Friday, September 15, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 15/9

Tin Thế Giới

1.
Nga tập trận để ngăn chặn cách mạng màu

Hôm thứ Năm 14/9, Nga và đồng minh Belarus đã khởi động một cuộc tập trận quân sự kéo dài một tuần khiến các thành viên NATO quanh khu vực và Hoa Kỳ đang lo lắng, nhưng thực chất cuộc tập trận này cho thấy một trong những mối lo sợ lớn của Moscow.

Ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận mang tên "Zapad", còn gọi là "phía Tây" đã bắt đầu, bộ này thông báo rằng các đơn vị xe tăng của Nga đã nhận "cảnh báo" và di chuyển tới Belarus để tập trận. Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết lệnh cảnh báo cũng áp dụng cho các đơn vị không quân đóng tại Nga và các đơn vị này đã sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận.

Tuyên bố của Nga hôm thứ Năm 14/9 đưa ra cùng với lời trấn an mà Moscow lặp lại trong nhiều tuần qua rằng cuộc tập trận này chỉ "hoàn toàn có tính chất tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác." Kịch bản của Nga cho cuộc tập trận này là một cuộc xâm lược do ba nước có tên tưởng tượng là Veishnoriya, Lubeniya và Vesbasriya thực hiện nhằm tách Belarus ra khỏi Nga. Các nhà quan sát NATO và các nước khác nhận ra 3 quốc gia mà Nga dùng tên tưởng tượng đó là Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Các thành viên trong liên minh NATO càng thêm lo ngại vì có khác biệt lớn giữa các số liệu chính thức về số binh sĩ tham gia cuộc tập trận do Nga đưa ra - 12.700 binh sĩ và 680 trang thiết bị quân sự, bao gồm 138 xe tăng – với con số do các nước phương Tây ước lượng dựa trên việc điều binh trên thực tế khoảng từ 70.000 đến hơn 100.000 binh sĩ tham gia.

Các cuộc tập trận Zapad trước đây được thực hiện vào năm 2009 và 2013, là việc phô trương lực lượng mà Tổng thống Putin đã điều chuyển thành một một lực lượng quân sự hiệu quả, mà từ đó đến nay Nga đã triển khai sang Syria và Ukraina.

Các quan chức quân sự phương Tây bày tỏ mối quan ngại rằng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga sẽ được tận dụng như là một "con ngựa thành Trojan", cho phép Moscow để lại Belarus một số binh sĩ và trang thiết bị sau khi triển khai cuộc tập trận. - VOA
|
|

2.
London ứng phó với vụ ‘khủng bố’ ở ga tàu điện ngầm

Một số người bị thương hôm 15/9 sau khi các nhân chứng nói đã xảy ra một vụ nổ trên một chuyến tàu tuyến ngắn vào giờ cao điểm ở London. Còn cảnh sát nói họ coi đây là một vụ khủng bố.

Các hành khách trên một đoàn tàu đi vào thủ đô của Anh đã bỏ chạy khi lửa bao trùm lên một toa xe tại bến tàu điện ngầm Parsons Green ở West London vào lúc 8h20 phút sáng, giờ địa phương. Một số người bị bỏng hoặc bị những thương tích khác vì dẫm đạp lên nhau để thoát thân, theo lời các nhân chứng.

Dịch vụ cứu thương của London cho biết họ đã đưa 18 người vào bệnh viện, nhưng nói thêm dường như không ai ở trong tình trạng nguy kịch.

Neil Basu, điều phối viên quốc gia cấp cao về hoạt động của cảnh sát trong công tác chống khủng bố, tuyên bố đây là một vụ khủng bố. Thủ tướng Theresa May sẽ chủ trì một cuộc họp của ủy ban ứng phó khẩn cấp của Anh trong thời gian còn lại của ngày 15/9, văn phòng của bà cho hay.

Cảnh sát London cho biết trong một tuyên bố rằng: “Vẫn còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân gây ra đám cháy. Để biết điều này phải có điều tra, và hiện Sở Chỉ huy Chống Khủng bố của vùng thủ đô Anh đang tiến hành điều tra”.

Các bức ảnh chụp bên trong đoàn tàu cho thấy một xô nhựa trắng bên trong một túi đựng hàng siêu thị. Có thể nhìn thấy lửa và những vật dường như là các dây điện. - VOA
|
|

3.
Các nước vùng TBD rà soát tàu Triều Tiên giả dạng

Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đang rà soát các hồ sơ vận tải để tìm các tàu có mối liên hệ với Triều Tiên sau khi Fiji tuyên bố đã xác định được 20 tàu treo cờ giả mạo mà nước này nghi là được chế độ Bình Nhưỡng dùng để né tránh các lệnh trừng phạt của LHQ.

Fiji, cùng với Interpol và cơ quan điều tiết vận tải cấp khu vực đặt ở Singapore có tên Tokyo MoU, đang điều tra các tàu đó xem có liên hệ gì với Triều Tiên, một phát ngôn viên của Cơ quan An toàn Hàng hải của Fiji (MSAF) cho Reuters biết hôm 15/9.

18 thành viên của Diễn đàn Các Quốc đảo Thái Bình Dương trong tháng này đã đồng ý tiến hành kiểm toán tất cả các tàu đăng ký tại Thái Bình Dương để tìm kiếm xem có bất kỳ liên hệ nào với Triều Tiên không.

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Gerry Brownlee nói rằng các quốc gia Thái Bình Dương, kể cả nước ông, lo ngại rằng Triều Tiên đang sử dụng các tàu vận tải treo cờ giả mạo như một cách để buôn bán hàng hóa bất chấp các lệnh trừng phạt.

Động thái này diễn ra khi LHQ hôm 11/9 tăng cường trừng phạt Triều Tiên, bao gồm thắt chặt giám sát các tàu ngoài biển khơi. Các nhà chức trách giờ đây sẽ được phép kiểm tra các tàu bị tình nghi để tìm hàng hoá bị cấm với sự cho phép của quốc gia mà tàu treo cờ. - VOA
|
|

4.
13 khôi nguyên Nobel yêu cầu LHQ chấm dứt khủng hoảng Rohingya

Các khôi nguyên giải Nobel đồng ký tên trên một lá thư gửi cho Hội đồng Bảo an yêu cầu cơ quan này của Liên Hiệp Quốc chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo người Rohingya ở Myanmar.

Lá thư nêu bật tình cảnh khốn khổ của người Rohingya hiện nay, với “hơn 30.000 người bị thất tán, nhà cửa bị đốt cháy, phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều thường dân bị bắt giữ, trẻ em bị giết chết” trong một “thảm họa nhân đạo có thể được coi là một cuộc thanh tẩy sắc tộc và tội ác chống lại nhân loại”.

Hàng trăm người Rohingya đã bị giết chết sau khi bạo lực bùng phát cách đây hơn hai tuần.

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 370.000 thường dân Rohingya phải vượt biên giới sang Bangladesh. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein mô tả các hoạt động của lực lượng vũ trang Myanmar là “thanh tẩy sắc tộc”.

Các khôi nguyên Giải Nobel, các nhà hoạt động, chính trị gia và một số nhân vật nổi tiếng khác cùng lên tiếng trong thư kêu gọi “Liên Hiệp Quốc làm mọi điều có thể để thúc đẩy chính phủ Myanmar dỡ bỏ mọi hạn chế về viện trợ nhân đạo, để mọi người nhận được sự trợ giúp khẩn cấp”,

Những người ký tên trong thư còn yêu cầu Liên Hiệp Quốc tạo áp lực đòi chính phủ Myanmar cấp quốc tịch cho người Rohingya, mời các nhà báo và các nhà theo dõi nhân quyền đến những khu vực nhạy cảm và thiết lập một cuộc điều tra quốc tế độc lập để xác minh sự thật về tình hình hiện tại.

“Chúng tôi kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an đưa cuộc khủng hoảng này vào chương trình nghị sự của Hội đồng như một vấn đề cấp bách, và kêu gọi Tổng thư ký ưu tiên tới thăm Myanmar trong những tuần lễ tới”.

Người Rohingya là những người không có tổ quốc. Myanmar không công nhận họ là công dân, mà gọi họ là người Bengali.

Người Rohingya được coi là một trong những sắc dân bị khủng bố nhiều nhất trên thế giới. Họ đã sống ở Myanmar trong nhiều thế kỷ và được Miến Điện công nhận sau khi nước này giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1948. Nhưng trong những năm 1980, họ lại bị tước quyền công dân. Chính phủ lập luận rằng họ là người nhập cư từ Bangladesh.

Hiện có hơn 1 triệu người Rohingya sống ở Myanmar không được hưởng các quyền cơ bản. Hầu hết trong số họ sống ở miền tây bang Rakhine. Nhiều người đang sống trong các trại tị nạn. - VOA
|
|

5.
Úc lập trại ngoài khơi cho người tị nạn

Úc lên kế hoạch xây dựng một trung tâm ở Papua New Guinea (PNG) để giam giữ những người xin tị nạn bị từ chối. Một trung tâm đang tồn tại trên đảo Manus ở PNG sẽ bị đóng trong vài tuần tới vì bị phát hiện là vi hiến vào năm ngoái. Quyết định này của 1 tòa án đã làm cho nhiều người bị giam ở đây rơi vào cảnh không biết đi đâu về đâu.

Úc đã tạm giam những người tìm đường tị nạn vượt biển Thái Bình Dương đến Úc. Khoảng 800 người đã bị giữ lại tại một cơ sở xét duyệt di trú trên đảo Manus ở PNG. Khoảng 600 người đã được chấp nhận quy chế tị nạn và có thể sẽ được đưa đến Mỹ theo một thỏa thuận đã giữa Canberra và Washington năm ngoái.

Tuy nhiên số phận của 200 người ở cái gọi là Trung tâm xét duyệt khu vực trên đảo Manus, những người bị từ chối đơn xin tị nạn, đang không rõ ràng. Khoảng một nửa trong nhóm này được cho là sẽ bị trục xuất một cách tự nguyện nhưng những người khác không thể trở lại nơi họ bỏ đi, bởi quốc gia quê nhà của họ sẽ không chấp nhận sự trở lại bị bắt buộc của họ.

Bộ trưởng di trú Úc Peter Dutton nói những người này nhiều khả năng sẽ bị gửi đến một trại tập trung khác ở khu ngoại ô thủ đô của PNG có tên Port Moresby.

"Những người này, khoảng 200 người không phải là dân tị nạn, sẽ bị đưa đến một nơi giam giữ khác cách xa Trung tâm xét duyệt khu vực bởi vì họ không có giấy tờ hợp lệ để lưu lại PNG."

Úc giam giữ tất cả những người xin tị nạn cho tới khi việc kiểm tra an ninh và sức khỏe được hoàn tất. Những di dân tới bằng đường biển đã được đưa tới những trại tị nạn do Úc tài trở ở PNG và trên đảo quốc của Cộng hòa Nauru hiện vẫn đang tồn tại.

Các quan chức nói chính sách này đã hạn chế nguy cơ những người xin tị nạn phải bỏ mạng trên biển khi tìm cách vào lãnh thổ Úc. Tuy nhiên những người tranh đấu cho nhân quyền luôn chỉ trích những điều kiện bên trong các trại tị nạn đầy bất ổn, các cuộc biểu tình tuyệt thực và các cáo buộc lạm dụng người tị nạn là trẻ em. Những người bị giam trên đảo Manus cũng cáo buộc rằng họ bị giam giữ trong các điều kiện khắt khe như bị tra tấn.

Mỗi năm, Úc cấp visa cho khoảng 16.000 người xin tị nạn. Quốc gia này cũng đã nhận khoảng 12.000 người chạy trốn các cuộc xung đột ở Syria và Iraq. - VOA
|
|

6.
Ấn-Nhật gia tăng hợp tác an ninh - quốc phòng

Hôm qua, 14/09/2017, trong ngày cuối cùng của chuyến công du Ấn Độ, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết một bản tuyên bố chung, nhằm siết chặt hợp tác nhiều mặt, trong đó đặc biệt là thúc đẩy các quan hệ an ninh, quốc phòng.

Báo chí Ấn Độ cho biết, trong bản tuyên bố chung, vấn đề tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng được đặt lên vị trí số một. Lãnh đạo hai nước chủ trương thúc đẩy nhiều hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, tuần duyên, tác chiến trên biển, bao gồm tàu chống ngầm.

Việc chuẩn bị chuyển giao thủy phi cơ tuần tra US-2 của Nhật Bản cho Ấn Độ là một biểu tượng của quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này. New Delhi và Tokyo cũng dự kiến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, dân sự-quân sự.

Tuyên bố song phương Ấn - Nhật có mục tiêu chính là nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ hòa bình tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific region), trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các tranh chấp được giải quyết bằng thương lượng, trong đó ASEAN được coi là đối tác hàng đầu.

Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (bao gồm vùng biển nhiệt đới tây và trung Thái Bình Dương, vùng biển bắc Ấn Độ Dương, và các vùng biển khác nối liền hai vùng biển nói trên) trở thành trọng tâm trong hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong vài năm trở lại đây. Hợp tác tại khu vực này là trọng tâm trong hai “Chiến lược Hướng Đông” của New Delhi và “chiến lược vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” của Tokyo.

Hành Lang Tăng Trưởng Á-Phi (Asia-Africa Growth Corridor), mà Nhật Bản và Ấn Độ khởi sự từ đầu mùa hè năm nay, được coi là một trong các phương tiện để đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường (OBOR), mà Bắc Kinh đang cổ vũ.

Cuộc thượng đỉnh thường niên Ấn-Nhật năm nay diễn ra chỉ ít ngày sau cuộc đối đầu quân sự kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại vùng ngã ba biên giới Doklam, tạm lắng hồi cuối tháng 8. - RFI
|
|

7.
Cam Bốt ngưng tìm kiếm thi hài lính Mỹ

Phnom Penh thông báo ngưng hợp tác tìm kiếm xác quân nhân Mỹ mất tích tại Cam Bốt trong chiến tranh Việt Nam để trả đũa việc Washington không cấp visa cho công chức cao cấp trong chính quyền Hun Sen.

Đích thân thủ tướng Hun Sen ngày 15/09/2017 thông báo Cam Bốt “tạm ngưng chương trình tìm kiếm lính Mỹ mất tích” thời chiến tranh Việt Nam, gồm khoảng 90 người.

Tuy nhiên, theo AFP, sau lời tuyên bố “bài Mỹ” có tính biểu tượng này, ông Hun Sen cam kết với Washington là sẽ “có hành động thiện chí” trong hồ sơ nhận lại công dân Cam Bốt bị Mỹ trục xuất.

Khủng hoảng trong quan hệ Washington - Phnom Penh phát sinh từ tuần trước, khi Hoa Kỳ quyết định không cấp một số loại visa nhập cảnh cho công chức cao cấp Cam Bốt để trả đũa chính quyền này từ chối nhận lại công dân phạm pháp bị trục xuất về nước.

Khoảng 500 người Cam Bốt phạm tội hình sự đã bị trục xuất. Đây là con cái của những người tị nạn thời Khmer Đỏ định cư tại Hoa Kỳ nhưng không có quốc tịch Mỹ.

Cũng theo phân tích của AFP, gần đến bầu cử 2018, quan hệ Mỹ-Cam Bốt càng căng thẳng. Lo ngại bị một cuộc cách mạng “màu sắc” do Mỹ hậu thuẫn, thủ tướng Hun Sen đã bỏ tù lãnh đạo đối lập Kem Sokha với tội danh “làm gián điệp” cho Mỹ. - RFI
|
|

8.
Vũ khí: Hàng giá rẻ khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á

Trong thời gian gần đây, thông tin về những thương vụ vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Đông Nam Á rất nhiều, từ Malaysia với hệ thống pháo phản lực và radar, tàu cận chiến duyên hải, cho đến Thái Lan với 3 chiếc tàu ngầm quy ước, chưa kể đến hàng chục ngàn khẩu súng trường mà Bắc Kinh « biếu không » cho Manila.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ? Ngày 30/08/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích sự kiện này dưới dạng hỏi đáp.

Sức hút của vũ khí Trung Quốc : Giá rẻ

Trong bài « Các thương vụ vũ khí của Trung Quốc tại Đông Nam Á - China’s Arms Sales to Southeast Asia » giáo sư Thayer trước hết giải thích lý do vì sao vũ khí của Trung Quốc lại thu hút khách hàng :

GS Thayer : Vũ khí của Trung Quốc chắc chắn, giá phải chăng trên thị trường ; có thể được chuyển nhượng công nghệ và/hay được cấp tín dụng mà không cần theo thủ tục rườm rà mà Mỹ áp dụng cho việc bán vũ khí.

Trong một số trường hợp như đối với Indonesia sau vấn đề Đông Timor hay Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, thì Hoa Kỳ có thể từ chối không bán những phụ tùng hay thiết bị cần thiết khác. Điều đó đã mở cửa cho Trung Quốc bán vũ khí của họ.

Tại sao những nước như Thái Lan hay Indonesia từng mua vũ khí của Mỹ lại quay sang mua vũ khí Trung Quốc ? Tính toán chiến lược của các nước này như thế nào ? Nhất là trong trường hợp của Indonesia, tại sao Jakarta lại xích lại gần Bắc Kinh mặc dù theo truyền thống họ rất nghi kỵ Trung Quốc ?

GS Thayer : Nếu điểm lại các thương vụ mua vũ khí của Indonesia và Thái Lan trong 10 năm qua, ta sẽ thấy là việc mua vũ khí Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Trong giai đoạn 2005- 2009 chẳng hạn, Indonesia đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, tên lửa phòng không cá nhân và radar của Trung Quốc. Indonesia có công nghiệp đóng tàu riêng của mình, nhưng cũng tìm mua vũ khí (Trung Quốc) để trang bị cho các chiến hạm, như súng và tên lửa chống hạm.

Indonesia cân bằng giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc

Hoa Kỳ đã và vẫn đang là nhà cung cấp lớn các vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Indonesia, như các loại máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, hay trực thăng chiến đấu Apache, chiến đấu cơ F-16C. Indonesia cũng mua phụ tùng cho máy bay của họ. Ngoài ra Jakarta còn mua radar Longbow dùng cho trực thăng chiến đấu, hỏa tiễn chống tăng, thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm…

Các thương vụ mua vũ khí của Indonesia không phản ánh việc nước này xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, mà thể hiện xu hướng pha trộn và phối hợp các hệ thống vũ khí mà họ có.

Về Thái Lan, trong năm qua, nước này đã mua tàu tuần dương của Trung Quốc cũng như hỏa tiễn chống tàu. Thái Lan cũng đã bắt đầu mua vũ khí của Trung Quốc từ sau những vụ xung đột ở biên giới với Cam Bốt năm 2008, như giàn phóng tên lửa, radar định vị trọng pháo, tên lửa phòng không. Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã mua thêm nhiều radar định vị trọng pháo, tên lửa địa đối không và chiến xa.

Miến Điện cũng là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, mua từ hộ tống hạm, máy bay huấn luyện, súng trang bị trên tàu chiến, tên lửa chống hạm, radar và trang thiết bị cho lục quân ( giàn phóng tên lửa MRL, các loại thiết giáp và chiến xa…)

Có khả năng Singapore cũng đi theo con đường mua vũ khí Trung Quốc như các láng giềng hay không ?

GS Thayer : Không có tài liệu chính thức nào về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Singapore trong giai đoạn 2006-2016. Nhìn lại phía Mỹ thì những vụ bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Singapore đã được thật sự mở rộng bao gồm những loại chiến đấu cơ F-15SG, trực thăng Seahawk và tên lửa không đối không. Và việc này tạo ra cả một hệ thống hậu cần kèm theo, từ việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho đến nâng cấp công nghệ. Với di sản lịch sử như thế thì Singapore khó mà mà quay sang ồ ạt mua vũ khí củaTrung Quốc.

Chưa thể giành được ưu thế của vũ khí Mỹ

Nhìn xa hơn, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp vũ khí như thế nào cho khu vực ?

GS Thayer : Trung Quốc sẽ bước vào một thị trường vũ khí Đông Nam Á đang có cạnh tranh rất mạnh. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7 trên 11 quốc gia Đông Nam Á : Indonesia, Miến Điện và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Cam Bốt, Lào và Timor Leste. Ngoại trừ trường hợp Malaysia, Trung Quốc có ít triển vọng bán được nhiều tại Cam Bốt, Lào và Timor Leste vì các lý do về ngân sách.

Bắc Kinh sắp có thể tranh thủ thời cơ Duterte thân thiết với Trung Quốc để xâm nhập vào Philippines. Đây sẽ là một thị trường mới nhưng là có hạn chế vì Hiến Pháp Philippines đòi hỏi ngân sách cho giáo dục phải lớn hơn quốc phòng. Bên cạnh đó, mặc dù Philippines có một di sản lớn là thiết bị và vũ khí Mỹ, nhưng Manila cũng đang chú ý đến các nguồn cung cấp mới như Hàn Quốc và Ý.

Trung Quốc sẽ không có khả năng thâm nhập sâu vào Brunei, Singapore hay Việt Nam. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời mua vũ khí Mỹ, và Trung Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt.

Hoa Kỳ hiện bán thiết bị và vũ khí phòng thủ cho 6 quốc gia Đông Nam Á : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mỹ vừa bước vào thị trường Việt Nam với việc cung cấp một chiếc tàu lớp Hamilton, với triển vọng bán được thêm nữa. Hoa Kỳ đã gợi đến khả năng chuyển giao công nghệ quốc phòng và đồng sản xuất.

Điểm mấu chốt : Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ không chiếm được ưu thế. Các thị trường lớn trong khu vực dường như đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua vũ khí từ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nga cũng đang khẩn trương mở rộng thị trường trong khu vực, tương tự như Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Việc vũ khí Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau tại Đông Nam Á sẽ có hệ quả ra sao đối với an ninh khu vực ?

GS Thayer : Các nước Đông Nam Á sẽ có thêm nhiều hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, cho phép họ tung lực lượng đi xa. Sẽ có một sự tập trung ngày càng nhiều vào vấn đề giám sát hải phận và không phận. Còn các nước như Miến Điện và Thái Lan cũng sẽ củng cố lực lượng trên bộ của họ.

Vũ khí mà Trung Quốc và Hoa Kỳ bán cho khu vực sẽ tăng cường khả năng tự vệ của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, bản thân việc Trung Quốc bán thêm vũ khí sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu truyền thống, có nghĩa là các nước đổ dồn nguồn lực của mình để đuổi kịp hay vượt qua một quốc gia bị coi là mối đe dọa.


Việc du nhập các hệ thống vũ khí mới luôn đặt ra câu hỏi về những gì có thể xảy ra khi có khủng hoảng, liệu những hệ thống đó có được quản lý đúng đắn hay là lại bị sử dụng ngay lập tức để gây ra tàn phá? - RFI
|
|

9.
Tư pháp Brazil lại đề nghị truy tố tổng thống Temer

Thêm một cáo buộc "tham nhũng", "tham gia một tổ chức tội phạm" và "cản trở tư pháp", nhắm vào tổng thống Brazil. Ngày 14/09/2017, chưởng lý Rodrigo Janot yêu cầu truy tố Michel Temer.

Giải thích của thông tín viên Martin Bernard từ Sao Paulo :

« Viên chưởng lý Brazil kiên quyết hành động. Hai ngày trước khi hết nhiệm kỳ, ông Rodrigo Janot tuyên bố là tổng thống Temer và các đồng minh chính trị đã lập ra một băng đảng tội phạm, có thể đã biển thủ tổng cộng hơn 150 triệu euro.

Ông Michel Temer bị cáo buộc đóng vai trò lãnh đạo tổ chức tội phạm này kể từ năm 2016, khi ông kế nhiệm bà Dilma Rousseff, bị Quốc Hội phế truất. Ngoài tổng thống Brazil, hai bộ trưởng khác cũng bị nêu tên trong cùng vụ này, cùng với hai thành viên của chính phủ tiền nhiệm. Một người trong số họ bị nghi ngờ là chủ của số tiền mặt hơn 10 triệu euro, được tìm thấy trong một căn hộ ở Salvador.

Tháng trước, tổng thống Temer đã thuyết phục được Hạ Viện bác bỏ cáo trạng tham nhũng đầu tiên nhắm ông. Phe đối lập Brazil cần tập hợp được đa số hai phần ba Quốc Hội để có thể đưa vụ việc ra trước Tòa Án Tối Cao.

Tổng thống Michel Temer cho rằng cáo trạng mới của chưởng lý Janot là ‘‘phi lý’’và ‘‘vô trách nhiệm’’ ". - RFI
|
|

10.
Lotte của Hàn Quốc đành rút khỏi Trung Quốc

Căng thẳng ngoại giao và sức ép từ Trung Quốc khiến cho tập đoàn siêu thị và bán lẻ Lotte quyết định bán các cơ sở của họ ở nước láng giềng khổng lồ.

Lotte đã chọn Goldman Sachs để quản lý việc bán các cơ sở của họ sau khi công ty Hàn Quốc này bị tẩy chay và cấm đoán tại Trung Quốc.

Căng thẳng Trung - Hàn đến từ cơn giận dữ của Bắc Kinh trước kế hoạch của Seoul triển khai dàn chống hỏa tiễn THAAD.

Trung Quốc phản đối THAAD ngay từ khi Hoa Kỳ có ý tưởng chuyển giao hệ thống phòng thủ này cho Hàn Quốc mà gần đây được Tổng thống Moon Jae-in đồng ý triển khai để ngăn ngừa Bắc Hàn.

Ông Moon Jae-in đưa ra quyết định này sau khi Bắc Hàn thử bom H tại trong vụ thử nguyên tử lần thứ sáu.

Hôm 7/09/2017, xe chở các bộ phận của dàn THAAD được đưa tới Seongju, chừng 300 km về phía Nam của Seoul và bị một đám đông người phản đối bao vây.

Phòng cháy hay phòng hỏa tiễn?

Một số báo Trung Quốc trích giới quân sự đã nghỉ hưu nói rằng dàn THAAD có radar rất mạnh có thể 'nhìn sâu' vào lãnh thổ Trung Quốc hàng nghìn km.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ lại nói THAAD chỉ nhằm để đánh chặn hỏa tiễn từ Bắc Hàn.

Bắc Kinh đã tìm các lý do kỹ thuật như 'vi phạm phòng cháy chữa cháy' để trừng phạt cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc sau khi Lotte tại Hàn Quốc cho chính phủ lấy mặt bằng đặt dàn THAAD.

Hiện Lotte nói họ chưa quyết định sẽ bán hết các đại siêu thị hay chỉ bán các cửa hàng đơn lẻ tại Trung Quốc, theo phóng viên Eun-Young Jeong viết cho Dow Jones Newswires.

Trên thực tế không phải Lotte muốn ủng hộ cho THAAD mà chính phủ Hàn Quốc đã chọn ra một sân golf thuộc quyền quản lý của hãng này để làm địa điểm đặt dàn THAAD.

Kể từ cuối 2016 khi xung khắc Trung - Hàn nổ ra, Lotte đã báo thiệt hại 441,7 triệu USD.

Vẫn theo Dow Jones Newswires hôm 14/09/2017, hãng xe hơi Hàn Quốc, Hyundai cũng bị thua lỗ vì các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, khiến số xe bán ra của họ ở thị trường này giảm 28,8% từ một năm qua.

Trước đó, ngành du lịch Hàn Quốc cũng đã bị thiệt hại vì Trung Quốc cấm các tour đông người có tổ chức sang thăm Hàn Quốc. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Gallup: Đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự đối với Triều Tiên

Theo một cuộc thăm dò của Gallup được công bố hôm 15/9, đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự đối với Triều Tiên nếu các nỗ lực ngoại giao và kinh tế thất bại. Thông tin được đưa ra giữa lúc căng thẳng ngày càng gia tăng vì chương trình vũ khí hạt nhân và các vụ phóng tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.

Cuộc khảo sát với 1.022 người trưởng thành ở Mỹ hồi tuần trước cho thấy 58% nói họ sẽ ủng hộ hành động quân sự đối với Triều Tiên nếu trước đó Hoa Kỳ không thể đạt mục tiêu của mình bằng các biện pháp hòa bình hơn.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đó rất khác nhau xét về mặt đảng phải. Trong số những người theo đảng Cộng hòa, 82% ủng hộ hành động quân sự, so với 37% bên đảng Dân chủ. Trong số những người theo đường lối độc lập chính trị, 56% ủng hộ.

Kết quả thăm dò được đưa ra khi Triều Tiên lại phóng một tên lửa bay qua Nhật Bản hôm 15/9.

Theo Gallup, kết quả thăm dò lần này cho thấy có sự thay đổi so với năm 2003, là lần gần đây nhất họ hỏi về sự ủng hộ của người Mỹ đối với hành động quân sự chống Triều Tiên. Khi đó, 47% nói ủng hộ. Phần lớn những người thuộc đảng Cộng hòa và độc lập chính trị là những người đã thay đổi. - VOA
|
|

12.
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh lên án chủ trương da trắng thượng đẳng

Một nghị quyết lên án những người kỳ thị màu da tự cho « da trắng thượng đẳng » đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành ngày 14/09/2017. Một tháng sau vụ bạo động tại Charlottesville, với cái chết của một phụ nữ chống kỳ thị và những lời tuyên bố lập lờ không lên án thủ phạm, chủ nhân Nhà Trắng buộc phải thay đổi lập trường 180° trước làn sóng phản đối từ công luận cho đến nghị trường.

Theo thông báo của Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump « vui mừng » ký ban hành một nghị quyết « lên án những người chủ trương da trắng thượng đẳng, tổ chức Ku Klux Klan, những nhóm tân phát-xít và những nhóm chủ trương hận thù sắc tộc ».

Nghị quyết, được toàn thể Lưỡng Viện Quốc Hội biểu quyết với 100% phiếu thuận, được soạn ra để đặc biệt lên án một cách chính thức các hành động bạo lực tại Charlottesville hồi tháng 8. Trong vòng hai ngày, thành phố của bang Virginia này là nơi xung đột giữa một bên là thành viên của tổ chức KKK và nhóm chủ trương da trắng thượng đẳng, còn bên kia là những người chống kỳ thị sắc tộc. Một cảm tình viên của phong trào kỳ thị đã lái xe đâm vào đám đông, giết chết một phụ nữ biểu tình tên Heather Hayer và gây thương tích cho 19 người khác.

Phản ứng nước đôi của tổng thống Donald Trump vài hôm sau đó đã làm dân Mỹ bất bình, kể cả trong đảng Cộng Hoà. Tuy chỉ trích chủ trương « da trắng thượng đẳng », ông không dứt khóat ủng hộ phong trào chống kỳ thị, mà lại cho rằng « trong hai phe, phe nào cũng có người tốt kẻ xấu". - RFI
|
|

13.
Chiến xa Mỹ đến Ba Lan trong lúc Nga khởi sự tập trận

Trong lúc Nga khởi sự một cuộc tập trận lớn ở biên giới phía Tây của quốc gia này, quân đội Mỹ cũng bắt đầu đưa các chiến xa lên bờ ở Ba Lan, lần đầu tiên loại chiến cụ này được đưa trực tiếp bằng đường biển đến nơi đây.

Các chiến xa, được đưa đến hôm Thứ Tư, nằm trong kế hoạch đổi quân thường xuyên. Các quân nhân và chiến cụ thuộc Lữ Đoàn Thiết Kỵ Số 2, thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đóng ở Fort Riley, tiểu bang Kansas, đến để thay thế Lữ Đoàn Thiết Kỵ Số 4, thuộc Sư Đoàn 4 Bộ Binh, vốn đã ở Âu Châu trong chín tháng qua, theo bản tin ABC News.

Việc chuyển đổi này nhằm luôn duy trì ít nhất là một lữ đoàn thiết kỵ Mỹ ở Âu Châu.

Trước đây, các chiến xa thường được chở từ Mỹ đến Đức, rồi sau đó được đưa bằng xe lửa hay xe vận tải đến nơi có nhiệm vụ trấn đóng, ABC News cho biết.

Thiếu Tướng Steven Shapiro, một giới chức quân đội Mỹ đặc trách tiếp vận, cho hay việc dùng cảng Gdansk ở Ba Lan giúp “thử nghiệp khả năng của cảng này và để giúp Lục Quân Mỹ học hỏi cách hoạt động bên trong lãnh thổ Ba Lan.”

Trong số các chiến cụ được chuyển tới nơi này có 87 chiến xa M1 Abrams, 103 thiết vận xa Bradley, 18 xe trọng pháo tự hành, và các loại cơ giới khác, theo Bộ Chỉ Huy Mỹ ở Âu Châu (EUCOM), cũng theo ABC News. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Bão số 10 gây thiệt nặng, ít nhất 3 người chết, nhiều nhà tốc mái

Bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) gây thiệt hại tại nhiều địa phương ở các tỉnh miền trung Việt Nam, cho đến chiều tối ngày 15/9 có ít nhất 3 người chết, và hàng chục người bị thương, cùng gần hàng chục ngàn căn nhà bị tốc mái.

Truyền thông trong nước dẫn nguồn tin tổng hợp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 15/9, bão số 10 đã làm 3 người chết ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh và ước tính con số thương vong còn tăng cao, trong khi có tin 10 thuyền viên ở Thanh Hóa mất liên lạc.

Ông Phạm Văn Phòng, 70 tuổi, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có nhà bị tốc mái cho VOA biết:

“Nhà bị tốc mái tôn. Nhiều nhà khác xung quang trong thôn cũng bị tốc mái nhiều.”

Hãng tin Reuters cho biết có đến 80,000 người phải sơ tán tránh bão.

Tại Hà Tĩnh có hơn 62,000 ngôi nhà bị thiệt hại, chủ yếu tập trung ở sáu huyện ven biển, theo hãng tin AP.

Cũng tại tỉnh Hà Tĩnh, gió bão làm gãy đổ 1 cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh và 1.142 cột điện hạ thế, hàng nghìn cột điện khác bị nghiêng, khiến 1,3 triệu khách hàng bị mất điện trên diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Hà Tĩnh nói với VOA:

“Hiện nay thiệt hại chưa thống kê được thành tiền nhưng rất nặng nề. Tính riêng tại khu vực tâm bão thì 80% tức khoảng 17,500 hộ dân bị tốc mái nhà, mất 50% hệ thống lưới điện, nuôi trồng thủy hải sản bị mất trắng. Cột ăng-ten của đài truyền hình Hà Tĩnh tại thị xã Kỳ Anh bị gãy đổ.”

Theo VOV, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là địa phương chịu ảnh hưởng nặng khi bão số 10 đổ bộ, nơi lực lượng chức năng di dời gần 750 hộ dân với hơn 3.200 nhân khẩu đến những nơi như trường học, nhà văn hóa thôn, trụ sở ủy ban nhân dân các xã.

Báo Tuổi trẻ cho biết có thêm 2 trường hợp tử vong do bão: một cụ bà 83 tuổi ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, bị ngói trên mái nhà rơi trúng đầu, bị thương nặng và không qua khỏi trong khi có một người bị chết đuối ở đầm nuôi tôm ở tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo Thanh Niên, mưa to kèm theo gió lớn ở tỉnh Quảng Ngãi đã làm 4 tàu bị chìm, trong khi đó có 4 ghe khác bị sóng đánh chìm tại Thừa Thiên - Huế.

Gia đình ông Phòng có một người con trai duy nhất bị bệnh tim, sức khỏe yếu, thuộc diện hộ nghèo ở tỉnh Quảng Bình. Ông Phòng chia sẻ rằng qua cơn bão này chính quyền địa phương chưa hỗ trợ gì, những mùa bão trước thì được cho một thùng mì ăn liền:

“Chính quyền thì chưa có cho cái chi. Hồi trước thì được thùng mì tôm, đợt thì được 5 kg gạo, có đợt thì được 200 ngàn đồng.”

Theo tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Việt Nam, bão số 10 vào tối ngày 15/9 đã di chuyển sang khu vực Trung Lào với sức gió giật cấp 12. Tuy nhiên, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi vẫn có mưa to cho đến hết ngày 16/9. - VOA
|
|

15.
Phim ‘Cha Cõng Con’ gây tranh cãi khi được chọn đi dự Oscar

Một bộ phim đầu tay của một đạo diễn độc lập đã được bình chọn để đại diện cho điện ảnh Việt Nam tại Oscar 2018 mặc dù không đoạt giải Cánh Diều Vàng 2017 trong nước.

Theo tiết lộ từ Hội đồng bình chọn phim dự giải Oscar 2018 của Cục Điện Ảnh qua các báo trong nước, Cha Cõng Con, “một bộ phim kiểu nhà nước bằng tiền túi” của đạo diễn Lương Đình Dũng đã đạt điểm cao nhất trong số 3 phim lọt vào vòng cuối cùng.

Một trong 2 đối thủ nặng ký bị đánh bại là Đảo Của Dân Ngụ Cư, cũng là một bộ phim đầu tay của Hồng Ánh đã đoạt nhiều giải quốc tế trong năm nay gồm giải đặc biệt tại Liên hoan phim Á-Âu.

Mặc dù Cha Cõng Con được đánh giá là một phim có tính nghệ thuật và đầy tính nhân văn nhưng một số người, kể cả đạo diễn và công chúng đã tỏ ra thất vọng khi biết thông tin Đảo Của Dân Ngụ Cư không được chọn tham dự vòng loại hạng mục Phim nước ngoài hay nhất của Oscar.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho VOA biết Cha Cõng Con đã gây tranh cãi trong công chúng từ trước khi được chọn dự thi giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.

"​Phim này khi ra rạp có lượng khán giả không đông lắm. Phim có gây tranh cãi khi dự thi giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam trong đó phim này không đoạt giải cao và đạo diễn có phản ứng và điều đó có tạo ra tranh cãi."


Sau Lễ trao giải Cánh Diều Vàng vào tháng 4 vừa qua, đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại Bằng khen vì cho rằng ban giám khảo đánh giá chưa đúng mức về bộ phim mà ông đã ấp ủ thực hiện trong 10 năm.

Nói với Thể Thao & Văn Hóa, đạo diễn của Cha Cõng Con cho biết bộ phim được quay trong 3 tháng với hơn 1 năm làm hậu kỳ và có kinh phí gần 18 tỷ đồng.

Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính đạo diễn viết từ năm 1995, theo Tuổi Trẻ, và kể về một cậu bé sống ở vùng cao với những ước mơ rất ngây ngô của tuổi thơ nhưng không may bị mắc căn bệnh ung thư máu và được cha cậu đưa xuống thành phố để mong thoát khỏi bệnh.

Cũng giống như Lương Đình Dũng, Hồng Ánh đã thai nghén bộ phim của cô trong 10 năm và Đảo Của Dân Ngụ Cư cũng được làm bằng kinh phí độc lập. Gần đây nhất bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Brisbane ở Úc.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người có bộ phim đầu tiên của Việt Nam được gửi tranh giải Oscar năm 2003 – Vua Bãi Rác, cho rằng nếu Đảo Của Dân Ngụ Cư được chọn lần này sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tại Oscar hơn.

"Phim của Hồng Ánh là một đẳng cấp nghề nghiệp cao và cũng có tính nhân văn cao nhưng hiểu sao lại không được chọn. Nếu như chọn phim của Hồng Ánh có thể sẽ được đồng thuận hơn trong dư luận và trong giới nghề nghiệp."

Đạo diễn này cho biết Cha Cõng Con, mặc dù không có dấu vết phim thị trường “theo nghĩa dập khuôn, sản xuất hàng loạt” nhưng còn nhiều bất cập và khiếm khuyết. Ông nói bộ phim còn có những hạn chế về “tiết tấu cũng như cách kể chuyện” và tính nghệ thuật của bộ phim không làm ông thấy thỏa mãn.

Bình luận về bộ phim này, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm trên trang Facebook cá nhân cũng cho rằng “Cha Cõng Con thành công nửa phần đầu và thất bại nửa phần sau, đặc biệt là về việc xử lý bối cảnh, không gian văn hóa để tạo nên những biểu tượng và ẩn dụ về đô thị hay giấc mơ.”

Bình luận về quyết định của Cục Điện ảnh, một bạn đọc của Zing News có tên Bao Quoc Nguyen Ngoc cho rằng đây là một quyết định “sai lầm” vì “Đảo Cư Ngụ áp đảo hơn, giải thưởng quốc tế cũng có. Không như Cha Cõng Con chỉ là được chú ý. Kết quả thất vọng.”

Việt Nam đã nhiều lần gửi phim dự tranh vòng sơ loại Oscar kể từ năm 2003. Gần đây nhất, phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh đại diện Việt Nam dự Oscar 2017 nhưng không lọt được vào vòng cuối.

Gần đây đã có những đạo diễn Việt Nam, như Lương Đình Dũng và Hồng Ánh, làm những bộ phim nghệ thuật được chiếu tại những liên hoan phim lớn, theo nhận định của đạo diễn Phan Đăng Di của Bi, Đừng Sợ. Tuy nhiên đạo diễn trẻ này cho rằng những bộ phim của Việt Nam mới chỉ hợp với “gu” của châu Âu.

“Việt Nam, cũng như nhiều nước Đông Nam Á, còn chưa đáp ứng được ‘gu’ của Oscar là những phim dựa trên một kịch bản rất chắc chắn và được số đông thích thú.” Đạo diễn 41 tuổi nói Oscar là giải thưởng dựa vào số đông bởi phim càng mang khả năng chinh phục nhiều người, càng dễ hiểu và làm nhiều người thích thì cơ hội được giải càng cao.

Mùi Đu Đủ Xanh là phim duy nhất có yếu tố Việt Nam – câu chuyện về Việt Nam và diễn viên Việt Nam – lọt vào vòng cuối cùng của Oscar. Tuy nhiên bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng từng đoạt giải của liên hoan phim Cannes tham dự với tư cách là phim Pháp. - VOA
|
|

16.
Chủ tịch Đà Nẵng: ‘hoan nghênh chào đón Tổng thống Donald Trump’

Người đứng đầu chính quyền thành phố Đà Nẵng nói rằng đang phối hợp chuẩn bị cho Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, còn gọi là APEC, và “hoan nghênh Tổng thống Mỹ Donald Trump” đến thăm thành phố biển miền trung của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn VOA Việt ngữ hôm 15/9, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói rằng Việt Nam và Đà Nẵng rất vui mừng chào đón nhà lãnh đạo Hoa Kỳ:

“Đất nước Việt Nam chúng tôi rất hoan nghênh các nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ đến Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC. Đà Nẵng.

Hôm 14/9, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vào tháng 11, trong chuyến đi mà ông nói sẽ có thể bao gồm Việt Nam để dự Hội nghị APEC.

Trước đó vào tháng 4, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence trong chuyến thăm Jakarta cũng thông báo rằng ông Trump sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh ở Philippines và Việt Nam.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm về công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này:

“Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với các cơ quan của trung ương làm công tác chuẩn bị, đón khách. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Chúng tôi chuẩn bị điều kiện tốt nhất để cho hội nghị APEC tổ chức tại Đà Nẵng thành công.”

Hôm 14/9, theo truyền thông trong nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban quốc gia APEC 2017, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Báo Nhân dân dẫn lời ông Trần Đại Quang nói ông yêu cầu các cơ quan “phối hợp chặt chẽ, bảo đảm công tác tổ chức chu đáo, trọng thị và tiết kiệm,” nhằm bảo đảm các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra “hiệu quả, an ninh, an toàn… tạo ấn tượng tốt, bạn bè quốc tế tin tưởng vào vai trò chủ nhà chủ động, tích cực của Việt Nam.”

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Ted Osius và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka ở Thành phố Hồ Chí Minh tuần qua cũng đã trao đổi với lãnh đạo Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ APEC.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, thời gian qua, thành phố đã đón nhiều đoàn tiền trạm APEC của Hoa Kỳ đến phối hợp làm việc và được đánh giá cao.

​Theo trang thông tin của Đà Nẵng, trao đổi với Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ hôm 8/9, Đại sứ Ted Osius cho biết phái đoàn Hoa Kỳ tham dự APEC lần này gồm các quan chức chính phủ và rất nhiều doanh nghiệp.​

Từ tháng 7 năm nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã phát động chiến dịch "Nụ cười Đà Nẵng" nhằm vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị để mỗi người dân là một "đại sứ văn hóa," tạo ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu khi đến Đà Nẵng dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 11 tháng 11, năm 2017.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày 11/9, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan đã gặp gỡ Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân để thảo luận về một loạt các vấn đề song phương và khu vực.

Thứ trưởng và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương “đã khẳng định tương lai tươi sáng cho Quan hệ đối tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và tiếp tục hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.”

Với cuộc gặp vừa qua giữa ông Sullivan, người được ông Trump đề cử, đứng thứ hai sau Ngoại Trưởng Rextillerson, và ông Quân, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Đảng Cộng sản, nhiều người mong đợi rằng cuộc gặp này sẽ mở đường cho một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội. - VOA
|
|

17.
Đảng đang quyết tâm 'mổ xẻ cơ thể sinh bệnh tật'

Việc đưa ra xét xử các vụ đại án liên tục trong suốt thời gian qua và đến nay cho thấy Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đang quyết tâm 'mổ xẻ cơ thể sinh bệnh tật', theo ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo thuộc Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

Cùng lúc, đang có câu hỏi đặt ra trong công luận về việc vì sao chỉ có những doanh nhân bị xét xử, hầu tòa, mà không phải là những người có trọng trách nhưng đã 'cố ý làm sai' phải đối diện với công lý, một ý kiến khác từ một nhà phân tích chính sách nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 14/9/2017.

Các vụ đại án và nhiều vụ việc liên quan hệ thống ngân hàng vừa qua đều liên quan tới việc điều hành chính phủ và hệ thống ngân hàng từ các nhiệm kỳ lãnh đạo trước, đây có thể sẽ là những cấp phải trả lời câu hỏi chính về trách nhiệm điều hành, lãnh đạo đất nước trong thập niên qua, một ý kiến khác tại cuộc Tọa đàm của một nhà báo nói với BBC Tiếng Việt.

Trước hết, từ Sài Gòn, bình luận về diễn biến các mức án được cho là rất cao mới được đề nghị với các cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) là các ông Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, bên cạnh việc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình mới bị khởi tố, cùng một số đại án khác, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói:

"Việc mở ra những vụ đại án sẽ cố gắng xử hết trong năm 2017 này và tiếp tục mở ra các vụ đại án khác cho thấy Đảng và Nhà nước quyết tâm mổ xẻ cơ thể đã sinh ra bệnh tật này, mà theo cách nói là cố gắng bóc ra được những con sâu tạo nên những chuyện thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế và tài sản của nhà nước.

"Vấn đề quan trọng nhất, tôi nghĩ, là phải tìm cho ra nguyên nhân sâu xa mà để những vụ án này lan truyền những vụ án khác mà bây giờ trên hệ thống chính trị Việt Nam, ta nhìn nhiều nơi hễ mà đi thanh tra thì đều là có vấn đề, mà hiện giờ vụ án đã lên đến mức án lần đầu tiên trong nhóm án này có đưa một mức án cao nhất là tử hình.

"Còn mức án trước kia như vụ Vinashin, Vinalines, thì cũng chỉ ở mức án 20 năm, chung thân thì không đáng kể, nhưng thực tế người đó làm sao làm được? Những người lãnh đạo làm sao làm được? Phải có người bổ nhiệm, người đề bạt và trách nhiệm theo dõi, giám sát, kiểm tra là như thế nào? Cho nên đó là câu chuyện mà cần phải làm tới nữa.

"Cho nên người ta nói rằng phải làm cho ra nguyên nhân sâu xa là người ban hành chủ trương, tạo điều kiện cho người đó có thể phạm tội như thế,... những người đứng sau lưng, người đứng bên trên thì phải lôi ra cho được, từ đó phải tìm giải pháp nào mà người ta đương nói nhiều là đang có một cuộc cải cách cơ chế, thể chế, câu chuyện đang đặt ra để làm sao mà ngăn chặn được," nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói.

Tại sao lại chỉ có doanh nhân?


Bình luận về thực chất của các vụ đại án ngân hàng, bên cạnh nhiều diễn biến khác xuất hiện khá 'dồn dập' gần đây trên truyền thông Việt Nam như câu chuyện thu phí giao thông với các dự án xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT), các 'lùm xùm' liên quan ngành dầu khí Việt Nam trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhiều vụ việc khác, từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói:

"Trong dư luận có nói rằng tại sao lại chỉ có các nhà kinh doanh, các nhà doanh nghiệp, thí dụ từ ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) ngày xưa cho đến bây giờ toàn những nhà kinh doanh thôi, nhưng thực ra cái cố ý làm sai này cũng là các quan chức đứng đằng sau ba đại án lớn này và hiện tượng BOT, thì rõ ràng là nó đang rối và chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm.

"Tuy nhiên chúng ta phải bình tĩnh, bởi vì chúng ta biết rằng cách xử lý ở Việt Nam là nó không giống như các nước nào, đầu tiên cứ phải giải quyết từ những cái mà chúng ta cho đó là vùng cấm, để được Đảng giải quyết xong, sau đó mới đến chính phủ, cái gì chưa đạt được thì phải đưa ra Quốc hội.

"Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không làm việc này cho những người đứng đằng sau, cái lợi ích nhóm mà sân sau ấy, thì sẽ mất lòng tin của dân chúng, bởi vì người dân đang mong là phải có đích đến của việc chống tham nhũng này.

"Còn nếu không làm được việc này, người ta sẽ nói [đó] là việc đấu đá trong nội bộ, thì nó cũng không hay. Chúng ta [Việt Nam] nên làm minh bạch trong chuyện này, hoặc là nó có một vùng cấm nào đấy thì lại càng không tốt, khi chúng ta nói rằng 'không có vùng cấm,' chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam nói với Bàn tròn.

Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên tờ báo mạng Đàn Chim Việt Online đưa ra thêm bình luận với BBC:

"Tôi nghĩ rằng chắc chắn có ai đó, hoặc những ai đó đứng đằng sau tất cả những câu chuyện này, chúng ta cứ tạm gọi là một đồng chí X, hay một đồng chí Y nào đó, nhân những vụ án ở ngân hàng vừa rồi, tôi nghĩ rằng tiếp theo đây sẽ có nhiều ngân hàng lớn, mà các quan chức của các nhà băng này, Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ đứng trước vành móng ngựa, chứ không riêng là mấy ngân hàng đã bị bắt như chúng ta [đã thấy], mà theo tôi sẽ có những ngân hàng khác nữa.

"Tất nhiên, tất cả những câu chuyện này đều hướng tới một người hoặc một số người và nó đều liên quan tới chính sách điều hành quốc gia... và người phụ trách là Thống đốc ngân hàng..., tôi nghĩ rằng đây mới là những người phải chịu trách nhiệm chính về việc điều hành đất nước trong thập niên vừa qua," bà Mạc Việt Hồng nêu quan điểm với BBC hôm 14/9.

Được biết, ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã chủ trì tổ chức Phiên họp thứ 12 của cơ quan này để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, truyền thông chính thống Việt Nam cho hay.

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, ông Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo yêu cầu "tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng," vẫn theo truyền thông trong nước. - BBC
|
|

18.
Nhân quyền là trọng tâm trong đàm phán thương mại VN-EU

Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU. Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu nói với các nhà báo vào ngày15 tháng Chín, tại Hà Nội.

Thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam và EU được ký vào năm 2015, và có thể được phê chuẩn vào năm tới.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây Việt Nam gây nên nhiều quan ngại cho các tổ chức nhân quyền, về thành tích nhân quyền của mình trong việc bắt bớ những blogger và nhà báo tự do.

Ông Bernd Lang nói tiếp rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa đã gây ra rạn nứt trong quan hệ Việt Nam và EU là việc Hà Nội đã bị nước Đức cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí đang xin qui chế tị nạn tại Đức. Ông Thanh bị cáo buộc dinh líu tới những vụ bê bối tham nhũng tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia.

Ông Bernd Lang còn cho biết trong chuyến đi Việt Nam ông đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các viên chức thương mại Việt Nam , và cả những nhóm xã hội dân sự.

Báo chí Việt Nam không đề cập gì đến quan ngại về nhân quyền mà người đại diện của EU nêu ra tại Hà Nội, nhưng lại đưa tin về chuyến thăm Thụy sĩ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo thông tin từ trang web của chính phủ Việt Nam, các quan chức Việt Nam và Thụy sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nổ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia châu Âu bao gồm Thụy sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten.

Hiện nay EU là một đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam, việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do rất cần thiết cho hàng hóa Việt Nam vào được thị trường EU, nhất là trong hoàn cảnh Thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương đã bị Mỹ rút ra, không thực hiện được. - RFA
|
|

19.
‘Cờ vây’ nhắm vào ông Đinh La Thăng?

Việc các báo Việt Nam đồng loạt tường thuật lời của Luật Sư Nguyễn Minh Tâm, người bào chữa cho cựu Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Xuân Sơn được mạng xã hội cho là đòn “cờ vây” nhắm vào ông Đinh La Thăng – “người chỉ đạo” trong vụ này.

Ông Thăng là cựu chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam), cựu ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn.

Hôm 14 Tháng Chín, ông Sơn, bị đề nghị án tử hình, trong lúc ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị OceanBank, bị đề nghị mức chung thân.

Ông Sơn và ông Thắm được cho là hai nhân vật chính trong phiên xử sơ thẩm “đại án” Hà Văn Thắm.

Báo điện tử VNExpress dẫn lời Luật Sư Đào Hữu Đăng, người biện hộ cho ông Thắm tại phiên tòa nói OceanBank là ngân hàng duy nhất bị “hình sự hóa.”

“Phải chăng thiệt hại ở OceanBank quá lớn còn các ngân hàng khác thì không? Tôi cho rằng không phải. Ngân Hàng Nhà Nước đã từng chấn chỉnh các ngân hàng lớn về việc chi lãi ngoài, tuy nhiên trong số này không có tên OceanBank,” ông Đăng nói.

“OceanBank là nhà băng nhỏ, kế toán minh bạch, nghiêm túc nhưng cũng là ngân hàng duy nhất bị xử lý hình sự,” báo này dẫn lời ông Đăng.

VNExpress cũng trích thuật lời Luật Sư Nguyễn Minh Tâm: “Trước khi ông Sơn về OceanBank, ông Thăng vào ngày 18 Tháng Chín, 2008, đã ký văn bản hợp tác giữa PetroVietnam và OceanBank.”

“Tháng Chín, 2010, ông Thăng khi đó là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị PetroVietnam ký công văn gửi các nhà thầu dầu khí, các đơn vị thành viên yêu cầu mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ tài chính khác tại OceanBank. Tất cả những chủ trương này đã được thực hiện trước khi ông Sơn được giới thiệu sang OceanBank. Ở PetroVietnam không ai có thể làm trái chủ trương đó, kể ông Sơn. Vì thế không thể quy kết ông Sơn lợi dụng uy thế của PetroVietnam để chiếm đoạt tài sản,” Luật Sư Tâm được dẫn lời.

Cùng thời điểm, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng bài “Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ.”

Theo bài báo, ông Nguyễn Xuân Thủy, cựu giám đốc Nhà Xuất Bản Giao Thông Vận Tải, nói: “Thời kỳ ông Thăng làm bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải thì dự án BOT giao thông được làm xô bồ, đại trà, vô nguyên tắc.”

“Ngoài những bất cập ở các dự án BOT, ông Thăng cũng không thể thoái thác trách nhiệm đối với một loạt vụ bổ nhiệm ở các cơ quan thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm,” ông nói tiếp.

Báo này dẫn ra trường hợp ông Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm chức cục trưởng Cục Hàng Hải vào năm 2015 dù ông này “thi trượt chuyên viên chính vào năm 2014 do Bộ Nội Vụ tổ chức.”

Trên mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Sơn ở Hà Nội viết: “Mức án đề nghị kịch trần – tử hình ông Nguyễn Xuân Sơn vừa ‘ép’ được lòi ra một đồng chí cấp cao chỉ đạo cho PetroVietnam và các nhà thầu phải mang tiền sang gửi bên OceanBank, vừa dọn đường cho một mức án nặng của vụ án (có thể được khởi tố sớm) sắp tới. Thế này thì # [Đinh La Thăng] sắp # [thăng] thật rồi!”

Ông Hồ Anh Tài, cựu tổng biên tập báo Đại Biểu Nhân Dân, dẫn link một bài báo về việc ông Thăng “chỉ đạo” trong vụ OceanBank và bình luận: “Cách chơi cờ vây: Đối phương mạt vận khi hết đường đi. Không chém, không giết chỉ để sẵn cái lò… nghệ thuật kẻ sĩ Bắc Hà ở đó.”

Trước đó, Facebooker Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, viết: “Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự ông Đinh La Thăng thì trong vụ PetroVietnam, coi như các cơ quan chống tham nhũng chỉ ‘lượm củi khô,’ chỉ bắt đám thừa hành mà để lọt thủ phạm, để lọt kẻ cầm đầu; những đồng phạm như Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh… ai hiểu nội tình PetroVietnam đều biết, họ không oan, nhưng ở một mức độ nào đó họ đều là nạn nhân của Thăng.” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment