Monday, July 10, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 10/7

Tin Thế Giới

1.
Bị đả kích, Trump rút ý định hợp tác an ninh mạng với Nga --- Trump bênh vực việc con gái Ivanka ngồi vào bàn lãnh đạo G20

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ Nhật rút lại đề nghị thành lập một đơn vị an ninh mạng chung Nga-Mỹ, với một tin nhắn trên Twitter nói rằng ông không tin đề nghị đó sẽ trở thành hiện thực, vài giờ sau khi đề xuất của ông bị các thành viên Đảng Cộng hoà chỉ trích gay gắt vì họ cho rằng không thể tin cậy vào Moscow.

Sáng sớm Chủ Nhật 9/7, ông Trump nói trên Twitter rằng ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận hôm thứ Sáu về việc thành lập một "đơn vị an ninh mạng an toàn không thể bị xâm nhập" để giải quyết các vấn đề như nguy cơ bị can thiệp trong các cuộc bầu cử.

Ý tưởng này ngay từ đầu đã có vẻ bất khả thi về mặt chính trị. Ngay lập tức nhiều thành viên đảng Cộng hòa, cùng đảng ông Trump, mạnh mẽ bác bỏ ý định đó, họ nêu nghi vấn tại sao Hoa Kỳ lại hợp tác với Nga, sau khi chính nước này bị tố cáo là đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016?

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đưa ra lập luận để bênh vực việc xích lại gần Moscow, nhưng cho tới giờ, ông không thực hiện được ý định bởi vì chính quyền của ông vẫn bị đè nặng bởi các cuộc điều tra về những cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, và rằng có những liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với nước Nga.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra vấn đề này, kể cả liệu có sự thông đồng nào giữa các nhân viên trong ban vận động tranh cử của ông Trump, cũng như các ủy ban Quốc hội, kể cả Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.

Moscow đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định họ không có bất kỳ hành động can thiệp nào, trong khi ông Trump khẳng định ban tranh cử của ông không có thông đồng với Nga.

Báo Washington Post hôm thứ Bảy dẫn lời các giới chức chính phủ Mỹ nói rằng, một vụ tin tặc gần đây, tấn công vào hệ thống kinh doanh của các công ty điện hạt nhân của Mỹ và các công ty năng lượng khác, là do các hacker của chính phủ Nga thực hiện.

Ông Trump giải thích rằng ông đã "hai lần mạnh mẽ nêu lên việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với Tổng thống Putin. Nhưng ông Putin một mực bác bỏ cáo buộc này." - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai (10/7) lên tiếng bênh vực con gái Ivanka, cố vấn Tòa Bạch Ốc, sau khi nhiều người tỏ ra bất bình về việc Ivanka Trump ngồi vào ghế của cha, Tổng thống Trump, trên bàn họp với các lãnh đạo thế giới tại thượng đỉnh G20 hồi cuối tuần.

Bà Ivanka ngồi vào ghế của Tổng thống Trump trong một thời gian ngắn tại buổi họp toàn cầu ở Hamburg, trong phiên họp kín về sự phát triển của châu Phi, khi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phát biểu. Nhưng việc Ivanka xuất hiện tại bàn các lãnh đạo toàn cầu đã gây phản ứng trái chiều trên trang Twitter, thu hút sự chú ý của truyền thông Đức và các hãng tin khác.

Sáng sớm thứ Hai 10/7, ông Trump viết trên trang Twitter sự sắp xếp ấy là “thường tình”. Ông cũng lưu ý rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20, cũng đồng ý với sự dàn xếp đó.

Bà Merkel bác bỏ những lời phê bình tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc thượng đỉnh G20.

Bà hồi tuần trước nói: “Ivanka là người của phái đoàn Mỹ”.

Bà đã làm việc với Ivanka Trump về nhiều vấn đề.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, cũng bênh vực Ivanka Trump hôm Chủ nhật. Bà cho biết con gái tổng thống thường có mặt trong các cuộc họp giữa bà với ông Trump, đặc biệt trong các cuộc họp về vấn đề phụ nữ và kinh doanh.

Ivanka Trump điều hành một doanh nghiệp bán quần áo thời trang và đồ trang sức trước khi vào làm việc chính thức tại Tòa Bạch Ốc, sau khi cha lên nhậm chức vào tháng Giêng. Ivanka đã chọn các vấn đề phụ nữ là một trong những lĩnh vực chính sách mang dấu ấn của bà.

Tại thượng đỉnh G20, Ivanka cũng gây chú ý trong một sự kiện riêng biệt khi xuất hiện cùng với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và các lãnh đạo thế giới khác để khởi động một chương trình cho vay công và tư, nhằm nâng đỡ nữ doanh nhân ở các nước đang phát triển.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lawrence Summers, một cựu quan chức Ngân hàng Thế giới và cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama, nói các nguyên thủ quốc gia hiếm hoi lắm mới rời khỏi một hội nghị thượng đỉnh. Và nếu bắt buộc phải rời hội nghị, thường thì bộ trưởng ngoại giao hoặc giới chức cao cấp khác trong chính phủ thay thế họ.

Viết trên Washington Post hôm Chủ nhật, ông Summers nói:

“Không hề có tiền lệ việc con của một người đứng đầu chính phủ ngồi thay chỗ cho cha”.

Ông nói thêm

“Không có tiền lệ vì có lý do chính đáng. Làm như vậy là xúc phạm các nhà lãnh đạo có mặt, và đánh đi một tín hiệu đặt nghi vấn về quyền lực của các giới chức cao cấp trong chính phủ liên hệ”. - VOA
|
|

2.
Ngoại trưởng Mỹ công du Kuwait, Ả-rập Xê-út và Qatar --- Qatar "đủ tiền" chịu đựng trừng phạt của các nước Ả Rập

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sắp lên đường sang Kuwait, Ả-rập Xê-út và Qatar để tìm cách giải tỏa tình trạng bế tắc kéo dài một tháng qua trong khi Qatar bị các nước láng giềng trong vùng vịnh Ba Tư phong tỏa.

Thứ Hai 10/7, ông Tillerson đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, sau chuyến thăm Ukraina hôm Chủ Nhật. Trước khi rời Thổ Nhĩ Kỳ để lên đường sang Kuwait, cố vấn truyền thông cao cấp R.C. Hammond cho biết mục đích chuyến đi của ông Tillerson tới một số nước vùng Vịnh trong tuần này, là để cố gắng tìm một giải pháp khả dĩ cho vấn đề Qatar.

Ông Hammond cho biết ông Tillerson đi thăm Kuwait theo lời mời của Quốc vương nước này, và điểm dừng chân đầu tiên của ông là Kuwait City. Ông Hammond nói việc Tổng thống Donald Trump yêu cầu Ngoại trưởng Tillerson tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Qatar không phải là một vấn để mới, và Hoa Kỳ có vai trò là khuyến khích các bên đối thoại với nhau.

Ông Hammond nói Tổng thống Mỹ đã xác minh rõ ràng rằng mục tiêu số một của ông là giúp tất cả các quốc gia Ả Rập làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các nguồn tài trợ cho khủng bố. Sau chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài đầu tiên của ông tới thăm Ả-rập Xê-út, Tổng thống Trump cáo buộc Qatar là đã ủng hộ cho khủng bố ở “các cấp cao nhất”. Qatar đã phủ nhận cáo buộc này.

Hồi tháng trước, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain, Ai Cập và các nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Qatar. - VOA

***
Doha có thể huy động 340 tỷ đô la để đương đầu với chính sách phong tỏa kinh tế của các nước láng giềng, đứng đầu là Ả Rập Xê Út. Trên đây là thẩm định của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Abdallah ben Saoud al Sani vào lúc Washington tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các đồng minh khu vực.

Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CNBC được phát ngày 10/07/2017, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Qatar khẳng định là Qatar có đủ tiền mặt để phòng ngừa mọi tình huống. Tổng cộng trữ lượng ngoại tệ, vàng của ngân hàng quốc gia cộng với Quỹ đầu tư nhà nước, Qatar nắm trong tay 340 tỷ đô la.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Suni vùng Vịnh bắt đầu từ ngày 05/06/2017 và có nguy cơ kéo dài. Cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố quốc tế và bao dung chế độ Hồi Giáo Shia của Iran, vương triều Ả Rập Xê Út và các nước Ả Rập, trừ Koweit và Bahrain, cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm vận kinh tế và đưa ra 13 yêu sách buộc Qatar tuân thủ.

Cuộc đọ sức giữa các nước đều là đồng minh của Mỹ xảy ra vài hôm sau chuyến công du vùng Vịnh của tổng thống Mỹ Donald Trump làm cho Washington bối rối, không thể ngồi yên. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ, trong vòng bốn ngày kể từ thứ Hai 10/07, ngoại trưởng Rex Tillerson thăm ba nước Koweit, Qatar và Ả Rập Xê Út. - RFI
|
|

3.
Tập trận Mỹ-Ấn-Nhật lớn nhất từ trước tới nay

Ngày 10/7, nhóm tàu chiến của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Nimitz dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân với Ấn Độ và Nhật Bản. Hải quân Mỹ nói các cuộc tập trận sẽ giúp ba nước đương đầu với các mối đe dọa hàng hải trong khu vực châu Á Thái Bình Dương

Theo tin Reuters, cuộc tập trận thường niên mang tên Malabar đang diễn ra ở ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi Ấn Độ và Hoa Kỳ bắt đầu tập trận từ năm 1992. Nhật Bản sau đó được mời tham gia.

Các giới chức quân đội Mỹ cho biết tham gia các cuộc tập trận ngoài hàng không mẫu hạm USS Nimitz, còn có hàng không mẫu hạm Vikramaditya của Ấn Độ và tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản. Cuộc tập trận chung có mục đích giúp duy trì cán cân lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chống lại sức mạnh ngày càng tăng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Cả ba nước đều quan ngại về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, và rộng hơn, sự hiện diện quân sự ngày càng quy mô của Bắc Kinh trong khu vực.

Các cuộc tập trận hàng hải diễn ra giữa lúc Ấn Độ và Trung Quốc đang rơi vào bế tắc trong vụ tranh chấp biên giới trên đất liền trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Trong một thông báo, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết cuộc tập trận sẽ giúp ba nước hoạt động với nhau và Bộ Tư Lệnh đang học cách phối hợp với hải quân Ấn Độ.

Ấn Độ và Hoa Kỳ từng ở hai bên đối nghịch trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng trong những năm gần đây, hai nước đã trở thành đối tác quốc phòng quan trọng của nhau.

Trước đây, Trung Quốc chỉ trích các cuộc tập trận này là gây bất ổn cho khu vực.

Năm nay, Ấn Độ đã bác yêu cầu của Australia xin tham gia tập trận vì lo ngại sẽ làm Bắc Kinh bất bình hơn nữa.

Hải quân Ấn cho hay cuộc tập trận tập trung vào các hoạt động của hàng không mẫu hạm và cách săn tàu ngầm.

Vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận Malabar, truyền thông cho biết trong hai tháng vừa rồi, hải quân Hoa Kỳ đã phát hiện hơn một chục tàu quân sự Trung Quốc, kể cả tàu ngầm, ở Ấn Độ Dương.

Vụ tranh chấp lâm vào bế tắc ở vùng cao nguyên tiếp giáp với Trung Quốc, kế cận bang Sikkim nhiều núi non của Ấn Độ, đã làm căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc khu vực. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc, Nga bắt tay làm ‘Con đường tơ lụa trên băng’

Trung Quốc và Nga vừa đạt được thỏa thuận để cùng nhau xây dựng “Con đường tơ lụa trên băng” dọc theo tuyến đường biển phía Bắc nước Nga.

Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý về dự án này trong cuộc họp tại Moscow vào ngày 4/ 7.

Nhấn mạnh Nga là một đối tác quan trọng trong việc thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ông Tập bày tỏ hy vọng hai nước sẽ cùng hợp tác trên tuyến đường biển phía Bắc để có thể biến nó thành “con đường tơ lụa trên băng” và thực hiện các dự án kết nối khác.

Các tuyến đường ở Bắc cực bao gồm hai tuyến chính: Tuyến Đông Bắc, còn gọi là Tuyến Biển Bắc của Nga, và Tuyến Tây Bắc.

Tuyến Đông Bắc, với hầu hết các tuyến đường ôm quanh bờ biển phía Bắc của Nga, là tuyến đường ngắn nhất cho nhiều khu vực ở Trung Quốc. Khoảng cách đường biển giữa các cảng miền Bắc Trung Quốc và tây Âu, Biển Bắc và Biển Baltic ngắn hơn các tuyến vận tải truyền thống từ 25% đến 55%.

Tuyến Bắc Cực vẫn là cơ hội hợp tác giữa các quốc gia dọc theo tuyến đường này. Tuyến đường có thể giúp nâng tầm quan trọng cho các cảng ở miền bắc Trung Quốc như cảng Đại Liên và cảng Thiên Tân.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình nói:

“Trung Quốc và Nga cần tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng, triển khai các dự án sản xuất lớn, tăng cường hợp tác về đường sắt cao tốc và đẩy nhanh việc khởi công sớm tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Kazan".

Ông Tập nói thêm rằng quan hệ hợp tác Nga-Trung cũng “nên phát triển để bao gồm các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và báo chí”.

Ông Tập còn nói với Thủ tướng Medvedev của Nga rằng Trung Quốc mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác với Nga và tự tin là có thể cùng với Nga giải quyết những thách thức toàn cầu.

Về phần mình, ông Medvedev nói quan hệ hai nước đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử, và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung phục vụ lợi ích của cả hai dân tộc, đồng thời có lợi cho hòa bình và phát triển thế giới. - VOA
|
|

5.
Nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc bàn về Bắc Hàn

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/7 nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump về cam kết xử lý vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn thông qua đàm phán.

Reuters trích lại tin của Tân Hoa Xã nói rằng nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới nói với ông Trump rằng trong khi có “các phản ứng cần thiết” trước việc Bắc Hàn vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cũng cần phải tăng cường các nỗ lực thúc đẩy đối thoại.

Hãng tin của Anh cũng trích lời ông Trump nói hôm 8/7 rằng ông đã thúc giục ông Tập sử dụng “đòn bẩy kinh tế” để thúc ép Bắc Hàn.

“Ông chủ” Nhà Trắng cũng nói rằng có lẽ phải mất thời gian để khống chế các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng bày tỏ tự tin rằng rốt cuộc Washington và Bắc Kinh có thể làm được chuyện đó.

Trong khi ông Trump từng bày tỏ sự mất kiên nhẫn về việc này sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Bắc Hàn, ông không cho thấy điều đó hôm 8/7, theo Reuters.

Cùng ngày, hai máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã thực hiện các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Hàn Quốc nhằm chứng tỏ sức mạnh trước Bình Nhưỡng. - VOA
|
|

6.
Lệnh ngừng bắn ở Syria về phần lớn vẫn được duy trì

Một tổ chức chuyên theo dõi tình hình chiến sự Syria hôm thứ Hai 10/7 cho biết lệnh ngưng bắn ở ba tỉnh miền nam Syria về phần lớn vẫn đứng vững dù tin tức cho biết bạo lực lẻ tẻ vẫn tiếp diễn, giữa lúc chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy chuẩn bị mở vòng đàm phán mới nhất do LHQ đứng trung gian, nhằm chấm dứt xung đột đã kéo dài sáu năm na

Đài quan sát Nhân quyền Syria- có trụ sở ở Anh, cho biết các vụ vi phạm ngừng bắn xảy ra rải rác ở các tỉnh Daraa và Quneitra.

Thỏa thuận ngừng bắn này do Hoa Kỳ, Nga và Jordan làm trung gian điều giải, còn bao gồm tỉnh Sweida.

Các nhà ngoại giao Mỹ, Nga và Jordan đã cùng nhau soạn thỏa thuận ngừng bắn bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tuần trước ở thành phố Hamburg, Đức.

Trong khi chính quyền Syria và phe đối lập không tham gia đàm phán ngừng bắn, một viên chức Syria nói với Reuters rằng chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad hoan nghênh bất kỳ bước nào có thể "mở đường cho một giải pháp hòa bình."

Một tuyên bố của các lực lượng nổi dậy Syria, đối thủ của ông Assad, nói họ không cảm thấy an tâm về "các cuộc họp bí mật và thỏa thuận giữa Nga, Jordan và Hoa Kỳ về miền nam Syria, tách ra khỏi khu vực miền bắc".

Đại diện phe đối lập và chính quyền Syria tham gia các cuộc hòa đàm của LHQ hôm Thứ Hai ở Geneva.

Các thỏa thuận ngưng bắn trước đây đã nhanh chóng tan rã, và các vòng đàm phán trước đó của LHQ trước khi tan vỡ, cũng không đạt bao nhiêu tiến bộ hướng tới một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.

Tuy nhiên, ông Ramzi Ezzedine Ramzi, phó đặc sứ LHQ cho Syria, nói rằng lệnh ngừng bắn mới đã tạo ra một "bầu không khí thuận lợi" cho các cuộc họp hôm thứ Hai ở Geneve. - VOA
|
|

7.
Đánh bom tự sát ở Pakistan, giết chết cảnh sát trưởng

Một vụ nổ tình nghi là do đánh bom tự sát ở vùng Tây nam Pakistan hôm thứ Hai đã giết chết một cảnh sát trưởng địa phương cùng với người bảo vệ của ông và một thường dân qua đường.

Lực lượng Taliban ở Pakistan lập tức lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ở thị trấn Chaman gần biên giới với Afghanistan, nói rằng người đánh bom là một thành viên của họ.

Vụ tấn công xảy ra khi cảnh sát trưởng Sajid Khan Mohmand đang trên đường đến văn phòng, xe của ông đang chạy chậm lại vì đường hẹp và kẹt xe, thì kẻ đánh bom tự sát trên xe mô-tô ra tay, theo lời các nhân chứng.

Nhà chức trách đã thu hồi những bộ phận thi thể của nghi can tấn công nhưng chưa xác định được chi tiết.

Phụ tá cảnh sát trưởng khu vực Kashif Bukhari nói:

"Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhưng có phần chắc đây là một cuộc tấn công tự sát."

Ông cho biết trong số mười mấy người bị thương trong vụ tấn công, có nhân viên làm việc cho cảnh sát và người qua đường. - VOA
|
|

8.
Giao tranh tiếp diễn giữa lúc quân đội Iraq ăn mừng chiến thắng tại Mosul

Lực lượng Iraq tiếp tục chiến đấu để dành từng tấc đất, từng ngôi nhà từ tay của tàn quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Mosul giữa lúc các giới chức chính quyền ăn mừng chiến thắng.

Binh sĩ Iraq miêu tả các trận giáp chiến giờ chót là ác liệt nhất trong trận chiến với phiến quân IS, khi họ xông vào từng ngôi nhà nơi tàn quân IS đang ẩn trốn, trong tư thế sẵn sàng tự sát với áo vét cài bom trên người.

Chiều tối hôm Chủ nhật ở thành phố Mosul, đoàn xe của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi rời khỏi "thành phố Mosul vừa được giải phóng." Một số dân địa phương hào hứng tụ tập để mừng chuyến thăm của thủ tướng al-Abadi, và dùng điện thoại di động sẵn sàng ghi hình.

Phần lớn thành phố Mosul đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng Iraq, trong khi phiến quân IS bị dồn lại trong một khu vực chừng 200 mét vuông. Các binh sĩ Iraq cho biết tàn quân IS còn cố thủ là những kẻ cuồng tín; đa số không phải là người Iraq, và đối với họ, mỗi cuộc đụng độ là một trận chiến cho đến chết.

Từ tuyến đầu mặt trận hôm Chủ Nhật Barak Razaq, một quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt Iraq, báo cáo:

"Họ hét lớn với chúng tôi: hãy ra khỏi lãnh thổ Hồi giáo này, những kẻ vô đạo! Rồi chúng tôi trông thấy họ mặc áo gài bom để tự sát, chúng tôi ném lựu đạn về phía họ, rồi rút lui và cầu viện không kích."

Theo các binh sĩ Iraq thì ước tính có khoảng từ 100 đến 150 phần tử IS vẫn đang quyết chiến ở Mosul. Các binh sĩ chính phủ nói họ đang tập trung tìm cách triệt hạ càng nhiều phiến quân IS càng tốt. Họ hy vọng trận chiến sẽ hoàn toàn chấm dứt trong những ngày tới, để tiếp tục tiến vào các thành phố và thị trấn khác còn do IS kiểm soát. Ngoài ra, quân đội Iraq phải tiếp tục truy quét những tổ khủng bố đang ẩn mình trong thường dân ở Mosul, để chờ được kích hoạt.

Hàng ngàn thường dân đã bị sát hại trong trận chiến này, 900.000 người đã bị buộc phải dời cư. Nhiều dải đất rộng lớn của thành phố Mosul và các thị trấn và làng mạc xung quanh đã bị bỏ trống, nhiều người nói họ không cảm thấy an toàn khi trở về nhà.

Tại một số khu vực ở Đông Mosul, được lực lượng Iraq tái chiếm hồi tháng 1, tiến trình phục hồi có vẻ hứa hẹn hơn. Người tiêu thụ tràn ngập các đường phố, một số con đường vừa được lát gạch, phần lớn do bị không kích. Chính phủ đã khôi phục dịch vụ cung cấp điện và nước ở nhiều thành phố.

Vùng Tây Mosul về phần lớn bị phá hủy nhưng quân đội Iraq hy vọng công cuộc tái thiết sẽ bắt đầu ngay khi trận chiến kết thúc.

Cựu đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey giờ là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông ở Washington nói với VOA rằng các nỗ lực cứu trợ và khôi phục chỉ là bước đầu sau khi tái chiếm thành phố Mosul.

Ông nói: "bước thứ nhì,tất nhiên là chính trị, như vẫn thường xảy ra ở Iraq. Làm thế nào để ngăn, không cho ISIS quay trở lại hoặc một tình huống tương tự nào đó, và làm thế nào để thống nhất thành phần Ả Rập Sunni và giữ người Kurd lại, là lực lượng tham gia đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến nhưng vẫn là một thế lực riêng rẽ. Đó là những vấn đề lớn mà chúng ta đã phải đối mặt từ năm 2003 tới bây giờ." - VOA
|
|

9.
Cam Bốt thông qua luật cấm đảng chính trị dính líu tới tội phạm

Với 66 phiếu thuận, ngày 10/07/2017, Quốc Hội Cam Bốt đã thông qua các điều khoản sửa đổi trong bộ luật về các đảng chính trị. Nội dung chủ yếu là cấm mọi liên hệ giữa các chính đảng với những tội phạm đã bị kết án. Theo hãng tin Mỹ AP, mục tiêu của các quy định này là nhằm ngăn không cho đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc khai thác quan hệ với nhà sáng lập được lòng dân là Sam Rainsy.

Ông Sam Rainsy, hiện sống lưu vong ở Pháp, bị kết án về tội phỉ báng cùng với nhiều tội danh tương tự. Ông đã phải từ chức lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc và rút ra khỏi đảng vào tháng 02/2017 sau khi Luật về Đảng Chính Trị đã được điều chỉnh quy định khả năng một đảng bị giải tán nếu lãnh đạo của họ bị kết án hình sự.

Theo luật mới được sửa đổi, các chính đảng ở Cam Bốt bị cấm « sử dụng âm thanh, hình ảnh, tài liệu hoặc các hoạt động của tội phạm bị kết án… để phục vụ lợi ích của đảng đó ». Đảng nào vi phạm luật này có thể bị cấm hoạt động chính trị đến 5 năm và không được phép tham gia tranh cử.

Với đạo luật sửa đổi, đảng Cứu Nguy Dân Tộc sẽ bị cấm dùng hình ảnh, tên tuổi của ông Sam Rainsy trong các cuộc vận động bầu cử. Trong thời gian qua, Sam Rainsy cùng với chủ tịch đảng là Kem Sokha, đã xuất hiện trên biểu ngữ của đảng Cứu Nguy Dân Tộc khắp Cam Bốt, cũng như qua các mạng xã hội, phương tiện truyền thông trực tuyến.

Đảng Cứu Nguy Dân Tộc đã cực lực chống lại luật này, nhưng không thành công vì chỉ có 55 dân biểu tại Quốc Hội Cam Bốt so với 68 người của đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền.

Để có hiệu lực, luật này còn phải được Thượng Viện Cam Bốt thông qua, nhưng điều đó chỉ là vấn đề thủ tục. - RFI
|
|

10.
Biển Đông: Chuyên gia Mỹ cảnh báo về lệnh Trung Quốc cấm đánh cá

Lệnh cấm đánh cá tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc cho là của họ sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây. Cho đến nay, có rất ít báo cáo về các sự cố liên quan đến việc Bắc Kinh thực thi lệnh này, nhưng trong bản báo cáo công bố ngày 07/07/2017, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á - AMTI - thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế - CSIS - tại Washington cho rằng cần phải theo dõi sát sao tình hình vì Trung Quốc thường có biện pháp thô bạo để áp đặt lệnh cấm đơn phương của họ.

Theo ghi nhận của bản báo cáo, từ năm 1995 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông đối với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngoại quốc, kể cả tại các vùng biển của nước khác, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lệnh cấm năm 2017 kéo dài từ 01/05 vừa qua, cho đến tháng Tám.

Sau khi điểm lại các sự cố từ năm 2012 đến năm 2017, bản báo cáo đã kết luận rằng lệnh cấm của Trung Quốc năm nào cũng « làm bùng lên nỗi tức giận giữa Bắc Kinh với các láng giềng, tạo nên tình trạng căng thẳng giữa việc thực thi pháp luật khu vực và các đội tàu đánh cá ».

Các sự cố, đôi khi dữ dội, là một vấn đề quanh năm giữa ngư dân Trung Quốc và các nước láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan xuống đến Đông Nam Á, nhưng lệnh cấm đánh bắt cá là một yếu tố thúc đẩy sự gia tăng các sự cố này.

Với lệnh cấm, phần lớn ngư dân Trung Quốc quay trở lại cảng, nhưng nhiều tàu cũng hướng về phía nam vĩ tuyến 12, làm gia tăng các vụ đụng độ với lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á tại vùng Trường Sa hay ngoài khơi Indonesia.

AMTI đặc biệt ghi nhận tính chất « thưa thớt » của các báo cáo liên quan đến các sự cố do việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đơn phương gây ra. Đối với các chuyên gia Mỹ, chưa rõ là tình trạng đó bắt nguồn từ việc Bắc Kinh đang nhẹ tay để chiêu dụ các láng giềng, hay là vì các nước nạn nhân của Trung Quốc như Philippines và Việt Nam lưỡng lự, không muốn báo cáo về các sự cố.

Có điều, theo cơ quan nghiên cứu và tham vấn này, « xu hướng lịch sử cho thấy rằng lệnh cấm cần phải được theo dõi chặt chẽ ». Nhất là khi các nguồn tin báo chí nêu bật vấn đề là lệnh cấm đánh bắt cá năm nay « chặt chẽ hơn »so với những lần trước vì thời gian áp dụng dài hơn, và diện bị cấm được mở rộng thêm.

Trung Quốc lại có tiền án về các hành vi thô bạo trong việc áp dụng lệnh cấm đánh cá.

Tác động đáng chú ý nhất của lệnh cấm mỗi năm là các vụ va chạm tăng vọt giữa lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc và ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và chung quanh Hoàng Sa. Chính quyền Hà Nội đã lên án lệnh cấm của Trung Quốc, coi đó là việc vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm thỏa thuận nghề cá tại vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước đã đạt được vào năm 2000.

Các ngư dân Việt Nam và các quan chức chính quyền địa phương đã từng báo cáo về tình trạng gia tăng các hành vi sách nhiễu, bắt bớ và thậm chí bắt cóc mà lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc tiến hành, trong bối cảnh ngư dân Việt Nam, được chính quyền hỗ trợ ngầm, đã coi thường lệnh cấm của Trung Quốc.

Đối với Philippines, trước khi lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực vào tháng Năm vừa qua, đã có tin là ngày 27/05, một tàu công vụ của Trung Quốc đã bắn cảnh báo vào các ngư dân Philippine để đưa họ ra khỏi khu vực Cụm Sinh Tồn (tên quốc tế là Union Banks), một ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines nằm gần một rạn san hô do Trung Quốc kiểm soát.

Với các tiền lệ như kể trên, AMTI cảnh báo cần phải thận trọng theo dõi việc Trung Quốc thực thi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông năm nay. - RFI
|
|

11.
Nga-Trung: Một liên minh bề nổi?

Liên minh giữa Nga và Trung Quốc dường như vững chắc đến mức có thể kết nạp được hai nước láng giềng thù nghịch Ấn Độ và Pakistan cùng làm thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 09/06/2017. Như vậy, khoảng 40% dân số thế giới nằm trong một tổ chức quốc tế không do phương Tây quản lý.

Hình ảnh liên minh Nga-Trung mang tính biểu tượng lớn, theo đánh giá trên trang The Conversation (26/06/2017) của giảng viên đại học Cyrille Bret, trường Khoa học Chính trị Sciences-Po nổi tiếng của Pháp.

Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi : Liên minh này gắn bó đến mức nào ? Liệu liên minh này có bị tan vỡ ở Trung Á ? Vì chính tại khu vực này, nằm trong tầm ảnh hưởng Nga, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn xây dựng một “con đường tơ lụa mới”. Chẳng lẽ liên minh này lại không vấp phải sự bất cân bằng về kinh tế và dân số giữa các nước đối tác? Tác giả bài viết cho rằng đằng sau liên minh bề nổi, xuất hiện nhiều vết rạn nứt.

Quan điểm chung về đối ngoại

Sau những lần căng thẳng và xích lại gần nhau trong thời kỳ Sa hoàng và Cộng sản, quan hệ Nga-Trung nhanh chóng được bình thường hóa. Năm 1996, hai nước ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược và năm 2001 cùng ký một hiệp định hữu nghị thể hiện quan điểm chung về đối ngoại : Chặt chẽ trong việc tôn trọng chủ quyền quốc gia, áp dụng đúng từng từ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và mỗi nước có quyền thảo ra mô hình phát triển của riêng mình. Cuối cùng, vào năm 2004, hai nước giải quyết dứt điểm mọi tranh chấp lãnh thổ.

Sự đồng nhất về chính trị của hai nước được thể hiện rõ trong việc chống lại quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Vì thế, việc Mỹ can thiệp vào Kosovo (1999) và Irak (2003) đồng loạt bị Bắc Kinh và Matxcơva lên án là hành động xâm phạm chủ quyền của những nước đó.

Đối với Matxcơva và Bắc Kinh, cần phải cảnh cáo mọi ý định can thiệp vào Đài Loan, Bắc Triều Tiên, vùng Kavkaz hay Ukraina. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga có thể thường xuyên dựa vào Trung Quốc vì từ năm 2007, Bắc Kinh đã 7 lần sử dụng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An và luôn phủ quyết cùng với Nga.

Tương tự, cả Nga và Trung Quốc khẳng định quan điểm gần giống nhau về vấn đề hạt nhân Iran, cuộc nội chiến ở Syria hay chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo quốc tế. Một hành động được đánh giá mang tính biểu tượng cao cho liên minh hai nước : Vào tháng 05/2014, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina vẫn căng thẳng, tổng thống Nga đến Thượng Hải ; về phần mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Thế Chiến II tại Matxcơva ngày 08/05/2015. Liên minh giữa hai nước cũng tỏ ra vững chắc trên các diễn đàn đa phương.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mối liên kết an ninh

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập năm 2001, nhằm hình thành một liên minh về an ninh. Nga và Trung Quốc liên kết quanh mình các nước thuộc liên bang Xô Viết cũ ở Trung Á và hiện trở thành các nước chủ chốt của châu Á.

Các đối tác trong khối muốn cản trở các cuộc cách mạng mầu tại Trung Á ; họ muốn kiềm chế sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, tại Afghanistan và ở Trung Đông với thành công là đóng cửa các căn cứ không quân của Mỹ tại Uzbekistan và Kyrgyzstan, sau thượng đỉnh SCO tại Astana (thủ đô của Kazakhstan) năm 2005.

Quan hệ hợp tác Nga-Trung được thúc đẩy nhất trong lĩnh vực quân sự. Vào các năm 2005, 2007, 2009, 2010 và mùa hè 2017, Trung Quốc và Nga cùng tiến hành các cuộc tập trận hàng hải và trên bộ có quy mô lớn trong vùng biển Baltic với tên gọi “Sứ mệnh Hoà Bình” dưới sự bảo trợ của SCO.

Quan hệ hợp tác song phương đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực vũ khí đạn đạo. Sau năm 1989, do liên tiếp bị trừng phạt vì vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc chuyển sang nhập vũ khí của Nga. Vì vậy, trong những năm 1990, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ của 50% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga.

Năm 2005, sau cuộc tập trận chung “Sứ mệnh Hoà Bình 2005”, Trung Quốc đã đặt mua rất nhiều chiến đấu cơ và máy bay vận tải của Nga. Trong lĩnh vực tên lửa cũng vậy, Trung Quốc thường xuyên đặt mua từ ngành công nghiệp Nga, dù mới đây, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia hàng đầu nhập khẩu vũ khí của Nga.

Hợp tác kinh tế mới được chú trọng

Từ lâu, trao đổi kinh tế là điểm yếu trong mối quan hệ Nga-Trung. Nhưng từ đầu những năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga, với mục tiêu được hai nước đề ra là nâng trao đổi thương mại từ 90 tỉ đô la lên thành 200 tỉ đô la mỗi năm.

Mặt hàng trao đổi bên phía Nga lại không đa dạng lắm : chỉ riêng dầu khí (hydrocarbon) đã chiếm đến 80% lượng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Nhưng vì vẫn bất đồng về giá bán và thái độ dè chừng từ phía Matxcơva nên việc xây dựng hệ thống ống dẫn khí và ống dẫn dầu bị chậm trễ nghiêm trọng.

Phải đến năm 2010, Nga mới mở đường ống dẫn dầu đầu tiên sang Trung Quốc và đến năm 2014, dự án đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” mới thành hình. Nhờ đó, Bắc Kinh và Matxcơva đã ký một thoả thuận cung cấp 38 triệu mét khối khí đốt mỗi năm kể từ năm 2018 với tổng trị giá được thẩm định là 400 tỉ đô la và thời hạn hợp đồng kéo dài 30 năm.

Trong lĩnh vực tài chính, thông qua tổ chức BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Trung Quốc và Nga tìm cách phát triển một hệ thống ngân hàng và tài chính song song với thị trường tài chính của các nước phương Tây. Nhưng trên thực tế, liên minh kinh tế lại khập khiễng vì tình trạng chênh lệch kinh tế giữa các nước đối tác.

Một liên minh bị hạn chế vì các chủ đề căng thẳng về cơ cấu

Liệu liên minh Nga-Trung có thể đối chọi được sức mạnh phối hợp của Mỹ và châu Âu không ? Không có gì là chắc chắn vì quan hệ đối tác vấp phải nhiều trở ngại về cơ cấu.

Quan điểm địa chính trị của hai cường quốc không hẳn liên kết với nhau. Hiện Nga đi theo chiến lược việc đã rồi, với mục đích thay đổi thế cân bằng tại châu Âu và Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại tỏ ra bảo thủ hơn và chú ý đến việc đối xử khéo léo với một Hoa Kỳ hung hăng hơn của Donald Trump.

Tương tự, về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée, Trung Quốc không nhiệt tình ủng hộ Nga vì điều này tác động xấu đến đường hướng chung của hai nước trong việc bảo vệ nguyên tắc không can thiệp.

Ngoài ra, Nga cũng nhận thấy Trung Quốc là một đối thủ tại Trung Á, nên viễn cảnh về tương lai của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có thể trái ngược nhau. Mở rộng thẩm quyền của SCO sang cả phạm vi kinh tế là ý muốn của Bắc Kinh, nhất là để tăng thêm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua dự án con đường tơ lụa mới. Đây lại là điều Matxcơva dè chừng.

Để giảm bớt trọng lượng của Trung Quốc trong tổ chức, Nga đã ủng hộ hai nước Ấn Độ và Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Như vậy, đằng sau sự nhất quán bề ngoài đó còn ẩn giấu những cạnh tranh đáng ngờ.

Trong lĩnh vực quân sự, Matxcơva không ngần ngại cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho các đối thủ của Trung Quốc trong vùng (Ấn Độ, Việt Nam…). Và Matxcơva cũng ngày càng thận trọng hơn trong việc chuyển giao công nghệ trọng điểm cho Trung Quốc.

Năm 2004, chính quyền Nga đã ngừng xuất khẩu chiến đấu cơ Sukhoi SU-35 và oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M cho Trung Quốc vì bất đồng trong việc bảo vệ công nghệ đối với máy bay Sukhoi Su-27SK, được Trung Quốc gọi là Thẩm Dương (Shenyang) J-11. Nói tóm lại, Nga sợ các phiên bản sao chép của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, Nga tỏ ra ngập ngừng tham gia vào chính sách “xoay trục của Trung Quốc”. Thực vậy, chính quyền Matxcơva giám sát hạn chế các nguồn đầu tư Trung Quốc vào Nga. Như năm 2002, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation), được cho là sẽ thắng thầu tập đoàn Slavneft của Nga, cuối cùng lại bị chính quyền Nga loại khỏi thương vụ.

Tóm lại, rất nhiều bất trắc đang đè lên tương lai của liên minh này. Tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Nga trước chính quyền của Donald Trump sẽ đi đến đâu ? Trong khi nền kinh tế Nga lại không đa dạng lắm, thì liệu hợp tác kinh tế được định hình bởi dự án “Sức mạnh Siberia” có đạt đến tầm cao như trong hợp tác quân sự và trong các hình ảnh đầy tính tượng trưng trên truyền thông hay không ? Nếu như cơ cấu liên minh Nga-Trung có vẻ vững chắc vẻ bề ngoài, thì lại dễ vỡ khi nhìn từ bên trong. - RFI
|
|

12.
“Nghĩa địa” trên Thái Bình Dương của mảnh vỡ thiết bị vũ trụ

Khi không còn được sử dụng, các vật thể vũ trụ có riêng một nơi trên Trái Đất để về “yên nghỉ”. Một “nghĩa trang”nằm sâu thẳm giữa Thái Bình Dương, cách xa khu vực có người ở, là nơi “trút hơi thở cuối cùng” của hơn 260 thiết bị của những chiếc vệ tinh và phi thuyền sau nhiều năm hoạt động trong không gian.

“Nghĩa trang” này nằm cách phía bắc châu Nam Cực chừng 1.500 km và cách bờ đông của New Zealand khoảng 2.500 km. Phần lớn các vật thể này được lập trình để rơi sâu 4 km trong lòng đại dương ở “khu vực không thâm nhập” được, hay còn gọi là “điểm Nemo”, lấy tên thuyền trưởng trong cuốn truyện khoa học viễn tưởng của Jules Vernes.

Từ Skylab đến trạm vũ trụ Mir (trạm vũ trụ Hòa Bình), chính tại khu vực rộng lớn này, những cựu ngôi sao của không gian tỏa sáng lần cuối. Thế nhưng, ngay cả những con tầu vũ trụ nổi tiếng nhất cũng không được quyền “chôn” trong cùng một “khu mộ” theo đúng nghĩa, đơn giản là vì khi rơi xuống Trái Đất, tất cả đều vỡ tan thành nghìn mảnh.

Nghĩa địa lớn nhất thế giới

Trong một hội thảo năm 2013 về chủ đề này, ông Holger Krag, giám đốc ban phụ trách mảnh vỡ vũ trụ của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu, giải thích đó là cả một “vùng rộng hơn là một điểm hạ cánh chính xác”. Và khu vực này được ấn định ở phía nam Thái Bình Dương.

Ông khẳng định : “Điểm chính dĩ nhiên là được ấn định chính xác nhưng các vật thể không gian vỡ thành nhiều mảnh khi rơi vào bầu khí quyển. Vì thế, chúng tôi phải dự phòng một phạm vi rộng để tất cả các mảnh vỡ đều rơi xuống một vùng đã được vạch ra trước”.

Theo trang Mashable, chỉ 25 trên tổng số 142 tấn của trạm vũ trụ Hòa Bình rơi xuống Thái Bình Dương, sau khi nổ tung khi đang bay. “Ngôi sao” Nga phục vụ hơn 15 năm trong vũ trụ, sau đó được cố tình đưa ra khỏi quỹ đạo để rơi xuống đáy Thái Bình Dương vào năm 2001. Cũng tại khu vực này, phần lớn vật thể rơi xuống, gồm 190 mảnh vỡ, là của Nga, 52 mảnh của Mỹ, 8 của châu Âu và 6 của Nhật Bản.

Ông Holger Krag cho biết là các cơ quan vũ trụ được tự do sử dụng vùng này. Nhưng khu vực nằm dưới sự quản lý chung của các cơ quan hàng hải và hàng không Chilê và New Zealand. Họ được thông báo trước vài ngày trước khi có một vật thể được đưa ra khỏi quỹ đạo và chịu trách nhiệm thông báo cho các phi công hay thủy thủ tránh khu vực đó càng xa càng tốt.

Sau khoảng 60 năm phát triển nghiên cứu không gian, hơn 29.000 vật thể có kích thước lớn hơn 20 cm bay trong quỹ đạo quanh Trái Đất. Ngoài một số vệ tinh, trạm không gian và những phi thuyền khác có ích, phần lớn các vật thể trong không gian không còn được sử dụng (hết tuổi thọ) và khiến bãi rác vũ trụ ngày càng lớn bay quanh Trái Đất. Những sọt rác di động này mỗi ngày lại bị hút thêm một chút về phía địa cầu vì lực hấp dẫn của Trái Đất và có rất nhiều khả năng nằm ngoài tầm kiểm soát.

Từ khoảng 20 năm nay, các cơ quan hàng không đã thống nhất với nhau về việc giảm lượng rác thải không gian với hai giải pháp : đưa một mođun kéo rác về Trái Đất và kiểm soát được quá trình rác rơi, hoặc đẩy chúng ra khỏi quỹ đạo để mãi mãi biến mất trong thiên hà.

Đối với những thiết bị được đưa về Trái Đất, rất nhiều khả năng chúng rơi vào “nghĩa địa” ngoài khơi Thái Bình Dương. Thế nhưng, một số khác lại không “tuân” theo chỉ dẫn của các nhà khoa học và trở nên mất kiểm soát. Nếu phần lớn bị biến thành tro bụi khi xuyên qua bầu khí quyển, thì những vật thể lớn nhất đôi khi vẫn rơi xuống mặt đất thành những mảnh vỡ lớn.

Khoảng tháng 11/2015, một chủ trang trại Tây Ban Nha giật mình vì phát hiện một hình cầu kim loại kỳ lạ có đường kính 1 mét rơi trong vườn. Và đây không phải là trường hợp duy nhất. Đối với những mảnh vỡ bị “lạc đường”, chúng luôn có một chỗ trong một viện bảo tàng nào đó. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Hoa Kỳ: Nga "tiếp cận" con và rể của Donald Trump trước bầu cử

Con trai lớn, con rể và người điều hợp chiến dịch tranh cử của Donald Trump nhận lời gặp một luật sư người Nga, thân cận với điện Kremlin, hai tuần sau khi ông Trump thắng vòng bầu sơ bộ. Nhật báo New York Timesloan tin này hôm 09/07/2017 với sự xác nhận của những người trong cuộc.

Theo nhật báo Mỹ, cuộc gặp gỡ giữa Donald Trump juniorvà nữ luật sư Nga Natalia Vesselnitskaia diễn ra ngay trong toà tháp Trump ở New York ngày 09/06/2016. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa giới thân cận của ứng cử viên đảng Cộng Hòa với một công dân Nga được người trong cuộc và qua các văn kiện chính thức xác nhận.

Con trai lớn của ông Trump nhìn nhận sự việc này và cho biết thêm nữ luật sư Nga có đề nghị cung cấp « thông tin mật có hại » cho bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, Donald Trump junior cho rằng thông tin của nữ luật sư Nga Natalia Vesselnitskaia khá mơ hồ và thiếu thuyết phục khi nói có nhiều người liên hệ với Nga ủng hộ tài chính cho bà Clinton.

Ngoài Donald Trump junior còn có Paul Manafort, giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Cộng Hòa, cùng với con rể ông Trump là Jared Kushner có mặt trong cuộc gặp này. Luật sư của Jared Kushner xác nhận tin trên nhưng nói là thời gian gặp « rất ngắn ».

Cũng theo giải thích của Donald Trump junior, mục đích của cuộc tiếp xúc ngày 09/06/2016 là để thảo luận về quyết định của chính phủ Nga ngưng chương trình nhận con nuôi để trả đũa đạo luật nhân quyền Mỹ Magnitsky Act, trừng phạt những quan chức Nga chà đạp nhân quyền.

Nghi án chính quyền Nga thông đồng với ban vận động tranh cử của Donald Trump đang được chưởng lý đặc biệt Robert Mueller và nhiều ủy ban của Quốc Hội điều tra và rộng hơn nữa là khả năng Matxcơva can thiệp vào bầu cử Mỹ. - RFI
|
|

14.
Hoa Kỳ: Cuộc chiến Trump-truyền thông có lợi cho cả đôi bên

Trên nhật báo Le Monde có bài viết đáng chú ý xoay quanh cuộc đọ sức giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với giới truyền thông.

Bài viết mang tựa đề : « Hoa Kỳ : Trump và truyền thông, một cuộc chiến rất sinh lời ». Theo bài báo, với các cuộc tấn công dữ dội chưa từng thấy vào các nhà báo, « Donald Trump củng cố uy tín trong một bộ phận dân chúng Mỹ. Mặt khác, trong cuộc tấn công đó, giới truyền thông Mỹ cũng thu lợi. Nhưng nền dân chủ có nguy cơ bị thua thiệt nhiều ».

Tờ báo nhắc lại việc tổng thống Donald Trump đối đầu với báo chí là một cuộc chiến kéo dài từ nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí còn lâu hơn thế. Một trận chiến ngôn từ, sỉ nhục và chưa từng có giữa Donald Trump, đã là tổng thống Hoa Kỳ, và giới truyền thông, những người đang phải tự vệ bằng cách moi ra các phát giác, chỉ trích tổng thống. Vụ ông Trump tung lên Twitter đoạn vidéo ông quật ngã thô bạo một người có che trên đầu hình hiệu của CNN mới đây chỉ là màn biếm họa gần nhất trong một loạt cuộc tấn công của ông Trump mà thôi.

Bài báo nhận định : « Cho đến giờ, chưa hề có một vị chủ nhân Nhà Trắng nào ăn nói và hành động như vậy. Chưa bao giờ báo chí lại trở thành mục tiêu được tổng thống chăm chút công khai như vậy… » . Ngay sau ngày nhậm chức tổng thống, đến thăm trụ sở CIA, ông Trump đã thẳng thừng nói « tôi đang có cuộc chiến với truyền thông », rồi sau đó ông tuyên bố, các nhà báo là một trong số những loại « người bất lương nhất thế giới ». Tổng thống Trump cũng đã dùng không biết bao nhiêu ngôn từ lăng mạ nhà báo, nào là : những kẻ « dối trá », « bịp bợm », « vô lại », « kẻ thù »…

Tuy nhiên, tác giả bài viết nhận thấy trong « cuộc chiến với báo chí mà ông Trump tuyên bố đó các bên đều thoát ra trong tư thế người chiến thắng. Ít ra là cho đến lúc này ».

Quả thực, ngay từ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa các ứng cử viên và các tổ chức báo chí là mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên. Về phía truyền thông, ấn bản và độc giả tăng mạnh, còn các đối thủ tranh cử đưa được thông điệp đến công chúng nhanh nhất. Thế nhưng, Jim Rutenberg, một chuyên gia làm việc ở nhật báo New York Times, nhận thấy trong trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, « chưa bao giờ cái được và cái mất về tài chính, chính trị, nghiệp vụ báo chí chồng chéo lên nhau một cách rối loạn như vậy ».

Về phía truyền thông, theo bài báo, chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua đã đem lại cho họ nguồn lợi lớn. Năm 2016, ba kênh truyền hình chính CNN, Fox News và MSNBC đã tăng thời lượng chính lên 55% và điều đó mang lại thu nhập tăng 20% so với năm trước.

Các báo viết, báo mạng đều ghi nhận lượng độc giả, thuê bao tăng kỷ lục. Đặc biệt New York Times và Washington Post, hai đối thủ trực diện luôn bới móc phát giác Trump lại càng làm ăn phát đạt hơn. Cần phải biết thêm là vào thời điểm đó báo chí Mỹ nói chung đang có xu hướng bão hòa, mất dần khách hàng theo dõi thông tin, bắt đầu gặp khó khăn tài chính.

Trong khi đó, Donald Trump đã biết lợi dụng truyền thông bằng cách tấn công báo chí để thu hút sự chú ý, che đậy những tuyên bố dối trá của ông. Chỉ đến khi giành chiến thắng ở bầu cử sơ bộ trở thành ứng viên tổng thống chính thức thì Donald Trump mới bắt đầu quay sang tấn công báo chí. Và cũng từ đó, báo chí mới bắt đầu chú ý tới vị ứng cử viên tổng thống này nhiều hơn. Theo nghiên cứu của PolitiFact, một trang thông tin chuyên thẩm định lời nói và hành động của các nhà chính trị Mỹ, thực hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, có tới 7/10 các tuyên bố của ứng viên Cộng Hòa bị lật tẩy là sai.

Vẫn theo bài báo của Le Monde, giờ đây cuộc chiến của ông Trump với báo chí đang có xu hướng thành một « cuộc đấu sinh tử » và giới quan sát nhận thấy tổng thống Mỹ Trump đang đi quá xa. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

15.
Cựu TGM Ngô Quang Kiệt thăm hỏi Đan viện Thiên An

Cựu Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã đến thăm Đan viện Thiên An, nơi đang xảy ra tranh chấp đất đai với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hôm thứ Hai 10/7, theo trang Tin Mừng Cho Người Nghèo.

TGM Kiệt là vị giám mục thứ ba đến thăm đan viện Thiên An sau Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, và nguyên giám mục Kon Tum Micae Hoàng Đức Oanh, từ khi đan viện bị tấn công và đập phá thánh giá hồi cuối tháng Sáu.

Tin cho hay TGM Kiệt đã hiệp dâng thánh lễ và ghé thăm ngọn đồi nơi thánh giá bị hạ xuống và thăm hỏi, động viên các đan sĩ.

Hồi năm 2010, TGM Kiệt từ nhiệm khỏi sau các cuộc tranh chấp đất đai giữa giáo phận Hà Nội và chính quyền, xung quanh Tòa Khâm sứ và Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế -Thái Hà. Quyết định từ nhiệm của TGM Ngô Quang Kiệt đã gây nhiều tranh cãi, giữa lúc có đồn đoán rộng rãi là sự ra đi của đức TGM là do sức ép của Hà nội đối với Tòa Thánh Vatican.

Sau khi lặng lẽ từ chức, GM Kiệt lui về hưu dưỡng tại Đan viện Châu Sơn, tỉnh Ninh Bình. Mặc dù không còn chính thức đảm nhiệm trách vụ trong Giáo hội Công giáo, GM Kiệt vẫn lui tới thăm viếng các giáo xứ nơi xảy ra mâu thuẫn với chính quyền như các giáo xứ Đông Yên, Dũ Yên thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Mới đây, GM Kiệt cũng vào tỉnh Nghệ An thăm hỏi các linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam – những người đã dẫn dắt giáo dân các giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên biểu tình chống thảm họa môi trường biển do công ty Formosa gây ra.

Mới đây, tình hình Đan viện Thiên An nóng trở lại sau khi nhiều người, được cho là bị chính quyền giật dây, tấn công đan viện, hành hung đan sĩ và đập phá thánh giá. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cáo buộc đan viện Thiên An là xây cất trái phép trong khi đan viện cho rằng 107 ha đất trên đồi thông là thuộc quyền sở hữu của giáo hội. - VOA
|
|

16.
Lãnh đạo VN đối mặt thách thức buộc quân đội ngừng kinh doanh

Hai thứ trưởng quốc phòng Việt Nam mới đây nói quân đội “xem xét chấm dứt làm kinh tế”, giảm còn 1/5 số doanh nghiệp quân đội, chỉ giữ những đơn vị sản xuất phục vụ quốc phòng.

Công luận hoan nghênh các thông điệp này, nhưng một nhà nghiên cứu kỳ cựu cho rằng từ lời nói đến thực tế là khoảng cách lớn, và giới lãnh đạo chính trị đối mặt thách thức lớn trong việc làm cho quân đội ngừng kinh doanh.

Trong một cuộc phỏng vấn được báo Tuổi Trẻ đăng tải hôm 10/7, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay Bộ Quốc phòng “quyết tâm” giảm từ 88 doanh nghiệp quân đội xuống còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

Tướng Vịnh giải thích rằng quân đội chỉ giữ lại những doanh nghiệp “trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”. Cụ thể hơn, đó là các đơn vị sản xuất trang bị vũ khí hay phát triển khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó là các đơn vị “thực hiện công tác chính trị, tuyên truyền”, cũng như các công ty hoạt động kinh tế lưỡng dụng, theo lời ông Vịnh.

Hai tuần trước, hôm 23/6, tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, một thứ trưởng quốc phòng khác, Thượng tướng Lê Chiêm, nói quân đội “xem xét chấm dứt mọi hoạt động kinh tế”.

Theo Tướng Chiêm, đó là một chủ trương “mới và đặc biệt quan trọng”. Ông nói thêm rằng “tất cả các doanh nghiệp quân đội” phải cổ phần hóa hoặc thoái vốn, chỉ giữ lại những đơn vị phục vụ quốc phòng. Vị tướng khẳng định với việc ngừng “làm kinh tế”, quân đội sẽ “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại” để bảo vệ đảng, nhà nước, và nhân dân.

Những lời bình luận trong các diễn đàn của báo nhà nước lẫn trên mạng xã hội, dư luận hoan nghênh các tuyên bố kể trên của hai vị thứ trưởng.

Vấn đề quân đội làm kinh tế từ lâu đã gây ra những thắc mắc, thậm chí bất bình, trong người dân và giới kinh doanh. Nhưng gần đây, vấn đề này đặc biệt nóng lên sau nhiều vụ việc bị phơi bày, nói lên sự thiếu minh bạch hay bất bình đẳng trong cạnh tranh khi doanh nghiệp quân đội được hưởng những lợi thế đặc biệt về đất đai, nguồn lực con người, thuế khóa.

Hai vụ gần nhất thu hút sự chú ý lớn là một vùng đất quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất ở Tp.HCM bị biến thành sân golf; và một khu đất nông nghiệp Mỹ Đức, Hà Nội bị trưng dụng thành đất quốc phòng, dự định làm sân bay quân sự, nhưng nay sắp được giao cho một doanh nghiệp quân đội.

Nói với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Bộ Quốc phòng ý thức được rằng sự việc như sân golf ở Tân Sơn Nhất hay một sân golf khác ở sân bay Long Biên, Hà Nội, tạo ra nhiều dư luận “không có lợi” cho quân đội. Vì vậy, theo lời ông, đầu năm nay, bộ trưởng quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trong hai sân golf.

Tướng Vịnh cho biết thêm nếu chính phủ lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, quân đội “sẵn sàng” thu hồi và bàn giao.

Cùng về đất sân golf này, trong cuộc họp hôm 23/6, có mặt Thủ tướng Phúc, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm khẳng định: “Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của chính phủ”.

Trên bình diện rộng hơn, Tướng Vịnh cho hay thời gian vừa qua Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo “tất cả các đơn vị trong toàn quân” kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng. Theo lời ông, kết quả cho thấy về cơ bản đất đai quốc phòng “được quản lý theo đúng pháp luật, sử dụng đúng mục đích huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất và trong đó có một phần làm kinh tế”.

Nhưng vị thứ trưởng cũng thừa nhận “có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích” và quân đội đã “kiểm tra và xử lý nghiêm”. Ông nhấn mạnh rằng thời gian tới quân đội sẽ “tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này”.

So sánh với thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quân đội có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gần như không tồn tại ở các nước khác. Họ nói ngay cả Trung Quốc, nước láng giềng cùng ý thức hệ cộng sản với Việt Nam, cũng đã cấm quân đội làm kinh tế.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, nói với VOA rằng quân đội có các hãng công nghiệp quốc phòng chuyên về đóng tàu, hay nghiên cứu, sản xuất vũ khí, hoạt động phi vụ lợi, là điều chính đáng.

Nhưng thực tế ở Việt Nam, theo ông Giao, nhiều công ty của quân đội hoạt động để kiếm lời và họ gần như không bị kiểm soát do các quy định luật pháp tạo cho quân đội một lãnh địa riêng. Điều này đưa đến chỗ các doanh nghiệp quân đội đã và đang lũng đoạn nền kinh tế, theo vị tiến sĩ.

Mặt khác, ông phân tích rằng các lợi lộc kinh tế còn làm cho quân đội chia rẽ thành các nhóm lợi ích đối chọi nhau, “sao nhãng” việc huấn luyện, tăng cường binh lực, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Các lãnh đạo chính trị Việt Nam nhận thức được điều này và có chủ trương tách quân đội khỏi các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tiến sĩ Giao nhận định họ sẽ gặp thách thức:

“Vấn đề nó đã bộc lộ một cách nghiêm trọng tới mức chính quyền Việt Nam đã thấy rằng không thể không giải quyết. Có lẽ là các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang loay hoay đi tìm lời giải. Động chạm vào nhóm lợi ích quốc phòng, đây là bộ vũ lực, cho nên không phải là các nhà lãnh đạo dễ dàng xử lý được đâu. Bởi vì nó thách thức những tướng lĩnh, những nhóm lợi ích trong quân đội. Nó sẽ động chạm, sẽ là rất khó khăn”.

Nhìn nhận về những tín hiệu phát đi trong các phát biểu của hai thứ trưởng quốc phòng, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng tuy điều đó dấy lên một chút hy vọng, nhưng từ lời nói đến thực tế có một khoảng cách xa, một điều đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ ở Việt Nam.

Ông nói công chúng nên căn cứ vào hai chỉ dấu là việc xử lý sân golf ở Tân Sơn Nhất và tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội để xem nhà nước nghiêm túc đến đâu:

“Tôi không lạc quan cho rằng mấy phát biểu đó làm chúng ta có thể yên tâm. Tôi chỉ có thể tin tưởng, yên tâm nếu thế này: sau phát biểu của ông Vịnh, là dứt điểm không có chuyện nói đi nói lại nữa, thu ngay phần đất đai của Tập đoàn Him Lam ở sân golf để mà mở rộng sân bay, ra quyết định rõ ràng luôn. Cái thứ hai, ví dụ như vụ đất Đồng Tâm vừa rồi, thanh tra vẫn cho vào một cái kết luận rằng cái đất đó là đất quốc phòng. Theo tôi, vẫn còn có những hành động như thế thì những lời nói của các vị lãnh đạo có lẽ còn lâu mới đi vào hiện thực được. Đây nó cũng chỉ phản ánh nguyện vọng của ông Vịnh, nguyện vọng của ông thứ trưởng bộ quốc phòng, chứ nó đã trở thành quyết tâm của tổng bí thư, của đảng là phải làm quyết liệt hay không, thì tôi sợ nó chưa hẳn là như vậy”.

Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng, bất động sản, viễn thông, tài chính, hậu cần, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.

Các doanh nghiệp quân đội đình đám nhất là Viettel trong lĩnh vực viễn thông, MBB trong lĩnh vực ngân hàng, Mipecorp trong ngành xăng dầu, hay các tổng công ty 36 và 319 trong ngành xây dựng, bất động sản. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này lên đến hàng trăm tỷ đồng. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment