Monday, July 24, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 24/7

Tin Thế Giới

1.
Việt Nam phải ‘bồi thường lớn’ khi đề nghị Repsol ngừng khoan?

Việt Nam đề nghị công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận những lời đe dọa từ Bắc Kinh, theo một bài viết do BBC đăng tải vào sáng 24/7.

Talisman-Vietnam là công ty con trong tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet. Nhưng BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi khu vực đó.

Vẫn theo bài viết của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục.

Đến hết buổi chiều ngày 24/7, giờ Việt Nam, không có thông tin chính thức nào từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như trên báo chí chính thống trong nước xác nhận hay phủ nhận tin tức kể trên của BBC.

VOA cố gắng liên lạc với một đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tìm hiểu, nhưng vị này không trả lời, kể cả với điều kiện không nêu tên.

Nơi công ty con của Repsol hoạt động được cho là Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam. Trung Quốc gọi đó là Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Có tin Trung Quốc đã cho một công ty nước ngoài thuê chính lô này, nhưng không rõ đó là công ty nào.

Một nhà phân tích đề nghị không nêu tên ước tính rằng Repsol đã chi khoảng 300 triệu đôla cho dự án của họ ở lô này.

Thông tin về việc Việt Nam đề nghị Repsol ngừng khoan đã được một số người có tầm ảnh hưởng lớn chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lời bình luận. Chiếm đa số là những người bày tỏ ý kiến rằng đây là “một bước lùi” hay “một thất bại của Việt Nam”.

Luật sư Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng chung suy nghĩ với luồng ý kiến đó. Nhưng ông cho rằng do thông tin còn chưa đầy đủ, nên chưa thể nói đây là một bước lùi về mặt chiến thuật hay về chiến lược của Việt Nam.

Mặc dù vậy, quyết định của Việt Nam sẽ có những hệ lụy tồi ngay lập tức, theo lời ông Việt:

“Việt Nam mà hủy hợp đồng với Repsol, Việt Nam chắc là phải bồi thường số tiền rất là lớn, bởi vì hợp đồng dầu khí thường là vài trăm triệu đô. Thứ hai, ảnh hưởng đến các các quốc gia, các công ty khác như thế nào, thì đây cũng là tác động lớn về tâm lý. Họ phải xem xét vấn đề rủi ro rất là cao. Ngoài cái việc có dầu hay không, sức ép chính trị sẽ ảnh hưởng đến tương lai của hợp đồng đó. Cái độ rủi ro này nó cao. Họ sẽ ngại ngần khi tham gia”.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng sự ngại ngần của các công ty và các nước khác sau động thái của Việt Nam sẽ càng làm Việt Nam đơn độc trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.

Đất nước có dân số lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về sức mạnh kinh tế đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông. Nơi xa nhất trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vẽ ra trên bản đồ để đòi chủ quyền nằm cách bờ biển miền nam Trung Quốc tới hơn 1.600 kilomet.

Vùng biển là nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào, đồng thời có nhiều tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới đi qua.

Việt Nam phản đối tuyên bố của Trung Quốc. Hà Nội cũng đòi chủ quyền về nhiều phần chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về một số phần trong vùng biển.

Động thái được cho là nhượng bộ nhanh chóng mới đây của Việt Nam - dù còn cần thêm thông tin xác thực - đã làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát.

Ông Hoàng Việt nhận định về những khó khăn ở phía Việt Nam:

“Tôi nghĩ là Việt Nam cũng đã tính đến cái bước này, tính đến cái nước Trung Quốc sẽ phản ứng. Chỉ có điều là cách thức của Trung Quốc phản ứng như thế nào thì nó là một vấn đề. Trung Quốc họ có rất nhiều chiêu trên Biển Đông. Chỉ có điều họ ra chiêu gì, vào lúc nào thì rất khó để mà đoán biết trước. Trung Quốc kiên quyết không xuống thang, và cái tham vọng của họ rất lớn ở Biển Đông. Trong trật tự quốc tế mới này, Trung Quốc vẫn đang có lợi, cho nên Trung Quốc không dại gì mà xuống thang”.

Việc Việt Nam lùi bước trước các đe dọa của Trung Quốc, một khi được xác thực, sẽ là tin xấu cho Philippines và Indonesia, hai nước mới đây có những động thái mạnh bạo ở vùng biển có nhiều căng thẳng.

Trong tháng 7, Manila tỏ ý có thể nối lại việc khoan dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) sau 3 năm đình chỉ.

Còn Jakarta trong cùng tháng đã đặt lại tên một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Indonesia cũng tuyên bố có thể sử dụng hải quân bảo vệ việc thăm dò tài nguyên. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Ba Lan phủ quyết luật về Toà Tối cao

Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan cho biết ông sẽ phủ quyết bộ luật mới gây nhiều tranh cãi.

Luật này, nếu có hiệu lực, cho phép chính phủ cánh hữu sai thải hết các thẩm phán Tòa Tối cao của Cộng hòa Ba Lan và thay họ bằng các nhân vật chính phủ ủng hộ.

Ông Duda, bản thân từng là thành viên Đảng Pháp luật và Công lý (PiS), nói trên truyền hình nhà nước rằng ở cương vị nguyên thủ quốc gia, ông "không cảm thấy luật mới này làm tăng công lý".

Luật về Tòa Tối cao chỉ là một phần trong ba dự án cải cách ngành tư pháp Ba Lan được Quốc hội mà đảng PiS chiếm đa số, thông qua trong tuần qua.

Sự kiện này gây ra biểu tình phản đối ở Warsaw và nhiều đô thị trên cả nước.

Trước Quốc hội Ba Lan hôm thứ Năm đã có Đêm Thắp nến để lên tiếng bảo vệ tam quyền phân lập.

Liên Hiệp châu Âu, mà Ba Lan là thành viên, cảnh báo Warsaw sẽ phải chịu hình phạt nếu tiếp tục ra các luật hạn chế tư pháp, tự do ngôn luận.

Tiêu chuẩn 'yêu nước' kiểu mới

Từ khi lên cầm quyền năm 2015, đảng PiS đã liên tiếp thực hiện chính sách nhân sự "gây choáng" và thanh lọc bộ máy dựa trên tiêu chuẩn ý thức hệ.

Chính quyền do PiS nắm, mà thực chất là do dân biểu Jaroslaw Kaczynski người không nắm chức Thủ tướng nhưng điều hành từ hậu trường, đã công khai cổ vũ cho một nghị trình quốc gia, dân tộc chủ nghĩa.

Ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa và đạo Công giáo theo cách hiểu hẹp hòi được chính phủ đề cao.

Họ đang dần loại trừ các nhà báo, biên tập viên các đài truyền hình, truyền thanh công cộng nếu có "biểu hiện" phê phán đảng cầm quyền.

Mới đây, nhà báo Wojciech Dabrowski - người phụ trách chương trình 'Thông điệp trong ngày' - đã bị cắt hợp đồng tại Đài phát thanh quốc gia Ba Lan vì đặt ra câu hỏi khó khi phỏng vấn nữ Thủ tướng Beata Szydlo.

Chỉ sau nhiều phản đối rộng khắp Đài phát thanh Ba Lan mới cho ông Dabrowski quay lại làm việc hôm 17/07.

Chỉ số tự do báo chí của Ba Lan liên tục tuột dốc, theo công bố của Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF, từ 18 (2015) xuống 47 (2016) và tiếp tục xuống thêm 7 bậc nữa trong 6 tháng đầu năm nay, và hiện ở vị trí 54.

Gần đây, Tòa Hiến pháp Ba Lan cũng bị đảng PiS ra luật để biến đổi thành phần của hội đồng thẩm phán cao cấp.

PiS bổ nhiệm vào chức Chánh án Tòa Hiến pháp Ba Lan một nữ luật sư theo tư tưởng cánh hữu, bà Julia Przylebska, vốn đã không hành nghề trong 9 năm liền.

Vụ việc đã gây choáng cho nhiều trí thức Ba Lan nhất là khi họ biết rằng trước khi rời ngành tư pháp để theo chồng ra nước ngoài (chồng bà là đại sứ Ba Lan tại Đức), thẩm phán Przylebska chỉ làm đến thẩm phán cấp huyện.

Sau khi trở về Ba Lan, bà cũng chỉ làm phó phòng tư pháp chuyên về bảo hiểm ở Poznan nhưng theo các báo Ba Lan, chồng của bà, ông Andrzej Przylebski, là người được các lãnh đạo đảng cầm quyền ưa thích.

Chính phủ PiS cũng sa thải một loạt tướng lĩnh quân đội Ba Lan, gây lo ngại cho khối Nato.

Hồi năm 2015, chính phủ PiS bổ nhiệm ông Bartlomiej Misiewicz, sinh năm 1990 và chưa một ngày vào quân đội, làm phát ngôn viên Bộ Quốc phòng.

Ông Misiewicz đã gây ra nhiều điều tiếng sau khi ra lệnh cho các đơn vị quân đội Ba Lan đón ông tới thăm phải làm lễ đón đặc biệt, có chào cờ, hát quốc ca và các sỹ quan phải xếp hàng chào ông.

Sang tháng 4 năm 2017, vì các vụ scandal ông Misiewicz gây ra như nạn bia rượu và lời hứa giải quyết việc làm trong Bộ Quốc phòng cho người thân quen, chính phủ PiS đã sa thải ông. - BBC
|
|

3.
Nhân viên an ninh sứ quán Israel bắn chết hai người Jordan

Bộ Ngoại giao Israel hôm thứ Hai 24/7 cho biết một nhân viên an ninh Israel tại đại sứ quán nước này ở Jordan đã giết chết hai công dân Jordan trong một vụ nổ súng xảy ra sau khi một trong hai người tấn công nhân viên an ninh bằng một chiếc tuộc nơ vít.

Một thông báo của Bộ Ngoại giao Israel cho biết hai công nhân và một chủ nhà người Jordan có mặt tại đại sứ quán ở thủ đô Amman hôm Chủ nhật, để thay đồ nội thất cho một tòa nhà nơi các nhà ngoại giao Jordan cư ngụ.

Thông báo cho biết một công nhân tấn công nhân viên bảo vệ sứ quán từ phía sau trước khi bị giết, trong khi chủ nhà bị thương và sau đó cũng thiệt mạng. Nhân viên an ninh chỉ bị thương nhẹ.

Người đứng đầu Bộ An ninh của Jordan cho hay nhà chức trách đang điều tra vụ việc.

Căng thẳng giữa Israel và Jordan đã tăng lên trong vài tuần qua khi nhà nước Do Thái Israel cài đặt máy dò kim loại tại một khu thánh địa Hồi giáo ở đông Jerusalem mà Jordan là nước giám hộ.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở thủ đô Amman của Jordan hôm thứ Sáu để phản đối các biện pháp an ninh mới của Israel. - VOA
|
|

4.
Thủ tướng Nhật bác bỏ cáo buộc thiên vị bạn thâm niên --- Nhật ký thỏa thuận hợp tác công nghệ quốc phòng với Đức

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 24/7 khẳng định ông không hề chỉ thị thuộc quyền đối xử đặc biệt với một người bạn thâm niên, ông nói người bạn của ông cũng không hề yêu cầu được giúp đỡ.

Ông Abe và các phụ tá đã nhiều lần bác bỏ tố cáo rằng ông đã can thiệp để giúp trường Kake Gakuen, một cơ sở giáo dục do ông Kotaro Kake, bạn của ông Abe, làm giám đốc, được giấy phép để mở một trường thú y tại một đặc khu kinh tế.

Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy mức ủng hộ dành cho ông Abe đã giảm, còn dưới 30 %, do bị tình nghi có dính líu vào vụ bê bối này. Một số cử tri cho rằng chính quyền của ông Abe xem thường họ.

Mức ủng hộ cho ông Abe giảm sút đang khuyến khích các đối thủ tấn công ông và làm tăng mối nghi ngờ về triển vọng ông Abe trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, nếu ông đoạt được thêm một nhiệm kỳ ba năm thứ ba, sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào tháng 9 năm 2018.

Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của ủy ban ngân sách hạ viện, ông Abe nói không có gì ngạc nhiên khi công chúng bày tỏ hoài nghi bởi vì ông Kake là bạn của ông kể từ thời sinh viên, nhưng ông nhấn mạnh ông Kake "chưa một lần" tìm kiếm sự giúp đỡ của ông.

Ông Abe nói: "Không có yêu cầu hoặc vận động hành lang về việc thành lập một trường thú y mới."

Khi được hỏi liệu ông có can thiệp vào quá trình phê duyệt ngôi trường này, ông Abe nói: "Tôi chưa bao giờ ra chỉ thị về những trường hợp cụ thể."

Ngoài ra, ông Abe cũng bác bỏ lời kêu gọi của phe đối lập đòi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, người được ông nâng đỡ. Báo chí đưa tin là bà Inada cố tình dấu giếm các tài liệu của Bộ Quốc phòng.

Bà Inada phủ nhận cáo buộc nói rằng bà cho phép các giới chức quốc phòng giấu dữ liệu về hoạt động của Lực lượng Tự vệ Nhật, trong một chiến dịch gìn giữ hoà bình do LHQ dẫn đầu ở Nam Sudan. - VOA

***
Nhật Bản và Đức đã ký một thoả thuận hợp tác để phát triển công nghệ quốc phòng mới. Đây là hiệp định song phương thứ tám mà Tokyo đã ký với nước ngoài kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tái xét những hạn chế pháp lý, và Hạ viện Nhật thông qua luật an ninh, cho phép lực lượng tự vệ Nhật Bản sát cánh chiến đấu với các đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Báo Asahi Shimbun tường thuật rằng Nhật Bản đã âm thầm ký thỏa thuận với nước Đức, mở ra cánh cửa hợp tác về phát triển công nghệ quốc phòng.

Theo yêu cầu của phía Đức, không có thông báo chính thức nào được đưa ra.

Tuy nhiên, một số nguồn tin của chính phủ đã xác nhận thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng đã được ký kết giữa Đại sứ Takeshi Yagi và bà Katrin Suder, Thứ trưởng Quốc phòng Đức.

Các thỏa thuận trước đây Nhật Bản ký với Hoa Kỳ và Anh, và các thỏa thuận tiếp theo cũng liên kết ngành quốc phòng Nhật với Pháp và Hà Lan.

Theo kế hoạch mới được biết dưới tên Chính sách Quốc phòng Năng động, trọng tâm chuyển sang khả năng chủ động bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản và đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế.

Theo các quy định mới, được gọi là “Ba Nguyên tắc về Thiết bị Quốc phòng và Chuyển giao Công nghệ”, Nhật Bản có thể xuất khẩu các thiết bị phòng thủ để hỗ trợ hòa bình và ổn định quốc tế.

Mặc dù Nhật Bản không đề cập đến những mối đe doạ cụ thể mà nước này phải đối mặt, rõ ràng mối quan ngại chính là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng vọt, Bắc Kinh hồi gần đây cho biết tàu sân bay đầu tiên của họ đã đi vào hoạt động và nhấn mạnh một chuỗi đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát, mà Bắc Kinh nói Nhật Bản “đang chiếm giữ” ngoài khơi đảo Okinawa, là “thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”. Tokyo bác bỏ tuyên bố này và đã chuyển từ tư thế phòng thủ trên đất liền sang tập trung nhiều hơn vào khả năng tấn công phối hợp trên biển và trên không –tại các vùng lãnh thổ tại vùng Tây- Nam Nhật Bản.

Bắc Triều Tiên vẫn là một nước khó đoán trước - chế độ của Kim Jong Un đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân. Một số cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy tên lửa của Bắc Triều Tiên rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. - VOA
|
|

5.
Ủy viên bộ Chính Trị Trung Quốc Tôn Chính Tài bị điều tra tham nhũng --- Vụ Tôn Chính Tài, liệu lịch sử có tái diễn ở Trùng Khánh?

Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 24/07/2017 loan báo, cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng Sản đã mở điều tra đối với ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), ủy viên bộ Chính Trị và mới cách đây một tuần còn là bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương đang điều tra ông Tôn Chính Tài vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng » - từ ngữ thường dùng trong các vụ điều tra tham nhũng.

Ông Tôn Chính Tài là thành viên đầu tiên trong số 25 ủy viên bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc bị điều tra, kể từ khi người tiền nhiệm ở Trùng Khánh là Bạc Hy Lai - một trong những đối thủ tiềm năng của ông Tập Cận Bình - bị bắt giam năm 2013 và bị lãnh án tù chung thân. Tuy nhiên, bản tin của Tân Hoa Xã không đề cập đến việc ông Tôn Chính Tài có còn là ủy viên bộ Chính Trị hay không.

Năm nay 53 tuổi, Tôn Chính Tài là ủy viên bộ Chính Trị trẻ tuổi nhất, được cho là ứng viên sáng giá để trở thành một trong bảy ủy viên thường trực đầy quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Từ ngày 15/07, ông Tôn đã bị mất chức bí thư thành ủy, người thay thế là ông Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), 56 tuổi, một nhân vật thân cận của Tập Cận Bình, và rất có thể sẽ được đôn lên làm ủy viên thường trực bộ Chính Trị.

Tuần trước nhật báo Hồng Kông South China Morning Postcũng đã khẳng định Tôn Chính Tài bị điều tra tham nhũng, nhưng tin này hôm nay mới được chính thức loan báo. Sự kiện này diễn ra vào lúc sắp đến Đại hội Đảng lần thứ 19, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Nhà nghiên cứu Simone van Nieuwenhuizen ở Sydney nói với AFP : « Sự thất sủng của Tôn Chính Tài cho thấy tâm trạng bất an nơi Tập Cận Bình và phe cánh của ông ta. Ông Tôn được thăng tiến với tư cách người do cựu chủ tịch Hồ Cầm Đào đề cử. Tập Cận Bình có thể coi đây là mối đe dọa cho kế hoạch đưa vây cánh của mình vào. Một số người thuộc phe Hồ Cẩm Đào cũng đã từng bị Tập cản đường ».

Bill Bikales, phụ trách nhóm Bikales Advisors nhận định, mục tiêu của ông Tập là loại hết các tay chân của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, « đích thân kiểm soát tiến trình đề cử những người kế nhiệm, theo một cách mà cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ làm nổi ».

Còn theo giáo sư Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), trường đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Thượng Hải, cú đòn đánh vào Tôn Chính Tài là lời cảnh cáo cho các phe phái khác, chứng tỏ Tập Cận Bình là tiếng nói quyết định duy nhất trong đảng, có thể áp đặt nhân sự theo ý riêng. - RFI

***
Ông Tôn Chính Tài, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, người vừa bị cách chức bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra về “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng'.

Ông Tôn Chính Tài, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, người vừa bị cách chức bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra về “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, Tân Hoa Xã loan báo hôm thứ Hai 24/7.

Trong ngôn ngữ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” ngụ ý nhắc tới hành vi tham nhũng hay đi chệch đường lối của Đảng. Trước đây, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, đều bị điều tra về “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Các nhân vật này sau đó đều bị tước hết chức vụ và tống giam.

Bản tin ngắn của Tân Hoa Xã không cho biết ông Tôn cụ thể bị điều tra về tội gì. Tuy nhiên, theo giới phân tích thì với cuộc điều tra này, gần như chắc chắn sự nghiệp chính trị của ông Tôn đã chấm dứt trước thềm Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 11 năm nay. Trước khi sa cơ, ông Tôn được cho là một ngôi sao đang lên, có triển vọng thăng tiến vào Thường vụ Bộ Chính trị, xét về độ tuổi, kinh nghiệm và vị trí trong Đảng.

Tờ New York Times nhận định rằng tước quyền ông Tôn, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình coi như loại bỏ được một thách thức tiềm tàng đối với nỗ lực củng cố quyền lực của ông tại Đại hội 19. Dự kiến tại Đại hội này ông Tập sẽ được bầu lại để duy trì chiếc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ tiếp tục nắm chức chủ tịch nước thêm 5 năm nữa.

Tuy nhiên, 5 trong số 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị ngoại trừ ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đến tuổi nghỉ hưu, mở ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ủy viên Bộ Chính trị để giành một ghế trong cơ quan quyền lực tối cao này.

New York Times cho rằng ông Tôn là quan chức đương nhiệm cấp cao nhất cho đến nay bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập phát động từ khi ông lên nắm quyền hồi cuối năm 2012.

Ông Tôn trở thành Bí thư Thành ủy Trùng Khánh sau Đại hội 18. Ông được điều về thành phố lớn nhất ở miền tây Trung Quốc để dẹp tàn dư của Bạc Hy Lai. Ông đột ngột bị cách chức hôm 15/6 mà không rõ nguyên do. Kể từ đó, ông không xuất hiện trước công chúng và tên ông cũng không xuất hiện trên truyền thông trong nước cho đến khi có thông báo của Tân Hoa Xã hôm 24/7 rằng ông đang bị điều tra.

Quyết định cách chức ông Tôn mở đường cho ông Tập đưa một người thân tín là Trần Mẫn Nhĩ về nắm Trùng Khánh. Ông Trần có thời gian làm việc dưới trướng ông Tập khi ông Tập còn là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.

Nếu các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng phạm tội hình sự thì ông Tôn sẽ được chuyển sang cơ quan công tố Nhà nước để truy tố và xét xử. Chưa gì đã xuất hiện những đồn đoán rằng ông Tôn và gia đình ông có dính líu đến nạn tham nhũng. Ông Tôn được đưa vào tấm ngắm khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông và đội ngũ lãnh đạo Trùng Khánh “đã không làm đủ để nhổ tận gốc tàn dư độc hại của Bạc Hy Lai”.

Liệu lịch sử có tái diễn ở Trùng Khánh? Một số nhà phân tích cho rằng có nhiều điểm tương đồng giữa những gì đang xảy ra cho ông Tôn Chính Tài với những gì xảy ra cách đây 5 năm với người tiền nhiệm, nguyên Bí Thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ông Bạc bị khai trừ khỏi Đảng, bị kết án chung thân về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. - VOA
|
|

6.
Biển Hoa Đông, máy bay Trung Quốc chặn trinh sát cơ Mỹ

Hai chiến đấu cơ Trung Quốc nghênh cản một trinh sát cơ Mỹ trên vùng Biển Hoa Đông hồi cuối tuần qua, một chiếc đến gần trong khoảng cách 300 feet (91 mét) với phi cơ Mỹ, các giới chức Mỹ khi cho hãng thông tấn Reuters biết.

Nguồn tin này cho hay các dữ kiện sơ khởi cho thấy một chiến đấu cơ loại J-10 của Trung Quốc đến quá gần chiếc EP-3 của Mỹ hôm Chủ Nhật, khiến phi công phải đổi hướng.

Chiếc phi cơ J-10 bay xuống phía dưới chiếc EP-3 và bất ngờ vọt lên phía trước mặt, cách chiếc phi cơ Mỹ chỉ 300 feet khiến phi công phải lạng lách để khỏi đụng vào nhau.

Nguồn tin của Fox News nói rằng cả hai chiến đấu cơ Trung Quốc đều có võ trang hỏa tiễn.

Vụ này xảy ra chỉ ít ngày sau khi Đô Đốc John Richardson, hôm Thứ Sáu gọi điện thoại cho giới chức phía Trung Quốc để thảo luận các bước có thể tiến hành tới đây nhằm tạo áp lực lên Bắc Hàn nhằm ngăn chặn chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của chế độ Bình Nhưỡng.

Đây là cuộc đối đầu không an toàn đầu tiên giữa Trung Quốc và hải quân Mỹ trên không phận gần Trung Quốc sau khi xảy ra một vụ tương tự ngoài khơi Hồng Kông vào cuối Tháng Năm. - nguoiviet
|
|

7.
Trung Quốc dọa tăng quân tại vùng biên giới với Ấn Độ --- Chuyên gia Ấn cảnh báo về logic kẻ mạnh của Trung Quốc

Trong bối cảnh căng thẳng nẩy sinh với New Delhi từ hơn một tháng nay tại vùng ba biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, Bắc Kinh vào hôm nay, 24/07/2017, đã lớn tiếng đe dọa New Delhi rằng sẽ tăng cường quân lính đến khu vực, để bảo vệ chủ quyền « với bất cứ giá nào ».

Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) tuyên bố là trước diễn biến của tình hình, lực lượng biên phòng của Trung Quốc « đã dùng đến những biện pháp ứng phó khẩn cấp trong khu vực và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai quân và tập luyện để đối phó với tình hình ».

Nhân vật này không cho biết thêm bất kỳ một chi tiết này về kế hoạch tăng quân, nhưng trước đó đã tố cáo Ấn Độ « vi phạm nghiêm trọng lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược lại luật pháp quốc tế » khi cho quân « vượt qua biên giới quốc gia đã được hai nước công nhận ».

Căng thẳng Trung-Ấn khởi sự cách nay hơn một tháng với việc Trung Quốc cho quân lính khởi công xây dựng một con đường trên một cao nguyên đang tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.

Theo yêu cầu của đồng minh Bhutan, lực lượng Ấn Độ đã tiến vào vùng này để ngăn không cho lính Trung Quốc xây đường, và đã bị Bắc Kinh tố cáo là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đòi New Delhi rút quân ra khỏi khu vực ngay lập tức, nhưng không kết quả.

Về tranh chấp Trung Quốc-Bhutan liên quan đến vùng cao nguyên gọi là Doklam này, Bhutan xác định là việc Trung Quốc cho xây con đường đã « vi phạm trực tiếp » các thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký, một lập trường được Ấn Độ ủng hộ.

Trên vấn đề này, Trung Quốc hôm nay đã cho rằng « Ấn Độ không nên có bất kỳ ảo tưởng nào » về khả năng giành được ưu thế khi tranh chấp với Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, « rất khó mà lay chuyển được quân Giải Phóng Nhân Dân - tên gọi Quân Đội Trung Quốc - thậm chí còn khó hơn rung chuyển một ngọn núi ».

Ấn Độ và Trung Quốc chạy đua với nhau để tranh giành ảnh hưởng tại vùng Nam Á. Bắc Kinh đã đổ những món tiền lớn vào để mua chuộc Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, trong lúc Bhutan vẫn duy trì liên minh chặt chẽ với Ấn Độ. - RFI

***
Chỉ trong một vài tuần lễ gần đây, Bắc Kinh đã có một loạt những động thái cứng rắn, thậm chí đe dọa dùng đến quân sự để áp đặt ý muốn của mình đối với các láng giềng dám kháng cự lại Trung Quốc, từ vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông, cho đến cuộc đọ sức với Ấn Độ đang diễn ra tại vùng biên giới Trung Quốc-Bhutan.

Trong bài viết trên báo Ấn Độ Livemint ngày 24/07/2017, giáo sư quan hệ quốc tế người Ấn, Harsh V. Pant tại trường King’s College ở Luân Đôn, đã cho rằng cách hành xử của Trung Quốc nằm trong logic bình thường của một cường quốc, một khi đã in được dấu ấn của mình về mặt kinh tế trên toàn thế giới, thì tất nhiên muốn ghi dấu ấn về mặt quân sự, và các nước khác không nên ngộ nhận trước những biểu hiện hòa hoãn mà Bắc Kinh phô bày.

Bên cạnh cuộc đối đầu hiện nay với Ấn Độ, chỉ trong một vài tuần lễ nay, Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng sức mạnh quân sự hù dọa các láng giềng. Giáo sư Pant đã nêu bật hai trường hợp cụ thể.

Trước hết là đối với Nhật Bản. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã nói với Tokyo rằng nên « tập làm quen » với việc máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát không phận Nhật Bản sau khi sáu chiến đấu cơ Trung Quốc bay ngang eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản ở phía nam, nhân một cuộc diễn tập quân sự.

Còn đối với Đài Loan cũng thế, bộ Quốc Phòng Đài Loan phàn nàn rằng các oanh tạc cơ Trung Quốc đã bay sát ngay bên ngoài vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này.

Ngoài hai ví dụ được giáo sư Pant nêu bật, cũng có thể nói đến một sự kiện liên quan đến Việt Nam, vừa được báo chí tiết lộ : đó là việc Trung Quốc đã đe dọa tấn công các cơ sở của Việt Nam tại vùng quần đảo Trường Sa, nếu Hà Nội không cho ngừng các hoạt động thăm dò tại một lô dầu khí ở Biển Đông mà Trung Quốc cho là của họ.

Không chỉ giới hạn ở những nơi gần, trong tuần Trung Quốc cũng đã phái quân tới Djibouti ở châu Phi, thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở hải ngoại…

Giáo sư Pant ghi nhận là trong thời gian gần đây, Trung Quốc có mặt ở mọi nơi, lúc thì thách thức trật tự thế giới, lúc thì chứng tỏ rằng họ là người bảo đảm trật tự kinh tế toàn cầu trong thời đại Donald Trump. Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đầu 2017, Tập Cận Bình đã cố tô vẽ Trung Quốc như là nước bảo vệ tự do thương mại và thị trường mở cửa.

Có điều, theo giáo sư Pant, bất cứ ai quan sát kỹ lưỡng Trung Quốc đều thấy rằng Bắc Kinh đã lũng đoạn ngoại hối để thủ lợi, khép chặt thị trường vốn, và thiết lập các hàng rào phi thuế quan tinh vi dẫn đến sự mất cân bằng thương mại có hại cho nước khác. Những yếu tố đó khiến Bắc Kinh không thể trở thành một lãnh đạo kinh tế toàn cầu.

Vấn đề là thế giới lại nhắm mắt làm ngơ trước những thiếu sót đó để chạy theo Trung Quốc, để tự trấn an mình. Ấn Độ cũng không là ngoại lệ, cũng đã từng đi nghe theo những lập luận hòa hoãn của Trung Quốc.

Giáo sư Pant đã chỉ trích thái độ húy kỵ Trung Quốc của Ấn Độ, chẳng hạn như đã từng tránh tập trận chung với các quốc gia có cùng quan điểm trong khu vực vì sợ rằng Trung Quốc hiểu lầm, từng không ký các thoả thuận quan trọng với Mỹ vì sợ bị cho là bám đuôi Washington, mà không thấy rằng làm như vậy đã hạn chế khả năng theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương…

Theo giáo sư Pant, thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc bắt nguồn từ sức mạnh đang lên của Trung Quốc và nhận thức riêng của nước này về lợi ích của họ. Sức mạnh kéo theo sự bành trướng, và đà bành trướng về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trên thế giới hiện đang kéo theo sự bành trướng về quân sự.

Đối với giáo sư Pant, hiểu điều đó không phải là hiếu chiến, mà là chuẩn bị cách đối phó thích hợp. - RFI
|
|

8.
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh và Mỹ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế với Mỹ và Anh trong năm nay, sau "hoạt động yếu hơn dự kiến" trong ba tháng đầu.

IMF nói họ nay hy vọng Anh sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, so với mức 2% họ dự báo trước đó.

Hoa Kỳ nay sẽ tăng trưởng 2,1%, so với mức 2,3% được dự đoán vào tháng Tư.

IMF giữ nguyên dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2017, và 3,6% vào năm 2018.

Trong đánh giá mới nhất về 'Triển vọng Kinh tế Thế giới' của mình, IMF cho biết "đà tăng trưởng toàn cầu" mà tổ chức này dự đoán trong cuộc khảo sát vào tháng Tư "vẫn đi đúng hướng".

Một người phát ngôn cho Bộ Tài chính Anh nói dự báo của IMF cho thấy tại sao kế hoạch của chính phủ nhằm tăng năng suất và hướng tới "thỏa thuận tốt nhất với EU" sau Brexit là "cực kỳ quan trọng".

"Thực trạng công ăn việc làm là ở mức kỷ lục cao và thâm hụt giảm ba phần tư, cho thấy rằng nền kinh tế của chúng ta cơ bản rất mạnh," Bộ Tài chính Anh nói thêm.

Dự báo tăng trưởng cho Vương quốc Anh năm 2018 vẫn không thay đổi ở mức 1,5%, nhưng tăng trưởng của Hoa Kỳ cho năm tới nay được dự đoán sẽ đạt 2,1%, thay vì 2,5% theo dự báo trước đó.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đây được dự kiến sẽ theo đuổi các chính sách bao gồm cắt giảm thuế và đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó có vai trò lực đẩy mạnh cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, kế hoạch này dường như khó thực hiện.

Đà của khu vực dùng đồng Euro

IMF đã điều chỉnh tăng lên với dự báo cho một số nền kinh tế khu vực dùng đồng euro, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. IMF cho biết tăng trưởng trong quý đầu tại những nước này "nói chung là cao hơn kỳ vọng".

Việc điều chỉnh lớn nhất tại khu vực dùng đồng euro là đối với nền kinh tế Tây Ban Nha và Ý. Tây Ban Nha hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, tăng so với dự báo trước đó là 2,6%. Ý được dự báo tăng trưởng năm 2017 từ 0,8% lên 1,3%.

Khu vực dùng đồng euro nói chung được dự kiến sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, tăng so với 1,7%.

Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã được điều chỉnh tăng lên và phản ánh điều mà IMF gọi là "quý đầu tiên mạnh mẽ của năm 2017 và mong đợi có việc tiếp tục hỗ trợ tài chính".

Dự báo năm 2017 Trung Quốc có tăng trưởng 6,7% so với dự báo trước đó là 6,6% trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2018 hiện đang dự kiến sẽ đạt 6,4% thay vì mức 6,2%. - BBC
|
|

9.
Tấn công ở Thụy Sĩ, 5 người bị thương

Một người đàn ông sử dụng cưa máy làm hung khí gây thương tích cho 5 người ở thị trấn Schaffhausen, Thụy Sĩ, hôm thứ Hai 24/7, theo nguồn tin cảnh sát.

Bà Cindy Beer, phát ngôn viên của sở cảnh sát Schaffhausen, nói trong một video clip đăng trên trang web của hãng tin Blick:

"Hiện tại, có 5 người bị thương ... hai người bị thương trầm trọng và ba người bị thương nhẹ.”

Cảnh sát cho biết họ đã xác định danh tính của nghi phạm, nhưng người này đang chạy trốn. Nhà chức trách đã phát hành một thông báo nhận dạng nghi phạm này. Họ cho biết đây không phải là một hành động khủng bố.

Nhiều bản tin cho biết khu vực này đã bị phong tỏa và các cửa hàng địa phương Tấn công ở Thụy Sĩ, 5 người bị thương bị đóng cửa. - VOA
|
|

10.
Biểu tình ở Matxcơva chống kiểm soát internet

Khoảng 1.000 người Nga hôm qua 23/07/2017 đã xuống đường tại Matxcơva nhằm phản đối việc tăng cường giám sát cũng như các biện pháp hạn chế internet của chính quyền.

Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu « Phản đối kiểm duyệt, phản đối độc tài », « Đả đảo Nhà nước công an ». Một số người vận dụng khẩu hiệu của đối lập « Nước Nga không Putin », thêm vào ba chữ « Không kiểm duyệt ».

Cảnh sát ước tính số người biểu tình là 800, nhưng theo một phóng viên AFP có mặt tại chỗ thì có đến 1.000 đến 1.500 người đã đáp ứng lời kêu gọi xuống đường của đảng Parnas, do cựu thủ tướng Mikhail Kassianov lãnh đạo. Ba người biểu tình đã bị bắt, trong đó có một người phân phát các tờ rơi kêu gọi ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny.

Đối với Pavel Rassoudov, cựu thủ lãnh nhóm « Pirate Party », chính quyền tìm cách kiểm soát internet từ năm 2011, khi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Vladimir Putin bị ảnh hưởng bởi nhiều cuộc biểu tình quy mô. Anh nhận xét : « Kể từ lúc đó chính quyền hiểu rằng internet là công cụ huy động người dân xuống đường ».

Internet Nga, vốn được phe đối lập sử dụng rộng rãi, trong những năm gần đây ngày càng bị siết chặt hơn, với lý do « chống khủng bố ». Hôm thứ Sáu 21/7, Quốc Hội Nga đã thông qua một đạo luật cấm sử dụng các dịch vụ internet để truy cập một cách ẩn danh các trang web bị phong tỏa tại Nga. Một đạo luật khác buộc cư dân mạng phải khai báo số điện thoại khi sử dụng dịch vụ tin nhắn.

Trước đó, vào cuối tháng Sáu, Roskomnadzor, cơ quan giám sát báo chí, đã đe dọa sẽ khóa Telegram, một dịch vụ tin nhắn rất phổ biến tại Nga nhờ mã hóa cao độ các thông tin. Và kể từ ngày 01/01/2018, các công ty internet Nga cũng như ngoại quốc bị buộc phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng tại Nga, và chuyển giao cho chính quyền khi được yêu cầu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Con rể ông Trump tiết lộ chi tiết các cuộc tiếp xúc với Nga --- Con rể ông Trump trao tài liệu dài 11 trang trước phiên điều trần

Ông Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump và cũng là cố vấn cấp cao của Toà Bạch Ốc, nêu chi tiết về 4 cuộc tiếp xúc giữa ông với các giới chức Nga hồi năm ngoái trong một tài liệu hôm 24/7, và khẳng định ông “không thông đồng” với Nga trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 của ông Trump.

Jared Kushner công bố một tài liệu dài 11 trang trước khi đến gặp nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện trong một cuộc họp kín. Tài liệu này đưa ra những chi tiết đầy đủ nhất- tính cho tới nay, về những cuộc tiếp xúc giữa ông với các giới chức Nga trong thời gian vận động tranh cử và thời gian chuyển quyền sang chính phủ mới.

Là một doanh nhân như Donald Trump, Jared Kushner tự mô tả là người không có kinh nghiệm trên chính trường khi trở thành cố vấn hàng đầu trong chiến dịch vận động tranh cử của bố vợ.

Kushner nói đôi khi công việc bề bộn với bao nhiêu là cú điện thoại và email, khiến cho ký ức của ông về một số cuộc tiếp xúc đôi khi không rõ rệt.

Nhưng ông khẳng định:

“Tôi không có thông đồng, hay biết bất cứ ai thông đồng với bất cứ chính quyền nước ngoài nào.”

“Tôi không từng có cuộc tiếp xúc nào ‘mờ ám' nào. Tôi không dựa vào bất kỳ khoản tài trợ nào của Nga cho các hoạt động doanh thương của mình trong lĩnh vực tư.”

Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong nhiều ủy ban quốc hội điều tra vụ Nga xen vào bầu cử Mỹ, bên cạnh cuộc điều tra hình sự liên bang do biện lý đặc biệt Robert Mueller tiến hành.

Phát biểu tại Toà Bạch Ốc sau cuộc họp kín với ủy ban tình báo Thượng viện, Kushner nói tất cả những hành động của mình là ‘đúng đắn’ và xảy ra trong một ‘chiến dịch vận động có một không hai.’

Jared Kushner nói ông Trump đã đánh bại đối thủ Hillary Clinton hồi tháng 11/2016 bởi vì ông Trump điều hành một “chiến dịch vận động thông minh hơn”; và lý giải theo cách nào khác là “mang những người đã bầu cho ông Trump ra làm trò cười.”

Tổng thống Trump của Đảng Cộng hoà đã mô tả các cuộc điều tra liên quan tới Nga là có ‘động cơ chính trị’. Và ông mạnh mẽ lên án các cuộc điều tra trên trang Twitter của mình hôm thứ Hai.

Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều trở ngại với những cáo buộc liên tục cho rằng các phụ tá của ông đã làm việc với Nga, nước bị các cơ quan tình báo Mỹ tố cáo là đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Moscow bác bỏ những tố cáo đó, nói rằng Nga không có xen vào cuộc bầu cử ở Mỹ, và ông Trump khẳng định ban vận động tranh cử của ông không có thông đồng với Moscow.

Ông Kushner đến dự buổi họp kín với nhân viên ủy ban tình báo Thượng viện cùng với Abbe Lowell, môt luật sư nổi tiếng. Buổi họp kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

Trong văn kiện nộp trước buổi điều trần, Kushner cho biết lần đầu tiên ông gặp đại sứ Kislyak của Nga là ở Washington vào tháng Tư, 2016, và hai người đã bắt tay nhau.

Kushner nói ông không nhớ đã điện thoại cho ông Kislyak trong thời gian giữa tháng Tư tới tháng 11/2016 như Reuters tường thuật hồi tháng Năm. Jared Kushner bày tỏ nghi ngờ về các cú điện thoại đó và nói ông không tìm ra chứng cớ nào về các cuộc điện đàm này. - VOA

***
Ông Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump và là một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống, cho biết ông đã gặp các quan chức Nga bốn lần trong và sau chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, tuy nhiên ông Kushner khẳng định là ông không có thông đồng với Nga hoặc bất kỳ chính phủ nước ngoài nào khác.

Hôm thứ Hai 24/7, ông Kushner công bố một bản tuyên bố dài 11 trang trước buổi điều trần kín với Ủy ban Tình báo Thượng viện. Theo dự kiến vào ngày thứ Ba 25/7, ông Kushner cũng sẽ ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện. Cả hai ủy ban đang điều tra vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm ngoái.

Ông Kushner viết: "Hồ sơ và tài liệu do tôi cung cấp sẽ cho thấy tôi có lẽ đã có bốn cuộc tiếp xúc với các đại diện của Nga trong số hàng ngàn cuộc tiếp xúc đã diễn ra trong chiến dịch vận động tranh cử và thời gian chuyển tiếp sang chính phủ mới. Không có một cuộc tiếp xúc nào ảnh hưởng đến cuộc bầu cử theo bất kỳ cách nào, và cũng không có cuộc tiếp xúc nào đặc biệt đáng lưu ý.”

Ông Kushner mô tả một số cuộc gặp gỡ ngắn với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, nói rằng hai ông thảo luận về ước vọng muốn cải thiện quan hệ Mỹ-Nga, nhưng ông bác bỏ tin cho rằng ông và ông Sergey Kislyak sau đó có tiếp tục trò chuyện qua điện thoại.

Các ủy ban Quốc hội đang tìm cách thu thập thông tin về các cuộc tiếp xúc giữa ông Kushner với phía Nga, kể cả cuộc gặp gỡ với một luật sư Nga hồi tháng 6 năm 2016, và một số nhân vật khác có liên hệ với Moscow. - VOA
|
|

12.
Đảng Cộng hòa lại cố gắng lật ngược Obamacare

Các đảng viên đảng Cộng hòa trong tuần này một lần nữa lại dự tính đẩy mạnh nỗ lực hướng tới mục tiêu hủy bỏ và thay thế Obamacare, luật chăm sóc sức khoẻ được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Trong tháng qua, Thượng viện đã chứng kiến hai phiên bản của dự luật chăm sóc sức khoẻ: một nhằm huỷ bỏ và thay thế Obamacare và một dự luật khác sẽ bắt đầu một chu kỳ hai năm để hủy bỏ Obamacare, nhằm giúp các nhà lập pháp có thời gian để chuẩn bị một dự luật thay thế.

Cả hai dự luật đều đối mặt với sự chống đối triệt để của Đảng Dân chủ và sự phản đối khá mạnh từ cả các đảng viên Đảng Cộng hòa, nên cả hai dự luật đều không tiến xa bao nhiêu.

Thượng nghị sĩ John Thune, một trong 52 thành viên của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện -gồm tất cả 100 ghế, hôm Chủ Nhật cho biết thủ lãnh phe đa số Mitch McConnell sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào tuần này về một dự luật chăm sóc sức khoẻ mới để làm đề tài tranh luận và sửa đổi.

Điều không rõ ràng là dự luật nào sẽ được mang ra bỏ phiếu. Hạ viện đã thông qua luật huỷ bỏ và thay thế Obamacare vào tháng 5.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins nói: "Chúng tôi không biết liệu có một cuộc bỏ phiếu cho dự luật mà Hạ viện đã thông qua, hay phiên bản đầu tiên của dự luật do Thượng viện đưa ra, phiên bản thứ hai của Thượng viện, một phiên bản mới của dự luật do Thượng viện đưa ra, hay là một dự luật năm 2015 nhằm bãi bỏ Obamacare."

Giữa lúc Thượng viện đang chuẩn bị bỏ phiếu, Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra 1 tuyên bố về vấn đề chăm sóc sức khoẻ trong ngày thứ Hai 24/7, sau cuộc gặp gỡ gần đây nhất giữa chính quyền của ông với "những nạn nhân của Obamacare."

Tối Chủ Nhật 23/7, ông Trump lại dùng Twitter để tiếp tục gây áp lực với các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội, để họ đáp ứng lời hứa của ông sẽ cải tổ hệ thống chăm sóc sức khoẻ mà giới chỉ trích cho là quá tốn kém và không công bằng, buộc người Mỹ phải mua bảo hiểm sức khoẻ, nếu không sẽ bị phạt vạ.

Ông Trump viết:

"Nếu các thành viên đảng Cộng hòa không huỷ bỏ và thay thế ObamaCare, thì hậu quả sẽ lớn hơn xa, so với những gì họ hiểu!" - VOA
|
|

13.
Tân giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc từng ủng hộ Dân Chủ

Tân giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Anthony Scaramucci vừa xóa những tweet có nội dung trái ý với Tổng Thống Donald Trump.

Theo hãng thông tấn AFP, một ngày sau khi nhận chức vụ mới hôm Thứ Sáu, ông Anthony Scaramucci, một nhà tài chánh ở New York, xóa sạch những tweet trong đó ông có những nhận định khác biệt với ông Trump về các vấn đề như di dân bất hợp pháp, thay đổi khí hậu, Hồi Giáo và ngay cả việc kiểm soát súng.

Qua mạng xã hội Twitter ông Scaramucci nói: “Chúng ta hướng công việc theo đường lối của tổng thống, đó là phục vụ người dân Hoa Kỳ.”

Hồi năm 2012, ông Scaramucci từng gửi tweet, nội dung có vẻ hậu thuẫn nhiều chủ trương của phe Dân Chủ, và tự mô tả bản thân như là người ủng hộ hôn nhân đồng tính, chống lại án tử hình, và tán đồng việc phá thai.

Tham vụ báo chí và cũng là phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đột ngột từ chức hôm Thứ Sáu vì phản đối việc Tòa Bạch Ốc bổ nhiệm ông Scaramucci.

Qua một văn bản viết tay, ông Trump ca ngợi thành quả làm việc của ông Spicer và việc ông Spicer “được hệ thống truyền hình đánh giá cao.”

Quyết định từ chức của của ông Spicer cho thấy những căng thẳng đang gia tăng trong chính phủ, trong bối cảnh chính phủ Tổng Thống Trump đang bị điều tra về cáo buộc có sự thông đồng với nước Nga trong cuộc bầu cử 2016. - nguoiviet
|
|

14.
Jeb Bush, Mark Cuban: TT Trump gây thiệt hại cho Cộng Hòa

Các hành động hiện nay của Tổng Thống Donald Trump trong Tòa Bạch Ốc sẽ tạo nhiều khó khăn hơn cho các chính trị gia đảng Cộng Hòa cũng như các nhà tỉ phú muốn tham gia chính trường, trong các cuộc bầu cử tới đây, theo lời hai nhân vật nổi tiếng thường có lời chỉ trích ông Trump.

Vào hôm Thứ Bảy, khi tham dự một lễ hội mùa Hè ở khu công viên Central Park của thành phố New York, nhà tỉ phú Mark Cuban và cựu Thống Đốc tiểu bang Florida, ông Jeb Bush, có những phát biểu riêng rẽ với nội dung chỉ trích ông Trump.

Ông Cuban, hiện là chủ đội bóng rổ Dallas Mavericks, nói rằng ông có thể sẽ ra tranh cử tổng thống, đối đầu với ông Trump vào năm 2020.

“Nếu ông ta còn tồn tại hết nhiệm kỳ, tôi sẽ ra để đối đầu với ông ta,” ông Cuban tuyên bố, trong lúc đám đông gồm đa số người trẻ ở New York hoan nghênh ầm ĩ. “Chúng ta sẽ xem thế nào. Tôi chưa công bố điều gì cả.”

Ông Cuban cũng cảnh cáo rằng ông Trump có thể hủy hoại cơ hội cho những nhà tỉ phú khác ở bên ngoài chính trường Mỹ, muốn ra tranh cử tổng thống trong tương lai.

“Ông ta không đưa ra được một tấm gương tốt đẹp,” ông Cuban nói.

Trong khi đó, ông Jeb Bush, người là mục tiêu tấn công cá nhân thường xuyên của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nói rằng ông sẽ không ra tranh cử tổng thống lần nữa. Ông cũng tìm cách cho thấy rằng ông Trump không là biểu tượng của đảng Cộng Hòa, và nói rằng mãi cho đến những năm gần đây, ông Trump vẫn ghi danh là người Dân Chủ.

Ông Bush cũng bày tỏ lo ngại về việc có một loạt người nổi tiếng trên truyền hình nay muốn ra lãnh đạo nước Mỹ, kể cả ông Cuban.

“Chúng ta có thể phải chấp nhận việc có những người rất giỏi trên truyền hình làm lãnh đạo của mình, cho tới khi chúng ta nhìn ra rõ ràng. Ý tưởng và chính sách cũng là những điều quan trọng, chứ không chỉ có sự nổi tiếng cá nhân.”

Tuy chỉ trích, ông Bush nói rằng ông mong mỏi Tổng Thống Trump thành công.

“Tôi thấy hành động của ông ta thật đáng lo ngại trong nhiều lãnh vực. Nhưng tôi cầu nguyện cho ông ta hằng đêm. Tôi cũng cầu nguyện cho đất nước chúng ta mỗi đêm,” ông Jeb Bush nói. “Tôi quan tâm cho tương lai của con cháu tôi.” - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

15.
Tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn

Một tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn khiến hai người bị thương nặng đang được chữa trị tại Côn Đảo, giới chức ở tỉnh Bình Định xác nhận với BBC.

Hôm 24/7, một cán bộ trực ban của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định nói với BBC: "Tàu cá BĐ 31153 TS có sáu thuyền viên, do bà Phù Thị Tuyết Nga làm chủ, ông Nguyễn Thanh Ngọc làm thuyền trưởng, bị Hải quân Indonesia bắn làm bốn ngư dân bị thương vào 21:00 ngày 22/7."

"Đến 0:15 ngày 24/7, tàu bị nạn được tàu Kiểm ngư 0234 dẫn về cập cảng Bến Đồn, huyện Côn Đảo."

"Hiện hai người bị thương nặng là Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Cường, một bị thương ở hông trái và bàn chân phải, một bị thương ở ngực và đùi trái, đang được chữa trị tại Trung tâm y tế huyện Côn Đảo."

"Hai người bị thương còn lại không phải nằm viện."

Hầu hết thuyền viên trên tàu là người Bình Định.

Trước đó, truyền thông Việt Nam cho hay, sự việc xảy ra trong thời điểm tàu cá BĐ 31153 TS đang khai thác hải sản tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 132 hải lý về hướng đông nam, thuộc vùng biển Việt Nam.

Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc, theo báo Thanh Niên hôm 24/7.

'Bảo hộ công dân'

Tháng trước, trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ "có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp" và "không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác".

Trưa 11/6, hai tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa các ngư dân này về đến cảng PTSC, thành phố Vũng Tàu, báo Việt Nam cho hay.

Trước đó, truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.

Hồi tháng 4/2017, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá của Indonesia, Susi Pudjiastuti được Reuters trích lời nói bà hy vọng việc đánh chìm các tàu sẽ khiến ngư dân nước ngoài chùn tay trong việc vào đánh bắt cá bất hợp pháp.

Bộ này cho biết các tàu cá được đánh chìm tại 12 điểm khác nhau vào hôm thứ Bảy.

Chính sách của Jakarta trong việc ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp đã có những lúc gây căng thẳng trong quan hệ giữa Indonesia với các nước láng giềng.

Hồi năm ngoái, một tàu tuần duyên của Trung Quốc đã can thiệp khi phía Indonesia tìm cách chặn một tàu cá vào đánh bắt bất hợp pháp gần vùng biển có tranh chấp.

Việc tàu nước ngoài vào đánh bắt cá bất hợp pháp cũng xảy ra tại vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, như của Việt Nam.

Hồi đầu tháng Ba, lực lượng biên phòng hải quân Quảng Bình đã phóng thích hai tàu cá cùng chín ngư dân Trung Quốc ra hải phận quốc tế, sau khi bị truy đuổi và vây bắt do vào đánh bắt sâu trong vùng biển Việt Nam. - BBC
|
|

16.
Thêm nhà hoạt động bị bắt với cáo buộc lật đổ

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng, tức facebooker Lỗ Ngọc, bị Cơ quan An Ninh Điều Tra Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp vào chiều ngày 24 tháng 7. Cáo buộc được đưa ra là có hành vi ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’

Theo thân nhân ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, quê xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thì cơ quan chức năng tiến hành bắt cóc và sau đó đưa ra cáo buộc như vừa nêu.

Con dâu ông Lê Đình Lượng vào tối ngày 24 tháng 7 nói với Đài Á Châu Tự Do là ông này bị bắt bởi những người mặc thường phục khi đang lưu thông tại khu vực Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Còn báo Nghệ An thì đưa tin Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Nghệ An căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ thu thập được thì những hoạt động của ông Lê Đình Lượng vi phạm qui định tại Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Bản thân ông Lê Đình Lượng là một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến Biên giới Phía Bắc. Trong thời gian gần đây, ông lên tiếng đấu tranh đòi hỏi môi trường biển sạch và bồi thường thỏa đáng cho người dân tại khu vực miền Trung, sau khi Formosa xả thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá chết hằng loạt tác động nghiêm trọng đến sinh kế của nhiều người trong khu vực.

Ông Lê Đình Lượng cũng tích cực trong việc lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trước hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Công an tỉnh Nghệ An cho biết đang hoàn tất thủ tục, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Đình Lượng để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử.

Đây là trường hợp bắt giữ mới nhất đối với những người hoạt động lên tiếng cho môi trường biển sạch, bồi thường thỏa đáng cho người dân chịu tác động bởi thảm họa mà nhà máy thép Formosa gây nên.

Hai trường hợp bị bắt và giam giữ đến nay là thanh niên Nguyễn Văn Hóa, nhà hoạt động Hoàng Bình. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment