Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc xây xong một số đảo ở Biển Đông --- Du Chính Thanh TQ lại đòi Nhật Bản tránh xa BĐ --- Tướng Chu Thành Hổ TQ về tuần tra BĐ: Mỹ thì được, Nhật thì không
Chính quyền Bắc Kinh hôm nay thông báo đã hoàn tất một số dự án lấp đất, lấn biển tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, gây thêm quan ngại cho các nước láng giềng.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho biết một số dự án xây đảo nhân tạo trên một số đảo và bãi cạn đã hoàn thành “trong những ngày gần đây”, nhưng không nói rõ đó là các đảo nào.
Bà Hoa nói tại một cuộc họp báo thường kỳ:
“Bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ hoàn thiện chức năng của các cơ sở này. Việc xây dựng chủ yếu nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu dân sự cũng như tăng cường nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề cứu hộ và tìm kiếm trên biển, an toàn hàng hải…”.
Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng các dự án xây dựng cũng có mục đích “đáp ứng các nhu cầu về phòng thủ quân sự”.
Các hình ảnh vệ tinh đăng tải gần đây cho thấy Trung Quốc cấp tập xây dựng các hòn đảo mới, gây lo lắng không những cho các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam mà còn cả các nước khác về việc Trung Quốc kiểm soát tuyến hàng hải được coi là nhộn nhịp nhất thế giới.
Quan chức Mỹ nói rằng các cơ sở quân sự đang xây dựng gồm có một đường băng dài 3.000 mét cũng như các radar cảnh báo sớm có thể đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Việt Nam mới đây đã lên tiếng nói rằng các hoạt động bồi đắp đất "bất hợp pháp" của Trung Quốc ở Trường Sa không thay đổi được thực tế chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. - VOA
***
Sau cuộc tập trận song phương Nhật Bản-Philippines tai Biển Đông, Bắc Kinh liên tục nã pháo vào Tokyo. Động thái mới nhất diễn ra ngày 29/06/2015, khi nhân vật số bốn trong chính quyền Trung Quốc lên tiếng đòi Nhật Bản tránh xa hồ sơ Biển Đông. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo yêu cầu Tokyo thận trọng khi xử lý các vấn đề an ninh, cũng như Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, nhân cuộc tiếp xúc với một phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản ghé thăm Bắc Kinh, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã cho rằng vấn đề Biển Đông "hoàn toàn không có liên quan gì đến Nhật Bản".
Đối với nhân vật trên danh nghĩa là lãnh đạo đứng hàng thứ tư trong guồng máy lãnh đạo Bắc Kinh, việc Nhật Bản cùng với Mỹ đua nhau chỉ trích Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông, mà không nói gì đến Philippines và các nước tranh chấp khác, là một điều "không công bằng".
Cũng trong chiến dịch phản công nhắm vào Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua đã lên tiếng cảnh cáo Tokyo là nên thận trọng và có thái độ đúng đắn khi xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự và Biển Đông.
Phản ứng trên đây được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khi nói chuyện với giới báo chí hồi đầu tháng Sáu, đã cho rằng các cải cách về an ninh mà Tokyo đang tiến hành đích thực nhắm vào Bắc Kinh và vấn đề Biển Đông.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nếu các thông tin trên xác thực, thì giới lãnh đạo Nhật Bản phải có lời giải thích với Bắc Kinh. - RFI
***
Trung Quốc không che giấu phản ứng cay cú sau khi Tokyo không ngần ngại tham gia tập trận cùng với Philippines tại Biển Đông, ngay gần khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Theo hãng truyền hình Mỹ NBC ngày 29/06/2015, một viên tướng Trung Quốc nổi tiếng là diều hâu vừa nhấn mạnh: không thể chấp nhận việc Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông, cho dù có thể chấp nhận Mỹ.
Theo đài NBC, Tướng Chu Thành Hổ, Giáo sư về chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã giải thích thái độ bên trọng bên khinh của ông bằng sự kiện Mỹ đã hiện diện từ lâu đời về mặt quân sự ở Đông Nam Á:
"Hoa Kỳ đã từng có căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, như ở Philippines và cả tại Việt Nam, đồng thời cũng có hợp tác quân sự với Singapore. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông do đó là điều có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc."
Còn về Nhật Bản, viên tướng Trung Quốc cho rằng "Nhân dân và chính phủ Trung Quốc rất khó mà chấp nhận được sự hiện diện quân sự của Nhật Bản" tại Biển Đông.
Tokyo có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, nhưng không hề có tranh chấp nào ở Biển Đông. Thế nhưng chính quyền Nhật Bản rất quan ngại trước sự hiện diện, cũng như ảnh hưởng càng lúc càng đáng kể của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Thái độ quan ngại lại càng tăng vào lúc Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế Biển Đông bằng việc bối đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, mà theo phía Mỹ, đã có thể dùng làm tiền đồn quân sự với vũ khí hạng nặng.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố không chống Mỹ của tướng Chu Thành Hổ đã gây ngạc nhiên vì cho đến nay, nhân vật này nổi tiếng với những lời lẽ dao to búa lớn nhắm vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên thái độ gay gắt của nhân vật diều hâu này đối với Nhật Bản nằm trong một loạt những phản ứng dữ dội của Bắc Kinh đối với Tokyo trong những ngày gần đây, sau khi quân đội Nhật Bản tập trận chung với Philippines đã không ngần ngại cho trinh sát cơ bay lượn trên khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm trong thềm lục địa của Philippines những bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. - RFI
|
|
2.
Máy bay quân sự Indonsia rơi xuống khu dân cư, ít nhất 113 người chết
Chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của quân đội Indonesia bị rơi và nổ tung tại một khu dân cư ở Medan, một thành phố lớn trên đảo Sumatra (Kalimantan). Toàn thể 113 người trên máy bay đều tử nạn. Nhiều khu nhà mới bị tiêu hủy, nhưng chưa rõ thiệt hại nhân mạng của thường dân.
Vào khoảng 12 giờ trưa, giờ địa phương, hôm nay, 30/06/2015, chiếc vận tải cơ C-130 của Indonesia cất cánh được hai phút thì rơi vào một khu nhà dân, cách phi trương quân sự Medan 5 km. Nhiều tòa nhà gần nơi xảy ra tai nạn bị hư hại nặng , xe cộ bị cháy rụi.
Thiệt hại nhân mạng được công bố từng giờ và không ai rõ lúc máy bay lâm nạn và bốc cháy có bao nhiêu người trên máy bay và ở nơi rớt.
Khoảng 5 giờ đồng hồ sau, Tham mưu trưởng loan báo trên máy bay có 113 người và tất cả đều thiệt mạng.
Trước đó, đài truyền hình Indonesia, trích lời các nhân viên cứu hộ cho biết đã tìm thấy được 49 thi thể, từ một đoạn gẩy của máy bay và từ nhà dân, trong số này có một em bé.
Hãng Reuters được một nhân chứng là nhân viên tiếp tân khách sạn cho biết thêm một số chi tiết: phi cơ bay đảo rất thấp, bốc lửa và khói. Đến vòng thứ ba thì đụng nóc khách sạn Golden Eleven và nổ tung. Mảnh vụng bay vào một tiệm đấm bóp vào giờ đông khách.
Theo ông Fuad Basya, một phát ngôn viên quân đội, chiếc máy bay lâm nạn hoạt động từ năm 1964.
Báo chí Indonesia cho biết phi công đã xin quay lại phi trường vì có “vấn đề kỷ thuật”
Indonesia mang tiếng thiếu an toàn về giao thông hàng không. Gần đây, vào tháng 12/2014, một chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia bị rơi trên biển Java sau nửa giờ cất cánh, làm 162 hành khách và nhân viên phi hành đoàn tử vong. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
TT Obama chính thức ký ban hành luật thúc đẩy TPP
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật hai dự luật mà ông đã dồn nhiều nỗ lực vận động, cho ông thẩm quyền lớn hơn để đàm phán những thỏa thuận thương mại quốc tế và cung cấp hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do những thỏa thuận như vậy.
Ông Obama đã ký ban hành hai luật này trong một buổi lễ hôm thứ Hai tại Tòa Bạch Ốc, nơi ông ca ngợi sự hợp tác cần có của cả hai đảng để luật được Quốc hội thông qua, sau một chiến dịch vận động khiến Tổng thống Đảng Dân chủ lâm vào thế đối nghịch với những nghị sĩ Dân chủ trong quốc hội và hình thành một liên minh hiếm hoi với đảng Cộng hòa.
Luật cho phép thẩm quyền xúc tiến thương mại, còn gọi là thẩm quyền cấp tốc, dự kiến sẽ gia tăng tốc độ hoàn tất những cuộc đàm phán Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác ven bờ Thái Bình Dương trong vài tuần tới.
Ông Obama cũng đã ký một luật cấp 450 triệu đôla để đào tạo lại người lao động bị mất việc làm do mở rộng thương mại, và gia hạn những ưu đãi thương mại thêm 10 năm nữa cho vùng châu Phi cận Sahara.
Tổng thống nói ông tin rằng việc ký luật là điều tốt cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ và sẽ cho Mỹ một lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
Ông Obama đã tranh thủ sự kiện này để thúc đẩy những luật mang tính lưỡng đảng nhiều hơn, đặc biệt là đối với một dự luật cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà có thể giúp xây mới những đường cao tốc, sân bay, cảng vận chuyển mới. - VOA
|
|
4.
Tòa án Tối cao giữ nguyên hình phạt tử hình bằng thuốc độc
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết giữ nguyên việc sử dụng một loại thuốc gây tranh cãi trong những vụ hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc.
Trong một phán quyết hôm thứ Hai với kết quả 5-4, năm thẩm phán của tòa án cho rằng việc sử dụng loại thuốc an thần midazolam không vi phạm tu chính án thứ tám của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm những hình phạt dã man và khác thường.
Những tử tù ở bang Oklahoma thuộc miền trung tây của Mỹ cho rằng loại thuốc an thần này, dùng trong một hỗn hợp thuốc tiêm gây chết người ở bang này, không phải lúc nào cũng gây ra tình trạng bất tỉnh mê man khiến họ không cảm nhận được cơn đau từ những loại thuốc gây tê liệt và khiến tim ngừng đập được sử dụng sau đó.
Bang Oklahoma sử dụng loại thuốc này trong vụ hành quyết bất thành tử tù Clayton Lockett. Ông ta đã rên rỉ và ngẩng đầu lên sau khi hỗn hợp thuốc được tiêm vào người. Phải mất tới 43 phút sau đó ông ta mới được tuyên bố là đã chết sau mũi tiêm đầu tiên.
Trong phần thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến của mình, Thẩm phán Sonia Sotomayor của Tòa án Tối cao so sánh việc sử dụng loại thuốc gây tranh cãi này với việc "tra tấn từ từ đến chết, hoặc bị thiêu trên giàn.''
Thẩm phán Samuel Alito, người viết quan điểm của đa số, cho biết lập luận cho rằng thuốc này không thể được sử dụng một cách hữu hiệu như thuốc an thần khi hành hình là mang tính võ đoán. Ông gọi quan điểm bất đồng chính kiến của Thẩm phán Sotomayor của "kỳ dị."
Trong phần thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến riêng, Thẩm phán Stephen Breyer và Ruth Bader Ginsburg nói đã tới lúc tòa án tranh luận về việc liệu bản thân án tử hình có hợp hiến hay không.
Những cuộc khảo sát dư luận cho thấy sự ủng hộ dành cho hình phạt tử hình ở Mỹ thấp hơn so với trước đây, nhưng vẫn ở mức cao - khoảng 60 phần trăm.
Một số bang từng có án tử hình giờ đã đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ hoàn toàn. Chỉ có 32 bang tiếp tục áp dụng hình phạt tử hình. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Tàu ngầm thứ tư của Việt Nam cập cảng Cam Ranh
Tàu ngầm lớp Kilo hôm nay đã được tàu chuyên dụng Rolldock của Hà Lan đưa về neo đậu tại vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, sau hơn một tháng lênh đênh trên biển.
Chiến tàu ngầm thứ tư mà Nga đóng cho Việt Nam này sẽ được bàn giao cho Lữ đoàn tàu ngầm 189 của Hải quân Việt Nam vào đầu tháng sau.
Chiếc tàu ngầm được đặt tên là Khánh Hòa có chiều dài hơn 70 mét và rộng gần 10 mét. Tàu này có thể hoạt động độc lập 45 ngày đêm và lặn sâu 300 mét với hơn 50 thủy thủ trên khoang.
Trước đó trong năm 2013 và 2014, ba chiếc tàu ngầm Kilo 182 Hà Nội, 183 TP Hồ Chí Minh, 184 Hải Phòng lần lượt được đưa về Việt Nam và đã tham gia huấn luyện ở Quân cảng Cam Ranh.
Tất cả 6 tàu ngầm do Nga chế tạo đã được đặt mua qua một hợp đồng trị giá 2 tỉ đôla mà Việt Nam đã ký trong chuyến đi của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Moscow năm 2009.
Nga dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016, huấn luyện các thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm và cung cấp các linh kiện cần thiết.
Mới đây, một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài nói rằng Trung Quốc đã chính thức khiếu nại với Nga, Việt Nam và Hoa Kỳ, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội. - VOA
|
|
6.
Ông Lê Thanh Tùng được ra tù trước thời hạn
Tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng hôm qua 29 tháng 6 được cho về nhà từ Trại giam Yên Định Thanh Hóa 5 tháng trước khi mãn án tù 4 năm về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào chiều ngày 30 tháng 6, ông Lê Thanh Tùng cho biết việc được thông báo đặc xá và công an đưa về nhà tại thị trấn Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội:
"Trước đó 19 ngày họ có thông báo cho tôi làm giấy cam kết khi về địa phương chấp hành hiến pháp và pháp luật. Họ nói tôi được đặc xá kỳ này. Thế rồi hôm qua, sáng họ làm việc với tôi và đến chiều họ đưa tôi về ngay. Đến đêm hôm qua lúc 10 giờ mới về tới nhà.”
Một nhà hoạt động ở Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Toàn, đưa ra nhận định về việc tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng được trả tự do trước thời hạn như sau:
"Tôi cũng nhận định có lẽ họ thả Lê Thanh Tùng cùng một vài người sắp tới để ‘làm quà’, dọn đường cho chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vào tháng 7 này. Họ không muốn gây căng thẳng và không muốn làm mất mặt ông Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ.”
Xin được nhắc lại, ông Lê Thanh Tùng là một người tham gia đấu tranh từ khi còn ở bên Kampuchia. Ông này từng là thành viên của Đảng Nhân dân Hành Động. Sau khi về lại Việt Nam, ông bắt đầu tham gia Khối 8406 từ tháng 9 năm 2007.
Ông Lê Thanh Tùng trước khi bị bắt viết nhiều bài đưa lên mạng Internet và giúp dân oan soạn thảo đơn thư khiếu nại.
Ông bị đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 với mức án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào ngày 28 tháng 11 cùng năm giảm án xuống 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Cả hai phiên tòa xử ông Lê Thanh Tùng đều không có luật sư bào chữa. - RFA