Sunday, September 10, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 9/9

Tin Thế Giới

1.
Ả-rập Saudi, Qatar điện đàm hòa giải nhưng tranh cãi mới lại nổ ra

Ả-rập Saudi hôm thứ Bảy đã đình chỉ bất kỳ cuộc đối thoại nào với Qatar, cáo buộc nước này đã "xuyên tạc sự thật," ngay sau khi một bản tin về cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo của hai nước gợi ý có sự đột phá trong tranh cãi giữa hai quốc gia vùng Vịnh.

Thái tử Mohammed bin Salman của Ả-rập Saudi đã nói chuyện qua điện thoại với Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani hôm thứ Sáu khi họ bàn về tranh cãi giữa các nước vùng Vịnh, truyền thông nhà nước từ cả hai quốc gia trước đó cho hay.

Ả-rập Saudi, Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar vào ngày 5 tháng 6, đình chỉ các tuyến đường hàng không và hàng hải với nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới này và là nơi mà Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực.

Các nước này nói rằng Doha hỗ trợ cho đối thủ khu vực Iran và những phần tử Hồi giáo cực đoan, một cáo buộc mà các nhà lãnh đạo Qatar phủ nhận. Kuwait vẫn đang cố gắng điều giải tranh cãi này.

"Trong suốt cuộc gọi, Tiểu vương của Qatar bày tỏ mong muốn ngồi xuống bàn đối thoại và thảo luận bề đòi hỏi của bốn quốc gia để đảm bảo lợi ích của tất cả," thông tấn xã SPA của Saudi Arabia cho biết:

"Các chi tiết sẽ được công bố sau khi Vương quốc Ả-rập Saudi đạt được một sự thông hiểu với Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập, Vương quốc Bahrain và Cộng hòa Ả-rập Ai Cập," SPA nói.

Cuộc điện đàm là lần liên lạc công khai đầu tiên được báo cáo giữa hai nhà lãnh đạo kể từ lúc khởi sự cuộc khủng hoảng.

Thông tấn xã QNA của Qatar cho biết cuộc điện đàm này diễn ra nhờ sự điều phối của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã nói chuyện với ông Sheikh Tamim trước đó.

Ông Trump hôm thứ Năm nói rằng ông sẵn lòng làm trung gian điều giải tranh cãi nghiêm trọng nhất suốt nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia Ả-rập và Qatar, đều là những nước đồng minh của Mỹ, và nói ông nghĩ rằng một thỏa thuận có thể sắp đạt được.

Cả Tiểu vương Qatar và Thái tử Ả-rập Saudi đều "nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách ngồi xuống bàn đối thoại để đảm bảo sự đoàn kết và ổn định của các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh," QNA cho hay.

Ông Sheikh Tamim hoan nghênh đề xuất của Thái tử Mohammed "cử hai đặc sứ giải quyết các vấn đề gây tranh cãi theo cách không ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia," QNA nói.

Ả-rập Saudi sau đó ra một thông cáo thứ hai dẫn lời một quan chức giấu tên tại bộ ngoại giao phủ nhận bản tin của QNA.

"Những gì được đăng trên Thông tấn xã Qatar là sự tiếp tục xuyên tạc sự thật của nhà chức trách Qatar," SPA đưa tin dẫn lời các quan chức Saudi.

"Vương quốc Ả-rập Saudi tuyên bố đình chỉ bất kỳ cuộc đối thoại hoặc liên lạc nào với chính quyền ở Qatar cho tới khi một thông cáo rõ ràng được đưa ra làm rõ lập trường của nước này một cách công khai." - VOA
|
|

2.
Tổng thống Pháp bàn việc tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên với Trump, Abe

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy đã bàn về việc gia tăng áp lực và các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, văn phòng tổng thống Pháp cho biết.

Ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải có phản ứng "thống nhất và kiên định" từ cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng, văn phòng của ông Macron nói.

Hàn Quốc hôm thứ Bảy chuẩn bị đối mặt với một vụ thử nghiệm phi đạn khả dĩ nữa của Bắc Triều Tiên vào lúc nước này kỷ niệm ngày lập quốc, chỉ vài ngày sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và cũng là lớn nhất của Bắc Triều Tiên.

Văn phòng tổng thống Pháp nói rằng "những hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại" của Bắc Triều Tiên là một "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế." Văn phòng cũng cho biết ông Macron đã thể hiện "sự đoàn kết" của Pháp với Nhật Bản.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang trong khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tăng cường phát triển vũ khí, thử nghiệm một loạt phi đạn trong năm nay, trong đó có một phi đạn bay ngang qua Nhật Bản.

Các chuyên gia tin rằng chính quyền Bình Nhưỡng đang gần đạt được mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân hùng mạnh có khả năng vươn tới Mỹ, điều mà Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ ngăn chặn. - VOA
|
|

3.
Phi cơ Mỹ-Nhật tập trận ở Biển Hoa Đông, gần bán đảo Triều Tiên

Vào hôm nay, 09/09/2017, Không Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản đã phối hợp tập trận trên Biển Hoa Đông, gần khu vực bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận được tổ chức vào đúng lúc Bắc Triều Tiên cử hành lễ Quốc Khánh lần thứ 69, trong bối cảnh Hàn Quốc đề cao cảnh giác trước khả năng Bình Nhưỡng cho thử vũ khí nhân dịp này.

Theo thông báo từ phía Không Quân Nhật Bản, hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật đã bay đến vùng Biển Hoa Đông, phối hợp tập trận cùng hai oanh tạc cơ tàng hình B-1B Lancer của Mỹ, cất cánh từ căn cứ Andersen, đảo Guam.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, cuộc tập trận không quân Mỹ-Nhật diễn ra vào lúc Hàn Quốc cảnh giác trước việc Bắc Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo để kỷ niệm lễ Quốc Khánh, không đầy một tuần lễ sau vụ thử bom nguyên tử lần thứ 6 ngày 03/09, đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Đây không phải là lần đầu tiên mà không quân Mỹ-Nhật tập trận chung trên bầu trời gần bán đảo Triều Tiên. Hôm 31/08 vừa qua, chiến đấu cơ F-15 của Nhật, cũng đã phối hợp tập trận cùng oanh tạc cơ B1-B và chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ cũng tập trận ngay trên không phận phía nam bán đảo Triều Tiên, hai ngày trước khi Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa bay qua bầu trời phía bắc Nhật Bản.

Còn tại Bắc Triều Tiên, nhân ngày Quốc Khánh hôm nay, chế độ Bình Nhưỡng, thông qua một bài xã luận trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Công Sản Bắc Triều Tiên, đã kêu gọi tăng cường tiềm lực quân sự hạt nhân, bất chấp nguy cơ bị thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ phía quốc tế.

Cứ mỗi lần Bắc Triều Tiên có một sự kiện quan trọng nào, là Hàn Quốc lại lo ngại Bình Nhưỡng cho thử vũ khí để « chào mừng ». Lần này cũng vậy, nhưng theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, cho đến chiều nay, không có dấu hiệu nào tại các cơ sở cho thấy Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa trong ngày.

Tuy nhiên, Quân Đội Hàn Quốc không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng cho phóng tên lửa đạn đạo từ các bệ phóng di động vào bất cứ thời điểm nào.

Kể từ lần thử hạt nhân thứ sáu của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đang kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng thông qua một nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc. Liên quan vấn đề này, ngày hôm qua 08/09, trong một cuộc điện đàm 20 phút giữa thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai bên đã nhất trí sẽ cùng thúc đẩy Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết trên. - RFI
|
|

4.
Úc sẽ gửi thêm binh sĩ giúp Philippines chống những kẻ chủ chiến Hồi giáo

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho hay Úc sẽ gửi binh sĩ tới để trợ giúp lượng Philippines trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Marawi thuộc miền nam nước này.

Những toán nhỏ binh sĩ Úc sẽ được gửi tới để huấn luyện binh sĩ Philippines, bà Payne nói trong một cuộc họp báo với người tương nhiệm Delfin Lorenzana ở Manila.

"Chúng tôi rất quyết tâm hỗ trợ Philippines trong nỗ lực của nước này tự phòng vệ chống lại các mối đe dọa khủng bố," Bộ trưởng Payne nói.

"Đây là mối đe dọa đối với khu vực mà tất cả chúng ta đều phải làm việc cùng nhau để đánh bại."

Nhưng không có binh sĩ Úc nào sẽ chủ động tham gia trong cuộc chiến, ông Lorenza nói.

"Nhìn sẽ không hay nếu chúng tôi cần binh lính để chiến đấu ở đây. Chúng tôi rất vui với sự trợ giúp mà chúng tôi đang nhận được từ Úc."

Những kẻ chủ chiến đã tràn vào Marawi vào ngày 23 tháng 5 và đã chiếm giữ một số nơi trong thành phố dù họ liên tục bị tấn công trên bộ bởi hàng trăm binh lính và bị dội bom hàng ngày bởi máy bay và pháo kích.

Miền nam Philippines từ nhiều thập niên qua đã chứng kiến những phần tử nổi dậy và thổ phỉ hoành hành. Tuy nhiên, cường độ của cuộc chiến ở Marawi và sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài chiến đấu bên cạnh các chiến binh địa phương đã làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này có thể trở thành một trung tâm ở Đông Nam Á cho Nhà nước Hồi giáo vào lúc tổ chức này đang thất thế ở Iraq và Syria.

Binh sĩ Úc sẽ bổ trợ những binh sĩ từ quốc gia này đã được điều đến Philippines để huấn luyện binh sĩ địa phương, bà Payne nói. - VOA
|
|

5.
Tập đoàn quân sự Thái Lan lúng túng vì vụ cựu thủ tướng Yingluck đào thoát

Hơn hai tuần lễ sau vụ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra không xuất hiện trước tòa trả lời Tư Pháp về tội sơ suất trong thời gian điều hành đất nước, ngày 08/09/2017 chính quyền Bangkok phải thừa nhận là bà Yingluck đã trốn ra nước ngoài qua ngã biên giới với Cam Bốt. Tập đoàn quân sự Thái lúng túng trước những cáo buộc bất cẩn để bà Yingluck đào thoát.

Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên đài RFI Arnaud Dubus cho biết về phản ứng của báo chí địa phương :

"Ngày nào các phóng viên cũng lập lại câu hỏi khi chất vấn tập đoàn quân sự Thái Lan: Cuộc điều tra về vụ bà Yingluck Shinawatra bỏ trốn tiến triển tới đâu ?

Nhân vật số hai trong chính quyền quân sự Thái Lan rốt cuộc phải công nhận, cơ quan an ninh đã có được hình ảnh cho thấy một chiếc xe Mercedes, chở cựu thủ tướng Thái Lan, đi qua cửa khẩu giữa Thái Lan và Cam Bốt. Tuy nhiên quan chức này đã từ chối đi sâu vào chi tiết.

Một phần lớn công luận lại càng cho là tập đoàn quân sự bất cẩn đến nỗi không hay biết gì về vụ bà Yingluck trốn thoát, và thậm chí còn giúp bà đào thoát, vì quyền lợi của chính các tướng lĩnh đang cầm quyền tại Bangkok. Nếu như cựu thủ tướng Yingluck bị kết án nặng nề, biết đâu thành phần ủng hộ bà lại khuấy động tình hình ở Thái Lan.

Dù sao chăng nữa, điều chắc chắn là cho tới nay bà Yingluck vẫn chưa tái xuất hiện. Có nhiều nguồn tin ngay trong hàng ngũ đảng của bà khẳng định là cựu thủ tướng đã qua được Dubai, đoàn tụ với người anh là cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin.

Hình ảnh của tập đoàn quân sự Thái Lan đang xấu đi đáng kể qua việc giới tướng lĩnh tỏ ra thiếu minh bạch về vụ bà Yongluck trốn thoát, và nhất là khả năng bà đã nhận được một sự hỗ trợ nào đó từ phía chính quyền." - RFI
|
|

6.
Thổ Nhĩ Kỳ ra cảnh báo cho công dân du hành tới Đức

Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Bảy cảnh báo công dân của họ cẩn thận khi đi du hành đến Đức, nêu ra điều mà nước này nói là thái độ bài Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng gia tăng trước cuộc bầu cử toàn quốc ở Đức vào cuối tháng này.

Cảnh báo có phần chắc làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa hai nước đồng minh NATO. Mối quan hệ của hai nước đã xấu đi sau cuộc đảo chính bất thành vào năm ngoái chống lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và cuộc đàn áp tiếp sau đó của ông nhắm vào những người những người bị cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính.

"Các chiến dịch tranh cử giành quyền lãnh đạo chính trị ở Đức dựa trên tình cảm chống Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn cản nước chúng ta gia nhập EU. Bầu không khí chính trị ... đã thực sự bị ảnh hưởng bởi những luận điệu cực hữu và thậm chí kì thị chủng tộc kéo dài suốt một thời gian," Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một thông cáo.

Cuối tuần trước Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong một cuộc tranh luận bầu cử trên truyền hình rằng bà sẽ tìm cách chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong một sự thay đổi lập trường rõ ràng của bà mà đã khiến Ankara phẫn nộ.

Bà Merkel, người đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo bảo thủ vốn hoài nghi về tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào ngày 24 tháng 9.

"Công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống ở, hoặc có kế hoạch du hành đến, Đức phải dè chừng và hành động thận trọng trong trường hợp có thể có những sự cố, hành vi hoặc lời lẽ miệt thị có tính cách bài ngoại và kì thị chủng tộc," Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Đầu năm nay, Đức đã cảnh báo công dân của họ du hành tới Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình căng thẳng và biểu tình gia tăng trước cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16 tháng 4, mở rộng đáng kể quyền lực của ông Erdogan.

Bà Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác đã chỉ trích mạnh mẽ những hành động của ông Erdogan kể từ cuộc đảo chính bất thành, nói rằng những vụ thanh trừng các định chế nhà nước và lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ngang như một nỗ lực có chủ ý nhằm bóp nghẹt chỉ trích.

Hơn 50.000 người đã bị câu lưu và 150.000 người bị đình chỉ công tác trong cuộc đàn áp, bao gồm các nhà báo và các nhân vật đối lập. Một số công dân Đức cũng bị nhắm mục tiêu.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những cuộc thanh trừng là cần thiết xét tới tầm mức của mối đe dọa an ninh mà nước này đối mặt. - VOA
|
|

7.
Nhiều tướng Trung Quốc ‘có thân thế’ bị loại trước Đại hội Đảng 19

Nhiều tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc vừa bị loại khỏi danh sách đại biểu quân đội tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới.

Điều này, theo nhận định của giới quan sát quốc tế, chắc chắn sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền kể từ Đại hội 18 (năm 2012), đưa những người ông tín nhiệm vào các vị trí quan trọng tại Đại hội 19, diễn ra từ ngày 18/10.

Hôm 6/9, tờ báo quân đội Trung Quốc, PLA Daily, công bố danh sách 303 đại biểu quân sự tham dự Đại hội. Trong danh sách này, nhiều tướng lĩnh hàng đầu như Thượng tướng Phòng Phong Huy-Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, và Thượng tướng Trương Dương-Chủ nhiệm Công tác Chính trị của quân đội, lại không nằm trong danh sách đại biểu.

Đây là điều bất ngờ đối với nhiều người Trung Quốc, nhưng theo tờ The Diplomat, lại không mấy ngạc nhiên đối với giới quan sát quốc tế.

Tướng Phòng Phong Huy, 66 tuổi, là người đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida hồi tháng 4.

Cuối tháng trước, Trung Quốc bất ngờ “thay tướng” Lý Tác Thành vào vị trí Tổng tham mưu trưởng của ông Phòng Phong Huy. Bloomberg hôm 23/8 dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết về sự thay đổi này, mặc dù Trung Quốc không hề ra thông báo chính thức.

Ông Từ Quang Dụ, một quan chức cấp cao về hưu và cũng là nhà nghiên cứu cao cấp của Hiệp hội Giải giáp và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc, nhận định với Bloomberg rằng: “Nếu một thành viên trong Quân ủy Trung ương chưa đến tuổi nghỉ hưu mà lại không được tham dự Đại hội đảng, thì phải có một số lý do đặc biệt”.

Sự vắng mặt của hai tướng cấp cao, theo Reuters và báo chí Hồng Kông, là do họ đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tham nhũng.

Hôm 8/9, Reuters dẫn nguồn Tân Hoa Xã và PLA Daily bất ngờ đề cập đến Đô đốc Miêu Hoa, Chính ủy Hải quân Trung Quốc trong tư cách Chủ nhiệm công tác chính trị của quân đội, mặc dù không có thông báo chính thức nào về việc Tướng Trương Dương đã bị thay thế.

Tại Đại hội 18, không một tướng cấp cao nào vắng mặt trong danh sách đại biểu.

Trong danh sách đại biểu quân đội của Đại hội 19 còn vắng mặt nhiều tướng lĩnh thuộc diện “con ông cháu cha”, theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng ngày 7/9.

Trong số 5 “thái tử Đảng” bị loại khỏi Đại hội 19, đáng chú ý nhất là Thiếu tướng Mao Tân Vũ, cháu nội của Mao Trạch Đông.

Sự vắng mặt của nhiều “thái tử Đảng” trong danh sách đại biểu dự Đại hội 19 có khả năng là do ông Tập Cận Bình không yên tâm và tin tưởng họ có thể đảm trách các vị trí quan trọng, theo nhận định của nhà quan sát quân sự Anthony Wong Dong với Hoa Nam Buổi Sáng.

4 vị tướng “con ông cháu cha” khác không nằm trong danh sách gồm có: Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Đô đốc Lưu Hiểu Giang, con rể cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Thượng tướng Trương Hải Dương, con trai Trương Chấn - cố Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Thượng tướng Lưu Á Châu - con rể cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm.

Trong những tuần gần đây, ông Tập Cận Bình đã thay thế các chỉ huy của quân đội, hải quân và không quân Trung Quốc.

Tổng cộng sẽ có 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, trong đó có khoảng 300 đại biểu quân đội.

Hồi tháng 5, Bloomberg dẫn nguồn tin PLA Daily cho biết các đại biểu phải trải qua việc “kiểm tra sức khỏe chính trị” để đảm bảo rằng họ đi theo lý tưởng, trung thành và tôn trọng ông Tập và quyền lực của Đảng trên quân đội. - VOA
|
|

8.
Trung Quốc ủng hộ Campuchia trấn áp phe đối lập

Sau khi nhà lãnh đạo phe đối lập của Campuchia bị bắt giữ hôm Chủ nhật và trong bối cảnh giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ bị trấn áp, Trung Quốc tuyên bố sự ủng hộ của mình với chế độ của Thủ tướng Hun Sen.

Một ngày sau vụ bắt giữ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc "ủng hộ các nỗ lực của chính phủ Campuchia bảo vệ an ninh và ổn định quốc gia."

Hôm thứ Năm, ông Vương Gia Thụy, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã hội kiến ông Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, chính thức "bày tỏ ủng hộ" đối với ông Hun Sen về quyết định buộc tội Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha làm gián điệp.

"Trung Quốc sẽ hợp tác và hỗ trợ Campuchia trong mọi hoàn cảnh," ông Vương được dẫn lời nói.

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói thời điểm chuyến thăm của ông Vương là trùng hợp ngẫu nhiên.

"Chúng tôi cảm ơn Trung Quốc vì họ hiểu Campuchia thực thi nền pháp trị như thế nào," ông nói. "Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu rõ người Khmer, không giống như các nước phương Tây, sử dụng Kem Sokha để thúc đẩy ảnh hưởng của họ đối với giới lãnh đạo Campuchia," ông nói.

Việc bắt giữ ông Kem Sokha, đóng cửa các tổ chức phi chính phủ và cơ quan truyền thông đã bị chỉ trích từ Mỹ, Liên minh Châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Anh, Đức và Úc. Đáp lại ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon đã khiển trách các chính phủ phương Tây "can thiệp" vào chính trị Campuchia, một cáo buộc mà ông Siphan nói không áp dụng với Trung Quốc.

Hôm thứ Hai, ông Hun Sen đe dọa sẽ bắt giữ người nước ngoài sau khi tuyên bố chính phủ Mỹ và Canada âm mưu với ông Sokha lật đổ chính phủ trong một cuộc “cách mạng màu.”

Ông Hun Sen, người đã nắm quyền hơn 30 năm qua và, trong vài trò cựu chỉ huy Khmer Đỏ, hiểu rõ về lịch sử bạo lực giữa người Khmer với người Khmer hơn hầu hết mọi người, nói rằng chế độ của ông sẽ không "cho phép người nước ngoài sử dụng người Campuchia để giết người Campuchia nữa."

Dù những lời lẽ bài phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều, ông Siphan nói rằng mối quan hệ Mỹ-Campuchia vẫn không thay đổi. "Tôi muốn nói rõ với quý vị rằng [ông Hun Sen] không bao giờ xem Mỹ là kẻ thù," ông nói. "Nhưng để bảo vệ lợi ích của Campuchia và nguyện vọng của người dân nhìn thấy quốc gia hòa bình và độc lập ... chúng tôi phải nói rằng chúng tôi không phải là con rối của Mỹ."

Vụ bắt giữ ông Sokha diễn ra sau vụ trấn áp các cơ quan truyền thông chỉ trích bao gồm việc đóng cửa tờ báo tiếng Anh The Cambodian Daily có nhiều ảnh hưởng và một số đài radio địa phương phát thanh chương trình sát thực ở vùng nông thôn Campuchia, nơi mà Đảng Nhân dân Campuchia có cơ sở ủng hộ truyền thống.

Thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia đã tăng lên 4,8 tỉ đôla Mỹ vào năm ngoái, tăng khoảng 200 triệu đôla so với năm trước, trong khi Bắc Kinh hiện đã cấp cho chính phủ Campuchia 4,2 tỉ đôla viện trợ và cho vay, theo một bài phát biểu của ông Hun Sen vào tháng 4 vừa qua. - VOA
|
|

9.
TQ lo 'nhiễm phóng xạ' từ Bắc Hàn

Hệ thống cảnh báo của quân đội Mỹ (Defcon) phát hiện phóng xạ từ vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng mới đây.

Tin cho hay hệ thống này phát hiện chất phóng xạ tại Trung Quốc, Nam Hàn và ở chính địa điểm thử hạt nhân.

Người ta cho rằng nguồn phóng xạ là do một đường hầm bị sập tại địa điểm thử hạt nhân ở Punggye dưới Đỉnh Mantap.

Báo cáo mới của Defcon nói hiện khó có thể biết chính xác lượng phóng xạ rò rỉ ra là bao nhiêu.

Vụ thử hạt nhân mà Bắc Hàn tuyên bố là bom nhiệt hạch được thực hiện dưới lòng đất nhưng đường hầm tại đó bị sập do chính phủ thử này gây ra và do các đợt thử nghiệm liên tục, báo cáo cho hay.

Được biết lượng phóng xạ cũng được phát hiện tại một số khu vực của Trung Quốc giáp danh với Bắc Hàn vì vụ thử hạt nhân cách đây một tuần chỉ cách đường biên với Trung Quốc chưa tới 50 km.

Giới chuyên gia lo ngại rằng phóng xạ có thể lan tỏa vào không khí do lòng đất bị xáo trộn.

Trong khi đó các trung tâm thử nghiệm của Trung Quốc nói chưa phát hiện thấy phóng xạ nhưng vẫn tiếp tục thử không khí, đất và nước.

Rò rỉ phóng xạ là mối quan ngại lớn bởi có thể ảnh hưởng tới khoảng 100 triệu người Trung Quốc sống tại khu vực phía đông bắc gần đường biên với Bắc Hàn.

Giới chức Trung Quốc được cho là nói với cựu Tổng thống Park Geun-hye rằng việc Bắc Hàn thử hạt nhân hồi năm 2013 làm sông Yalu, chảy qua biên giới Bắc Hàn và Trung Quốc, bị nhiễm.

Tuy nhiên giới chức Trung Quốc hiện không xác nhận và cũng không bác bỏ điều này mặc dù kể từ năm 2013 đã đặt một loạt trạm giám sát phóng xạ và sẽ bổ sung thêm ít nhất hai trạm nữa sau vụ thử mới nhất.

Hoa Kỳ vào tuần trước đã đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn, bao gồm lệnh cấm vận xăng dầu và phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un.

Hoa Kỳ đã soạn thảo một nghị quyết của LHQ để phản ứng lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, và dự thảo nghị quyết này sẽ được các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ xem xét.

Dự thảo kêu gọi việc cấm bán một loạt các sản phẩm dầu cho Bắc Hàn và cấm mua hàng dệt may Bình Nhưỡng xuất khẩu.

Kim Jong-un cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.

Động thái mới nhất nhằm tăng áp lực với Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân mới nhất.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch đủ mạnh và có kích cỡ nhỏ để lắp vừa tên lửa tầm xa.

Chưa rõ liệu những đòi hỏi mới nhất của Hoa Kỳ có được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn hay không vì hai nước này đều tỏ ra hoài nghi về việc tăng cường lệnh thanh trừng. - BBC
|
|

10.
Nga: Luật mới đề nghị cải táng Lenin bị bác

Điện Kremlin bác bỏ luật mới của Viện Duma, cơ quan lập pháp của CHLB Nga, quy định lại cách mai táng Lenin để đưa thi hài ông đi chôn.

Truyền thông Nga hôm thứ Sáu 08/09 đưa tin luật về cải táng do một nhóm dân biểu đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất trình lên Quốc hội đã không được Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Prikhodko ký thông qua.

Như thế Lenin và không ít các nhân vật nổi tiếng khác của Nga sẽ vẫn nằm ở lăng mộ cho họ chứ không bị đem đi chôn.

Dân biểu Ivan Sukharev, một trong số người đưa ra dự luật nói một điều tra dư luận ở Nga, cho hay đa số người dân muốn đưa Lenin ra khỏi Lăng tại Hồng trường ở Moscow để đi mai táng.

Theo trang RT.com của Nga hôm thứ Sáu, 08/09/2017, một cuộc điều tra dư luận hồi tháng Tư trong năm nói 58% dân Nga muốn đưa Lenin đi cải táng một cách đúng đắn.

Một phần dư luận Nga cho rằng cách duy trì xác ướp của người đã quá cố là không phù hợp với phong tục Chính Thống giáo.

Qua đời năm 1924, Vladimir Lenin để lại ý nguyện được chôn bên cạnh ngôi mộ của mẹ ông.

Đảng cộng sản Nga luôn phản đối việc đưa thi hài Lenin đi chôn.

'Tôn trọng di chúc'


Lăng cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh được xây trong 2 năm, khởi công ngày 2/9/1973 và khánh thành ngày 29/8/1975.

Một loạt các lãnh tụ cộng sản sau Lenin đã được ướp xác và xây lăng, dù trong đó có một số công trình đã có thay đổi và xác ướp bị hỏa thiêu, hay cải táng, trong khi một số khác vẫn tồn tại.

Nhiều lăng mộ của các lãnh tụ cộng sản được biết đến khá rộng rãi một thời như với Dmitrov (ở Bulgaria), Stalin (ở Nga), Mao Trạch Đông (ở Trung Quốc), Kim Nhật Thành (ở Bắc Hàn), Hồ Chí Minh (ở Việt Nam)...

Hôm 02/9/2017, trong dịp Việt Nam đánh dấu 72 năm quốc khánh, một cựu quan chức Vụ trưởng thuộc một ủy ban của chính phủ Việt Nam trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt từ Budapest, Hungary, có đề cập đến di chúc của cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh.

Nhà quan sát xã hội dân sự Việt Nam, ông Trần Tiến Đức, con trai thứ của ông Trần Duy Hưng, Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội trong thời chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nói:

"Đúng là trong di chúc Cụ Hồ, di chúc gốc, không có nói đến chuyện xây lăng, thậm chí ông còn đề nghị là hỏa táng và rắc tro của ông ở các miền của đất nước, tôi nghĩ rằng đấy mới là điều mong muốn thực sự của cố Chủ tịch, của cụ Hồ Chí Minh.

"Và tôi nghĩ rằng chúng ta nên tôn trọng di chúc đó như mong muốn của ông. Và nếu mà theo phương Đông, thì con người sinh ra từ cát bụi và khi chết đi cũng phải trở về với cát bụi, thì nên để cho ông được an táng, hoặc là tốt nhất, theo đúng di chúc của cụ Hồ Chí Minh là nên hỏa táng và rắc tro đi. Thì đấy tôi nghĩ sẽ là một điều đúng đắn, còn đây không phải là chống cộng hay không chống cộng, đây trước hết chúng ta phải tôn trọng di chúc của người đã mất.

"Thứ hai, tôi xin nói việc duy trì thi hài của cụ Hồ Chí Minh là một việc rất là tốn kém, có lẽ hiện nay ở trên thế giới chỉ còn có ông Lenin, ông Lenin còn lại thi hài, và người ta cũng bàn đến rất nhiều là đưa ông ra khỏi lăng Lenin, hình như còn ông Mao Trạch Đông, rồi ông nào nữa tôi không biết, nhưng ở Bulgaria, ông Dmitrov, người ta đã cho bỏ lăng đi rồi.

"Tôi nghĩ rằng đấy là một chuyện rất bình thường, vì con người cũng nên làm như thế và chính ông Hồ Chí Minh khi còn sống đã khuyến khích là nên hỏa táng, bởi vì cụ nói rằng đất chật, người đông, cứ chôn nghĩa trang nhiều như thế, làm sao lấy đất mà canh tác, mà sinh sống?", ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Truyền thông, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam nói với BBC. - BBC
|
|

11.
Bão Irma lăm le áp sát Florida, để lại cảnh tàn phá ở Caribe --- Hơn 9 triệu dân Mỹ có thể mất điện vì bão Irma

Bão xoáy Irma tiếp tục đem những trận cuồng phong và mưa xối xả tới bờ biển phía bắc của Cuba trong khi nó chuyển hướng sang bang Florida của Mỹ, sau khi làm thiệt mạng ít nhất 22 người và gây nên tàn phá thảm khốc ở những nơi khác thuộc Đại Tây Dương.

Ngoài Cuba, cảnh báo của Trung tâm Bão xoáy Quốc gia Hoa Kỳ có hiệu lực đối với các đảo Andros, Bimini và Bahama Lớn thuộc quần đảo Bahamas, bán đảo Florida và quần đảo Florida Keys.

Trung tâm Bão xoáy Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Irma đã suy yếu từ bão cấp 4 xuống cấp 3 nhưng dự kiến sẽ tăng cường độ khi nó đến gần Florida Keys.

Cơn bão này, là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, dự kiến sẽ bắt đầu ập vào Florida Keys vào Chủ nhật và tiếp cận bờ biển phía tây nam Florida vào chiều Chủ nhật.

Trong khi cơn bão lăm le ập vào Florida, nhà chức trách cảnh báo hàng triệu người rằng không còn nhiều thời gian để họ di tản.

Florida đã yêu cầu 5,6 triệu người - hơn một phần tư dân số của bang - di tản trước khi cơn bão dự kiến đổ bộ vào Chủ nhật.

Thống đốc Florida Rick Scott mô tả Irma là "cơn bão thảm khốc mà bang này chưa từng thấy trước đây," lưu ý rằng cơn bão này lớn hơn cả diện tích bang Florida.

Ông Scott cảnh báo, "Chúng ta sắp hết thời gian," và lên Twitter đưa ra lời kêu gọi sự giúp đỡ của 1.000 y tá tình nguyện.

Dự báo cho biết Florida Keys, khu vực tây nam Florida và khu vực Vịnh Tampa có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, phía đông Florida, bao gồm thành phố Miami, vẫn có thể cảm nhận cơn thịnh nộ của cơn bão lớn và mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nội các của ông hôm thứ Bảy đã hội họp tại nơi nghĩ dưỡng của tổng thống ở Trại David, bang Maryland, để bàn bạc về cơn bão.

"Cơn bão này rất tệ, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị ở mức cao nhất, hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp," ông Trump nói với các phóng viên trên Bãi Cỏ Nam của Nhà Trắng hôm thứ Sáu trước khi bay tới Trại David.

Ông Trump hôm thứ Bảy đăng một dòng tweet có chứa những liên kết tới các nơi trú ẩn và các thông tin khác mà sẽ hữu ích cho nạn nhân cơn bão.



Tàn phá ở Caribe

Trên đường tới Cuba và Florida, Irma đã càn quét đảo Barbuda có diện tích 160 km vuông, khiến Thủ tướng Gaston Browne của đảo quốc Antigua và Barbuda tuyên bố hòn đảo này là "đống đổ nát."

Thủ tướng ước tính khoảng 95% các tòa nhà trên Barbuda đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng.

Hòn đảo này giờ lại đang đối mặt với một cơn bão xoáy khác mạnh cấp 4 mang tên Jose.

Trên hòn đảo St Martin thuộc sở hữu chung của Pháp và Hà Lan, có những "cảnh hôi của" trong lúc người dân cướp bóc các cửa hàng và xuống đường tìm kiếm thức ăn và nước uống, theo bà Annick Girardin, bộ trưởng đặc trách các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Có thể phải mất tới sáu tháng trước khi điện có thể được khôi phục hoàn toàn trên đảo Puerto Rico đang eo hẹp về tài chính, một lãnh thổ của Mỹ ở vùng Caribe nơi Irma khiến hàng triệu người bị mất điện.

Irma cũng tạt qua Haiti và Cộng hòa Dominica, mang theo cuồng phong và mưa lớn, nhưng hai nước này không chịu ảnh hưởng trực tiếp. - VOA

***
Hơn 4,1 triệu nhà cửa và doanh nghiệp là khách hàng của công ty điện lực Florida Power & Light (FPL) sẽ bị cúp điện vì bão Irma, cơn bão đang tác động tới 9 triệu người trên đường di chuyển của nó.

Giám đốc điều hành FPL ngày 8/9 tuyên bố ‘Mọi người ở Florida sẽ bị ảnh hưởng bởi con bão không cách này thì cách khác.’

FPL là hãng điện lực lớn nhất ở Florida, phục vụ gần phân nửa 20,6 triệu dân trong tiểu bang.

Irma đe dọa mất điện ở Florida nhiều hơn trận bão Harvey ở Texas vừa qua vì Irma có sức gió lên tới 240 cây số/giờ, có thể quật ngã các đường dây điện và khiến các nhà máy phát điện lẫn nhà máy hạt nhân phải đóng cửa.

Irma đã cướp đi sinh mạng của vài người và tàn phá các hòn đảo ở Ca-ri-bê.

Dự báo hiện cho thấy toàn bộ bán đảo Florida nằm trên đường di chuyển của bão. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Trump ký luật cứu trợ thiên tai và trần nợ

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu ký một dự luật triển hạn nợ chính phủ thêm ba tháng nữa và cấp khoảng 15 tỉ đôla viện trợ thiên tai, hoàn tất thỏa thuận gây kinh ngạc của ông với các nhà lãnh đạo quốc hội bên Đảng Dân chủ trong tuần này.

Dự luật, được Hạ viện Mỹ chấp thuận trong cuộc biểu quyết với tỉ lệ 316-90, đã vấp phải chỉ trích từ một số thành viên bảo thủ ở Quốc hội. Nhưng nó được Thượng viện thông qua hôm thứ Năm và Tổng thống Đảng Cộng hòa ký ban hành ngay sau khi ông đến Trại David ở bang Maryland, cho dịp cuối tuần.

Dù có tranh cãi, các nhà lập pháp đã vội vàng phê chuẩn đạo luật này, cấp 15,25 tỉ đôla tiền cứu trợ thiên tai khẩn cấp, trước khi ngân khoản của chính phủ cạn tiền vào cuối tuần này trong khi người dân Mỹ đang đối phó với hai cơn bão chết người bao gồm cả Irma, một cơn bão có tiềm năng gây thảm họa sắp sửa ập vào bang Florida vào Chủ nhật.

Bão Harvey xảy ra hôm 25 tháng 8 và là cơn bão mạnh nhất ập vào bang Texas trong hơn 50 năm qua, đã làm thiệt mạng khoảng 60 người, hơn 1 triệu người phải tản cư và thống đốc bang này nói rằng thiệt hại lên đến 180 tỉ đôla.

Dự luật khơi lên những câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Trump, một người không làm chính trị lên làm Tổng thống Mỹ đầu năm nay, với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Ông thường xuyên chỉ trích Lãnh đạo Khối Đa số ở Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thỏa thuận của ông hôm thứ Tư với các nhà lãnh đạo quốc hội phe Dân chủ, Lãnh đạo Khối Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo Khối Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi, là một cú sốc đặc biệt gây choáng váng cho những thành viên bảo thủ.

Mối quan hệ đang xấu đi giữa các nhà lập pháp bảo thủ với chính quyền Trump có thể sẽ vẫn là một nhân tố trong khi Quốc hội và Nhà Trắng giờ phải đối mặt với hạn chót 8 tháng 12 về trần nợ và chi tiêu của chính phủ.

Thời hạn ba tháng của trần nợ và thỏa thuận chi tiêu có thể cho phe Dân chủ cơ hội tốt hơn để giành được mức chi tiêu chính phủ cao hơn vào tháng 12.

Phe Cộng hòa lo sợ rằng phải đối mặt với chi tiêu và nợ sớm như vậy sẽ khiến họ phân tâm khỏi các vấn đề khác, chẳng hạn như cải tổ thuế. - VOA
|
|

13.
Thách thức Trump, ủy ban Thượng viện duyệt chi cho cơ quan khí hậu LHQ

Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Hoa Kỳ ngày 7/9 thông qua một dự luật chi tiêu bao gồm 10 triệu đôla giúp tài trợ cho cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc giám sát Thỏa thuận Khí hậu Paris, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã quyết định ngừng cấp kinh phí.

Ủy ban gồm 30 thành viên của Thượng viện, phụ trách phân bổ ngân quỹ liên bang cho nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức khác nhau, phê chuẩn dự luật chi tiêu trị giá 51 tỉ đôla cho Bộ Ngoại giao và các hoạt động ở nước ngoài, bao gồm một sửa đổi để tiếp tục tài trợ cho Công ước Khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) cũng như cơ quan khoa học của nó là Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu.

Sửa đổi được thông qua mặc dù đề xuất ngân sách năm 2018 mà ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, giới thiệu hồi đầu năm nay loại bỏ hỗ trợ cho bất kỳ cơ chế nào tài trợ cho những dự án biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển và cho các tổ chức.

Mỹ vẫn là một thành viên của UNFCCC 1992, đơn vị giám sát hiệp định Paris, mặc dù ông Trump hồi tháng Sáu tuyên bố rằng ông sẽ rút khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu này và ngừng tài trợ cho Quỹ Khí hậu Xanh hỗ trợ năng lượng sạch và các dự án thích ứng khí hậu tại các quốc gia dễ bị tổn hại.

Mỹ thường đóng góp khoảng 20 phần trăm ngân sách của UNFCCC.

Mặc dù Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris nữa, một hiệp định mà gần 200 quốc gia đã thông qua vào năm 2015 để chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu, song Mỹ nói rằng họ sẽ tiếp tục quan sát các cuộc đàm phán đang diễn tiến. - VOA
|
|

14.
Mỹ bỏ chiến dịch truy quét di dân bất hợp pháp vì thiên tai

Giới chức di trú của Mỹ cho biết chính phủ sẽ hủy bỏ những đợt bắt bớ di dân bất hợp pháp trong bối cảnh bão Harvey gây tàn phá ở bang Texas, và một cơn bão nữa sắp sửa ập vào bang Florida vào cuối tuần này.

Đài NBC tối thứ Năm loan tin đầu tiên về những hành động chấp hành luật pháp di trú khắp nước Mỹ nhắm mục tiêu vào 8.400 người nhập cư không giấy tờ trong một loạt các cuộc đột kích vào tháng 9 được mô tả là "hoạt động lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử (của Cơ quan Chấp hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ)."

Tuy nhiên, sau khi NBC loan tin, Cơ quan Chấp hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) ra thông cáo nói rằng vì bão Irma đang ập tới ngay sau tình trạng ngập lụt rộng khắp do bão Harvey ở Texas trong những tuần gần đây, ICE đã "duyệt lại tất cả các hoạt động sắp tới và đã điều chỉnh cho phù hợp."

"Hiện tại không có hoạt động có phối hợp nào trên toàn quốc được lên kế hoạch vào thời điểm này. Ưu tiên trong các khu vực bị ảnh hưởng nên tập trung vào các hoạt động cứu mạng và duy trì sự sống."

Chính quyền Trump từ tháng 1 tới nay đã thay đổi các ưu tiên về di trú và trục xuất của Mỹ.

Trong khi các nhân viên di trú vẫn nói rằng họ ưu tiên trục xuất những người nhập cư không giấy tờ với tiền án hình sự, chẳng hạn như những người bị bắt giữ vì phạm trọng tội thay vì những người không có tiền án hình sự, song giờ đây họ truy quét tất cả những người nhập cư không giấy tờ mà họ gặp trong quá trình chấp pháp.

Sự thay đổi này so với thời Tổng thống Barack Obama làm cho tất cả những người nhập cư không giấy tờ đều có thể bị câu lưu và bị trục xuất. - VOA
|
|

15.
LA, San Diego, và Sacramento, nơi nào sẽ là tổng hành dinh thứ nhì của Amazon?

Công ty Amazon cho hay muốn xây một tổng hành dinh thứ nhì của mình ở khu vực Bắc Mỹ, khiến ngay lập tức gây ra cuộc tranh đua giữa nhiều thành phố muốn thu hút nguồn đầu tư có thể lên tới hàng tỉ đô la này.

Các giới chức từ các nơi như Toronto, New York, Baltimore, Philadelphia, Maryland, Chicago, Dallas, Houston và tại California là Sacramento, Los Angeles và San Diego đều cho hay họ muốn dự tranh để được sự chọn lựa của Amazon.

Thông báo mở thầu dài chín trang của Amazon, và phải trả lời trước ngày 19 Tháng Mười, cho hay công ty này kiếm một địa điểm có thể chứa được tới 50,000 nhân viên của họ và sẽ dự trù đầu tư chừng $5 tỷ cho dự án này trong thời gian từ 15 đến 17 năm.

Các chuyên gia nói rằng cơ hội tranh đua để làm nơi đặt tổng hành dinh thứ nhì “HQ2” của Amazon là điều chưa từng thấy từ trước đến nay vì tầm cỡ mà công ty này đưa ra.

Tuy nhiên, họ cũng nói rằng Amazon nay đang có cơ sở chính ở Seattle nên nhiều phần tìm kiếm khu vực khác bên ngoài miền Tây nước Mỹ, như ở vùng Trung Tây, miền Đông nước Mỹ hay ở tiểu bang nào phía Nam nước Mỹ.

Một nơi có thể có nhiều triển vọng là Austin, Texas, vì là nơi đặt trụ sở công ty Whole Foods, vừa được Amazon mua lại. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
CHOC báo động trầm cảm gia tăng trong cộng đồng gốc Á

Vấn đề trầm cảm (depression) của cộng đồng gốc Á Châu, trong đó có trẻ em Việt Nam, trên đà gia tăng ở Orange County, là đề tài quan trọng trong buổi thuyết trình và hội thảo lần thứ hai với nhiều chuyên gia tâm lý, do Project Vietnam Foundation và các đối tác y tế trình bày, sẽ được tổ chức từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa Chủ Nhật, 10 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Cuộc hội thảo được The Christian Truong Memorial Foundation và nhật báo Người Việt bảo trợ. Vào cửa miễn phí. Ban tổ chức không cung cấp dịch vụ giữ trẻ.

“Buổi hội thảo nhằm mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức, giảm sự kỳ thị, khuyến khích tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết, và sau cùng là thúc đẩy phát hiện sớm về sự trầm cảm,” Bác Sĩ Quỳnh Kiều, sáng lập viên Project Vietnam Foundation, nói với nhật báo Người Việt.

Nhân dịp này, bà Ái Phương Trương, sáng lập viên và chủ tịch của The Christian Truong Memorial Foundation, chia sẻ: “Con trai tôi, Christian Du Trương, là nạn nhân của bệnh trầm cảm trong một gia đình toàn là bác sĩ. Là một người mẹ mất con, tôi thông cảm với những gia đình đồng cảnh ngộ hơn ai hết, và muốn đem khả năng và phương tiện hạn hẹp tôi có, để chỉ góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục về bệnh trầm cảm trong chính cộng đồng người Việt của mình, ngõ hầu tránh cảnh đau lòng như tôi đã phải trải qua. Phụ huynh hãy đến để học hỏi, để bảo vệ mạng sống của con cái mình.”

Thành phần nhóm trình bày, gồm các chuyên gia thuộc các tổ chức: The Center for Autism and Neurodevelopmental Disorders, CHOC, và 24/7 Care at Home.

Các diễn giả gồm có Tiến Sĩ Heather Huszti, giám đốc khoa tâm lý Bệnh Viện Nhi Đồng Orange County (CHOC), và các bác sĩ Quỳnh Kiều, Cát Đặng, và Đoàn Bông. Ngòai ra, hội thảo còn có các chuyên gia tâm lý như Kim Điểu và MyAn Lê, cùng các chuyên gia xã hội, tư vấn tâm lý, như Xuyến Đông Matsuda và Khanh Đặng.

Buổi nói chuyện sẽ xoay quanh các đề tài, gồm “Lo âu, trầm cảm ở trẻ em, bao gồm trẻ em có nhu cầu đặc biệt, và trầm cảm ở tuổi vị thành niên và thanh niên;” và “Trầm cảm ở người trưởng thành và người cao tuổi.”

Tiến Sĩ Heather Huszti, cũng là diễn giả trong buổi hội thảo tổ chức vào Chủ Nhật tuần trước, cho biết tóm tắt những gì bà đã trình bày, để người tham dự lần này có được một khái niệm liên tục.

Bà cho biết các con số thống kê số người mắc bệnh tâm thần: “Orange County có 3.1 triệu người, gồm nhiều sắc dân và kinh tế đa dạng, trong đó có 750,000 người dưới 18 tuổi và ước tính gần 150,000 trẻ bị rối loạn sức khỏe tâm thần.”

“Hiện nay chỉ có 32 giường nội trú tâm thần, tương ứng với 1/22,000 trẻ em, hoặc 4.45/100,000. Tỷ lệ trên toàn tiểu bang California là 1/13924 hoặc 7.19/100,000, và không có gường cho trẻ em dưới 12 tuổi,” bà cho biết.

Bà đưa ra một thống kê của Trung Tâm Dữ Kiện Về Phòng Bệnh và Ngừa Bệnh Hoa Kỳ trong khoảng năm 1999-2001 đến 2011-2013. Theo đó, Orange County đứng đầu với 45% về tỷ lệ tự tử gia tăng nhiều nhất Hoa Kỳ.

Cũng theo đó, nếu căn cứ vào chủng tộc, tỷ lệ người gốc Á Châu và Thái Bình Dương tự tử, trong cùng thời gian, là khoảng 5-6 vụ trong 100,000 người mỗi năm.

Bà khuyên phụ huynh chú ý hành vi của con em để sớm phát giác các triệu chứng trầm cảm, như trẻ em tỏ ra buồn chán, kéo dài hai tuần lễ.

“Các em tỏ ra nhức đầu, đau bụng và tâm thần đau nhức, kèm theo mất ngủ, mất năng lực, biếng ăn trong suốt hai tuần. Đó là triệu chứng trầm cảm. Phụ huynh nên biết bệnh trầm cảm của thanh thiếu niên thường xảy ra từ khi con em học lớp 9 đến lớp 12, nhưng chỉ có 20% được biết đến,” tiến sĩ tâm lý nói.

Bà cũng nêu lên tình trạng của các trẻ em gốc Á Châu, bị giằng co giữa hai nền văn hóa.

Các em ở trường cư xử khác với khi về nhà. Các giá trị gia đình bị giằng co (đời sống gia đình, cha mẹ ly dị, cãi nhau), các em bị ăn hiếp ở trường, v.v… cũng có thể tạo nên sự căng thẳng (stress), đưa đến trầm cảm.

Bà cho biết, thông kê trong 12 tháng trước trên toàn quốc cho thấy có 11,000 trẻ em mang bệnh trầm cảm, trong đó trẻ em gái gốc Á là 20%, cao hơn trẻ em gốc da trắng.

Tuy nhiên, bà cho biết bệnh trầm cảm là một tình trạng có thể chữa được bằng “phương pháp nói chuyện” (talk therapy). Có trường hợp trẻ cần uống thêm thuốc.

“Khi nói chuyện, cha mẹ hay các chuyên viên tâm lý, giúp trẻ gỡ rối những tư tưởng, để hành động của trẻ em được từ từ trở lại bình thường. Đừng la hét. Trẻ em còn ở tuổi lớn nên vấn đề dùng thuốc được xem là hiệu quả, vì không phải uống thuốc suốt đời,” bà khuyên nhủ.

“Nếu trẻ em dưới 14 tuổi không được chữa trị, bệnh có thể cần 10 năm sau mới được phát hiện. Phụ huynh đừng sợ. Đây là bệnh có thể chữa được. Có nhiều hy vọng. Tôi thấy hàng ngày!” bà nói.

Để ngăn ngừa bệnh trầm cảm, bà khuyên: “Khuyến khích trẻ vận động thể thao, ăn uống đầy đủ chất bổ và nhất là cần ngủ đầy đủ. Ngoài ra, phụ huynh nên nhớ rằng những lời các em nghe cha mẹ nói về mình, các em ghi nhớ và rất ảnh hưởng đến tâm thần của các em.”

“Con em có thể bị căng thẳng. Hãy nói với các em rằng căng thẳng không sao. Lỡ bị điểm thấp thì lần sau cố gắng hơn. Giải thích lý do nếu có thể, nhưng đừng võ đoán, la rầy, nói chuyện để giúp con em tìm ra nguyên nhân,” bà nhắn nhủ.

“Tuy nhiên, nếu là trường hợp trầm trọng, phụ huynh nghe trẻ em hăm tự tử, trước hết phải giữ mạng sống các em an toàn. Đưa vào phòng cấp cứu, gọi số điện thoại đường dây nóng (800) 273-8255. Nhưng nếu lần đầu xảy ra, nên gọi cho bác sĩ gia đình,” bà nói.

Tiến Sĩ Huszti cho biết một tin vui là Trung Tâm Điều Trị Sức Khỏe Tâm Thần sẽ khai trương vào Tháng Tư, 2018, có 18 giường dành cho trẻ em tuổi từ 3 đến 18, có phòng riêng và cha mẹ có thể ở lại với con cái trong thời gian điều trị.

Sau cùng, vị tiến sĩ tâm lý khẳng định: “Bệnh trầm cảm của trẻ em là thông thường và chữa trị được. Các em sẽ có đời sống với nhiều thành quả hơn.”

Chi tiết về buổi hội thảo, xin liên lạc Long Hoàng (714) 487-3933. - nguoiviet
|
|

17.
Một cô giáo ở Ninh Bình bị công an chụp mũ ‘phản động’

“Mọi người luôn né tránh hai từ chính trị nhưng thật ra hai từ đó nó quấn cổ ta hằng ngày đó thôi. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của một công dân là nói thẳng và nói thật, đó cũng là quyền mỗi con người có được.”

Chỉ vì viết như thế trên trang Facebook cá nhân mà cô giáo Ngọc Lan ở tỉnh Ninh Bình bị Cơ Quan An Ninh Công An tỉnh này để mắt đến và “mời lên đồn làm việc liên tục hai ngày.”

Kể trên trang Facebook, bà viết: “Ngày 6 Tháng Chín, tôi được công an tỉnh Ninh Bình gửi giấy triệu tập về trường và mời đi làm việc với nội dung về những vấn đề phương hại đến an ninh chính trị.”

Bà quyết định đến gặp công an “với tinh thần thái độ ôn hòa, tôn trọng luật pháp và không bao giờ có suy nghĩ tiêu cực.”

“Nội dung buổi làm việc với an ninh chủ yếu tập trung vào những vấn đề về mạng xã hội, những bài đăng và chia sẻ của tôi cùng với những vấn đề không liên quan đến tôi,” bà cho hay.

Sau khi “làm việc” với công an, bà viết: “Tôi phải cảm ơn Cơ Quan An Ninh Công An tỉnh Ninh Bình góp phần giúp cho mọi người biết đến tên tôi. Mọi việc làm hay hành vi mời làm việc đều nhằm mục đích cuối cùng đó là để khủng bố tâm lý, tinh thần của tôi.”

Kể lại buổi “làm việc,” bà “vẫn giữ quan điểm cá nhân rằng lĩnh vực giáo dục rất quan trọng trong việc phát triển một quốc gia.”

“Giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng đã đào tạo ra công an và bộ đội, vậy tại sao lại bỏ biên chế giáo viên lại không bỏ biên chế công an và bộ đội,” bà viết.

“Là một công dân, tôi có quyền tham gia xây dựng xã hội, không phải riêng tôi mà bất kỳ ai cũng đều có quyền đó. Chỉ khác rằng nhiều người trong chúng ta không biết ta đã có cái quyền đó. Nhưng chính khi phản ánh đúng sự thật về hiện thực xã hội, bạn được xếp vào người bất đồng chính kiến hay nặng hơn là phản động,” bà viết tiếp.

“Ngày hôm nay, tôi bị bôi nhọ chỉ vì nói thẳng và nói thật, đó cũng là cách mà chính quyền Việt Nam luôn áp dụng cho những người nói ý kiến trái chiều. Và chắc chắn mọi việc sẽ không dừng lại ở đó, tôi cũng không thể tin rằng một phụ nữ bé nhỏ như tôi lại có thể gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị của một đất nước,” theo bài viết của bà trên Facebook.

Tuy vậy, bà vẫn lạc quan: “Tôi tin rằng có rất nhiều người cũng nhìn nhận và suy nghĩ giống tôi, chỉ khác rằng họ không nói ra. Tôi cũng biết rằng đây là một cú sốc đối với gia đình, bà con, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là với học trò khi đọc những bài báo giật tít về tôi. Nhưng tôi tin rồi mọi người sẽ dần hiểu. Sự thật vẫn mãi là sự thật.”

Đã có gần 6,000 lượt like và 2,000 lượt share bài mới của cô giáo Ngọc Lan.

Được biết, hồi Tháng Sáu, 2017, trên trang cá nhân, bà chia sẻ một bài với tiêu đề: “Tại sao lại không bỏ biên chế công an, bộ đội mà lại bỏ biên chế giáo viên?”

Cùng thời điểm đó, bà cũng chia sẻ một bài viết của Luật Sư Luân Lê với tiêu đề “Hôm nay và ngày mai” về thực trạng xã hội, vấn đề nợ công và sự vô cảm.

Nhận xét về việc công an tỉnh Ninh Bình “làm việc” với cô giáo Ngọc Lan, hôm 8 Tháng Chín, Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận: “Chỉ vì chia sẻ những bài viết đồng quan điểm trên Facebook, cô giáo Ngọc Lan bị Cơ Quan An Ninh tỉnh Ninh Bình mời làm việc mấy ngày! Phải chăng không có ‘việc làm,’ nên cơ quan này kiếm việc? Đề nghị cộng đồng mạng cùng lên tiếng ủng hộ và bảo vệ cô giáo Ngọc Lan, cũng là ủng hộ quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân đã được Hiếp Pháp 2013 bảo đảm, cũng là quyền con người phổ quát trên thế giới!”

Sự kiện cô giáo Ngọc Lan cũng tương tự như sự kiện cách đây hơn một năm, cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh được công luận chú ý với bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?” trên trang Facebook cá nhân.

Tháng Tư, 2016, cô giáo Trần Thị Lam đã phải xóa bài thơ này trên mạng xã hội sau khi tác phẩm này được nhiều người chia sẻ lại. Bài thơ có đoạn:

“…Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…”

Truyền thông Việt Nam thời điểm đó cho hay, cô giáo Lam “vẫn đi dạy bình thường, không bị kỷ luật.”

Tuy vậy, báo điện tử VietNamNet hồi Tháng Tư, 2016, tường thuật: “Do sức ép dư luận, cô giáo Lam đã xóa bài thơ và tạm thời khóa Facebook cá nhân của mình.” - nguoiviet
|
|

18.
‘Viet Love for Texas’ thu được hơn $400,000 giúp nạn nhân bão Harvey

Đông đảo đồng hương tham dự nhạc đại nhạc hội gây quỹ giúp nạn nhân bão Harvey với chủ đề “Viet Love for Texas,” do Viet Love Foundation hợp tác với hai đài truyền hình VietFace TV và Asian World Media trực tiếp thu hình và phát sóng, cùng nhiều cơ sở thương mại và hội đoàn, tổ chức tại bãi đậu xe trước Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley, vào lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu, 8 Tháng Chín.

Đến 11 giờ trưa Thứ Bảy, 9 Tháng Chín, ông Vũ Lâm, một thành viên ban tổ chức, cho biết tổng cộng số tiền quyền gộp được là $422,000.

Trước giờ khai mạc, ông Phạm Việt Anh, trưởng ban tổ chức, nói với nhật báo Người Việt: “Viet Love Foundation được thành lập gần 10 năm và chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều đại nhạc hội như thế này để giúp cho những nạn nhân bị thiên tai tại Hoa Kỳ cũng như những quốc gia khác. Lần này, ban tổ chức giúp cho những nạn nhân bị lụt ở bên Texas, vì họ đang rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Đại diện ban tổ chức, tôi xin cám ơn tất cả mọi người đã đóng góp bằng công sức cũng như hiện kim cho buổi cứu trợ này.”

Một sân khấu lộ thiên được dàn dựng, bên hông trái của sân khấu, một số thành viên trong ban tổ chức đã có mặt.

Anh Nguyễn Liên cho biết: “Hôm nay tôi phụ trách phần ghi danh các ca nghệ sĩ đến hát giúp cho chương trình. Hiện giờ có khoảng trên 70 ca sĩ đã ghi danh, trước đó, có khoảng trên 40 ca sĩ đã ghi danh trước đây vài ngày. Ngoài ra, có năm ban nhạc thay phiên nhau chơi nhạc cho chương trình này như Asian Band, Nghĩa Sữa Band, Lê Trương Band, Huy MC Band, và Trung Nghĩa Band . Về phần MC thì có Minh Phượng, Quỳnh Hương, Việt Thảo, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Giáng Ngọc, Thụy Trinh, Khánh Hoàng, Lưu Việt Hùng, Ngọc Hân,…”

Cũng tại vị trí này, ban tổ chức có đặt một bàn dài với nhiều món ăn và nước giải khát.

“Nhiệm vụ của tôi hôm nay là lo về ẩm thực cho tất cả các anh chị em văn nghệ sĩ đến hát suốt từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối, để cho họ có thêm năng lượng trình diễn và kêu gọi đồng hương yểm trợ cho những nạn nhân của cơn bão lụt tại Texas. Những thực phẩm này do Quán Hương tài trợ,” danh hài Hoài Tâm, chủ nhân nhà hàng này, cho biết.

Ngoài ra, còn có rất nhiều ca nghệ sĩ đang ngồi chờ đợi đến phiên để lên hát.

Nữ nghệ sĩ Phượng Mai nói: “Nghe tin chương trình ca nhạc từ thiện hôm nay, tôi tự động đóng cửa nhà hàng của tôi vài tiếng để đến ghi danh hát cho chương trình ca nhạc rất có ý nghĩa này. Tuy mình không có khả năng giúp về tiền bạc, nhưng mình mang tiếng hát của mình để giúp cho chương trình gây quỹ, đó cũng việc phải làm đối với những ca nghệ sĩ như chúng tôi.”

Nữ ca sĩ Phương Hồng Quế cũng có lời chia sẻ: “Đây là một việc làm có ý nghĩa, nên xin mọi người hãy góp một bàn tay để cứu trợ qua chương trình này. Bởi vì nước Mỹ đã cưu mang chúng ta được sống yên bình tại đây, nhưng khi nhìn thấy những đồng hương cũng như bao nhiêu người khác đang là nạn nhân của trận bão vừa qua tại Texas, thì câu ‘Miếng khi đói bằng gói khi no – Lá lành đùm lá rách’ là để cho chúng ta chứng tỏ ngay bây giờ.”

Có nhiều gian hàng đại diện cho các cơ sơ thương mại đến yểm trợ cho ban tổ chức như: Lee’s Sandwiches, công ty Quốc Việt Foods,…

“Hôm nay, Lee’s Sandwiches tài trợ trăm phần trăm số tiền bán bánh mì cũng như những món khác cho những nạn nhân bị bão lụt ở Texas qua chương trình cứu trợ của Viet Love for Texas,” ông Giang Vũ, giám đốc tiếp thị của Lee’s Sandwiches, nói với nhật báo Người Việt.

Trong số khán giả, có nhiều thiện nguyện viên của nhiều cơ sở thương mại, các đoàn thể, cũng như các ca nghệ sĩ mang những thùng tiền đến từng người để kêu gọi lòng hảo tâm của họ.

Anh Trần Ngọc Hải, cư dân Garden Grove, là một thiện nguyện viên, cho biết: “Tôi thấy những nạn nhân người Việt của mình bên Houston đang gặp khó khăn sau trận lụt vừa qua, trong khi đó dân tại Nam California đang được sống êm ấm. Vì thế, tôi xin đóng góp một chút công sức để giúp cho những nạn nhân đó, qua đó, mình cũng cảm thấy an tâm được phần nào về sự chia sẻ nỗi thương đau của họ.”

Một số hoa khôi ôm thùng tiền đi quyên góp, đại diện nhóm này, cô Chris Tina, Á Khôi I – Prince Miss Vietnam Southern California, thành viên Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam, nói: “Chúng tôi tháp tùng cùng với anh Billy Lê trong nhóm Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam đến đây để giúp một bàn tay nhỏ cho ban tổ chức, vì chúng tôi thấy rất tội nghiệp cho những nạn nhân bị bão lụt ở Texas.”

Đến 8 giờ tối, hàng trăm ghế ngồi đầy khán giả đến dự, và có rất nhiều người phải đứng để xem chương trình ca nhạc này.

Ông Hùng Vũ, cư dân Los Angeles, cho biết: “Sáng nay, vợ chồng tôi có xem truyền hình mới được biết hôm nay có buổi văn nghệ hát cứu trợ cho những nạn nhân bị thiên tai ở Texas, nên vợ chồng tôi xuống đây để ủng hộ. Ông bà cha mẹ của mình có câu ‘Lá lành đùm lá rách.’ Hơn nữa, trong số nạn nhân cũng có rất nhiều đồng hương Việt Nam của mình, thì dù ít hay nhiều mình cũng phải có bổn phận đóng góp với ban tổ chức.”

Bà Vương Kim Sành, cư dân San Jose, chia sẻ: “Hôm nay tôi xuống đây để thăm viếng gia đình người bạn của tôi có thân nhân là nạn nhân của vụ lụt ở Texas, cũng may là trong gia đình của họ không có ai bị thương tích, chỉ có hư hao nhà của mà thôi. Nhân dịp này tôi mới đến ủng hộ cho việc cứu trợ này. Dân ở California được may mắn không có bị thiên tai nhiều, nhưng mình cũng phải nghĩ đến những nạn nhân đang trong hoàn cảnh khốn khổ ở bên Texas.”

Trong số người tham dự cũng có nhiều giới chức chính quyền.

“Chúng tôi cám ơn ban tổ chức và Việt Love Foundation, quý đài VietFace TV, đài truyền hình Asian World Media, cũng như như các anh chị em ca nghệ sĩ hợp tác tổ chức chương trình đại nhạc hội này. Cứu trợ là một việc làm vô cùng cần thiết và trân trọng đối với đồng hương của chúng ta,” ông Trí Tạ, thị trưởng Westminster, nói.

Trong lúc chương trình văn nghệ diễn ra, ban tổ chức thông báo là có rất nhiều mạnh thường quân yểm trợ cho chương trình tại hiện trường, cũng như đang ở tại nhà xem đài truyền hình trực tiếp khắp nơi tại Hoa Kỳ.

Ban tổ chức cho biết, vẫn tiếp tục nhận sự quyên góp này từ những đồng hương trên toàn nước Mỹ gởi về.

Chi phiếu xin đề: Viet Love Foundation, memo: Harvey Texas, và gởi về địa chỉ: 9315 Bolsa Ave., # 166, Westminster, CA 92683. Điện thoại: 888-339-8247.

Mọi chi tiết xin liên lạc Vũ Lâm (866) 232-5733, Khánh Liên (714) 352-9292, Steve Phạm (714) 462-7989, và Việt Anh (714) 306-8045. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment