Saturday, September 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 2/9

Tin Thế Giới

1.
WSJ: Mỹ lên lịch tuần tra hàng hải thường xuyên hơn ở Biển Đông

Lầu Năm Góc lần đầu tiên định ra lịnh trình tuần tra hải quân ở Biển Đông trong một nỗ lực tạo một thái độ nhất quán hơn để chống lại những yêu sách lãnh hải của Trung Quốc ở đây, báo Wall Street Journal loan tin hôm thứ Sáu.

Dẫn lời một số quan chức Mỹ, nhật báo này cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã phát triển một kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra được gọi là hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong vài tháng tới, củng cố sự thách thức của Mỹ đối với điều mà Mỹ cho là những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Kế hoạch này đánh dấu một sự khác biệt đáng kể trong các hoạt động quân sự như vậy trong khu vực dưới thời chính quyền Obama, khi mà các quan chức đôi khi vất vả đưa ra quyết định tiến hành những cuộc tuần tra này khi nào, như thế nào và ở nơi nào. Chúng đã bị hủy bỏ hoặc bị dời lại dựa vì nhiều yếu tố chính trị khác nhau sau những cuộc tranh luận nội bộ gay gắt, tờ Journal cho biết.

Ý tưởng đằng sau việc định ra một lịch trình tương phản với phương thức tiếp cận tùy theo tình hình đối với việc tiến hành các cuộc tuần tra FONOP, và thiết lập sự đều đặn trong các cuộc tuần tra. Làm như vậy có thể giúp làm suy yếu lập luận của Bắc Kinh rằng những cuộc tuần tra này ngang như một khiêu khích gây bất ổn mỗi lần chúng diễn ra, các quan chức Mỹ được dẫn lời nói.

Tờ Journal nói giới chức Trung Quốc không phản ứng ngay tức thì về yêu cầu bình luận về các kế hoạch mới nhất của Mỹ. Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ quân sự hóa hàng hải trong khu vực bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra quân sự. Tính tới giờ đã có ba cuộc tuần tra hàng hải dưới thời Tổng thống Donald Trump, và bốn dưới thời chính quyền Obama, theo Sở Nghiên cứu Quốc hội.

Cuộc tuần tra FONOP gần đây nhất được tiến hành vào ngày 10 tháng 8 bởi khu trục hạm USS John S. McCain, chiếc tàu mà sau đó đã va vào một tàu chở hàng làm thiệt mạng 10 thủy thủ.

Cuộc tuần tra quanh bãi Đá Vành Khăn - một trong bảy đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp cải tạo chế tạo trong ba năm qua ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp - cũng bao gồm hoạt động trên không.

Theo các quan chức Mỹ, hai chiếc máy bay thám sát P-8 Poseidon đã bay bên trên tàu McCain trong một phần hoạt động mà trước đó không được tiết lộ. Họ nói nhiều cuộc tuần tra hàng hải sử dụng tàu chiến có phần chắc sẽ bao gồm máy bay bay trên không.

Các quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không bình luận gì về việc này, theo báo Journal.

Các quan chức mô tả kế hoạch mới là một cách tiến hành các cuộc tuần tra mang tính ấn định từ trước nhiều hơn so với trước đây, dù không phải là bất biến. Kế hoạch này nhất quán với lối tiếp cận của chính quyền Trump đối với các hoạt động quân sự, là cho các chỉ huy có quyền hạn hơn để xác định thái độ của Mỹ. Tuân thủ các chính sách không loan báo các hoạt động quân sự trước khi chúng diễn ra, các quan chức từ chối tiết lộ địa điểm và thời gian mà các cuộc tuần tra FONOP sẽ diễn ra, tờ nhật báo nói.

Áp lực quân sự tăng thêm đối với Trung Quốc diễn ra trong khi Mỹ đang tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn từ Bắc Kinh trong việc kiềm chế chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Chính quyền Trump phàn nàn rằng Bắc Kinh vẫn chưa làm hết sức để thúc ép những đồng minh của mình ở Bình Nhưỡng ngưng phát triển vũ khí hoặc ngưng đe dọa Mỹ, lãnh thổ và các đồng minh của Mỹ. - VOA
|
|

2.
Mỹ sẽ lục soát lãnh sự quán Nga --- Nga triệu tập nhà ngoại giao Mỹ phản đối kế hoạch khám xét cơ sở ngoại giao

Các dịch vụ đặc biệt của Mỹ cho biết sẽ tiến hành lục soát tòa nhà lãnh sự quán của Nga tại San Francisco, theo tin từ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga.

Mỹ ra lệnh chậm nhất là ngày 2/9 Nga phải đóng cửa tòa lãnh sự này cùng các tòa nhà ở Washington và New York nơi tọa lạc các phái bộ thương mại của Nga, một hành động trả đũa các biện pháp tương tự của Moscow đối với Mỹ.

Tháng 7, Moscow yêu cầu Mỹ cắt nhân viên ngoại giao và kỹ thuật ở Nga hơn phân nửa để tương đương với số nhân viên ngoại giao của Nga tại Mỹ, sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga.

“Các dịch vụ đặc biệt của Mỹ định lục soát tòa tổng lãnh sự ở San Francisco vào ngày 2/9, kể cả nơi ở của các nhân viên sống trong tòa nhà dù họ có quyền miễn trừ ngoại giao,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết.

Thân nhân các nhân viên ngoại giao được thông báo phải rời tòa nhà này trong vòng 10-12 tiếng.

Người phát ngôn của Nga nói Moscow sẽ trả đũa.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được ban hành để đáp lại việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và sáp nhập Crimea của Ukraine. - VOA

***
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ tới Moscow để chính thức phản đối việc Mỹ dự định sẽ khám xét cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập ông Anthony F. Godfrey, phó trưởng sứ bộ của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow về kế hoạch "khám xét bất hợp pháp" nhắm vào một tòa nhà ngoại giao của Nga ở Washington, dự kiến đóng cửa vào ngày thứ Bảy.

Phía Nga gọi vụ khám xét được hoạch định này là "hành động hung hăng chưa từng thấy" và nói rằng chính quyền Mỹ có thể nhân cơ hội này để "gài tang chứng" trong khu nhà của Nga.

Khu nhà này ở Washington là một trong ba cơ sở bị ra lệnh đóng cửa trong khi Mỹ và Nga đã trả đũa ngoại giao qua lại trong mấy tháng qua. Hai tòa nhà ngoại giao khác bị ra lệnh đóng cửa là ở San Francisco và New York.

Ông Godfrey bị triệu tập một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc FBI dự định khám xét lãnh sự quán của họ ở San Francisco, sau khi ra lệnh đóng cửa cơ sở này hôm thứ Năm.

Mỹ chưa nói liệu họ có ý định khám xét một trong hai tòa nhà này hay không.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết vụ khám xét sẽ "tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của các công dân Nga".

Bà Zakharova nói trong một phát biểu hôm thứ Sáu, "các đặc vụ Mỹ định vào ngày 2 tháng 9 sẽ thực hiện một vụ khám xét lãnh sự quán tại San Francisco bao gồm các căn hộ của nhân viên đang sống trong tòa nhà và có quyền miễn trừ ngoại giao."

Trong khi đó, hãng tin AP loan tin nhân viên cứu hỏa đã được gọi đến địa điểm tòa lãnh sự, nhưng không được cho vào, sau khi người ta nhìn thấy khói đen bốc lên từ ống khói. Nhân viên cứu hỏa xác định rằng ngọn lửa được giới hạn trong một lò sưởi ở đâu đó trong tòa nhà.

Người phát ngôn Sở cứu hỏa San Francisco, Mindy Talmadge, nói với các phóng viên rằng bà không biết những người bên trong tòa nhà đang đốt thứ gì trong ngày mà nhiệt độ ngoài trời là khoảng 35 độ C.

Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, khói bốc ra là từ nỗ lực "bảo quản tòa nhà" vào thời điểm mà các quan chức đang chuẩn bị rời đi.

Quyết định đóng cửa tòa nhà ở San Francisco được đưa ra để đáp trả đòi hỏi của Moscow rằng Washington phải cắt giảm nhân viên ngoại giao của mình ở Nga.

"Trong tinh thần đối đẳng mà người Nga khơi ra, chúng tôi đang yêu cầu chính quyền Nga phải đóng cửa Tổng lãnh sự quán của họ tại San Francisco, một tòa nhà biệt sứ phụ cận tại Washington, D.C., và một tòa nhà lãnh sự phụ cận tại Thành phố New York," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong một thông cáo hôm thứ Năm, nói thêm rằng hạn chót đóng cửa là ngày 2 tháng 9. - VOA
|
|

3.
Mỹ-Hàn: Cần tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán

Lãnh đạo Mỹ-Hàn ngày 1/9 tái khẳng định cần phải đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn thương thuyết bằng cách áp đặt áp lực và trừng phạt tối đa, theo tin từ văn phòng Tổng thống Moon Jae-in.

Ông Moon và Tổng thống Donald Trump điện đàm với nhau hôm 1/9, các giới chức của đôi bên cho biết.

Trước đây trong tuần, ông Trump tuyên bố ‘Lời lẽ không phải là đáp án’ cho vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắn thêm một phi đạn đạn đạo bay ngang Nhật Bản đầu tuần này.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc ngày 1/9 cho biết “Chúng tôi xem vấn đề Bắc Triều Tiên đặc biệt nghiêm trọng và mọi phương án đang được tính tới.”

Những phương án đó, Tổng thống Trump từng nói, bao gồm hành động quân sự.

Tuần này xuất hiện những thông điệp khác nhau giữa Tổng thống và các thành viên Nội các về cách đáp ứng với khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc điện đàm hôm nay cũng nhất trí tăng cường khả năng của Seoul chống lại đe dọa của Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường khả năng của các phi đạn, theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Hiện Hàn Quốc được phép sở hữu các phi đạn đạn đạo có tầm bắn 800 cây số.

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ cũng trao đổi với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe 2 lần.

“Tôi không thể cho biết cách đáp ứng sắp tới của chúng tôi với Bắc Triều Tiên, nhưng chúng tôi vừa hoàn toàn nhất trí về điều đó,” Thủ tướng Abe cho báo chí biết sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump ngày 31/8.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Jim Mattis, cho hay Ngũ Giác Đài đang làm việc với Ngoại trưởng Rex Tillerson về vấn đề Bắc Triều Tiên.

Nhiều nhà phân tích nghi ngại về hiệu quả của giải pháp ngoại giao đối với Bình Nhưỡng. Các vòng nghị quyết và chế tài của Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên cũng không mấy có tác động khả quan. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc cải tổ quân đội trước Đại Hội Đảng

Trước thềm đại hội đảng Cộng Sản, ngày 01/09/2017, Trung Quốc bổ nhiệm nhiều tư lệnh quân đội mới. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thực hiện một chương trình cải tổ, hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng.


Theo hãng tin Reuters, ông Hàn Vệ Quốc (Han Weiguo) được bổ nhiệm làm tư lệnh lục quân Trung Quốc. Tướng Hàn Vệ Quốc không phải là gương mặt nổi tiếng nhất, nhưng trong hai năm qua, ông là nhân vật đã thăng tiến rất nhanh. Chính ông là người tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc hồi tháng 07/2017.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng thông báo bổ nhiệm tướng Đinh Lai Hàng (Dig Laihang) vào vị trí tư lệnh Không quân. Hồi tháng 01/2017, ông Thẩm Kim Long (Shen Jinlong), một nhân vật thân tín của chủ tịch Tập Cận Bình, đã được bổ nhiệm làm tư lệnh Hải quân.

Trong đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 18/10/2017, cả ba vị tướng trên đều có khả năng sẽ tham gia Quân Ủy Trung Ương do Tập Cận Bình làm chủ tịch. - RFI
|
|

5.
Các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba bị "tổn thương não" do "tấn công thính giác"

Một nghiệp đoàn Mỹ ngày 01/09/2017 cho biết các vụ « tấn công thính giác » bí ẩn nhắm vào các nhà ngoại giao của Mỹ tại Cuba đã gây ra « nhiều tổn thương nhẹ về não bộ » cho các nạn nhân.

Trong một thông cáo, nghiệp đoàn ngành ngoại giao Mỹ American Foreign Service Association (AFSA) lo ngại về các vụ « tấn công thính giác » nhắm vào các nhà ngoại giao của Mỹ và gia đình họ, những người sống trong tòa đại sứ quán Mỹ ở La Havana.

Theo AFP, các đại diện của nghiệp đoàn AFSA gần đây đã nói chuyện với 10 nạn nhân. Trong số các triệu chứng, các nạn nhân có biểu hiện não bị tổn thương nhẹ do chấn thương và mất thính lực vĩnh viễn, mất thăng bằng, đau nửa đầu, rối loạn nhận thức và phù não.

Nghiệp đoàn AFSA kêu gọi nhà chức trách Mỹ phải có biện pháp để ngăn chặn và chấm dứt các vụ rắc rối kiểu này cho nhân viên ngoại giao Mỹ.

Còn theo Washington, các vụ tấn công thính giác đã ngưng. Các triệu chứng đầu tiên của nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba đã được báo cho Washington hồi cuối năm 2016, nhưng vụ việc chỉ được công bố rộng rãi hồi cuối tháng 08/2017. Mỹ khẳng định không biết ai đứng sau các vụ tấn công trên và Washington đang điều tra. Cuba cũng khẳng định không liên quan. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 05/2017, Mỹ đã kín đáo trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba và cho rằng La Havana phải chịu trách nhiệm về an toàn của các nhân viên ngoại giao nước ngoài tại Cuba. - RFI
|
|

6.
Myanmar: Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine, nhà cửa bị đốt

Khoảng 400 người đã chết vì bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar trong tuần qua, các quan chức quân đội cho biết, nói rằng phần lớn đều là người Hồi giáo nổi dậy.

Một trang Facebook của quân đội báo cáo con số này, nói rằng 370 người là những phần tử nổi dậy, và 29 người thiệt mạng là cảnh sát hoặc dân thường.

Tuy nhiên những người thuộc cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã báo cáo những vụ tấn công vào làng mạc của họ làm một số người chết và buộc hàng ngàn người tháo chạy.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm thứ Bảy cho biết hình ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Năm ở làng Chein Khar Li thuộc thị xã Rathedaung cho thấy 700 căn nhà bị phá hủy. Tổ chức nhân quyền này nói 99 phần trăm ngôi làng bị phá hủy và những dấu hiệu thiệt hại trông giống như là hỏa hoạn, chẳng hạn như những vệt cháy lớn. "Thế nhưng đây chỉ là một trong 17 địa điểm mà chúng tôi xác định có những vụ cháy," Phil Robertson, phó giám đốc của HRW, nói.

Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 38.000 người đã tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh, phần lớn là người Rohingya. Các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Bangladesh nói với VOA rằng một số người Hindu, cũng là sắc dân thiểu số ở Myanmar, đã vượt qua biên giới.

Ông Robertson cho biết Phái bộ Tìm hiểu Thực tế của Liên Hiệp Quốc cần phải có "sự hợp tác đầy đủ" của chính phủ Myanmar để hoàn thành nhiệm vụ của mình là đánh giá các vi phạm nhân quyền ở Bang Rakhine và tìm cách chấm dứt các cuộc tấn công cũng như đảm bảo sự giải trình trách nhiệm.

HRW cho biết những người Rohingya tị nạn gần đây tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh nói với tổ chức này rằng quân đội và cảnh sát Myanmar đã đốt nhà của họ và thực hiện những vụ tấn công vũ trang nhắm vào dân làng. Tổ chức này nói nhiều người tị nạn Rohingya có "những vết thương do đạn và mảnh bom."

Các nguồn tin ở Bangladesh nói với Ban Tiếng Bangla của VOA rằng tới 60.000 người đã vượt qua biên giới trong những ngày gần đây.

Myanmar xem người Rohingya là di dân từ Bangladesh, và không phải là một trong nhiều nhóm sắc dân thiểu số của đất nước. Người Rohingya bị từ chối quốc tịch, ngay cả khi họ có thể chứng minh rằng gia đình họ đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ.

Bạo lực giáo phái giữa người Phật giáo và Hồi giáo thường xuyên bùng lên suốt hơn một thập kỷ qua. Cho tới những vụ tấn công vào tháng trước, tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, khi những phần tử nổi dậy tấn công một số đồn cảnh sát, đưa tới một cuộc đàn áp quân sự, khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Bangladesh.

Chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc ngược đãi người Rohingya và hạn chế cho nhà báo và những người nước ngoài khác tiếp cận Rakhine; nhưng đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc nói rằng chính phủ dự định thực thi các khuyến nghị của ủy ban Liên Hiệp Quốc để cải thiện tình hình và chấm dứt bạo lực. - VOA
|
|

7.
UNICEF: 16 triệu trẻ em Nam Á bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thảm khốc

Gần 16 triệu trẻ em đang "cần sự hỗ trợ cứu được sinh mạng khẩn cấp" do hậu quả của lũ lụt thảm khốc đã tàn phá khu vực Nam Á, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

"Trẻ em đã mất nhà cửa, trường học và thậm chí cả bạn bè và người thân của chúng," Giám đốc UNICEF đặc trách Nam Á Jean Gough nói trong một thông cáo. Bà Gough nói tình hình có thể tồi tệ hơn khi những trận mưa gió mùa gây ngập lụt khu vực vẫn tiếp tục.

UNICEF cho biết lũ lụt gây tàn phá đã cướp đi sinh mạng của gần 1.300 người và ảnh hưởng tới hơn 45 triệu người kể từ giữa tháng 8.

Lũ lụt đã diễn ra suốt hai tháng qua ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh, gây lụt lội cho hàng trăm ngôi làng và buộc hàng chục ngàn người lánh nạn trong các trại cứu trợ.

Tổ chức cứu trợ này nói rằng hơn 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Bangladesh, trong đó có khoảng 3 triệu trẻ em. Gần 700.000 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy và gần 2.300 trường học chịu thiệt hại.

Lũ lụt ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu người ở Nepal, trong đó có khoảng 353,000 người đã bị buộc phải tản cư. Gần 2.000 trường học đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, ảnh hưởng đến việc giáo dục của gần 255.000 trẻ em.

Bốn bang ở Ấn Độ bị thiệt hại rộng khắp, ảnh hưởng đến hơn 31 triệu người, trong đó có gần 12,5 triệu trẻ em. Ước tính 805.000 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy. Việc giáo dục của gần một triệu học sinh bị gián đoạn sau khi lũ lụt làm hư hại khoảng 15.500 trường học.

Trong lúc các chuyên gia đánh giá thiệt hại ở Nam Á, họ nói càng lúc càng thấy rõ rằng các chính phủ Nam Á có sự chuẩn bị rất kém để ứng phó với những cơn mưa gió mùa hàng năm.

Chính phủ ở Ấn Độ, nơi lũ lụt ảnh hưởng nặng nề nhất, tập trung chủ yếu vào cứu trợ và ở một mức độ thấp hơn vào việc phòng ngừa và các hệ thống cảnh báo sớm. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Chủ tịch Hạ viện kêu gọi giữ chính sách di trú DACA thời Obama

Cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp và những người khác, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan kêu gọi Tổng thống Donald Trump đừng bãi bỏ một chương trình thời Tổng thống Obama bảo vệ những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp khi họ còn là trẻ nhỏ.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết thứ ba tuần tới, ông Trump sẽ thông báo quyết định đối với chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ, hay DACA, bảo vệ gần 800.000 người khỏi bị trục xuất. Chương trình này cũng cho phép những người này, được gọi là Dreamers, xin giấy phép lao động.

"Chúng tôi yêu quý những Dreamers," ông Trump nói với các phóng viên trong Phòng Bầu dục.

Ông Ryan và Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, cả hai đều theo Đảng Cộng hòa, hôm thứ Sáu đã cùng một nhóm nhà lập pháp (tuy không nhiều, nhưng đang dần gia tăng) lên tiếng chống lại việc bãi bỏ DACA vốn được cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama ký ban hành hồi năm 2012 và lâu nay là mục tiêu của những người có chủ trương bảo thủ về di trú.

"Tôi thực sự không nghĩ rằng ông ấy nên làm điều đó, và tôi tin rằng đây là điều Quốc hội phải sửa chữa," ông Ryan nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh WCLO ở thành phố quê nhà Janesville, bang Wisconsin.

"Những bạn trẻ này không biết đất nước nào khác ngoài nước Mỹ, những người này đã được cha mẹ của họ đưa đến và không biết quê hương nào khác cả. Và vì vậy tôi thực sự tin rằng cần có một giải pháp lập pháp. Đó là điều mà chúng tôi đang giải quyết. Và tôi nghĩ chúng tôi muốn cho mọi người an tâm," ông Ryan nói thêm.

Ông Hatch nói trong một thông cáo rằng bãi bỏ chương trình này sẽ làm phức tạp hơn nữa hệ thống di trú của Mỹ vốn đang rất cần cải cách lập pháp.

"Giống như Tổng thống, tôi lâu nay vẫn ủng hộ việc thực thi luật pháp nhập cư hiện tại của chúng tôi. Nhưng chúng ta cũng cần một giải pháp khả thi, vĩnh viễn cho những cá nhân đã vào đất nước chúng ta một cách bất hợp pháp khi còn là trẻ nhỏ mà không phải do lỗi ở họ và họ đã xây dựng cuộc sống của mình ở đây. Và giải pháp đó phải đến từ Quốc hội," thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại nhiệm lâu nhất nói thêm.

Ông Trump đã đưa việc trấn áp người nhập cư trái phép làm trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và đã đẩy mạnh những vụ trục xuất kể từ khi nhậm chức vào tháng 1. Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng người nhập cư góp phần quan trọng vào nền kinh tế và chấm dứt chương trình này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế.

Phần lớn những người nhập cư Dreamers đến từ Mexico và các quốc gia Mỹ Latin khác.

Hơn 200.000 người đang sinh sống ở bang California, trong khi Texas có 100.000 người. New York, Illinois và Florida cũng có số lượng lớn. - VOA
|
|

9.
Trump đến thăm cư dân Texas, Louisiana bị ảnh hưởng bởi bão Harvey

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy đã thực hiện chuyến thăm thứ hai của ông tới bang Texas trong vòng một tuần, để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những người dân Texas đang ứng phó với lũ lụt lớn tại thành phố Houston sau khi cơn bão Harvey ập vào cuối tuần trước. Đệ nhất phu nhân Melania tháp tùng ông Trump trong chuyến thăm này.

"Các bạn nhìn những khu phố này," Tổng thống nói trước đám đông người dân tụ tập tại Nhà thờ Pearland ở Houston. "Mới hôm qua họ còn có nước và mà hôm nay đã sạch trơn... Các bạn có rất nhiều những người làm việc chăm chỉ."

Ông Trump đến gặp gỡ cư dân và tình nguyện viên, điều mà ông không làm trong chuyến thăm đầu tiên đến khu vực này hôm thứ Ba, khi ông tập trung hoàn toàn vào phản ứng của chính phủ đối với cơn bão và bị chỉ trích vì không thể hiện sự thấu cảm nhiều hơn trong tình huống khủng hoảng.

Sau khi gặp gỡ Thống đốc Texas Greg Abbott và Thị trưởng Houston Sylvester Turner tại sân bay Houston, ông Trump tới thăm một trung tâm cứu trợ thiên tai. Khi Tổng thống từ từ đi khắp trung tâm, ông nói chuyện với những người dân tản cư, bắt tay họ, chụp hình với họ và trao những phần thức ăn.

Khi được hỏi nỗ lực hồi phục đang diễn ra như thế nào, ông Trump trả lời, "Tôi nghĩ rằng nó đang diễn ra rất tốt. Mọi thứ diễn tiến suôn sẻ. Tôi nghĩ mọi người đánh giá cao những gì đã được thực hiện." Ông nói thêm, "Tình cảnh khó khăn vậy mà nỗ lực hồi phục thật tuyệt vời."

Ông Trump cũng gặp gỡ các thành viên của phái đoàn quốc hội đại diện bang Texas, một ngày sau khi ông gửi một lá thư tới Quốc hội yêu cầu cấp gần 8 tỉ đôla ngân khoản cho các nỗ lực cứu trợ và hồi phục.

Hai vợ chồng Tổng thống sau đó ghé qua thành phố Lake Charles, bang Louisiana, nơi ông Trump sẽ gặp gỡ các nhân viên ứng cứu khẩn cấp và các thành viên phái đoàn quốc hội của bang. Họ bay trở về Washington vào tối thứ Bảy.

Cũng trong ngày thứ Bảy, Tổng thống nâng khoản tiền viện trợ liên bang góp phần chia sẻ chi phí cho các nỗ lực dọn dẹp sau bão, từ 75 lên đến 90 phần trăm viện trợ của liên bang để thu dọn những mảnh gãy đổ. Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo rằng 100 phần trăm chi phí cho các biện pháp bảo vệ khẩn cấp sẽ được viện trợ liên bang thanh toán.

Yều cầu của ông Trump đối với Quốc hội, được xem chỉ là gói cứu trợ Harvey đợt đầu, bao gồm 7,4 tỉ đôla ngân khoản cho quỹ cứu trợ thiên tai đang thu hẹp nhanh chóng của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cho những việc như sửa chữa nhà, và 450 triệu đôla cho các khoản vay thiên tai cấp cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Quốc hội dự kiến sẽ nhanh chóng thông qua yêu cầu này.

Gần 450.000 hộ gia đình trong khu vực đã đăng ký xin hỗ trợ của FEMA, Nhà Trắng cho biết. - VOA
|
|

10.
Giới công nghệ Mỹ kêu gọi duy trì chính sách hoãn trục xuất

Hàng trăm lãnh đạo các công ty lớn ngày 31/8 ký một thư ngỏ khuyến khích Tổng thống Trump giữ lại chương trình Trì hoãn Hành động đối với di dân nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ (DACA) và yêu cầu Quốc hội thông qua đạo luật DREAM được cả hai đảng ủng hộ.

DACA là một chính sách nhập cư thời Tổng thống Obama cho phép những di dân không giấy tờ tới Mỹ khi còn là trẻ nhỏ được trì hoãn trục xuất và được xin giấy phép làm việc trong thời hạn hai năm.

Các lãnh đạo doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon, những người ký tên vào bức thư gửi cho ông Trump, lập luận rằng những người được gọi là “Dreamers,” tức là những người hưởng lợi nhờ tư cách DACA, đóng vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế và góp phần vào "lợi thế cạnh tranh toàn cầu" của Mỹ.

Những người ký tên trong bức thư, được công bố bởi FWD.us, bao gồm Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg của Facebook, Tim Cook của Apple, Jeff Bezos của Amazon, Sundar Pichai của Google và Meg Whitman của HP.

"Là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chúng tôi lo ngại về những diễn tiến mới trong chính sách nhập cư đe dọa tới tương lai của những trẻ em nhập cư không giấy tờ được đưa vào Mỹ khi còn nhỏ," bức thư viết.

Gần 800.000 thanh thiếu niên có tư cách DACA ở Mỹ có nguy cơ bị trục xuất nếu chính quyền Trump quyết định bãi bỏ chính sách này của Tổng thống Obama.

Zuckerberg, người sáng lập FWD.us, một sáng kiến nhằm cải cách nhập cư, nói thêm trong một thông điệp đăng trên Facebook: "Tôi sát cánh với những Dreamers - những người trẻ tuổi được đưa vào nước của chúng ta bởi cha mẹ của họ. Nhiều người đã sống ở đây rất lâu rồi. "

"Chúng ta cần một chính phủ bảo vệ những Dreamers," Zuckerberg viết. "Những người trẻ tuổi này đại diện cho tương lai của đất nước chúng ta và nền kinh tế của chúng ta. Đó là bạn bè và gia đình của chúng ta, những học sinh và những nhà lãnh đạo trẻ trong cộng đồng của chúng ta."

Bức thư được công bố sau khi tin tức từ giới truyền thông cho hay chính quyền của ông Trump đang xem xét bãi bỏ DACA.

Các nhà lãnh đạo trong ngành công nghệ lâu nay là những người lớn tiếng ủng hộ cải cách nhập cư, đặc biệt là thị thực cho phép các công ty của họ tuyển dụng nhân công có trình độ cao từ nước ngoài. Theo bức thư, "ít nhất 72 phần trăm trong số 25 công ty hàng đầu trong số những công ty được nêu tên trong danh sách Fortune 500 xem những người có tư cách DACA là nhân viên của họ." - VOA
|
|

11.
Cháy rừng gần Los Angeles, 200 nhà phải di tản

Một trận cháy rừng cứ liên tục đổi chiều đang đe dọa hàng trăm căn nhà ở khu San Fernando Valley, nằm về phía Bắc thành phố Los Angeles, trong lúc lính cứu hỏa phải đối đầu với gió mạnh và trời nóng tới 100 độ F.

Đến rạng sáng ngày Thứ Bảy, ngọn lửa thiêu rụi khoảng 1,500 mẫu và bị chặn đứng khoảng 10%, theo nguồn tin từ Sở Cứu Hỏa Los Angeles. Lệnh di tản được đưa ra cho khoảng 200 căn nhà ở khu vực này.

Phát ngôn viên Sở Cứu Hỏa Los Angeles, Đại Úy Erik Scott, cho hay hơn 250 lính cứu hỏa sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ dập lửa nơi đây với sự trợ giúp của trực thăng trút nước.

Hôm Thứ Sáu lính cứu hỏa phải làm việc trong khu vực núi đồi hiểm trở với nhiệt độ lên tới 106 độ F và ông Scott cho hay là họ rất may mắn không có ai bị thương tích gì.

Đám cháy này cũng khiến xa lộ liên bang 210 phải bị đóng.

Đây là một con đường quan trọng ra vào Los Angeles, nhất là khi dịp Lễ Lao Động đang khởi sự.

Trong khi đó, thống đốc tiểu bang California, ông Jerry Brown, hôm Thứ Sáu tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại tiểu bang vì cháy rừng.

Ở vùng Bắc California, một đám cháy rừng gần thành phố Oroville thiêu hủy 20 căn nhà.

Đám cháy nằm cách thủ phủ Sacramento chừng 70 dặm về phía Bắc và thiêu rụi khu vực rộng khoảng 6 dặm vuông (chừng 15 cây số vuông), đồng thời cũng đe dọa khoảng 500 căn nhà.

Trung tâm quốc gia phối hợp chống cháy rừng NIFC cho hay có hơn 25,000 lính cứu hỏa hiện đang hoạt động khắp miền Tây nước Mỹ để chống lại 56 đám cháy rừng, phần lớn chưa ngăn chặn được.

Trong số này có 21 đám cháy ở Montana và 17 ở Oregon.

Theo giới chức trách nhiệm, đây là một trong những mùa cháy rừng tệ hại nhất ở các tiểu bang miền Tây nước Mỹ và khói mù từ các đám cháy này sẽ tiếp tục bao phủ bầu trời cho tới cuối mùa Thu này. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

12.
Báo cáo: Ngân hàng Nhà nước vi phạm về giám sát, phòng chống tham nhũng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị phát hiện có nhiều sai phạm và thiếu sót, bao gồm giám sát kém đối với các tổ chức tín dụng và phòng chống tham nhũng chậm chạp và chưa đúng nguyên tắc, theo kết luận của một cuộc thanh tra mới được công bố hôm 1 tháng 9.

Thông báo của Thanh tra Chính phủ, đăng trên website của chính phủ, được đưa ra giữa lúc Việt Nam đang tăng cường trấn áp tình trạng tham nhũng đã khiến nhiều nhà lãnh đạo công ty nhà nước và các quan chức chính phủ bị chú ý.

Thanh tra Chính phủ nhận thấy ngân hàng chậm chạp và không tuân thủ các quy định kê khai và công khai tài sản, thu nhập của mình, báo cáo cho biết, nhưng không giải thích chi tiết.

Theo quy định, các quan chức chính phủ phải công khai thu nhập và tài sản của mình cho công chúng.

Các thanh tra viên cũng chỉ ra những vi phạm của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, một bộ phận chịu trách nhiệm giám sát và kiểm tra các tổ chức tín dụng, từ năm 2010 đến năm 2015.

"Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng [Ngân hàng Nhà nước] chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời; không rà soát và phối hợp với kết quả giám sát từ xa đề xây dựng kế hoạch dẫn đến các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động," thông báo của Thanh tra Chính phủ nói.

Thanh tra Chính phủ kêu gọi thống đốc ngân hàng nhà nước điều tra những tập thể và những cá nhân đằng sau vi phạm này.

Phản hồi về kết quả thanh tra tối ngày 2 tháng 9, Ngân hàng nhà nước thừa nhận những khuyết điểm, bất cập và cam kết “nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.” - VOA
|
|

13.
Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản

Nhà trí thức bất đồng hàng đầu của Việt Nam chọn ngày Quốc khánh để từ bỏ Đảng Cộng sản và muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".

Quyết định này được Giáo sư Tương Lai mô tả là "giọt nước tràn ly" khi có động thái khai trừ tư cách đảng viên của ông sau sự kiện ông tổ chức tưởng niệm nhà dân chủ hàng đầu của Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng.

Ông mô tả "người ta định vu khống" và "bằng mọi cách khai trừ nhưng chưa khai trừ được vì đảng viên trong chi bộ chưa đồng ý".

Tuy nhiên nguyên Viện trưởng Xã hội học Việt Nam nhận định rằng đằng nào người ta cũng sẽ có một cuộc họp vào ngày 23/9 để xét khai trừ vì ông đã "động đến Trung Quốc".

Trong tuyên bố được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 02/09, Giáo sư Tương Lai viết:

"Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên".

Giáo sư Tương Lai mô tả trong khi ông "kiên trì dấn thân" vào cuộc đấu tranh làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, và "nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng" thì sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng khiến Đảng này "không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa".

Ông nói hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế được đảng đang nắm quyền bằng hệ thống "chuyên chính vô sản" được cài cắm đến tận cơ sở".

Tuy nhiên nhà bất đồng này lạc quan rằng sự đấu tranh của "từng đảng viên có lương tri, sự quyết liệt của của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền sống trong các tầng lớp nhân dân đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ.

"Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian," Giáo sư Tương Lai viết.

Gs Tương Lai mô tả ông "không hề đơn độc" bởi trong Đảng còn nhiều người mà ông gọi là "đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh".

"Họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh làm cho Đảng trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới. Đương nhiên, trong bối cảnh mới ấy, mục tiêu và phương thức đấu tranh phải thích ứng với đòi hỏi mới của cuộc sống đang thay đổi từng giây từng phút để dẫn tới những đột phá.

"Tôi phải tìm một phương thức đấu tranh mới. Tôi sẽ chiến đấu trong tư thế, và chỉ bằng tư thế đó của một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam của Hồ Chí Minh suốt mấy chục năm qua kể từ lúc vào Đảng cho đến những thời kỳ tha hóa ngày càng trầm trọng của một bộ phận chóp bu thao túng, làm băng hoại uy tín và tính chất trong sáng của Đảng, đặc biệt là từ đại hội X," nhà trí thức bất đồng hàng đầu của Việt Nam viết trong tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn với Quốc Phương của BBC về cuộc tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba ở Sài Gòn hôm 16/7/2017, Giáo sư Tương Lai nói cho biết sự kiện này có sự tham gia của một số thành viên trong nhóm nhân sỹ, trí thức ở Sài Gòn, nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cùng một số nhân vật khác, trong đó có các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu v.v...

"'Ở Việt Nam hiện nay, ngọn lửa Lưu Hiểu Ba cũng âm ỷ cháy và bừng sáng trong những con người Việt Nam quả cảm, đang đấu tranh cho khát vọng dân chủ và tự do và cho quyền con người.

'Những người ấy cũng đã bị nhà nước... này bắt giam như đang giam cầm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - mẹ Nấm... và bao nhiêu người khác nữa. Chúng tôi nói rằng họ đang ở tù thay cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng đang đấu tranh cho mục tiêu của họ đang đeo đuổi.

'Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba cũng là để làm nóng lên ý trí quật cường bất khuất của người trí thức Việt Nam, của người đấu tranh cho nhân quyền, cho khát vọng dân chủ và tự do," nguyên thành viên tổ tư vấn chính phủ Việt Nam thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với Quốc Phương của BBC. - BBC
|
|

14.
Việt Nam bắt giữ nhân vật số hai của PetroVietnam

Ngày 01/09/2017, công an Việt Nam bắt tạm giam ông Ninh Văn Quỳnh, phó tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Nhà nước PetroVietnam, trong khuôn khổ cuộc điều tra về ngân hàng Ocean Bank, mà 51 bị cáo đang bị xét xử từ ngày 28/08 ở Hà Nội.

Cùng với 3 viên chức khác của PetroVietnam, ông Ninh Văn Quỳnh, bị bắt về tội « Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng », vì bị xem là đã góp phần làm cho tập đoàn PetroVietnam bị thiệt hại khoảng 34 triệu đôla.

Cụ thể là ông Ninh Văn Quỳnh bị cáo cuộc đã vi phạm các quy định của Nhà nước khi dùng số tiền nói trên để đầu tư vào ngân hàng tư nhân Ocean Bank, hiện gần như bị phá sản. Còn cựu chủ tịch Ocean Bank thì bị cáo buộc đã cấp các khoản vay trái phép tổng cộng 23 triệu đôla vào năm 2012.

Từ Sài Gòn, thông tín viên RFI Frédéric Noir gởi về bài tường trình :

« Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bắt giữ vẫn gây ầm ĩ dư luận. Lần này, chính nhân vật số hai của PetroVietnam và ba cộng sự viên bị tạm giam vì bị xem là đã khiến cho tập đoàn Nhà nước này bị thiệt hại khoảng 34 triệu đôla.

Số tiền nói trên đã được đầu tư dưới hình thức góp vốn vào Ocean Bank, ngân hàng đang bị điều tra về một vụ lừa đảo quy mô lớn và 51 người của ngân hàng này đang bị xét xử.

Những người nói trên thêm vào danh sách rất dài những nhân vật có dính líu trong vụ này, trong đó có cựu lãnh đạo PetroVietnam (Đinh La Thăng), đã bị cách chức ủy viên Bộ Chính trị.

Vào tháng trước, cũng vụ này đã gây khủng hoảng ngoại giao thật sự giữa Hà Nội và Berlin, chính phủ Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã tổ chức vụ bắt cóc cựu lãnh đạo một công ty thuộc PetroVietnam (Trịnh Xuân Thanh) tại Berlin, trong khi ông này đang chờ xét đơn xin tị nạn tại Đức.

Với những vụ bắt giữ theo chỉ đạo này, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như muốn khôi phục hình ảnh và uy tín đối với người dân. Nhưng chính sách chống tham nhũng này cũng nhằm mục tiêu loại trừ các đối thủ chính trị, vào lúc đương kim tổng bí thư đảng và lãnh đạo số một của Việt Nam sẽ sớm rút lui." - RFI
|
|

15.
Little Saigon: Tổng thống Tây Tạng thảo luận về nhân quyền Tây Tạng và Việt Nam

Rất đông người Việt Nam và Tây Tạng đến tham dự “Hội Thảo Nhân Quyền Tây Tạng và Việt Nam” được tổ chức vào sáng Thứ Bảy, 2 Tháng Chín, tại chùa Điều Ngự, Westminster.

Hai diễn giả chính của hội thảo là Tiến Sĩ Lobsang Sangay, tổng thống lưu vong của Tây Tạng, và Luật Sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE.

Ngoài ra, còn có nhiều Phật tử và nhiều dân cử, từ liên bang đến địa phương, tham dự, như Dân Biểu Liên Bang Dana Rohrabacher, Thượng Nghị Sĩ California Janet Nguyễn, Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Thị Trưởng Westminster Trí Tạ, Phó Thị Trưởng Garden Grove Phát Bùi, và Phó Thị Trưởng Fountain Valley Michael Võ,…

… Còn có thêm Dân Biểu Liên Bang Dana Rohrabacher đến tham dự hội nghị.

Người dẫn chương trình cho hội nghị là ông Bảo Nguyễn, cựu thị trưởng Garden Grove.

Ông Bảo có vài lời cám ơn mọi người tham dự, rồi mời ông Dana Rohrabacher lên phát biểu để bắt đầu cuộc họp.

“Hoa Kỳ là một quốc gia tự do, và có rất nhiều sắc tộc. Ai cũng có quyền tự do của mình,” ông Rohrabacher nói. “Chủ nghĩa Cộng Sản đang dần dần biến mất. Và bây giờ, chủ nghĩa này chỉ là một đám côn đồ hung ác.”

Ông nói tiếp: “Tôi hoàn toàn không chấp nhận được sự lộng hành của Trung Quốc với Việt Nam và Tây Tạng. Tôi muốn kêu gọi mọi người ủng hộ những tiếng nói dũng cảm đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam và Tây Tạng. Xin hãy làm theo chỉ dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma và các môn đồ của ngài.”

Sau ông Rohrabacher là bà Janet Nguyễn phát biểu.

Bà kể một chút về cuộc đời của mình, và lý do tại sao bà ủng hộ đấu tranh nhân quyền.

Bà nói: “Tôi sinh ra ở Sài Gòn. Chú tôi bị bắn chết, và cha tôi bị bắt vào trại cải tạo. Nên khi qua Mỹ, tôi cảm thấy như mình tìm được một ngôi nhà, một mái ấm mới vì đất nước này rất tôn trọng nhân quyền.”

“Tôi cực lực lên án sự áp bức của của chủ nghĩa Cộng Sản đối với Tây Tạng và Việt Nam. Chính vì lý do này, tôi xin phép được chào mừng Tổng Thống Lobsang Sangay đến Orange County,” bà Janet kết thúc phát biểu của mình.

Tổng Thống Sangay có vài lời phát biểu: “Tôi là tổng thống đầu tiên của Tây Tạng, được người dân bầu với tính cách hoàn toàn dân chủ. Hiện giờ tôi đang trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tôi từng đi học ở Boston rất lâu. Tôi nghĩ vì trình độ của mình, và vì tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về chính trị nên người dân mới chọn tôi.”

“Nước Mỹ là nhà của rất nhiều sắc dân, ai cũng có tự do, không phải như ở Tây Tạng. Chỉ cần ra đường, hô hào đòi dân chủ là bị bỏ tù, rồi bị tra tấn ngay. Tôi rất thương cho những nhà hoạt động chính trị vì ở Việt Nam vì tình cảnh của họ rất giống với những người bên Tây Tạng,” ông Sangay nói thêm.

Ông nói thêm về việc chủ nghĩa Cộng Sản muốn người dân bỏ đi tín ngưỡng của họ: “Cộng Sản chỉ có 100 tuổi thôi, còn Phật Giáo đã tồn tại đến 2,500 năm rồi. Làm sao Cộng Sản hạ được Phật Giáo? Trung Quốc sẽ không bao giờ chiếm được Tây Tạng.”

“Chúng tôi muốn khôi phục lại những quyền lợi căn bản cho người dân Tây Tạng. Hoa Kỳ là một nước hùng cường vì đất nước này tôn trọng con người, tôi muốn nước mình và Việt Nam cũng được như vậy. Tôi rất cám ơn những viên chức của Orange County, và các hòa thượng đã đến dự cuộc họp hôm nay,” Tổng Thống Sangay chấm dứt phát biểu của mình.

Sau Tiến Sĩ Sangay là phần phát biểu của các ông Andrew Đỗ, Trí Tạ, Phát Bùi, và Michael Võ.

Sau khi mọi người phát biểu, các hòa thượng và khách tham dự dành vài phút để đọc kinh và mặc niệm cho những người đã mất trong đấu tranh nhân quyền.

Sau đó, cuộc hội thảo bắt đầu.

Luật Sư Trịnh Hội và Tổng Thống Lobsang Sangay lên sân khấu để thảo luận với nhau, và với khán giả về những giải pháp để giúp đỡ những nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền.

Ông Trịnh Hội sinh ra ở Sài Gòn, và sống ở đó cho đến 14 tuổi. Ông và gia đình trốn sang Úc.

Ông Hội chia sẻ kiến thức của mình về Hiến Pháp Việt Nam, vì đã từng có kinh nghiệm giúp đỡ những nhà hoạt động trong nước.

“Theo Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam, đảng Cộng Sản có quyền lực tuyệt đối. Người dân không có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và tự do bầu cử. Ngoài những quyền công dân căn bản ra, người dân Việt Nam không có quyền chính trị gì cả.”

Ông cho biết, VOICE là một tổ chức phi lợi nhuận, có mục đích giúp đỡ các nhà hoạt động qua nhiều cách như giúp phương tiện, tài chính, và pháp lý.

Ngoài ra, tổ chức này còn giúp đỡ thuyền nhân và người Việt tị nạn tại một số quốc gia.

Trong cuộc đối thoại với ông Hội, ông Sangay nói: “Tuyết trên núi Tây Tạng tan rồi chảy xuống sông Mekong. Vì vậy, tôi nghĩ người Việt và người Tây Tạng là anh em với nhau vì uống cùng nguồn nước.”

Luật Sư Trịnh Hội tiếp lời: “Vấn đề về nhân quyền ở hai nước này thì chắc ai cũng biết, nhưng hôm nay chúng ta có mặt ở đây là để nói về giải pháp.”

“Chúng tôi có một cơ sở đào tạo ở Manilla, Philippines, để giúp những nhà hoạt động trẻ tuổi. Phải có nhiều người bất đồng chính kiến thì mới có dân chủ được,” ông Hội đưa ra một giải pháp.

Tổng Thống Sangay đáp lại: “Tôi đi máy bay toàn đi hạng thường, không bao giờ đi hạng sang cả. Tốn tiền gấp ba bốn lần để làm gì? Sao không dùng tiền đó đầu tư vào giáo dục?”

Ông Hội nói tiếp: “Tôi hoàn toàn không phân biệt 95 triệu người dân Việt Nam, và 4 triệu người Việt ở hải ngoại. Chỉ khác một điểm là người ở hải ngoại có khả năng tài chính vững hơn, nên nhiệm vụ của chúng ta là phải giúp những người ở Việt Nam thấy được ánh sáng dân chủ.”

Vào lúc kết thúc hội thảo, ông Hội nói: “Sắp đến giờ bay của tôi và Tổng Thống Sangay rồi, chắc tôi phải xin ông cho quá giang để có gì còn nói chuyện thêm.”

Ông Sangay có lời tạm biệt mọi người: “Tôi rất biết ơn mọi người đã bỏ công đến tham dự hôm nay. Thời tiết nóng quá, mà mọi người đến đông như vậy, làm cho hội thảo này thật có ý nghĩa. Tôi cũng muốn cám ơn giới truyền thông đến tham dự buổi họp hôm nay.”

Ông nói thêm: “Giờ tôi phải đi cho kịp chuyến bay qua Mexico. Tôi mà đi trễ hay không đến, chắc họ than phiền không ngừng nghỉ. Thành thật cám ơn mọi người đến hôm nay, và tôi hy vọng mọi người sẽ đến dự nhiều sự kiện như vậy hơn.” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment