Friday, July 21, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 21/7

Tin Thế Giới

1.
Đụng độ Israel-Palestine lại nổ ra ở Núi Đền

Một người Palestine đã bị bắn chết hôm thứ Sáu tại một khu xóm ở Đông Jerusalem, nơi các cuộc giao tranh bùng nổ trong khu vực, theo một bộ trong chính quyền Palestine cho biết.

Nguồn tin này nói vụ nổ súng diễn ra tại khu xóm Ras al-Amud, mặc dù tin không cho biết ai là người đã bắn phát đạn gây chết người.

Vụ việc xảy ra giữa lúc đang có các cuộc đụng độ giữa các lực lượng an ninh Israel và Palestine sau khi các biện pháp an ninh mới của Israel được mang ra thi hành.

Cảnh sát Israel đã cấm cửa đàn ông Hồi giáo dưới 50 tuổi, không cho vào một địa điểm linh thiêng ở Jerusalem để cầu nguyện trong ngày thứ Sáu.

Các giới chức dự kiến sẽ nổ ra biểu tình tại địa điểm ở khu phố cổ, nơi mà cảnh sát Israel mới đây đã thiết đặt các thiết bị an ninh, sau khi 2 nhân viên cảnh sát Israel bị phần tử vũ trang người Ả rập giết tại đó.

Người phát ngôn của cảnh sát Israel Mickey Rosenfeld cho hay các lực lượng tăng viện đã được triển khai tại và xung quanh Khu Phố cổ.

Một thông báo của cảnh sát nói: “Lối vào Khu Phố Cổ và Đền Núi sẽ bị giới hạn, chỉ dành cho đàn ông hơn 50 tuổi. Phụ nữ ở tất cả mọi lứa tuổi đều được phép vào.”

Địa điểm này được người Hồi giáo biết dưới tên “Thánh địa Linh thiêng”, trong khi người Do thái gọi là “Núi Đền”. Đây là địa điểm thiêng liêng nhất của Hồi giáo, và là địa điểm thiêng liêng thứ 3 của Hồi giáo. - VOA
|
|

2.
Hồ Xuân Hoa – ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc

Con đường thăng tiến của ông Hồ Xuân Hoa, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, ngày càng rộng mở sau khi một đối thủ tiềm năng của ông rớt đài, hãng tin Reuters nhận định.

Có biệt danh là “Tiểu Hồ” để phân biệt với cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào – người nâng đỡ ông, Hồ Xuân Hoa lâu nay vẫn được xem là một ngôi sao trên chính trường Trung Quốc. Giờ đây, cú ngã ngựa đột ngột của ông Tôn Chính Tài, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ông Hồ, càng củng cố cơ hội thăng tiến của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay.

Các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Đảng lâu nay vẫn ca ngợi ông Hồ, 54 tuổi, là “một trong những nhân vật hứa hẹn nhất” của thế hệ lãnh đạo thứ sáu – tức thế hệ sẽ lên thay dàn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình khi ông Tập về hưu.

Cho đến giữa tháng Bảy năm nay, ông Tôn Chính Tài, bí thư Thành ủy Trùng Khánh, vẫn được xem là có nhiều triển vọng trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu. Thế nhưng, ông Tôn, vốn nhỏ hơn ông Hồ một tuổi, đã đột ngột bị cách chức và, theo nguồn thạo tin trong Đảng, đang bị điều tra.

Ít được biết đến trên trường quốc tế, Hồ Xuân Hoa đã trải qua phần lớn sự nghiệp chính trị của mình tại khu tự trị Tây Tạng đầy bất ổn rồi sau đó trở thành chủ tịch tỉnh Hà Bắc trước khi được điều sang làm người đứng đầu Đảng ủy Nội Mông. Tại Đại hội Đảng lần thứ 18 hồi cuối năm 2012, ông được đề bạt sang lãnh đạo tỉnh Quảng Đông – một trong những tỉnh giàu có nhất và quan trọng nhất của Trung Quốc.

Trong thời gian làm lãnh đạo ở Quảng Đông, ông Hồ đã phải xử lý những đợt bùng phát biểu tình tại làng Ô Khảm vốn có biệt danh là “làng dân chủ”. Ông đã ra lệnh đàn áp để chứng tỏ bản lĩnh của mình trước các lãnh đạo trung ương.

Làm bí thư một tỉnh quan trọng như Quảng Đông được xem là một bệ phóng chính trị để vươn tới những vị trí lãnh đạo quốc gia. Người tiền nhiệm của ông Hồ, ông Uông Dương, đã được cất nhắc lên làm phó thủ tướng sau Đại hội 18.

Một số người đã từng gặp ông Hồ cho biết ông có tác phong lãnh đạo tương đối thoải mái và dễ gần. Họ nói ông đã rất cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại những khu vực kém phát triển của tỉnh Quảng Đông cũng như thúc đẩy sự sáng tạo với việc giúp phát triển khu vực công nghệ cao của Thâm Quyến. Bản thân ông Hồ đã nói nhiệm vụ trọng tâm của ông là nâng cấp và tái cơ cấu nền kinh tế của Quảng Đông và làm giảm bất ổn xã hội cũng như những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.

Trong nhiệm kỳ của ông Hồ, Quảng Đông vẫn giữ vững vị trí là tỉnh đứng đầu cả nước về kinh tế với GDP năm 2016 đạt 1.160 tỷ đô la – chiếm 10% tổng thu nhập quốc nội và 28% giao thương của cả nước.

Ông Hồ không cho thấy nhiều về quan điểm chính sách của ông ngoại trừ việc ông quan tâm đến những vùng cách trở về địa lý và nghèo đói – một phần nguyên nhân là do có tuổi thơ nghèo khó tại một làng miền núi ở tỉnh Hồ Bắc.

Một nguồn tin ở Quảng Châu đã từng gặp Hồ Xuân Hoa nói với Reuters:

“Uông Dương dám nghĩ, dám làm, dám cải cách, còn Hồ Xuân Hoa không dám nói nhiều. Ông là người kín tiếng. Nhưng trong nền chính trị Trung Quốc chỉ cần anh không gặp rắc rối gì là đủ.”

Ông Hồ được cho là người của “Đoàn phái”, tức Đoàn thanh niên cộng sản vốn là cơ sở quyền lực của Cựu chủ tịch Hồ Cầm Đào. Đây được xem là một bất lợi của ông đối với ông Tập vốn thuộc phái “Thái tử Đảng”.

Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy con đường thăng tiến mở rộng của ông Hồ. Hồi tháng Tư, Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông “hoàn toàn tán thành” công tác lãnh đạo của chính quyền Quảng Đông kể từ Đại hội Đảng lần thứ 18, theo truyền thông Trung Quốc. Đây được xem như ông Tập gián tiếp ủng hộ Hồ Xuân Hoa.

Hồi tháng Năm, ông Hồ đã nhiều lần cam kết trung thành với ông Tập. Hồ khẳng định rằng ông Tập là lãnh đạo “hạt nhân” của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Ông cũng đi công cán đến Israel, Ireland và Anh Quốc hồi tháng Sáu. Những chuyến công du này được xem là để tăng cường hình ảnh quốc tế của ông Hồ để chuẩn bị cho những chức vụ cao hơn.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Hồ Xuân Hoa đã tình nguyện đến công tác ở Tây Tạng sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ông phục vụ ở đó gần hai thập niên và đã học giao tiếp bằng tiếng Tạng. Ông đã leo lên chức phó bí thư Tây Tạng. Cũng chính ở khu tự trị này Hồ Xuân Hoa đã gặp và gây ấn tượng với ông Hồ Cẩm Đào, bí thư Tây Tạng trong giai đoạn 1988-1992. Ông Hồ Cầm Đào đã trở thành người nâng đỡ cho “Tiểu Hồ”.

Khi về Nội Mông, Hồ Xuân Hoa đã giành được sự khen ngợi của lãnh đạo Đảng, các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Đảng nói với Reuters, vì đã đàn áp các cuộc biểu tình của người bản địa Nội Mông phản đối các công ty khai khoáng tàn phá các đồng cỏ chăn thả gia súc.

“Trong số những nhân vật tiềm năng cho thế hệ lãnh đạo thứ sáu, Hồ Xuân Hoa là người có uy tín lớn nhất,” một nguồn thạo tin trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, “Trừ phi ông ấy phạm sai lầm nghiêm trọng thì không có lý do gì mà ông Tập không đề bạt ông ấy.” - VOA
|
|

3.
Biển Đông: Tổng thống Mỹ đồng ý kế hoạch đối phó Trung Quốc

Sự kiện Mỹ tiến hành ba chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông từ hạ tuần tháng Năm 2017 đến nay, sau một thời gian dài bất động, rốt cuộc đã rõ nguyên nhân: Tổng thống Donald Trump đã chuẩn y một kế hoạch hành động cụ thể do bộ Quốc Phòng Mỹ đưa lên nhằm thường xuyên thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Breitbart News, một hãng truyền thông thân cận với Nhà Trắng, ngày 20/07/2017, đã trích dẫn một quan chức Mỹ tiết lộ rằng: Ngay từ tháng Tư vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã chuyển lên cho tổng thống Mỹ một kế hoạch nhằm đối phó với các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, phác thảo cả một lịch trình dùng cho cả năm, điều động chiến hạm Mỹ đi vào những vùng biển quốc tế mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền một cách bất hợp pháp.

Theo hãng tin Breibart, mặc dù Hải Quân Hoa Kỳ đã thường xuyên tiến hành các « hoạt động bảo vệ tự do hàng hải » trên khắp thế giới từ nhiều thập niên trước đây, nhưng chính quyền Obama, vì tránh đụng chạm đến Trung Quốc, đã cho dừng các chiến dịch này ở Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, chỉ thực hiện một vài vụ vào năm 2016.

Quan chức Mỹ trả lời hãng Breibart tố cáo : Dưới thời tổng thống Obama, Lầu Năm Góc đã gửi yêu cầu tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tới Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nhưng các đề nghị này đã bị chận lại. Trong thời gian đó, thì Trung Quốc rốt ráo bồi đắp các rạn san hô trong tay họ ở Biển Đông, lắp đặt ngày càng nhiều thiết bị quân sự bên trên, bất chấp việc Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên các khu vực đó.

Theo nhận xét của quan chức Mỹ nói trên, với kế hoạch mới, Nhà Trắng biết trước về các chiến dịch dự trù, do đó không bị « bất ngờ » mỗi khi có đề xuất được chuyển lên, và việc bật đèn xanh sẽ nhanh chóng hơn trước đây.

Việc chấp thuận nhanh hơn sẽ cho phép các hoạt động tuần tra được thực hiện một cách « rất bình thường » và « rất thường xuyên », mang tính chất một phần của hoạt động hải quân thông thường, trái với thời Obama là mỗi chiến dịch đề xuất đều mang tính chất cá biệt, « làm một lần rồi thôi », nhằm phản ứng lại một điều gì cụ thể mà Trung Quốc đã làm, do đó bị xem xét và phê duyệt kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian hơn để được chấp nhận.

Trong khuôn khổ kế hoạch mới được tổng thống Donald Trunp chấp thuận, Hạm Đội 7 Hoa Kỳ là nơi đề xuất chiến dịch tuần tra, đề nghị này được chuyển lên theo hàng dọc, lần lượt đi qua Hạm Đội Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc, và sau đó đến Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Lầu Năm Góc cũng sẽ chuyển yêu cầu qua bộ Ngoại Giao cùng lúc với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, để đảm bảo rằng chiến dịch sẽ không tác hại tới một hoạt động ngoại giao nào đó.

Theo ông Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu về quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu National Interest, việc tiến hành thường xuyên, đều đặn các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông là một điều tốt, để cho Trung Quốc biết rằng « Hoa Kỳ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép, cũng giống như Bắc Kinh, khi họ tiến hành các hoạt động quanh đảo Guam, Hawaii hoặc gần Alaska ».

Chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng được Quốc Hội Mỹ ủng hộ, thậm chí vào tháng Năm vừa qua, một nhóm thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng còn công khai bày tỏ lo ngại trước sự kiện từ tháng 10 năm ngoái đến lúc đó, Mỹ đã không làm một cuộc tuần tra nào ở Biển Đông.

Giải thích về việc tại sao trước tháng Năm, bộ Quốc Phòng Mỹ đã bác bỏ mọi đề nghị tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, quan chức Mỹ nói trên giải thích là vào thời điểm đó, bộ trưởng Mattis không muốn phê duyệt các chiến dịch riêng lẻ, mà muốn chờ có được kế hoạch tổng thể.

Kế hoạch đã được thông qua, và chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông đầu tiên thời tổng thống Trump đã được tung ra ngày 24/05, với khu trục hạm USS Dewey tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn (Mischief) ở Trường Sa. Qua ngày 02/07, đến lượt tàu khu trục USS Stethem áp sát đảo Tri Tôn tại Hoàng Sa. Đến ngày 06/07, hai oanh tạc cơ B-1B Lancer đã bay tuần tra ngang không phận Biển Đông và Biển Hoa Đông. - RFI
|
|

4.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm Philippines trước thượng đỉnh ASEAN

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, vào ngày 25 tháng 7 tới đây sẽ sang thăm Philippines, chỉ 10 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại nước này.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết như vừa nêu vào ngày 21 tháng 7; theo đó Manila và Bắc Kinh sẽ ký kết một Biên bản Ghi nhớ nhân chuyến thăm của ông Vương Nghị sắp tới. Tuy nhiên cơ quan ngoại giao này của chính phủ Manila không cho biết cụ thể hai phía ghi nhớ về điều gì.

Sau đó từ ngày 5 tháng 8, Philippines, nước chủ nhà của ASEAN năm nay, sẽ chủ trì những hội nghị cấp cao trong đó có Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Ngoài những bộ trưởng ngoại giao của 10 nước ASEAN, đại diện các quốc gia đối tác của khối này cũng đến tham dự. Đó là các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.

Trung Quốc muốn duy trì động lực từ kỳ họp ASEAN vào tháng tư vừa qua khi mà tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong thông cáo của nước hiện là chủ tịch ASEAN năm nay, khen ngợi mối quan hệ được cải thiện giữa khối này với Trung Quốc. Lúc đó ông Duterte bỏ qua chỉ trích hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mang tính chiến lược và công tác quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.

Kể từ khi lên nhậm chức vào giữa năm ngoái, tổng thống Rodrigo Duterte đẩy mạnh quan hệ với phía Trung Quốc. Hai phía tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao mà dưới thời của vị tiền nhiệm Benigno Aquino hiếm thấy diễn ra.

Vụ kiện đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông được Philippines khởi sự dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino.

Vào tháng 10 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA ở La Haye ra phán quyết có lợi cho Manila. Tuy nhiên, đương kim tổng thống Rodrigo Duterte tỏ ra mong muốc gác phán quyết đó qua một bên nhằm tìm kiếm hỗ trợ kinh tế từ phía Trung Quốc.

Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với 4 quốc gia thuộc khối ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. - RFA
|
|

5.
Xì căng đan cản nỗ lực của Thủ Tướng Abe xét lại Hiến pháp chủ hòa Nhật

Mức ủng hộ dành cho Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang giảm sút, và sự thất bại của đảng của ông trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo mới đây, đã tác động tới mục tiêu bấy lâu của ông, là tái xét hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, cho dù ông vẫn nắm trọn quyền hành trong tay, tại thời điểm này.

Nhà phân tích an ninh khu vực Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo nói:

“Tôi không biết liệu nỗ lực này đã chết chưa nhưng ít ra rất khó để xảy ra so với cách đây vài tuần lễ.”

Xì căng đan

Cho tới hồi gần đây, ông Shinzo Abe, người lên nắm quyền từ năm 2012, vẫn được ủng hộ rộng rãi, phần lớn nhờ những biện pháp cải cách kinh tế có lợi cho kinh doanh của ông để vực dậy một nền kinh tế trì chậm từ lâu.

Đảng Dân chủ Tự do (LPV) theo trường phái bảo thủ của ông và liên minh cầm quyền cũng nắm thế đa số tại lưỡng viện quốc hội Nhật Bản, người Nhật gọi là Diet.

Nhưng mức ủng hộ rộng rãi dành cho nhà lãnh đạo Nhật Bản mới đây đã sụt giảm xuống còn 36% trong một cuộc thăm dò toàn quốc vì những cáo buộc rằng ông đã giúp một người bạn được quyền sử dụng đất miễn phí cùng với giấy phép để thành lập một trường thú y, và tin tức theo đó vợ ông đã bí mật đóng góp tài chính cho một trường mầm non có tinh thần dân tộc cực đoan bị tố cáo là cổ vũ cho nạn kỳ thị chống người Trung Quốc và Triều Tiên.

Thủ Tướng Abe bác bỏ những lời tố cáo đó, nhưng nhận thức về nạn bè đảng và tham nhũng đã làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của ông trước con mắt công chúng.

Koichi Nakano, Giáo sư môn Khoa học Chính trị của Đại học Sophia ở Tokyo nói:

“Lý do số 1 tại sao ông Abe không được ủng hộ nữa là bởi vì người ta thấy ông không đáng tin cậy.”

Trưng cầu dân ý về hiến pháp

Công chúng Nhật Bản vẫn chia rẽ về đề nghị của ông Abe muốn sửa đổi Điều 9 trong hiến pháp hậu Thế chiến thứ Hai, cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế có liên quan tới nhà nước.

Phe bảo thủ muốn nới lỏng những hạn chế đối với quân đội để chống trả những mối đe dọa tiềm tàng từ các nước như Trung Quốc và Bắc Hàn, là những nước đang tăng cường các khả năng quân sự và hạt nhân của họ.

Hoa Kỳ ủng hộ Nhật đóng một vai trò nổi bật hơn để duy trì an ninh khu vực.

Những người ủng hộ hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản thì lập luận rằng hủy bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ lực quân sự sẽ khiến Nhật Bản vướng mắc vào các cuộc xung đột quốc tế, mà phần lớn là để hậu thuẫn đồng minh Hoa Kỳ.

Trung Quốc và các nước khác ở Châu Á từng chịu đựng nhiều gian khổ khi bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế Chiến thứ Hai, cũng phản đối bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản.

Đề xuất của ông Abe là một thỏa hiệp để duy trì Điều 9 Hiến pháp, từ bỏ quyền phát động chiến tranh, nhưng sẽ ghi thêm một điều khoản nhằm hợp pháp hóa Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.

Một số nhà phân tích quân sự nói rằng những thay đổi hiến pháp do ông Abe đề xuất chỉ là những thay đổi nhỏ, họ cũng kêu gọi tăng chi tiêu quân sự một cách đáng kể để Nhật Bản có thể đối phó với các mối đe dọa đang ngày càng tăng trong khu vực.

Vào tháng 5, ông Abe nói ông muốn thông qua một tu chính án để sửa đổi Điều 9 trong hiến pháp trước năm 2020.

Liên minh cầm quyền của ông có thể đoạt 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để thông qua đề nghị sửa đổi hiến pháp. Nhưng muốn đổi hiến pháp cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc, với đa số phiếu ủng hộ biện pháp này, điều mà giờ khó có thể trở thành hiện thực, xét tỷ lệ ủng hộ Thủ Tướng Abe đang sút giảm theo các cuộc thăm dò công chúng.

Ông Newsham nói:

"Theo tôi, cơ may thành công của ông Abe tại thời điểm hiện không mấy tốt. Và ông sẽ phung phí một số vốn chính trị, nếu ông muốn xem đó như mục tiêu hàng đầu của ông. Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm."

Đối thủ chính trị

Sau chiến thắng của đảng Tomin First No Kai (còn gọi là Tokyoites First) của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, đánh bại đảng LDP của ông Abe trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố hồi tháng 7, bà Koike được nhiều người xem như một đối thủ đang nổi lên trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.

Đảng của Thống đốc Koike giành được 79 trong tất cả 127 ghế tại hội đồng địa phương, giảm số ghế của đảng LDP từ 57 xuống còn 23 ghế.

Thống đốc Koike là một cựu Bộ trưởng Quốc phòng của đảng LDP, bà ủng hộ các chính sách bảo thủ về an ninh quốc gia và kinh tế.

Đảng Dân chủ đối lập theo đường lối tự do đã nắm giữ quyền lực từ năm 2009 đến năm 2012, nhưng đã không đạt được bất kỳ thành tựu chính trị quan trọng nào – bất chấp những vụ tai tiếng mà ông Abe bị cáo buộc, và lập trường gây tranh cãi của ông Abe ủng hộ một lực lượng quân sự chủ động và ủng hộ năng lượng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima hồi năm 2011.

Ông Rudd Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại tại Đại học Temple, Tokyo nói: "Phe đối lập gần như đã chết, vì vậy đối với các mục đích thực tế, chẳng có gì khác.

Mãi cho đến gần đây, ông Abe được dự đoán sẽ thắng cử để có thêm một nhiệm kỳ ba năm thứ ba, để lãnh đạo đảng LDP và tiếp tục giữ chức thủ tướng, nhưng khả năng đó không còn chắc chắn.

Các nhà phân tích cho rằng trong tình hình chính đảng của ông vẫn chiếm đa số lớn tại Quốc hội cho tới cuộc bầu cử năm 2018, vị trí của Thủ Tướng Abe không gặp nguy cơ trong tức thòi, mặc dù chính phủ của ông có thể gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự bảo thủ của ông. - VOA
|
|

6.
Nhà ngoại giao cấp cao Venezuela ở LHQ từ chức để phản đối TT Maduro

Một nhà ngoại giao cấp cao của Venezuela tại Liên hiệp quốc từ chức để phản đối điều ông nói là chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đàn áp thường dân, “nhà nước khủng bố” và vi phạm hiến pháp.

Trả lời hãng thông tấn AP tối 20/7, ông Isaias Medina gọi Venezuela là một “nhà nước sụp đổ,” và nói rằng đó là “một chính phủ vô dụng và người độc tài Maduro không được phép cầm quyền.”

Ông Medina, một luật sư quốc tế chuyên về các vấn đề môi trường, trước đó là tham tán công sứ của phái bộ ngoại giao Venezuela ở Liên hiệp quốc, kêu gọi ông Maduro “rời khỏi chức vụ để một chính quyền khác lên cầm quyền.”

Trong khi đó, Đại sứ Venezuela ở Liên hiệp quốc nói ông Medina bị cách chức vì hành động không trung thực.

Tại các thành phố trên cả nước Venezuela hôm thứ Năm 20/7, cây cối, dây thép, rác, bàn ghế đồ dùng biến thành chướng ngại vật trên đường phố khi người dân nước này hưởng ứng lời kêu gọi đình công chống chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại nhiều nơi. Các nhóm người trẻ đeo mặt nạ nổi lửa đốt một số rào cản và ném gạch đá vào cảnh sát cơ động. Cảnh sát đã bắn trả bằng hơi cay.

Một thanh niên 24 tuổi thiệt mạng và 3 người bị thương sau khi bạo động nổ ra trong một cuộc biểu tình ở ngoại ô Caracas.

Người biểu tình còn nổi lửa đốt một chốt canh của cảnh sát. Nhiều người bị cảnh sát bắt giữ.

Trụ sở chính của đài truyền hình nhà nước VTV bị ném đá.

Cuộc đình công 24 giờ này có nghĩa là cả nước không chấp thuận kế hoạch của Tổng thống Maduro lập hội đồng hiến pháp để sử đổi hệ thống chính trị của Venezuela nhằm cho phép đảng đương quyền nắm quyền kiểm soát nhiều định chế hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Phe đối lập tẩy chay cuộc bầu chọn đại biểu quốc hội ngày 30 tháng 7.

Ông Maduro nói trên đài truyền hình quốc gia rằng ông sẽ tiến hành kế hoạch sửa đối hiến pháp và cho biết hàng trăm công ty lớn nhất nước vẫn hoạt động hết công suất bất chấp cuộc đình công. Tuyên bố của ông Maduro chưa được xác nhận.

Tình trạng bạo động và biểu tình chống chính phủ 4 tháng qua đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, hàng trăm người bị giam tù và nền kinh tế suy thoái sang năm thứ tư lại càng bị nhiều thiệt hại.

Sau khi cuộc đình công chấm dứt vào sáng sớm thứ Sáu, quốc hội do phe đối lập nắm giữ dự tính sẽ bổ nhiệm tám thẩm phán mới cho Tòa án Tối cao, thay thế tám thẩm phán bị Mỹ chế tài vì vai trò của họ trong kế hoạch tước bỏ quyền lực của quốc hội. Có phần chắc chính phủ của ông Maduro sẽ không công nhận các thẩm phán mới.

Phe đối lập còn kêu gọi dân chúng Venezuela xuống đường vào thứ Bảy để bày tỏ ủng hộ đối với các thẩm phán mới. - VOA
|
|

7.
Căng thẳng biên giới: Ấn Độ tố cáo Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng

New Delhi vào hôm qua, 20/07/2017 đã tố cáo Bắc Kinh đơn phương áp đặt luật chơi tại vùng ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, bất chấp một thỏa thuận năm 2012. Đây là nơi quân đội Ấn-Trung đang gườm nhau từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, Ấn Độ cho biết sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc, nếu cả hai bên rút lực lượng của mình ra khỏi khu vực.

Vùng đang có căng thẳng là cao nguyên Doklam, thuộc lãnh thổ Bhutan nhưng Trung Quốc cho là của họ. Vào tháng trước, khi Trung Quốc đưa quân vào xây dựng một con đường đi vào khu vực, Bhutan đã cầu cứu đồng minh Ấn Độ, và New Delhi đã điều quân từ bang Sikkim lân cận ở miền đông bắc Ấn qua giúp Bhutan.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách phong tỏa một đường đèo gần đấy vốn được khách hành hương Ấn dùng để đến núi Kailash, một thánh địa Ấn Độ Giáo và Phật Giáo tại Tây Tạng, và đòi Ấn Độ phải rút quân đi.

Phát biểu tại Quốc Hội Ấn Độ, ngoại trưởng Ấn Sushma Swaraj đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh khi nhắc lại rằng một thỏa thuận năm 2012 với Trung Quốc đã buộc cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ là phải giải quyết vấn đề biên giới với Bhutan.

Theo bà Swaraj, lực lượng Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tiến vào khu vực tranh chấp với máy ủi đất và máy xúc với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng có thể làm thay đổi nguyên trạng. Đối với ngoại trưởng Ấn, « Nếu Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng của vùng ba biên giới, điều đó sẽ trở thành một vấn đề cho an ninh của Ấn Độ ».

Xác nhận rằng Trung Quốc đã yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi khu vực, bà Swaraj cho rằng « Nếu Trung Quốc muốn thảo luận vấn đề này, thì cả hai bên phải cùng rút quân đi và đối thoại ».

Ngoại trưởng Ấn Độ cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đang trở nên « hung hăng » với Bhutan sau khi nước phản đối hành động của Bắc Kinh.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh theo đó việc Ấn Độ rút lực lượng biên phòng của mình về lãnh thổ Ấn Độ là « điều kiện tiên quyết và nền tảng cho mọi cuộc đàm phán thực chất giữa Trung Quốc và Ấn Độ ». Ông Lục Khảng tiếp tục tố cáo lính biên phòng Ấn Độ là đã « xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Trung Quốc ».

Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc khủng hoảng Ấn-Trung dự kiến ​​sẽ được thảo luận khi Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Ấn Độ Ajit Doval ghé Bắc Kinh vào ngày 27-28 tháng 7 để tham dự một diễn đàn an ninh của nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. - RFI
|
|

8.
Trung Quốc: Tổng đài điện thoại toàn quân nhân nữ để phục vụ đường dây đỏ

Nhật báo Quân Giải phóng (PLA Daily) của Trung Quốc vừa tiết lộ hoạt động của Tổng đài 'Điện thoại Đỏ' phục vụ 3.000 quan chức cao cấp nhất trong bộ máy quân sự và Đảng Cộng sản.

Có từ thời Mao Trạch Đông, mạng điện thoại này được mã hoá để chỉ có hai người ở hai đầu dây nghe được nhằm bảo mật tối đa.

Các máy điện thoại đỏ này không có số và bàn phím mà chỉ nối thẳng từ người gọi đến người nhận.

Người gọi chỉ việc nhấc ống nghe và nói tên người mình muốn đối thoại và tổng đài sẽ nối trực tiếp hai máy.

Nhưng cũng vì tính bảo mật cao, toàn bộ 3.000 số điện thoại của các lãnh đạo Trung Quốc, từ cấp cao nhất là Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch Quân ủy TW, Tập Cận Bình đến các cấp lãnh đạo tỉnh, được ghi nhớ bởi các nữ nhân viên tổng đài bằng cách thuộc lòng.

Họ cũng phải nhận ra giọng của các lãnh đạo cao nhất nước và hiểu được khẩu ngữ mọi vùng miền của Trung Quốc để kết nối máy thật nhanh.

Theo báo South China Morning Post từ Hong Kong hom 21/07/2017 trích lại trang PLA Daily thì đây là một tiết lộ hiếm có về cách vận hành của hệ thống thông tin liên lạc nội bộ Trung Quốc đã có 57 năm nay.

Đơn vị phụ trach tổng đài đỏ này đóng ở Tây Bắc Kinh, hoạt đọng 24/7 và do toàn các nữ quân nhân Trung Quốc phục vụ .

Họ được huấn luyện để tốc ký 150 Hán tự một phút và làm việc theo ca kíp với một số luôn túc trực tại khách sạn quân đội trong khu vực bí mật ở Bắc Kinh. - BBC
|
|

9.
Kinh tế Bắc Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất từ 17 năm qua

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc hôm nay 21/07/2017 khẳng định, nền kinh tế Bắc Triều Tiên trong năm 2016 đã tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ 17 năm qua, chủ yếu do xuất khẩu gia tăng.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Bắc Triều Tiên đã tăng 3,9% trong năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1999 đến nay.

Bình Nhưỡng không bao giờ công bố các số liệu thống kê chính thức về kinh tế, và ước lượng của BOK dựa trên các dữ liệu tổng hợp của các tổ chức công và tư Hàn Quốc. Theo đó, khoáng sản vốn chiếm 12,6% GDP của Bắc Triều Tiên, đã tăng 8,4% trong năm 2016 ; công nghiệp nặng và hóa chất tăng 6,7%. Tổng lượng hàng xuất khẩu tăng 4,6%, chủ yếu nhờ vào khoáng sản.

Bị Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt vì chương trình nguyên tử và đạn đạo, Bình Nhưỡng lệ thuộc nhiều vào Bắc Kinh, chủ yếu xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc. và nhập khẩu nhiên liệu từ nước láng giềng khổng lồ. Hồi tháng Hai, Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, nhưng tiếp tục mua các loại nguyên liệu như quặng sắt.

GDP của Bắc Triều Tiên gia tăng còn nhờ vào khu vực tư nhân ngày càng được thả lỏng, và sự xuất hiện của các doanh nghiệp nhỏ chuyên buôn bán thực phẩm, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Sự « tự do hóa » tương đối này nhằm ngăn ngừa thảm họa nạn đói từng xảy ra vào cuối thập niên 90.

Tuy nhiên hôm nay tổ chức Lương Nông Thế Giới (FAO) cảnh báo Bắc Triều Tiên có nguy cơ bị thiếu lương thực trầm trọng, do hạn hán lớn nhất từ 15 năm qua. Lượng mưa từ tháng Tư đến tháng Sáu tại các vùng nông nghiệp chính thấp hơn hẳn so với mức trung bình, làm thiệt hại nhiều vụ mùa. - RFI
|
|

10.
Dân Ba Lan xuống đường chống cải tổ Tối Cao Pháp Viện

Hàng chục ngàn người Ba Lan tối qua, 20/07/2017, đã biểu tình trên toàn quốc sau khi Quốc Hội thông qua đạo luật cải cách Tối Cao Pháp Viện. Trước đó Liên Hiệp Châu Âu đã đe dọa trừng phạt, vì lo ngại cho tính độc lập của tư pháp Ba Lan.

Đây là đạo luật thứ ba được thông qua chỉ trong vòng một tuần, trong khuôn khổ một cuộc cải cách tư pháp lớn, và mỗi lần như vậy chính quyền bảo thủ của đảng PiS (Pháp luật và Công lý) lại có quyền kiểm soát rộng rãi hơn đối với tư pháp. Phe đối lập cho đây là « một vụ đảo chính », và hồi kết của tam quyền phân lập.

Từ Vácxava, thông tín viên RFI Damien Simonart tường thuật :

« Trước Phủ tổng thống, những người biểu tình hô vang « Chúng tôi muốn phủ quyết ». Thông điệp này dành cho thủ tướng Andrzej Duda, nhân vật duy nhất có thể ngăn chận cuộc cải cách lớn này của tư pháp. Nhưng trong đám đông có những người không tin vào điều đó.

Ông Wlodzimierz, khoảng 50 tuổi, cho biết : « Tôi đi biểu tình chỉ để cho lương tâm được yên ổn ». Tương tự đối với Barbara, đang cầm một lá cờ Ba Lan : « Tôi không hy vọng gì, nhưng nghĩ rằng chỗ đứng của mỗi người Ba Lan yêu nước và chừng mực là ở đây ».

Trong số những người biểu tình, đa số đã sống qua thời kỳ cộng sản. Đó là trường hợp của Edward. Ông nói : « Tôi đã từng phục vụ trong quân đội vào thời kỳ thiết quân luật ( 1981-1983 ). Hồi đó cuộc sống khó khăn lắm, và tôi không muốn lại sống trong tình trạng tương tự ».

Tại Ba Lan, Tối Cao Pháp Viện có trách nhiệm công nhận kết quả bầu cử. Những người chủ trương tự do sợ rằng với việc cải cách, những cuộc bầu cử sau này sẽ bị gian lận. Đối với Agnieszka, tình hình thật khủng khiếp. Bà nói : « Chúng tôi sống trong một nước châu Âu dân chủ. Với rất nhiều nỗ lực, Ba Lan đã giành được độc lập và tất cả đã bị phá hủy trong vòng hai năm. Điều đáng buồn nhất là chính chúng tôi là những người chịu trách nhiệm đầu tiên ».

Tia hy vọng còn lại là các đảng đối lập đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Đó là cơ hội duy nhất để đánh bại đảng PiS cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2019". - RFI
|
|

11.
Tổng đình công toàn quốc tại Venezuela

Hôm qua, 20/07/2017, chỉ vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đòi hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, phe đối lập Venezuela kêu gọi một cuộc tổng đình công trên toàn quốc trong vòng 24h nhằm gây sức ép, đòi truất phế tổng thống Nicolas Maduro, tổ chức bầu cử tổng thống mới và phản đối thành lập Quốc Hội Lập Hiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của phe đối lập, cuộc tổng đình công đã diễn ra trên khắp cả nước, nhất là ở thủ đô Caracas : nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đóng cửa, giao thông tê liệt.

Từ Caracas, thông tín viên RFI Julien Gonzalez cho biết thêm chi tiết:

" Đối với phe đối lập, không còn gì phải nghi ngờ, cuộc tổng đình công đã thành công. Theo phó chủ tịch Quốc Hội, cuộc tổng đình công đã diễn ra với quy mô 85% trên toàn quốc. Kết quả là, phó chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh, 85% các cơ sở thương mại đã đóng cửa vào ngày thứ Năm, 85% phương tiện giao thông công cộng ngưng hoạt động trong cả nước. Ngay từ 6 giờ sáng, tại nhiều khu phố ở thủ đô, nhiều cửa hàng đã đóng cửa, nhất là ở phía nam và đông Caracas. Trong khi đó, nhiều xa lộ bị chặn bởi các chướng ngại vật.

Mục tiêu của cuộc đình công quy mô lớn đầu tiên do phe đối lập phát động tuần này là gia tăng sức ép lên tổng thống Nicolas Maduro, từ nay cho tới ngày 30/07, ngày mà chính quyền chọn để tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến. Vì thế, phe đối lập thông báo những ngày sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn và cần chuẩn bị kỹ càng mọi chuyện, từ tinh thần tới thể lực và nhân lực.

Về phía tổng thống, ông Maduro cũng chống đỡ và không chịu lui bước. Hôm qua, trước lời kêu gọi đình công của phe đối lập nhằm làm tê liệt đất nước, tổng thống khẳng định người dân Venezuela vẫn làm việc bình yên và vui vẻ." - RFI
|
|

12.
Tòa Thái Lan sẽ tuyên án cựu thủ tướng Yingluch vào tháng tới

Tòa tối cao Thái Lan sẽ ra phán quyết đối với vụ án cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 25 tháng 8. Mức án được tuyên có thể lên đến 10 năm tù giam.

Hãng tin AFP vào ngày 21 tháng 7 loan tin rằng Tòa Tối cao cho biết vào ngày 1 tháng 8 sắp tới bản thân bà Yingluck có thể tự bào chữa để rồi mức án giành cho bà được tuyên vào ngày 25 tháng 8.

Bà Yingluck bị cáo buộc là thiếu trách nhiệm không ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong việc thực hiện chính sách trợ giá gạo, làm thất thoát hàng tỉ đô la ngân sách. Những người ủng hộ bà Yingluck cho biết vụ án này do chính quyền quân sự đã lật đổ bà năm 2014 dựng nên với quyết tâm xoá sổ hoàn toàn gia tộc giàu có của bà khỏi chính trường Thái Lan.

Không chỉ bà Yingluck mà anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đều là những mục tiêu mà chính quyền quân sự muốn triệt hạ. Ông Thaksin, bị truất quyền thủ tướng trong một cuộc đảo chánh năm 2006 và trốn khỏi Thái Lan vì những cáo buộc tham nhũng.

Vào ngày 21 tháng 7, bà Yingluck xuất hiện trước tòa với chừng 500 người ủng hộ bà mang theo hoa hồng và bong bóng. Bà này đã khóc trước tình cảm mà những người đến ủng hộ dành cho bà. - RFA
|
|

13.
Người Mỹ gốc Á vẫn thua sút trong vai trò lãnh đạo ngành luật

Dù người Mỹ gốc Á là nhóm dân thiểu số tăng trưởng nhanh nhất trong ngành luật và hiện diện đông đảo trong những trường luật hàng đầu cũng như những công ty luật lớn ở Mỹ, song họ thua kém tất cả những nhóm sắc dân khác trong việc vươn tới những vị trí lãnh đạo của ngành dù là hành nghề tư nhân, làm việc cho chính phủ hay hoạt động trong lĩnh vực học thuật.

Đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Luật Yale và Hiệp hội Luật sư Người gốc Á Thái Bình Dương Quốc gia vừa công bố hôm thứ Ba. Báo cáo này - dựa trên một cuộc khảo sát, những cuộc trò chuyện với những nhóm nhỏ biểu trưng, và phân tích thông tin có sẵn - được mô tả là cái nhìn toàn diện đầu tiên về người Mỹ gốc Á trong ngành luật.

“Tăng trưởng của người Mỹ gốc Á trong ngành luật vẫn gây ấn tượng nhưng sự thâm nhập hàng ngũ lãnh đạo của họ vẫn còn chậm,” Goodwin Liu, Thẩm phán Tòa án Tối cao Bang California và là đồng tác giả của nghiên cứu này, nói với báo The Washington Post.

Cụ thể, người Mỹ gốc Á chiếm 10 phần trăm số sinh viên tốt nghiệp tại các trường luật hàng đầu của đất nước mặc dù họ chỉ chiếm 6 phần trăm dân số Mỹ. Nhưng chỉ có 3 phần trăm ngành tư pháp liên bang và 2 phần trăm thẩm phán cấp bang là người Mỹ gốc Á, nghiên cứu cho thấy.

Trong số 94 công tố viên liên bang Hoa Kỳ chỉ có ba người là người Mỹ gốc Á. Và chỉ có bốn trong số 2.437 công tố viên được bầu chọn là người Mỹ gốc Á.

Trong lĩnh vực tư nhân, người Mỹ gốc Á vẫn là nhóm dân thiểu số lớn nhất làm việc trong các công ty luật lớn trong gần hai thập niên, chiếm 7 phần trăm tổng số luật sư. Nhưng họ có tỉ lệ rời bỏ công ty cao nhất và tỉ số đối tác-cộng sự thấp nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc nào.

"Người Mỹ gốc Á có thành tích cao khi cạnh tranh và tuyển chọn với những thước đo khách quan" như điểm thi LSAT (kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh trường luật ở Mỹ) và điểm số. "Nhưng khi tuyển chọn bắt đầu bao gồm những yếu tố vô hình như thăng chức thì họ rơi rụng khỏi tầm ngắm."

Ông Phan Quang Tuệ, một trong số rất ít những thẩm phán người gốc Á phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco ở bang California, nói ông không ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu này.

“Lớp thứ hai và lớp Á Châu học ở những trường lớn ra, họ đi theo một con đường đã vạch sẵn rồi,” vị thẩm phán đã hồi hưu đưa ra nhận định cá nhân với VOA về thế hệ người gốc Á sinh trưởng tại Mỹ. “Thường là họ không quyết liệt và không sáng tạo, tức là họ đi tìm sự ổn định chứ không dám liều lĩnh.”

Ông Tuệ nói tư tưởng “người mở đường” là động lực thôi thúc ông rời bỏ chức vụ trợ lý tổng chưởng lý cấp bang, một công việc mà ông mô tả là ổn định, ở thành phố Des Moines bang Iowa thuộc vùng trung tây vào năm 1988 để chuyển sang thành phố San Francisco, nơi ông sau này vươn lên làm thẩm phán di trú cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Eric Chung, sinh viên 24 tuổi tốt nghiệp Trường Luật Yale và là đồng tác giả của nghiên cứu, lưu ý một đặc điểm khác nữa của người Mỹ gốc Á khiến họ tụt khỏi những vị trí lãnh đạo.

“Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, cách hành xử truyền thống là cứ lẳng lặng làm việc thật chăm chỉ, không coi trọng sự quen biết bằng nỗ lực của bản thân,” anh Chung nói với The Washington Post. “Nhưng trong một xã hội mà rất nhiều thứ lệ thuộc vào những mối quan hệ xã giao này, điều đó có lẽ chưa đủ.”

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Tuệ nói rằng ông thấy rõ những mối quan hệ quen biết rất quan trọng để giúp ông vươn lên vị trí mà ông từng nắm giữ, một phần vì bộ máy quan liêu khổng lồ ở Washington.

Ông nói thêm:

“Những công chức quan liêu đi trước, thường khi ở trường luật ra, những trường Ivy League [nhóm những trường đại học danh giá nhất của Mỹ] xong rồi ra làm luật sư cho các công ty. Sau một thời gian họ tham gia một đoàn thể nào đó có những mối quan hệ quen biết thì làm cho Bộ Tư pháp hoặc làm thư ký cho tòa án. Những quan hệ như vậy người mình, sinh viên mình không có. Mình không [theo đuổi] quyết liệt. Và người Mỹ da trắng họ quen nhìn người Á Châu là cam chịu và ít khi đấu tranh cho lắm.”

Ông Liu, một trong những tác giả của nghiên cứu, nói những kết quả đảo ngược nhận thức về “thiểu số gương mẫu” gắn liền với người gốc Á. “Người ta cứ nghĩ người Mỹ gốc Á giỏi quá. Nhưng khi bạn nhìn vào hàng ngũ chóp bu, người Mỹ gốc Á không giỏi tí nào.” - VOA
|
|

14.
Đội tuyển Châu Phi mất tích sau cuộc thi Robot tại Mỹ

Sáu thành viên trong đội tuyển Burundi mất tích sau khi tham dự kỳ thi Robot quốc tế mới đây tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.

Cuộc thi Robot toàn cầu lần thứ nhất diễn ra từ ngày chủ nhật đến ngày thứ ba tuần này, thu hút gần 160 nước trên thế giới tham gia kể cả Việt Nam.

Cảnh sát Mỹ ngày 20/7 đăng tin lên các trang mạng xã hội, yêu cầu giúp tìm kiếm nhóm học sinh tuổi từ 16-18 trong khu vực thủ đô.

Tờ Washington Post tường thuật thông cáo của ban tổ chức rằng người hướng dẫn đoàn không tìm thấy 6 học sinh từ Burundi tới Mỹ tham dự cuộc thi với visa có thời hạn 1 năm.

Cảnh sát tìm cách liên lạc với cậu của một trong sáu em mất tích nhưng không được hồi đáp.

Nhóm mất tích gồm 4 nam và 2 nữ, theo nguồn tin cảnh sát.

Giới chức tòa đại sứ Burundi chưa bình luận về vụ việc.

Burundi là một nước nhỏ ở Đông Phi giáp với Tanzania, Rwanda, và Hồ Tanganyika. - VOA
|
|

15.
Động đất mạnh ở Hy Lạp, ít nhất 2 người chết, 100 người bị thương

Một trận động đất mạnh 6,7 độ xảy ra trên đảo Kos của Hy Lạp sáng sáng sớm thứ Sáu 21/7, làm ít nhất hai người thiệt mạng và 100 người bị thương.

Giới hữu trách Hy Lạp cho hay những người thiệt mạng là một du khách Thổ Nhĩ Kỳ và một du khác Thụy Ðiển, nhưng không cho biết danh tánh.

Ít nhất năm người bị thương nặng và được máy bay trực thăng đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện trên đảo Crete.

Trung tâm Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho hay tâm của cơn địa chấn nằm gần một địa điểm du lịch nổi tiếng được du khách Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ưu thích ở Biển Aegea, cách đảo Kos của Hy Lạp khoảng 16 kilômét về hướng đông và cách khu du lịch Bodrum nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 kilômét về hướng nam.

Giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ có hậu chấn, và cho biết không xảy ra thiệt hại đáng kể nào về người và tài sản ở Hy Lạp.

Các đội cứu hộ đang tìm kiếm những người bị kẹt trong nhà cửa bị sập đổ sau khi trận động đất xảy ra vào khoảng 1 giờ 30 sáng, giời địa phương.

Thị trưởng Giorgos Kyritsis của đảo Kos nói hầu hết những nhà cửa bị trận động đất này làm đổ sập được xây dựng đã lâu, trước khi có các quy định xây dựng đề phòng động đất.

Ông Kyritsis nói các nhà cửa bị đổ sập được xây dựng vào những năm 1930. Ông nói: “Hiện còn rất ít nhà cửa quá cũ như vậy trên đảo Kos. Hầu như tất cả nhà cửa và công trình hiện nay trên đảo được xây dựng có áp dụng quy định đề phòng động đất.”

Cảng chính của đảo Kos cũng bị thiệt hại. Một pháo được xây dựng vào thế kỷ thứ 14 trên cảng bị hư hại. Tháp của một đền thờ Hồi giáo cổ ở gần đó cũng bị hư hại.

Đây là trận động đất thứ hai xảy ra trong khu vực này trong năm nay mạnh trênh 6 độ, mức dộ có thể gây ra thiệt hai đáng kể.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong vùng hay xảy ra động đất. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

16.
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer từ chức --- Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện chuẩn thuận ứng viên giám đốc FBI

Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố từ chức sáng ngày thứ Sáu (21/07), sau khi nói với Tổng thống Trump rằng ông cực lực phản đối việc bổ nhiệm chuyên gia tài chính New York Anthomy Scaramucci cho vị trí Giám đốc truyền thông.

Trước đó, Tổng thống Trump đã chuẩn thuận ông Scaramucci cho vị trí này vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày. Theo một người liên quan trực tiếp đến vụ việc, ông Trump muốn ông Spicer tiếp tục ở lại Toà Bạch Ốc, tuy nhiên người cựu phát ngôn viên này đã từ chối, và cho rằng việc bổ nhiệm ông Scaramucci là một sai lầm lớn.

Ông Scaramucci vốn là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. - VOA

***
Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Mỹ hôm Thứ Năm đồng thanh chấp thuận ông Christopher Wray, người được Tổng Thống Donald Trump đề cử là giám đốc tương lai của Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) tiếp theo sau việc giải nhiệm cựu giám đốc James Comey.
Toàn thể 20 thành viên của ủy ban đều bỏ phiếu chấp thuận ông Wray, một luật sư chuyên bào chữa cho các công ty bị truy tố hay giới có địa vị trong xã hội, cũng từng là một phụ tá bộ trưởng tư pháp dưới thời Tổng Thống George W. Bush. Bước tới sẽ là cuộc bỏ phiếu của toàn thể Thượng Viện để chuẩn thuận việc đề cử ông Wray.

Ông Trump đề cử ông Wray hồi tháng qua sau khi bãi nhiệm ông Comey, giữa khi ông này đang chỉ huy cuộc điều tra của FBI xem các thành viên trong ủy ban tranh cử của ông Trump có đồng lõa với phía Nga để giúp ông đạt chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không.

Khi trả lời các câu hỏi của thành viên Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, ông Wray bày tỏ sự kính trọng đối với cả ông Comey lẫn điều tra viên đặc biệt Robert Mueller.

Ông Wray nói rằng cuộc điều tra mà ông Mueller đang tiến hành không phải là hành động “vạch lá tìm sâu” như Tổng Thống Trump thường nói. - nguoiviet
|
|

17.
Ông John McCain tuyên bố sẽ sớm trở lại Thượng viện

Thượng nghị sĩ John McCain ngày 20/7 tuyên bố sẽ nhanh chóng trở lại Thượng viện làm việc sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não.

Ông McCain, nay 80 tuổi, là một Thượng nghị sĩ kỳ cựu từng tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ nhưng thất cử. Ông được biết đến như một tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt, và độc lập về các vấn đề an ninh và quốc phòng, kể cả vấn đề Biển Đông.

Ông phát hiện ung thư não sau khi trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ cục máu đông phía sau mắt trái hồi tuần trước.

Trên Twitter, ông bày tỏ lòng cảm kích đối với sự ủng hộ, chia sẻ, động viên của mọi người và cam kết sẽ sớm trở lại Quốc hội.

Ông John McCain sống sót sau 5 năm bị giam cầm tại Việt Nam trong thời cuộc chiến Việt Nam. Ông bị bắt làm tù binh chiến tranh tại miền bắc Việt Nam, sau Hiệp định Paris 1973 ông được thả tự do.

Sau này, ông là một trong những nghị sĩ đi đầu thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Ông nội và thân phụ của ông đều từng là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ.

Ông đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật mắt tại tư gia ở Arizona. Chưa rõ khi nào ông trở lại Washington DC. - VOA
|
|

18.
Biện lý đặc biệt Robert Mueller trong tầm ngắm của Tổng thống Trump? --- Cử tri bỏ phiếu cho Trump ‘hối hận’? --- Bà Akie Abe tránh nói tiếng Anh với ông Trump?

Chính quyền của Tổng thống Trump đang có dấu hiệu muốn leo thang cuộc tấn công nhắm vào cuộc điều tra hình sự về việc Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ.

Các phụ tá của Tổng thống Trump được cho là đang điều tra toán công tố viên của biện lý đặc biệt Robert Mueller, để tìm những phương cách nhằm hạ uy tín của cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan tới nước Nga.

Toán công tố viên hùng hậu của ông Mueller và những cộng sự của họ đang xem xét xem liệu có bất cứ cố vấn nào của ông Trump tiếp tay với âm mưu của Nga nhằm gây gián đoạn cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái hay không.

Hôm thứ Năm 20/7, người phát ngôn Toà Bạch Ốc dường như không che dấu việc biện lý đặc biệt Mueller đang ‘trong tầm ngắm’ của ông Trump.

Bà Sarah Saunders phát biểu:

“Tôi không thể tiên đoán mọi việc có thể diễn ra trong tương lai, và những gì mà ông Mueller có thể làm mà sẽ buộc chính phủ phải hành động, nếu không thì là điều đáng chê trách. Cho nên tôi sẽ không bàn về những giả thuyết, tôi chỉ có thể nói về tình hình tại thời điểm này, ngày hôm nay.”

Báo chí dẫn các nguồn tin tường thuật rằng Tổng thống Trump hết sức bực dọc về ý niẹm rằng cuộc điều tra của ông Mueller có thể lan rộng tới các hoạt động tài chính của ông và gia đình ông.

Tờ The Washington Post tường thuật rằng ông Trump đã vấn ý các cố vấn về quyền của Tổng thống ân xá cho các phụ tá, cho người thân trong gia đình, và ngay cả cá nhân ông liên quan tới cuộc điều tra.

Trong một diễn tiến có liên quan, con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., cựu quản lý chiến dịch vận động tranh cử của ông, là Paul Manafort, và Jared Kushner, cố vấn cấp cao của Tổng thống và cũng là con rể của ông Trump, sẽ ra khai chứng vào tuần tới về cuộc gặp gỡ hồi năm ngoái với một luật sư người Nga, người đã cho biết là có trong tay những thông tin có thể phương hại tới uy tín của bà Hillary Clinton, và như thế sẽ giúp chiến dịch vận động của ông Trump.

Luật sư Nga cho biết bà sẵn sàng nói tất cả cho các nhà lập pháp Mỹ nghe về cuộc gặp gỡ này. - VOA

***
Cứ 8 người bỏ phiếu bầu ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì có 1 người cho biết có lẽ sẽ đổi ý nếu được làm lại từ đầu sau khi chứng kiến 6 tháng đầu đầy ‘xáo trộn’ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos.

Dù đa số cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump hôm 8/11/2016 cho biết họ kiên định ủng hộ ông, nhưng hậu thuẫn giảm sút đối với ông Trump nơi những cử tri cao tuổi, đa phần là da trắng, đang đề ra những rủi ro khả dĩ cho Tổng thống, người rất cần sự ủng hộ đông đảo để thúc đẩy các nghị trình được thông qua tại Quốc hội vốn đang bị chia rẽ sâu sắc và để được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì sau 4 năm.

Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện lần đầu tiên hồi tháng 5 và được tiến hành lần nữa trong tháng này.

Trong cuộc khảo sát tháng này, 12% cho biết nếu trở lại từ đầu, họ sẽ không bỏ phiếu cho Trump. 7% không có quyết định chính xác. 5% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng viên khác hoặc không đi bầu.

88% khẳng định cũng sẽ dồn phiếu cho Trump.

Những lý do khiến cử tri ‘nghĩ lại’ bao gồm sự thất vọng về những cam kết chưa thực hiện của ông Trump đối với di dân bất hợp pháp và thất bại của ông Trump chưa hàn gắn được bầu không khí đảng phái ở chính trường Mỹ.

Cuộc khảo sát ngày 11 và 12/7 được thực hiện qua mạng trên toàn nước Mỹ với 1296 người, trong đó có 541 cử tri ủng hộ ông Trump. - VOA

***
Các báo Mỹ và Nhật tìm hiểu vì sao Phu nhân Thủ tướng Nhật không nói câu tiếng Anh nào với ông Trump trong bữa tối gần hai giờ tại G20.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ bà Akie Abe, Phu nhân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là "phụ nữ tuyệt vời nhưng không nói được tiếng Anh".

Trong bữa tiệc tối của các lãnh đạo G20 tại Đức hồi đầu tháng này, ông Trump ngồi cạnh bà Abe và mô tả có "một rào cản ngôn ngữ" giữa hai người.

"Bà Abe là phụ nữ tuyệt vời nhưng không nói được tiếng Anh, không nói được câu "hello."

Nhưng bà Motoko Rich, trưởng văn phòng Tokyo của New York Times mô tả đó là "sự giả vờ" từ phía phu nhân thủ tướng Nhật Bản.

Một clip trên YouTube cho thấy bà Abe từng có bài phát biểu 15 phút bằng tiếng Anh tại một hội nghị năm 2014.

Người ta đang tìm hiểu lý do thật sự của việc bà Abe không nói gì với ông Trump trong suốt bữa tiệc.

Washington Post đưa ra giả định là có thể do khả năng Anh ngữ còn hạn chế nên bà Abe không nói gì để "tránh bị hiểu nhầm".

Báo này cho rằng thật là nhầm to nếu cho rằng Abe "không thể nói được một từ tiếng Anh".

Theo tiểu sử Phu nhân Thủ tướng Nhật đăng trên Japan Times, bà Akie Abe từng theo học một trường quốc tế ở Tokyo dạy học sinh nói tiếng Anh từ mẫu giáo, và sau đó làm cho Dentsu, công ty PR lớn nhất Nhật Bản.

Cũng liên quan đến ông Trump và phu nhân lãnh đạo nước ngoài, trong một khoảnh khắc hiếm hoi hôm 6/7 tại Warsaw, Ba Lan, ông Trump chìa tay ra định bắt tay bà Agata Duda, phu nhân tổng thống Andrzej Duda.

Nhưng bà Duda đã tiến thẳng đến bắt tay bà Melania Trump trước khi quay sang tổng thống Hoa Kỳ khiến nét mặt ông Trump bày tỏ sự hụt hẫng thấy rõ.

Ông Trump từng bị chỉ trích ví thái độ kỳ thị với phụ nữ từ nhiều năm trước. - BBC
|
|

19.
TT Trump quá thân mật với Nga khiến các cố vấn lo ngại

Thái độ quá thân mật với phía Nga đang khiến ông ngày càng có nhiều bất đồng ý kiến với các cố vấn an ninh quốc gia và ngoại giao, những người từ lâu nay vẫn kêu gọi ông cần phải cẩn thận hơn đối với đối thủ từ nhiều thập niên nay của Mỹ trên trường quốc tế.

Mối quan hệ không thoải mái này giữa tổng thống và các cố vấn được thấy rõ ràng hơn qua việc tiết lộ tuần này về cuộc nói chuyện kéo dài trong bữa ăn tối giữa Tổng Thống Trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp G-20 ở Đức mới đây.

Cuộc thảo luận, không được tiết lộ trước đó, diễn ra ít giờ sau cuộc gặp song phương chính thức, gây thêm lo ngại cho các cố vấn về cách hành xử của Tổng Thống Trump, vốn vẫn thường không giữ các quy tắc về quan hệ ngoại giao mà coi đây là những cơ hội để ‘làm deal’, như cách hành xử của các doanh gia.

Hiện đang có sự chia rẽ trầm trọng bên trong chính phủ Trump về phương cách tốt nhất để tiến tới với Moscow, giữa khi có các cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can dự vào bầu cử Mỹ hồi năm ngoái.

Một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump khuyến cáo ông phải thận trọng hơn, là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia H.R. McMaster.

Ông McMaster từng bày tỏ thái độ không đồng ý với cách ông Trump gặp gỡ các giới chức ngoại quốc, nhất là phía Nga, ngay từ trước cuộc họp thượng đỉnh ở Đức.

Ông McMaster và các phụ tá an ninh quốc gia khác cũng khuyến cáo tổng thống không nên có cuộc họp song phương với Putin.

Trong hành động hiếm thấy, ông McMaster không tham dự cuộc họp song phương với Putin. Trong cuộc họp này, về phía Mỹ chỉ có ông Trump, Ngoại Trưởng Rex Tillerson và một thông dịch viên.

Các cuộc họp có ảnh hưởng quan trọng với an ninh quốc gia như vậy thường có sự hiện diện của đông người hơn, gồm cả cố vấn an ninh quốc gia và một chuyên gia khu vực thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC).

Các nguồn tin thông thạo nói rằng phía Nga đề nghị có người ghi chép nội dung cuộc họp. Tuy nhiên, Tổng Thống Trump, do lo ngại có rò rỉ tin tức, bác bỏ điều này và thay vào đó yêu cầu ông Tillerson làm việc này. Cuộc họp mới đầu dự trù 30 phút, kéo dài tới hơn 2 giờ.

Về cuộc thảo luận ở bàn ăn với Putin, sự kiện có các cuộc nói chuyện không chính thức với giới lãnh đạo thế giới khi ăn tối không vi phạm nghi thức, nhưng là điều không bình thường và có thể là điều thất lợi cho ông Trump khi nói chuyện khoảng 1 giờ đồng hồ với Putin mà phải nhờ tới thông dịch viên của phía Nga.

Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, cho hay “thông dịch viên Nga có thể đã dịch rõ ràng, nhưng vấn đề ở đây là không có ai ghi chép lại cuộc nói chuyện này về phía Mỹ”.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng công chúng có thể sẽ không bao giờ biết điều gì được thảo luận giữa ông Trump và Putin trong bữa ăn tối đó. Tuy nhiên, các giới chức an ninh quốc gia, cả trước đây và hiện nay, cảnh cáo rằng việc coi bất cứ cuộc thảo luận nào với Putin là “nói chuyện chơi” sẽ là một lỗi lầm.

“Không hề có cuộc thảo luận nào gọi là ‘nói chuyện chơi’ giữa các tổng thống,” theo lời Jeffrey Edmonds, cựu giám đốc đặc trách Nga của NSC.

“Mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất vì can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, do đó thật là điều khó hiểu khi nói rằng cuộc gặp gỡ với Putin trong một giờ vào dịp ăn tối là điều không quan trọng,” ông Edmonds nói. - nguoiviet

|
|

20.
3,000 lính cứu hỏa đối phó cháy rừng Bắc California

Hơn 3,000 lính cứu hỏa hiện đang được huy động để đối phó với đám cháy rừng khổng lồ có tên là ‘Detwiler Fire”, gần khu lâm viên quốc gia Yosemite, vốn đã thiêu rụi khoảng hơn 70,000 acres, theo giới hữu trách hôm Thứ Năm.

Cơ quan chống cháy rừng Cal Fire của tiểu bang California cho hay cho tới nay có 71,000 acres bị thiêu rụi và đám cháy này, vốn khởi sự từ hôm Chủ Nhật tuần qua, đang lan ra nhanh chóng, hiện chỉ mới ngăn chặn được 10%.

Có 45 kiến trúc cũng bị phá hủy và sáu bị thiệt hại, với hàng trăm căn nhà và các kiến trúc khác bị đe dọa. Đám cháy này cũng gây nguy hại cho đường dây dẫn điện vào khu lâm viên quốc gia Yosemite, giới hữu trách cho biết thêm.

“Các lính cứu hỏa đang phải đối diện với nhiệt độ cao, các đám cỏ khô cằn, địa thế hiểm trở,” theo lời một phát ngôn viên Cal Fire, cho biết thêm là ngọn lửa “đang tiến gần tới các khu vực vô cùng giá trị về mặt văn hóa và lịch sử.”

Jeff Marshall, một chuyên gia về hỏa hoạn, cho tờ Los Angeles Times hay rằng các lính cứu hỏa nơi này phải đối phó với ngọn lửa cao khoảng 4 feet (chừng 1.2 m) và có khi bùng lên cao tới 25 feet (khoảng 7.62 m).

Giới hữu trách nói rằng khói bốc lên từ đám cháy này có thể nhìn thấy từ ở nơi xa tận Idaho và ảnh hưởng đến tầm nhìn và sức khỏe của người dân ở gần rặng Sierra Nevada, Yosemite cùng các khu dân cư ở chân đồi núi.

Cal Fire cho hay hiện có 3,175 lính cứu hỏa, 413 xe vòi rồng, 9 phi cơ và 14 trực thăng được huy động để dập lửa. Đám cháy rừng ‘Detwiler Fire’ hiện là một trong 37 đám cháy lớn nhất ở khoảng một chục tiểu bang vùng miền Tây nước Mỹ. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

21.
Dân Hải Dương đòi đóng cửa nhà máy dệt Pacific Crystal

Dân làng Việt Nam phong tỏa một nhà máy dệt lớn cung cấp vải cho các thương hiệu thời trang quốc tế, để đòi đóng cửa vĩnh viễn nhà máy này vì lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Hãng tin Reuters đưa tin, hàng trăm cư dân tỉnh Hải Dương từ tháng Tư đến nay đã lập lán trại, thay phiên nhau ngày cũng như đêm, phong tỏa nhà máy dệt Pacific Crystal, để đòi nhà máy này ngưng hoạt động. Pacific Crystal là do tập đoàn Pacific Textiles có trụ sở ở Hồng Kông điều hành.

Trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc phong tỏa có hãng thời trang UNIQLO của Nhật Bản.

Vụ phong tỏa nhà máy Pacific Crystal là thêm một thách thức khác nữa đối với chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam, liên quan tới nạn ô nhiễm do công nghiệp gây ra vào một thời điểm khi Việt Nam đang vận động đầu tư nước ngoài nhằm duy trì mức tăng trưởng kinh tế thuộc hạng cao nhất Đông Nam Á.

Khai trương năm 2015, nhà máy dệt Pacific Crystal tại Hải Dương là một liên doanh giữa tập đoàn Pacific Textiles Holdings Ltd. và tập đoàn sản xuất hàng may mặc Crystal Group. Được biết vốn đầu tư ban đầu là ít nhất 180 triệu USD.

Người dân địa phương cho biết từ năm ngoái họ bắt đầu ngửi thấy mùi hôi thối.

Ông Vũ Đình Vịnh, một cựu chiến binh nói: “Mùi thôi bốc lên rất khó chịu, hôi hám, không chịu nổi."

Ông Vịnh cho biết khi ông và những người khác đi kiểm tra, thì phát hiện ra mùi hôi từ nước thải của nhà máy.

Theo một thông báo trên trang mạng của chính quyền tỉnh Hải Dương hồi tháng Hai, công ty này đã bị phạt 672 triệu đồng vì xả thải độc hại ra môi trường trong tháng 12.

Báo Tuổi trẻ trích quyết định xử phạt cho biết công ty xả nước thải có 5 thông số vượt 10 lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải vào môi trường.

Hôm thứ Tư 19/7, khi một đoàn chính quyền địa phương ra thời hạn ba ngày để dân làng phải giải tán, dân nói họ sẽ không đi đâu cả.

Ông Bùi Văn Nguyệt, 70 tuổi, khẳng định: "Chúng tôi muốn trục xuất nhà máy này và không cho họ sản xuất nữa.”

Ông Eugene Cheng, Giám đốc bộ phận trách nhiệm xã hội của tập đoàn Pacific Textiles, nói với Reuters rằng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, công ty đã thực hiện các bước để ngăn chặn xả nước thải gây ô nhiễm.

Trong tuần, công ty Pacific Textiles cho biết họ đang chờ Ủy ban nhân dân và quản lý khu công nghiệp "giải tỏa cuộc phong tỏa".

Hãng thời trang Fast Retailing của Nhật Bản, chủ sở hữu nhãn hiệu UNIQLO, nói với Reuters rằng hãng sử dụng vải từ nhà máy này qua trung gian, và hiện đã chuyển sang sử dụng nguồn khác. Hãng này cho biết đã xác minh những bước mà công ty Pacific Crystal đã thực hiện để khắc phục tình trạng ô nhiễm do xả thải.

Hãng thời trang Fast Retailing tin rằng vụ tranh chấp đền bù giá đất với nông dân liên quan đến các điều khoản ban đầu của việc chuyển quyền sử dụng đất, và nói thêm rằng cả hãng và công ty Pacific Crystal đều không liên quan trong vụ tranh chấp này.

Người dân nói vụ tranh chấp với chính quyền địa phương về việc bán đất, đã diễn ra hơn một thập kỷ, là một vấn đề riêng biệt.

Ông Vịnh nói: "Đây là hoàn toàn là vấn đề ô nhiễm."

Công ty Pacific Textiles không cho biết công ty cung cấp vải cho khách hàng nào từ nhà máy này nhưng trang web của hãng cho biết họ có quan hệ với các thương hiệu như Calvin Klein và Victoria's Secret.

Nạn ô nhiễm ở Việt Nam đã gây nhiều chú ý trong dư luận kể từ năm ngoái, sau khi nhà máy thép Formosa Plastics xả thải gây cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung.

Chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường mới có thể tiếp tục sản xuất ở trong nước.

Nhưng mặt khác, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp cứng rắn để đàn áp các nhà vận động môi trường, những cuộc biểu tình của họ là phép thử đối với các giới hạn về luật nghiêm ngặt, hạn chế những lời chỉ trích và cố gắng duy trì trật tự công cộng.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được biết đến dưới bút danh Mẹ Nấm, một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam, trong tháng này bị tuyên án 10 năm tù giam về tội danh tuyên truyền chống nhà nước. - VOA
|
|

22.
Nhà thơ Nguyễn Duy: Chuyện Võ Thị Sáu toàn bịa đặt

Trang Facebook của Đoàn Dũng mới phổ biến một video clip dài năm phút, cảnh nhà thơ Nguyễn Duy và một số văn nghệ sĩ trò chuyện, trong đó Nguyễn Duy thuật lại những gì ông biết về nhân vật Võ Thị Sáu, một thần tượng do đảng Cộng Sản dựng lên.

Nhà thơ cười lớn tiếng đến nỗi phải đứng dậy khi nhắc đến những điều bịa đặt trong sách của Nguyễn Quang Sáng về “anh hùng Võ Thị Sáu.” Một chi tiết được hai người công khai nói ra là Võ Thị Sáu bị bệnh tâm thần từ thời rất trẻ.

Cuộc gặp mặt này có những nhà văn tên tuổi khác như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A (quay phim), nhà văn Lê Hoài Nguyên (tên thật là Thái Kế Toại) – cựu đại tá công an với chùm tóc bạc ngồi đối diện nhà thơ Nguyễn Duy. Đặc biệt, nữ diễn viên Mỹ Khanh, người đã đóng trong cuốn phim về Võ Thị Sáu cũng có mặt.

Điều đáng kể nhất là hai nhà văn trong cuộc gặp gỡ đã khẳng định bệnh tâm thần của Võ Thị Sáu, một người gọi là “bị chập” và người kia nói thẳng là “điên.” Đây là một sự thật đã được tiết lộ từ nửa thế kỷ nay, khi những “đoàn quân” phóng viên, nhiếp ảnh, và quay phim đi tới vùng Đất Đỏ nghiên cứu về “thần tượng” Võ Thị Sáu. Khi phỏng vấn dân địa phương, họ thường nghe các người già cả cùng thời bà Sáu hỏi: “Con Sáu Khùng phải không?”

Riêng nhà thơ Nguyễn Duy, ông thuật lại lời gia đình, thân nhân của Võ Thị Sáu cho biết cô bé này được giao nhiệm vụ ném lựu đạn giết một tên Tây lai đi mua thực phẩm cho đồn Tây, nhưng giết hụt vì hắn bữa đó không đi chợ. Cô Sáu vẫn ném lựa đạn vào chợ, rồi bị bắt, đưa ra Côn Đảo và xử tử hình.

Người thân của cô cho Nguyễn Duy biết, sau năm 1975, người Tây lai này trở lại Đất Đỏ đón bà mẹ người Việt gốc Hoa, và anh ta giúp đỡ cho vùng này rất nhiều (có thể hiểu là một cách hối lộ để đưa mẹ qua Pháp dễ dàng hơn). Sau năm 1975, tên đường Hiền Vương ở Sài Gòn đã bị đổi thành Võ Thị Sáu.

Bạn đọc có thể xem video tại đây: Clip “Sự thật về Võ Thị Sáu”

Sau khi video trên được phổ biến, rất nhiều lời bình phẩm đã xuất hiện. Một độc giả Em Ba Sàm viết: “Một thần tượng bị sụp đổ!” Cô Maria Lê Thị Châu viết: “Mình đã bị lừa mấy chục năm rồi huhu!”

Ông Bùi Văn Thái viết: “May quá dù sao chị Sáu còn có thật, không như Lê Văn Tám!” Lê Văn Tám là một nhân vật “anh hùng” hoàn toàn tưởng tượng được bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu bịa đặt ra, cuối đời ông Liệu đã thú nhận điều đó với Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Huy Lê.

Cũng có một hai người phản đối hành động phơi bày sự thật về Võ Thị Sáu, như Việt Hùng kết án rằng “Không thể bôi nhọ lịch sử như thế được.” Đối với nhiều người khác thì che giấu sự thật và bịa đặt thành tích mới là hành động bôi nhọ lịch sử.

Sau đoạn phim video, nhiều người bình luận chỉ vắn tắt: Chuyện này ai mà không biết (Nguyễn Ngọc Trai). Chuyện này cũng nhiều người biết (Van Thanh Trác). Vụ bà Sáu khùng này em cũng nghe đồn lâu lâu rồi mà nửa thực nửa tin. Bây giờ mới nghe chính thức (Man Minh).

Nhưng cũng có người, ký tên Đông Tà, đã cho in lại cả một bản văn minh xác viết trước đây nửa thế kỷ của một cán binh hồi chánh như sau:

Kiến Phong ngày 15 tháng 4 1967.

Kính thưa đồng bào cả nước. Tôi là Nguyễn Văn Bé, con ông Nguyễn Văn Hụi và Bà Lê Thị Ba, ở xã Kim Sơn, huyện Long Định, tỉnh Định Tường, trước đây thuộc đơn vị 860…, đơn vị vận tải miền Trung Nam Bộ, bị bắt ngày 30 Tháng Năm, 1966 tại kinh Cả Bèo, xã Mỹ Quý, thuộc tỉnh Kiến Phong.

Trước đây, mặt trận nói tôi ôm mìn nhảy vào xe thiết giáp M113 để hy sinh và phong tôi làm liệt sĩ Nguyễn Văn Bé, nhưng sự thật không đúng. Hiện nay tôi còn sống, ở miền Nam. Xin đồng bào cả nước khỏi lầm lẫn. - nguoiviet
|
|

23.
Việt Nam ‘trong tầm ngắm’ của du khách Trung Quốc

Từ nay đến 2020, người Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện 200 triệu chuyến du lịch, tăng 48% so với con số 135 triệu tour của năm ngoái. Các điểm đến hàng đầu của họ là Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc, và Nhật Bản, theo báo cáo vừa công bố ngày 20/7 của tập đoàn môi giới và đầu tư độc lập hàng đầu và lâu đời nhất tại Châu Á.

Đây là báo cáo thứ năm của CLSA về xu hướng du lịch của người Trung Quốc kể từ năm 2005 tới nay.

“Các yếu tố khiến người Trung Quốc du lịch nhiều hơn bao gồm có thêm được ngày nghỉ lễ, nới lỏng các giới hạn du hành, và mong muốn được trải nghiệm các hoạt động và các nền văn hóa khác nhau,”CLSA nói.

Việt Nam sẽ trở thành đích đến phổ biến với du khách Trung Quốc hơn cả Pháp, sau hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu gần đây.

Cuộc thăm dò hỏi ý kiến của 400 du khách quốc tế xuất xứ từ Trung Quốc tại 25 thành phố.

An toàn là yếu tố được du khách Trung Quốc cân nhắc đầu tiên, sau đó là giá cả và các cơ hội tham quan thắng cảnh.

Điều này khiến Việt Nam vượt lên soán ngôi của Pháp trong năm ngoái, chiếm vị trí thứ 10 trong top mười điểm du lịch được nhiều du khách Trung Quốc ghé thăm nhất.

Trong nửa đầu năm nay, 4,66 triệu du khách Trung Quốc đã vượt biên giới đường bộ sang Việt Nam du lịch, tăng gần 42% so với năm ngoái.

Bất chấp những lợi ích kinh tế về du lịch, đa số người dân Việt Nam không chuộng khách du lịch Trung Quốc vì cách hành xử thiếu văn minh, kém lịch sự của du khách Trung Quốc và một phần vì tình cảm bài Trung có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và sự chi phối của Trung Quốc đối với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. - VOA
|
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment