Saturday, March 26, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 26/3

Tin Thế Giới

1.
Hạ Viện Indonesia: Xây thêm căn cứ quân sự để chống Trung Quốc --- Tàu cá TQ 'xâm phạm hải phận Malaysia'

Sau vụ tàu tuần duyên Trung Quốc dùng sức mạnh đánh tháo cho một tàu cá Trung Quốc bị Hải Quân Indonesia bắt giữ tại vùng biển Natuna sát Biển Đông, Hạ Viện Indonesia hôm 24/03/2016 đã kêu gọi chính quyền Jakarta xây dựng một căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna. Cơ sở này sẽ là một bức tường thành chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo trang mạng của chuyên san Mỹ về hàng hải The Maritime Executive, ông Mahfud Siddiq, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và Ngoại Giao của Hạ Viện Indonesia đã cho rằng : « Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền Trung Indonesia, nơi có đường biên giới với nhiều quốc gia ở Biển Đông ».

Nhân vật này yêu cầu chính quyền Jakarta nhanh chóng thực hiện kế hoạch xây thêm căn cứ quân sự có từ năm 2015.

Lời kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia tại vùng Natana được đưa ra vài hôm sau sự cố ngày 19/03, khi môt tàu tuần tra của Indonesia đã cố bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc bị cho là đã hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nhưng đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào cản trở, và đánh tháo cho tàu cá Trung Quốc.

Dù không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Indonesia, nhưng Trung Quốc đã mặc nhiên gặm nhắm một phần vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna với đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khẳng định chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Riêng về sự cố mới đây, Bắc Kinh còn viện dẫn một lập luận mới : tàu cá Trung Quốc đã hoạt động hợp lệ tại « ngư trường truyền thống », một khái niệm không hề được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển công nhận.

Ngay từ năm ngoái, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Natuna khi ông cho triển khai máy bay chiến đấu và phi cơ tuần thám trên biển P3-C Orion trong khu vực. Lực lượng đồn trú tại chỗ cũng được tăng cường về mặt quân số cũng như vũ khí, với loại trực thăng tấn công Apache do Mỹ cung cấp được bố trí tại chỗ. - RFI

***
Giới chức Malaysia tố cáo khoảng 100 tàu cá mang cờ Trung Quốc xâm phạm hải phận nước này gần bãi cạn Luconia.

Bãi cạn này, tiếng Trung là Khang Ám Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Shahidan Kassim, Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc nội Malaysia, nói chính phủ nước này đã điều hải quân và lực lượng chấp pháp biển tới thị sát tình hình.

Hãng thông tấn nhà nước Bernama dẫn lời ông bộ trưởng nói rằng Malaysia sẽ có hành động nếu như xác nhận tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Malaysia

Hiện chưa có chi tiết gì thêm từ nhà nước Malaysia.

Ngay lập tức hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tàu Trung Quốc hoạt động đúng luật.

Trung Quốc nói hai bãi cạn Bắc và Nam Khang Ám Sa đều thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc.

Người phát ngôn Hồng Lỗi nói tại Bắc Kinh: "Tôi muốn nhấn mạnh là hiện đang mùa đánh bắt ở Nam Hải (Biển Đông) và theo thông lệ, tàu cá Trung Quốc hoạt động như bình thường tại các vùng biển đó trong thời gian này".

Đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc bao trùm 80% diện tích Biển Đông.

Philippines đang kiện đường yêu sách này ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc và phán quyết bước đầu được trông đợi vào tháng Năm tới. - BBC
|
|

2.
3 người bị bắt ở Bỉ trong các cuộc lục soát chống khủng bố

Các công tố viên Bỉ cho biết 3 người đã bị bắt giữ trong một vụ đột kích chống khủng bố ở Brussels.

Giới hữu trách nói rằng cuộc lục soát này được tiến hành sau khi một người Pháp bị bắt hôm thứ 5 ở Paris vì bị nghi đang lập kế hoạch cho một vụ tấn công mới.

Văn phòng công tố viên Bỉ cũng nói rằng các nhà điều tra dùng các cuộc xét nghiệm DNA để xác định Najim Laachraoui là một trong những kẻ nổ bom tự sát hôm thứ 3 tại phi trường Brussels.

Các giới chức nói phi trường này sẽ không mở cửa lại cho tới ít nhất là thứ 3 tuần sau.

Lacchraoui cũng dính líu tới vụ tấn công ngày 13 tháng 11 ở Paris giết chết 130 người. DNA của hung thủ này được tìm thấy trên một chiếc áo gắn bom tự sát và trên một mảnh vải được tìm thấy tại hí viện Bataclan, nơi 90 người bị giết hại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm thứ 6 có mặt tại Brussels để thảo luận với các nhà lãnh đạo Bỉ và Âu châu về những vụ tấn công. Ông nói Hoa Kỳ và các nước trong liên minh chống khủng bố có một thông điệp cho những ai giết hại và gây thương tích cho thường dân vô tội là “Chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ trở lại với quyết tâm mạnh mẽ hơn, với sức mạnh to lớn hơn, và chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho tới khi nào chúng tôi quét sạch những niềm tin hư vô và sự hèn nhát của các người ra khỏi trái đất này.”

Một giới chức Mỹ mới đây đã xác nhận hai người Mỹ nằm trong số hơn 30 người thiệt mạng trong những vụ tấn công ở thủ đô nước Bỉ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Nửa triệu người Cuba dự buổi trình diễn của ban nhạc Rolling Stones --- Rolling Stones lần đầu công diễn ở Cuba

Khoảng nửa triệu người Cuba đã đến xem buổi trình diễn của ban nhạc Rolling Stones của Anh ở Havana tối thứ 6.

Buổi trình diễn miễn phí này được nhiều người háo hức chờ đợi vì nhạc rock & roll của Rolling Stones bị chính phủ Cộng Sản Cuba cấm trong nhiều thập niên qua.

Buổi trình diễn này kết thúc một tuần lễ có nhiều sự kiện lịch sử ở Cuba. Hồi đầu tuần này, ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên đến thăm Cuba trong vòng 88 năm.

Ông Obama đã khởi động những bước để tiến chỗ bình thường hoá quan hệ với Cuba cách nay hơn một năm. - VOA

***
Ban nhạc huyền thoại Rolling Stones làm rung chuyển Havana, biểu diễn trước hàng chục nghìn khán giả ở thủ đô của Cuba, nơi hầu hết các ban nhạc rock nước ngoài bị cấm suốt nhiều thập kỷ.

Nhiều người đến dự buổi ca nhạc miễn phí hôm thứ Sáu 25/03, mà người hâm mộ trong nhiều năm phải giữ bí mật về tình yêu của họ đối với Rolling Stones và các ban nhạc khác.

Mick Jagger chào người hâm mộ bằng tiếng Tây Ban Nha trước khi mở màn đêm diễn bằng bài hát nổi tiếng Jumpin’ Jack Flash năm 1968.

Chương trình diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama tới Cuba.

'Thời gian thay đổi mọi thứ'

Hàng chục ngàn người Cuba xếp hàng trong nhiều giờ đồng hồ để tới được địa điểm có sức chứa 450.000 người, Ciudad Deportiva.

Ban nhạc diễn 18 bài hát trong chương trình dài hai giờ, gồm những bài nổi tiếng như Sympathy for the Devil và Statisfaction.

Đây được cho là dấu hiệu của sự thay đổi thực sự trên hòn đảo này. Cho tới khoảng 15 năm trước, chính quyền cộng sản của Cuba vẫn cấm đa số các ban nhạc rock và pop nước ngoài, do bị coi là suy đồi và mang tính lật đổ.

Nhưng Cuba đã có nhiều thay đổi nổi bật trong những năm gần đây, nhất là trong 18 tháng qua với quá trình xích lại gần Hoa Kỳ diễn nhanh chóng, phóng viên Will Grant của BBC ở Havana nhận xét.

Ban nhạc Rolling Stones tung ra đoạn video ngắn nói buổi biểu diễn là dấu hiệu thay đổi ở Cuba.

“Thời gian thay đổi mọi thứ, nên chúng tôi rất hạnh phúc được có mặt ở đây,” ca sỹ Mick Jagger nói.

Người hâm mộ đến từ rất nhiều nơi khác nhau ở Cuba và thậm chí còn từ các nước khác, để chứng kiến điều mà một số người gọi là khoảnh khắc lịch sử.

“Họ từng bị cấm. Chúng tôi không được nghe Beatles hay các ca sỹ khác từ châu Mỹ Latinh. Giờ đây chúng tôi được nghe những gì chúng tôi muốn,” một người hâm mộ nói với BBC.

“Chuyến thăm của ông Obama [đầu tuần này], và giờ là Rolling Stones. Thật đặc biệt và lịch sử, thật vui tôi được ở đây,” một người khác nói.

"Sau hôm nau thì tôi chết được rồi,” Joaquin Ortiz, một bảo vệ nói với hãng tin AP. “Đây là nguyện ước cuối cùng của tôi, được xem Rolling Stones.”

Giới chức Cuba nói họ ước tính ít nhất nửa triệu người xem buổi biểu diễn đầu tiên của ban nhạc ở Cuba. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

4.
Tuyên bố ‘ráng làm người tử tế’ của Thủ tướng Dũng gây chú ý

Lời khuyên ‘ráng làm người tử tế’ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của người sử dụng mạng xã hội.

Trong khi chủ trì phiên họp từ biệt các thành viên nội các hôm nay, 26/3, ông nói rằng ngày 6/4 tới ông sẽ "kết thúc nhiệm vụ".

Ông Dũng sau đó gửi lời cám ơn tới các cộng sự của mình đồng thời chúc mừng các thành viên chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ, trong đó ông nêu tên người được giới thiệu kế nhiệm mình là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng như bí thư thành ủy Sài Gòn và Hà Nội là Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải.

Sau đó ông cũng khuyên hơn 10 thành viên chính phủ về hưu kỳ này, trong đó có bản thân mình, là “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế, sống tử tế”. 

Trong đoạn thu âm được đăng tải trên báo chí trong nước, khi ông Dũng nói tới chữ “người tử tế” thì nhiều người tham dự cuộc họp đã bật cười.

'Vung tay quá trán'

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra ít ngày sau khi người được cho sẽ lên kế nhiệm ông nói rằng “nợ chính phủ đã vượt giới hạn”.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của quốc hội sáng 21/3 rằng “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định”.

Trong bài viết có tựa đề “ngân sách không đủ tiêu, đầu năm chính phủ lo vay nợ”, báo điện tử VietNamNet viết: “ Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, chính phủ đã phải tính chuyện đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này”.

Còn trong bài viết về “bức tranh ngân sách quốc gia đầy báo động”, tờ Tuổi Trẻ cho rằng “hiện chúng ta cũng có những định chế và những người chịu trách nhiệm, nhưng lại không chịu trách nhiệm cụ thể nên cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được quốc hội Việt Nam bầu làm thủ tướng năm 2006, và ông cho biết, tính tới ngày 6/4 này, ông đã làm thủ tướng được “9 năm 10 tháng".

Trong kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua, ông Dũng “xin rút” để “về nghỉ chính sách”, sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu chính phủ Việt Nam.

Tin cho hay, Quốc hội khóa 13 dự kiến sẽ miễn nhiệm thủ tướng ngày 6/4 và việc bỏ phiếu kín bầu thủ tướng diễn ra một ngày sau đó. - VOA
|
|

5.
Người dân Sài Gòn tập trung phản đối chặt cây xanh

Hơn 20 người dân tại Sài Gòn hôm nay tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt một số cây cổ thụ tại đó để triển khai dự án giao thông.

Mạng báo Dân Việt và một số trang mạng xã hội loan tin này. Hình ảnh cho thấy những người phản đối giương biểu ngữ với những nội dung ‘Vì một thành phố trong lành, đừng chặt cây’; Tôi yêu cây, cây yêu tôi, chặt cây là một tội ác.’…

Một người biểu tình phản đối được mạng báo Dân Việt trích dẫn nói rằng những người biểu tình mong muốn chính quyền lắng nghe và xem xét lại quyết định chặt hạ hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng.

Vào ngày 23 tháng 3 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo sẽ đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Mục tiêu để triển khai các dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son…

Viên chức phó ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố Hồ Chí Minh, ông Hoàng Như Cương, phát biểu với báo giới rằng cơ quan chức năng sẽ bứng những cây có đường kính dưới 50 centimet, thân thẳng, không sâu bệnh, số còn lại sẽ bị chặt hạ.

Xin được nhắc lại, một tình trạng tương tự từng xảy ra ở thủ đô Hà Nội vào cùng thời kỳ năm ngoái.

Nhiều người dân tại đó trong mấy chủ nhật vào tháng ba và tháng tư năm 2015, tuần hành biểu tình phản đối kế hoạch chặt hằng loạt 6700 cây xanh ở Hà Nội mà cơ quan chức năng đề ra.

Một số thanh niên Hà Nội thành lập ra các nhóm bảo vệ cây xanh như ‘Vì Một Hà Nội Xanh’… Họ đến tại cơ quan chức năng để chất vấn về một biện pháp gây ảnh hưởng đến người dân mà không hỏi ý kiến của dân chúng như thế.

Truyền thông của Nhà nước cũng loan tin về đợt chặt cây ở Hà Nội vào lúc đó. Một số cây trồng mới được cơ quan chức năng thông báo là cây vàng tâm; thế nhưng giới chuyên môn chỉ ra đó là loại cây mỡ không thích hợp để trồng ở đô thị như Hà Nội. - RFA
|
|

6.
Lào xả nước Mekong 'giúp Việt Nam'

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Lào sẽ xả nước một số đập thuỷ điện để giúp chống hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao, được các báo trong nước trích dẫn, nói Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào - ông Khammany Inthirath, cho hay từ ngày 23/3 tới cuối tháng 5/2016 Lào sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng khoảng 1.136 m3/s. 

Chưa thấy nguồn tin quốc tế nào đề cập về quyết định này.

Trước đó Trung Quốc cũng đã bắt đầu xả nước đập Cảnh Hồng ở thượng nguồn giúp Việt Nam chống hạn từ ngày 15/3 tới ngày 10/4.

Tổng cộng lượng nước được xả xuống từ thượng nguồn sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam là khoảng 3.611 m3/s và sẽ tới đồng bằng sông Cửu Long vào đầu tháng Tư, các nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng hành động xả nước thủy điện 'giúp Việt Nam' chỉ có ý nghĩa chính trị chứ hiệu quả thực tế không lớn.

Một số chuyên gia tính toán rằng chỉ khoảng 1/5 lượng nước xả xuống được tới đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu từ Đại học Cần Thơ, trong một phỏng vấn với BBC nhận định: "Lượng nước xả như vậy khi đến đồng bằng sông Cửu Long không còn bao nhiêu nữa".

"Khi nước đến đồng bằng sông Cửu Long sẽ không đủ để đẩy mặn được. Tính toán của chúng tôi cho rằng nếu cần đẩy mặn, thì nước ít nhất phải từ 10.000m3/giây mới có thể đẩy mặn hiệu quả trong hoàn cảnh này"

Có chuyên gia đề xuất đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cần nhanh chóng giảm sản xuất lúa gạo, chuyển sang những ngành nghề khác phù hợp hơn với thay đổi khí hậu. - BBC
|
|

7.
Viettel tham gia thị trường Myanmar

Công ty viễn thông quân đội Viettel cùng đối tác Myanmar sắp được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở nước này, theo hãng tin Nikkei.

Đây là giấy phép kinh doanh thứ tư mà chính phủ Myanmar cấp trong lĩnh vực mới mở cửa nhưng đã phát triển như vũ bão.

Đối tác địa phương của Viettel là tổ hợp 11 công ty, dẫn đầu là Yatanarpon Teleport (YTP), nhà cung cấp dịch vụ internet lớn ở Myanmar.

Myanmar mới bắt đầu mở cửa thị trường điện thoại di động vào mùa hè năm 2013. Trước đó, các dịch vụ hoàn toàn nằm trong tay công ty nhà nước Myanma Posts and Telecommunications (MPT).

Vào thời điểm đó, mới chỉ có 9% dân số 60 triệu người ở nước này sở hữu điện thoại di động.

Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar là hai công ty nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép dịch vụ điện thoại di động. Lúc đó Viettel cũng dự thầu nhưng thất bại.

Sau hai công ty đầu tiên, MPT hợp tác với công ty Nhật KDDI và tập đoàn Sumitomo lấy giấy phép thứ ba.

Nay với giấy phép thứ tư cho Viettel và tổ hợp của YTP, người ta trông đợi cạnh tranh sẽ gia tăng trên thị trường điện thoại di động Myanmar.

Giá dịch vụ đã giảm hơn một nửa trong hơn một năm và sẽ còn tiếp tục giảm.

Viettel những năm gần đây hoạt động khá mạnh tại các thị trường mới.

Tại châu Phi, Viettel hiện diện ở bốn quốc gia là Mozambique, Burundi, Cameroon và Tanzania. - BBC

No comments:

Post a Comment