Tuesday, March 1, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 1/3

Tin Thế Giới

1.
Miến Điện: Bầu tổng thống sớm hơn dự kiến một tuần

Quốc hội Miến Điện sẽ thảo luận về việc bầu tân tổng thống vào ngày 10/03/2016, tức là sớm hơn một tuần so với dự kiến, khiến cho khả năng bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử càng khó xảy ra.

Quyết định nói trên đã được chủ tịch Quốc hội Win Khang Than thông báo với các nghị sĩ Miến Điện hôm nay, 01/03/2016, nhưng không giải thích lý do vì sao việc bầu tổng thống lại diễn ra sớm hơn một tuần.

Thông báo này một lần nữa làm dấy lên nhiều lời đồn đoán. Từ nhiều tuần qua, bà Aung San Suu Kyi đã thương lượng với quân đội về việc sửa đổi bản Hiến pháp của Miến Điện, hiện có những điều khoản cản trở bà ra tranh cử tổng thống. Chiếu theo Hiến pháp hiện hành, do có hai con trai mang quốc tịch nước ngoài ( quốc tịch Anh ), bà Aung San Suu Kyi không thể nắm giữ chức vụ lãnh đạo tối cao của đất nước.

Cho tới nay, chưa ai biết nội dung các cuộc thảo luận giữa bà với đại diện quân đội là như thế nào. Nhưng việc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sớm hơn một tuần so với dự kiến ban đầu cho thấy có thể là cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện đã thất bại trong việc đòi sửa đổi Hiến pháp.

Với việc bầu một nhân vật do bà chọn vào chức vụ tổng thống sớm hơn dự kiến, bà Aung San Suu Kyi sẽ nhiều thời giờ hơn để lập chính phủ mới. Chính phủ này phải nhậm chức vào ngày 01/04 tới cùng lúc với tổng thống.

Mặc dù đảng của bà, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức, mà trên hết là quan hệ giữa chính quyền mới với quân đội, hiện vẫn có thế lực rất mạnh.

Trong nghị viện mới, quân đội vẫn nắm 25% số ghế ( được chỉ định, chứ không phải được bầu). Quốc hội không thể sửa đổi Hiến pháp nếu không có sự đồng ý của quân đội.

Hiện giờ, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chưa tiết lộ danh tính ứng cử viên tổng thống của đảng, như bà Aung San Suu Kyi đã báo trước là nếu không sửa được Hiến pháp, bà sẽ lãnh đạo bên trên tổng thống mà bà chọn. - RFI
|
|

2.
Trung Quốc ‘bịt miệng’ nhà tài phiệt Nhậm Chí Cường

Trung Quốc đã đóng các tải khoản trên mạng xã hội của nhà tài phiệt bất động sản ăn nói bộc trực Nhậm Chí Cường, sau khi ông này công khai chỉ trích lãnh tụ Đảng Cộng sản Tập Cận Bình cũng như nỗ lực gần đây nhằm thắt chặt thêm nữa việc kiểm soát truyền thông.

Nhưng trong khi chính quyền tìm cách bịt miệng ông Nhậm, nhân vật còn được biết tới với biệt danh “Khẩu thần công”, những người khác tiếp tục lên tiếng.

Cơ quan kiểm duyệt không gian mạng của Trung Quốc cho biết đã yêu cầu các trang mạng vi blog như Weibo.com và t.qq.com đóng các tài khoản của ông Nhậm, cáo buộc ông “truyền bá các thông tin trái pháp luật”.

Ngay sau khi ông Tập Cận Bình tới thăm các tổ chức truyền thông hàng đầu của đảng, và lệnh cho họ đưa tin theo đường lối của đảng, ông Nhậm đã lên tiếng trên mạng, nói rằng công chúng mới chính là đối tượng nhắm tới để đưa tin của truyền thông.

Một bình luận của nhà tài phiệt này, nay đã bị xóa, có đoạn: “Từ khi nào chính phủ của dân lại chuyển thành chính phủ của Đảng? Có phải tiền của họ là tiền của đảng không? Đừng sử dụng tiền thuế của người dân cho những thứ không mại lại cho họ các dịch vụ”.

Đối với một số người, các bình luận của ông Nhậm đã đi quá xa. Nhà tài phiệt bất động sản này cũng là một đảng viên với gần 40 triệu follower (người theo dõi) trên mạng.

Trong khi có nhiều người hôm nay đã lên tiếng bảo vệ ông trên mạng, một số người khác cáo buộc ông không trung thành và tuyên truyền tư tưởng chống cộng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bầu cử Hoa Kỳ: Tìm hiểu về ngày 'Siêu thứ Ba' --- Các ứng viên đảng Cộng hòa cố bắt kịp Trump trong ngày Siêu thứ Ba

Super Tuesday là gì?

Super Tuesday (Siêu thứ Ba) là ngày 1 tháng 3, ngày mà các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa tranh đua trong các cuộc bầu sơ bộ và bầu kín ở ít nhất 11 bang để đề cử ứng viên ra tranh chức Tổng thống. Cử tri khắp Hoa Kỳ chọn các ứng viên vào những ngày khác nhau trước đại hội đảng của họ vào tháng 7. Ngày thứ ba này được gọi là Super Tuesday bởi vì đây là ngày diễn ra nhiều cuộc dự tranh để được đề cử nhất trong lịch tranh cử.

Ai đi bỏ phiếu?

Các cuộc bầu sơ bộ của các cử tri Cộng hòa và Dân chủ được tổ chức ở các bang Alabama, Arkansas, Colorado, Georgia, Massachusetts, Minnesota, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont và Virginia.

Các cuộc họp bầu kín được tổ chức cho đảng Cộng hòa ở Alaska và Wyoming.

Đảng viên Dân chủ ở đảo Samoa của Mỷ và đang viên dân chủ đang sinh sống ở nước ngoài cũng có thể bỏ phiếu vào ngày thứ ba này.

Vì sao đây lại là ngày quan trọng như vậy?

Các phiếu bầu trong ngày Super Tuesday chiếm khoảng 1 phần 4 toàn bộ số đại biểu được chọn trong các cuộc bầu sơ bộ. Đây là ngày bỏ phiếu lớn nhất và duy nhất về số phiếu đại biểu dành cho các ứng viên.

Vì sao các ứng viên lại muốn tranh thủ phiếu đại biểu – chứ không phải phiếu tiểu bang?

Các ứng viên thắng nhờ thu được một số cụ thể các đại biểu sẽ đề cử họ tại đại hội đảng vào cuối năm nay. Đối với phe Dân chủ, con số đó là 2 ngàn 383 đại biểu. Đối với phe Cộng hòa, con số là 1 ngàn 237 đại biểu.

Theo luật, mọi bang trong ngày Super Tuesday đều phải phân chia số đại biểu theo tỷ lệ. Các ứng viên vẫn có thể thắng số đại biểu nếu họ không thắng cả tiểu bang.

Các ứng viên tìm cách thắng số tiểu bang bởi vì sẽ được tiếng tốt trong giới truyền thông và cử tri nhưng chung cuộc điều quan trọng là thắng đủ số đại biểu thì mới được sự đề cử của đảng.

Vì sao lại được gọi là cuộc bầu sơ bộ SEC?

Từ này thực ra là để đề cập đến một môn thể thao Mỹ. Nhiều bang tổ chức bầu cử vào ngày thứ Ba có các đội bóng bầu dục chơi trong Hội nghị Đông nam Southeastern Conference (SEC); tuy nhiên, một số bang khác bỏ phiếu ngày thứ Ba không có liên hệ gì với tổ chức đó và không có ý nghĩa chính trị chính thức.

Super Tuesday sẽ thay đổi cuộc đua tổng thống của đảng Cộng hòa ra sao?

Vẫn còn tới 5 ứng viên trong đảng Cộng hòa ra tranh cử - càng được nhiều phiếu đại biểu, thì càng khó về mặt toán học đối với số ứng viên để được đề cử. Một số ứng viên về sau cách xa những người dẫn đầu đã bỏ cuộc. Có thể những người khác cũng sẽ làm như vậy sau cuộc bỏ phiếu ngày 1 tháng 3.

Ông William Galston, một giảng viên kỳ cựu về nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings, nói: “Đối với các đảng viên Cộng hòa không hài lòng với triển vọng đề cử nhà tỷ phú đang dẫn đầu phe Cộng hòa Donald Trump, vẫn còn chút ít thời gian còn lại nhưng đồng hồ đang điểm giờ.”

Super Tuesday là một cơ hội để những đối thủ của ông Trump thắng các bang bầu sơ bộ - và các đại biểu kèm theo các chiến thắng đó. Thắng được càng nhiều đại biểu, thì họ lại càng có thể chống lại ông Trump được đề cử.

Nó sẽ thay đổi cuộc đua phía đảng Dân chủ ra sao?

Cho đến nay, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire. Ông Sanders suýt đánh bại bà Clinton ở Iowa và Nevada. Con số lớn đại biểu dành được có thể đem lại một động lực lớn cho một trong các ứng viên trong cuộc đua 2 người này.

Những bang nào là quan trọng nhất cần theo dõi?

Texas là một chiến trường chủ chốt, với tiểu bang miền nam này được dành số đại biểu cao nhất trong các bang bỏ phiếu vào ngày thứ Ba.

Về phía đảng Cộng hòa, một số cuộc thăm dò cho thấy thượng nghị sĩ Ted Cruz sẽ thắng tại bang nhà của mình. Các cuộc thăm dò khác cho thấy ông chạy đua xít xao với ông Donald Trump.

Ông John Feehery, một sách lược gia của đảng Cộng hòa, nói: “Tôi muốn thấy ai thắng bang Texas bởi vì tôi nghĩ kết qua sẽ cho chúng ta biết nhiều về tương lai của đảng và điều gì sẽ xảy ra cho ông Ted Cruz.”

Đối với phe Dân chủ, hãy trông đợi bà Clinton đạt được thành quả tốt tại các bang miền nam với tỷ lệ lớn cử tri người Mỹ gốc Phi châu. Ông Sanders theo dự kiến sẽ thắng ở bang nhà Vermont vào ngày thứ Ba.

Tiếp theo là gì?

Một số ít các bang sẽ tổ chức bầu sơ bộ và bầu kín vào ngày 5 và 6 tháng 3.

Một vòng bỏ phiếu quan trọng khác sẽ diễn ra vào ngày 8 và 15 tháng 3 với các cuộc tranh đua để giành một số lớn đại biểu.

Nhiều đảng viên Cộng hòa đang trông chờ vòng này để xem ai còn ở lại trong cuộc đua và có thể chống lại với người dẫn đầu là ông Donald Trump.

Theo phân tích gia chính trị Stu Rothenberg, thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio phải sống sót cho đến giữa tháng 3, là lúc diễn ra các cuộc bầu sơ bộ ở Ohio, Illinois, Florida. Một số các bang đó là các cuộc bầu sơ bộ trong đó người thắng đạt hết số đại biểu.”

Về phía đảng Dân chủ, ông Sanders có thể được lợi thế nhờ một sự thay đổi về địa lý trong việc bỏ phiếu.

Ông Rothenberg nói, “Một khi chúng ta ra khỏi các bang với số người Mỹ gốc Phi châu chiếm 35, 40, 45 phần trăm số phiếu bầu sơ bộ của đảng Dân chủ, thì ông Bernie Sanders sẽ khá hơn.” - VOA

***
Cuộc chạy đua để trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ có ngày quan trọng nhất là thứ Ba khi các ứng viên cạnh tranh nhau ở 11 tiểu bang. Những người đang tụt lại trong các cuộc thăm dò hy vọng có những động thái mạnh mẽ để bắt kịp 2 người đang dẫn đầu với số điểm cách biệt đến hai con số.

Thứ Ba cực kỳ quan trọng đối với những người đảng Cộng hòa với việc doanh nhân Donald Trump đã chiến thắng tại 3 bang liên tiếp được ủng hộ ở 10 bang tham gia bỏ phiếu vào ngày “Siêu Thứ Ba". Ông Trump chỉ kém điểm duy nhất ở bang miền nam Texas, nơi Thượng nghị sĩ Ted Cruz hy vọng sẽ giành được ủng hộ của cử tri ở bang nhà của mình.

Vấn đề mấu chốt sẽ không phải là ông Trump thắng ở bao nhiêu bang, mà là ông Cruz và ông Marco Rubio, cũng là Thượng nghị sĩ, sẽ thể hiện tốt ra sao, vì các ứng viên giành thắng lợi trong các cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba cũng sẽ nhận được sự ủng hộ từ các đại cử tri tương ứng để bảo đảm giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa.

Trong cuộc đua của đảng Dân chủ, một cuộc thăm dò của CNN/ORC công bố hôm thứ Hai cho thấy cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày càng gia tăng khoảng cách trên cả nước, vượt xa Thượng nghị sĩ Vermont Bernie Sanders, với tỷ lệ 55% so với 38%. Bà Clinton dẫn đầu rất xa về số lượng đại cử tri của đảng Dân chủ tính đến nay.

Cũng cuộc thăm dò đó cho thấy 49% người đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump, lớn hơn tổng số lượng ủng hộ dành cho 4 đối thủ còn lại. Đối thủ gần nhất của ông là ông Rubio được 16%, tiếp theo là ông Cruz 15%. Các cuộc thăm dò toàn quốc khác từ tuần trước cho thấy mức ủng hộ ông Trump dưới 40%, còn các ông Rubio và Cruz mỗi người khoảng 20%.

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ chính thức chọn ra ứng viên của họ trong các đại hội đảng vào tháng 7, nhưng ứng viên có thể khởi động vận động cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 bằng cách nhanh chóng bảm đảm có đủ các đại cử tri để giành được sự đề cử. - VOA
|
|

4.
TT Obama và đảng Cộng hòa họp về ghế trống của thẩm phán tối cao

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện hôm thứ Ba để thảo luận về kế hoạch của ông bổ nhiệm người vào vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện.

Tòa gồm 9 thẩm phán hiện trống một vị trí sau khi ông Antonin Scalia qua đời tháng trước. Nhưng những người đảng Cộng hòa nói ông Obama không nên bổ nhiệm người vào vị trí suốt đời trong năm cuối của nhiệm kỳ của ông, mà thay vào đó, cần dời lại việc bổ nhiệm cho vị tổng thống kế nhiệm.

Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Chuck Grassley nói trước khi có cuộc họp với Nhà Trắng rằng họ dự định sẽ nhắc lại thông điệp đó.

Cùng họp với ông Obama còn có những người cùng đảng Dân chủ, bao gồm Phó Tổng thống Joe Biden, Lãnh tụ khối thiểu số Thượng viện Harry Reid và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest hôm thứ Hai cho biết tổng thống vẫn cởi mở về việc thảo luận, nhưng quan điểm của đảng Cộng hòa "làm cho ông khó có thể bàn bạc một cách có tính xây dựng". Ông Earnest cho biết Tối cao Pháp viện có nguy cơ bị "chính trị hóa một cách trắng trợn"

Tổng thống Obama đã khẳng định việc bổ nhiệm người thay ông Scalia là nghĩa vụ hiến định của mình. Bất kỳ ứng viên nào cũng sẽ phải được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phê chuẩn.

Ông Earnest cho biết Tổng thống đã dành thời gian đáng kể vào cuối tuần qua để xem xét những người có triển vọng được bổ nhiệm, nhưng tổng thống chưa đưa ra danh sách các ứng viên cuối cùng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Resort tại Vườn Ba Vì 'đúng chủ trương' [LMN: vụ phanh phui này, theo tin ngoài luồng, ông Trọng muốn loại vây cánh Đỗ Mười. Trong vụ tiền polymer, Lương Ngọc Anh, Lê Đức Thuý là mặt nổi của ĐM]

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì khẳng định với BBC hôm 1/3 rằng việc xây resort 4 sao trong Vườn là ‘đúng chủ trương nhà nước’.

Vườn Quốc gia Ba Vì tọa lạc tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Hôm 29/2, một số báo trong nước đưa tin Vườn Quốc gia Ba Vì nhận của Công ty Phát triển Công nghệ (CFTD) 7,5 tỷ đồng (trả chậm trong 50 năm) và 'góp' 53ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa 4 sao ngay vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Báo trong nước ghi nhận việc xây dựng bắt đầu từ 2014 cho đến nay.

“Khu nghỉ dưỡng đang trong quá trình chạy thử. Giá thuê phòng từ 2,5 - 4 triệu đồng/đêm”, Tuổi Trẻ hôm 1/3 tường thuật.

Hôm 1/3, trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội, ông Đỗ Hữu Thế, Phó giám đốc phụ trách du lịch, văn hóa, tâm linh Vườn Quốc gia Ba Vì, phủ nhận con số 7,5 tỷ đồng.

"Không có chuyện đổi giá như vậy. Chỉ là chuyện liên kết, liên doanh giữa hai bên mà nếu phóng viên đến tận nơi thì chúng tôi sẽ cho xem văn bản hợp tác. Và việc này thực hiện theo đúng chủ trương của nhà nước. Dự án đã được Bộ Nông nghiệp thông qua và Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá tác động về môi trường", ông nói.

"Về dự án Le Mont Bavi Resort & Spa, đã có lúc chúng tôi chưa kiên quyết và đối tác nôn nóng muốn đẩy nhanh tiến độ trong lúc thủ tục chưa hoàn chỉnh. Dự án đã bị đình chỉ xây dựng trên thực tế từ tháng 10/2015 chứ không phải đợi đến khi các báo lên tiếng. Khu này hiện cũng chưa đón khách như các báo trong nước viết. Hiện chúng tôi đang chờ quyết định của cấp trên về việc xử lý khu này", Phó giám đốc Vườn, cho biết thêm.

Cũng trong hôm 1/3, ông Nguyễn Thành Sơn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì nói với BBC: "Chúng tôi chưa nắm nội dung vụ việc. Vườn Quốc gia Ba Vì là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nên chúng tôi không biết nội tình".

'Nóng ruột'

Cùng ngày, báo Lao Động dẫn lời ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CFTD: “CFTD đã sai sót khi chưa hoàn tất hồ sơ, chưa được cấp phép đã đầu tư xây dựng. “Đây là sự nóng ruột của nhà đầu tư”.

“Ông cho rằng, chủ đầu tư thì luôn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án vốn đúng quy hoạch, đúng chủ trương. Việc liên kết khai thác hoạt động du lịch sinh thái tại vườn là chủ trương của Bộ Bộ Nông nghiệp. Bộ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đồng ý cho Vườn quốc gia Ba Vì và CFTD ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái từ năm 2008 nhưng 8 năm sau vẫn chưa phê duyệt đề án là quá chậm trễ”, báo này viết.

Hôm 29/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra thông báo: “Đình chỉ thi công xây dựng công trình trái phép tại vườn quốc gia từ ngày 1/3/2016 và tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình trái phép tại khu vực này”.

Năm 2012, ông Lương Ngọc Anh, tức Đại tá an ninh Lương Ngọc Anh, bị tố cáo liên quan nghi án hối lộ tiền polymer.

Thời điểm đó, tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, bị cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam.

Ông Lương Ngọc Anh từng làm việc với công ty in tiền Securency nhằm giúp giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông bị nghi "có thể nhận tới 20 triệu đôla Úc" trong vai trò trung gian.

Ông Anh cũng bị hai tờ báo Úc là The Age và The Sydney Morning Herald tiết lộ có quan hệ tình ái bí mật với một quan chức Australia - bà Elizabeth Masamune, khi bà này làm đại diện của cơ quan xúc tiến thương mại Úc (Austrade).

Phóng viên điều tra của hai tờ báo dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên "xác nhận trong khi bà Masamune khuyến khích Securency trả những khoản đáng kể cho Đại tá Lương để nhờ giúp giành hợp đồng, bà cũng có quan hệ tình cảm với ông này".

Báo The Age cho hay cảnh sát bang Victoria của Úc cũng trả ông Anh hàng trăm ngàn đôla để xuất khẩu công nghệ an ninh sang Việt Nam.

Tuy vậy, vụ xử cáo buộc công ty Úc hối lộ để có hợp đồng in tiền polymer ở Việt Nam đã bị tòa ở Úc bác bỏ vì ‘không có đủ bằng chứng’. - BBC
|
|

6.
Tướng Trung Quốc: Quân đội sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển Đông --- Việt Nam ‘tậu’ vũ khí gì để đương đầu với Trung Quốc?

Một chỉ huy quân sự của Trung Quốc mới lên tiếng tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả bất kỳ mối đe dọa an ninh nào, và có đủ khả năng chiến đấu để bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh ở biển Đông.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức tư lệnh quân khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Tướng Vương Giáo Thành cho biết quân đội nước này đang hết sức cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa an ninh nào ở các vùng biển tranh chấp.

Báo chí Hong Kong và Trung Quốc dẫn lời ông Vương nói cuối tuần trước: “Quân đội đủ khả năng đương đầu với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào. Không có nước nào được phép biện minh hay có hành động đe dọa tới an ninh và chủ quyền của Trung Quốc”.

Tướng Vương, người từng chỉ huy quân khu Thẩm Dương, tuyên bố rằng mục tiêu của ông là “bảo đảm an ninh trong tuyến phòng thủ hàng hải và kiểm soát biên giới”.

Ông này nói thêm: “Nhưng nhiệm vụ trước hết là bảo đảm quyền và quyền lợi [của Trung Quốc] ở biển Nam Trung Hoa [biển Đông]”.

Tuyên bố của ông Vương được đăng tải chỉ vài ngày sau khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris, cáo buộc Trung Quốc đang “quân sự hóa” biển Đông.

Trong khi đó, Việt Nam mới đây đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh triển khai tên lửa đất đối không cũng như đưa máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa và Trường Sa.

Tướng Vương nói rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đang lên kịch bản đối phó với các nguy cơ quân sự trong khu vực.

Ông Vương là một trong số ít các sĩ quan, trong có có cả những người từng chiến đấu trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung, được Chủ tịch Tập Cận Bình thăng cấp thượng tướng hồi năm ngoái. - VOA

***
Máy bay chiến đấu thế hệ mới, tên lửa đất đối không, radar phòng không, tàu ngầm, ngư lôi là những thiết bị quân sự Hà Nội mua của nhiều nước gần đây, đưa Việt Nam nằm trong top các quốc gia mua sắm vũ khí nhiều nhất trên thế giới từ năm 2011 tới năm 2015.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế (SIPRI) ở Stockholm, Thụy Điển, cho thấy, 43 trong số 50 tên lửa klub chống tàu Việt Nam đặt mua của Nga đã được bàn giao từ năm 2013 tới năm 2015. Các phi đạn này được trang bị cho các tàu hộ vệ Gepard và tàu hộ tống Tarantul mà Hà Nội cũng mua của Moscow.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mua và đã được Nga giao 3 hệ thống tên lửa đất đối không Pechora. Việt Nam cũng đã “tậu” 400 quả tên lửa phòng không của Nga và đã được bàn giao.

Trong các phi vụ mua bán vũ khí với Nga, cho tới nay, 65 trong số 80 quả ngư lôi Việt Nam đặt mua để trang bị cho các tàu ngầm đã được bàn giao. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mua và đã được giao 8 trong số 12 máy bay chiến đấu SU-30MK trong thương vụ trị giá lên tới 600 triệu đôla.

Năm 2009 là thời điểm Việt Nam đặt mua nhiều vũ khí của Nga nhất, trong đó đáng chú ý hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ đôla mua 6 tàu ngầm lớp kilo, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế, Hà Nội “tậu” nhiều vũ khí hơn cả các quốc gia giàu có hơn trong khu vực như Singapore và Hàn Quốc.

Ông Trần Bang, một cựu chiến binh ở Sài Gòn, nói với VOA Việt Ngữ rằng việc gia tăng chi tiêu quân sự cho thấy “Việt Nam đã ý thức được mối đe dọa ngoại xâm”. Ông nói thêm:

“Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là cần thiết để phòng vệ. Mối đe dọa đó thì chắc chắn ai cũng biết rồi. Việc trực tiếp gây hấn những năm gần đây rõ ràng chỉ có Trung Quốc. Việc chi tiêu quốc phòng, đứng cạnh một nước lớn, lúc nào cũng đến tôn tạo biển đảo, xây sân bay, đưa tên lửa, đưa pháo ra Hoàng Sa, Trường Sa, gần như là áp sát, đe dọa đến an ninh quốc phòng của Việt Nam thì Việt Nam phải tăng cường quốc phòng là đúng.”

Trả lời VOA, ông Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI cho rằng tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cũng như nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội “có thể làm bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á”. Tin cho hay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay lên tới mức 141 tỉ đô la, tăng 10% so với năm ngoái.

Một báo cáo của SIPRI công bố năm ngoái cho biết, mức tăng chi tiêu quân sự của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương. Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%.

Không chỉ mua vũ khí của Nga, Việt Nam còn tiếp cận vũ khí của nhiều nước khác. Hà Nội đã đặt mua của Israel 20 rocket dẫn đường “nhằm mục đích phòng thủ duyên hải” và tất cả loại vũ khí này đã được bàn giao trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới 2015. Ngoài ra, Việt Nam cũng mua 3 radar phòng không được sản xuất tại Canada với thiết bị từ Israel và được cải tiến tại Mỹ.

Việt Nam cũng rút hầu bao, mua 2 khẩu súng hải quân “siêu nhanh” 76 li từ Italia để trang bị cho 2 chiếc tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan. Việt Nam cũng mua của một nước châu Âu khác là Tây Ban Nha 3 máy bay vận tải C-295 và đã được bàn giao hết trong khoảng thời gian từ 2014 tới 2015.

Năm 2009, Việt Nam cũng đặt mua từ Pháp 2 chiếc trực thăng vận tải Super Couger và đã được bàn giao năm 2011. Ngoài ra, Hà Nội còn “tậu” 40 quả tên lửa phòng không VL MICA, 25 quả tên lửa chống tàu Exocet và 2 hệ thống tên lửa MICA để trang bị cho 2 các chiến hạm Sigma mua của Hà Lan.

Đáng chú ý, trong phần dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế chưa có các thông tin về vũ khí Việt Nam mua của Mỹ. Hoa Kỳ năm ngoái đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam với mục đích tăng cường phòng thủ duyên hải và trên biển.

Việt Nam chưa thông báo sẽ mua vũ khí gì của Mỹ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, Hà Nội có thể mua “các tàu tuần tra, các thiết bị trinh sát, tình báo” và “có thể là cả một số vũ khí cho hạm đội mà Việt Nam chưa có”.

Ngoài ra, Việt Nam những năm qua còn mua một loạt các thiết bị quân sự của Ukraine như 8 máy bay chiến đấu SU-22 và 3 hệ thống radar tìm kiếm trên không.

Trong khi đó, cựu chiến binh Trần Bang cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng “phần lớn người dân trong nước không hay biết về kế hoạch chi tiêu quân sự của nhà nước”. Ông nói thêm:

“Cái chi tiêu quốc phòng này, nói đúng ra, người dân trong nước không biết. Dân thường hầu như không biết. Các quyết sách về chi tiêu quốc phòng đáng ra phải công khai, và người dân phải biết. Nhưng nếu người ta có biết, người ta chỉ nghĩ tới chuyện là chi tiêu quốc phòng là đúng, nhưng người ta lo ngại tình trạng tham nhũng bởi vì ở Việt Nam, bất kỳ việc mua sắm công nào cũng có vấn đề hoa hồng, phần trăm, hay nói thẳng ra là tham nhũng. Thứ nữa, cái chi tiêu quốc phòng này lại không đi đôi với việc bảo đảm an toàn cho bà con ngư dân đánh bắt cá ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó làm cho người dân thất vọng.”

Trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ, bạn đọc Nguyễn Quốc Chính viết: "Cộng Sản VN nên "Tậu" vũ khí thông thường TRÁI TIM YÊU TỔ QUỐC Việt Nam là vệ quốc đc ngay, ko mất thêm biển đảo nữa!"

Lần cuối cùng Việt Nam công bố “Sách trắng quốc phòng” là năm 2009. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng được báo chí trong nước cho biết sẽ công bố cuốn sách về hoạt động quốc phòng của Việt Nam vào năm 2014, nhưng cho tới nay, vẫn chưa thấy nó xuất hiện.

Theo dữ liệu năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008. - VOA

No comments:

Post a Comment