Sunday, June 14, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 14/6

Tin Thế Giới

1.
Hoa Kỳ và Trung Quốc thiết lập đối thoại quân sự --- TQ xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh mới

Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm qua ký một thỏa thuận thiết lập một cơ chế đối thoại giữa hai quân đội để có thể phối hợp tốt hơn việc cứu trợ nhân đạo và đáp ứng với tai họa. Các giới chức Mỹ cũng hy vọng khung làm việc này sẽ tăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau và giảm nguy cơ về những tính toán sai lầm giữa hai nước.

Đại tướng Raymond Odierno, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và Thượng tướng Lục quân Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương Trung Quốc, tham dự lễ ký kết.

Trong cuộc gặp với Tướng Phạm tại Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói ông hy vọng đạt được sự đồng thuận về các khung làm việc quan trọng khác về những qui tắc ứng xử an toàn hàng không và việc đối đầu trên biển với Trung Quốc vào cuối tháng 9.

Căng thẳng giữ quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng vào lúc các giới chức Mỹ kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt xây dựng những đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp tại Biển Hoa Nam. Trung Quốc cũng không hài lòng về những chuyến bay do thám của Hoa Kỳ trong khu vực này.

Đại tướng Vincent Brooks, tư lệnh lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, mới đây nói với một số cử tọa tại Washington là giao tiếp giữa hai quân đội có thể giúp giảm bớt nguy cơ đối đầu trên không và trên biển.

Tướng Brooks nói: “Hiện nay chúng ta không thấy có sự chạm trán giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA và Quân đội Hoa Kỳ. Chúng ta nên xây dựng mối quan hệ khi có thể được, để ngăn ngừa những tính toán sai lạc và hiểu lầm.”

Tuy nhiên đang có những quan ngại ngày càng tăng trong số các chuyên gia an ninh tại Mỹ là việc trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không mang lại kết quả mong muốn đối với Washington như là có sự minh bạch hơn trong Quân đội Giải phóng Nhân dân và Bắc Kinh bớt hung hăng hơn trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. - VOA

***
Vào lúc nhân vật số hai của quân đội Trung Quốc đến Washington, Bắc Kinh loan báo thử nghiệm lần thứ tư tên lửa đạn đạo chiến lược mang mã số Wu-14. Theo giới phân tích, Trung Quốc muốn bày tỏ bất bình đối với Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Theo AP ngày 13/06, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo Wu-14 vào ngày 07/06 "nhưng không nhằm chống lại quốc gia nào".

Thông tin này cũng như khả năng tên lửa mới của Trung Quốc đã được các viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ cho báo chí trước khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận: Wu-14 là hỏa tiễn hiện đại nhất của Trung Quốc có vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh, 7.680 dặm một giờ.

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa vài ngày trước khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long, chỉ đứng dưới quyền Tập Cận Bình, sang thăm Hoa Kỳ, trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Theo các chuyên gia Trung Quốc được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn thì vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mang hai ý nghĩa. Một là Bắc Kinh giúp cho tướng Phạm Trường Long ưu thế để đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Thứ hai là thông điệp chính trị đáp trả sự kiện Mỹ đưa máy bay trinh sát P-8 Poseidon vào Biển Đông nơi Trung Quốc xây dựng "Vạn Lý Trường Thành cát" nhằm thâu tóm toàn bộ khu vực.

Theo một nhà phân tích thuộc đại học Thượng Hải, chính quyền Tập Cận Bình muốn cảnh cáo Mỹ là quân đội Trung Quốc có khả năng xuyên thủng hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ để bảo vệ "chủ quyền" Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà phân tích này cho rằng cả Bắc Kinh và Washington đều không muốn chiến tranh xảy ra vì Biển Đông.

Tên lửa đạn đạo Wu-14 có khả năng mang đầu đạn nguyên tử được quân đội Trung Quốc thử nghiệm ba lần đầu tiên năm 2014 vào các ngày 09/01, 07/08 và 02/12. Các vụ thử nhiệm này đều được báo Washington Free Beacon loan tải đầu tiên.

Theo chính phủ Mỹ, hệ thống lá chắn hiện nay không đủ khả năng ngăn chận tên lửa siêu thanh của Trung Quốc cũng như của Nga. Hoa Kỳ trông cậy vào hệ thống mới gọi tắt là THAAD đang được cải tiến. - RFI
|
|

2.
Nga, TQ giải mã được các hồ sơ mật Edward Snowden đánh cắp --- Luân Đôn di tản gián điệp

Một nhật báo hàng đầu của Anh loan tin rằng Nga và Trung Quốc đã giải mã được các hồ sơ tối mật mà cựu nhân viên hợp đồng tình báo Mỹ Edward Snowden đánh cắp, buộc giới hữu trách Anh phải rút các điệp viên "đang hoạt động tại các nước thù địch."

Tờ Sunday Times nói rằng lệnh rút điệp viên được đưa ra sau khi Moscow giải mã được hơn một triệu tài liệu mật mà ông Snowden đã đánh cắp khi trốn khỏi Mỹ vào năm 2013.

Không lâu sau đó Edward Snowden xin Nga bảo vệ, và được Tổng thống Vladimir Putin cho tị nạn tạm ở Nga. Sau đó, ông Snowden được cho phép tạm trú và tự do đi lại trên lãnh thổ Nga.

Tờ Times trích một nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng việc hồ sơ mật bị giải mã này "có nghĩa là các điệp viên phải bị chuyển đi và cách hoạt động gián điệp bị bại lộ không cho phép chúng tôi lấy được những thông tin thiết yếu nữa."

Giới chức của văn phòng Thủ tướng David Cameron này nói rằng "không có bằng chứng về bất cứ ai bị phương hại gì."

Nhật báo này trích các nguồn tin khác của chính phủ cho biết rằng Trung Quốc cũng đã giải mã được các hồ sơ trong đó có nhiều kỹ thuật tình báo của phương Tây bị bại lộ.

Không có bình luận chính thức nào về diễn biến này từ London hay Washington.

Edward Snowden làm nhân viên hợp đồng cho Cục Tình báo Trung ương (CIA)  và Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NSA. Tại NSA, ông Snowden đã lấy 1,7 triệu tài liệu mật cho thấy chính phủ Mỹ lén theo dõi điện thoại của hàng trăm triệu thường dân bên trong lẫn ngoài nước Mỹ.

Edward Snowden vừa được tán dương một anh hùng và một người yêu nước đã dám nói ra những thông tin mật, vừa bị nguyền rủa là một kẻ phản bội làm lộ thông tin.

Một đại bồi thẩm đoàn Mỹ cáo buộc Edward Snowden hai tội danh là vi phạm Luật gián điệp của Mỹ và đánh cắp tài sản chính phủ. - VOA

***
Theo Sunday Times ngày 14/06, một nguồn tin từ Phủ Thủ tướng Anh Quốc đã xác nhận với tờ báo Chủ nhật của Anh Quốc là nhiều điệp viên của Anh đã phải rời bỏ các quốc gia "thù nghịch" sau khi chính quyền Nga biết cách giải mã hơn một triệu tài liệu tối mật mà cựu nhân viên CIA Mỹ Edward Snowden mang theo.

Nguồn tin ẩn danh từ số 10 Downing Street, Phủ Thủ tướng Anh, cho biết cả Nga và Trung Quốc đều nắm các thông tin tối mật. Hệ quả là các nhân viên tình báo Anh phải được rút đi để bảo toàn tính mạng và phải ngưng các hoạt động thu thập thông tin mật.

Nhiều nguồn tin từ chính phủ Anh cũng xác nhận Trung Quốc nắm được những tài liệu nói về kỹ thuật tình báo của Anh và Mỹ do vậy có thể sẽ phanh phui ra danh tính của gián điệp hai nước Tây phương này.

Những khó khăn của gián điệp Anh Mỹ hoạt động tại Nga và Trung Quốc bắt nguồn từ một sự kiện xảy ra vào tháng 6 năm 2013. Để tố cáo cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ theo dõi dữ liệu thông tin, vi phạm quyền tự do cá nhân, cựu chuyên gia tư vấn của CIA và NSA Edward Snowden chạy sang Hồng Kông và cung cấp cho báo chí quốc tế hàng triệu tài liệu mật. Bị tư pháp Mỹ truy nã, Edward Snowden được Nga cho tỵ nạn.

Vào thời điểm đó, Edward Snowden xác quyết là không một cơ quan tình báo nào trên thế giới có thể giải mã được các tài liệu tối mật mà ông mang theo.

Tuy nhiên, giới tình báo Anh cho biết là Nga và Trung Quốc đã nghiên cứu khối tài liệu của Snowden từ nhiều năm qua, truy tìm những "dấu vết cho phép nhận diện các đối tượng tiềm tàng". - RFI
|
|

3.
Trung Quốc miễn visa nhập cảnh cho người Đài Loan?

Bản tin của Tân Hoa Xã ngày 14/06/2015 trích lời một quan chức cao cấp Trung Quốc theo đó Bắc Kinh sẽ miễn visa nhập cảnh cho người Đài Loan đến Đại Lục. Phải chăng đây là một dấu hiệu mới cho thấy Bắc Kinh tiếp tục sưởi ấm quan hệ với Đài Bắc?

Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức ở Hạ Môn, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc đã thông báo tin trên nhưng không nói rõ khi nào Bắc Kinh áp dụng quy định mới.

Hãng thông tấn Pháp AFP nhắc lại, về mặt chính thức, Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không che giấu mục tiêu thôn tính vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra rất thực tiễn. Bắc Kinh và Đài Bắc năm 2010 đã ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế và đang trong tiến trình đàm phán để thành lập một khu vực tự do mậu dịch chung. Hồi đầu tháng 5/2015 lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Quốc Dân đảng Đài Loan ông Chu Lập Luân (Eric Chu) tại Bắc Kinh.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan liên tục được cải thiện kể từ khi ông Mã Anh Cửu đắc cử Tổng thống năm 2008 và Quốc Dân đảng trở lại cầm quyền. Đảng này được đánh giá là có thái độ cởi mở hơn so với đảng Dân Tiến trong quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên trên phương diện ngoại giao, đôi bên vẫn còn nhiều mối hiềm khích. Điển hình là việc Trung Quốc vừa bác bỏ đơn của Đài Loan xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á AIIB, một sáng kiến của Bắc Kinh. Một chi tiết đáng chú ý khác là trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Quốc Dân đảng Đài Loan, Chu Lập Luân ở Bắc Kinh hôm 04/05/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không quên nhắc lại là chỉ có "một đất nước Trung Quốc". Ông Tập cũng đã gọi người Đài Loan là những "đồng bào" của ông. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ có thể đặt vũ khí hạng nặng ở Đông Âu

Các giới chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang xem xét kế hoạch thiết đặt vũ khí và trang thiết bị quân sự hạng nặng tại một số nước vùng Baltic và Đông Âu.

Kế hoạch được đề nghị này gởi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường bảo vệ cho các đồng minh NATO ở Đông Âu.

Tin tức này được nhật báo New York Times loan tải lần đầu tiên hôm thứ Bảy.

Tình hình đã trở nên căng thẳng ở Đông Âu tiếp theo sau việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.

New York Times nói rằng kế hoạch đề nghị này cần được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Tòa Bạch Ốc cho phép để vũ khí và trang thiết bị quân sự sẽ được đưa đến thiết đặt ở các nước Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, và có thể cả Hungary.

Bộ trưởng Quốc phòng Raimonds Vejonis của Latvia được Báo New York Times trích lời, nói: "Nếu có một chuyện gì xảy ra, chúng tôi không thể chờ vũ khí và thiết bị quân sự trong mấy ngày hay mấy tuần.  Chúng tôi cần phải phản ứng ngay lập tức."

Nếu kế hoạch được thông qua, vũ khí và trang thiết bị quân sự của Mỹ sẽ lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh được thiết đặt tại những nước mà trước đây thuộc ảnh hưởng của Liên Xô cũ. - VOA
|
|

5.
Bà Clinton phác thảo thông điệp dân túy trong cuộc vận động lớn đầu tiên

Bà Hillary Clinton đã chủ trì một cuộc mít-tinh lớn đầu tiên để vận động cho cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Trong phát biểu rất hăng hái, chen lẫn hài hước và gần gũi với người ủng hộ, bà phác họa một nghị trình thăng tiến, hứa hẹn thúc đẩy cho quyền bình đẳng, và tranh đấu cho tầng lớp trung lưu.

Tại cuộc mít-tinh tổ chức ở Roosevelt Island, bang New York, được truyền hình toàn quốc, bà Clinton phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ rằng bà tranh cử tổng thống của toàn dân Mỹ, kể cả của những người bị bỏ rơi sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Bà Clinton phát biểu trong lúc đám đông hò reo tung hô "Hillary, Hillary" rằng: "Nước Mỹ không thành công được nếu qúy vị không thành công; và đó là lý do tôi ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ."

Bà nói tiếp: "Giàu có, thịnh vượng không chỉ dành cho các nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà quản lý quỹ đầu tư.  Dân chủ không chỉ dành cho các tỉ phú.  Thịnh vượng và dân chủ còn là một phần thỏa thuận cơ bản của qúy vị."

Bà Clinton, thuộc Ðảng Dân chủ, đã công kích Ðảng Cộng hòa rằng tất cả các ứng cử viên bên đảng đó xa lánh khối cử tri đa dạng.

"Tôi tranh cử để làm cho nền kinh tế vận hành cho qúy vị, cho tất cả người dân Mỹ," bà Clinton phát biểu như vậy và đề cập đến các y tá làm việc ca đêm, những người thợ xây dựng, các nông dân, các cựu chiến binh và các chủ doanh nghiệp nhỏ.

Bà Clinton cũng hứa sẽ "ngăn chặn những luồng tiền bí mật, không minh bạch cứ tuồn ra làm hư hại các cuộc bầu cử của chúng ta."  

Bà Clinton nói nếu cần thiết, bà sẽ ủng hộ một tu chính hiến pháp để đảo lại quyết định của Tối cao Pháp viện bãi bỏ các giới hạn đối với tiền tài trợ cho vận động tranh cử, có tên là Công dân Hợp nhất. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Tranh chấp nội bộ trước Đại Hội 12, trang web truongtansang .net tấn công Đảng CSVN - Lỗi tại dân tất cả?

Ở đất nước nọ, tên thường gọi là xứ ‘thiên đường’, vừa có cuộc họp thường niên để xử lý sai phạm nghiêm trọng tại một số công trình quốc gia. Sau đây là ghi chép của nhóm phóng viên:

1. Về việc 6.700 cây xanh ‘rủ nhau’ thành cây thiên cổ sau tai họa ‘chủ trương’.

Ông Phó Thủ tướng mở đầu phiên họp với khẳng định: ‘Dù đề án ‘chặt cây’ làm còn sơ sài nhưng chỉ dừng ở mức độ…sai sót’.

Bí thư Thành ủy rất ‘thanh liêm’ liền hô vang câu khẩu hiệu ‘Cán bộ phải dám làm, dám chịu trách nhiệm’.

Đồng chí, Chủ tịch Thủ đô (người phê duyệt Quyết định) khi bị chất vấn liền nhanh nhảu ‘chuyền bóng’ xuống mấy bác lính lác. 500 cán bộ Thủ đô ‘hành’ là chính bị kỷ luật giấu tên.

Nhân dân bức xúc, xuống đường phản đối? Nên thận trọng! Cái trò này thì ông Bí thư Thành ủy chẳng lạ, nên đã thẳng thắn vạch trần ‘Biểu tình không phải vì cây xanh mà để chống chế độ, do kích động từ bên ngoài’.

Quần chúng càng bức xúc phản bác ‘chúng tôi phản đối không được triệt tiêu bóng mát, không vì mục đích nào khác’.

Thích bóng mát ư? Sao không hóng ở những nơi khang trang hiện đại ở Hà Nội như: Bảo Tàng; Công viên tuổi thơ; Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ; Làng văn hóa Đồng Mô;…mà lại bỏ hoang, phí phạm cả tài sản toàn dân?

2. Về hiện trạng một số con đường hiện nay, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thủ đô so sánh ‘Nhưng vết sụt lún trên mặt đường là những đường cong hết sức mềm mại’.

3. Về việc Hà Nội sắp mua 13 tàu điện của Trung Quốc, người dân phản ứng đến độ gửi tin nhắn, đe dọa Bộ trưởng GT-VT. Ông Bộ trưởng trả lời: ‘Biết Nhà thầu Trung Quốc trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông rất yếu kém, nhiều lần muốn thay thế xong không thể vì ràng buộc các điều kiện vay vốn’.

4. Cần tiền cho các dự án xây dựng, đền bù oan sai (do một số cán bộ tòa xét xử oan sai, gây họa cho dân, gây hại cho nước) thì toàn tiền của dân.

Nhưng cứ nói đến trí dân, đến lợi ích của dân phải được tôn trọng, thì kêu dân trí…thấp. Rồi khi bị phê phán về phát biểu này, thì một vị Đại biểu Quốc hội lại biện minh là lấy ý kiến của một vị PGS-TS khác.

Việc nghị trường tắt đèn nghỉ sớm hôm 9-6 với lý do ‘hợp lý’ đến ngỡ ngàng: ‘Không có đại biểu bấm nút thảo luận’. Điều này trái ngược hoàn toàn với các phiên họp được ghi hình trực tiếp, có hàng tá đại biểu muốn phát biểu, thậm chí không được phát biểu vì hết giờ. Kể ra cũng khó trách khi Quốc hội không bấm nút thông qua ‘quyền im lặng’ để hạn chế oan sai nhưng lại chọn ‘quyền im lặng’ làm ‘tiếng nói’ nghị trường. 

Chủ tịch Quốc hội chọn họp kín để báo cáo về tình hình Biển Đông. Đó là chuyện của ông Chủ tịch. Còn câu chuyện chủ quyền là chuyện của cả hơn 90 triệu trái tim Việt Nam. 

Dân trách còng lưng đóng thuế nuôi ĐBQH làm gì mà không nói tiếng nói của dân ư? Ơ hay, chẳng phải ông Chủ tịch Quốc đã từng nói ‘Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu’ đấy sao. Thôi thì ‘con dại cái mang’, lỗi tại dân tất cả?

Đồng chí Nhân dân, từ đầu chỉ ‘ngậm tăm’, bây giờ lí nhí phát biểu ‘Em xin cảm ơn’. Cả hội trường vỗ tay rào rào.

Kết quả, cuộc họp kết thúc thành công tốt đẹp. Quan gây họa với tinh thần phê và tự phê, sẽ hết sức rút kinh nghiệm.

Trách nhiệm khắc phục hậu quả thuộc về đồng chí Nhân dân.

P/S: 1. Câu chuyện mang tính giải trí.
2. Nội dung mang tính hư cấu.
3. Nhân vật mang tính tưởng tượng. - truongtansang .net


No comments:

Post a Comment