Tuesday, June 16, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 16/6

Tin Thế Giới

1.
Nga phản ứng gay gắt về kế hoạch huấn luyện quân sự của Mỹ

Các giới chức Hoa Kỳ đang bênh vực cho kế hoạch có thể sẽ triển khai dài hạn vũ khí và trang thiết bị quân sự hạng nặng tại một số nước Đông Âu. Nhưng Nga đang phản ứng một cách giận dữ; một giới chức quốc phòng nói với hãng tin Interfax rằng Moscow không có chọn lựa nào khác ngoài cách "triển khai những bước trả đũa". Thông tín viên về an ninh quốc gia của đài VOA Jeff Seldin tường trình từ Ngũ Giác Đài.

Về phía Mỹ và các đồng minh NATO, một trong những phản ứng đáp lại hành động hung hãn của Nga tại Ukraine là các cuộc thao dượt quân sự, và trong số đó, có cuộc thao dượt diễn ra hồi đầu tháng này ở Thụy Ðiển.

Diễn biến mới nhất là một kế hoạch được các giới chức Mỹ đề xuất nhằm triển khai vũ khí, trang thiết bị hạng nặng, và đưa binh sĩ đến đồn trú tại Đông Âu, gồm các quốc gia Baltic và Ba Lan. Đây là một quyết định được sự tán thành của các đồng minh Mỹ, vốn cảm thấy họ đang đứng ở tiền tuyến, đối đầu với một nước Nga đang hồi sinh.

Tổng thống Lithuania Dalla Grybauskaite ủng hộ kế hoạch được đề xuất này.

"Chúng tôi biết về quyết định này. Chúng tôi ủng hộ quyết định này. Chúng tôi đang trông chờ quyết định này."

Các giới chức quốc phòng Mỹ vào lúc này quả quyết rằng chưa có quyết định nào được đưa ra, và họ nhấn mạnh rằng bất cứ vũ khí thiết bị đều nằm trong khuôn khổ của một kế hoạch đã có từ lâu nhằm tăng cường cho các chương trình huấn luyện của các đồng minh.

Nga đã phản ứng gay gắt. Một giới chức quốc phòng cấp cao nói với hãng thông tấn Interfax rằng động thái đó là "một bước gây hấn lớn nhất của Ngũ giác đài và NATO kể từ Chiến tranh Lạnh," và Nga có thể phải "tăng cường lực lượng."

Tòa Bạch Ốc cũng thẳng thừng không kém. Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:

“Chúng tôi ký hiệp ước NATO với nhiệm vụ phải bảo vệ cho các đồng minh của chúng tôi, và đó là một hiệp ước mà Hoa Kỳ và vị tổng thống hiện giờ rất nghiêm túc về việc chấp hành.”

Ukraine cũng có thể hưởng lợi trong kế hoạch đề xuất này.

Ông Anthony Cordesman của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế:

“Cần phải có một sự răn đe. Và ngay cả một biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ, nhắm mục đích tượng trưng thôi, chứ không phải là một sự tăng cường lực lượng quân sự lớn, cũng có thể gởi đi một tín hiệu đến cho Nga rằng Moscow cần phải chấm dứt những hành động của họ.”

Nhưng cho đến nay thì Nga vẫn không tỏ ra nao núng. Một giới chức tình báo cấp cao của Mỹ nói rằng các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn vẫn tiếp tục duy trì các loại vũ khí hạng nặng ở miền đông Ukraine, và các binh sĩ Nga "giữ một vai trò thiết yếu" trong việc chỉ huy cuộc xung đột tại đó. - VOA
|
|

2.
Thái Lan bác tin đồn 'phản đảo chính'

Phát ngôn viên Quân đội Thái Lan bác tin đồn về một vụ 'phản đảo chính' nhằm lật đổ chính quyền hiện hành vốn lên cầm quyền nhờ đảo chính hơn một năm trước.

Tin đồn đoán từ cuối tuần qua lan ra sau khi cảnh sát xác nhận có một doanh trại bị mất 75 khẩu súng M16.

Đại tá Winthai Suwaree nay cho rằng các tin trên mạng xã hội về một âm mưu chuẩn bị 'phản đảo chính' là hoàn toàn vô căn cứ.

Ông cũng bác bỏ chuyện rằng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha dùng quyền đặc biệt theo Điều khoản 44 trong hiến pháp tạm thời để sa thải lãnh đạo quân đội, Tướng Udomdej Sitabutr.

Ông Winthai nói quân đội 'đang rất đoàn kết' và mọi đơn vị đều ủng hộ chính phủ.

Tin tức lan ra tại Thái Lan sau khi cảnh sát phát hiện một đơn vị tình nguyện quân ở Nakhon Ratchasima bị mất 75 khẩu tiểu liên M16 trong kho từ một thời gian trước.

Hiện cảnh sát đang điều tra vụ này và chính quyền cho hay các quy định quản lý vũ khí được tăng cường.

Hồi đầu tháng 6, Tướng Prayuth Chan-o-cha, hiện mang sắc phục dân sự ở vị trí thủ tướng nói với báo chí ông có thể cần tại vị thêm hai năm để 'đảm bảo cho cải cách trước tổng tuyển cử'.

Hơn một năm trước, ngày 22/5 năm 2014, chính ông Prayuth Chan-ocha ở vị trí Tổng tư lệnh lục quân Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã giành quyền kiểm soát Chính phủ sau hai ngày thiết quân luật.

Kể từ đó, chính phủ do quân đội kiểm soát luôn nói họ chuẩn bị cho một hiến pháp mới nhằm cải tổ nền chính trị nước này, và sau đó sẽ đem dân chủ trở lại bằng cuộc bầu cử.

Nhưng các ý kiến phê phán cho rằng các tướng lĩnh Thái Lan chỉ trì hoãn quá trình này để cầm quyền.

Cũng có các tin đồn đoán về sự chia rẽ trong quân đội Thái Lan về các thủ tục chính trị liên quan đến việc hình thành tân Hiến pháp.

Sức khoẻ giảm sút của vị vua Thái Lan (sinh năm 1927) cũng khiến một phần dư luận lo ngại về bất ổn chính trị.

Hồ̉i cuối tháng 5 vừa qua, nhà vua Bhumibol Adulyadej (lên ngôi từ năm 1946) lại quay trở lại bệnh viện. - BBC
|
|

3.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói TQ 'đáng được khen' về năng lượng sạch

Trung Quốc nên được khen ngợi và nhìn nhận khách quan hơn về việc nước này đầu tư cho điện năng sạch, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói.

Bà Maria van der Hoeven nói hầu hết người ta nghĩ rằng Trung Quốc đang xây các nhà máy nhiện điện chạy than một cách đáng lo ngại.

Thực tế, bà nói, là Trung Quốc đang chi nhiều bằng cả Hoa Kỳ và châu Âu gộp lại cho năng lượng sạch.

Bà nói các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc có công nghệ tối tân và nên được nhân rộng ra tại các nước đang phát triển.

Bà Maria van der Hoeven nói với BBC News: "Người ta nghĩ về Trung Quốc theo lối nghĩ từ các thập niên trước.

"Họ [Trung Quốc] nay là thì trường điện gió lớn nhất trên thế giới. Họ đã tăng lượng điện phát từ năng lượng tái tạo từ lúc gần như chưa có gì cách đây mười năm và nay có 25% điện từ nguồn này. Đây là những chỉ dấu rất quan trọng rằng Trung Quốc đang đi đúng hướng."

Cơ quan Năng lượng Quốc tế - tổ chức nghiên cứu năng lượng cho các nước giàu - nói rằng trong năm 2014 Trung Quốc chi hơn 80 tỉ USD cho phát triển năng lượng tái tạo; cao hơn EU (46 tỉ USD); Nhật Bản (37 tỉ USD) và Hoa Kỳ (34 tỉ USD).

Nỗ lực cho năng lượng tái tạo làm lợi cho thế giới rất nhiều bằng việc tạo ra một thị trường kéo giá tấm pin mặt trời xuống 70% trong vài năm trở lại đây.

Bà van der Hoeven nói Trung Quốc vẫn đang đầu tư nhiều vào các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng các nhà máy điện này có hiệu suất cao và đang dần loại bỏ các nhà máy kém công suất.

Đây là một ví dụ cho các nước đang phát triển hiện vẫn còn dùng công nghệ kém hiệu quả, bà nói thêm.

IEA nói nếu các nước khác thấy bị thuyết phục để dùng công nghệ tốt hơn nhằm cải thiện chỉ một vài phần trăm thôi thì cũng tương đương với lượng giảm khí carbon của toàn EU rồi.

Mặc dù ngưỡng mộ với thành tựu mà Trung Quốc đạt được, IEA hiện vẫn chỉ trích điều họ gọi là Bắc Kinh còn thiếu minh bạch về số liệu. - BBC
|
|

4.
Đảo nhân tạo ở Trường Sa: Bắc Kinh ngưng bồi nhưng vẫn xây --- Malaysia 'không thừa nhận đường chín đoạn'

Bị quốc tế liên tục tố cáo, Trung Quốc hôm nay 16/06/2015 xác định rằng dự án cải tạo đảo đá mà họ rầm rộ tiến hành ở vùng quần đảo Trường Sa "sắp" hoàn tất. Tuy nhiên, Bắc Kinh đồng thời khẳng định vẫn tiếp tục xây cất cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo đã bồi xong.

Trong một bản thông cáo báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) cho biết là các dự án cải tạo đất của Trung Quốc trên "một số đảo và đá ngầm" ở vùng quần đảo Nam Sa – tên Trung Quốc gọi Trường Sa – đúng theo kế hoạch dự kiến, sẽ được hoàn tất trong những ngày sắp tới đây.

Nhân vật này tuy nhiên không nói rõ là công trình bồi đắp sắp được hoàn tất ở bãi nào trong số bảy bãi ngầm mà Bắc Kinh rầm rộ bồi đắp trong thời gian gần đây.

Vấn đề là bản thông cáo báo chí đã nói thêm là Bắc Kinh, dù không bồi đắp thêm nữa, nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trên các đảo nhân tạo các "cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích đề ra". Lịch trình xây dựng dĩ nhiên, cũng không được đề cập đến.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói khá nhiều về các mục tiêu được cho là chủ yếu nhằm "đáp ứng các nhu cầu dân sự khác nhau và giúp Trung Quốc hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế". Thế nhưng mục tiêu quân sự cũng được ông Lục Khảng nhắc thoáng qua khi nói đến việc "đáp ứng nhu cầu quân sự quốc phòng cần thiết".

Chính mục tiêu quân sự của các cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa là vấn đề gây quan ngại. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến các công trình quân sự xây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), đặc biệt là phi đạo dài 3000 mét và hệ thống radar cảnh báo sớm mà phía Mỹ cho là có thể hoạt động ngay từ cuối năm nay.

Và như thông lệ, Bắc Kinh đã khẳng định trở lại rằng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, công việc xây dựng mà họ tiến hành tại Trường Sa hoàn toàn "hợp pháp, hợp lý và chính đáng".

Quan điểm của Bắc Kinh dĩ nhiên không được các nước khác chấp nhận, đi đầu là Việt Nam, Philippines Malaysia, những quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. - RFI

***
Malaysia tỏ thái độ mạnh mẽ hơn qua việc bác yêu sách chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hôm thứ Hai 15/6, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Hamzah Zainuddin tuyên bố nước này và các nước Asean khác "không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vì nó không tuân thủ luật pháp quốc tế".

Ông thứ trưởng nói yêu sách đường chín đoạn không phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật biển 1982.

Datuk Hamzah Zainuddin được hãng thông tấn Bernama dẫn lời nói: "Đối với các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông liên quan cả Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, tới nay chưa có đàm phán gì".

"Lập trường của Malaysia là vấn đề đường biên phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua thương lượng và dựa trên luật pháp quốc tế."

"Mang vấn đề này lên một bên thứ ba như Tòa Công lý (ICJ) hay Tòa Trọng tài Quốc tế là biện pháp cuối cùng để đạt giải pháp."

Trước đây, Malaysia vẫn giữ thái độ thận trọng trong cách thức ứng xử với Trung Quốc tại Biển Đông.

Năm 2013, Kuala Lumpur cũng không lên tiếng mạnh sau khi tàu hải quân Trung Quốc tiến vào gần Bãi James (James Shoal) cũng nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Malaysia.

Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao cho rằng sự kiện James Shoal đã đánh động nhận thức của một số lãnh đạo nước này.

Tháng 3/2013, tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc cũng đã tới tập trận và phô trương sức mạnh tại Bãi James, chỉ cách bờ biển của Malaysia có 80km.

Mới đây, Malaysia tuyên bố phản đối tàu Trung Quốc 'vi phạm lãnh hải' nước này ở phía bắc đảo Borneo và đăng hình tàu hải giám của Trung Quốc thả neo ở Bãi Luconia, cách Borneo 150km về phía bắc.

Tuy nhiên chưa rõ các động thái mạnh bạo hơn của Malaysia sẽ dẫn đến hành động thiết thực gì.

Tháng Bảy này, Philippines sẽ mang việc kiện yêu sách chín đoạn của Trung Quốc ra trình bày trước tòa quốc tế.

Hoàn tất xây đảo nhân tạo

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này sắp hoàn tất các dự án cải tạo và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông "trong những ngày tới".

Thông cáo của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh ra hôm thứ Ba 16/6 nói "dự án cải tạo trên một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) sẽ hoàn tất trong những ngày tới".

Thế nhưng thông cáo này nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên các đảo đã cải tạo để thực hiện các công vịêc như tìm kiếm cứu nạn hàng hải, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ngoài mục tiêu quốc phòng, mục tiêu chính của các dự án như trên mang tính chất dân sự và không nhằm vào nước nào.

Bộ này nhắc lại Trung Quốc làm mọi việc theo đúng pháp luật, và có chủ quyền tại các khu vực họ xây dựng, đồng thời không gây cản trở cho lưu thông hàng hải cũng như không ảnh hưởng tới môi trường.

Theo đánh giá của Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã cải tạo cơi nới hơn 800 ha đảo nhân tạo.

Với thông cáo trên của Trung Quốc, dường như Bắc Kinh đang tìm cách trấn an dư luận nhưng không từ bỏ mục đích của mình. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Jeb Bush chính thức tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

Cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush, con trai và em trai của hai cựu tổng thống Mỹ, đã chính thức bước vào cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2016 hôm thứ Hai 15/6. Ông là nhân vật thứ 11 của Đảng Cộng hòa tuyên bố tranh cử, với nhiều ứng viên tiềm năng cũng sẽ loan báo trong những tuần tới.

Ông Bush phát biểu trước những người ủng hộ tại cuộc tập họp của ông ở thành phố Miami rằng Mỹ đang đi trên một "con đường rất xấu." Ông đổ lỗi cho phe Dân chủ về "sự phát triển không ngừng luật lệ" và làm chậm tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

"Chúng ta cần một tổng thống sẵn lòng phá vỡ toàn bộ văn hóa này ở Washington," ông nói. "Tôi sẽ là tổng thống đó."

Trong một cuộc đua của Đảng Cộng hòa mà đông đảo những ứng viên bảo thủ đang lôi cuốn thành phần cử tri nòng cốt của Đảng, ông Bush thể hiện bản thân trong video vận động tranh cử là một ứng viên lôi cuốn một nhóm cử tri rộng lớn hơn.

"Những niềm tin cốt lõi của tôi bắt đầu với tiền đề rằng những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta phải đứng đằng trước chứ không phải đằng sau,'' ông Bush nói trong video có sự góp mặt của phụ nữ, những nhóm dân thiểu số và trẻ em tàn tật. "Những gì chúng ta cần là một sự lãnh đạo mới áp dụng những nguyên tắc bảo thủ để mọi người có thể vươn lên.''

Ông Bush 62 tuổi đã quyên góp hàng chục triệu đôla cho chiến dịch của ông và ban đầu được cho là ứng viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa. Nhưng những cuộc thăm dò dư luận chính trị toàn quốc gần đây cho thấy ông gần ngang ngửa với hai ứng viên khác là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, người đã tuyên bố tranh cử, và Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker vẫn chưa chính thức công bố. Những ứng viên khác của Đảng Cộng hòa cách không xa đằng sau trong những cuộc thăm dò trước bầu cử.

Trong khi đó, ứng viên đang dẫn đầu của phe Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đang đi vận động ở bang Iowa, tìm kiếm những tình nguyện viên chính trị tại nơi từng lạnh nhạt với bà khi bà lần đầu ra tranh cử

Những ứng viên khác của Đảng Dân chủ đã tham gia cuộc đua với bà Clinton trong năm nay, nhưng các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cho thấy bà là nhân vật số một được kỳ vọng sẽ giành đề cử của Đảng Dân chủ, và bà đang dẫn đầu trong những cuộc đối đầu khả dĩ với nhiều ứng viên Đảng Cộng đang tranh đề cử của đảng họ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc mời quan chức Việt Nam sang thảo luận gì?

Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã mời Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sang Bắc Kinh để đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo hợp tác song phương, kéo dài trong hai ngày, từ 17 tới 19/6.

Các thông tin ngắn ngủi trên báo chí nhà nước của cả hai phía hôm qua không cho biết là đôi bên sẽ thảo luận các vấn đề cụ thể gì.

Nhà nghiên cứu về quan hệ Việt-Trung, ông Dương Danh Dy, nhận định với VOA Việt Ngữ về cuộc gặp song phương này:

“Nó là cái thường lệ của hai bên. Đến hẹn thì họ lại gặp nhau thôi. Họ bàn với nhau xem kế hoạch năm sau làm cái gì và kiểm điểm năm vừa rồi làm được những cái gì. Cái này cũng không phải là vấn đề quan trọng. Phải nói thẳng là ủy ban này không quản vấn đề quan trọng.”

Phiên họp sẽ diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm kết thúc việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa theo đúng như kế hoạch đã định.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết như vậy hôm nay tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, nhưng không cho biết thời gian cụ thể.

Ngoài ra, ông Lục cũng không cho hay là dự án nào trên 7 bãi đá mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

Trước đó, một thông cáo đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ tiến hành xây các cơ sở phục vụ cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự.

Chưa rõ là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có nêu vấn đề xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong cuộc họp với Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì hay không. Ngoài ra, không rõ là ông Minh có gặp quan chức cấp cao nào khác của Trung Quốc hay không.

Về nghị trình thảo luận giữa hai bên lần này, cựu quan chức ngoại giao Việt Nam Dương Danh Dy nói:

“Không khí hiện nay căng thẳng rồi. Hai bên, nhất là phía Việt Nam, cố tránh, không làm cho vấn đề căng thẳng thêm. Tình hình lúc này căng cũng chẳng giải quyết được gì cả. Những điều gì cần nói với họ mà được phép của Bộ Chính trị thì ông Bình Minh sẽ nói. Quyết định là ở bên này, chứ không phải ông Bình Minh.”

Trong khi đó, một số nhà quan sát nhận định với VOA Việt Ngữ rằng những diễn biến gần đây trên biển Đông, nhất là việc một số ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi tố cáo Trung Quốc tấn công tàu cá của họ, sẽ làm phức tạp thêm cuộc gặp giữa ông Minh và ông Dương Khiết Trì.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho VOA Việt Ngữ biết về vụ tố cáo tàu Trung Quốc “rượt đuổi, phun vòi rồng, tấn công và cướp ngư cụ” hôm 7 và 10/6:

“Tôi đã thông báo cho Hội nghề cá của trung ương. Người ta đã có gửi văn bản lên chính phủ báo cáo, phản đối. Trung Quốc nó nói một đằng, làm một nẻo, và bây giờ nó có nói thì cũng thế thôi. Mình phản đối về ngoại giao như thế nhưng thằng Trung Quốc nó có nói hay không nói cũng vậy thôi. Chẳng có tác dụng gì cả. Nói cho có thôi chứ, còn đối với Trung Quốc, có là cái gì đối với nó đâu mà. Nó coi trời bằng vung ấy mà. Anh hỏi Trung Quốc ấy. Đừng hỏi tôi.”

Hiện cũng chưa rõ Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam có nêu hai vụ việc xảy ra chỉ cách nhau có vài ngày này hay không.

Cuộc họp lần cuối cùng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương diễn ra hồi tháng Mười năm ngoái tại Hà Nội, và đại diện phái đoàn của hai nước cũng là ông Minh và ông Dương.

Đó là lần thứ hai Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tới Việt Nam sau chuyến công du hồi tháng Sáu, khi căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh lên tới đỉnh điểm vì gian khoan dầu Hải Dương 981.

Các bức ảnh chụp tại cuộc gặp mà giới quan sát nói diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đó cho thấy Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thể hiện sự bất bình ra mặt với quan chức nước láng giềng phương bắc. - VOA

No comments:

Post a Comment