Sunday, July 16, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 16/7

Tin Thế Giới

1.
Hàng ngàn người Hồng Kông tuần hành tưởng niệm nhà ly khai Lưu Hiểu Ba --- Australia kêu gọi thả vợ ông Lưu Hiểu Ba

Tối qua, 15/07/2017, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã tham gia tuần hành tưởng niệm giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba. Ông là một trong những gương mặt đối lập tiêu biểu cho cả một thế hệ đã từng tham gia tranh đấu, và biết đến vụ thảm sát Thiên An Môn.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình:

«Hàng ngàn người Hồng Kông đã từ bỏ các hoạt động thường lệ vào tối thứ Bẩy, tay cầm nến, tay cầm ô, xuống đường tham gia tuần hành tưởng niệm giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, qua đời tối thứ Năm, 13/07.

Khi màn đêm buông xuống, dòng người đi trong im lặng, trải dài khoảng 2 km từ Charter Garden đến tận trụ sở văn phòng liên lạc Trung Hoa.

Chưa đầy nửa tiếng tuần hành, một sự cố suýt nữa bùng phát sau khi cảnh sát bắt giữ một người đàn ông giương cao lá cờ Trung Quốc treo ngược trên một thanh tre. Trên lá cờ một phần bị đốt cháy có ghi hàng chữ đen: Trung Quốc là một nước phát-xít đã giết chết Lưu Hiểu Ba.

Tuy nhiên, ngay sau đó, bầu không khí trang nghiêm được tái lập. Ở gần trụ sở văn phòng liên lạc Trung Hoa, cảnh sát chỉ cho phép từng nhóm khoảng 10 người, lần lượt tới nghiêng mình trước một bàn thờ trên đó có ảnh chân dung Lưu Hiểu Ba và xung quanh có nhiều vòng hoa».

Theo Reuters, hôm nay, trên đài truyền hình quốc gia, ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc «bãi bỏ mọi hạn chế đi lại», chấm dứt chế độ quản thúc tại gia đối với bà Lưu Hà, vợ của Lưu Hiểu Ba. - RFI

***
Australia hôm 16/7 đã kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại đối với vợ của ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến mới qua đời tuần trước vì bệnh ung thư.

Bà Lưu Hà đã ở bên chồng trong bệnh viện khi sức khỏe của ông suy sụp trong vài tuần cuối đời, nhưng bà đã bị quản thúc tại gia kể từ khi chồng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói với kênh ABC: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ bất kỳ hạn chế đi lại nào đối với vợ của ông ấy và chấm dứt quản thúc tại gia bà”.

Trước đó, quan chức Trung Quốc nói rằng bà quả phụ của ông Lưu Hiểu Ba “hiện đã tự do”, và nói thêm rằng là công dân Trung Quốc, các quyền của bà Lưu Hà được đảm bảo, nhưng không tiết lộ chỗ ở hiện nay của bà.

Theo Reuters, lời kêu gọi của bà Bishop nhiều khả năng sẽ lại làm phật lòng Trung Quốc sau khi nước này phản đối mạnh các nước phương Tây đưa ra các phát biểu về ông Lưu Hiểu Ba.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, nhưng Bắc Kinh quan ngại về mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Canberra và Washington.

Sau khi ông Lưu Hiểu Ba qua đời, Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc thả vợ ông. - VOA
|
|

2.
Nhà hoạt động nhân quyền TQ nổi tiếng được thả

Trung Quốc tha tù một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng. Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) đã được trả tự do hôm 15/7 sau khi mãn án bốn năm tù. Luật sư của ông Hứa nói sức khoẻ của ông tốt, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Ông đã bị kết án năm 2014 vì đã tổ chức một "cuộc tụ tập bất hợp pháp nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng". Đây là một tội danh mơ hồ. Các nhà hoạt động nói tội danh này được sử dụng để chặn tiếng nói của những người chỉ trích chính phủ.

Ông Hứa là một trong những sáng lập viên của Phong trào Công dân Mới, một mạng lưới lỏng lẻo có các thành viên đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa ở Bắc Kinh và các thành phố khác, đấu tranh cho những sự nghiệp phù hợp với các mục tiêu mà chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu ra.

Phong trào Công dân Mới đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp Trung Quốc tập hợp tại các bữa tiệc tối để thảo luận về các vấn đề xã hội và đôi khi thực hiện các cuộc mít tinh nhỏ, giương các biểu ngữ ở những nơi công cộng.

Việc thả ông Hứa diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Lưu Hiểu Ba qua đời. Ông Lưu là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình và là tù nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Ông Lưu, 61 tuổi, qua đời sau một thời gian chống chọi với ung thư gan. - VOA
|
|

3.
Thổ Nhĩ Kỳ: Phe ủng hộ tổng thống Erdogan biểu tình rầm rộ tại Istanbul

Trong suốt đêm 14 cho đến tận tối ngày 15/07/2017, các hoạt động kỷ niệm một năm dập tắt cuộc đảo chính chống tổng thống Recep Erdogan đã diễn ra ở nhiều thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thông tín viên Alexandre Billette, tại Istanbul, cuộc biểu tình diễn ra ngay trên cây cầu bắc qua sông Bosphore, nơi đã diễn ra giao tranh ác liệt giữa nhóm đảo chính và lực lượng ủng hộ tổng thống Erdogan.

"Danh sách những người tuẫn giáo khi xẩy ra cuộc đảo chính đã được đọc trước đám đông tụ tập trên cây cầu. Có rất đông người tham gia biểu tình, có thể vài chục ngàn người. Một đám đông với nhiều màu sắc, bầu không khí đôi khi căng thẳng, với những người biểu tình rất muốn tấn công, xua đuổi các nhà báo nước ngoài vì bị coi là gián điệp.

Tuy nhiên, cũng có lúc, bầu không khí dịu xuống với tham gia của nhiều gia đình, như bà Ayse cùng với các đứa con. Bà nói: Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ to lớn đã đánh bại những kẻ phản bội và chống lại những kẻ làm đảo chính. Chúng tôi đến đây để kỷ niệm sự kiện này. Chúng tôi tuần hành để bày tỏ lòng biết ơn đối với những nguời tuẫn giáo và anh hùng. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng khó khăn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia to lớn và tối nay, chúng tôi đã thể hiện rõ điều này.

Tại nơi biểu tình vang lên những bài hát ái quốc, cờ phấp phới bay, còi xe hơi kêu inh ỏi trên đường phố, đa số những người biểu tình thuộc phe trung thành với tổng thống Erdogan và nhiều người trong số họ muốn ở lại đây qua đêm.

Những người trung thành với tổng thống Erdogan đã nhiều lần đòi tái lập án tử hình và họ trông cậy vào tổng thống Erdogan để đạt được điều này". - RFI
|
|

4.
Trung Quốc giải cứu 49 du khách TQ kẹt trên Biển Đông

49 khách du lịch Trung Quốc bị kẹt trên một hòn đảo không người ở trên biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, đã được đưa tới nơi an toàn, trong khi cơn bão Talas đang ập tới.

Reuters dẫn lời chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới cho biết như vậy hôm 16/7. Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, các du khách trên thuộc 4 nhóm đi cắm trại trên đảo Nam Bành.

Đây là một trong sáu thuộc chuỗi đảo ở phía bắc Biển Đông. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung Quốc hôm 16/7 lại ra cảnh báo đối với bão Talas, dự kiến sẽ ập vào đảo Hải Nam và Vịnh Bắc Bộ.

Theo Reuters, tới tối ngày 16/7, mắt bão ở phía trên Biển Đông với sức gió mạnh 23 mét một giây. Đây là cơn bão thứ hai xuất hiện ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước trong năm nay.

Cơn bão này di chuyển về phía tây bắc với tốc độ 20km một giờ hướng về vịnh Bắc Bộ và sẽ ập xuống bờ biển đông bắc của Việt Nam sớm 17/7.

Theo truyền thông trong nước, ít nhất 18 chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM đi Vinh, Đồng Hới đã bị hủy.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết rằng Talas sẽ đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vào đêm 16 và sáng 17/7. - VOA
|
|

5.
Venezuela: Phe đối lập tổ chức trưng cầu dân ý về Quốc Hội Lập Hiến

Phe đối lập Venezuela hôm nay 16/07/2017 tổ chức trưng cầu dân ý về dự án Quốc Hội Lập Hiến của tổng thống Nicolas Maduro, về vai trò của lực lượng vũ trang cũng như về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Có khoảng 2.000 phòng phiếu trên khắp cả nước. Phe đối lập hy vọng sẽ có 20 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Nhưng đây chỉ là cuộc trưng cầu dân ý mang tính tượng trưng vì không thông qua Hội đồng bầu cử quốc gia.

Từ Caracas, thông tín viên RFI Julien Gonzalez cho biết thêm về cuộc trưng cầu dân ý :

"Mục đích của cuộc bỏ phiếu không chính thức rất rõ ràng : gia tăng sức ép lên tổng thống Maduro khi chỉ còn hai tuần nữa là diễn ra bầu cử Quốc Hội Lập Hiến.

Những người giữ vị trí chủ chốt trong phe đối lập nhắc đi nhắc lại là chủ nhật này họ chờ đợi có hàng chục triệu người dân Venezuela đi bỏ phiếu vì cần có đông đảo dân chúng tham gia thì đó mới là một cuộc trưng cầu dân ý. Vào tháng 12/2015, phe đối lập đã chiến thắng rộng rãi trong cuộc bầu cử Quốc Hội nhờ tập hợp được hơn 7 triệu rưỡi cử tri. Vào chủ nhật hôm nay, phe đối lập hy vọng cũng làm được tốt như lần trước, thậm chí là tốt hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế của đất nước ngày càng suy thoái.

Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý lần này chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nhưng một số người dân Venezuela lại nhìn thấy sự phục thù, bởi vì phe đối lập năm ngoái đã cố gắng để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để phế truất tổng thống Maduro … nhưng chính quyền vẫn chưa cho phép tổ chức.

Đối mặt cuộc bỏ phiếu hôm nay mà phe đối lập gọi là « hành động bất tuân dân sự lớn nhất của loài người », tổng thống Nicolas Maduro khẳng định rằng « tất cả các đảng phái chính trị đều có thể tổ chức lấy ý kiến nội bộ », trước khi ông nói rõ là kỳ bỏ phiếu lần này không có giá trị hợp pháp bởi vì không phải do Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức." - RFI
|
|

6.
Lực lượng Israel giết nghi phạm khủng bố Palestine

Các lực lượng an ninh Israel đã bắn chết một người đàn ông Palestine đã nổ súng vào họ vào sáng 16/7 ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng.

Cảnh sát và quân đội Israel đã truy tìm nghi phạm mà họ tin rằng đã tiến hành hai vụ tấn công bằng súng vào người Israel ở Bờ Tây hôm 15/7.

Phát ngôn viên cảnh sát Israel Mickey Rosenfeld nói: "Kẻ khủng bố đã bị phát hiện và bao vây, hắn ta rút ra vũ khí [nhằm vào lực lượng an ninh Israel], và đáp lại, kẻ khủng bố đã bị giết" ở làng Nabi Saleh gần thành phố Ramallah.

Một người Palestine bị thương nhẹ trong vụ nổ súng. Không có thương vong nào bên phía Israel.

Các cuộc tấn công của người Palestine vào dân thường và nhân viên an ninh Israel đã gia tăng từ năm 2015, mặc dù các cuộc tấn công từng diễn ra hàng ngày đã giảm nhịp độ trong thời gian gần đây. Kể từ tháng 10/2015, các vụ bạo lực và bất ổn khác đã giết chết hơn 270 người Palestine, hơn 40 người Israel và một số ít người nước ngoài. - VOA
|
|

7.
Iran kết án công dân Mỹ 10 năm tù vì tội ‘xâm nhập’

Một tòa án Iran đã kết án một công dân Mỹ 10 năm tù giam vì tội "xâm nhập", theo phát ngôn ngành tư pháp của Iran hôm 16/7.

Thứ trưởng Tư pháp Gholamhossein Mohseni Ejeie nói trong một cuộc họp báo được tường thuật trên truyền hình: “Người đó đã bị các lực lượng tình báo xác định danh tính và bắt giữ. Tòa đã kết án người đó 10 năm tù”.

Tên của người bị kết án không được công bố. Ông Ejeie nói thêm rằng người này có hai quốc tịch, Mỹ và một quốc gia khác không nêu tên.

Iran đã bắt giữ và kết án một số người có hai quốc tịch là công dân của Hoa Kỳ, Anh, Áo, Canada, và Pháp về các tội danh cả gián điệp và cộng tác với các chính phủ thù địch. - VOA
|
|

8.
Hàng ngàn người Campuchia rời Thái Lan vì luật Lao động mới

Do lo ngại bị phạt và bị bắt vì luật Lao động mới tại Thái Lan, hơn 8.000 người Campuchia đã rời nước này từ cuối tháng 6/2017, theo PhnomPenh Post.

Trước tình trạng người lao động nước ngoài ồ ạt về nước, Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, Đại tướng Chalermchai Sittisart nói sẽ tạm ngưng thi hành bốn điều luật mới trong bộ luật lao động đến hết năm nay, theo tờ The Nation hôm 3/7.

Ông Sittisart nói bộ luật sẽ đi vào hiệu lực vào 1/1/2018.

Những người Campuchia hồi hương gần đây phải đối mặt với lựa chọn: có giấy tờ lao động và quay lại Thái Lan hoặc ở nhà.

Trong một căn phòng ở cửa khẩu Poipet, những hàng người vừa trở về từ Thái Lan ngồi kiệt sức.

Trong ngày hôm đó, tám chiếc xe chở đầy lao động nhập cư từ Thái Lan về đến trung tâm.

Trong vài tuần qua, hàng ngàn người Campuchia không có giấy tờ đã về nước - cả tự nguyện lẫn miễn cưỡng - do họ lo ngại bị nhà chức trách Thái Lan xử phạt.

Theo luật Lao động mới, được thông qua vào cuối tháng 6/2017, những người lao động không có giấy tờ có thể bị phạt tới 3.000 đôla và bị phạt 5 năm tù.

Trong khi đó, người thuê những người lao động này có thể bị phạt 23.571 đôla đối với mỗi người làm không có giấy tờ.

Một trong số những người bị trục xuất là Bou Sami, 29 tuổi, đi chân không và không có hành lý gì khi về đến Poipet.

Sami bị cảnh sát Thái Lan bắt khi đang đi mua đồ ăn.

"Họ còng tay tôi. Sau đó, họ đá và đập đầu tôi vào tường khiến tôi bị thương ở trán mà không được điều trị ", anh nói.

Anh chỉ vào vết sẹo lớn trên trán - dấu vết về vụ bắt giữ.

Sami nói anh đã nộp đơn xin hộ chiếu ở Phnom Penh hồi tháng 6/2017 nhưng người chủ yêu cầu anh quay lại Thái Lan ngay và nói rằng anh sẽ nhận hộ chiếu sau đó.

'Vì nghèo'

Anh bị giam trong một buồng không cửa sổ và không được chủ giúp.

"Tôi không biết mình đã bị giam bao nhiêu ngày, do buồng giam tối tăm," anh nói.

Làn sóng người lao động về nước đã giảm trong tuần qua - sau khi chính phủ Thái Lan tạm ngưng việc xử phạt đến cuối năm - nhưng những câu chuyện về lao động nhập cư như Sami cho thấy bức tranh về những nguy cơ mà họ phải đối mặt.

Ông Đỗ Hồng Quân, tiến sỹ ngành tài nguyên nước tại trường Đại Học Khon Kaen nói với BBC: "Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan là người nghèo. Chỉ vì nghèo họ mới qua Thái Lan tìm kiếm việc làm."

Ông Quân ở trong ban điều hành nhóm công giáo nhỏ ở tỉnh Khon Kaen và đã tiếp xúc và giúp đỡ nhiều lao động Việt Nam tại đây.

Ông cho biết tại Khon Kaen, hiện có khoảng 1.000 lao động bất hợp pháp người Việt Nam.

"Những người Việt Nam họ chỉ đi làm, họ không biết nhiều thông tin về luật. Tôi có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn nên tôi đăng lên trên mạng giúp đỡ mọi người."

Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc tại các nhà hàng, hoặc giúp việc gia đình.

Một số khác bán hàng rong trên đường phố.

"Ở Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp cao, lương thấp, trong khi ở Thái Lan, một người không có trình độ có thể kiếm 15-20 triệu một tháng," ông Quân nói thêm. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Hoãn bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ về dự luật chăm sóc y tế

Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng ông sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu theo thủ tục về một dự luật của đảng Cộng hòa đã sửa đổi về chăm sóc y tế.

Thông báo của ông McConnell được đưa ra tiếp sau tin cho hay các bác sĩ đã khuyên Thượng nghị sĩ John McCain ở lại Arizona trong một tuần, sau khi ông có cuộc phẫu thuật hôm 15/7 để loại bỏ cục máu đông trên mắt trái của ông.

Trong một tuyên bố, ông McConnell nói: "Elaine và tôi, cùng với toàn thể gia đình Thượng viện, chúc ông John điều tốt đẹp nhất và chúc ông nhanh chóng bình phục. Trong khi ông John bình phục dần, Thượng viện sẽ tiếp tục công việc về các vấn đề lập pháp và các đề cử, và sẽ hoãn xem xét Đạo luật Chăm sóc Tốt hơn".

Việc ông McCain vắng mặt ở Thượng viện có sự chênh lệch không đáng kể giữa hai phe khiến cho cuộc bỏ phiếu về dự luật chăm sóc y tế gặp bất lợi lớn.

Phe Cộng hòa tại Thượng viện cần 50 phiếu loại bỏ một rào cản về thủ tục. Họ nắm 52 ghế tại Thượng viện, nhưng hai thượng nghị sĩ - Rand Paul của bang Kentucky và Susan Collins của bang Maine - đã nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho dự luật. - VOA
|
|

10.
Trump: Vụ Trump Jr. gặp người Nga, truyền thông 'bóp méo dân chủ'? --- Mức độ ủng hộ Trump suy giảm

Tổng thống Donald Trump tung ra những lời công kích truyền thông Mỹ hôm 16/7, cáo buộc họ "BÓP MÉO DÂN CHỦ" khi họ đưa tin về cuộc gặp giữa con trai cả của ông hồi năm ngoái với một luật sư người Nga. Con trai ông đã nghĩ rằng luật sư đó sẽ trao cho ông ấy những thông tin buộc tội bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử năm 2016.

Ông Trump đã bảo vệ con trai là Donald Trump Jr., người đã gặp bà Natalia Veselnitskaya vào tháng 6/2016. Ông Trump Jr đã gặp bà ta sau khi được một nhân vật trung gian thông báo rằng bà là một luật sư của chính phủ Nga và sẽ cung cấp cho ông ấy thông tin, việc này là một phần trong sự ủng hộ của Moscow dành cho ông Trump để đánh bại bà Clinton.

Trong một ý kiến đăng trên Twitter, ông Trump nói: "Bà Hillary Clinton có thể nhận một cách bất hợp pháp các câu hỏi cho cuộc tranh luận và xóa 33.000 email, thế nhưng con trai tôi, Don, lại đang bị Giới Đưa tin Thất thiệt khinh miệt?"

Ý ông Trump nói đến những email mà bà Clinton đã xóa khỏi máy chủ cá nhân của bà khi còn là bộ trưởng ngoại giao và việc bà được cho biết về một câu hỏi trước một cuộc tranh luận với một đối thủ đảng Dân chủ ở thời điểm vài tháng trước diễn ra cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11 mà bà đã thua ông Trump.

Ông Trump khẳng định: "Với tất cả những thứ như các nguồn tin giả mạo không nêu tên và đưa tin thiên lệch, thâm chí gian dối, #Tin thất thiệt ĐANG BÓP MÉO DÂN CHỦ!"

Hiệp hội Phóng viên Chuyên trách Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ lời công kích của ông Trump, họ nói rằng, "Báo chí tự do và độc lập quả thật rất quan trọng đối với nền dân chủ". - VOA

***
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy mức độ ưa thích tổng thống Hoa Kỳ đã giảm kể từ mùa xuân.

Trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Washington Post và ABC, tỷ lệ ủng hộ chung dành cho ông Donald Trump đã giảm từ 42% trong tháng 4 xuống còn 36%. Trong khi đó, tỷ lệ không ủng hộ của ông tăng 5%, đạt mức 58%. Trong số đó, 48% nói rằng họ "rất không ủng hộ" chất lượng làm việc của tổng thống. Washington Post cho rằng cựu tổng thống Bill Clinton và Barack Obama đã không bao giờ bị đánh giá tương tự, nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ôngGeorge W. Bush cũng đã bị đánh giá như vậy trong nhiệm kỳ 2.

Gần một nửa dân số Mỹ, 48%, cho rằng vị thế của nước này trên thế giới đã xấu đi khi Tổng thống Trump nắm quyền, trong khi đó, 27% nói vị thế của Mỹ hiện mạnh hơn.

48% người Mỹ, khi được hỏi cụ thể về việc ông Trump đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết họ “hoàn toàn” không tin tưởng ông Trump.

Về mặt tích cực, các ý kiến về những đề xuất kinh tế của ông Trump khá cân bằng, với 43% người được hỏi ủng hộ và 41% không ủng hộ. Ông Trump cũng được hưởng lợi từ quan niệm cho rằng Đảng Dân chủ chẳng có gì khác ngoài việc chống đối Tổng thống. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Thông tin thêm vụ Việt Nam nhận lại công dân từ Mỹ

Tin tức về chuyện Việt Nam nhận lại công dân bị Hoa Kỳ trục xuất vẫn tiếp tục gây nhiều bàn luận.

Mới đây đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc theo của tuyên bố chung giữa hai nước sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng Năm vừa qua.

Theo đó, người đứng đầu chính phủ Việt Nam khẳng định “sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008”.

Một bạn đọc của VOA tiếng Việt tên David viết: “Hoan hô bác Trump, mình đã rất đúng khi bỏ phiếu bầu cho bác Trump làm Tổng thống! Make America Great Again! Mr. President Donald J. Trump! Bác Trump sẽ tống xuất hết ra khỏi nước Mỹ tất cả những thành phần di dân ở lậu, làm biếng, những thành phần làm ăn gian dối, lừa đảo, ăn Welfare [trợ cấp], Foodstamp [trợ cấp thực phẩm], những thành phần làm ô uế nước Mỹ…”

Trong khi đó, một bạn đọc khác tên Vũ Hoài Thanh viết: “Sao nhận lại làm gì liệu họ có để cho Việt Nam được bình yên?”

Theo thỏa thuận năm 2008, “đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác” và “những người bị hồi hương theo thỏa thuận này cũng có quyền được chuyển tiền và tài sản cá nhân hợp pháp về Việt Nam”.

Văn bản dài 7 trang còn có đoạn: “Trong trường hợp công dân Việt Nam di cư sang Mỹ từ một nước thứ ba nơi mà họ được cư trú dài hạn, chính phủ Mỹ sẽ tìm cách gửi trả lại người bị trục xuất sang nước thứ ba đó hay cân nhắc cho phép người đó ở lại Mỹ, trước khi yêu cầu trục xuất về Việt Nam”.

Ngoài việc trang trải chi phí thực hiện việc trục xuất, công dân Việt bị gửi trả về sẽ được phía Hoa Kỳ cho người hộ tống về Việt Nam. Phía Mỹ cũng trả chi phí cho việc đưa những người Việt bị trục xuất nhầm trở lại Hoa Kỳ.

Bạn đọc Hoa Le Hai gửi ý kiến cho VOA tiếng Việt: “Sắp có thêm một từ gọi mới: Việt Kiều trục xuất”, trong khi một người đọc khác là Dan Thanh Le viết: Các bạn đừng nên có những lời lẽ nặng nề với những người đã quay lại”. - VOA
|
|

12.
Người Việt ‘tin Tổng thống Trump nhất’

Cùng với Philippines, công dân Việt Nam đặt lòng tin vào Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều nhất trên thế giới, theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Trong khi báo cáo cho thấy hình ảnh của Mỹ đã bị ảnh hưởng xấu vì các chính sách đưa ra dưới thời kỳ nắm quyền của tỷ phú bất động sản, 58% người Việt Nam và 69% người Philippines vẫn tin vào sự lãnh đạo của Mỹ trên chính trường thế giới.

Tuy nhiên, con số trên vẫn kém xa so với sự ủng hộ của người Việt đối với ông Obama khi còn làm tổng thống Mỹ. Tới 71% công dân Việt đặt lòng tin vào nguyên thủ da màu đầu tiên của Hoa Kỳ.

Người Israel, Nigeria và Nga cũng cho thấy mức độ tin tưởng ở mức cao đối với ông Trump, theo kết quả công bố cuối tháng trước.

Trong số 37 nước được Pew thăm dò ý kiến trong những tháng đầu năm 2017, trung bình chỉ có 22% cho biết “có đôi chút lòng tin”. Gần ba phần tư “có ít tới không tin” vào đương kim tổng thống Mỹ.

71% người Việt và 67% người Philippines nói rằng ông Trump “đủ phẩm chất để trở thành tổng thống”. Trong khi đó, đa phần thế giới thấy rằng “ông chủ” Nhà Trắng “ngạo mạn, không có lòng khoang dung và nguy hiểm”.

Công dân các nước có suy nghĩ như vậy gồm Úc (89%), Hàn Quốc (85%), Nhật (80%) hay Indonesia (70%).

Trong khi hơn một nửa người Việt và Philippines nói rằng ông Trump “chăm lo cho dân thường”, chưa đầy một trong năm người Indonesia hoặc người Hàn Quốc nghĩ vậy.

Nhiều người Việt, trong đó có những người bất đồng quan điểm với nhà nước, từng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump trong cả chiến dịch tranh cử lẫn những ngày đầu ông làm tổng thống vì những tuyên bố phản đối mạnh mẽ của ông đối với Việt Nam về thương mại hay với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sau này nhiều người lại chỉ trích ông Trump bỏ qua vấn đề nhân quyền để đổi lấy các lợi ích về kinh tế. Nhưng các quan chức Mỹ từng bác bỏ sự lên án này.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc qua thăm Hoa Kỳ hồi cuối tháng Năm và đã chứng kiến các lễ ký hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỷ đôla với nước chủ nhà.

Mối quan hệ giữa ông Phúc và Tổng thống Trump dường như đã nảy nở từ đó, thể hiện nhất là khi hai quan chức này gặp lại nhau ở Đức nhân sự kiện G20 vừa qua. Các bức ảnh ghi lại cho thấy Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ “tay bắt, mặt mừng”. - VOA
|
|

13.
'Bị đánh' sau khi dự tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam vừa đưa thông tin trên mạng xã hội cho hay bà đã bị một nhóm người 'theo dõi' và 'hành hung' trên đường về nhà sau khi dự một lễ tưởng niệm nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba tại Sài Gòn vào tối hôm Chủ Nhật.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình trong một tường trình tự thuật trực tuyến (live), bà Sương Quỳnh, người vừa dự buổi lễ tại nhà riêng của Giáo sư Tương Lai hôm 16/7/2017, đưa ra cáo buộc cho biết bà đã bị tấn công bởi một đám đông khi đi trên xe máy một mình:

"Khi tôi đi dự lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại nhà của Giáo sư Tương Lai về... khi tôi đi trên đường Nguyễn Văn Linh về thì co chỉ dẫn là tôi đi sang quận II theo cầu Phú Mỹ... Tôi theo cầu đó đi và tôi cũng đã hơi có một linh cảm rằng sẽ có người theo tôi," bà Sương Quỳnh nói.

"Vì ngay lúc chúng tôi làm tưởng niệm ở trên, thì ở dưới an ninh cũng có những người ở đó chụp ảnh, nhưng tôi nghĩ cả đoạn đường vắng đó mà họ không đánh tôi ngay trên cầu Phú Mỹ, vì khi đó rất là vắng và cả con đường đó vắng.

"Tôi nghĩ rằng khi đến quận II, họ định vị được tôi đi vào con đường đó, thì khi đó họ mới tập trung người, lúc tôi đi qua, một nhóm người kéo nhau, họ nhìn mặt, nhận rồi thì họ đứng chờ nhau. Tôi đến đường Nguyễn Thị Định để rẽ về quận II, tôi đang vòng ra đường Nguyễn Thị Định để hỏi đường, mọi người chỉ cho tôi đường ấy thì lập tức có một chục thanh niên xông vào đánh tôi.

"Họ đạp tôi ngã xuống xe, lập tức tôi la lên là 'Cướp xe! Cướp xe! Nhưng cũng phải đến 5-6 người xông vào đánh tôi, đánh liên tục, đấm đá vào vai, vào lưng, vào tay tôi, đạp vào chân tôi. Tay tôi đang bị xước," bà Quỳnh vừa thuật lại trên Facebook vừa chỉ cho thấy vết thương trên khuỷu tay trái của bà.

'Mới đầu tưởng là cướp'

"Và họ đánh vào đầu tôi, nhưng do có mũ bảo hiểm, tôi cũng bất ngờ. Mới đầu tôi cũng nghĩ là cướp, nhưng họ không đụng chạm gì đến xe của tôi cả... Nhưng xung quanh đấy người dân thấy tôi la như thế mà thấy chỉ có một mình tôi, nên họ xông ra cũng rất nhiều, có bốn, năm người họ mang gạch, ngói họ xông vào đánh mấy người kia... Thậm chí lúc ấy có người còn mang cả gậy gộc ra.

'Lúc ấy tôi nghe thấy nói 'Nhầm rồi, nhầm rồi, bọn tôi là Công an! Tôi là An ninh, bọn tôi đánh phản động!' Nhưng người dân họ bất kể, họ không tin, họ vẫn xông vào họ đánh và đánh nhau rất là kinh khủng. Lúc ấy là người dân với cả (nhóm tấn công), và tôi không biết nhóm nào vào nhóm nào, họ đánh nhau.

"Lúc ấy tôi thấy lôi cả kiếm, cả gậy gộc ra, sau khi người dân họ túa ra họ lấy gậy gộc, đá nện... thì đám (tấn công) đó mới nhảy lên xe, hơn một chục người, họ lên xe và đi mất và tôi có nhìn thấy một người mà tôi rất quen mặt mặc áo đỏ, mà tôi cho đấy là an ninh thường xuyên theo dõi tôi, an ninh của Quận" bà Sương Quỳnh nêu cáo buộc.

"Và họ đứng họ nhìn tôi, vì tôi đứng ở trong và người dân đứng bảo vệ, họ bỏ họ đi. Lúc ấy người dân, một người chạy đi báo Công an, ngay bên kia đường Nguyễn Thị Định có một (Đồn) Công an phường. Có ba người chạy tới.

"Mãi sau ba người chạy tới, thì lúc ấy người dân mới nói chuyện với tôi rằng 'Chị là cái gì mà sao họ nói chị là 'phản động'? Mà lúc chúng em đánh, họ nói họ là Công an, thấy chị la 'cướp, cướp', em vẫn nghĩ bọn cướp nó giả dạng."

Và nhà hoạt động cho biết tiếp trên Facebook:

"Tôi nhận luôn, tôi bảo rằng là 'Chị hay đi biểu tình chống Trung Quốc, thì đây là Công an đánh chị đấy', bà Sương Quỳnh tiếp tục nêu cáo buộc.

Nhà hoạt động sau đó cho hay bà đã từ chối không tới đồn Công an ở gần hiện trường vì quan ngại không an toàn khi tới đó trình báo theo yêu cầu và đã 'liều đi về' sau khi đã chọn các lối đông người.

'Từ chối về đồn CA'

Bà Sương Quỳnh cũng kể ba sỹ quan công an phường đã từ chối lời yêu cầu của người dân bảo vệ và 'đưa bà về nhà'. Vẫn theo nhà hoạt động, các viên chức công an này đã không tin những người đã tấn công bà là công an.

"Công an gì mà lại đi cướp?" bà thuật lại lời bình luận của họ trên Facebook được phát trực tuyến.

BBC Việt ngữ đã thử liên lạc với bà Quỳnh, cũng như với đồn công an ở khu vực được mô tả sau khi nhận được thông tin từ Facebook của nhà hoạt động, nhưng chưa liên lạc được.

Trước đó, Giáo sư Tương Lai, nhà bất đồng hàng đầu, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học của Việt Nam, nói với BBC một lễ tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc vừa qua đời hôm 13/7, đã được tổ chức tại nhà ông và bà Sương Quỳnh là một trong những người tham gia.

Tại buổi lễ, trong diễn văn đọc trước một nhóm các nhân sỹ, trí thức ở Sài Gòn, một số thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và các nhà hoạt động khác, Giáo sư Tương Lai gọi ông Lưu Hiểu Ba "là ngọn lửa của trí tuệ và lòng quả cảm của người trí thức đích thực".

Về lý do của cuộc tưởng niệm, nguyên thành viên tổ tư vấn chính phủ VN thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói:

"Chúng tôi tổ chức (sự kiện) này, đương nhiên là ngoài việc chính là tỏ lòng ngưỡng mộ một giải Nobel Hòa Bình người Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa...

"Lưu Hiểu Ba là một tù nhân lương tâm vĩ đại, ông bị nhà cầm quyền bắt nhiều lần và bản án của ông là một bản án khắc nghiệt. Đến khi ông bị ung thư, người ta cũng không cho ông đi chữa trị. Vì sao? Vì người ta sợ uy tín và biểu tượng đấu tranh của ông ta."

"Ở Việt Nam hiện nay..., ngọn lửa Lưu Hiểu Ba cũng âm ỷ cháy và bừng sáng trong những con người Việt Nam quả cảm, đang đấu tranh cho khát vọng dân chủ và tự do và cho quyền con người. Những người ấy cũng đã bị nhà nước... này bắt giam như đang giam cầm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - mẹ Nấm... và bao nhiêu người khác nữa.

"Chúng tôi nói rằng họ đang ở tù thay cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng đang đấu tranh cho mục tiêu của họ đang đeo đuổi. Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba cũng là để làm nóng lên ý trí quật cường bất khuất của người trí thức Việt Nam, của người đấu tranh cho nhân quyền, cho khát vọng dân chủ và tự do," Giáo sư Tương Lai nói với BBC Việt ngữ. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment