Saturday, July 8, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 8/7

Tin Thế Giới

1.
G-20 gạt Trump ra rìa về khí hậu, đạt thỏa thuận về thương mại --- Con gái ông Trump ‘thế chỗ’ cha ở G20 --- G20: không xóa được khoảng cách về biến đổi khí hậu

Các cường quốc thế giới hôm thứ Bảy đồng loạt đi ngược lại Tổng thống Mỹ Donald Trump về biến đổi khí hậu, tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu.

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 Nước (G-20) tại Hamburg, Đức, nhấn mạnh rằng các nước khác và Liên minh Châu Âu ủng hộ thỏa thuận khí hậu Paris mà ông Trump khước từ. Họ gọi thỏa thuận giảm thiểu phát thải khí nhà kính này là "không thể đảo ngược được" và tuyên bố sẽ thi hành nó một cách nhanh chóng và không có ngoại lệ.

Các quốc gia khác, từ các cường quốc Châu Âu như Đức đến các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc và các nước sản xuất năng lượng như Ả-rập Saudi, hờ hững "lưu ý" lập trường của Mỹ được nhắc tới trong một đoạn văn riêng biệt mà chủ tọa hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói rõ rằng chỉ áp dụng riêng cho Mỹ.

Bà nói rằng lập trường của Mỹ là "đáng tiếc" nhưng hội nghị thượng đỉnh đã đạt được "kết quả tốt ở một số lĩnh vực" và dẫn ra một thỏa thuận khó khăn lắm mới đạt được về thương mại bao gồm cả ông Trump và Mỹ.

Về thương mại, các cuộc hội đàm khó khăn đã đưa tới kết quả là G-20 vẫn tiếp tục lên án chủ nghĩa bảo hộ thương mại, một tuyên bố mà lâu nay vẫn là đặc trưng trong những nỗ lực của nhóm nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên nhóm bổ sung thêm các yếu tố mới: thừa nhận rằng thương mại phải "đối ứng và có lợi cho cả đôi bên" và rằng các nước có thể sử dụng "các công cụ bảo vệ thương mại chính đáng" nếu họ bị lợi dụng.

Điều này nêu bật những lo ngại của ông Trump, người lần đầu tiên tham dự hội nghị G-20. Ông nói rằng thương mại phải công bằng và cởi mở và phải có lợi cho các công ty và người lao động Mỹ. Ông đã tập trung vào các mối quan hệ thương mại mà trong đó các nước khác có thặng dư lớn so với Mỹ, nghĩa là họ bán cho người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là họ mua từ các công ty Mỹ.

Rộng hơn, những lo ngại về thương mại và ảnh hưởng của nó đối với nười lao động đã đóng một vai trò lớn trong một trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016 và cuộc trưng cầu dân ý ở Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, một khối thương mại tự do.

Tuy nhiên các quan chức ủng hộ thương mại của Liên minh Châu Âu chỉ ra rằng lời lẽ trong tuyên bố G-20 không chệch khỏi hệ thống quy định toàn cầu hiện hành, vốn đã cho phép các nước thực hiện các biện pháp bảo vệ theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Những biện pháp này có thể bao gồm áp đặt thuế nhập khẩu để đáp lại những tập tục không công bằng như trợ cấp của chính phủ hoặc việc định giá thấp hơn chi phí.

EU đã cho thấy họ sẵn sàng tiến về phía trước với tự do thương mại mà không cần ông Trump bằng cách loan báo một hiệp định thương mại với Nhật Bản vào hôm trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc.

G-20 bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Mỹ, Mexico, Argentina, Brazil, Nam Phi, Ả-rập Saudi, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Úc và Liên minh Châu Âu. - VOA

***
Cô Ivanka Trump, con gái cũng như cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump, đã thế chỗ của cha trong một cuộc gặp với các lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hôm 8/7.

Theo CNN, một bức ảnh trên Twitter cho thấy rằng cô Ivanka ngồi kế bên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Kênh này trích lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump xác nhận rằng con gái của Tổng thống Trump đã tạm thế chỗ cha khi ông ra ngoài tham dự cuộc gặp song phương với lãnh đạo Indonesia, nhưng bác bỏ các gợi ý cho rằng đó là điều “không phù hợp”.

Quan chức này nói: “Cô Ivanka ngồi ở phía sau rồi sau đó ngồi vào bàn chính một lúc khi Tổng thống [Trump] phải đi ra ngoài. Khi các nhà lãnh đạo khác đi ra ngoài, ghế của họ cũng được người khác ngồi vào trong chốc lát”.

Bloomberg dẫn lời một quan chức nói rằng cô Ivanka đã thế chỗ ông Trump ít nhất hai lần ngày 8/7, và không phát biểu gì.

Tại một cuộc họp báo sau đó, hãng này dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel, chủ nhà của G20, nói tại Hamburg rằng các quốc gia tự quyết định ai sẽ đại diện cho họ.

“Các phái đoàn tự quyết định xem nếu tổng thống không có mặt tại cuộc gặp thì ai sẽ ngồi vào ghế. Ivanka Trump là một phần của phái đoàn Mỹ và đó là điều mà các phái đoàn khác cũng đã làm. Ai cũng biết là cô ấy làm việc tại Nhà Trắng và tham gia vào một số sáng kiến”, bà Merkel nói. - VOA

***
Các nhà lãnh đạo 19 quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức nối lại cam kết thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu bất chấp sự rút lui của Hoa Kỳ.

Bất đồng về khí hậu gây trở ngại cho các cuộc đàm phán trong ngày cuối cùng của hội nghị, nhưng cuối cùng các bên cũng đạt được thỏa thuận.

Tuyên bố chung của hội nghị, được đưa ra chiều thứ Bảy 8/7, viết: "Chúng tôi lưu ý quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ."

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước G20 còn lại đồng tình rằng thỏa thuận này là "không thể đảo ngược."

Thông cáo này cũng nói Mỹ sẽ "nỗ lực hợp tác chặt chẽ với các nước khác để giúp họ tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sạch hơn và có hiệu quả hơn."

Ông Trump cam kết giúp ngành công nghiệp than Hoa Kỳ phục hồi và trước đây đã từng coi thỏa thuận Paris là một thỏa thuận nhằm làm thiệt cho người lao động Mỹ.

Trước khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà vẫn lấy làm tiếc về quan điểm của ông Trump về thỏa thuận Paris, nhưng bà "hài lòng" rằng 10 quốc gia còn lại phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận này.

Các nhà đàm phán làm việc suốt đêm để nỗ lực đạt được thỏa thuận về câu chữ trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh này.

Các vị lãnh đạo đã có những cuộc gặp riêng trong ngày 8/7. Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Anh Theresa May và cho biết một hiệp định thương mại Mỹ-Anh sẽ sớm được ký kết.

G20 là hội nghị thượng đỉnh của 19 nước, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, cộng thêm EU. - BBC
|
|

2.
Tổng thống Pháp và chủ tịch Trung Quốc nêu bật đồng thuận về khí hậu --- Trump đến Paris: "Cú đánh đẹp" của Marcon

Bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Đức, ngày 08/07/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một cuộc tiếp xúc tay đôi đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai lãnh đạo đã nêu bật « sự đồng ý hoàn toàn » trên việc cần phải bảo vệ Hiệp Định Khí Hậu Paris, bị suy yếu sau khi Mỹ rút ra.

Theo điện Elysée, tức phủ tổng thống Pháp, trong cuộc tiếp xúc, hai nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh quyết tâm hoàn tất các dự án chung của hai nước về năng lượng tái tạo.

Trong lãnh vực song phương, cũng theo thông báo của điện Elysée, tổng thống Macron đã « chấp nhận công du Trung Quốc vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018 », nhưng ông « đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy quan hệ Pháp-Trung trên cơ sở thẳng thắn, có đi có lại và có dự báo. »

Tại Hambourg, tổng thống Pháp hôm nay cũng đã có cuộc tiếp xúc tay ba với thủ tướng Đức Merkel và tổng thống Nga Putin. Nổi bật trong chương trình nghị sự là hồ sơ Ukraina. Theo phủ thủ tướng Đức, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề ngừng bắn ở miền đông Ukraina.

Riêng tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu bằng tiếng Anh với báo chí Đức sau cuộc họp là ba người đã có một cuộc thảo luận tốt, nhưng đây là một tiến trình đang tiếp diễn, với « những điểm vướng mắc » mà ai cũng biết. Ông Macron xác định rằng các bên đã đồng ý trên một số bước đi cần thiết cho vài tuần lễ sắp tới.

Một trong những biện pháp rất có thể là việc triệu tập một cuộc họp của Nhóm Normandie, bao gồm 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraina.

Tình hình ở Ukraina vẫn rất bất ổn. Ba năm xung đột vừa qua đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, trong lúc các lệnh ngừng bắn giữa các thành phần ly khai thân Nga và quân đội chính quyền trung ương Ukraina đều không tồn tại được lâu.

Trong một thông cáo sau cuộc họp tay ba Macron-Merkel-Putin tại Đức, điện Kremlin cho biết là các lãnh đạo đã thống nhất là cần phải có những để áp đặt được một lệnh ngừng bắn thực thụ ở Ukraina. - RFI

***
"Trump đến Paris: Cú đánh đẹp của Marcon" là tựa đề trích đoạn bài viết của nhà báo Anh Piers Morgan, nổi tiếng với các quan điểm gây tranh cãi, được đăng tải trên tờ báo cánh hữu Anh Daily Mail, Courrier International trích dịch.

Tác giả thốt lên lời than đầy tiếc nuối bằng tiếng Pháp: "C’est fini ! – Thế là hết ! Trump đã nhận lời mời của tổng thống Pháp dự lễ Quốc khánh 14/7 tại Paris, niềm hy vọng cuối cùng của tôi về mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ thế là tan vỡ".

Tác giả mô tả nỗi đau khi đọc bản thông cáo Nhà Trắng nhận lời mời của Paris, như một lưỡi dao « xuyên thấu trái tim Anh - Mỹ » của mình. Nỗi đau chẳng khác nào một thiếu nữ thấy « người tình cũ cặp đôi với kẻ đẹp trai nhất trường ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù quan điểm và chính sách của ông ta có thế nào, vẫn là « nhân vật quyền lực nhất thế giới ». Anh Quốc lẽ ra đã có thể tiếp tục thừa hưởng « quan hệ mật thiết lâu đời với những người bạn bên kia Đại Tây Dương ». Piers Morgan lên án « những dân biểu ngớ ngẩn, ích kỷ », « những nhân vật nổi tiếng của cánh tả » đã phá hỏng chuyến đi dự kiến tới Anh của tổng thống Mỹ.

Macron quả là khôn !

Nhà báo Anh giải thích lý do vì sao tổng thống Mỹ lại nghiêng về phía Macron. Tác giả khẳng định, theo « kinh nghiệm » của chính ông, Donald Trump thích thú hai điều ở những người mà ông ta tiếp xúc : thứ nhất là « một cá tính mạnh mẽ » và thứ hai là « sự tôn trọng »… « Nếu quí vị đối xử đúng với ông ta, ông ta cũng sẽ đối xử với quý vị tương tự ». Theo nhà báo Anh, trong chuyện này, "Macron quả là khôn".

Nhà báo Anh cam chắc là Donald Trump « ngưỡng mộ tư chất quả cảm » của tổng thống Pháp trẻ tuổi, đặc biệt qua hai cử chỉ. Một là cú xiết tay rất chặt với chú bé hạt tiêu trong lần gặp đầu tiên tại thượng đỉnh NATO. Và lần thứ hai : đối lại việc Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu, Emmanuel Macron kêu gọi toàn thế giới « hãy trả lại sự vĩ đại cho Trái đất ! ».

Tác giả cũng thừa nhận một cách chua xót là dân Pháp quả là thực dụng, trong khi những người Anh cao đạo hoan hỉ với việc « chống được Trump », thì Paris sẽ trải thảm đỏ để đón ông ta. Paris sẽ có được một thỏa thuận hợp tác đặc biệt với Hoa Kỳ, đúng vào lúc nước Pháp đang khó khăn với khủng bố, « rất cần đến sự hậu thuẫn của những người bạn hùng mạnh ».

"Làn gió mới trên Đại Tây Dương"

Về vụ tổng thống Pháp mời tổng thống Mỹ tham dự Quốc khánh, l’Express phấn khởi. Bài « Làn gió mới trên Đại Tây Dương » nhấn mạnh là việc này không chỉ khẳng định « Pháp là đồng minh gắn bó nhất với Mỹ, mà còn cho thấy vị thế của Pháp với tư cách cường quốc bậc trung hàng đầu thế giới ».

Tác giả cho rằng việc Donald Trump nhận lời tới quảng trường Concorde, Paris, ngày Quốc khánh Pháp, có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng mối gắn bó truyền thống lâu đời của Mỹ với Pháp thực ra mạnh hơn nhiều so với quan điểm riêng của tổng thống Trump, vốn có chủ trương rút khỏi các hợp tác với châu Âu. Tân tổng thống Pháp hiểu rõ nhân duyên lịch sử này, đồng thời ông cũng khai thác được thời điểm mà chính tổng thống Mỹ đang « cần sửa sang lại hình ảnh của bản thân », sau khi đã tỏ ra quá thô bạo với các đồng minh NATO.

Song điều chính yếu mà l’Express muốn làm nổi bật đó là quyết tâm của Pháp, sẵn sàng thay thế Anh, can dự cùng Hoa Kỳ tại các mặt trận nóng bỏng như Syria.

Putin tìm chỗ dựa ở Macron

Nước Pháp dưới thời Macron không chỉ khẳng định vị thế mới trong quan hệ với Hoa Kỳ, mà quan hệ Pháp-Nga cũng bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác. Bài « Putin đặt cược vào Macron » của l’Express ghi nhận thái độ cứng cỏi của vị tổng thống trẻ tuổi, vừa nắm quyền được 18 ngày, đối diện với tổng thống Nga, đã 18 năm tại vị, người thường được ví như một « sa hoàng ».

Trong cuộc họp báo chung tại với ông Putin tại lâu đài Versailles, tổng thống Pháp trực tiếp lên án các xâm phạm nhân quyền nhắm vào người đồng tính tại Tchetchenia (thuộc Nga), đe dọa không kích Syria nếu chính quyền Damas dùng vũ khí hóa học, tố cáo các phương tiện truyền thông của Nhà nước Nga lừa dối. Tổng thống Nga đứng bên lặng lẽ nghe.

Quan hệ Pháp-Nga chỉ trong một buổi chiều đã hoàn toàn thay đổi.

Tuy nhiên, l’Express tỏ ra thận trọng, « còn quá sớm để khẳng định đây là điểm khởi đầu cho một tuần trăng mật ».

Thay đổi ngoạn mục này có lý do sâu xa là : ở phương Tây, Pháp hiện là « đối tác duy nhất » mà Nga có thể xây dựng quan hệ.

Với Đức, có thể nói hai bên đã « chia ly » sau vụ Ukraina. Anh Quốc thì chìm trong Brexit, hơn nữa Luân Đôn vốn lạnh lẽo với Matxcơva từ cả thập niên nay. Với Mỹ, hy vọng khởi sắc sau chiến thắng của Donald Trump tan biến, với những bê bối can thiệp mà FBI đang điều tra, trong lúc đảng Cộng Hòa hoàn toàn không muốn xích lại gần Matxcơva.

Tổng thống Nga tìm chỗ dựa ở Pháp cũng còn vì những vấn đề nội bộ. Con đường quyền lực của ông Putin đang ở bước ngoặt quyết định. Năm 2018, Putin phải vượt qua cuộc bầu cử tổng thống tháng 3, thành công trong cúp bóng đá thế giới tháng 7 - tháng 8, trong bối cảnh kinh tế sụt giảm, trừng phạt quốc tế tiếp tục, và làn sóng phản kháng mới của giới trẻ trong nước, do nhà đối lập đầy sức lôi cuốn Alexei Nalvany thúc đẩy.

Putin đang tìm kế sách mới. Một nhà ngoại giao ẩn danh Pháp nhận xét là ông ta không thể cứ « mãi mãi chơi ngón bài kích động chủ nghĩa dân tộc », điều này đã làm dân Nga « phát ngấy ».

Trong nhiệm kỳ sắp tới, có thể là nhiệm kỳ cuối cùng của mình, ông Putin rất có thể sẽ phải mở sang châu Âu để cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng lớn của láng giềng Trung Quốc ở sườn đông nước này. - RFI
|
|

3.
Tổng thống Putin tiết lộ về cuộc gặp với ông Trump --- Trump gặn hỏi Putin về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ --- Donald Trump: Cuộc gặp gỡ với ông Putin là "tuyệt vời"

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8/7 nói rằng ông nghĩ nguyên thủ Mỹ Donald Trump hài lòng với tuyên bố của ông rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.

Phát biểu sau lễ bế mạc hội nghị G20 ở Đức, nơi hai nhà lãnh đạo đã gặp mặt lần đầu tiên, ông Putin nói rằng ông tin đã thiết lập một mối quan hệ mang tính cá nhân với ông Trump, cũng như đặt nền móng ban đầu nhằm cải thiện quan hệ Nga – Mỹ.

Cuộc gặp bên lề của hai nhà lãnh đạo đã thu hút nhiều sự chú ý sau khi có các cáo buộc rằng chính Moscow đã tìm cách giúp ông Trump thắng cử.

Theo Reuters, khi được hỏi về nội dung trao đổi liên quan tới cáo buộc trên, ông Putin nói: “Ông Trump đã đặt nhiều câu hỏi về chủ đề này. Tôi đã cố gắng hết mức có thể để trả lời chúng. Dường như rằng ông ấy đã tiếp thu và đồng ý với các câu trả lời này, nhưng tốt nhất hãy hỏi ông ấy về chuyện này”.

Khi được hỏi tiếp về điều ông Trump đã nói với mình, Tổng thống Nga nói rằng “sẽ không phù hợp nếu tôi tiết lộ chi tiết cuộc thảo luận với ông Trump”.

“Ông ấy hỏi, tôi trả lời. Ông ấy hỏi các câu cụ thể và tôi trả lời. Tôi nghĩ rằng dường như ông ấy hài lòng với các câu trả lời đó”, ông Putin nói thêm.

Ngoài ra, ông Putin cũng có nhận xét nồng ấm về cá tính của Tổng thống Trump: “Ông Trump trên truyền hình khác xa so với ngoài đời thực. Ông ấy hết sức cụ thể, ông ấy phản ứng trước người đối thoại, phân tích khá nhanh và trả lời các câu hỏi đặt ra”.

“Theo tôi, dường như nếu chúng tôi xây dựng mối quan hệ theo đúng những gì xảy ra trong cuộc trao đổi hôm qua, thì chúng tôi có cơ sở để tin rằng chúng tôi ít ra có thể khôi phục mức độ hợp tác cần thiết”, tổng thống Nga nhấn mạnh. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặn hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp đầu tiên ngày 7/7 về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, theo thông tin từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Tổng thống Nga nói Moscow không hề can thiệp vào tiến trình dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái, đồng thời yêu cầu Mỹ trưng ra bằng chứng nếu có chuyện đó xảy ra.

Tổng thống Trump đang bị chú ý liên quan các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và các mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với Moscow. Ông Trump khẳng định đội ngũ của ông không thông đồng với Nga.

Phát biểu bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói lãnh đạo Nga-Mỹ đã có một cuộc trao đổi rất sôi nổi và dài về đề tài này. Tổng thống Trump đã hơn một lần gặn hỏi Tổng thống Putin về sự can thiệp của Nga.

“Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng đây là trở ngại quan trọng đối với khả năng đưa quan hệ Mỹ-Nga tiến tới,” ông Tillerson nói với báo giới.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm đôi bên đồng ý cùng làm việc theo cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của Hoa Kỳ cũng như của các nước khác.

Ông Trump và ông Putin trao đổi với nhau qua thông dịch viên, với sự hiện diện của Ngoại trưởng đôi bên trong vòng 6 phút trước khi báo giới được vào phòng ghi nhận phát biểu của hai bên. Một lát sau, phóng viên được mời ra ngoài để hai nhà lãnh đạo tiếp tục họp kín.

Tổng thống Trump cho biết ông và người đồng nhiệm phía Nga thảo luận nhiều đề tài. Phát biểu bên cạnh ông Putin, ông Trump nói ‘Chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều điều tích cực cho Nga, Mỹ, và tất cả các bên liên quan. Thật là một vinh dự được gặp ông hôm nay.’

Ông Putin bày tỏ hy vọng cuộc gặp hôm nay sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.

Ngoại trưởng Tillerson cho biết cuộc họp kéo dài hơn 2 tiếng và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã phải bước vào hối thúc đôi bên kết thúc.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, nói Tổng thống Trump chấp nhận việc ông Putin bác cáo giác về can thiệp bầu cử Mỹ. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 08/07/2017 ca ngợi cuộc gặp gỡ đầu tiên với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 là « tuyệt vời ».

Trong cuộc gặp kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, hai tổng thống Hoa Kỳ và Nga đã đề cập đến vấn đề Matxcơva can thiệp vào bầu cử Mỹ, nhưng thỏa thuận bỏ qua những bất đồng để tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương.

Theo ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông Donald Trump đã mở đầu bằng cách nêu ra vụ tin tặc Nga năm 2016 mà người dân Mỹ rất quan ngại. Trong cuộc đối thoại « gay go và kéo dài » này, ông Trump nhiều lần chất vấn ông Putin về vấn đề trên, nhưng tổng thống Nga bác bỏ mọi cáo buộc. Còn ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nói rằng ông Trump đã chấp nhận lời giải thích của ông Putin.

Ông Tillerson cho biết, hai nhà lãnh đạo đã tìm cách vượt qua những bất đồng, « tập trung vào các phương cách để tiến triển », và phía Nga cam kết « không can thiệp vào chuyện nội bộ cũng như tiến trình dân chủ của Mỹ ».

Lời giải thích này khiến phe Dân Chủ tại Washington bất bình. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, người đứng đầu phe Dân Chủ tại Thượng Viện cho rằng việc can thiệp vào tiến trình bầu cử không phải là một lãnh vực có thể thỏa thuận được.

Cũng theo ngoại trưởng Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã tỏ ra bất đồng về hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng Hoa Kỳ và Nga, Jordanie đã thỏa thuận được về ngưng bắn ở miền nam Syria.

Tiếp xúc với báo chí vào lúc nghỉ giải lao cùng với ông Putin, tổng thống Donald Trump tuyên bố đôi bên « đã đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau và mọi việc diễn ra rất tốt đẹp ». Ông bày tỏ hy vọng đây là điều tốt cho Nga, Mỹ và các bên liên quan, nhấn mạnh vinh dự được phát biểu bên cạnh tổng thống Vladimir Putin. Đồng nhiệm Nga cũng cho biết rất vui được gặp trực tiếp ông Trump, « vì tuy đã điện đàm nhiều lần, nhưng nói chuyện qua điện thoại thì không đủ". - RFI
|
|

4.
TQ: ‘thăm dò Biển Đông vì khoa học, không vì chủ quyền’

Các nhà khoa học Trung Quốc bênh vực các hoạt động thăm dò Biển Đông sử dụng công nghệ cao, họ biện minh rằng đây là một nỗ lực hợp pháp để nghiên cứu khoa học chứ không phải là một mánh khóe để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.

Ông Lin Qi, trợ lý nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải ở tỉnh Hải Nam, nói một tàu ngầm thăm dò nước sâu và mạng lưới quan sát dưới nước do các nhà khoa học Trung Quốc phát triển sẽ thu thập dữ liệu về các vùng biển sâu nhất thế giới để có thể sử dụng trong khai thác khoáng sản.

Ông Lin nói:

"Trong một chừng mực nào đó, có thể nói việc này giúp bảo vệ tuyên bố chủ quyền của chúng tôi, nhưng thực sự mục tiêu của các dự án này chủ yếu không phải để chứng minh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc."

Có lẽ nên nói rõ viện nghiên cứu nơi ông Lin làm việc là thuộc quyền quản lý của chính quyền trung ương.

Công nghệ mới là gì?

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, ông Lin giải thích đó là công nghệ thăm dò các dãy núi và rãnh trong đại dương, cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hơn 90 % diện tích Biển Đông, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại một số vùng lãnh hải trong Biển Hoa Đông.

Các học giả cỉa các cơ quan nhà nước thường phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc.

Giới quan sát bên ngoài Trung Quốc xem tàu ngầm thăm dò nước sâu Giao Long (Jiaolong) và hệ thống quan trắc dưới nước là một nước cờ để thắt chặt quyền kiểm soát của Trung Quốc tại biển Đông.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng Sáu cho biết tàu Giao Long vừa hoàn thành 5 năm thử nghiệm để chuẩn bị cho một sứ mệnh toàn cầu vào năm 2020.

Hồi đầu năm nay, Mạng thông tin Hải dương Trung Quốc cho biết mạng lưới quan trắc sẽ truyền thông tin về đáy biển trực tiếp và liên tục về đất liền, đồng thời “thăm dò tính chất hóa học, vật lý và sinh học của đáy biển cho các nhu cầu toàn diện của nhiều ứng dụng".

Ông Lin bác bỏ những lo ngại ở nước ngoài rằng các dữ liệu thu thập được sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh quân sự của nước ông.

Các lực lượng vũ trang Trung Quốc hoạt động phần lớn trong bí mật và đã giành được thế đứng trên một số đảo lớn hơn trong số các đảo nhỏ trong Biển Đông.

Ông Lin nói: "Vì mức độ hiểu biết của người ta chưa đầy đủ, có thể nói trong lĩnh vực thăm dò đại dương, rất nhiều nước đã có những dự án để nghiên cứu tỉ mỉ chủ đề này, và tàu Giao Long là một chương trình đại diện cho Trung Quốc."

Đa mục đích

Các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh đang sử dụng công nghệ để tìm tài nguyên cũng như cơ hội để chứng minh chủ quyền của mình.

Ông Oh Ei Sun, giảng dạy môn nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang Singapore, nói:

"Trước hết là mục đích kinh tế, thứ hai là một hành động để thể hiện chủ quyền.”

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã gây phẫn nộ tại các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nước này, khi lắp đất xây đảo nhân tạo để dùng vào mục đích quân sự, đồng thoio72 đưa tàu tuần duyên vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực. - VOA
|
|

5.
Oanh tạc cơ Mỹ B-1B đến tập trận bắn đạn thật trên bán đảo Triều Tiên

Hai hôm sau khi bay tập huấn cùng Không Quân Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, và tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng không ngang Biển Đông, ngày 08/07/2017, hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ lại được phái đến tập trận trên bán đảo Triều Tiên cùng với Không Quân Hàn Quốc. Mục tiêu răn đe Bắc Triều Tiên được cả hai đồng minh nêu bật.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, hai chiếc B-1B nói trên xuất phát từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam, đã bay đến bán đảo Triều Tiên, tham gia tập trận cùng với các phi cơ tiêm kích F-15 của Hàn Quốc và F-16 của Mỹ hiện diện tại chỗ, sau đó áp sát và bay dọc theo vùng biên giới Nam-Bắc Triều Tiên trước khi trở về căn cứ.

Điểm đáng chú ý là lần này hai oanh tạc cơ Mỹ đã phối hợp với các chiến đấu cơ Hàn Quốc và Hoa Kỳ, thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng Gangwon ở Hàn Quốc, giả định một cuộc tấn công phá hủy một dàn phóng tên lửa và hệ thống chỉ huy ngầm dưới mặt đất.

Trong một bản thông cáo, quân đội Hàn Quốc khẳng định rằng cuộc tập trận có mục tiêu « đáp trả một cách đanh thép loạt bắn tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên ».

Về phía Hoa Kỳ, thông điệp răn đe cũng rất rõ ràng. Theo hãng tin Mỹ AP, các giới chức quân sự Hoa Kỳ trong vùng đều cho rằng việc hai oanh tạc cơ B-1B đến tập trận trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sự đoàn kết và sẵn sàng chiến đấu của ba đồng minh Mỹ-Hàn-Nhật, sẽ không ngần ngại dùng đến toàn bộ năng lực sát thương hùng hậu của không lực ba nước.

Không quân Nhật Bản không tham gia tập trận trên bán đảo Triều Tiên, nhưng đã cử hai phi cơ tiêm kích F-2 bay lên tháp tùng oanh tạc cơ chiến lược Mỹ trên đường về, và cùng bay ngang Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không mà cả Mỹ lẫn Nhật đều không công nhận.

Đây là lần thứ hai trong vòng 48 tiếng đồng hồ mà không quân Mỹ-Nhật « thách thức » Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Hôm 06/07 vừa qua, hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ từ đảo Guam cũng cùng với Không Quân Nhật Bản tiến hành một cuộc tập huấn lần đầu tiên vào ban đêm ngay tại vùng Biển Hoa Đông, trước khi bay xuống tuần tra trên Biển Đông. - RFI
|
|

6.
Lãnh đạo đối lập Venezuela được thả khỏi tù, bị quản thúc tại gia

Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Leopoldo Lopez đã được thả ra khỏi tù và chuyển sang quản thúc tại gia vì lý do sức khoẻ, sau ba năm bị giam giữ trong nhà tù quân đội, luật sư của ông Lopez và Tòa án Tối cao Venezuela cho biết hôm thứ Bảy.

Một thông cáo của tòa án nói rằng "biện pháp nhân đạo" này được thực hiện đối với ông Lopez vì lý do sức khỏe, và trên tài khoản Twitter tòa án nói rằng hành động này được Chánh án Tòa án Maikel Moreno cấp phép.

Ông Lopez, 46 tuổi, bị bắt giữ vào tháng 2 năm 2014 vì cáo buộc kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ mà trong đó ba người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Một năm sau ông bị kết án gần 14 năm tù giam.

"Leopoldo Lopez đang ở nhà ông ấy ở Caracas với [vợ] Lilian và các con," luật sư người Tây Ban Nha Javier Cremades của ông Lopez phát biểu tại Madrid. "Ông ấy vẫn chưa được tự do nhưng bị quản thúc tại gia. Ông ấy được thả ra vào lúc bình minh." - VOA
|
|

7.
Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử được thông qua nhưng vắng các nước chủ chốt

Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 07/07/2017 đã thông qua một hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử đầu tiên. Tuy nhiên, hiệp ước này lại không được bất kỳ một quốc gia sở hữu loại vũ khí này tham gia.

Theo hãng tin Pháp AFP, văn kiện đã được chấp thuận với 122 phiếu thuận, trong lúc chỉ có 1 phiếu chống của Hà Lan, thành viên khối NATO, và một nước không bỏ phiếu. Điều đáng nói là không một cường quốc hạt nhân nào, tức là các nước thực sự sở hữu vũ khí nguyên tử, tham gia vào tiến trình soạn thảo hiệp ước này, làm cho văn kiện chỉ có giá trị tượng trưng mà thôi.

Các nước ủng hộ hiệp ước đã vỗ tay hoan nghênh sau khi văn kiện được thông qua, xem đấy là một bước tiến lịch sử. Áo, Brazil, Mêhicô, Nam Phi và New Zealand là các quốc gia thúc đẩy cuộc đàm phán, tập hợp tổng cộng 141 nước và kéo dài trong ba tuần lễ.

Ngược lại, các nước có vũ khí nguyên tử đã tẩy chay các cuộc đàm phán, cho rằng văn kiện đó không có tác dụng gì trên việc làm giảm số lượng 15.000 đầu đạn hạt nhân hiện hữu trên thế giới.

Theo hãng tin Mỹ AP, hiện có 9 quốc gia được công nhận hoặc được cho là đang sở hữu vũ khí nguyên tử. Đó là Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.

Trong một bản tuyên bố chung, ba cường quốc hạt nhân lớn là Anh, Pháp, và Mỹ đã đả kích bản Hiệp Ước, cho rằng « Sáng kiến này rõ ràng là đã bỏ qua thực tế của môi trường an ninh quốc tế ». Các nước này cũng dứt khoát bác bỏ khả năng tham gia Hiệp Ước trong tương lai.

Nhìn chung, bản hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử quy định việc cấm phát triển, lưu trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Văn kiện này chỉ áp dụng đối với các quốc gia ký kết mà thôi.

Tiến trình phê chuẩn tại từng nước ký kết sẽ bắt đầu từ ngày 20/09/2017, và văn kiện sẽ có hiệu lược sau khi có 50 nước phê chuẩn. - RFI
|
|

8.
Bác sĩ Đức, Mỹ chấp thuận phương thức chữa trị ung thư cho Lưu Hiểu Ba

Hai bác sĩ từ các nước phương Tây đã đến thăm ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đoạt Giải Nobel Hòa bình, tại một bệnh viện ở Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã chấp thuận phương thức chữa trị cho ông.

Ông Lưu bị tuyên án 11 năm tù giam vào năm 2009 vì "cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông đối vì nhân quyền căn bản ở Trung Quốc" trước khi được chuyển vào bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương ở vùng đông bắc để điều trị ung thư gan giai đoạn cuối.

Bệnh viện Số Một Đại học Y khoa Trung Quốc cho biết họ đã mời hai bác sĩ này, một từ Mỹ và một từ Đức, tới để giúp chữa trị cho ông Lưu.

Bệnh viện xác định danh tính của hai bác sĩ này là Joseph Herman từ Trung tâm Ung thư Anderson Anderson ở Mỹ và Markus Buchler từ Đại học Heidelberg ở Đức.

Sau khi xem xét bệnh sử của ông Lưu và bản báo cáo về phương thức chữa trị cho ông, hai bác sĩ, cùng với các chuyên gia Trung Quốc đang chữa trị cho ông Lưu, đã trao đổi về bệnh tình của ông với ông và người nhà của ông.

"Các chuyên gia Mỹ và Đức hoàn toàn chấp thuận hoàn toàn phương thức trị của nhóm chuyên gia trong nước và những gì họ đã làm," bệnh viện cho biết trong một thông cáo.

Ông Lưu bị cầm tù sau khi bị kết tội "kích động lật đổ quyền hành nhà nước." Trước đó ông đã viết một thỉnh nguyện thư được gọi là Hiến chương 08 kêu gọi cải tổ dân chủ ở Trung Quốc.

Ông được thả ra trước thời hạn vì lý do y tế để nhập viện vào cuối tháng 6.

Các biện pháp an ninh mới

An ninh tại bệnh viện đã được tăng cường trong vài ngày qua. Một khu trên tầng 23 đã bị chặn lại bằng một vách ngăn. Một phóng viên của VOA tìm cách đi ra đằng sau vách ngăn thị bị những người đàn ông ở phía bên kia vách ngăn chặn lại.

Hai người canh gác thang máy ở tầng 23. Một người đàn ông giao thức ăn cho bệnh nhân không rõ là ai được yêu cầu đợi như người canh gác. Ông ta gọi người nhà bệnh nhân đến nhận thức ăn. Cả người giao thức ăn lẫn người nhà bệnh nhân đều nói với VOA rằng mới có các biện pháp an ninh này và những tầng khác của bệnh viện thì không có.

Trung Quốc từ chối bình luận

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu từ chối bình luận về chuyện chữa trị cho ông Lưu và sự tiếp cận của truyền thông đối với gia đình ông.

Tuy nhiên, ông bày tỏ bất mãn về sự can dự của Liên Hiệp Quốc, sau khi ông Zeid Ra'ad al-Hussein, Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để nói về trường hợp ông Lưu.

"Các quan chức hữu quan của Liên Hiệp Quốc nên tuân thủ nghiêm ngặt những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nên tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc," ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cho biết họ rất lo ngại về tin tức cho hay sức khỏe của ông Lưu đang xấu đi.

"Trưởng Cao ủy đã yêu cầu để một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận khẩn cấp Lưu Hiểu Ba và Lưu Hà," cơ quan này cho biết trong một ghi chú báo cáo. "Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Trung Quốc đối với yêu cầu này." - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Bang Hawaii tìm cách giới hạn lệnh cấm của ông Trump

Tiểu bang Hawaii ngày 7/7 yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang ra lệnh khẩn ngăn một phần sắc lệnh du hành của Tổng thống Trump trong lúc bang tìm cách xác minh rõ ràng những ai sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh này.

Tòa Tối cao tháng trước cho phép sắc lệnh của ông Trump được tiến hành với một phạm vi giới hạn hơn.

Lệnh cấm du hành do Tổng thống Trump đưa ra cấm nhập cảnh Mỹ tạm thời trong vòng 90 ngày những ai đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Tòa Tối cao cho phép lệnh này có hiệu lực nhưng không áp dụng đối với những người có quan hệ gia đình hay làm ăn tại Mỹ.

Chính quyền Trump sau đó xác định các đối tượng như vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em của công dân Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm du hành. Tuy nhiên, ông bà và các thành viên họ hàng khác đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ bị cấm.

Ông Trump nói biện pháp đó cần thiết để ngăn các vụ tấn công cực đoan trong khi những người phản đối cho rằng lệnh cấm kỳ thị người Hồi giáo.

Một thẩm phán ở Honolulu, bang Hawaii, hôm 6/7 khước từ yêu cầu của bang đòi thu hẹp việc thực thi lệnh cấm, viện lý do rằng bang Hawaii nên yêu cầu trực tiếp với Tòa Tối cao để được xác định rõ ràng nội dung phán quyết của tòa.

Thay vào đó, bang Hawaii đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm khu vực số 9. Đơn nạp ngày 7/7 nêu rõ Tòa phúc thẩm có quyền thu hẹp lệnh cấm du hành trong thời gian bang Hawaii quyết định cách diễn giải phán quyết của Tòa tối cao vào thực tế. - VOA
|
|

10.
Kinh tế Mỹ tạo thêm 222.000 việc làm

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong tháng 6, với 222.000 công việc mới được tạo thêm.

Phúc trình của Bộ Lao động Hoa Kỳ còn cho biết tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đôi chút, lên tới 4,4%.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,001%, có lẽ là do nhiều người hơn được khích lệ vì gần đây có tin tích cực về kinh tế, nên đã trở lại đi tìm việc.

Hiện có khoảng 7 triệu người Mỹ được ghi nhận là thất nghiệp. Thêm 1,6 triệu người không có việc làm nhưng không được chính thức coi là thất nghiệp bởi vì họ không đi tìm việc làm trong 4 tuần lễ vừa rồi.

Ngoài ra, còn có 5 triệu người Mỹ muốn tìm việc làm toàn thời nhưng chỉ tìm được việc làm bán thời.

Số công việc làm ăn được tạo ra trong tháng Sáu tập trung trong lĩnh vực chăm sóc y tế, dịch vụ doanh nghiệp và ngành ẩm thực.

Lương bổng tăng khoảng 2,5% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chỉ cao hơn tỷ lệ lạm phát chút đỉnh. - VOA
|
|

11.
Nhiều nhà máy điện Mỹ bị tin tặc xâm nhập

Tin tặc đã xâm nhập ít nhất hơn mười nhà máy điện của Mỹ trong các cuộc tấn công mạng vào tháng Năm và tháng Sáu, truyền thông Mỹ đưa tin và dẫn lời các giới chức tình báo.

Các mục tiêu bao gồm các cơ sở hạt nhân Wolf Creek ở Kansas, theo một loạt nguồn tin.

Một báo cáo khẩn cấp của Bộ An ninh Nội địa (DHS) cho biết một cường quốc nước ngoài, có thể là Nga, chịu trách nhiệm, tờ New York Times cho biết.

Tài liệu của DHS thực hiện đánh giá mối đe dọa cao thứ nhì, báo New York Times cho biết.

Nhà máy điện hạt nhân Wolf Creek từ chối cho hay liệu nhà máy đã bị xâm nhập hay không nhưng nói đã có "không có ảnh hưởng về công tác vận hành" tại nhà máy.

"Lý do đó là thật là do hệ thống máy tính vận hành hoạt động nhà máy là hoàn toàn tách biệt với mạng công ty," người phát ngôn nhà máy Wolf Creek Jenny Hageman nói với hãng tin Reuters.

Trong một tuyên bố chung với FBI, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ nói là "không có dấu hiệu của một mối đe dọa cho an ninh công cộng".

Các tin tặc dường như cố gắng ghi chép hệ thống mạng máy tính nhằm chuẩn bị các cuộc tấn công trong tương lai, theo báo cáo của DHS mà New York Times đọc được.

Họ gửi email nhắm thẳng tới các kỹ sư cao cấp tại công ty đang giám sát trực tiếp nhà máy hạt nhân, giả bộ nộp đơn xin việc nhưng đã cài mã độc vào email, báo này cho biết.

Giới chức Mỹ nói với báo này rằng các kỹ thuật tương tự giống với kỹ thuật mà những chuyên gia của Nga từng dùng để tấn công vào các nhà máy điện trước đây.

Giới thanh tra Mỹ cáo buộc tin tặc Nga đứng đằng sau một cuộc tấn công năm 2015 gây mất điện tại khắp Ukraine.Nhiều nhà máy điện Mỹ bị tin tặc xâm nhập. - BBC
|
|

12.
Một ông giả thượng nghị sĩ, giắt hai con dao, vào Trump Tower kiếm cô Ivanka

Một người đàn ông ở khu Bronx, New York, định vào trong tòa nhà Trump Tower để gặp cô Ivanka Trump, ái nữ Tổng Thống Donald Trump, hôm Thứ Năm, nhưng bị nhân viên Sở Mật Vụ chặn lại, khi thấy rằng ông này mặc áo giáp chống đạn, theo tin cảnh sát.

Ông Adames Benitez, 52 tuổi, mặc áo giáp này bên trong áo sơ mi khi đến tòa nhà Trump lúc khoảng 4 giờ chiều, theo bản tin của tờ New York Daily News.

Ông nói với các nhân viên canh gác nơi đây rằng mình là một thượng nghị sĩ Mỹ và có hẹn gặp cô Ivanka Trump để bàn về các kiểu quần áo mà công ty của cô bán, và ông cũng là chủ tòa nhà này, NY Daily News cho hay.

Sau khi lục soát người ông Benitez, cảnh sát tìm thấy hai con dao, một chiếc vớ có vật nặng bên trong và một thẻ nhận dạng giả mạo của tiểu bang New York.

Ông được đưa đến trung tâm y tế Weill Cornell Medical Center để lượng định tâm thần, theo cảnh sát.

Ông Benitez bị truy tố tội giữ võ khí trong mình và dùng giấy tờ giả, cũng theo tờ NY Daily News. - nguoiviet
|
|

13.
Bất đồng với Chính Phủ Trump, giám đốc Văn Phòng Đạo Đức xin từ nhiệm

Sau sáu tháng đấu khẩu với Tòa Bạch Ốc, ông Walter Shaub, Jr., giám đốc Văn Phòng Đạo Đức Chính Phủ (OGE), hôm Thứ Năm gửi thư xin từ nhiệm lên Tổng Thống Donald Trump, người mà ông từng đối đầu mấy lần từ ngày ông giữ chức vụ cách đây năm tháng rưỡi.

Hãng thông tấn UPI trích nội dung lá thư của ông Shaub, trong đó có đoạn viết: “Niềm vinh dự lớn lao trong sự nghiệp của tôi là được lãnh đạo toàn thể nhân viên thuộc cơ quan OGE, những người nguyện bảo vệ nguyên tắc phục vụ công chúng, sự tín nhiệm của công chúng, công việc đòi hỏi mọi nhân viên phải trung thành với Hiến Pháp, luật pháp và các nguyên tắc đạo đức, đặt tất cả lên trên quyền lợi cá nhân.”

Ngày cuối cùng ông Shaub làm cho OGE sẽ là 19 Tháng Bảy, sau đó ông sẽ gia nhập trung tâm pháp lý Campaign Legal Center, một tổ chức bất vụ lợi và phi đảng phái.

Với tư cách trưởng cơ quan độc lập của Tòa Bạch Ốc chuyên xem xét những sai phạm đạo đức, ông từng điều tra nhiều khiếu nại về đạo đức chống lại chính phủ Trump.

Trước khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc, ông Shaub từng cân nhắc xem có thể có xung đột lợi ích liên hệ đến doanh nghiệp khổng lồ của tổng thống tân cử.

Ông Shaub gọi kế hoạch chuyển quyền kiểm soát doanh nghiệp cho các con trai của ông Trump là “không có ý nghĩa gì cả, xét về phương diện xung đột lợi ích.”

Một tháng sau, ông Shaub đề nghị biện pháp kỷ luật đối với cố vấn Kellyanne Conway, vì bà này cổ động cho thương hiệu thời trang của cô Ivanka Trump, ái nữ của tổng thống, trên đài truyền hình Fox News, điều mà ông cho là vi phạm các nguyên tắc của chính phủ liên bang. Tòa Bạch Ốc không có phản ứng nào cả.

Hồi Tháng Tư, ông Shaub nhận được một khiếu nại vi phạm đạo đức khác về việc chính phủ Trump cổ động trên internet cho khu nghỉ mát xa hoa Mar-a-Lago của ông Trump ở Nam Florida.

Mặc dù là cơ quan hàng đầu thuộc hành pháp, chuyên xem xét những sai phạm của chính phủ, nhưng OGE không có quyền gì đối với Tòa Bạch Ốc hay đối với tổng thống. Họ chỉ có thể đề nghị các biện pháp kỷ luật.

Ông Shaub được cựu Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm làm trưởng cơ quan OGE vào năm 2013, một nhiệm kỳ năm năm. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Số phận thuyền viên Việt bên trong sào huyệt Abu Sayyaf

Tối 7/7, ông Hoàng Văn Hưng, em trai ông Hoàng Văn Hải, một trong hai thuyền viên Việt Nam bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf chặt đầu tại Philippines, cho VOA biết anh trai của ông bị sát hại sau khi nhóm con tin bị chuyển sang cho một nhóm khác, “khủng khiếp hơn,” canh giữ.

Nhóm chuyên bắt cóc tống tiền này ra hạn chót để phía Việt Nam nộp tiền chuộc là vào ngày 30/6.

“Khoảng hơn chục ngày nay nó lại giao cho một nhóm khác, khủng khiếp hơn. Nó nói là nó làm. Vì lâu nay nó nói rằng bọn Việt Nam này tao cho cơ hội mấy lần rồi. Nó dọa mấy lần rồi. Lần này, nhóm này khủng khiếp hơn, nó hẹn 30/6 này phải có tiền cho nó.”

Ông Hoàng Văn Hải và Hoàng Trung Thông bị sát hại sau khi nhóm này không nhận được khoản tiền chuộc, được cho biết là hơn 25 triệu peso [Khoảng 493 ngàn Mỹ kim – VOA].

Các thuyền viên trên nằm trong số nhóm 19 thuyền viên trên tàu Royal 16 của Việt Nam bị cướp biển tấn công và bắt cóc 6 người trên vùng biển Philippines hồi tháng 11/2016.

Ông Hoàng Văn Hưng thuật lại lời ông Hoàng Võ, một trong số thuyền viên may mắn thoát khỏi tay Abu Sayyaf, cho biết trong khoảng 8 tháng trước đó, nhóm con tin “sống chung hòa bình” với nhóm canh giữ.

“Người Việt Nam mình hòa đồng mà. Lại may mắn là nhóm bắt cóc lại giao cho một nhóm này cũng hiền. Nó có trách nhiệm là trông coi, cho ăn, làm sao cho an toàn. Nó còn cho ăn chung với nó cơ mà. Có những lần bọn bắt cóc ở trên chỉ đạo xuống cho bọn này, thì nó làm hình ảnh buộc tay, kề dao vào cổ cho nó quay phim, chụp ảnh đòi tiền. Nó làm trò thôi. Nhóm trông giữ đấy rất thân thiện."

"Nhưng mới đây em nhận được tin là nó lại chuyển đi đảo khác, giao cho một nhóm khác. Nhóm này chuyên bắt cóc và đòi tiền, chứ không trông coi nữa.”

Vẫn theo lời kể của ông Hưng, các con tin Việt Nam bị Abu Sayyaf bắt cóc hoàn toàn không có ý định bỏ trốn vì trên đảo toàn “người của nó”.

“Anh em bên mình không có ý định bỏ trốn được với nó vì xung quanh cái đảo đó toàn là người nhà nó hết. Hôm nay nó cầm súng, nhưng khi nghe thông báo có quân đội đặt chân đến là nó lại bỏ súng, vác dao lên người, nó lại là người dân thường đi rừng bình thường thôi. Chỉ thằng nào có lệnh truy nã nó mới trốn thôi, còn những người không có lệnh truy nã thì nó vẫn bình thường.”

Thông tin cuối cùng mà ông Hoàng Võ biết được về ông Hoàng Văn Hải và Hoàng Trung Thông là khi nhóm bắt cóc ở trên đảo bị quân đội Philippines đánh bom. Ông Hoàng Võ bị thương nên lọt lại phía sau và lạc nhóm. Nhờ đó ông được cứu thoát.

Ông Hưng kể tiếp:

“Hai anh Thông và anh Hải nó có nhờ vác theo một xác chết của người nhà nó. Anh Võ thì cứ chống cây đi theo sau vì anh đang bị đau bên sườn và bên chân trái. Cứ đi khập khiễng như thế khoảng mười mấy cây số thì ảnh không thể đi được nữa nên ảnh nằm lại đấy. Rồi ảnh lại đi lung tung vì bị lạc hướng mà. Gặp cái nhà hoang nên ảnh vào ngủ. Ngủ đến sáng ảnh lại đi tiếp.”

Ông Hoàng Võ sau đó được binh sĩ Philippines cứu; rồi công ty Hoàng Gia đưa về Việt Nam. Theo BBC Việt Ngữ, một người trong gia đình ông Hoàng Võ nói, cho đến nay ông Hoàng Võ vẫn chưa được về nhà mà phải ở lại công ty vì “công ty đang điều tra, và vụ việc này liên quan đến an ninh hàng hải nên Võ không được dùng điện thoại di động lẫn Facebook."

Tin ông Hoàng Văn Hải bị sát hại khiến nhiều bạn bè và dân quê thương tiếc. Bạn bè cho biết ông là người “hiền lành nhất lớp” và có ý định đi chuyến tàu sang Philippines là chuyến cuối cùng rồi giải nghệ, tìm việc làm khác.

“Tính anh Hải, nói như anh Võ, đến cướp nó còn quý nữa là người nhà. Ảnh hòa đồng lắm. Anh Võ về nói rằng cướp nó còn trêu đùa rằng ‘Hay mày ở lại với tao rồi tao mua vợ cho.’ Anh Võ còn nói ‘Bọn anh còn không được sờ súng, chứ thằng Hải nó được tháo lắp súng hết, cái nào nó cũng được sờ hết.’ Nó còn cho lên Facebook bằng điện thoại, nhưng không được nhắn tin hay ‘like’ cho ai hết. Nó chỉ cho xem những tin nhắn mà lâu nay người thân gửi thôi.”

Thân nhân cho VOA biết họ đang chờ thủ tục để sang Philippines nhận thi thể ông Hoàng Văn Hải. Phía công ty ông Hải làm việc hứa sẽ hỗ trợ chi phí cho một người trong gia đình sang Philippines.

Tối 6/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Vũ Hồng Nam, xác nhận thông tin về hai thuyền viên bị sát hại trên và cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã có mặt tại nơi bảo quản thi hài các nạn nhân.

Theo thông tin từ người phát ngôn của Bộ Tư lệnh miền Tây Mindanao, Đại úy Jo-Ann Petinglay, hiện có 3 thủy thủ người Việt khác vẫn đang bị nhóm Abu Sayyaf bắt giữ cùng với 14 người nước ngoài và 8 người Philippines tại đảo Basilan và khu vực đảo Jolo. - VOA
|
|

15.
Đắm tàu, 5 lao động chui Việt Nam sang Đài Loan thiệt mạng

Nhà chức trách Việt Nam vừa xác định danh tính của 5 trong số hơn 20 lao động chui bị chìm tàu tại Trung Quốc khi đang trên đường sang Đài Loan.

Thông tin ban đầu cho biết nhóm người đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình... là những tỉnh chịu thiệt hại trực tiếp trong thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung do công ty Formosa gây ra.

Báo chí trong nước cho biết nhóm này đã đóng khoảng 40 – 50 triệu đồng/người cho một người đàn ông ở tỉnh Bắc Giang, hiện chưa rõ danh tính, để người này đưa họ sang Đài Loan làm chui.

Sau khi đến Trung Quốc vào ngày 31/3, nhóm người được đưa lên một con tàu để vượt biển Đài Loan, nhưng không may tàu gặp nạn và bị chìm.

5 nạn nhân được xác định danh tính gồm: Lê Đình Hiếu, Hồ Đức Tiến, Lưu Xuân Hoàng, Nguyễn Phúc Toàn và Đào Sỹ Hùng.

Sang Đài Loan nhiều vì Formosa?

Một thợ lặn giấu tên ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhà máy của công ty Formosa, cho VOA biết là kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường, rất nhiều người lâu nay vẫn kiếm sống dựa vào biển đã phải bỏ sang Đài Loan làm việc.

“Trong làng, xung quanh đi nhiều, đi Đài Loan rất nhiều. Sang làm công nhân bên đó thì chấp nhận chịu khổ một tí, nhưng đồng lương bên đó cao. Trước đó cũng có một số người đi. Nhưng từ khi bị vụ Formosa thì người ta đi nhiều hơn. Trước đó họ làm nghề biển, chủ yếu đi đánh cá. Sau khi biển bị vậy, không làm ăn được thì người ta đi thôi”

Trên mạng xã hội hiện lan truyền công điện của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu gửi cho Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an và Hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài yêu cầu tạo điều kiện để ông Đào Hữu Thiên, bố của Đào Sỹ Hùng, được nhập cảnh tro cốt của con trai.

Nhưng cho đến nay (7/7), vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ việc trên.

VOA không liên lạc được với các cơ quan chức năng Việt Nam để xác minh chi tiết về tai nạn đắm tàu. - VOA
|
|

16.
'Tự tử khi đang viết tự khai' trong nhà tạm giữ ở Phan Rang

Một thanh niên ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vừa qua đời sáng 8/7 sau khi được cho là tự tử khi đang "viết tự khai" tại đồn công an ở Phan Rang, truyền thông trong nước đưa tin.

Hôm 6/7, anh Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, được đưa về Nhà tạm giữ Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm vì là nghi phạm trong một vụ án cố ý gây thương tích xảy ra từ hồi cuối tháng 5, Công an Thành phố Phan Rang được các báo dẫn lời.

Vào khoảng 16.00 chiều ngày 7/7, khi mẹ của anh Nguyễn Hồng Đê đến xin vào gặp con thì phát hiện anh trong trạng thái treo cổ vào cửa sổ bằng chiếc áo sơ mi đang mặc.

Tờ Người Lao Động nói trước khi điều tra viên vụ án đưa mẹ của anh Đê vào phòng để gặp con mình, anh được cho là đang "ngồi viết tự khai".

Anh Đê được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận ngay sau đó nhưng đã tử vong sáng sớm ngày 8/7.

Gia đình anh Đê yêu cầu đưa thi thể anh về nhà để an táng. Theo tờ Pháp Luật, người nhà anh Đê đẩy thi thể anh trên băng ca qua nhiều đường phố và đến trước cổng UBND tỉnh Ninh Thuận để phản đối vì cho rằng anh Đê tử vong không phải do tự tử. Họ không sử dụng xe cứu thương mà cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận thu xếp.

Hiện công an tỉnh Ninh Thuận đang tiến hành điều tra vụ việc.

Đây là vụ người dân chết trong đồn công an thứ hai xảy ra trong vài tháng gần đây tại Việt Nam.

Hồi đầu tháng 5, giới chức nói ông Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, người bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt để điều tra hành vi "tán phát tài liệu chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", đã "tự sát" chỉ sau một ngày tạm giam. - BBC
|
|

17.
Đồng Tâm, sau 45 ngày của hy vọng --- Dân Đồng Tâm lại bị dồn đến chỗ phải nổi loạn

Sự chờ đợi của người dân thôn Hoành về kết quả thanh tra đất đai Đồng Tâm dường như được giải quyết vào sáng ngày 7 tháng 7. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gọi đây là “thực hiện đúng cam kết” mà ông đã hứa với người dân Đồng Tâm: Sau 45 ngày, tại UBND xã Đồng Tâm, dự thảo kết luận thanh tra đất được công bố công khai. Vì sao chỉ là “dự thảo kết luận” nhưng lại công bố rộng rãi?

Dự thảo để thăm dò?

Sau vài diễn biến được gọi là “đầu tiên” trong vụ việc Đồng Tâm, có thể nhắc lại như: Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại sau 1975, người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện bằng hành vi bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin; lần đầu tiên mâu thuẫn đất đai được giải quyết bằng cuộc đối thoại giữa một quan chức cấp cao, và kết thúc bằng một bản cam kết cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam: bản cam kết viết tay của chính ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện.

Thì một lần nữa, đây là lần đầu tiên một kết luận thanh tra được công bố rộng rãi trước người dân với tên gọi “dự thảo kết luận thanh tra”.

Chính ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có đưa ra giải thích và được báo chí trích dẫn lại rằng: Cơ quan chức năng có thể tổ chức thông báo dự thảo kết luận thanh tra hoặc không, tuy nhiên, để “thực hiện đúng cam kết” thì dự thảo đã được công bố rộng rãi.

Theo dõi vụ Đồng Tâm từ những ngày đầu cho đến khi diễn ra buổi công bố dự thảo kết luận, tối ngày 7 tháng 7, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng có một lý do để giải thích cho việc gọi là “dự thảo kết luận”.

“Việc họ dự thảo kết luận thanh tra thì họ có cái lý do, là vì họ không tin chắc cái lập luận của họ. Cho nên họ đưa ra dự thảo để xem xét dư luận nói cái gì, người ta phản bác cái gì? Người ta vạch ra cái gì? Người ta vạch ra cái chỗ mâu thuẫn không chính xác…thì họ có thể có cơ hội để điều chỉnh.

Tôi suy nghĩ rằng đấy là 1 việc mà họ cũng có sự khôn ngoan.”

Như phân tích của giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã đưa ra, cách nói “dự thảo kết luận” là người tham dự được quyền lên tiếng đòi hỏi chỉnh sửa nếu cần thiết. Theo tường thuật của báo trong nước, ông Bùi Văn Kỉnh, người dân xã Đồng Tâm, có mặt tại buổi công bố có ý kiến lẽ ra người dân thôn Hoành phải nhận được bản dự thảo trước khi công bố để nghiên cứu nội dung. Ông đề nghị cơ quan chức năng đo đạc lại hai khu đất Đồng Sênh và Cổng Đồn với sự giám sát của hai bên chính quyền và người dân, tuy nhiên lời đề nghị của ông không được chấp thuận.

Ngỡ ngàng

Cũng theo tường thuật của truyền thông trong nước, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy trình bày dự thảo kết luận với nhiều nội dung chi tiết trong một giờ 30 phút, trước khoảng 200 người gồm đại diện nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cùng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các ban ngành. Một số luật sư được cho là đại diện nhóm người dân ở thôn Hoành cũng có mặt.

Trong bản dự thảo kết luận, ông nêu, không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của ông Lê Đình Kình (đại diện cho người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm), diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha và là đất quốc phòng.

Ông chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người từng ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm, khẳng định rằng, một số quyết định liên quan trong đó có quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2014 về khu đất quốc phòng sân bay Miếu Môn 236,9 ha là "đúng pháp luật".

Ngược lại, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai Hoàn toàn không đồng ý với kết quả của dự thảo kết luận trên.

“Những kết luận sơ bộ thì tôi thấy nhiều điều không trung thực, và đấy là cái năng lực cũng như là thái độ xưa nay của họ thôi. Họ không muốn đi đến cái chân lý tận cùng đâu”

Chân lý mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng cần phải đi đến tận cùng trong giải quyết vấn đề Đồng Tâm, chính là nhìn ra sai lầm đầu tiên, cũng là lớn nhất, đó là chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất không rõ ràng minh bạch.

“Người ta giao cho anh làm sân bay chứ không phải nói là đất quốc phòng chung chung rồi anh muốn làm gì thì anh làm. Khi anh đã không làm sân bay thì nguyên tắc anh phải trả lại cho chính phủ để chính phủ trả lại cho dân. Hiện nay dân cũng có yêu cầu rất lớn để làm ăn sinh sống. Đó là sai lầm rất lớn của họ.”

Cùng nhận định trên, luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẽ trên trang cá nhân của ông rằng: Những nguyên nhân chính yếu gây nên "sự cố" Đồng Tâm như chính sách về sở hữu đất đai, về giải quyết khiếu nại, về tình trạng tham nhũng hoặc yếu kém của cán bộ công chức ... đều bị xem nhẹ.”

Khoảng hai tuần trước, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình chia sẽ trong một video clip trên mạng xã hội: “Tôi muốn nói với ông Nguyễn Đức Chung rằng hãy chờ kết quả thanh tra trước khi có quyết định khởi tố”.

Qua đó, nhiều ý kiến nói rằng người dân Đồng Tâm đang trông ngóng và hy vọng vào một kết luận thanh tra sẽ chứng minh được việc họ bắt giữ cán bộ là một động thái bảo vệ đất đai của mình.

Thế nhưng, ngay sau khi bản dự thảo kết luận được công bố, trả lời phóng viên Đài Á Châu tự do, ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm rất bất mãn.

“Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó.”

Theo lời ông Doanh, đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, và Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng.

Và ông Lê Đình Kình, người được cho là thủ lĩnh của thôn Hoành, sau khi theo dõi diễn biến buổi công bố dự thảo kết quả thanh tra, đã trả lời báo chí trong nước rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ”.

Ông chính là người nói lời cảm ơn ông Nguyễn Đức Chung trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung: Nếu ông Nguyễn Đức Chung không về xử lý vụ Đồng Tâm thì có thể xảy ra vụ Thiên An Môn tại Việt Nam, và từ đó sẽ để lại cho chế độ một vết nhơ không xoá được. - RFA

***
Hôm 7 Tháng Bảy, chính quyền thành phố Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Theo đó, đòi hỏi của dân chúng xã này là vô lý, bởi vì “không có đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của người dân Đồng Tâm,” theo báo điện tử VietNamNet.

Qua vụ Đồng Tâm, thêm một lần nữa, hệ thống công quyền Việt Nam minh định, khuyến cáo của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” là hoàn toàn chính xác.

Từ ép dân nổi loạn

Lý do chính khiến dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn hồi trung tuần Tháng Tư: Bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương. Rào làng tử thủ suốt một tuần là vì hệ thống công quyền bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất. Thay vì giải quyết các khiếu nại, tố cáo một cách rạch ròi thì lại dùng vũ lực để trấn áp họ.

Ông Lê Đình Kình, người được xem như thủ lĩnh vụ phản kháng của dân chúng xã Đồng Tâm từng kể, dân chúng xã này chịu rất nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường.

Theo báo Người Lao Động, thập niên 1960, chính quyền Việt Nam thu hồi 300 hécta đất ở xã Đồng Tâm để xây dựng trường bắn Miếu Môn. Đến thập niên 1980, chính quyền Việt Nam quyết định thu hồi thêm 54 hécta đất nữa để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bị bỏ dở. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ Đoàn 28 thuộc Quân Chủng Phòng Không-Không Quân (phía được giao quản lý 54 hécta đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ Đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó cho đến năm 2007.

Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ Đoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 hécta trong số 54 hécta từng bị trưng dụng làm phi trường quân sự Miếu Môn cho chính quyền huyện Mỹ Đức. Lữ đoàn này chỉ giữ lại 47.3 hécta đất. Mảnh đất diện tích 6.78 hécta này đã bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được dân chúng xã Đồng Tâm hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6.78 hécta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí…

Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Đồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 hécta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel, một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc Phòng, để thực hiện “công trình quốc phòng.”

Những thắc mắc: Tại sao lại xác định 6.78 hécta đã hoàn trả là “đất quốc phòng?” Nếu 6.78 hécta đất này là “đất quốc phòng” thì tại sao Bộ Quốc Phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi?” Sau khi “cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?… Tất cả đều không được trả lời.

Thay vào đó, chính quyền thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức “cưỡng chế, thu hồi” 6.78 hécta “đất quốc phòng.” Hồi trung tuần Tháng Mười năm ngoái, 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Đồng Tâm phản ứng quyết liệt.

Đến trung tuần Tháng Tư, chính quyền thành phố Hà Nội mời ông Lê Đình Kình và bốn người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bắt cả năm. Đó là giọt nước làm tràn ly phẫn nộ, dân Đồng Tâm nổi loạn…

Đến “gần dân, lắng nghe dân”

Không thể dìm cả xã trong máu, chủ tịch thành phố Hà Nội và một số đại biểu của Quốc Hội đã đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết với dân chúng xã này: (1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật,” xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp,” đâu là “đất quốc phòng.” (2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. (3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình (gãy cổ xương đùi), xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Hệ thống tư pháp thành phố Hà Nội đã phóng thích và tuyên bố hủy các quyết định khởi tố ông Kình và bốn người khác vì “gây rối trật tự công cộng.”

Vụ thương lượng và cam kết này được xem là chưa từng có. Vào thời điểm đó, nhiều viên chức lãnh đạo đảng, Quốc Hội, chính phủ tuyên bố vụ Đồng Tâm là một “bài học đáng giá” cho bộ máy công quyền, rằng hệ thống công quyền phải gần dân, lắng nghe “tâm tư, nguyện vọng” của dân kỹ lưỡng hơn…

Rồi “phản dân”

Ngày 13 Tháng Sáu, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần Tháng Tư.

Quyết định khởi tố hai vụ án khiến dân chúng Việt Nam chưng hửng. Một số viên chức hữu trách bắt đầu giải thích, chủ tịch thành phố Hà Nội (đại diện cho hành pháp), không có quyền giải trừ trách nhiệm hình sự cho những cá nhân vi phạm pháp luật vốn thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp. Về lý, điều này không sai nhưng với bối cảnh và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, không ai tin rằng chủ tịch thành phố Hà Nội tự tiện tìm tới thương lượng và đưa ra ba cam kết như đã kể với dân chúng xã Đồng Tâm.

Cho đến nay, công an thành phố Hà Nội chưa xác định hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần Tháng Tư có bao nhiêu bị can nhưng nếu công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng tuyên bố “sẽ điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” số dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý sẽ lên tới hàng trăm chứ không chỉ là năm!

Để hạ nhiệt, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố sẽ đưa 14 viên chức địa phương (bốn viên chức huyện Mỹ Đức và 10 viên chức xã Đồng Tâm) ra xử vào giữa Tháng Bảy này vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa việc lấn chiếm đất cho một số cá nhân, gia đình tại xã Đồng Tâm).

Mới đây, chính quyền thành phố Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Tuy đây chỉ là “dự thảo” nhưng kết luận này sẽ trở thành chính thức nếu… không có thêm diễn biến nào mới.

Theo báo điện tử VietNamNet, dự thảo này cho biết diện tích thực tế của phi trường quân sự Miếu Môn là 236.9 hécta, trong đó có 64.11 hécta thuộc xã Đồng Tâm được xem là “đất quốc phòng.” Nếu so với quyết định đã được phê duyệt năm 1980 thì hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc Phòng khoảng 30 hécta. Chuyện Bộ Quốc Phòng nhận lố 30 hécta và lờ đi, không báo cáo chỉ được xem là thiếu sót.

Cũng theo dự thảo, các đơn vị quân đội “chưa di dời một số gia đình ăn ở trên đất quốc phòng từ năm 1980, để các gia đình này dân lấn chiếm, tặng cho, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép” là “buông lỏng quản lý đất quốc phòng.” Việc một số người dân ở xã Đồng Tâm tự ý tổ chức đo đạc, phân lô trên phần đất mà Viettel đang thực hiện dự án quốc phòng bên trong phi trường Miếu Môn là hành vi chiếm “đất quốc phòng,” coi thường luật pháp.

Dự thảo không hề đả động gì đến trách nhiệm của Bộ Quốc Phòng: Lập dự án xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn, chiếm dụng hơn 200 hécta đất rồi bỏ hoang suốt từ năm 1980 đến nay và giờ giao một phần tài sản đó cho Viettel kinh doanh.

Tuy việc sử dụng đất đai ở xã Đồng Tâm đã được “thanh tra” nhưng không ai biết “công trình quốc phòng” mà Viettel xây dựng là gì. Liệu tính chất “công trình quốc phòng” đó có giống các sân golf ở phi trường quân sự Gia Lâm và phi trường Tân Sơn Nhất hay không?

Chuyện Bộ Quốc Phòng nhận lố 30 hécta và lờ đi, dẫn tới bạo loạn chẳng lẽ không phải là coi thường luật pháp, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?” Rồi tại sao nhận lố mà không hoàn trả để cấp lại cho dân? - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment