Tuesday, July 18, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 18/7

Tin Thế Giới

1.
Mỹ kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông và Hoa Đông

Lầu Năm Góc kêu gọi các nước ở biển Hoa Đông và Biển Đông cùng kiềm chế và tránh những hành vi khiêu khích. Lời kêu gọi được phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra trong một buổi họp báo và được trang Economic Times đưa tin ngày 18/07/2017.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chiếc máy bay ném bom Tây An H-6 (Xian H-6) của Trung Quốc nhiều lần bay qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan và eo biển Miyako của Nhật Bản vào tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis phát biểu : « Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên trong khu vực, tại Biển Đông và biển Hoa Đông, hãy kiềm chế, tránh những hành động khiêu khích và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong hoạt động của mình ».

Trước đó, ông Trầm Kim Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên lực lượng Không Quân Trung Quốc, khẳng định cuộc tập trận trên khi trích lại thông báo trên website của kênh truyền hình nhà nước CGTN : « Lực lượng Không Quân Trung Quốc trong tuần qua đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi, với chiến đấu cơ H-6K và với nhiều loại máy bay khác qua eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako, để thử nghiệm thực lực chiến đấu ngoài khơi ». Theo truyền thông Tokyo, Nhật Bản đã điều chiến đấu cơ đến khu vực, đề phòng chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cảnh báo « các bên liên quan không cần phải cường điệu và làm ồn ào về chuyện này mà nên quen dần với các cuộc tập trận như vậy ».

Thế nhưng, theo Economic Times, chính Trung Quốc lại phản đối máy bay ném bom của Mỹ bay trên Biển Đông trước cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. - RFI
|
|

2.
Lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi tẩy chay một địa điểm thiêng liêng ở Jerusalem

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi tín đồ Hồi giáo tẩy chay một địa điểm thiêng liêng ở Jerusalem sau khi Israel đặt máy dò kim loại ở lối vào sau một cuộc tấn công gây chết chóc do người Ả-rập thực hiện hồi tuần trước tại nơi này.

Israel áp dụng các biện pháp an ninh tại địa điểm thiêng liêng mà người Hồi giáo gọi là ‘Thánh địa Linh thiêng’ còn người Do Thái gọi là Núi Đền.

Micky Rosenfeld, phát ngôn viên của cảnh sát Israel, nói:

"Các biện pháp kiểm tra an ninh cũng như các thiết bị phát hiện kim loại đang được áp dụng trong khu vực để đảm bảo không có bất cứ kẻ đáng nghi nào được vào bên trong Núi Đền, và chúng tôi tiếp tục bảo vệ và duy trì hiện trạng ở Núi Đền. Địa điểm này vẫn mở cửa đối với người Hồi giáo chấp nhận đi qua hàng rào an ninh, và cũng mở cửa cho du khách và người Do Thái".

Địa điểm này đã đóng cửa hôm 14/7 sau khi ba công dân Israel là người Ả-rập theo Hồi giáo, bắn chết hai nhân viên cảnh sát.

Waqf, cơ quan thẩm quyền Hồi giáo của Jordan, quản lý các hoạt động tôn giáo của địa điểm này, đã cùng các nhóm Hồi giáo khác, kêu gọi tín đồ Hồi giáo hãy cầu nguyện bên ngoài, trước cửa vào đền Hồi giáo, cho tới khi các thiết bị dò kim loại đã được tháo dỡ. - VOA
|
|

3.
Thảo luận Mỹ-Nga: 'Hãy còn nhiều việc phải làm' --- Nga đòi Mỹ trả hai cơ sở ngoại giao

Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ đã thảo luận gay gắt về một loạt vấn đề hôm thứ Hai 17/7, nhưng “hãy còn nhiều việc cần phải làm”, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gặp nhau hôm thứ Hai để thảo luận về những đề tài gây quan tâm cho cả hai bên.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ miêu tả cuộc gặp gỡ là “đầy khó khăn, thẳng thắn và có chủ đích, phản ánh cam kết của hai bên muốn tìm ra một giải pháp.

Vấn đề hai cơ sở của Nga bị Hoa Kỳ đóng cửa đã được mang ra thảo luận.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama đã hạ lệnh đóng cửa các cơ sở này sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Nga hôm thứ Hai 17/7 đòi Mỹ trả lại hai cơ sở bị chính quyền Mỹ đóng cửa hồi năm ngoái.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov miêu tả vụ đóng cửa hai cơ sở, một ở bang New York và một ở bang Maryland, là hành động “ăn cướp giữa ban ngày.”

Trong cuộc gặp hôm thứ Hai, hai bên đồng ý họp lại để giải quyết các vấn đề song phương, nhưng chưa ấn định ngày giờ nhất định. - VOA

***
Nga hôm thứ Hai 17/7 đòi Mỹ trả lại hai cơ sở bị chính quyền của cựu Tổng thống Obama đóng cửa hồi năm ngoái sau khi cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov gọi vụ đóng cửa hai cơ sở, một ở bang New York và một ở bang Maryland, là hành động “ăn cướp giữa ban ngày.”

Tổng thống lúc bấy giờ, ông Barack Obama, đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở này và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc làm gián điệp vào tháng 12 năm ngoái, chưa đầy một tháng trước khi ông mãn nhiệm, để đáp lại việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ -- điều mà Moscow phủ nhận.

Nga trong thời gian qua đã kiềm chế các phản ứng trả đũa, nhưng tuần trước, Ngoại trưởng Lavrov nói “Nếu Washington quyết định không giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ có hành động trả đũa,” có thể là bằng việc không cho phép sử dụng một ngôi nhà ở nông thôn và một cơ sở nhà kho của các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Moscow.

Có những đồn đoán ở Washington rằng Tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng trả lại các cơ sở ngoại giao cho Nga khi ông lên nắm quyền vào cuối tháng 1, nhưng đến nay chưa thấy ông làm việc đó.

Tổng thống Trump vẫn đang bị bủa vây bởi các cuộc điều tra về việc liệu ban vận động tranh cử của ông có câu kết với Nga để gúp ông đánh bại bà Hillary Clinton và liệu ông có cản trở công lý bằng việc hồi tháng 5 đã sa thải giám đốc FBI James Comey, người đứng đầu cuộc điều tra. Sau đó một cựu giám đốc FBI, ông Robert Mueller, đã được chỉ định lãnh đạo cuộc điều tra, bất chấp việc ông Trump phản đối.

Vụ hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ bị đóng cửa nằm trong nghị trình cuộc họp hôm thứ Hai 17/7 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ngoại trưởng Lavrov phát biểu trong lúc đi thăm Belarus rằng “tư tưởng chống Nga” ở Mỹ khiến cho việc liệu Moscow và Washington có thể hợp tác với nhau về các vấn đề thế giới trở nên không chắc chắn.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói với các phóng viên báo chí ở Moscow rằng “Chúng tôi xem việc đặt ra điều kiện trước để trả lại tài sản ngoại giao là hoàn toàn không thể chấp nhận; chúng tôi yêu cầu trả lại các cơ sở ngoại giao này không có điều kiện hay thương thảo nào.”

Ông Peskov nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị cộng đồng tình báo Mỹ nói là đã đích thân ra lệnh can thiệp cuộc bầu cử Mỹ, đã nêu lên một các rõ ràng vấn đề hai cơ sở ngoại giao của Nga bị đóng cửa ở Mỹ trong cuộc họp của ông với Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh G-20 mới đây ở Đức.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng Nga vẫn hy vọng rằng “các đồng sự Mỹ sẽ chứng tỏ sự khôn ngoan và quyết tâm chính trị” và sẽ trả lại các tài sản ngoại giao đó cho Nga sử dụng. - VOA
|
|

4.
Mỹ: Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân --- Iran kết án một nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Hoa --- Vệ binh Cách mạng Iran cảnh cáo Mỹ

Chính phủ Hoa Kỳ tái xác nhận hôm 17/7 rằng Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận quốc tế năm 2015 về chương trình hạt nhân Iran, một thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán".

Theo luật Hoa Kỳ, cứ 90 ngày, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho Quốc hội về sự tuân thủ của Iran.

Một quan chức chính quyền cao cấp nói mặc dù Iran đang đáp ứng các điều kiện của thoả thuận khi đối chiếu trên giấy tờ, nhưng rõ ràng họ không theo tinh thần của thỏa thuận. Quan chức này nói thêm rằng chính quyền ông Trump đang hợp tác với các đồng minh để cưỡng hành thỏa thuận một cách nghiêm ngặt hơn từ nay về sau.

Một quan chức chính quyền cao cấp khác cho biết chính quyền ông Trump đang làm việc để xử lý “rất nhiều” khiếm khuyết trong thỏa thuận. Quan chức này cũng chỉ trích việc thực thi thỏa thuận của chính quyền thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đang tái xét lập trường đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran. - VOA

***
Nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Hoa bị kết án 10 năm tù tại Iran với cáo buộc “xâm nhập” lãnh thổ và đưa tài liệu mật ra nước ngoài là người vô tội, giáo sư cố vấn của anh tại đại học Princeton khẳng định ngày 17/7.

Trường Princeton nói họ hết sức bức xúc trước những cáo buộc đối với sinh viên Xiyue Wang trong khi anh đang nghiên cứu tại Iran. Trường cho biết đang làm việc với gia đình anh Wang, chính phủ Mỹ, các luật sư và những người khác để anh được trả tự do.

“Gia đình và nhà trường rất thất vọng về việc anh bị giam và hy vọng anh sẽ được trả tự do sau khi Tòa kháng cáo tại Tehran thụ lý vụ này,” trường đại học Princeton nói.

Ngành tư pháp Iran loan báo truy tố anh Wang trong một cuộc họp báo hôm 16/7. Trước đây không ai biết anh nằm trong số những công dân Mỹ bị giam tại Iran.

Một bài viết được đưa lên mạng Mizan cho biết anh Wang 37 tuổi sinh ra tại Bắc Kinh. Anh vào Iran trong tư cách một nhà nghiên cứu và thông thạo tiếng Iran.

Anh bị bắt hôm 8/8/2016 và bị cáo buộc đã sao chép khoảng 4.500 trang tài liệu kỹ thuật số và chuyển thông tin mật về Iran cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Giáo sư Stephen Kotkin, trường đại học Princeton, cố vấn luận án Tiến sĩ cho anh Wang nói anh ‘là một nghiên cứu sinh có khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, anh vô tội đối với mọi cáo buộc.’

Giáo sư Kotkin nói những tài liệu anh Wang thu thập là những tài liệu cổ 100 năm và anh ‘thường chia sẻ với tôi là anh rất thích thú về sự tinh tế và sâu sắc của văn minh Ba Tư.”

Trong tuyên bố, trường đại học Princeton nói anh Wang bị bắt khi đang nghiên cứu về triều đại Qajar từ năm 1794 đến 1925 để làm luận án về lịch sử Âu-Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. - VOA

***
Một chỉ huy cao cấp thuộc Vệ binh Cách mạng Iran ngày 17/7 cảnh cáo nếu Mỹ chỉ định lực lượng này là một tổ chức khủng bố và áp đặt chế tài mới thì lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ lãnh hậu quả tai hại.

Các giới chức Mỹ trong năm nay cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump đang duyệt xét một đề nghị có thể xếp Vệ binh Cách mạng Iran là một tổ chức khủng bố.

Vào giữa tháng 6 năm nay, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chấp thuận những chế tài mới đối với Iran vì chương trình phi đạn đạn đạo và những hành động khác không liên hệ đến thỏa thuận quốc tế về hạt nhân đạt được với Hoa Kỳ và các cường quốc khác vào năm 2015.

Để trở thành luật, dự luật này phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Trump ký ban hành.

“Liệt kê Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách những tổ chức khủng bố và áp đặt những chế tài tương tự là rủi ro lớn cho Hoa Kỳ, cho các căn cứ và lực lượng Mỹ đồn trú trong vùng, Thiếu tướng Mohammad Baqeri, Tham mưu trưởng quân đội Iran tuyên bố, theo tường thuật của Sepah News, một trang web chính thức của Vệ binh Cách mạng.

Ông không cho biết chi tiết về rủi ro có thể trông thấy là gì.

Vệ binh Cách mạng là một lực lượng an ninh quyền lực nhất tại Iran, giám sát một mạng lưới kinh tế khổng lồ trị giá nhiều tỉ đô la và có ảnh hưởng rộng lớn đến hệ thống chính trị Iran.

Tướng Baqeri ngày 17/7 nói chương trình phi đạn của Iran có tính cách phòng vệ và sẽ không bao giờ dùng để thương thuyết, theo Sepah News.

Ba ngày sau khi thượng viện Mỹ bỏ phiếu về chế tài mới, Iran bắn một phi đạn vào miền đông Syria, nhắm vào các căn cứ của Nhà nước Hồi Giáo, tức tổ chức nhận trách nhiệm trong những cuộc tấn công tại Iran làm 18 người thiệt mạng.

Vệ binh Cách mạng đang chiến đấu tại Syria chống lại các tổ chức chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

Tướng Baqeri cũng chỉ trích nhận định mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là Iran cần phải thay đổi chế độ trước khi Hoa Kỳ có thể bình thường hóa các quan hệ với Iran. - VOA
|
|

5.
Chủ tịch quốc hội Indonesia dính líu trong một vụ tham nhũng

Chủ tịch quốc hội Indonesia bị nêu tên là một nghi phạm trong một vụ xì căng đan tham nhũng lên tới hàng triệu đô la, liên quan đến việc thực hiện chương trình cấp căn cước quốc gia điện tử.

Người đứng đầu Ủy ban Chống Tham nhũng của chính phủ, Agus Rahardjo, hôm 17/7 cho biết là đã có đủ bằng chứng cho thấy Chủ tịch Setya Novanto tham gia một chương trình để biển thủ tới 170 triệu đô la trong khoảng từ năm 2011 đến năm 2012. Số tiền đó bằng khoảng 1/3 tổng số tiền 440 triệu đô la được phân bổ cho dự án.

Ông Rahardjo nói ông Novanto, cũng là chủ tịch đảng Golkar, bị cho là đã lạm dụng chức quyền để làm giàu cho bản thân và người khác.

Ông Novanto bác bỏ các cáo buộc hôm thứ 18/7 trong một cuộc họp báo.

Một số nhân vật chính trị cao cấp khác của Indonesia cũng có dính líu trong vụ xì căng đan, gồm bộ trưởng tư pháp và cựu bộ trưởng nội vụ. Hai quan chức chính phủ này đang bị xét xử liên quan đến vụ án.

Vụ tai tiếng này có thể thử thách sự sẵn sàng của Tổng thống Joko Widodo trong việc áp dụng đường lối cứng rắn để chống nạn tham nhũng trong hệ thống công quyền.

Indonesia đứng thứ 90 trong số 176 quốc gia nằm trong danh sách các chính phủ tham nhũng nhất thế giới, theo tài liệu của tổ chức giám sát Minh bạch Quốc tế- Transparency International. - VOA
|
|

6.
Trung Quốc yêu cầu Ấn Ðộ rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp --- Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng

Bắc Kinh hôm thứ Ba 18/7 lập lại yêu cầu Ấn Ðộ ngay lập tức rút quân đội ra khỏi khu vực tranh chấp biên giới ở vùng núi non của dãy Hy Mã Lạp Sơn, sau khi có tin nói rằng các lực lượng của Trung Quốc vừa bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực.

Hãng thông tấn AP đưa tin rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói các lực lượng quân sự của Ấn Ðộ phải rút khỏi khu vực để tránh “leo thang căng thẳng.”

Trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục nói: “Chúng tôi đã khẳng định nhiều lần và chúng tôi hy vọng phía Ấn Ðộ sẽ hiểu rõ tình hình và ngay lập tức rút binh sĩ của họ đã băng trái phép sang biên giới về lại bên Ấn Ðộ.”

Bắc Kinh và New Delhi hơn một tháng qua đã đối đầu với nhau trong khu vực Dikalam, trong lúc các giới chức của cả hai bên nói đến khả năng xảy ra xung đột thậm chí đẫm máu hơn cả cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước mà đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Phát biểu của ông Lục được đưa ra sau khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin một lữ đoàn bộ binh của Quân đội Nhân dân Trung Quốc có trang bị giàn phóng rốc-két, súng máy và súng cối mới đây đã tập trận bắn đạn thật nhắm vào các mục tiêu giả định của kẻ thù trên cao nguyên Tây Tạng.

Bản tin của CCTV cho biết các bài diễn tập còn bao gồm việc truy đuổi và nhắm mục tiêu vào máy bay của đối phương.

Vụ đối đầu xảy ra tại vùng cực nam của cao nguyên Tây Tạng trong một khu vực mà đồng minh Bhutan của Ấn Ðộ đòi chủ quyền.

Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Ấn Ðộ phải rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp trước khi đàm phán có thể diễn ra để giải quyết cho cuộc đối đầu kéo dài lâu nhất giữa hai láng giềng có vũ khí hạt nhân và chung nhau đường biên giới dài 3.500 kilômét mà phần lớn là có tranh chấp.

Căng thẳng leo thang khi quân đội Trung Quốc hồi tháng 6 xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam.

Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã đàm phán phân định biên giới suốt mấy chục năm qua mà không xảy ra những sự việc nghiêm trọng nào, vương quốc nhỏ bé ở Hy Mã Lạp Sơn này mới đây là lên tiếng kiên quyết hơn với sự hỗ trợ từ phía Ấn Ðộ, nước đã đưa binh sĩ từ tỉnh Sikkim băng qua biên giới.

Trung Quốc trả đũa bằng việc chặn một đường đèo ở gần đó mà những người hành hương Ấn Ðộ thường sử dụng để đến Núi Kailash, một địa điểm linh thiêng của Ấn giáo và Phật giáo ở Tây Tạng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa cho các phóng viên báo chí xem các tài liệu lịch sử chứng minh rằng chủ quyền của Trung Quốc tại cao nguyên này.

Mặc dù Cao nguyên Doklam không thuộc lãnh thổ của Ấn Ðộ, New Delhi đặc biệt nhạy cảm đối với các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược. - VOA

***
Báo chí Ấn Độ ngày 17/07/2017 dẫn nguồn tin từ Hoa lục cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng, trong bối cảnh biên giới Ấn-Trung đang căng thẳng.

Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, địa điểm diễn ra cuộc tập trận là khu tự trị Tây Tạng, nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Còn theo Hoàn Cầu Thời Báo, đơn vị tham gia là bộ chỉ huy quân sự khu vực Tây Tạng, một trong hai đơn vị cao nguyên của quân đội Trung Quốc, hiện đang giám sát đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tại nhiều đoạn giáp với vùng núi Tây Tạng.

CCTV cho biết, đơn vị đóng quân dọc theo hạ lưu và trung lưu sông Brahmaputra, và chịu trách nhiệm tác chiến. Các video trên mạng cho thấy binh lính sử dụng lựu đạn chống tăng, hỏa tiễn phá công sự. Các đơn vị radar nhận diện máy bay địch và pháo binh dùng tên lửa phá hủy mục tiêu. Cuộc tập trận kéo dài 11 tiếng đồng hồ, bao gồm cả việc triển khai nhanh bộ binh và phối hợp tấn công.

Ngoài ra, cơ quan phụ trách mạng lưới thông tin di động Tây Tạng cũng tổ chức diễn tập việc thiết lập mạng di động tạm thời tại Lhasa để bảo đảm liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Các thông tin trước đó nói rằng quân đội Trung Quốc đã thao tác nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, kể cả một loại chiến xa hạng nhẹ sản xuất trong nước.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang dàn quân tại khu vực Dokalam, vùng đất tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan - một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và ký hiệp ước hữu nghị với Ấn Độ. Khu vực này giáp với bang Sikkim của Ấn và Tây Tạng của Trung Quốc, gọi theo Ấn Độ là Doka La, còn theo Trung Quốc là Động Lãng. Quân Ấn Độ đã ngăn chận việc quân Trung Quốc xây dựng một con đường tại Dokalam, Bắc Kinh đòi New Delhi phải rút quân ngay lập tức. - RFI
|
|

7.
TQ bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay không người lái --- Trung Quốc nổi đóa vì dự luật quốc phòng của Mỹ

Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thương mại loại máy bay không người lái được cho là uy lực nhất của họ, chiếc CH-5 Rainbow.

Chiếc máy bay có giá bằng phân nửa chiếc Reaper hoặc Predator của Hoa Kỳ. Giá của Reaper là 16,9 triệu đôla.

Theo một nhà phân tích Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụTrung Quốc sẽ bắt đầu sản xuất từ 10 đến 20 chiếc mỗi năm.

Ông Vương Tống (Wang Song), giáo sư khoa học và kỹ thuật hàng không tại Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, nói: "Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu ban đầu”.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu loại máy bay mới nhất cho những khách hàng quan tâm muốn tìm kiếm một chiếc máy bay không người lái với năng lực tương tự như Reaper.

Theo trưởng nhóm thiết kế, Thi Văn (Shi Wen), chiếc CH-5 có thể mang tối đa 16 tên lửa không đối đất và bay trong gần 48 giờ.

Nếu có nâng cấp, máy bay không người lái này có thể bay tới 120 giờ với tầm bay gần 10.000 kilomet.

Ông Thi Văn nói khả năng hoạt động của CH-5 vượt trội so với Predator.

Các nước như Iraq có thể đã triển khai máy bay không người lái của Trung Quốc trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Năm 2015, Bộ Quốc phòng Iraq đã công bố một video, cho thấy một cuộc tấn công tên lửa nhắm vào một mục tiêu IS, sử dụng một chiếc máy bay CH-4B, có kích thước bằng 1/3 chiếc CH-5. - VOA

***
Trung Quốc ngày 17/7 loan báo đã chính thức phản đối mạnh mẽ Hoa Kỳ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng thường niên cho phép mở rộng trao đổi với lãnh thổ tự trị Đài Loan.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và chưa bao giờ từ bỏ ý định dùng võ lực để có được quyền kiểm soát Đài Loan.

Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng luật Mỹ quy định Washington có thể giúp Đài Loan tự vệ và Hoa Kỳ cũng là nguồn cung cấp võ khí chính yếu cho Đài Loan.

Dự luật của Hạ viện Mỹ được thông qua hôm thứ sáu cũng đề nghị mở rộng huấn luyện và tập trận với Đài Loan.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, tuyên bố những ‘nội dung tiêu cực’ liên hệ tới Đài Loan đi ngược lại nguyên tắc một nước Trung Quốc một cách nghiêm trọng và can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh.

Trung Quốc cực lực phản đối bất kỳ hình thức liên lạc chính thống nào giữa quân đội Mỹ với quân đội Đài Loan, ông Lục nhấn mạnh.

“Chúng tôi thúc giục Mỹ nhận thức toàn diện những tác hại nghiêm trọng của các vế câu liên quan trong dự luật vừa thông qua và không để cho dự luật này thành luật, chớ quay ngược bánh xe lịch sử hầu tranh gây phương hại bức tranh hợp tác Mỹ-Trung rộng lớn hơn.”

Trung Quốc thường xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất giữa Bắc Kinh với Washington.

Tháng rồi, Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy ngay lập tức “quyết định sai lầm” khi bán cho Đài Loan võ khí trị giá 1,42 tỷ đô la. Bắc Kinh nói hành động này đi ngược lại ‘sự đồng thuận’ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc hội đàm hồi tháng tư ở Florida. - VOA
|
|

8.
Miến Điện cam kết không có liên hệ với Bắc Triều Tiên

Miến Điện không có quan hệ quân sự với Bắc Triều Tiên, một giới chức Miến Điện ngày 17/7 tuyên bố trong lúc một nhà ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Bắc Triều Tiên đến đây hội đàm mà có phần chắc sẽ mưu tìm những đảm bảo về nỗ lực cô lập Bắc Triều Tiên.

Đại sứ Joseph Yun dự kiến gặp cố vấn quốc gia Miến Điện Aung San Suu Kyi và Tổng Tư lệnh quân đội tại thủ đô Naypyitaw ngày 17/7 theo tin tòa đại sứ Mỹ ở Rangoon.

Cuối tuần qua, ông Yun đã tham dự một hội nghị tại Singapore chú trọng đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên về những chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Chuyến đi của Đại sứ Joseph Yun đến châu Á được loan báo sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa mà Bình Nhưỡng nói có thể mang một đầu đạn hạt nhân lớn và một số chuyên gia cho là có tầm bắn tới Alaska.

Miến Điện là một chặng dừng chân trong chuyến đi của ông Yun nêu lên quan ngại tại Washington rằng quân đội Miến, vốn có những quan hệ với Bắc Triều Tiên, có thể tiếp tục hỗ trợ chế độ Kim Jong Un.

Hoa Kỳ không thông báo cho Miến Điện biết trước ông Yun sẽ thảo luận những gì trong cuộc gặp này, theo thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Miến Điện.

“Họ không nói rõ từ đầu nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì ông là đặc sứ về Bắc Triều Tiên,” ông Kyaw Zeya nói với Reuters.

Miến Điện tuân thủ những nghị quyết của Liên hiệp quốc về Bắc Triều Tiên, ông Zeya nói.

“Đây là những quan hệ thông thường giữa hai nước,’ ông Kyaw Zeya nói. “Theo chỗ tôi biết, không có quan hệ giữa quân đội với quân đội. Chắc chắn là không.”

Vào tháng 5 năm nay, Hoa Kỳ yêu cầu các nước Đông Nam Á làm nhiều hơn nữa để cô lập Bắc Triều Tiên, và những nỗ lực này đã gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo ngày 4/7.

Cũng như Bắc Triều Tiên, chế độ quân nhân cai trị Miến Điện trước đây bị thế giới bên ngoài xa lánh vì đàn áp nhân quyền và chế độ này được biết có liên hệ đến Bắc Triều Tiên. Những mối quan hệ này bao gồm cả việc Bình Nhưỡng gởi chuyên gia phi đạn và các nguyên liệu sản xuất vũ khí sang Miến Điện.

Miến Điện cam kết là những thỏa thuận về vũ khí và những quan hệ quân sự khác với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt trước khi Miến chuyển sang một chính phủ dân sự vào năm 2011.

Khôi nguyên Nobel Hòa Bình, Aung San Suu Kyi, lên cầm quyền năm ngoái sau cuộc chuyển tiếp từ sự cai trị hoàn toàn của quân đội. Tuy nhiên quân đội vẫn còn “một ít lãnh vực tàn dư” có liên hệ với Bắc Triều Tiên, theo lời nhà ngoại giao cao cấp về Đông Á lúc đó là ông Daniel Russel tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 9 năm 2016.

Vào tháng 3 năm nay, Bộ Tài chánh Mỹ đưa ra những chế tài mới đối với cơ quan lo về mua bán của quân đội Miến Điện là Sở Công nghiệp Quốc phòng (DDI), thể theo Đạo luật Chế tài Không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.

Trước đây vào năm 2012, DDI bị chế tài và bị cáo buộc trợ giúp vật chất cho chế độ Bắc Triều Tiên nhưng được bỏ tên ra khỏi danh sách chế tài vào tháng 10 năm ngoái sau khi chính quyền Obama rút hầu hết những biện pháp chống lại Miến Điện để công nhận sự chuyển tiếp chính trị thành công tại nước này.

Dù bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo một chính quyền dân sự, nhưng quân đội Miến Điện vẫn không bị giám sát dân sự.

Hiến pháp 2008 do các tướng lãnh cai trị lúc đó soạn thảo vẫn giữ quân đội là trung tâm chính trị.

Vào tháng 5 năm 2014, các chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh những cơ sở quân sự tại miền trung Miến Điện xác nhận địa điểm Bắc Triều Tiên giúp Miến Điện sản xuất phi đạn đất đối không.

Tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin tại Monterey, California, cho biết địa điểm gần thị trấn Minbu có đến 300 nhân viên Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

9.
Tổng thống Philippines muốn gia hạn thiết quân luật ở Mindanao

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị Quốc hội gia hạn thiết quân luật đến tháng 12 trên đảo Mindanao, nơi quân đội phát động một chiến dịch đẫm máu chốngphiến quân Hồi giáo kéo dài hai tháng nay.

Đến nay, hơn 500 người đã thiệt mạng. Cuộc xung đột nổ ra sau khi lực lượng an ninh thất bại trong việc bắt giữ Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh hàng đầu của phiến quân Hồi giáo có liên kết với Nhà nước Hồi giáo. Phiến quân đã đốt cháy rụi một số tòa nhà, kể cả một nhà thờ, và bắt nhiều người làm con tin, khiến ông Duterte hôm 23/5 áp đặt thiết quân luật kéo dài 60 ngày trên hòn đảo có 21 triệu dân.

Sắc lệnh của tổng thống sẽ hết hiệu lực vào thứ Bảy 22/7, chiểu theo hiến pháp của Philippines. Phát ngôn viên của Tổng thống, Ernesto Abella, giải thích với các phóng viên ở Manila hôm 18/7, rằng lý do gia hạn thiết quân luật là vì ông Duterte đã xác định là đến thời điểm đó cuộc nổi dậy của phiến quân Hồi giáo vẫn chưa bị đánh bại.

Hơn 400 phiến quân đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến. - VOA
|
|

10.
Tổng Thống Pháp ủng hộ giải pháp 2 quốc gia cho tranh chấp Israel-Palestine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi nối lại các cuộc hòa đàm Trung Đông để người Israel và người Palestine có thể sống bên cạnh nhau trong hai quốc gia chia chung ranh giới có Jerusalem là thủ đô. Ông Macron đưa ra ý kiến này trong chuyến thăm Paris của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhân kỷ niệm 75 năm ngày người Do Thái bị trục xuất ra khỏi nước Pháp để tới các trại tập trung Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai. Phóng viên Zlatica Hoke của VOA có thêm các chi tiết sau đây:

Trong một cuộc họp báo chung với ông Netanyahu hôm Chủ nhật 16/7, ông Macron kêu gọi người Palestine hãy vì hòa bình mà chấp nhận nước Do thái đồng thời kêu gọi người Israel hạn chế xây dựng tại các khu định cư trên vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.

Tổng thống Emmanuel Macron nói:

"Tôi cũng kêu gọi nối lại đàm phán giữa người Israel và người Palestine để cố gắng tìm một giải pháp hai nhà nước, Israel và Palestine sống bên cạnh chia chung đường biên giới và với Jerusalem là thủ đô. Đề xuất này phù hợp với chính sách ngoại giao của Pháp, mà tôi tuân thủ chặt chẽ."

Ông Macron cũng bày tỏ quan ngại về sự hậu thuẫn mà Iran dành cho nhóm khủng bố Hezbollah ở Li Băng.

Ông Macron nói:

“Tôi phải nói là tôi chia sẻ quan ngại của người Israel về việc vũ trang cho nhóm Hezbollah ở miền nam Li Băng. Chúng tôi tìm kiếm sự ổn định ở Li Băng và sự tôn trọng đối với tất cả các cộng đồng ở nước này; trong vấn đề này, tôi sẽ theo đuổi các hành động ngoại giao nhằm giúp chúng ta hạn chế, giảm thiểu và loại bỏ nguy cơ do Hezbollah gây ra."

Thủ tướng Israel nhiều lần lặp đi lặp lại rằng ông sẽ không cho phép thành lập một nhà nước Palestine, ông quy lỗi cho người Palestine đã gây ra cuộc xung đột kéo dài.

Thủ tướng Netanyahu nói:

"Chúng tôi thảo luận về cuộc tranh chấp Palestine-Israel, nhưng cũng thảo luận các cơ hội ngày càng tăng cho sự hợp tác giữa Israel và một số nước láng giềng Ả Rập. Về phần người Palestine, chúng tôi đã nêu rõ quan điểm rằng nguồn gốc của cuộc xung đột, và lý do khiến xung đột tiếp diễn, là bởi vì người Palestine khăng khăng từ chối chấp nhận một quốc gia Do thái, một quốc gia sống chung với người Do Thái, ở bất kỳ ranh giới nào."

Ông Netanyahu đến Paris để tưởng niệm ngày 13.000 người Pháp gốc Do Thái bị triệu tập vào năm 1942 để bị trục xuất và đưa đến các trại tập trung của Đức quốc xã nơi mà hầu hết sẽ bị thiệt mạng.

Nhân cơ hội này ông Macron lên án những nỗ lực ở Pháp nhằm giảm tầm quan trọng của vai trò của Pháp trong cuộc đại tàn sát người Do Thái trong thảm họa Holocaust. - VOA
|
|

11.
Venezuela: Trump dọa trừng phạt Maduro nếu cho bầu Quốc Hội Lập Hiến

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/07/2017 dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt Venezuela nếu tổng thống Nicolas Maduro cho tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến dự kiến vào cuối tháng 7/2017.

Trong một bản thông cáo được Reuters trích dẫn, tổng thống Mỹ tuyên bố : « Hôm qua, một lần nữa, người dân Venezuela thể hiện rõ họ bảo vệ nền dân chủ, tự do và Nhà nước pháp quyền. Hành động mạnh mẽ và dũng cảm đó tiếp tục bị tảng lờ bởi một nhà lãnh đạo tồi đang mơ trở thành độc tài ».

Ông Donald Trump khẳng định « nếu chế độ Maduro áp đặt Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 30/07, Hoa Kỳ sẽ có các biện pháp hành động kinh tế cứng rắn và nhanh chóng ».

Trong một cuộc họp báo tại Bruxelles ngày 17/07/2017, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, cũng kêu gọi chính quyền Caracas đình chỉ bầu Quốc Hội Lập Hiến mà theo đánh giá của bà, có thể khiến căng thẳng và bạo lực leo thang tại quốc gia Nam Mỹ này. Khi được hỏi về khả năng Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt chính quyền Venezuela, bà Mogherini cho biết « mọi lựa chọn đều được đặt trên bàn ».

Trong khi đó, phe đối lập với chính quyền Maduro kêu gọi một cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ vào ngày 20/07/2017 nhằm ngăn chặn ý định sửa đổi Hiến Pháp của tổng thống Maduro. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Mỹ: Nỗ lực ‘quật ngã’ Obamacare thất bại tại Thượng viện

Các nỗ lực của phe Cộng hòa muốn bãi bỏ hoặc thay thế Obamacare thất bại tại Thượng viện Mỹ ngày 18/7, một bước lùi lớn cho Tổng thống Donald Trump và dự tính lâu nay của đảng Cộng hòa muốn xóa sổ luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của cựu Tổng thống Barack Obama.

Bày tỏ thất vọng, Tổng thống Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc với ngụ ý rằng ông có thể để cho thị trường bảo hiểm sức khỏe Obamacare tự suy sụp rồi sau đó sẽ tìm cách làm việc với đảng Dân chủ để tìm phương án ‘giải thoát.’

“Có lẽ chúng ta đã rơi vào thế chỉ còn cách để cho Obamacare suy sụp,” ông Trump nói với báo giới. “Chúng ta sẽ để cho Obamacare lụn bại rồi thì các đảng viên bên Dân chủ sẽ phải tìm đến chúng ta.”

Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell, tuyên bố sẽ đề ra cuộc biểu quyết hủy bỏ hẳn Obamacare sau khi mọi chuyện trở nên rõ ràng từ tối qua rằng ông không hội đủ hậu thuẫn để thông qua luật thay thế Obamacare, nhưng phương án mới đã ‘tan vỡ’ trong vòng vài giờ đồng hồ.

Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa như Shelley Moore Capito, Susan Collins và Lisa Murkowski loan báo sẽ không ủng hộ, dập tắt hy vọng vừa manh nha.

Các Thượng nghị sĩ Dân chủ đoàn kết chống lại dự luật thay thế Obamacare. Với thế đa số 52-48 ở Thượng viện, để dự luật được thông qua, phe Cộng hòa phải làm sao không để mất trên 2 phiếu từ chính nội bộ của mình.

Khoảng 20 triệu người Mỹ có được bảo hiểm sức khỏe từ Obamacare.

Sau cuộc thảo luận của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa trưa 18/7 để quyết định xem có nên xúc tiến việc biểu quyết bãi bỏ Obamacare hay không, Thượng nghị sĩ McConnell cho biết Thượng vện có phần chắc sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu này trong tương lai rất gần.

“Đây là trải nghiệm hết sức khó khăn đối với tất cả chúng tôi,” ông McConnell nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng Thượng viện cần phải tiến tới để còn giải quyết các vấn đề khác như cải tổ thuế và ngân sách chi tiêu nhằm củng cố cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Thất bại tại Thượng viện hôm nay chứng tỏ sự chia rẽ ngay chính trong nội bộ đảng Cộng hòa, có người lo ngại về những cắt giảm Medicaid được đề nghị trong dự luật, có người ủng hộ và thậm chí còn muốn Obamacare được sửa đổi nhiều hơn nữa.

Tổng thống Cộng hòa Donald Trump quả quyết rằng các nỗ lực bỏ hoặc thay Obamacare chưa bị ‘khai tử.’

Trong tin nhắn sáng sớm hôm nay trên Twitter, ông Trump viết: “Chúng ta bị hụt hẫng bởi phe Dân chủ và một ít đảng viên Cộng hòa. Đa số đảng viên Cộng hòa đều trung thành, tuyệt vời và làm việc cật lực. Chúng ta sẽ bật dậy.”

Hồi tháng 5, ông Trump đã hết sức thúc đẩy cho dự luật hủy bỏ và thay thế Obamacare được thông qua tại Hạ viện và đã thành công.

Phó Tổng thống Mike Pence kêu gọi: “Không hành động không phải là một giải pháp. Quốc hội phải bước tới, làm phận sự của mình.”

Hội Y tế Hoa Kỳ đại diện cho các bác sĩ kêu gọi Quốc hội khởi động nỗ lực lưỡng đảng để sớm ổn định thị trường bảo hiểm sức khỏe cho dân Mỹ. - VOA
|
|

13.
Tổng thống Trump phát động Tuần lễ 'Made in America'

Chính quyền của Tổng thống Trump phát động “Tuần lễ Made in America- hàng hóa sản xuất tại Mỹ” để nêu bật tầm quan trọng của lĩnh vực chế tạo sản xuất nội địa, và quảng bá những chính sách nhằm mang về lại nước Mỹ những việc làm đã từng khoáng cho nước ngoài trước đây. Tuy nhiên nhiều sản phẩm của gia đình ông Trump sản xuất tại các hãng xưởng ở nước ngoài đã làm dấy lên những chỉ trích đối với chiến dịch “Made in America” của ông Trump.

Các sản phẩm được trưng bày trong khuôn viên Toà Bạch Ốc là những sản phẩm đến từ tất cả 50 tiểu bang của nước Mỹ, từ những du thuyền sản xuất ở bang Maine cho tới rượu rum làm ở Hawaii.

Ngay cả máy bay trực thăng của Tổng thống, Marine One, cũng được trưng bày để cổ vũ cho ngành sản xuất chế tạo bang Connecticut.

Trong hoạt động để quảng bá “tuần lễ Made in America”, Tổng thống Trump nhảy lên một chiếc xe cứu hỏa do bang Wisconsin sản xuất:

“Đám cháy đâu? Để tôi dập tắt đám cháy”

Vài phút sau, Tổng thống Trump đặt bút ký một văn kiện, tuyên bố ngày 17/7 là “Ngày Hàng Hóa sản xuất ở Mỹ”.

Ông nói “công đoạn khó khăn nhất đã hoàn tất”, bởi vì chính quyền của ông đã tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý.

Tổng thống Trump phát biểu:

“Trong nhiều thập niên, Washington đã cho phép các nước khác xóa bỏ hàng triệu việc làm của người Mỹ qua những cách làm ăn bất công. Hãy chờ xem những gì diễn ra. Các bạn sẽ rất vui sướng.”

Bên Đảng Dân chủ gọi Tuần lễ Made in America của ông Trump là “hiện thân của thói đạo đức giả”. Họ nói rằng thay vì thuyết giảng, lẽ ra Tổng thống Trump nên cố gắng làm gương cho người khác noi theo.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Đảng Dân chủ, đại diện bang New York nói:

“Nếu quý vị muốn thuyết giảng một điều gì, hãy bắt đầu ở nhà, bắt đầu ngay ở nhà. Những chiếc áo sơ mi và cà vạt mang nhãn hiệu Trump: làm ở đâu? Trung Quốc. Đồ nội thất nhãn hiệu Trump: làm ở đâu? Thổ Nhĩ Kỳ.”

Hàng thời trang mang nhãn hiệu ái nữ Tổng thống, Ivanka Trump, cũng được sản xuất ở nước ngoài, một sự thực không chối cãi, đã được các phóng viên liên tục nêu lên tại cuộc họp báo cấm ghi hình ở Toà Bạch Ốc hôm thứ Hai 17/7.

Người phát ngôn Toà Bạch Ốc Sean Spicer:

“Có thể có một số sản phẩm không thể sản xuất hữu hiệu ở đây vì quy mô hoặc nhu cầu tại nước Mỹ này. Nhưng cũng như bao nhiêu sản phẩm khác, nếu có nhu cầu, và đủ nhu cầu thì hy vọng một ai đó sẽ xây một cơ xưởng và chế tạo ra sản phẩm đó.”

Các nhà phân tích thương mại nói điều đó không đơn giản như vậy bởi vì giờ đây chúng ta đang có một nền kinh tế toàn cầu nối kết với nhau.

Nhà nghiên cứu Daniel Ikenson thuộc Viện CATO nhận định:

“Các hãng xưởng đã vượt ra ngoài 4 bức tường của chúng và giờ trải dài, xuyên các biên giới và các đại dương. Thế cho nên giờ đây các sản phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh được bày bán tại một gian hàng bán lẻ ở Hoa Kỳ có xu hướng bao gồm những bộ phận hay thành phần giá trị gia tăng, làm tại 5, 6 hoặc 10 quốc gia khác nhau.”

Các nhà làm chính sách tại Toà Bạch Ốc dường như không được thuyết phục bởi những lập luận đó, và vẫn một mực theo đuổi nghị trình của mình, là bảo vệ hàng hóa Mỹ và ngành sản xuất nội địa.

Nghị trình này tìm cách lật ngược kết quả làm việc của nhiều chính phủ thuộc cả hai đảng trong nhiều thập niên qua, cùng phối hợp với các tổ chức doanh thương lớn của Mỹ, để cổ vũ cho thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại đa phương. - VOA
|
|

14.
Dự thảo ngân sách 2018: Quốc phòng tăng, trợ cấp xã hội giảm --- Mỹ: Tranh cãi về số phận cơ quan phụ trách người tị nạn

Phía Cộng Hòa tại Hạ Viện Mỹ hôm Thứ Ba công bố bản dự thảo ngân sách, theo đó có các cắt giảm lớn lao trong chương trình trợ cấp thực phẩm food stamp cùng các chương trình xã hội khác, trong khi gia tăng ngân sách quốc phòng thêm nhiều tỉ đô la.

Bản dự thảo không làm hài lòng cả phía bảo thủ lẫn ôn hòa trong giới dân biểu Cộng Hòa, dù rằng vì các lý do khác nhau.

Bản dự thảo ngân sách, do Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách, Dân Biểu Diane Black (Cộng Hòa, Tennessee) đưa ra, rất quan trọng cho nỗ lực của đảng Cộng Hòa nhằm đạt được một ưu tiên hàng đầu của Tổng Thống Donald Trump là cải cách luật thuế.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ là các nhà lãnh đạo Cộng Hòa ở Hạ Viện có đẩy được dự luật này tiến tới hay không, do các giới bảo thủ muốn phải cắt giảm nhiều hơn nữa, trong khi các dân biểu ôn hòa lại lo ngại rằng cắt quá nhiều.

Bà Black loan báo rằng ủy ban tài chánh do bà lãnh đạo sẽ có cuộc bỏ phiếu sơ khởi vào ngày Thứ Tư. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu của toàn thể Hạ Viện có thể bị trì hoãn do các tranh chấp giữa nhóm trong đảng Cộng Hòa.

Medicare là chương trình lớn thứ nhì được cung cấp cho dân chúng Mỹ, sau An Sinh Xã Hội (Social Security). Phía Cộng Hòa tại Hạ Viện muốn thay đổi chương trình Medicare, theo đó những người đến tuổi nghỉ hưu thời gian tới đây sẽ nhận được một số tiền nhất định để họ tự đi mua bảo hiểm sức khỏe trên thị trường tự do.

Phía Cộng Hòa đưa ra đề nghị này mỗi năm kể từ khi chiếm quyền kiểm soát Hạ Viện từ năm 2011, nhưng cho đến nay cũng chưa bao giờ tìm cách thi hành.

Dự thảo ngân sách của phía Cộng Hòa tại Hạ Viện trên lý thuyết sẽ đưa mức thâm thủng vào khoảng $700 tỉ trong năm nay sang mức thặng dư là $9 tỉ trong năm 2027.

Điều này sẽ đạt được với việc cắt khoảng $5.4 ngàn tỉ trong thập niên tới, với vào khoảng $500 tỉ từ Medicare, $1.5 ngàn tỉ từ Medicaid và Obamacare, cùng với các cắt giảm đối với quỹ hưu trí công chức liên bang, food stamps và bỏ việc giảm/miễn thuế cho người nghèo.

Bà Black nói rằng tình trạng hiện nay không thể kéo dài và với nợ nần của chính phủ ngày càng cao, kinh tế phát triển chậm chạp, sẽ khiến giới hạn cơ hội thăng tiến của mọi người trên khắp nước Mỹ. - nguoiviet

***
Bốn mươi nhà ngoại giao và giới chức an ninh quốc gia đã hồi hưu kêu gọi Ngoại trưởng Rex Tillerson chớ bãi bỏ văn phòng Bộ Ngoại giao phụ trách về người tị nạn.

Trong văn thư Reuters ghi nhận được vào ngày 17/7, đề nghị của chính quyền ông Trump muốn chuyển trách nhiệm của Văn phòng Dân số, Người tị nạn và Di trú (PRM) sang những cơ quan khác sẽ cắt đứt lực đẩy ngoại giao của Mỹ trong việc đối phó với những cuộc khủng hoảng tại nước ngoài.

Trong số những giới chức ký tên trong thư có cựu Thứ trưởng Ngoại giao Williams Burns, cựu Thứ trưởng Ngoại giao về các Vấn đề Chính trị Nicolas Burns và Wendy Sherman và cựu đặc sứ hòa bình Trung Đông Dennis Ross.

“Dù ở đâu, Iraq, Afghanistan, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nam Sudan, những nỗ lực của Bộ Ngoại giao giải quyết những cuộc khủng hoảng nhân đạo phải bao gồm sự giao tiếp ngoại giao có phối hợp và trợ giúp khẩn cấp,” bức thư cũng có chữ ký của 18 giám đốc các cơ quan trợ giúp phi chính phủ, nêu rõ.

“Chúng tôi nghĩ rằng việc bãi bỏ những nhiệm vụ trợ giúp của PRM sẽ ảnh hưởng sâu đậm và tiêu cực lên khả năng của Ngoại trưởng tác động đến các vấn đề chính sách mà Hoa Kỳ quan tâm,” thư viết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói ông Tillerson xem công việc của Văn phòng các Vấn đề Lãnh sự và PRM “là cốt yếu đối với nhiệm vụ của Bộ nhằm đảm bảo an ninh biên giới và người dân Mỹ.”

Một bản ghi nhớ của Văn phòng Quản trị và Ngân sách đề nghị giao trách nhiệm của PRM về Chương trình Nhận người tị nạn (tức giúp định cư những người tị nạn tại Mỹ) sang cho Bộ An ninh Nội địa.

Bản ghi nhớ, lần đầu tiên được đài CNN tường trình vào ngày 30 tháng 6 mà một cựu viên chức cho biết đã được hội đồng chính sách quốc nội của Tòa Bạch Ốc soạn thảo đề nghị chuyển những trách nhiệm khác cho những nơi khác và bãi bỏ văn phòng PRM.

Bản ghi nhớ và bức thư của các cựu viên chức dường như là một phần của bức tranh về chính sách người tị nạn và di dân.

Việc này bao gồm những sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ký và đang bị thưa kiện vì đề xuất tạm thời cấm nhập cảnh hầu hết người tị nạn và hầu hết công dân tại các nước đa số theo Hồi Giáo, một cuộc tranh luận nội bộ về chi phí định cư người tị nạn và truy lùng di dân bất hợp pháp.

Vấn đề này có thể được đưa ra trong buổi điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào chiều ngày 17/7, qua đó Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan dự kiến sẽ trình bày về những kế hoạch tái tổ chức Bộ Ngoại giao. - VOA
|
|

15.
TT Trump đánh golf, tàu thuyền bị giới hạn trên sông Potomac

Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ cho hay, vì lý do an ninh thỉnh thoảng họ phải giới hạn tàu bè đi lại trong phạm vi hai dặm, cách sân golf Trump National Golf Club ở Sterling, Virginia, mỗi khi Tổng Thống Donald Trump hoặc các giới chức cao cấp của chính phủ đến đây đánh golf.

Khu vực trái độn an ninh này tạo nên sự quan tâm và chống đối của những người thường sử dụng con sông cho mục đích giải trí, cụ thể là nó ảnh hưởng đến Riley’s Lock, khu vực nằm phía bên kia sông, đối diện với sân golf của ông Trump.

Riley’s Lock là nơi thường tổ chức những trại Hè rất được dân chúng ưa chuộng và cũng là nơi chèo thuyền kayak của các thương phế binh.

Ông John Deitle, 41 tuổi, cựu Thủy Quân Lục Chiến và cũng là người từng phục vụ năm lần tại hai chiến trường Afghanistan và Iraq, và được chữa trị tại quân y viện Walter Reed National Military Medical Center về chứng bệnh phổi, mà theo ông là do bị tiếp xúc với hóa chất.

Ông than thở: “Tôi thấy rất đau lòng” trước việc bị cấm sử dụng con sông.

Ông Deitle thường cùng với các thành viên của Team River Runner, tổ chức bất vụ lợi chuyên giúp đỡ các thương binh, chèo thuyền ở chặng này của con sông Potomac.

Vào chiều tối Chủ Nhật vừa qua, đại diện của nhiều tổ chức sử dụng con sông, nhóm họp tại nhà một thành viên của hội Canoe Cruisers Association.

Tham dự cuộc họp gồm 13 đại diện thuộc các cộng đồng chèo thuyền khác nhau. Tại đây, bà Susan Sherrod, chủ tịch của hội Canoe Cruisers Association, phát biểu: “Đây là vấn đề sử dụng con sông chứ hoàn toàn không dính dáng gì đến chính trị cả.”

Bà Sherrod kêu gọi mọi người cùng đoàn kết để đòi hỏi sửa đổi vùng trái độn an ninh, theo đó tạo một hành lang trên sông, để có thể được phép chèo thuyền dọc theo bờ tiểu bang Maryland, đối diện với sân golf.

Trước đó, một phóng viên hỏi bà Sherrod rằng hồi bầu cử bà có bỏ phiếu cho ông Trump hay không, bà cười thật to. - nguoiviet
|
|

16.
Mỹ cấp thêm 15,000 visa H-2B cho công nhân ngoại quốc

Do thiếu hụt lao động có tay nghề, Bộ Nội An Hoa Kỳ hôm Thứ Hai loan báo cho phép thêm 15,000 công nhân ngoại quốc được cấp visa tạm thời không thuộc diện di dân.

Theo hãng thông tấn UPI, Bộ Trưởng Nội An John Kelly nộp hồ sơ cần thiết cho cơ quan Đăng Ký Liên Bang để gia tăng số visa diện H-2B cho tài khóa 2017, sau cuộc họp với Bộ Trưởng Lao Động Alexander Acosta.

Theo ông Acosta thì công nhân Hoa Kỳ không đủ để thỏa mãn nhu cầu cần thiết cho các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Còn ông Kelly nói: “Quốc Hội trao quyền cho tôi tạm thời giúp các doanh nghiệp khỏi nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng do thiếu công nhân làm theo mùa.”

Giới chủ nhân cần mướn thêm công nhân ngoại quốc phải chứng minh rằng kinh doanh của họ sẽ thiệt hại nếu không mang được công nhân ngoại quốc vào Hoa Kỳ để giúp.

Visa diện H-2B cho phép công nhân không thuộc nghề nông được làm việc tạm thời tại Hoa Kỳ nếu các doanh nghiệp không tìm ra được công nhân có tay nghề ở trong nước.

Công nhân ngoại quốc đi theo visa H-2B thích hợp với công việc thuộc ngành khách sạn nhà hàng, bảo trì cơ sở, bán lẻ, nhà kho, công viên giải trí, vườn tược và an ninh.

Quốc Hội đưa ra con số tối đa visa H-2B được cấp là 66,000 cho năm tài khóa kết thúc vào ngày 30 Tháng Chín.

Đây không phải là lần đầu tiên mà chính phủ liên bang cấp thêm visa H-2B sau khi mức hằng năm đã đạt được. Vào năm 2016, 13,382 visa được cấp thêm cho công nhân ngoại quốc làm công việc theo mùa. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

17.
Sức ép tăng đối với tướng Võ Văn Liêm, người đã mạt sát cảnh sát giao thông

Trung tướng về hưu Võ Văn Liêm, người bị ghi hình khi đang dùng những lời lẽ thô tục đe dọa và quát tháo cảnh sát giao thông ở Cần Thơ, trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích ngày càng gay gắt của dư luận sau khi ông lên tiếng bào chữa cho hành động của mình và đổ lỗi cho viên cảnh sát giao thông.

Một số quan chức, cựu quan chức cũng lên tiếng chỉ trích Tướng Liêm. Họ chỉ trích ông Liêm, người từng nắm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, là đã “bị quyền lực làm cho tha hóa” và yêu cầu ông xin lỗi.

Theo hình ảnh ghi lại trong video clip, Tướng Liêm đã phản ứng giận dữ khi bị một trung úy cảnh sát giao thông Quận Bình Thủy, Cần Thơ, chặn xe và yêu cầu tài xế xuống xe vì cho rằng ô tô của ông chạy quá tốc độ cho phép.

Báo Tiền Phong dẫn lời đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, bình luận về vụ việc như sau: “Nếu là một con người đàng hoàng, tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ có những lời chia sẻ, hay đưa ra lời xin lỗi...”.

Ông Liêm từng là đồng nghiệp của ông Dương Trung Quốc tại Quốc hội. Cho đến nay ông vẫn chưa xin lỗi đối viên trung úy cảnh sát giao thông.

Ông Quốc cho rằng hành động của ông Liêm rõ ràng “để lại một lại hình ảnh rất xấu trong xã hội. Ngoài bản thân ông, còn con cháu nữa, lại không giữ được gương mẫu như thế thì tự nhiên sẽ mất đi giá trị trong đời sống.”

Ông Quốc nhìn nhận trường hợp của ông Liêm thể hiện người có vị trí trong xã hội không biết giữ giá trị của mình – “giá trị của một cán bộ”, “giá trị của một đảng viên”.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng “nguyên nhân sâu xa là sự tha hóa của quyền lực” trong một bài viết trên tờ Người Lao Động:

“Khi một thời gian dài quyền lực đã biến ai đó trở thành bất khả xâm phạm thì người này trở về với vị thế của một công dân bình thường là rất khó khăn. Bị áp đặt phải tuân thủ pháp luật như một công dân bình thường vì vậy có thể gây sốc và việc chửi bới cảnh sát giao thông chỉ là một trong những hiệu ứng còn sót lại của chức quyền.”

Ông Dũng đề nghị “nếu ông Liêm bị phạt như mọi công dân khác thì hiệu ứng chức quyền sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu”.

Trao đổi với VOA, ông Lê Đăng Doanh, cựu thành viên nhóm cố vấn của thủ tướng, nói vụ việc của ông Liêm nặng lời chửi bới cảnh sát giao thông và cho lái xe đi tiếp đã “gây bức xúc rất lớn cho dư luận”.

“Nếu là một người dân bình thường thì ông Liêm phải tuân thủ pháp luật, còn nếu ông ấy cho rằng mình là người có vị thế nào đó mà không cần phải tuân thủ pháp luật, thậm chí còn lớn tiếng đòi cách chức cảnh sát giao thông và còn chửi mắng rất tục tĩu và nặng lời thì đó là những hành vi hết sức không bình thường.”

Ông Lê Đăng Doanh nói:

“Điều đáng lo ngại là đối với một người dân bình thường có vi phạm thì cảnh sát giao thông sẽ có thái độ xử lý rất khác, sẽ phạt ngay. Riêng đối với ông Liêm thì phải báo cáo lên Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.”

Ông Doanh nói ông không tin lời bào chữa của ông Liêm vì “đoạn video clip đã ghi rõ lại hành động của ông ấy” và “Công an Cần Thơ đã cho rằng người cảnh sát giao thông đã hành xử đúng”.

Trả lời báo chí trong nước trước đó, ông Liêm biện hộ rằng con người ông không phải như đã thể hiện trong video clip. Ông cho rằng viên cảnh sát giao thông là người sai chứ không phải ông, và thái độ làm việc của viên cảnh sát đã khiến ông tức giận nên mới có phản ứng như vậy.

Tướng Liêm khẳng định xe ông không chạy quá tốc độ và cảnh sát giao thông “không trưng ra được bằng chứng phạm lỗi”, Ông nói viên cảnh sát “từ quán nước bất thình lình chạy ra chặn xe ông”, “không mặc sắc phục, không trưng ra giấy tờ công tác”, “có lời lẽ xúc phạm” và còn “chạy xe đánh võng trước mặt xe của ông” nên khiến ông tức giận. Ông trần tình:

“Thái độ (của viên cảnh sát giao thông) kỳ cục lắm nên tôi mới quát,”.

Trung úy Nguyễn Văn Thành, người trực tiếp chặn xe chở ông Liêm, bác bỏ những cáo buộc của vị tướng hồi hưu. Công an Quận Bình Thủy và Công an thành phố Cần Thơ cũng khẳng định rằng “ông Thành đã cư xử đúng mực.”

Hiện Công an Cần Thơ chưa đưa ra bất cứ cách xử lý nào với ông Liêm vì ông thuộc diện “cán bộ cao cấp của quân đội” nên phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. - VOA
|
|

18.
Hội Sinh viên Nhân quyền VN ra mắt sau khi sáng lập viên bị bắt

Hội sinh viên Nhân quyền Việt Nam, một nhóm sinh viên có ước nguyện cải cách giảng đường và tự do học thuật ở Việt Nam, và nhân quyền cho các sinh viên, trong tuần này công khai tuyên bố thành lập. Trước đó, sáng lập viên của hội, anh Trần Hoàng Phúc đã bị chính quyền Hà Nội bắt giam về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”, theo điều 88 Bộ Luật hình sự.

Trong một thông báo, Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cho biết hội có một số thành viên, cảm tình viên và cố vấn, trong đó nam chiếm 75% và nữ chiếm 25%. Nhưng vì lý do an ninh, hội không công khai danh tính và số lượng thành viên chính thức.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ cư ngụ ở thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người trên thế giới biết tiếng, là cố vấn cho Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam. Ông cho VOA-Việt ngữ biết về bối cảnh ra đời của hội:

“Trước viêc mọi người than phiền, chán nản với hệ thống giáo dục, tôi ủng hộ việc thành lập Hội sinh viên nhân quyền. Các sinh viên hiện đang đi học có thể bị áp lực nhà trường đuổi học, nên mỗi người chọn một mã số để nhà trường và công an không biết tên. Khi các sinh viên thành lập hội, tôi rất vui nhận lời làm cố vấn cho hội.”

Ngoài ra, hội còn tham gia Mạng lưới Sinh viên Nhân quyền Quốc tế (Students for Human Rights network - SHR).

Theo bác sĩ Quế, hội sinh viên nhân quyền và giới trí thức Việt Nam phải lên tiếng về thực trạng nền giáo dục hiện nay:

“Trong đường lối của Bộ Chính trị, giáo dục là nhằm đào tạo công cụ cho chế độ, chứ không đào tạo con người. Giảng viên thì giả vờ dạy, còn sinh viên thì giả vờ học. Họ là nạn nhân của hệ thống quản lý giáo dục, trong đó cán bộ quản lý giáo dục lại là tay chân của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo, và trên cùng là Bộ Chính trị.”

Theo lời bác sĩ Quế, đây là cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giáo dục học đường giữa giới sinh viên, giáo chức với các nhà quản lý giáo dục và giới lãnh đạo Việt Nam.

Một thông báo trên trang Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cho biết Trần Hoàng Phúc, người vừa bị công an Hà Nội bắt giữ hôm 3/7, là sáng lập viên, chủ tịch thứ hai, kiêm phát ngôn nhân của Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam.

Bác sĩ Quế nói cá nhân ông và hội sinh viên nhân quyền, ủng hộ các hoạt động tranh đấu ôn hòa của Trần Hoàng Phúc, nhà hoạt động 23 tuổi đang bị giam cầm:

“Hội mạng mẽ lên tiếng trường hợp sinh viên Trần Hoàng Phúc vừa bị bắt ở Hà Nội chỉ vì lên tiếng về các vấn đề xã hội, giáo dục. Tôi đánh giá rất cao anh Phúc.”

Thông báo cho biết từ đầu năm 2016, Trần Hoàng Phúc có ý tưởng thành lập một Hội sinh viên độc lập để làm đối trọng với Hội sinh viên Việt Nam ‘quốc doanh’ do nhà nước quản lý. Anh cho rằng cần phải có một hội sinh viên độc lập để bảo vệ quyền lợi sinh viên, nhất là những sinh viên bị oan ức hoặc bị giảng viên trù dập.

Chủ tịch thứ hai kiêm phát ngôn nhân Trần Hoàng Phúc là người thiết kế chương trình hành động cho Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cho đến năm 2020. Đồng thời anh là trưởng ban ngoại giao, chuyên đi liên lạc với các tổ chức khác. Phúc nói với các bạn của anh rằng anh có thể bị bắt vì vai trò của mình, tuy nhiên chương trình đã thiết kế cho Hội sinh viên nhân quyền có thể hoạt động kể cả khi không có mặt của anh, thông báo viết tiếp.

Các trang thông tin trên Facebook cho biết Trần Hoàng Phúc sinh năm 1994, “đã học hết năm cuối khoa luật, trường đại học luật tp.HCM. Vì dấn thân hoạt động dân chủ nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.”

Trần Hoàng Phúc là thành viên của nhóm Sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Obama sáng lập. Hồi tháng Năm, 2016, trong tư cách thành viên chính thức của YSEALI, Trần Hoàng Phúc nhận thư mời tham dự giao lưu với Tổng thống Obama khi ông ghé thăm Sài Gòn. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã ngăn cản, không cho Phúc tham dự.

Trong báo cáo nhân quyền 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng về việc Hoàng Phúc bị câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ liên tiếp, chỉ vì muốn tham dự một sự kiện do nhà lãnh đạo Hoa Kỳ mời. - VOA
|
|

19.
Ngư dân đệ đơn kiện Formosa tại tòa Nghệ An

Sáng ngày 18/7, một đoàn 30 người gồm ngư dân và giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên, đại diện cho hơn 502 hộ gia đình, đã đệ đơn kiện Formosa tại tòa án tỉnh Nghệ An, và yêu cầu được đền bù thiệt hại mà công ty này đã gây ra trong thảm hoạ môi trường hồi năm ngoái.

Linh mục Phan Sỹ Phương, trưởng Ban Hỗ trợ Ngư dân Miền Trung, người dẫn đầu giáo dân nộp đơn kiện, xác nhận với VOA rằng hồ sơ kiện đã được tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp nhận và trang thông tin giáo phận Vinh cũng sẽ đưa thông tin về việc nộp đơn kiện này.

Linh mục Đặng Hữu Nam phụ trách giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, cho VOA biết đoàn đệ đơn kiện Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (còn gọi là Formosa Hà Tĩnh) không bị cản trở vào sáng ngày 18/7.

“Chúng tôi đại diện cho ngư dân và diêm đã khởi kiện Formoa các lần trước, các linh mục trong Uỷ ban Hỗ trợ ngư dân đã nộp đơn khởi kiện Formosa lên tòa án tỉnh Nghệ An vào sáng nay. Tòa án làm chức năng của họ: nhận đơn khi nguyên đơn nộp đơn kiện.”

Theo biên bản ký ngày 18/7 được đăng trên trang Thanh Niên Công giáo, thẩm phán Lê Thị Thanh thuộc tòa Nghệ An đã tiếp nhận đơn kiện.

Linh mục Nam nói đây là kết quả của nhiều lần “thương thảo” giữa chính quyền Nghệ An và Uỷ ban Hỗ trợ Ngư dân giáo phận Vinh:

“Chính quyền tỉnh Nghệ An lấy lý do rằng để đảm bảo ổn định trật tự xã hội nên đã rất nhiều lần thương thảo và thỏa thuận với Uỷ ban Hỗ trợ Ngư dân giáo phận Vinh là nộp tại tòa án tỉnh Nghệ An và đoàn chỉ đi khoảng 30 người.”

Linh mục Nam cho biết lần nộp đơn ngày 18/7 diễn ra ôn hòa, không bị chính quyền cản trở như những lần trước, vì đã hạn chế số người đi nộp đơn.

Trước đó, theo linh mục Nam, ngày 14/2/2017, chính quyền tỉnh Nghệ An “đàn áp một cách hết sức dã man” cuộc khởi kiện công ty của bà con Giáo xứ Song Ngọc. Chính quyền đã huy động hàng ngàn an ninh, cảnh sát cơ động, côn đồ để đánh đập những người dân tham gia cuộc khởi kiện.

Năm ngoái, vào ngày 18/10/2016, chính quyền Nghệ An và Hà Tĩnh đã ngăn cản và trấn áp đoàn giáo dân khi họ đi nộp đơn.

Trước đó, vào ngày 26 và 27 tháng 9/ 2016, các giáo xứ ở Nghệ An đã đệ 506 đơn lên tòa án huyện Kỳ An, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng tòa đã trả lại hồ sơ. Theo linh mục Nam thì việc bác đơn như vậy “sai hiến định.”

Việc công ty Formosa-Hà Tĩnh xả các chất độc hại ra biển hồi đầu tháng 4 năm ngoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Thảm họa này đã ảnh hưởng tới sản xuất và sinh kế của ngư dân, các hộ nuôi thủy sản ven bờ, đồng thời tác động nặng nề đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung.

Một số giáo xứ miền biển như Phú Yên, Song Ngọc, Mành Sơn… ở tỉnh Nghệ An cũng bị thiệt hại bởi thảm hoạ môi trường này.

Trang Thanh niên Công giáo cho biết gần như toàn bộ những thuyền bè đánh bắt hải sản ở giáo xứ Song Ngọc phải bán đi, bởi vì biển tại đó đã cạn kiệt nguồn hải sản. Một số hải sản người dân đánh bắt được, sau khi đem về bán thì giá cả cũng sụt giảm xuống gấp nhiều lần so với trước đó.

Tại Giáo xứ Phú Yên, hải sản đánh bắt được cũng giảm giá, một số loài hải sản bà con nuôi trồng thì bị mang tiếng là nhiễm độc nên không thể bán được.

Giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên cũng đã tổ chức các cuộc khởi kiện, yêu cầu đền bù thiệt hại, và phản đối nhà cầm quyền Việt Nam bao che cho tập đoàn Formosa. Nhưng tất cả các cuộc khởi kiện, yêu cầu đó của hai Giáo xứ này đã bị nhà cầm quyền tìm đủ mọi cách phá hoại, và người đi khiếu kiện có lúc bị đàn áp dữ dội.

Theo Linh mục Nam, tòa án sẽ phản hồi trong vòng 30 ngày sau khi nhận đơn, rằng họ sẽ thụ lý đơn kiện, chuyển lên tòa cấp cao hơn, hoặc bác đơn như những lần trước.

“Nếu họ thụ lý hồ sơ thì còn nhiều thủ tục phải làm như bổ sung hồ sơ nếu có yêu cầu. Khi hồ sơ đảm bảo đầy đủ thì họ phải thụ lý đơn. Chúng ta hãy chờ xem cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam.”

Vào tháng 10 năm ngoái, gần hai tuần sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại, vì đã xả thải độc hại khiến cá chết hàng loạt, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh trả lại 506 đơn khởi kiện Formosa-Hà Tĩnh của người dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Lý do tòa đưa ra là các “đơn và các tài liệu của người dân khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế theo khoản 5, điều 189 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.”

Tòa cũng viện dẫn Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 13/10/2016 về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh miền Trung, nhưng quyết định không bao gồm ngư dân bị thiệt hại tại tỉnh Nghệ An.

Theo báo Thanh niên, trong số 506 đơn kiện nêu trên, có 296 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đánh bắt hải sản, 137 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong sản xuất muối, 68 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nghề sản xuất nước mắm, 3 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về nghề nuôi trồng thủy hải sản, 2 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nghề kinh doanh thủy sản ven biển. Tổng số tiền các hộ dân yêu cầu bồi thường thiệt hại là 56 tỉ đồng. - VOA
|
|

20.
Việt Nam hứa trả nợ tiền công trái kháng chiến cho dân

Tiền nợ trong hai cuộc chiến chống pháp và chống Mỹ phải được thanh toán cho dân. Đây là đề nghị của Bộ Tài Chính hôm nay ngày 17 tháng Bảy, sau khi có chỉ đạo của phó thủ tướng Trương Hòa Bình từ thang trước, đề cập đến việc trả nợ như vừa nêu với kinh phí từ nguồn bảo đảm xã hội của ngân sách địa phương.

Trong công văn gởi Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, Bộ Tài Chính dẫn các văn bản từ trước cho thấy ngày 31 tháng Tám 1998 là thời hạn kết thúc việc thanh toán các khoản tiền mà nhà nước vay của dân trong 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây.

Vẫn theo Bộ Tài Chính, nếu có khó khăn vướng mắc trong việc trả nợ vay của dân thì địa phương cần báo cáo về để cơ quan trình báo với thủ tướng chính phủ.

Được biết từ năm 1979 Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thi hành quyết định của hội đồng chính phủ liên quan đến việc thanh toán tiền nhà nước nợ dân trong kháng chiến.

Những khoản nợ dân mà nhà nước phải trả gồm nhiều loại như công phiếu kháng chiến phát hành từng năm, từ 1948 cho đến 1952; công trái quốc gia phát hành từ 1947, 1948; công phiếu nuôi quân 1964.

Ngoài ra còn có tiền hay lương thực mà dân cho cơ quan nhà nước vay để sắm vũ khí, nuôi quân, vuôi cán bộ.

Tiếp đến là tài sản trưng thu nhằm phục vụ kháng chiến như máy móc, vân tải, tiền ký gởi cơ quan tín dụng, gởi ngân hàng nhà nước cách mạng.

Theo Bộ Tài Chính thì việc trả tất cả các khoản nợ vay của dân trong kháng chiến đến lúc này vẫn chưa hoàn tất. - RFA
|
|

21.
Vô tư ‘xẻ thịt’ đất quốc phòng phi trường Biên Hòa

Trong khi dư luận bất bình việc giao thông ở khu vực phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) kẹt cứng, đất quốc phòng trong phi trường lại cho thuê làm sân golf, thì cách đó không xa, phi trường Biên Hòa (Đồng Nai) cũng trong tình trạng tương tự khi hàng chục hécta được cho thuê với giá rẻ để mở quán nhậu, garage xa hơi, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Một người dân cho biết: “Đất trong này nhiều và giá thuê rẻ như cho, điện nước cũng đầy đủ nên mở quán nhậu rất thoải mái. Những người đầu tiên vào thuê đất để sản xuất kinh doanh, đến nay cũng đã hơn năm năm.” Theo người này, khu vực đang cho thuê thuộc đất của Nhà Máy A42 (Cục Kỹ Thuật Phòng Không-Không Quân), hiện giao cho công ty Cổ Phần Thương Mại Vi Na trực tiếp quản trị và cho thuê.

Báo Thanh Niên cho hay, trước đây khu đất này công ty Vi Na được giao làm “Khu Thương Mại và Xúc Tiến Đầu Tư Quốc Tế” (gọi tắt là IBP), rồi tổ chức làm chợ đêm, các gian hàng kinh doanh ăn uống, nhưng do hoạt động không thu lợi nên phải dừng. Sau đó, đơn vị này cho các cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng để làm quán nhậu, cơ sở sản xuất,…

Chính vì vậy, đập vào mắt người đi đường ngay từ ngoài cổng IBP (còn gọi cổng 1) chạy thẳng vào phi trường Biên Hòa (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là hàng loạt bảng hiệu quán nhậu, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh… treo kín hai bên.

Phía sau lưng quán nhậu là sân bóng đá, câu lạc bộ thể hình… Tiếp đến là hàng loạt garage xe hơi, xưởng làm nhôm kính, cửa sắt, xưởng mộc. Tiến sâu vào phía trong nữa là các bãi chứa xe hơi, xưởng sản xuất, kho bãi… thậm chí có cả kho tập kết phế liệu, bao nylon. Nhà xưởng, kho bãi san sát trên một diện tích đất rộng nhiều hécta trong phi trường, trông bát nháo và lộn xộn.

Đặc biệt, từ cổng IBP đi sâu vào trong khoảng 1 cây số, sát hàng rào gần với khu vực bên trong phi trường là bãi tập lái xe hơi của Trung Tâm Dạy Nghề Lái Xe SG. Hàng rào chỉ cao khoảng 2 mét, nên đứng ở bãi tập lái có thể thấy được máy bay, các nhà vòm chứa máy bay ở cách đó không xa.

Chủ một tiệm cửa sắt tại phi trường nói: “Giá thuê đất trong này rẻ, nếu thuê bên ngoài phải gấp 2-3 lần giá này.” Còn chủ garage xe hơi LH cho hay: “Tôi thuê mặt bằng với giá 4.5 triệu đồng/tháng làm garage, đến nay cũng được hai năm rồi. Đất này của quân đội, có nhà xưởng, người ta đầu tư gần 20 tỷ đồng ở trong nên mình cũng không lo việc bị thu hồi hay di dời.”

Ông Nguyễn Văn Hưng, ở phường Trung Dũng, phường giáp phi trường Biên Hòa, nói: “Nếu đi vào tận cùng của khu đất cho thuê có thể nhìn được máy bay, kho tàng quân sự, kho xăng dầu của cả phi trường, khu ụ để máy bay. Ngăn cách khu đất với khu vực để máy bay chỉ có bờ rào rất thấp thì việc xâm nhập vào trong chỉ là tích tắc. Việc cho thuê đất bát nháo hoàn toàn không có lợi cho việc phòng gian bảo mật, an toàn cho phi trường.”

Ông Đặng Đức Hòa, cũng ở phường Trung Dũng, nói: “Đất quân đội quản trị mà cho thuê thì chúng tôi không biết đúng sai, nhưng dưới con mắt của dân thì không nên, bởi vì bảo vệ cho phi trường không được chặt chẽ.”

Trong khi đó, ông Đào Xuân Nam, phó chủ tịch phường Tân Phong (địa bàn khu đất), nói: “Muốn kiểm tra phải liên hệ với thanh tra quốc phòng, bởi đất của quân đội nên địa phương không có thẩm quyền vào. Tình trạng như trên rất khó cho chính quyền địa phương về công tác quản trị. Giấy phép kinh doanh của những người bên trong phi trường, phường không hề biết và quản trị được, rất phức tạp.”

Ông cũng cho hay, khu vực cho thuê đất gần với khu chứa xăng dầu của phi trường và nơi sửa chữa máy bay cũ. Hiện nay phi trường Biên Hòa có diện tích khoảng 1,100 hécta, phần lớn nằm trên địa bàn phường Tân Phong. Một số diện tích còn lại thuộc địa bàn phường Trung Dũng, phường Bửu Long (Biên Hòa); xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Cửu)… - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment