Sunday, March 6, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 6/3

Tin Thế Giới

1.
Mỹ-Hàn chuẩn bị tập trận lớn nhất

Mỹ và Hàn Quốc đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn nhất trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên đang ngày càng căng thẳng.

Hãng thông tấn Yonhap trích lời của giới chức quân đội nói cuộc tập trận sẽ có sự tham dự của 300.000 lính Hàn Quốc và khoảng 15.000 lính Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng của Hàn Quốc, ông Han Min-koo nói cuộc tập trận năm nay sẽ có 'qui mô gấp đôi' so với năm ngoái.


Cuộc tập trận sẽ diễn ra vài ngày sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi chính phủ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân vào hồi tháng 01/2016 và sau vụ phóng tên lửa tiếp sau đó.

Bắc Triều Tiên đã phản ứng lại nghị quyết của Liên Hợp Quốc khi nước ngày cho rằng mục đích phát triển vũ khí hạt nhân là 'nhằm tự vệ' và Bắc Triều Tiên đã bắn một số tên lửa tầm ngắn xuống biển.

Gây hấn hay tập dượt?

Các chuyên gia quân sự cũng tỏ ra hoài nghi Bắc Triều Tiên có khả năng lắp các đầu đạn hạt nhân lên những tên lửa của họ.

Vẫn theo truyền thông Hàn Quốc, Bộ trưởng Han Min-koo nói hôm 06/3 rằng cuộc tập trận sẽ được bắt đầu vào ngày thứ Hai (07/3), và kéo dài cho đến tận 30 tháng Tư là nhằm cảnh báo Bắc Triều Tiên vì những hành động 'gây hấn', trong lúc Bắc Triều Tiên nhìn việc tập trận như một sự 'tập dượt' cho một cuộc xâm lược.

Cũng vào hôm thứ Sáu vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức bàn thảo về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, một động thái bị cả Bắc Triều Tiên, Nga và Trung Quốc cùng phản đối.

Bắc Kinh nói hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad có thể làm ảnh hưởng đến an ninh và nỗ lực giải trừ hạt nhân của Trung Quốc.

Hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (Thaad) được biết là một hệ thống tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối.

Hệ thống này sử dụng công nghệ “truy đuổi” (hit-to-kill), dùng động năng để tiêu diệt tên lửa đối phương.

Có thể đánh chặn đối tượng mục tiêu từ cự ly cách 200 km và có thể lên đến tầm cao 150 km.

Được biết, Mỹ đã từng triển khai Thaad ở đảo Guam và Hawaii như một phương án phòng thủ các cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên. - BBC
|
|

2.
Tập Cận Bình: "Trung Quốc không muốn mất Đài Loan lần nữa"

Bên lề kỳ họp Quốc Hội thường niên, khai mạc hôm qua 05/03/2016, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố: "Trung Quốc không muốn bị chia cắt với Đài Loan một lần nữa". Theo hãng tin Reuters, đây là lời cảnh báo cứng rắn về ý định độc lập của chính quyền Đài Bắc. Hôm qua, trong bài phát biểu khai mạc Quốc Hội, thủ tướng Trung Quốc khẳng định sẵn sàng "chống lại mọi hành động giành độc lập của Đài Loan".

Theo báo chí Trung Quốc hôm nay 06/03, gặp gỡ đại biểu thành phố Thượng Hải, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới việc triều đại nhà Thanh đã để mất Đài Loan vào tay Nhật Bản năm 1895. Tokyo biến hòn đảo thành một thuộc địa cho đến cuối Thế Chiến Thứ Hai.

Ông nói: "Chúng ta phải tuyệt đối ngăn chặn mọi hành động ly khai 'Đài Loan độc lập' dưới bất kỳ hình thức nào, phải bảo vệ chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ và phải tránh lặp lại lịch sử đau thương để đất nước bị chia rẽ một lần nữa. Đây là mong muốn chung, trước sau như một của mọi người dân Trung Quốc. Đây cũng là cam kết long trọng và là trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử và dân tộc".

Chủ tịch Trung Quốc nói hai bờ eo biển Đài Loan nên thực hiện quá trình hội nhập xã hội và kinh tế sâu sắc hơn và tăng cường "ý thức một cộng đồng cùng chung số phận". Vẫn theo ông Tập: "Đồng bào hai bên bờ eo biển Đài Loan hy vọng mối quan hệ xuyên eo biển phát triển một cách hòa bình và chúng ta không nên làm họ thất vọng".

Không trực tiếp nhắc đến tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người sẽ nhậm chức vào tháng 05, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan là rõ ràng, thích hợp và "sẽ không thay đổi theo sự biến đổi tình hình chính trị của Đài Loan". Bà Thái Anh Văn, từng phát biểu muốn duy trì hòa bình với Trung Quốc và truyền thông nhà nước cũng từng đưa tin bà cam kết duy trì "hiện trạng" với Hoa lục.

Phát biểu với Reuters bên lề hội nghị ngày 06/03, ông Thuận Lâm Tường (Lin Xianshun), một sĩ quan quân đội Trung Quốc, đào thoát khỏi Đài Loan năm 1989 cáo buộc bà Thái Anh Văn "âm mưu" vừa tranh thủ thu lợi từ mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc, đồng thời ngấm ngầm tách Đài Loan khỏi Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trong tám năm gần đây được đánh giá là ổn định, sau khi ông Mã Anh Cửu, được cho là thân Bắc Kinh, được bầu làm tổng thống Đài Loan năm 2008.

Ông Mã đã ký một loạt thỏa thuận kinh tế quan trọng với Bắc Kinh và đã có một cuộc họp lần đầu tiên với chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2015 tại Singapore.

Trung Quốc luôn coi hòn đảo Đài Loan tự trị và dân chủ là một tỉnh "cứng đầu" và sẽ dùng tới vũ lực để kiểm soát trong trường hợp cần thiết. Từ tháng 01/2016, sau khi bà Thái Anh Văn được bầu làm tổng thống Đài Loan và đảng Dân Tiến của bà chiếm đa số trong Quốc hội, Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo mọi ý định tuyên bố độc lập của hòn đảo. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Cựu Đệ nhất Phu nhân Nancy Reagan qua đời

Cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Nancy Reagan đã qua đời ở tuổi 94, nữ phát ngôn của bà nói với NBC News.

Bà Reagan sẽ được chôn cất tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Simi Valley, California, bên cạnh chồng, cựu Tổng thống Ronald Wilson Reagan, người đã qua đời vào ngày 5 tháng 6, 2004.

Đại diện của bà Nancy Reagan, bà Joanne Drake, nói với NBC rằng cựu đệ nhất phu nhân đã qua đời vì chứng suy tim.

Bà Nancy Reagan, kết hôn với ông Ronald Reagan vào năm 1952. Bà đã trong tình trạng sức khoẻ không được tốt trong những năm gần đây.

Ông Ronald Reagan là vị tổng thống phục vụ hai nhiệm kỳ 1981-1989. Ông Reagan đã qua đời ở tuổi 93 tại nhà riêng ở Los Angeles năm 2004 sau 10 năm chiến đấu chống bệnh Alzheimer. - VOA
|
|

4.
Siêu thứ Bảy: Ted Cruz cản đà thắng của tỉ phú Trump, bà Clinton vẫn dẫn đầu

Các ứng cử viên Cruz, Trump, Clinton và Sanders giành được những thắng lợi trong này siêu thứ Bảy

Năm tiểu bang của Mỹ đã họp bầu và bầu cử nội bộ đảng trong ngày hôm qua, thứ Bảy, trong quá trình chọn người đại diện của mỗi đảng – Ðảng Dân chủ và Ðảng Cộng hòa – để ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Ðảng Cộng hòa bầu cử tại bốn bang. Ông Donald Trump, ứng cử viên đang dẫn đầu, thắng ở hai bang Louisiana và Kentucky, và Thượng nghị sĩ Ted Cruz thắng ở hai bang Maine và Kansas. Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thống đốc bang Ohio John Kasich đều về sau ở cả bốn bang.

Ông Cruz thực sự đã giành được nhiều phiếu đại biểu hơn so với ông Trump hôm thứ Bảy, nhưng ông Trump vẫn dẫn đầu với tổng số phiếu đại biểu là 378 còn ông Cruz được 295.

Bên Ðảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thắng ở hai bang Kansas và Nebraska, trong khi bà Hillary Clinton thắng lớn tại bang Louisiana.

Bà Clinton thực sự giành được nhiều phiếu đại biểu hơn ông Sanders và vẫn dẫn đầu khá xa, với 1.121 phiếu đại biểu, so với ông Sanders được 479 phiếu.

Tuy nhiên ông Sanders vẫn nói trong một thông báo rằng "chúng tôi đang tạo được đà tiến, sức mạnh và khí thế sẽ đưa chúng tôi đi suốt hành trình cho đến Đại hội Đảng toàn quốc tại Philadelphia."

Ông Trump phía Ðảng Cộng hòa gọi các chiến thắng của ông là "một đêm tuyệt vời," và nói ông sẽ hạ ông Cruz ở từng bang một như ở bang New York, Pennsylvania, và California.  Ông chúc mừng chiến thắng của ông Cruz hôm thứ Bảy, nhất là ở bang Maine "bởi vì nó gần Canada." Ông Cruz sinh ra ở Canada, điều mà ông Trump nói là làm cho Cruz không đủ tư cách dự tranh cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump kêu gọi ông Rubio bỏ cuộc đua trong Ðảng Cộng hòa. Ông Rubio về thứ ba, và bị bỏ lại khá xa trong các cuộc đua hôm thứ Bảy, ngoại trừ ở bang Maine, nơi ông về thứ tư, sau ông Kasich.

Ðảng Cộng hòa sẽ bầu cử sơ bộ tại lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ hôm nay, Chủ nhật. Bốn bang nữa sẽ bầu cử trong ngày thứ Ba tới.

Trong khi đó ông Rubio đang đẩy mạnh vận động cho chiến thắng tại bang nhà Florida của ông, nơi sẽ bầu cử sơ bộ vào ngày 15 tháng này.

Bên Ðảng Dân chủ, bầu cử sơ bộ sẽ tổ chức tại bang Maine hôm nay, Chủ nhật. Hai bang nữa sẽ bầu cử vào thứ Ba.

Bà Clinton và ông Sanders sẽ dự cuộc tranh luận hôm nay, tại thành phố Fllint, bang Michigan. Đây là cuộc tranh luận lần thứ bảy giữa hai ứng cử viên Dân chủ này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Người dân Sầm Sơn Thanh Hóa tiếp tục biểu tình

Sáng hôm nay người dân xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung trước UBND tỉnh để đòi hỏi chính quyền thực hiện quyền lợi chính đáng của họ, đó là chừa lại một khoảng trống trên bãi biển Sầm Sơn từ 6 tới 7 trăm mét để ngư dân xã Quảng Cư có thể làm ăn sinh sống sau khi chính quyền cho phép tập đoàn FLC trưng thu đất dọc bãi biền để lập khu vui chơi du lịch cao cấp.

Người dân bức xúc

Một người dân cho chúng tôi biết sự việc đang diễn ra sáng hôm nay:

“Nhân dân bây giờ tập trung ngày nào cũng lên tỉnh để đòi quyền lợi. 100% các hộ ở đây đều lên trên tỉnh đòi mặt bể lại cho dân, khi nào đòi được mới thôi chứ không bỏ. Nhân dân quyết tâm đi đòi hết ngày này tới ngày khác, đòi kỳ được thì thôi. Khi nào nhà nước trả bãi bể cho bà con nhân dân đi làm thì mới thôi.

Người dân Quảng Cư từ bao đời nay sống bằng nghề đánh bắt cá nhỏ lẻ ngoài khơi, riêng con cái gia đình ngư dân cào ngao, sò trên bãi biển. Nếu chính quyền cho phép giải phóng mặt bằng thì nơi neo đậu tàu thuyền của họ sẽ bị bị thu hồi giao cho Tập đoàn FLC.”

Kể từ ngày 29 tháng 2 hàng trăm người đã tập trung tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và ở khu vực xung quanh với số lượng có ngày lên tới vài trăm. Vào ngày 2 tháng 3 vừa qua UBND tỉnh có cuộc họp khẩn cấp nhưng vấn đề chừa lại 1.000 mét hay tối thiểu 700 mét cho người dân chưa đạt được thỏa thuận với FLC nên người dân tiếp tục tập trung trước UBND tỉnh vào sáng hôm nay.

Một người dân bức xúc cho biết:

“Từ hàng nghìn năm nay ông bà ông vãi đã giữ gìn biển mà giờ UBND tỉnh Thanh Hóa không cho dân đánh bắt cá ngoài biển nữa thì dân nó bức xúc không đi làm ăn gì hết. Dân yêu cầu để lại cho người ta một cây số hay 700 mét cũng được mà UB Tỉnh không giải quyết, người dân họ bức xúc, con cái học hành không có tiền đóng, nghề nghiệp đất cát ruộng rẫy lại không có, tái định cư cũng không còn chút biển người ta kiếm 50-100 về mua gạo ăn, bây giờ cắt biển luôn thì chết dở.”

“Gây rối trật tự công cộng”

Trong khi đó công an tỉnh Thanh Hóa cho báo chí biết là cơ quan điều tra đã vào cuộc khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 245 bộ luật Hình sự để điều tra.

Người dân phản ứng lại khi nghe tin này và cho biết họ là nạn nhân trực tiếp nên tự bảo vệ quyền lợi của mình mà không có bất cứ ai đứng sau lưng xúi giục hay sách động:

“Đây là toàn thể nhân dân đồng tình đi chứ không ai cầm đầu và cũng không ai tổ chức gì hết. Toàn thể nhân dân dẫn nhau đi đòi công lý cho nhân dân chứ không ai cầm đầu cả.”

Công an rải khắp mọi nơi để theo dõi nhân dân tuyên truyền như thế nào nhưng tất cả nhân dân đều đồng tình đi làm cho dân chứ không có ai đầu sỏ hết. Chúng tôi đi đến đâu thì bị chặn đến đấy. Xe buýt thì không còn chuyến từ Sầm Sơn lên thành phố nữa, taxi đi thì cũng bị ách lại, các ngõ đường đều bị công an bao vây kiểm tra giấy tờ. Bây giờ chỗ nào cũng có công an cả.

Và cho tới trưa hôm nay theo xác định của người dân Sầm Sơn thì chưa có ai bị bắt:

“Chưa, chưa bắt ai hết ạ. Đó là thông tin ảo chưa bắt ai hết, cả bốn phường này chưa ai bị bắt hết.”

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến mới nhất để tường trình cùng với quý vị. - RFA
|
|

6.
Ông Đinh La Thăng giúp phục hồi ‘Hòn ngọc Viễn Đông’? --- Hòn ngọc Viễn Đông 'mất duyên'

Bí thư Thành ủy Sài Gòn “lệnh” cho công an thành phố phải nỗ lực giảm tình trạng cướp giật, trộm cắp và tội phạm tràn lan trong vòng 3 tháng.

Hôm nay, công an nơi từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” đã mở một cuộc ra quân phòng chống tội phạm quy mô lớn với nhiều lực lượng tham gia tại các khu vực trọng điểm.

Cuộc xuống đường trấn áp nạn cướp giật ở thành phố diễn ra gần nửa tháng sau khi Bí thư thành ủy Đinh La Thăng làm việc với công an, gợi ý tái lập lực lượng "Săn bắt cướp" để bảo vệ người dân và du khách.

Người được báo chí mệnh danh là “Đinh tư lệnh” được báo điện tử VnExpress  trích lời nói: "Cuộc sống người dân đầy đủ, no ấm nhưng lúc nào cũng thấp thỏm về trộm cắp, cướp giật thì không thể là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình được".

"Trong vòng 3 tháng tới, công an thành phố phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm được kéo giảm một cách rõ rệt", ông Thăng nói thêm.

Lãnh đạo đảng bộ Sài Gòn còn yêu cầu “xử lý nghiêm những ai không hoàn thành nhiệm vụ, làm cho chính quyền mất uy tín với dân”.

Cuộc ra quân của công an Sài Gòn sau chỉ đạo của ông Thăng đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng, trong bối cảnh tình trạng cướp giật tài sản công khai trên đường phố khiến người dân lo lắng mỗi khi ra đường.

‘Minh chứng sống’

Trong ý kiến gửi cho VOA, một bạn đọc tên Người Nha Trang viết: “Tôi là minh chứng sống. Bộ trưởng Đinh La Thăng có lắng nghe tiếng than của dân”.

Báo chí trong nước gần đây đã cho đăng nhiều bài viết về tình trạng “cướp giật táo tợn và liều lĩnh” ở Sài Gòn.

Số liệu của công an thành phố cho biết năm 2015 xảy ra hơn 6 nghìn vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn, trong đó tội trộm cắp, cướp giật vẫn chiếm tỷ lệ cao, tới gần 85%.

Theo VnExpress, tại quận 1, trung tâm của Sài Gòn, trong 345 vụ phạm pháp hình sự, có đến 109 vụ cướp giật tài sản (chiếm hơn 31%), 177 vụ trộm cắp (hơn 51%), trong đó, có đến 55 nạn nhân bị cướp giật là người nước ngoài. 

Hồi đầu năm, ông Thăng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm một trong số gần 20 ủy viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Việt Nam. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ mới là Bí thư thành ủy Sài Gòn.

Với những tuyên bố cũng như hành động mạnh mẽ khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Thăng được người dân kỳ vọng sẽ xử lý được các vấn đề còn tồn tại ở trung tâm tài chính của Việt Nam.

Trong một tuyên bố mới hôm qua khi bàn về vấn đề di dời, cải tạo các chung cư cũ đang gây bức xúc trong nhân dân Sài Gòn, ông Thăng nói: “Quan trọng là làm sao dân không phải nơm nớp lo sợ khi sống trong nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Mà nhà sập thì mấy ông lãnh đạo cũng... sập”. - VOA

***
Sài Gòn, nơi từng được mệnh danh là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’, đang ngày càng kém duyên và biến thành một đô thị xô bồ, ô nhiễm. Những ngợi khen về con người Sài Gòn chân tình, hào sảng đang dần mất dạng để nhường chỗ cho một xã hội bon chen, trộm cướp hoành hành.

Vì đâu nên nỗi? Làm cách nào lấy lại được những tiếng thơm đã mất và khôi phục lại vẻ đẹp vốn có của thành phố năng động này?

Đó là chủ đề của Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, với 3 khách mời là những cư dân trẻ của Sài thành: Phạm Văn Lộc, Nguyễn Trần Hoàng, và Hoàng Kim Sơn. Mời các bạn cùng gặp gỡ.

Trà Mi: Các bạn thấy hình ảnh Sài Gòn ngày nay khác xưa thế nào?

Phạm Văn Lộc: Sài Gòn bây giờ đã thay đổi rất nhiều, một thành phố khói bụi ô nhiễm, và đã mất đi nét văn minh của Sài Gòn xưa từ cách ứng xử của từng người. Ra đường chỉ cần một va quẹt nhỏ là người ta ứng xử với nhau thiếu văn hóa.

Trà Mi: So sánh Sài Gòn xưa và nay, Lộc nghĩ ngay tới những hình ảnh chưa đẹp. Còn Sơn, cảm nhận của bạn về Sài Gòn thế nào?

Hoàng Kim Sơn: Xưa dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn giữ được những nét cổ, đẹp theo văn hóa, quy hoạch của người Pháp. Nay, sau một thời quản lý của nhà nước này, có vẻ như hơi chệch choạt về quy hoạch đô thị cũng như về đạo đức con người. Dân ở đây giờ chủ yếu là dân nhập cư, chứ người gốc Sài Gòn rất ít. Do mặt bằng chung của xã hội và giáo dục đạo đức, không riêng ở Sài Gòn mà trên cả nước, đạo đức con người đã đi xuống, an sinh giáo dục cũng kém. Nói chung do quản lý thôi.’

Trà Mi: Nói tới Sài Gòn, người ta nghĩ ngay tới các tòa cao ốc, khu mua sắm, dinh thự nguy nga tráng lệ, hay những hàng quán sang trọng. Những hình ảnh đó không là niềm hãnh diện của Sài Gòn hay sao?

Hoàng Kim Sơn: Sài Gòn lâu nay vẫn là nơi giàu nhất Việt Nam mà.

Phạm Văn Lộc: Bây giờ rất xô bồ, không có nét gì để hãnh diện hết.

Trà Mi: Đất chật người đông, khó tránh được sự xô bồ hay ô nhiễm. Các bạn có thông cảm điều đó không?

Phạm Văn Lộc: Người lãnh đạo phải sáng suốt thì thành phố mới sạch, đẹp, văn minh. Đó chính là điều gây trăn trở. Sau năm 1975, nền giáo dục của mình xuống cấp. Những thế hệ sau bị nhồi sọ. Những sự dối trá từ miền Bắc đem vào. Tất cả ảnh hưởng đến thế hệ trẻ rất nhiều, chủ yếu từ nền giáo dục.

Hoàng Kim Sơn: Môi trường xã hội ảnh hưởng con người. Đạo đức con người là do môi trường xã hội. Khi cuộc sống quan trọng đồng tiền trên hết, người ta không còn quan tâm đến đạo đức và tự trọng nữa. Người ta làm mọi giá để kiếm được tiền dù làm chuyện xấu.

Trà Mi: Nếu cuộc do sống kim tiền khiến con người thay đổi thì xung quanh cũng có nhiều nơi phát triển hơn mình, họ chạy theo đồng tiền còn vội vã hơn nhưng vẫn giữ được nét văn minh-lịch sử, chẳng hạn như Thái Lan hay Singapore?

Hoàng Kim Sơn: Bần nông không được học lại lên làm cán bộ. Cho nên, chiếm vị trí trong xã hội không phải là người giỏi nhất mà là những kẻ giang hồ nhất. Họ làm điều xấu để họ vươn lên. Từ cái gốc đã xấu rồi thì cái ngọn đâu có đẹp nữa?

Trà Mi: Có khách quan không khi đổ lỗi ở những người có vị trí, có trách nhiệm? Hay cũng có một phần nào đó do ý thức của từng cá nhân trong xã hội này?

Hoàng Kim Sơn: Đúng, mỗi người là một yếu tố trong xã hội. Bản thân mỗi người phải tự ‘vươn ra’, chứ cứ kiếm sống và an phận đến chết thì cuộc đời họ chỉ giống một con ốc trong một chuỗi ốc thôi, không được gì cả. Phải có ý chí ‘vươn ra ngoài’, vượt ra khỏi nhà tù nhỏ của cộng sản để đầu óc sáng sủa hơn, để biết cách sống và đóng góp cho xã hội, chứ không phải chỉ biết tích góp cho bản thân mà thôi.

Phạm Văn Lộc: Mình sống trong một xã hội không được tự do. Có rất nhiều nhân tài nhưng họ không được trọng dụng thì đất nước cũng khó phát triển. Sinh viên đại học bây giờ hai, ba bằng đại học vẫn không xin được việc làm vì không có thân thế. Con cháu của cán bộ thì được đưa vào. Nhân tài thì bị mai một. Đó là điều người trẻ trăn trở.

Trà Mi: Các bạn mong muốn những thay đổi như thế nào từ giới hữu trách?

Phạm Văn Lộc: Sống giữa chế độ độc đảng này, khó lắm, không thể nào nói được. Dân cất tiếng, họ vùi dập liền. Khi nào đất nước thật sự có tự do-dân chủ thì người trẻ mới phát huy được năng lực của mình.

Trà Mi: Ngoài những kỳ vọng ở giới hữu trách, trách nhiệm của người trẻ ra sao để thúc đẩy mọi việc khá hơn?

Nguyễn Trần Hoàng: Mỗi người trong xã hội đều phải có trách nhiệm. Từng người sống tốt thì xã hội tự nhiên sẽ tốt hơn. Đừng lường gạt, đừng hơn thua, đừng làm gì sai trái mà hãy sống một cách chân chính.

Phạm Văn Lộc: Mình mơ ước trước tiên thay đổi được nền giáo dục từ gốc thì mình mới tạo nên được những nét đẹp bên ngoài. Nếu vẫn theo nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì các thế hệ tiếp nối sẽ khó giữ được nét đẹp trong con người để từ đó có thể xây dựng được một thành phố tốt đẹp hơn. Ra nước ngoài thấy nhiều nơi họ treo bảng đề phòng người Việt trộm cắp, mình thấy xấu hổ cho một nền giáo dục dối trá.

Nguyễn Trần Hoàng: Ước muốn Sài Gòn ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn phải từ con người thay đổi. Khi con người thay đổi, sống chân thật, tâm thiện, đối xử tốt với người khác thì xã hội mới đẹp hơn.

Hoàng Kim Sơn: Với Việt Nam, không đơn giản chỉ thay đổi giáo dục là được, mà phải thay đổi từ hệ thống nhà nước, từ luật lệ. Giống như Tổng thống Obama nói, muốn thấy sự thay đổi, bản thân mỗi người hãy tự thay đổi. Chỉ cần 30% dân Việt Nam thay đổi thì sẽ thấy được sự ‘cách mạng’ , không cần phải gì đâu.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đóng góp trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay. - VOA

No comments:

Post a Comment