm trong khuôn khổ một chương trình đặc biệt được phát động vào năm 2012 và do chính ông Carter, thời đó là Phó Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, thực hiện để tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.
Nói chuyện với các nhà báo, một giới chức quốc phòng Mỹ nói đây chỉ là bước đầu cho những kế hoạch lớn hơn trong tương lai.
Ông Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm New American Security, nhận định rằng tuy trị giá của hai dự án vừa kể không mấy đáng kể, tổng cộng mỗi nước chi ra 1 triệu đôla cho cả hai dự án, nhưng ý nghĩa của chúng lớn hơn nhiều, bởi vì đây là một nỗ lực “mang tính chiến lược và rộng lớn hơn”.
Chính phủ Mỹ và Ấn Độ đã thành lập các nhóm cộng tác để tham gia các dự án về công nghệ chế tạo hàng không mẫu hạm và động cơ cho máy bay chiến đấu, là các dự án mà theo ông Fontaine, có tầm quan trọng rất đáng kể.
An ninh biển là chủ đề chính trong chuyến công du nước ngoài kéo dài 10 ngày của Bộ trưởng Carter, bao gồm chặng dừng chân ở Việt Nam. Tại đây, ông Carter nhấn mạnh vấn đề an ninh biển Đông và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây đảo nhân tạo.
Thoả thuận mà Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter ký với Việt Nam tuy không cụ thể như thoả thuận với Ấn Độ, nhưng cũng đề cập tới các dự án chung để phát triển công nghiệp quốc phòng.
Thoả thuận này nêu rõ hai nước sẽ nới rộng việc trao đổi các sản phẩm quốc phòng, kể cả hợp tác sản xuất một số công nghệ và thiết bị mới, "dựa trên luật hiện hành và những hạn chế về chính sách" hiện có.
Trang Defense News trích lời một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), cô Phương Nguyễn, nói rằng thoả thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất đáng khích lệ, nhưng cô cảnh giác rằng một biên bản ghi nhớ năm 2011- hướng dẫn quan hệ quân sự Việt-Mỹ, đã không được thực thi một cách đầy đủ. Cô Phương Nguyễn nói:
“Sẽ còn một số thách thức trên thực địa bởi vì hai quân đội chưa xây dựng được một mức độ tin cậy lâu dài với nhau.”
Cô Nguyễn bày tỏ lạc quan về khả năng của Việt Nam có thể tích cực đóng góp vào các dự án chung với Mỹ, viện dẫn sự hợp tác với Nga trong việc sản xuất các tàu lớp Molniya, là bằng chứng Việt Nam có đủ khả năng công nghiệp để tham gia các dự án hợp tác quốc phòng với Mỹ. Cô cho rằng các dự án này sẽ cho phép Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và rốt cuộc, điều này sẽ tăng niềm tin giữa hai quân đội.
Theo các số liệu của Ngũ Giác Đài, Việt Nam hiện mua 90% các thiết bị quân sự cần thiết từ Nga. - VOA
***
Báo chí Việt Nam cho hay hôm 6 tháng 6, một tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Tân Hải 517 đã xuất hiện tại vùng biển Bình Thuận, cách đảo Phú Quý khoảng 20 hải lý về phía tây nam, cách bờ biển Bình Thuận-Bà Rịa Vũng Tàu 40 hải lý.
Trang mạng của Bộ Thông Tin và Truyền Thông của Việt Nam đã xác nhận tin này. Trang mạng này hôm nay đăng một bài phỏng vấn do VTC News thực hiện, trích lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời về chiếc tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc. Ông nói rằng vào lúc 5 giờ sáng ngày 6/6, tàu Tân Hải 517 (Bin Hai 517) đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Sau đó chiếc tàu Trung Quốc di chuyển dọc vùng tiếp giáp lãnh hải xuống phía Nam hướng về vịnh Thái Lan.
Thứ Trưởng Thông Tin Việt Nam cho biết là các tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và kiểm ngư đang giám sát chặt chẽ những động thái của con tàu Trung Quốc.
Ông tố cáo Bắc Kinh là đang biến những bãi đá chiếm được của Việt Nam vào năm 1988 thành những đảo nhân tạo để mong thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, và “hiện thực hoá đường lưỡi bò phi lý” của Trung Quốc. - VOA
|
|
6.
Báo động thâm hụt thương mại với TQ
Đại biểu Quốc hội cho hay thâm hụt thương mại Việt-Trung năm 2014 theo phía Trung Quốc là 43,8 tỷ đôla, gấp rưỡi con số Việt Nam công bố.
Tiến sỹ kinh tế Mai Hữu Tín, đại biểu tỉnh Bình Dương, sáng thứ Hai 8/6 đã có bài phát biểu được báo chí Việt Nam mô tả là "chấn động nghị trường", trong đó ông nói về "một nền kinh tế ngầm" trong giao thương với Trung Quốc.
Ông Tín nói đang có sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu thống kê của Việt Nam với con số mà phía Trung Quốc đưa ra.
Ông được báo Lao Động dẫn lời nói: "Chênh lệch này cho thấy khuynh hướng ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam".
Thí dụ trong năm ngoái, theo phía Trung Quốc, Việt Nam xuất sang nước này 19,4 tỷ đôla hàng hóa, cao hơn con số của Việt Nam trên 30%.
Thế nhưng cũng theo thống kê của Trung Quốc, Việt Nam nhập của nước này 63,7 tỷ đôla hàng hóa, cao hơn đến 45% so với công bố của phía Việt Nam.
Ông được dẫn lời nói: "Có nghĩa là riêng 2014, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ đôla, cao hơn rất nhiều so với con số 29,8 tỷ mà chúng ta công bố. Một khoản chênh lệch gần 15 tỷ đôla".
"Cũng có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chứ không phải là 30% như con số chúng ta công bố."
'Kinh tế ngầm'
Ông Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phân tích rằng sự khác biệt về thống kê giữa các nước là "bình thường, do sự khác biệt về thống kê tỷ giá, về chi phí vận chuyển, bảo hiểm…"
Tuy nhiên, nếu tính tới tất cả các yếu tố, vẫn có một sự chênh lệch khó giải thích trong con số của hai bên, thí dụ như trong ngân sách xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, mà ông Tín cho rằng nằm trong số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang nước láng giềng.
"Tại sao lại có xuất khẩu lậu trong khi chúng ta hết sức khuyến khích xuất khẩu với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu có thuế suất bằng 0% và doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng?"
Theo vị đại biểu này, giải thích hợp lý kế tiếp chỉ có thể là: Đó là loại mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế.
"Theo tôi, đó là tài nguyên khoáng sản của Việt Nam."
Một thực trạng nữa là số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, phía Việt Nam ghi nhận thấp hơn số liệu từ phía Trung Quốc vào khoảng 20 tỷ đôla chỉ tính riêng trong năm 2014.
Ông Mai Hữu Tín cho rằng đó là 20 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc lọt vào Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng.
Theo ông, "nền kinh tế ngầm" này đang gây rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là gây áp lực lên tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam.
"Nếu sử dụng số liệu xuất nhập khẩu với Trung Quốc theo số liệu của phía Trung Quốc thì chúng ta chưa từng xuất siêu kể từ năm 2012-2014 như đã công bố, mà tiếp tục nhập siêu trong suốt 20 năm qua với con số nhập siêu 2014 lên đến 13 tỷ đôla."
Ông Tín được dẫn lời nói: "Một nền kinh tế quốc gia dù mở hay hội nhập đến thế nào cũng cần có một tấm áo giáp bảo vệ hiệu quả và vững chắc để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng".
"Có vẻ như với chúng ta, chiếc áo giáp này đang rách, nếu như không nói rách càng nhiều trong giao dịch với phía Trung Quốc." - BBC
No comments:
Post a Comment