Sunday, July 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 1/7

Tin Thế Giới

1.
Tập Cận Bình vạch "lằn ranh đỏ" cho Hồng Kông

Hôm nay 01/07/2017 ông Tập Cận Bình khẳng định Hồng Kông được tự do hơn bao giờ hết, đồng thời cảnh báo các thách thức « không thể chấp nhận được » đối với chính quyền Bắc Kinh, và ấn định một « lằn ranh đỏ» không thể vượt qua, 20 năm sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố : « Mọi nỗ lực nhằm làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật căn bản của Hồng Kông đều bị coi là đã vượt qua một lằn ranh đỏ, hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Ông cũng răn đe những ai « muốn dùng Hồng Kông làm bàn đạp để xâm nhập vào Hoa lục và tiến hành các hoạt động phá hoại ».

Trong phát biểu sáng nay, đúng 20 năm sau khi trao trả, ông Tập cũng khẳng định Hồng Kông ngày nay « có nhiều quyền dân chủ và tự do hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử ». Tuy vậy hôm qua bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại cho rằng Tuyên bố Anh-Trung năm 1984 với nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » là « không còn phù hợp ».

Hồng Kông trên nguyên tắc được quyền tự do ngôn luận, hệ thống tư pháp độc lập và bầu cử Quốc Hội tương đối tự do, những điều không hề có tại Hoa lục. Tuy nhiên bàn tay can thiệp của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu, nhất là vụ năm chủ nhà sách « mất tích » năm 2015 rồi sau đó lên truyền hình « tự thú » tại Hoa lục.

Sau phong trào « Cách mạng Dù vàng » đòi phổ thông đầu phiếu đã gây nhiều tiếng vang năm 2014, xuất hiện một trào lưu chính trị khác đòi quyền tự quyết, thậm chí đòi độc lập cho Hồng Kông.

Chuyến thăm Hồng Kông đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền được bảo vệ an ninh tối đa, vào thời điểm vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là dịp để những người biểu tình tố cáo Bắc Kinh ngày càng muốn bóp nghẹt đặc khu hành chính có 8 triệu dân.

Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên thệ nhậm chức

Vào lúc Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc, tân đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ( Carrie Lam ) hôm nay tuyên thệ nhậm chức trước chủ tịch Tập Cận Bình.

Là một công chức cao cấp 60 tuổi, lãnh đạo hành pháp họ Lâm, cũng giống như những người tiền nhiệm, đã được một ủy ban thân Bắc Kinh bầu lên và chưa gì đã bị lên án là bù nhìn của chính quyền Trung Quốc.

Là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan hành pháp Hồng Kông, bà sẽ phải đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là làm dịu các căng thẳng chính trị tại đặc khu hành chính này, nơi mà nhiều người cho rằng Bắc Kinh không còn tôn trọng nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà họ đã cam kết khi tiếp nhận lại Hồng Kông vào năm 1997.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên thệ nhậm chức đặc khu trưởng Hồng Kông trước một lá cờ Trung Quốc tại buổi lễ diễn ra tại trung tâm hội nghị, rồi bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng trước khi buổi lễ nhậm chức diễn ra, nhiều vụ xô xát xảy ra giữa những người thân Bắc Kinh với những người biểu tình tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn 1989. Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :

Trong khi các buổi lễ chính thức vẫn chưa bắt đầu, hai đảng thuộc phe dân chủ là Demosisto và Liên đoàn Dân chủ Xã hội đã loan báo ý định biểu tình. Họ muốn diễu hành với một quan tài giả, tượng trưng cho tất cả những người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng cuộc biểu tình không kéo dài được bao lâu. Chỉ vài phút sau, một nhóm thân Bắc Kinh đã tấn công vào chiếc quan tài.

Cựu dân biểu Mạch Quốc Phong (Mak Kwok Fung) tham gia đoàn biểu tình, kể lại : « Ngay khi chúng tôi tuần hành, bọn côn đồ thuộc phía chính quyền cầm những lá cờ có năm ngôi sao của Trung Quốc đã đụng độ với những người đi phía trước và phá hủy chiếc quan tài ».

Nhưng đây không phải là sự cố đầu tiên loại này, từ khi ông Tập Cận Bình đặt chân đến Hồng Kông. Ông Ngô Văn Viễn (Avery Ng), phó chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội cho biết : « Tôi muốn nói thêm là từ 48 giờ qua, chúng tôi và đảng Demosisto đã bị bọn côn đồ tấn công. Chính bọn chúng còn tự xưng là mafia, chúng vây quanh trụ sở của chúng tôi và như quý vị đã thấy, thêm một lần nữa cảnh sát không can thiệp ».

Sau nhiều vụ tấn công bạo lực của những người thân Bắc Kinh vào đoàn tuần hành, cảnh sát đã bắt những người biểu tình ôn hòa, trong những tiếng vỗ tay hoan hô của phe thân chính quyền. - RFI
|
|

2.
Ukraine quy trách Nga về vụ tấn công mạng quy mô lớn

Ukraine quy trách các cơ quan an ninh của Nga về một vụ tấn công mạng quy mô lớn bắt đầu vào tuần trước ở Ukraine và sau đó lan ra các máy tính khắp thế giới.

Cơ quan an ninh của Ukraine, SBU, nói trong một thông cáo hôm thứ Bảy rằng vụ tấn công có những nét tương đồng với những vụ tấn công tin tặc trước đây nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine do các cơ quan an ninh Nga thực hiện.

"Các dữ liệu có sẵn, bao gồm những dữ liệu có được nhờ hợp tác với các công ty chống virus quốc tế, cho chúng tôi lý do để tin rằng cùng những nhóm tấn công tin tặc có dính líu trong vụ tấn công này, mà vào tháng 12 năm 2016 đã tấn công hệ thống tài chính, các cơ sở giao thông vận tải và năng lượng của Ukraine, sử dụng TeleBots và BlackEnergy," thông cáo nói.

Nga phủ nhận có dính líu trong vụ tấn công hồi gần đây khiến hoạt động tại các công ty lớn và các cơ quan chính phủ ở hơn 60 quốc gia trên thế giới bị đình trệ. Các tin tặc mã hóa dữ liệu trên máy tính bị nhiễm virus và đòi chủ sở hữu trả tiền để chuộc lại dữ liệu.

Giám đốc Europol Rob Wainwright gọi vụ tấn công tin tặc hôm thứ Ba là "một vụ tấn công bằng phần mềm đòi tiền chuộc nghiêm trọng khác." Ông nói có những nét tương đồng với vụ tấn công tin tặc WannaCry trước đó, nhưng nó cũng cho thấy những chỉ dấu của "khả năng tấn công phức tạp hơn nhằm khai thác một loạt những lỗ hổng."

Vụ tấn công tin tặc WannaCry đã lan truyền phần mềm đòi tiền chuộc tới các bệnh viện trên khắp nước Anh vào tháng 5, khiến bệnh viện phải chuyển hướng xe cứu thương và hủy các ca phẫu thuật. Chương trình này đòi một khoản tiền chuộc để mở khóa truy cập vào các tập tin được lưu giữ trên các máy bị nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu cuối cùng tìm ra được một cách để chặn đứng vụ tấn công, nhưng chỉ sau khi khoảng 300 người đã nộp tiền chuộc.

Vụ tấn công tin tặc mới nhất phần lớn đã được kìm tỏa, nhưng bây giờ một số nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi về động cơ đằng sau vụ tấn công này. Họ nói rằng nó có thể không phải được thiết kế để thu tiền chuộc mà chỉ đơn giản là để hủy dữ liệu. - VOA
|
|

3.
Trận chiến Mosul đến hồi kết thúc

Bên ngoài văn phòng một tướng lãnh, Raith al-Shababi, một binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc biệt Iraq đang lướt qua Facebook.

“Đây là em tôi,” al-Shababi nói, và cho một phóng viên xem hình một thiếu niên mặc sơ-mi trắng, vẻ mặt trầm tư, nghiêm nghị.

“Daesh,” al-Shababi giải thích, đưa ngón tay lên đầu như một khẩu súng. “Bùm, bùm.” Các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo bắn chết em của al-Shababi lúc mới 21 tuổi.

Trong khi chờ các tướng lãnh cùng đi chào mừng chiến thắng trong Cổ thành Mosul, al-Shababi nói hiện chưa hoàn toàn chiếm được Mosul, nhưng trận chiến gần chấm dứt.

Tuy nhiên những thiệt hại, mất mát trong 8 tháng giao tranh, 3 năm dưới sự cai trị của Nhà nước Hồi Giáo tại Mosul, và hơn một thập niên chịu sự tấn công thường xuyên của các phần tử cực đoan, làm cho việc chiến thắng buồn nhiều hơn là vui.

“Chúng tôi đã thắng, nhưng hãy nhìn quanh đây,” Đại tá Saaed Badeer Katam, thuộc Tiểu đoàn Lực lượng Đặc biệt Najaf nói “Tất cả đều bị phá hủy.”

Ngay cả Đền al-Nuri, nơi phái đoàn đến tham quan, là một nơi hoang tàn đổ nát, với tòa tháp biểu tượng bị đốn ngả và nơi thờ phượng bị phá hủy. Abu-Bakar al-Baghdadi tự xưng là “Caliph” của Nhà nước Hồi Giáo tại ngôi đền này vào năm 2014. Ba năm sau Nhà nước Hồi Giáo phá hủy ngôi đền, dường như để hạ thấp chiến thắng của lực lượng Iraq tại Mosul.

Rời khỏi chiến trường, Đại tá Katam nói ông không để ý đến việc tuyên bố thắng lợi trước khi giao tranh chấm dứt. Trong lúc ông nói, các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi Giáo đang tiếp tục, và các phần tử hiếu chiến bắn súng cối và bắn sẻ. Binh sĩ chiến đấu để giành lại từng ngôi nhà, và các gia đình tiếp tục trốn khỏi vùng giao tranh.

Đại tá Katam cho nổ các quả bom tự chế nằm rải rác trên các đường phố của Cổ thành Mosul vừa được chiếm lại. Các loại mìn bẩy tự chế này được giấu trong các đống đổ nát và ngay cả trong đồ chơi trẻ em.

Các tòa nhà trong khu vực bị phá hủy và bỏ hoang, và xác các phần tử hiếu chiến thối rữa trên đường phố. Dưới các đống đổ nát là xác các gia đình bị giết khi nhà cửa sụp đổ trong các cuộc không kích, đôi khi những người này bị chôn sống trong nhà.

“Tôi mất 25 người bạn trong trận chiến Mosul, Kaisar, 28 tuổi, một chiến binh thuộc Lực lượng Đặc biệt Iraq nói. Khi được hỏi ông có vui mừng vì chiến thắng không, ông Kaisar trả lời “Tôi rất mệt và chỉ muốn về nhà.”

Đối với các binh sĩ Iraq, về nhà chỉ là để nghỉ xả hơi, nhưng không phải là chấm dứt chiến tranh.

Các phần tử hiếu chiến tiếp tục ẩn núp trong những lãnh thổ do Iraq kiểm soát, sẵn sàng tấn công trở lại. Nhà nước Hồi Giáo vẫn còn chiếm giữ nhiều nơi tại Iraq, bao gồm một phần tỉnh Anbar, Hawija và thành phố chiến lược Tal Afar, theo lời Đại tá Katam.

“Các cuộc hành quân sẽ tiếp tục cho đến khi Nhà nước Hồi Giáo tan rã,” ông nói.

Tal Afar đã bị các chiến binh Đơn vị Động viên Nhân dân hay Hashd Shaaby bao vây kể từ năm ngoái, dù việc tiến chiếm chưa bắt đầu.

Và địa hình chung quanh Tal Afar quá hiểm trở nên khó kiểm soát hoàn toàn, đại tá Katam nói. Các phần tử hiếu chiến trốn khỏi những khu vực khác sẽ cuối cùng rút về thành phố này nếu có thể được.

Đại tá Katam nói “Nơi cuối cùng chúng tôi chiến đấu sẽ là Tal Afar. Và ở đây các phần tử hiếu chiến sẽ chiến đấu cho đến chết.”

“Những tổ nằm vùng” tại Mosul do Iraq kiểm soát đã mở những cuộc tấn công. Tuần trước ba tay đánh bom tự sát nhằm vào những mục tiêu phía đông Mosul, giết và làm bị thương nhiều người trong một khu chợ.

Trước đây trong tuần, khoảng từ 40 đến 50 phần tử hiếu chiến, được biết ẩn núp trong một khu công nghiệp bỏ hoang, tràn ngập hai khu vực tại tây Mosul trong một nỗ lực đánh lạc hướng các lực lượng Iraq trong trận chiến chiếm lại Cổ thành Mosul.

Trung sĩ Mahmoud Mohammad thuộc Sư đoàn 9 bộ binh Iraq nói “Các phần tử hiếu chiến nghĩ là lực lượng Iraq sẽ rời Cổ thành Mosul để một số phần tử hiếu chiến khác có thể trốn thoát.”

Các binh sĩ Lực lượng Đặc biệt và Quân đội Iraq giết tất cả những phần tử hiếu chiến, ông nói, và chỉ cho chúng tôi thấy vết máu trên sàn một ngôi nhà. Máu vẫn chưa khô, và hai vỏ đạn nằm trên sàn nhà. Ông Mohammad nghĩ đây là một vụ xử tử hai người của Nhà nước Hồi Giáo.

Những người láng giềng trở lại nói là tình trạng hổn loạn xảy ra khi Nhà nước Hồi Giáo xuất hiện tại khu vực do Iraq kiểm soát kể từ giữa tháng 4. Các gia đình bị tan lạc khi mọi người hoảng sợ chạy tán loại khi họ thấy những bộ râu rậm và những bộ quần áo truyền thống. Họ không biết có ai bị giết hay không.

Tuy nhiên, các binh sĩ và thường dân đồng ý là có nhiều tổ nằm vùng đang ẩn núp đâu đây tại Mosul và những cuộc tấn công còn lâu mới chấm dứt.

Ông Mohammad, 31 tuổi, cha của 7 đứa con sống tại Tenek, một trong những khu vực bị Nhà nước Hồi Giáo chiếm trong một thời gian ngắn trước đây trong tuần nói “Dĩ nhiên chúng tôi luôn luôn sợ hãi, nhưng chúng tôi đi đâu bây giờ?” - VOA
|
|

4.
Người đồng tính luyến ái diễu hành tại Madrid

Giữa các biện pháp an ninh nghiêm nhặt, hàng trăm ngàn người tham dự một cuộc biểu tình về quyền của những người đồng tính luyến ái trên toàn thế giới được tổ chức tại Madrid vào ngày 1/7.

Ông Jesus Generelo, người đứng đầu Liên đoàn người Đồng tính luyến ái Tây Ban Nha nói với những người tham dự

“Đối với tất cả mọi người bị đàn áp tại nhiều quốc gia, chúng ta phải chào mừng và làm cho niềm tự hào của chúng ta được mọi người trông thấy.”

Những người tổ chức và nhà cầm quyền nói cuộc biểu tình hy vọng sẽ thu hút từ một triệu đến hai triệu người tuần hành ủng hộ quyền của những người đồng tính luyến ái nam cũng như nữ, những người lưỡng tính và những người chuyển đổi giới tính. Các giới chức thành phố Madrid sau đó cho biết “hàng trăm ngàn người” có mặt trên đường phố, khiêu vũ, reo hò hay xem diễu hành. Các giới chức vào cuối ngày 1/7 chưa công bố con số chính thức người tham dự.

Cuộc biểu tình do những đảng chính của Tây Ban Nha lãnh đạo là cao điểm của 10 ngày Lễ hội Đồng tính luyến ái Thế giới 2017 chấm dứt vào ngày Chủ Nhật 2/7.

Cuộc diễu hành gồm có 52 xe hoa, và những lễ hội kéo dài vài tiếng đồng hồ. Những tổ chức thuộc một số nước trong đó có Hoa Kỳ và Anh cũng tham dự.

Sinh hoạt này sẽ được tổ chức tại New York vào năm 2019.

Tuy châu Âu không phát hiện được đe dọa khủng bố nào rõ rệt liên hệ đến cuộc diễu hành, nhưng châu Âu vẫn cảnh giác sau khi có một số cuộc tấn công khủng bố xảy ra gần đây tại Anh và Pháp.

Hàng ngàn nhân viên an ninh sẵn sàng cho cuộc diễu hành.

Bốn mươi năm sau khi những thành viên của cộng đồng đồng tính luyến ái bắt đầu tuần hành đòi quyền của họ, Tây Ban Nha đã trở thành một trong những nước tiến bộ nhất về quyền của những người đồng tính luyến ái. Vào năm 2005, Tây Ban Nha trở thành nước thứ ba--sau Hà Lan và Bỉ--hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. - VOA
|
|

5.
Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên.

Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : « Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định ».

Bắc Kinh nhấn mạnh « kiên quyết chống lại » các biện pháp trừng phạt của bộ Tài Chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng « cực lực phản đối » việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : « Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên ».

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu « vô trách nhiệm » của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : « Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa ».

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, « nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí ».

Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : « Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả ».

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae In tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : « Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ».

Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố « thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc », khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được « một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh ». Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng? - RFI
|
|

6.
Đức Giáo hoàng thay thế người đảm trách giáo lý đức tin bảo thủ

Trong một sự thay đổi lớn trong chính quyền của Tòa thánh Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thay thế nhà thần học hàng đầu của Công giáo, một hồng y bảo thủ người Đức thường hay mâu thuẫn với viễn kiến của Đức Giáo hoàng về một Giáo hội bao dung hơn.

Một tuyên bố ngắn gọn của Vatican nói nhiệm quyền năm năm của Hồng y Gerhard Ludwig Mueller trong vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, một bộ chính yếu chịu trách nhiệm bảo vệ giáo lý Công giáo, sẽ không được triển hạn.

Kể từ khi lên ngôi vào năm 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khơi lên hy vọng nơi những người cấp tiến muốn ông tiến nhanh về phía trước với viễn kiến của ông về một Giáo hội rộng lượng hơn, tập trung vào sự từ bi thay vì chấp hành nghiêm ngặt các luật lệ cứng nhắc mà họ coi là cổ lỗ.

Ông Mueller là một trong số nhiều hồng y ở Vatican đã công khai bày tỏ quan điểm bất đồng với Đức Giáo hoàng.

Ông Mueller đã chỉ trích một số phần trong tông huấn năm 2016 của Đức Giáo hoàng mang tên "Amoris Laetitia" (Niềm vui Yêu thương), là văn kiện nền tảng cho nỗ lực của Đức Giáo hoàng để Giáo hội có hơn 1,2 tỉ thành viên trở nên bao dung hơn và bớt khắc nghiệt hơn.

Trong văn kiện này, Đức Giáo hoàng kêu gọi một Giáo Hội bớt nghiêm khắc và có lòng trắc ẩn hơn đối với bất kỳ thành viên "không hoàn hảo" nào, chẳng hạn như những người đã li hôn và tái hôn, nói rằng "không ai có thể bị lên án mãi mãi."

Ông Mueller, 69 tuổi, người được cựu Giáo hoàng Bênêđictô bổ nhiệm vào năm 2012, sẽ được tiếp nhiệm bởi Tổng Giám mục Luis Francisco Ladaria Ferrer.

Ông Ladaria, người Tây Ban Nha 73 tuổi, cũng giống như vị giáo hoàng người Argentina, là một thành viên của Dòng Tên. Những người biết ông nói rằng ông nói năng nhỏ nhẹ và không màng tới sự chú ý của công chúng. Ông Mueller trái lại thường xuất hiện trên truyền thông. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Gia đình cựu tổng thống Mỹ Obama nghỉ hè tại Indonesia

Gia đình cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đến Indonesia từ tuần trước và trong 10 ngày nghỉ tại quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, ông Obama muốn thăm lại những nơi ông đã sống thời ấu thơ. Trong những năm 1960, Obama đã sống 4 năm tại Jakarta. Sau khi nghỉ tại khu du lịch nổi tiếng Bali, hôm qua, 30/06/2017, Barack Obama tới Jakarta và gặp tổng thống Indonésia.

Từ Jakarta, thông tín viên Joel Bronner cho biết thêm thông tin :

« Truyền thông Indonesia thỏa chí đưa tin về kỳ nghỉ hè của Barack Obama, một du khách nổi tiếng mà cách nay 6 tháng vẫn còn là tổng thống Hoa Kỳ. Tuần trước, cựu tổng thống Mỹ, mặc quần jean, đi giầy thể thao, đã tới Bali, đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia. Ông nghỉ trong thành phố Ubud thơ mộng trước khi tới đảo Java.

Báo chí Indonesia có dịp miêu tả chi tiết thực đơn các bữa ăn của gia đình ông Obama như cơm chiên hoặc trộn sa-tế, thịt xiên nướng với sốt dầu lạc, hay tường trình chuyến thăm chùa Phật giáo Borobudur, một trong điểm du lịch tuyệt đẹp trên quần đảo.

Trước khi kết thúc kỳ nghỉ vào cuối tuần này, Barack Obama cũng đã tranh thủ tới thủ đô Jakarta để thăm lại ngôi nhà cũ của ông, trong khu trung tâm Menteng. Vào thời đó, thân mẫu của ông kết hôn với một người Indonesia và do vậy, từ 6 đến 10 tuổi, cậu bé Obama đã sống tại Jakarta, rồi sau đó sang sống ở Hawai.

Chuyến thăm được rất nhiều kênh truyền thông đưa tin và do vậy đã quảng bá cho du lịch tại Indonesia. Năm ngoái, Indonesia đã đón tiếp gần 12 triệu lượt du khách, và con số này liên tục tăng trong những năm gần đây". - RFI
|
|

8.
Quân đội Mỹ hoãn tuyển mộ người chuyển giới tính

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hoãn ngày tuyển mộ những người chuyển đổi giới tính vào quân đội.

Trong một tuyên bố ngày 30/6, ông James Mattis nói ông hoãn lại quyết định này thêm 6 tháng.

Thứ sáu 30/6 là ngày trước hạn chót, do chính quyền Obama ấn định, cho phép tuyển mộ những người chuyển đổi giới tính vào quân đội Mỹ.

Ông Mattis nói Bộ Quốc phòng phải cân nhắc mỗi quyết định về chính sách “Về một tiêu chuẩn quan trọng: liệu quyết định có ảnh hưởng đến sự sẵn sàng và tính sát thương của các lực lượng vũ trang của chúng ta hay không?”

Bộ trưởng Quốc phòng nói “Hành động này không phỏng đoán trước hậu quả của việc duyệt xét cũng không làm thay đổi chính sách và các thủ tục hiện đang có hiệu lực…Tôi tin là chúng ta sẽ tiếp tục đối xử các binh sĩ của chúng ta với phẩm giá và tôn trọng.”

Có khoảng từ 2.500 đến 7.000 người chuyển đổi giới tính đang phục vụ trong quân đội.

Những người này không được phép công khai bày tỏ khuynh hướng giới tính của họ cho đến năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Ash Carter nói, cho phép tuyển mộ những người chuyển đổi giới tính để công khai phục vụ trong quân đội “là việc làm đúng đắn.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

9.
Hải Phòng dừng chọi trâu sau sự cố chết người

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam vừa gửi công văn “hỏa tốc” gửi Sở Văn hoá Hải Phòng đề nghị tạm thời dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 sau khi xảy ra sự cố một chủ trâu bị chính con trâu của mình mang đi chọi húc chết.

Công văn đề nghị Sở VH-TT&DL Hải Phòng “kiểm tra, rà soát” công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.

“Trường hợp khi công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội chưa đảm bảo an toàn theo quy định, đề nghị báo cáo UBND thành phố Hải Phòng tạm thời dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu năm 2017”, văn bản này nói.

Báo Tuổi Trẻ cho biết sự việc xảy ra khoảng 11h30 trưa hôm thứ Bảy 01/07.

"Tại vòng đấu loại của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 bất ngờ xảy ra sự cố khi trâu chọi số 18 húc trọng thương người vừa dắt mình vào sân đấu.

“Hậu quả, người này bị "ông trâu" húc nhiều lần, đâm rách ống quần bên phải, phần sừng của trâu cũng đâm xuyên vào chân bên trái khi hất tung người này lên cao,” báo này cho biết.

Được biết tại Bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng tối hôm thứ Bảy người đàn ông tên Hướng không qua khỏi do nhiều vết thương tại cột sống, vùng đầu, đùi…

Được biết ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 bước đầu hỗ trợ gia đình ông Hướng 10 triệu đồng và quyết định dừng luôn hai trận đấu loại còn lại.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 có hơn 30 con trâu đến từ các phường thuộc quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng tham gia tranh tài. - BBC
|
|

10.
Việt Nam: Du khách nước ngoài tăng mạnh

Cơ quan thống kê Việt Nam nói lượng du khách nước ngoài nửa năm đầu tăng hơn 30%, đa số từ châu Á và khách Trung Quốc ‘tăng gấp đôi’.

Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam đã đón hơn 6,2 triệu du khách trong 6 tháng đầu năm tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 51% so với năm 2015 và tăng trung bình 20% năm trong giai đoạn 2010-2016.

Với 1,9 triệu lượt người, khách Trung Quốc tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm gần một phần ba tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó du khách từ các nước tăng theo tỉ lệ là Hàn Quốc 43,9%, Nhật Bản 6,5%, Thái Lan 12,2%, Singapore 6,2%, Malaysia15,9%

Khách đến từ châu Âu đạt khoảng gần 1 triệu lượt người, chiếm khoảng 25% với khách Nga chiếm khoảng 1/3, tăng 53,4%; Anh 145.000 người tăng 13%.

Trong khi đó Wotif.com, dịch vụ du lịch trực tuyến, cho biết người Úc đang thích chọn Tp HCM là điểm du lịch với số lượng người tìm kiếm khách sạn và tour tăng 195%, cao hơn Singapore tăng 50% và Phuket (Thái Lan) tăng 40%.

Đại diện hãng này được dẫn lời nói các tuyến bay thẳng giá rẻ từ Sydney và Melbourne của Jetstar hồi tháng Năm và giá khách sạn hấp dẫn tại Việt Nam là các yếu tố chính.

Xu hướng du khách nội vùng Đông Nam Á tăng nhanh từ 2012 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, và trong số hàng triệu du khách châu Á đi thăm các nước láng giềng trong vùng, du khách Trung Quốc luôn chiếm số đông nhất.

Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay xu hướng này sẽ còn tăng đều, đưa lượng du khách châu Á lên 50% du khách toàn cầu vào 2030, tăng từ 37% năm 2014.

Du lịch châu Á tăng nhờ vào thu nhập nội địa các nước này tăng lên, hàng không giá rẻ bùng nổ và dịch vụ du lịch nhìn chung đều phát triển.

Cách đây ba năm, BCG đã dự báo về du khách Trung Quốc:

"Du khách từ Trung Quốc sẽ chiếm trên 40% của tổng số du khách toàn châu Á vào 2030."

Sự có mặt đông đảo của các tour du lịch Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam cũng đã gây ra một số lo ngại về xung khắc văn hóa, hoặc về chuyện hướng dẫn viên chỉ là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức hai nước này đều đang tìm các giải pháp dung hòa cho nhu cầu phục vụ tour đại trà và các tuyến du lịch cao cấp, ít khách nhưng chi tiền cao hơn. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment