Thursday, September 14, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 14/9

Tin Thế Giới

1.
Triều Tiên bắn thêm phi đạn mới --- Triều Tiên dọa ‘nhấn chìm’ Nhật, biến Mỹ thành ‘tro tàn và bóng tối’

Cập nhật:

Triều Tiên bắn một phi đạn đạn đạo ngang qua Nhật Bản sáng sớm 15/9 (giờ địa phương), theo tin chính phủ Nhật.

Nhật cực lực phản đối hành động mà họ mô tả là ‘khiêu khích không thể dung chấp’ của Bình Nhưỡng.

Phi đạn được phóng đi lúc 6:57 sáng, giờ Nhật, bay ngang qua Hokkaido và rơi xuống biển lúc 7:06 sáng, cách Cape Erimo thuộc đảo Hokkaido khoảng 2 ngàn cây số, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết.

Ông Suga cảnh cáo Nhật sẽ có hành động thích hợp và kịp thời tại Liên hiệp quốc và các nơi khác, đồng thời giữ liên lạc chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề này.

Tại Hàn Quốc, Dinh Ngói Xanh của Tổng thống đã triệu tập một cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia.

Trước đây, Triều Tiên từng phóng một phi đạn đạn đạo từ Sunan vào ngày 29/8 bay ngang qua đảo Hokkaido của Nhật và đáp xuống vùng biển Thái Bình Dương.

--------------------

Triều Tiên sáng sớm ngày 15/9 (giờ địa phương) vừa bắn một phi đạn chưa rõ loại gì từ quận Sunan trong thủ đô Bình Nhưỡng hướng về phía đông, theo tin từ quân đội Hàn Quốc.

Quân đội Mỹ-Hàn đang phân tích các chi tiết về vụ phóng mới nhất này, Văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân của Hàn Quốc được Reuters dẫn lời cho biết.

Phi đạn mới được phóng chỉ một ngày sau khi cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên ngày 14/9 đe dọa ‘nhấn chìm’ Nhật, biến Mỹ thành ‘tro’ vì hai nước này ủng hộ nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng hôm 3/9.

Hôm 11/9, Hội đồng Bảo an với 15 thành viên nhất trí thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo và một loạt biện pháp trừng phạt mới, cấm nhập khẩu hàng dệt may mang nhiều lợi nhuận cho Triều Tiên và ấn định mức cung cấp xăng dầu, khiến Triều Tiên lên tiếng đe dọa trả đũa Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/9 tuyên bố những chế tài mới nhất đối với Triều Tiên chỉ là một bước rất nhỏ, không thể sánh bì với những gì sẽ xảy ra để đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nghị quyết hôm 11/9 là nghị quyết lần thứ 9 được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí chấp thuận kể từ năm 2006 về chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. - VOA

***
Hãng thông tấn Triều Tiên hôm 14/9 đưa ra lời đe dọa rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Hoa Kỳ thành “tro tàn và bóng tối” vì đã ủng hộ nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc về vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của nước này.

Theo Reuters, Ủy ban Hòa bình Châu Á - Thái Bình Dương, là cơ quan giải quyết các mối quan hệ với nước ngoài và cũng là cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên, kêu gọi giải tán Hội đồng Bảo an, mà ủy ban này mô tả là “công cụ của sự ác”, gồm các quốc gia bị “mua chuộc” hành động theo lệnh của Hoa Kỳ.

“Bốn hòn đảo của quần đảo [Nhật Bản] nên bị nhấn chìm xuống biển bằng bom hạt nhân của Juche (hệ tư tưởng Chủ thế). Nhật Bản không còn cần thiết để tồn tại gần chúng ta nữa”, ủy ban này nói trong một tuyên bố được KCNA, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên, trích dẫn.

Juche là hệ tư tưởng của nhà cầm quyền Triều Tiên. Hệ tư tưởng này kết hợp giữa Chủ nghĩa Marx và một hình thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc của nhà sáng lập quốc gia Kim Il Sung, ông nội của đương kim lãnh tụ Kim Jong Un.

Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng rõ rệt kể từ khi Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9. Đây là vụ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất sau một loạt các vụ phóng thử thử tên lửa trước đó, bao gồm một vụ thử mà tên lửa bay ngang qua Nhật Bản.

Hôm 11/9, Hội đồng Bảo an với 15 thành viên nhất trí thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo và một loạt biện pháp trừng phạt mới, cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên. Đây sản phẩm đứng hạng hai mang về nhiều thu nhập nhất cho nước này, chỉ sau ngành than đá-khoáng sản và cung cấp nhiên liệu.

Với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga, Triều Tiên đã phản ứng trước động thái mới nhất của Hội đồng Bảo an bằng cách lặp lại những lời đe dọa sẽ tiêu diệt Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Hãy biến Hoa Kỳ thành tro bụi và bóng tối. Chúng ta hãy xả sự phẫn nộ bằng việc huy động tất cả các phương tiện trả đũa đã được chuẩn bị cho đến lúc này”.

Nhưng bất chấp đe dọa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố vẫn chống đối sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trong nước ông, dù là bằng cách phát triển kho vũ khí riêng hay đưa về lại Hàn Quốc các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã bị thu hồi vào đầu những năm 1990.

Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ dự định chu cấp 8 triệu đôla thông qua Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc và UNICEF để giúp trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở miền Bắc.

Động thái này đánh dấu trợ giúp nhân đạo đầu tiên của Seoul dành cho Triều Tiên kể từ lần thử hạt nhân thứ tư vào tháng 1/2016. Bộ này cho biết sự trợ giúp này được dựa trên chính sách lâu dài của Hàn Quốc, tách trợ giúp nhân đạo khỏi các vấn đề chính trị. - VOA
|
|

2.
Nhật kêu gọi thi hành triệt để nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

Kết thúc chuyến viếng thăm Ấn Độ 2 ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi thi hành một cách nghiêm ngặt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân mới đây.

Ngày 14/9, sau khi thảo luận với người tương nhiệm Ấn Độ, ông Abe nói “Cùng với Thủ tướng Narendra Modi, tôi muốn kêu gọi thế giới là chúng ta cần làm cho Triều Tiên thay đổi chính sách bằng cách cộng đồng quốc tế thi hành toàn diện nghị quyết mới được Hội đồng Bảo an chấp thuận.”

Nhấn mạnh Triều Tiên phải rút lại chương trình phi đạn và hạt nhân, ông Abe cho biết Nhật Bản và Ấn Độ sẽ có những bước vững chắc chống lại những thách thức đến từ quốc gia này. Ông nói thêm là cả hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết buộc Triều Tiên thay đổi chính sách.

Trong một tuyên bố chung, hai vị Thủ tướng mạnh mẽ hối thúc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo và không có những hành động khiêu khích nào thêm nữa.

Trước đó trong ngày, ông Abe khánh thành dự án xe điện cao tốc đầu tiên của Ấn Độ tại thành phố Ahmedabad ở phía tây và tuyên bố tình hữu nghị Ấn Độ-Nhật Bản đã phát triển thành một đối tác chiến lược và toàn cầu trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. “Một nước Ấn Độ mạnh mẽ là lợi ích của Nhật Bản và một nước Nhật lớn mạnh là lợi ích của Ấn Độ,” ông Abe nói.

Dự án đường cao tốc trị giá 17 tỉ đô la là một dấu hiệu rõ ràng nhất về những quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia châu Á đang lo ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Xe điện cao tốc này mất hơn hai giờ đồng hồ một ít để chạy khoảng đường 508 kilômét từ Ahmedabad đến trung tâm tài chánh Mumbai, kết nối một trong những vùng kỷ nghệ hóa lớn nhất của Ấn Độ với những vùng đang phát triển.

Chỉ rõ việc Nhật Bản cho vay không lời để trả hầu hết các chi phí của xe điện cao tốc, ông Modi gọi đây là một món quà to lớn. Trả lời những chỉ trích cho rằng Ấn Độ nên chú trọng đến mạng lưới đường ray cũ kỹ thay vì chế tạo những những xe điện đắt giá, ông Modi nói dự án xe điện cao tốc “sẽ mang tốc độ cao, phát triển mạnh và công nghệ cao cho đất nước,” và tạo nên hàng ngàn việc làm.

Hai nước đã ký 15 thỏa thuận và thảo luận về việc củng cố đối tác quốc phòng và mở rộng sự hợp tác về năng lượng hạt nhân dân sự.

Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Shivshankar nói những dự án nối liền các địa phương sẽ đặc biệt chú trọng đến những vùng xa xôi, kém phát triển tại các bang vùng đông bắc giáp ranh Trung Quốc và Myanmar, và tại Đông Á.

Ấn-Nhật cũng dự trù thực hiện những dự án hạ tầng cơ sở tại các nước châu Phi. Nhật Bản và Ấn Độ mới đây đã phát động một sáng kiến có tên Hành lang Tăng trưởng Á Phi được xem như là một đối kháng với sáng kiến Một Vòng đai Một Con đường của Trung Quốc. - VOA
|
|

3.
Bà Suu Kyi không dự cuộc họp LHQ giữa các chỉ trích về vụ sát hại người Rohingya

Trước làn sóng chỉ trích của thế giới về vụ tàn sát người sắc tộc Rohingya ở Myanmar, khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo chính trị nổi bật nhất của Myanmar đã hủy chuyến đi đến dự Đại hội đồng LHQ.

Văn phòng của bà Aung San Suu Kyi loan báo hủy chuyến đi hôm thứ Tư 13/9, chưa đầy một tuần trước hội nghị hàng năm ở New York, quy tụ các nhà lãnh đạo đại diện cho 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ.

Hãng tin AP dẫn lời văn phòng Tổng thống Myanmar cho biết bà Suu Kyi không đi New York dự họp để dành thời giải quyết các vấn đề an ninh trong nước.

Quyết định của bà Suu Kyi được đưa ra giữa lúc các cuộc tấn công chết người do lực lượng an ninh Myanmar thực hiện đối với người Hồi giáo Rohingya bị đả kích dữ dội.

Trong những tuần gần đây, hàng trăm người đã bị sát hại, kể cả trẻ em. Theo các giới chức và tin tức từ khu vực, gần 400.000 người đã bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh.

Các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức nhân quyền góp giọng tố cáo các cuộc tấn công này như môt cuộc thanh tẩy sắc tộc - có người con gọi đây là một cuộc diệt chủng - và đã gay gắt chỉ trích bà Aung San Suu Kyi về điều mà họ mô tả là sự thờ ơ của bà.

Tổng thư ký LHQ António Guterres nói với các phóng viên hôm thứ Tư 13/9 rằng tình hình người Rohingya thât vô cùng "thảm khốc."

Bà Suu Kyi không phải là tổng thống của Myanmar - chức vụ chính thức của bà là cố vấn quốc gia và Ngoại trưởng - nhưng bà nắm thực quyền lãnh đạo quốc gia mặc dù bà không kiểm soát quân đội.

Phát ngôn viên văn phòng của Tổng thống Zaw Htay nói rằng vì Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đang phải nhập viện, nên Phó Tổng thống thứ hai Henry Van Tio sẽ dự Đại hội đồng LHQ kỳ này. - VOA
|
|

4.
Trần Mẫn Nhĩ: đi lên từ tỉnh nghèo khó Quý Châu

Trần Mẫn Nhĩ, người mới đây được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và có nhiều khả năng tham gia vào thế hệ lãnh đạo thứ sáu sau ông Tập Cận Bình, đã trải qua thời gian công tác tại một trong những vùng nghèo khó nhất Trung Quốc.

Tỉnh Quý Châu ở miền tây nam đã từng là địa bàn để các lãnh đạo tiềm năng của Trung Quốc thử thách năng lực. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng làm việc ở tỉnh này trước khi thăng tiến lên các vị trí cao hơn.

Tờ New York Times nhận định rằng giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục chọn một người đã được rèn luyện ở Quý Châu là ông Trần Mẫn Nhĩ để đề bạt vào cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Nếu điều này trở thành hiện thực ở Đại hội 19 tới đây thì ông Trần nhiều khả năng sẽ là ứng viên tiềm năng để kế nhiệm ông Tập Cận Bình.

Ông Trần hiện nay 56 tuổi. Ông từng là sinh viên văn khoa và làm việc ở bộ phận tuyên truyền. Ông gần như chắc chắn sẽ vào Bộ Chính trị tại Đại hội sắp tới.

“Ông Trần rõ ràng là người thăng tiến rất nhanh và tôi cho rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị,” ông Christopher K. Johnson, một chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định với New York Times. “Tôi không tin việc đó sẽ xảy ra vào lúc này nhưng ông Tập Cận Bình có thể dùng ảnh hưởng của mình để cất nhắc ông ấy sớm như là một cách để khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của mình.”

Ông Trần có một số lợi thế trong cuộc đua quyền lực hiện nay. Ông là một trong những người được ông Tập đỡ đầu. Ông có một thời gian công tác ở tỉnh Chiết Giang, một tỉnh giàu có ở miền đông Trung Quốc, dưới quyền của thư tỉnh ủy lúc đó là ông Tập. Mùa hè năm nay, ông Trần đã được giao cho một vị trí quan trọng là Bí thư của Trùng Khánh, một thành phố rộng lớn với 30 triệu dân, để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của ông.

Trước đó, ông đã có năm năm rưỡi làm việc ở Quý Châu, trong đó có hai năm làm bí thư tỉnh ủy. Phục vụ tại một tỉnh nghèo với đa phần là nông thôn là rất quan trọng cho triển vọng thăng tiến của ông Trần. Nó cho ông kinh nghiệm ở cấp cơ sở chắc chắn để trở thành lãnh đạo quốc gia khi mà tương lai của 590 triệu người dân nông thôn ở Trung Quốc đang ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách của Chính phủ.

Ở Quý Châu, ông Trần đã thúc đẩy việc sát nhập ruộng đất nhỏ lẻ của các hộ vào hợp tác xã. Nông dân sẽ cùng đóng góp ruộng đất, tiền bạc và công sức. Ý tưởng này đã được thử nghiệm ở các tỉnh khác trong nhiều năm nhưng chính ông Trần là người thúc đẩy mạnh mẽ.

Ông Tập cũng từng bắt đầu sự nghiệp tại một xã nông thôn dưới thời của Mao và có ba năm làm phó bí thư một huyện miền núi ở miền bắc Trung Quốc. Ở tỉnh Chiết Giang, ông Tập đã thúc đẩy một chương trình hợp tác hóa tương tự như chương trình mà ông Trần đang thực hiện.

Ông Tập đã nói rằng ông sẽ tham gia Đại hội Đảng sắp tới với tư cách là đại biểu của tỉnh Quý Châu mặc dù ông chưa bao giờ làm việc ở tỉnh này. Các quan chức ở Quý Châu mừng rỡ trước sự ủng hộ mà ông Tập dành cho ông Trần, theo New York Times.

“Quý Châu là địa bàn rất tốt cho những nhân vật triển vọng thử thách trong một vài năm,” ông Đinh Học Lương, giáo sư Chính trị Trung Quốc tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong, cho biết. “Anh đến công tác tại một trong những địa bàn nghèo khổ nhất, khó khăn nhất và gánh trách nhiệm thay đổi nó. Điều đó sẽ giúp anh ghi điểm để sau này được cất nhắc cao hơn.”

Ông Bruce J. Dickson, một nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, cho biết các cán bộ trong Đảng thường được rèn luyện cho các vị trí cao hơn bằng cách luân chuyển qua những địa bàn kém phát triển. “Có sự nhìn nhận rộng rãi rằng sự bất bình đẳng đang lan rộng và nâng cao mức sống người dân ở nông thôn là một cách cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập.”

Tình hình kinh tế của Quý Châu đã cải thiện và đời sống nông thôn ở đây đã tốt hơn so với 10 năm trước, nhưng tình trạng nghèo đói triền miên ở khu vực miền núi lâu nay vẫn là điểm nghẽn trong lời hứa của ông Tập chấm dứt nghèo đói ở nông thôn cho đến năm 2020. Ông Trần đã nhận thách thức này với lòng nhiệt tình. “Đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo đúng kế hoạch là một cuộc chiến gian khổ mà Quý Châu không thể thua,” ông phát biểu hồi tháng Ba. “Nếu chúng ta thua, chúng ta sẽ thất hứa và để mất niềm tin của công chúng.”

Ông La Tiểu Bằng, một quan chức về chính sách nông thôn đã về hưu và từng có thời gian dài làm việc ở các dự án giảm nghèo ở tỉnh Quý Châu, nhận định rằng các chính sách nóng vội của ông Trần có thể có tác dụng ngược. Chẳng hạn như, nông dân có thể bị dụ tham gia vào những dự án tốn kém và đầy rủi ro để rồi cuối cùng bị mất đất sau vài năm. “Tôi không nghĩ rằng cách làm này là hiểu được các vấn đề căn bản của nông thôn Trung Quốc,” ông La nói.

Tuy nhiên ông Trần sẽ không còn ở Quý Châu nữa để thấy được tác động lâu dài của những chính sách của ông. Ông đã được chuyển đến nhiệm vụ mới quan trọng hơn. - VOA
|
|

5.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi Miến Điện chấm dứt thanh lọc chủng tộc

Sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về tình cảnh người Rohingya tại Miến Điện, ngày hôm qua, 13/09/2017, trong cuộc họp báo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Miến Điện đình chỉ các chiến dịch quân sự nhắm vào sắc tộc thiểu số Rohingya. Ông cho rằng chính quyền Miến Điện đang tiến hành các hoạt động thanh lọc chủng tộc.

Tuy nhiên, theo Reuters, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tỏ ra thận trọng vì Trung Quốc ủng hộ việc tấn công nhắm vào một nhóm người Rohingya nổi dậy vũ trang và không lên án sự im lặng của lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên Marie Burreau cho biết thêm thông tin :

“Trong ngôn từ ngoại giao, Hội Đồng Bảo An chỉ ra được một tuyên bố ở mức thấp nhất, bởi vì văn bản này do đại sứ Ethiopia đọc. Trong tháng Chín, Ethiopia là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An và vị đại sứ của nước này không che dấu sự thất vọng trước sự các nước thành viên chỉ đạt được đồng thuận tối thiểu.

Theo bản tuyên bố, các nước thành viên Hội Đồng Bảo An bày tỏ các quan ngại liên quan đến các báo cáo về việc sử dụng vũ lực thái quá trong các chiến dịch an ninh và kêu gọi Miến Điện đưa ra ngay các biện pháp chấm dứt bạo lực tại Rakhine.

Trước đó một chút, chính tổng thư ký Liên Hiệp Quốc AntonioGuterres đã kêu gọi chính quyền chấm dứt các hành động quân sự. Trong cuộc họp báo, khi được hỏi về việc Cao Ủy Nhân Quyền tố cáo tình trạng thanh lọc chủng tộc, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã trả lời thẳng thừng rằng khi một phần ba cộng đồng người Rohingya phải chạy ra khỏi nước để lánh nạn thì liệu có từ gì khác để nói rõ tình cảnh này hay không.

Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi đã khẳng định không tới New York vào tuần tới để dự khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, không vì thế là hồ sơ Miến Điện sẽ không được thảo luận. Sẽ có hai cuộc họp do Thổ Nhĩ Kỳ và Anh Quốc chủ trì để bàn về tình cảnh của người Rohingya ».

Trong khi đó, hôm nay báo chí nhà nước Miến Điện cho biết Trung Quốc ủng hộ chiến dịch quân đội Miến Điện trấn áp phiến quân Rohingya. Theo tờ báo nhà nước Global New Light of Myanmar, đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện tuyên bố là Bắc kinh có quan điểm rất rõ ràng : đó là công việc nội bộ của Miến Điện. Đại sứ Trung Quốc phát biểu : « Chiến dịch đáp trả của quân đội Miến Điện nhắm vào những kẻ khủng bố và các biện pháp của chính phủ để trợ giúp người dân được hoan nghênh nhiệt liệt". - RFI
|
|

6.
Vì sao NATO lo lắng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga?

Kể từ ngày hôm nay 14/09/2017, Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận có quy mô lớn, kéo dài cho đến hết ngày 20/09. NATO lấy làm lo lắng và theo dõi sát sao cuộc tập trận này. Vì sao ?

Cuộc tập trận lần này mang tên « Zapad 2017 ». Trong tiếng Nga, « Zapad » có nghĩa là « phía tây » hay « phương Tây », tức nói đến những vùng lãnh thổ phía tây của Nga, Belarus và Kaliningrad, vốn dĩ nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và các nước vùng Baltic. Địa điểm tập trận diễn ra ngay sát biên giới với Ba Lan và Litva, thành viên của khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Sự kiện quân sự lớn này đang khiến nhiều quốc gia lân cận với Nga và khối NATO lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu và NATO xem cuộc tập trận này hoặc như là một hành động khiêu khích từ Matxcơva, hoặc đó là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quân sự.

Đáp trả những lo lắng trên của NATO và Liên Âu, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine khi trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle ngày 29/08, nhắc lại rằng chính NATO đang đe dọa Nga qua việc cho triển khai binh sĩ ngay sát biên giới với Nga.

« Thứ nhất, chính NATO đang đóng quân gần biên giới của chúng tôi. Quý vị có thể thấy điều đó, Nga không triển khai quân ở biên giới Đức hay Pháp. Trong trường hợp đó, ai sẽ là động lực thúc đẩy ? Chúng ta hãy nhìn thẳng những gì đang diễn ra từ một khía cạnh khác : cuộc tập trận "Zapad 2017" không phải là một lý do để NATO triển khai lực lượng ở biên giới Nga ».

Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định cuộc tập trận này đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời cáo buộc « các giả thuyết của một số truyền thông cho rằng tập trận nhằm sắp xếp "một điểm đầu cầu" để xâm chiếm Litva, Ba Lan hay Ukraina là dối trá ».

Chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp-Nga cho rằng có một luận điểm thường xuyên được lặp lại trong một số phân tích khi nói về mối đe dọa của Nga. Theo đó, « quân đội Nga đã từng tiến hành tập trận quy mô lớn trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia năm 2008 hay khi xảy ra khủng hoảng Ukraina năm 2014. Do đó, họ thường nhấn mạnh : "Chắc gì Nga không tái diễn lại cùng một kịch bản và không xâm chiếm một trong số các nước vùng Baltic hay một phần lãnh thổ Ba Lan ? " »

Dù vậy, những giải thích của Matxcơva vẫn chưa thể nào trấn an NATO và các nước vùng Baltic. Ngoài việc, không chắc chắn về mục đích cuộc tập trận, NATO cáo buộc Nga thiếu minh bạch trong việc tổ chức « Zapad 2017 ».

Litva tố cáo Nga muốn huy động hơn 100 000 binh sĩ cho cuộc tập trận với ý đồ để lại một bộ phận quân đội trên lãnh thổ Belarus một khi cuộc tập trận kết thúc. Về phần mình, Nga cho đến lúc này vẫn khẳng định có 12 700 quân nhân tham gia (7 200 binh sĩ Belarus và 5 500 lính Nga).

Với Matxcơva, con số này có một tầm quan trọng, vì điều đó cho phép Nga không bị bắt buộc phải mở cửa cho các nhà quan sát nước ngoài đến thanh sát tập trận, theo như con số ấn định của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE từ 13 000 quân trở đi.

Căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh « Zapad 2017 » có lẽ cũng khó mà hạ nhiệt trong suốt thời gian cuộc tập trận. Trước nỗi bất an của nhiều nước vùng Baltic và Ba Lan, Hoa Kỳ đã quyết định gởi 7 chiến đấu cơ F-15 tiến hành tuần tra trong không phận các nước Baltic. - RFI
|
|

7.
Tàu ngầm Trung Quốc lần thứ hai đến thăm Malaysia

Reuters ngày 13/09/2017 cho biết một tầu ngầm Trung Quốc đã cập quân cảng Malaysia. Đây là lần thứ hai trong năm tầu ngầm Trung Quốc đến thăm đất nước Đông Nam Á này. Chuyến thăm đầu tiên được thực hiện vào tháng Giêng năm nay.

Thông tin đã được Hải Quân Malaysia xác nhận. Tầu ngầm Trung Quốc đã cập cảng quân sự Sepanggar, nằm ở bang Sabah, Borneo. Chuyến thăm chính thức kéo dài từ thứ Sáu 15/9 cho đến ngày thứ Hai 18/09.

Trả lời câu hỏi hãng tin Reuters, đô đốc Hải Quân Malaysia Ahmad Kamarulzaman Ahmad Badaruddin cho rằng « đây chỉ một phần nỗ lực của Malaysia để tăng cường chính sách ngoại giao quốc phòng và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương »

Tầu ngầm Trung Quốc được một tầu chiến Trung Quốc hộ tống và sẽ trở về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ hộ tống tầu ngầm đến vịnh Aden. - RFI
|
|

8.
Tiền Trung Quốc thổi bay ảnh hưởng của Mỹ tại Cam Bốt

Vào lúc chính quyền Cam Bốt và thủ tướng Hun Sen càng lúc càng không ngần ngại lên tiếng đả kích Hoa Kỳ một cách dữ dội hơn, giới quan sát ghi nhận sự trùng hợp của việc tiền bạc của Trung Quốc ngày càng đổ vào xứ Chùa Tháp nhiều hơn, trong những công trình được dễ dàng trông thấy, trong lúc viện trợ của Mỹ dù quan trọng nhưng lại không thấy đâu.

Trong một bài phân tích ngày 13/09/2017, hãng tin Anh Reuters ghi nhận sự cố mới nhất trong quan hệ Mỹ-Cam Bốt, với việc Phnom Penh tố cáo sứ quán Mỹ tại Cam Bốt là đã âm mưu tạo phản cùng với một lãnh đạo đối lập bị chính quyền Hun Sen bắt giam.

Bị cáo buộc, đại sứ quán Mỹ đã cho công bố trên trang web của mình hình một con cá trích đỏ, tiếng Anh là "red herring", một từ ngữ hàm nghĩa hành động đánh lạc hướng dư luận.

Tiếp theo đó, từ thứ Hai 11/09, đã xuất hiện một số bài viết cụ thể, cho thấy rõ là viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Cam Bốt đã giúp nước này bảo vệ được đền đài và rừng cây của mình.

Các bài viết cũng cố nhấn mạnh sự khác biệt to lớn giữa viện trợ từ Hoa Kỳ và viện trợ từ Trung Quốc, một khoản hỗ trợ mạnh mẽ đã góp phần giúp cho thủ tướng Hun Sen dễ dàng bác bỏ những lời chỉ trích ông về vụ bắt giữ đối thủ chính trị của ông là Kem Sokha.

Theo hãng Reuters, Trung Quốc không chỉ đã vượt xa Mỹ về số tiền đổ vào quốc gia này, mà tiền bạc của Bắc Kinh còn đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy được, và nhất là không kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cải cách chính trị.

Các số liệu mới nhất về viện trợ cho phát triển tại Cam Bốt cho thấy rõ tầm quan trọng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc chiếm gần 36% trong số 732 tỷ đô la viện trợ song phương cho Cam Bốt cho năm 2016 - gần gấp bốn lần so với Hoa Kỳ.

Sự chênh lệch thậm chí còn cao hơn trong lãnh vực đầu tư. Trung Quốc đã cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Cam Bốt vào năm 2016, trong lúc đầu tư Mỹ chỉ khoảng hơn 3%.

Trái với Trung Quốc, viện trợ của Mỹ hướng nhiều hơn vào các dự án xã hội và cố gắng xây dựng một nền dân chủ - điều mà Hun Sen, nắm quyền tại Cam Bốt từ hơn 30 năm nay không hề mong muốn chút nào.

Một chi tiết cụ thể phản ánh thái độ coi thường Mỹ của chính quyền Phnom Penh : Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt ông Phay Siphan đã xác định với Reuters rằng « Nhận viện trợ Mỹ không có nghĩa là người Mỹ có thể yêu cầu chúng tôi làm những gì họ muốn. Chúng tôi không phải là đồng minh của họ. Chúng tôi không phải là nô lệ của họ ». Cùng lúc nhân vật này đã khen ngợi Bắc Kinh : « Trung Quốc luôn ủng hộ chúng tôi trong tăng trưởng kinh tế và họ không bao giờ can thiệp vào các quyết định của chúng tôi ».

Nhân một chuyến viếng thăm Cam Bốt gần đây, Vương Gia Thụy, phó chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, một lãnh đạo có vai vế tại Bắc Kinh, đã khẳng định rằng : « Để đảm bảo an ninh cho Cam Bốt, Trung Quốc sẽ hợp tác với Cam Bốt trong mọi tình huống ».

Theo Reuters, trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh không phải là hoàn toàn vô vị lợi. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã dựa vào Cam Bốt trong các cuộc họp của khu vực Đông Nam Á để đáp lại các chỉ trích về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Còn ngay tại Cam Bốt, quân đội Trung Quốc cũng đã giành được được một chỗ đứng chiến lược.

Tóm lại, ảnh hưởng Trung Quốc đối với Cam Bốt gia tăng nhờ chi viện to lớn, đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ. Tương lai được cho là còn tệ hại hơn đối với Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump lại muốn cắt giảm 70% hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cam Bốt kể từ năm 2018. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Thẩm phán giục Tổng thống Trump ‘nới tay’ cho Dreamers

Một thẩm phán Mỹ ngày 14/9 một lần nữa thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Trump nới rộng hạn chót đối với một số di dân tái đệ đơn xin được giải quyết theo chương trình DACA bảo vệ những di dân đến Mỹ từ nhỏ không có giấy tờ hợp lệ trước nguy cơ bị trục xuất.

Tổng thống Donald Trump mới đây quyết định bãi bỏ chương trình DACA vào tháng 3 năm sau. Tuy nhiên những di dân được gọi là Dreamers này có giấy phép làm việc hết hạn trước đó có thể nạp đơn tái gia hạn giấy phép làm việc trong hai năm, nhưng họ phải nạp đơn trước ngày 5 tháng 10.

Thẩm phán liên bang ở New York, ông Nicholas Garaufis, nói việc gia hạn sẽ giúp Quốc hội có thời gian để thông qua một giải pháp lập pháp mà không ảnh hưởng đến những người trong chương trình này.

“Không ai bị thiệt hại khi gia hạn thời hạn chót này,” thẩm phán Garaufis nói, “đặc biệt là 800.000 người lo sợ là có ai đó sẽ gõ cửa và tống xuất họ về một xứ sở mà họ không biết và không nói được tiếng địa phương.”

Phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Brett Shumate nói đã cứu xét việc nới rộng hạn chót vì những thiên tai gần đây, nhưng chưa có quyết định nào cả.

Ngày 14/9 ông Trump loan báo sắp đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Dân chủ tại Quốc hội về các biện pháp bảo vệ các di dân này. Điều này gây ngạc nhiên cho các đảng viên Cộng hòa nhưng lại khiến những người ủng hộ bảo thủ rơi vào tình trạng ‘báo động.’

Phán quyết của thẩm phán được đưa ra trong lúc ông quyết định xem những tổ chức bênh vực di dân có được phép đệ đơn kiện mới hay không trong việc thách thức quyết định của Tổng thống Trump chấm dứt chương trình DACA.

Ông Martín Batalla Vidal, 26 tuổi thuộc chương trình DACA mà tình trạng của ông sẽ hết hạn vào tháng 2 năm 2019, trả lời họp báo bên ngoài Tòa án sau phiên xử rằng: “Tôi vui mừng là thẩm phán thấy được khía cạnh kinh tế của việc này đối với những Dreamers trên toàn quốc.”

“Ông ấy biết được nếu chúng tôi mất DACA và chúng tôi mất việc làm, điều này sẽ gây nhiều tổn thương cho gia đình chúng tôi.” - VOA
|
|

10.
Vụ Nga-Trump: Đồng minh của ông Trump sắp ra điều trần

Ông Roger Stone, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Donald Trump, ngày 14/9 tuyên bố nhận lời điều trần trong một phiên họp kín tại Ủy ban Tình báo Hạ viện trong cuộc điều tra về việc Nga có thể can thiệp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

“Tất cả 20 thành viên của ủy ban sẽ có mặt trong buổi điều trần,” ông Stone, một cố vấn không chính thức của Tổng thống Trump, nói trong một tuyên bố.

Cuộc điều trần sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 9.

Ông Stone nói ông đã yêu cầu được điều trần công khai, mở rộng để được hoàn toàn minh bạch. Nhưng vì đây là một buổi điều trần kín, ông đã yêu cầu công bố ngay tức khắc văn bản để tránh những ngộ nhận lầm lẫn về lời khai chứng của ông.

“Tôi rất mong đến ngày điều trần và tôi cũng muốn nói lại cho đúng một số tuyên bố của các thành viên ủy không đúng về những hoạt động của tôi trong năm 2016,” ông Stone nói.

Uỷ ban của Hạ viện là một trong những uỷ ban chính của quốc hội điều tra về những cáo buộc là Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và điều tra xem có những ai làm việc cho ông Trump thông đồng với Moscow hay không.

Nga phủ nhận bất cứ nỗ lực nào, và ông Trump cũng bác bỏ bất cứ những cuộc thảo luận nào về thông đồng.

Trước đây trong năm truyền thông loan tin là ông Stone nằm trong số những người làm việc cho ông Trump mà việc thông tin và giao dịch tài chánh đã được FBI điều tra và những người khác trong khuôn khổ một cuộc điều tra rộng lớn hơn.

Vào lúc đó ông Stone phủ nhận là không có tiếp xúc hay thông đồng với người Nga. - VOA
|
|

11.
Ông Trump có thể ghé thăm Việt Nam cuối năm nay

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/9 tuyên bố có thể ghé thăm Việt Nam để dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vào tháng 11 năm nay.

Ông Trump là người chú trọng đến chuyện làm việc với Trung Quốc để nỗ lực kìm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên. Về lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Philippines, nhà lãnh đạo Mỹ nói không chắc có tham dự hay không.

“Chúng tôi có thể đi châu Á vào tháng 11. Và chúng tôi sẽ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cả Việt Nam để tham dự hội nghị,” ông Trump nói.

Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines, ông Trump công nhận là ông được mời nhưng nói rằng: “Để xem đã.”

Phó Tổng thống Mike Pence loan báo hồi tháng 4 trong chuyến viếng thăm Nhật Bản là ông Trump sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh tại Philippines và Việt Nam. - VOA
|
|

12.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật 1.200 tỉ đô la tài trợ cho chính phủ

Ngày 14/9, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật 1.200 tỉ đô la để tài trợ cho hầu hết các hoạt động của chính phủ trong năm tài chánh bắt đầu vào ngày 1 tháng 10, tuy biết rằng Thượng viện sẽ không đồng ý với nhiều khoản gây tranh cãi và buộc phải có một quá trình thương thuyết có thể kéo dài đến cuối năm.

Dự luật cấp cho Bộ Quốc phòng 658,1 tỉ đô la và 44,3 tỉ đô la cho Bộ An ninh Nội địa, trong đó có khoảng 1,6 tỉ đô la để xây các hàng rào dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, cùng những khoản khác. - VOA
|
|

13.
Tổng thống Trump: 'sắp đạt được thỏa thuận DACA' --- TT Trump bác bỏ tin có thỏa thuận DACA với Dân Chủ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho hay ông đã tiến "khá gần" đến một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Quốc hội về vấn đề người nhập cư đã đến Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ, và khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm một giải pháp quy mô để bảo đảm an ninh biên giới."

Ông Trump lên tiếng hôm 14/9, sau khi viết trên Twitter rằng ông không đi đến thỏa thuận với lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện về chương trình Hoãn Hành động đối với những người nhập cư lúc còn nhỏ, còn gọi tắt là DACA, chương trình mà chính phủ của ông đã hủy bỏ hồi tuần trước.

Ông Trump nói với các phóng viên:

“Chúng tôi đang bàn về một kế hoạch, với điều kiện phải có một chương trình quy mô để kiểm soát biên giới. Chúng tôi cũng ra sức làm việc để tìm một kế hoạch cho DACA. Người dân muốn biết điều gì đang xảy ra, chúng ta có 800.000 người trẻ tuổi nhập cư, mà lỗi không phải do họ, do đó chúng tôi đang thảo kế hoạch này. Hãy chờ xem kế hoạch này hoạt động ra sao, nhưng chúng ta phải liên kết vấn đề an ninh biên giới với kế hoạch này. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra."

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, và Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho hay sau cuộc gặp với ông Trump tối thứ Tư 13/9 họ đồng ý nhanh chóng đưa ra kế hoạch bảo vệ 800.000 đương đơn theo chương trình DACA, do cựu Tổng thống Obama thiết lập để bảo vệ những người nhập cư này không bị trục xuất.

Sáng thứ Năm 14/9, hai nhà lập pháp này đã ra tuyên bố chung xác nhận những lời bình luận của ông Trump về vấn đề này "phù hợp với thoả thuận đạt được tối qua" tuy nhiên nhấn mạnh rằng chưa đạt được thỏa thuận chung cuộc nào.

Tuyên bố nói: "Chúng tôi đồng ý rằng Tổng thống sẽ ủng hộ việc đưa các biện pháp bảo vệ DACA thành luật, và khuyến khích Hạ viện và Thượng viện hành động. Những gì còn lại cần được thương lượng là các chi tiết về an ninh biên giới, với mục đích chung là hoàn thiện tất cả các chi tiết trong thời hạn sớm nhất có thể.”

Ông Trump nói: "Tối qua chúng tôi đã gặp ông Schumer và bà Pelosi và cả nhóm, tôi nghĩ chúng tôi khá gần một thỏa thuận, nhưng chúng ta phải có một kế hoạch quy mô đểvề an ninh biên giới."

Ông Trump nói rằng ông tin cả hai nhà lãnh đạo Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa, lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, nghị sĩ Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, “có cùng quan điểm” về một thỏa thuận liên quan đến DACA và an ninh biên giới.

Trước đây, khi hủy bỏ chương trình DACA, ông Trump cho Quốc hội 6 tháng để đưa ra một giải pháp lâu dài. - VOA

***
Tổng Thống Donald Trump gửi twitter vào sáng ngày Thứ Năm cho hay không có thỏa thuận gì với phía Dân Chủ về việc bảo vệ thành phần di dân bất hợp pháp trẻ tuổi, đến Mỹ khi còn nhỏ.

Điều này trái ngược với thông báo đầy vui mừng của hai nhà lãnh đạo phía Dân Chủ ở Quốc Hội là Dân Biểu Nancy Pelosi và Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer là có thỏa thuận sau bữa ăn tối Thứ Tư với ông Trump ở Tòa Bạch Ốc.

Bản tin của tờ New York Times cho hay ông Trump cho biết là “không có thỏa thuận gì tối qua về vấn đề DACA”.

Ông Trump cho hay sẽ cần có một thỏa thuận lớn hơn về việc bảo vệ biên giới Mỹ để có thể đạt được thỏa thuận về DACA. Phía Dân Chủ cho hay thỏa thuận có trong bữa ăn tối Thứ Tư không bao gồm ngân khoản cho việc xây tường tại biên giới Mỹ và Mexico, một ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trump.

Lời phản bác của Tổng Thống Trump vào lúc sáng sớm Thứ Năm được đưa ra sau khi có một số giới chức phía Cộng Hòa chỉ trích ông là thương thảo với phía Dân Chủ, nhất là khi thỏa thuận này không bao gồm bức tường biên giới, tờ New York Times cho hay.

Xây bức tường là một trong những hứa hẹn quan trọng nhất của Tổng Thống Trump trong thời gian tranh cử và nếu từ bỏ việc này sẽ gây chống đối từ trong thành phần ủng hộ ông mạnh mẽ nhất.

Trong hai bản tweet khác cũng được gửi ra vào sáng ngày Thứ Năm, Tổng Thống Trump cũng đặt câu hỏi là tại sao lại có người muốn trục xuất thành phần di dân trẻ tuổi này, tạo thêm câu hỏi về ý định của ông về chương trình DACA.

Hôm 5 Tháng Chín, Tổng Thống Trump chính thức cho hay sẽ chấm dứt chương trình DACA nhưng cho Quốc Hội hạn định sáu tháng để tìm phương cách giải quyết qua luật pháp. - nguoiviet
|
|

14.
TT Trump đến Florida thăm hỏi nạn nhân bão Irma --- Gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão Harvey hơn $350 triệu chỉ chưa đầy 3 tuần

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm 14/9 đến bang Florida thăm hỏi một số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Irma. Tháp tùng ông Trump có Phó Tổng thống Mike Pence.

Nơi dừng chân đầu tiên của ông Trump là thành phố Fort Myers, sau đó ông sẽ đến thăm thành phố Naples. Đây là những khu vực nơi tâm bão Irma quét qua.

Ông Trump trước đó đã tuyên bố Florida là một khu vực thảm họa, bước đầu tiên để giúp giải ngân các quỹ cứu trợ của liên bang.

Ưu tiên hàng đầu là khôi phục mạng lưới điện cho 7 triệu dân trên khắp tiểu bang. Nhiều nơi vẫn chưa có điện và các công ty điện lực cho biết có thể phải mất hơn một tuần để khôi phục hoàn toàn hệ thống.

Nhà chức trách đang điều tra xem liệu tình trạng thiếu điện để chạy máy điều hòa có phải là nguyên nhân gây nên cái chết của 8 bệnh nhân tại nhà dưỡng lão ở thành phố Hollywood, bang Florida, hay không. Có ít nhất 25 ca tử vong liên quan đến bão Irma tại Florida, tính cả các ca tử vong ở nhà dưỡng lão.

Thống đốc Florida Rick Scott kêu gọi mở một cuộc điều tra hình sự, ông miêu tả tình hình này "không sao tưởng tượng được."

Nhà dưỡng lão này hình như mất điện khi bão ập đến. Không rõ lý do tại sao các máy phát điện không hoạt động để giảm sức nóng trong tòa nhà.

Thống đốc Scott yêu cầu nhà chức trách kiểm tra các viện dưỡng lão khác. Theo Hiệp hội chăm sóc sức khoẻ Florida, trong số gần 700 nhà dưỡng lão trong tiểu bang, khoảng 150 nhà dưỡng lão vẫn mất điện vào sáng thứ Tư 13/9.

Bão Irma đã giết chết ít nhất 37 người ở vùng Caribe và tàn phá các hòn đảo trong khu vực, kể cả đảo Barbuda, tất cả các cư dân trên đảo này đều đã được sơ tán đến đảo Antigua. - VOA

***
Khoảng hơn 50 tổ chức thiện nguyện địa phương và quốc gia đã gây quỹ cứu trợ được hơn $350 triệu trong gần 3 tuần lễ kể từ khi bão Harvey kéo đến vùng bờ biển Texas.

Các nhóm này hiện vẫn chưa quyết định được về ưu tiên trợ giúp trong khi một số nạn nhân bão Harvey vẫn còn đang chờ sự giúp đỡ.

Do sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan thiện nguyện lớn như Hồng Thập Tự Mỹ nên nhiều người đóng góp vào các cơ quan nhỏ hơn, với tầm vóc địa phương.

Một thí dụ điển hình là ngôi sao banh bầu dục đội Houston, J.J. Watt, vận động được hơn $30 triệu cho cơ quan thiện nguyện do chính anh ta lập ra, khởi sự bằng cách đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội.

Một người đóng góp cho nỗ lực gây quỹ của Watt, bà Helen Vasquez, đứng bên ngoài vận động trường của đội Texans và nói rằng đã đọc được trên Facebook mức lương của các nhân vật lãnh đạo những cơ quan thiện nguyện hàng đầu nước Mỹ. Bà quyết định đóng góp $20 vào quỹ của Watt.

“Tất cả số tiền đóng góp này đều sẽ đến các nạn nhân, chứ không vào các công ty hay giới lãnh đạo trong các công ty kia,” theo lời Vasquez.

Nhưng hầu hết số tiền quyên góp được để giúp nạn nhân bão Harvey đều được chuyển tới Hồng Thập Tự, vốn quyên được ít nhất $211 triệu cho tới nay.

Thị Trưởng thành phố Houston Sylvester Turner và người điều hành quận Harris County, Thẩm Phán Ed Emmett, công khai kêu gọi đóng góp cho quỹ địa phương do họ thành lập, vì như vậy sẽ “bảo đảm sự sử dụng hợp lý nhất.” - nguoiviet
|
|

15.
Los Angeles được chọn tổ chức Olympic 2028

Sau ba lần nỗ lực, hôm Thứ Tư, thành phố Los Angeles chính thức được chọn tổ chức Thế Vận Hội năm 2028.

Theo báo The Los Angeles Times, các thành viên Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế biểu quyết chấp thuận bằng cách đưa tay, tại một phiên nhóm ở Lima, Peru.

Thị Trưởng Eric Garcetti của Los Angeles nói: “Cũng như mọi thứ phải tranh đấu mới có được, đây là một cuộc hành trình dài lâu. Từng chút một, chúng ta đạt được chiến thắng.”

Paris đồng thời được chọn tổ chức Thế Vận 2024, sau khi Hamburg, Rome và Budapset rút khỏi cuộc đua.

Trong khi đó Tokyo sẽ chủ trì Thế Vận 2020 Summer Games.

Ủy ban dự thầu tư nhân LA 2028 cam đoan sẽ kiểm soát chi phí qua việc sử dụng những cơ sở có sẵn như Coliseum và Staples Center, cũng như sân vận động Rams hiện đang xây ở Inglewood. Giới lãnh đạo thầu thế vận nhấn mạnh rằng hai lần tổ chức thế vận trước đây ở thành phố vào các năm 1932 và 1984 đều thành công về tài chánh.

Lần này, họ dự trù trang trải mọi chi phí qua tiền thu từ quyền quảng cáo, bảo trợ, vé bán cùng nhiều nguồn khác.

Tuy nhiên phía chỉ trích phản bác rằng những nơi khác đăng cai tổ chức thế vận trước đây, trong đó có Rio de Janeiro với 2016 Summer Olympics, cũng đã hứa cân bằng ngân sách nhưng rốt cuộc lại thâm thủng trầm trọng. - nguoiviet
|
|

16.
Mỹ giới hạn chiếu khán 4 quốc gia không nhận người bị trục xuất

Bộ Nội An và Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm Thứ Tư cho hay sẽ giới hạn cấp chiếu khán bốn quốc gia vì không chịu nhận lại công dân họ bị Mỹ trục xuất.

Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào Cambodia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone. Chỉ một số loại chiếu khán mới bị ảnh hưởng theo lệnh trừng phạt này và quyết định sau cùng cũng tùy theo trường hợp và từng quốc gia.

Tuy nhiên, trừ phi các quốc gia nêu trên có “hành động thích hợp”, Bộ Nội An nói rằng biện pháp giới hạn chiếu khán đối với công dân của họ có thể nới rộng hơn, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.

“Luật quốc tế buộc mỗi quốc gia phải nhận lại công dân của họ khi bị Mỹ ra lệnh trục xuất,” theo quyền Bộ Trưởng Nội An Elaine Duke.

Bà Duke cho biết thêm: “Cambodia, Eritrea, Guinea, và Sierra Leone đã không hành xử đúng theo trách nhiệm của mình. Nước Mỹ cũng thường xuyên cộng tác với các chính phủ khác trong việc thiết lập lập hồ sơ và nhận lại công dân khi được yêu cầu, cũng như đa số các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, những quốc gia này không thi hành điều đó, và như vậy con đường một chiều sẽ chấm dứt với các biện pháp trừng phạt,” bản tin UPI cho hay.

Con số người bị lệnh trục xuất về bốn quốc gia này trong năm 2016 là 121, phần lớn từ Cambodia, với 74 người. Trong năm 2016, có hơn 240,000 bị lệnh trục xuất khỏi Mỹ.

Bộ Nội An cho biết hiện có 1,900 người Cambodia hiện đang chờ đợi bị trục xuất, cũng theo UPI. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

17.
Đinh La Thăng liên quan gì đến án tử Nguyễn Xuân Sơn phải đối mặt?

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội hôm 14/9 đề nghị với tòa án mức án tử hình đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).

Ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát gần 2.000 tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là “đại án kinh tế OceanBank”.

Các tội dẫn đến việc ông Sơn đối mặt với án tử hình là “tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một bị cáo quan trọng khác trong vụ này, ông Hà Văn Thắm, 44 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng OceanBank, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân.

Ông Thắm bị buộc tội giống ông Sơn, ngoài ra còn thêm tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bản luận tội của Viện Kiểm sát, được báo chí Việt Nam dẫn lại, nói ông Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian được PVN cử sang giữ chức Tổng giám đốc OceanBank, đã lạm dụng chức vụ quyền hạn. Cụ thể, ông Sơn đã yêu cầu ông Hà Văn Thắm chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN, và giao cho ông Sơn toàn bộ số tiền đó.

Sở dĩ ông Sơn có thể làm như vậy vì ông lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng gửi tiền lớn tại ngân hàng. Khi đó ông cũng giữ tư cách là người đại diện phần góp vốn của PVN tại OceanBank. Từ năm 2009, PVN nắm lượng cố phần trong OceanBank trị giá 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, về lý thuyết là cấp trên của ông Sơn, ông Hà Văn Thắm ở cương vị Chủ tịch HĐQT đã không phản đối yêu cầu của ông Sơn, mà còn triển khai tích cực việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Bản luận tội xác định rằng vì việc đó, ông Thắm giữ vai trò đồng phạm với ông Xuân Sơn.

Trong diễn biến mới nhất được báo chí trong nước tường thuật, sau khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với ông Sơn, chiều 14/9, luật sư của ông đã đưa ra chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội cho thân chủ.

Tin cho hay luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN khi đó là ông Đinh La Thăng ký.

Văn bản này yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí “phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank”.

Một đoạn trích trong văn bản cho thấy ông Đinh La Thăng chỉ đạo rằng “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”.

Luật sư Tâm lập luận rằng do có chỉ đạo bằng văn bản ở cấp lãnh đạo cao nhất của PVN là ông Thăng, nên ông Sơn không thể làm trái. Nói cách khác, theo luật sư Tâm, ông Sơn không thể “dùng tư cách cá nhân” yêu cầu các đơn vị phải gửi tiền.

“Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài”, Luật sư Tâm phát biểu tại tòa, được báo chí trích đăng lại.

Tình tiết mới này đang làm nóng lên những phỏng đoán rằng cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đang ngày càng quyết liệt hơn.

Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng đã bị kỷ luật phải ra khỏi Bộ Chính trị đầy quyền lực hồi tháng 5 năm nay, đồng thời cũng thôi chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định kỷ luật của đảng cộng sản nói khi còn nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở PVN, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm “rất nghiêm trọng”. Ông Thăng cũng từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải.

Theo thông tin từ phiên tòa xét xử vụ OceanBank, đến cuối 2014, ngân hàng này chi hơn 1.500 tỷ đồng ngoài hợp đồng cho hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại ngân hàng.

Chi tiết gây chấn động là trong 1.500 tỷ đó, tới hơn 246 tỷ chi riêng cho ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là phó tổng giám đốc PVN, và bị ông này chiếm đoạt.

Viện Kiểm sát nói các lãnh đạo của OceanBank đã mắc nhiều sai phạm trong công tác điều hành dẫn đến việc ngân hàng bị mắc những khoản nợ xấu rất lớn. Tính đến cuối tháng 3/2014, nợ xấu đạt gần 15.000 tỷ đồng, ngoài ra là khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.

Dường như để tránh nguy cơ ngân hàng phá sản, gây tác động dây chuyền không lường trước được, nên đầu tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Ngoài ông Sơn và ông Thắm, 49 bị cáo khác đang đối mặt với các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 27 năm tù. Bà Nguyễn Minh Thu, một cựu chủ tịch HĐQT khác của OceanBank, có thể chịu hình phạt từ 24-27 năm tù về hai tội “cố ý làm trái” và “lạm dụng chức vụ quyền hạn”.

Từ những gì thu thập được qua vụ OceanBank, công an Việt Nam hôm 13/9 tuyên bố họ mở rộng điều tra sang những sai phạm liên quan đến các quan chức của PVN.

Báo chí Việt Nam dẫn thông tin của Bộ Công an cho hay bộ đã quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Công an nói tội danh chính trong các vụ này là “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Thông tin sơ bộ từ công an cho hay OceanBank đã chi trả lãi ngoài tổng cộng là 120 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp kể trên. Các nhà điều tra cho rằng việc nhận hoặc sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất đó là “hành vi vi phạm pháp luật”.

Tình trạng tham ô, tham nhũng ở Việt Nam bị một số tổ chức quốc tế đánh giá là nghiêm trọng. Chỉ số tham nhũng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 113 trong số 176 nước. Tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á-Thái Bình Dương. - VOA
|
|

18.
Cựu nhân viên CIA Mỹ ‘khuyên’ giới trẻ Việt Nam

Một nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), từng hơn 10 năm sống ở Việt Nam, kêu gọi giới trẻ ở trong nước “không chỉ quan tâm tới vật chất” mà còn “đòi hỏi cho tự do và công bằng xã hội”.

Ông Rufus Phillips, tác giả cuốn sách “Why Vietnam Matters” mới ra mắt, tới miền Nam Việt Nam lần đầu tiên lúc 24 tuổi những năm 50, và nhiều thập kỷ sau, quốc gia nằm ở Đông Nam Á này vẫn ám ảnh ông.

Cựu nhân viên CIA này hôm 13/4 kể với phóng viên VOA tiếng Việt rằng ông vẫn “nhớ nhất cảm giác về tình anh em với những người Việt Nam cùng một lý tưởng chung là bảo vệ tự do”.

Trong căn hộ nhỏ ở vùng ven thủ đô nước Mỹ, ông Phillips lưu giữ nhiều kỷ vật suốt nhiều năm tháng qua, và ông cho biết rằng chúng luôn gợi nhắc về thời kỳ ông cho là “xáo trộn” và “nhiều sai lầm”.

Chính vì lý do đó, cựu quan chức Mỹ này mới cho xuất bản cuốn sách trên, dù từng vấp phải nhiều hoài nghi, thậm chí từ chối, của nhiều nhà xuất bản, trong đó ông đưa ra các nhận định về chính sách đúng đắn cũng như các sai lầm của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.

Ông Phillips cho rằng “việc không hiểu cộng sản, các đồng minh Việt Nam Cộng hòa, hay ngay cả bản thân chúng tôi, đã dẫn chúng tôi tới con đường sai lầm”.

Sử dụng cả tư liệu cá nhân lẫn công, cựu quan chức Mỹ này cũng đã khắc họa chân dung của những nhân vật ông từng gặp và trao đổi như ông John F Kennedy, ông Robert McNamara hay ông Ngô Đình Diệm.

Về mối bang giao giữa Mỹ và Việt Nam, ông Phillips nhận định rằng quan hệ giữa hai quốc gia hiện “rất tốt đẹp” và đôi bên đã “vượt qua được” cái bóng của cuộc chiến.

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam giờ muốn được Mỹ chống lưng vì mối lo bành trướng từ Trung Quốc, vì tranh chấp ở Biển Đông. Đó là lý do vì sao đôi bên có thể đổi chiều quan hệ", ông nói tiếp.

"Tôi nghĩ rằng việc phần lớn người Việt hay người Mỹ không còn nhiều ký ức về chiến tranh cũng khiến mối quan hệ phát triển dễ dàng hơn”.

Dẫu vậy ông Phillips cho rằng Hoa Kỳ “không nên nới lỏng nỗ lực thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền” ở Việt Nam.

“Chúng ta cần phải ủng hộ nỗ lực tự do hóa Việt Nam cũng như cách thức chính quyền đối xử với người dân. Tôi nghĩ rằng đó phải là một phần những gì chúng ta thúc đẩy trong mối quan hệ này”, ông nói.

Khi được hỏi về cơ hội gửi một thông điệp tới giới trẻ Việt Nam, cựu nhân viên CIA này nói: “Tôi muốn khuyến khích họ tiếp tục theo đuổi, không chỉ đời sống vật chất mà còn quan tâm tới tự do và sự tôn trọng từ chính phủ đối với dân".

“Họ cũng nên khao khát thay đổi Việt Nam tự do và công bằng hơn nữa cho tất cả mọi người”, ông nói tiếp. - VOA
|
|

19.
Tỷ phú Hoàng Kiều tặng 5 triệu đô la giúp nạn nhân bão Harvey

Tỷ phú Hoàng Kiều tặng 5 triệu đô la cho nạn nhân bão Harvey, trở thành một trong những nhà mạnh thường quân hào phóng nhất cho đến nay, vượt xa số tiền đóng góp của Tổng thống Donald Trump, theo tờ Daily Mail của Anh.

Ông Hoàng Kiều nói ông làm như vậy là để “trả ơn nước Mỹ” đã cho ông cơ hội để thực hiện “giấc mơ Mỹ”.

Số tiền tặng dữ của ông Kiều sẽ được dùng để trang trải chi phí vận chuyển các nạn nhân thuộc thành phần dễ bị tổn thương nhất trong bão Harvey – người già, người nghèo và những người cần trợ giúp đặc biệt – từ những trung tâm trú bão tạm thời đến nơi ở lâu dài, theo thị trưởng Houston Sylvester Turner nói với tờ Daily Mail.

Tại một cuộc họp báo hôm 11/9, ông Kiều nói: “Tôi đến đây để cảm ơn người Mỹ đã cho tôi đến đất nước này tị nạn vào đầu năm 1975 vào lúc tôi 31 tuổi. Tôi đến đây để đền đáp, đóng góp và tỏ lòng biết ơn đất nước này.”

Trả lời tờ Houston Chronicle, ông Kiều nói: “Mục sư Martin Luther King đã từng nói: “Tôi có một giấc mơ. Nhờ vào sự giúp đỡ của người dân Mỹ mà tôi đã thực hiện được một số giấc mơ nhỏ.”

Ông Kiều nói thêm về những giấc mơ của ông như sau:

“Giấc mơ có đạo luật về di dân để cho nhiều người không phải sống trong nỗi sợ triền miên sẽ bị trục xuất. Giấc mơ mà những người tỵ nạn như tôi đến được nước Mỹ vĩ đại này để làm cho nó vĩ đại hơn, vĩ đại nhất.”

Ông đặt câu hỏi là liệu có ai nhận ra là rất nhiều nạn nhân ở Houston đã không tìm đến những nơi tạm trú tránh bão để được giúp đỡ bởi vì họ sợ bị phát hiện là dân nhập cư bất hợp pháp và bị trục xuất?

Tờ Houston Chronicle nói với số tiền 5 triệu USD, ông Hoàng Kiều trở thành một trong những cá nhân đóng góp nhiều nhất để cứu trợ nạn nhân bão Harvey, tính cho tới nay.

Trong số các mạnh thường quân khác có ông Les Alexander, chủ nhân của Houston Rocket, tặng10 triệu đô la, Chủ tịch đồng thời là CEO của H-E-B cam kết góp 5 triệu trong khi Tổng thống Donald Trump hứa trích tài sản cá nhân của ông để đóng góp 1 triệu đô la.

Hồi tháng Ba năm nay ông Hoàng Kiều cũng đã tặng 5 triệu đô la cho nạn nhân lũ lụt ở San Jose.

Khi đó ông đã nói với VOA Việt Ngữ rằng ông không làm từ thiện để "xóa những điều tiếng trong cuộc tình chớp nhoáng" với một người mẫu trong nước kém ông hàng chục tuổi.

Khi mới đến Mỹ, trong công việc đầu tiên của mình, ông Hoàng Kiều chỉ được trả có 1,25 đô la một giờ. Bây giờ, công ty Rare Antibody Antigen Supply chuyên cung cấp kháng thể hiếm của ông được định giá 14 tỷ đô la. - VOA
|
|

20.
Mất liên lạc với 12 ngư dân ở Hoàng Sa giữa lúc bão số 10 cận kề

Hai tàu cá huyện Lý Sơn với 12 ngư dân trên tàu đã bị mất liên lạc ở Hoàng Sa và hơn 4.700 tàu cá vẫn đang ở trong khu vực nguy hiểm khi siêu bão Doksuri (bão số 10) mạnh nhất dự kiến sẽ vào đất các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị trong vòng 24 giờ.

Theo Dân Việt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chiều ngày 14/5 cho biết 2 tàu cá QNg-96237TS của ông Mai Văn Lý và tàu cá QNg-96499TS của ông Hoàng Minh Trung đã bị mất thông tin liên lạc. Hai tàu này được xác định đang đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa.

Một tàu cá khác ở Quảng Ngãi đã bị sóng đánh chìm trong lúc đi tránh bão vào trưa 14/9. Hai ngư dân trên tàu đã được một tàu cá khác cứu sống.

Trong khi đó, tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Việt Nam cho biết hiện vẫn còn 4.700 tàu cá vẫn còn trong vùng nguy hiểm.

Việt Nam cũng đã ra lệnh cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 7 giờ sáng ngày 15/9. Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã được yêu cầu “cấm biển” ngay lập tức.

Tại các tỉnh, nhiều hoạt động phòng chống bão cũng đang diễn ra.

Chiều 14/5, tỉnh Nghệ An đã ra công văn cho phép hơn 700.000 học sinh nghỉ học để tránh bão. Tỉnh Hà Tĩnh dự kiến sẽ di dời 110.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nhiều chuyến bay tới Huế, Đà Nẵng và các khu vực miền Trung khác cũng đã bị hủy bỏ từ ngày 14/9.

Dự kiến cơn bão mạnh nhất này sẽ gây mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất ở một số khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, vào 4 giờ chiều 14/5, vị trí tâm bão số 10 đang nằm ở vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình 180 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, biển động dữ dội.

Trước đó, hôm 12/9, bão Doksuri tràn vào Philippines giết chết ít nhất 4 người và làm 6 người khác mất tích.

Dự kiến bão số 10 sẽ vào đến đất liền ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị vào khoảng chiều tối 15/9 với cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, thiên tai trong đó có bão lụt đã làm 116 người chết và mất tích, gây thiệt hại hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương với 250 triệu đôla, theo Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam.

Năm ngoái, bão lụt đã làm 264 người chết và gây ra thiệt hại gần 40 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,75 tỉ đôla. Con số này cao gấp 5 lần so với năm 2015. - VOA
|
|

21.
VN chủ trì 'diễn tập chống sự cố an ninh mạng' ASEAN

Báo chí quốc tế chú ý đến sự kiện Việt Nam tổ chức điều phối một chương trình quốc tế quy mô lớn để diễn tập "ứng cứu sự cố an ninh mạng" tại Đông Nam Á.

Hoạt động của ACID 2017) gồm các nước ASEAN, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc tham gia tại Việt Nam trong tuần này.

Tác giả Prashanth Parameswaran viết trên trang The Diplomat hôm 13/09/2017 rằng:

"Nhóm Việt Nam được chia làm nhóm chính (core team), và có nhiệm vụ hướng dẫn các bên tham gia giải quyết những vụ việc cụ thể, và các nhóm diễn tập thực hiện công tác điều tra, phân tích và ứng phó".

Trang web chuyên về châu Á - Thái Bình Dương này cũng cho hay công tác diễn tập được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

The Diplomat cũng trích dẫn quan chức Việt Nam nói nước này "đối mặt với các vụ tấn công mạng, rõ rệt nhất là vụ mã độc WannaCry vào tháng 5/2017".

WannaCry đã lan ra 200 nghìn máy tính cá nhân ở 150 quốc gia.

Hai mặt của an ninh mạng

Mới hồi tháng 7/2017, trang VnExpress ở Việt Nam trích nguồn Liên Hiệp Quốc ho hay an ninh mạng tại Việt Nam bị xếp hạng rất thấp, đứng thứ 101 trên 195 quốc gia theo một bảng xếp hạng năm 2017 của Hiệp hội Truyền thông Quốc tế thuộc LHQ.

Bên cạnh vấn đề an ninh mạng, nhà chức trách ở Việt Nam cũng được các tổ chức ở nước ngoài cho rằng đang chặn nhiều trang web mà họ cho là không phù hợp.

Công nghệ như thế được dùng vừa để đảm bảo an ninh mạng, vừa để ngăn chặn sự tiếp cận thông tin, tùy từng trường hợp.

Hồi tháng 11/2016, tạp chí Forbes đánh giá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về kiểm soát người dùng internet tại khu vực Đông Nam Á.

Bài của Forbes viết:

"Những người sử dụng internet ở Việt Nam thường tự phải để ý và tránh các chủ đề nhạy cảm, trong khi Facebook và một số trang đôi lúc bị chặn, tùy theo từng thời điểm."

Cũng trong khu vực Đông Nam Á, các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia bị cho là chỉ có "tự do Internet một phần". - BBC
|
|

22.
Ông Võ Kim Cự sắp nghỉ hưu

Ông Võ Kim Cự sắp thôi chức Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam từ ngày 1/10 để nghỉ hưu theo chế độ.

Trước đó, ông Cự đã bị Đảng Cộng sản kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ đã đảm nhiệm trước đây (trừ chức Chủ tịch liên minh Hợp tác xã Việt Nam).

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sẽ bàn giao chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ ngày 1/10/2017.

Báo Thanh Niên mô tả điều họ gọi là một nguồn tin từ Văn phòng Trung ương Đảng xác nhận "việc Thủ tướng sẽ cho ông Cự thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã từ tháng sau".

Báo này dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích việc ông Cự nắm vị trí Phó Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã "là chức danh kiêm nhiệm được giao cho Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam".

"Bất cứ ai giữ chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thì sẽ kiêm nhiệm vai trò Phó ban đó, chứ không có chuyện bị kỷ luật mà vẫn được giao thêm trọng trách," ông Dũng nói.

Đến thời điểm này chưa thấy có dấu hiệu nào ông Cự hoặc những quan chức sai phạm vụ Formosa sẽ bị truy tố.

Hồi tháng Hai năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Cự "đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh."

Thông cáo ngày 21/04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản nói ông "đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định, thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hồi tháng Tư năm nay cho biết: "Các chức vụ trước làm sai đã cách chức hết rồi. Chức vụ hiện tại là làm Chủ tịch liên minh Hợp tác xã của ông Võ Kim Cự chưa sai".

Tuy nhiên bà Ngân nói ông Cự "vào Quốc hội bằng suất của Chủ tịch liên minh Hợp tác xã" và Quốc hội sẽ làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và Chính phủ làm thủ tục cho nghỉ hưu đối với ông Võ Kim Cự, vì đã đến tuổi nghỉ hưu.

"Điều đó có nghĩa là nghỉ hưu là hết chức. Chức trong quá khứ là cắt, chức hiện tại là thôi đồng nghĩa không còn gì nữa," bà Ngân nói

Ngày 15/5/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết chấm dứt tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự.

Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bốn người liên quan tới Formosa, ông Cự bị xóa tư cách nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015. - BBC
|
|

23.
Quan chức an ninh tiếp tục làm Trưởng Ban Tôn Giáo

Việt Nam vừa bổ nhiệm một giới chức cấp cao của công an làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

Trưởng ban mới là ông Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng An ninh Tây Bắc, tổng cục An ninh, Bộ Công An. Ông Thắng được chính thức trao nhiệm vụ mới vào ngày 11 tháng 9.

Ông Thắng trước kia đã từng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị. Trước đó nữa là Phó giám đốc Công an Nghệ An.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cử một người chuyên về an ninh nắm giữ chức Trưởng ban Tôn giáo. Người nắm chức Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trước ông Thắng là ông Phạm Dũng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh kiêm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng từng nắm giữ chức Trưởng ban này.

Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội Vụ với khoảng hơn 120 cán bộ, viên chức.

Việt Nam đã nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích vì chính sách đàn áp tự do tôn giáo tín ngưỡng qua hoạt động quản lý giám sát của ban Tôn giáo và an ninh sử dụng luật về tôn giáo và tín ngưỡng vốn bị quốc tế chỉ trích là quá khắt khe. - RFA
|
|

24.
Chiến hạm Gepard thứ 3 đang về Việt Nam

Truyền thông Nga dẫn lời Tổng giám đốc của nhà máy đóng chiến hạm này, cho biết chiếc đầu tiên của cặp tàu chiến Gepard đã hoàn thành các thử nghiệm và nay bàn giao cho khách hàng. Trước đó ông này đã công bố kế hoạch bàn giao cặp tàu chiến cho Việt Nam vào tháng 9 và tháng 11.

Đây là cặp tàu chiến thứ 2 nhà máy này đóng cho Hải quân Việt Nam. Cặp đầu tiên được Nga bàn giao cho Việt Nam vào năm 2011.

Cặp tàu chiến thứ 2 này được phía Việt Nam đặt hàng với Nga từ tháng 10 năm 2012. So với cặp tàu trước, cặp này có thêm chức năng săn ngầm với vũ khí chính là 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm đặt hai bên mạn tàu.

Diễn đàn Hải quân Nga cho biết là chiếc Gepard thứ 4 cũng đã hoàn tất thử nghiệm. Theo dự kiến sẽ được giao cho Việt Nam vào tháng 11. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment