Tin Thế Giới
1.
Thiếu an ninh hạt nhân mở ngỏ cho khủng bố, IS
Các nhà phân tích nói việc Nga vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington trong tuần này nêu lên những nghi vấn về khả năng của cộng đồng quốc tế để giữ cho nguyên liệu hạt nhân khỏi rơi vào tay Nhà nước Hồi Giáo và những tổ chức khủng bố khác. Thông tín viên Katherine Gypson của đài VOA tường thuật.
Hội nghị thượng đỉnh bao gồm một phiên họp đặc biệt nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân do những nguyên liệu hạt nhân không được bảo vệ, nhưng các nhà phân tích cho rằng không có sự hợp tác về an ninh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ cản trở những nỗ lực giải quyết mối đe dọa này.
Ông Tom Collina, Giám đốc về Chính sách của Quỹ Ploughshares nói “Nga đóng vai trò quan trọng. Và nếu không có Nga tại hội nghị thượng đỉnh thì đây là một lổ hỗng khổng lồ.”
Một số các quốc gia - trong đó có Pakistan, có những lổ hỗng về an ninh, nhưng qui mô của kho vũ khí hạt nhân của Nga và tình trạng thiếu thông tin gây nên những mối lo ngại. Kho vũ khí của Hoa Kỳ và Nga cộng lại chiếm 90% chất uranium được tinh chế cao trên thế giới và hơn một nửa tổng số plutonium.
Những đe dọa hạt nhân từ Nga
Ông Collina nói tiếp: “Vì sự hợp tác sụt giảm, nên những điều gì chúng ta thiếu là thông tin về những gì đang xảy ra. Điều đáng ngại nhất là khó biết những gì đang diễn ra ở Nga.”
Một cuộc điều tra của Thông tấn xã AP hồi năm ngoái cho thấy thị trường chợ đen về nguyên liệu hạt nhân đang phát triển mạnh tại Moldova, nơi nhà chức trách lo ngại là những tổ chức tội phạm đang chuyển lậu các nguyên liệu phóng xạ ra khỏi Nga và bán cho những người mua trả giá cao nhất.
Ông Collina cho biết một số ít nguyên liệu được tuồn ra thị trường chợ đen có xuất xứ từ Nga. Ông nói:
“Chúng ta biết là Nga có kho nguyên liệu hạt nhân to lớn. Nền kinh tế Nga đang trong cơn khủng hoảng, nên sự gộp chung của hai vấn đề này là một vấn đề thực sự và chúng ta cần nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra tại Nga, và chúng ta cần nhiều hợp tác hơn để chúng ta có thể giúp đỡ trong tiến trình này.”
Những đe dọa hạt nhân có thể phát xuất từ một số các lãnh vực, trong đó có những loại vũ khí hạt nhân được chế tạo từ uranium hay plutonium tinh chế cao bị đánh cắp, phá hoại những cơ sở hạt nhân hay bom bẩn phối hợp chất nổ với những chất liệu phóng xạ. Những cuộc tấn công tại Paris và Brussels chỉ làm gia tăng những lo ngại hiện có, và theo ông Collina, quân khủng bố có thể khai thác một số khuyết điểm của Nga để đạt được những mục tiêu này. Ông Collina nói:
“Họ có sử dụng đủ các nguồn lực trong tiến trình bảo vệ những chất liệu này hay không? Họ có kiểm soát chặt chẽ những khoa học gia hiểu biết về chất liệu hạt nhân để sự hiểu biết của họ không bị tiết lộ ra ngoài biên giới hay không? Chúng ta không biết gì cả.”
Những nỗ lực của Hoa Kỳ
Việc Nga từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh làm cho vấn đề phức tạp thêm, vì thiếu sự tham dự của Nga trong một số thỏa thuận hạt nhân quốc tế nhằm mục đích dọn sạch và bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân.
Ông Frank Miller, một cựu giám đốc về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan cố vấn cho tổng thống Mỹ nói:
“Có một số lớn các hiệp ước Nga đã quyết định không tham dự, do đó cần có một số thay đổi về chính trị tại Moscow để Nga giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ và phương Tây, và Nga sẽ tái gia nhập những hiệp định đã ký trước đây.”
Phụ tá cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes gọi sự vắng mặt của Nga tại hội nghị thượng đỉnh là “một cơ hội bị bỏ qua”. Nhưng ông cũng nói “điều quan trọng là thế giới thấy và biết được Hoa Kỳ và Nga tiếp tục hợp tác về những vấn đề liên quan đến an ninh hạt nhân.”
Ông Rhodes nói 3/4 trong số hơn 260 cam kết của các quốc gia trong những hội nghị thượng đỉnh hạt nhân trước đây đã được thi hành. Tuy nhiên những cam kết này có thể không có cùng chuẩn mực như Hoa Kỳ.
Bà Sharon Squassoni, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói:
“Đối với vấn đề này, không có nghĩa vụ ràng buộc pháp lý đối với các nước để thi hành những biện pháp an ninh như Hoa Kỳ đã có đối với những chất liệu hạt nhân và những cơ sở hạt nhân cũng như những nguồn phóng xạ.”
Ông Collina nói mặc dù những tiến bộ thực sự đã đạt được trong những hội nghị thượng đỉnh vừa qua, phúc trình mới đây về những hoạt động của Nhà nước Hồi Giáo tại Bỉ chung quanh những cơ sở hạt nhân và theo dõi những kỹ sư hạt nhân cho thấy cần phải làm nhiều hơn nữa.
“Những sự mong muốn, những khả năng và ý chí đó quân khủng bố đều có, mà vào lúc này chúng ta lại không theo kịp mối đe dọa”. - VOA
|
|
2.
Mực nước biển sẽ dâng cao gấp nhiều lần trong thế kỷ tới
Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy trước cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao hơn dự đoán trước kia vì hiện tượng tan băng nhanh ở Nam Cực.
Sử dụng các mô hình máy tính tinh vi, hai nghiên cứu gia người Mỹ Rob DeConto và David Pollard phát hiện ra rằng với tốc độ phát thải khí nhà kính hiện tại, các đại dương trên thế giới sẽ dâng lên gần 2 mét vào năm 2100 và lên cao tới 15 mét vào năm 2500.
Trái lại, báo cáo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Thay đổi Khí hậu dự báo mực nước biển sẽ dâng chỉ dưới 1 mét vào năm 2100, chủ yếu từ các vùng biển đang ấm dần lên, các sông băng tan chảy, và thềm băng Greenland.
Nếu dự báo của hai nhà nghiên cứu DeConto và Pollard đăng tải hôm 31 tháng 3 trên tạp chí Nature là chính xác thì nhiều khu vực ven biển như Nam Florida và New Orleans ở Hoa Kỳ, thành phố Thượng Hải, và Bangladesh có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng cao.
Cặp khoa học gia này nghiên cứu 2 giai đoạn trước đây của hiện tượng hâm nóng toàn cầu, cách đây 3 triệu năm và 125.000 năm, để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng tan chảy ở lục địa băng giá phía Nam. Họ phát hiện ra rằng các khối băng có thể trở nên không ổn định và bị vỡ vì nước ấm đọng trên các thềm băng Nam Cực và vì các vách băng khổng lồ cao ngất trên mực nước biển bị đổ sập. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ sẽ không 'che lấp' khác biệt trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình
Các giới chức cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ của Tổng thống Obama sẽ không che lấp những sự khác biệt với Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng và tranh chấp hải dương, mà sẽ thúc đẩy "những quyền lợi chung" trong việc ngăn chận bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Nike Ching của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Tổng thống Obama hôm nay sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân.
Về cuộc họp này, ông Dan Kritenbrink, Giám đốc Á châu Sự vụ của Tòa Bạch Ốc, cho biết:
"Sự chủ động giao tiếp đã cho phép chúng tôi tìm cách giải quyết những sự khác biệt với một cách thức rất thành thật và có tính chất xây dựng. Chúng tôi không che lấp những sự khác biệt này. Chúng tôi không che giấu chúng."
Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Đài VOA biết rằng tuy mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên dự kiến là một trong các vấn đề quan trọng nhất tại cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ -Trung, Hoa Kỳ cũng sẽ nêu lên những mối quan tâm về những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á cũng như vấn đề an ninh mạng.
Một nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi đầu tháng này áp đặt những biện pháp chế tài mới có tính chất nghiêm nhặt đối với Bắc Triều Tiên. Biện pháp này đặt Trung Quốc vào tâm điểm của sự chú ý vì 90% hoạt động ngoại thương của Bình Nhưỡng là với Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc. Trong thời gian qua, Washington đã ra sức thúc giục Bắc Kinh gây ảnh hưởng và sức ép lên Bắc Triều Tiên để họ ngưng chỉ những hành động khiêu khích hạt nhân.
Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm bảo đảm việc thực thi nghị quyết của LHQ một cách nghiêm chỉnh cho đến giờ là "rất tốt đẹp."
Trong lúc diễn thuyết tại Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài tại Washington ngày hôm qua, Phó bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller nói:
"Trung Quốc và chúng tôi cùng tập trung chú ý một cách rất mạnh mẽ vào việc bảo đảm cho sự thực thi tốt đẹp và vững chắc nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, một nghị quyết, mà như quí vị đã biết, đặt ra những sự hạn chế mạnh mẽ đối với khả năng của Bắc Triều Tiên để tiến hành hoạt động ngoại thương, bất kể là bằng đường biển, đường hàng không hay đường bộ."
Biển Đông
Mặc dầu Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Washington đã rất kiên quyết trong việc bảo vệ cho các nguyên tắc, bao gồm việc phi quân sự hóa các hòn đảo có tranh chấp và dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết một cách hòa bình những cuộc tranh chấp.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tiến hành một kế hoạch qui mô lớn để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông thông qua việc xây đảo nhân tạo và những công trình khác, bất chấp những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau của Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Gần đây hơn, Trung Quốc đã bố trí một hệ thống radar trên những hòn đảo có tranh chấp và một hệ thống phi đạn địa đối không tối tân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.
Về việc này, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes, phát biểu như sau tại cuộc họp báo hôm thứ tư.
"Chúng tôi sẽ trình bày một cách rất rõ ràng khi chúng tôi tin là có những hành vi đi ngược với các nguyên tắc đó, cũng giống như chúng tôi đã và đang trình bày một cách rất rõ ràng là việc thúc đẩy cho những nguyên tắc quốc tế, như tự do hàng hải, là phù hợp với quyền lợi của chúng tôi."
Trong thời gian qua, những chiến hạm của Mỹ đã thực hiện những cuộc tuần tra mà các giới chức ở Washington gọi là hoạt động tự do hàng hải trong hải phận quốc tế, kể cả việc tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc phản đối những hoạt động của Mỹ mà họ cho là có tính chất gây hấn.
Cuộc họp ngày hôm nay giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình là cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Washington trong năm 2016 giữa hai ông, 6 tháng sau khi ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2015. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Báo động điểm nóng tin tặc Việt Nam
Việt Nam sẽ là một trong những ‘điểm nóng’ về tội phạm công nghệ cao. Dự báo trên được đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết hôm 29/3 tại Hội thảo Security World 2016 diễn ra Hà Nội.
Giới chức Việt Nam trích số liệu của hãng bảo mật Symantec cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 11 toàn cầu về các hoạt động đe dọa tấn công mạng.
Trong khi đó, thống kê của hãng bảo mật Kaspersky cho biết Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm mã độc qua thiết bị lưu trữ ngoài.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), đã có 31.585 sự cố an ninh thông tin được trung tâm này ghi nhận, trong đó có gần 6.000 vụ tấn công lừa đảo, gần 9.000 vụ tấn công thay đổi giao diện và gần 17.000 vụ cài mã độc.
Theo đại tá Võ Tuấn Dũng, tội phạm công nghệ cao thường tập trung ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm của Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam là do bảo mật kém, nhiều lỗ hổng và những sơ xuất của người sử dụng.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng, đại tá Nguyễn Văn Thỉnh, cũng cho biết có sự gia tăng về hoạt động thu thập thông tin tình báo của các nhóm tin tặc nhắm vào Việt Nam.
Các chuyên gia cảnh báo an ninh mạng tại Việt Nam hiện trong tình trạng đáng báo động và cần phải gấp rút tìm ra các giải pháp phù hợp để tự bảo vệ mình.
Security World là diễn đàn công nghệ thông tin được tổ chức hàng năm tại Việt Nam kể từ năm 2007, với sự góp mặt của nhiều công ty công nghệ thông tin quốc tế và các chuyên gia về bảo mật. - VOA
|
|
5.
Trung Quốc: Không cần làm rùm beng các kế hoạch ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm lên án những phỏng đoán là nước này sẽ tuyên bố một vùng phòng không ở bên trên Biển Đông có tranh chấp, sau khi Mỹ cho biết đã nói với Trung Quốc rằng sẽ không công nhận một vùng như vậy.
Các quan chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vài tuần nữa về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến việc Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, ADIZ, ở Biển Đông, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013.
Thứ trưởng Quốc phong Mỹ Robert Work hôm thứ Tư nói Mỹ sẽ coi một động thái như vậy là “gây mất ổn định” và sẽ không công nhận một vùng như vậy ở Biển Đông, như đã làm ở Biển Hoa Đông.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Work, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói bất cứ nước có chủ quyền nào cũng có quyền lập ra ADIZ.
“Về vấn đề này, các nước khác không cần phải làm rùm beng lên”, ông Dương nói tại một cuộc họp báo hàng tháng. Ông nói thêm việc lập vùng nhận dạng phòng không tùy thuộc vào các mối đe dọa và cần nhiều cân nhắc, nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với các láng giềng Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Taiwan về Biển Đông đã tăng lên sau khi Bắc Kinh bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở các đảo vả bãi san hô có tranh chấp ở vùng biển.
Về vụ khiếu nại của Philippines, Phó Thẩm phán Cao cấp Tòa án Tối cao Philippine Antonio Carpio hôm thứ Năm nêu ra 3 kịch bản tại một diễn đàn bàn về phán quyết trọng tài và các khả năng về địa chính trị, với sự tham dự của giới quân đội, Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán nước ngoài.
Theo Phó Thẩm phán Carpio, kịch bản xấu nhất là Tòa Trọng tài Quốc tế không phán quyết về tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, tuyên bố rằng đảo Itu Aba - tức đảo Ba Bình - có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và bãi cạn Scarborough (hay Hoàng Nham) chỉ có vùng lãnh hải, và không phán quyết về các vấn đề khác.
Nếu điều này xảy ra, ông Carpio nói Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ phải “mua chiến hạm, chiến đấu cơ và hỏa tiễn chống hạm” để bảo vệ vùng biển của mình.
Với kịch bản này, Trung Quốc sẽ thực thi đường lưỡi bò, chặn đường và quấy rối các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia khi họ tiếp tế các đảo do họ kiểm soát, và tranh chấp pháp lý tiếp tục diễn ra.
Vị phó thẩm phán nói Philippines cần phối hợp với Việt Nam, Malaysia và Brunei để ra tuyên bố rằng không đảo nào hoặc bãi cạn nào ở Trường Sa có vùng EEZ cả.
Tuy nhiên ông cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Kịch bản thứ hai, theo ông, đó là “phán quyết lưng chừng”, theo đó, tòa tuyên bố đường lưỡi bò vô giá trị, bãi Scarborough chỉ có hải phận là ngư trường truyền thống của Philippines, và không phán quyết về các vấn đề khác. Phán quyết này sẽ giảm vùng tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc từ 531.000 kilomet vuông xuống cón 23.000 kilomet vuông, tự do hàng không, hàng hải bên ngoài vùng lãnh hải và không phận ở Biển Đông được công nhận.
Nhưng vị phó thẩm phán hy vọng nhất về kịch bản tốt nhất, theo đó tòa phán quyết đường lưỡi bò vô giá trị, đảo Ba Bình không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ, xác nhận các bãi cạn mà Philippines nêu ra, bãi Scarborough chỉ có hải phận và là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.
Nếu có phán quyết này, vùng tranh chấp của Philippines với Trung Quốc chỉ còn 1.551 kilomet vuông.
“Tôi rất lạc quan về kịch bản tốt nhất này”, ông Carpio nói với các phóng viên. - VOA
|
|
6.
Nữ chủ tịch quốc hội Việt Nam nguyện ‘trung thành với dân’
Nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên của Việt Nam cam kết “tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân”, và không đặt đảng lên đầu như các tuyên bố thường thấy trước đây.
Các bức ảnh và video được chính phủ Việt Nam công bố cho thấy, trong lễ tuyên thệ hôm nay, ngay sau khi được đa số các đại biểu quốc hội tán thành, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đặt bàn tay trái vào cuốn hiến pháp và tay còn lại giơ cao. Bà nói:
"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó."
Trước đó, 95% đại biểu quốc hội Việt Nam (hơn 470 người) đồng ý để bà Ngân làm người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam, lên thay ông Nguyễn Sinh Hùng bị miễn nhiệm một ngày trước đó.
Bà Ngân trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và cũng là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức.
Cuối năm ngoái, quốc hội Việt Nam đã thông qua một quy định, theo đó thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phải “tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp” khi nhậm chức.
Một số nhà quan sát cho VOA Việt Ngữ biết rằng điều đáng chú ý là “không có đảng trong phần phải tuyên thệ trung thành”.
Bình luận trên trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam, một người sử dụng mạng tên Phuong Dang viết: “Nhớ những nhiệm kỳ trước là ‘tuyệt đối trung thành với đảng…’ mà? Nhỡ cô Ngân không làm theo ý đảng thì sao? Bắt bỏ tù à? Kỷ luật, cảnh cáo…?”
Một người khác tên Phạm Bá Mạnh viết: “Phải thêm vào tuyên thệ là trung thành với nhân dân, tuyệt đối không bán nước cầu vinh và giữ vững từng tấc đất chủ quyền lãnh thổ”.
Sau đại hội đảng hồi tháng một vừa qua, bà Ngân đã được đảng đề cử làm chủ tịch quốc hội cùng với hai ứng viên Trần Đại Quang cho vị trí chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc cho vị trí thủ tướng.
Hôm nay, quốc hội Việt Nam cũng đã miễn nhiệm chức chủ tịch nước của ông Trương Tấn Sang và trên cương vị mới, bà Ngân cũng đã đề cử ông Trần Đại Quang, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an, lên thay ông Sang.
Việc bãi nhiệm “tam trụ” trước thời hạn đã gây ra nhiều tranh cãi thời gian qua, và thậm chí có nhà quan sát còn cho rằng đó có thể coi là “cuộc đảo chính”. - VOA
No comments:
Post a Comment